Chương 1

Người vợ, Thu Mai, đẩy nhanh tờ giấy qua phía bên chồng mà chẳng cần kiểm tra lại :

− Anh ký trước đi !

Trọng Nghĩa chau mày, hỏi :

− Vụ chiếc xe chưa giải quyết rõ ràng thì tôi sẽ không bao giờ chịu ký đơn ly dị nàỵ

− Vậy chứ anh còn muốn giải quyết bằng cách nào ?

Trọng Nghĩa đáp bằng giọng tưng tửng :

− Bà không chịu để xe lại, làm sao tôi đi làm ?

Thu Mai cố dịu giọng :

− Trong chổ làm của anh thiếu gì người Việt, không thể xin qúa giang được hay sao ? Cho dù quá giang không được thì ở xứ này còn có xe buýt đó, thưa anh .

Lập tức Trọng Nghĩa phản đòn ngay :

− Thưa em, "thiếu" chứ không phải "dư" . Hơn nữa, tôi đâu phải đàn bà con gái có nhan sắc như em để được người ta cho qúa giang mỗi ngày, rồi tiện đường cho qúa giang ... giường luôn .

Thu Mai tái mặt, cố giữ thể diện cho cả hai nảy giờ mà thằng chồng mắc dịch của cô cứ khêu khích mãi, giận qúa mất khôn nên Thu Mai mắng một hơi :

− Ông nói mà không biết xấu hổ à ? Mua chiếc xe mắc nợ gần hai mươi ngàn đô, tưởng để ông chở mẹ con tôi đi đây đi đó, ai ngờ ông chở mấy bà ni cô lên xuống chùa hà rầm, ngày thường cũng chở mấy bã đi công chuyện, quên cả việc đón tôi tan sở, người ta mà không tốt bụng cho tôi qúa giang, dám tôi đã chết cóng vì lạnh lâu lắm rồi . Đồ giả nhân giả nghĩa, biết vậy xưa kia có cho vàng tôi cũng không thèm ngó mặt chứ đừng nói chi là vợ chồng có hai con với nhau .

Vẫn cái giọng nhẹ nhàng mà như đóng đinh vào tai người nghe, Trọng Nghĩa cười cười :

− Phải rồi, tôi đâu đáng để cho em ghé mắt tới, chỉ có loại đàn ông xồn xồn bốn mươi, có vợ và bốn con như ông Phi Long mới xứng đáng để em bỏ chồng ngang nhiên nhảy vào giựt chồng của người ta mà thôi .

− Vậy rồi sao ? Dù gì người ta vẫn hơn thứ người ăn chay niệm kinh mỗi ngày mà miệng lưỡi như dao như búa . Bây giờ không nói nhiều nữa, tôi cần xe để đưa rước hai đứa nhỏ đi học, ông có chịu để lại không thì nói .

Trọng Nghĩa tiếp tục chế giễu :

− Có ai trả tiền xe mỗi tháng mà không được làm chủ nó một ngày như tôi không trời ?

Thu Mai quắt mắt nhìn chồng :

− Vậy thì ông bắt con Tuyết, con Lan theo ông đi rồi muốn lái xe gì đó kệ ông .

− Cha ... Thoạt đầu thì bảo ngày thường con theo tôi còn hai ngày cuối tuần thì con theo anh, giờ đổi ý tính rủ bỏ trách nhiệm để rảnh rang du hí với "người tình già" à, đâu có dễ vậy em .

Thu Mai giận không thể tả :

− Đồ đàn ông lẻo mép .

Trọng Nghĩa cũng không vừa :

− Đồ đàn bà lăng loàn, mất nết .

− Đồ thằng chồng khốn nạn .

− Đồ con vợ hư thân .

− Đồ ...

− Thôi đủ rồi !

Sau tiếng quát khẽ , Khải Minh thu đơn lại :

− Anh chị định biến văn phòng của tôi thành cái chợ à ? Nếu chưa thống nhất, phiền khi khác anh chị trở lại vậy .

Tiếng nói can thiệp của luật sư quả có hiệ u nghiệm, đôi vợ chồng im lặng ngay .

Thấy chiến tranh tạm lắng xuống, Khải Minh nhẹ nhàng phân tích :

− Theo dõi cuộc "đối thoại" nảy giờ, tôi nghỉ người nào cũng có lý cả . Chị nhà cần xe đưa rước con là đòi hỏi rất đúng đắn, tuy nhiên, bắt anh nhà gánh nợ mà không được đụng tới xe thì hơi bất công ...

Trọng Nghĩa chen vào :

− Thưa luật sư, quá bất công chứ không phải là "hơi" .

"Bây giờ tôi là luật sư hay là anh ?" Rất muốn hỏi người chồng câu đó nhưng Khải Minh chỉ dám nghỉ chứ không dám nói, lý do đơn giản là anh muốn chấm dứt hồ sơ này càng sớm càng tốt, cả tháng nay đôi vợ chồng này phiền anh lắm rồi . Gía mà Khải Minh có quen biết Trọng Nghĩa cách đây mười năm, chắc chắn anh sẽ khuyên Trọng Nghĩa theo học ngành luật ngay . Đàn ông mà có cặp môi mỏng như Trọng Nghĩa thì khi ra tòa mặc sức ra oai cãi với thiên hạ và đố có luật sư nào thắng nỗi anh ta khi mà cô vợ "dữ như chằn" còn phải chào thua tài ăn nói thì nói gì đến ai .

Khải Minh tằng hắng một tiếng :

− Vâng ! Qúa bất công ! Vì vậy, theo tôi nghỉ chị nhà có đủ lý do để chiếm hữu chiếc xe trong năm ngày, còn hai ngày cuối tuần thì anh nhà có quyền sử dụng nó và cả hai đều phải chi tiền ra để trả cho hết nợ . Nếu không đồng ý thì anh chị cứ việc đem xe đi bán, bằng không thì anh chị hãy ở nhà bàn tính cho xong rồi hẳn gọi điện hẹn tôi sau . Lúc đó quyết định ký đơn ly dị cũng chưa muộn .

Đắn đo vài giây, cuối cùng đôi vợ chồng cùng cầm bút lên . Hiểu ý, Khải Minh lẳng lặng đặt tờ giấy trước mặt hai người, rồi thì bắt tay từng người một để tiễn họ ra về . Cánh cửa vừa khép lại, lập tức Khải Minh buông mình xuống ghế . Một buổi sáng thứ bảy nắng ấm như vầy mà phải ngồi đây nghe hai ông bà chửi rủa nhau thì đúng thật là phí thời gian vô cùng .

Nể tình mẹ mình có quen biết với mẹ của Thu Mai, Khải Minh mới kiên nhẫn ngồi nghe họ "tố xấu" nhau nhiều lần trong văn phòng này, chứ trả thêm tiền chắc chắn anh cũng sẽ từ chối . Nghe mẹ anh kể sơ, thời còn độc thân Trọng Nghĩa là một tay ăn nhậu rất cừ, và quen Thu Mai cũng ở trong hoàn cảnh ăn chơi như thế . Chừng cưới vợ, mẹ Thu Mai là một tín đồ Phật giáo lâu năm của chùa "Long Hoa", khi sống chung một nhà, không hiểu mẹ vợ giảng giải thế nào mà Trọng Nghĩa từ bỏ thuốc lá rượu chè, chuyển qua ăn chay mỗi ngày và đêm nào trước khi ngủ thì cũng đọc kinh niệm phật .

Đáng lẽ khi thấy người chồng biết tu thân sửa tánh sau khi lập gia đình thì Thu Mai chợt đâm ra giận mẹ mình hết sức . Cả hai cùng la cà vũ trường mỗi tuần ít nhất một lần giờ khi không chồng tự nhiên bỏ cuộc chơi để cô "nhậu" một mình thì vui nổi gì . Bởi vậy Thu Mai không trách mẹ thì còn biết quy lỗi cho ai bây giờ . Mỗi ngày vào bếp, mẹ ruột với chồng nấu đồ an chay, thoạt đầu thì Thu Mai còn ăn ké, riết rồi lâu ngày cô đâm ra ngán, mà nấu đồ mặn thì chỉ có một mình cô ăn trong khi hai đứa nhỏ chỉ thích ăn toàn "fast food" của nhà hàng "Tây" .

Đã vậy, Trọng Nghĩa hay chở mẹ vợ và mấy bà bạn của mẹ đi làm công quả cho chùa, dần dần kiêm tài xế riêng cho mấy bà đó đi công chuyện tư luôn, đến nước này Thu Mai không "quậy" mới là chuyện lạ . Nếu cô ta có bỏ chồng, điều đó Khải Minh cũng còn thông cảm được, đằng này ... chậc ... cô lại lấy chồng của người ta . Con trai của ông Phi Long có đứa đã hai mươi tuổi trong khi Thu Mai chưa tròn ba mươi . Đúng là khi một người đàn bà muốn nổi loạn, đàn ông như các anh cũng phải đầu hàng vô điều kiện .

Khải Minh đang sắp xếp mớ giấy tờ hỗn độn trên bàn, chợt tiếng chuông điện thoại reo vang . Khải Minh bấm một nút trên máy :

− Hello !

− Anh Hai, mẹ hỏi chừng nào anh về ?

Nhận ra tiếng nói trong trẻo của em gái ở đầu giây bên kia, Khải Minh liền tươi ngay nét mặt :

− À, em nhắn với mẹ là anh sẽ về ngay bây giờ .

− Sao cơ ? Cái vụ ly dị mà mẹ giới thiệu cho anh vẫn chưa kết thúc à ?

Khải Minh chòm người tới máy, hy vọng Hoàng Nhi có thể nghe rõ hơn :

− Anh bảo là anh sẽ về liền, chứ có nói gì khác đâu mà em hỏi chi lạ vậy ?

− Hả, có thể anh không rời văn phòng sớm được à ? Ráng đi anh Hai, hôm nay mẹ làm món bún chả giò, món mà anh thích ăn nhất đó .

Nghe nhắc tới món ruột, Khải Minh chụp ngay ống điện thoại :

− Bộ em điếc hở Hoàng Nhi ? Sao nói năng lạc đề qúa vậy . Anh đang chuẩn bị rời khỏi văn phòng đây .

Im lặng vài giây, lát sau Khải Minh nghe giọng Hoàng Nhi nhỏ đến mức thành thì thầm :

− Luật sư ơi "khôn" ra một chút cho em út nhờ với .

Khải Minh ngã người ra ghế nghỉ ngợi : "Quái, con nhỏ này hôm nay nói năng nghe ngộ qúa ..." Đột nhiên, Khải Minh ngồi ngay ngắn lại, anh vỗ bàn một cái thật kêu :

− Chết cha, mẹ hối anh về là để tiếp tục cái nghề may mối và "mối" đang ở trong nhà mình phải không Nhi ?

− Mô Phật ! Cuối cùng rồi "thí chủ" cũng thông suốt điều mà bần đạo muốn gởi gắm đến .

Khải Minh không hề thấy tức cười trước lời lẽ bông đùa của Hoàng Nhi, trái lại anh thấy mồ hôi bắt đầu rịn ra trán :

− Trời ơi, sao tới giờ em mới cho anh hay ? Phải mẹ đang ngồi gần đó nên em không dám huỵch toẹt ra ?

− Xin "thí chủ" đừng vội cáu, vì "bần đạo" cũng vừa biết đây thôi . Và qủa là "chủ trì" đang có mặt gần đây . Chính bà bảo "bần đạo" gọi điện kêu "thí chủ" tranh thủ về sớm .

− Cứu anh đi Nhi, em viện lý do gì cũng được, nhưng nhất định anh không chìu theo ý mẹ nữa đâu . Lần nào mẹ cũng bảo là lần cuối mà có thấy chấm dứt bao giờ, cứ bắt anh gặp cô này cô nọ, thật là mẹ làm anh "mất giá" qúa chừng .

− Nếu ... đằng đó biết điều thì ... đằng đây sẽ nghĩ cách cho ...

Khải Minh lầm bầm :

− Bao giờ em cũng ra điều kiện hết . Thôi được rồi, lát nữa đi ngang phố Tàu, anh sẽ ghé "Chè CaLi" mua sáu hộp đủ loại cho em, chịu chưa ?

− Anh nói sao, hai vợ chồng đó chỉ còn bất đồng một chi tiết nhỏ, sẽ nhanh chóng đóng hồ sơ và anh chắc chắn sẽ về nhà sớm à ?

Khải Minh kêu trời trong bụng :

− Thêm vài ổ bánh mì Nguyên Hương, và một bình nước mía lạnh, được chưa cô bé ?

− Thôi được, uy tín của luật sư mới là điều quan trọng, ăn uống là ... chuyện nhỏ . Anh không về nhà thì mẹ và em để dành vài cuốn chả giò cho anh ăn sau vậy .

Khải Minh thở phào một cái :

− Cám ơn em chịu giúp anh .

− Không có chi ! Có điều, chuyện nhỏ đối với ai, chứ với "bần đạo" là ... chuyện lớn đấy nhé . Anh mà quên là hổng có ... "cứu bồ" lần sau đâu nghe anh Hai .

− Biết rồi . Chè, bánh mì, mía, còn gì nữa không ?

− Dạ thôi, cám ơn lòng hảo tâm đóng góp của "thí chủ" .

Trước khi cúp máy, Khải Minh còn cố trêu em :

− Đồ qủy nhỏ ham ăn .

− Không dám ! Chào qủy lớn ế vợ .

Hoàng Nhi đã cúp máy rồi mà Khải Minh vẫn còn cầm máy và cười một mình . May mà lần này Hoàng Nhi điện tới văn phòng cho anh hay, không thì lại mắc bẩy của mẹ lần nữa . Nhiều lúc Khải Minh không sao hiểu nổi bà, anh chỉ mới hai mươi tám tuổi, chứ có phải 38 đâu mà mẹ anh lo xa đến mức trong vòng một năm nay thôi bà đã giới thiệu hết bốn cô gái cho anh quen rồi và nếu lần này chẳng may bị vướng lưới do bà giăng ra thì tổng cộng là năm lần may mối . Ai bảo con gái Việt ở Canada này hiếm, chẳng những "thừa" mà còn ế nữa chứ, hổng ế sao bằng lòng để mấy bà mẹ dẫn đi gặp người tình tương lai mà chưa hề biết mặt qua bao giờ .

Khải Minh dám cho là mấy cô đó bị ế chứ anh không hề nghỉ mình bị "ế" là vì hoàn cảnh của anh hơi đặc biệt một chút . Lần đầu tiên anh dẫn Janet về giới thiệu với gia đình, trước mặt thì mẹ anh không nói gì, nhưng sau đó thì bà phản đối quyết liệt đến nổi anh cũng nổi nóng cãi lại mà lý do bà không đồng ý Janet chỉ vì cô ta là người Cam Bốt . Sau cùng Khải Minh phải giở kế "hoãn binh" bằng cách trấn an mẹ mình là anh chỉ 18 tuổi thôi, bây giờ cặp kè là để tìm hiểu chứ chưa hẳn sẽ là vợ chồng sau này . Nhờ vậy mà bà mới siêu lòng, không nói gì nữa . Ai ngờ con bé Hoàng Nhi, lúc đó vừa được 11 tuổi, ngồi gần đó, xuống một câu vọng cổ thật ngon lành :

"Nếu mai thất nghiệp

anh về Cần Thơ

anh cưới ... Miên

Vợ Miên nó hiền

Nó không biết xài tiền

Dù sao đi nữa

nó cũng có duyên ..."

Trong khi Khải Minh dí Hoàng Nhi chạy vòng vòng trong nhà thì mẹ anh ngồi đó nghĩ ngợi rất lâu . Sau mấy tháng tìm hiểu, cuối cùng mối tình đầu giữa anh và Janet cũng rã . Khi anh về chia sẻ cái tin buồn cho cả nhà cùng hay thì chẳng những không nghe được một lời an ủi từ mẹ mà con bé Hoàng Nhi chắc lưỡi liên tục : "Chậc .. chậc ... tiếc qúa, từ rày hổng được hát "Lý Vợ Miên" rồi ! Buồn ghê !" Lần này thì Khải Minh đã bắt được Hoàng Nhi, anh nhéo tai nó mà bảo : "Mày có biết người Căm Bốt ghét nhất khi bị gọi là "Miên" không ? Janet không biết tiếng Việt nhưng nó hiểu người Việt dùng từ "Miên" trước mặt nó đó . Vậy mà lần nào tao dắt Janet về chơi, mày cũng ở trên lầu mà ong óng cái miệng thí điều muốn tan hoang cửa nhà . Tao chia tay với cổ cũng là vì mày một phần, biết chưa con qủy nhỏ ?" Bị nhéo đỏ tai vậy mà xem chừng Hoàng Nhi cốc sợ thì phải, còn ráng cãi lại : "Sao anh không nói sớm để tôi soạn lại lời nhạc, thay vì "Lý Vợ Miên" thì chuyển qua "Lý Căm Bốt" ."

Lúc đó Khải Minh rất là tức giận nhưng mười năm rồi, hễ nhớ đến mối tình đầu vụng dại thì anh chỉ thấy tức cười chứ không thấy buồn tí nào . Có khi anh còn thấy tội nghiệp cho Hoàng Nhi bị nhéo tai oan nữa chứ, tại vì rõ ràng nó khen vợ Miên cũng có ... duyên thế mà lúc đó anh lại phát điên dí em gái chạy vòng vòng quanh nhà mới ngộ . Rút kinh nghiệm từ Janet, lần này Khải Minh dẫn một người bạn gái không cùng quốc tịch "Miên" nhưng lại là láng giềng của Cam Bốt với hy vọng sẽ được nhận sự ủng hộ của người nhà . Nào ngờ, mẹ anh còn bực mình hơn lúc trước : "Con mắt của con có bị vấn đề không Minh ? Con gái Việt ở Toronto này đâu có thiếu, trong trường con mẹ thấy cũng có nhiều cô, sao con không đi làm quen mà hết dẫn gái Miên về giới thiệu, giờ đến gái ... Lào ." Anh chưa kịp hỏi lý do vì sao người nào cũng bị mẹ chê thì Hoàng Nhi lại chen vào : "Mẹ ơi, con nghỉ lần sau hổng chừng ảnh sẽ dẫn gái ... Thái Lan về cho đủ bộ đó mẹ !"

Sai ! Một năm sau Khải Minh ra mắt với gia đình bằng một cô gái Việt Nam chính hiệu trăm phần trăm . Nàng để tóc dài, mắt nai ngơ ngác, miệng có tới hai chiếc răng khểnh làm duyên, dáng người thanh mảnh, học đại học đàng hoàng, kết quả là mẹ anh ưng ý thật sự . Mỗi lần Yến Oanh đến chơi, bà cứ vây quanh lấy nàng mà hỏi han đủ chuyện, chỉ có Hoàng Nhi là luôn mồm ca hát : "Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm ... người Trung, nắng mưa đêm ngày cách trở giờ xa xôi đôi đường . Người ơi, có về miền Trung thăm người Trung, nước chảy còn thương bao là thương, cho nhắn đôi lời ....." Hát được vài câu thì nó lại bắt sang bài khác : "Anh nói rằng anh sẽ về thăm quê miền Trung, mà sao hứa hoài lại không thấy về, đường anh đi đường anh, đường em đi đường em, sao không thấy anh về thăm anh ơi ... ơi ..."

Bao giờ cũng vậy, hễ nghe Hoàng Nhi kéo dài chữ "ơi" đến ê cả răng thì Khải Minh phải lập tức bịt mồm nó lại ngay : "Con qủy nhỏ kia, mày có ngưng ngay liên khúc "miền Trung" của mày cho tao nhờ không hả ? Sao bất cứ người nào tao dẫn về giới thiệu thì mày cũng đều sửa lời hát chế giễu người ta hết là sao ? Có tin lần sau tao lấy kềm bẻ hết răng mày không hả ?" Và Hoàng Nhi sợ thật, hay vì hát ỏm tỏm lên thì nó chuyển tông qua "kể chuyện" .

Cái lần chiến tranh bùng nổ thật sự giữa Khải Minh và Yến Oanh là cái lần Hoàng Nhi đang nói chuyện điện thoại với bạn ở phòng khách thì khi thấy anh và cô bước vào nhà, đang nói ngon lành chợt nó reo to : "Ê Châu, tao có chuyện này vui lắm để tao kể cho mày nghe nha :

Có hai thèn, thèn Ê và thèn Bê .

Thèn Ê mén che thèn Bê, thèn Bê liền mén me thèn Ê .

Bực mình, thèn Ê vét súng bén thèn Bê, súng nổ hai phét "Bèng, Bèng" .

Thèn Bê cũng nhen tay, rút deo đem thèn Ê .

Cuối cùng, hai thèn len re sân, chết nhen ren, không kịp chối chen ."

Khải Minh thật sự không hiểu nổi câu chuyện mà Hoàng Nhi kể có gì vui đâu mà vừa dứt lời là nó cười nghiêng cười ngửa . Anh thắc mắc chẳng biết nó nói tiếng Thượng hay tiếng Mọi mà sao anh nghe có tiếng hiểu tiếng không . Rồi chợt nhớ đến con nhỏ bạn tên Châu của Hoàng Nhi gốc người Phan Rang, Phan Rí gì đó, Khải Minh bèn cố gắng dịch ra theo tiếng miền Nam :

Có hai thằng, thằng A và thằng B .

Thằng A mắng cha thằng B, thằng B liền mắng mẹ thằng A .

Bực mình, thằng A vác súng bắn thằng B, súng nổ hai phát "Bằng, Bằng" .

Thằng B cũng nhanh tay, rút dao đâm thằng A .

Cuối cùng, hai thằng lăn ra sân, chết nhăn răng, không kịp chối trăn ."

Khi đã hiểu ra Khải Minh cũng không nhịn được cười, đến lúc thấy Yến Oanh đùng đùng bỏ đi thẳng tuốt ra ngoài sân thì anh mới chợt kêu lên : "Chết cha, Yến Oanh sanh ở Phan Thiết, cùng họ Phan với Phan Rang và Phan Rí !" Hoảng hồn, Khải Minh bật đứng dậy, trước khi rượt theo bạn gái, anh không quên kí vào đầu Hoàng Nhi một cái : "Em qúa lắm nhen Nhi, hết liên khúc miền Trung giờ đến nhái giọng Trung chọc quê người ta . Lát nữa, anh về sẽ tính sổ em sau ." Bị kí một cái đau điếng, Hoàng Nhi xoa đầu, bĩu môi : "Xì, hồi nãy anh còn cười lớn hơn em nữa đó, bày đặt đổ oan cho người ta!"

Khải Minh nghe hết nhưng anh bận đuổi theo Yến Oanh nên không có thời giờ "trị" con em đanh đá của mình . Ngồi trong xe, Yến Oanh không ngớt khóc lóc và kể tội anh đủ điều . Nào là a tòng với em gái để chế giễu cô, nào là không biết dạy em ..v .v... . Cuối cùng, Khải Minh thắng xe trước nhà cô và chỉ nói ngắn gọn : Good bye ! Trong khi Yến Oanh vừa khóc vừa chạy vào nhà thì ngoài này, Khải Minh quay xe ra đường và miệng không ngớt huýt sáo liên tục . Trời ạ, anh đã muốn chia tay với cô nàng họ "mít" này lâu lắm rồi mà chưa có dịp vì chia ... bậy bạ không có lý do chính đáng dám về bị mẹ mắng lắm chứ chẳng chơi . Chỉ tội cho Hoàng Nhi bị lãnh đạn oan uổng từ mẹ thay anh vì cái tội làm bà mất đi một cô con dâu tương lai quá ư là hoàn mỹ .

Đành rằng Khải Minh sanh ở Việt Nam, nhưng anh qua Canada lúc còn nhỏ, thích nghi với lối sống bên này nên anh thấy thoải mái khi đi chơi với những người bạn cùng với suy nghỉ phóng khoáng của mình . Đối với hai người bạn gái trước, muốn đi chơi chổ nào và muốn đi mấy giờ cả hai đều nhất trí một cách dễ dàng, nhanh chóng . Còn với Yến Oanh, anh phải đến nhà xin phép cha mẹ cô, đưa người yêu về tới nhà thì không được phóng xe đi ngay mà phải vào chào một lần nữa dù hôm đó có mưa rơi hay tuyết phủ ngập đường .

Dẫn vào vũ trường của người Việt hay bar của tụi Canadians thì Yến Oanh luôn miệng bảo "I don't belong here . I don't belong there ." Dạy cho cô chơi "ice skating and roller skating", lỡ bị té vài cái thì cô suýt soa liên tục, đến cái té cuối cùng bầm đầu gối một chút thì cô ngồi khóc ngay tại sàn, báo hại Khải Minh quê một cục với thiên hạ, ráng ... dìu em, đưa em về tới nhà và thề với lòng, không bao giờ tập em "trượt" nữa . Cuối cùng, những nơi mà Yến Oanh "belong" là rạp phim và nhà hàng . Một hai tháng đầu còn thấy thích thú, riết rồi mười hai tháng cặp kè chỉ toàn ăn uống với xem xi-nê, ông già còn thấy chán huống hồ trai trẻ nặng động yêu đời như anh . Nhưng hễ anh đưa nàng đến những nơi có cà phê, thuốc lá, khiêu vũ, bia rượu thì lại sợ mang tội "dạy hư" bạn gái, vậy mà anh chịu đựng đúng một năm trời, qủ a là một sự kiên nhẫn đáng khen .

Không được người nhà ủng hộ cũng khổ mà được hoan nghênh cũng khổ tuốt, cho nên sau ba mối tình không "nên thân" đó, Khải Minh có quen thêm một vài cô bạn gái tóc vàng da trắng, nhưng tuyệt đối anh không ngu dại dẫn về nhà ra mắt vì hình như mẹ anh chỉ thích con gái Việt biết ăn "bún mắm" mà thôi, tức là loại con gái mang mác hiệu "Yến Oanh" . Hai chữ "Yến Oanh" vừa hiện lên trong đầu, lập tức Khải Minh thấy rùng mình . Anh vội vàng bấm số gọi cho thằng bạn thân gấp, mong là nó có thể đi chơi với anh, nếu không đi ra ngoài được thì ít ra cũng phải cho anh đến nhà lánh nạn cả một buổi trưa dài, với hy vọng khi anh về nhà thì khách đã "thăng" từ lâu .

Trong khi Khải Minh tìm nơi tỵ nạn thì ở nhà Hoàng Nhi vừa cúp máy xong là bà Liên cất giọng hỏi ngay :

− Sao con, thằng Minh có về nhà bây giờ được không mà khi thì mẹ nghe con nói nó chưa thể rời văn phòng, lúc thì có thể thu xếp rời chổ làm việc sớm .

Hoàng Nhi thấy mừng thầm trong bụng khi "chủ trì" hoàn toàn "thơ ngây" trước kiểu nói chuyện lạc đề giữa hai anh em nhà họ Trần này .

− Thì cũng tại cái mối ly dị của chị Thu Mai, con của bác Sáu mà mẹ giới thiệu cho anh Hai đó, kèo cưa mãi vẫn chưa chịu ký đơn nên ảnh phải chịu khó ngồi lâu phân tích cho họ hiểu vì vậy mới bị trễ với một hai khách đang ngồi chờ trước văn phòng .

Hoàng Nhi phịa đại mà bà Liên cũng tin . Bà chắc lưỡi :

− Chậc ! Thế này thì làm sao anh con biết mặt Tường Linh, công mẹ chuẩn bị cả tuần lễ cho buổi giáp mặt này ... thế mà hỏng hết trơn .

Hoàng Nhi ôm vai bà :

− Sao mẹ không nói thật với anh Hai là lần này hoàn toàn khác với những lần trước . Tức là chị Tường Linh là con gái của một người bạn thân cùng xóm, cùng trường đã mất liên lạc nhiều năm, nay mới tình cờ trùng phùng ở chùa "Long Hoa" . Có thể vì mối quan hệ thân thiết này mà anh Minh sẽ nể tình chìu theo ý mẹ .

Bà Liên lắc đầu :

− Không được đâu con, mấy lần trước mẹ cũng nói na ná như thế, kêu nó đừng làm mích lòng người lớn mà sứt mẻ tình bạn già với nhau, nó mới ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ hết lần này đến lần nọ . Và đấy chỉ là những lần thông báo chính thức chứ cái kiểu xí gạt nó như hôm nay, tính sơ sơ cũng chục lần rồi, thằng Minh còn tin mẹ mới là chuyện lạ .

− Vậy thì mẹ phải tả chị Tường Linh khác với những người trước nhiều, có khi ảnh thấy tò mò muốn gặp không chừng .

Bà Liên lại lắc đầu :

− Bao giờ mẹ chẳng ca tụng con gái nhà lành, đẹp như Hằng Nga, học giỏi, nghề nghiệp vững chắc ..v.v... nhưng hễ sau khi đi chơi với con gái người ta được lần đầu thì nó cũng đều im hơi lặng tiếng cả .

Nghe nhắc đến mấy cô mà mẹ làm may cho anh mình, Hoàng Nhi không nhịn được cười :

− Mẹ ơi, ảnh nói với con là có cô thì chảnh quá mức mới đi chơi có lần đầu đã vội khoe có nhiều anh chàng đẹp trai trí thức đeo đuổi, cô thì tưởng mình đẹp như "Hằng Nga" thật nên mặt cứ khinh khỉnh lên, cô thì e lệ đến nổi cứ mân mê vạt áo như thuở "em còn bé lắm anh ơi", ... ảnh không trốn về ngang giữa chừng mà còn đưa người ta về tận nhà là may lắm rồi .

Nói tới đây, Hoàng Nhi cười vang làm bà Liên suỵt khẽ :

− Nhỏ nhỏ thôi con, bác Vân và con bé Tường Linh nghe được thì tự ái không biết để đâu cho hết .

Hoàng Nhi hạ giọng xuống :

− Con nói thật nhen, anh Hai là luật sư trẻ tuổi, đẹp trai, có hiếu, rất nhiều cô mê ảnh, mẹ lo gì ảnh sẽ ế vợ mà cứ nhọc lòng giới thiệu hết người này đến người nọ cho mệt hơi hở mẹ .

Bà Liên liếc con gái :

− Phải rồi, bà già này mà không lo vợ cho nó để nay mai nó rước con Miên, con Lào, con Tây về nói tiếng U tiếng A cho tao mù tịt à . Còn mày nữa, dẹp ngay cái thằng Rô Be, Rô Bót gì đó, muốn làm dâu hay rể nhà này đều phải biết tiếng Việt, bằng không thì sau khi dựng vợ gả chồng cho bọn bây xong tao sẽ lên chùa sống cho khuất mắt tụi bây .

Thấy chiến tranh vùng Vịnh đột nhiên lan sang châu Á, Hoàng Nhi hoảng hồn im re . Tự nhiên "chủ trì" đang nói tới anh Hai rồi mắng lây qua mình khiến cô không khỏi kêu oan trong bụng . Tên người ta Robert đẹp như vậy mà mẹ cứ gọi là Rô Be, Rô Bót . Điệu này chắc cô phải kêu Robert đi học tiếng Việt mới được, nếu không vài năm nữa, dám "chủ trì" sẽ bắt cô đi gặp mấy anh chàng rể tương lai do bà chọn thì thà là cô lên chùa "Long Hoa" tu luôn cho đỡ khổ bởi cô đã quá kinh nghiệm với nghề may mối của mẹ cho anh Hai qúa rồi . Cô là con gái còn thấy dị ứng với mấy nàng do mẹ chọn thì nói gì đến ông anh đầy cao ngạo của cô . Hên là anh ta đều lắc đầu từ chối, chứ nếu trong nhà này có một "Yến Oanh" thứ hai, cô thề là sẻ bỏ ngang đại học để tiếp tục làm nghề ... ca sĩ bất đắc dĩ .

Mãi mê nói chuyện, hai mẹ con Hoàng Nhi nào hay Tường Linh vô tình đã nghe được hết khi cô định lên phòng khách hỏi bà Liên xem có thể bắt đầu chiên chả giò được chưa . Tường Linh vội vàng trở về chổ ngồi trước khi bà Liên quay xuống bếp . Tay cuốn chả giò mà đầu óc Linh không ngớt nghỉ ngợi về những gì vừa nghe được . Thì ra ở thời đại chỉ cần nằm ở nhà thôi cũng có thể tìm ra một ý trung nhân qua mạng trên máy vi tính một cách dễ dàng vậy mà chẳng những chỉ có Tường Linh, còn có thêm một anh chàng Trần Khải Minh bị cha mẹ ép đi gặp những người mà mình không thích một chút nào .

Tuy chưa biết cái ông luật sư này ngon lành cỡ nào mà nghe bà Liên kể, cô nào Khải Minh cũng từ chối thì Tường Linh hơi đoán ra được tánh tình của anh ta một chút . Chắc chắn người con trai này thuộc hàng "chảnh" chứ không phải vừa đâu . Nhưng anh ta có hiếu với mẹ như vậy, chứng tỏ nhân cách chẳng phải tệ . Tường Linh chỉ thấy buồn buồn trong lòng khi mẹ cứ đem cô đến nhà người này người nọ cho thiên hạ thay phiên "chấm điểm" mình . Nhưng để thoát ra cảnh may mối thì Tường Linh đành bất lực vì hoàn cảnh cô cũng tương tự như mấy mẹ con Khải Minh, nghĩa là cùng chung số phận với những đứa con của hai bên đều mồ côi cha từ sớm . Tức là ai cũng thấy thương mẹ nên cứ ngoan ngoãn vâng lời dù đôi khi biết là điều đó thật là phi lý vô cùng nhưng vẫn nhắm mắt nghe theo .