Phần I

Mori Ogai (ảnh trích từ Sigma Shin Kokugo Binran, 2002)

Văn học Nhật Bản trong giai đoạn sau của thời Minh Trị (1868-1926) được đại diện bằng những nhân vật hoặc đứng bên trong hay bên ngoài nhóm "Bạn Bút Nghiên" (Kenyuusha, Nghiễn Hữu Xã), một văn đoàn với văn phong cổ điển kết hợp lại từ năm 1885. Ba người đứng đầu Kenyuusha là Ôzaki Kôyô (Vĩ Kỳ, Hồng Diệp, 1867-1903), Yamada Bi.myô (Sơn Điền, Mỹ Diệu, 1868-1910) và Ishibashi Shi.an (Thạch Kiều, Tư Án, 1867-1927). Đứng ngoài nhóm và tượng trưng cho trào lưu văn học mới có Mori Ôgai (Sâm, Âu Ngoại, 1862-1922), Shimazaki Tôson (Đảo Kỳ, Đằng Thôn, 1872-1943) và Kitamura Tôkoku (Bắc Thôn, Thấu Cốc, 1868-1894).

Thế nhưng các nhà viết văn học sử đều nhìn nhận chỉ có Mori Ôgai, tuy xuất hiện về sau, mới là cái bóng lớn cùng với Natsume Sôseki đã bao trùm lên văn học suốt thời mở nước, từ Minh Trị mãi đến Đại Chính.

Bước đầu của Mori Ôgai (Sâm, Âu Ngoại, 1862-1922):

Mori Ôgai người Shimane, tỉnh duyên hải nhìn ra biển Nhật Bản, sinh ra trong một gia đình đời đời làm nghề thầy thuốc cho lãnh chúa, lớn lên theo truyền thống đó, vào Đại Học Đế Quốc Tôkyô học y khoa, Ông tốt nghiệp năm 1881 và trở thành quân y của lục quân. Năm 1884, ông được gửi đi học về khoa vệ sinh ở Berlin (Đức).

Khi mới từ nước ngoài về (1888) Mori Ôgai đã nhận thấy trong khi Âu Châu đã bước vào thời cận kim thì Nhật Bản hãy còn ở trong thời tiền cận kim nên đã ra sức hoạt động để kéo văn học Nhật tiến lên mau. Ông và em trai, Mori Atsujirô (Sâm, Đốc Thứ Lang), lập ra Shiragami-zôshi (nguyệt san văn học Bờ Giậu, 1889) để "định hướng cho một dòng văn học đang chảy buông tuồng". Ông đang xúc tiến hoạt động có tính chất khai sáng cho văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung thì vì bổn phận, phải đình bản tạp chí để tùng quân tham gia trận chiến tranh Nhật-Thanh (1894-95). Ông đã đăng trên tạp chí đó phần đầu "Người ứng khẩu thành thơ" (Sokukyô Shijin, Tức Hứng Thi Nhân,?1902), tác phẩm rất ăn khách do ông dịch từ Improvisatoren (1835), tiểu thuyết trường thiên của văn hào Đan Mạch Andersen nói về cuộc đời ái tình và sự nghiệp nhà thơ YÙ Antonio, người phải đối đầu với nhiều nghịch cảnh trong tình yêu và tình bạn.

Về mặt sáng tác, ông đã viết tác phẩm đầu tay Maihime (Nàng vũ công, 1890) dưới hình thức một thiên hồi ký với lời văn thanh nhã mô tả mối tình giữa một sinh viên Nhật tên Ôta Toyotarô (Thái Điền, Phong Thái Lang) và nàng vũ công ba-lê (ballet dancer) nghèo tên Elise mới 16, 17 tuổi với bối cảnh thành phố Berlin cuối thế kỷ 19. Toyotarô bắt buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và tình yêu, một được một mất. Chàng đã hy sinh tình yêu để đuổi theo danh vọng, về nước rồi sau đó tiếc hận khôn nguôi vì khi vừa khám phá được bản ngã, tìm được tự do ở nước ngoài thì đã bị ràng buộc vì những qui luật của xã hội cũ ở quê hương. Trong đời thật, Ôgai sau khi đi Đức học 5 năm trở về, có người con gái Đức cũng tên Elise theo chân ông đến Nhật. Sau đó, ông đột nhiên cưới con gái Trung Tướng Akamatsu Noriyoshi tên là Toshiko, nhưng vừa có con xong thì họ ly hôn. Ông không hề cho biết lý do sự thất bại của cuộc hôn nhân nhưng nhiều thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ thái độ trịch thượng của bên nhà vợ đối với gia đình ông.

Văn chương trong Maihime thanh nhã, tác giả kết hợp được lối hành văn mới mẻ của Tây Phương, cùng lúc biết sử dụng Hán văn một cách điêu luyện, làm toát ra được hương vị trữ tình của Tây Âu cận đại. Với tác phẩm tiêu biểu nầy, Ôgai đã thật sự thổi một luồng gió mới vào văn đàn thời Minh Trị.

Cùng năm đó, ông viết Utakata no Ki (Truyện người ca kỹ) và năm sau lại cho ra đời Fumizukai (Người đưa thư). Cả ba tác phẩm nầy có đặc điểm là đều nhuốm màu tình cảm lãng mạn cá nhân, được giới bình luận gọi chung là "bộ ba tác phẩm (trilogy) viết về nước Đức" của ông.

Đặc biệt thời điểm này được đánh dấu bằng hoạt động khai sáng có tính cách tích cực của Ôgai. Tuy ông bàn luận khai sáng trong nhiều lãnh vực nhưng qua việc sáng lập tạp chí văn nghệ Shiragami-zôshi (Bờ Giậu), ông đã có công mở một diễn đàn cho những cuộc bút chiến về tiểu thuyết, ngoài ra, thông qua phiên dịch, lại giới thiệu được nhiều danh tác ngoại quốc đến với độc giả Nhật Bản.

Thời sáng tác sung mãn của Mori Ôgai

Sau khi góp mặt với văn đàn vào những năm Minh Trị thứ 20 (1887-97), tiểu thuyết gia Ôgai gác bút một thời gian để tiếp tục ngành quân y. Ông đã đạt được địa vị cao nhất trong nghề: Tổng cục trưởng hệ thống quân y của lục quân. Hai năm sau đó, ông viết "Nửa ngày" (Hannichi, 1909), tiểu thuyết diễn tả bằng lối văn nói với chủ đề sự xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu, đánh dấu sự trở về với văn đàn của mình, rồi từ đó sáng tác không ngừng.

Để chống đối lại chủ nghĩa tự nhiên vốn xem tính dục như trung tâm của cuộc sống con người, ông viết "Tính dục" (Vitas Sexualis, 1909) mô tả một cách không ngượng ngùng cuộc sống tính dục của nhân vật trong truyện (có lẽ là chính bản thân) từ thuở bé kể cả việc đi lại với gái làng chơi xóm chị em ở Yoshiwara... Tác phẩm này đã bị cấm lưu hành một thời. Ông mượn chi tiết của cuộc sống chung quanh mình đưa vào một số đoản thiên trong đó có "Cuộc thảo luận" (Kondankai) và "Đang Trùng Tu" (Fushinchuu, 1910). Ông còn viết "Tuổi Trẻ" (Seinen, 1910-11) nói về lớp thanh niên thời đó, có lẽ lấy cảm hứng từ "Chàng Sanshirô" (Sanshirô, Tam Tứ Lang) của Sôseki, một tác phẩm cũng đề cập đến tâm trạng thế hệ mới thời Minh Trị. "Ngỗng Trời" (Gan, 1911-1913) mô tả tâm lý và tình cảm của một thiếu nữ, O-Tama (Ngọc), con gái nhà bán kẹo, thấy bản thân gặp cảnh tù túng như lũ chim mình nuôi trong lồng khi cô phải lấy Suezô, người làm nghề cho vay nặng lãi, ông chồng già mà mình không thương. Okada, anh sinh viên trường thuốc hàng ngày đi đến trường qua dưới cửa nhà cô trên con dốc mang cái tên định mệnh là... Muenzaka (Dốc Vô Duyên) mới là người cô thầm yêu nhưng những run rủi của cuộc đời đã làm họ không bao giờ được gần nhau. Ngay dịp may gặp gỡ cuối cùng trước khi Okada sang Đức du học cũng bị tác giả (nhân vật xưng tôi trong truyện và là bạn của Okada) vô tình phá đám. Trên đường về, Okada giận dữ ném hòn đá nhỡ làm chết con ngỗng trời đang bơi trong hồ như thể giết mất một tự do.

Ở giai đoạn sáng tác này, nói chung, đề tài của Ôgai rất phong phú.Tuy vậy, nơi ông, không còn tìm đâu ra hình bóng con người tranh đấu cho tinh thần khai sáng ngày xưa, có chăng là một thái độ "đứng bên lề" (bôkansha), "vui chơi" (asobi) và "cam phận" (teinen). Thái độ nầy một phần cũng vì ở thế đứng của ông giữa chốn quan trường, phải đau khổ chứng kiến thảm cảnh của những nhà văn bị kết án "đại nghịch" bởi một nhà nước Minh Trị phong kiến, và bị đem ra xử hình vì chủ trương và ý kiến của mình (1).

Nổi khổ ấy ông đã lần lượt trình bày trong các tác phẩm nối liền với nhau như "Dường như thế đấy" (Kanoyôni, 1912) và "Dưới cái chùy" (Tsui-ikka, 1913). Trong đó, ông nói về Gojô Hidemaro, một thanh niên quí tộc từng đi du học, hấp thụ được tính hợp lý của Tây phương (ví dụ như thuyết tiến hóa của Darwin mà thời đó coi là "tư tưởng nguy hiểm"), đứng trước cái không hợp lý của Nhật Bản (như thần thoại về nguồn gốc linh thiêng của các thiên hoàng) đang được nhà nước thổi phồng, tìm ra sự mâu thuẫn giữa hai bên nên đâm ra đau khổ. Kết cục, điều nói trên mang đến cho ông ý nghĩ là đành phải chấp nhận những nguyên lý của tôn giáo, khoa học, triết học, vốn không kiểm chứng được một cách cụ thể, như là những thực thể. Cái cách nhìn sự vật "dường như thế đấy" (2) của ông xem một việc xảy ra như sự thực mà không cần tìm bằng cớ về sự hiện hữu của nó. Ông thử tìm cách dựa vào giả thuyết này để tiếp tục sống.

Thế nhưng mang một lập trường như vậy mà còn viết những tác phẩm có tính hiện đại là việc không còn làm được dễ dàng nữa nên ông chuyển qua loại tiểu thuyết lịch sử. Nhân cảm xúc vì cái chết của đại tướng Nogi Marasuke (Nãi Mộc, Hy Điển, 1849-1912) người tự sát để được tháp tùng chủ mình là thiên hoàng Meiji (1852-1912), về bên kia thế giới, ông viết hai tác phẩm mang chủ đề "tự sát để theo chủ" (tuẫn tử ) là "Thư trối trăn của Okitsuyaemon" (Okitsuyaemon no isho, 1912), "Một nhà họ Abe" (Abe ichizoku,1913) rồi sau đó là những danh tác về lịch sử như "Truyện của Sanshô, người kể dạo" (Shanshô Dayu, 1915) "Thuyền giải tù"(Takasebune, 1916).

Người Viết Tiểu Thuyết Lịch Sử

Đến lúc ấy, Ôgai còn viết song song hai thứ tiểu thuyết lịch sử, một là " sát với lịch sử" và hai là "tách khỏi lịch sử".Với Shibue Chôsai (Sáp Giang, Trừu Trai, 1916), đăng trên báo ở Ôsaka và Tôkyô, ông kể lại cuộc đời nhà y khoa và tư tưởng thời Edo, Shibue Chôsai (1805-1858), rồi từ đó triệt để theo con đường "sát với lịch sử", cắt xén mọi sự kiện có tính cách tiểu thuyết mà đi vào hẳn lãnh vực truyện ký. Con người của Chôsai "lòng chứa đầy đạo nghĩa, đẩy lùi cám dỗ đến từ bên ngoài, lúc nào tâm thần cũng yên ổn, biết đợi thời cơ, lúc cần tiến thì tiến, phải thoái thì thoái" được ông coi như là một đàn anh mẫu mực trong công việc khảo chứng khoa học của mình. Trong tiểu thuyết nầy, Ôgai như đặt lại vấn đề: một cuộc duy tân hấp tấp và hời hợt (3) có thể làm mất đi những giá trị cổ truyền quí báu tượng trưng bằng nhân vật Chôsai và để lại một khoảng trống tinh thần mà Nhật Bản không cách gì bù đắp vào được.

Sau đó, ông còn biên soạn Izawa Ranken (4) (Y Trạch, Lan Hiên, 1916) và Hôjô Katei (5) (Bắc Điều, Hà Đình, 1917-20), xem việc viết "truyện ký lịch sử" như lối thoát cuối cùng của nhà văn.

Nhà Dịch Thuật và Khai Sáng

Ôgai cũng đóng một vai trò tiên phong trong việc giới thiệu thơ Tây Phương với người Nhật. Sau khi du học ở Đức về, ông đã cùng với Ochiai Naobumi (6) và Koganei Kimiko (Tiểu Kim Tỉnh, Hỷ Mỹ Tử) lập ra tổ chức "Tiếng Nói Mới" Shinseisha (Tân Thanh Xã) viết tắt là S.S.S., cho ra đời tập thơ dịch "Vang Bóng"(Omokage, 1889) trong đó họ dịch thơ từ chữ Hán, từ thơ Tây Phương (của Heinrich Heine và Goethe) cũng như một tiết cổ văn trong Truyện Heike. Bài thơ của Goethe (1749-1832) nhan đề "Khúc hát của nàng Mignon", một mỹ nhân bạc mệnh, thấy trong tiểu thuyết mang tên "Thời học việc của Wilhelm Meister (Wilhelm Meistes Lehrjahre), với hình thức 10/10 âm tiết khác với thể 5/7 truyền thống của người Nhật. Trong đó còn có thơ trích từ Faust (1774-1831), kịch thơ gồm hai tập của Goethe nói về cuộc đời hứng thú, đầy bi kịch trong tình yêu và cũng như cuộc đổi chác giữa học giả Faust và ác quỉ. Ôgai đã dịch từ nguyên văn tiếng Đức theo lời yêu cầu của Bộ Giáo Dục và hoàn tất năm 1913. Khi xuất bản, sách bán rất chạy và gây được tiếng vang lớn.

Khác với việc đeo đuổi lý tưởng nhân bản của Natsume Sôseki, Ôgai là một nhà văn trí thức, đứng bên ngoài dòng suy tưởng đó và gắn bó với truyền thống tôn quân trọng đạo nhiều hơn. Về bút pháp, ông rõ ràng, chính xác và chi tiết như một nhà giải phẫu, có lẽ vì lý do nghề nghiệp. Ông được đánh giá như một kiện tướng của phong trào dùng văn nói để viết tiểu thuyết, đóng góp nhiều cho sự phát triển của tiếng Nhật hiện đại. Ông từng viết kịch theo phong cách Âu Tây và đồng thời cũng yêu chuộng sân khấu cổ điển Kabuki. Ngoài ra, Ôgai còn để lại dấu ấn trên phương pháp luận của các nhà phê bình văn học thời Minh Trị. Trong lãnh vực này, theo Ivan Morris, ông tỏ ra chịu ảnh hưởng mỹ học của triết gia duy lý Đức Karl Eduard von Hartmann (1842-1906). Tuy không có nhiều độc giả và thu hút đệ tử lúc sinh thời như Sôseki, Ôgai được lớp nhà văn có tiếng tăm đi sau với văn phong khác nhau từ Tanizaki, Akutagawa, Kawabata đến Mishima đồng tôn làm thầy trong lãnh vực văn chương.

*

Sau khi rời khỏi chức vị Tổng Cục Trưởng Cục Quân Y, Ôgai vẫn còn là viện trưởng Viện Mỹ Thuật Đế Quốc và Viện Bảo Tàng Đế Quốc cho đến lúc qua đời vào năm 1922, thọ 60 tuổi. Có điều lạ là khi chết, ông đã để lại di chúc từ chối tất cả những vinh dự mà chức phận của ông có thể dành cho và chỉ xin khắc đơn sơ trên mộ bia tên cúng cơm của mình (Mori Rintarô = Sâm, Lâm Thái Lang) để được chết như một người thường dân xứ Shimane, quê nhà của ông.

Ba đoản thiên của một người viết văn thời mở nước

Khoảng giữa năm 1971-72, nhà xuất bản Iwanami ở Tôkyô đã cho ra đời toàn tập Mori Ôgai gồm 38 cuốn mà trong đó ba truyện được ra chọn để dịch vì vừa thật ngắn, vừa có giá trị tiêu biểu.

Trước hết là "Đang Trùng Tu" (Fushinchuu, 1910), tác phẩm Ôgai viết năm 48 tuổi. Ông xem nó nó như một Ich Roman (tiểu thuyết tự thuật) của mình, trong đó nhân vật tham tán ngoại giao Watanabe, đã gặp lại một phụ nữ ngoại quốc, người yêu cũ của anh ta, trong khung cảnh đang xây dựng dở dang của thành phố Tôkyô sau khi chiến tranh Nhật Nga (1904-05) vừa chấm dứt với câu nói thời danh: "Đây là xứ Nhật mà!", đúc kết những hạn chế và tiêu cực của một quốc gia đang muốn chen chân với liệt cường. Nó như thầm bảo người phụ nữ ngoại quốc trong truyện không hiểu về Nhật Bản cũng như Nhật Bản lai căng của thời Minh Trị chưa hiểu gì về ngoại quốc, nếu hai bên có tìm đến với nhau thì chỉ là một cuộc hôn nhân tạm bợ. Đất nước này còn cần một thời gian trùng tu để chuẩn bị tốt cho cuộc gặp gỡ Đông Tây. Truyện này còn có thể xem là đoạn tiếp nối và lời trần tình cho thái độ của nhân vật chính trong Maihime (Nàng Vũ Công, 1910), anh chàng sinh viên du học Toyotarô đã bỏ rơi người yêu, một cô gái ngoại quốc để về nước lấy vợ.

Hanako (1910), nhan đề của truyện thứ hai mang tên một người con gái Nhật, Fukuhara Hanako. Cô cũng là một vũ công ba-lê, thực sự đã đến Paris và có dịp làm người mẫu cho nhà điêu khắc Auguste Rodin (1840-1917). Tiểu phẩm chỉ có vài trang này của Ôgai nhằm đánh giá cao vẻ đẹp Đông Phương của người con gái Nhật Bản, một cái đẹp chỉ có bậc đại sư phóng khoáng như Rodin mới có thể cảm nhận trong khi chính đồng bào của cô lại không nhìn thấy vì họ còn bị che khuất bởi những thành kiến về giai cấp và về quan điểm mỹ thuật.

Takasebune (Thuyền Giải Tù, 1916), tác phẩm thứ ba được giới thiệu dưới đây, là một truyện ngắn lịch sử Ôgai viết năm 54 tuổi, đăng lần đầu trên tờ Chuô Kôron (Trung Ương Công Luận). Tác phẩm phản ánh những dằn vặt nội tâm của tác giả, vừa là nhà văn có tư tưởng mới mẻ vừa là một công chức cao cấp trong chính quyền, đứng trước những mâu thuẫn của xã hội mình đang sống mà không tìm ra lời giải đáp. Truyện cũng khơi gợi lên một vấn đề y học mà ngày nay chúng ta còn đang bàn cãi: quan điểm đạo đức về hành động trợ tử (euthanasia ).