Tập 1
Nằm trên ghế xích đu, Đoan Thư thả mắt lên những trái xoài treo lủng lẳng trên cành. Xoài năm nay được mùa. Trái sẽ ngọt và to hơn mọi năm. Bà ngoại Thư biểu: “Được mùa xoài, ngoài quê chắc là thất mùa lúa” Đoan Thư tròn mắt hỏi ngoại lý do? Ngoại chỉ cười cười giải thích: − Ngoại không rõ lắm. Nhưng kinh nghiệm và linh cảm những tháng năm tảo tần hôm sớm của người nông dân đã từng gặp để suy đoán vậy. Đoan Thư bật cười: − Ngoại lại duy tâm rồi. − Không phải ngoại mê tín gì. Ông cha bao đời đã dựa vào những kết quả vụ mùa, để ước đoán vận hạn cây trồng. Đúng tới chín mươi phần trăm, không tin cháu chờ xem. Đoan Thư chỉ cười. Ngoại bảo cô chờ. Chờ điều gì mới được, hình như người lớn cỡ tuổi mẹ trở lên luôn có những câu lo xa vô cớ như thế? Vậy mà, chiều qua chính Đoan Thư đã đọc thư của Bác Ngãi, chị gái của mẹ. Thư từ Bắc gởi vô. Bác Ngãi than phiền việc lúa bị sâu tàn phá nặng, thêm nạn dịch cóc vàng gì đó nữa. Khiến cuộc sống ở ngoài ấy đang gặp khó khăn. Nhà Ngoại Đoan Thư chỉ có ba chị em mẹ Thư và Cậu Út đã vô đây hơn chục năm rồi. Bác Ngãi nặng gánh bên gia đình chồng nên không thể bỏ quê hương. Bởi thế bà Ngoại dường như mỗi khi trời chuyển dông bão, gió mùa đông Bắc đều chẳng ngủ yên. Ngoại luôn lo lắng cho con cháu còn ngoài đó. − Kinh coong! Kinh coong!... Tiếng chuông cổng vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của Đoan Thư. Cô bật dậy, thong thả để ra cổng. Cả tuần, có một ngày chủ nhật muốn nghĩ cũng không yên với lũ bạn quỉ quái của cô. Chắc lại nhỏ Thuỳ hay Minh Hương đến rủ cô đi ăn hàng? Đoan Thư cao giọng, vừa rút chốt cổng vừa lầu bầu: − Làm gì mà kéo chuông ầm ĩ vậy mấy mụ quỉ? Cánh cổng vừa kéo ra, Đoan Thư đã đứng chống nạnh ngó quanh. Minh Hương, Hạnh Thuỳ đâu không thấy chỉ thấy lờm xờm một cô gái lạ hoắc ăn mặc đúng dân Bắc kỳ trăm phần trăm không lẫn. Quần Tây áo sơ mi dài tay, lại còn đội nón lá. Trời ạ! Đoan Thư phải cố lắm mới không khỏi bật cười, cô nheo mắt nhìn cô gái: − Chị vừa gọi cổng à? Cô gái lúng túng rõ rệt: − Dạ phải. − Chị cần gì? Muốn xin nước uống hay xin tiền lộ phí? Cô gái bối rối: − Tôi… không có xin tiền. Đoan Thư nói hớt: − Mắc cỡ à. Chuyện bình thường thôi. Tôi không ác ý đâu. Tại ngày nào nhà tôi cũng có vài người tới xin tiền với lý do “vô làm ăn, không may bị sốt rét” “bị kẻ cắp giật giỏ xách…”. Ngoại tôi vốn thương người bà luôn nhịn phần tiền sáng để cho họ. Chị cũng là người Bắc đồng hương với tôi, gặp khó khăn cứ nói, tôi giúp. Đoan Thư nói một hơi dài, không để ý tới thái độ khép nép, e dè, thêm một chút bất mãn của cô gái. Đoan Thư dừng lời, cô gái vội hỏi, nhanh như sợ không còn cơ hội: − Không phải tôi xin tiền. Tôi chỉ muốn hỏi thăm, đây phải nhà ông Đức Tín chủ cơ sở may mặc Tín Nghĩa không? Đoan Thư nhíu mày: − Nhà thì đúng rồi. Nhưng chị hỏi ba tôi chi vậy? Nét mặt cô gái đã tự tin hơn, cô nở nụ cười dè dặt: − Tôi tên Thanh Hoài, ở ngoài Bắc vô, mẹ tôi có gởi cho hai bác Tín một lá thư. Đoan Thư kêu lên: − Trời ạ, sao khi nãy chị không nói ngay làm người ta tưởng… Ba đi vắng rồi. Nhưng có bà Ngoại tôi ở nhà. Mời chị vô. Cô gái ấy nói: − Vậy còn bác gái? − Mẹ tôi đi suốt, ít ở nhà trước khi trời tối lắm. Chị yên tâm, mẹ tôi rất hiền sẽ vui vẻ khi khách là đồng hương. Cô gái miễn cưỡng xách giỏ đồ đi theo Đoan Thư. Vào phòng khách. Đoan Thư chỉ cho cô gái ngồi xuống ghế, còn mình đi vô trong mời bà Ngoại. Còn lại một mình, cô gái ngồi bệt xuống nền gạch bông láng coóng, đưa mắt quan sát khắp phòng. Ánh mắt đen láy ánh lên vẽ thích thú, khâm phục. Bởi từ bé đến bây giờ, cô chưa hề đặt chân đến căn nhà xây theo kiểu tầng lầu, thì làm sao biết được sự sang trọng quí giá của những nơi này. Mãi nhìn vào bức tranh mặc thuỷ vẽ theo lối tự bạch, biểu hiện sự giản dị nhưng lại có hồn ở bức tranh. Một cô gái đứng bên rặng tre làng, soi bóng dưới mặt kênh xanh đã mỉm cười nhìn về hướng nam đầy màu xanh của cây cối… Nét mặt cô gái đầy thích thú và cảm động. Tiếng chân từ trong đi ra khiến cô gái ngồi lại chỗ cũ, dáng vẻ khép nép. Đoan Thư kêu lên: − Chị ấy ở ngoài này Ngoại ơi. Ủa! Sao chị lại ngồi dưới đất? Cô gái cười nhẹ: − Tôi thích ngồi thế này, thoải mái hơn. Cô vụt đứng dậy, vòng tay và cúi đầu chào rất lễ phép: − Cháu chào bà ạ. Đoan Thư bật cười ngặt nghẽo. Lớn thế ai lại chào như học trò lớp một chào thầy cô vậy. Buồn cười ghê. Bà Hai Ngạn vui vẻ: − Chào cháu, cháu ngoan lắm. Nào, ngồi lên ghế, rồi nói cho bác nghe, cháu ở đâu tới, là con cái nhà ai? Bà nạt đùa Đoan Thư: − Chút chít à, cười gì vậy, cháu mau rót cho ngoại ly nước. Nghe bà Hai Ngạn gọi Đoan Thư bằng tên “chút chít’ cô gái có vẻ ngạc nhiên. − Chị ấy xinh đẹp thế, sao lại đặt tên như vậy hả bà? Đoan Thư cong môi: − Tại cả nhà đều thích ăn hiếp tôi, gọi tôi là bé chút chít từ lúc bé tẹo riết thành tên. Khi Đoan Thư bưng lên hai ly nước, một chanh đá, một trà nóng. Đã nghe cô gái nhỏ nhẹ nói với Ngoại. − Cháu là con gái cô giáo Trang, nhà ở kế một bên nhà bà cũ. Cháu tên Thục Hiền. Bà Hai Ngạn vui vẻ: − Ôi chà, tưởng ai, hoá ra là con gái cô Trang. Mẹ cháu còn đi dạy không? Rồi cháu vô đây chi vậy. Thục Hiền cắn môi nói nhẹ: − Thưa bà, mẹ cháu đã nghỉ dạy đã hai năm. Dạo này sức khoẻ mẹ cháu yếu lắm. Cháu không muốn xa mẹ cháu tí nào. Nhưng mẹ đe, nếu cháu không chịu vô đây nhập học, mẹ cháu sẽ đập đầu chết. Bà Hai Ngạn chép miệng: Tội nghiệp, cô Trang lúc nào cũng giỏi giang, tháo vát. Thế cháu vào đây học nghề gì? Thục Hiền nói: − Cháu học y khoa bà ạ. − Ôi! Giỏi thế kia à? Thời buổi này ở quê mà cháu thi đậu y khoa quả là phi thường đấy. Vậy là cháu cũng tuổi Đoan Thư rồi. Đừng gọi nhau chị chị em em nữa, nghe khách sáo lắm. Đoan Thư cũng sắp vô đại học. Nhưng nó học bên ngoại giao kìa. Đoan Thư lại cười: − Ngoại ơi, là Đại học Ngoại Thương chứ làm gì có ngoại giao hả Ngoại. Bà Ngạn cười ngỏn ngoẻn: − Thì Ngoại giao cũng phải học tiếng Tây tiếng hoa gì đó. Sau này ra tiếp xúc với khách nước ngoài, gọi thế cũng có sai đâu hả. Quay sang Thục Hiền, bà Ngạn hỏi: − Vô đây cháu định ở ký túc xá à? Thục Hiền cắn môi: − Cháu cũng chưa biết thưa bà? Đoan Thư xen vô: − Ở ký túc xá phức tạp lắm. May mắn được ở chung phòng với những người tốt còn đỡ, không may, phải ở chung với mấy người ích kỷ, hẹp bụng, chán lắm. Bạn không còn người quen ở đây à? Thục Hiền lắc đầu: − Ngoài địa chỉ nhà Đoan Thư ra, Hiền không biết ai khác. − Nói vậy, chắc mẹ bạn muốn gởi gắm bạn cho ba mẹ mình rồi. Há ngoại. Bà Ngạn gật gù: − Ngày ở quê, mẹ cháu và ba mẹ của Đoan Thư thân nhau lắm. Chắc ba mẹ Đoan Thư đã gợi ý, nên mẹ cháu mới chỉ dẫn cháu đến đây. Bà đâu lạ tính cô giáo Trang. Giữ kẽ lắm, và cũng rất tự trọng. Đoan Thư vô tư: − Nhà mình còn rộng thênh. Thêm Thục Hiền cũng vui Ngoại ạ. Bà Ngạn nói: − Chuyện gì cũng phải chờ ba mẹ cháu về. Bây giờ đưa Thục Hiền lên phòng cho nó nghỉ ngơi. Đi xe mấy ngày chắc là mệt lắm. Thục Hiền im lặng đi theo Đoan Thư sau khi chào bà Ngạn. Cô tạm yên tâm khi thấy Đoan Thư không có vẻ gì phách lối, khinh người cả. Cô rất sợ sự va chạm kể cả hợm hĩnh. Đúng như lời Đoan Thư nói. Gần bữa ăn cơm tối, hai vợ chồng ông Đức Tín mới trở về nhà. Được Đoan Thư kêu ra gặp ba mẹ của Thư tự nhiên Thục Hiền thấy lo lo làm sau? Cô không còn quá nhỏ, để có thể vô tư chịu sự sắp đặt của người lớn. Nhưng cũng chưa có thể tự lo cho mình một cuộc sống ở nơi đất khách xa lạ. Và cũng không đủ thông minh để hiểu, không ít những trường hợp cha mẹ tin nhau gởi gấm con vào nhà bạn để rồi đứa nhỏ phải chịu mọi cay nghiệt của một kẻ ăn nhờ ở đậu! Không biết tâm trạng vợ chồng ông Đức Tín thế nào? Thục Hiền nhận ra nơi phòng khách, ngoài bà ngoại, Đoan Thư còn có một người phụ nữ trạc tuổi mẹ cô nhưng trẻ hơn với những mỹ phẩm được chăm sóc rất kỹ trên da mặt, khiến cho người thiếu phụ nhìn thật trẻ trung, quyến rũ. Người đàn ông có đôi mắt rất giống Đoan Thư nên nhìn qua Hiền đoán được là ba mẹ Đoan Thư. Ngoài ra còn hai người thanh niên trạc tuổi nhau đang nhìn cô cười cười vẻ trấn an. Cúi đầu chào từng người một, Thục Hiền không biết kiểu chào này, nhìn cô thật trẻ con đến mức Đoan Thư còn cười ngất ngưỡng. Bà Tín hiền lành: − Tới đây cho bác coi nào, không ngờ mẹ Trang cháu có cô con gái xinh đẹp như vậy. Ngồi xuống đi cháu. Ông Tín nói, khi thấy Thục Hiền đã ngồi vào ghế: − Bác đã đọc thư mẹ cháu viết. Mẹ cháu muốn hai bác lo cho cháu một chỗ ăn ở tử tế. Không muốn cháu ở trong ký túc xá. Cháu nghĩ sao? Thục Hiền bối rối: Dạ, thưa, cháu cũng không biết nữa. Mẹ cháu dặn, vô đây hỏi ý kiến hai bác và bà ngoại. Bà Tín chậm rãi: − Thế này đi, cháu khỏi cần đi đâu nữa, nhà bác còn tới ba phòng trống. Cháu ở lại đây làm bạn với Đoan Thư như ngày xưa mẹ cháu làm bạn với chúng ta vậy. Cháu chịu không? Ông Tín cũng nói: − Phải đấy cháu. Mẹ cháu cũng muốn chúng ta lo lắng cho cháu. Cháu hãy ở đây cho tiện, và mẹ cháu khỏi lo lắng. Bà Hai Ngạn thong thả: − Lời đã nói, không thể thay đổi. Đã nhất định giúp người phải giúp đến nơi. Cuộc sống không ít những trường hợp buồn đã xảy ra. Nếu các con, các cháu thật sự muốn giúp cô Trang, thì hãy yêu thương Thục Hiền như con cái, không nên phân biệt, mới khỏi xảy ra những tổn thương sau này. Nên nhớ, Thục Hiền phải ở tới sáu năm tại đây đó. Anh hai của Đoan Thư, tên Nghĩa cũng nói: − Bà ngoại nói đúng đấy. Chúng ta phải sống hoà thuận, yêu thương Thục Hiền như Đoan Thư mới được. Thục Hiền cuống quít: − Ôi cháu xin lỗi, xin mọi người đừng quá lo cho cháu. Cháu vô đây là đã xác định cuộc sống của mình. Cháu không dám phiền gia đình nhiều đâu. Một chỗ ở, kê đủ chiếc giường và có nơi học bài là đủ rồi thưa ngoại. Bà Tín cười cười: − Coi cháu kìa. Chúng ta đã quyết định, từ hôm nay cháu chính thức là thành viên của gia đình chúng ta. Phòng cháu ở cạnh phòng Đoan Thư, có gì hai chị em sẽ chăm sóc lẫn nhau, Thư nghe chưa. Đoan Thư lè lưỡi: − Tuân chỉ mẫu hậu. Ông Tín quyết định: − Cháu học y khoa, khác giờ và cũng khác đường đi với Đoan Thư. Từ từ hai bác sẽ mua xe cho cháu đi học. Đoan Thư hôm nào rảnh nhớ tập cho Thục Hiền chạy xe nha con. Lần này Thục Hiền quýnh thật sự, cô khổ sở: − Cháu thưa ngoại, thưa hai bác. Điều cháu cần nhất là được hai bác cùng gia đình thương mến là quí lắm rồi. Mẹ cháu có cho cháu tiền, để mua xe đạp. Ngày mai cháu sẽ nhờ Đoan Thư dẫn cháu đi mua xe. Đường thành phố cháu không rành lại nhiều xe, cháu sợ lắm. Cháu muốn đi xe đạp cho an toàn. Anh Nghĩa bật cười: − Chưa thấy ai như cô bé. Được lo lắng mà còn không chịu. Chả bù cho nhỏ Thư luôn thay xe như thay… áo. Đoan Thư ré lên: − Anh hai giỏi bịa. Làm như nhà mình thuộc hàng đại tỷ phú. Một lần thay chiếc mi ni Nhật lấy chiếc Chaly và bây giờ người ta lớn rồi ba thưởng cho chiếc DreamII làm chân chứ có dám cho chạy xe phân khối lớn đâu. Anh coi chừng có ngày em trác lại. Bà Đức Tín cười cười: − Thôi thì chúng ta tuỳ cháu. Cháu nói thế cũng phải. Sau này học hành nhiều, đi quen đường, mua xe Honda cũng chưa muộn. Sáng mai Đoan Thư bận đi Bình Dương cùng bác. Bác sẽ nhờ Việt dẫn cháu đi mua xe. Cháu không từ chối chứ Việt? Bà Tín nhìn người thanh niên có nét mặt lành lạnh, bất cần đời, ngồi bên cạnh Nghĩa hỏi nhẹ. Môi Việt hơi nhếch lên: − Sao cũng được. Ngày mai cháu trực đêm. Rảnh nguyên ngày. − Vậy thì tốt rồi. Bà Ngạn còn dặn dò Thục Hiền ít câu nữa, rồi tất cả mọi người xuống phòng ăn. Hình như ở thành phố người ta thường ăn tối trễ… Không giống như ở quê Hiền, giờ này ngoài những cô cậu học trò phải học bài, còn ai đó đã vô giường ngủ, sau một ngày lao động vất vả. Tối chỉ mong được ngả lưng sớm. Thục Hiền nhẹ thở dài bưng chén cơm gạo trắng bóc, thơm ngát, đầy cá thịt, cô lại chạnh lòng thương mẹ ở quê xa. Vùng quê quanh năm trồng lúa, mà chưa bao giờ mẹ dám thổi lon gạo thơm để ăn!Đoan Thư nhìn đồng hồ rồi rủ Thục Hiền: − Hiền ra ngoài với Thư nha. Thục Hiền do dự: − Đi đâu buổi tối như vậy? Hiền ngại lắm. Đoan Thư cười cười: − Hiền yên tâm. Mẫu hậu vừa ban chỉ phát ngân phiếu để Đoan Thư dẫn Hiền đi mua ít đồ dùng và quần áo. Thục Hiền từ tốn: − Mua sách vở, bút thì được. Chớ quần áo Hiền còn mới lắm, khi nào cũ hãy thay Thư ạ. Đoan Thư cong môi: − Nói Hiền đừng giận nha. Hiền xinh cực, chỉ tội nhìn “quê” quá. Học hết lớp mười hai, sao Hiền đơn giản vậy. Ở quê, Hiền mặc sao tuỳ. Chớ vô thành phố ăn mặc như Hiền bị người ta châm chọc khinh khi, bạn bè chế diễu quê mùa sẽ khó chịu lắm. Mẹ Thư muốn Thục Hiền có đồ mới như Đoan Thư vậy. − Mẹ Hiền đã dặn, không nên làm phiền hai bác nhiều, Hiền ngại. Đoan Thư kéo tay Hiền: − Ngại gì chứ, sau này Thư còn cho bạn ít đồ của Thư nữa, đầy nhóc hai tủ lận. Có bộ Đoan Thư mua về mặc vô thấy không thích, xếp luôn. Nào đi mau kẻo trễ. Thục Hiền cắn môi: − Nếu vậy Thư cho Hiền vài bộ đồ cũ được rồi, mua chi cho tốn kém. − Trời ơi, đồ cũ mặc theo đồ cũ, Hiền vẫn phải mua vài bộ đồ mới, nếu không mẹ thư buồn đấy. Nghe Đoan Thư hù bác Tín sẽ buồn mình, Thục Hiền đành líu ríu theo chân Thư ra cửa. Gì chứ thà cô chịu tất tật mọi khổ cực, chớ để bác Tín phiền lòng cô không muốn tí nào. Ở nhờ nhà người ta, có phước lắm mới được bà chủ nhà thương. Ngốc cỡ nào Thục Hiền cũng không dám không nghe lời. Đoan Thư chở Thục Hiền bằng chiếc DreamII của mình. Cô chạy chậm, vừa chạy vừa hướng đạo để Hiền nhận biết từng đường phố. Sau cùng, Đoan Thư dừng xe trước siêu thị Coóc- Mat. Gởi xe xong, cô kéo Thục Hiền lên lầu hai. Đến quầy hàng bán quần áo may sẵn, cô bảo Thục Hiền lựa đồ, còn Đoan Thư đứng tán dóc với cô gái ngồi bán mỹ phẩm ở quầy đối diện. Đoan Thư nheo mắt: − Hôm nay tao chờ mày nhức mắt sao hẹn tới rủ tao đi bơi, mà lặn mất tiêu vậy Thuỳ? Hạnh Thuỳ bĩu môi: − Tao cũng ngán chết được, khi bất ngờ bị triệu hồi vô đây bán hàng. Tới bây giờ còn chưa được “giải phóng”. Chị Kim Thoa đâu? − Chị ấy được bạn mời đi picnic ở núi Bà Đen, mẹ tao mới bắt tao thế chị Thoa, lâu lâu bị đì một chỗ thật chán. Còn mày đi đâu đây? Đoan Thư cười cười: − Vô siêu thị, ngoài việc mua quần áo mày bảo tao còn đi đâu? Hạnh Thuỳ le lưỡi: − Áo quần mày mặc ngày thay 7 kiểu, đủ một tháng liền, quay lại chưa chắc đã đụng cái đầu tiên. Mua chi nữa. Đoan Thư tưng tửng: − So với cô con gái cưng của tổng giám đốc thương mại các siêu thị, tao còn thua nửa cây số, đúng không? Nhưng hôm nay tao đi mua đồ giùm. Hạnh Thuỳ nhướng mắt: − Mày cũng tốt vậy sao? Mà mua giùm cho ai, mua cái gì? Chỉ tay vào Thục Hiền đang đứng lớ ngớ bên ki- ốt áo quần, Đoan Thư nói: − Một bác sĩ tương lai, mày nhìn coi. Hạnh Thuỳ kinh ngạc: − Là con nhỏ mặc quần tây đen, áo sơ mi trắng ấy hả? “Bắc kỳ” quá vậy? Đoan Thư cười cười: − Bắc kỳ trăm phần trăm nho nhỏ đấy. Vừa lúc Thục Hiền nhìn quanh quất kiếm Đoan Thư. Nhận ra Thư ở trước mặt, Thục Hiền đi tới, cô nhăn nhó: − Mình về đi Thư! − Hả? Hiền lựa được đồ chưa mà đòi về? Thục Hiền thật thà: − Hiền mới nhìn, chứ chưa dám hỏi. Hiền ngại họ mắng, vì nhìn Hiền cù lần, nghèo quá. Đoan Thư cười ngỏn ngoẻn: − Trời ạ, ai cười kệ họ. Miễn mình có tiền mua đồ được rồi. Để Thư sang chọn cho. Thục Hiền bỗng chỉ tay vào những chai dầu gội đầu bày trong tủ kiếng: − Hiền muốn mua một chai dầu gội đầu. Đoan Thư chợt nhớ: − Phải đấy, ki- ốt mỹ phẩm này của chị gái bạn Thư làm chủ. Để Thư giới thiệu hai người quen nhau, Hạnh Thuỳ là bạn thân của Thư, học chung trường ngoại thương. Hôm nay bán giùm chị Hai của nó. Còn đây là Thục Hiền, một người thân của gia đình Thư. Thục Hiền học y khoa đấy Thuỳ. Hạnh Thuỳ không dấu vẻ ngỡ ngàng: − Hiền học y khoa à. Vậy là số 1, hơn hẳn bọn này rồi. Thục Hiền nhún nhường: − Không dám nhận lời khen đâu. Hai bạn đậu ngoại thương cũng thuộc hàng cao thủ chớ bộ. Ngoài mình, người ta không còn thích học y nữa vì thời gian học lâu quá. Còn kinh tế đối ngoại, ngoại thương, ngân hàng đang là mốt của sinh viên. Phải học giỏi và có cửa mới dám mơ chớ bộ. Đoan Thư cười giòn: − Rốt cuộc thì mèo khen mèo dài đuôi cả thôi, để hôm nào Thư mở bữa tiệc nhẹ, để mọi người gặp gỡ nhau, tha hồ tâm sự đời tôi. Bây giờ muộn rồi, mua đồ lẹ còn về. Thêm một bất ngờ nữa dành cho hai cô gái Sài Gòn khi Thục Hiền chỉ vào chai dầu bồ kết, hỏi mua. Đoan Thư kêu nhỏ: − Trời ạ, sao không là Rechoice là clear hoặc bất lắm cũng Lifebuoy dầu gội gia đình. Ai lại gội dầu bồ kết chứ? Thục Hiền giản dị. − Ở quê, Hiền gội bằng trái bồ kết cho vào đun sôi cùng lá sả, lá hương nhu, lá bưởi riết thành quen. Bây giờ không còn điều kiện thì gội bồ kết chai cũng tiện lợi. Đoan Thư không còn thời gian để tranh cãi với Thục Hiền, chỉ khăng khăng không chịu mua dầu bồ kết. Rốt cuộc Thục Hiền đành mua một chai clear nhỏ xíu, mặc kệ cho Thục Hiền la. Hạnh Thuỳ rỉ rả nhỏ: − Muốn gội rửa hết chất phèn chua của cô em “Bắc kỳ nho nhỏ” này, mày phải có thời gian Thư ạ. Nhỏ nhìn bắt mắt lắm. Sau này tụi mình ra rìa hết đó. Coi chừng! Đoan Thư chỉ cười, không hiểu sao cô không thấy ghét Thục Hiền. Nhìn nụ cười ngượng ngập trên bờ môi đỏ au của Hiền, Đoan Thư thấy mến Hiền như ruột thịt. Cô kéo Thục Hiền trở qua ki ốt áo quần, tự tay mua cho Hiền hai chiếc quần Jean, hai áo thun màu vàng và hồng nhạt. Hai bộ đồ soọc màu trắng. Thư nói khi Hiền không chịu mua. − Đồ soọc mặc để tập thể dục buổi sáng từ mai Hiền phải chạy với Thư. Vậy là Hiền đành chịu. Thêm hai bộ đồ katê sọc nhỏ mặc nhà. Tới hai chiếc đầm thì Thục Hiền rên rỉ: − Đoan Thư ơi, đừng mua đầm, Hiền không mặc đâu. Thư cong môi: − Bây giờ chưa quen, Hiền nói thế. Sau này có bạn bè, người ta mời sinh nhật, dạ hội, Hiền không thể từ chối cũng không thể không có những bộ đồ đúng mốt. Nên nhớ từ nay bạn là người của nhà họ Nguyễn. Thành phố này mấy ai không biết tiếng tăm nhà mình. Nên, bắt buộc tụi mình không được xuề xoà đâu bạn. Thục Hiền đành im lặng chấp nhận. Ôm giỏ đồ, nhìn Đoan Thư trả tiền. Thục Hiền buốt cả ruột. Một chiếc quần Jean, Hiền dư sức may được ba bộ đồ thường, đúng là phí phạm. Thêm một mớ giầy dép đủ loại, nón cũng hai chiếc. Thêm chiếc cặp đi học, bóp đi chơi. Không thể cản Thư, cũng không thấy vui vẻ chút nào. Thật chán. Nếu cô được toàn quyền sử dụng số tiền Đoan Thư vừa mua đồ. Chắc chắn cô sẽ gởi ngay về quê. Số tiền đó dư sức để mẹ mua vài cặp heo, lợp lại mái nhà trước đã dột nát. Nhưng, lực bất tòng tâm, có đâu đã làm ra tiền. Dẫu day dứt, thương mẹ chất ngất. Cô biết mẹ chẳng bao giờ trách cô. Cha mẹ nào không mong con được ăn ngon mặc đẹp?Phát hiện ra chiếc mini màu đỏ để trong nhà kho. Thục Hiền nói Đoan Thư cho cô sửa lại, đi tạm. Đoan Thư biết Hiền muốn tiết kiệm tiền, nên đã đồng ý. Vì chiếc xe cũng còn tới tám mươi phần trăm toàn đồ xịn. Buổi trưa, nhân lúc cả nhà ngủ, Thục Hiền dắt xe ra phía sau hè, ngồi hì hục lau chùi. Cô cẩn thận lau từng chiếc căm xe, xăm xoi từng hạt bụi bám trong líp xe. Việc làm tỉ mỉ của cô không ngờ lọt vào mắt của Việt. Anh chậm rãi bước xuống lầu, đi tới chỗ Thục Hiền, khoanh tay đứng nhìn. Việt nheo mắt: − Chà! Chiếc xe cũng còn mới quá chứ. Cô tìm được trong tiệm cầm đồ à? Thục Hiền giật mình, cô bối rối: − Là anh à? Anh không nghỉ trưa sao? Việt thủng thẳng: − Dân sinh viên cỡ tôi, làm gì có thời gian nghỉ ngơi chứ. Học còn như chạy sô hát kìa. Cô bé chưa trả lời câu tôi hỏi: Thục Hiền dừng tay, nói nhỏ: − Là xe của Đoan Thư. Tôi thấy còn mới và tốt, nên kêu nó để tôi xài. Chứ ra tiệm, chắc gì mua được loại xe tốt hơn. − Mẹ Đoan Thư cho cô cả triệu đồng để mua một chiếc xe toàn đồ Nhật? Tại sao cô phải từ chối? − Thà không có, tôi đành nhận của bác ấy. Nhưng xe còn tốt thế này, với tôi là cả một tài sản. Bỏ đi uổng lắm. Tôi rất ngại khi nhờ hai bác quá nhiều. Việt nhếch môi: − Họ giàu có, chiếc xe đạp cho cô chỉ bằng bữa nhậu của bác trai mỗi ngày. Lại được tiếng tốt với bạn bè. Cô không nhận mới lạ đấy. Thục Hiền thật thà: − Tôi quả thật rất áy náy. Hơn nữa tôi tiếc chiếc xe này. Việt cúi xuống: − Để tôi phụ cô một tay. Thục Hiền lắc đầu: − Không cần đâu. Anh bận cứ vô nhà nghỉ. Tôi chỉ lau chùi thôi mà. Cô chợt chấp chới nói: − Thời gian của anh quí hơn vàng ngọc. Tôi càng không dám phiền anh. Vừa nói, cô vừa quay pê đan xe đạp. Có tiếng tách tách, cạch cạch vang lên. Việt cười cười: − Líp khô dầu mỡ, để tôi tra giùm cô. Dầu sao, tôi cũng vẫn nhớ lời hứa với bác Tín. − Nhưng, tôi đã không đi mua xe nữa. Anh đâu cần bận tâm. Nhìn cô, Việt lại cười cười, nụ cười không làm gương mặt anh bớt đi vẻ lạnh lùng. Chả lẽ ở đời có những gương mặt hình sự như Việt sao? − Cô đang đánh giá tư cách tôi à? Câu hỏi, khiến Hiền nhót gáy, Việt quả là nhạy cảm. Cô tránh trả lời câu Việt hỏi, tránh luôn ánh mắt có chút lửa của anh. Việt lại thản nhiên: − Tôi phải cám ơn cô bé, vì đã không bị cô bé lôi đi lang bang tới các hiệu bán xe. − Nếu có mua, tôi cũng chỉ dừng chân ở một chỗ. Tôi không có tính thích “đứng núi này trông núi nọ” cao hơn. − Tất nhiên, bây giờ thì cô chưa thể giống Đoan Thư. Nhưng ai dám chắc cuộc sống không làm thay đổi cá tính của cô chứ? Anh cúi xuống tra dầu vào líp xe và tháo luôn hộp chắn sên ra để tra mỡ vô sên. Cách làm việc của anh nhẹ nhàng và thoải mái. Có phần thành thục, không như cô, mới chút xíu đã lấm lem dầu mỡ. Thục Hiền đang nghĩ tốt về Việt, thì nghe anh nói một câu “thật mất lòng”. Cô cau mày gắt nhẹ: − Chiếc áo không làm nên thầy tu. Tôi và nhỏ Thư nhất định không thể giống nhau. Thư có tất cả những thứ mà suốt đời làm cật lực, tôi chưa chắc có. Vì vậy, tôi không bao giờ thay đổi tính cách sống của tôi. Việt quay pê đan thật mạnh. Líp xe kêu ro ro chứ không tạch tạch khó nghe như trước nữa. Khẽ đứng lên, anh lại nói: − Lúc mới nhìn thấy cô. Tôi nghĩ tôi đang gặp một cô gái rất… Thục Hiền cướp lời: − Nhà quê một cục chớ gì. Việt nhún vai: − Trật lất, tôi nghĩ đến cô bé lọ lem trong câu chuyện cổ tích ngày xưa. Thục Hiền đỏ mặt: − Anh thật khéo tưởng tượng, lẽ ra anh nên học ngành sáng tác. − Tôi chỉ nói sự thật. Em rất giống cô bé lọ lem ấy. Xinh đẹp và thông minh. Một ngày nào đó, cô bé lọ lem bỗng gặp chàng hoàng tử đến đón đi, trả lại cho em hình dáng xinh đẹp dịu dàng. Thục Hiền bình thản: − Ngày ấy tất nhiên sẽ xảy ra cho tất cả mọi người muốn vươn lên bằng chính sức của mình. Anh không nên vì chuyện xa vời với tôi. Bởi tôi chẳng bao giờ có “người nào” khác. Việt đứng lên, nheo mắt: − Tại sao vậy? − Tôi còn cả 6 năm đại học và mẹ tôi đang mòn mỏi đợi chờ ở quê. Mục đích của tôi không ngoài học tập. Việt chợt ví: − Em sẽ trở thành thiên thần áo trắng có tấm lòng nhân ái chữa lành vết đau cho mọi người. Em thật khác xa những cô gái mà tôi đã gặp. Tôi cũng học y khoa, sau này sẽ còn nhiều cơ hội nói chuyện với nhau đó cô bé. Tự nhiên Việt lại buột miệng nói cô nghe về mình. Dẫu chưa nhiều. Nhưng cũng là chuyện lạ của riêng anh. Thục Hiền kinh ngạc: − Thật không ngờ. Nếu vậy tôi nhất định còn làm phiền anh nhiều. Việt nhìn đồng hồ, khẽ nói: − Đến giờ tôi phải đến trường rồi. Tôi đang làm luận án tốt nghiệp. Công việc rất bận. Nhưng tôi hứa sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào của cô bé. Anh quay vào nhà, một lát sau Thục Hiền thấy anh chạy chiếc 81 ra sân. Ngang chỗ Hiền đứng, anh giơ tay vẫy nhẹ. Dẫu thái độ của anh rất tình cảm, nhưng không hiểu sao, nét mặt anh vẫn “lạnh như tảng băng” khiến Hiền sờ sợ. Ngày nào đó anh ta trở thành bác sĩ, bệnh nhân đang đau thấy nét mặt anh chắc hết dám… khai bệnh quá. − Có chuyện gì mà ngẩn ngơ vậy Hiền? Thục Hiền nhìn lên, nhận ra anh Hai Nghĩa, cô nhỏ nhẹ: − Dạ, không có gì. Anh Nghĩa không đi làm sao? − Bây giờ anh đi nè. Nhỏ không ngủ trưa à? − Ở quê, buổi trưa em thường giúp mẹ đan cói, dệt chiếu. Riết thành quen. Con gái nhà quê mà ngủ ngày, bị người ta cười chết. Thục Hiền cười ngỏn ngoẻn. Nụ cười bất chợt làm trái tim Nghĩa sai nhịp. Nghĩa nói để mà nói: − Sống trong này, em cần thay đổi nếp sống cho quen. Còn sinh viên, giấc ngủ buổi trưa khá quan trọng cho sức khoẻ. Thục Hiền lại cười cười: − Anh Nghĩa làm kinh tế mà nói chuyện giống bác sĩ khuyên bệnh nhân quá. Nghĩa cũng cười: − Chắc anh nhiễm kiểu “dặn dò” bệnh của Việt. Thục Hiền chợt hỏi: − Anh Việt là bạn của anh Nghĩa, sao có vẻ chênh lệch vậy? − Về tuổi tác hay nghề nghiệp? − Cả hai. Anh làm việc đã mấy năm, còn anh Việt vẫn là sinh viên, không phải hơi khác người à? Hơi ngớ ra một lát, rồi Nghĩa giải thích: − Tụi anh học với nhau từ đầu năm trung học phổ thông. Lên đại học anh thi kinh tế, còn Việt thi y khoa. Anh không đủ điểm vào đại học nên chuyển xuống cao đẳng kinh tế. Vì vậy anh vào đời sớm hơn Việt ba năm, hiểu chưa nhỏ? Thục Hiền ngơ ngẩn: − Thì ra vậy. Em cứ ngỡ anh Việt học dở, nên thi hoài mới đậu. Mặt ảnh lúc nào cũng ngầu đời và lạnh đến sợ luôn. Nghĩa trầm giọng: − Ngày trước Việt vốn nghịch ngợm vui kinh khủng. Sau khi ba mẹ bị tai nạn đột xuất. Nó trở nên trầm lặng và hay quạu đeo với mọi người. Thêm một ngạc nhiên đến với Hiền, cô kêu khẽ: − Không ngờ anh ấy lại mất hết cha mẹ. Ảnh còn anh chị em không anh Nghĩa? − Không. Nó chỉ có một mình. Từ khi ba mẹ qua đời, nó dọn tới ở với gia đình anh. Nó rất ít trở về nhà, trừ những hôm rằm, mồng 1 về để thắp nhang cho ba mẹ mà thôi. Coi nét mặt nó lạnh lạnh vậy, chứ Việt sống tình cảm lắm. Sau này em có thể nhờ Việt chỉ dẫn học tập. Sinh viên ưu tú của trường y đấy. Khả năng ở lại giảng đường nhiều hơn ra làm bác sĩ. Thục Hiền nói nhỏ: − Em sẽ nhớ lời anh dặn. Nghĩa cười Hiền: − Anh đi nghe nhỏ. Vừa dứt câu, Nghĩa đã vọt xe qua cổng. Con trai thành phố hình như đều giống nhau ở điểm thích chạy xe thật nhanh thì phải.Vừa kéo cổng, chưa kịp cài chốt, Hiền lại nghe chuông cổng reo vang. Thục Hiền vội kéo cổng thật lẹ. Giờ này chuông cổng cứ kêu, chắc chắn sẽ gây ồn ào cho mọi người. Tuy mới đến đây vài ngày, Hiền vẫn biết nhà bác Tín hiếm khi có mặt mọi người đông đủ ở nhà như hôm nay. Cô không muốn mọi người mất giấc ngủ. Mắt cô mở to hơn, khi thấy một cái đầu con trai ló vô, nhưng khuôn mặt thì y chang con gái. Cô hỏi nhỏ: − Thưa… anh tìm ai? Cái miệng nhỏ phá ra cười ngặt nghẽo đến mức Thục Hiền phát cáu: − Chỉ một câu hỏi, có gì đáng để cười chứ. Đúng là vô duyên. Bị mắng, cái miệng nhỏ vo tròn lại và hết cười tức khắc: − Tại “bà” kêu người ta là anh làm chi. Chả lẽ tôi giống “đực rựa” quá vậy? Thục Hiền làu bàu: − Ai biểu cắt tóc kiểu đó, khiến người ta tưởng chứ bộ. Cô gái vui vẻ: − Đoan Thư có nhà không? Mà chị là ai vậy? Sao tôi chưa gặp nhỉ. Thục Hiền do dự: − Chị là bạn Đoan Thư? Cảm phiền chờ tôi vô hỏi đã. Dù sao tôi cũng không thể để người lạ vô nhà. Nói xong, cô kéo cổng lại thật nhanh và chạy như bay lên lầu. Mặc kệ cô gái đứng giậm chân mắng: − Đồ con ở chết tiệt. Không biết ai lạ hơn ai. Còn đang lải nhải chửi, thì cánh cổng lại được kéo ra. Đoan Thư kêu lên: − Là mày à, Minh Hương? Tới tìm tao giờ này, chắc lại có độ ăn uống? Minh Hương nhìn quanh gầm gừ: − Nắng muốn chết, mong tới nhà mày uống ly nước. Ai dè gặp ngay kỳ đà cản mũi. Ở đâu ra con nhỏ nhà quê ấy vậy Thư? Đoan Thư cười cười: − Con gái nuôi của ba mẹ tao. Mới ở ngoài quê vào. Minh Hương trề môi: − Hèn chi, đặc quánh quê mùa. Nhưng đẹp ác. Đoan Thư lơ lửng: − Vẫn thua mày xa, đúng không? Minh Hương nhăn mặt: − Ai lại đem tao so sánh như thế, mày không thấy khập khễnh sao? Anh Việt có nhà không Thư? Đoan Thư nheo mắt: − Nói thật đi, tới tìm tao hay tìm anh Việt? Anh Hai tao vẫn còn sô lô, sao mày không tấp vào ảnh cho chắc? Ổng có hàng tá bác sĩ đẹp theo sau. Tụi mình chỉ là chiếc bóng mờ thôi nhỏ ơi. Minh Hương nhếch môi: − Ngày nào anh ấy chưa tuyên hôn, ngày ấy tao vẫn có quyền đeo đuổi. Anh Hai mày với tao không hợp, đành chịu. Vừa lúc ấy Thục Hiền dắt chiếc mini vô nhà xe. Minh Hương hỏi nhỏ: − Mày lại có ý thích chạy xe đạp trở lại thời áo trắng à? Đoan Thư lắc đầu: − Bây giờ tao chắc không biết đạp xe nữa. Của Thục Hiền đấy. Minh Hương thắc mắc: − Đi ở mà cũng sắm xe đạp? Chả lẽ ba mẹ mày có ý tốt, cho con nhỏ ấy đi học thêm. − Mày hơi bị thông minh đấy. Có điều sự suy đoán chỉ đúng một phần ba. Thục Hiền có cái đầu siêu đẳng hơn tao và mày. Bởi Hiền thi đậu y khoa hạng ưu lận. Minh Hương kinh ngạc: − Hả? Mày muốn nói, con nhỏ ấy là sinh viên trường y à? − Đúng vậy. Mà thôi đừng hỏi nữa. Hãy nói đi, tới quậy tao giờ này chi vậy? Minh Hương bỗng lẩm bẩm: − Cùng dân y khoa, ở chung nhà, không chừng Việt… - Cô chợt kéo tay Thư: − Này Thư, con bé ở luôn nhà này thật hả? − Có gì không ổn sao? − Anh Việt đã quen nó chưa? Minh Hương nghe cổ khô đắng, cô hỏi đầy khó khăn. Đoan Thư vô tình: − Tất nhiên là biết rồi. Ảnh còn hứa sẽ kèm thêm cho Thục Hiền đấy. Mày quan tâm chuyện đó chi vậy. Thục Hiền không thích nói chuyện với con trai đâu. Ông Việt mặt lúc nào cũng lạnh như nước đá. Ai dám gần chứ. Minh Hương ỉu xìu: − Mong được vậy. Đoan Thư chợt hiểu. Cô nhìn Hương đăm đăm. Thì ra, con nhỏ yêu thầm ông Việt thật. Trời ạ, nếu nhỏ thương anh Hai của cô, chắc chắn cô sẽ giúp nhỏ một tay. Đằng này, Thư không biết nói sao nữa. Từ lâu cô luôn coi Việt như là của riêng cô. Ba mẹ cô chẳng bảo vậy là gì? Cả ngoại cũng nói chờ khi Việt ra trường sẽ cho hai đứa đính hôn. Cô nghe cả tỉ lần dự tính của người lớn, không vui cũng không buồn. Cô cũng có nhiều bạn trai theo đuổi, nhưng Thư chẳng nhận tình cảm của ai. Với cô, Việt như là vật sở hữu dành cho cô rồi. Bây giờ, cô mới bàng hoàng khi phát hiện ra tình cảm của nhỏ bạn thân. Lâu nay cô vẫn nghĩ Hương yêu anh Hai cô, nhưng vẫn chọc ghẹo Việt với Hương. Tự nhiên Đoan Thư nghe nỗi buồn xâm chiếm con tim. Cô đâu thể mất tình bạn, cũng không thể mất Việt. Tại sao lâu nay cô không chịu nhận ra điều tệ hại này sớm hơn. Minh Hương kinh ngạc: − Mày sao vậy Thư? Mặt mũi bí xị à. Đoan Thư nhếch môi: − Chắc tại tao vẫn còn ngái ngủ. − Bây giờ mình đi bơi ở Phan Đình Phùng sau đi ăn bún ốc nha Thư? Hất mặt lên, cho mái tóc xoã qua một bên. Thư nói: − Tao không thích đi đâu, ngoài ngủ. − Kể cả bún ốc là món mày thích nhất. − Ừ! − Vậy mà tao tưởng mày sẽ nhiệt tình ủng hộ, nên đã nhịn đói tới rủ mày. Đoan Thư nhún vai: − Mày đi ăn một mình, càng đỡ tốn chứ sao. Minh Hương xụ mặt: − Nếu sợ tốn kém, tao rủ mày làm gì. Bạn bè với nhau đã lâu, mày còn chưa hiểu hết tính tao à. − Tất nhiên là tao biết mày rất tốt với tao rồi. Nhưng lòng tốt đột xuất nhất định phải kèm điều kiện, đúng không? Minh Hương gật đầu: − Mày thật hiểu ý tao. Đoan Thư giãn ra: − Điều kiện gì tao cũng giúp mày, ngoại trừ việc bắt tao làm giám hộ ông Việt. Tao không thích. − Nhưng, đó lại chính là việc tao cần nhờ mày. Chỉ có mày mới biết ông Việt yêu ai, thích ai. Đoan Thư tưng tửng: − Lỡ ông ấy thương tao? Liệu mày có băm tao ra làm tương không? Minh Hương kêu lên: − Mày thật biết đùa. Tao dám chắc mày không hề yêu Việt. − Nhưng nếu có, thì sao? Minh Hương cao giọng: − Tình yêu là do con tim định đoạt. Vì yêu, anh chị em ruột còn dám bán đứng nhau. Tao và mày, chỉ là bạn thân. Nếu cần, tao sẵn sàng đối nghịch. Đoan Thư cong môi: − Đến mức ấy sao. Nếu vậy, tốt nhất mày đi tìm Việt mà hỏi thẳng. Tao không giúp được mày đâu, vì trái tim tao làm sao nói được trước rằng, sẽ không có ngày tao yêu Việt chứ. Minh Hương chấp chới: − Tao không tin mày yêu Việt đâu. Mày đừng đùa tao mà Thư. Giọng Thư chợt cao vút: − Mày về đi. Tao không giúp gì mày được đâu. Bởi Việt không phải là anh Hai tao, chào mày. Dứt lời, bỏ mặc Minh Hương đứng ngẩn ngơ vì tức. Đoan Thư bỏ đi một mạch về phòng. Cô đâu biết, trong lòng nhỏ bạn thân, sóng bắt đầu nổi lên từng cơn thật mạnh! Thở dài, Minh Hương quay đầu xe lao nhanh ra cổng. Chẳng nghe được câu chửi thầm của Đoan Thư, phía trên ban công đầy nắng lửa.Việt rẽ vào quán cà phê bên đường. Anh vừa ở bệnh viện về, sau ca trực đêm. Mệt đến rã rời. Nhưng, anh phải tới trường theo lời dặn của giáo sư trưởng khoa. Trầm ngâm thả từng hơi thuốc, anh không hay mình đang bị “chiếu tướng”. Vừa đưa ly cà phê lên miệng, anh nghe tiếng con gái thật ngọt: − Việt, anh ở đây để em chờ nãy giờ trong bệnh viện. Ngước đôi mắt nhìn lên. Việt khẽ cau mày, giọng anh hờ hững: − Anh có hẹn với em sao Huyền Phi? Huyền Phi tự nhiên kéo ghế ngồi xuống cạnh Việt, giọng giả lả: − Anh kìa, không phải hôm nay thầy sẽ hướng dẫn chúng ta làm luận án về các loại máu của con người à. Em muốn được cùng anh bảo vệ luận án về đề tài máu. Việt thủng thẳng: − Rất tiếc, anh là bác sĩ tim mạch, nên luận án tốt nghiệp của anh không thể đi xa hơn những điều đã học. Đề tài khác, anh chưa dám nghĩ tới. Huyền Phi kêu lên: − Anh lại khách sáo cả với em nữa rồi. Chuyện tương lại, em nhớ đã từng bàn cùng anh, sau này ra trường, chúng ta cùng cộng tác mở phòng mạch. Làm bác sĩ nếu chỉ ăn lương nhà nước đến khi nào mới khá nổi. Việt thở dài: − Anh chưa thể quyết định chuyện gì lúc này. Vốn đầu tư một phòng khám ngoài giờ đâu phải nhỏ. Hãy khoan tính chuyện đó đi Phi. Huyền Phi thắc thỏm: − Phải gia đình anh Nghĩa đang gây khó dễ cho anh không? Và anh đang bị một sự ràng buộc của người lớn, khiến anh khó chịu? Việt chau mày: − Em nói gì anh không hiểu. Tại sao anh lại khó chịu vì sự ràng buộc nào đó? Huyền Phi nhếch môi: − Anh không biết thật? Hay anh muốn giấu em chuyện ba mẹ anh muốn anh sau này trở thành con rể của ông bà Đức Tín? Hai người ở chung nhà hơn mười năm rồi, tình cảm nảy sinh yêu mến nhau cũng là điều tất nhiên. Huống hồ Đoan Thư cũng thuộc loại gái có nhan sắc! Việt lạnh tanh: − Em bắt đầu quan tâm tới chuyện người khác từ khi nào vậy. Anh chẳng hề nghe ai nói tới chuyện như em vừa nhắc. Vậy mà em biết, hay thật. Huyền Phi chép miệng: − Tại anh không chú ý đến xung quanh chớ việc anh được ký thác cho ông bà Tín, giới kinh doanh ai mà không biết. Nhưng Việt à, sáu năm không phải là khoảng thời gian ngắn, chúng ta đã có với nhau nhiều kỷ niệm. Ba mẹ em rất quí anh. Còn hứa sẽ tài trợ cho anh khi ra trường. Em không muốn bị dưới cơ Đoan Thư đâu. Giọng cô như kéo dài ra, đầy quyền hành, khiến Việt bất mãn. Anh không thích đôi co với Phi, không phải vì cô là con gái của viện trưởng. Anh rất ghét chuyện tình cảm lăng nhăng, và nhớ cũng chưa hề hứa hẹn với cô chuyện gì. Anh đưa tay lên coi đồng hồ rồi nói: − Đã tới giờ vào lớp, Phi có đi chung với anh không? Huyền Phi lườm dài: − Hôm nay anh thật là quá đáng, nãy giờ đến một ly nước anh cũng không thèm mời em. Ghét thật. Việt bình thản: − Anh đâu biết em muốn uống nước. Cứ tưởng em tìm anh là để nói những chuyện gì gì đó chứ. Lỡ rồi, nếu em muốn, anh sẽ kêu cho em ly nước cam vắt, vô muộn chút vậy. Huyền Phi cong môi: − Cám ơn lòng tốt của anh. Vô chậm vài phút, thầy không trách, nhưng em dám nói, anh tiếc đứt ruột, khoảng thời gian bị mất đó. Thôi đi. Việt nhún vai. Anh không muốn nói thêm điều gì với Huyền Phi nữa. Tự nhiên phải sánh vai cùng cô vào giảng đường, anh chẳng mấy hứng thú. Nếu như không là giáo sư đích thân hẹn, anh dám bỏ về ngang xương quá. Anh rất ghét bị ai đó nhìn bằng ánh mắt không thiện cảm, vì ngỡ anh đang lợi dụng Huyền Phi. Những gì cô ta hứa hẹn cho anh, anh đâu muốn. Cuộc đời anh đã quá nhiều mất mát, anh muốn tự đi bằng chính đôi chân của mình. Suốt một giờ học, đầu óc anh bồng bềnh khó chịu. Tâm trạng này rất hiếm có khi anh ngồi trong lớp. Huyền Phi hích tay anh: − Anh mệt à? Hay đang suy tư chuyện gì nữa, mà coi anh không vui vậy? Việt trả lời qua quýt: − Cũng hơi mệt, vì hôm nay có quá nhiều ca cấp cứu. Huyền Phi nói: − Lẽ ra thời gian này anh nên xin nghỉ trực bệnh viện. Sẽ còn cả đời để cho anh lo lắng chăm sóc bệnh nhân. Nếu mệt, xin thầy nghỉ sớm đi. Việt hơi bực: − Chỉ cần em đừng nói nhiều nữa, anh sẽ đỡ mệt hơn. Thời gian thực tế chính là đề tài quí nhất cho chúng ta bảo vệ luận án. Nói xong, không cần để ý đến nét mặt đầy ngỡ ngàng của Huyền Phi, anh thản nhiên đứng lên, ôm tập ra ngoài, sau khi lên bục giảng nói câu gì đó với thầy. Huyền Phi qua phút ngỡ ngàng, vội chạy đuổi theo anh. Nhưng chỉ còn thấy chiếc 81 của anh lao vút ra khỏi cổng trường. Huyền Phi giận điên người. Cô không nghĩ Việt lại coi thường cô như vậy. Mím môi, cô giận dữ đá tung những viên sỏi dưới chân. Trong lúc ấy Việt chạy xe về nhà. Nhưng vừa kéo cổng, anh đã ngao ngán than dài, khi nhận ra nét mặt vui mừng hớn hở in trên nét mặt Minh Hương. Một buổi chiều chẳng có nắng hay mùa xuân dành cho anh. Minh Hương vui vẻ: − Anh Việt, cuối cùng thì ông bác sĩ tương lai cũng chịu trở về nhà rồi đấy. Lịch sự, Việt nhẹ giọng: − Chào Hương, hôm nay em có chuyện vui hay sao mà diện ngất trời thế. Minh Hương cười thích thú: − Anh cũng biết hôm nay em mặc đồ đẹp à? Theo anh, em mặc chiếc áo này có đẹp không? Việt gật đại: − Đẹp lắm. Em định thi người mẫu thì tất nhiên phải biết cách chọn đồ rồi. Minh Hương cười tươi: − Vậy mà nãy giờ Đoan Thư kêu em mặc giống mấy ca sĩ cải lương đó anh. Đúng là con nhỏ này kém hiểu biết về thời trang. Việt chỉ muốn cười to lên. Đoan Thư đã nói không ngoa. Nhìn bộ đồ cô đang mặc không khác mấy bà đóng vai công chúa thời xa xưa chút nào. Nhưng anh lại trớ đi: − Đoan Thư nó ghét sự cầu kỳ, rườm rà, nên không thể trách nó. Minh Hương buột miệng: − Bởi vậy nó mới dẫn con bé Hiền đi sắm thêm một loạt đồ cũng quê quê như vậy. Việt từ tốn: − Mỗi người mỗi cá tính, Hương chẳng nên nhận xét sở thích của bạn bè như vậy. Đoan Thư rất quí em. Đừng để sự hiểu lầm xảy ra giữa hai cô. − Em hiểu mà. Quên nữa, em muốn mời anh đi sinh nhật cùng em. Anh không từ chối chứ? Việt ngạc nhiên: − Sinh nhận của em à? Sao không báo trước. Minh Hương ngập ngừng: − Không phải, là sinh nhật bạn em. − Bạn em, anh đâu quen. Anh không thể đi đâu. Hiện giờ anh rất mệt. Việt thẳng thừng: Minh Hương năn nỉ: − Em biết anh sẽ ngại. Nhưng em không còn sự lựa chọn. Bạn em tuyên bố, tối nay những người đến dự sinh nhật nó, không được sô lô một mình. Em giống Đoan Thư có bạn trai đâu. Nên mới mạo muội nhờ anh. Giúp em một lần đi. Việt đâu còn là cậu thanh niên mới lớn, khờ khạo nữa. Anh không lạ gì những kiểu đi chung “cố tình áp đặt” này, sẽ vô cùng rắc rối về sau. Tốt nhất, đừng ngốc mà đeo gông vào cổ. Anh từ chối nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát: − Anh rất tiếc, đã không giúp được em. Anh trực đêm ở bệnh viện, thêm 8 tiếng sáng nay nữa. Hết giờ, anh phải về trường học. Nên hiện tại anh rất mệt mỏi, vừa đói, vừa buồn ngủ. Em vui lòng nha. Chúc em một buổi tối vui vẻ. Dứt lời, anh dắt xe nhanh vào trong mặc kệ Minh Hương đứng giậm chân hậm hực, gặp Đoan Thư ở hành lang, cô nhìn anh dò hỏi: − Minh Hương chờ anh suốt buổi chiều, anh gặp nó chưa? Việt gật đầu: − Lần sau, em đừng để bạn em chờ anh như vậy. Thời gian này anh không rảnh để đi chơi đâu. Đoan Thư cong môi: − Xí! Anh trách ngược em hả? Dẫu là bạn em cũng không thể thẳng thừng đuổi nó. Anh biết vì sao nó đợi anh không? Việt hờ hững: − Ý thích ngông nghênh của mấy cô tiểu thư đỏng đảnh, anh không quan tâm. Đoan Thư cắc cớ: − Nó đỏng đảnh, nó chờ anh vì nó thương anh chớ bộ. Chả lẽ đến bây giờ anh còn làm bộ không biết điều đó? − Tất nhiên là anh biết rồi. Nhưng anh quá ngán ngẩm khi bị đeo bám, và cha mẹ của Minh Hương thì lúc nào cũng khoe khoang của hồi môn và cô con gái “rượu” vàng của họ. Điều đó khiến anh chẳng thể thích gần Hương. − Biết hay không cũng chẳng can hệ với anh. Con gái có chút nhan sắc như tụi em luôn muốn người khác phải chiều luỵ mình là sao? Đoan Thư chanh chua: − Riêng điều đó, em là ngoại lệ. Em cũng rất ghét đàn ông đấy. − Tại sao? − Vì đàn ông luôn làm khổ phụ nữ, luôn không chung thuỷ. Việt bật cười: − Em có lối suy diễn thật ngộ nghĩnh. Ở đời đã là con người ai chẳng có mặt tốt xấu. Như thế phái nữ không thể coi là hoàn hảo tuyệt đối đâu em gái. Tiếng “em gái” vừa bật ra khỏi bờ môi Việt, Đoan Thư bỗng thở dài. Cô lãng chuyện: − Em đi học đây. Cơm phần ăn vẫn ở dưới bếp. Đừng nhịn đói đi ngủ nha anh. Dứt lời, Đoan Thư vượt nhanh qua Việt đi xuống cầu thang. Nét mặt cô chợt buồn mênh mông. Nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai. Dẫu sao, cô cũng được chút an ủi, khi Việt từ chối Minh Hương, nhỏ bạn đã tốn bao công sức làm đẹp, để chờ Việt.Buổi chiều đầu tiên vừa ở trường về, Thục Hiền hơi khớp, khi thấy cả nhà bác Tín đều có mặt tại phòng khách, như chờ đợi ai. Vừa cúi đầu lễ phép chào bà ngoại, hai bác Tín và anh Nghĩa, Thục Hiền đã nghe tiếng bà ngoại chắc lưỡi: − Thôi nào, tới đây ngồi với ngoại. Bà Tín tươi cười: − Cháu sao vậy Hiền? Buổi đầu lạ trường lạ bạn, nên bỡ ngỡ phải không? Thục Hiền cười nhẹ: − Dạ, cháu đang ngạc nhiên, vì không hiểu sao cả nhà có mặt đông đủ, khác thường vậy? Đoan Thư tinh quái: − Đơn giản vì ai cũng muốn đọc được thái độ của Hiền qua buổi học đầu tiên đấy thôi. Trôi chảy cả chứ? Thục Hiền cảm động: − Cháu cảm ơn ngoại, cám ơn hai bác cùng anh Hai và Đoan Thư, đã quan tâm, lo lắng cho cháu. Ngày đầu tiên tất cả đều bỡ ngỡ và xa lạ. Nhưng cháu tin rằng mình sẽ nhanh chóng hoà nhập. Ông Tín gật gù: − Vậy thì bác yên tâm rồi. Nghĩa chợt nhận xét: − Hình như em không được khoẻ. Phải vì đường quá xa không? Bà Tín cũng nói: − Đường xa là chắc rồi. Nghe lời bác đừng đi xe đạp nữa. Đoan Thư sẽ chở cháu ít hôm. Thục Hiền vội vã: − Cháu không sao đâu. So với lúc ở quê, đường ở đây gần hơn phân nữa, lại dễ đi, xe cũng tốt. Tại tính cháu cả nghĩ, nếu ở nhà, bây giờ cháu đã được chia sẻ niềm vui cùng với mẹ cháu. Bà Hai Ngạn gật đầu: − Cháu thật có hiếu. Ngày mai nhớ viết thư về cho mẹ cháu mừng. Ngoại nhớ dân đồng chua nước mặn quê ta, mà có con vô đại học là điều vinh dự lắm cháu ạ. Cố học cho giỏi, để trả hiếu cho mẹ nghe cháu. Thục Hiền cảm động: − Cháu xin ghi nhớ lời dặn của ngoại. Đoan Thư kêu nhỏ: − Nhập tiệc đi ngoại ơi, con đói quá. Thấy vẻ ngỡ ngàng trên khuôn mặt Hiền, bà Ngạn giải thích: − Ngày đầu tiên cháu và Đoan Thư vô đại học. Bà muốn đãi các cháu một bữa tiệc nhỏ, để nhớ mãi đó cháu. Thục Hiền bối rối: − Đâu cần phải thế ngoại ơi. Với cháu, được ăn chén cơm trắng, đồ ăn ngon ở nhà của ngoại, cháu đã thấy quá sung sướng rồi. Nghĩa cười cười: − Không nên đa cảm quá. Sẽ không tốt cho vai trò bác sĩ của em đâu. Việt là tấm gương tiêu biểu đấy. Vượt qua mặc cảm để hoà nhập cuộc sống đời thường Hiền ạ. Đoan Thư le lưỡi: − Lâu lâu nghe anh Hai nói được câu “ngon lành” quá ta. Chắc đang tập ngọt ngào với em út, để luyện giọng với cô bé riêng anh à. Ông Tín nạt đùa: − Con gái bữa nay bắt đầu bẻm mép nữa rồi. Ba cảnh cáo con nha. Học là học, cấm được yêu đương nhì nhằng, nếu không, ba sẽ thiết quân lệnh đấy. Đoan Thư cong môi: − Chưa gì ba đã lo xa. Với đàn ông, con gái ba luôn là tảng băng lạnh. Con chỉ muốn anh Hai sớm thành gia thất, đó không phải là mong ước của ba mẹ sao? Con nói vậy đúng không ngoại? Bà Hai Ngạn cười xoà: − Cháu lúc nào cũng ma lanh được. Thôi đứng lên xuống phụ dọn cơm đi. Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí vui vẻ và đầm ấm. Riêng Đoan Thư, cô ăn chẳng thấy ngon như mọi ngày, mắt thì luôn vượt qua bờ vai anh Hai, nhìn ra cổng. Nghĩa tủm tỉm: − Đồ ăn không ngon hả chút chít? Đoan Thư hít hà: − Ngon chứ. Anh không thấy em đang chiếu cố tất cả đây sao? Nghĩa lơ lửng: − Vậy mà anh cứ tưởng em đang chờ ai đó. − Chờ ai là chờ ai. Anh thật nhiều chuyện, muốn ba mẹ la em sao? Nghĩa cười cười: − Tất nhiên không phải em chờ một người xa lạ rồi. Nhưng cố ăn cho xong bữa đi nhỏ ơi. Hôm nay Việt được Huyền Phi mời ăn tiệc nhà hàng rồi. Đoan Thư buột miệng: − Sao khi không mời nhau ăn nhà hàng vậy? − Làm gì có chuyện khi không? Hôm nay bà cô của Huyền Phi từ Úc trở về. Con bé mời Việt là có mục đích đấy. Anh Hai của Thư thật tệ. Tự nhiên đem nỗi buồn giăng kín trước mặt Thư. Đã thế, bà Tín lại vô tình: − Con bé ấy sắp được hưởng thêm gia tài của bà cô độc thân, giàu sụ. Sau này ai lấy nó thì sung sướng một đời. Nghĩa buột miệng: − Thì Huyền Phi yêu Việt mấy năm nay, con nhỏ hứa sẽ giúp Việt mở phòng mạch. Coi bộ kết nó hết cỡ rồi. Ông Tín khề khà: − Không thể có chuyện ấy. Chúng ta dư sức lo lắng cho thằng Việt. Hơn nữa, lời ký thác của ba mẹ Việt, chúng ta phải làm tròn. Đoan Thư thở dài. Cô biết mọi người sắp nhắc đến lời hẹn ước giữa cô và Việt, do người lớn tác thành. Khổ nỗi Việt cứ dửng dưng như chẳng có việc hệ trọng xảy ra. Còn coi cô như đứa em gái không hơn không kém. Rời bàn ăn, trong ánh mắt ngạc nhiên lẫn lo lắng của mọi người. Đoan Thư lặng lẽ trở ra ghế xích đu, nằm tòn ten ngắm sao trời qua từng kẽ lá. Có thật cô đã yêu Việt không? Tình yêu đó đến từ trái tim cô? Hay chỉ là sự vun vào của mọi người? Cô thật sự không tìm ra câu trả lời. Vì cô đã yêu bao giờ đâu mà biết? Người ta bảo, tình yêu là sự rung động của hai trái tim. Là nhớ là thương những khi xa nhau. Cô và Việt đã có bao nhiêu lần xa nhau? Và có khi nào cô nhớ đến anh ngoài sự háo hức chờ đợi một món quà! Như vậy thì không phải là tình yêu rồi. Có lẽ phải như Minh Hương kìa. Nó si Việt đậm đến mức luôn miệng nhắc anh, sẵn sàng chờ anh cả ngày, chỉ để được nghe anh nói vài câu thôi. Đoan Thư chép miệng. Dẫu sao, cô vẫn không thoát khỏi sự buồn bực trong lòng. Hình như cô không vui khi biết Việt được Huyền Phi quan tâm? Cô phải làm sao bây giờ? Có tiếng chuông cổng kêu kinh cong, làm Đoan Thư giật mình, quýnh quáng. Cô chạy như bay ra mở cổng. Và mặt buồn xụ xuống khi thấy Hạnh Thuỳ. Nhận ra thái độ là lạ của Thư, Hạnh Thuỳ kêu lên: − Mày sao vậy? Không ủng hộ sự tới thăm của tao à? Nếu vậy tao về. Đoan Thư cười gượng: − Chưa đến đã đi về. Chính mày mới lạ đấy, vô đi. Hạnh Thuỳ nói nhỏ: − Tao chẳng có gì lạ. Mày có được nhỏ Hương mời tiệc không? − Không? Nhưng người nhà tao thì có đấy. Đoan Thư nói giọng nghẹt mũi. − Phải ông Việt không? − Sao mày biết, hay quá vậy? Hạnh Thuỳ lơ lửng: − Mày lạ gì con nhỏ Hương nữa, nó kết ông Việt lâu rồi. Nhưng ngại bộ mặt quạu đeo của ổng, nó mới đánh tình đơn côi. Mặt Đoan Thư nghênh lên: − Tội nghiệp cho nó. Hạnh Thuỳ nhướng mắt: − Sao lại tội nghiệp. − Vì có người còn trên cơ nhỏ Hương và chính vì người ấy, Minh Hương mới bị chối từ. Hạnh Thuỳ tò mò: − Ai mà được ông Việt để mắt đến vậy? Chắc phải xinh đẹp lắm? Đoan Thư cười cười: − Bác sĩ bạn học chung trường anh Việt, con gái cưng của viện trưởng. Hạnh Thuỳ chắt lưỡi: − Ôi! Vậy thì nhỏ Hương buồn phải biết. Vì ông Việt, nó tốn khá nhiều thời gian vào việc sửa sang sắc đẹp. Đoan Thư nhìn Thuỳ: − Mày đến tao có chuyện gì không? Hạnh Thuỳ cong môi: − Cứ có chuyện mới gặp nhau hay sao. Từ hôm gặp mày và nhỏ bắc kỳ xinh xinh ấy. Tao rất muốn xem kết quả của mày. Nhỏ ấy vô học chưa? − Rồi. Cùng trường với ông Việt đấy. − Dân y khoa, học siêu lắm. Chắc nhỏ Bắc kỳ học giỏi lắm hả. − Nó tên Thục Hiền, tao nhớ đã giới thiệu với mày. Đừng gọi “Bắc kỳ nọ”, “Bắc kỳ kia” nghe không êm tai lắm. − Tao chỉ thích vui, chớ không có ý gì khác đâu. Mày đã ghi danh học thêm môn ngoại ngữ chưa? Đoan Thư nói: − Mới nhập học, chương trình chờ ổn định đã. Chắc chắn tao phải học thêm tiếng Hàn quốc và tin học rồi. Hạnh Thuỳ cười cười: − Tao cũng có ý định đó, nhưng không hiểu học “dô” nổi tiếng? − Mày lại muốn ám chỉ điều gì thế? − Không hề, tại tao dạo này hay buồn vơ vẩn toàn chuyện gì đâu đâu. Tao muốn điên lên, vì không rõ mình đang cần gì nữa. Đoan Thư nhìn Thuỳ đăm đăm: − Khai thật đi. Phải mày đã có tên con trai nào? Hạnh Thuỳ đỏ mặt: − Tao không tự khẳng định được. Nhưng nếu tao thật sự yêu, mày nghĩ cớ nên không? Đoan Thư liếm môi: − Tao chịu. Giá người mày yêu là anh Hai tao. Tao sẽ cho mày những lời góp ý hay nhất. Nè, là tên nào vậy? Hạnh Thuỳ cong môi: − Từ từ sẽ biết. Điều bất ngờ luôn đầy thú vị. Đoan Thư chợt láu lỉnh: − Tao muốn biết để tránh. Vì sợ yêu lầm tên của mày, sau mới biết lại rách việc. − Nhằm nhò gì. Mày và Minh Hương đang chung trận tuyến là gì. Đoan Thư kêu lên: − Ai nói với mày thế. Tao mà thèm tranh giành cùng nó ư. − Tất nhiên mày hoàn toàn vô tư. Nhưng Minh Hương thì không. Nó kết Việt và sẵn sàng vì anh. Ngặt nỗi, ba mẹ mày lại muốn Việt về chung một nhà. Đoan Thư làu bàu: − Sao chuyện gì mày cũng rành hết vậy. Minh Hương biết không? Hạnh Thuỳ lơ lửng: − Tất nhiên là không rồi. Nếu biết nó làm gì dám khoe khoang tình cảm với mày. Mà thôi, tụi mình ra ngoài đi long nhong chút đi. Đoan Thư gật đầu: − Cũng được. Để tao xin phép ba mẹ và rủ Thục Hiền đi cho vui. − Liệu nhỏ ấy chịu đi không kìa? Đoan Thư cười cười: − Tao đã rủ, nhất định Hiền sẽ đi thôi. Ba mẹ tao vẫn muốn Thục Hiền sớm nhận biết hết đường phố ở đây. Hạnh Thuỳ cũng cười: − Tao không ngờ, ba mẹ mày tốt thật. Thục Hiền thật may mắn có được những tấm lòng vàng bảo trợ cho sự nghiệp học tập của mình. Đoan Thư chỉ cười. Cô không phủ nhận ba mẹ cô rất thương yêu Thục Hiền. Còn vì sao thì cô không muốn tìm hiểu. Cô đã quá đầy đủ và sung sướng, được chia bớt cho một người bạn, thì có sao đâu! Nụ cười nở trên môi cô thật tươi. Cô chạy nhanh lên phòng tìm Thục Hiền. Cô biết Hiền sẽ từ chối. Song cô đâu chịu thua nhỏ ấy. Cô muốn mọi người nhìn thấy cuộc sống rất tốt của Thục Hiền, như Hạnh Thuỳ vậy.− Vũ Trần Thục Hiền! Giọng thầy chủ nhiệm khoa vang lên thật rõ. Hôm nay, buổi hội thảo đầu năm của khoa cô. Để nhận thầy nhận bạn. Nên thầy chủ nhiệm khoa đã gọi từng đứa học trò, hỏi một câu gì đó. Thục Hiền đứng dậy: − Thưa thầy, là em ạ. Giáo sư Cương sau một phút nhìn đăm đăm cô học trò, bỗng hỏi: − Em có thể nói cho thầy và các bạn biết, lý do nào thôi thúc em học y khoa? Thục Hiền chớp mắt. Cô không ngờ giáo sư lại hỏi cô câu hỏi ngoài lề như vậy. Thoáng bối rối qua nhanh, Thục Hiền từ tốn nói: − Thưa thầy, quê em là vùng đồng chiêm trũng, gần biển. Ngoài việc trồng lúa và cói ra, không còn nguồn kinh tế nào khác. Cuộc sống vất vả cực nhọc, thêm nỗi lo toan những khi trời làm giông bão, khiến sức khoẻ con người bị giảm sút. Từ đó sức đề kháng trong cơ thể cũng yếu đi. Nhanh chóng trở thành nguyên nhân nảy sinh các chứng bệnh hiểm nghèo. Mẹ em cũng là một trường hợp đó. Dẫu mẹ em không phải quanh năm dãi nắng dầm mưa, nhưng mẹ em lại lao tâm lao lực trên bục giảng, để cho em lành cơm, ấm áo. Mẹ em đã mắc bệnh lao lực. Căn bệnh không còn là nguy cơ cho con người. Nhưng cũng không hẳn dễ cứu chữa cho ai bệnh tật không tiền thuốc men. Chính từ sự nhìn nhận đó đã thôi thúc em cố gắng học, để mong sau này được đem sức mình cùng kiến thức y học giúp em cứu chữa những người bệnh nghèo. Giáo sư Cương gật đầu, vẻ hài lòng khi cả khoa đồng vang tiếng vỗ tay tán thưởng lời Thục Hiền. Giờ sinh hoạt khoa để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong tâm tưởng Thục Hiền. Giờ tan lớp, mọi người ùa khỏi giảng đường thật nhanh. Bởi chiều thứ bảy có rất nhiều chuyện tốt đẹp dành cho tuổi trẻ. Thục Hiền không vội vàng. Bởi cô đâu có sự háo hức của đứa con đi xa, trở về vòi vĩnh gia đình, sau vài tuần ở trọ. Đi ngang cửa phòng văn thư, bất chợt Hiền nhìn thấy Việt. Anh đưa tay vẫy Hiền: − Thục Hiền! Em có thư nè. Thục Hiền ngơ ngác: − Thư của em hả anh Việt? Ai gởi cho em vậy nhỉ? − Là của mẹ em gởi vô đấy. Mắt Thục Hiền sáng rỡ, cô reo lên: − Của mẹ Hiền ư? Sao mẹ Hiền biết địa chỉ mà gởi vô nhanh vậy. Đưa cho Thục Hiền lá thư, giọng Việt thật trầm: − Nhanh gì nữa. Vào học cả tháng rồi. Chắc mẹ em ghi theo tên trường Hiền học là đến thôi. Thục Hiền gật đầu: − Chắc vậy. Hiền cám ơn anh Việt nhá. Việt nheo mắt: − Chỉ cám ơn suông, lần sau có thư, tôi không đưa cho Hiền nữa. Thục Hiền bối rối: − Thế anh Việt muốn Hiền cám ơn thế nào mới được. Mời ăn uống thì không được rồi, vì Thục Hiền không có thói quen đem theo tiền đi học. Việt cười cười: − Tôi cho Hiền mượn. Chỉ cần Hiền chịu bao tôi một bữa. Thục Hiền không vừa: − Con trai đi ăn hàng để con gái trả tiền, anh không thấy kỳ sao? − Tôi cho Hiền mượn, tức là tôi vẫn móc tiền ra từ túi mình. Có ai biết tôi ăn theo đâu. Đi nha. Thục Hiền nhìn quanh rồi nói: − Đi cũng được, nhưng về trễ Hiền sợ mọi người lo lắng. Việt nhiệt tình: − Để tôi gọi điện về nhà xin phép. Hiền kêu lên: − Ôi! Bà ngoại la Hiền mất. Và Đoan Thư hỏi, khó trả lời lắm. Việt bình thản: − Hai bác vẫn dặn tôi, lúc nào rảnh giúp đưa Hiền đi dạo quanh thành phố để Hiền biết đường phố. Coi như tối nay tôi đang làm nhiệm vụ hướng đạo cho Hiền thôi. Đoan Thư tuy tò mò song vẫn dễ dãi, vì Thư cùng là bạn gái của chúng ta. Biết không thể chối từ. Hơn nữa về nhà bây giờ chắc cũng buồn. Tối cuối tuần Đoan Thư hẳn cũng đi nhong với bạn. Thục Hiền đành miễn cưỡng gật đầu. Khi tới nhà xe, Thục Hiền ngơ ngẩn: − Chả lẽ Hiền chạy xe đạp, anh kè xe máy một bên, người ta hiểu lầm chết. − Gởi xe lại đây, thứ hai lấy. Tôi chở Hiền. Rồi không chờ cô đồng ý, anh chạy vô nói với bác bảo vệ bãi xe. Sau đó anh dắt chiếc cub 81 của mình ra, giọng nhẹ nhàng: − Xong rồi, lên xe đi, tôi chở. Nhưng chiếc xe chưa kịp lao đi, một chiếc Suzuki Viva màu trắng trờ tới đậu chắn đường xe Việt. Thục Hiền nhận ra Huyền Phi, con gái giáo sư viện trưởng. Cũng là người luôn cận kề bên Việt nhiều nhất. Cô nhấp nhổm không yên. Trong khi Huyền Phi ngọt giọng: − Trời ơi, anh Việt. Ở đây mà báo hại em tìm nãy giờ, sao chiều nay anh vô trường chi vậy? Việt khó chịu: − Huyền Phi tìm anh có chuyện gì không? Huyền Phi cao giọng: − Tối thứ bảy là tối của tình yêu. Chả lẽ anh không biết em tìm anh làm gì ư? Em muốn đi ăn tối với anh. Việt từ tốn: − Anh xin lỗi. Bây giờ anh phải về nhà. Còn nhiều việc chờ anh. Em đi rủ bạn của mình vậy. Huyền Phi xụ mặt: − Anh bận công việc, hay bận chở người đẹp đi dạo? Cô bé này là ai thế? Sao em chưa gặp? Việt thản nhiên: − Là cháu của bác Tín, và học ở trường này. − Khoa nội hay khoa ngoại? Việt nhếch môi: − Em có lối hách hỏi giống điều tra viên quá. Tất nhiên cô bé học khoa nội rồi. Con gái học mổ cũng tốt phải không? Huyền Phi nhìn Việt ấm ức: − Tốt hay không em không biết. Nhưng con gái dám học phẫu thuật, bản lĩnh nhất định không hiền rồi. Nãy giờ ngồi sau lưng Việt, Thục Hiền phải cố dằn lòng lắm mới không đôi chối cùng cô gái kiêu kỳ này. Bác Tín gái chẳng nói, Huyền Phi bám Việt là gì. Con gái khi yêu đều ghen với người khác, khi thấy họ đi chung người yêu của mình. Cô cục cựa, rồi bảo anh: − Anh cho Hiền xuống. Hiền nợ anh lần này vậy. Chứ không thích bị chị ấy đem ra mổ xẻ này nọ, ghê tởm lắm. Việt gằn giọng: − Ngồi yên đó. Tôi đã hứa đưa em về nhà, nếu để em về một mình, tôi làm sao ăn nói với mọi người. Quay sang Huyền Phi, anh nói nhỏ nhưng kiên quyết: − Bây giờ anh phải về, để mọi người chờ đợi là điều tối kỵ. Càng không tốt khi tụi anh chỉ là những kẻ ăn gởi ở nhờ. Dứt lời, anh lách xe chạy thẳng ra cổng. Huyền Phi ấm ức định đuổi theo, thì có tiếng gọi: − Huyền Phi! Chờ ba với. Nhận ra ông Phúc, Huyền Phi đành cười gượng: − Con chào ba. Sao giờ này ba còn ở đây. Xe ba đâu mà biểu con chờ. Ông Phúc cười cười: − Con gởi xe lại, cha con ta tìm chỗ nào ăn tối. Đã lâu rồi cha con mình không ăn tối cùng nhau. Huyền Phi cong môi: − Ba cũng còn nhớ điều nhỏ nhặt đó à. − Tại sao không? Chỉ vì ba kẹt nhiều công chuyện, thêm đợt làm nghiên cứu về các vi trùng sốt rét ở con người. Ba không còn thời gian rảnh. Mà con đi đâu đây? Không phải tới tìm Việt à? Gặp nó không? Huyền Phi buồn xo: − Gặp cũng như không. Người ta từ chối đi ăn cùng con. Vì bận chở một con nhóc khác đấy ba. Ông Phúc bật cười: − Con lại ghen ẩu nữa, Việt không thuộc típ người dễ thay đổi đâu. Chắc nó bận thôi. Cô gái đi chung nó là ai? − Con nghe nói, con nhỏ học năm đầu tại trường. Học khoa nội, thêm phần phẫu thuật. Ba biết nó không? Ông Phúc suy nghĩ một lát mới nói: − Sinh viên nữ dự học phẫu thuật chỉ có ba người, một cô khá mập tên Ngọc Anh, một cô tóc dài, dáng mảnh khảnh, da trắng trên Thục Hiền. Còn lại một cô cắt tóc ngắn tên Minh Minh. Vậy con muốn nói đến ai? Huyền Phi tròn mắt: − Ba có bộ nhớ siêu đẳng thật. Hình như con nghe Việt gọi tên cô ta là Thục Hiền, tóc dài. Ông Phúc cười cười: − Vậy thì đúng cô bé đó rồi. Có 12 năm là học sinh giỏi cấp tỉnh, dạng tuyển thẳng vào đại học sư phạm, nhưng lại dự thi y khoa thành phố. Cô bé ấy đậu cao nhất khoá này đó con gái. Ủa mà sao Việt quen nhanh vậy? Huyền Phi bặm môi: − Họ còn ở chung nhà. Vì con bé là cháu của ông bà Đức Tín. − Ôi! Vậy thì mắc chi con lo lắng nhiều. Đã có họ hàng, chắc chắn không ai điên rồ làm điều trái luân thường đạo lý đâu con gái. Vui lên đi, chớ bí xị thế kia, ba ăn sao vô. Huyền Phi cười buồn: − Con có bí xị đâu. Được đi ăn chung với ba là tuyệt vời rồi. Nhưng sao ba không rủ mẹ đi cho vui? Ông Phúc trầm giọng: − Mẹ con đâu thích ăn ngoài tiệm. Lúc nào mẹ cũng thích tự tay làm món ăn cho cha con mình. Huyền Phi nắc nỏm: − Nói vậy, cha con mình nên về nhà cho mẹ vui ba ạ. Hôm nay thứ bảy, hẳn mẹ đang làm các món ăn cha con mình thích, và đợi cha con mình. Ông Phúc cười nhẹ: − Con đừng lo, ba đã nói với mẹ con rồi. − Nhưng để mẹ ăn cơm một mình, ba không thấy tội sao? Không ngờ cô con gái cưng đỏng đảnh của mình vẫn còn biết nghĩ đến cha mẹ. Ông Phúc dừng xe, cười tươi: − Vậy thì về. Nhưng phải mua đồ ăn đấy con gái. Bởi ba dặn mẹ con không nấu cơm mà. Hai cha con vô nhà hàng, chọn vài món ăn mà cả nhà thích, mua bỏ vô bịch rồi trở về nhà của họ.Nếu Huyền Phi biết, Việt không chở Thục Hiền về nhà bác Tín, mà đưa Hiền tới một nhà hàng nhỏ, nằm phía quận 5, chắc cô chẳng còn bụng dạ nào, để mà nói chuyện với ba cô. Thục Hiền ngỡ ngàng: − Vào đây ăn, chắc mắc lắm hả anh Việt? Việt cười nhẹ: − Chỉ một chút thôi, nhưng yên tĩnh thoải mái. Bằng cử chỉ tự nhiên, anh cầm tay kéo cô vào trong. Chọn một bàn ăn phía trong góc, anh kéo ghế cho Hiền ngồi. − Em chọn thực đơn nha. Thục Hiền lắc đầu: − Em quê mùa lắm, chưa biết hết những ý thích của anh. Tốt nhất, ai ăn nấy chọn. Việt vui vẻ: − Để anh gọi giùm Hiền, đảm bảo em sẽ thích. Thục Hiền im lặng. Cô đưa mắt nhìn quanh để rồi lo lắng. Nhà hàng này sang quá, có máy lạnh, bàn ghế cũng êm ái, cách trang trí rất thoáng và riêng biệt cho những ai thích yên tĩnh. Việt đưa vào tay cô chiếc khăn lạnh, giọng ân cần: − Em lau mặt cho khoẻ. Thục Hiền thật thà: − Em có mang theo khăn musoa, nhưng cũng có cả khăn giấy nữa. Đoan Thư nói em đến những nơi xa lạ nên xài khăn giấy kẻo người ta chê mình nhà quê xài thứ khăn này, tốn tiền lắm anh ạ. Việt kêu lên: − Con em kìa. Chỉ dùng khăn để lau mặt, tại sao phải ngại chứ. Thục Hiền đành làm theo lời Việt, nhưng thâm tâm cô không yên. Các món ăn được mang ra, nhiều và rất hấp dẫn, đến mức cô phải kêu khổ: − Anh làm như em là con… heo nhỏ không bằng, gọi chi lắm món quá. − Tôi muốn em có một bữa ăn thoải mái, ăn cho biết Hiền à. Thục Hiền cãi ngọt: − Ở nhà bác Tín, cũng toàn những món ăn ngon chớ bộ. Chưa gì anh đã thích xài sang rồi. Sau này lỡ cực, không ăn được cơm rau muống đấy. Nhưng cô không còn cách từ chối. Đành cố gắng ép mình ăn uống cho anh vui. Chợt nhớ cô gái đũa hỏi: − Sao hồi nãy anh không đi cùng chị Huyền Phi? Việt đáp: − Tại tôi không thích. − Anh lạ ghê. Được mời ăn không tốn tiền, lại được con gái cưng của viện trưởng quí mến mà la không thích, phải anh cho mình cao xa hơn người ta không? Việt hơi bất ngờ trước lối nói chuyện của Thục Hiền. Anh thở ra: − Tôi không hề nghĩ gì khác, ngoài việc không muốn bị phiền phức. − Hình như chị ấy yêu anh mà. − Ai nói với Hiền thế? Thục Hiền láu lỉnh: − Em tuy quê mùa thật, những chuyện đời thường như vậy, đâu phải em không biết, nhất là những cử chỉ chăm sóc của chị ấy dành cho anh. Có ngốc cỡ nào cũng nhận ra thôi. Tại sao anh từ chối? Việt khó chịu: − Tình cảm con người khó nói lắm. Tôi chưa thể đặt cuộc đời mình, khi sự nghiệp mới ở giai đoạn khởi đầu. Chẳng hiểu sao, anh lại nói: − Huyền Phi không phải như cô, dễ hoà nhập, dễ cảm thông. Người con gái có địa vị, sắc đẹp luôn muốn người khác lệ thuộc mình. Theo em, một cuộc sống như vậy, có còn ý nghĩa không? Thục Hiền ngọ nguậy: − Em không rõ lắm về khái niệm cuộc sống của mỗi người. Bởi thế giới của em từ nhỏ đến giờ khác xa mọi người. Tất nhiên được sống và làm việc theo tâm nguyện tình cảm của mình vẫn tốt hơn. − Coi như chúng ta đồng quan điểm. Bữa ăn kéo dài, bởi họ vừa ăn vừa trao đổi với nhau về cuộc sống, tâm tư hướng đạo sự nghiệp. Thục Hiền không ngờ Việt có bề ngoài lạnh lùng như vậy, lại có thể vui vẻ, giản dị nói chuyện cùng cô mà không hề khó chịu. Cô chưa hề suy nghĩ xa hơn, vì sao anh từ chối Phi để đi ăn với cô. Cô tin vào lời giải thích đơn giản của anh. Đến lúc tính tiền, cô hết cả tinh thần. Nếu biết bữa ăn tốn tiền nhiều vậy, có cho thêm vài trăm ngàn cô cũng không dại ăn đâu. Chỉ là ăn uống thôi, ở những quán bình dân cũng có những món ăn ngon vậy. Tiếc ghê. Như đoán được ý nghĩ trong đầu cô, Việt cười cười: − Có những lúc biết rằng tốn kém, người ta vẫn làm. Vì muốn được thanh thản tâm hồn, cô bé ạ. Đừng ngẩn ngơ và nghĩ tôi xài sang. Bữa ăn này tôi bao cô đấy. Thục Hiền chớp mắt: − Ý không được, quân tử nhất ngôn, tôi đã nói phải giữ lời. Coi như Hiền nợ anh. Có dịp sẽ hoàn trả. − Hiền à, em đừng khách sáo vậy nữa. Chúng ta ở chung nhà, em không thể dành cho tôi những tình cảm quí mến trên cả tình bạn hay sao? Giọng anh trầm ấm, tha thiết, nét mặt không còn vẻ lạnh lùng cố hữu. Mắt anh nhìn Thục Hiền, khiến cô bối rối, lo lắng. Chả lẽ… Việt lại… thích cô? Ôi! Không thể có chuyện đó đâu. Huyền Phi đẹp rực rỡ, giàu sang còn chả là gì trong tim anh. Thì cô, một con bé nhà quê còn dính đầy phèn chua, ngờ nghệch, ai mà thèm chứ. Trái tim ơi, chớ vội vàng xôn xao, đa cảm trước mọi lời tán tỉnh ngọt ngào của tụi con trai nha. Đàn ông muôn đời cũng là những gã đàn ông thích đùa cợt, tìm hương hoa lạ, chứ có ai không thích giàu sang, địa vị kia chứ? Suốt dọc đường về, Thục Hiền không còn hứng thú nói chuyện. Việt ngỡ cô bé tiếc tiền và giận anh dám qua mặt cô. Nên cũng không dám nói chuyện nữa. Anh chẳng phải đã từng bị con gái giận rồi sao? Dai kinh khủng. Nhưng không sao, rồi Thục Hiền sẽ hiểu anh. Dẫu thời gian kéo dài bao lâu anh cũng chờ được. Nhất định thế.Nghĩa nhìn đồng hồ, vẻ nôn nóng lộ rõ trên nét mặt. Đã hơn 8 giờ tối, Việt và Thục Hiền vẫn chưa về. Chả biết thằng bạn lạnh như đá băng, khô như ngói hạ của anh, bỗng nhiên sao nổi hứng, đưa Thục Hiền đi ăn vậy cà? − Anh Hai làm gì mà đi tới đi lui ngó chóng mặt vậy? giọng Đoan Thư lảnh lót vang lên. Nghĩa bối rối chống chế: − Anh đang chờ Việt, tụi anh có hẹn sao giờ này nó vẫn chưa chịu về? Nhỏ không đi chùng mẹ à? − Xời ơi, người ta lớn rồi, tại sao cứ phải tò mò theo sau mẹ. Anh không thấy như vậy là kỳ cục sao. Nghĩa dịu giọng: − Ba mẹ đã nói gì với nhỏ chưa? Đoan Thư ngơ ngác: − Có chuyện chi vậy anh Hai? Em có nghe ai nói gì đâu. Nghĩa chép miệng: − Thì việc đính ước giữa ba mẹ Việt cùng ba mẹ mình về chuyện của em và Việt đấy. Dù đã nghe phong phanh từ ngoại, từ mẹ. Nhưng để nghiêm túc và có thái độ dứt khoát về vấn đề này, thì ba mẹ cô chưa chính thức. Chắc ông bà muốn chờ Việt lấy xong bằng tốt nghiệp. Hơn mười năm nuôi nấng lo lắng cho anh, ba mẹ cô coi anh như con ruột. Chẳng có sự phân biệt giữa ba anh em. Đoan Thư kêu lên: − Anh Hai nói chuyện gì đâu không. Em và anh Việt như nước với lửa. Thêm nhỏ Hương cũng kết ảnh sâu sắc lắm. Em không muốn mọi kết cục đều phải nhờ đến tay người lớn. Nghĩa chưng hửng: − Em nói sao? Minh Hương yêu thằng Việt? Đoan Thư gật đầu: − Bình thường thôi mà. Sao anh thảng thốt quá vậy? Hay anh cũng để ý nhỏ Hương. Liếc anh trai một cái thật dài, cô cười tủm tỉm phán: − Anh Hai à. Trong hai nhỏ bạn em, nếu được chọn chị dâu cho mình, em nhất định chọn Hạnh Thuỳ, chớ không phải nhỏ Hương. − Tại sao? Cả hai đều thân với em kia mà. − Dĩ nhiên là thân. Nhưng tính nết mỗi người mỗi khác. Hạnh Thuỳ hoà đồng vui vẻ bao nhiêu, thì Minh Hương lại tỏ ra kiêu kỳ, xảnh xẹ bấy nhiêu. Con gái mà chú trọng mắt môi của mình quá, chẳng dễ chịu cho đàn ông chút nào. Đúng không? Tự nhiên Nghĩa buột miệng: − Thục Hiền có nằm trong danh sách tuyển chọn của em không? Mắt Đoan Thư mở lớn, cô la chói lói: − Cái gì nữa đây? Anh muốn lôi cả Thục Hiền vào cuộc chơi tình cảm của anh à. − Nghiêm chỉnh đấy. − Đàn ông các anh, mười người thề thốt nghiêm chỉnh hết chín. Anh ở vào con số còn lại được bao nhiêu xác suất nữa đây? Thục Hiền đa cảm, sống khép kín, hợp với tuýp người cao ngạo kiểu anh Việt hơn anh. Mà thôi, để yên cho nó học. Những 6 năm dài đăng đẵng, nếu bị chi phối ngoại cảnh nó sẽ học không được đâu. Anh tha cho nó đi. Nghĩa tủm tỉm: − Không ngờ em quí Thục Hiền nhiều vậy. Đó là anh chỉ ví dụ thôi. Chứ ba mẹ cũng không chắc gì chịu tác hợp. − Tại sao? Nghĩa nhún vai: − Anh không biết. Nhưng mỗi khi nói về Thục Hiền, cả ba mẹ đều dành cho con bé một tình thương đặc biệt. Mẹ đâu phải người dễ dàng chấp nhận, mọi sự nhờ vả, nếu như mẹ không được lợi lộc gì. Không trách mẹ được, anh nghĩ mối quan hệ của con bé với gia đình chúng ta không đơn thuần như lời ba mẹ giải thích. Nghe anh trai nói, đầu óc Đoan Thư rối tung lên bao ý nghĩ. Cô định hỏi Nghĩa thì chuông cổng reo kinh coong. Đoan Thư nhanh nhẩu: − Chắc anh Việt và Thục Hiền về. Anh để em xuống mở cổng cho. Cánh cổng vừa mở, Đoan Thư đã thấy Việt đẩy xe vào. Sau lưng là Thục Hiền. Việt lêu lên: − Là em mở cửa cho anh à? Cám ơn nha. Anh có mua bánh bông lan kem tam giác cho Thư này. Đoan Thư hơi cười: − Cám ơn anh. Thư ăn cơm rồi, anh đâu cần khách sáo với em như vậy. đi chơi vui không Hiền? Việt chạy xe vào nhà, Thục Hiền cười nhẹ: − Không vui cũng không buồn. Đoan Thư chớp mắt: − Ông ăn hiếp Hiền phải không? Đã nói đi với ông Việt luôn gặp điều khó chịu mà. Để Thư xử tội ảnh. Thục Hiền nói nhỏ: − Không phải tại ảnh đâu. − Thế sao mặt mũi Hiền ảm đạm quá vậy. Đừng sợ ông ấy, để rồi lúc nào cũng buồn bực. − Tại Hiền đang tiếc tiền. Một bữa ăn tới vài trăm ngàn, phí kinh khủng. Trong khi ba nhỏ bạn Hiền ở ký túc xá, nó kể cơm ăn mỗi ngày ngoài rau dền, rau muốn luộc, chỉ có đậu hũ kho tương, hay hột vịt chưng cà chua đã là sang lắm. Nên Hiền cứ áy náy nghĩ mình đã làm điều không đúng. Đoan Thư cười cười: − Hiền đa cảm quá đấy. Cuộc sống phải có người này người nọ. Hơn nữa, anh Việt mời Hiền kia mà. − Nhưng anh ấy cũng chưa làm ra tiền. − Không có gì phải áy náy nhiều. Vì anh Việt còn cả gia tài ba mẹ ảnh để lại. Ảnh không làm vẫn sống sung túc đấy. Thục Hiền thở dài: − Hiền chưa thể quen, nên rất mặc cảm. Đoan Thư lại cười: − Thôi bỏ đi, nếu không thích, lần sau bạn từ chối cũng chưa muộn kia mà. Hiền này, học ở trường nhỏ biết Huyền Phi chớ? − Cả trường, mới hay cũ đều biết tiếng cô ta. Bởi cổ là con gái duy nhất của giáo sư viện trưởng Phúc. − Vậy, Hiền đã thấy bà Phi đi chung cùng anh Việt lần nào chưa? Thục Hiền thật thà: − Chưa thấy, nhưng hồi chiều chị ấy ghé rủ anh Việt đi ăn tối. Chị Phi đẹp kinh khủng. Chả hiểu sao ảnh lại không đi! Đoan Thư nhún vai: − Tính anh Việt rất ghét con gái điệu, thích son phấn đua đòi. Đi chung bà Phi, ảnh dị ứng, nên không thích đi chung phải. Thục Hiền chậm rãi: − Ảnh không ngại chị Phi gây khó dễ trong việc thi cử hả Thư? Đoan Thư bĩu môi: − Đố bà Phi dám. Ảnh học thuộc loại ưu tú. Đang được nhà trường chọn đi nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án phó tiến sĩ? Làm sao có cửa đì ảnh được. Hiền xuýt xoa: − Vậy hả? Thế anh Việt có đi nước ngoài không? Đoan Thư lắc đầu: − Ảnh không chịu. Muốn ở lại trường vừa dạy vừa nghiên cứu. Còn không thì ra làm bác sĩ, ảnh muốn tự lập. Thục Hiền gật đầu: − Thì ra anh ấy muốn vươn lên. Mình nghe loáng thoáng mấy người khoá trước kháo nhau chuyện chị Phi mê anh ấy dữ lắm. Thì ra anh Việt ngại tai tiếng. Đoan Thư chợt nhắc: − Hồi chiều, mẹ Hiền gởi thư cho Hiền đấy, cả tiền nữa. Bà ngoại và ba mẹ đang mong Hiền về. Thục Hiền thở dài: − Mẹ lúc nào cũng lo lắng cho Hiền. Sức khoẻ mẹ dạo này yếu lắm, mẹ làm gì ra tiền để gửi cho mình chứ? Cô nhớ bức thư mẹ gửi còn nằm trong cặp. Vội cáo từ, Đoan Thư trở về phòng. Vừa lúc anh Nghĩa kêu oang oang: − Chút chít ơi, mau lên nghe điện thoại. Đoan Thư cùng đi với Hiền trở về phòng, cô nghe tiếng Minh Hương, nó không cần rào đón, vừa nghe cô alô, đã hỏi ngay: − Đoan Thư hả? Việt đã về chưa. Đoan Thư gật đầu: − Vừa về tới. Có cần tao gọi anh ấy nói chuyện với mày không? Minh Hương ngập ngừng: − Thôi khỏi. Mày có biết ảnh đi đâu không? Đoan Thư cười cười: − Tất nhiên là biết. Nhưng tao sợ nói ra mày lại vỡ tim mất, nghe không? Minh Hương nói: − Tao không tin có chuyện ghê gớm thế xảy ra cho tao đâu. Mày nói thử coi, phải bà bác sĩ tương lai không? Huyền Phi ấy. Thư kêu lên: − Mày cũng biết Huyền Phi yêu anh Việt à? Biết rồi, sao còn tấn công đeo theo ảnh chi vậy? Minh Hương tỉnh bơ: − Việt chưa làm lễ “tân hôn”, ảnh còn tự do thì tao vẫn có quyền yêu thương. Chuyện tình cảm cũng không thể nói trước. Biết đâu mai mốt ảnh lại thương tao thì sao? Vì bà Phi cũng yêu đơn phương thôi. Tao ngại nhất gặp đối thủ là mày kìa. Dẫu gì hai đứa cũng bạn bè, ông Việt lại ở một nhà với mày. Đoan Thư la lên ngắt lời Hương: − Mày nói hơi bị… nhiều rồi đấy. Nếu tao yêu Việt, chắc chắn không coi mày là đối thủ. Khổ nỗi, anh Việt lại thích nhỏ bạn mới của tao kìa. Giọng Minh Hương thảng thốt: − Hả! Mày muốn nói con bé nhà quê vừa đến nhà mày ở hả? Đoan Thư tưng tửng: − Con gái tỉnh lẻ lúc đầu lên thành phố đều quê mùa hết. Nhưng, một thời gian sau họ còn nổi hơn gấp mấy lần tụi mình. Anh Việt vừa hướng đạo nhỏ Hiền đi dạo phố, vừa đãi nhỏ ấy một bữa cơm đáng tiền lắm. Mày không sao chứ? Minh Hương chấp chới: − Mày không đùa tao chứ? Tao không tin Việt chịu đi chung với con nhỏ dân dã ấy. Vô nhà hàng mất công hướng dẫn cách cầm dao nỉa, khăn giấy… − Chuyện có thật trăm phần trăm, tin hay không tuỳ mày. Minh Hương rên rỉ: − Mày không có ý kiến gì à? − Theo mày, tao phải làm sao? − Nói thẳng cho nó biết, Việt đã có người yêu là bạn của mày. − Tao không nói được. Vì chuyện đến tai anh Việt. Ông ấy dám cho tao gãy răng về tội danh “vu khống” bừa bãi. Minh Hương hùng hổ: − Mày sợ thì để tao. Tao nhất định không chịu việc con bé ấy đi chung anh Việt. Đoan Thư cong môi hét: − Mày đừng vô duyên lãng nhách vậy Hương. Thục Hiền là bạn tao. Tao không cho ai xúc phạm nó đâu, nhớ đấy. Minh Hương cáu: − Tao cóc thèm nghe lời “khủng bố” của mày đâu, đừng hù. Đoan Thư kêu nhỏ: − Này, nếu chỉ gọi để hỏi tao những chuyện đó thì tắt đài nha. Tao chưa thuộc bài. Minh Hương cao giọng: − Đầu năm đã có bài vở nhiều gì, mày khéo vẽ chuyện. Mày chịu khó galan ông Việt cho tao, tao nhất định không quên ơn mày. − Giá bao nhiêu đây nhỏ? − Tao không tiếc tiền hay quà cáp, nếu mày thật sự không yêu Việt, thì giúp tao đi. − Lỡ tao thích ảnh thì sao? Minh Hương dài giọng: − Thì đành đối chọi với nhau vậy. Đoan Thư ngáp dài vào máy: − Tao cần thời gian xem xét lại chính tao đã. Thôi, tao cúp máy đây, buồn ngủ chết được. − Đúng là loại ăn nói hai lời. Vừa biểu học bài, giờ than buồn ngủ. Giờ đã ngủ nổi gì. − Tao có tật nếu không bận học bài sẽ ngủ trước khi gà lên chuồng “Ăn được ngủ được là tiên mà”. − Vậy tao không làm phiền mày nữa để mày sớm thành tiên, bay lên trời lấy tiên đồng, để Việt và trần gian cho tao. Chào! Đoan Thư bật cười. Rồi lại buồn buồn. Tại sao Hương lại nhè cô mà tâm sự chuyện Việt chứ? Nghĩa thò đầu vào nói: − Mẹ đang hỏi về em đấy. Điện thoại của ai vậy nhỏ? Đoan Thư nói chậm: − Mẹ chưa ngủ hả anh Hai? Là Minh Hương gọi. − Mẹ đang nói chuyện với Thục Hiền. Con gái đúng là chúa nhiều chuyện. Gặp nhau ở trường, về nhà còn tâm sự trên điện thoại. Phải con bé lại nhờ vả gì em không? Đoan Thư nhún vai: − Anh thông minh đấy. Nó nhờ em nói tốt nó với anh Việt. Và hứa sẽ cho em những gì em thích. Nghĩa chau mày: − Không ngờ con nhỏ ấy lại si tình Việt nặng vậy. Con gái phải thùy mị đoan trang, biết giấu kín tâm sự của mình, có đâu lại khai báo tùm lum vậy. Em nhận lời Minh Hương à? − Không thể từ chối, anh còn lạ gì tính nó. Nghĩa kêu lên: − Khùng quá. Em khùng, nó cũng khùng, khùng hết cả đám. Coi chừng Việt biết mình bị đem ra làm chuyện mai mối, nó nổi giận là em lãnh đủ. Đoan Thư xụ mặt: − Chứ, anh biểu em phải làm sao? Nó còn nói, nếu em yêu Việt, sẵn sàng đối đầu em nữa kìa. Nghĩa làu bàu: − Con gái gì kỳ cục quá. Tốt nhất, em mặc kệ cô nhóc ấy. Con gái như thế có ma thích yêu. Dứt lời, Nghĩa quay trở ra. Còn lại một mình, Đoan Thư nằm xuống giường đầu óc chất đầy những ý nghĩ lung tung. Rốt cuộc trong cái mớ bòng bong rối rắm ấy, cô vẫn thấy chập chờn khuôn mặt lãnh đạm với nụ cười nửa miệng đầy quyến rũ của Việt…Thục Hiền thở dài: − Cháu không hề hỏi xin tiền mẹ cháu. Dạo này sức khoẻ mẹ cháu đuối nhiều. Việt dạy thêm để tăng thu nhập, thật khó khăn. Chẳng rõ mẹ cháu lấy tiền đâu gởi vô nữa. Bà Tín vẻ thông cảm: − Cô Trang suốt đời chịu cực khổ, tằn tiện. Cháu có người mẹ thật đáng kính. Theo bác, cháu nên gởi về trả cho mẹ cháu. Bác sẽ gởi thêm một ít để mẹ cháu thuốc thang. Thục Hiền chậm rãi: − Chỉ sợ mẹ cháu buồn, suy nghĩ thêm lại bệnh ra. Cháu đang tính ổn định việc học, sẽ tìm vài cô cậu học trò để dạy kèm. Bà Tín cắt ngang: − Hiền à, bác không đồng ý việc cháu đi dạy thêm đâu. Hai bác đã hứa với mẹ cháu, sẽ lo cho cháu ăn học đến ngày thành đạt. Thục Hiền từ tốn: − Tấm lòng của hai bác, cháu rất hiểu và mang ơn. Cháu được hai bác lo chỗ ăn chỗ ở, sách vở đã là một điều mong ước của nhiều sinh viên nghèo. Cháu cũng muốn kiếm việc để có tiền gởi về giúp mẹ cháu. Cháu đi xa thế này, mẹ cháu ở nhà, lỡ có chuyện gì, không có tiền cũng khổ, bác ạ. − Chúng ta sẽ giúp cháu. Thục Hiền khăng khăng: − Xin bác cho cháu được tự lo liệu phần nào kinh tế. Cháu muốn tự tay làm ra tiền gởi về cho mẹ cháu, chứ không muốn nhận bất kỳ của ai khác. Bà Tín đành nói: − Chuyện này, tạm thời dừng ở đây đã. Bác sẽ bàn cùng bác trai và anh Nghĩa cháu sau. Nếu có thể, cháu sắp xếp thời gian đến công ty phụ việc cho anh Nghĩa vẫn tốt hơn đi dạy. Thục Hiền cảm động: − Bác thật tốt với cháu. Cháu hứa không làm phật lòng hai bác. Bà Tín đứng lên: − Muộn rồi, cháu về phòng nghỉ đi. Bác sẽ nhờ Việt giúp đỡ cháu trong những ngày nó còn ở lại trường. Thục Hiền cắn môi: − Bác ơi, chuyện học tập, cháu tự lo được. Bác đừng đặt thêm trách nhiệm vào anh Việt. Anh ấy sắp thi, bài vở và thời gian rất quí. Cháu cũng rất ngại dư luận xung quanh cho cháu là người cơ hội, lợi dụng. − Ai dám nghĩ về cháu như thế. Bác sẽ không tha cho họ đâu. Sớm muộn gì Việt cũng chính thức thành con cái trong nhà. Bác muốn nó giúp cháu học thôi mà. Thục Hiền ngơ ngác: − Bác nói gì cháu không hiểu. Chả lẽ bấy lâu nay bác không coi ảnh như con cái hay sao. Bà Tín tủm tỉm: − Ý bác muốn nói, khi Việt ra trường bác sẽ tác hợp cho nó với Đoan Thư. Cháu thấy được không? Nghe bà Tín nói, tự nhiên Thục Hiền thấy con tim nhoi nhói buốt. Cô đâu có bệnh tim? Tại sao lại đau khi biết Việt đã là ý trung nhân của Đoan Thư? Nếu đã là vậy, Huyền Phi hay bất cứ ai cũng không thể xen vào trái tim Việt nữa rồi. Điều không muốn, anh cũng đâu thể chối phủ lòng yêu thương dưỡng dục bấy lâu của ông bà Đức Tín? Cô chớp mắt nghe giọng mình lạ hẳn: − Đoan Thư vừa xinh đẹp, học giỏi, lại thuỳ mị, đoan trang. Anh Việt được Đoan Thư bên cạnh, khác nào long phụng hợp duyên. Cháu mừng cho bác. Bà Tín cười cười, đi vào trong. Ngồi một lúc lâu ở phòng khách, Thục Hiền mới chậm rãi trở về phòng mình. Chẳng biết vô tình hay cố ý, cô gặp Việt ở hành lang với điếu thuốc lập loè trên tay. Thấy cô, Việt hỏi: − Ủa, Hiền chưa ngủ à? Thục Hiền nói nhỏ: − Bác gái có chuyện cần gặp Hiền. Anh cũng hút thuốc sao? Việt chậm rãi: − Đừng nói rằng, bác sĩ không nên hút thuốc nha. Đàn ông tụi tôi, nhiều khi buồn rất cần điếu thuốc và những giờ phút yên tĩnh. Thục Hiền chớp mắt: − Có nghĩa là anh đang buồn? Phải chuyện hồi chiều với chị Phi không? Việt nhếch môi: − Huyền Phi chưa đủ sức gây nỗi buồn cho tôi đâu. Chuyện của tôi, Hiền không nên biết làm gì. Thục Hiền tự ái: − Nếu vậy chào anh ngồi lại cùng tâm sự của mình. Bức bối quá thì gởi vào mây vào gió cho nhẹ lòng. Thoáng cái, cô biến nhanh sau cánh cửa phòng, rồi đóng lại. Nằm xoải người xuống giường, lúc này Thục Hiền mới có thời gian đọc thơ của mẹ. Lá thơ mẹ viết ngắn, nhưng vẫn hàm chứa những yêu thương lo lắng cho cô: Quê hương ngày… Thục Hiền yêu thương của mẹ. Biết tin con đã nhập học, mẹ mừng lắm. Coi như mẹ đã đi hết nửa phần đời trách nhiệm cùng cha con. Hãy cố gắng học tập nha Hiền. Con đừng bận tâm nhiều về những gì gia đình bác Tín dành cho con. Muốn thành đạt, phải tập chịu nhẫn nhục và mọi khó khăn. Con hiểu ý mẹ chứ? Dạo này mẹ chỉ nhận dạy thêm cho nhóm học sinh cuối cấp tiểu học. Lương đủ sống. Con không cần phải lo lắng cho mẹ. Chỉ cần con học giỏi là mẹ vui lắm rồi con gái ạ. Cuộc sống thành phố phức tạp và đầy cạm bẫy. Là con gái, đừng tin những gì con trai họ nói và tán tỉnh nha con. Đoan Thư tốt với con chứ? Mẹ không mong gì hơn tụi con quí mến, chăm sóc lẫn nhau. Còn nữa, bà ngoại già yếu, con nên dành thời gian chăm sóc ngoại. Người già thích được chiều chuộng, con hiểu không? Thục Hiền. Mẹ gởi cho con ít tiền, để con có tiền trong người, khi cần những đồ lặt vặt, con không phải bối rối khó xử. Cố gắng học tập, gìn giữ sức khoẻ nghe con. Hải gởi lời thăm con đấy. Có thời gian con viết thư thăm cậu ấy, cũng tội, từ ngày con đi, chiều tối nào đi làm về, Hải cũng ghé thăm mẹ. Mẹ cũng ấy náy lắm. Nhưng không cản được. Thôi thì tuỳ cậu ấy. Bác Tín gái khéo nấu nướng các món ăn, con học thêm ở bác, con gái phải biết nữ công con ạ. Mẹ dừng bút, mong con khoẻ. Mẹ của con Thục Trang. Thục Hiền nghe mi mắt cay nồng, mẹ đúng là người mẹ giàu tình yêu con nhất. Suốt đời, mẹ đã hy sinh hạnh phúc để lo cho cô lớn khôn. Cô biết không ít người, có địa vị xã hội, muốn tiến tới hôn nhân cùng mẹ, nhưng mẹ luôn tìm cách chối từ. Bây giờ và mãi mãi, mẹ vẫn sống tất cả cho cô thôi. Trăn trở mãi, Thục Hiền không sao ngủ được, đành ngồi vào bàn học bài. Cô đã quyết định tìm việc làm thêm, để có tiền gởi về cho mẹ. Sức mẹ cao lắm là dạy hết năm nay thôi. Lẽ ra cô không nên chiều ý mẹ, nộp đơn thi y khoa thành phố Sài Gòn thay bằng thi y khoa Hà Nội, gần nhà và mỗi tháng cô đều có thể về thăm mẹ. Bây giờ thì đã quá xa. Nhớ mẹ, cô cũng đành chịu. Phải hè mới về được. Ngủ trễ, khi Thục Hiền thức giấc, cả căn nhà to lớn đã im ắng tĩnh mịch. Hai bác tới chỗ làm ăn của mình. Anh Nghĩa đến công ty. Đoan Thư học buổi sáng. Lẽ ra cô cũng học sáng như Thư nhưng chủ nhật, trường cô nghỉ, Đoan Thư học thêm vi tính vào sáng chủ nhật, nhỏ rủ cô học chung. Nhưng Hiền chưa quyết định vì không muốn phiền luỵ nhiều tới gia đình bác Tín. Thục Hiền chậm rãi đi xuống lầu. Tới trước phòng bà Ngạn, cô khẽ gọi: − Ngoại ơi, ngoại thức chưa? Không nghe tiếng bà trả lời, nghĩa là bà ngoại đã dậy và đi tản bộ rồi. Ngoại rất siêng, sáng nào cũng dậy tập dưỡng sinh, trừ chủ nhật. Thục Hiền ra vườn. Khu vườn nhỏ xíu, được trồng toàn một loại hoa hồng Đà Lạt và các loại cúc. Sáng sớm, hương hoa thơm ngát thật dễ chịu. Hiền chậm rãi tưới cây, tưới lên những chậu kiểng ở trước sân nhà, trên ban con. Sau đó cô dùng kéo cắt ít bông hồng, bông cúc, đặt vào chiếc xô nhỏ để chưng vào các bình ở phòng khách, phòng anh Nghĩa, phòng Đoan Thư, phòng Việt và phòng của cô. Vừa đẩy nhẹ cánh cửa phòng khách, Thục Hiền hết cả hồn khi thấy Việt đang nằm nơi ghế, ngủ vùi. Ngần ngừ một lúc, cô mới chậm rãi đặt lọ hoa lên bàn. Khẽ chau mày nhìn anh, cô ngờ ngợ đoán anh bị bệnh chứ không phải ngủ quên. Chiếc đồng hồ treo tường gõ đều đặn 8 tiếng chuông. Thục Hiền đoán, Việt đã nằm đây cả tiếng đồng hồ. Cô đến bên Việt lay anh thật mạnh. − Anh Việt dậy đi. Trưa trật trưa trờ rồi nè. Chẳng thấy Việt cục cựa, ừ hử gì, Hiền đặt thử tay lên trán anh. Trời ạ, sao mà nóng dữ thế này? Lo lắng, cô cố gắng lay anh nhiều hơn: − Việt, tỉnh lại đi. Chẳng ăn thua gì, cô vội chạy xuống bếp mở tủ lạnh tìm chanh. Xắt vội vài miếng, cô quay trở lên, dùng chanh chà khắp mặt mũi và cổ cho anh. Khi hết trái chanh cô mới thấy mi mắt Việt động đậy, rồi mở ra. Môi anh mấp máy: − Nước! Khát quá. Cô lại chạy biến xuống bếp, làm thật nhanh một ly đá chanh, đem lên dùng tay nâng đầu anh dậy, tay kia kề chiếc ly vào miệng anh. Việt uống chậm từ chút một cho đến khi không còn giọt nước ở ly, anh mới chép miệng, mở mắt nhìn quanh. Nhận ra nét mặt Thục Hiền đang rất gần anh, mắt cô đong đầy nỗi lo lắng. Anh vội vã bật dậy. Nhưng đầu nhức và đau đến mức anh không thể gắng nổi. Thục Hiền nhẹ giọng: − Anh bị sốt, nóng lắm. Cứ nằm đây nghỉ cho khoẻ. Tôi ra ngoài mua thuốc cho anh uống. Việt giơ tay: − Thuốc ở chiếc tủ nhỏ treo nới góc tường cạnh tủ thờ kìa. Lấy hai viên paracetamol giùm tôi được rồi. Thục Hiền lấy thuốc theo chỉ dẫn. Uống thuốc xong, anh nói nhỏ: − Tôi bị cảm lạnh vì đêm qua thức khuya quá. Sáng nay dậy thấy người váng vất, uống cà phê cùng Nghĩa xong, mọi người đi khỏi nhà, không ngờ tôi lại nằm bẹp dí ở đây. Tệ thật. Cũng may còn cô ở nhà. Thục Hiền cười cười: − Anh khiến tôi tá hoả tam tinh. Người tôi thì nhỏ xíu, chẳng biết làm sao dìu anh lên phòng được. Bây giờ cũng không có khách, anh cứ nằm tạm đây được rồi. Thật ra, tôi chưa biết rõ tên thuốc. Anh không nói, tôi chắc chắn phải ra hiệu thuốc rồi. Việt gật đầu: − Nằm đây cũng được. Nhưng tôi đói bụng quá à. Thục Hiền sốt sắng: − Để tôi xuống bếp coi còn gì ăn được không? Vừa lúc bà Hai Ngạn đi vào, nghe được câu cô nói, bà bảo: − Sáng nay bác cháu có việc phải đi xuống tỉnh từ sớm, nên không làm điểm tâm. Cháu ra ngoài ăn chút gì đi Hiền. Ủa Việt, cháu sao vậy? Việt cười khổ: − Cháu bị sốt bất tử, nằm đây từ lúc Nghĩa chở Đoan Thư đi. Cũng may cô Hiền phát hiện được. Bà Ngạn lo lắng: − Trời phật ơi, rồi cháu có sao không? Có cần kêu bác sĩ không cháu. − Ngoại quên cháu cũng là bác sĩ hả ngoại. − Bác sĩ thì bác sĩ chứ. Chữa bệnh cho người thì giỏi, chứ bệnh mình mấy ai chữa được đâu. Hiền à. Hiền nhanh nhẩu: − Dạ, ngoại gọi cháu? − Cháu coi quay số điện thoại kêu bác sĩ Bính đến khám cho Việt giùm ngoại đi. Việt kêu nhỏ: − Cháu hết đau rồi Ngoại ơi. Nhưng dậy không nổi vì đói bụng. Bà Hai Ngạn do dự: − Cháu không dối bà chứ? Nếu vậy Thục Hiền ra ngoài mua cho anh tô phở, nhớ nói họ bỏ hành nhiều vào, đừng cho giá, kẻo uống thuốc bị giã thuốc. Luôn tiện cháu mua cả hai bà cháu cùng ăn nha. Thục Hiền dạ nhỏ. Cô đi nhanh vào bếp lấy ca mên. Tới cửa, cô lại vội leo ngược lên cầu thang. Bà Ngạn thắc mắc: − Cháu đi đâu vậy? Đây ra đầu hẻm có vài bước, thay đồ chi cho mệt. Thục Hiền nói nhỏ: − Không phải cháu thay đồ đâu ngoại. Bà Ngạn nhớ ra, vẫy tay: − Lên lấy tiền phải không? Ngoại có giữ tiền bác gái cháu đưa cho đi chợ đây. Cháu cầm lấy đi. − Tiền chợ, để lát chị bếp đến đi chợ, cháu có tiền mà ngoại. Bà Ngạn nạt đùa: − Có cầm không thì bảo. Tiền ăn được qui định rõ ràng, tiêu chuẩn đầy đủ, có cần cháu bỏ tiền túi ra không? Chẳng thể cãi lời bà Ngạn, Thục Hiền đành cầm tiền của bà đưa, cô sửng sốt khi thấy tờ một trăm ngàn. − Ngoại đưa chi tờ lớn vậy ngoại. Lỡ họ không có tiền thối lại. − Cháu khờ quá đi. Người ta bán từ sáng sớm đến giờ, lo gì không có tiền thối chứ. Lát cháu đưa cho chị bếp năm mươi ngàn tiền chợ, thêm ba mươi ngàn mua trái cây bỏ tủ lạnh. Nhớ dặn chị ấy mua nho và lê được rồi. Thục Hiền dạ thật ngoan. Cô chậm rãi xách ca men ra cổng. Không hề biết phía sau cô, bà Ngạn chót chét với Việt: − Tội nghiệp, con bé thật thà quá, hệt tính cô Trang ngày trước. Lúc nào cũng chấp nhận mọi thiệt thòi. Cháu có thời gian ráng giúp con bé học hỏi thêm nha cháu. Việt cười cười: − Ngoại khiến cháu thấy lạ đó nha. Với Đoan Thư ngoại ít dành cho cô bé nhưng săn sóc yêu thương tỉ mỉ. Thục Hiền không là máu thịt, sao ngoại thương cô ấy nhiều vậy ngoại. Bà Hai Ngạn thở dài: − Đoan Thư lọt lòng mẹ, đã sống trong nhung lụa đủ đầy. Không như Thục Hiền nằm ổ rơm thay chiếu, đắp chiếu thay chăn lớn lên nhờ củ khoai độn nhiều hơn hạt gạo. Ngoại thấy mình có lỗi với mẹ con Thục Hiền. Việt ngỡ ngàng: − Ngoại! Thật ra mọi người có điều gì giấu Thục Hiền phải không? Bà Ngạn lúng túng: − Không có đâu. Tại ngày xưa ngoại và mẹ Thục Hiền quấn quít nhau như mẹ con. Nên ngoại thương con Hiền như Đoan Thư thôi. Việt trầm tĩnh: − Cháu không tin đâu. Xét những gì hai bác dành cho Thục Hiền, cháu đoán không phải ngẫu nhiên mọi người chịu cưu mang cho cô bé ấy. Nhất là bác Thuý vốn ít chia sẻ tình cảm lẫn vật chất cho ai. Bà Ngạn vẫn gạt phắt: − Mẹ Đoan Thư và mẹ Thục Hiền là bạn thân từ bé. Coi nhau như chị em ruột, còn kết nghĩa với nhau cùng lời nguyền: sẽ mãi mãi yêu thương nhau hết cuộc đời và tình thương ấy được chia đều cho những đứa con của họ. Việt không muốn chấp nhận lời giải thích đơn giản ấy. Nhưng Thục Hiền đã trở lại với chiếc ca mên nặng tay và một ổ bánh mình nhỏ cặp giăm bông. Cô nhanh nhẹn trút phở sang tô, ngắt rau thơm bỏ vào tô cho cả bà Ngạn và Việt. Bà Ngạn chau mày: − Cháu không ăn sao Hiền? Thục Hiền cười toe: − Cháu thích ăn bánh mì hơn, nên đã mua bánh mì giăm bông rồi ngoại ạ. Bà Ngạn lắc đầu: − Thiệt tình, cháu đâu cần phải tự đầy đoạ mình như thế. Người đã ốm, còn ăn đồ khô. Có nước ốm tong teo suốt đời đó cháu gái. Việt nói: − Hiền ăn giùm tôi một nửa. Nhiều thế này, tôi ăn không hết bỏ uổng. Thục Hiền chối lia: − Ngoại còn ăn hết, anh là con trai, nói vậy không sợ ngoại cười à? − Tôi đắng miệng lắm. Chắc chắn ăn không hết đâu. Chả lẽ Hiền thích tôi đổ đi. Bà Ngạn góp lời: − Việt không gạt cháu đâu. Người bệnh ăn uống ít lắm, cháu lấy chén san ra, ăn giùm nó một nửa. Bỏ đi phải tội chết. Hết cách chối. Thục Hiền vốn quí bát gạo, miếng cơm, nên bảo đổ đồ đi, cô buốt ruột vô cùng. Bữa ăn sáng rồi cũng qua đi. Việt chậm rãi leo trở lên lầu. Anh muốn tự do nghỉ ngơi. Khổ nỗi, vừa bước được ba bậc thang anh đã nghe cửa ra vào phòng khách bị đẩy mạnh và tiếng Huyền Phi điệu bộ cất lên: − Anh Việt! Bệnh tật sao không kêu em? Anh tệ ghê nơi. Cô tự nhiên bước đến bên anh định dìu anh lên lầu. Việt gỡ tay cô, giọng nhẹ tênh: − Chúng ta xuống dưới ngồi chơi. Anh tự đi một mình được rồi. Huyền Phi nhỏ nhẹ: − Vừa gọi cổng, nghe Thục Hiền nói anh bị sốt em lo quá. Anh đã uống thuốc chưa? Việt cười gượng: − Em yên tâm, ngoài anh ra, Thục Hiền cũng là bác sĩ tương lai, cô bé đã lấy thuốc cho anh rồi. Sao chủ nhật em nói đi Vũng Tàu kia mà? Mắt Huyền Phi thoáng tối khi nghe Việt nhắc tên Hiền với vẻ trìu mến. Nhưng cô nhanh chóng lấy lại sự điềm tĩnh. Cầm tay anh cô nói nhỏ: − Phút chót, em lại leo xuống xe trước sự ngạc nhiên của lũ bạn. Em thấy bồn chồn không yên. Không ngờ linh cảm của em khá chính xác. Thì ra anh bệnh. Việt cười: − Bác sĩ cũng tin ở linh cảm à? Coi chừng phản khoa học, bị ba đánh đòn đấy. Huyền Phi cong môi: − Chuyện đó thì nằm mơ cũng không thể xảy ra cho em đâu. Ba em cưng em hơn châu báu. Việt nhếch môi: − Nói đúng hơn, Phi là kho châu báu vô giá của giáo sư. Phi thật hạnh phúc khi có người cha yêu thương con nhiều vậy. Mẹ Phi có thương bằng ba không? Huyền Phi tủm tỉm: − Mẹ là số một. − Chúc mừng em có một mái gia đình tuyệt vời nhất. − Nhưng em vẫn thấy buồn nhiều. Việt hỏi: − Em mà cũng biết buồn à? Về chuyện gì mới được. Huyền Phi nhìn xô, mắt long lanh: − Vì anh cứ lẩn tránh em! Việt, phải là cô gái có những tiêu chuẩn nào, mới được anh chấp nhận? Việt từ tốn: − Em đề cao anh quá rồi. Chỉ do cuộc sống của anh đang nhờ sự bảo trợ của người khác. Anh đã hứa trước vong linh ba mẹ mình. Chỉ yêu khi sự nghiệp hoàn toàn vững chắc. − Nay mai anh ra trường, tương lai anh trở thành bác sĩ giỏi ở một bệnh viện lớn, hay thành phó tiến sĩ, đã nằm trong tầm tay anh. Ai dám nói sự nghiệp của anh bấp bệnh. − Không đơn giản như chúng ta làm một bài toán cộng trừ đâu. Cuộc đời là một dãy dài các cấp số nhân lên. Nếu không thận trọng, dẫu tài giỏi cỡ nào, cũng dễ rơi xuống vực thẳm. Anh muốn có trong tay vững chắc sự nghiệp, đảm bảo cho sự tồn tại của những người gắn liền với cuộc đời anh, được đầy đủ sung sướng, khi ấy anh mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Huyền Phi bặm môi: − Em sẽ chờ anh, dù thời gian bao lâu. Việt kêu lên: − Em khờ quá. Cũng không cần phải vì anh như vậy! Con gái tuổi xuân có thời, không giống đàn ông tụi anh, ngoài ba mươi lấy vợ vẫn còn sớm. Anh không phải là gã đàn ông độc nhất thế gian này. Nên anh không muốn em phải hy sinh như vậy. Huyền Phi bướng bỉnh: − Em mặc kệ những lời anh nói. Trái tim em duy nhất chỉ có anh thôi. Em không muốn thay đổi. − Cháu à, con gái ăn nói phải biết cẩn trọng, danh dự con người quí hơn mọi châu báu ở đời. Có cần một người đàn ông mà hạ nhân cách của mình không? Giọng bà Ngạn chợt vang lên chát chúa, khiến Huyền Phi nửa bối rối, nửa nghẹn đắng bờ môi, trước câu nói trần trụi của bà Ngạn. Cô vội vã rời ghế, lễ phép: − Cháu chào bà, xin lỗi bà, cháu đã vô phép không phải khi vào nhà. Bà Ngạn xua tay: − Cháu không có lỗi gì cả. Ta muốn cho cháu một lời khuyên. Cháu nhận không? Huyền Phi cúi đầu: − Xin bà dạy bảo ạ. − Là chuyện ta vừa vô tình nghe được, cháu yêu Việt và muốn cùng nó đi tới hôn nhân à? Huyền Phi bối rối: − Dạ! Cháu… − Khó nói phải không? Thật ra cháu cũng không nên trách Việt. Tính nó xưa nay vốn ơ hờ, lạnh nhạt với bạn gái. Nó nói đúng khi nhắc về ba mẹ nó cho cháu nghe. Ba mẹ Việt trước khi mất đã năn nỉ ta sau này hãy yêu thương Việt như ruột thịt để nó mãi mãi trở thành con cái trong nhà. Ta đã nhận lời uỷ thác ấy. Chờ ngày Việt ra trường, sẽ làm lễ đính hôn cho nó. Không riêng Huyền Phi, ngay Việt cũng bàng hoàng khi được nghe chính bà Hai Ngạn nói ra những điều trên. Huyền Phi hụt hẫng: − Việt sẽ đính hôn sau ngày tốt nghiệp ư? Với ai vậy, thưa bà? − Là Đoan Thư, cháu gái thấy con bé Thư của bà làm vợ bác sĩ được không? − Đoan Thư? - Huyền Phi kêu lên - Cháu không tin. Bà chỉ muốn đùa cháu thôi phải không bà? Quay sang Việt, cô dấm dứt lắc vai anh, giọng nghèn nghẹn: − Anh nói đi. Phải Đoan Thư chỉ là em gái anh, anh không thể yêu cô ấy, đúng không Việt? Việt cũng như Phi, có biết gì đâu mà trả lời hay khẳng định từ chối. Anh dè dặt nhìn bà Ngạn. Chỉ nhận ở bà ánh mắt hóm hỉnh cười cười, mà anh không sao hiểu nổi. Bà Ngạn ung dung đi vô phòng, lúc này Việt mới thở dài: − Huyền Phi, bà ngoại nói đúng đấy. Anh chỉ là hạt cát ven đường thôi. Đừng bận tâm đến anh nhiều, mà tự đánh mất chính mình. Huyền Phi vẫn nói: − Điều em hỏi, anh chưa trả lời. Phải như lời bà vừa nói không? Việt nhếch môi: − Có những việc đến ngoài ý muốn. Dẫu không thích vẫn không thể chối từ. − Nghĩa là, do ba mẹ anh muốn như vậy, và anh sẽ không từ chối? − Bây giờ anh chưa thể trả lời được em câu hỏi nào. Hãy về với cuộc sống của em đi. Rồi em sẽ quên anh được. Huyền Phi bật hét: − Anh ác lắm. Anh cũng chỉ là loại đàn ông tầm thường, thích lợi dụng. Em ghét anh. Dứt lời Huyền Phi chạy ào ra cửa, nhanh hơn cả khi cô tới. Việt lững thững đi lên sân thượng, thay bằng trở về phòng của mình. Những lời bà ngoại vừa tiết lộ, đúng hay sai? Anh nghe hàng ngàn mũi kim châm vào đầu đau nhức. Từ lâu rồi, anh quen coi Đoan Thư như em gái, chứ chưa hề nghĩ sẽ yêu cô. Sẽ là người đàn ông của riêng cô. Cảm giác bị áp đặt đè nặng tâm hồn anh. Và anh mơ hồ cảm nhận, cuộc sống của anh sẽ không còn phẳng lặng? Ai trong số các cô gái yêu anh, sẽ âm thầm chịu đựng? Và ai sẽ nổi trận cuồng phong giận dữ trút xuống tâm hồn anh? Lòng nặng trĩu nỗi lo lắng xốn xang, anh trầm ngâm đốt thuốc, không biết bầu trời đang rất xanh và nắng gắt ở trên cao chiếu ngàn tia lửa đỏ xuống người anh rừng rực. Điếu thuốc chưa tàn, anh đã gục đầu xuống chiếc bàn đá, im lìm cùng cơn sốt chợt đến!Thanh Xuân rủ rê: − Tao khát nước quá, tụi mình xuống căng tin uống nước đi. Thu Cúc gật gù: − Phải đấy, hôm nay trời nắng quá, mới hai tiết đã nóng muốn điên lên. Quế Trân lưỡng lự: − Còn bốn ngày nữa mới hết tuần, hết tháng. Không dành dụm, lỡ hết tiền ăn thì chết. Thanh Xuân nhún vai: − Mày sao ưa lo xa quá. Bốn ly nước bất quá hết 4 ngàn, mỗi bữa bớt năm trăm đồng rau thôi. Có gì quan trọng lắm đâu. Thục Hiền chợt nói: − Cho mình đi chung với. Mình sẽ khao mấy bạn. Thu Cúc láu lỉnh: − Tuyệt cú mèo. Thục Hiền đi chung chưa chừng tụi mình uống nước không phải trả tiền nữa. Biết sao không? Quế Trân đủng đỉnh: − Lại gán ghép. Coi chừng bà Phi ghen, tội cho Thục Hiền. Thục Hiền cũng nói: − Đừng nói những chuyện không liên quan đến học tập. Mau đi, kẻo hết giờ. Căn tin buổi giữa giờ học đông nghẹt sinh viên, vất vả lắm bốn cô mới kiếm được mỗi đứa mỗi ghế. Bàn thì không có. Thục Hiền kêu bốn ly nước dừa, thêm dĩa bánh bông lan kem. Vẫn là Thanh Xuân: − Để ly đâu mà ăn bánh? Thục Hiền cười chỉ tay: − Ra bệ xi măng kia. Vừa mát vừa thoải mái. Cuối cùng cả bốn cô đều vui vẻ ăn uống. Thu Cúc nhỏ nhẹ: − Phải chi căn phòng hộp của tụi mình có thêm Thục Hiền, chắc là vui lắm. Quế Trân nheo mắt: − Mày chỉ tài lợi dụng, chứ vui vẻ gì. Thục Hiền cười cười: − Mình cũng thích sống cuộc sống tự lập, có vậy mới biết khả năng của mình. Tiếc rằng Hiền không được mẹ cho phép. Thanh Xuân chợt hỏi: − Thục Hiền ở nhà bác làm tổng giám đốc thương mại cổ phần khách sạn, địa ốc. Chả lẽ họ đối xử không tốt, nên Hiền phải kiếm việc làm thêm. Thục Hiền hỏi Thanh Xuân: − Nghe Trân nói, Xuân có một cậu học trò quậy lắm, nên định bỏ phải không? Thanh Xuân bực bội: − Nó đang học lớp 9. Dốt không thể tưởng, một bài toán giải hệ phương trình nó không hề biết viết cho đúng. Hình thì càng khủng khiếp. Anh văn tệ không thua đứa học trò mới học vỡ lòng. Học dốt nhưng lười và thích đọc truyện mà thôi. − Lương thế nào? − Năm trăm ngàn đồng một tháng. Tuần kèm ba buổi. Khá cao, nhưng nuốt khó vô quá. − Mày định tiếp tục không? Thanh Xuân thở dài: − Ngày mai có đủ mặt ba má thằng nhóc ấy. Tao xin nghỉ. Thà kiếm chỗ rửa chén hay tiếp thị hàng, cực một chút còn hơn. Thục Hiền ngập ngừng: − Hay mày để tao thử? Thanh Xuân dài giọng: − Mày đừng điên quá. Ở không ăn rồi học cũng được, bươn chải chi cho cực. − Tao muốn có chút tiền để phòng thân, không lẽ mình nhờ họ tất tật? Lúc cần mua vài đồ dùng của tụi mình, đáng vài ngàn cũng phải chờ xin. Tao chịu không được. Hơn nữa tao cũng rảnh, nên tìm việc làm thêm cho vui vậy mà. Thu Cúc nói: − Thục Hiền đã muốn, mày cứ chuyển giao cho nó coi sao. Biết đâu gặp người gặp tính hợp. Thục Hiền lại làm nên chuyện cho thằng nhóc ấy. Thanh Xuân cười khổ: − Đấy là do mày nói đấy nha. Sau này bị quậy quá đừng đổ tại tao. Thục Hiền vui vẻ: − Cám ơn mày không hết ấy. Ngày ở quê tao vẫn phụ mẹ dạy kèm cho học trò. Mẹ tao là giáo viên toán lý. Nên nhờ dạy thêm cuộc sống cũng đỡ. − Trời ạ, mày nói nghe hệt dân sư phạm. Sao lúc trước không thi phứt nghề giáo, còn bày đặt y khoa chi cho cực. − Tại mẹ tao muốn tao là bác sĩ chớ bộ. Quế Trân leo lẻo: − Thục Hiền đúng là con ngoan hiếu nghĩa, cha mẹ bảo sao con nghe đấy. Chắc sau này hôn nhân của nó cũng nhờ mẹ. Thục Hiền nhún vai: − Chuyện đó còn xa vời ở tương lai. Hoàn cảnh tao khác tụi mày. Chỉ có mẹ không còn ai thân thích. Tao không vì mẹ, thì đâu phải là con người nữa. Thu Cúc tán thành: − Thục Hiền nói đúng đó. Ai lớn lên cũng phải có trách nhiệm với gia đình. Hoàn cảnh tạo nên chân dung của mỗi con người. Xấu tốt đành phải chấp nhận. Thanh Xuân bỗng hỏi: − Nhỏ ở chung nhà với mày thế nào? Học ở đâu vậy? Thục Hiền cười: − Mày muốn hỏi Đoan Thư à. Tao với nhỏ ấy quí nhau lắm. Thư học ngoại thương và cũng rất hoà đồng. Quế Trân chót chét: − Con gái nhà giàu phần lớn là hợm hĩnh kiêu kỳ. Mày được con bé ấy quí thật là tốt. Không như tao, chị em chú bác rõ ràng, lúc nào nhỏ em họ tao cũng thích gây cấn với tao hết. Thu Cúc bĩu môi: − Mày thuộc dạng bất cần lắm kia mà, có lý nào lại chịu con oắt ấy. Quế Trân thở dài: − Không phải tao sợ hãi gì nó, chỉ muốn căn nhà được yên tĩnh. Ba tao mỗi lần nhậu vô, quậy đã nổi đình nổi đám. Thêm vài chuyện không đáng nữa, tao thấy tội cho mẹ tao thôi. Chứ cỡ nó tao không coi ra gì đâu. Thục Hiền thở dài: − Ngó qua tụi sinh viên đều thanh cảnh nhàn hạ. Chớ thật ra thì mỗi người mỗi cảnh, đều bộn bề mọi lo toan của gia đình hết. Thôi, tụi mình lên lớp đi. Thanh Xuân nói: − Một ngày nào đó, tụi mình nhất định sẽ cùng nhau kết nghĩa sư muội, sư tỉ nha. Ba cái miệng cùng cong lên: − Đồng ý. Chờ lãnh lương gia đình đã. Thục Hiền cười lặng lẽ. Những giờ học ở trường, cô thật sự thấy thoải mái, vui vẻ. Phải chi mẹ cho cô ở ký túc xá, cô sẽ được ngủ giường tầng, ăn cơm nước mắm thay cá thịt. Khổ mà thoải mái tự do biết bao. Đó chỉ là sự mơ ước vớ vẩn, chớ mẹ còn sống ngày nào, cô vẫn muôn đời là con gái chút cheo của mẹ, cần phải được lo lắng, bảo bọc. Tan học, vừa dắt xe khỏi cổng trường, cô đã nghe tiếng Đoan Thư réo rắt: − Thục Hiền, lại đây. Thanh Xuân hỏi nhỏ: − Ai vậy Hiền? − Đoan Thư đó. Chẳng hiểu có việc gì không mà nó nổi hứng đi đón ta. Thôi, ta đi trước nha. Nhớ chiều mai dẫn ta đến gặp cậu học trò ấy. Dắt xe đến chỗ Đoan Thư, Thục Hiền cười cười: − Rảnh quá vậy Thư? Hay có chuyện gì? Đoan Thư cũng cười: − Trưa nay cả nhà đi vắng hết. Về nhà ăn cơm một mình buồn bỏ xừ. Ta ghé rủ Hiền đi ăn cơm bụi. Thục Hiền ngơ ngác: − Cơm bụi là sao? − Là quán cơm vỉa hè trong con hẻm nhỏ giá bình dân, nhưng đồ ăn cũng khá ngon. Đoan Thư giải thích: Thục Hiền vẫn do dự: − Không về ăn cơm, ngoại mắng chết. − Buổi tối ăn cơm nguội chút thôi. Ngoại đi đám giỗ cùng mẹ Thư tận Thủ Đức, chiều mát mới về. − Vậy thì được. Thục Hiền chậm rãi đạp xe theo Đoan Thư. Buổi trưa, con đường đầy nắng và học trò tan trường chạy xe thật đông trên đường. Chẳng bù cho ở quê Hiền, tan học đạp xe về muốn rã rời chân trên con đường đầy ổ gà, nước sình. Có hôm trời mưa đường trơn tuột, tụi Hiền té chồng đống lên nhau, vừa đau vừa dơ áo. Về mẹ cứ chắt lưỡi xót xa. Thục Hiền hoàn toàn ngạc nhiên, khi Thư dẫn Hiền đến một quán ăn toàn sinh viên. Cơm chỉ 3 ngàn đồng một dĩa, đủ cá hoặc sườn ram, thịt ram tôm hay trứng kho. Thêm chút dưa chua hay dưa leo, một chén canh nhỏ. Thục Hiền cười: − Chắc Thư vẫn ghé đây thường: − Thi thoảng thôi, vì Thư có nhỏ bạn thân trọ ở trong hẻm này. Lâu lâu Thư ghé rủ nó ăn cơm, chủ yếu là vui và cũng muốn bữa cơm của nó có chất dinh dưỡng một chút. Chiều qua nó về nhà, sáng chưa thấy lên. Nếu không, Thư dẫn Hiền đến giới thiệu. Thêm bạn ở thành phố chỉ tốt chứ không hại chi đâu. Thục Hiền gật đầu: − Hiền cũng nghĩ thế. − Vậy, đã kết bạn trong lớp chưa? Không nên sống khép kín quá Hiền ạ. Hiền quá dễ bị người ta lấn lướt và ăn hiếp. Thục Hiền cười cười: − Cả khoa Hiền học chỉ có hơn mười đứa con gái. Hiền hợp với ba nhỏ bạn đang ở trong ký túc xá trường đại học Bách khoa. Đoan Thư kêu lên: − Khu ấy nổi tiếng là phức tạp vì số lượng sinh viên quá đông. Nam nữ ở chung, chắc cũng phiền. − Mình chưa đến đó lần nào, chỉ nghe mấy đứa kể, phòng tụi nó ở tuốt lầu ba. Mỗi khi đi học về leo cầu thang đã muốn xỉu. Nhằm khi mất điện, phải xuống dưới xách nước mới phê. Vừa nói đến đó, Thục Hiền chợt ngưng ngang khi áo bị Đoan Thư giật mạnh. Ngẩng lên, cô nhận ra Huyền Phi đang ngồi trên chiếc Suzuki Viva màu đỏ, mặt kên kên nhìn về phía bàn của cô. Thục Hiền nói nhỏ: − Là bà Phi à? Bà ấy mà cũng có nhã hứng tìm đến những nơi này sao? Đoan Thư nhếch môi: − Thứ hợm hĩnh, khoe của ấy, làm gì dám ngồi vào những chiếc ghế này. Chờ xem. Đoan Thư thản nhiên cho muỗng cơm vào miệng nhai ngon lành. Huyền Phi lững thững đi tới, cao giọng: − Chào hai cô bé. Tan học không về nhà, trốn ba mẹ đi ăn hàng à? Đoan Thư cãi ngọt: − Ăn cơm chứ không phải ăn hàng. Còn chị, cơn gió nào thổi chị tới đây vậy. Huyền Phi nhếch môi: − Chỉ là muốn gặp em, Thư ạ. Đoan Thư nhướng mày: − Gặp em à? Sao không đến nhà, mà lại theo sau em chi vậy. Chị ăn cơm chưa? Huyền Phi nói: − Chị có chuyện muốn nói với em. Em ăn xong, chúng ta ra quán cà phê nói chuyện nhe. Đoan Thư vẻ suy nghĩ: − Em không thích vào quán. Ra bến Bạch Đằng uống nước dừa, thoải mái hơn. Thục Hiền đứng lên: − Thư đi với chị Phi, Hiền về trước. Đoan Thư kéo tay Hiền: − Về nhà giờ này vừa buồn vừa nóng. Đi cho biết Hiền ơi, chị Phi không phản đối chứ. Huyền Phi cau mày: − Chị muốn chuyện chúng ta chỉ hai người biết. Đoan Thư hất mặt: − Thục Hiền là người nhà của Thư, tụi em không có chuyện gì giấu nhau. Nếu chị không muốn em về. Thục Hiền vội nói: − Kìa Thư, chuyện riêng giữa hai người, Hiền không nên biết. Thư đừng ép chị ấy. Đoan Thư ngang ngang: − Đàn bà con gái với nhau, đâu phải chuyện tình yêu hay đồng tình luyến ái mà phải bí mật. Trước sau gì Hiền cũng được ta kể lại. Thà biết trước. Huyền Phi đành gật đầu: − Vậy cũng được. Đoan Thư gọi tính tiền, sau đó nhanh nhẹn dẫn chiếc mini của Thục Hiền đi vô trong hẻm. Huyền Phi ngơ ngác: − Thư đi đâu nữa. Đoan Thư đáp cộc: − Gởi xe! Một lát Thư quay ra chở Thục Hiền bằng chiếc Dream lùn của mình, gương mặt Thư hoàn toàn bình thản. Đến chỗ Thư chọn, Thục Hiền thản nhiên ngồi vào chiếc ghế, quay mặt ra sông. Cô thật sự quên hẳn hai người con gái cùng đi. Mắt Hiền đăm đăm nhìn vào những chiếc thuyền đủ loại đậu dưới sông. Đã lâu rồi, cô không được nhìn những chiếc thuyền lướt trên sóng nước. Đang thả hồn lơ lửng ngoài sông nước. Hiền chợt quay phắt vì nghe tiếng Huyền Phi rổn rảng: − Chị yêu anh ấy. Chị không thể sống thiếu Việt. Em không yêu Việt, hãy đừng trói buộc cuộc đời Việt bằng lời hứa của người lớn, được không? Đoan Thư hờ hững: − Tại sao chị lại đặt vấn đề với Thư? Sao chị không tìm anh Việt để hỏi? − Việt là người đàn ông chuẩn mực, có tư cách. Nếu gia đình em đã lên tiếng, anh ấy không thể từ chối vì ảnh đã chịu ơn gia đình em quá nhiều. Đoan Thư cười nhạt: − Thái độ anh Việt khi biết tin này thế nào? − Chị cũng chưa rõ lắm. Nhưng chị biết Việt rất yêu chị. Thư à, em không muốn Việt có được kết cục tốt đẹp hay sao? − Chị nói gì, em không hiểu? − Là ba chị muốn giúp Việt. Ảnh sẽ được du học do nhà trường đài thọ suốt ba năm. Hoặc sẽ về làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó là mở phòng mạch cho ảnh. Đoan Thư đủng đỉnh: − Tưởng chị có cao kiến gì. Hoá ra cũng những lý do bình thường, mà bất cứ gia đình khá giả nào cũng đều làm được. Em được biết nhà trường đặc cử Việt qua Pháp nghiên cứu về vấn đề máu để bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Như vậy, do nhờ khả năng học tập của anh ấy mà có. Chuyện mở phòng khám ngoài giờ, ba mẹ em đã mua mặt bằng cho ảnh, còn vận động trước việc cấp giấy phép hành nghề nữa kìa. Đoan Thư hút mạnh một hơi nước, cô nói tiếp: − Anh Việt rất dị ứng những việc ai xen vô cuộc đời ảnh. Nên tốt nhất chúng ta ngừng ở đây đi chị. Huyền Phi vớt vát: − Chị muốn em hãy nhường cho chị tình yêu Việt, em đồng ý đi Thư. Chị hứa sẽ tặng em quà xứng đáng. Đoan Thư khịt mũi: − Em có giá vậy sao? Một chuyến du lịch qua Nhật còn thích hơn chơi trò tình yêu đấy. Chị đừng lo, em không hề yêu Việt, nhưng cũng không tránh được nếu đã bị đặt để. Huyền Phi vội vã: − Em sẽ có chuyến du lịch nào mà em thích nhất, cả tiền tiêu xài nữa. Chỉ cần em kiên quyết chống đối lại sự sắp xếp của người lớn. Đoan Thư chót chét: − Đi du lịch em quả ham thật. Nhưng cãi lời cha mẹ, nhất là ngoại em hơi bị… khó đấy. Em không dám hứa trước. Huyền Phi đứng lên: − Chị chờ ở em câu trả lời chắc chắn. Suốt đời này chị yêu được một mình Việt thôi. Không lấy được ảnh, chị không cần sự sống nữa. Coi như chị đặt cuộc đời mình vào tay em. Dứt câu, Huyền Phi đặt tờ giấy một trăm ngàn lên bàn, rồi thong thả bước tới chỗ gởi xe. Nhìn theo bóng chiếc áo lẫn màu xe đỏ như lửa của Phi, hoà vào dòng xe cộ. Thục Hiền hất hàm: − Tại sao Thư phải nhường nhịn bà ấy chứ? Con gái gì không nên nết, con trai người ta không ưa còn quấn quít làm gì. Mà nè, chả lẽ từ trước giờ Thư không có chút ấn tượng gì về anh Việt hả? Đoan Thư hơi bối rối: − Bao năm nay, Thư chỉ coi anh Việt như anh Hai của Thư vậy. Anh Việt cũng dành hết tình thương cho Thư là tình cảm anh trai quí mến chiều chuộng em gái thôi. Càng học lên cao, tính anh Việt càng lạnh lùng khép kín, Thư không còn cách gì chọc thủng tảng băng ấy để hiểu anh được nhiều hơn. Thư chưa một lần phải e dè, giữ kẽ với Việt. Và tình cảm đó lâu dần thành thói quen như ta được ăn một món ngon gì đó mỗi ngày. Một ngày không nhìn thấy Việt, không chọc cho anh cười hay nổi giận là ngày đó Thư chẳng còn thấy vui vẻ nữa. Thục Hiền nheo mắt phán: − Như thế cũng là “nhớ nhớ rồi thương một buổi chiều…” đấy Thư ơi. − Không phải vậy đâu. Anh Việt yêu chị Phi thật đấy và Thư cũng nghĩ họ rất xứng đôi. Hiền bĩu môi: − Theo Hiền, lời chị ấy không đúng được hai trên 10 phần trăm xác suất. Nếu yêu Phi, anh Việt đã không năm lần mười lượt từ chối mọi lời mời của chị ấy. Bạn không nên tin người quá. − Vậy theo Hiền, Thư phải làm sao? Thục Hiền vung tay, vẻ hùng hồn: − Phải biết thử chính trái tim mình, xem nó có rung ở tần số cao nhất của tình người không? − Thôi được, Thư sẽ cố gắng nghe lời Thục Hiền. Bây giờ tụi mình về nha. Về tới nhà, cả hai chạy như bay lên phòng của mình. Vì cả hai đều thấy mệt và buồn ngủ kinh khủng. Nhưng Thục Hiền chưa kịp thả người xuống giường, thì tiếng Đoan Thư vang lên thật to: − Thục Hiền, anh Hai muốn nói chuyện với bạn. Thục Hiền ra cửa, sang phòng Thư ngó dáo dác: − Thư à, anh Nghĩa đâu? Chỉ máy điện thoại, Thư cười cười: − Đang đợi trong máy đó. Thục Hiền cầm máy, cô vừa a lô, đã nghe giọng anh Nghĩa trầm ấm: − Phải Thục Hiền không? − Có chuyện gì vậy anh Nghĩa? Nghĩa nói nhỏ như lời thì thầm: − Anh đã thu xếp được cho em một việc làm ở công ty. Em sẽ đi làm cho anh chứ? Thục Hiền dè dặt, nói dối thật ngọt: − Anh nói chậm mất rồi. Em đã nhận lời dạy kèm cho một đứa học trò lớp 9. Nghĩa kêu lên: − Em không đùa chứ Hiền? Thục Hiền nhỏ nhẹ: − Em không dám đùa đâu. Nếu biết anh lo việc cho em, chắc em đã không tự tìm việc. Bây giờ lỡ rồi, anh cho em xin lỗi. Nghĩa căn vặn: − Dạy kèm vất vả lắm. Nếu không may gặp phải dạng “ngu dốt” em có đem hết khả năng, nó cũng không thể khá được. Khi ấy tai tiếng của em sẽ không tốt. Em hiểu anh nói không Hiền. − Dạ, em hiểu. Nhưng em muốn thử một lần cho biết. Em đã hứa với người ta, bây giờ bỏ ngang em càng bị đánh giá thấp hơn nữa. Nghĩa hỏi thẳng: − Họ trả được ba trăm ngàn một tháng không? Thục Hiền cười cười: − Chính thức là năm trăm ngàn. Nếu trò học tốt, cô giáo sẽ được hậu tạ sau. Chỉ một đứa, lương đã nhiều vậy, nên em không muốn bỏ. Nghĩa thở dài: − Thôi thì đành thua em vậy. Nhưng anh dặn, nếu gặp khó khăn gì phải nói cho anh biết nghe chưa. Thục Hiền ngáp và nói: − Em nhớ. Nghĩa bật cười: − Em đang ngủ giở giấc phải không, vậy thì anh không làm phiền nhỏ nữa. Chào em. Thục Hiền gác máy, cô nói ngay khi thấy ánh mắt to đen của Đoan Thư nhìn cô tò mò: − Anh Hai Thư muốn Hiền đi làm ở công ty của ảnh. − Và bạn đã từ chối. − Ừ! Ngày mai Hiền bắt đầu đi dạy rồi. Nên không muốn anh Hai phải mất thời gian vì mình. Đoan Thư gật đầu: − Hiền từ chối là đúng. Dẫu anh Hai có là tổng giám đốc thật, cũng không thể xếp cho bạn công việc chính thức ở bàn giấy. Bởi bạn làm có vài tiếng, làm tay sai cho các phòng sai vặt, cực lắm. Thế học trò Hiền dạy xa hay gần nhà. Thục Hiền cười nhẹ: − Là học trò của Thanh Xuân, gần trường thằng nhỏ nghe nói quậy tưng bừng nên Thanh Xuân ngán. Đoan Thư hét lên: − Ôi trời! Một công tử nhà giàu, được nuông chiều, sanh tật, ham ăn chơi quậy phá hơn ham học. Loại học trò đó, dạy sao nổi hả Hiền. − Mình sẽ cố gắng. Người ta nói ngựa chứng là ngựa có tài. Hơn nữa, lương cao nên mình nhất định dạy. − Vậy thì mình không dám cản rào bạn nữa. Chỉ mong bạn thành công. Thôi nằm đây ngủ luôn cho vui. Không đợi Thư nói đến câu thứ hai, Thục Hiền đã nhảy tót lên giường, chỉ một lát cô đã ngủ ngon lành. Giấc ngủ trưa muộn màng nhưng không thể thiếu đối với tuổi đang lớn như Thư và Hiền.Thanh Xuân dừng xe trước một căn biệt thự cao tầng, có giàn hoa ti gôn màu tím nở cả phía trên cổng. Thục Hiền chợt nhận xét: − Một căn biệt thự đẹp, một chiếc cổng đẹp lẽ ra không nên trồng loại bông có màu tím buồn này. Chẳng biết bên trong, cuộc sống của họ buồn hay vui. Thanh Xuân cười cười: − Chờ chút, biết liền à. Cô nhấn chuông, chờ đợi. Vài phút sau, cánh cổng được kéo ra nặng nề, một khuôn mặt phụ nữ khó đăm đăm nhìn xoáy vào hai cô gái. Thanh Xuân tươi cười: − Cháu đến dạy học cho Tiến Trọng, cậu ấy dậy chưa dì? Khuôn mặt chẳng hề thay đổi, ậm ừ: − Hình như dậy rồi. Mời hai cô vào. Thanh Xuân mồm mép: − Nhỏ này là bạn cháu. Có thể sẽ thay cháu dạy Tiến Trọng. Hai người làm quen nhau đi. Thục Hiền cuối đầu chào một cách lễ phép. Dù cô đoán người này chỉ giúp việc nhà. Chứ là chủ, bà ta đâu ăn mặc tầm thường như vậy. Theo chân Thanh Xuân vào phòng khách và ngồi chờ. Phải tới mười lăm phút, bà chủ mới đủng đỉnh từ trên lầu đi xuống. Vẻ mặt phúc hậu và thuộc dạng phụ nữ có học thức. Ngoài sợi dây chuyền đeo cổ bằng ngọc. Bà ta không mang theo chút nữ trang nào khác trên người. Bề ngoài ấy, thoạt đầu đã giúp Thục Hiền thấy dễ chịu và thoải mái. Thanh Xuân gợi chuyện trước: − Hôm nay chị không bận công chuyện à? Người thiếu phụ vui vẻ: − Công việc làm chẳng lúc nào hết việc. Nhưng tôi đã hẹn với cô giáo, phải đúng hẹn chứ. Hai cô uống nước đi và nói tôi nghe, cô giáo gặp tôi về việc gì? Thanh Xuân liếm môi: − Nhỏ bạn em tên Thục Hiền, sinh viên y khoa có chứng chỉ học lực loại ưu tú. Hiện tại nhỏ ấy rất khó khăn, em muốn nhờ chị giúp Hiền có thêm việc làm, được không chị Phượng. Người phụ nữ tên Phượng, vẻ ngạc nhiên: − Em muốn chị giúp việc gì? Chị kinh doanh hàng điện tử, bận suốt ngày, không có dự kiến nhận người làm thêm vài giờ mỗi ngày. Tụi em là sinh viên, thời gian chỉ rảnh từng buổi. Thanh Xuân dè dặt: − Em được người quen giới thiệu phụ bán hàng cho siêu thị, nên muốn chị để Thục Hiền thay em dạy Tiến Trọng. Chị Phượng trầm giọng: − Phải có việc mới không, hay tại thằng nhỏ nhà chị quậy quá. Nên em ngán? Thanh Xuân thật thà: − Quả là em không đủ kiên nhẫn nữa chị ạ. − Vậy còn em? Thục Hiền à, em nghĩ sao mà dám nhận kèm con chị. Chắc em đã nghe cô Xuân nói về nó? Thục Hiền từ tốn: − Ngày còn ở quê, em vẫn phụ mẹ em dạy kèm những học sinh cá biệt. Em không tin những đứa trẻ đều khó dạy và học dốt. Phải do một nguyên nhân nào đó, nếu chịu tìm hiểu, việc kèm dạy mấy đứa trẻ có cá tính sẽ dễ dàng. Chị Phượng ngạc nhiên: − Thì ra em là con nhà giáo, hèn gì tư cách của em cũng khác người mà sao, không đi theo nghề của mẹ? Thục Hiền cười nhẹ: − Mẹ em muốn em học y khoa, sau này đem kiến thức cứu giúp người nghèo, gặp bệnh nguy nan, không tiền. Bản thân mẹ em là bằng chứng sống về bệnh tật chị ạ. Chị Phượng gật đầu: − Nếu vậy, em cứ thử xem sao. Thật ra Tiến Trọng mới học sút một năm trở lại đây. tính nó cũng lầm lì, ít nói hơn hồi trước. Mấy năm trước nó học và hoà đồng với bạn bè. Bây giờ chị thật bất lực. Thục Hiền bình thản: − Chị để em gặp cháu xem sao. Chị Phượng nói: − Phiền Xuân dẫn bạn em lên phòng học giới thiệu cho cô trò quen nhau giùm chị. Có gì, tối mai em ghé, chị thanh toán tiền cho em. Bây giờ chị phải đi. Quay qua Thục Hiền, chị trầm hẳn: − Hy vọng em cảm hoá được thằng bé. Nó học yếu toán nhất. Anh văn đọc cũng lộn xì ngầu cả. Chị Phượng đi một lúc, Thanh Xuân mới dẫn Thục Hiền lên lầu ba. Đến căn phòng nơi hành lang bên trái, Xuân đưa tay gõ ba tiếng thật mạnh. Giọng một cậu bé ngang ngang cất lên: − Hôm nay, em không muốn học bài. Cô về đi. Thanh Xuân nhẹ giọng: − Trọng à, em sao vậy? Chị nhớ bài vở ngày mai của em nhiều lắm mà. Em phải học chứ. Thằng nhỏ hét dấm dẳng: − Học làm cái quái gì. Suốt ngày chỉ biết hối thúc học, rồi cho ăn, cho mặc. Cái người ta cần thì không bao giờ có. Tôi không học đâu. Tôi sẽ đi bụi đấy. Thanh Xuân kêu lên: − Ba mẹ em lo lắng cho con đầy đủ, em sống sung sướng hơn cả chị nhiều, tại sao lại phải bỏ học chứ. Cánh cửa bật mở ra thật mạnh, khiến Thục Hiền té bật xuống đất, bởi cô không ngờ Trọng lại đẩy cửa một cách hung hãn. Thanh Xuân hết hồn: − Thục Hiền mày có sao không? Đưa tay xoa vầng trán đã nổi một cục u bầm tím. Thục Hiền méo xẹo: − Tao không sao. Tiến Trọng bối rối: − Chị là ai? Sao lại đứng ở trước cửa phòng tôi. Tôi không cố ý đâu. Thục Hiền đứng dậy, cố gượng cười: − Chị không sao thật mà. Chị được chị Xuân dẫn đến đây, để nhận em làm học trò, không ngờ buổi ra mắt nhận đệ tử có ấn tượng mạnh quá. Tiến Trọng sầm mặt: − Lại thay người dạy à? Tôi đã nói, không ai dạy được tôi đâu. Trừ khi họ biết nhìn nhận lại. Chị đừng tốn công vô ích nữa. Hãy về đi. Thục Hiền lì mặt: − Chưa thử làm sao biết khả năng của học trò. Thêm nữa, chị đang rất đói nếu trở về, chị sẽ chết đói mất. Tiến Trọng lăm le: − Tôi không tin đó là lý do khiến chị đến đây. Tôi không học, đố chị dạy cho tốt. Thanh Xuân kéo tay Hiền: − Hay thôi, tụi mình về đi. Tìm một việc gì đó cũng được. Còn chân tay lo gì chết đói chứ. Thục Hiền lắc đầu: − Tao đã hứa với mẹ Tiến Trọng. Tao phải làm cho được. Tiến Trọng giận dữ: − Mẹ tôi ngoài tiền ra, bà ấy không biết quan tâm đến ai đâu. Tôi dốt hay giỏi cũng không làm bà ấy bận tâm. Chị không cần phải sợ. Thục Hiền dịu dàng: − Trọng à, em nói vậy là chưa hiểu mẹ em rồi. Nếu không lo lắng cho em, mẹ em đã không tìm thầy về kèm cặp cho em. Mẹ em còn tha thiết mong em học giỏi nữa kìa. − Chị không biết gì cả. Chị đã lầm vẻ hiền hậu bề ngoài của mẹ tôi. Còn ba tôi nữa khủng khiếp hơn nhiều. Chị Xuân dạy tôi cả tháng, đã lần nào gặp ba tôi không? Suốt ngày tôi sống trong cô đơn mà không biết chia sẻ với ai. Tôi học để làm gì chứ. Thục Hiền đặt tay lên vai Trọng, giọng cô trầm ấm: − Em phải học, để cuộc đời của em ngay sau không thua kém ai cả. Còn tất cả mọi chuyện, nghe lời chị, em dẹp hết đi. Chị biết em đang cố gắng tạo cho mình lớp vỏ bọc cứng rắn, xấc xược, hỗn hào để mọi người xa lánh em. Thật ra em là cậu bé cần được san sẻ, chở che đó Trọng. Tiến Trọng lừ đừ: − Cám ơn chị đã cho tôi lời khuyên. Tôi hứa sẽ nghĩ lại. Bây giờ tôi rất muốn ra ngoài, nhưng không thể rủ bạn bè. Hai chị đi với tôi chứ. Thanh Xuân kêu lên: − Không được đâu. Ngày mai em có tới hai giờ toán, hai giờ Anh văn. Nhất định từ chiều giờ em chưa làm bài mà. Tiến Trọng cáu kỉnh: − Học hay không một buổi cũng đâu có sao, thầy cô đều đoán trước điểm học dành cho tôi khi gọi lên khảo bài. Riết quen rồi. Thục Hiền can thiệp: − Thế này nha Trọng. Chúng ta sẽ cùng nhau học và làm bài trong 1 giờ. Sau đó nếu em thuộc Anh văn, chị hứa sẽ dẫn em đi ăn kem. Vậy nha. Tiến Trọng ngẫm nghĩ một chút rồi làu bàu: − Đến lúc đó đã 9 giờ tối. Liệu chị có gạt tôi không? Thục Hiền bật cười: − Gì mà tới 9 giờ tối lận. Cơm tối chị còn chưa ăn đó nhóc. Thôi, vô bàn học để chị kiểm tra thử coi. Trọng kèo nài: − Chị nhớ giữ lời đấy nha. Đừng ăn kem mà đi ăn phở. Tôi thích ăn phở lắm. Nhưng lâu rồi, chẳng ai cho tôi ăn cả. Thục Hiền gật đầu: − Yên tâm đi nhóc, chị hứa mà. Thanh Xuân buột miệng: − Coi chừng mắc kẹt đó Hiền. Tiền khô cháy túi, mà hứa dẫn học trò đi ăn phở. Thục Hiền chìa tay: − Cùng lắm, cho cái này đi ở. Tiến Trọng chậm rãi: − Hai chị không có tiền phải không? Đừng lo, em hiểu hoàn cảnh hai chị mà. Chỉ cần các chị đi chung với em. Thì mười tô phở em cũng trả tiền. Thục Hiền kêu nhỏ: − Em không được làm quấy nha Trọng. Chị hứa sẽ bao em ăn, chị giữ lời. Trọng khít mũi: − Ăn tô phở, chị mất oan chiếc đồng hồ. Em ăn trôi sao? Em không thèm lấy trộm tiền của ba mẹ đâu. Mỗi ngày mẹ em cho em một tờ năm chục. Em chẳng biết làm gì cho hết. Nên còn cả xấp trong học tủ nè. Cậu nhóc miệng nói, tay lôi trong hộc bàn học ra một cọc tiền, xếp lộn xộn những từ năm chục ngàn lẫn tờ hai chục ngàn, mười ngàn. Dễ chừng phải vài trăm ngàn. Thục Hiền nhìn Trọng: − Em không nói dối chị chứ? − Em chưa hư đến mức đó đâu. Chỉ chán ghét ba mẹ nên không thích học thôi. Nếu em nghe tụi bạn, em đã theo tụi nó đi đua xe, hay tập nhảy lâu rồi. Trọng bỗng thú nhận một cách thật thà. Hai cô gái lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Trong đầu họ, lờ mờ đoán ra tâm trạng cậu bé đang tuổi lớn khôn này. Hình như chính ba mẹ cậu bé đã làm điều gì đó tổn thương trầm trọng tới tình cảm của Trọng. Nên nó muốn nổi loạn. Thục Hiền chậm rãi kéo Tiến Trọng đến ngồi vào bàn, rồi kêu nó mở sách ra. Buổi đầu, coi như cô đã thành công, nếu nguyên nhân chính từ người lớn. Cô nhất định sẽ kèm cặp cho Tiến Trọng quay trở lại với bản chất vui vẻ, hồn nhiên ngày xưa. Cô tin rằng mình nhất định làm được.Khi Thục Hiền dắt xe vào đến sân, cô ngỡ ngàng khi thấy Việt đang đi tới đi lui trong khoảnh sân nhỏ, vẻ bồn chồn lo lắng. Thấy Hiền Việt đi đến bên cô giọng thật nhỏ: − Em về rồi à? Thục Hiền cười cười: − Anh có vẻ như đang chờ ai đó? Phải chị Phi không? Việt vẻ thản nhiên: − Huyền Phi có cả trăm người lo lắng cho cô ấy. Tôi không là gì đâu. Tôi đợi Hiền. Thục Hiền ngơ ngác: − Đợi Hiền? Có chuyện gì hệ trọng sao? Việt rắn giọng: − Nghe Đoan Thư nói, em đi dạy thêm buổi tối. Tôi muốn biết thật hư. Thục Hiền thận trọng: − Hiền muốn tìm việc làm thêm. Chả lẽ không được sao? − Nhưng sao phải thế? Không đủ tiền để đáp ứng nhu cầu học hay sinh hoạt cá nhân à? Hai bác sẵn sàng lo lắng cho em kia mà. Thục Hiền tỏ vẻ bất mãn: − Vấn đề không đơn giản là thiếu hay đủ trong cuộc sống. Điều đáng nói là Hiền muốn tìm cho mình công việc, tự làm ra đồng tiền để khi sa cơ lỡ bước còn biết cách học hỏi, bon chen. Ai biết trước ngày mai của mình tốt, xấu. Chuyện tôi làm, tôi biết cách xử sự. Nếu chỉ chờ tôi để hỏi những lời như thế. Thì cám ơn anh đã quan tâm. Tôi về phòng đây. việt giơ tay: − Tôi còn nhiều chuyện muốn nói với em. Dẫu sao thì ngày mai cũng là chủ nhật, về phòng nhất định em sẽ trăn trở mãi. Thục Hiền rối cả ruột. Cô chưa yêu và cũng chưa có bạn trai để chia sẻ những tâm sự riêng tư. Nhưng cô tin vào linh cảm của mình. Nhất là đôi mắt cứ lung linh đầy cuốn hút của Việt. Nếu nói chuyện với anh giờ này, biết đâu Đoan Thư sẽ hiểu lầm cô. Thì quả thật tai hại. Dù chưa nghe ai chính thức thông báo, cô cũng đã biết những gì ông bà Tín muốn dành cho Việt và Thư. Đã biết thì đừng dại dột lao thân vào làm vật cản đường. Việt lại nói, lời nói nghe thật ngọt ngào và đằm thắm: − Ngoài Đoan Thư, tôi rất muốn được chia sẻ những tâm sự của tôi với em. Thục Hiền lắc đầu: − Tôi lại rất sợ mọi rắc rối, phiền phức sẽ xảy ra. Dầu sao, tôi cũng phận ăn gởi ở nhờ, nếu bị đuổi ra đường lúc này tôi không biết cuộc đời sẽ ra sao nữa. Vì vậy, anh chẳng nên gặp riêng tôi kẻo Đoan Thư buồn. Việt thản nhiên: − Đoan Thư luôn biết phân biệt phải trái. Em đừng quá giữ kẽ. Thục Hiền nhếch môi: − Nhiều khi kiểu đó cũng là sự cố thủ tốt nhất cho riêng mình. − Nhưng tôi muốn mỗi ngày mỗi nói chuyện với em. − Ngoài việc học tập ở trường ra, chúng ta không còn gì để trao đổi nữa. − Trái tim con người được đúc bằng máu đỏ, nên luôn có cảm nhận tình cảm yêu thương chính xác. Tôi muốn được là bạn của em mãi mãi. Tự nhiên Thục Hiền đứng lùi lại, mắt nhìn lên cửa sổ có rèm đăng ten hồng của Đoan Thư. Điện vẫn sáng, nhưng cửa không mở. Vì Thư chúa sợ ma, giờ học bài khuya luôn đóng kín cửa. Thục Hiền hờ hững: − Tôi lại không muốn làm đau trái tim của Đoan Thư. So với nó và Huyền Phi, tôi chỉ là con bé lọ lem đầy bùn đất đâu đáng để anh lo lắng chứ. Nếu không nói là anh đang muốn có tất cả mọi cô gái trong tay. Việt khựng người: − Em đánh giá tôi tầm thường vậy à? Với tôi, ngay buổi đầu gặp em, tôi đã hiểu nửa cuộc đời còn lại của tôi cần ai, và Huyền Phi hay Đoan Thư đều không thể so sánh với em. Thục Hiền hoang mang vô cùng. Cô không phải không có lúc nghĩ tới anh. Nhưng khi biết anh đã có nơi chờ đón. Thì cô tự dặn lòng mình phải dửng dưng, phải coi anh như người anh thật sự. Trời ạ, vậy mà cô cũng không trốn được ánh mắt đăm đắm si mê của anh khi nhìn cô, gọi tên cô. Thục Hiền nhắm mắt, cô nhớ Đoan Thư vui vẻ mua cho cô từng bộ đồ, từng món lặt vặt nhỏ, Đoan Thư đã cười thật hồn nhiên, khi đặt gói Diana lên bàn: − Bánh cho bạn, mỗi khi tới “cử” thèm ngọt, sợ “chua” đấy. Đoan Thư luôn lo lắng, chăm sóc cô thật kỹ. Có lý nào cô lại nhỏ nhen tệ hại đến mức cầm dao khứa nát trái tim Thư sao đành! Cô từng nghe Hạnh Thuỳ nói chuyện với Đoan Thư, cô bé ấy nói về tình yêu “ngọt” như người dạn dày kinh nghiệm tình trường: Trong đời người cái đáng khinh nhất là kẻ phá hoại tình yêu hạnh phúc của bạn. Sống trong sạch thuần khiết, để không bao giờ làm kẻ thứ ba xen giữa tình yêu người ta vừa xấu xa, đê tiện. Vừa đáng khinh tởm vô cùng. Chả lẽ đã nghe, đã đọc quá nhiều tiểu thuyết, Thục Hiền lại còn ngu ngốc vướng chân vào để bị khinh ghét hay sao? Việt đâu đã là duy nhất. Cô có quyền tự do yêu thương, nhưng không thể là thứ tình yêu cướp đoạt tranh giành. Thục Hiền thở dài: − Những gì anh nói, tôi xin đa tạ tấm chân tình của anh. Tôi nhắc lại, anh nghe cho rõ: Nếu sau này trái tim tôi rung động, thì người đàn ông tôi yêu thương cũng vĩnh viễn không thể là anh. Dứt lời cô đi như chạy vào nhà. Quên cả chiếc mini ngã chổng trơ giữa lối đi trải đầy sỏi trắng. Ngang qua phòng Đoan Thư, cô thấy cửa phòng nhỏ không đóng, bèn khẽ đẩy ra. Đoan Thư hết hồn, suýt hét toáng lên. Thục Hiền bước vào, ngáp dài: − Ngày mai chủ nhật, sao hôm nay siêng đột xuất vậy. Phải nhỏ có tâm sự không? Đoan Thư cắn môi: − Làm người ta sợ chết khiếp. Nói đi, buổi đầu tiên thế nào? Thục Hiền mở tủ lạnh, lôi ra gói mì, bóc giấy, bẻ mì cho vô miệng vừa nhai vừa đủng đỉnh: − Nói chung là ổn cả. Ngựa bất kham đâu phải là ngựa dở. Tại người giữ nài ngựa yếu đó thôi. − Vậy thì chúc mừng Hiền. Sao về trễ quá vậy. Ta lo quá à. Thục Hiền tủm tỉm: − Tại đệ tử muốn làm lễ ra mắt sư phụ nên mời ta đi ăn phở, rồi lang thang ngoài phố mãi. Nếu chưa khuya chắc thằng nhóc còn chưa chịu về đâu. Quả là giàu sang chưa hẳn sung sướng hả Thư? Đoan Thư triết lý: − Có lẽ mày nói đúng. Phần đông con cái giàu đều hay quậy phá. Bởi họ bị cha mẹ, sau khi cho đầy đủ tiền bạc, vật chất là bị bỏ rơi ngay. Sống đủ cơm thịt để huề, vẫn thấy “đói” tình mẫu tử. Thục Hiền chợt hỏi: − Thư và anh Việt tới đâu rồi? − Tới đây là sao? − Là hai người đã “tình cảm” riêng tư chưa ấy. Đoan Thư đỏ mặt: − Chưa có gì cả. Nhưng tự nhiên tao mất hết bản lãnh khi đối diện Việt. Ngày trước tao chưa gặp kiểu khó xử như vậy. − Nghĩa là trái tim mày thật sự có vấn đề rồi đó. − Vấn đề con khỉ mốc. Thà cứ bình thường đỡ nghẹt thở hơn. Thục Hiền cười cười: − Chỉ là tình yêu thôi, có gì mày phải quýnh lên thế. Đoan Thư hất cằm: − Nói thì hay lắm. Chỉ sợ trái tim mày vẫn là con số không duy nhất. − Đúng là tao chưa yêu ai cả. Điều ấy không có nghĩa là tao sẽ không yêu ai. Đời người cũng nên một lần nếm trải hương vị ái tình cho biết. Đoan Thư dài giọng: − Biết cái mốc khô gì vậy hả? − Tất nhiên là hương vị ngọt ngào đắm say đến mức quên trời đất của hai người yêu nhau. “Ở khung cửa sổ, có hai người yêu nhau” ấy hiểu chưa? Thục Hiền tỉnh bơ nói. Đoan Thư cười cười: − Khi yêu rồi, lại sợ tình đơn phương như bà Phi vậy. Thà không biết chứ đã quen thân, bây giờ hắt Phi khỏi vòng tay Việt tao thấy hơi ác. Hèn chi vì hận, vì quá yêu Việt, Phi dám làm mọi chuyện không cần hậu quả. Thục Hiền ngáp dài: − Tao đói quá. Nhưng lại buồn ngủ hơn. Tao qua phòng của tao nha. Đoan Thư dịu giọng: − Mày nhịn mà ngủ, sẽ bị chết xỉu đấy. Ngốc ạ, dưới phòng ăn còn cả mâm cơm phần mày thật ngon. Nghe Thư quảng cáo, nước miếng cứ ứa ra chân răng Thục Hiền liên tục. Nhưng nhớ đến Việt có lẽ còn ở dưới. Cô lại chép miệng, quay vào phòng của mình. Đoan Thư càu nhàu: − Nhịn đói ngủ thiệt hả Hiền? Thục Hiền thong thả: − Cũng không đến nỗi đói quá. Tại tao ăn uống kiểu “lịch sự” “thanh cảnh” nên chỉ ăn có nửa tô phở, phải nói phở ngon tuyệt, nhưng tao không dám ăn hết! Chúc đêm nay nhỏ ngủ với một giấc mơ đẹp nhất. Có Việt làm điểm tựa cho cuộc đời mày mãi có tình yêu. Chào! Thuận tay, cô đóng luôn giùm Đoan Thư cánh cửa. Trở về phòng mình, cô định leo đại lên giường ngủ luôn. Chợt nhớ, buổi chiều đi vội chưa tắm, thêm bộ đồ Jean chật chội khó thở làm sao. Thục Hiền đành đi nhanh vào phòng tắm. Những giọt nước vô tình làm mát thân thể cô và khiến cô hết mệt mỏi, buồn ngủ. Thật chán! Đêm sẽ dài kê thê nếu đôi mắt không chịu nhắm lại. Phải đếm từ một đến một trăm rồi ngược lại. Cho đến khi nào buồn ngủ mới thôi. Nghĩ là làm, Hiền đếm đến tận khi mỏi miệng, cô mới thấy người nhẹ bẫng đi vào giấc ngủ đêm muộn màng.Bác Tín đã ghi danh để Hiền học vi tính chung với Đoan Thư. Môn học này hồi ở quê, Hiền luôn khao khát được ngồi trước màn hình gõ phím máy. Vậy mà khi nghe bác Tín nói. Chả hiểu sao Hiền không thấy hào hứng nữa. Nghĩa ngạc nhiên hỏi: − Em không thích học môn này hả Hiền? Thục Hiền bối rối: − Thích chứ. Nhưng em tiếp thu chậm lắm, học thua người ta kỳ lắm, nên em không muốn học. Nghĩa từ tốn: − Thời buổi này, em có bằng kỹ sư, bác sĩ mà không có bằng vi tính cũng như không? Học toán siêu cỡ em thì học vi tính đâu si nhê gì. Thục Hiền nói nhỏ: − Thật ra, thời khoá biểu buổi tối của em kín cả rồi. Nghĩa sốt sắng: − Nếu vậy, anh sẽ tìm lớp học ca chiều cho em. Dạo này, em lo dạy cho người ta đến mức gầy rạc cả người, em không tiếc bản thân mình à? Thục Hiền đính chính: − Chỉ là một thằng nhóc 15 tuổi. Nó đã thật sự ham học. Vì lời hứa với mẹ nó nên em cố gắng một chút thôi. Nghĩa thở ra: − Nếu cô Trang biết việc em đi dạy kiếm tiền, không biết cô có yên tâm không nữa hay lại ốm đau vì lo lắng cho em… Thục Hiền kêu lên: − Hiền không nói. Cả nhà anh không nói, làm sao mẹ Hiền biết chứ. Hiền chỉ muốn làm ra tiền để gởi về lo cho mẹ. Càng nhiều càng tốt. Chứ thật ra em đâu phải không được hai bác cho tiền. Nghĩa ngỡ ngàng: − Máy tháng nay em gởi tiền về cho cô Trang à? Rồi cô không hỏi vì sao em có tiền hả? Thục Hiền chậm rãi: − Mẹ em không hề nghi ngờ mới đúng. Vì em nói tiền của hai bác và anh cho mỗi tháng cả triệu đồng tiêu vặt. Mẹ em vẫn biết em không xài hoang nên dành gởi về cho mẹ thôi. Thêm nữa, mẹ Hiền nghĩ gia đình anh giàu, muốn giúp mẹ em nên mẹ em không tra hỏi gì cả. Nghĩa vẫn nói: − Hay hết tháng này, em xin nghỉ dạy đi. Con gái đi đêm hôm hoài không tốt. Anh sẽ dành cho em đứng bán hàng theo giờ ở trung tâm thương mại của một người bạn thân được không? − Chả cần phiền người ta anh ạ. Em quen rồi và thằng nhóc đã tỏ ra chịu học với em thôi. Em muốn giúp nó thi tốt nghiệp tốt và lên được trung học phổ thông. Nghĩa nhún vai: − Xoay qua xở lại, rốt cuộc em vẫn khư khư bảo vệ ý kiến mình. Thoạt nhìn em, đố ai tin em lại bướng bỉnh gai góc thế. Bởi dáng của em đối nghịch hoàn toàn tính cách em. Thục Hiền cũng cười: − Tại mẹ em dạy: ra đường phải tuỳ cơ ứng biến. Đừng quá tin vào tất cả những lời lẽ ngọt ngào của người đời. Em đành phải dùng bộ mặt ngầu đời một chút để giấu sự yếu đuối mà thôi. Đã bị sinh ra làm thân con gái, có ai không thích mít ướt, mè nheo để được dỗ dành chiều chuộng chứ. Nghĩa chợt chuyển tông: − Dạo này ở trường, em còn thấy Huyền Phi đeo bám Việt không? Thục Hiền lắc nhẹ: − Thật ra, em học khác khoá anh Việt, lại suốt ngày ở phòng thí nghiệm hoặc thư viện nhà trường. Em rất ít gặp, nên cũng không rõ lắm. Nghĩa nói tuốt luốt: − Chuyện Việt thích em, em biết không? Tim Thục Hiền chợt đập loạn cả lên như gióng trống. Chưa gì cô đã sợ hãi đến thế sao? Phải bình tĩnh để Nghĩa không còn cách tò mò. Thục Hiền nhướng mắt: − Anh phát biểu lung tung gì vậy? Lỡ Đoan Thư nghe được lại khổ thân em. Nghĩa lừ đừ: − Nó nghe được, cũng phải chấp nhận thôi. Vì con tim Việt đâu dành cho Đoan Thư mà ghen mà giận. − Em xin anh mà anh Hai. Đừng nói xàm nữa kẻo em lãnh tội bất nghĩa, suốt đời không rửa sạch đấy. Giọng Thục Hiền nghèn nghẹn: Nghĩa vẫn chát chúa: − Em không phải lo xa như vậy. Vì ba mẹ đang tìm cách trả lại chỗ đứng của em trong gia đình. Sau này em sẽ là Đoan Thư hôm nay. Thục Hiền hoang mang: − Anh nói nhảm nữa rồi. Em không nghe đâu. Dứt câu, cô lách qua người Nghĩa, định trở ra sân. Nghĩa chụp vai cô kéo lại: − Những gì anh vừa nói không hề dối trá. Sắp tới em sẽ hiểu, sẽ phải chấp nhận Việt thôi. Trời ạ, ông anh Hai này đúng là bị “chạm” dây thật rồi. Cô nghe có mùi rượu qua từng câu nói của Nghĩa. Người ta bảo khi người say nói thì những lời nói của họ hoàn toàn chân thật. Như Nghĩa bây giờ, sự thật được bao nhiêu phầm trăm? Chính trong lúc Nghĩa nói chuyện với Thục Hiền trên ban công lầu ba. Thì Đoan Thư đang run rẩy áp tai sát cửa phòng bà Ngoại để nghe câu chuyện giữa mẹ và ngoại đang rì rầm. Tiếng bà Tín rành rẽ: − Con đã tìm tới trạm xá phụ sản ở huyện hỏi thăm người y sĩ già nhất, xem bà ta có biết những gì xảy ra cách đây 18 năm vào đêm mưa gió, bão lụt ấy không… Bà Ngạn cướp lời: − Rồi họ bảo sao? − Bà ấy chính là người đã đỡ ca sanh cho con đêm đó. Vì yếu, sanh xong con bị làm băng như mẹ biết, mọi người quýnh quáng lo cấp cứu cho con mà quên mất đứa bé vừa sanh. Sau đó là cơn bão đột ngột tràn về vùng quê của mình. Mưa gió ào ào trút xuống mặt đất, khiến mọi người sợ hãi tìm đường thoát khỏi khu vực trạm xá nằm giữa khu đất trũng. Trong lúc láo nháo ấy một người phụ nữ đã bế nhầm con của con. Để lại đứa con của bạn chị ta sanh trước con hai tiếng đồng hồ. Sau trận bão kéo dài cả tuần lễ ấy. Người phụ nữ kia đã phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại trên. Bởi chị ấy đủ thời gian quan sát bé gái nhỏ. Con bé vừa lọt lòng mẹ đã có chiếc bớt đỏ như son ở giữa cột sống lưng. Con bé chị ấy bồng đã không có bớt trên mình. Nhận ra sự nhầm lẫn tai hại, chị ấy đã quay trở về trạm xá tìm hỏi. Thì bên nhà chồng con đã chuyển gia đình vào Nam theo lệnh công tác. Dẫu ngậm ngùi trăn trở, chị ấy cũng đủ thông minh để không nói ra sự thật với người sản phụ trên. Tai Đoan Thư như ù đi. Trời ơi, có lẽ nào đó là sự thật. Một sự thật mà cô không ngờ được, không mong nó sẽ tới cho mình. Lặng lẽ, đau đớn, Đoan Thư ôm đầu trở về căn phòng của mình. Cả ngày hôm sau, Đoan Thư nằm nhốt mình trong phòng, mặc cho mọi người lo lắng, động viên. Cô không mở cả cửa để bà Hằng vào, mọi người đành chờ đợi sự phản ứng của cô. Hạnh Thuỳ đến theo lời gọi của Thục Hiền. Thuỳ gõ mạnh tay lên cánh cửa, miệng la nhỏ: − Đoan Thư, giờ này còn ngủ hay sao? Con gái gì hư thế? Chỉ là câu gọi vô tình cũng khiến Đoan Thư muốn khóc. Con gái không gia đình, không cội nguồn như cô, dám mè nheo, dám hư hỏng ư? Lặng im nhìn những con thằn lằn chắt lưỡi cắn nhau. Cô không biết mình vui hay buồn nữa. Tiếng gõ cửa lại chát chúa hơn: − Thư à, dậy mở cửa cho tao coi. Nếu không tao về, mày có chạy theo năn nỉ tao cũng ứ thèm chơi nữa đâu. Câu hăm he này vẫn còn hiệu quả với Thư. Dù sao, cũng không nên dại khờ tự tay cắt đứt tình bạn. Sống được và muốn tồn tại, nhất định phải có tình bạn. Chậm chạp, Thư đi về phía cửa, và rút chốt. Hạnh Thuỳ ào vào như cơn lốc. Nó vô cùng sửng sốt khi thấy dung nhan người đẹp Đoan Thư “tàn tạ, tơi tả như lá mùa thu”. Hạnh Thuỳ xót xa: − Chuyện gì đã xảy ra hả Thư? Tao chưa hề thấy mày khóc đến mức sưng húp mắt thế này. Đoan Thư khịt mũi: − Có chuyện gì đâu. Tại tao không được khoẻ, đầu đau khó chịu. Mỗi khi đau là nước mắt chảy ra. Cô nói dối trơn tru: Hạnh Thuỳ nheo mắt: − Mày nói dối ai thì được, chứ tao không dễ tin lời mày đâu. Đoan Thư lầu bầu: − Tin hay không kệ mày. − Tao nghe mẹ mày bảo, cả ngày mày không chịu ăn cơm. Chuyện lạ vô cùng, đối với một con nhỏ láo ăn, láo đói như mày, đúng không? Thì ra mẹ vẫn còn yêu thương và lo lắng cho cô. Tại sao cô phải tự đầy đoạ mình nhỉ. Thật ra, chính Thục Hiền cũng đâu đã biết gì về thân phận nó. Mình cứ thản nhiên như không biết gì có tốt hơn không? Tự nhiên nghĩ được điều ấy, Đoan Thư thấy nhẹ nhõm trong lòng. Cô cười méo mó: − Tao cũng đói chết được. Nhưng đau quá nên đâm lười ăn. Hạnh Thuỳ cong môi: − Bây giờ thì sao? Có cần tao bưng cơm lên tận phòng không? Đoan Thư rùn vai: − Tao thèm ăn bún riêu. Mày đi với tao nha. − Được ăn không tốn tiền. Tao không bao giờ từ chối. Đoan Thư đứng lên: − Chờ tao tắm cái đã nhen. Vừa nói xong, một con thằn lằn đã hứng chí í ngay một cục phân bé tí trúng tay cô. Đoan Thư rên rỉ: − Chưa gì đã xui. Cứt thằn lằn hôi kinh khủng. Tao không hiểu sao nhà tao lại nhiều thằn lằn đến vậy. Đoan Thư tắm thật nhanh. Mùi xà bông thơm bay khắp căn phòng một mùi thơm nhè nhẹ. Hạnh Thuỳ cười cười: − Mày vẫn khoái dùng Lux hả? Tím hay hồng? Đoan Thư đi ra, tóc ướt rượi, mặt mũi đã bớt u ám. Cô nói: − Tao chỉ kết mỗi loại Lux tím. Hương thơm của nó dịu và dễ thở. Màu hồng hương nồng thắm. Vài phút sau Đoan Thư đã hoàn toàn lột xác như thường ngày. Hai đứa sánh vai đi trên hành lang đầy nắng. Hạnh Thuỳ nhận xét: − Bây giờ mày mới thật là mày đấy. Chứ hồi nãy, nhìn mày tao hết cả hồn, tưởng gặp con ma tình xơ xác chứ. Ông Việt sao rồi? Đoan Thư bình thản: − Vẫn bình thường thôi. Có gì không? − Tao nghe con Hương nói, nó nhất định bám sát trận tuyến. Tao lo giùm cho mày. Dẫu sao trong ba đứa, Minh Hương cũng sắc sảo hơn cả. Không thể chơi tình nửa vời với nó đâu vì nó cả một tập thể gia đình đầy kinh nghiệm tình trường. Con gái giám đốc tập đoàn các khách sạn mà lại. Đoan Thư tặc lưỡi: − Chuyện gì tới, có cản nó cũng tới mà, hơi đâu lo cho mệt óc. − Vậy còn Thục Hiền? Không biết mày có để ý không, chứ tao thấy ông Việt nhìn nó lạ lắm. − Mày nói thế, mẹ tao nghe được lại buồn phiền đấy. Dù gì Thục Hiền cũng là con… đỡ đầu của ba mẹ tao. − Nhưng không phải vì thế mà nó quơ luôn cả tình cảm của mày vào tim nó. Nó phải biết thân phận của mình. Thân phận của mình! Tim Đoan Thư lại nhói buốt. Nếu Hạnh Thuỳ biết cô không phải là con ruột của ông bà Tín, liệu nó còn dám chơi với cô không nhỉ? Còn Hiền nữa, xét cho cùng nó có biết gì về những dự tính của người lớn đâu. Đoan Thư cười gượng: − Mày đừng nghĩ xa xôi quá. Tao có anh mà không có em gái. Bây giờ thêm Thục Hiền. Tao mến và thích nó lắm. Nó không hề có lỗi gì trong chuyện của tao. Cũng như nó vẫn còn rất “tồ” trước ánh mắt Việt nhìn nó. Hạnh Thuỳ lẩm bẩm: − Hình như mày đã thay đổi thật đó Thư. Chuyện mày thương và lo cho Thục Hiền quá là chị em ruột chưa hẳn đã làm được. − Thư à, cháu không sao chứ? Tiếng bà Ngạn vang lên. Đoan Thư không ngờ một ngày “nằm vạ” của cô lại dẫn đến những câu hỏi thăm đầy lo lắng như thế. Cô lễ phép: − Cháu không sao đâu ngoại ơi. Tại hồi đêm cháu ráng coi hết bộ phim hoạt hình “xì trum”. Nên sáng dậy không nổi đó ngoại. Bà Ngạn dò xét: − Cháu không tự nói dối chứ? Đoan Thư cười: − Cháu đâu dám ạ. Ngoại muốn ăn gì không, cháu mua cho. Bà Ngạn cười hiền: − Ngoại vừa ăn xong cơm, chỉ có cháu đói mà nằm một chỗ, gọi không nói, hỏi không thưa, làm ngoại lo chết được. − Bây giờ thì ngoại thấy đó. Cháu vẫn sống nhăn răng và khoẻ như voi nè. Nhưng cháu đói quá à. Bà Ngạn kêu lên: − Dưới nhà còn cơm và canh chua. Chịu khó bật bếp ga, hâm lại cho nóng. Cá bông lau cháu thích nhất đó. Đoan Thư cười cười: − Tự nhiên cháu sợ cơm ngoại ạ. Ngoại cho phép cháu ra ngoài ăn bún nha. Bà Ngạn vui vẻ: − Coi cháu đó, nói cái gì mà sợ cơm hả. Gặp người nhiều chuyện, họ suy diễn bậy bạ là khổ đó cháu. − Ngoại nói gì cháu không hiểu? − Là chỉ đàn bà có bầu mới sợ hôi cơm tanh cá. Người sắp chết mới không thích ăn cơm mà thích ăn đất. Đã hiểu chưa? Bà Ngạn giải thích một hơi. Đoan Thư le lưỡi cười. Cô nhìn quanh không thấy Hiền đâu, vụt hỏi bà Ngạn. − Thục Hiền đâu hả ngoại? − Nó xin phép đi mua vài cuốn sách gì đó. Cháu cứ lo ăn phần mình đi. Thục Hiền chịu ăn cơm lắm, rồi con bé sẽ trắng da, dài tóc nhanh hơn cháu đấy. Đoan Thư nghe ngoại nói, cô muốn cười to lên. Dài tóc, thì rõ ràng tóc nhỏ Hiền dài đến lai áo rồi. Da nhỏ ấy thì khỏi chê luôn. Con gái Bắc có nước da đẹp hệt gái Đà Lạt. Ngoại còn muốn Hiền trắng cỡ nào nữa nhỉ? Bất chợt Đoan Thư nghe lòng thanh thản trở lại. Chẳng ai có chút đối xử phân biệt với cô cả. Từ nay, đừng có tự làm khổ mình nữa nha Thư. Chỉ cần cố gắng một chút, bởi cá tính cô vốn nhân hậu. Coi Thục Hiền như chị em gái, thương yêu và lo lắng cho nhau. Chắc chắn cô vẫn là đứa con gái của dòng họ Vũ thôi mà!