− Em muốn chờ cho ba qua rồi mới làm đám cưới.

− Chờ ba thì biết chừng nào. Ba má bây giờ không hòa thuận nữa, ba có vợ nhỏ, ba sẽ không qua đâu.

− Chị cứ nói ba không qua, sao chị chắc được? Con cái ở hết bên này, ba thương tụi mình, tuổi già ba ở bên đó với ai?

− Thì đã nói ba có bồ mà. Thư nào viết qua ba cũng trách cứ má bỏ ba ở lại không ai thăm viếng, dẫn tụi mình trốn ra nước ngoài. Mà ba không chịu nghĩ lại hoàn cảnh ba. Đáng lẽ ba phải mừng là má đã lo được bầy con.

− Chắc ba tủi vì ba không lo được cho tụi mình. Đứa nào bây giờ cũng lớn ầm ra ăn học thành tài. Làm cha mà ba không lo được gì...Ba hổ thẹn với má. Nghĩ tội nghiệp ba! Ở trong tù cải tạo mười mấy năm thì làm sao mà lo được!

Trong nhà Ái giống ba nhất, mấy chị em đứa nào cũng giống má, nước da trắng, mặt tròn, môi cong cong, mắt hai mí, Ái giống ba da ngâm ngâm , mặt hơi xương xương, mắt một mí, hồi bé ba cứ chọc yêu Ái mày con Đại Hàn hả nhưng Ái cứ cười hì hì không buồn vì biết ba cưng Ái lắm. Nhìn từng nét Ái không được đẹp nhưng nhìn tổng quát thì Ái có duyên. Mắt một mí thì sửa hai mí mấy hồi, dạo này họ sửa mắt đẹp lắm, mắt vẫn tự nhiên. Con gái giống cha thương cha nhiều. Ái thương ba nên mỗi lần chị Ánh bênh má trách ba là Ái không bằng lòng. Chị nói ba có qua rồi không nghề ngỗng gì dám khùng, lại làm khổ má nữa đó.

− Sao chị lại ăn nói lạ vậy? Cái gì mà khùng điên! Bộ chị không thương ba sao? Ba qua, ba cứ ở nhà, ba già rồi, mười mấy năm tù tội bây giờ ba cần dưỡng sức, em đi làm nuôi ba.

− Em cũng sẽ lấy chồng, Vũ hối như hối tà. Rồi em đem ba theo hả? Rồi chắc gì ba vui vẻ ở bên này, ba nhớ vợ nhỏ của ba. Em coi đó, rồi ai cũng khổ!

Chuyện chưa chắc như thế mà chị Ánh đã nghĩ đủ thứ. Ái giận chị:

− Dù gì đi nữa ba cũng là ba của mình!

Nói xong Ái vùng vằng bỏ đi. Bấy giờ chị Ánh mới thấy hối hận là đã quá thành thật nói ra những điều này với em. Nhưng chị biết rõ. Chính trong những lá thư của ba, ba đã nói như vậy. Tôi có qua bên đó cũng chỉ là gánh nặng cho mình và các con thôi. Tôi còn làm được gì. Tôi đã già yếu. Tôi sợ những cái bắt đầu. Tôi không giúp gì ai được. Mười mấy năm rồi tôi có làm được cái thể thống gì, bây giờ thì như một đứa trẻ vụng về chập chững bước đi, bập bẹ học ăn học nói. Qua rồi lại làm xáo trộn đời sống đang bình thản của mình và các con.

Khi được thả về nhà thì ông Tân đã năm mươi lăm tuổi. Sức khỏe yếu kém, tinh thần sa sút, ông biết là ông khó thích nghi với đời sống xứ người. Đi xin việc mà chẳng có nghề ngỗng chi, ai thèm mướn! Làm lao động thì cũng đâu có làm nổi! Đi học lại? Già cả tới nơi rồi còn học hành gì được nữa. Mà học cho tới bao giờ? Cỡ tuổi đó tị nạn 75 có người còn lao đao khốn đốn kia kìa. Với đời sống mới, giốp giếc căng thẳng hằng ngày, vợ con cũng đổi thay. Ông sợ cảnh ông ngồi một chỗ bực bội khó chịu bắt bẻ người thân.

Bà Tân chỉ mới bốn mươi ngoài. Bà còn trẻ quá, dáng mảnh khảnh như con gái, nhiều người không biết thấy mẹ con đi với nhau tưởng là chị em. Mười mấy năm nay một tay một mình vất vả nuôi nấng bầy con. Có chạy giặc bơ vơ lạc lõng ở xứ người thì cũng phải chạy có đôi có cặp chứ, để cùng chia sẻ với nhau, đâu có gì cô đơn bằng chạy một mình. Con còn nhỏ lo theo nhỏ, sợ hư hỏng, không chịu ăn học, con lớn rồi thì lo theo lớn, con lên đại học xa nhà thì lo, ra trường không có giốp mình cũng lo, theo giốp lấy vợ lấy chồng đóng rong mọc rễ ở xa mình vẫn lo. Con cái có đời sống riêng của chúng, người đàn bà còn lại những gì, phải chăng là nỗi cô đơn quen thuộc? Vì tương lai các con, ngày đó bà đã phải tìm cách vượt biên, liều lĩnh với bọn hải tặc cướp của giết người, hãm hại đàn bà con gái, vậy mà ông không hiểu trách bà sao dẫn con đi, bỏ ông ở lại không ai thăm viếng tiếp tế. Vợ chồng xa nhau lâu, tình nghĩa vốn đã mờ nhạt, lại nghe tin ông có bà nhỏ, bà giận lắm, nhưng vẫn làm giấy đoàn tụ lo cho ông qua. Chỉ mong khi ông qua rồi, mạnh ai đường nấy đi, ông sẽ qua thành phố khác sinh sống để bà khỏi bẻ mặt với người quen, đứa nào muốn ở với bà thì ở, đứa nào muốn đi với ông thì đi, bà không cấm cản. Bây giờ ông chưa qua thì bà có bổn phận nuôi nấng dạy dỗ con nên người và hằng tháng lo gởi ông chút tiền! Thiên hạ nhiều chuyện, cố vấn không công, nói mẹ Ái dại...ổng ở Việt Nam có vợ khác thì mình ở đây cũng có chồng khác cho đỡ tấm thân chứ tội gì ở vậy, mai mốt con cái lớn đi hết, mình già đi khi đó không ai thèm.

Vũ và Ái yêu nhau được bốn năm, từ hồi Ái mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Bây giờ Ái đã ra trường, đang làm cho Boeing, hãng chế tạo máy bay. Vũ ra trước hai năm, làm bên chính phủ Liên Bang. Mỗi lần Vũ thúc làm đám cưới thì Ái hẹn. Hẹn lần hẹn lượt mãi rồi Ái chịu cho làm đám hỏi. Đám hỏi xong thì chờ. Đám hỏi không có ba, thì đám cưới phải có ba. Có ba mới vui. Rồi xuân tới, hè qua, thu tàn, đông hết...ba cũng chưa qua. Giấy tờ đoàn tụ thì đã lo xong từ đời nào.

Vũ cằn nhằn:

− Đợi lâu quá! Biết đến bao giờ!

Rồi hai người cứ cãi nhau tối ngày. Cũng chuyện chờ ba.

Vũ trách:

− Em chờ ba, hay em không yêu anh mà chần chờ? Nhỡ ba không qua?

Ái ngọt ngào:

− Vài tháng nữa thôi Vũ, mình đã cố công đợi, vài tháng có là bao.

Có dỗ ngọt, có dịu dàng, thì ba cũng vẫn chưa qua. Chưa quyết định ngày cưới được, vẫn còn chờ, vẫn cãi nhau.

Chị Ánh lo sợ dùm:

− Cứ cái kiểu này chưa lấy nhau đã rã đám!

Mẹ Ái cũng chưa muốn con có chồng sớm, mấy năm ăn học ở xa, bây giờ Ái mới về gần, mẹ Ái chỉ mong mẹ con gần gũi sớm hôm có nhau, được ngày nào vui ngày ấy. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng bà nói:

− Con muốn đợi ba thì đợi...Con biết là không có ba, má cũng lo đám cưới cho con được.

Vũ giận nhủ thầm:

− Chuyện hôn nhân mà xem ra Ái không màng tới. Ông già chừng nào qua ổng qua, có gì quan trọng.

Ái nghĩ Vũ nhỏ mọn, hẹp hòi, chỉ nghĩ chuyện được về phần mình. Nhớ hồi nhỏ ba thương Ái, Ái đau, gần giờ giới nghiêm ba cũng chạy đi tìm tiệm thuốc tây nào còn mở cửa để mua thuốc cho Ái. Ái nhõng nhẽo, Ái vòi vĩnh đủ thứ mà ba cũng chiều. Hai đứa còn trẻ, việc gì mà phải hấp tấp.

Bữa cơm Vũ kể về một người quen mới ở đảo qua. Giọng Vũ thản nhiên hờ hững. Cuộc vượt biên của thằng nhỏ này xem ra tương đối êm xuôi:

− Tàu có cắm cờ Kam-pu-chia, qua biên giới Thái Lan lại có thằng Thái Lan đưa đi. Đi như kiểu mình đi xe đò đó mà, ai có biết gì đâu. Tốn mỗi người hai cây. Cha mẹ thằng nhỏ đó cũng ở đường Trương Minh Ký, Gia Định. Nhà ông già anh ở trước đường cái lớn, nhà nó vô sâu trong hẻm. Ổng bả cũng lớn, khoảng ba anh...thấy cũng mệt quá, qua đây rồi cũng ngồi một đống chớ làm được gì! Thì ở nhà ai chẳng tưởng xứ Mỹ là thiên đường. Đi khổ sở như vậy mà cũng cứ mong đi. Mấy trại tị nạn đông nghẹt, chen chúc như cá hộp, không ai thèm nhận nữa, đuổi như đuổi hủi, đuổi tà. Đòi trả về Việt Nam, cưỡng bách hồi hương, kêu tị nạn kinh tế. Nạn hải tặc tấn công cướp của, giết người, hãm hiếp vẫn dài dài mà chính phủ Thái cứ làm ngơ. Ở Thái Lan, thuyền nhân bị nhốt trong trại cấm, mà ở trại mãi sau này thế giới bên ngoài mới hay. Còn ở Hồng Kông thì có nhiều người sống vất vưởng ở đảo hoang, phà, và công viên bên ngoài các trại tạm cư. Buồn bã, thất vọng, không biết tương lai về đâu. Cùng lúc trớ trêu thay dân qua trước bây giờ cơm no áo ấm rủng rỉnh có tí tiền thì mon men mò về Việt Nam đi du lịch...

Ái không đồng ý hết những gì Vũ nói. Ừ, ở xứ người mới biết xứ người không phải là thiên đường, nhưng ở lại làm gì có tương lai, tìm đường đi được thì cứ đi. Dù sao, có tự do, có cơ hội, cứ cố gắng là được. Ái quẳng cho Vũ một cái nhìn bất bình rồi nói:

− Tại Vũ qua năm 75 nên Vũ không biết, chớ ai mà muốn ở lại. Quê cha đất tổ mà phải bỏ đi đau đớn lắm chớ. Gặp Vũ, Vũ cũng tìm đường chui. Dù có biết qua bên này có khùng thì cũng cứ đi. Người ta nói cái cột đèn biết đi thì nó cũng đi kia kìa. Có trách là dân mình sao cứ gặp tai ương hoài. Cái nước nhỏ có chút, nhìn trên quả địa cầu trông thật khiêm nhượng vậy mà có lúc nào yên đâu. Rồi một triệu người lưu lạc tứ xứ. Nghĩ tội nghiệp những người lạc tới những nước nhỏ không ai biết. Cuộc chiến nào cũng làm đau khổ.

Nghĩ tới cảnh tù tội của ba bị đày ra tận ngoài Bắc, đói rét bệnh tật, lao tâm lao lực, xa vợ xa con, rồi khi được thả về thì cảnh cũ người xưa đã thay đổi, nhà thì chế độ mới tịch thu làm trụ sở phường khóm chi đó, vợ con thì vượt biên ra nước ngoài rồi, Ái thương tâm ứa nước mắt. Ái thương má, thương ba. Năm ngoái còn đi học, thấy má ao ước có một xâu chuỗi ngọc mà không có tiền mua, Ái thỏ thẻ hứa với má:

− Chừng ra trường, con sẽ mua cho má.

Chị Ánh chọc Ái nói đùa:

− Chắc có giốp không mà đòi mua?

Trời! Nói năng chi mà nản vậy! Đời sống kinh tế khó khăn, dân kỹ sư điện ra trường nằm dài chờ việc. Ái nhủ thầm. Cứ nghĩ tới chuyện kiếm việc là nản, nhưng thôi, học cái đã, chừng đó hẳn hay, lo sớm cũng chẳng giúp được gì. Ra trường, không có giốp kỹ sư cao thì giốp bậy bạ lương thấp gì cũng được, Ái đâu cần xe hơi mới, áo quần thời trang, hay đi nhảy đầm. Chỉ cần đủ tiền mua cho mẹ một xâu chuỗi ngọc là được.

Tánh Ái hay thương người. Má Ái kể hồi ở Việt Nam má không cho Ái ra chợ vì cứ thấy ăn mày là Ái cho hết tiền. Qua Tijuana bên Mễ chơi là có đất...dụng võ, ăn mày ngồi đầy đường, mẹ bế con thơ đỏ hỏn ngồi dang nắng ở lề đường xin ăn, ông già bà cả ăn mày da nhăn nheo, đen đúa. Người ta qua Mễ để mua sắm, còn Ái qua Mễ làm việc thiện, cứ thấy ăn mày là móc túi cho tiền, có khi đi một quãng đường rồi thấy tội nghiệp còn chạy ngược lại cho thêm.

Hàng xóm láng giềng với Mỹ mà Mễ nghèo quá, cứ qua khỏi biên giới là thấy cảnh khác xa một trời một vực. Ở Mễ, cây cỏ khô cằn, đường sá bụi bậm rác rến dơ bẩn. Ái nghĩ ông Trời bất công, cũng cùng một miếng đất mà xứ giàu xứ nghèo, dân nhà nghèo ở gần dân nhà giàu tủi thân lắm. Mễ ở Tijuana cứ trốn qua San Diego rồi tìm cách lên Los Angeles để sống lậu, nhưng dễ gì thoát được cái trạm xét gắt gao, chỉ một con đường duy nhất mà một bên biển một bên núi, thấy cái mặt nước da ngâm đen là nghi liền.

Vừa ra trường là Ái xin được việc ngay, lại gần nhà nữa, má Ái vui mừng lắm. Việc trước tiên là mua cho má một xâu chuỗi ngọc, rồi tiền lương hằng tháng sau đó Ái đem về đưa hết cho má, chỉ mỗi tuần xin tiền tiêu vặt. Má nói mới ra trường cứ giữ lấy mà mua sắm nhưng Ái thấy cũng đâu cần mua sắm gì nhiều.

Bữa cơm nhắc đến chuyện Việt Nam buồn quá, Ái nuốt không vô. Thấy Ái cứ ngồi chống đũa, khuôn mặt buồn xo, chị Ánh nói con Ái tình cảm dư thừa quá, hơi sức đâu. Chuyện ba tù tội, chị xót xa có chút xíu, cứ mỗi lần nhận thư ba, chị vội vã đi gởi tiền, mua quà cáp gởi về Việt Nam là xong, chị thực tế đến nỗi khô khan dửng dưng ơ hờ như thế đó, chị không viết thư kể lể thương nhớ ba. Ái mới là người cặm cụi ngồi nắn nót từng chữ kể chuyện đời sống gia đình bên này, tẩn mẩn lựa từng tấm hình gởi về cho ba coi, lo lắng hỏi thăm sức khỏe của ba. Có lần ba viết thư hỏi con Ánh làm gì mà không bao giờ viết thư cho ba mà Ái lờ đi không trả lời.

Cơm nước xong Vũ rủ Ái đi xi nê, Ái nói em ngồi chơi với Vũ một chút rồi phải viết thư cho ba, cuối tuần rồi hẳn đi. Ái chợt nhớ là Ái có nhiều chuyện cần kể cho ba nghe, như em Ti vừa được bầu làm công chúa hoa daffodil của trường Wilson (Princess Daffodil), theo tiêu chuẩn Đẹp và Học Giỏi, đại diện trường đi dự Daffodil Festival Parade được tổ chức hằng năm vào mùa hoa daffodil nở, loại bông màu vàng nở hình cái kèn dễ thương. Vũ lẫy hờn nói gì gì cũng ba rồi giận dỗi bỏ ra về chứ không nì nài như mọi bận. Lâu nay tính Vũ thích nghe ngọt, thích được chiều. Ái buồn rầu nghĩ giá gì Vũ người lớn một chút, làm đàn ông con trai phải dễ dãi, rộng lượng chứ ai lại hơi tí đã lẫy hờn như trẻ con. Ái đứng nơi cửa sổ nhìn Vũ vùng vằng đi ra xe, anh đi mà không thèm ngoảnh lại một lần.

Những ngày sau đó hai người vẫn tiếp tục giận nhau vì chuyện...chờ đợi ba qua. Ở lần cãi sau cùng Vũ hầm hầm tuyên bố thôi không cưới hỏi gì nữa hết. Ái cho là Vũ quá hẹp hòi ích kỷ cũng lớn tiếng nói lại...thôi thì thôi, không lấy người này thì sẽ lấy người khác, rồi sẽ có một tình yêu khác, chứ cha thì ai cũng chỉ có một cha thôi...

Nói thì nói vậy chứ sau đó Ái buồn hết sức, không còn cười nói vui đùa như trước, Ái cứ thẫn thờ đứng nơi cửa sổ nhìn những chiếc xe qua lại xem có chiếc Z280 màu xanh lục của Vũ đến đỗ trước nhà hay không, mà nhìn hoài chẳng thấy, thấp thỏm lắng nghe phôn mà toàn là phôn ai gọi cho má, cho chị Ánh, cho thằng An. Ái cô đơn quá đỗi. Mất Vũ, Ái vừa mất đi một người bạn, một người tình, một vị hôn phu. Ừ, thì cho là Vũ hẹp hòi, Vũ ích kỷ, nhưng khi yêu thì ai mà chẳng vậy, tại Vũ yêu Ái quá nên Vũ mới hối thúc, chớ đâu phải chần chờ như mấy tên cứ nói yêu thương mà chẳng bao giờ đề cập tới chuyện cưới hỏi, bọn ham vui vô trách nhiệm chuyên rủ reng hò hẹn đi chơi nhưng nói tới chuyện chia sẻ và gánh vác đời sống thì vội vàng cao bay xa chạy.

Đã một tháng rồi Vũ không gọi phôn, Vũ không ghé qua nhà. Đúng là Vũ thôi thiệt! Mà chẳng lẽ Vũ thôi? Vũ đã yêu Ái biết bao! Ái nhìn xuống ngón tay đeo nhẫn của mình. Chiếc nhẫn đính hôn, hai người đã lựa mua ở tiệm vàng Vĩnh Lợi ngày nào, vẫn còn đây, Vũ cũng chưa đòi lại. Chiếc nhẫn hột xoàn nhỏ thôi nhưng xinh xắn nằm dễ thương trên bàn tay thanh tú có những ngón thon dài búp măng. Mân mê sờ nhẫn mà Ái nhớ Vũ se thắt cõi lòng. Cả tháng nay Vũ làm gì? Ái cũng cứng đầu không chịu gọi phôn làm lành, không đến nhà Vũ. Vả lại, Ái đâu có làm điều gì không phải, tại Vũ nói dứt khoát, tại Vũ nói dẹp, nói thôi. Dù có muốn làm lành, trong thâm tâm Ái cũng chưa muốn làm đám cưới ngay, vẫn muốn đợi ba qua. Không hiểu tại sao Ái cứ nghĩ là phải có ba thì Ái mới vui, mới thấy cái đám cưới trọn vẹn, khi theo chồng đi đâu thì má có ba, Ái an tâm hơn.

Má không nói gì, bà chỉ thở dài. Con nó có hiếu thật đó, nhưng đâu phải chuyện nào mình nói nó cũng chịu nghe. Lúc đầu bà đồng ý với Ái là để Ái đợi ba, nhưng rồi khi thấy tụi nhỏ giận nhau lâu quá bà lại lo. Lo hỏng chuyện. Cái thằng Vũ coi vậy mà cũng không đến nỗi nào, gia đình qua năm 75 khá giả, con Ái lấy chồng rồi không sợ phải gánh nặng giang sơn nhà chồng! Thương con bà cũng không tránh khỏi những tính toán ích kỷ tầm thường. Tuy thời buổi này không ai còn quan niệm lấy chồng là lấy giang sơn nhà chồng, nhưng mà với ông chồng còn những nặng nợ với cha mẹ, anh em thì làm sao vợ chồng trẻ có hạnh phúc được.

Thấy con buồn, bà thương, chứ bà giúp được gì. Ở xứ này, mẹ con nương tựa đùm bọc lấy nhau mà sống chứ mẹ cũng chẳng giỏi gì, cũng chẳng kinh nghiệm gì hơn con, đời sống trăm thứ đều thay đổi hết.

Tacoma đang giữa mùa đông, bỗng dưng có một luồng gió ấm áp từ đâu thổi về, làm mấy cây anh đào trước nhà tưởng mùa đông đã hết vội vã đâm chồi nở nụ. Một chiều đi làm về Ái chợt thấy những nụ hoa li ti hồng nhạt mới hé, Ái suýt xoa lo:

− Tội nghiệp! Biết có nở trọn vẹn không, hay là vừa mới lu lú ra là bị lạnh trở lại rụng hết, đâu đã mùa xuân đâu nà!

Ái hay để ý thời tiết, cây cỏ, vạn vật chuyển mùa. Đi qua thung lũng Nisqually những sáng mùa thu thấy lá vàng óng ả, lòng Ái ngây ngất rung động, lá vàng trên cây, lá vàng rụng nằm dưới đất. Cô bạn thân Mi -Mi tài cán hơn, cô viết những cảm xúc này lên trang giấy. Cô tả nắng vàng óng ánh chiếu xuống những chiếc lá vàng. Nói chuyện hàng giờ với nhà thơ Hà Bỉnh Trung về những chiếc lá vàng này. Về mùa thu. Về những rừng thông xanh biếc của vùng Tây Bắc. Một già một trẻ nói chuyện lá vàng trong thơ văn. Qua điện thoại viễn liên. Thật thán phục! Đời sống Mi - Mi thanh thản dễ thương. Ông chồng của nó cứ chọc lương công chức tiểu bang đủ trả tiền những cú phôn đó không, em.

Hôm nay ngồi làm ở sở mà đầu óc Ái để ở đâu đâu. Tính toán bậy bạ, làm ăn như thế này, cũng tại mấy tên tình phụ tình mất, hèn gì máy bay Boeing rớt hoài! Đi chơi xa là Ái sợ mấy cái máy bay loại cứ bắt đầu bằng số bảy ( 757, 747, 737!)...

Ái vừa về tới cửa, đã nghe tiếng thằng An reo vui la to:

− Chị Ái! Chị Ái! Vào nhanh, vào nhanh đây! Có điện tín của ba nè!

Nó nói nhanh không kịp thở, không để Ái hỏi gì:

− Ngày 25 tháng sau ba qua rồi! Phải chuẩn bị đón ba là vừa!

Ái nghe mà không ngờ chuyện có thật. Ba qua? Ba qua thật sao? Thật là không uổng công Ái đợi. Lòng Ái rộn rã, trống ngực đánh thình thịch. Cái miệng của thằng An tía lia, nó cứ nhảy tưng tưng hỏi Ái:

− Ba sắp qua rồi, vui không? Vui không, chị Ái?

Ái rung hai vai em hỏi lại cho chắc ăn. Tánh An hay đùa cợt. Nhìn mặt nó khó mà biết được. Nó có thể nói thật mà cũng có thể nói chơi.

− An nói thật...? Có nói giỡn phá chị không?

Bị la oan, An phân bua:

− Ai giỡn kỳ vậy? Chị nhìn đây nè.

Thấy cái điện tín rồi, Ái mới tin, mới vững bụng.

Ai cũng vui. Ngay cả má. Buổi tối Ái thấy má nở nụ cười thương yêu khi đọc lại thư ba. Má vui thật, Ái không thể nào lầm lẫn được, má nói về căn nhà ở khu Lakewood yên tĩnh rất thích hợp cho ba dưỡng sức, có vườn rộng cho ba trồng bông hoa, rau cỏ, cả gia đình đều góp sức thì sẽ mua được. Má đã tha thứ cho ba. Ái thoáng bắt gặp trong đôi mắt má có những giọt lệ long lanh.

Chị Ánh vui mừng, chị bày tỏ theo lối của chị ấy:

− Ba qua để cho Ái lấy chồng cho rồi. Đi ra đi vô cứ thấy cái mặt như cái mâm của mày, chán quá!

Ái nghe mà không giận, vì hiểu hai chữ chán quá của chị cũng có nghĩa là chị lo quá cho em. Chị nói:

− Gọi cho Vũ đi em! Ba sắp qua rồi thì đâu có chuyện gì nữa mà giận hờn.

Lần đầu tiên chị Ánh đứng về phía Ái trách Vũ :

− Cái thằng bậy quá hà! Chuyện hôn nhân hệ trọng như vậy có gì thì nói từ từ chớ, đâu có thể nóng nảy được. Gọi đi, nó không cứng rắn như em tưởng đâu, nó đang chờ em làm lành đó. Rồi tính chuyện đám cưới cho xong. Em không gọi, để chị gọi cho, chị gọi mắng cho nó một trận trước đã.

Con gái đầu lòng không cha (có cha nhưng cha kẹt lại trong lao tù cộng sản), vì phải giúp mẹ quán xuyến gia đình nên chị khôn sớm. Chị lớn hơn Ái có một tuổi. Và rất thực tế, chị giải quyết việc gì cũng rất nhanh.

Chưa ai gọi ai thì thứ bảy đó Vũ vác mặt lò mò đến. Hai tháng trời không gặp Ái, Vũ nhớ Ái quá. Nói thì dễ mà làm rất khó. Thương yêu đậm thì không dễ gì thôi với bỏ. Vũ đành nhượng bộ đến xin lỗi Ái, bằng lòng đợi. Ít nhất trong thời gian đợi Vũ còn lui tới, gọi điện thoại, có Ái để tâm sự, để rủ đi chơi còn hơn là...thôi, để rồi không có ai thương yêu nằm queo ở nhà mục giường mục chiếu, buồn tẻ quá.

− Ái nói phải. Mình còn trẻ, cứ từ từ chờ ba qua. Bao giờ ba qua, mình làm đám cưới cũng được. Có cặp đám hỏi xong họ chờ cả 5, 6 năm kìa.

− Chờ 5, 6 năm, lâu quá! Em không chịu đâu...Tháng bảy mình làm đám cưới nghe Vũ ? Tháng bảy sinh nhật của em - Tháng bảy tây chứ không phải tháng bảy mưa ngâu, Ngưu Lang Chức Nữ xa nhau...

− Em muốn đợi cũng được.

− Không! Em không muốn đợi. 25 tháng sau ba qua rồi, đợi gì nữa? Bộ Vũ đổi ý hả?

− Vũ không biết ba qua! Ồ! Vậy thì đợi gì đâu chớ!

Ngoài kia bụi forsynthia đang nở hoa vàng rực rỡ. Lũ chim robin mập u ú bụng nâu đang nhảy nhót trên sân cỏ, như cũng đang vui với niềm vui của hai kẻ yêu nhau.

Linh Vang (Tacoma)