Buffet Chan chiều tối thứ bảy nghẹt những người. Ông đã an vị trong một chiếc bàn nhỏ ở góc phòng ăn phiá tay mặt. Ở đây, ông có thể nhìn ra bãi để xe, và cũng có thể thấy hầu hết khách ăn những bàn bên. Bàn bên cạnh, một cặp Mỹ già đang chậm rãi vừa ăn, vừa nói chuyện. Ông già nâng ly vang màu đỏ xậm lên môi, rồi sau đó nói một câu gì đó với bà già trước mặt. Bà già lẳng lặng gật đầu, tay dao, tay niã, cắt miếng ức gà tây trắng ngộn, mắt liếc xéo qua chiếc bàn dài giữa phòng.

Ông nhắp một ngụm Heineken. Hương vị hơi nhặng, đắng dịu của men bia làm ông sảng khoái. Ông xiên một khoanh hành dòn, đưa lên miệng, lơ đãng nhìn về phiá bàn giữa phòng, đang ồn ào, vui như một phiên chợ tết. Đó là một bàn lố nhố sáu bảy cái đầu đàn bà Á Châu. Họ nói rặt tiếng Việt. Họ líu lo, ríu rít, tới tấp như thể họ chưa nói được nhiều ở nhà, và không chừng họ cũng đã phải nín tiếng quá lâu ở hãng. Cũng có đám đàn ông đi theo, nhưng bọn này chụm lại ở phiá bên kia của bàn. Đảo một vòng mắt, ông không thấy có người quen. Đám đàn ông hình như là những bạn học cũ của nhau thời trung học xa lắc xa lơ nào đó ở Miền Nam VN trước kia, và có lẽ cũng chỉ mới đến xứ này vài năm trở lại đây. Những người đàn bà chẳng rõ là vợ, bồ bịch, hay bạn của họ. Họ họp thành hai phe ở hai phiá bàn, mà phe này hoạt náo chẳng kém phe kia chút nào. Ngồi gần những người đàn bà phiá này ông làm bộ như một du khách ngoại quốc nhàn tản, uống bia, và lặng lẽ nhấm nháp món ăn.

* * * * *

Một giọng nghe rõ ra là tiếng miệt ngoài:

- Tội nghiệp con Duyên, xinh đẹp như thế, thằng con kháu khỉnh, mà ông chồng đang làm ăn ngon lành, nhà lớn, xế đẹp lại lăn đùng ra ốm.

Có tiếng the thé:

- Xứ này bác sĩ giỏi thiếu cha, thuốc men đầy ứ, đau mấy họ cũng chữa lành.

- Thôi đi bà, cái này là bịnh nan y, khó thoát lắm.

- Ung thư hả?

- Còn gì nữa mà phải hỏi.

Một giọng mũi gừ gừ , khặc khặc giữa bàn:

- Ung thư cũng chả sợ. 'Ết' mới tịch được.

- Con Nhàn mày nói có lý, dám thằng chả bị 'Ết' lắm.

- Còn chị làm sao mà gầy ốm võ vàng vậy, có bị 'Ết' không?!

Người đàn bà áo vàng ngồi ngay đầu bàn bên này dứ dứ cây nĩa vào mặt người có tên là Nhàn:

- Con này đểu. Mày trù cho tao chết để mày cuỗm chồng tao, phải vậy không nào? Còn khuya con ơi!

Bà ta nói xong, châm cây nĩa đến cọc một cái trên dĩa mực xào, đưa cái rẹt lên miệng, vừa nhai vừa liến thoắng:

- Mấy tuần nay đồ may nó giao nhiều quá làm không kịp, có hôm phải thức đến ba, bốn giờ sáng đó mày. Ông xã tao cũng còng lưng suốt đêm, thở còn không ra, sức đâu mà tù ti, mà 'Ết ' với chẳng 'Ết'!

- Chả biết đâu, nhìn cặp mắt của bà là biết bà đĩ lắm rồi.

- Ối giời đất ôi, con ngựa này lộng ngôn quá! Tao mà đĩ một thì mày đĩ mười nghe con.

- Thôi đi mấy mẹ, nói nho nhỏ thôi, mấy ông ấy nghe được kỳ chết.

- Kỳ?! Mấy lão đó mà hiền lành gì!! Một lũ qui? đó!!!

Lại tiếng cười ồn ào, tiếng muỗng niã lóc cóc, xoèn xoẹt.

Giọng miệt ngoài:

- Chồng con Duyên đau mấy tháng nay rồi. Bị ung thư. Nó dấu không cho ai biết. Em mới đến thăm nhà nó vào chiều hôm qua. Chồng nằm bẹp trên giường, người tọp lại nom thê thảm lắm. Nó kể là bốn tháng trước chỉ thấy một cái mụn đỏ nhỏ bên mang tai, cả tháng không thấy lành, đưa vào bệnh viện cho người ta thử thì người ta xác định là bị ung thư, cho chạy điện, nhưng hôm qua thì thấy chồng nó nhăn nhó đau đớn lắm, không nuốt được cơm, không nói được, phải uống sữa. Tội nghiệp, coi bộ khó thoát. Em thấy cả thằng cha bán nhà, và cái gã làm thơ trên tờ Thời Mới cũng lại thăm. Con Duyên có lần bảo em là thằng cha bán nhà tán nó sát sàn sạt, bảo là nó đẹp như vậy, duyên dáng như vậy mà đi lấy cái lão sồn sồn, hom hem, xấu giai, uổng cả một đời. Còn gã thi sĩ thì làm thơ ca ngợi nữ hoàng của lòng, đến độ nghe thấu cả nỗi đau của lá cây, ngọn cỏ mỗi khi nữ hoàng của gã sóng bước bên thằng chồng khọm.

Bà áo vàng cười hăng hắc:

- Nói cho phải thì cái con Duyên đi cạnh thằng chồng coi chẳng xứng thật, nhưng thằng chồng nó đẻ ra tiền, có cửa tiệm, nhà hàng. Nó lại cất công về tận VN đem qua. Chả tình thì cũng còn nghiã, lại còn cả một mặt con nữa chứ.

- Thôi bà ơi, bà cho con xin. Miệng bà nói vậy chớ con thấy bà đá lông nheo với thằng thầu áo quần chỗ con làm quá xá mà. Này khai thật đi nhá! Đã có gì với nhau chưa nào. Hôm trước con thấy bà với nó đi Tua Niu Oọc (Tours New York) mà đức lang quân của bà chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Hay là ông ăn chả, bà ăn nem cả rồi. Bà áo vàng:

- Tao đi Niu Oóc hồi nào? Có mày đi thì có. Nhìn đi, có phải là thằng bồ mày nó đang đá lông nheo với con Hường không? Cái này là tao bắt quả tang đó nghe mày. Phụ nữ vừa bị bà áo vàng phản pháo cười hềnh hệch:

- Đá lông nheo mà nhằm nhò gì. Hường ơi! ông Cương muốn lấy mày đó. Chịu, tao nhường cho.

Người có tên Hường bĩu môi:

- Tưởng ngon lành gì, chả đã mất tân với mấy đứa bay rồi, tao chả thèm. Kép của tao ngon hơn.

- Sao bữa nay không đưa hắn ra trình diện làng, xã?

- Của ngon đưa ra trình làng để cả làng nuốt chửng hả. Ông chẳng dại.

Có tiếng dép lẹp xẹp, rồi một bà nữa xuất hiện, hai tay hai dĩa tôm, cua ứ hự.

- Con này! Mày ăn uống kiểu gì mà mày lấy một lúc tới hai dĩa tổ chảng vậy mày. Mày không thấy bọn tây nó đang nhìn hả?

- Mặc cha tụi nó. Tao muốn ăn sao tao ăn, xứ tự do mà. Mặc sức mà ăn thả dàn. Tao mất tiền chớ có xin đứa nào đâu.

Một bàn tay thon nuột thò ra, nhón một cái càng cua:

- Này, còn tôm càng, cá chiên nữa nghe bay. Ăn cho đã, lấy sức cho tối nay đó nghe.

Giọng mũi:

- Tướng mày được bao lăm!

Bà áo vàng nắn nắn cái eo của người có bàn tay thon nuột và khuôn mặt khá là dễ nhìn:

- Con này còn săn lắm. Cỡ này, đen nó cũng coi như pha. Thằng gà mái của mày có chịu nổi mày một hiệp không đấy?

- Mẹ này dễ sợ. Bón tới óc rồi phải không?...

Ngồi bên này, ông nghe tiếng những người đàn bà đùa dỡn với nhau, nửa hồn nhiên, nửa sống sượng và bắt đầu cảm thấy mình là một lão già thuộc về một thế hệ khác, một môi trường sống khác!... Những người đàn bà này họ thích ứng thật nhanh với môi trường quanh họ,...

* * * * *

Duyên buồn bã nhìn chồng. Chồng nàng đã nằm liệt hẳn trên giường từ hơn hai tháng nay. Mụn ung đã bắt đầu chạy xuống cổ. Hơn bốn tháng trước, nó chỉ là một cái mụn nhỏ mọc ngay phiá dưới trái tai phiá bên phải. Nam mỗi lần sờ lên thấy đau, mà xức thuốc đến hơn ba tuần vẫn không lành. Bệnh viện xác định Nam bị ung thư khi Nam đến xin khám nghiệm. Nam đã được cho uống thuốc và chạy điện , nhưng từ hơn hai tháng nay chàng không ra khỏi nhà trừ mỗi tháng đến bệnh viện hai lần. Tóc bắt đầu rụng, khô khốc, xác xơ. Hai hố mắt trũng hoắm, tối đen, và mỗi lần ăn cháo, chàng đau như có ai lấy lưỡi lam cứa trong cuống họng. Thân hình Nam giờ chỉ còn xương và da. Duyên không ngờ bệnh ung thư tàn phá con người nhanh đến vậy.

Nam lớn hơn Duyên một giáp, lại không phải là người bảnh trai. Vượt biên , rồi vào Mỹ, Nam đã cầy tối tăm mắt mũi, gom góp được chút tiền mở cái tiệm rượu, sống khá, nhưng cũng tất bật tối ngày. Một ông cậu trong gia đình giới thiệu con một người bạn nghèo ở VN cho Nam. Nhìn hình Duyên, Nam ưng ngay. Còn Duyên, lấy Nam để có thể thoát khỏi cái xã hội nhiễu nhương và đời sống khốn cùng của gia đình là giấc mộng hàng đêm của nàng. Nàng cũng đã mất đời con gái vào tay một thằng khốn nạn nơi xí nghiệp nàng làm. Gã tán tỉnh nàng khi nàng còn là một chân công nhân của một xí nghiệp may mặc ở Quận Năm. Lúc ấy, hắn là trưởng phòng gia công của xí nghiệp. Sau trận đòn ghen của vợ hắn, Duyên đã phải nghỉ ở nhà một thời gian. Nhờ chút nhan sắc, Duyên lại xin được một chân tiếp viên ở một khách sạn. Nhưng ở đây, xếp lớn, xếp nhỏ dê gái còn bạo hơn cả cái thằng trưởng phòng gia công dưới quận. Nhà nghèo, không chiều xếp thì khó lòng! Đã có lúc Duyên tưởng rồi ra không thoát khỏi cái kiếp làm gái giang hồ tài tử như nhiều tiếp viên vào làm trước Duyên. Đứa nào cũng đẹp, mà nhà đứa nào cũng nghèo, chẳng con nhà ngụy thì cũng là con những gia đình cùng đinh mà cha mẹ gốc gác linh tinh một mớ rối bòng. Và bọn đàn ông, cái thời gì mà kỳ cục! Thời chó chết dễ chừng cũng không mất dạy hơn thế được nữa!! Tối đến, lũ con quan lớn, bọn con buôn mới phất, bọn ngoại quốc cần gái, chúng như một lũ nhặng bu quanh những múi mít là những tiếp viên khá xinh như nàng. Nếu không nhờ ông cậu mai mối, và nếu không gặp được Nam, thì chắc chắn đời nàng chẳng khác đời con Loan. Loan cùng làm một khách sạn với Duyên. Mới mười chín tuổi mà nó đã rành đời còn hơn cả những bà xồn xồn chịu chơi. Nó vênh váo :'' Mấy thằng đàn ông giống nhau ráo trọi, nhứt là bọn có tiền. Chúng nó thèm gái trẻ, gái đẹp. Nhưng hễ chúng ngủ với mình rồi, chúng chán, chúng đi kiếm con khác. Bọn có tiền ở đâu cũng là vua. Nhưng chúng nó muốn được hưởng cái của tao, thì chúng phải trả bằng tiền; thật nhiều tiền tao mới chịu; tao không chơi theo kiểu tình cho không biếu không.'' Nó lanh dàn trời. Nó bảo : '' Cái thằng phó giám đốc tuyển và quản lý bọn mình là một thằng ma cô; nó ăn chặn tiền của mình mà lâu lâu mình vẫn phải lên phòng nó. Còn thằng cha giám đốc đảng viên thì kín đáo hơn nhưng khi lâm trận cũng hùng hục như trâu. '' Nó tiếp: '' Dầu gì, so với bọn tiếp viên bên Hải Âu thì bọn mình làm bên đây còn dễ chịu hơn nhiều.'' Nó còn hào hứng kể chuyện đi ăn, đi chơi, đi nghe nhạc với khách gồm một bọn công tử và tiểu thư mới, và khách quen của ban giám đốc. Tối về , năm sáu cặp quần thảo trong phòng cho tới khi rã rời; có những đứa vừa ói vừa lăn ra ngủ. Một thằng không rõ con nhà ai, cao lớn, đẹp trai như ca sĩ Đại- hàn, sau khi hít bạch phiến đã làm nó muốn chết. '' Tao mê cái thằng ấy !'': đấy là câu kết luận của nó. Bây giờ, nó cũng chơi bạch phiến. Sài-gòn những năm sau này kiếm thuốc phiện còn dễ hơn lúc quân Mỹ ào ạt vào Miền Nam!

Duyên nhìn lại chồng, và nhớ lại những ngày đầu theo Nam về Mỹ. Duyên còn nhớ cái cảm giác vừa trống trải vừa rộn ràng khi ra khỏi phi trường Los dạo nào. Sao mà cái phi trường ở đây nó lớn quá thể: hết chiếc phi cơ này đáp xuống thì chiếc khác đã bay lên; và hành khách, xe cộ lúc nào cũng nườm nượp, tươm tất, lịch sự. Duyên hẫng người khi về tới nhà Nam. Ở Sàigòn, làm cho khách sạn lớn, nhưng tối đến chui về cái nhà ọp ẹp như chiếc lều rách ở Xóm Gà khiến nàng luôn có cảm tưởng mình chỉ là một con điếm trá hình, rẻ tiền như căn nhà xập xệ của cha mẹ nàng. Nhà của Nam nằm ở một thành phố vùng Orange County. Nhà bốn phòng, có vườn, và có cả hồ tắm ngoài vườn. Duyên đã hân hoan đến tột cùng. Đúng là một bước lên bà. Chồng Việt kiều có khác. Những tháng đầu trôi trong hạnh phúc. Nam không có thân thuộc. Ở VN, Nam chỉ còn gia đình người cậu là thân quyến duy nhất mà thôi. Cha mẹ Nam đã mất từ lâu. Nam có một người chị, nhưng từ ngày vượt biên nhiều năm về trước không có tung tích gì. Bây giờ, Duyên sống trong căn nhà thật đẹp, sàn lát đá, những chiếc tay nắm bằng đồng sáng choang, cầu thang gỗ bóng lộn. Trời sinh Nam có cái tính chăm chỉ, cần cù. Mấy năm đầu ở Mỹ, Nam cày không có ngày nghỉ. Cày hai job. Trong khi mấy thằng bạn cùng trại ở Thái Lan qua đến xứ này thì cuối ngày, và nhất là cuối tuần, hết bia, rượu, là phim sex. Căn phòng như cái chuồng heo. Vỏ lon, vỏ chai bia lổn nhổn khắp phòng. Rồi đầu tàn thuốc mỗi nơi vài cái. Chúng ỷ đã có chàng. Mới sáng bảnh mắt, sửa soạn đi làm, đã thấy có đứa mở phim sex ra xem! Lâu lâu, chúng nó dắt gái về phòng một lần, con nào con nấy đều bụi bặm còn hơn bọn gái đĩ gần Tổng Y Viện Cộng Hoà trước đây. Thỉnh thoảng Nam xuống phố ăn phở, và đôi lúc bắt gặp một vài cô gái trạc ngoài đôi mươi, cũng dân vượt biển. Nam đã có ý làm quen, nhưng lúc nghe đám này mở miệng nói chuyện với nhau, Nam chưng hửng. Chúng ăn nói nham nhở thấy mà khiếp. Mặt thì đẹp, người hấp dẫn, nhưng cái miệng, ôi thôi! bẩn dễ sợ. Ngôn ngữ trong những phim về bọn anh, chị của Mỹ có dễ cũng chỉ bẩn đến thế là cùng. Bây giờ, đã có cái tiệm, đã mua được nhà, có được cái xe ngon lành, và lại mới lấy được một người vợ đẹp có phần biết điều, Nam mừng lắm. Mộng ước trong đời kể là đã đạt được, chẳng cao sang gì, nhưng cả cái đám hàng trăm ngàn dân Việt ở cái thành phố lớn lao này, số người có đời sống như Nam chẳng phải là nhiều. Nam có đôi chút hãnh diện. Hình vợ chồng Duyên và đứa con đầu lòng gởi về Việt Nam cũng là niềm hãnh diện mà cũng là hạnh phúc của cha mẹ vợ bên nhà. Duyên đã đôi lần nhắc chồng về việc bảo lãnh cha mẹ qua đoàn tụ. Nam lưỡng lự. Nam vẫn không quên nghèo đói ở quê nhà trước khi vượt biên, và hàng ngày, trên đất người, Nam cũng thừa biết chỉ cần ngưng nghỉ làm việc một ngày là tình thế có thể đổi khác. Có tiệm, có tiền, nhưng chẳng mấy lúc rảnh rang. Nam thường nói với Duyên: '' Thằng nghèo ở xứ nào cũng cực như trâu. Ở xứ mình, nghèo có thể chết vì đói. Xứ này, chẳng ai chết đói, nhưng nghèo thì còn khổ hơn chó. Muốn thoát kiếp trâu, chó thì cơ hội tới phải chụp lấy liền, phải rán mà làm cho có tiền.'' Nam mê tiền. Và Nam cũng chi li tính toán kỹ càng. Tuy vậy, đối với vợ con, Nam không phải là người hà tiện. Ở Mỹ một thời gian, Duyên không chịu ở nhà nữa. Tiền Nam làm ra từ cửa tiệm đâu có dễ dàng trích ra mà gởi về VN hoài cho cha mẹ vợ và mấy đứa em. Duyên đòi đi làm. Duyên học làm móng tay, và chẳng mấy lúc Duyên cũng có được một món tiền riêng dễ chịu. Cuối tuần, chồng trông tiệm, Duyên lái xe đi chợ, đi chơi thăm một vài bạn gái mới quen khi làm nail, và nàng bất ngờ khám phá ra cái sống ngồn ngộn nơi những người xuất thân lam lũ, bần cùng như gia đình nàng nơi quê nhà. Trong cái tiệm uốn tóc và làm nail này, hình như không một ai còn nhớ tới cái quá khứ đắng chát những năm sau 75 nữa. Những người bạn mới của nàng kiếm tiền dễ dàng. Nhiều người độc thân, thuê mướn phòng riêng. Họ như những con chim xanh tung tẩy. Họ cười, họ nói, họ đấu hót với nhau xem ra còn tưng bừng hơn cả lũ gái nhảy ở khách sạn nàng làm trước kia ở Thành Hồ. Và người nào cũng nhìn nàng với cặp mắt ái ngại khi thấy nàng giới thiệu người đi chung xe với nàng là chồng. Một cô bạn mới mở tiệm uốn tóc gần khu nhà nàng đã vẽ ra giấc mơ bắt sống một lão bác sĩ gần tiệm. Cô ả nói rất điệu: '' Thằng chả mê tui, ngày nào chả cũng lái xe lượn qua trước tiệm, trước khi chả đến phòng mạch. Chồng bác sĩ, vợ chủ thẩm mỹ viện mới xứng hén bà. Mà bà coi, cái môi hình trái tim này tôi đến chỗ bạn của chả giải phẫu đấy, bà thấy đẹp hôn?''

Mấy hôm trước, đến làm tóc chỗ cô nàng, nàng còn thấy một anh chàng ăn mặc như Don Hồ trên sân khấu lái xe đến đón bà chủ mỹ viện, và hôn cái chụt lên môi bà chủ như tài tử truyền hình. Ả bảo nàng: '' Chị đẹp thế này thì chồng phải bảnh như Tuấn Ngọc mới coi được. Chồng lùi xùi quá mất mặt mình.'' Họ sống sượng như vậy làm Duyên mắc cỡ. Mà Duyên cũng đâu có phải là thứ quá hiền lành, khờ khạo gì cho cam. Nàng đã qua một vài cạm bẫy người. Thế mà gặp những bạn gái này, nàng thấy họ tài lanh quá trời. Họ chơi vung tàn tán. Họ là những người tự do. Còn nàng, nàng vẫn còn thấy một chút gắn bó với Nam. Dầu gì, Nam cũng đã là người cứu nàng thoát khỏi những năm tháng khốn cùng của đời người. Dầu gì Nam cũng đã gây dựng được một tài sản, có trách nhiệm với gia đình, và với riêng nàng, Nam vẫn yêu thương rất mực. Nhưng bây giờ... !

Bây giờ ngồi ngay đầu giường, nhìn hốc mắt tối đen của chồng, nghe tiếng thở nặng nhọc đứt quãng, và nghe một mùi hôi khăm khẳm quanh chồng, Duyên chỉ thấy nỗi ngao ngán dâng đầy. Duyên thoáng nghĩ đến những ngày sắp tới mà thấy gai gai trong người. Không có Nam, Duyên biết không thể sống thong thả như mấy năm qua. Một mình, Duyên không thể trông nom được tiệm và tiền nhà cũng còn gần phân nửa chưa trả xong, chưa kể đứa con năm nay đã ba tuổi. Đôi lúc Duyên nghĩ tới anh chàng bán nhà. Hắn hay ghé qua tiệm phở đầu phố, nơi mà Duyên thỉnh thoảng ghé lại ăn sáng sau khi chở con đến nhà trẻ. Nàng nghe nói hắn quen biết nhiều người, và quen với chồng nàng qua vụ mua bán căn nhà mà hiện nay vợ chồng nàng đang ở. Hắn ăn nói nhẹ nhàng, dễ nghe, và hắn mới thôi vợ. Có lần hắn bảo là vợ chồng hắn không hạp nhau, cãi cọ tối ngày; nhưng mấy người trong tiệm uốn tóc nói rằng chớ dại mà nghe những gã mồm mép dẻo như hắn. Vậy mà, ai muốn mua nhà cũng nhờ đến hắn. Các bà miệng thì nói sợ hắn mà vẫn thấy leo lên xe hắn. Thật chỉ có trời mới biết! Duyên đôi lúc cũng có nghĩ về hắn, nhất là sau cái hôm ở tiệm phở ra, hắn dừng lại hỏi thăm vài ba câu chuyện về nhà cửa, xe cộ, khen Duyên đẹp, và cứ nắm cái bọng tay mịn màng của Duyên mà nắn nhè nhẹ, theo cái kiểu làm như vô tình. Duyên bắt nhớ đến một vài người quen biết chồng nàng và đám bạn cùng làm một tiệm. Ai cũng nhìn nàng háo hức. Anh chàng thi sĩ râu xanh cũng làm nàng cảm động. Anh ta làm một bài thơ tặng riêng người đẹp có chồng , đăng trên một tờ báo chợ, và đề tặng ' Tặng Duyên, người thiếu phụ muôn vàn yêu kiều ở Santa Anná. Mấy người biết nàng đều bảo là hắn làm thơ tặng nàng, còn chồng nàng chỉ cười ruồi : '' Cái thằng trời đánh thánh vật ấy nếu chẳng phải là khách quen mua rượu, thì gặp mặt nó phải thọi cho nó vài quả. Vợ bạn quen mà nó dám làm thơ tán tỉnh! '' Nhưng ngay lúc này, gã làm thơ đang ở trong nhà chàng, đang nhìn vợ chàng với ánh mắt nửa trìu mến, nửa ái ngại; còn chàng thì nằm liệt trên giường, đầu óc gần như đã tê dại. Cơn đau xé họng đang hành hạ thân xác chàng!...

* * * * *

- Thôi, để ông ấy nằm ngủ cho yên đi. Bà nhờ con Ánh nó coi nhà và trông chừng dùm ông ấy. Lên xe đi chợ với tôi, và đi ra ngoài một vòng cho tinh thần thư thả một chút; bà cứ ở nhà ôm người bịnh riết thì rồi cũng có ngày đau cho mà xem. Mình phải khoẻ, phải vui thì cái đầu mới tỉnh táo mà lo toan mọi chuyện được. Người ta sống ở đời ai cũng có phần số cả. Trời cho sống thì được sống, mà trời bảo mình tới giờ đi thì mình có muốn níu kéo, ổng cũng cứ lôi mình đi. Với lại, bà còn trẻ, còn đẹp, lỡ ông ấy có mệnh hệ nào, bà cũng chẳng lo. Người ta đã chẳng từng nói '' Một chồng chết, bảy chồng chờ đó hay sao?'' Xứ này, bọn đàn ông kiếm vợ mới khó, chớ đàn bà kiếm chồng đâu có khó gì. Bà còn trẻ, lại đẹp, còn cả cơ sở làm ăn, tôi bảo đảm với bà chẳng thiếu gì người.

Duyên không trả lời bạn. Mấy người bạn của Duyên họ nói chuyện vợ- chồng, sống- chết như chuyện đùa. Họ hay dẫn những thí dụ như bà vợ Kennedy, chồng làm tổng thống một nước giàu mạnh nhất thế giới, mà chồng chỉ mất ít lâu đã lại chính thức lấy một ông vua ngành hàng hải thương thuyền. Họ cũng hay bàn về chuyện con vũ nữ ở truồng mới ngoài hai mươi lấy một ông già tỉ phú trên tám chục tuổi. Nhưng họ cũng tán thêm là mấy lão đó chết đi thì tha hồ mà tung tẩy. Tiền bạc rủng rỉnh thì tha hồ mà rong chơi, mà đào với kép. Xứ này, hễ có tiền là sướng! Nghĩ đến tiền, Duyên muốn nát ruột. Lúc Nam còn khoẻ, tiền bán ở tiệm thâu vào như nước. Từ khi Nam đau, phải nhờ người trông nom, thì tiền lời chỉ đủ trả tiền nhà. Tình thế này chắc đến phải bán tiệm đi!

Nam đã ngủ. Duyên đưa con theo bạn ra xe. Phượng lái xe về nhà, nói Duyên giao thằng bé cho con em họ của Phượng coi dùm, rồi hai người đi chợ. Chợ xong, Phượng chở Duyên lên khu phố Tàu. Hai người vào tiệm phở ăn sáng. Bước chân vào tiệm, Phượng chợt nhận ra ông thầy dạy cũ năm lớp mười , đang ngồi một mình.

- Chào thầy.

Người đàn ông nhìn Phượng ngờ ngợ:

- Xin lỗi cô, trí nhớ của tôi mấy lúc này không được tốt cho lắm. Tôi không nhớ rõ cô học ở đâu, năm nào.

- Em là Phượng, học lớp mười ở Thạnh Mỹ Tây năm 90, lớp đầu tầng trên, ngay cạnh lối lên cầu thang phiá cổng trường vào đó thầy. Cái con bé ngồi bàn đầu hay nghỉ học ấy mà. Đã có lần thầy cho em một điểm bài toán và còn dọa đuổi học, thầy không nhớ sao?

- A, à, tôi nhớ rồi!

Ông ta nhìn qua Duyên. Phượng nắm tay Duyên:

- Cô này là bạn cùng làm một tiệm với em.

- Mời hai cô ngồi đây, bàn này mới chỉ có mình tôi.

- Thầy đi có một mình. Cô đâu?

- Làm gì có cô. Kiếm hoài chẳng ra, ngồi đây cái đã.

Phượng và Duyên cùng ngồi xuống bàn.

Phượng mời:

- Thầy cho chúng em mời thầy bữa nay. Hôm nay kể là ngày thầy trò hội ngộ. Thầy qua Mỹ lâu chưa.

- Tôi qua được hơn tám năm rồi, nhưng cũng chưa thật ổn định. Còn các cô thì sao?

- Em qua được gần mười năm, nhưng vẫn còn độc thân. Còn bạn em theo chồng qua được hơn năm năm, có đứa con ba tuổi rồi.

- Thầy dùng gì để em kêu?

- Các cô lựa món ăn đi, rồi kêu luôn một thể. Còn tôi, tôi vẫn quen món tái chín ở đây.

Người đàn ông quay qua Duyên:

- Ông xã cô hiện làm gì?

- Ông xã em có cái tiệm rượu cách đây khoảng 50 miles, nhưng mấy tháng nay ổng bị đau nặng, hiện nằm ở nhà. Hôm nay chị Phượng lại nhà rủ đi chợ nên em mới ra ngoài được một lát.

Duyên tính nói thêm về bệnh của chồng nhưng nghĩ sao Duyên lại thôi.

Phượng kêu ba tô phở, rồi quay qua người đàn ông:

- Thầy xem có ai ưng ý thì tiến tới cho mau, chớ lần chần thì một chặp già tới nơi rồi.

- Thì già rồi chứ còn gì. Năm nay tôi đã ngoài năm chục.

Phượng góp ý:

- Chắc là vì thầy khó tính quá chứ gì?

- Cũng chẳng phải vậy. Số tôi sao ấy, quen ai một hồi rồi người ta cũng bỏ mình mà đi. Bây giờ yên phận sống thế này thôi. Với lại, ở bên mình còn nói chuyện tình cảm này kia được, chớ ở xứ này, vừa già vừa ít tiền khó có vợ lắm.

Duyên nhìn Phượng, đùa:

- Có đối tượng rồi đấy. Cô bạn em đây đang tuyển phu đó thầy.

Phượng không đáp lại câu đùa của bạn, chỉ lấy chân đạp nhẹ vào chân Duyên. Phượng nhìn người đàn ông:

- Các bà, các cô thầy gặp ra sao mà lại để vuột như vậy?

- Có lẽ là tại mình thôi cô ạ. Họ thấy mình lèng xèng quá, ít sửa soạn như những người khác. Nhà cửa chẳng có. Công ăn chuyện làm không ổn định. Họ có thương mình họ cũng ngại.

Phượng nhìn qua ông thầy cũ , rồi day qua Duyên:

- Xứ này có cái gì là ổn định đâu. Nhà cửa, xe cộ cũng đâu có hoàn toàn là của mình. Mà đến vợ, chồng, bồ bịch cũng vậy. Nay còn, mai mất dễ dàng lắm. Hễ yêu được thì cứ yêu cái đã, nghèo thì góp gạo nấu cơm chung, giàu mình lại tính cách khác. Hoặc nếu ai cũng sợ phải choàng qua cho người khác thì tiền ai nấy tiêu, nhà ai nấy ở. Ở đây mà thui thủi một mình thì kinh khủng quá. Sống như vậy chắc có ngày tự tử mà chết mất thôi.

- Thế sao cô vẫn còn độc thân?

Duyên nhìn Phượng, rồi nhìn qua ông thầy:

-Thì lúc nào nó đi một mình là lúc nó độc thân mà thầy.

Cả ba người đều cười.

Ra về, ngồi trong xe, Duyên hỏi Phượng:

- Bà thấy cái ông thầy của bà ra sao?

- Cù lần lửa. Cái điệu này thì có nhiều phần là chết già không người đưa tiễn quá. Người đâu mà nói được có mấy câu rồi ngồi ngay một đống, mở miệng là thấy nói thua với chịu đầu hàng. Đàn ông như vậy tao cho không điểm.

- Thì người ta có tuổi rồi, lâu ngày không vợ, không con, lại qua trễ thì nhụt đi là phải rồi.

- Mày tính cứu vớt người lầm than sao đây?

Duyên hứ một tiếng:

- Chồng tao còn nằm kia mà mày.

- Thì cứ phải tính dần đi là vừa chứ bộ.

- Thôi không nói với mày nữa. Lúc này đầu óc tao đang rối tung lên đây. Số tao khổ quá mày ạ. Mày có tử tế giúp tao thì nhớ vài ba ngày ghé qua tao một lần.

- Rồi, tao hứa với mày.

* * * * *

Nam vẫn nằm thiếp trên giường. Khuôn mặt tái nhợt, nhăn nhúm, quắt lại như một trái táo khô. Duyên nhìn chồng. Tự nhiên một giọt nước mắt lăn dài trên má. '' Trời ơi! Sao con khổ quá thế này!!!'', Duyên than thầm. Duyên với tay lấy một tờ Kleenex lên chậm mắt. Duyên bước nhẹ ra khỏi phòng. Nàng xuống nhà dưới vặn tivi. Tay nàng bấm trên nút chuyển đài như một cái máy. Hết quảng cáo, rồi phim, rồi thời sự. Hình ảnh một goá phụ trẻ, đẹp trong y phục màu đen, trong một phim truyện trên kênh 26 làm mắt nàng dừng lại thật lâu trên kênh này. Gã tình nhân của người goá phụ trong phim đứng bên kia huyệt mộ thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn goá phụ. Duyên bỗng thấy choáng váng cả người. Trong một thoáng Duyên thấy như mình đang mặc áo tang đứng trước mộ chồng, và phiá bên kia là những khuôn mặt lao xao của những người đàn ông, loáng thoáng có cả khuôn mặt của gã bán nhà, của nhà thơ báo chợ, và của cả ông thầy mới gặp hồi chiều...

Hết