Tôi tên Cát. Vợ tôi : Mộng Hiền. Chớ gọi Hiền cộc lốc, trống không nàng không thích thế. Nàng đã trẻ hơn tôi những mười tuổi thì chớ lại chung thủy, sẻ đắng chia cay cùng tôi suốt một thời gian cam go đằng đẵng. Lại đã hơn 2 năm nay khi tôi thua thiệt lụn bại trong nghiệp riêng, đã nói xanh rờn và làm tuyệt hảo nu6oi phứt cả tôi và thằng trai đang học đại học năm thứ nhất. Nuôi đàng hoàng không có những kiểu "chính sách kham khổ" với "thắt lưng buộc bụng" gì gì cả. Hai bố con béo hú, phởn phợ Riêng tôi, thấy cái béo hú ấy nó thấm tẩm vào cả đầu óc mình. Sự suy nghĩ hình như cũng nùng nục ra, ngắn chùn đi. Mà có lẽ như thế tiện mọi nhẽ. Nghĩ ngợi làm gì, nhớ nhung làm gì cho nó hao tổn cái "miếng da lừa" đời mình vốn còn mấy tí. Trong khi nội cái bể tình vợ chồng mang tính thuần dưỡng ấy thừa đủ để phỉ chí bơi lội đầm đìa thỏa thích rồi. Cũng phải nêu rõ : Cái tình chồng vợ trong đó sự "nể", sự "phục", sự "lụy" đã theo nhau ào ạt chèn lấn rồi phủ trùm kín mít đến mấy tầng, đến không thể thở được cái sự "yêu" từ đời nảo đời nao rồi. ấy vừa là thực trạng, vừa là định hướng hành động vậy. Do đó, 29 Tết, tăm tắp tháp tùng nàng lên tận chợ Bưởi, phiên chót, áp tết, là đương nhiên. Chẳng biết thánh nào, giá nào, mẫu nào đã giảng dụ thủ thỉ vào đôi tai chay xệ vì đeo đôi tòng teng to xấp xỉ cái các-tút 12ly7 của vợ tôi rằng : Muốn sang năm mới tài lộc như nước, lại liên tục phát triển nữa, thì trước giao thừa phải rước kỳ được một Tiểu Hổ hội đủ 5 quý tướng về nhà. Diễn nôm na là phải mua kỳ được một "cậu" Mèo Lộc : đầu tròn, người tụ, hai rẻ quạt ria áp má, mặt phủ, bàn chân dày tròn như viên bán trôi bẹt... Thân tôi tuổi 53, ngây ngất loạng quạng quanh đi vòng lại trong mê lộn chợ mèo ngày Tết. Đậm đà bản sắc dân tộc hay không thì tôi không hiểu, cũng không dám vói nghĩ tới. Nhưng âm thanh và mùi mẽ thì tôi cảm nhận được, và đi lại trung thành được. Tiếng mèo, tiếng người. Mèo đơn điệu, chỉ thể hiện một trạng thái : phẫn uất trộn bất lực. Người thì đủ vẻ : mồi chài, cò kè, cành cao, vây vo, kích đểu, uyên bác, lẩm cẩm : Nói ngọng, lẫn lộn "lờ", "nờ" nhiều. Nói tục tương đối, nhưng chỉ ở mức những từ phổ cập khiến không khí sinh động hơn, rất đời. Điểm xuyết vài lời thanh cao rất muốn được lắng nghe nhưng lại quá khẽ, khàn, run run nữa của đôi ba ông cụ chống can, ngậm típ, chỉ đi ngắm chợ, tỉa tót ngôn, thưởng xuân chay, tịnh không màng tới mua bán. Vài mùi : mùi mèo, mùi phân mèo, mùi người, mùi mồ hôi tập thể, mùi nước hoa đủ cấp, mùi kẹo mềm bạc hà lẹp nhẹp trong miệng để tự tin hơn, mùi cơm hộp ăn dở buổi trưa.. Chợt nghe tiếng Mộng Hiền gọi là reo hay rú đều được : - Đây rồi, đây rồi ! Mình ơi... Các già ơi. Tôi dật dờ vịn theo tiếng nàng mà đến. Nhưng mà phải rúc ráy, chen lấn qua cả mấy vòng người ken xít. Khi thấy được "cậu" tiểu hổ "xịn" ước muốn của vợ tôi thì tôi chỉ còn chạm đất được một bên chân, chân kia phải gác ghếch lên ai đó thì mình không thể biết mà họ cũng chẳng haỵ tôi đứng như một vũ công thứ thiệt, ta lùng bùng nghe cuộc đấu giá đang đến hồi mưng tấy tột độ. Cách mặt vợ độ hai mét mà nêm kín những đầu người khoảng giữa, tôi thấy nàng trợn mắt muốn nứt kẽ, hô : Hai triệu rưỡi ! Cả thớt người như bị đằn xuống, ắng đi. Tôi nghe một cảm xúc thiêng liêng trong mình cùng tiếng vo ve của một con ruồi mùa xuân đâu đó. Thứ tiếng eo éo rất "công công" của gã chủ mèo cất lên : -... Hai triệu rưỡi lần thứ bạ "Xì tốp" ! Xin chúc mừng quý bà, tân chủ "vé-rì-nai" "vé-rì-rích" của Đệ Nhất Miêu Đế chợ Bưởi năm nay. Miệng nói, tay gã gỡ chiếc lồng xì son thếp thổi nhủ, trong đựng con mèo Lộc đủ cả lệ bộ dây xích mắt nhỏ mạ vàng, vòng cổ da hươu mịn mượt đính chiếc lục lạc mạ bạc trổ bốn chữ triện : "Vạn sự như ý", trao cho Mộng Hiền. Vòng người rã ra, xuỵt xoạt hậm hực tí chút rồi vô tư hòa tan vào cảnh chợ tứ bề. Chiếc lồng mèo đến tay tôi, khi bên kia, vợ tôi móc ba cặp tiền ra, loạt xoạt đếm rút. Rồi gã chủ mèo lè lưỡi rất dài, thấm nước miếng liên tục vào những đầu ngón tay miết miết, đếm lại. Tôi rủn gối, muốn khuỵu xuống trong niềm tự hào về vợ mình, chợt sợ làm bẹp hoặc xước chiếc lồng mèo, bèn hít một hơi rõ dài, gân cốt được kích néo trở lại. Thì nàng bước tới, đặt vào tay tôi một tờ 50 ngàn sáng ánh như một lưỡi dao lam lớn : - Đây, công xe ôm của mình đây nhá ! Em bắt được thằng cha lại quả đấy... Còn đây nữa này... nó thêm cho mình nữa đấy. Tôi đẩy tờ bạc lớn vào túi quần không có gì của mình, rồi nhìn tay kia vừa chìa ra của nàng. Một con mèo nữa, màu tro lấm láp, khóe mắt mỗi bên vón một cục dử tưởng, đang phập phồng thở gấp và khe khẽ ưu ư? như rên : Sự nghĩ, sự nhớ ngắn chùn của tôi chợt vươn ra được một đốt. Tôi nhớ tới một người và một con mèo. Chậm bước bên người vợ đang hân hoan tận hưởng bao ánh mắt trầm trồ nơi chợ Đời ngày xuân, tôi thẽ thọt thăm dò : - Này, em a... Mộng a... (Riêng tôi, được nàng ưng gọi tên nàng trống cộc một âm tiết thế, nhưng phải là "Mộng")... Con mèo thêm này trông nó cứ như cái dẻ lau cũ vừa ném vào xó nhà ấy nhỉ... - Ô hay, cái nhà anh này, ăn với chả nói... Thì rồi mình phải tẩm bổ cho nó chứ. Của thêm là của được chứ lỵ. - Là ý tôi... sợ là mình bị phân tán tình cảm, không dồn được hết vào cho "cậu" Lộc này này... Mà nhỡ ra, "cậu" ấy lại ghen, lại hờn. Đừng có đùa nhá, giống "cậu" ấy là tinh lắm đấy. Nhất là tinh tướng "cậu" này... Vậy... tôi mới nghĩ hay là để... tôi mang con mèo thêm kia xuống... xuống cho à... à quên xuống biếu bà Thảo, Mộng xem... Không ngờ, vợ tôi reo lên ngay, nhân hậu và trong trẻo : - Ô ! Đúng quá, phải quá... Có thế mà mình cứ ậm ự mãi. Để tâm san phúc cho người khác phúc đẳng hà sa tới mình. ấy Mẫu đền Thượng Vị hằng thường giáo dụ chúng con công đệ tử bọn này thế đấy. Ô-kê ! Em hoàn toàn nhất trí. Mình, mình đáng yêu lắm đấy, biết không ? Vợ tôi liếc xéo sang tôi, tình tứ, lúng liếng, và búng hai ngón tay đánh tách một cái rất giòn vào sát mũi tôi. Em ngoẹo đầu, nghiêng sang tôi, y như những ngày đầu, y như cả một thời cam go đằng đẵng đã có. Tôi, rưng rưng trong lòng, lén khẽ nắm một bên tay vợ, thấy mồ hôi mình ươn ướt tứa ra tự lúc nào. Một Hiền chợt thẳng đầu lại, nói tiếp : - Mà này, Cát già ơi, mình anh xuống bà Thảo thôi đấy nhá... Dẫu sao thì cũng là bên đằng nhà anh, đúng không ?... Chứ nhà bá ấy thế, cảnh bà ấy thế, em mà cũng đến nốt sợ... xúi quẩy, vận áo xám quấn vào nhà mình thì bỏ mẹ. Thế nhá ! Tôi nén một nhịp thở dài thành tiếng, nhả đáp lời em như máy y giọng của những người lồng tiếng trong một bộ phìm truyền hình lê thê nhộn nhạo một dạo : - Tất nhiên rồi ! "Hừ, hình như tên phim là "Cái gì... cũng khóc" ấy ".o0o "Cậu" Lộc đế xứng với lời Mẫu nhủ vợ tôi. Chiều qua, vừa rước "cậu" lọt cửa nhà, thì khách ập vào. Một nhóm bạn hàng thân cận của Mộng Hiền đến "Tết" trước bà chị. Khách về, gỡ các băng dính kiểm kê : trừ hoa hoét, tổng giá các vật phẩm và ngân lượng trong phong bì thì vừa vặn tròn một... "cậu" Lộc : Hai triệu rưỡi. Vợ tôi, mặt tái đi, mắt long lanh lên, thoăn thoắt thắp nhang, tra nhang, dâng nước, dâng rượu, lầm rầm tay chấp đầu cúi, chỉ nghe thấy những tiếng "xịp... xịp... " gần như nghẹn ngào, hồi lâu. Lúc quay xuống, thấy những ngấn nước mắt còn chưa khô trên má. Quan sát tôi, tự dưng khẽ rên rít lên : - "Thấy chưa ? ứng khiếp chưa ?... " Và sáng nay 30 Tết, tôi vừa mở cửa định đi đổ rác thì đụng một thằng bé với chiếc hòm đánh giày sau đôi kheo chân, bó gối ngồi chực từ bao giờ. Cánh cửa xếp vừa đẩy kịch cỡ, nó đã đứng dậy, cười rất tươi mà không hề toát khí nịnh : - Bố có giày cho con đánh. Con đánh lấy may tất niên, không lấy tiền của bố đâu ạ. Tiếng nó lảnh lót, thổ âm một vùng trong, không xa. "Sự lạ" - Đầu tôi mới lóe thầm được có thế thì đã nghe tiếng vợ thì thào sát tai : - "Khéo không nó lại "dọn" quang nhà bây giờ đấy. Thì cứ đưa giày cho nó đánh, rồi cứ đi đổ rác đi. Em trông cho đây rồi, đi... " Tôi đi, khi quay về đã thấy thằng bé cặm cụi, hì hụi những động tác đã quá quen mắt, khỏi tả. Mùi xi thơm thơm, xi ý "xịn", tôi biết. Bên chân nó đã xếp hàng ba đôi giày dép nữa : 2 đôi của vợ tôi, một đôi của thằng con tôi. tôi ngước lên, gặp mắt nàng chào hất khẽ một nhát, tôi hiểu : ánh mắt bàn giao "Anh trông đấy nhé !". ít nhất, giờ đây, tôi cũng được một mình, thanh tĩnh để ngắm nghía thằng bé. Tóc hoe, mắt xếch, mũi hếch, môi cong... những đường chỉ vắt chéo hình chữ X viền c63 tay áo đông xuân Tàu cũ kia nữa... Quái ! Mình đã thấy, đã gặp ở đâu nhỉ ? Chịu, đường trần ôi rất dài, người trần ôi quá nhiều... chịu thật sự. Có tiếng rơi chạm nước thánh thót đâu đó, ý nghĩ của tôi được gợi, thành khuôn : "Nỗi nhớ là cái thứ mà đối ai cố rặn ra được". Thằng bé đánh giày chợt nói, mặt vẫn cúi úp : - Đôi giày của bố này một chiếc đen, một chiếc nâu... Có lần con đã đánh đánh một đôi y như thế. - Ừ, đợt ấy họ bán đại hạ giá mà, chen mua như cướp... Được chiếc đen chiếc nâu là maỵ Có ông lại bị hai chiếc đều một bên chân mới khốn chứ. Thằng nọ vẫn giữ mạch chuyện của nó : - Con nhớ mà, bữa ấy tối, trời mưa, con đánh giày cho một ông cùng trú mưa mà, ở đầu cái ngõ gì có cái... - Ừa... thế à... - Tôi ngáp. Đêm qua, gần 2 giờ sáng tôi mới được thiếp đi vì dọn dẹp nhà cửa và ổn định nơi đặt lồng của "cậu" Lộc, sau đến 5, 6 lần xin âm dương, chọn hướng, chọn xó của vợ tôi. (Mỗi lần phải chờ cháy gọn một nén nhang). Vừa lúc, Mộng Hiền ra, vừa sửa quần áo vừa cười cợt nhẹ nhõm : - Này ông nhõn, may mân ra thế thì liệu mấy tiếng xong từng này đôi giày. Thôi, nhảo tay lên nhá, bọn tao đi cả bây giờ đấy. Lấy may hay lấy tiền thì cũng phải còn cho bọn tao đóng cửa chứ, chú mày. Thằng bé thoáng ngẩng lên, không cười, "vâng" một tiếng vẩn nhẹ, và từ ấy, không thốt thêm một lời. Chỉ cắm cúi, hì hụi nhanh hơn, nhưng vẫn rất kỹ càng. Rồi cũng đến lúc nó thu dọn đồ lề, đứng lên. Nó cười, không tươi như lúc đầu, ý chào. Vợ tôi, trong tay đã sẵn, xìa ngay ra một tờ 10 ngàn, nhét ngay vào túi nó, rồi rụt ngay tay lại, xua tía lia, giọng ngân như hát : - Chỉ đánh lấy may không lấy tiền ý à... Khỏi cái trò bố thí ngược ấy đi, đàn em cơ nhỡ lang thang của chị ạ, xin cảm ơn. Này nhé, 2000 đồng một đôi chứ gì, 4 đôi vị chi là 8 ngàn nhé. Khỏi trả lại, mừng tuổi chú mày luôn. Bai nhé ! Thằng bé không trả lời lại gì cả. Nó xuôi tay, gập lưng cỡ 45 độ, chào hệt lối trong phim Nhật Bản hay Hàn Quốc, đáp rất ma cuội : - Con xin bố, con xin cô ạ ! Mộng Hiền ngửa cả người ra, cười phe phé, sướng. Hơn đứt một lời khen "trẻ lâu" còn gì. Còn tôi, tôi nhìn theo thằng bé, thấy mặt nó có một thoáng quay lại trước lúc rẽ ngoắt khuất đầu ngõ. Chắc là mắt tôi lão hóa rồi, sao cái mặt nó lại vừa nghiêm, vừa gian gian thế nhỉ ? ... 10 giờ rưỡi đêm. Tôi y phục chỉnh tề, ấp con mèo tro trước ngực, thả bước thung dung, xuống nhà bà Thảo. Lại được một mình, thanh tĩnh, dẫu giữa bao người xe đang nườm nượp, tươi vui trẩy đón giao thừa.o0o Bác Thảo là chị mẹ tôi. Lúc còn nhỏ, tôi yên chí là chị ruột, sau hóa ra chỉ là chị nuôi. Mẹ tôi là con một. Nghe người ta bảo con một khó toàn, ông bà ngoại tôi mới về quê đón bác ra, nhận làm con nuôi. Bác lớn lên, ăn, ngủ, chơi, làm những việc vặt cùng mẹ tôi, chỉ không được đi học như mẹ tôi thôi. Đầu tiên, duy có mỗi cái khác ấy, sau, năm tháng xâu chuỗi vào bao nhiêu cái khác nữa. Mẹ tôi lấy chồng, bác về lại quệ Kháng chiến bùng nổ rồi hòa bình lập lại. Chị em gặp nhau thì mẹ tôi đã một đàn con, bốn đứa, bác kể : Chồng bác chết ngã nước, hai đứa con, một thương hàn, một uốn ván chê bác nghèo bỏ đi cả. "Bây giờ, tôi chỉ cô chú với các cháu trên này... cho tôi tựa cái tình, tựa cái tâm... ". Bác bảo thế, cười, răng đen, hiền khô, không nước mắt. còn mẹ tôi khóc vùi. Không ngày nào trên đường đi dạy học về mẹ tôi lại không ghé vào sạp hàng hương của bác ngay mé đầu chợ. Không Tết nào, bác không lên nhà bố mẹ tôi từ 28, 29, ngâm đỗ, ngâm gạo, gói bán, gói bánh tận xâm xẩm chiều 30 mới về nhà riêng mình. anh em chúng tôi lại đưa bác về cùng dọn nhà, bày bàn thờ Tết nơi nhà bác. Đến khi lần lượt anh em chúng tôi lấy vợ, lấy chồng, sinh con thì chẳng cô cháu dâu nào không được bác lên giặt giũ cho cả tháng đầu; chẳng đứa cháu sơ sinh nào không được bà bế ẵm nâng giấc cho hàng tháng trời. Cứ thế, cứ thế cho đến khi bà yếu, lưng còng gập, không ra chợ được nữa còn hóng chút khách quen đến mua tận nhà, thoi thóp dăm ba bó nhang một ngày. ấy cũng là lúc mẹ tôi sau khi nghỉ hưu được mấy năm, bị cảm, ngã, chịu di chứng não, nói không rõ, đi không vững nữa. Việc qua lại thăm nom bà Thảo chuyền sang anh em chúng tôi. Nhưng ba đứa em tôi, đứa công tác đối ngoại đi nước ngoài như điên, đứa kỹ sư cầu đường bươn chải trên từng cây số khắp mọi miền tổ quốc, đứa lấy chồng xa bằn bặt ngút mùa. Rốt cuộc chỉ còn mình tôi thực thi việc ấy. Cũng thỉnh thoảng thôi, lại cũng chỉ chớp nhoáng đảo nhoàng thôi. Vậy mà cũng đã thấy gồng mình cố gắng đến cùng rồi. Cho nên, tôi mừng khôn cùng, khi thấy một chiều, bà Thảo lọ mọ đội nón chống gậy lên tôi, trong tay ấp ngực là một con mèo nhách, thả xuống, liêu xiêu đứng, lẹo dẹo đi, tam thể nhợt nhạt, đen, nâu, xám. Bà khoe : tự nhiên thấy nó ở trong nhà rồi nó không đi đâu nữa, mà cũng chẳng ai đến tìm, đến nhận. Tôi ướm : - Thế bà không sợ "mèo đến nhà thì khó" à ? Bà cười : - Ôi dào, tôi thì còn khó đến đâu được nữa cậu. Mà này, nói cậu biết để bụng nhá, cái cây đậu khế côi trồng làm giàn trước cổng ấy, mấy năm nay rồi chỉ ngụt những lá, có nó về được mấy ngày, giờ trổ quả lúc lỉu cả. Vậy có hay không chứ ? - Hay đấy nhỉ. Cái con mèo này đến là gặp may, mà bà cũng thế, cái cây đậu khế cũng thế. Vậy bà đặt tên nó là con Hên đi. Hên là may mắn ấy mà. Bà ưng ngay, mắt ngước nhìn tôi đầy vẻ biết ơn : - Cậu thông văn tự có khác, ý nghĩa quá, hay quá! Nào, Hên, miu, miu, miu, ra đây với bà nào... Từ đấy, trong căn buồng hẹp nhà bà có một khay riêng đặt một chén cơm, một chén nước, ngày thay ba lần cùng một niêu con cá kho khô sem sém lúc nào cũng lưng lửng sẵn cho con Hên. Tối, nó cuộn trong lòng bà, ngủ. Bà có cả một chiếc khăn xinh xinh dành riêng để lau mép, lau ria cho no sau bữa ăn. Bà có cả một cái ấm gió cũ, sửa khéo lại thành cái ổ nằm mùa đông cho nó... Bẵng đi, lâu lâu, chợt nghe tin bà ốm. Tối ấy, tôi mới thu xếp xuống được, hộp sữa cân đường trong tay là từ ví Mộng Hiền. được biết bà nằm bẹp đã hai ngày nay vì... con Hên đi lạc đâu không về đã ba hôm rồi. Nghe bà thều thào, cứ "Hên ơi, Hên ơi ời... ". Tôi rối cả ruột, cố nén dọn cho bà dĩa cá khô để phần mèo, bắc niêu đảo lại cho nóng, vì bà bảo : "Cậu làm ơn giúp tôi, nhỡ, nhỡ bây giờ nó về không có cái ăn nóng, nó lại bỏ đi... " Sau, tôi cũng pha được cho bà một cốc sữa nóng và ép được bà uống hết. Rồi tôi cũng phải về. Vừa ra đến đầu ngõ thì cơn mưa bất chợt ụp xuống. Chiếc vét-tông nhung "hàng thùng" là Mộng Hiền vừa sắm cho tôi, nàng dặn : "Anh mặc đi phải giữ, nước mưa vào là nó chết nhung đấy". Tôi nhảy đại vào hàng hiên nhà hàng karaoke ngay đấy suýt đụng phải một đứa nhỏ ngồi bó gối lum lum áp góc trong thềm... à ! Thôi, tôi vụt nhớ, đúng là cái thằng bé đánh giày sáng nay rồi. Đúng ! Tóc hoe, mắt xếch, mũi hếch, môi cong. Mà thằng bé đã chẳng nhắc lại rất nhiều là gì... đôi giày chiếc đen, chiếc nâu... trời mưa... đầu ngõ... Ôi ! Tôi đã lãng trí, vô tâm biết chừng nào. Bây giờ thì mọi điều hôm ấy hiện lại tiếp tục rõ mồn một trong đầu tôi... Thằng nhỏ kéo hộp gỗ ra tán tỉnh tôi cho đánh giày. Lần lữa một hồi, rốt cuộc, tôi xuôi. Nó không thể biết, tôi không muốn ngồi yên để cứ như là buộc phải lắng nghe một tiếng mèo kêu đã thấy. Cuộc đánh giày trong hàng hiên đã diễn ra trên nền âm thanh tiếng mưa tẻ nhạt và... văng vẳng một tiếng mèo "ngoao nhoao" yếu ớt, rền rĩ, lúc khoan lúc nhặt, đâu đó, có thể rất gần. Tự nhiên, tiếng mèo ấy như một ám ảnh, như một cái bĩu môi, như một bụm nước bọ khinh miệt nhổ toẹt khi mình vừa đi qua, tôi muốn đánh trống lấp tiếng mèo đó. Và thực tế là để tiêu thì giờ, để đỡ canh cánh nghĩ cách sao giữ được không dính mưa chiếc áo nhung mới, đôi giài mới đang đánh đây nữa, tôi đã rỉ rả nói với đứa bé đánh giày về bà bác tôi, về ngôi nhà gần đây của bà, về con mèo vừa lạc, về ý tưởng sẽ nhanh chóng tìm mua cho bà một con mèo khác, và cũng sẽ rất nhanh chóng mang xuống cho bà... Đang vậy thì có chiếc xích lô lừ lừ đi quạ Tôi vội la lên, vội trả tiền thằng bé, vội xỏ đôi giày còn đang đánh bóng dở, vội nhón gót, nhún ba bốn bước hết sải chân, tót lên thềm xe, thu chân, buông bạt, rành rọt và to tát thông báo địa chỉ của mình cho người đạp xích lô trong một cảm giác trút gánh thanh thản. Vậy mà thoáng cái đã gần nửa năm trôi qua rồi. Không phải tôi quên. Công việc của một gã "Ôsin đực" như tôi đâu có giản đơn. Mộng Hiền gặt hái nhiều, tiếp khách lu bù tại nhà. Mỗi khách một khẩu vị cho cả ăn lẫn uống. Thằng con tôi đi học thêm tiếng Nhật và ma-két-tinh, kín mít thời gian và hao nhiều calo, cần nhiều món bổ dưỡng thích hợp. Rồi cái trần gác hai nhà tôi lại nứt, mưa dầm là dột, tôi vốn là một chuyên gia chống thấm có hạng. Thế là trông nhà, đ chợ, nấu nướng, chạy hàng và loay hoay một mình chống thấm cho chính mình. Sáu tháng quần quật, lao động tự phục vụ cho gia đình nó có những niềm vui chân chính không thể tả, ai không làm, ai không thiết tha với gia đình, không hiểu nổi nó. Cái tế bào xã hội mang tên "Cát - Mộng Hiền và con" này là một tế bào đã 12 năm liền giữ vững danh hiệu "gia đình văn hóa mới" của phường, đang vững bước tiến lên con đường giàu có, văn minh, hiện đại. Dâng hiến cho một sự nghiệp như thế, đâu có thể không hết mình. Vì vậy, nhắc lại, không phải tôi quên bà Thảo, đừng nói thế phải tội. Tôi đã để lại số điện thoại nhà tôi cho cả 4 bên hàng xóm nhà bà, có gì cần gấp là họ sẽ gọi cho tôi tắp lự. Vì vậy, tôi yên tâm, chắc mẩm bà đã khỏe lâu rồi. Ai lại đi ốm mãi vì một con mèo lạc được. Mà mèo nữa... thì đây, nó đang trong tay tôi, trong ngực tôi để đang đi xuống bà đây. Con mèo Tro (tên theo sắc lông của nó) vợ tôi mới thêm được hôm qua, tối qua đã hút ngon lành cạn cả bát sữa đầy mà "cậu Lộc quệt ria qua loa rồi bệ vệ từ chối. Nó đang ngoan ngoãn, ấm áp, thỉnh thoảng "meo meo" nũng nịu và tin tưởng, cùng tôi xuống mừng giao thừa bà đây... còn gì.o0o Hàng dậu nổi lên giàn đậu khế tươi tốt của nhà bà kia rồi. Trong nhà sáng choang, hương nhang tỏa thơm thoang thoảng ấm cúng ra cả ngoài này. Từ ngoài dậu tôi đã thấy dáng bà đang loay hoay nhanh nhẹn bày bàn cúng giao thừa ngoài thềm. Dáng ấy cho thấy ngay bà khỏe và vui trên mức nghĩ của tôi nhiều lần. Tôi chậm biết, lòng chợt nao nao chút gì đó không rõ ràng... Rồi cành cạnh cộm lên : sao mình với bà chợt xa xôi quá thế. Vừa lúc, thấy bà ngừng tay vươn vươn mặt trên cái lưng còng, ngóng ra cửa, như bà linh cảm thấy tôi. Tôi bước hẳn vào quầng sáng, bà cuống quýt trên thềm reo : - Ô, đây ! Lạy trời, cậu Cát xuống đây rồi đây này. Con ơi, Hên ơi ra đón cậu này. "Sao ? con Hên về lại rồi ư ? Và nó biết nghe tiếng bà đến thế kia ư ?... " Đúng ! Con Hên kia rồi, đang đủng đỉnh uyển chuyển bước ra, lông ánh mướt ba sắc đen, nâu, xám, đẹp thâm nghiêm, sang, sạch như một ý nghĩ đã trải nghiệm. Tôi ngồi xuống đón nó, vuốt vẹ Nó dụi vào tôi thân quen, không hề hấn gợn gạo. Và tôi nhãng ý, tụt tay, con Tro từ ngực tôi tuột xuống, đậu đất. Hai con mèo đứng cạnh nhau, hay thế, cũng không một chút thăm dò, xa lạ. Nhưn gkìa, tôi rời tay ra khỏi cả hai con mèo, đứng xốc dậy. Từ nhà trong, một thằng bé vừa chạy tót ra, vòng tay, khom chào tôi rất dáng, giọng lảnh lót : - Con chào bố ạ ! Tóc hoe, mắt xếch, mũi hếch, môi cong... Thằng bé đánh giày sáng nay, sáng nay và sáu tháng trước. Tôi cố chào nó tự nhiên, lại cố chưa lập tức hỏi tên gì. Theo cài đà cố tự nhiên ấy, tôi định bước thêm vào nhà trong cũng không biết là để là gì. Thì thấy tay bà giật vội tôi : - ấy, cậu, khéo không giẫm vào pháo của cháu nó đấy. Tôi nhìn xuống : Hai dẫy khoảng hơn mười nắm đất tròn lum lum như những niêu đất con úp xuống còn ươn ướt. Tôi biết ngay, nhớ ra ngay, mắt tự dưng cay cay, người sởn gai. Câu đồng dao từ thời thơ ấu thơ vang lên "pháo tập tàng, cả làng chịu chưa", cái giọng ra oai con nít ấy như đe dọa thật sự tôi, làm tôi e sợ. - Bà yên tâm, con nhìn thấy rồi... Chỉ ít phút sau, nơi bàn nước, trà nóng, mứt, bánh, thuốc lá nữa, được bày ra. Tôi rút một điếu thuốc, châm lửa. Thằng nhỏ cũng cười lỏn lẻn, làm một điếu, bụm môi, bập bập, phà vội hết khói, bà ưng thấy nó thế. Trong khói thuốc, hương trà, tôi lắng nghe khi lập cập tiếng bà, lúc liếng láu tiếng nó, câu chuyện về con Hên từ lúc tôi nhảy lên xích lô, ra về tối ấy. ... Chiếc xe chở tôi đã khuất đầu đường nhưng tiếng mèo ngoao ngoao văng vảng vẫn không dứt. Thằng bé xếp hòm đồ rồi lội mưa ra thẳng chỗ góc tường mấy ông bà công ty môi trường đô thị để dụng cụ, gỡ mượn tạm cái sào thông cống vác chạy về. Nó đến cái khe hở chỉ khoảng nửa gang tay giữa ngôi nhà cao không chung tường với bên nhà hàng karaoke, áp tai, cố định vị cái tiếng mèo gào to hơn hẳn, khe khẽ lùa cái sào dài thượt vào, khe khẽ khua quẹt hồi lâu... nghe "bập" động, cảm một sức bám chặt nơi ngọn sào, nó lại lựa thật khéo, thật thong thả, từng tý một, rồi rút dần sào ra. Hết ngọn, con mèo lướt thướt, móp máo, lả vào tay nó như chiếc lá bánhtrong sọt rác - con Hên đấy ! - Khoảng gần tiếng đồng hồ ngoài mưa, thằng bé cũng ướt hết. Nó ấp lấy con mèo, gỡ chiếc giẽ bông đánh giày, bao lau hồi lâu. Vừa lúc mưa tạnh. Nó lóp ngóp đi vào trong ngõ, toan gõ cửa từng nhà, hỏi xem đâu mất mèo thì trả cho người ta mà cũng còn để kiếm một chỗ hơ tạm quần áo và xin ngủ nhờ lại một đêm, vì khuya rồi, nhà trọ lại xa, mưa có thể lại sắp trút xuống. Thì vừa lúc bà Thảo lập cập ra. Bà vừa uống sữa xong, ngấm, thấy gượng dậy được lại mưa tạnh, thế là chống gậy, quyết ra hẳn đường tìm gọi con mèo một lần nữa. Bà bảo bà nằm ở giường trong nhà mà cũng cứ rõ ràng nghe thấy tiếng nó kêu ở đâu xa lắm. Thế là bà cháu gặp nhau, cùng nhau về nhà, vừa vào nhà thì trời lại ụp mưa xuống. Nó về ở với bà từ đêm ấy. Bà cũng gọi nó luôn là thằng Hên, lại không quên không ngớt khen công lao tôi đặt cái tên ấy rõ hay, rõ "rất là có ý nghĩa vô cùng lắm đấy". Còn tên trước của nó xấu lắm, tội lắm, chẳng nhắc lại làm gì.. Tôi đăm đăm nhìn hai cổ tay áo đông xuân Tàu cũ của thằng Hên lại bồi hồi... ngày xưa, dễ phải đến 30, 35 năm trước, khi những viền cổ tay áo đông xuân cũ của tôi đã rách xơ ra, bác Thảo bao giờ cũng lấy kéo khéo léo cắt cho bằng bặn lại, rồi ngồi viền gấp bằng những đường chỉ đôi khâu vắt hình chữ X đều tăm tắp như máy. Bây giờ, n7i đây, nhà bà, tôi mới nhớ ra. Sáng nay, nhà tôi, đã nhìn thấy mà tôi chịu. Sáng nay cũng chính bà vẽ đường, nói địa chỉ cho thằng Hên "đến thăm" hai vợ chồng tôi đấy chứ. Nhưng bà bảo : - "Cậu mợ ấy nhiều công to việc lớn lắm, con không được để cậu mợ ấy bận tâm gì đâu đấy nhá. Mà... Tết, thế nào cậu ấy chả xuống với bà, chưa Tết nào cậu ấy thiếu đâu. Không tối 30 thì sáng mồng 1, nhất định thế mà". Bây giờ thì bà cười, phô cả hai hàm răng đen : - Đấy, Hên xem bà nói có đúng không ? Thằng Hên cườn nhăn cả mũi, nó chỉ vào cành đào to đẹp cắm trong cái hũ sành đựng muối tích trữ của bà : - Con đố bố cành đào này con mua bao nhiêu. Đào vét, rẻ ợt, con chờ đến tận vừa rồi mói rinh về đấy. Tròn mười ngàn cô cho con hồi sáng đấy ạ. Công đánh bốn đôi giày và hai nghìn đồng "thưởng" thêm, cành đào đẹp mà rẻ đến không ngờ. Tôi ắng đi, rút thêm điếu thuốc nữa, nhưng chưa kịp châm thì... tiếng đồng hồ, tiếng chiêng trống ào lên. Giao thừa rồi ! Thằng Hên nhảy phắt vào nhà trong, lẹ làng cả hai tay lượm những vụ trái pháo đất chạy ra thềm, vung rất điệu nghệ đập xuống nền gạch lát. Những tiếng pháo nhịp đôi vang động, sáu đôi 12 trái cả thảy. Bà bảo : Cho nó đủ cả 12 con giáp. Thằng Hên thêm : Mà đất sét con ngàu vẫn còn thừa đấy, bố ạ. Lấp ló ngoài dậu, nhiều gương mặt trẻ con, cả người lớn nữa đổ sang, ngó vào. Toàn những gương mặt hàng xóm quen thuộc, rạng rỡ, vui tươi. Có cả những tiếng vỗ tay vô tư, bộc phát "Đáng hoan hô quá đi chứ. Pháo ở nhà bà Thảo, pháo của thằng Hên giao thừa này là thứ pháo, thứ tiếng nổ không cần tiền và ngoài lệnh cấm". Tôi thoáng bỡ ngỡ khi thấy những lời rành rọt vậy tia ra vang động trong đầu mình, rồi thấy tự thú vị, yên tâm, lại còn tự thấy yêu yêu mình hơn chút đỉnh. ... Thoáng hương bay ít nhiều thấy như gần như xa, một lời, một dáng Mộng Hiền : - "Mình, mình đáng yêu lắm đấy, biết không ?"... Em nghiêng sang tôi y như những ngày đầu, y như cả một thời cam go đằng đẵng đã có, đã qua... Mắt tự chớp mấy nhịp, tay dụi mắt mấy cái, thấy... Giờ đây trước mắt, bà Thảo ngồi xếp bằng chĩnh chện giữa giường, thằng Hên đứng khoanh tay đằng sau. Trong lòng bác tôi là con mèo thêm, con Trọ Hai tay bà đang vuốt ve, ấp nó. Bà cười, khe khẽ nhủ : - Bác cháu cậu ham pháo, quên cả. Tôi mà không ôm giữ con mèo này thì pháo nổ thế, nó hoảng khéo nó chạy mất tăm rồi, nhỡ ra lại lạc, lại kẹt tường, kẹt khe đâu đấy thì khổ. Nó mới đến, còn la... Chứ như con Hên đây này, đấy, có họa là động đất cũng chẳng làm sao. Nó biết là nhà nó lâu rồi mà.