Lớp học cuối tuần như buổi chợ chiều. Mệt mỏi và lười biếng, không tên sinh viên nào buồn đụng đậy, cũng không thắc mắc nhận định; gian phòng im phăng phắc ngoài tiếng giảng bài đều đều và nhừa nhựa của ông thầy Psychology già tóc trắng phau phau. Weekend! Đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời sinh viên, nhất là sinh viên nội trú. Mỗi con tim là mỗi dự định khác nhau, tạm quên sách vở để về với gia đình, với những party dài suốt sáng nhảy nhót đến nhừ cả chân, những cái picnic cắm trại ngoài trời đầy thơ mộng bên con sông, bờ suối với cây cỏ thiên nhiên, những giấc ngủ không buồn ngóc dậy, chịu hy sinh cả điểm tâm lẫn ăn trưa. Việt Phương nghĩ thầm, riêng anh chàng Phi Châu ngồi song song với nhỏ Susan chắc là bằng lòng hy sinh cả cơm tối để được ngủ cho bằng thích. Chao ơi, anh chàng cứ vô lớp Psychology là đầu gật lên gật xuống mỗi khi Việt Phương nhìn sang, làm Phương nhiều khi phải kêu nho nhỏ trong bụng ê, đừng gục lên gục xuống chớ, không chừng Việt Phương gục theo bây giờ. Nghe đâu anh chàng làm việc quá nhiều, sau giờ học làm ở trường, và tối về làm thêm ở một nhà hàng ăn nào đó ở dưới phố. Hình như cũng hiểu ý của học trò nên ông thầy hiền từ vẫn tiếp tục giảng bài, mặc cho Phil ngủ vùi trên bàn, mặc cho cô bé Margeritte lâu lâu buồn buồn lại bẻ tay rôm rốp. Thỉnh thoảng, ánh mắt ông đụng phải nhỏ Việt Phương đang viết lách vớ vẩn - Chắc chắn là không phải đang ghi note - Ông chỉ mỉm cười khoan dung. Đó là những hình ảnh quen thuộc của giờ học cuối tuần.

Gần hết giờ, Jane ngồi bên cạnh Việt Phương viết giấy đưa sang. Việt Phương liếc mắt nhìn thầy và mở vội mảnh giấy đọc: “ Ê, Phương, tối nay đi dự sinh nhật của Stephanie với Jane cho vui đi. Năn nỉ mà. Việt Phương nhìn sang lắc đầu nguầy nguậy.

Jane là cô bạn thân thiết của Việt Phương trong ba năm qua, tính tình dịu dàng và tế nhị như người Á Đông. Buổi học đầu tiên hai người quen nhau Việt Phương hãy còn nhớ rõ. Việt Phương chân ướt chân ráo vừa lạ người lạ cảnh, từ phố xá lúc Việt Phương cần đi mua một ít đồ dùng tới những cái building, cái hall trong campus khi phải đổi lớp, lúc đi ăn, lúc về ngủ, làm Việt Phương chạy đi kiếm nhiều bữa muốn nhoài cả người. Gặp sinh viên Mỹ, Phương ngại không dám hỏi vì nghi ngờ khả năng Anh ngữ bằng sách vở của mình. Jane từ tiểu bang Mississippi mới sang chẳng khác gì Việt Phương; lạc lõng giữa một đại học lớn có đông sinh viên cộng thêm tính nhút nhát, Jane cũng bối rối không ít. Và hai đứa gặp nhau trong lúc đi tìm lớp Math cho giờ học đầu tiên. Chừng hỏi chuyện mới biết là học chung một ngành, cả hai xin đổi hall để ở chung một phòng, cùng học bài với nhau, cùng đi ăn, cùng đi học. Tình bạn thắm thiết và đậm đà đã nẩy sinh từ đó.

Sợ những cái lắc đầu không đủ cho Jane hiểu, vì cách đây hai hôm Jane đã rủ Việt Phương đi dự sinh nhật của cô em họ của Jane mới qua tiểu bang này học năm nay và năn nỉ Việt Phương đi cho vui với lý do “ không lẽ sinh nhật của cô em mà Jane không đến, không lẽ Jane bỏ Việt Phương nằm ở nhà một mình, vui sao được nếu Việt Phương không đi? nên Việt Phương cũng viết giấy chuyển sang với vài hàng cắt nghĩa: “ Jane thương, tha lỗi cho Việt Phương nha, vì Phương hơi mệt không thể đi tối nay, Phương cần sự yên tĩnh. Jane đi chơi, có gì vui vẻ về kể cho Phương nghe là đủ rồi...

Đọc xong, Jane gật đầu, và cô xoay người xếp nhanh những cuốn sách.

Tan trường, Jane còn lên thư viện trả một chồng sách báo và định gặp Stephanie nên Việt Phương thả bộ về trước, gặp anh chàng George cười hớn hở chúc Việt Phương một weekend thật đẹp. Việt Phương cũng cười chúc lại rồi đi nhanh về hướng hall Caroline. Với Việt Phương, những weekend là những giờ phút để nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ các em, và rồi là những đêm dài, ngày dài vùi đầu vào những trang sách, những chồng course cao ngất. Lúc nào, ở đâu hình ảnh của gia đình cũng là động lực mãnh liệt nhất thúc đẩy Việt Phương chăm lo gắng sức học hành, là niềm tin đưa Việt Phương mau đến cùng đích. Bạn bè phải kêu:" Việt Phương cũng nên để đầu óc nghỉ ngơi một chút chứ ". Vì vậy, thỉnh thoảng Việt Phương mò lên Tổng hội Sinh viên Việt Nam tán dóc với mấy anh chị một vài giờ, làm nũng chị Tổng Thư Ký vòi vài viên kẹo, hay đòi anh Văn đàn và hát cho nghe vài bản nhạc quê hương, lang thang về campus qua những con đường vắng vẻ thơ mộng. Một tâm hồn bé nhỏ với đầy ắp những ước mơ, rồi về phòng loay hoay viết những trang thư gởi cho bố mẹ và các em.

Những ai ở nội trú mới thấu hiểu cái thú mong thư, nhận thư những chiều đi học về. Niềm vui vỡ òa, tay chân hoa múa. Ra khỏi lớp học là một đám thi nhau đoán coi hôm nay ai có thư. Nhỏ Shirley hay kêu, “ hôm nay tao có thư. Có đứa nào coi không? Có là cái chắc! Nhưng bất hạnh thay, Jane mới là người nhận được thư nhà đều nhất, kế đó là Việt Phương. Vừa về đến dorm là chạy vào hành lang ở phòng khách để nhòm vào hộp thư, vừa run run vừa hồi hộp cầu nguyện, ước gì ta có thư hôm nay. Hộp thư trống rỗng, ngắm vào mấy hộp thư của lũ bạn cho đỡ buồn. Rồi xin coi ké, rồi năn nỉ đòi bạn chú thích thêm khi gặp phải một lá thư tình. Đó là nhỏ Shirley hay đòi đọc thư của Wendy do bồ nó gửi. Rồi là những câu bình giảng, rồi là những ý tưởng lạ phát xuất từ phương pháp suy diễn, rồi là những tiếng cười như muốn phá vỡ Caroline Hall.

Việt Phương thì thích một đời sống riêng tư, kín đáo, nên thỉnh thoảng chỉ có Jane là người được ghé mắt vào thư nhà của Việt Phương, bởi vì Jane là cô bạn thân nhất, hiểu Việt Phương nhiều nhất. Mỗi lần có thư, Việt Phương hay chui vào phòng piano để đọc trong yên lặng và thảnh thơi, không sợ bị ai phá rầy, vì trong hall này chỉ có mình Việt Phương là hay chơi đàn. Ở phòng khách thì hay gặp đám bạn trai ồn ào của Shirley từ hall Whitney sang chơi, phòng TiVi thì luôn luôn có sinh viên vào ra xem movie, phòng ngủ chính của Jane và Việt Phương thì nghe Việt Phương có thư là tấp nập lũ bạn cứ mò qua, năn nỉ đòi xem ké cho đỡ buồn. Việt Phương càng che giấu thì tụi bạn lại càng tò mò, cứ nghĩ là Việt Phương nhận được thư bồ - Có đọc được chữ Việt đâu mà chúng chẳng nghi!

Khung cảnh dorm vắng vẻ, lặng yên trong những ngày cuối tuần đã thành quá quen thuộc với Việt Phương. Mặc lũ bạn hớn hở xếp sách vở, soạn quần áo để về hưởng weekend với gia đình, mặc những tiếng ồn ào chọc phá nhau, những tiếng lao xao rủ nhau đi tắm, Việt Phương và Jane theo thường lệ vẫn ở lại trường để đọc sách, xem TiVi, đi ăn và rồi về ngủ. Đâu có gia đình ở gần mà về nũng nịu với bố mẹ, đòi bố đưa đi coi xi-nê, đòi mẹ nấu cho những món ăn ngon hay đôi khi chọc phá cho lũ em la inh ỏi. Gia đình Jane ở tận Mississippi, một năm Jane mới về thăm hai lần: một vào dịp Giáng Sinh và một vào dịp nghỉ hè. Jane có một bà cô ở dưới phố. Lâu lâu, bà vào dorm kéo Jane về ở với bà hai ngày cuối tuần cho vui; bà cởi mở và hay săn sóc Jane. Một hai lần Việt Phương có đến ở chơi vài ngày. Bà cũng thương Việt Phương như thương Jane. Tuy nhiên, những lần Jane rủ ra ở với bà, Việt Phương thường chối từ, thích một mình trong hall, ăn và ngủ lủi thủi một mình, để buổi chiều dạo lang thang trên những lối đi nhỏ trong campus, mơ mộng và vẽ vời một ngày về không xa lắm trong tương lai. Bố mẹ sẽ thật vui khi thấy con thành tài, lũ em nhỏ sẽ hãnh diện về người chị học giỏi, bà con sẽ khen ngợi, lối xóm sẽ trâm trồ. Tâm hồn Việt Phương sẽ ấm áp dưới mái gia đình. Vẫn nhỏ dại như ngày nào, vẫn hay giận hờn và vòi vĩnh.

Có sống xa gia đình mới thấy là thương nhớ gia đình quá đỗi, thèm những bữa cơm với gia đình, nhớ ánh mắt bố nhìn nghiêm nghị, nhớ giọng nói hiền từ đầy ắp thương yêu của mẹ, nhớ những lần la kiện của lũ em. Những chiều thứ sáu ngồi nhìn bè bạn xôn xao chờ cha mẹ đến đón mà thấy những ngày weekend thật dài, thấy tâm hồn trống trải và bơ vơ, thèm bay về quê hương sống với gia đình để nhìn bố để thấy mẹ và để chọc cho lũ em la muốn sập trời.

Chị Việt Phương chi mà giống tính con trai, lũ em nhỏ vẫn thường hay phàn nàn. Ngày Việt Phương đậu Tú Tài, út Tú vẫn mong chị Việt Phương du học cho mau để ở nhà không còn ai chọc Tú khóc. Nhưng dạo này Tú viết thư hay lắm rồi, thư nào cũng kêu thương nhớ chị Phương dễ sợ, và còn biết vòi quà nơi chị Việt Phương, một đôi khi lại còn lên tiếng chỉ trích chị Việt Phương cứ lâu lâu viết thư lại chêm tiếng chi làm Tú đoán gần chết, đừng viết tiếng người ta nghe, chị, cứ tiếng Việt viết đi, chữ nào Tú cũng biết. Lũ em nhỏ đứa nào cũng lớn khôn ra, còn Việt Phương sao vẫn mãi bé thơ?

Về đến hall, như thói quen, Việt Phương chạy đi tìm thư. Ghé mắt vào hộp thư trống rỗng, Việt Phương nói thầm, hôm nay không có thư, lại thêm một ngày đợi chờ. Bước lên cầu thang, Việt Phương gặp nhỏ Wendy vội vã đi xuống, cô này chiều nay sửa soạn trông thật đẹp với soiree dài và tóc quấn cao. Chắc lại party nào nữa đây! Việt Phương mỉm cười nghĩ, ý chừng Wendy làm đẹp với một boyfriend mới!

Wendy nói nhanh:

− Ăn sinh nhật của Stephanie. Jane cũng đi. Đông lắm, chắc là vui. Sao Việt Phương ở nhà? Buồn chết!

Việt Phương cười:

− Ở nhà cũng thú vậy. Này nhé, Phương coi movie rồi Phương chơi đàn, xong Phương đi ngủ.

Wendy le lưỡi:

− Ôi chao! Chán chết, gì mà weekend nào cũng giống nhau! Đi chơi đi, Wendy sẽ giới thiệu cho Việt Phương một người bạn trai, rồi mỗi weekend đưa nhau đi party nhảy nhót cho vui. Sống gì mà giống như một dì phước thế kia! Ở hall này ai cũng như Việt Phương có mà biến thành cái nhà dòng sớm!

Việt Phương cười, trả lời:

− Tại mỗi người có một lối sống khác nhau, làm sao Việt Phương giống Wendy được? Wendy hoạt động, thích bạn bè ồn ào nhảy nhót trong khi đó Việt Phương lại thích yên tĩnh, thích nghe nhạc nhẹ nhàng và hay trầm tư suy nghĩ. Hơn nữa, Việt Phương là người con gái Á Đông, lâu lâu đi dự một cái party có tính cách gia đình thân thiết hay một cái sinh nhật của người quen biết thì được. Đi hoài là ba má ăn ngủ không yên à!

Wendy cũng cười đồng ý:

− Thôi, chịu khó ở nhà một mình, có thấy buồn xuống phòng TiVi mà coi, hall này tối nay không còn ai đâu đó.

Nói hết câu, Wendy vội vã bỏ đi. Đã đến giờ cơm chiều. Thật như Wendy nói, hall chẳng còn ai, vắng vẻ và yên lặng. Jane đã sửa soạn đi dự sinh nhật từ lúc nào. Trên bàn, ai đã cắm một cành hồng đỏ thắm xinh xắn, quyến rũ Việt Phương nhìn ngây ngất. Đưa một hơi hít hà, Việt Phương thắc mắc tự hỏi:

− Cành hồng của ai nhỉ? Jane đâu có thích ngắm hoa hồng, cô nàng vẫn kêu hồng chi mà hương sắc quá đậm đà, đâm ra đài các, kiêu kỳ. Chẳng lẻ...Đúng rồi!

Việt Phương nhướng mắt nhìn kỹ. Dưới lọ hoa là một mảnh giấy nhỏ. Nét chữ của Jane: “ Việt Phương ơi, hôm nay đi ăn một mình, chắc buồn hả? Thôi cảm phiền một bữa, ai bảo Việt Phương không thèm đi với Jane? Thích nằm nhà và ngắm hoa hồng cơ. Đố Việt Phương hoa của ai? Của anh chàng Carlos gửi tặng đó, nghen! Tình quá đi thôi! " Việt Phương đoán chẳng sai. Người tặng cành hồng là anh chàng sinh viên Y khoa người Ý, thấy Việt Phương thích hoa hồng nhung, lâu lâu vẫn lén tặng Việt Phương một cành hồng, nhờ Jane cắm hộ trên bàn học của Việt Phương làm Việt Phương thắc mắc nhiều lần, gạn hỏi mãi mà cô nàng Jane vẫn giấu kín. Sao tự nhiên hôm nay Jane lại bật mí chứ. Việt Phương bật cười nói nhỏ:

− Hồng thì em rất thương, còn chàng thì em không dám!

Việt Phương chưa biết yêu. Với Việt Phương, quê hương và gia đình là hai tình yêu lớn chiếm trọn trái tim, hai tình yêu nồng nhiệt và ngút ngàn. Bạn bè, anh chàng nào mon men bóng gió tán tỉnh là Việt Phương lờ đi bằng những câu nói vu vơ. Ngày đầu, Carlos bảo Carlos thương Việt Phương ngay vì nét thùy mị dễ yêu của người con gái Á Đông. Việt Phương kêu người Việt Nam chúng tôi, tình yêu rất là quan trọng, phải tìm hiểu lâu, tình càng lâu thì tình càng đậm đà. Từ ngày đó đến nay đã ba năm. Việt Phương sẽ phải cắt nghĩa thế nào nếu Carlos lại tỏ tình một lần nữa?

Buông mình xuống giường, đầu óc Việt Phương xoay vần với những ý tưởng đâu đâu, rồi hình ảnh bố mẹ và các em lẫn lộn hiện ra trong tầm mắt. Giờ này hẳn bố đang đọc sách, còn mẹ thì đang xếp chồng quần áo để cho vào ngăn tủ mỗi đứa. Còn đám em đang quây quần bên chiếc máy truyền hình nuối tiếc, thèm mong vài phút coi thêm khi bố hối thúc đi học bài. Có ai còn nhớ đến Việt Phương?

Giờ cơm đã qua, Việt Phương vẫn nằm dài trên giường. Những luồng gió lạnh thổi vào phòng qua khung cửa sổ làm Việt Phương rùng mình. Giơ tay kéo mền đắp kín thân thể, Việt Phương cảm thấy một chút ấm áp, dễ chịu. Màn đêm buông xuống, gian phòng chìm vào bóng tối. Khép nhẹ đôi mắt, tâm hồn bâng khuâng, Việt Phương nghĩ đến một ngày về. Chỉ một năm nữa sẽ thanh toán xong mảnh bằng. Bay vù về với gia đình là một ước mơ lớn nhất đối với Việt Phương lúc này. Không ai nhớ bố nhớ mẹ, nhớ các em bằng Việt Phương; sáng ngủ dậy là thấy nhớ, ngồi học mà đôi khi tâm hồn chỉ hướng về quê nhà - Jane phải viết giấy đẩy sang nhắc khéo - Đêm về ngủ thì mộng mơ, nỗi nhớ càng nhiều hơn. Anh Thùy, con bác Thanh - Bạn của mẹ - Một lần đùa như thật, nói:

− "Ước gì Việt Phương lâu lâu lại nhớ Thùy như thế thì hạnh phúc biết mấy!"

Có lần bà thầy Human Relations nhắc khẽ cả lớp: “ Are you with me? Nhưng Việt Phương biết rõ là bà đang nhắm vào mình...

Jane đi dự sinh nhật về, khe khẽ bước vào phòng, lại bên cạnh giường Việt Phương, thì thầm:

− Mong Việt Phương gặp nhiều mộng đẹp. Ngày về sẽ ngắn hơn, nghe Phương.

*

* *

Việt Phương vừa thi xong thì những tin tức sốt dẻo về các trận đánh ở quê nhà, tin mất liên tiếp từ tỉnh này qua tỉnh khác, dồn dập đưa qua. Từng ngày, từng đêm trên radio, TV đề cập phần tin nóng hổi về Việt Nam. Dân Mỹ ơ hờ, dửng dưng như đã biết trước và chấp nhận những ngày tháng sụp đổ của miền Nam. Rồi những chuyến di tản người, những chương trình khẩn cấp. Việt Phương bồn chồn, nóng nảy, lo cho gia đình và nhất là bố, không biết bố có dự trận đánh lớn, ác liệt nào không...

Việt Phương không biết làm gì hơn là lên Tổng Hội Sinh Viên hỏi thăm tin tức. Tâm trạng của đám sinh viên Việt Nam trong những ngày đó đều giống nhau, lo âu và bất lực. Chỉ biết quây quần bên chiếc TiVi mà hồi hộp cầu nguyện... Saigon không thể nào mất được. Saigon dễ thương và đáng yêu... Không nhiều thì ít, ở đây ai cũng có với Saigon những kỷ niệm khó quên. Gia đình, bạn bè, những tháng ngày thơ mộng, đó là nơi mà biết bao nhiêu dự định đổ về, nơi hẹn hò của những đôi cánh vẫy vùng sau bao năm học hỏi nơi xứ người... Nhưng nơi đó đang thật sự hấp hối, Saigon đã giống như một con thú bị thương nằm giãy giụa sau khi các tỉnh miền Trung lần lượt rơi vào tay cộng sản. Mọi mạch máu tiếp tế đang bóp nghẽn hơi thở của Saigon. Thành phố thân yêu đó đang đợi chờ giây phút cuối cùng. Hết ông Tổng Thống này xuống đến ông Tổng Thống kia lên, điều đình rồi hòa giải, rồi tuyên bố chiến đấu bên nhau đến giờ phút cuối, rồi kết án kẻ bỏ nước ra đi, trong khi đó Saigon vẫn tiếp tục rên xiết, giới nghiêm, báo động, pháo kích để rồi cuối cùng thì Saigon bỏ ngỏ, Saigon đã thật sự ra đi.

Việt Phương chỉ biết khóc vùi trong những ngày sau đó. Tin tức về gia đình im bặt. Việt Phương như một người bỗng dưng rớt giữa biển khơi, bơ vơ, lạc lõng, sách vở để qua một bên, cơm nước không màng, có đến trường thì đầu óc cũng ngơ ngơ ngáo ngáo. Thường trực đón nghe tin tức về hành trình di tản của những người may mắn đi được với hy vọng biết tin về bố mẹ và các em, nhưng mỗi lần như thế chỉ khiến Việt Phương thêm lo lắng, khóc sáng khóc chiều. Jane thương bạn, vẫn ái ngại khuyên nhủ và dỗ dành Việt Phương nên bình tĩnh chờ tin và đừng quá buồn có hại cho sức khỏe. Lên Tổng Hội Sinh Viên thì cũng chỉ gặp những khuôn mặt hốt hoảng, chạy lui chạy tới dò tin. Chỉ có gia đình Hồng Hạnh và gia đình anh Thùy là đi thoát được, nhưng hai người cũng không dám lộ vẻ vui mừng nhiều trước một đám bạn kém may mắn. Bác Thanh khi gặp Việt Phương chỉ biết khóc ròng, không nói được gì nhiều. Sau đó, gia đình bác lên định cư tại tiểu bang Washington, vùng Tây Bắc nước Mỹ.

Khi camp Pendleton mở cửa đón tiếp đoàn người di tản, cả nhóm anh em Việt Nam thay nhau vào giúp đỡ thăm hỏi đồng bào. Những chuyến xe buýt chở người tới đều có mặt Việt Phương đón tiếp và hồi hộp dò kiếm gia đình. Nhiều lần đã hoài công, tuyệt vọng. Những chuyến xe buýt chở người đến rồi những chuyến xe buýt chở người đi phân tán khắp đại lục Hoa Kỳ. Những buổi tối lang thang qua các trại, những dốc những đồi trong ánh đèn mờ mờ ảo ảo, sương xuống ướt lạnh đôi vai. Việt Phương không biết mình đi đâu, với mục đích gì, gặp xe buýt là leo lên, qua camp 4, camp 5, camp 6, camp 7, vòng về camp 1, rồi camp 1 đi camp 4, 5...Tối nay cũng vậy, khi Việt Phương trở về thư viện, đêm đã khuya. Bóng Việt Phương in trên con dốc nhỏ, ngã nghiêng và buồn bã, lặng lẽ và cô đơn. Jane thức dậy khi Việt Phương vạch lều bước vào đưa theo một luồng gió lạnh buốt. Jane hốt hoảng kêu lên:

− Trời ơi! Lạy Chúa, Việt Phương đi đâu mà quần áo ướt mem vậy? Mau mau thay đồ đi. Jane đã nói đêm tối, trời lạnh lắm mà sao Việt Phương vẫn cứ đi? Có làm chi thì Việt Phương cũng phải nghĩ đến sức khỏe của Việt Phương chứ?

Việt Phương chỉ biết ôm chầm lấy Jane mà khóc nức nở:

− Jane ơi! Phương khổ quá, Jane ơi! Ba mẹ Ơi, bây giờ ba mẹ Ở đâu?

Giúp Việt Phương thay áo quần, Jane dỗ dành:

− Nín đi, Phương...Jane thương Việt Phương lắm. Ngủ ngon, đừng nghĩ gì nữa! Nghe đâu ngày mai sẽ có một nhóm mới từ đảo Wake đến. Bây giờ, Việt Phương phải nhắm mắt ngủ thật ngon, hứa với Jane là không đi lang thang nữa, để có sức ngày mai đi giúp đỡ đồng bào của Phương, nghe! Hy vọng...

Jane bỏ ngang câu nói. Jane định nói “ hy vọng chuyến này có cả gia đình Việt Phương “ nhưng rồi nghĩ đến đã bao lần Jane dỗ dành Việt Phương với cái hy vọng đó để rồi lần nào Việt Phương cũng bị thất vọng liền sau đó, nên Jane nghĩ không nên nhắc đến hai tiếng hy vọng, may ra hạnh phúc sẽ đến với Việt Phương một cách bất ngờ... Jane ái ngại nhìn Việt Phương, chỉ sợ Việt Phương nhận ra điều đó rồi buồn nhưng Việt Phương đã mệt mỏi ngả đầu trên vai Jane ngủ lịm.

Đặt Việt Phương nhè nhẹ xuống ghế bố, lấy chăn đắp kín cho bạn, rồi Jane đi nằm. Nhưng rồi Jane không thể nào dỗ lại được giấc ngủ nữa. Nỗi buồn của Việt Phương vây phủ tâm hồn Jane, Jane thương Việt Phương như chị em ruột thịt thương nhau, làm sao Jane có thể dửng dưng trước nỗi xót đau, bàng hoàng của bạn được? Trong giấc ngủ mệt mỏi, tiếng Việt Phương chợt đứt đoạn tức tưởi:

− Bố mẹ Ơi! Tú ơi...Khôi, Hương ơi...

Từ góc lều bên kia, một đứa nhỏ bỗng khóc thét đòi sữa. Nghĩ trời chắc lạnh, Jane ngồi dậy, lấy khăn của mình đắp cho Phương rồi đến bàn, chống tay lên cằm, tư tự.

Viết xong lá thư gởi cho cha mẹ Ở tiểu bang Mississippi, thăm lại giấc ngủ của Việt Phương rồi Jane trở lại chỗ nằm, chợp mắt được vài tiếng thì trời đã sáng. Việt Phương thức dậy trước và đang ngồi ủ rũ như con mèo nhỏ, đôi mắt xa xăm, thờ thẫn...Jane hỏi:

− Sao Phương dậy sớm thế? Gió sớm còn lạnh lắm, hãy gắng ngủ thêm một chút nữa, Phương!

− Phương không thể ngủ lại được! Mấy giờ xe buýt đến trại, Jane?

− Nghe đâu khoảng 8 giờ.

Jane đáp và đưa tay coi giờ nhưng trong lều quá tối, Jane không thể coi nổi, đoán là còn sớm lắm.

Ngoài trời, mưa vẫn phơn phớt, dai dẳng. Mùa hè đang bắt đầu, nhưng núi đồi thung lũng vẫn còn đưa về những cơn gió rét lạnh làm tăng vẻ đáng thương của đám dân tỵ nạn đã quen với khí hậu ấm áp. Quen Việt Phương, yêu mến Việt Phương như người thân để rồi bây giờ Jane yêu mến luôn những người cùng màu da, cùng tiếng nói với Việt Phương. Jane cảm thấy họ thật gần với mình, thân thiết như ruột thịt máu mủ...

Người thiếu phụ tên Tâm ở cùng lều hỏi Việt Phương :

− Cô ngủ được không, cô Phương?

Việt Phương gật đầu:

− Cám ơn chị, nhờ mệt mỏi nên Phương đã ngủ một giấc rất ngon, không thao thức như đêm trước. Cháu bé chịu lạnh quen chưa hả, chị?

Thiếu phụ cười:

− Thằng chó con vừa không quen lạnh vừa làm nũng, nó ọ ẹ suốt đêm...

Rồi vừa hôn con, thiếu phụ nạt yêu đứa nhỏ:

− Tối nay không cho tui ngủ là tui cho ông Mỹ đen đấy!

Nhìn sang Jane, thiếu phụ nói với Việt Phương:

− Cô có cô bạn Mỹ tốt quá!

Vừa lúc đó, chị Thúy, chị thư ký của Tổng Hội, vạch lều, ló đầu vào, lên tiếng:

− Phương, Jane dậy chưa?

Việt Phương hỏi:

− Có chuyện gì đó chị?

Chị Thúy nói chuyện như không kịp thở:

− Sửa soạn mau mau ra đón bà con mới tới, sớm hơn đã định. Chỉ còn mười phút nữa thôi, hai chuyến buýt sẽ tới ngay, phân phối một nửa cho camp 4 và một nửa cho camp 5...

Việt Phương nhảy vội ra khỏi ghế bố, khoác nhanh chiếc áo jacket vào người. Jane cũng nhanh không kém, không quên choàng thêm lên đầu Việt Phương một chiếc mũ len. Cả hai chạy như bay trong sương mù buổi sáng...

*

* *

Gặp gia đình bác Tuyến ở cùng xóm, hỏi chuyện thì Việt Phương biết là cho đến ngày cuối, bố vẫn chưa về được Saigòn sau chuyến hành quân định mệnh. Mẹ trông chờ, khóc lóc, nhưng thiếu bố, mẹ không có ý định ra đi, thế là cả gia đình kẹt ở lại. Hết hy vọng Việt Phương trở lại trường học cho qua ngày tháng, ngỡ là không nuốt nổi chồng course, nhưng may là Việt Phương thanh toán được nốt năm cuối. Jane trở về Mississippi sống với cha mẹ và năm sau lấy chồng. Việt Phương làm việc cho thầy Jefferson và vẫn giữ nguyên căn phòng cũ trong campus, căn phòng có cửa sổ nhìn xuống dòng sông nhỏ lững lờ chảy, sống âm thầm với thế giới riêng tư của mình. Có viết thư về gia đình qua ngả Hongkong, nhưng không thấy trả lời. Chừng nửa năm sau thì được thư bé Hương viết, gia đình vẫn nhớ thương chị luôn dù trong hoàn cảnh nào, chị ráng giữ gìn sức khỏe, ba đi học tập tốt, mẹ bận buôn bán, tụi em bận công tác nên không ai rảnh để đọc thư. Thương nhớ gia đình nhiều nhưng không dám viết thư sợ làm phiền lụy đến những người thân yêu, mỗi tối Việt Phương chỉ biết nhìn ảnh bố mẹ và các em mà khóc. Bác Thanh vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi và nhiều lần kêu Việt Phương hãy lên thăm gia đình bác vài ngày, bác cho biết các em vẫn hay nhắc chị Phương luôn... Việt Phương đều chối từ, viện cớ là buồn, không muốn đem cái xui đến gia đình bác. Tuần trước, Thùy lại viết thư cho Phương, nhắc đến cái Tết sắp tới, mong mỏi Phương lên tiểu bang Washington chung hưởng Xuân với gia đình anh. Việt Phương đã định chối từ nhưng tiếp đó chính bác Thanh gọi điện thoại hối thúc Việt Phương, Việt Phương cảm thấy đời mình lúc này quá lẻ loi, không họ hàng, thân thích nên sau cùng đã nhận lời. Lúc xin phép thầy Jefferson nghỉ vài ngày, trình bày lý do xin nghỉ, thầy Jefferson lộ vẻ vui mừng và còn đùa, vài ngày chắc không đủ, Phương có thể take vacation dài hơn...

...Mãi nghĩ ngợi, Việt Phương không hay là mình đã đến tiểu bang Washington lúc nào không hay và máy bay đang sửa soạn đáp xuống phi trường Sea-Tac. Nhớ là mình đến xứ lạnh, Phương vội lấy áo len mặc vào người và choàng thêm một áo khoác khác bên ngoài.

Vừa xuống khỏi máy bay, Phương đã nhận ra ngay Thùy đang đứng đợi mình, dáng anh cao và gầy không khác ngày còn đi học là mấy. Thấy Việt Phương, Thùy mừng rỡ chạy tới, kéo thêm một cô bé khoảng 16, 17 tuổi, vẻ mặt thông minh, nhí nhảnh, yêu đời mà từ nãy giờ mải nhìn Thùy, Phương đã không để ý thấy. Chợt Việt Phương nghe đau nhói trong tim. Nhìn cô bé, Việt Phương hỏi khẽ:

− Hôm nay "chị" không đi học sao?

Anh Thùy cười lớn:

− Sao Phương lại kêu con nhỏ này bằng chị? Châu đấy! Bộ Phương quên rồi sao? Còn Châu, em có nhớ chị Việt Phương?

Việt Phương cười nhẹ nhõm:

− Thế mà Phương cứ ngỡ...Cô Châu chóng lớn quá, càng lớn càng xinh, Phương nhận không ra!

Cô bé cười giòn:

− Xinh làm sao bằng chị Việt Phương được? Nghe anh Thùy kể, chị Việt Phương là hoa khôi của trường, phải vậy không?

Việt Phương vui vẻ đáp:

− Dạo đó, trường UC chỉ có một cô sinh viên Việt Nam duy nhất là Việt Phương nên mấy ông gọi đùa cho vui đó mà!

Giọng Việt Phương trùng xuống:

− Bây giờ thì già rồi...23, 24 tuổi rồi, đâu còn trẻ trung như ngày xưa nữa! Thêm vào đó bao nhiêu lo lắng, nhớ thương...

Thùy nhìn Phương ái ngại rồi ngắt ngang câu chuyện bằng cách nhờ Châu đi lấy xe trước. Khi Châu đi rồi, chỉ còn lại hai người đi song song bên nhau, Thùy nói khẽ:

− Phương không nên nói thế! Thùy thấy Phương vẫn trẻ, vẫn dễ thương nhất là tâm hồn Phương cao đẹp quá!

Việt Phương thấy lòng mình ấm áp hẳn lên, con tim như rộn rã khi bắt gặp ánh mắt nhìn đắm đuối của Thùy.

Khi ba người về đến nhà thì tuyết bắt đầu rơi càng lúc càng nhiều, đường sá, cây cỏ, nhà cửa dần dần biến thành một màu trắng xóa. Châu nói:

− Tacoma ít khi có tuyết lắm. Hôm nay tuyết rơi nhiều như vậy chắc là mừng chị Việt Phương đến chơi với gia đình em đó, nghen! Lát nữa, em với chị chụp một tấm hình có tuyết làm kỷ niệm mới được...

Thùy nói chen vào:

− Cho anh...ké vào đó được không?

Cô bé Châu ranh mãnh:

− Anh vào là em đi ra. Chụp hình ba người kiêng. Em bằng lòng hy sinh.

Việt Phương cảm thấy mặt nóng ran. Cũng may là kịp lúc vào đến nhà, cả gia đình bác Thanh chạy ra mừng rỡ, đón tiếp nên Việt Phương đỡ lúng túng. Bác Thanh thì cứ ôm lấy Việt Phương hỏi dồn, sợ mọi người dành không cho bác hỏi về đời sống của đứa cháu bà.

Trong bữa cơm tối - Có món canh chua mà Việt Phương vẫn thường ưa thích - Ba má Thùy nhắc mãi về gia đình Việt Phương và tỏ ý tiếc là gia đình Phương đã không đi được. Nhắc lại câu nói quen thuộc cũ, bác Thanh ngậm ngùi:

− Con cứ coi gia đình này là gia đình của con. Ngày xưa, mẹ con với bác là bạn thân thiết coi như chị em, con ở xa lẻ loi, lủi thủi một mình, không còn bà con thân quyến, bác không yên lòng mà mẹ con ở quê nhà nếu biết được cũng không yên tâm...

Việt Phương cúi đầu, che giấu những giọt lệ nóng vừa chảy xuống má, nói khẽ:

− Được gia đình hai bác nghĩ đến như con cái, con vui sướng vô cùng. Lâu nay con cứ nghĩ là con không thể nào vui ké với một gia đình nào, bởi vì cứ nhìn thấy gia đình nào qua đây được đầy đủ hạnh phúc là con lại nhớ đến cha mẹ với mấy đứa em của con. Và cứ thế con lủi thủi sống một mình trong mấy năm quạ..Nhưng bây giờ, quả thật con thấy lòng con ấm áp lắm. Con...

Nói đến đó, Việt Phương nghẹn lời như khó cầm được những giọt nước mắt đang chờ để trào ra. Thùy ghé tai Phương, nói như thì thầm:

− Cấm khóc à, nghe!

Ngước nhìn Thùy, Việt Phương như muốn nói trong ánh mắt: " Hãy để em khóc, vì đã lâu em không còn khóc nổi. Em khóc vì sung sướng, vì đã tìm lại được mái ấm gia đình, có bố, có mẹ và những đứa em ngoan..."

Châu xúng xính khoe bộ áo mới, hai cô bé Nga, Thu đòi Việt Phương chơi bài với chúng, Tuấn đang xếp những tấm hình thành bốn chữ " Cung Chúc Tân Xuân " bên thành lò sưởi, bác Thanh coi lại nồi bánh chưng, bác trai thì châm củi vào lò sưởi, rồi kiểm lại những tờ đô la xanh mới toanh, để rồi sau đó tuyên bố:

− Qua Mỹ rồi, phải bỏ cái tục lì xì mới được!

Anh em Thùy phản đối ầm ĩ. Việt Phương nghe như có tiếng pháo nổ trong lòng.

Ngoài trời, tuyết vẫn rơi đều. Lại một năm mới trở về, trên một vùng đất chẳng phải của mình.