Mỗi lần dọn nhà, ngay cả cái lần theo chồng và các con đi từ VN qua Mỹ nhờ chương trình HO, Thoa đều mang theo với mình bức hình chụp cái vách đá cao, trên bờ vách có cây cối xanh tươi. Ai cũng nghĩ đó là một bức tranh đẹp, là thắng cảnh nổi tiếng của một thành phố ven biển. Đứng gần vách thì thấy trời xanh trên cao, biển xanh dưới thấp, và có thể xa xa thấp thoáng Cù lao Xanh, nơi có những con chim yến về nhả nước miếng làm tổ trên sườn núi cho chim con ở. Ông Nhân là chồng nàng cũng biết nơi chốn trong bức hình đó, từ cái thời Thoa còn đi học để chuẩn bị ra làm cô giáo. Một nhiếp ảnh gia nào chụp rồi đem hình in lớn ra để làm lịch rồi vợ Ông mang về treo trên tường thì ông không biết vì có lẽ anh nhiếp ảnh dạo đó cũng chẳng nổi tiếng, nhưng bên VN ông Nhân thấy mãi bức hình treo ở phòng khách và cũng là nơi vợ chồng con cái của ông mỗi ngày mấy bận ngồi ăn cơm. Qua Mỹ, nó cũng có một vị trí quan trọng ở phòng khách. Vợ Ông vẫn khăng khăng muốn như vậy, dù là các con đã kêu ầm lên, má nhìn nó mãi không chán sao má? Chỉ khác là bây giờ chỗ ở rộng rãi hơn, có khoảng riêng đặt cái bàn ăn, thì Thoa không còn vừa ăn vừa thấy bức hình được nữa, dù rằng nó chẳng giúp cho nàng một tâm trạng bình an nào khá hơn, ngược lại là đằng khác...những khi mà nàng có dịp nhớ về chuyện cũ...

Năm đó, nàng thi đậu vào sư phạm Qui Nhơn sau khi vừa có tú tài nhất, vì mẹ già của nàng muốn như vậy, muốn nàng đi học cho gần nhà, sau ra làm cô giáo ở quận để mẹ con có nhau. Học ở Qui Nhơn, nàng có thể ở tạm nhà của người bà con, vì bà con hai phía song thân của nàng xuống thành phố sinh sống làm ăn đông lắm, nhưng nàng lại chọn ở nội trú của trường, lâu lâu cuối tuần thì về thăm mẹ Ở trên quê, hay khi không về được thì mẹ lại sai người nhà mang xuống cho nàng những thứ nàng cần. Gạo, bột, đậu, bánh trái quê nhà như xoài, mãng cầu, ổi..., hay những chồng bánh tráng...không thiếu những món gì.

Nàng ở chung phòng với ba người bạn gái khác-nên nàng cũng hay chia sẻ với bạn quà cáp ở quê. Họ là gái Quảng từ những vùng quê của Quảng Nam, Quảng Ngãi vô thành phố Qui Nhơn học. Gia cảnh họ đều không mấy khá, cũng khó khăn mà người thân ráng lo thôi, một phần đi học xa xôi hơn thì tốn kém hơn. Nhưng cũng đồng trang lứa, nên ngoài mặt họ sống rất vui nhộn, hồn nhiên. Sau giờ học thì nấu chè; học đan áo, đan mũ, tất, khăn quàng cổ; rủ nhau xuống phố lục lạo nơi mấy nhà sách xem có sách báo nào mới từ Sài Gòn gửi ra hay không; dạo bãi biển hay chạy bắt những con còng; viết thư và cùng nhau đọc thư của các anh trai tiền tuyến. Thủa ấy cũng có một số cô hay thích làm em gái hậu phương viết thư cho anh trai tiền tuyến.

Các cô người Quảng này ỷ đông hơn nên hay cười đùa với giọng BĐ của quê nàng:

− Thấu dùm đồng nem (đồng năm) đi bác tài!

Biết mình bị trêu ghẹo nhưng nàng không để tâm rồi đi giận bạn. Hồng và Lài rất phá phách, cái phá phách dễ thương của tuổi đang học làm cô giáo, không thể nào trông ra nghiêm trang để lấy oai với đám học trò nhỏ được. Đành tự nhủ. Thôi chừng nào đi dạy học hẵng hay. Trong bọn chỉ có Thanh là đằm thắm, nhu mì nhất. Và là người duy nhất đã có người yêu, là một anh sĩ quan không quân mang cấp bực trung úy nhưng trông còn trẻ lắm. Họ cùng quê, biết nhau từ hồi Thanh còn học ở trung học, một trường trung học nào đó ở ngoài Hội An. Hai người yêu nhau tha thiết, đã cùng hứa hẹn sau khi Thanh ra trường thì sẽ làm đám cưới, vì Thanh cũng muốn thoát ly gia đình, là gia đình của người cậu. Cha mẹ nàng tập kết ra bắc từ khi nàng còn nhỏ, lúc đó lại đang đau ốm, nên bà ngoại nàng không cho cha mẹ nàng mang con theo. Ai cũng nghĩ chỉ xa cách hai năm rồi sẽ có tổng tuyển cử rồi gia đình lại sum họp. Ai dè...hai năm thành hai mươi năm. Cháu côi cút được bà thương yêu lo lắng, chăm sóc. Có gia đình một ông cậu ở chung với bà cháu. Ông cậu nhận cháu làm con, khai lại khai sinh, đổi họ đổi tên, để sau này đi học không ai biết gốc gác của cháu mà làm khó dễ cháu. Nhưng rồi khi Thanh học mới tới lớp đệ thất thì bà lại mất- Cũng mừng là bà còn kịp thấy được đứa cháu côi cút thi đậu được vào trường công. Cậu thì tốt, coi cháu như con, nhưng trong nhà cậu thì còn có mợ, có các em con cái của cậu mợ, đời sống khó khăn quá, nuôi con còn bở tai, lấy đâu lo tới cháu. Lâu ngày chì chiết cũng khó thở. Gửi nàng xuống thành phố đi học cũng tốn kém. Các cô sống chung phòng đều biết gia cảnh của Thanh, tại có một lần buồn buồn Thanh kể cho một cô nghe rồi cô đó vô tình lại đem chuyện kể cho các bạn kia nghe. Chứ thật ra xưa nay Thanh luôn luôn muốn dấu gia cảnh của mình, vì cũng sợ bị điều tra lý lịch khi xin việc công sở. Ngay cả với người yêu.

Những lần đi phép ngắn ngủi, chàng trung úy hay ghé ký túc xá của trường để thăm người yêu, đưa người yêu đi chơi. Lần đầu bạn bè chạy rầm rầm đi dòm người yêu của Thanh, và các cô cùng phòng ai cũng đồng ý là anh ta đẹp trai, người cao ráo, khỏe mạnh, oai hùng trong bộ đồ lính, nói con Thanh có phước quá. Thanh có phước cũng phải vì Thanh vừa đẹp vừa hiền vừa học giỏi. Bạn bè ai cũng quý mến cô.

Sống gần gũi nên thân thiết. Đôi khi cuối tuần, Thoa cũng rủ các bạn theo nàng về quê chơi. Rồi leo lên cây ổi, cây xoài hái trái ăn. Hay cũng có khi xắn quần lội xuống ruộng để bắt cua đồng về nấu một món canh rau, ăn lạ miệng, ngon lắm. Má Thoa rất vui mỗi khi con gái đưa bạn bè về nhà chơi. Chồng mất đã lâu nhưng bà và con gái hưởng một cơ ngơi ruộng vườn mang lại thu hoạch hằng năm đủ bảo đảm một cuộc sống an nhàn, sung túc. Bà cũng có một điều mong mỏi khác sau chuyện Thoa chịu nghe bà chọn nghề dạy học là giá mà Thoa gặp ai ở gần nhà chịu lấy làm chồng, mà không phải đi xa bà, thì còn gì hạnh phúc bằng. Thoa đã để ý ai chưa? Nhiều lần nửa đùa nửa thật bà có dọ hỏi mà không nghe con gái nói gì. Đôi khi bà bóng gió về một cậu nào đó hợp được tiêu chuẩn của bà:

− Thằng C hiền lành quá chớ, cũng có chữ nghĩa, làm rể của má được đó con!

Thì lại thấy cái nhìn khó chịu của con, làm bà cũng ngại. Nhưng bà nào biết! Thoa cũng nôn nao mỗi lần bạn cô nhận thư của người yêu. Anh lính Quảng vô tình đã làm rung động trái tim của cô gái Bình Định.

Nhìn lại mình Thoa cũng biết mình không đẹp, không như Thanh, Thanh có nước da trắng, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, môi mọng. Thanh xứng đôi đi bên anh ta hơn là Thoa. Nói cho cùng thì họ cùng quê với nhau, họ cảm thông với nhau hơn.

Nhưng Thoa không thể kêu trái tim của mình đừng yêu người ta. Mỗi lần thấy Thanh đọc thư của người yêu vừa gửi tới là ngực Thoa đau nhói lên, đồng thời với nỗi ghen tương ngấm ngầm, mãnh liệt. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra, kể cả Thanh. Chỉ thấy Thoa ít nói hơn. Người ta có thể làm những chuyện động trời, có lý do hay không có lý do, giải thích được hay không giải thích được.

Nhiều lần chàng trung úy đến ký túc xá bất ngờ gặp lúc Thanh đi vắng, được Thoa ân cần tiếp đón. Một lần cũng trong trường hợp như vậy, Thoa đã có dự tính từ lâu, nên hỏi ngay:

− Anh yêu Thanh, tính chuyện lâu dài với Thanh mà anh có biết cha mẹ của Thanh không? Thật ra cái người mà Thanh kêu là ba má đó thật sự không phải là ba má ruột đâu, là cậu mợ của Thanh đó, ba má của Thanh đã tập kết ra bắc, anh biết không?

Chàng tái mặt –chàng chẳng biết gì cả. Chỉ nghe nói là gia đình của Thanh ở trên quê. Bao năm quen nhau Thanh vẫn chưa dám đưa bạn trai về nhà giới thiệu. Thanh không bao giờ thố lộ chuyện ba má của nàng đi ra bắc. Bất ngờ quá!

Chàng lo con đường binh nghiệp của chàng, muốn nó lên nhanh như diều, không thể để cái lý lịch xấu của người yêu, của người vợ tương lai làm cản trở, nên chàng quên tình hò hẹn. Chàng cắt đứt tình cảm với Thanh. Thanh bị sốc mạnh. Bị người yêu lạnh nhạt bỏ rơi mà không hiểu vì sao. Rồi Thanh cũng đoán ra sự thật.

Để rồi Thanh và Thoa cãi nhau ở ...nơi đó: cái bờ đá cao. Thanh té ngã rơi xuống vực thẳm. Chỉ là một tai nạn rủi ro như mọi tai nạn khác trong cõi đời này. Ai cũng nghĩ vậy và rồi câu chuyện lùi vào quên lãng.

Không lâu sau đó, quay trở lại Qui Nhơn, chàng trung úy quay sang cầu hôn Thoa, trở thành chồng nàng, là ông Nhân bây giờ, vì Thoa lăng xăng rào đón không để cho cô gái nào khác có cơ hội nhào vô dành ông. Cũng những lá thư tình say đắm. Dù chắc chắn là sẽ có nhiều người khá hơn Thoa! Thế mà Thoa lại được chọn. Lúc đám cưới, Thoa có gửi thư mời hai người bạn cũ là Hồng và Lài lúc này cũng đã ra trường và về dạy ở quê nhà của họ, nhưng cả hai đều lấy lý do này lý do nọ để chối từ không vào dự. Tại họ thấy cuộc hôn nhân này kỳ cục quá. Ai đời thương yêu một người rồi lại đi lấy một người khác, rành rành trước mặt họ, mà họ đều biết cả hai cô. Họ cũng nguyền rũa Thoa đã dành người yêu của Thanh.

Thấm thoát vợ chồng đã lấy nhau trên ba mươi năm.

Bây giờ Thoa mắc phải căn bệnh ác nghiệt. Bác sĩ vừa cho biết Thoa chỉ còn sống được có ba tháng nữa thôi. Nàng chưa tới sáu mươi. Các con đã lớn, đã thành danh. Chúng nó đã tự lo cho chúng được rồi. Tuy vậy vẫn còn nhiều việc như chưa thể cho phép nàng ra đi thảnh thơi được.

Đầu tiên nàng nghĩ không biết nàng có nên kể cho chồng nghe chuyện cũ không. Phải bắt đầu như thế nào đây? Đời sống vợ chồng của hai người có lúc vui lúc buồn, lúc sướng lúc khổ nhưng đâu phải là không có hạnh phúc. Thời gian ông đi cải tạo, Thoa cũng chu toàn bổn phận của nàng dâu hiếu thảo hầu hạ cha mẹ chồng, của người vợ thủy chung lặn lội đường xa đi thăm nuôi chồng, của người mẹ tận tụy sớm hôm lo cho các con. Có lần hội HO ở đây vinh danh các bà vợ HO, ông hãnh diện lắm khi nghe người ta kêu ông lên tặng hoa cho vợ Ông, trong lúc vợ chồng ông bước lên thì họ cũng giới thiệu về vợ Ông và nói ông đã may mắn mới có một người vợ thủy chung, vẹn toàn như thế. Ông biết chứ, ông cũng có bạn tù cải tạo khi được cho về nhà thì chẳng thấy vợ đâu; vợ đã bỏ theo cán bộ mất rồi, con trai phải đi đạp xích lô, con gái phải đi làm điếm, mà kiếm miếng ăn, đau lòng lắm. Biết bao là chuyện đổ vỡ đau lòng.

Không biết nghe chuyện rồi thì ông sẽ nghĩ như thế nào về nàng. Ông có trách móc nàng không? Ngày đó ông rất yêu thương Thanh. Ông nào biết chính Thoa là người đã chia loan rẽ thúy để chiếm đoạt người yêu của bạn.

Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng nàng quyết định sẽ cho ông biết lúc cái tai nạn xảy ra, là nàng có mặt ở đó, là lúc Thanh đang chất vấn nàng. Chi tiết đó nhỏ thôi, nhưng nàng muốn ông biết để may ra khi nàng ra đi tâm hồn nàng được nhẹ nhõm, bình an. Và nàng sẽ phân bua:

'Em không có xô Thanh xuống hố thẳm. Em không có làm!

Nàng nghĩ vậy, chứ trong thoáng nhanh đó, chuyện xảy ra như thế nào, nàng cũng không nhớ chắc.

Từ lúc ốm đau ở nhà thương về, nàng đã kêu người thân dời bức hình từ phòng khách vào phòng ngủ của nàng. Bây giờ, nàng gượng người kê gối nâng đầu cho cao rồi nhìn chăm chăm vào nó. Như là nó đang ...động đậy. Những đám mây xanh. Lá cành cây dương liễu. Gốc cây đã già nua nhiều, cũng như đang... nhúc nhích. Như là thấy Thanh đang đứng sát bờ vực thẳm. Thanh nóng giận đỏ mặt, rồi vung tay tát Thoa. Nàng vừa đưa tay đỡ, vừa tránh né. Người Thanh mất thăng bằng, hai tay chới với...Thoa nghe được tiếng kêu thất thanh của bạn, của mình. Âm thanh vang dội trong thinh không.

Mọi động tác như một khúc phim đang chầm chậm chiếu lại. Nàng thiếp dần.

− Em không có làm!

Trong cơn mê sảng nàng cứ kêu lên như thế. Ông Nhân hốt hoảng chạy vào phòng. Ông không hiểu vợ Ông muốn nói gì. Ông hỏi:

− Em đã không có làm ...chuyện gì?

Khi tỉnh lại, nàng đã không còn nhớ đã thấy gì, đã nói gì. Trên tường bức hình vẫn còn treo ở đó. Vẫn là bức hình cũ kỹ quen thuộc xưa nay.

Ông Nhân vẫn chưa nghe được câu chuyện của vợ. Vì nàng lúc tỉnh lúc mê.

Vài hôm sau, Thoa hôn mê luôn, và cho đến lúc ra đi, đã không một lần tỉnh lại. Nàng mất rồi, thì bức hình cũng được đem đi bỏ rác, không còn ai luyến tiếc. Các con của nàng trong lúc phụ cha thu dọn nhà cửa đã nói với nhau:

− Có gì đặc biệt đâu mà má mang qua tận Mỹ lận! Bà già thiệt kỳ! Bao lần kêu liệng lại không chịu liệng. Mình nói bậy bạ còn bị nghe chửi! Nghe nói nó còn “già hơn bọn mình.

Thằng con lớn lại cười, hỏi quanh:

− Không đứa nào muốn thừa kế cái vật kỷ niệm của má à?

Đứa con gái út giẫy nẩy, kêu lên:

− Thôi sợ lắm anh ơi! Em nghĩ là bức hình đó...có ...ma!