Vua Kinh có một người thiếp rất xinh đẹp mà vua đặc biệt sủng ái. Hoàng hậu thấy vậy cũng đem lòng yêu mến cưng chìu mỹ nhân này như con gái yêu của mình. Một hôm hoàng hậu bảo người thiếp:

- Bệ hạ bảo em rất xinh đẹp, duy có chiếc mũi hơi thộ Nếu em tìm cách che mũi đi mỗi khi diện kiến ngài thì chắc bệ hạ sẽ yêu em hơn.

Thiếu nữ ngây thơ tin lời. Mỗi khi giáp mặt vua, nàng thường dùng một chiếc khăn lụa che mũi. Vua trông thấy thế ngạc nhiên hỏi hoàng hậu. Hoàng hậu nhất định không nói. Vua gạn hỏi mãi, bà mới thưa:

- Muôn tâu thần thiếp nghe cô ta bảo rằng mồ hôi của bệ hạ có mùi khó ngửi quá! Xin bệ hạ rộng lòng dung thứ cho…

Vua nổi giận lôi đình, truyền cắt mũi mỹ nhân. Hoàng hậu chỉ chờ có thế, liền sai một người tâm phúc đang chực sẵn, thi hành ngay mệnh lệnh.

Nàng ái thiếp bị thất sủng từ đó.

Em thân mến!

Tham sân và tật đố là những thứ phụ tùng mà ai ai cũng có. Vua Kinh yêu mến nàng ái thiếp là do lòng tham lam háo sắc mà ra. Hoàng hậu hại nàng là do tâm tật đố ganh ghét. Và vua truyền lệnh cắt mũi mỹ nhân là do lòng tự ái - tự yêu mình - bị tổn thương nên đổi thành sân hận. Mối tương giao của loài người chúng ta được lập cước trên những tâm sở vô thường như thế… nên tình yêu, tình thương chỉ là những thứ tham lam, sân hận, ganh ghét trá hình mà thôi. Nếu bây giờ, có ai bảo rằng họ yêu em thì em phải coi chừng cái lỗ mũi của mình và lòng đố kỵ của người chung quanh đấy nhé!

Trong các kinh, đức Phật có đề cập đến lòng từ vô duyên - tức là tình yêu thương vô điều kiện – hoàn toàn vắng bóng sư toan tính, lọc lừa của bản ngã. Ta cảm thấy yêu thương người chung quanh vì lòng ta vắng bóng muộn phiền, nhìn người quay quắt khổ đau, ta cảm thấy thương xót nên tìm đủ mọi cách giúp đỡ cho người vơi khổ. Đó là một sự tương giao hoàn toàn vắng bặt những ý niệm về ta, của ta, không có sự đam mê nồng nàn, ganh ghét nháng lửa và sân hận lôi đình… nên hỏng có ai bị xẻo mũi hết. Muốn chiêm nghiệm và thể hiện tình yêu này, lòng chúng ta phải vắng bóng các tâm sở - tức là những vọng niệm thương ghét sanh khởi liên miên ấy - thấu rõ “mình là ai.”

Biết rõ ta là ai? Ta là gì? Rồi mới thoát khỏi lầm lẫn khi đem cái ta ấy đi yêu thương người khác, và cũng không “tá hỏa tam tinh” tim đập loạn xạ khi nghe người ta tuyên bố là yêu mình say đắm. Và khi ấy, chúng ta mới có thể yêu thương tha hồ, vô kể mà không sợ làm hại mình và khổ người. Đó chính là chỗ mà người xưa nói: “Đa tình thị Phật tâm” nghĩa là “Tâm Phật rất nhiều tình.” Do nhiều tình nên Phật mới yêu thương muôn loài… còn tâm chúng sanh chỉ có một tình yêu duy nhất, đó là lòng yêu thương độc nhất có một cái mạng mộc của mình mà thôi.

Hết