Đánh thức bởi tiếng reng, mắt nhắm mắt mở, tôi chụp cái phôn và nghe Nghiêm than:

-Lạnh quá, Bích Chuyên ơi!

Tôi kêu trời và nói với Nghiêm chỉ mới giữa tháng tám, chẳng lẽ mùa hè tàn rồi hả. You có biết mấy giờ bên này không? Vừa hỏi vừa ngó chiếc đồng hồ để ở đầu giường. 6 giờ sáng! Người bạn có thói quen đánh thức tôi dậy khi đang giấc ngủ ngon. Lầm bầm làm một bài toán cộng trừ căn bản. À, thì ra... bên đó đang 7 giờ, anh chàng thức dậy sửa soạn đi làm.

-Chịu khó chút đi, chừng lạnh lẽo thật tha hồ mà than.

-Chưa đi đâu đã hết hè!

-Ai biểu không đi?

-Bận rộn cái tiệm! Không có người coi ngó.

-Thì kiếm người coi ngó. Đã là chủ rồi còn sợ ai nữa?

Bên kia đầu dây, Nghiêm cười giòn tan:

-Ừ nhỉ! Nghe Bích Chuyên nói mới nhớ: Mình là chủ. Tức cười không. Mình sợ mình.

Lúc chia tay trong phôn, Nghiêm nói cám ơn. Cái anh chàng Nghiêm hôm nay bày đặt như Mỹ thành ra khách sáo. Nhưng tôi hiểu, vì tôi cũng có những ngày như thế. Cái xứ thì rộng mà người thì hiếm, có một người bạn thân để mà than thở thì đâu phải dễ. Thỉnh thoảng bất ngờ ở sở làm, tôi quay số gọi Nghiêm. Khi công việc nhàm chán, khi tâm hồn cô đơn. Tôi hay nghĩ tới Nghiêm. Như một lối thoát. Như một giải khuây.

Lần nào người bạn cũng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ:

-Sao gọi giờ này?

-Nhớ đó. Gọi được không?

Giọng Bích Chuyên bao giờ cũng ngang tàng, bao giờ cũng dễ thương. Nghiêm có lần đã phê bình như vậy. Anh chàng nói, anh chàng hiểu, chớ tôi thì thật không hiểu. Ngang tàng đi được với dễ thương? Với tôi, Nghiêm chỉ dễ thương thôi, Nghiêm lo:

- Được chớ, nhưng sợ Bích Chuyên tốn tiền, cúp đi, để Nghiêm gọi lại cho, mới hơn 5 giờ bên này (nghĩa là bên tôi vẫn còn giờ business).

Nghiêm là bạn chung lớp ở Trung Học và bạn của thời viết lách vẩn vơ, học đòi làm văn nghệ sĩ. Người cao gầy dong dỏng, nước da trắng, mỗi lần bị chọc là mặt đỏ lên trông Nghiêm như con gái. Thơ văn của Nghiêm hiền lành đượm tình quê hương, tả người mẹ già, đứa em thơ, con lạch, dòng sông, bến phà, cầu khỉ, hàng cau, bụi chuối, cây khế, ánh trăng, đàn cò trắng... Dễ thương và cảm động làm sao! Nghiêm làm thơ để tặng bạn bè chớ không gởi đăng báo. Nghiêm tặng thơ cho tôi nhiều lắm, nhiều đến nỗi chẳng biết cất bỏ đâu cho hết, lõm bõm mỗi bài nhớ một hai chữ là giỏi rồi.

Thuở đó tôi thiên về... thơ tình. Mon men gởi cho báo. Bị chê luật thơ còn yếu, dùng quá nhiều mỹ từ. Thấy làm thơ không khá, tôi nhảy qua viết truyện ngắn, được ông chủ bút của tờ báo nọ khuyên ở trang Trả lời Bạn Đọc... "Truyện chưa có đầu đuôi. Nhân vật chính, nhân vật phụ không rõ ràng, vai trò lộn xộn, ý nghĩa mâu thuẫn. Những điều muốn diễn tả cũng chưa cho nhìn thấy một điểm nào mới lạ. Đề nghị viết lại. Hoặc tốt nhất, viết hẳn một truyện khác".

Tôi khổ sở rặn từng chữ, thèm có "tác phẩm" của mình được in trên báo. Nghiêm làm thơ, thơ tuôn dễ dàng, ai cũng khen hay, lại chỉ muốn phổ biến trong vòng thân hữu. Nghĩ có tức không?

-Không, chỉ có Bích Chuyên háo danh mới khổ. Nghiêm thản nhiên phát ngôn.

Ông anh tôi tủm tỉm cười ý là cái thằng khờ quá mà nói đúng quá. Tôi giận luôn qua ông anh. Có lẽ tôi đã ngang như cua từ dạo ấy. Giận Nghiêm thì được - cuối tuần Nghiêm lật đật về quê ở Lái Thiêu ỉ on với mẹ, rồi khệ nệ mang tới nhà tôi một bao bố trái cây. Trời đất! Tưởng chỉ có một bịch nhỏ! Một mình tôi ăn không nổi, phải kêu réo đám bạn tới thanh toán giùm. Giận anh Thụy thì lỗ, tội cho tôi phải lủi thủi ra đón xe lam đi học! Chẳng lẽ nghỉ chơi mà lại còn đi nhờ xe gắn máy của ảnh? Mấy ngày sau nghĩ lại ngu ơi là ngu, giận thì cứ giận, sao lại hành hạ tấm thân.

Chuyện đó đã lâu lắm rồi, bây giờ tôi không còn nhớ rõ ai đã làm lành trước, chỉ có nhớ sau đó anh Thụy lại tiếp tục chở tôi đi học. Lúc này, anh cưng và chiều tôi lắm: anh đang cua chị Bích Thủy, chị con Bích Thu, bạn thân của tôi. Chị học bên Văn Khoa, ban cử nhân văn chương Việt Nam, viết thường xuyên cho Tuổi Ngọc và Tuổi Hoa -loại hoa tím, tình cảm mới lớn - chị học giỏi, thi đâu đậu nấy, viết văn hay, tôi kè kè theo chị xin bí quyết, chị sốt sắng khuyên đọc nhiều, viết nhiều, rồi từ từ sẽ giỏi (tôi nghĩ tiếp... và rồi mấy ông chủ bút sẽ tranh nhau đăng bài của mình, khi có tiền nhuận bút, mình sẽ tha hồ dẫn mấy con bạn đi ăn bánh cuốn, đi ăn đậu đỏ bánh lọt... ). Chị dễ thương, ăn nói văn hoa, tôi cứ mong chị về làm chị dâu của mình thật sớm.

Rồi một biến cố vô duyên lãng xẹt hết sức xảy đến cho gia đình tôi: Anh Thụy đi lính, vừa ra trường thì anh bị pháo kích chết ở Quảng Trị. Tôi đâm ra chán nản và buồn bã vô vàn, rồi không thích viết lách nữa, gác bút luôn. Sống và viết. Có sống rồi mới viết. Tôi chưa yêu ai mà bày đặt làm thơ tình khóc lóc ủy mị. Cuộc chiến khốc liệt, ông anh chết trận, má tôi khóc đến khàn tiếng, ba tôi trở nên trầm lặng nghĩ đến chuyện chạy tiền trốn lính cho em trai tôi dù lúc đó nó chỉ mới học lớp mười. Ở đó mà trời trăng, mây nước, cỏ cây!

Nghiêm đậu Tú Tài xong đi học làm thầy giáo tiểu học dạy mấy đứa con nít. Tụi tôi vừa tiếc bạn sao không học lên cao vừa thấy nhớ Nghiêm vì rồi sẽ không được dịp gặp nhau nhiều. Nhưng Nghiêm nói đó là ước vọng hồi nhỏ của Nghiêm và sau này lớn lên Nghiêm cũng không mơ làm nghề gì khác.

Cả bọn chỉ gặp Nghiêm trong dịp nghỉ hè - từ Saigon xách xe chạy lên nhà Nghiêm ở Lái Thiêu, được mẹ Nghiêm đãi cho một bụng trái cây no nê rồi còn tay ôm tay xách bỏ chở lên mấy chiếc xe Honda mang về - măng cụt, chôm chôm, bòn bon, ổi xá-lị. Còn Nghiêm hễ có dịp đi qua ngả Chi Lăng, Phú Nhuận thì xẹt qua nhà tôi một chút. Có tôi ở nhà thì Nghiêm nói chuyện với tôi. Không có tôi, Nghiêm kiên nhẫn ngồi nói chuyện với ba má tôi. Nghiêm nói năng từ tốn và lễ phép với người lớn, càng ngày Nghiêm càng có vẻ là ông giáo làng. Má tôi xem ra thích Nghiêm lắm, có lần bà cười nửa thật nửa chơi hỏi Nghiêm, "cháu có muốn làm con trai của bác không?". Bà thích cái nghề giáo an toàn của Nghiêm.

Tôi thân với Nghiêm và coi anh chàng như là một trong những đứa bạn gái. Than phiền với Nghiêm là cứ bị một tên ở bên Khoa Học đeo đuổi tán tỉnh hoài, cái thằng nhóc dai như đỉa, người ta không thích mà cứ theo hoài. Thuở ấy tôi nào có để ý. Thanh Thảo nói "hình như Nghiêm yêu mày". Tôi ôm bụng cười sặc sụa đau cả bụng. " Cái gì? Có trời sập Nghiêm mới yêu tao!".

Bây giờ tôi vẫn tự hỏi không biết Thanh Thảo nói đúng hay sai. Vì chưa bao giờ Nghiêm thổ lộ Nghiêm yêu tôi. Chúng tôi vẫn thân, thân đến nỗi khi buồn chán thì lại gọi cho nhau bất cứ vào lúc nào để than thở, an ủi. Và cần nhau nhiều hơn khi ở nước ngoài.

Tôi chưa có chồng và Nghiêm vẫn chưa lấy vợ. Qua đây Nghiêm không còn đi học nữa. Định cư ở Denver, mấy năm đầu Nghiêm làm ở Totem, một loại tiệm như 7-Eleven bên tôi, bán 24 trên 24 giờ lỉnh kỉnh đủ thứ cần thiết. Có được ít vốn, Nghiêm mở một tiệm thực phẩm có bán thêm vải vóc, băng nhạc, sách báo, dầu cù là, kem tàu Hồng Kông dưỡng da... Lần gặp cách đây ba năm, tôi thấy Nghiêm có chút ít thay đổi, mập thêm tí, vẫn trắng, vẫn cận thị, vừa tính tiền cho khách hàng vừa hỏi tôi có còn thích viết văn, làm thơ không, còn nhớ bài báo nọ, câu thơ kia không. Với tôi cái thời xa xưa ấy đã thật xa, ở với cha mẹ anh em chẳng biết lo, chỉ thấy cánh đồng cỏ xanh mướt, bầu trời trong veo lửng lơ mấy cụm mây trắng, anh Thụy chưa mất, ba tôi có nhiều cao vọng cho bầy con. Trong vòng che chở của người thân, tôi hồn nhiên làm thơ tình, tình phụ tình mất!

Bây giờ ba tôi đã già yếu lắm rồi, tay viết đã run, nét chữ ngoằn ngoèo lên đồi xuống dốc, đọc thư thương quá đỗi, tuổi già chưa được nghỉ ngơi, ông phải ra ruộng mỗi ngày. Nội mất, sau 75, gia đình tôi dọn về quê sống. Nội để lại ba công đất, ba ao nuôi cá, chục gốc mãng cầu và dừa ở Cánh Đồng Vàng. Đời sống cũng thong thả. Dưới chế độ XHCN sống ở thành phố thì lấy gì mà ăn. Nhưng mà buồn, buồn lắm, quan niệm của người Việt Nam là tuổi già vui với con cháu, mà con cháu đi tứ tung hết rồi, ở xứ người lại sống mỗi nơi mỗi đứa: tôi ở Mỹ, còn thằng Thanh với thằng Thơ ở Úc. Thằng Thanh khôn lanh đã lấy được vợ, mà lại vợ Việt, cha mẹ bên nhà cũng mừng. Thằng Thơ chỉ biết có ăn học, nó học cao lắm, vừa lấy bằng Tiến sĩ. Tôi ngang ngược, tự phụ, mấy chàng tôi quen lại mặc cảm, tự ái vặt, không chịu để con gái hơn, nên đời tôi lận đận - theo cái nhìn của má tôi chứ tôi không nghĩ vậy - tôi đã bỏ biết bao cơ hội để chinh phục nhân tâm, bao cơ hội để lấy chồng. Buồn thì có buồn, ai mà chẳng buồn, nhưng rồi cũng quen. Tôi có bằng cấp, giốp ngon, nhà riêng, xe hơi xì-po láng coóng, tiền bạc rủng rỉnh, tôi lo cho tôi cũng được. Chỉ tội là còn để cho má tôi phải lo lắng. Bà lo đám con sống lạc lõng nơi xứ người. Năm nào cũng coi tuổi và cúng sao cho tụi tôi. Bà tụng kinh mỗi đêm, ăn chay trường. Lo cho tôi nhiều nhất. Nhìn hình bà, tôi cứ muốn khóc. Bà thay đổi nhiều quá, da mặt nhăn nhúm từng lớp, miệng móm, má hóp, má tôi già kiểu Việt Nam trông thương tâm quá.

Chị Lan cùng sở cũng buồn. Kể hôm nhận hình bên nhà gởi qua, con chị nhìn hình ngoại rồi buột miệng nói grandma xấu quá. Kể phim đen trắng, áo quần bà ba mà, con nít ngây thơ nói có sai đâu mà mình nghe tủi thân chảy nước mắt, con tim đau nhói. Xấu thì xấu, chị rửa lớn chưng ngay ở phòng khách, nhìn hình để mình đỡ nhớ mẹ mà tụi nhỏ cũng phải luôn luôn nhớ là chúng còn có bà ngoại.

Đời sống bận rộn xứ này một mình tôi phải lo đủ thứ - tôi đã từng hứa với má là tôi sẽ tự lo lấy, đó sao? Nghĩ cho cùng thì cũng toàn ba cái thứ vật chất xa xí phẩm chiếm hết thì giờ của mình! Ở đó mà thơ với thẩn!

-Không... không, bận rộn thí mồ, đâu còn nghĩ tới ba cái thứ quỉ đó nữa...

-Nhớ hồi xưa Bích Chuyên ăn rồi cứ ngồi cặm cụi chép mấy tập thơ.

-Thì... hồi xưa mà, chuyện đã xa lắc xa lợ Nghĩ tội, hồi đó mà có mấy cái xerox machine như bây giờ khỏe quá hén.

-Theo Nghiêm nghĩ máy móc quá cũng không hay... Ngồi chép thơ mới là dễ thương.

Anh chàng nói, anh chàng hiểu, chớ tôi thì thật không hiểu, tôi lắc đầu thương bạn. Giữa mắm muối, gạo sữa, Nghiêm vẫn mơ màng chuyện chị Hằng, chú Cuội. Bứt rứt vì không tìm ra chữ đúng cho bài thơ, một chữ cỏn con. Tôi thương bạn, mà tại sao? Nghiêm vẫn sống được đó chứ, hỏi ra thì việc buôn bán vẫn khấm khá kia mà? Một vài lần Nghiêm đòi gởi vé máy bay để tôi qua chơi (dĩ nhiên Nghiêm biết là tôi có tiền). Anh chàng nài nỉ chí tình, qua đây đi, Bích Chuyên không phải lo gì cả.

Không phải lo gì cả, được bao lâu, suốt đời? Một lối tỏ tình kín đáo?

Không hiểu sao, dù nghĩ cho vui, tôi cũng không tưởng tượng nổi là tôi có thể làm bà chủ một tiệm bán thực phẩm - cộng thêm bán những thứ lẩm cẩm khác. Má tôi mà ở đây, không chừng bà sẽ hỏi Nghiêm cháu có muốn làm con trai của bác không. Không chừng bà lại thích cái cửa tiệm chắc chắn của Nghiêm?

Hôm qua cứ ấm ức vì bị xếp bắt nạt. " Có sự bực mình và khẩu thiệt, nên bình tĩnh và thích ứng với hoàn cảnh, mọi việc sẽ qua". Tử vi đầu tháng đã nói như vậy nên tôi vẫn câm lặng chịu đựng, cái đầu nhức như búa bổ. Tháng này cũng là tháng tử vi khuyên tôi nên chú ý đến gia đình, người thân. Tôi không có gia đình, người thân ở bên này. Tôi nhớ má tôi. Tôi thèm được ôm bà và khóc, khóc nức nở, khóc cho đã, khóc cho đến khi tâm hồn lắng đọng xuống, lòng thanh thản, để những bon chen ở đời, những bực dọc âu lo không còn hữu hiệu nữa.

Tôi lại bắt phôn gọi Nghiêm ở một giờ giấc bất thường. Nghiêm vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:

-Sao gọi giờ này?

- Đang buồn. Thèm nói chuyện... bên đó buôn bán khá không?

Nghiêm cười:

-Cũng tàm tạm.

-Bích Chuyên qua làm công cho Nghiêm được không?

- Đùa hay thật đó?

-Thật chứ! Ở đây chán quá! Cũng đâu phải xứ sở của mình, tội gì không bỏ mà đi, phải không Nghiêm?

-Qua đi nếu you nói thật. Ở bên này sẽ vui liền. Nghiêm sốt sắng.

Cúp phôn rồi tôi khóc một trận mê tơi và biết rằng sẽ tiếp tục làm phiền Nghiêm nữa trong những giờ giấc bất thường. Cũng như Nghiêm, anh chàng cũng sẽ tiếp tục đánh thức tôi dậy trong những lúc tôi đang còn trong giấc ngủ ngon. Tôi vẫn ở Seattle và Nghiêm vẫn ở Denver. Má tôi thì càng ngày càng già đi!

LINH VANG (Tacoma)