Tôi vẫn nhớ mãi một buổi tối năm tôi 16 tuổi, mẹ đến bên bàn học của tôi và hỏi với vẻ nghiêm trọng :
- Con phải nói thật cho mẹ biết, anh chàng tên L. là ai??
Chẳng cần phải thông minh cho lắm tôi cũng phát hiện ra ngay tại sao mẹ có thể biết được chuyện bí mật thuộc loại "top secret" của tôi như thế, một chuyện mà tôi tin chắc rằng không ai biết được ngoài quyển nhật ký và chính tôi. Tôi đỏ bừng mặt lên và gay gắt hỏi;
-Tại sao mẹ lại xem trộm nhật ký của con? Mẹ không có quyền.
Mẹ trả lời bình thản;
-Mẹ là mẹ của con, nên mẹ cần phải biết con nghĩ gì?
Đó là câu trả lời của tất cả các bậc cha mẹ khi bị phát hiện đã xem trộm nhật ký của con. Tuy nhiên, tôi không bao giờ chấp nhận nó. Với một cô bé 16 tuổi, bị ai đó xem trộm nhật ký quả là một điều khủng khiếp. Bởi ở độ tuổi "lập lờ" giữa ngưỜi lớn và trẻ con, người ta vô cùng nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. 16 tuổi, tôi bắt đầu có nhiều tâm sự, những chuyện không thể nói với ai, chính vì vậy mà tôi mua một cuốn sổ, viết vào đó mỗi ngày và xem nó như chính trái tim mình. Tôi viết vào nhật ký mọi chuyện, khi được điểm cao, khi bị điểm thấp, khi có một ánh mắt bất thường của cậu bạn khác lớp, khi giận hờn cô bạn thân, khi bị mắng oan, và khi bắt đầu trở nên ngượng ngùng trước một anh chàng nào đó... thậm chí cả những lỗi lầm của mình, và hàng tá những chuyện "bí mật" khác. Không chỉ vậy, tôi còn thổ lộ với nhật ký tất cả những suy nghĩ riêng của mình về gia đình, về bè bạn, và về chính bản thân. Tất cả. Chính vì thế mà tôi đã có cảm tưởng như mình bị xúc phạm nặng nề, bị phản bội, khi phát hiện ra là mẹ đã đọc những trang viết "gan ruột phèo phổi" đó, nghĩa là đã vạch trần thế giới riêng tư của tôi, với một thái độ mà tôi tin rằng chỉ là sự soi mói và xét đoán. Đối với tâm hồn tôi, sự tổn thương là không có gì bù đắp được. Tôi đã khóc tức tưởi cả đêm và không thèm nói chuyện với mẹ suốt mấy ngày. Sau "tai nạn" đó, tôi nhìn mọi người với vẻ hoài nghi, thề rằng không bao giờ viết nhật ký nữa, hoặc nếu có viết thì luôn tìm cách mang theo bên mình, thậm chí, đêm ngủ cũng ôm vào lòng hoặc nhét dưới gối. Tôi đã giận mẹ tôi suốt một thời gian dài, cho đến khi tự nguôi ngoai đi.
Bây giờ, khi quay lại nhìn, tôi có thể hiểu được mẹ làm thế chỉ vì muốn kiểm soát con gái mới lớn đang trở nên xa cách, trầm mặc với mình... Nhưng mẹ lại không biết cách làm cho điều đó trở nên dễ chấp nhận hơn. Tôi tin rằng khi viết nhật ký, từ thâm tâm mình cũng có ước muốn được tâm sự với ai đó, được thông hiểu, được giãi bày. Nhưng tôi chỉ có thể thổ lộ khi biết chắc mình được tin cậy, được thông cảm và lắng nghe. Tôi vẫn nghĩ, nếu mẹ tế nhị và khôn khéo hơn, mẹ có thể khơi gợi ở nhiều chuyện, thậm chí, cả những chuyện tôi chưa bao giờ viết vào nhật ký. Tất cả mọi người, dù là trẻ con hay người lớn, đều có quyền có một thế giới riêng tư, và có quyền được người khác tôn trọng thế giới riêng đó. Tôi nghĩ rằng giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Có thể có nhiều quan niệm khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau... nhưng với riêng bản thân mình, từ sự thương tổn ngày xưa, tôi đã rút ra một kinh nghiệm, rằng nhiều năm sau nữa, khi tôi đã lớn lên và có con, tôi sẽ cố gắng hết sức để hiểu và gần gũi con mình mà không bao giờ cần phải xem trộm nhật ký của chúng...