Lời tác giả

Kính cẩn tưởng niệm:

Ba mươi năm ngày mất của Bà nội

Hai mươi năm ngày mất của Mẹ

Mười lăm năm ngày mất của Bố

Và để kính lễ Đức Ngài linh thiêng,

người luôn trở lại thế gian trong những giấc mơ của tôi.

Lời tác giả cho lần xuất bản đầu tiên

Từ bé tôi luôn đau khổ với cái tên Đãng của mình. Cô giáo chủ nhiệm hồi tôi học lớp năm thì bảo tôi có một cái tên khi gọi thấy đau hết cả miệng! Nó luôn bị biến thành Đăng, thành Dũng, ngay cả khi tôi đã cẩn thận đánh vần cho người gọi, người đọc, người chép nào đó từng âm tiết một, nói rõ luôn cả dấu ngã. Vậy mà có tới 99 phần trăm sau đó vẫn cứ nhầm! Nhưng nếu chỉ thế thì cũng chưa phải quá bi kịch. Tôi suýt còn gặp nạn lớn chỉ vì cái tên có âm trúc trắc đó. Tôi đã kể điều này trong một bài viết có đầu đề Nhớ lại để cười, thuật lại căn nguyên ra đời của truyện ngắn Người khác đầy tai ương. Đôi khi tôi nghĩ, đời mình khốn nạn ngay từ cái tên.

Muôn sự chỉ tại bố. Bố tôi là người luôn muốn sơ lược hóa tối đa mọi chuyện. Đặt tên con, có gì mà phải cầu kỳ, khi nó chỉ như một thứ ký hiệu để gọi và phân biệt người này với người kia. Tên anh họ tôi là Vinh, ra đời trước mấy tháng, thì tên anh ruột tôi còn phải chọn đâu xa mà không là Quang (Vinh Quang), sau Quang là Đãng (Quang Đãng), quá thuận miệng và dễ nhớ. Chấm hết. Chả cần phải mang theo nghĩa bóng nghĩa gió nào cả.

Nào ngờ, khi đọc bộ Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan, tôi sướng phát điên khi thấy cái tên mình, khô khốc và khó phát âm thế, hóa ra cũng có nghĩa nếu luận theo tiếng Hán. Đãng, được Phùng Hữu Lan giải thích là trừ hại. Ô kìa, chả lẽ chó ngáp phải ruồi là chuyện có thật! Một cái tên đặt cốt cho có, hoàn toàn ngẫu hứng dựa theo một cái tên khác, lại mang một ý nghĩa không đến nỗi nào. Từ đó tôi cứ thấy âm ỉ một thứ khoái cảm rất trẻ con.

Nhưng phải mới đây, nhờ Cục xuất bản in và Phát hành, tôi mới nhận ra giá trị hiển nhiên của cái tên bố đặt cho, gọi là tên cúng cơm. Cục nhắc Nhà xuất bản bằng một công văn có số má đàng hoàng [1], yêu cầu Nhà xuất bản nghiêm khắc nhắc tôi không được tiếp tục dùng cái tên Tạ Duy Anh khi ký biên tập, mà nhất định phải là Tạ Viết Đãng, như ghi trong chứng chỉ hành nghề. Đã là luật thì không có chuyện du di, chiếu cố. Vốn cũng là người thượng tôn pháp luật có phần còn thái quá, bản tính lại nhát, tôi răm rắp chấp hành mà không dám có ý kiến gì. Thế là bạn bè bắt buộc phải làm quen với cái tên Đãng bị chính tôi biến thành ra lạ hoắc với cuộc đời chả ra gì của mình.

Để chuộc lỗi bất kính với cụ thân sinh, đồng thời cho bạn bè thấy, rằng cái tên Đãng cũng xứng đáng là cái tên đặt cho người, chứ không chỉ là một ký hiệu vô hồn, tôi quyết định lấy tên cúng cơm của mình, ghép thêm chữ Khấu, thành Đãng Khấu, làm tên tác giả cho lần in đầu tiên của cuốn sách này, vốn được viết để tưởng niệm ông bà hai bên, bố và mẹ, gọi là báo đáp công sinh thành, dưỡng dục, che chở, phù trợ của các cụ. Ngoài chút tình riêng ấy, chẳng vì bất cứ điều gì khác.

Nay xin kính báo bạn đọc xa gần và mong mọi người rộng lòng thứ lỗi cho sự rắc rối không do cố ý này.

Hà Nội tháng 3 năm 2017

Đãng (Tạ Duy Anh)

Chú thích:

[1] Công văn số 102/CXBIPH-QLXB ngày 19 tháng 02 năm 2016.