Tập 1

Lập Hạ ngồi trên chiếc bàn đá trong vườn, cô vừa vẽ, vừa hát nho nhỏ:

“Em còn nhớ hay em đã quên.

Nhớ Sài Gòn mưa rồi lại nắng.

Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân.

Nhớ đèn đường từng đêm thao thức.

Sáng cho em vòm lá me xanh.

Em còn nhớ hay em đã quên ...

Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm ...”.

Đang hát, Lập Hạ bị cắt ngang bởi lời hỏi thăm của một chàng thanh niên:

– Cô ơi! Cho hỏi đây là cơ sở đan lát “Lục bình” phải không?

Chàng thanh niên này bước vào từ bao giờ nhỉ? Sao mình lại không biết. Lập Hạ nhìn người thanh niên, cười:

– Anh tìm cơ sở đó để làm gì?

– Nhưng có đúng đây là cơ sở đó không?

Lập Hạ bắt bẻ:

– Anh nói rành tiếng Việt nhưng đọc tiếng Việt không rành chứ gì?

– A! Cô không được nói như thế với khách chứ. Tôi nói tiếng Việt rành rỏi như vậy, chẳng lẽ lại không đọc được.

– Tôi tưởng anh vào đại rồi hỏi vậy chứ?

– Tôi đâu có rảnh.

– Như vậy bộ người khác rảnh lắm sao?

– Cô là sao của cơ sở này ... cho tôi gặp chủ cơ sở.

Lập Hạ nhìn anh ta cái vẻ của một người phương xa đến. Anh chàng hỏi vặn:

– Con gái phố Mỹ dễ thương lắm kia mà.

Đôi mắt Lập Hạ xoe tròn. Anh chàng nhìn Lập Hạ và nói:

– Mà cô là một trong những cô gái đó.

Lập Hạ quắc mắt rồi lạnh lùng nói:

– Hứ! Thế anh muốn cái gì ở đây?

Chàng trai sửa lưng:

– Không phải muốn cái gì mà là cần cái gì?

– Sửa lưng tôi hả?

– Vậy là “một điều” nhé.

– Không đời nào! Để rồi xem!

– Đúng rồi. Tôi muốn xem ...

– Xem cái gì?

– Cái gì cô có ở đây?

Lập Hạ nổi giận đùng đùng, cô hét:

– Anh ra ngay đi. Một kẻ trơ tráo, người gì đâu mà “vô duyên”.

– Hứ! Để xem ai vô duyên hơn ai đây?

– Đàn ông mà lại đi “ăn thua” với phụ nữ.

– A! Tôi không có. Là do cô khiêu chiến đấy thôi.

Lập Hạ nhìn chàng thanh niên rồi dẹp mấy bản vẽ nháp của mình, cô chỉ chiếc ghế đá gần bên, nói:

– Mời anh ngồi rồi ... cho tôi biết anh cần gì ở đây?

Chàng trai vừa ngồi vừa nói:

– Cái tối thiểu khách đến nhà là phải mời ngồi, vậy mà cô để tôi đứng mỏi cả chân và ...

– Mỏi miệng chứ gì? Tôi cũng mỏi cả miệng nhưng không bị mỏi chân.

– Vậy mà cũng nói.

– Vào đề đi!

– Ừ! Nhưng trước hết cho tôi hỏi ai là “giám đốc” của cơ sở đan lát này?

– “Giám đốc” gì cái cơ sở thủ công mỹ nghệ này chứ?

– Sao không được hả cô? Nhưng ai là chủ, ai có thẩm quyền giải quyết công việc.

– A! Thật ra anh không đi trong giờ làm việc, sai nguyên tắc rồi.

– Xin lỗi ... vì tôi có dịp về Bến Tre. Từ Bến Tre về thành phố nên tôi ghé qua đây. Cô có thể cho tôi gặp chủ cơ sở ... À! Chủ là ai?

Lập Hạ cười khẽ:

– Chủ là bà ... à, cô ... Lập Hạ.

– Sao không là bà?

– Vì bà “Bạch Lan” để cho cô Lập Hạ điều hành.

– Vậy cho tôi gặp cô Lập Hạ để trao đổi công việc.

Lập Hạ cười. Gã thanh niên nhìn cô, nụ cười mới đẹp làm sao.

Lập Hạ cũng nhìn gã rồi nói:

– Lập Hạ là tôi đây.

Anh giật mình rồi phá ra cười:

– Là cô há? Cô có mà “Giáng Hạ” chứ ở đó mà “Lập Hạ”.

Chàng trai bất ngờ trước cách giải thích của Lập Hạ:

– Đúng rồi. Thật ra, tôi phải là “Giáng Hạ” mới đúng.

– Trời đất! Cái cô này ... có ổn không vậy?

– Có anh mới không ổn thì có. Người xưa có câu “không biết thì dựa cột mà nghe”. Anh biết không, chị tôi là Giáng Xuân, em gái tôi là Giáng Thu.

– Còn cô ... hà hà ... - Anh cười vui rồi lên tiếng - Đúng rồi, ai lại để cô là ...

Giáng Hạ .... Mà nè, chắc còn một người em nữa, tôi cam đoan là con trai, chắc là “Lập Đông”, đúng không?

Lập Hạ cười rồi gật đầu.

Gã lại thao thao:

– Nhà cô có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chắc là ba mẹ của cô vì muốn có con trai nên đến em gái cô vẫn còn nuôi hy vọng nên mới có cậu em Lập Đông đó. Nhưng mà thời này như vậy là vi phạm đó nghe.

– Ai vi phạm, vi phạm gì chứ?

Chàng trai cười:

– Ba mẹ cô vi phạm việc ... sanh tới bốn mùa lận. Đúng ra chỉ nên hai mùa mưa, nắng thôi, cô ơi! Đời này chỉ có hai con thôi.

– Ơ, cái anh này! Tự dưng lại tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây.

– Cái đó cô nói chứ tôi đâu có mở lời như vậy? Hai đều nhé.

– Hứ!

Lập Hạ tức mình vì cái gã thanh niên lạ lùng này. Chẳng lẽ anh ta là đối tác làm ăn. Nhưng từ lúc bước vào đến giờ anh ta cứ “đấu võ mồm” với mình là sao? Lập Hạ vừa định đứng lên ra vẻ chủ nhân thì Giáng Thu chạy ùa ra và lên tiếng:

– Chị ơi! Vào ăn cơm ... chiều nay được ăn bánh xèo ngon lắm.

Lập Hạ cười:

– Chắc là có chị Xuân nên bọn mình mới được ăn món này.

– Dạ .... nhưng mà ... ai đây chị?

Giáng Thu chỉ gã thanh niên hỏi. Lập Hạ lắc đầu nói:

– “Đối tác” hay “người ác”.

Giáng Thu lắc đầu:

– Không hiểu chị nói gì, cứ tưởng bạn của chị chứ.

Anh thanh niên nháy nháy mắt với Lập Hạ rồi nói với Giáng Thu:

– Vậy sao cô bé ... bộ chị cô có bạn à?

Lập Hạ hất mặt:

– Ý của anh là tôi ... tôi không có bạn phải không?

– Ai nói thế bao giờ. Vì khi tôi vào thấy cô đang nhớ về cảnh và người kia mà. Có đúng không?

– Anh màu mè, dài dòng quá! Bây giờ ... chúng ta vào việc được chưa? Nếu không, xin hẹn lại hôm khác trong giờ hành chánh vì bây giờ tôi phải đi ăn chiều.

– Ăn cơm chiều gì sớm thế. Nhưng mà thôi ... tôi hẹn sáng mai, cũng có khi là mốt hay ngày kia. Bây giờ tôi phải về, vì có hẹn với thằng bạn, nó đang đợi tôi ở chỗ cầu Rạch Miễu. Quê bạn có chiếc cầu mới này đẹp ghê.

Anh ta đứng lên gật đầu chào hai cô gái rồi ra về.

Lập Hạ lắc đầu rụt vai rồi cười nói:

– Chịu, có một gã điên làm chị bực mình, từ nãy giờ ... bao nhiêu ý tưởng đẹp vụt mất, chẳng nghĩ ra được một kiểu dáng gì đẹp hết.

Giáng Thu cười:

– Vào ăn đi chị, mẹ và chị Giáng Xuân đang chiên bánh nóng hổi, giòn tan ngon ơi là ngon.

Lập Hạ vừa bước đi vừa chọt vào lưng em gái:

– Vậy là ăn vụng trước rồi nên mới biết ngon.

Giáng Thu chu môi:

– Có “ngu” mới mà bỏ qua chiếc bánh xèo vừa lấy ra nóng hổi vừa thổi vừa ăn.

– Vậy thì ta phải vào ngay thôi, kẻo bánh nguội hết ngon.

Hai chị em ùa vào như cơn lốc và sà ngay xuống nền nhà. Giáng Xuân lên tiếng:

– Chị nói chiên bánh trên bếp gas cũng được nhưng mẹ bảo bánh xèo phải chiên trên bếp củi, nên mấy đứa phải ra nhà bếp này mà ăn. Nhưng rau sống ngon lắm, Hạ ơi!

– Nước mắm mẹ làm mới tuyệt làm sao! Thôi, ăn đi chị!

Giáng Thu hối hả và cuộn ngay một cuốn bánh xèo cho vào miệng.

Còn Giáng Xuân thì hì hục chiên mà líu lo líu lo nói chuyện với mọi người.

Lập Hạ lên tiếng:

– Ủa! Ba đâu sao không ăn vậy Thu?

Giáng Thu cười:

– Ăn đã mới nhớ đến ba. Chị quên là ba đi ăn giỗ trên nội chưa về hay sao?

– Ờ há! Vậy sao chiên bánh xèo làm gì? Ba thích ăn bánh xèo, sao không để có ba ở nhà rồi chiên.

Giáng Thu ríu rít:

– Vì có cô con gái lớn vừa “chống lầy” về thăm nhà nè.

Lập Hạ cười:

– Vậy hả ... Lập Đông đâu?

Bà Bạch Lan:

– Lập Đông ưa ám gì món bánh xèo này. Nó nói toàn bột ăn dễ ngán.

Giáng Xuân góp lời:

– Đồ ngốc bánh xèo toàn chất bổ béo rất ngon. Nào là chất đạm của tép, thịt, rồi rau xanh đầy ắp. Chỉ có chút xíu bột.

– Lấy ra đi chị .... kẻo khét.

Nhỏ Giáng Thu chao chát. Giáng Xuân cười:

– Sinh viên có khác. Đi học xa nhà, cái gì cũng thèm, nhất là bánh xèo ... phải không Giáng Thu?

Giáng Thu quê quê nên chống chế:

– Vậy chứ chị Hạ hồi đó cũng vậy chứ bộ?

Lập Hạ lắc đầu:

– Hồi đó ... nhà mình chưa được như bây giờ. Đâu phải lúc nào chị về cũng được mẹ nấu món ngon cho ăn như “ai kia” đâu?

Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.

Bà Bạch Lan lên tiếng:

– Cũng nhờ ... chúng ta biết triệt để tận dụng công việc đan lát đến cùng.

Giáng Thu cãi:

– Cả lục bình nữa chứ mẹ.

– Ừ. Những vật dụng như tấm thảm lót chân và đủ các vật dụng khác đang được ưa chuộng.

Lập Hạ vui sướng:

– Bởi vậy con cố gắng để sáng tạo, cho mẹ nhiều mẫu mã mới nè.

Giáng Thu bàn bạc:

– Chị không lên mạng mà tìm những mẫu mã có thể từ gỗ nhựa hay một chất liệu khác rồi mình làm bằng chất liệu lát, lục bình, bàng ...

Lập Hạ lắc đầu:

– Đâu phải cái gì cũng lấy từ cái khác mà làm lại. Phải xem chất liệu của ta có phù hợp với kiểu dáng đó hay không. Đã vậy, món hàng đó được đặt ở đâu cho đúng, cho hợp lý mới là quan trọng chứ cô bé.

– Hứ? Bởi vậy ... làm bà chủ mà cứ phải “vắt óc” để tìm ý tưởng làm chi cho cực thân như thế hả bà chị xinh đẹp? Coi chừng ... đó nghe.

Lập Hạ thừa biết em gái định nói gì nên chặn lời em:

– Vấn đề đó tỉ lệ nghịch với ...

– Với tài năng chứ gì? Tự tin quá đó nghe, bà chị ngót nghét sang “hàng băm” bây giờ.

– Chị thấy rồi, sau tuổi “hàng băm” ai cũng thành đạt thì cuộc sống sẽ ổn định hơn.

– Vậy sao không ở trên thành phố đô hội mà thi thố tài năng, về phố nhỏ quê nghèo này làm sao phát huy tài nghệ của chị?

Giáng Xuân nghe hai cô em gái tranh luận cũng góp vào:

– Chị thấy chị Lập Hạ nói đúng đó Thu, thời buổi này để công việc ổn định rồi lập gia đình cũng không muộn. Cứ như chị, học xong đi làm có được bao lâu lại lập gia đình, giờ nuối tiếc nhiều thứ lắm.

Giáng Thu cười:

– Trời ơi! Chị này lập gia đình rồi mà còn nuối tiếc “một thời đã xa” phải không?

– Làm như lập gia đình rồi là “chấm hết” vậy đó.

Giáng Xuân trêu em:

– Không “chấm hết” đâu ... mà là có niềm vui khác lớn hơn dễ thương hơn.

Ba chị em trò chuyện thật vui, bà Bạch Lan cũng bàn bạc cùng các con thật vui vẻ. Ngày xưa, bà cũng từng là một nhà giáo. Đồng lương hồi ấy thật vất vả để nuôi sống bản thân nói gì đến nuôi con, bà vẫn tiếp tục công việc mà ngày xưa từng làm là đan lát, đan bàng để kiếm thêm. Cái thời đó làm thuê mấy việc này để kiếm thêm cũng vô cùng vất vả có cái ăn lúc bấy giờ thật không dễ dàng chút nào.

Nếu như bà không kiên trì thì giờ đây làm sao đứng vững được như thế này.

Bà Bạch Lan càng nghĩ, càng nhớ ... càng buồn và cũng càng thấy đúng trong suy nghĩ và hành động, vì ông Lễ chồng bà rất hiền và tốt bụng so với anh chị em trong gia đình.

Cũng may trong đám con của bà, Lập Hạ lại nối tiếp công việc bằng cả tâm huyết và sự sáng tạo. Bà cứ ngỡ nó đeo đẳng nghiệp văn chương báo chí để dấn thân vào đời với mớ sống và tâm hồn nghịch lý lẫn nhau, nhưng rồi bỏ công việc để trở về phụ bà mở rộng công việc làm ăn. Cơ sở đan lát “Lục Bình” ra đời. Cũng may khi ấy bà và ông Lễ đã liều lĩnh bán gian nhà nhỏ nằm trên quốc lộ để mua một khoảng đất cặp theo mé sông thuộc tỉnh lộ. Nơi đây giờ lại vô cùng thuận tiện cho những người dân có lục bình chở đến bằng những chiếc xuồng con.

Ngay trên mảnh đất đó, bà đã xây nhà xưởng để thuê công nhân đến làm, có người nhận về nhà làm theo yêu cầu rồi giao lại cho quản lý xưởng. Lập Hạ được mẹ giao cho quản lý, con bé tỏ ra hiếu động và đặc biệt là khả năng tìm hiểu sáng tạo, thiết kế mẫu mã con bé đều cố gắng. Nhìn con bé miệt mài với công việc, bà thấy xót xa vì con gái tâm huyết với nghề, một nghề truyền thống của gia đình từ bao đời, nhưng đến khi bà ngoại của Lập Hạ mất, mấy chị em không có điều kiện để tiếp tục vì cuộc sống quá khó khăn lúc bấy giờ.

Bà Bạch Cúc lắc đầu ... nước mắt lã chã rơi.

Ông Lễ trở về nhà lại cằn nhằn về chuyện bỏ quê để về mảnh đất ven sông Bảo Định lập nghiệp.

Lập Hạ nghe rõ giọng buồn buồn dù rất bức xúc của mẹ:

– Nhưng mình phải công nhận rằng việc làm này không sai, ít ra về đây chúng ta có điều kiện để làm ăn và em đã giữ được cái nghề truyến thống của gia đình.

Ông Lễ nuối tiếc:

– Phải chi lúc đó ... chúng ta mở rộng công việc ngay trên mảnh đất đó, dẫu sao cũng ba má của tôi cho.

– Nhưng anh quên là lúc đó một nếp nhà tranh, hai vợ chồng là công nhân viên ... rồi nuôi mấy đứa con.

– Tôi mà biết như bây giờ ...

Bà Bạch Lan buồn rầu:

– Cứ mỗi lần ông về đó thì y như vậy. Từ bên anh về đây có bao xa đâu, đường sá thuận tiện, non non có mười cây số, phóng xe mươi lăm hay hai mươi phút là tới ngay. Chúng ta về đây mua được mảnh đất rộng lớn gấp năm, gấp ba ngôi nhà nhỏ. Nhờ đó, bây giờ chúng ta vừa có nhà ở, vừa có nhà xưởng kế bên.

Đã thế, nơi ở lại thuận tiện cho công việc làm ăn. Mình à! Đừng có nuối tiếc quá mức như vậy. Nếu chúng ta ở đó đến bây giờ chắc cũng trắng hai bàn tay ...

bằng phấn trắng mà thôi. Chỗ đó lại không thuận lợi cho công việc làm ăn.

Ông Lễ càu nhàu:

– Nhưng tình nghĩa gia đình vui vầy ...

– Anh ơi là anh ... chuyện đó một mình tôi muốn mà được à? Cái thời nghèo khổ, kinh tế, xã hội còn lạc hậu, bao cấp, để sống được phải vất vả biất bao nhiêu.

Lập Hạ nghe ba cằn nhằn về việc bỏ bên nội, mua đất để về quê nhà mà mở xưởng đan lát. Thực ra lúc đầu là để dư tiền làm công việc. Ba mẹ may mắn mua được mảnh đất rộng nên mẹ mới có nơi để chứa đồ, dần dần mẹ mở cơ sở thu gom đồ của người khác làm rồi mua bàng, lát để giao cho người khác làm ...

Mẹ không muốn ba bỏ nghề để theo bạn đi xe tải. Ba mẹ đã suy tính rất kỹ mới nghĩ đến cách để có tiền bằng cách bán ngôi nhà. Khi ấy nhà của Lập Hạ chỉ là một căn nhà lá vách lá đã rách nát. Nghĩ đến một thời thơ ấu vô cùng khốn khổ, Lập Hạ rất buồn nhưng cũng vô cùng biết ơn ba mẹ đã sáng suốt, cho nên bây giờ Lập Hạ nghiễm nhiên trở thành “giám đốc”. Hai từ giám đốc mà gã thanh niên hôm nào nói nghe cũng hay hay ... Ở đây, mọi người cứ xem cô là chủ một cơ sở đan lát có tiếng ở tỉnh và lan rộng cả nước, và còn bay xa hơn.

– Cô ơi!

Lập Hạ ngẩng mặt lên:

– Hả ... lại là anh? Anh trở lại làm gì? Nè ... nếu công việc thì sáng mai ghé qua xưởng hay văn phòng của tôi ...

– Sợ bị “giám đốc” phản đối nên tôi mới gặp vào lúc này và ở đây.

– Anh nói đi. Tôi không có thời gian đâu.

– Cô đang làm gì?

Gã thanh niên nhìn những mảnh giấy bị vò lại bỏ đi rồi những đường nét ngoằn ngoèo trên bản nháp, anh cười nói:

– Cô có cần tuyển nhân viên thiết kế hay nhân viên thông dịch, biên dịch hay không? Tôi thấy cơ sở đan “Lục Bình” rất có tiềm năng có đối tác là người nước ngoài, nên giám đốc cũng cần chuẩn bị lắm chứ.

Lập Hạ nhìn anh chàng, cô đổi sắc mặt rồi nói:

– Anh kia ... thật ra anh muốn gì?

Cái mặt đáng ghét của gã nhìn Lập Hạ cười, rồi nói:

– Có phải cô đang thiếu người thiết kế, đúng không? Vì từ trước đến giờ thợ của cô làm sản phẩm đơn giản. Cuộc sống bây giờ cao cấp lắm nên “gu” thưởng thức cái đẹp của con người cũng cao lắm.

– Tóm lại, tôi không hiểu ý anh muốn nói điều gì?

– Tôi muốn ... cô ...

– Hả! Cái gì?

Lập Hạ đổ quạu, đứng lên trừng mắt nhìn gã:

– Nè! Cái anh kia ... xin anh đi cho, đừng ở đó nói năng lung tung ... tôi thưa bây giờ.

– Cô thưa tôi về tội gì?

– Xúc phạm ... nhân phẩm.

– Hả! Tôi làm gì mà cô nói tôi xúc phạm nhân phẩm. Trời ạ! Như thế này mà tiếp đối tác ư? Tôi nghĩ cô nên “học ăn, học nói, học gói, học mở” lại đi, kẻo mai mốt mất mối làm ăn đó.

– Anh là kẻ ... lần đầu có người xúc phạm tôi đó.

Thấy gương mặt Lập Hạ xìu xuống, anh chàng tội nghiệp, hối hận nên lên tiếng:

– Cô đang định sáng tạo thêm vài mẫu mã cho sản phẩm của xưởng, đúng không?

– Có liên quan gì tới anh chứ?

– Có đó. Vì tôi có đang nghĩ ra vài mẫu mã cho sản phẩm túi xách của cô.

Lập Hạ giật túi xách. Túi xách bằng lát thì cũng có nhưng không thể là túi xách tay, chẳng lẽ anh ta đọc được ý nghĩ của mình đang muốn sáng tạo những chiếc túi xách bằng lục bình.

Lập Hạ nhìn trên bàn, những tờ giấy ngổn ngang. À! Thì ra hắn nhìn hình mà đoán suy nghĩ của cô mà thôi. Lập Hạ lại vò tờ giấy trong tay.

Anh chàng cầm viết vẽ vẽ lên tờ giấy trên bàn. Anh đẩy tờ giấy trước mặt Lập Hạ:

– Đây là chiếc xách tay dành cho quý cô, quý bà cũng được. Chỗ này là cánh hoa lục bình màu tim tím, chiếc xách làm bằng cây lục bình ... không ngờ loại “phiêu bồng thủy” này mà cũng làm được những sản phẩm vô cùng đẹp.

Nghe anh chàng nói, Lập Hạ vội cầm tờ giấy lên xem. Quả thật hình chiếc giỏ hiện lên thật xinh xắn.

Lập Hạ hỏi:

– Anh là họa sĩ à?

– Ồ không! Tôi chỉ biết vẽ thôi.

– Anh giấu phải không?

– Sao tôi lại giấu cô?

– Nhìn nét vẽ không phải dân biết sơ sơ ... anh học ngành gì?

– Tôi đã đi làm.

– Nhưng ... à, xin cám ơn ý tưởng và hình ảnh chiếc giỏ xách dễ thương của anh.

– Ủa! Cô công nhận chiếc túi xách này đẹp hả?

Lập Hạ gật gật đầu rồi hỏi:

– À! Vẫn chưa biết tên của anh?

Anh chàng gãi gãi đầu nói:

– Hỏi tên tôi à ... Thôi thì gọi tôi là Văn nhé.

– Nguyễn Văn Văn à?

Gã lắc đầu:

– Không phải vậy.

– Có cái tên mà cũng giấu.

– Ừ, cho tôi giấu cái tên nhé.

Lập Hạ thuyết giảng:

– Tôi nghe mẹ nói cha mẹ ông bà hay gửi gắm ước mơ của mình vào cái tên để đặt cho con cháu.

– Vậy sao?

– Anh biết rồi đó, ba mẹ tôi có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Còn bà ngoại tôi, mẹ bảo bà tôi không biết chữ. Thời xưa người phụ nữ ít học lắm. Vậy mà bà tôi cũng đặt tên các dì và cậu của tôi là Mai, Lan, Cúc, Trúc, Tùng ... mẹ tôi là Lan. Bạch Lan!

– Vậy còn bên nội cô?

– Anh làm gì hỏi kỹ vậy?

– Thì nghe cô nói hay ghê. Chắc bên nội cô cũng ... có những cái tên vô cùng ý nghĩa.

– Đúng rồi đó. Bên nội tôi thì có các cô, chú, bác là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ...

– Trời đất! Họ ngoại và nội của cô là cả một nhân cách sống và cách sống trước thiên nhiên.

Lập Hạ cười, vô tư nói:

– Mẹ tôi còn nói ... có khi những cái tên lại trái ngược với tính cách của con cháu, thế mới khổ chứ.

– Ờ hé! Thí dụ như cô tên Hiền mà lại rất dữ. Anh Lễ hay ông Lễ mà chẳng lễ chút nào.

Lập Hạ nổi đóa đứng lên:

– Ê? Anh kia ... anh biết gì mà chửi ba tôi chứ?

– Tôi đâu dám.

– Anh dám đó.

– Sao?

– Anh nói ông Lễ mà không lễ ...

– Vậy ra ...

Gã giật mình vì phát hiện ra điều đó.

– Xin lỗi, cho tôi xin lỗi ...

– Thôi đủ rồi, anh Văn ạ! Xin anh về cho, dẫu sao cũng cám ơn anh nhé.

– Tôi cám ơn cô thì có.

– Sao cám ơn tôi?

– Cô gọi tôi là anh Văn. Giá như tôi có được cái tên đó nhỉ! Thôi xin chào!

Hẹn gặp lại khi những chiếc giỏ đã hoàn thành. Nếu được nên kiếm màu xanh để nhuộm lại cho những cọng lục bình đã khô có màu xanh như thật. Chắc là đẹp lắm, tôi sẽ cho mua thật nhiều đó.

Xạo! Chữ “xạo” to tướng trên gương mặt và cả tấm lưng khi anh ta quay đi, nhưng Lập Hạ vẫn còn ấm ức vì cái tên Văn của anh ta. Tên Văn rất con trai chứ có gì đâu mà ngại chứ? Nhưng. ....dẫu sao cũng cám ơn gã vì đã “mách” cho cô một kiểu túi xách rất đẹp, Lập Hạ chỉnh sửa thêm thắt vào một chút. Đêm nay Lập Hạ sẽ thức để hoàn thành và cô cũng đang suy nghĩ đến màu sắc của chiếc giỏ. Nhất định phải thật giống hệt màu sắc của lục bình lúc còn nguyên tươi.

Giáng Thu trở lên Thành phố Hồ Chí Minh sau tháng hè trở về phố Mỹ thân yêu của mình. Nhớ mấy nhỏ bạn thân vô cùng.

Hà Khanh cùng ở trọ với Giáng Thu, cô bé đã lên trước ít hôm.

Hà Khanh lên tiếng khi thấy Giáng Thu gõ cửa:

– Vào đi nhỏ!

Giáng Thu đẩy cửa bước vào. Hà Khanh lên tiếng:

– Ê! Có bánh trái gì không?

Giáng Thu cười đưa bọc xốp to lên:

– Đây này ... đủ trái cây ... vườn nhà ...

– Nhà hàng xóm hả?

– Của cậu, dì ... cũng là nhà vậy?

– Ừ!

– Có cả ... “lục bình” nữa.

– Lục bình ăn được à?

– Ừ! Đọt lục bình nấu canh chua ăn ngon ngọt như bông so đũa vậy đó.

– Thích nhỉ!

– Mi ở quê như ta mà không biết sao?

– Tại nhà ta ở thị xã ... sát quốc lộ nên ta không biết.

– À!

– Vậy hôm nào về phố Mỹ quê ta chơi nhé. Ta sẽ đưa đi chơi nhiều nơi.

– Chỗ nào có nhiều trái cây. Nơi tổ chức Festival trái cây mà.

– Mỗi huyện lỵ là vương quốc của một đặc sản quý.

– Ta thích là bá chủ một loại đặc sản quý ... mi thí dụ đi.

– Như vậy thì có khác gì đâu chứ.

– Đã bảo thí dụ đi.

– Này, từ thành phố về phải chạy ngang quê của mi rồi về một huyện lỵ giáp với tỉnh quê của mày. Huyện lỵ này là vương quốc của nhiều loại trái cây cực ngon, chắc không có nơi nào có món ngon quý như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, nhãn tiêu ở Nhị Bình, rồi đến thành phố Mỹ sẽ đi qua những vườn mận hồng đào một thuở liệt oanh, ở Cái Bè nổi tiếng xoài cát Hòa Lộc. Trời ơi! Bữa tiệc trái cây chắc là nhìn mát mắt lắm.

Hà Khanh cười:

– Mèo khen mèo dài đuôi! Ê! Nói hoài, lấy đặc sản trái cây ra ăn đi.

Hà Khanh lục trong bọc nilông ra một bọc sơ ri chín mọng, rồi một bọc thanh long chín hồng đào, mấy trái xoài ...

– Chà! Đã thật!

Hà Khanh nhón một trái sơ ri bỏ vào miệng nhai ngon lành:

– Ngọt ghê!

– Mi biết trái cây này có ở đâu không?

– Thì ở Tiền Giang.

– Nhưng vương quốc là Gò Công. Nè! Quê hương của Nam Phương hoàng hậu đó nghe.

– Hả! Vậy sao?

– Mi có vẻ không hiểu gì về lịch sử hết. Nhưng mà nè, sơ ri Gò Công làm rượu ngon không thua rượu xứ gò của mi đâu nhưng mà có thể sánh rượu sơ ri với loại trái cây nào nhỉ? Hay là ... À! Rượu nho, rượu vang ... đúng không?

– Trời! Tự tin quá vậy bạn. Mà nè ... đừng có so sánh rượu sơ ri với rượu nho ... người ta cười cho đó.

– Ai cười hở mười cái răng chứ ta hả ... chẳng có cái răng hở nào đâu.

– Con quỷ nhỏ ... quá tự tin đó nghe. Coi chừng đấy!

Hai cô bạn sắp soạn đồ đạc, sau tháng nghỉ hè trở về nhà trọ. Xong xuôi, Giáng Thu nói:

– Tối nay có tiết mục gì hấp dẫn không?

– Ý của mi là ...

– Đi xem phim hay xem ca nhạc. Nói chung, ta bao đó. Hai đứa mình đi nghe.

– Vậy thì để ta suy nghĩ xem đi đâu. Có ăn cơm chiều không?

– Ăn chứ.

Hà Khanh gãi đầu:

– Vậy mà ta tưởng đi xem phim và ăn tối luôn ở một hiệu ăn nào đó chứ.

Giáng Thu cong môi:

– Ê! Ta đâu phải là đại gia và mi đâu phải là kiều nữ.

Hà Khanh cười:

– Nghe mi nói thấy mà ham. Mà mi biết nhỏ Ý Hương bên khoa du lịch không?

– Mà sao?

– Nghe nói ... nó đang chuẩn bị thi người đẹp gì đó. Mà nó đang tham gia nhiều phim quảng cáo lắm đó, ước gì bọn mình ...

– Mi cũng có triển vọng lắm mà.

– Triển vọng gì, thỉnh thoảng hát phòng trà kia chứ. Mà nè! Nếu mi thích hôm nào theo ta đến và hát thử ...

– Để làm gì?

– Biết đâu mi hát tốt ... có nơi mời đi hát, chưa kể ... ta và mi sẽ có cơ hội.

– Cơ hội gì?

– Cơ hội làm người mẫu.

– Ừ. Nói gì chứ được làm người mẫu, ca sĩ hay diễn viên điện ảnh chắc là sướng lắm há.

– Ừ. Còn phải hỏi ... sao hồi đó mình không thi vào ngành đó nhỉ?

– Mi thấy có người mẫu nào học từ trường đại học đào tạo người mẫu ra không? Toàn là từ các trường khác hay từ cái may mắn.

– Sao lại may mắn?

– Vì đẹp.

– Ờ há! Nghĩ đến mình mới học năm hai ... còn mấy năm nữa mới ra trường, trong khi mấy đứa người mẫu hay ca sĩ ... cỡ tuổi mình đã kiếm khối tiền.

– Chịu thôi, xã hội đã phân công cho mỗi người rồi.

Hà Khanh càu nhàu:

– Nói vậy mà nghe được à? Ta sẽ tìm cách để “thâm nhập” vào môi trường cao cấp đó.

Hai cô bạn cùng cười và trong lòng mơ mộng về thế giới tuyệt vời của nghề người mẫu, diễn viên ...

Nguyệt Hằng con của chú Trí, chú là em của ông Lễ nhưng tính cách lại không giống nhau. Khi ông Lễ xin phép bán ngôi nhà để mua đất khác cất nhà và có dư chút đỉnh để làm ăn, ông nội của Lập Hạ cũng đồng tình ... Ông bảo ngày xưa ông bà cố đến đây lập nghiệp, đây là nơi hoang vu ... nếu bán ngôi nhà nhỏ để xoay xở và phát triển tất hơn thì cũng đành, bà nội thuyết phục ông đồng tình. Lúc đầu, ông còn lưỡng lự vì con trai là Trí không đồng tình.

Nhớ lại tháng ngày còn ở thị trấn sống trong cảnh một đại gia đình, nhà cửa san sát với nhau, bề ngoài thơn thớt nói cười nhưng trong lòng đầy sự ganh tị, đố kị và đặc biệt là hay nói chuyện có “móc câu” lẫn nhau. Tội nghiệp ba của Lập Hạ quá hiền, lúc nào cũng nhường nhịn anh chị em nên luôn chịu thiệt. Lập Hạ nghe mẹ nói ông bà nội cũng rất hiền và công bằng, nhưng ông nội sau này nghe lời của thím Trí nên mọi việc không cư xử công bằng lắm. Đã vậy, phần đất mà ông đã cho ba Lập Hạ cất nhà chẳng bao giờ được yên thân, mỗi khi ba mẹ sửa sang lại nhà thì y như là có chuyện xảy ra. Mẹ và chị Giáng Xuân cũng nước mắt chan cơm bao nhiêu lần ...

Lập Hạ chỉ muốn cho mọi người hiểu và thấy được sự phấn đấu của con người, nếu như không có sự nỗ lực của bản thân thì mảnh đất nhỏ với ngôi nhà tồi tàn ngày nào cũng chỉ là mảnh đất nghèo nàn. Sự đố kỵ đã khiến cho những người thân trong gia đình, bà con dòng họ bỗng trở nên đối nghịch nhau. Từ khi quyết định đến một nơi khác để mở rộng công việc. Rời khỏi khu đại gia đình ở thị trấn, ba mẹ Lập Hạ về phố Mỹ mua mảnh đất nhỏ vô cùng thuận tiện để công việc của mẹ ngày càng phát triển và chỉ hơn mười năm cơ sở đan lát được thành lập và phát triển. Điều đó càng khiến cho gia đình chú Trí ấm ức. Thỉnh thoảng có đám tiệc giỗ quải, họ đều trút lên ba và đòi hỏi phải chia sẻ tiền bạc.

Mẹ của Lập Hạ đã từng bị Nguyệt Hằng nói nặng lời vì sự tranh chấp và Nguyệt Hằng đã cùng chú thím làm áp lực ba mẹ của Lập Hạ, con nhỏ thường kiếm chuyện với Lập Hạ - vô cớ thôi vì đố kỵ.

Lập Hạ vừa từ dưới xưởng làm trở lên bàn làm việc, không ngờ người khách ngồi đợi Lập Hạ là Nguyệt Hằng, cô em chú bác.

Lập Hạ cười nói:

– Ủa! Hằng tìm đến đây có việc gì?

Nguyệt Hằng cười nhếch môi:

– Chẳng lẽ không có việc gì thì không tìm đến được sao?

Lập Hạ cười:

– Hạ nghĩ như vậy.

Nguyệt Hằng đứng lên sau khi ngồi một chốc. Lập Hạ lại cười và nói:

– Hằng ngồi uống nước đã.

Lập Hạ lại chỗ tủ lạnh lấy ra hai lon nước và nói:

– Hằng uống nước đã. Nào, có chuyện gì?

Hằng cau mày rồi lên tiếng:

– Tôi không có thời gian đi tới đi lui, tôi chỉ nhắn lại lời của ba là chị nói với hai bác tính các khoản cho ba.

Lập Hạ nhìn Nguyệt Hằng rồi lắc đầu nói:

– Các khoản nào, Nguyệt Hằng nói đi!

Nguyệt Hằng cau giọng:

– Thì gia đình chị đã bán và lấy trọn tiền cái nhà nên bây giờ mới có cơ ngơi như thế này. Trong khi ba mẹ tôi phải vất vả bao nhiêu, còn phải nuôi ông bà nữa.

Lập Hạ đứng lên:

– Mời cô về cho, chỗ này không phải là nơi để đòi nợ. Vả lại, ai lấy gì của gia đình cô mà cô đến đây đòi chứ?

Nguyệt Hằng cau mày:

– Chị nói vậy mà nghe được hay sao, chỗ ở ông bà cho rồi bán được nhiều tiền ... hưởng một mình.

Lập Hạ vẫn đứng chỗ bàn, cô nói:

– Đó là chuyện của người lớn. Mời cô, nếu không có chuyện gì thì về. Tôi còn phải giải quyết nhiều việc khác.

Nguyệt Hằng đứng lên, sắc mặt lạnh, cô nói:

– Được. Tôi sẽ chống mắt xem các người làm ăn ra sao?

– Chúng tôi làm ăn lương thiện, không lươn lẹo hay lường gạt chẳng gì phải sợ. Xin mời cô về đi cho.

Tự dưng bị đuổi về, Nguyệt Hằng ấm ức nói:

– Chị không cần mời, tôi cũng về. Có điều tôi nhắc cho chị nhớ đất đai nhà cửa là của ông bà ...

Lập Hạ bỏ đi, Nguyệt Hằng quê mặt cũng quày quả đi về. Con nhỏ thỉnh thoảng là ghé vào kiếm chuyện, chú thím giành đất đai, nhà thờ mênh mông.

Anh chị em, ai cũng có một khoảnh đất nhỏ để cất nhà, trong khi chú Trí một nhà thờ và cả một khu đất chung quanh. Vậy mà chưa vừa lòng, khi nào thấy bác Nghĩa hay gia đình Lập Hạ sửa sang nhà cửa thì lại kiếm chuyện.

Ba mẹ Lập Hạ cất một căn nhà, là nền đất trên khoảng đất khoảng một trăm mét vuông, rồi thời gian đi qua vẫn không làm được gì để cuộc sống khá hơn, ba mẹ đã xin ông bà bán đi để tìm chỗ khác làm ăn may là dư chút đỉnh tiền.

Lúc đầu, ông phản đối kịch liệt vì nghe lời chú thím, nhưng rồi cuối cùng ông bà cũng đồng tình vì cho rằng từ thuở xưa đất đai này cũng là của chung, ai đến sinh sống trước thì có chỗ tốt hơn. Vậy thôi!

Hơn mười năm nay, gia đình Lập Hạ dần dần phát triển công việc từ việc đan lát, đây là một nghề truyền thống của gia đình họ ngoại. Lúc đầu, Lập Hạ cũng không hứng thú lắm nhưng dần dần công việc thuận lợi và nhất là từ khi cây lục bình được sử dụng như một dây để đan thì Lập Hạ càng hưng phấn hơn và thích sáng tạo. Cô đã bỏ phố để về quê phụ mẹ .... dần dần một cơ sở được thành lập và Lập Hạ người sáng tạo mẫu mã. Cô vốn giàu cảm xúc và hình tượng nên từ nhỏ cũng có chút khiếu, không ngờ cô trở thành người thiết kế mẫu mã cho “công ty” của mình, nói cho có màu sắc kinh tế. Chú thím Trí ngày càng quá đáng cứ thỉnh thoảng lại đòi tiền ba, mỗi lần ba về dự đám giỗ đều công kích ba để ba phải chi thật nhiều tiền và đưa tiền đất ngày xưa ...

Trời ạ! Thật là vô lý ...

Cũng may mắn cho Lập Hạ tự dưng có người mách cho cái mẫu mã về chiếc túi xách, không ngờ có đối tác đến đặt hàng và yêu cầu thêm các mẫu mã khác.

Vậy mà cái anh chàng bỗng dưng biến mất.

Lập Hạ và Giáng Thu cứ nhắc đến cái tên của anh ta là tức cười. Giáng Thu bình phẩm:

– Đàn ông con trai gì tên là Ngữ Văn.

Lập Hạ bồi thêm:

– Cái tên của anh ta mới độc đáo làm sao. Nguyễn Khoa Ngữ Văn.

– Chắc là hồi đó mẹ hay ba của anh ta mê khoa Ngữ Văn nên đã đặt tên cho con như vậy.

Lập Hạ cười:

– Chắc là định đặt tên cho con gái, không ngờ lại là con trai.

– Chắc vậy chị há!

Hai chị em cứ đùa trước cái tên thật con gái của một chàng trai xa lạ, bỗng dưng đâu xuất hiện rồi mách cho Lập Hạ cảm hứng với chiếc giỏ lục bình. Dẫu sao cũng cám ơn anh nghe anh Văn.

Lập Hạ lại cười một mình khi nghĩ đến anh ta.

Cũng như Giáng Thu, lần đầu nghe đến cái tên Nguyễn Khoa Ngữ Văn của anh, Lập Hạ đã nói:

– Tội nghiệp cho anh ghê!

– Sao lại tội chứ?

– Vì khi nghe đến cái tên của anh ai cũng hình dung đến một cô gái xinh đẹp, ai dè lại là một tên con trai.

– Nghĩ cũng buồn.

– Khổ chứ anh Văn.

Ngữ Văn cười vỗ tay:

– Trời ơi! Phải chi tôi đừng là Ngữ Văn mà là Anh Văn thì hay biết bao nhiêu.

– Vậy thì anh nấu chè đổi tên là Khoa Anh Văn hay Khoa Anh Ngữ đi.

Ngữ Văn buột miệng:

– Phải chi cô là ...

Lập Hạ trừng mặt:

– Ê! Đừng có nói tôi là mẹ anh để đặt cho anh những cái tên thật hay và thật “con trai” nhé.

– Hừ! Cô đừng có mà mơ ... mơ đến đỗi mơ huyền ... mờ.

– A! Cái anh này ...

Cứ mỗi lần gặp anh ta là y như hai người lại cãi vã như thể hai người là bạn thân từ lâu lắm.

Đang mải miết suy nghĩ thì Giáng Thu cùng cô bạn bước vào chào. Lập Hạ vui vẻ:

– Mới đó mà đã một tháng rồi, việc học của em ra sao?

Giáng Thu gật đầu:

– Dạ tốt.

Đưa tay chỉ cô bạn, Giáng Thu nói:

– Đây là Yến Nhi bạn em. Yến Nhi nghe nói về chị và cơ sở của nhà mình nên nhỏ này đòi về chơi. Nó còn đòi làm đệ tử của chị nữa đó.

Yến Nhi gật đầu chào Lập Hạ rồi lên tiếng:

– Nghe Giáng Thu nói về gia đình, em ngưỡng mộ quá và nhất là chị, còn trẻ mà đã trở thành chủ một cơ sở sản xuất.

Lập Hạ cười:

– Nè! Về chơi chứ không phải để nói những lời quá ngọt như vậy với chị nghe nhỏ. Chị sợ ngọt cực kỳ.

Giáng Thu cười, láu táu:

– Nhỏ Yến Nhi đòi làm học trò chị đó. Nó xin học nghề ... chị thấy sao?

– Hoan nghênh thôi. Nhưng mà nè ... ở đây được bao lâu mà đòi học nghề đây, cô nhỏ?

Yến Nhi cười:

– Em ở ba ngày hai đêm, có biết được chút chút gì không chị?

Lập Hạ gật đầu:

– Biết chứ ... biết cách quản lý.

– Hả?

– Chị nói thật đó ... làm quản lý hoặc làm “nhà” thiết kế cũng được.

– Gì mà “nhà” thiết kế, nghe lớn lao ghê!

– Vậy làm thợ vẽ hay kỹ thuật viên.

Yến Nhi cười:

– Chị nói toàn ngôn từ của những nhà làm kinh tế làm sao em biết.

– Có gì lớn lao đâu em. Thôi, hai đứa vô nhà đi, chắc mẹ mừng lắm. À!

Muốn ăn gì nói với mẹ, sẽ được ưu tiên cho người ở xa về đó.

Giáng Thu kéo tay Yến Nhi:

– Dạ, em biết rồi. Em thích ăn đủ thứ lắm. Mỗi ngày em sẽ ăn một món.

– Ừ. Cứ tha hồ và thoải mái mặc cho “mất cả phọt”.

Giáng Thu nhõng nhẽo:

– Hứ! Chị hăm dọa em. Người ta định làm người mẫu đấy?

Giáng Thu kéo Yến Nhi đi nhanh rời khỏi phòng làm việc của Lập Hạ.

Lập Hạ loay hoay với các giấy tờ, sổ sách có vài đơn đặt hàng, một số mặt hàng, nào kệ, nào những chiếc lẵng hoa với nhiều kiểu dáng và tất cả được làm bằng cây lục bình.

Xem xong giấy tờ, Lập Hạ xuống xưởng xem số hàng để xuất theo đơn đặt hàng ... Cũng nhờ có mẹ mà Lập Hạ biết được những công đoạn đan lát, đan lục bình. Giờ đây cô biết chọn lọc cái loại lục bình để sử dụng cho hợp lý những chiếc giỏ bằng cây lục bình được nhuộm màu cây và cả màu hoa. Nhìn chiếc giỏ bằng những cọng lục bình đan với nhau và giữ được nét màu hoa lá trông mới ngộ nghĩnh làm sao. Nếu có anh chàng khoa Ngữ Văn ở đây, cô sẽ đãi anh ta một bữa ăn. Đặc sản của quê cô ... ăn gì nhỉ? Đặc sản là ... hủ tiếu, phải rồi hủ tiếu Mỹ Tho ...

Trời bỗng đổ cơn mưa, Lập Hạ xem các kho chứa cây lục bình khô và xem lục bình được phủ và sấy có tốt không. Phơi lục bình mà gặp mưa là căng vô cùng.

Lập Hạ nâng niu những cọng lục bình từ lúc người ta mang đến bán cho đến khi phơi và sấy khô, mỗi công đoạn để tạo cho cây lục bình được tốt, cô đều chú ý nên khâu bảo quản giữ gìn rất kỹ. Hôm nào mưa dầm dề không phơi được lục bình, trong lòng Lập Hạ rất buồn, mặc dù có đủ kỹ thuật để sấy khô và ép các cọng lục bình, cọng lát nhưng Lập Hạ lúc nào cũng chăm chút, nâng niu những sản vật thiên nhiên ban tặng cho con người ...

Nhìn từng hạt mưa rơi, Lập Hạ chạnh lòng man mác nhớ, đã bao lần nhìn mưa rồi bỗng nhớ những ngày mưa Sài Gòn, nhớ Sài Gòn, trong lòng cuồn cuộn như lời của một bài ca:

“Em còn nhớ hay em đã quên” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

...

Nhớ Sài Gòn mỗi chiều gặp gỡ Nhớ món ăn quen, nhớ ly chè thơm Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng Phố em qua gạch ngói quen tên ...

...

Bạn bè mỗi đứa một nơi đi học rồi chia tay, đa số bạn bè đều lập nghiệp ở miền đất hứa Sài thành và cô cũng đã ở thành phố đi làm và cuối cùng trở về với quê mẹ, với công việc của mẹ. Mẹ rất vui mừng, bà cứ nói mãi:

“Mẹ vui lắm, con đã giữ lại cái nghề truyền thống của gia đình, bà và tổ tiên chắc là vui lắm”.

Lời của mẹ khiến cho Lập Hạ cảm thấy trọng trách càng lớn hơn và cô tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để giữ gìn và phát triển công việc.

– Đang ... nhớ tới “ai” phải không?

Nghe tiếng quen quen, Lập Hạ quay lại rồi nói:

– Tôi không có rảnh đâu mà nhớ đến “ai”.

– Kệ cô ... nhớ hay không đâu có liên quan đến tôi.

– Anh Khoa Ngữ Văn ...

– Sao không gọi tôi là Anh Văn? Hay Anh Ngữ nghe được hơn.

– Nhưng thực chất anh là Nguyễn Khoa Ngữ Văn. Anh là “Ngữ Văn” chứ không phải Anh Văn.

Ngữ Văn cười:

– Nhưng cô vẫn phải gọi tôi là anh ...

– Anh Ngữ Văn ...

– Anh Văn nha? Năn nỉ cô đó!

Lập Hạ cười, rồi chợt kêu ca:

– Anh làm gì biến đâu mất tiêu vậy?

Ngữ Văn cười:

– Bộ nhớ “tui” hả?

– Ở đó mà ham! Mà nè! Thực ra, tôi ... muốn cám ơn anh.

– Cám ơn tôi về chuyện gì?

– Nhưng trước hết anh cho tôi biết thời gian qua anh biến đi đâu?

– Tôi về nhà và làm việc.

– À! Thì ra là vậy. Nhưng anh ở dâu? Chẳng lẽ anh ở ...

– Không phải Bến Tre, đó là nhà của bạn tôi. Tôi ở Thành phố.

– Anh về Bến Tre chơi?

– Ừ? Thằng bạn tôi ở bên đó, nó có bà dì ở gần đây, chỗ cầu Rạch Miễu. Nó hay rủ tôi đến đó chơi.

– Hôm nay anh có về đó không?

– Tôi về và ở đó. Tại nó đang ở thành phố. Thế ... cô định cám ơn tôi về việc gì?

Lập Hạ cười:

– Anh khiêm nhường ghê! Cũng nhờ có anh mà tôi có được sản phẩm đẹp.

Mà nè ... tôi lại có mấy cái hợp đồng cung cấp sản phẩm từ lục bình, cả lát nữa.

– Tôi ... tôi ... có biết gì đâu?

– Vậy trùng hợp vậy sao?

– Trùng hợp điều gì?

– Sau khi anh nói rồi đi, ở đây tôi nhận được nhiều hợp đồng, tôi cứ tưởng ...

– Thôi đừng nói chuyện đó nữa nghe.

Lập Hạ đứng lên:

– Vậy tôi mời anh một bữa để cảm ơn vì đã mách cho tôi kiểu giỏ xách.

Ngữ Văn vui vẻ:

– Có đặt không?

– Người ta đặt hàng nhiều lắm.

– Vậy à?

– Anh bằng lòng chứ?

– Sẵn sàng. Tôi đang đói đây.

– Vậy đi “Vườn phố” nhé.

Ngữ Văn khoát tay:

– Cho tôi ăn đặc sản phố Mỹ đi.

– Hủ tiếu Mỹ Tho nghe.

– Đúng rồi. Tôi nghe nói ngon lắm! Tôi ăn hai tô đó nhé!

– Sẵn sàng thôi.

– Vậy anh đợi tôi nghen. Không ngờ, trời đã hết mưa tự lúc nào.

– Từ lúc tôi vào đây lận cô, nhưng làm gì mà quên đầu đuôi hết vậy.

– Hứ! Vì tôi đang nghĩ trong đầu sẽ giới thiệu hủ tiếu ở quán nào ăn để anh còn nhớ.

– Nhớ ai?

– Nhớ hủ tiếu, nhớ bà bán hủ tiếu.

Ngữ Văn lắc đầu:

– Tôi chỉ nhớ ... nhớ người dẫn ăn hủ tiếu mà thôi.

– Hứ!

Lập Hạ biến vào trong nhà. Lát sau, cô trở ra với diện mạo thật đẹp. Chiếc áo tím và chiếc quần Jean màu trắng. Trông cô thật trẻ và xinh đẹp một cách lạ lùng.

– Anh làm gì tần ngần vậy? À! Để tôi lấy xe.

Ngữ Văn lên tiếng:

– Thôi khỏi đi Hạ. Đi cùng xe với tôi nhé. Lát, tôi đưa cô về.

– Anh có vẻ rành quê tôi ghê!

– Tôi đến thường lắm!

– Anh làm gì đến đây?

– Đó là bí mật của tôi.

– Bí mật à?

Ngữ Văn vừa đẩy xe vừa nói:

– Có cho tôi ăn hủ tiếu không hay sao mà rề rà thế nhỉ?

– Ăn chứ.

– Vậy thì leo lên xe cho tôi nhờ.

Ngữ Văn dừng xe trước một cửa hiệu hủ tiếu, chắc là ngon lắm đây, khách ra vào tấp nập.

Hai người ngồi ăn ở quán hủ tiếu. Sau đó Ngữ Văn mời Lập Hạ đi uống cà phê. Đến tối hai người mới về.

Giáng Thu và Yến Nhi đến chỗ của Đinh Tuệ, Yến Nhi quen biết Đinh Tuệ trong một dịp dự tiệc nào đó mà cô cũng không nhớ rõ, chỉ biết anh chàng có quen biết nhiều trong giới điện ảnh, người mẫu và anh còn là người chụp ảnh cho các siêu mẫu.

Hai cô được hẹn gặp ở quán cà phê trong khu chung cư. Một quán nước ở một góc vườn tuyệt đẹp.

Yến Nhi xuýt xoa:

– Nhìn dãy lầu cao tầng kia ... biết bao giờ bọn mình có căn nhà ở đấy nhỉ?

Giáng Thu cười:

– Vậy sao mi nói chừng nào nổi tiếng chúng ta cũng sẽ có thôi.

– “Có thể” có chứ không phải là có.

– Ối! Thế nào cũng sẽ có thôi.

– Làm gì có.

– Thì làm người mẫu, làm diễn viên.

Yến Nhi cười rồi cùng Giáng Thu bước vào quán nước.

Một gã đàn ông tóc kiểu đứng, dáng nghệ sĩ sành sỏi. Gã ngoắc tay ra hiệu.

Giáng Thu bỗng khớp khi cùng Yến Nhi bước lại gần.

Gã giới thiệu:

– Anh là Tuệ, Đinh Tuệ. Hai em cần anh giúp đỡ điều gì, xin sẵn sàng phục vụ hai người đẹp.

Yến Nhi bạo dạn hơn:

– Anh thấy hai đứa em “tút” lại có thể được không?

Gã nghiêng nghiêng người nhìn hai cô rồi nói:

– Cao bao nhiêu?

Giáng Thu nhanh miệng:

– Trên một mét sáu mươi lăm.

Gã gật gật đầu:

– Có thể.

Yến Nhi mạnh dạn hơn:

– Anh à! Chị của em nói ...

Gã gạt ngang:

– Chị A, B hay Hồng, Hoa, Huệ gì anh không biết đâu. Thôi hai em uống nước đi.

Hai cô bé ngập ngừng hớp từng ngụm nước.

Cuộc trò chuyện chẳng đi tới đâu, nhưng Giáng Thu vẫn lóe chút hy vọng vì theo Đinh Tuệ, ba vòng của Giáng Thu nhìn thoáng cũng khá, anh chàng chỉ nói thế nhưng Giáng Thu đã thích vô cùng.

Đêm ấy, hai cô gái cứ mãi đuổi theo giấc mộng của mình.

...

Giáng Thu và Yến Nhi theo học các khóa biểu diễn thời trang rồi tự mỗi cô lại tìm cách để đến với nghề bằng khả năng của mình. Đó là suy nghĩ của Yến Nhi. Bỗng dưng Yến Nhi trở chứng rồi tìm cách tiếp cận với Đinh Tuệ. Giáng Thu cũng có những cuộc gặp gỡ Đinh Tuệ riêng và cả những người Đinh Tuệ giới thiệu cho cô.

Được Đinh Tuệ hứa nhiều điều khiến cho Giáng Thu vô cùng vui. Cô cứ hẹn với anh mãi.

Được anh chàng khen khiến Giáng Thu vừa sung sướng vừa thẹn thùng.

Giáng Thu bước vào và trò chuyện cùng Đinh Tuệ một lúc. Anh chàng lên tiếng:

– Có thật là em muốn làm người nổi tiếng không?

Giáng Thu gật đầu:

– Em muốn được đến với nghề người mẫu. Còn nổi tiếng, đâu phải người mẫu nào cũng được nổi tiếng.

Đinh Tuệ cười, nheo mắt nhìn cô:

– Nhưng chẳng ai là người mẫu mà lại không thích nổi tiếng. Nếu anh làm được điều này, em thấy sao?

– Ý của anh là ...

Đinh Tuệ thuyết giảng:

– Người mẫu là người của công chúng nên sống cũng phức tạp lắm. Nếu em tâm huyết, anh sẽ giúp em ... nhưng ...

– Nhưng ...

– Nhưng sao anh?

– Tất nhiên là phải có điều kiện.

– Thì em sẽ trả công.

Đinh Tuệ hau háu nhìn:

– Em trả công ư? Anh ra giá nghe. Vô giá đó? Vậy cái gì vô giá là có sự trao đổi ở đây.

Giáng Thu vô tư:

– Nhưng em còn đi học, bao giờ em ra nghề ... em sẽ đền ơn cho anh. Ký sổ nhé anh!

– Còn trả giá nữa sao cô em? Nè ... em là cả một tài sản vô giá nếu như em nổi tiếng đó. Mà thôi, anh đùa chút. Em phải chăm chút tới bản thân nhiều hơn.

– Là sao?

– Là phải ... mà nè, kinh tế gia đình ra sao, liệu có chạy theo nổi không?

– Nếu em không có đầy đủ thì sao?

– Thì ... có bản thân em ...

Đinh Tuệ nói thật nhiều khiến cho Giáng Thu vừa lo rồi lại dâng lên cảm giác vui sướng, hạnh phúc, cô mơ đến ngày nổi danh của mình ...

...

Trong khi ấy Yến Nhi cũng tìm cách để được Đinh Tuệ lăng xê, cô chụp nhiều hình cực đẹp và cũng vô cùng “mát mẻ”. Dù đã cùng Giáng Thu tìm cách để đến với con đường làm người mẫu, làm diễn viên, nhưng giờ thì Yến Nhi rút ra một điều không thể cùng một lúc có hai “người đẹp” đến với một người nên Yến Nhi tách ra và một mình tìm đủ cách để chinh phục Đinh Tuệ, xem ra cũng không quá khó một khi cô đã chiều ý anh ta. Có gì hơn cả sự nghiệp của mình - được nổi danh tức là sự nghiệp của mình sẽ có nhiều thuận lợi.

Nghĩ đến điều này, Yến Nhi vô cùng sung sướng. Yến Nhi là con út trong một gia đình giàu có ở tỉnh, một tỉnh cách thành phố không xa, nên rất thuận tiện cho cô. Cô về nhà xin ba mẹ một số tiền và trở lại thành phố rồi cùng Đinh Tuệ đi chơi biển để chụp ảnh.

Sáng nay vừa định đi, bị Giáng Thu hỏi vặn nên Yến Nhi kẻ cả nói:

– Tao có chút chuyện phải lo. Nhưng mày yên tâm đi, khi nào tao thành công, sẽ kéo theo mày ...

Giáng Thu nhăn nhó:

– Nhưng mày đi đâu?

– Đã bảo tao có việc riêng hôm nay thứ bảy. Không có giờ. Thôi, tao đi nghe.

Giáng Thu nhìn vẻ vội vã của Yến Nhi nên hối bạn đi nhanh.

Còn lại một mình, Giáng Thu bày biện tất cả những chiếc áo mà cô có, ngắm nhìn một lúc, Giáng Thu cảm thấy chán vì không hài lòng. Suy nghĩ mãi, cô đành thay đồ rồi phác họa trong đầu những gì cần phải mua sắm. Thảo nào Đinh Tuệ nói:

“Em phải chăm chút cho bản thân mình”. Nhỏ Yến Nhi dạo này có nhiều đồ đẹp, rồi lại đi tối nhiều hơn, chẳng biết nhỏ ấy làm gì. Mặc kệ, tối nay cô cũng có cuộc hẹn với tay nhiếp ảnh bạn của Đinh Tuệ. Anh chàng này có vẻ vui vẻ hơn, cứ quen nhiều thì cơ hội sẽ nhiều hơn, nghĩ như vậy nên Giáng Thu quyết định đi mua sắm.

Cô bé đi siêu thị mua vài cái áo thật vừa ý và một số mỹ phẩm. Trong tuần này cô sẽ được chụp ảnh để giới thiệu đến chỗ trung tâm đào tạo người mẫu.

Nhất định mẹ sẽ ủng hộ, chị Giáng Xuân thì hoan nghênh hai tay. Giáng Thu ngại chị Lập Hạ, chị luôn luôn vạch ra những điều nên và không nên để rồi chị quyết định từ bỏ Sài Gòn để về quê làm cô chủ nhỏ. Ai cũng khen chị, mẹ thì vô cùng vui mừng và sung sướng vì cái nghề mà mẹ được ông bà ngoại dạy giờ đây đã được chị Lập Hạ nối nghiệp. Ai cũng đùa chị là “kế thừa có sáng tạo”.

Lập Hạ vừa có khả năng kinh doanh nhưng cũng rất mềm mỏng lãng mạn, có lẽ vì quá lãng mạn mà chị gắn liền với cây lục bình. Nghĩ đến Lập Hạ, Giáng Thu thấy nhớ chị và nực cười về chuyện của chị với anh chàng có cái tên rất con gái là Ngữ Văn, chẳng biết chuyện hai người đi tới đâu.

– Ê nhỏ!

Giáng Thu giật mình. Cô bạn nói tiếp:

– Đi “shopping” mà cũng mơ mộng nữa sao bạn?

Giáng Thu quay lại. Thì ra là Hà Mai, cô bạn cùng khoa.

Mai cười nói tiếp:

– Đi một mình à?

Giáng Thu gật đầu.

Hà Mai nhìn trên tay Giáng Thu chiếc áo thật đẹp, cô hỏi:

– Mua cái này à? Đẹp quá áo đầm này đi sinh nhật, đi dạ hội đều tuyệt đẹp.

Giáng Thu chỉ cười trong lòng định nói:

“Thì mình chọn đồ đi đự tiệc, đồ thật quý phái” mà.

Hà Mai cùng đi với Giáng Thu. Giáng Thu cũng cầm và xem những chiếc áo đẹp. Giáng Thu xởi lởi hỏi:

– Mai cũng mua áo dạ hội phải không?

Hà Mai cười:

– Thấy đẹp thì xem chứ toàn là đi học không, làm sao dám mua áo này để đó.

– Xạo đi bạn ... bạn mua hàng “lô” cũng được chứ ở đó ...

– Ừ, thì mua hàng “lô” hay hàng chục ... nhưng là đồ “chợ đêm, đồ đổ” đấy chứ.

– Mi nói quá rồi đó Mai.

Hai cô bạn cười rồi cùng nhau xem đồ. Giáng Thu mua mấy chiếc váy đầm khiến cho Hà Mai lè lưỡi:

– Làm gì “sộp” dữ vậy ta?

Giáng Thu cười:

– Bà chị tài trợ.

– Có bà chị là “bà chủ” thật sướng.

– Chủ gì chủ?

– Sao lại không là chủ khi mà chị ấy đang có một cơ sở kinh doanh như vậy.

Ngồi đó mà mơ chẳng biết có gặp không?

Giáng Thu cười:

– Mình thấy có gì lớn lao đâu. Chị ấy không làm thì cũng có người khác làm, làm chủ như vậy ai mà chả làm được.

Hà Mai cười:

– Nói như mi ai cũng là chủ hết chắc. Mà nè! Đi uống nước hay đi ăn kem, ta mời mi đó.

– Hay để mình mời Hà Mai.

– Gì vậy? Hôm nào mời ta đi ăn cũng được.

– Nhỏ này ...

Giáng Thu đánh lên vai bạn rồi đến chỗ tính tiền đồ. Hai cô vào quán cà phê và gọi cà phê kem.

Đây là món cà phê mà các cô gái rất thích. Hà Mai cũng là cô gái đầy tham vọng, cô đang ca ở phòng trà nhưng trong lòng cũng không muốn để Giáng Thu biết vì Hà Mai e ngại rồi Giáng Thu cũng sẽ được giới thiệu vì Giáng Thu có giọng ca khá hay.

Giáng Thu thì vẫn vô tình:

– Nghe nói Hà Mai được mời ca ở phòng trà phải không?

Hà Mai cười gượng nói:

– Ừ. Chỉ thỉnh thoảng thôi, chẳng thu nhập được bao nhiêu!

Giáng Thu vừa cho muỗng cà phê kem vào miệng, vừa nói:

– Ta không quan trọng chuyện thu nhập, nếu được ca là ta vui lắm. Mi có cách nào giúp ta không?

Hà Mai lắc đầu nhẹ:

– Ta làm gì có khả năng đó, chỉ thỉnh thoảng được mời đi hát.

– Ừ. Ta cũng chỉ cần thỉnh thoảng được mời đi hát ở phòng trà cho vui. À!

Nếu mi quen ai thì chỉ ta để ta làm quen. Ta sẽ không quên “ơn” của mi đâu.

– Trời ơi! Con khỉ ... nhỏ làm như chuyện gì dữ đội lắm vậy. Để ta xem có nói được không, có gì báo sau nha.

Giáng Thu vui mừng ra mặt:

– Vậy cám ơn nhỏ trước. Nè! Để ta trả tiền nước cho, hôm khác sẽ đi ăn ...

nghen.

Nhìn vẻ mặt hớn hở của Giáng Thu, Hà Mai cũng thấy tội nghiệp cho bạn.

Nhưng cứ nghĩ đến nếu có Giáng Thu thì cô sẽ không còn được tâng bốc như lúc mới, tự dưng trong lòng Hà Mai không vui.Con gái mà, ai lại thích có người khác được ngợi ca hơn mình trong cùng một môi trường chứ, mà người đó lại do mình giới thiệu, như vậy sẽ đau lắm.

Hà Mai tiếc cho cuộc gặp gỡ này, tự dưng lại phải làm người giới thiệu để người khác vào là mình sẽ bị “ra rìa” ngay, càng nghĩ càng thấy tiếc cho buổi gặp “vô duyên” này.

Tuy không học cùng lớp nhưng cùng khoa nên các cô biết nhau, hễ có người nào “trội nổi” hơn mình thì trong lòng chẳng vui chút nào. Bởi vì chẳng có cô gái nào thích có người khác hơn mình mà lại hơn nhiều mặt nữa. Giáng Thu vốn xinh đẹp, lại có chị là chủ một cơ sở làm ăn ở tỉnh nên Giáng Thu có điều kiện để theo đuổi những ước mơ cao xa, bay bổng hơn. Đã thế còn lại ca hay nữa. Cứ nhớ những lần đi sinh nhật hay đi dự tiệc tùng gì cùng nhau thì y như rằng Giáng Thu là một bông hoa sáng giá được mọi người vây quanh. Đặc biệt là các gã con trai. Tức ơi là tức? Nhưng Hà Mai vẫn tự tin vào mình và luôn tìm cách để nổi trội hơn trên một lĩnh vực nào đó. Hiện tại, Hà Mai đã trội hơn cô bạn sáng giá của mình về việc đi hát ở phòng trà, giờ đây nếu giới thiệu nhỏ ấy vào chỗ của mình, nhất định chủ của phòng trà và ban nhạc ai cũng “OK” ngay.

Hà Mai nghĩ đến cách để từ chối khéo nên hỏi:

– Bộ mi định đi hát sao mà mua nhiều đồ diện quá vậy?

Giáng Thu lắc đầu:

– Thì để dành vậy mà.

– Ừ. Chuẩn bị cũng tốt, để lúc được sẽ có đồ đẹp để mặc đi hát ngay.

– Ừ há! Nghe ... nôn ghê! Nhớ giúp ta đi nhỏ.

Hai cô bạn cứ huyên thuyên một lúc rồi mới ra về.

Giáng Thu lại cảm giác lâng lâng khi nghĩ đến những viễn ảnh sẽ đến với mình.

Bà Bạch Lan im lặng suốt bữa ăn khiến cho Lập Hạ thấy lạ. Mẹ vốn hay nói cười, hiếm khi mới im lặng như thế này.

Ông Lễ và cơm được lưng bát thì dừng lại và lên tiếng với bà Lan:

– Anh không nghĩ chú Trí lại làm như thế.

Bà Bạch Lan buồn buồn nói:

– Chuyện gì mà chú ấy không làm? Chú ấy cứ vòi tiền vợ chồng mình hoài, lòng tham không đáy mà.

Lập Hạ không dám hỏi vì cô không muốn xen vào chuyện của ba mẹ. Cô nghe mà cũng không hiểu rõ điều gì.

Ông Lễ phân trần:

– Có khi đó chỉ là tin đồn chứ vợ chồng chú ấy đâu có biết về việc này.

Bà Bạch Lan:

– Chuyện gì mà chú thím ấy chẳng tham gia vào, chẳng qua đó là đố kỵ.

Ông Lễ phân trần:

– Chỉ nghe thôi, chuyện mình thì mình làm, đừng để ý đến chuyện người khác.

Giọng bà Lan còn bực tức:

– Vậy sao cứ hễ thấy ai làm gì là làm cho được.

– Nhưng quan trọng là làm có được không?

Bà Lan cằn nhằn hoài:

– Em không hiểu tại sao vợ chồng chú ấy lại như thế, bà nội tụi nhỏ còn đó, nếu không chắc không yên với chú thím ấy.

– Mình đừng thành kiến với chú thím, dù gì cũng chỗ anh em.

– Tôi ... dị ứng với kiểu làm ăn đó của hai vợ chồng chú ấy lắm.

Ông Lễ an ủi:

– Thôi thì cứ coi như đó là sự cạnh tranh lành mạnh, mình nhé.

Nghe ba mẹ nói, Lập Hạ loáng thoáng hiểu nhưng cô không thèm quan tâm, ba mẹ cô đã vất vả và chịu đựng cả một thời.

Ăn cơm xong Lập Hạ vừa định trở qua xưởng thì bà Lan ngăn:

– Mới ăn trưa xong, con nghỉ ngơi một chút rồi hãy làm việc.

Lập Hạ cười:

– Con định qua bên xưởng xem các sản phẩm đã đủ chất lượng sản phẩm để còn giao hàng đúng thời gian người ta yêu cầu chứ mẹ.

– Chuyện đó con đã giao cho cô Duệ và chị Giáng Xuân rồi mà.

– Nhưng chị Giáng Xuân lâu lâu mới ghé vào, con muốn đích thân con kiểm tra đôn đốc để kịp thời sửa chữa và tăng tốc chứ mẹ.

Bà Bạch Lan cười:

– Ra vẻ “chủ doanh nghiệp” được rồi đó.

Lập Hạ cười:

– Mẹ cứ trêu con.

Bà Lan nhìn con gái, nửa như muốn nói nhưng lại thôi, bà chỉ cười:

– Cũng may có con nối nghiệp ông bà và phát triển công việc, nếu không chẳng biết cái nghề này có còn giữ được không?

Lập Hạ nhìn mẹ rồi ôm vai bà, cô nói:

– Con không ngờ việc con làm khiến mẹ vui như vậy.

– Mẹ vui lắm. Mẹ cám ơn con. Nhưng mẹ lại lo.

– Mẹ lo gì hả mẹ?

– Con gái mẹ mải lo công việc chẳng có bạn bè gì cả. Ngót nghét hàng “băm” rồi còn gì?

Lập Hạ cười, kéo kéo áo rồi nghiêm trang nhìn mẹ, cô nói:

– Mẹ thấy con có giống bà cụ non không?

Bà Lan nghiêng người nhìn con gái:

– Trời! Con gái tôi thế này mà cụ non cụ già gì chứ.

– Thật không mẹ?

– Quá thật! Mẹ thấy có đứa bước sang tuổi hàng “băm”, có khi hơn thế nữa mà lập gia đình trông cũng rất trẻ, sự nghiệp lại ổn định, như vậy cũng tốt.

– Vậy thì con gái của mẹ chưa đầy ba mươi, mẹ đã lo cuống lên. Tại mẹ không biết đó thôi, ai cũng bảo con gái của mẹ trẻ trung đấy.

– Chà! Tự tin quá vậy ta?

– Tự tin đâu phải là điều xấu, mẹ nhỉ?

– Ừ!

– Vậy thì con sang xưởng đây.

– Ơ ... mẹ chưa hỏi thăm về bạn con mà.

Lập Hạ trố mắt:

– Bạn nào hả mẹ?

– Thì cái cậu mấy tuần qua hay ghé chỗ con làm đó. Có phải con đang quen cậu đó không? Cậu đó ở đâu? Làm gì vậy con?

Lập Hạ phì cười:

– Mẹ à! Anh ấy là bạn. À! Cứ xem như đối tác của con cũng được. Con và anh chàng đâu có gì đâu mẹ.

– Có thì mẹ mừng. Mẹ thấy cậu ta có vẻ cũng khá đó chứ.

– Con đâu biết. Mà thôi, con đi đây.

– Con nhỏ này ...

Bà Lan lắc đầu nhìn theo bóng Lập Hạ.

Buổi trưa, Lập Hạ nhận thêm hợp đồng, số lượng hàng từ lát và lục bình khá nhiều, mặt hàng gồm những chiếc rổ để đựng đồ đạc trong các bàn ở nhà hàng, kệ và lẵng hoa bằng lục bình.

Lập Hạ giao cho các nhận sự có trách nhiệm đôn đốc nhân viên làm, có người nhận về nhà làm thêm và số lượng hàng từ người ngoài nhận làm. Lập Hạ luôn kiểm tra kỹ các mặt hàng nên sản phẩm không bị trả về.

Cô thấy rất vui nhưng cũng lo lắng cứ đôn đốc mọi người làm cho đẹp, cho kịp tiến bộ. Lập Hạ còn “hào phóng” sẽ khen thưởng cho mọi người trong đợt này vì đây là thời điểm của ngày lễ.

Lập Hạ mỉm cười khi nhớ lại lời của mọi người:

“Làm cho cô Hạ thật sướng, được thưởng, được khen và được phê bình rõ ràng”.

Có người láu táu:

– Phê bình mà gọi là “được”?

– Được cô Lập Hạ phê bình cũng là vinh hạnh đấy. Có như vậy mình sẽ làm tốt hơn, tốt hơn thì sẽ “được thưởng”.

Lập Hạ chỉ cười và nói:

– Mọi người yên tâm, tôi chỉ muốn tốt cho tất cả mọi người. Chúng ta làm tốt thì chúng ta sẽ được nhiều hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng, có như vậy chúng ta mới có tiền thưởng chứ.

Không ai nghĩ rằng cơ sở “Lục Bình” của Lập Hạ ngày càng phát triển. Ban đầu chỉ là một tổ hợp nhỏ thu mua và thuê người để làm, giờ dây là một cơ sở làm ăn kha khá. Càng lao vào công việc, Lập Hạ càng mê say. Ngày nào còn là cô bé hay mơ mộng thích trăng, sao, mây nước, ai cũng cười bảo mê “văn nhân thi sĩ” sẽ nghèo sẽ khổ, vậy mà bây giờ cô trở thành “chủ” một cơ sở đan nổi tiếng. Lập Hạ chẳng biết mình có trở nên khô cứng già giặn hay không? Ở cái tuổi của cô, ngoài công việc là cả một khối mộng mơ đầy ắp. Vậy mà ...

Lập Hạ thỉnh thoảng lại bị lời nói của mẹ ám ảnh nhưng cô không vì thế mà buồn bã, xao lãng công việc. Từ khi gặp Ngữ Văn đến giờ, cô nhận vài hợp đồng làm hàng xuất khẩu.

Lập Hạ không biết anh chàng có liên quan gì đến hay không nhưng sau lần anh chàng gợi cho cô hình dạng chiếc giỏ xách, thì lập tức có đơn đặt hàng và ngày càng kha khá. Trên cái đà này, Lập Hạ sẽ để cho dì Bạch Mai mở một xưởng nhỏ ở bên ngoại, trên mảnh đất kỷ niệm của mẹ và mấy dì. Mẹ bảo mẹ thích gọi Vĩnh Kim là Sầm Giang. Thời còn nhỏ, mẹ thích đi qua cầu Ô Thước trên sông Sầm Giang chơi cùng lũ bạn. Ngày nào cũng phải ra sông gánh nước, mẹ hay lấy cây đòn gánh kéo dề lục bình tấp vào bờ rồi hái những cánh hoa lục bình về chơi, còn cọng lục bình ... ôi thôi, mẹ và các bạn có một bữa chơi nhà chòi hoành tráng.

– Chào ... cô chủ.

Lập Hạ ngẩng mặt lên:

– Là anh à! Sao hôm nay xuất hiện vậy?

Ngữ Văn cười:

– Vì bỗng dưng muốn ... à, nhớ ...

– Trời đất! “Bỗng dưng muốn nhớ” người nào tội nghiệp lắm mới được cái “bỗng dưng” đó.

– Không phải là muốn nhớ mà là ... “bỗng dưng nhớ”, nhớ thật nhiều.

– Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

– Nhớ “cô chủ đó”.

Lập Hạ giật mình, mắt nhìn Ngữ Văn trân trân. Định tỉnh lại một khắc, cô nói:

– Nè! Đừng có đùa chứ. Tôi không có trong hội “những người thích đùa đâu”.

Nói xong, Lập Hạ cúi xuống tập giấy trên bàn.

Ngữ Văn bước lại kéo chiếc ghế gần đấy và ngồi xuống. Ngữ Văn cũng cúi thấp đầu và nói khẽ hơn:

– Thật đấy. Tôi thấy nhớ “Lục Bình” ... à, cơ sở đan lát, lục bình.

– Vậy để tôi đưa anh xuống xưởng để thấy “lục bình”.

– Trời đất! Thấy lục bình làm chi?

– Anh bảo nhớ lục bình mà.

Ngữ Văn đứng lên rồi nói:

– Thôi đi cô. Đợi người ta nói thẳng là nhớ ... Ừ, thì tôi nhớ “cô chủ” của xưởng đan lát, lục bình đó, có được không?

Lập Hạ im lặng.

Ngữ Văn lấy tay đóng tập hồ sơ lại rồi nói:

– Hết giờ làm việc rồi. Hay là mình đi chơi, Hạ nhé!

– Nhưng mà ...

– Nhưng gì ... đi qua Bến Tre tối về. Lập Hạ xin phép hai bác nhé – Nhưng mà ...

Bà Bạch Lan đi vào, bà cười với Ngữ Văn rồi đến bên Lập Hạ. Đặt tay lên vai cô, bà nói:

– À! Con cứ đi với bạn, mẹ sẽ trông chừng cho.

Ngữ Văn gật đầu chào rồi nói:

– Giờ này mà còn làm việc sao bác?

Bà Lan cười:

– Không phải như vậy, cháu à. Nhưng người ta sẽ đem hàng đển giao cho mình.

– Sao vậy?

Bà Lan giải thích:

– Họ nhận về làm thêm lúc rỗi rảnh.

– Vậy hả bác?

– Cậu làm ngành gì?

– Dạ, cháu làm bên xây dựng, cháu học kiến trúc.

– Gì mà xây dựng rồi học kiến trúc, nói tóm lại cậu là kiến trúc sư phải không?

– Dạ.

Lập Hạ trở vào. Ngữ Văn nhìn cô chăm chăm, anh lên tiếng:

– Trông “cô chủ” nhỏ thật xinh.

– Ơ ... đừng có ...

– Không nịnh đâu, nói thật đó. Thôi, đi cô nhỏ.

Ngữ Văn cho xe chạy chầm chậm khi lên cầu Rạch Miễu. Vừa lái xe, anh vừa nói:

– Chạy xe trên cầu nhìn xuống đẹp ghê. Chiếc cầu này đẹp nhưng ...

– Nhưng sao?

– Cây cầu “ốm” quá!

– Cầu mà “ốm”.

– Thì bề ngang hẹp quá nên thấy không hài hòa.

– Vậy là chê rồi. Ủa! Mà anh đưa tôi đi đâu vậy?

– Đã bảo là đi chơi.

– Đây là lần đầu tôi đi qua xứ dừa.

– Trời đất? Có xa xôi là bao mà đến bây giờ cô mới đến xứ dừa.

– Tại vì ...

– Tại vì ... mê lo làm cô chủ chứ gì?

– Làm gì có.

– Vậy thì tôi sẽ đưa cô đi chơi đâu đó thường xuyên hơn được không?

Lập Hạ đập nhẹ lên lưng Ngữ Văn rồi nói:

– Không biết.

– Vậy thì đi xem cái này.

Ngữ Văn chạy xe bon bon khắp thị xã. Bến Tre có xa xôi gì với phố Mỹ đâu chứ. Anh dừng xe trước một khu chung cư đẹp.

Lập Hạ kêu:

– Eo ui! Ở đây có khu chung cư đẹp ghê!

Ngữ Văn cười hỏi:

– Lập Hạ thấy đẹp à!

– Thật đẹp đó.

– Có thích không?

Lập Hạ đánh lên lưng Ngữ Văn:

– Cái anh này, bộ thích, bộ muốn là được sao?

– Nếu ... Lập Hạ thích ... anh sẽ “giúp” cho ...

Bất ngờ khi Ngữ Văn xưng “anh”, Lập Hạ im lặng, mắt hướng nhìn khu chung cư có những căn biệt thự xinh xinh gần về. Ôi chao! Mới đẹp làm sao.

Ngữ Văn cũng im lặng một lúc rồi nói tiếp:

– Anh sẽ cất biệt thự màu tím như ngôi nhà của Lập Hạ đó, nhưng kiểu dáng thì khác.

– Anh Văn nói thật đấy chứ?

Ngữ Văn gật đầu rồi nói:

– Mình đi thôi.

Lập Hạ còn muốn ngắm mãi những kiểu nhà xinh kia.

– Nhà của Lập Hạ nằm cạnh dòng sông à. Khoảng sông đó từ dòng Bảo Định chạy qua phải không?

– Vâng!

– Sẽ trồng toàn hoa tím, có cả ao hoa súng tím nữa cạnh đồi cỏ.

– Lục bình tím chứ.

– Tất nhiên rồi.

– Nghe nôn ghê!

– Em thích là sẽ được thôi. Này nhé, đến phố Mỹ sẽ thấy có một biệt thự tuyệt đẹp với tất cả cảnh vật xung quanh một màu tím ngắt, người ta tưởng đâu đó là nhà của một văn nhân, thi sĩ nào đó.

– Nhưng sự thật lại trái ngược.

– Có sao đâu. Đó là “vinh thự” của một doanh nhân có một cái tên gọi đến những cơn gió bấc lạnh lùng thổi.

– Trời đất? Anh mới văn nhân thi sĩ thì có.

– Ừ. Thì anh cũng có chút máu đó, nên mới cảm thông cho người khác. Thôi đi, lên xe ... đến nhà bạn anh một chút.

Lập Hạ lên xe, cô im lặng trong nỗi niềm thắc mắc, suy tư. Rốt cục anh ta là người như thế nào?

Lập Hạ bước cùng Ngữ Văn vào vườn nhà của Khánh Đoàn, bạn của Ngữ Văn.

Khánh Đoàn lên tiếng:

– Đi biệt đâu mấy tháng qua vậy, thằng quỷ?

Ngữ Văn cười:

– Tao bận việc ở thành phố mà.

Thấy Khánh Đoàn nhìn Lập Hạ, Ngữ Văn lên tiếng giới thiệu:

– Đây là Lập Hạ .... bạn mình.

Rồi đưa tay chỉ Khánh Đoàn, anh nói:

– Giới thiệu với Lập Hạ, đây là Khánh Đoàn, bạn anh hồi ở đại học.

Lập Hạ vừa gật đầu chào, vừa lên tiếng:

– Chào anh Đoàn!

Đoàn và Ngữ Văn nói chuyện vui vẻ một lúc, mẹ Đoàn từ ngoài bước vào.

Thấy Văn, bà vui vẻ:

– Sao lâu quá mới ghé vậy con? Nè! Từ Sài Gòn mới xuống phải không, ở lại ăn cơm nghe con.

Ngữ Văn cười:

– Xin phép bác để hôm khác vậy. Hôm nay cháu có việc không ở lại được.

Bà chỉ Lập Hạ, hỏi:

– Bạn cháu à?

Ngữ Văn nhìn Lập Hạ rồi gật đầu. Bà Đoàn nói tiếp:

– Không ghé thì thôi, con và bạn ở lại ăn cơm. Nè! Hôm nay có lẩu mắm ngon lắm. Bác nhớ cháu thích món này lắm, lúc làm công trình ở đây, cháu cứ đòi ăn món này hoài.

Lập Hạ nhìn Ngữ Văn. Thì ra anh là kỹ sư xây dựng. Chẳng lẽ ... Cô không dám tưởng tượng hơn, vì thấy anh chàng cũng vui vẻ, tếu táo.

Ngữ Văn nhìn Lập Hạ rồi nói tiếp:

– Dạ, bác đã nói vậy rồi thì cháu đâu thể từ chối. Nhưng ăn xong là cháu xin phép đi đó. Bác đừng giận cháu nghe.

Bà Đoàn vui vẻ:

– Cái thằng này ...

Nhìn nét phúc hậu, chân chất của bà, Lập Hạ cũng an tâm dù trong lòng cô cảm thấy bối rối tự nhiên bị hiểu lầm là bạn của Ngữ Văn. Cũng phải thôi, ai biểu mình đi chơi với anh ta trong tình cảnh này.

Bà Đoàn nói tiếp:

– Con ở chơi với thằng Đoàn, hay đưa bạn ra vườn chơi. Trời cũng nhá nhem tối rồi, để bác kêu con Yên Hòa nó hái bông súng, lục bình có rau nhút nữa.

Toàn là món con thích đó Văn.

Nghe cách nói chuyện của bà, Lập Hạ tưởng chừng như họ có mối quan hệ thân mật lắm. Cũng phải. Hay là cô gái có cái tên Yên Hòa là ... gì đó của Văn nên bà mới gọi Ngữ Văn bằng con và xưng hô một cách thân mật.

Trước khi đi vào, bà còn nói:

– Ở đây ai cũng khen công trình mà con thiết kế. Bác của thằng Đoàn định cất nhà và nhờ con thiết kế cho bác ấy một biệt thự kiểu vườn đó.

Lập Hạ ngỡ ngàng nhìn Ngữ Văn, trong lòng có chút ngưỡng mộ. Thì ra anh là kiến trúc sư. Vậy mà cô không nghĩ ra điều này.

Lập Hạ cùng Ngữ Văn theo Đoàn ra vườn uống nước dừa.

Khi Đoàn quay vào nhà, Lập Hạ đến bên Ngữ Văn và nói với anh:

– Chắc là anh thân với gia đình lắm?

Ngữ Văn gật đầu:

– Ừ. Đúng rồi.

– Có phải anh thường đến quê hương Bến Tre?

– Ừ. Quê hương xứ dừa.

Lập Hạ chợt đọc vu vơ:

– Vậy là anh “về đây lòng thấy yêu yêu, yêu người yêu xứ hay yêu bóng dừa”?

– Trời ... cô làm thơ à?

– Thơ của người khác, nhưng tôi chịu khó thuộc. Để tôi đọc coi có giống tâm trạng anh không nghe.

“Khi yêu yêu lắm người ơi!

Cả trời, cả đất, cả người Bến Tre.

Bóng dừa hâm mát lối quê Người ơi, tôi ngỡ lối về cùng trăng”.

Ngữ Văn gật đầu:

– Hay ... thật đó nhưng ... cho anh đổi lại một chút nhé.

– Chi vậy?

– Cho phù hợp với tâm trạng hiện tại của anh.

– Trời! Bộ định làm thi sĩ sao?

– Không ... nhưng “lấn sâu” của em một chút vậy mà.

– Em bảo anh ...

“Khi yêu yêu lắm người ơi!

Cả trời, cả đất cả người ... Tiền Giang”.

– Hứ ... anh ...

Ngữ Văn cầm trái dừa và đưa ống hút cho cô anh nói:

– Em uống ... cho ... hạ ....

– Hạ hỏa chứ gì?

– Không. Anh nói Lập Hạ uống nước dừa cho mát.

Lập Hạ chỉ kịp lườm Ngữ Văn, anh nhìn cô trìu mến. Lập Hạ không ngờ hôm nay mình lại rơi vào tình thế này. Ai cũng tưởng cô là bạn gái của Ngữ Vãn. Lập Hạ ơi? Mi vào bẫy rồi. Trời ạ! Ngữ Văn ơi! Anh sẽ biết tay tôi.

Lập Hạ sẽ giở hết “tuyệt chiêu” để bắt nạt anh chàng. Nhất định thế! Hãy đợi đấy, anh Ngữ Văn ơi!

Giáng Thu và Yến Nhi học các khóa đào tạo người mẫu và hai cô cũng được sự “lăng xê” của nhà nhiếp ảnh Đinh Tuệ.

Biết Yến Nhi có ý tách riêng để dễ dàng theo đuổi nghề, nên Giáng Thu cũng tự mình có hướng đi riêng. Cả hai cô quyết tâm tham gia cuộc thi “Sắc đẹp”, mục đích để trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Được tham gia một vài mẫu quảng cáo cho sản phẩm, tuy chưa có gì nhưng Giáng Thu rất vui. Trong lòng càng háo hức hơn khi thấy Yến Nhi quay nhiều mẫu quảng cáo cho sản phẩm “nội y”. Có vẻ như gã Đinh Tuệ thân thiết với Yến Nhi nhiều hơn mình.

Giáng Thu nghĩ thế. Suy nghĩ mãi, Giáng Thu mới nghĩ đến những lời ỡm ờ của anh chàng:

“Để được cái này thì chịu mất cái kia ... bởi lẽ cái mình muốn được nó lớn lao có khi hơn cả cái mình mất ...”. “Rồi nụ cười, rồi ánh mắt, cử chỉ của anh ta ...”. “Của mình sẽ phải của mình, đúng không em ...”.

– Nhanh lên đi, Giáng Thu!

Nghe bạn hối, Giáng Thu vội vã chỉnh trang y phục rồi nói:

– Ừ. Đêm nay bọn mình sẽ được mặc đồ đẹp để giới thiệu các mẫu đồ mới của nhãn hiệu thời trang “Đẹp Xinh” nữa chứ.

Hai cô gái đến Trung tâm Văn hóa, nơi diễn ra buổi biểu diễn thời trang ...

Được trang điểm và mặc những chiếc áo đẹp trông các cô gái thật duyên dáng, thật xinh đẹp.

Giáng Thu bước ra lần nhất, bao ánh mắt đổ dồn về phía cô. Cô có cảm nhận như vậy, nên mỗi bước đi càng cố gắng hơn để cho sự quyến rũ càng thu hút vào ban giám khảo ...

Yến Nhi cũng được mọi người tán thưởng ...

Cảm giác sung sướng cứ lâng lâng mãi trong lòng nhưng vẫn không khỏi lo lắng khi Giáng Thu thấy một cô bạn sắp được ra và bị trượt chân nên không thể ra bên ngoài với trang phục khác, thế là một cô khác mặc chiếc áo ra biểu diễn ...

Buổi tối, trở về, Yến Nhi tỏ ra phê phán cô bạn được chọn biểu diễn lần thứ hai.

Giáng Thu cười nói:

– Được cho diễn nhiều đồ, ai lại không thích chứ.

Yến Nhi cau mặt:

– Nhưng cũng phải biết mình, biết ta chứ.

– Đâu phải tự ý mình mà được đâu. Do ở trên sắp xếp, ban tổ chức và người thiết kế ... họ chọn mình mặc chiếc áo nào thì mình được mặc áo đó.

– Nhưng cũng phải lịch sự chứ. Có người không được mặc, có người cùng lúc tới mấy cái ...

– Nhưng chuyện đó có ảnh hưởng gì đến việc bị trượt chân đâu.

– Có đó. Mi phải biết là cái “khắc nghiệt” của nghề là ở chỗ đó đó.

Yến Nhi không nói tiếp, cô lại đứng trước gương một lúc:

– Tao có người bạn mới nhường cho một chỗ ở ... Tao sẽ dọn ra, tụi mình không thể sống như thế này.

Giáng Thu ngạc nhiên:

– Ý của mày là sao?

– Tụi mình dù sao cũng đã là người mẫu, không thể ở chỗ tuềnh toàng được.

Giáng Thu cười:

– Chỗ này cũng được mà.

– Nhưng đứa nào cũng phải có sinh hoạt riêng tư.

– Mi thấy cần phải dời nơi khác à?

– Ừ. Ta muốn tốt cho bạn bè thôi.

– Nếu ý của mi muốn như thế, ta không ép đâu.

– Biết đâu còn mừng hơn ta ...

– Ê! Sao mi lại nói như vậy. Cái đó người ta nói ...

Yến Nhi cướp lời bạn:

– Người ta nói “ngậm máu phun người”, đúng không?

Giáng Thu cười:

– Nè! Điều đó mi nói à nha!

– Ừ. Thì ta nói.

– Nhưng mà ... thỉnh thoảng ghé tao chơi nghen.

– Nhỏ này, làm như không bao giờ gặp vậy. Ta và mi sẽ gặp ở nơi trình diễn thời trang. Sướng thật, ta thích hai đứa mình gặp nhau khi hai đứa đều đẹp.

Yến Nhi biết mình có nhiều show biểu diễn hơn, nhưng do không muốn Giáng Thu biết, sẽ phiền, vì nhỏ ấy sẽ nhờ vả hoặc đòi hỏi Đinh Tuệ để được như cô. Yến Nhi biết mỗi đứa đều có lợi thế riêng, nếu như Yến Nhi ở đôi chân thì vòng một của Giáng Thu thật tuyệt để mặc đồ thật gợi cảm. Đó là lợi thế của Giáng Thu.

Đang chuyện trò với Giáng Thu thì Yến Nhi có điện thoại, cô ra ngoài nghe.

Là giọng của Đinh Tuệ:

– Là anh đây.

– Gọi em giờ này có chuyện gì không?

– Báo cho em tin này ...

– Vui hay buồn?

– Với em, anh không muốn để em buồn.

– Cám ơn anh nhiều. Gởi ...

– “Thật” đi đừng gởi ...

– Em ...

Nghe giọng nũng nịu của Yến Nhi, giọng Đinh Tuệ cũng nhão theo:

– Vậy thì cưng phải đến ngay ... trong đêm ...

– Anh à ...

– Anh nói đêm mai nhé!

Đinh Tuệ cúp máy. Yến Nhi cảm thấy vui sướng vì mình sắp có việc nữa rồi.

Nhiều người mẫu tên tuổi cũng có khi không có nhiều show quảng cáo như cô.

Yến Nhi im lặng và thu xếp đồ.

Giáng Thu lên tiếng:

– Đi ngủ đi! Ngày mai hãy dọn dẹp. Đằng nào thì mai mi cũng đi.

Yến Nhi tỏ vẻ lo lắng:

– Còn Thu thì sao? Có định tìm chỗ khác không? Chúng ta phải đổi chỗ ở mới hy vọng “đổi đời” chứ.

– Ta ở chỗ này cũng được rồi.

– Mày không thấy ở đây quá xoàng và phức tạp, trong khi bây giờ ít nhiêu mi cũng khác trước rồi.

– Ta thấy chưa có gì cả.

– Mày đợi đến lúc nào chứ! Mấy người mẫu nổi tiếng bây giờ cũng chỉ vì mấy cuộc thi. Bọn mình đã có mặt trên các chương trình quảng cáo, và ...

– Các phòng trà chứ gì?

– Tất nhiên rồi. Có ai tự dưng trở thành hoa hậu, thành siêu mẫu đâu.

– Miễn bàn chuyện đó nhé. Ta đi ngủ đây. À, sáng mai, mi có đến trường không?

Yến Nhi lắc đầu:

– Ta không đến trường, mà là ta đi làm việc.

– Làm việc gì?

– Ừ. Thì từ lúc được làm người mẫu, ta bận lắm, mi à.

– Định bỏ học à?

– Mình còn có thể học lại ... chứ cơ hội như thế này không đến hai lần đâu.

Mi cũng thích làm người mẫu, làm diễn viên kia mà.

– Ừ. Thì thích ... Nhưng thôi, đi ngủ. Sáng mai, ta đến trường một chút.

Nghe Giáng Thu nói, Yến Nhi cười:

– Đừng có cố sức quá đó nghe bạn.

– Biết rồi.

Hai cô bạn nói chuyện một lúc rồi chìm vào giấc ngủ.

Lập Hạ từ thành phố trở về, trong lòng buồn vô cùng khi biết Giáng Thu mãi đuổi theo ảo mộng trở thành người mẫu và cái nghế diễn viên điện ảnh ...

Hai chị em cãi vã một lúc, rồi Lập Hạ ra về. Cô định ở chơi ít hôm, nhưng không chịu nổi sự bướng bỉnh của Giáng Thu.

– Sao em không đi học hả Thu?

Giáng Thu càu nhàu:

– Em phải chuẩn bị để dự cuộc thi ...

– Em bỏ việc học để theo đuổi việc trở thành người mẫu ư? Em dại lắm. Em học xong ra trường có công ăn việc làm, có phải tốt hơn không?

– Nhưng làm người mẫu kiếm được nhiều tiền.

– Em chưa cần phải nghĩ đến điều đó. Tại sao còn đi học mà lại nghĩ đến việc kiếm tiền chứ.

– Tiền ai mà không mê đâu chị?

– Hiện tại em còn đang học, gia đình mình lo cho em được mà.

– Nhưng em cũng cần phải biết em đang muốn gì, thích gì. Đừng bắt em theo gót mọi người trong gia đình mình.

– Thì em cũng đang học một ngành mà em thích đó thôi.

– Có lẽ đó là sự nhất thời. Bây giờ em có sự thay đổi trong suy nghĩ ... do hoàn cảnh xã hội thôi, chị ơi.

– Con đường em đang đi vô vàn khó khăn, phức tạp lắm. Chỉ sợ rằng phải trả giá cao đó nhỏ.

– Cho dù có trả giá ... nhưng nếu đó là con đường mình chọn thì em cũng phải lao vào.

– Đó là lối sống thực dụng, em à.

– Lối sống thời thượng đó chị. Chị không thấy bọn trẻ bây giờ sống như “đế vương” sao? Chị thử nghĩ đến cuộc sống của người dân quê ... em thấy tội nghiệp cho chính mình - vất vả, cơ cực mà có được chút hưởng thụ nào đâu.

– Nhưng em phải hiểu “hưởng thụ” là gì để mình sống chứ.

– Nói tóm lại, em không tranh luận với chị. Tại chị không biết đó thôi.

– Biết gì?

Giáng Thu cười:

– Thế giới của những người đẹp, người mẫu, những người làm nghệ thuật ...

trong mơ còn không dám nghĩ ...

Luận điệu của những kẻ “đua đòi”. Giáng Thu chẳng nghe lời ai. Con nhỏ chỉ thích làm theo ý mình. Cho dù nó có bản lĩnh, nhưng liệu không bị cám dỗ hay không?

Lập Hạ lắc đầu không thèm nghĩ đến chuyện đó nữa. Cô đi xuống xưởng để xem mọi người làm việc. Càng ngày, Lập Hạ càng thích và quý sản phẩm mình tạo ra, cứ nghĩ đến những cọng lục bình và những cánh hoa xinh xinh - ngày xưa nó gắn với tuổi thơ hồn nhiên. Vậy mà giờ đây qua bàn tay khéo léo của con người, những cọng lục bình đã trở nên những món đồ xinh xắn, có giá trị sử dụng ...

Cho dẫu gia đình bên nội có phiền trách vì ba mẹ đã bán nhà - do lúc đó quá nghèo khổ thì giờ đây, cơ ngơi này là niềm tự hào của cả nhà. Công việc bắt đầu từ đây ... Vất vả, cực khổ để kiếm tiền, vậy mà khi có được chút gì là chú thím kiếm chuyện khiến cho ông bà cứ cắn đắn ba mẹ của Lập Hạ. Cô không dễ dàng bỏ qua thái độ của chú thím đối với ba mẹ. Mẹ cô chẳng hề có ý tranh giành đất đai tài sản gì của gia đình, vậy mà giờ đây bà cũng nghe theo để kể lể ...

Có lần Lập Hạ gặp Nguyệt Hằng, con gái của chú thím. Hằng nhỏ hơn Hạ một tuổi nhưng rất đanh đá. Nguyệt Hằng hất mặt nói:

– Bộ định hưởng trọn chắc?

Lập Hạ chẳng thèm lên tiếng. Tức khí, Nguyệt Hằng cằn nhằn tiếp:

– Tôi nói với chị đó, chị Hạ. Gia đình chị thật là mưu mô, chỉ có gia đình chị mới làm như vậy. Thật là ... từ đâu về rồi tranh giành ...

Lập Hạ và Nguyệt Hằng cùng dự tiệc, nên vô tình ngồi gần. Lập Hạ đứng lên:

– Xin lỗi ... Hằng nói gì tôi không hiểu. Ở đây không ai tranh giành cả ... Có người muốn ôm hết tất cả đất đai nhà cửa đó, sao Hằng không nói ... Còn chuyện của gia đình tôi, Hằng không có tư cách để xen vào.

– Tôi nói gia đình chị đó. Ở đất của ông bà cho lại đi bán ... nhờ vậy bây giờ lên mặt.

Lập Hạ bỏ đi chỗ khác vì không thích lối nói chuyện đầy vẻ hằn học, ganh tị của Nguyệt Hằng, nhưng cô biết Nguyệt Hằng đang bài xích gia đình cô dữ dội ...

Biết được Yến Nhi học chung với Giáng Thu nên Nguyệt Hằng tìm cách để Yến Nhi chơi thân với Giáng Thu. Chị em Giáng Thu không ngờ Yến Nhi là em họ xa với cô. Nguyệt Hằng mỉm cười. Cũng nhờ Yến Nhi nắm bắt được những bí quyết nghề đan lát, nên sắp tới để rồi xem cơ sở “Lục Bình” sẽ ra sao?

Vị trí của “Lục Bình” sẽ bất lợi khi bị chặn ở cửa ngõ là Long An ...

Nguyệt Hằng tán thành ý kiến của mẹ và tìm cách để mọi việc tốt đẹp rồi sẽ thực hiện, lợi thế ở trên đây là đương giỏ bàng, tấm đệm bằng bàng. Bàng cũng là sản vật ở vùng đất này. Những ý tưởng mà Nguyệt Hằng trình bày làm cho ba mẹ thêm phấn khởi.

Ông Trí nghe Nguyệt Hằng trình bày thì hào hứng lắm. Ông nói:

– Sau này, về chuyện xuất khẩu chúng ta thành công là cái chắc. Ba có người quen ở nước ngoài.

Bà Trí vui vẻ:

– Kỳ này phải làm cho họ tiêu tan mới được.

Nguyệt Hằng mỉm cười:

– Mẹ phải nói là họ bị “phá sản” mới đúng.

– Ừ. Bị chặn đứng từ nhiều ngõ như vậy, không bị phá sản mới là lạ đó.

Ông Trí cười khì:

– Mẹ con mình, tự tin quá đó nghe.

– Phải tự tin chứ ba.

Bà Trí còn cao hứng:

– Chỉ cần cái gia đình đó “xuống cấp” là đạt yêu cầu rồi.

Ông Trí cười, lắc đầu nói:

– Sao mà thù dai thế!

Bà Trí cũng lắc đầu:

– Có gì đâu mà phải thù. Chẳng qua là “ghét” thôi ... Ghét! Ghét!

Cả ba cùng cười vang. Ông Trí hiểu ý vợ muốn gì. Tất cả vì đố kị mà thôi.

Dẫu sao công việc này đối với gia đình ông là mới mẻ, nhưng có sự hùn hạp với người em họ của vợ, ông cũng tin tưởng, vì người em họ rất giỏi công việc kinh doanh. Mọi việc mới bắt đầu, nhưng ông vẫn hy vọng tràn trề.

Nhìn từng hạt mưa đêm rơi rơi, trong lòng Lập Hạ càng đau đáu, những tưởng nhỏ Giáng Thu sẽ làm cho ba mẹ vui về thành quả học tập nào ngờ con bé lao vào đam mê con đường phức tạp này. Lập Hạ suy nghĩ mãi từ lúc về nhà đến giờ, chẳng biết có nên nói cho ba mẹ biết hay không. Nếu vỡ lẽ mọi chuyện, ba mẹ sẽ ra sao? Lập Hạ nghĩ mãi, đến khi tiếng nhạc điện thoại vang lên, Lập Hạ với lấy từ trên bàn.

– Alô ... Hạ nghe đây!

– Em hả ... anh đây. Sao vậy, cô chủ, không nhận ra giọng anh à?

– À, anh Văn ...

– Có chuyện gì với em vậy, nghe giọng nói khác khác đấy. Nè! Sao về đột ngột vậy ... Anh đang ở bên chỗ của Giáng Thu, đến đón em đi chơi ... Sao về mà không nói cho anh biết?

Giọng Lập Hạ thật buồn:

– Em có việc đột xuất phải về ...

– Sao không điện cho anh?

– Anh còn đi làm ...

– Chiều thứ bảy mà! Vậy sáng mai anh về phố Mỹ đó ... cho anh đi chơi ở đâu đây?

– Anh không đi làm sao?

– Có ... nhưng nhớ quá ... cho anh về thăm nghe!

– Vậỵ. đêm nay ... anh đi chơi với ai?

– Anh định rủ thằng bạn đến uống cà phê rồi về.

– Thật không đó?

– Có ai ... chịu ở lại để đi chơi với anh đâu, cho nên anh phải tự thân vận động, tìm người và tìm nơi để mời người ta đi đó.

– Thôi nhé ... em đang có việc. .... – Hạ .... Em bệnh à? ... Sao lại ...

Lập Hạ không hiểu tại sao lại cúp máy. Thời gian qua, quen Ngữ Văn rồi hai người yêu nhau tự lúc nào Lập Hạ cũng không biết nữa, cô chỉ biết rằng gặp Ngữ Văn, hai người hay đùa, hay cãi vã với nhau ... nhưng vắng Ngữ Văn, không được trò chuyện, cô cảm thấy buồn nhớ. Anh chàng cũng biết làm hài lòng mọi người trong gia đình. Chị Giáng Xuân thỉnh thoảng mới về nhưng cũng thích anh chàng. Còn Lập Đông thì xem anh chàng như thần tượng. Mẹ cứ cười mỗi buổi ăn và nói:

“Lập Đông bắt đầu định hướng theo cậu Ngữ Văn rồi”.

Giáng Xuân ngơ ngác:

– Mẹ nói sao?

Bà Bạch Lan cười:

– Lập Đông bắt đầu thích ngành kiến trúc.

Giáng Xuân vui vẻ:

– Lập Đông ngay từ nhỏ đã có khiếu vẽ mà. Con nhớ lúc nhỏ nó hay vẽ rồi cất cho vào một tập. Ai cũng bảo sau này nó làm họa sĩ.

Ông Lễ cười nói:

– Nó chọn kiến trúc là quá tốt rồi, ráng lo đầu tư cho con nghe mình.

Lập Hạ xen vào:

– Chắc chắn rồi ba ơi, quý tử mà ...

Bà Lan cười:

– Con nhỏ này ... đứa nào mẹ cũng lo hết.

Lập Hạ chạnh lòng khi nhớ đến lời mẹ, cô thầm nhủ:

“Giáng Thu ơi! Em phải thoát ảo tưởng về nghề người mẫu và mộng làm diễn viên đi ...”.

Mưa đêm mỗi lúc càng nặng hạt hơn. Lập Hạ đi tới, đi lui trong phòng, tập hồ sơ vẫn còn nằm nguyên trên bàn ...

Lập Đông đội mưa đẩy xe vào sân. Thấy chị Lập Hạ còn ở chỗ phòng làm việc, anh đứng trước phòng Lập Hạ, nói:

– Ngủ đi chị .... mưa thế này ngủ ngon lắm.

– Giờ này mà ngủ cái gì?

Lập Hạ nói vọng ra rồi lại tiếp lời:

– Ủa! Trời mưa như thế mà em đi đâu vậy?

– Em đi học về, chị ơi ... Chắc là đang ngồi buồn nhớ ...

Lập Hạ ra bên ngoài. Thấy Lập Đông mặc áo mưa và còn đứng đấy, cô nói:

– Ê! Cấm nói bậy nha nhóc ...

– Em có nói gì đâu mà chị bảo là bậy bạ.

– Còn cãi với chị hả?

– Không cãi ... nhưng em có nói gì đâu?

– Vậy chứ ai nói gì lúc nãy vậy?

Lập Đông mỉm cười:

– Em có nói gì đâu chứ! Á, à, em nói chị “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương ...”.

– Cái thằng này.

Lập Đông biến nhanh vào nhà, Lập Hạ nhìn theo em rồi về phòng riêng. Vừa ngả lưng xuống giường, Lập Hạ lại nghe tiếng nhạc quen thuộc của điện thoại.

Giọng Lập Hạ lại ỉu xìu:

– Alô ...

Giọng của Ngữ Văn lo lắng:

– Là anh đây ... Em thế nào rồi, vui lên đi chứ!

– Em vẫn vậy mà ...

– Không “nhớ anh” sao?

– Ai thèm nhớ!

– Vậy thì chúc ngủ ngon ... Anh uống cà phê với bạn vừa về đến nhà. Ngoài trời vẫn còn mưa rơi lắc rắc. Sao nghe giọng em kỳ thế?

– Chắc tại ...

– Nhớ anh phải không?

– Ai thèm nhớ ... Tại người ta chưa ăn cơm nên ... đói chứ bộ.

Giọng Ngữ Văn đầy lo lắng:

– Em không được bỏ quên việc ăn cơm hàng ngày. Bây giờ kiếm cái gì ăn đi, không thôi, tối không ngủ được vì cái bụng nó “biểu tình” đó! Hay là ăn bánh mì sandwich và uống một cốc sữa nóng ...

– Trời ạ? Em không uống được sữa ...

– Vậy chứ hồi nhỏ bộ em không ...

Lập Hạ hét:

– Hồi nhỏ khác, lớn khác ...

– Kìa! Sao lại nổi giận với anh chứ? Oan cho anh ... anh có làm gì sai đâu?

Thôi, cô bé ngủ sớm đi, chúc ngủ ngon.

– Chẳng biết có ngủ được không nữa đây?

Nói xong, Lập Hạ cúp điện thoại, cô lầm bầm:

“Chắc là đang nổi giận lắm đây?”.

Lập Hạ trằn trọc mãi vẫn không sao chợp mắt được.

Sáng sớm, Bạch Trình gọi điện và hẹn Lập Hạ đi ăn.

Lập Hạ còn ngái ngủ:

– Ăn sáng hả ... chắc là tao ngủ ngon hơn ...

Giọng Bạch Trình:

– Sáng rồi, nhỏ ơi. Ta đến đón nhỏ ngay đó. Có quán cháo gà ăn ngon mà cũng thơ mộng lắm.

– Cho tao thêm mười lăm phút ngủ nữa nghe.

– Trời đất! Bộ đêm rồi không ngủ sao.

– Gần như thức sáng đêm ...

– Ráng tỉnh, dậy ăn sáng rồi uống cốc cà phê sữa sẽ tỉnh ngay ...

– Nhưng mà ...

– Không nhưng gì hết, tao đến đón mày đó.

Lập Hạ chỉ còn biết cố tỉnh dậy, cô vào phòng làm vệ sinh cá nhân.

Cô chỉ trang điểm nhẹ nhàng vì thấy gương mặt nhợt nhạt của mình trong gương. Bạch Trình còn định rủ cô đi chơi lòng vòng, vì lâu rồi hai đứa không có thời gian. Bạch Trình và Lập Hạ chơi thân khi còn học phổ thông đến khi thi vào trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, hai đứa lại may mắn học chung nên tình thân của hai cô nàng càng khăng khít hơn. Ra trường, đứa thì làm báo, đứa thì làm bên xuất nhập khẩu ... cuộc sống và nỗi đam mê phục hồi công việc đan lát thôi thúc Lập Hạ, cô đã bỏ Sài Gòn trở về quê ... Ai cũng cười vì nhà báo như Lập Hạ lại trở thành “doanh nghiệp”. Ai cũng gọi là cô “doanh nghiệp” nhỏ cho có “màu sắc kinh tế” - nhỏ Bạch Trình hay đùa như vậy.

Tiếng nhạc quen thuộc từ điện thoại phát ra ...

Lập Hạ chỉ vừa mới “alô” là giọng Ngữ Văn đã rối rít:

– Dậy rồi hả “cô chủ” ... Có ngủ ngon không?

Lập Hạ dài giọng:

– Em không ngủ được ... nhưng ...

– Nhưng sao ...

– Nhưng phải dậy sớm nè ...

– Sao không ngủ tiếp cho khỏe ...

– Nhỏ Bạch Trình rủ đi ăn sáng.

– Vậy à! Chúc em ăn ngon ... Chắc là đêm rồi không ăn được chứ gì?

– Không ăn gì cả.

– Trời đất! Không được như vậy nghe “cô chủ”. Chiều nay anh mới về được, vì sáng nay anh phải gặp “khách hàng”.

– Anh khỏe không?

– Rất khỏe, nên mới về phố Mỹ hoài vào cuối tuần chứ! Thôi, em đi ăn sáng với bạn đi, anh xin lỗi vì sáng nay không về sớm được ...

Ngữ Văn vừa cúp điện thì Bạch Trình đến ...

Hai cô tìm đến quán “Đồng Quê”. Bạch Trình lên tiếng:

– Mi ăn cháo là thích hợp nhất.

– Sao cơ?

– Sao trăng gì? Tại vì cả đêm qua mày đói, bây giờ ăn cái gì phải lỏng lỏng mới tốt cho sức khỏe.

– Làm như là bác sĩ gia đình không bằng.

– Ừ, cứ xem là như vậy cũng được.

Thức ăn được mang lên, hai tô cháo nghi ngút khói và dĩa gỏi gà vô cùng hấp dẫn. Hai cô vừa trò chuyện, vừa ăn uống thật vui, loáng một chút đã hết sạch.

Bạch Trình nhìn Lập Hạ ăn rồi cười, nói:

– Bộ đói lắm sao mà ăn ngon lành vậy.

– Ừ, ta đói khinh khủng ... Cả ngày hôm qua lên chỗ Giáng Thu rồi trở về ... ta chẳng buồn ăn.

– Sao vậy?

– Mày không biết đâu ... Ta tức nó muốn chết đây nè!

– Nó nào?

– Thì nhỏ Giáng Thu chứ ai.

– Nó làm sao?

Đang ăn, Lập Hạ muốn mắc nghẹn, cô đặt mạnh chén cháo xuống rồi nói:

– Nó ... nó bỏ học.

– Sao lại bỏ học?

– Bỏ học ... chạy theo bạn bè làm người mẫu. Ta buồn quá chẳng dám nói với ba mẹ.

Bạch Trình phân trần:

– Chắc là ... bồng bột nhất thời nghe theo bạn. Ừ, mà đứa nào vậy?

– Ừ, tao cũng tin là nhất thời nên nó mới không mê học, nhưng nó nghỉ hoài đâu có được.

– Có khi nó có khiếu nên nó đi làm thêm, đừng quá khắt khe với Giáng Thu như vậy.

– Không phải là tao khắt khe ... nhưng có vẻ như nó không tha thiết đi học.

– Ta nghĩ Giáng Thu tự biết phải làm gì, chắc không sao đâu Hạ.

– Ta lo lắm ... lao vào đam mê đó ... vô cùng phức tạp.

Bạch Trình cười:

– Tại trước đây, mày từng làm báo, mày thấy cái gì cũng phức tạp dưới con mắt nhà nghề ... Giáng Thu nó có dáng, có sắc, nó làm người mẫu là tốt rồi.

Người mẫu thì tha hồ được mời đóng phim.

Lập Hạ khổ sở nói:

– Có phải như vậy không đâu ... Nó còn ... đi hát ở mấy phòng trà nữa ... Trời ạ? Chẳng lẽ con nhỏ lại lựa chọn con đường rẽ sang lối đi khác như thế này?

Bạch Trình suy nghĩ rồi hỏi:

– Mi có hỏi rõ chưa.

– Ta biết rõ tính của Giáng Thu mà ... Ba mẹ ta chẳng ai muốn nó đi theo con đường đó.

Bạch Trình lại cười:

– Mày lo lắng như bà cụ non vậy ... tụi “9X” bây giờ nó thích mấy cái nghề “thời thượng” hái ra tiền đó. Bọn mình có hơn nó bao nhiêu đâu nhưng theo tụi nó không kịp, tụi nó ít chịu “lãng mạn” như bọn mình. .... Nhưng mà đâu phải cứ chạy theo là được đâu, một cái nghề gai góc, ganh đua ... đầy nghiệt ngã ...

– Mày nói nghe ghê quá ... Không có họ, ai làm nghệ thuật cho mày xem ...

– Nhưng mà ...

– Thôi đi bà cụ non ...

Lập Hạ nhăn nhó:

– Ê! Bộ tao ... “cụ” lắm à?

– Cũng gần gần như vậy.

– Mi có “cường điệu” không đó?

Bạch Trình cười vui:

– Biết rồi ... chàng Khoa Ngữ Văn của mày khen chứ gì?

– Bộ tao không đáng để được khen sao nhỏ?

– Rất xứng đáng nữa là đàng khác. Chỉ tiếc một điều là “Chớm Hạ” của ta lại gặp chàng hơi muộn.

– Cái gì mà “Chớm Hạ” chứ?

– Thì “Lập” không phải là “Chớm” hay sao?

Hai cô ăn xong và gọi cà phê để uống.

Lập Hạ hỏi:

– Sao mi tìm ra cái quán vô cùng lý tưởng cho việc ăn và cả uống nữa.

– Vậy mới là ta chứ?

– Ở Sài Gòn lâu lâu mới về mà rành ghê!

Bạch Trình “lên lớp”:

– Quê hương của mình mà!

– Thôi được rồi cô ... định “ca bài vọng cổ” lên lớp ta hoài hay sao?

– Tại vì mi cần được như vậy.

Lập Hạ nhăn nhó:

– Ê! Bộ ta tệ dữ vậy sao?

– Cái đó ta không có nói à nghen.

Bạch Trình cười:

– Con nhỏ này ... mi là cô chủ nhỏ xinh đẹp tài năng đấy ... mi càng “xinh”.

hơn khi “tình yêu” đến ...

– Con nhỏ này ...

Hai cô bạn cười đùa, bàn bạc vui vẻ. Suốt buổi sáng chủ nhật đẹp trời, Bạch Trình cứ đùa suốt.

– Nhỏ Hạ này! Bao giờ tao thất nghiệp, ta về cơ sở đan lát của mi để làm nhân viên nghe.

– Mi chỉ khéo đùa ...

Hai cô cười xòa vui vẻ ...

Giáng Thu và Yến Nhi càng mê say với công việc làm người mẫu, vì hai cô bé luôn có show diễn nhờ vào việc giới thiệu của Đinh Tuệ và các doanh nghiệp tài trợ.

Thấy Yến Nhi được thời, được dịp hơn, Giáng Thu cũng tìm cách để được như thế ... Cũng may nhỏ Yến Nhi đã dời chỗ ở nên Giáng Thu được tự do thoải mái hơn. Có lẽ Yến Nhi cũng tự tin khi nói đùa:

– Ta đi để một mình mi tung hoành, chứ hai con hổ ở cùng một khu rừng khó lắm ...

Và có lẽ nó đã thuộc về Đinh Tuệ và đại gia Trần - người đã tài trợ cho đêm thời trang vừa qua. Giờ đây Giáng Thu còn rút ra một điều quý báu:

một cái nghề gai góc, bạn bè có thể tìm cách để “hại” nhau ... miễn sao mình có cơ hội nhiều hơn. Được biểu diễn nhiều trang phục trong đêm diễn cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của các cô gái được mệnh danh là người mẫu ...

Vừa định đến chỗ Đinh Tuệ, Giáng Thu nhận điện thoại của giám đốc Trần.

Giọng Giáng Thu nhẹ nhàng:

– Dạ .... em nghe đây, ông Trần.

Giọng ông Trần:

– Anh mời em tối nay đi ăn ở ...

Giáng Thu vờ từ chối:

– Nhưng em ...

Giọng bên kia:

– Có buổi trình diễn ra mắt bộ sưu tập “Sắc Xuân” của nhà thiết kế X ...

không có hứng thú tham gia à?

Giáng Thu nũng nịu:

– Ông à! Em sẽ sắp xếp ... dạ .... dạ .... em đợi ông ...

Giáng Thu nhảy tưng reo mừng một mình. Theo thói quen, cô ngồi trước gương một lúc rồi đứng lên đi tới đi lui, cô uốn éo tạo dáng thật lâu trước gương.

Trong lòng Giáng Thu vừa mừng, vừa lo, cô vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng “hạn hẹp” đó ... cứ như mất mát một cái gì to tát ... mấy bạn người mẫu và cả Yến Nhi thì cứ xem như bình thường. Yến Nhi đã từng lý luận:

“Được cái mình muốn không xứng với cái mất đi sao. Vả lại ... bây giờ là thế kỷ bao nhiêu rồi, sống kiểu cổ điển đó chắc có nước đem vào bảo tàng ... Món đồ cổ không quý, không đẹp, không có giá trị, cũng chẳng ai thèm nhìn đâu ...”.

Có lẽ vì vậy mà Yến Nhi được biểu diễn nhiều, show nào cũng có mặt, chẳng biết lần này thì sao? Giáng Thu cảm thấy lo lo. Đinh Tuệ đã giới thiệu cô với giám đốc Trần - ông ta là người như thế nào, có hào hoa với các cô gái không? Tất nhiên rồi vì họ là đại gia mà, chưa biểu diễn các cô thường được gặp các nhà tài trợ .... Trong đầu Giáng Thu vẫn chưa thanh thản để xem việc đó là bình thường, phải cố gắng thôi, nếu không sẽ bị cạnh tranh ...

Thật bất ngờ khi Giáng Thu ra thì đã thấy Yến Nhi ngồi trên xe. Chẳng lẽ cô lại không đi ... Ông Trần đã vồn vã:

– Cô em này, lên xe đi!

Giáng Thu bước vào ngồi phía sau. Nhìn vẻ thân mật, lơi lả của Yến Nhi, Giáng Thu càng thêm bực. Giá như không có cô, Yến Nhi muốn làm gì cũng được.

Nhìn gương mặt và bộ dáng có vẻ hơi “khôi hài” của ông Trần, Giáng Thu cảm thấy lo lo, buồn buồn, vậy mà Yến Nhi cứ tíu ta, tíu tít ...

Ông Trần hỏi:

– Hai em thích ăn gì nào?

Yến Nhi líu lo:

– Ăn gì mà anh cho rằng phù hợp với bọn em ...

Ông Trần quay xuống:

– Còn cô gái này?

Giáng Thu cười, nhã nhặn nói:

– Em ăn chi cũng được ... có thể nhẹ nhàng thôi, đừng quá cao sang, cầu kỳ ...

Ông Trần cười:

– Là người mẫu phải chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe bằng cách ăn uống đấy nhé!

Nhi lên tiếng:

– Em biết rồi, ở nhà mẹ cũng lo lắm, lần nào về cũng bắt ăn món này, món kia ...

Nghe nhắc dến mẹ, Giáng Thu lo buồn. Mấy tháng qua cô bé vẫn im lặng, chị Lập Hạ không nói cho cả nhà biết. Nhưng làm sao giấu khi mà báo chí thời trang cũng như trên tivi ... chỉ tại mẹ không xem chương trình nên không thấy ...

Giáng Thu định hôm nào thuận tiện sẽ nói cho gia đình biết, thà bị nghe phản đối rồi sau đó cô vẫn tiếp tục theo nghề, đến bao giờ gia đình nguôi ngoai mới trình bày ... Chắc chắn ba mẹ sẽ không hài lòng, cho nên Giáng Thu tự hứa sẽ cố gắng để có tiếng và có tiền ... và phải có bằng đại học mà cô đang theo học ...

– Giáng Thu có vẻ suy nghĩ về điều gì vậy?

Giáng Thu giật mình:

– Dạ .... không!

Yến Nhi lên tiếng:

– Tính Giáng Thu là vậy đó ... hay trầm ngâm.

Ông Trần lại cười:

– Vào nghề này phải hay nói cười vui vẻ, các cô nhé. Chẳng lẽ biểu diễn trước mọi người với bộ đồ đẹp mà gương mặt cứ lạnh băng thì sao nhỉ?

Ông Trần cười rồi dừng xe trước nhà hàng “Phố Lẩu”.

Ba người ăn uống vui vẻ. Yến Nhi huyên thuyên đủ chuyện rồi xin phép về trước, sau khi cô nghe xong một cuộc điện thoại. Còn lại một mình với giám đốc Trần, Giáng Thu hiểu ngay mọi chuyện, nhưng trong lòng cô vẫn chưa chuẩn bị.

Ông Trần vào phòng tắm trở ra với bộ đồ ngủ đàn ông thật đẹp. Ông nói:

– Có bộ đồ tuyệt đẹp cho em trong phòng đó.

Giáng Thu vào phòng tắm, cô nghe lòng nhói đau ... nhưng biết phải làm sao đây khi mình đã mong muốn đi trên con đường này. Có lẽ đại đa số các cô nghiệp dư như Giáng Thu, Yến Nhi đều đến với con đường người mẫu bằng cách này ...

Giáng Thu lắc đầu, xua tan những ý nghĩ ấu trĩ của mình ... Dẫu sao trong một thời gian ngắn cô cũng được nhiều thứ ... Nghe nói lần này sẽ có tạp chí đăng ảnh một số người mẫu ... Mình phải có mặt trong trang đó, nhất định thế ...

Cô bước ra trong chiếc đầm ngủ tuyệt đẹp.

Ánh mắt ông Trần hau háu nhìn cô, Giáng Thu lấy tóc để ra phía trước ...

Ông ngồi trên xalông ngoắc tay:

– Em lại đây.

Giáng Thu đến chỗ ông Trần, ông kéo cô ngồi lên đùi rồi âu yếm vuốt tóc, vai cô.

Sau đó ông rót ly rượu. Cầm ly rượu đưa lên môi cô, ông nói:

– Em nếm một chút rồi uống ...

Giáng Thu lắc đầu ... cô lí nhí trong miệng:

– Em không biết uống ...

– Đúng rồi ... Em phải nói như thế ... nhưng vẫn phải nếm một chút hoặc uống một vài ngụm.

– Sao phải làm như vậy, trong khi mình không biết uống?

Ông Trần cười, lấy tay nựng vào chiếc cằm và chiếc miệng xinh xắn của cô ...

Hai người trò chuyện vui vẻ một lúc, nhưng ly rượu khiến cho ông Trần như hưng phấn hơn. Ông không vồ cô như một con hổ đang vồ mồi mà cứ gieo vào lòng cô những suy nghĩ và cảm xúc thật kỳ lạ .... Bất chợt, ông bật đèn màu và tắt ngọn đèn néon đang sáng ...

Ông Trần dìu Giáng Thu đứng lên ...

Bên ngoài bỗng có tiếng gõ cửa phòng một cách hối hả ...

Ông Trần bực bội lên tiếng:

– Ai vậy? Có chi hông?

– ...?

Tiếng đập cửa càng mạnh hơn, khiến cho ông cụt hứng, ông Trần kéo lại áo, rồi lên tiếng:

– Có muốn tôi trả phòng và kiện hay không?

– Muốn kiện thì mở cửa ra ... nếu không, tôi phá cửa đó ...

Nghe giọng nói quen quen, ông Trần đẩy Giáng Thu vào phòng tắm.

Giáng Thu chưa kịp bước đi thì cửa phòng đã bật mở.

Một phụ nữ còn trẻ đẹp bước vào, cô ta sấn sổ đến chỗ Giáng Thu rồi cao giọng:

– Đẹp chưa ... cô kia ...

Người phụ nữ nói thao thao trước mặt Giáng Thu:

– Cô phải biết là ... cách đây vài năm tôi cũng như cô, thật trẻ, đẹp. Bây giờ tôi đâu có tệ .... nhưng cô cần gì chứ ...

Ông Trần kéo người phụ nữ ra rồi nói:

– Em đến đây làm gì?

– Đến mới biết anh là kẻ ... hồi nào tôi mới nổi lên là anh săn đón ... bây giờ thì ... Trời ơi, anh là loại đàn ông háo sắc, anh là ...

Ông Trần ngăn người phụ nữ khi cô sấn lại Giáng Thu. Ông Trần nói với Giáng Thu:

– Cô lo về đi.

Giáng Thu vừa đẩy cửa phòng, sực nhớ mình còn đang mặc đồ ngủ nên vội lao vào phòng tắm. Cô trở ra thật nhanh và tìm cách ra ngoài gọi taxi về ...

Thật là xấu hổ ... Về đến chỗ trọ, Giáng Thu vẫn chưa hoàn hồn vì sợ bị người phụ nữ ấy chạy theo.

Lần này Giáng Thu cảm thấy bị thất bại quá lớn, có lẽ ... cô sẽ không có tên trong danh sách những người mẫu biểu diễn cho thời trang “Sắc Xuân”. Giáng Thu vẫn không thôi hi vọng, cô gọi điện cho Đinh Tuệ nhưng gọi hoài vẫn không được.

Giáng Thu không biết phải làm sao, cô không tài nào ngủ được. Gọi điện cho Yến Nhi cũng không có tín hiệu, Giáng Thu vô cùng thắc mắc, cô bé thầm nghĩ:

“Có thể Yến Nhi đang ở cùng với Đinh Tuệ cũng nên. Còn việc nhân tình của ông Trần đến ... có dính líu gì với Yến Nhi không? Tại sao Yến Nhi đột ngột bỏ về trong lúc ăn ... Giáng Thu suy nghĩ mãi ... rất có thể Yến Nhi có dính líu ... để làm gì ư? ... Dễ hiểu thôi. Chuyện gì mà Yến Nhi không dám làm ... Cảm giác xấu hổ đã nhường chỗ cho lòng đố kị, tức tối, nhất định Giáng Thu phải tìm ra lý do và không để Yến Nhi “chơi” mình nữa. Cô đã hết lòng với bạn, vậy mà ...

Phải “lanh” lên, bây giờ cô đang lao vào chiến trường ... Phải rồi, chiến trường thì phải có sự chiến đấu khắc nghiệt ...

Giáng Thu suy nghĩ đến mỏi mệt và thiếp đi từ lúc nào không hay ...

Lập Hạ thẫn thờ trước tờ tạp chí có đăng hình các cô người mẫu và Lập Hạ không thể làm ngơ trước bài báo:

“Chưa ra trận đã bị đánh ghen” ... Bài viết không ghi rõ tên, chỉ nêu là GT, Lập Hạ ngờ vực bài biết nói về “Giáng Thu”.

Trong tạp chí thời trang “Sắc Xuân” không thấy hình của Giáng Thu, chẳng lẽ Giáng Thu là cô gái trong bài viết ...

Lập Hạ ôm đầu khổ sở. Giáng Thu lao vào con đường này không dễ dàng.

Chắc chắn con bé đã đánh đổi tất cả ... Vậy mà khuyên nhủ điều gì cũng cãi lại, được cái gì? ... Chuyện làm ăn dạo này bị cạnh tranh đã khiến cho cô và mẹ lo lắng đến đau đầu, giờ lại đến chuyện của Giáng Thu ... chắc là mẹ không chịu nổi. Trên nhà chú cứ bắt ba phải đưa tiền vì cho là ba đã bán đất của gia đình.

Ba vì thương bà, ba thấy có lỗi với gia đình nên có tiền lương là ba đưa hết, cả tiền dành dụm. Chiều hôm qua ba kể cho mẹ biết và hai người đã cãi vã nhau ...

Ba cô cứ nói mãi một câu:

– Thôi kệ! Nếu như không bán đất nhà đó, mình không có ngày nay. Chú ấy làm ăn không được như mình bây giờ.

Bà Bạch Lan tức tối:

– Không bằng à! Hay tại vì tham lam quá đáng ... Đất đai, nhà cửa, chuồng trại mênh mông, cứ thấy ai làm ăn được là kiếm chuyện ...

– Tại chú ấy làm ăn không được.

– Không được à! Nuôi không biết bao nhiêu heo ... rồi làm điện ... Mình cứ hiền quá, tốt quá, cho dù không bán nhà về đây, vẫn ở trển liệu có yên thân với vợ chồng chú ấy không?

– Sao mình lại nghĩ như vậy?

– Không nghĩ cũng phải nghĩ, chú ấy nghe lời vợ cứ dòm ngó công việc làm ăn của người khác, bản thân thì lại đố kị .... rồi kiếm chuyện. Tôi nói rồi, mình cứ nhân nhượng mãi, vợ chồng chú ấy làm tới đó.

– Làm tới cái gì chứ? Mình cứ như vậy mãi ... riết rồi anh em chẳng tới lui gì hết.

– Mình vẫn tới mỗi dịp giỗ, lễ, tết ... còn gia đình chú ấy thì có biết gì đến bà con đâu?

– Đừng có cắn đắn như vậy, chỉ tại chú ấy suy nghĩ còn hạn hẹp nên mới như vậy.

– Tốt nhất mình đừng đưa tiền cho chú thím ấy.

– Anh chỉ muốn gia đình được vui vẻ ...

– Vui đâu không thấy ... chỉ biết chúng ta thiệt thòi ...

– Thôi mình à! Tôi không lấy tiền của mình và con là được rồi.

– Anh nói vậy mà nghe được sao. Từ khi về đây mình đã dành dụm được bao nhiêu, tất cả đều đưa cho chú. Tôi không nhịn nữa đâu ... Vì bà nội của mấy đứa nên tôi im lặng. Vậy mà vợ chồng chú thím ấy cứ lấn lướt ...

Ba mẹ cứ lằng nhằng về chuyện chú thím đến đau đầu. Lập Hạ chỉ biết vùi vào công việc. Giờ lại xảy ra việc của Giáng Thu, sợ là ba mẹ sẽ không chịu đựng nổi ...

Lập Hạ đang loay hoay với mấy mẫu hàng mới thì có điện thoại, cô vội vàng nghe máy:

– Alô, Lập Hạ nghe đây.

Giọng của Yến Nhi:

– Không nhận ra giọng em sao?

Lập Hạ cười:

– Chị nhận ra rồi ... Yến Nhi hả?

– Dạ. Chị khỏe không?

– Ừ. Khỏe. Em với Giáng Thu thế nào?

– Nhỏ Giáng Thu ... à, em không còn ở cùng Giáng Thu.

– Ủa! Sao vậy?

– Giáng Thu không nói với chị sao?

– Có nói gì đâu ...

– Chị không biết gì hết? Vậy thôi ... Chị hỏi Giáng Thu, em không nói đâu ...

bạn ấy giận em.

– Hai đứa có chuyện gì sao?

– Dạ không ... Nhưng dạo này em không ở cùng với Giáng Thu.

– Sao vậy?

– Công việc của bọn em lúc này phức tạp, nên hai đứa ở chung không tiện ...

Vả lại, Giáng Thu còn đi ca ...

Lập Hạ ngắt lời Yến Nhi:

– Còn chuyện học hành thi cử của hai đứa thì sao?

– Lo gì chị, năm nay mình không thi thì bảo lưu cho năm sau, chứ việc này không chờ đợi được. Thôi, chào chị .... À! Em có nói với Giáng Thu ... nhưng thôi ... chắc là không sao đâu chị.

Nói xong, Yến Nhi cúp máy. Lập Hạ cũng chẳng hiểu rõ nhưng cô vẫn suy diễn được những lời của Yến Nhi. Có thể Yến Nhi muốn báo cho cô biết về “sự cố” của Giáng Thu.

Dù không muốn, Lập Hạ vẫn gọi điện cho Giáng Thu.

Giọng Giáng Thu có vẻ bực bội:

– Em đây! Có chuyện gì chị gọi em giờ này?

– Giờ này chị rảnh nên muốn trò chuyện với Giáng Thu ...

Giáng Thu lên tiếng:

– Nhưng ... giờ này với em rất quý, em có việc phải làm ...

– Giáng Thu ... mọi chuyện thế nào?

– Chị muốn hỏi chuyện gì?

– Chuyện ... của em ... chuyện về ...

– Bài báo ... phải không? Nè, chị rảnh quá hén. Chị tin em mình hay tin vào mấy bài báo “lá cải” đó. Người ta đang ganh tị em đó, chị biết không?

– Alô, alô ... sao vậy, tự dưng cúp máy ... đồ lảng xẹt ... cái con nhỏ này ...

Lập Hạ buồn bực, cô đứng lên và đi xuống nhà kho để xem vật liệu lục bình có vấn đề. Số lục bình mua gần đây kích thước không dài như trước đây. Do xưởng của cô nằm cạnh bờ sông nên rất thuận tiện cho việc mua lục bình, có những người mang từ vùng Đồng Tháp, Long An lên bán, lục bình ở đây thật cao rất tiện cho việc đan, thắt ... Vậy mà vừa qua không hiểu vì sao cô Duệ lại để cho nhập kho toàn lục bình không có chiều cao ...

Cô Duệ phân trần:

– Nếu mình không mua thì xưởng khác họ mua hết, mình chẳng có nhiều lục bình để làm.

Lập Hạ lắc đầu nói:

– Dì Bạch Mai và cậu của cháu mua ở trên ngoại, ở đó lục bình cũng tốt lắm.

– Nhưng chúng ta mất nguồn lục bình ở Long An, tôi e mình thiếu nguyên vật liệu ...

Thật ra, nếu không có nguồn lục bình mua từ miệt Long An, Đồng Tháp đem về thì xưởng của Lập Hạ không có hàng ... Cô Duệ cũng có nghĩ đến điều này ...

Nghe nói ở Long An mới ra một cơ sở giống như cơ sở “Lục Bình” của gia đình cô, Lập Hạ vô cùng ngạc nhiên, nhưng cô chưa kịp tìm hiểu xem sao!

Nhìn đống lục bình được sắp xếp gọn gàng sau khi đã phơi sấy, ép xong, Lập Hạ lo lắng. Nếu như không có nguyên vật liệu thì làm sao sản xuất. Không! Dứt khoát không thể để tình trạng đó xảy ra.

Lập Hạ cứ đi tới đi lui, trong đầu cô ngổn ngang những điều phải suy nghĩ.

Lập Hạ gặp bà Bạch Lan. Bà cười khi nghe Lập Hạ lo lắng.

Bà an ủi Lập Hạ:

– Đây là cái nghề truyền thống, yếu tố truyền thống này quan trọng lắm.

Người ta tranh đua nhau vì điều này.

Lập Hạ lắc đầu:

– Bây giờ người ta cũng thủ đoạn lắm, mẹ ơi?

– Ừ! Ai chơi xấu thì dùng thủ đoạn. “Thương trường là chiến trường” mà ...

nhưng “cái tâm” sẽ giúp mình tồn tại hơn.

– Cũng tại mẹ có cái tâm quá, nên ba mẹ bị thiệt thòi đó.

– Con đừng quá khe khắt như vậy. Con còn nhỏ, cứ đem hết tâm huyết vào công việc. Mẹ tin rằng mọi việc rồi sẽ tốt. Mọi con đường đi chẳng bao giờ bằng phẳng, dù cho con đi học, đi làm hay làm một việc to lớn cũng vậy.

Bà Trí và cô con gái Nguyệt Hằng vô cùng vui sướng khi mọi việc đã ổn.

Cũng may, bà Trí có người em họ, bà cũng biết nghề nên hai bên hùn vốn và mở xưởng đan lát. Về địa thế thì cơ sở của gia đình Lập Hạ sẽ thua. Tuy là em họ nhưng ông bà Trung lớn tuổi hơn vợ chồng ông Trí.

Bước đầu xưởng còn nhỏ, nhưng họ đã mạnh dạn đầu tư vào việc thu mua lục bình. Mất đi đầu mối lục bình, họ sẽ bị mất hợp đồng vì không đủ sản phẩm.

Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, bà Trí và con gái đã thích thú vô cùng.

Nguyệt Hằng đã lôi kéo được vài người thợ của Lập Hạ nên tạm thời việc đan lục bình cô cũng đã có người làm.

Đích thân Nguyệt Hằng xem xét mọi việc cùng với cô, dượng. Dượng không thích công việc này nhưng vì chiều ý vợ, ông Trí cũng bày tỏ ý nghĩ của mình về công việc, cứ ngỡ mọi người có ý tốt muốn làm ăn lớn nên ông tìm đầu mối cho vợ và chị họ của vợ.

Yến Nhi đang ganh ghét vì Giáng Thu liên tục được mời biểu diễn đủ các mẫu thời trang mới, cả model tóc nên khi thấy xưởng của gia đình Nguyệt Hằng đi vào hoạt động là cô nàng tán đồng ngay và cô đã chỉ vẽ cho Nguyệt Hằng những gì mà cô đã học được.

Được sự hỗ trợ của Yến Nhi nên một số việc nhỏ nhặt cũng tạm ổn, nhất là nghĩ tới Lập Hạ khi chẳng thu mua được nhiều lục bình từ miệt Long An về chắc là ấm ức lắm đây.

Bà Trí bàn bạc với Nguyệt Hằng:

– Chắc là mẹ phải về trên đó xem mọi việc.

Nguyệt Hằng lắc đầu:

– Từ từ đã mẹ, có dì Thảo và chú Thảo, lo gì?

– Sao lại không lo ...

– Mẹ nói dì Thảo với mẹ thương nhau như chị em ruột mà.

– Nhưng ... cái gì cũng phải có mình chứ con.

– Con thấy mẹ quá lo rồi đó. Bây giờ ... từ từ đã. Với lại có ba là tốt lắm rồi.

Ba mày mà làm được gì? Chỉ toàn ...

Nguyệt Hằn cười nói theo:

– Chỉ toàn nghe lời mẹ thôi.

– Nhưng mẹ nói đúng chứ đâu có nói sai.

– Con nhỏ này ...

Bà Trí chợt nhớ ra điều gì nên hỏi:

– Vậy còn cái chuyện của con bé kia?

– Mẹ nói Yến Nhi phải không? Có nhiều việc hấp dẫn đây ... Đợi đến lúc đó, con cho mọi thảm hại gom vào một lúc, có mà bán nhà bỏ xứ lần nữa.

– Con nghĩ vậy à?

– Sẽ như vậy đó mẹ.

– Mẹ chờ xem hành động của con.

– “Con hơn cha là nhà có phúc” phải không mẹ?

– Chắc chắn rồi.

Hai mẹ con cười vui vẻ và bàn tán say sưa một lúc thì ông Trí về.

Vừa bước vào, ông đã oang oang:

– Đã thu mua số lục bình mới, trả tiền cho họ hơn một chút là họ để cho mình hết.

Bà Trí chau mày:

– Nhưng mua cao giá hơn làm gì. Ở chỗ đó vất vả hơn đem về tận Mỹ Tho.

– Biết là như vậy, nhưng nếu không nhích lên một chút dễ gì họ bán cho mình.

– Nhưng rồi được như thế, họ sẽ mua giá cao hơn, làm sao mà có lời.

Ông Trí nhe răng cười:

– Em chẳng có đầu óc kinh doanh gì cả.

– Người ta nói ...

Nguyệt Hằng xen vào:

– “Thương trường là chiến trường” phải không ba?

Ông cười:

– Ừ. Con nhỏ này hiểu ý ba đó.

Ông Trí chợt nhớ ra những điều đã bàn bạc với vợ chồng dì Thảo nên ông nói:

– Anh đã tính với vợ chồng dì Thảo rồi.

Bà Trí nhanh nhảu hỏi:

– Chuyện gì vậy anh?

– Vợ chồng dì Thảo sẽ rút vốn đầu tư để kinh doanh vật liệu xây dựng. Cho nên cơ sở đó chỉ của mình, vợ chồng dì Thảo sẽ để chỗ cho mình mượn.

– Mượn chứ không phải thuê sao ba?

– Ừ. Dì Thảo con còn đất ở chỗ khác để mở cửa hàng vật liệu, nên tạm thời cho mượn.

Bà Trí vui mừng nhưng tỏ ra lo lắng:

– Nhưng mình đâu còn vốn ...

Ông Trí cười:

– Anh nghĩ ... dì dượng ấy muốn tạo điều kiện để mình làm ăn lớn nên anh sẽ ... lấy giấy tờ đất nhà để vay ngân hàng.

Bà Trí lại ngại:

– Nhưng mình ... chưa được cấp sổ đỏ mà.

Ông Trí cười:

– Mình ơi! An nói đất ruộng mấy công đó.

Nguyệt Hằng suy nghĩ:

– Nhưng đất ruộng thì ... được bao nhiêu?

Ông Trí nói tiếp:

– Không sao! Còn bao nhiêu mình trả sau cho vợ chồng dì Thảo.

Nguyệt Hằng tán thành:

– Con thấy như vậy sẽ tốt hơn, làm ăn thì không nên hùn hạp. Vả lại, đây chỉ là cơ sở nhỏ thôi. Hùn hạp sẽ không có ăn.

Bà Trí suy nghĩ rồi lên tiếng:

– Nhưng ... mình làm sao cáng đáng được hết công việc.

Nguyệt Hằng gật đầu:

– Bước đầu mình cứ chỉ thu mua rồi bỏ mối cho các cơ sở buôn bán, từ từ mình sẽ tính tiếp. Tạm thời ba ở chỗ cơ sở đan lát, lục bình, con sẽ xin chuyển về dạy gần đó để hỗ trợ cho ba.

Bà Trí:

– Còn mẹ thì sao?

– Mẹ sẽ là bà chủ.

– Bà chủ gì cứ ở nhà suốt quản lý ông táo hoài, khổ quá. Mẹ sẽ về đó với ba ...

– Còn việc ... nhà và bà nữa ...

Bà Trí nhăn mặt:

– Còn mấy cô và bác của con làm chi. Để họ lo cho bà chuyện ăn uống hằng ngày chứ.

– Tại mình ở chung với bà mà mẹ.

– Nhưng ai cũng có phần hết, vậy mà chuyện nuôi ông bà đổ lên mẹ là sao?

Mẹ mà biết vậy, hồi đó mẹ không ở nhà thờ làm gì?

Nguyệt Hằng cười:

– Dẫu sao ... cũng không thay đổi được, mình có cả một khu đất để chăn nuôi, một mảnh đất ruộng, một ngôi nhà cổ ...

– Cổ nhưng mà lỗ, vì bây giờ nhà mình không ở mặt tiền. Con thấy đó ... một căn nhà mặt tiền họ đã bán ... mà giờ đây họ có cả một cơ ngơi. Cả chú con cũng vậy, đất ruộng mênh mông bán lần hồi rồi cũng cất nhà đẹp mà ở ... chỉ có gia đình mình ở hoài nên ngôi nhà ngói đã xuống cấp mà không sao làm lại được.

Nguyệt Hằng hỏi:

– Sao mẹ không tu bổ lại nhà thờ.

Bà Trí lắc đầu:

– Vì đó là nhà thờ nên ... mọi người trong dòng họ phải phụ giúp ba mẹ để cất lại chứ.

– Tại sao mẹ phải tự cất?

Nguyệt Hằng cười:

– Vì mẹ ở. .... – Nhưng mẹ phải nuôi và lo cho ông bà từ trước đến giờ.

– Con không biết chuyện này.

Hai mẹ con lại bàn bạc, toan tính nhiều việc rồi bà Trí đi lo bữa cơm trưa.

Nguyệt Hằng lên tiếng:

– Ăn cơm xong, con đưa mẹ xuống chỗ đó để mẹ nhìn cho biết.

– Mẹ có thấy nhưng chưa quan sát kỹ.

– Bây giờ người ta khuếch trương cơ sở lớn lắm mẹ à!

Bà Trí kêu ca:

– Cứ mỗi lần nghĩ đến là mẹ thấy bực bội, không hiểu làm sao nữa.

Nguyệt Hằng cười:

– Thì bây giờ mẹ sắp chuyển cục tức đó sang chỗ khác rồi.

– Ừ! Mẹ cũng đang mong con giúp mẹ điều đó!

Lập Hạ xuống kho và xem xét mọi thứ. Thời gian gần đây số lục bình dài cọng từ miệt Long An, Đồng Tháp lại không đem đến bán, Lập Hạ cho người đem ghe đi thu mua ở những đầu mối cũ.

Trong lòng cô vô cùng lo lắng vì không đủ lục bình để hoàn thành lô hàng sắp tới, số lượng thảm lục bình và các loại rổ, rá, kệ lần này được xuất sang Mỹ do một Việt kiều thu mua. Nhưng đợt trước có mấy người ở Long An đứng ra hợp đồng, còn lần này là trực tiếp một ông Việt kiều, ông ta bảo có một kỷ niệm đẹp về lục bình nên sau này khi biết ở quê hương có loại sản phẩm độc đáo này, ông đã đầu tư vào mặt hàng này ngay.

Lần đầu tiếp người khách Việt kiều, Lập Hạ muốn bảo đảm uy tín, nhưng mọi việc sắp sửa có nguy cơ bể hợp đồng. Biết tính làm sao với đối tác đây?

Lập Hạ từ nhà kho trở về phòng làm việc. Tại sao chứ? Trong lòng cô cứ lo lắng mãi.

Lập Hạ lấy tay xoa xoa hai bên thái dương, mắt nhắm lại. Một lúc sau, cô mở mắt ra và chợt kêu lên:

– Ơ anh ...

Ngữ Văn cười.

– Đến từ bao giờ ...

– Từ lúc em đang mơ màng về một hợp đồng lớn. Sao, tốt hả cô chủ?

Ngữ Văn để ly cà phê sữa trước mặt Lập Hạ và ly cà phê cho anh rồi nói:

– Biết em còn phải làm việc, nên anh đem nước đến, em uống đi cho tỉnh táo để làm việc.

Lập Hạ hớp một ngụm cà phê sữa rồi nói:

– Em đang lo đây?

Ngữ Văn ngạc nhiên:

– Em lo việc gì?

– Thời gian qua công việc của em không tốt em sợ bị bể hợp đồng với ông Khoa.

Ngữ Văn lo lắng:

– Sao lại như thế?

– Em không thu mua được lục bình để làm đủ số lượng mà đối tác yêu cầu.

– Nguyên vật liệu trong kho không đủ sao?

– Anh không quan tâm gì đến công việc của em?

Ngữ Văn nắm tay Lập Hạ nói:

– Anh xin lỗi. Trong thời gian qua anh bận với công trình ở xa nên không về thăm em được.

Lập Hạ kể:

– Công việc của em không được thuận lợi, em không thu mua được đủ số lượng lục bình để làm.

– Sao vậy?

– Từ trên Long An, Đồng Tháp về đã bị người khác mua với giá cao hơn.

– Mối của em đâu?

Lập Hạ khổ sở:

– Em không hiểu vì sao, mối làm ăn của em đã không bán lục bình cho em nữa.

– Anh hiểu rồi. Ở trên Long An vị trí cũng ở quốc lộ nhưng người ta mới ra làm sao bằng cơ sở của em.

– Nhưng bước đầu em đã bị thất bại về việc thu mua nguồn nguyên liệu để làm ...

Ngữ Văn chợt nói:

– Chắc chắn có “nội gián”.

Lập Hạ ngạc nhiên:

– Anh nói sao?

– À! Anh đùa. Anh nghĩ rằng có ai đó biết mối mua bán lục bình của em, nên mới mua giá cao hơn để họ không bán cho em.

– Em cũng có thể mua cao cho họ.

– Vấn đề là ... họ đã chặn đường đi của em rồi.

– Em không hiểu anh nói gì?

Ngữ Văn nhìn vẻ mặt đầy lo lắng và đau khổ của Lập Hạ, anh phì cười và đưa tay vuốt nhẹ lên chóp mũi của cô.

Lập Hạ kêu:

– Anh này kỳ chưa, ban ngày mà ... người ta vào có mà độn thổ.

– Em thật là tội nghiệp. Công việc làm ăn cũng như chiến trường vậy đó.

Không khéo đã có ai mua chuộc người quen của em nên đột ngột họ lại thất tín với em.

Lập Hạ gật gật đầu:

– Anh nói ... cũng có lý ... nhưng mà ...

– Em phải cho người tìm hiểu mà phải là người thân của em mới được.

Chẳng hạn như anh nè, anh sẽ trung thành với em.

– Anh thật là ... em đang lo mà anh thì cứ đùa.

– Đùa cho em vui vui một chút, nhưng anh có tin cho em biết nè.

Lập Hạ nôn nao:

– Tin gì?

– Một cơ sở đan như cơ sở Lục Bình đang bị cạnh tranh bởi một cơ sở mới nằm trên quốc lộ chính vô cùng thuận tiện cho đối tác lười đi thêm một chặng xe nữa mới rẽ vào trung tâm thành phố Mỹ Tho.

Lập Hạ cười nói:

– Em có biết điều này.

– Có một điều em không biết.

Lập Hạ lo lắng:

– Sao cơ? Anh nói cho em biết với.

– Em chưa biết làm sao anh biết.

Lập Hạ nhăn nhó:

– Cũng như không?

Ngữ Văn đưa cánh tay phải lên nói:

– Anh sẽ tìm hiểu giùm cho em và sẽ tìm cách giúp em đối phó.

Lập Hạ đang bực mình cũng phì cười rồi nói đùa:

– Nghe qua giống như anh là “nội gián” không bằng.

– Anh cũng còn ngờ vực anh nữa là ...

Lập Hạ bỗng nổi giận:

– Anh nói vậy là sao?

– Là đùa với em, chứ anh xin thề trung thành với Lập Hạ. Anh thấy công việc của em thật tuyệt. Anh đang nghĩ ra vài kiểu mặt hàng để phác họa cho em đó.

Lập Hạ vui vẻ:

– Kiến trúc sư có khác, cám ơn anh nhiều lắm.

– Vậy thì ... thưởng đi.

Vừa nói Ngữ Văn vừa chỉ vào mặt mình.

Lập Hạ nhìn quanh, chau mày:

– Anh thật hư ...

– Vậy đã hết giờ làm việc chưa? Xin mời giám đốc đi ăn, kẻo đói lắm đó.

Lập Hạ nhìn Ngữ Văn cười.

Quả là anh chàng hay pha trò, nhìn dáng vẻ nghiêm nghị nhưng Ngữ Văn lại hoạt bát, có óc khôi hài và đặc biệt là có cái tên rất con gái. Nhớ lần đầu biết tên anh, Lập Hạ đã cười nói:

– Cái tên gợi cho người ta hình dung một thiếu nữ dịu dàng mơ mộng, lãng mạn.

Ngữ Văn cười nói:

– Vậy sao cô không nói ngắn gọn là gợi một hình ảnh chàng trai hào hoa hay tài hoa cũng được. Nói như vậy nghe phù hợp hơn.

– Vì sao phù hợp?

– Vì cái tên đó gắn lên cho một chàng trai, chàng trai đó là tôi. Tôi không hào hoa được sao?

Thế là Lập Hạ cười một trận và cũng công nhận rằng anh chàng nói cũng có lý. Và hai người đã đến với nhau như thế nào cũng không biết nữa. Tình yêu quá là kỳ lạ.

Ngữ Văn nhìn Lập Hạ rồi cười nói:

– Em đang nghĩ đến anh phải không?

Lập Hạ chau mày, nhăn mặt:

– Tự tin dữ vậy ta?

– Nhìn em, anh đoán, có thấy anh tài hoa không?

Lập Hạ cười:

– Vô cùng nữa là ... À! Hôm nay anh có thích ăn cháo gà không, có một quán ăn thật tuyệt. Em mời nhé ...

Ngữ Văn gật gật đầu:

– Vậy thì xui xẻo cho anh, anh vừa vô mánh định mời em một bữa hoành tráng ở nhà hàng “Vườn Phố”.

– Anh rành nhà hàng, quán ăn ở đây ghê nhỉ!

– Quê ...

– Quê gì?

– Quê em được không?

– Hay là hôm khác ăn cháo gà ...

Ngữ Văn lắc đầu:

– Nghe nói đến gỏi gà là thấy thèm rồi. Vậy hôm khác anh đưa đi ăn. Anh còn ở lại mà.

Lập Hạ xếp đồ bỏ vào chiếc túi xách bằng chính cọng lục bình sản phẩm được Ngữ Văn thiết kế kiểu dáng và Lập Hạ đã cho nhân viên thực hiện. Ngữ Văn bảo cô khi nào cần thiết phải sử dụng sản phẩm của mình. Từ khi cô sử dụng quả là có nhiều phụ nữ hỏi và cũng muốn có những chiếc túi đeo, xách xinh xinh như thế.

Lập Hạ đứng lên nói:

– Em cám ơn anh thật nhiều đó anh Văn.

– Sao lại cám ơn anh?

– Anh biết mà.

Hai người rời khỏi cơ sở Lục Bình trong xưởng có nhiều người nhìn theo cười vui và gật đầu tán thành. Ai cũng khen anh chàng thuộc mẫu người tốt, không theo một chuẩn lý tưởng nào nhưng đó là một con người thật hay, có lẽ do anh chàng biết tự hoàn thiện mình. Còn Lập Hạ, cô cho rằng anh là người đa phong cách, nên cũng phải dè chừng ...

Vừa bước vào khuôn viên quán là Ngữ Văn kêu lên:

– Tuyệt vô cùng! Một quán ăn thật lý tưởng. Không gian eo ôi, sao mà thoáng mát thế này. Quê em có khác. Anh ăn xong chắc lại chỗ võng kia cùng mắc võng ngủ một giấc chắc là ngon lắm.

Lập Hạ cười:

– Nếu muốn thì tùy.

Ngữ Văn lắc đầu:

– Vậy em không “mời” anh về nhà em nghỉ sao?

Lập Hạ lắc đầu:

– Làm gì có chuyện đó. Nếu cần em giới thiệu nhà trọ cho.

Ngữ Văn lè lưỡi:

– Thôi, cô bé! Anh có nhà người quen ở dưới chân cầu Rạch Miễu. Công nhận đứng trên cầu nhìn xuống chung quanh, những ngôi nhà, những vườn cây chung quanh dòng sông đẹp ơi là đẹp Lập Hạ buông câu:

– Lại hào hoa rồi.

Ngữ Văn vẫn bình thản:

– Hồi thuở anh chưa có chắc là anh đã làm liên lạc cho đoàn quân Tây tiến nên anh ảnh hưởng sự hào hoa lãng mạn của họ.

– Cái anh này ... có trong hội ...

– Những người hào hoa.

– Còn lâu ...

– Vậy chứ hội gì?

– Hội “Những người thích đùa” thì có.

Thức ăn được mang lên, Ngữ Văn nhìn rồi nói:

– Trông thôi đã thấy mát con mắt.

– Vậy thì mời anh Văn ...

Ngữ Văn gắp thức ăn cho Lập Hạ, Ngữ Văn gọi bia rồi nói:

– Em nên uống một ít sẽ thấy dễ chịu hơn.

– Em không uống đâu.

– Vậy gọi rượu nếp nhé.

– Có mà anh uống.

Nghe nói rượu nếp xứ Gò ngon lắm.

– Anh cũng biết rượu nếp xứ Gò Đen nữa sao?

– Anh cũng biết rượu sơ ri xứ Gò Công của quê em nữa đó.

Hai người vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Bỗng đâu có cô gái tiến lại, Lập Hạ ngờ ngợ rồi kêu lên:

– A! Có phải là ...

– Mình là Hương Như.

– Bọn mình biết nhau lần sinh nhật của nhỏ.

– À! Mình nhớ rồi.

Quay nhìn Ngữ Văn, Hương Như lên tiếng:

– Công việc của anh ở trên đó thế nào rồi?

Lập Hạ ngạc nhiên hỏi:

– Ủa! Như biết anh Văn à?

Hương Như cười nhếch môi:

– Biết từ khi anh đang công tác ở thành phố cho đến lúc này. À! Anh đang ở thị xã Long An phải không?

Ngữ Văn thản nhiên:

– Đúng rồi. Có lần tôi gặp cô ở ...

Hương Như cười:

– Ở nhà của anh Đoàn, đúng không? Vậy mà còn làm mặt lạ với em nữa.

Lập Hạ cười vui vẻ:

– Vậy Hương Như dùng bữa luôn nghe.

– Có làm phiền hai người không?

Ngữ Văn nhìn Hương Như. Nghĩ đến cô gái này, anh đã e ngại, chẳng hiểu sao anh gặp cô ta mãi ... Đúng ra, anh muốn trốn chạy cô ta. Chẳng lẽ ... cô ta theo dõi anh?

Lập Hạ gọi thêm chén thêm thức ăn và mời Hương Như. Hương Như nhìn quanh rồi nói:

– Sao hai người ăn đơn giản thế?

Lập Hạ nhìn Ngữ Văn. Ngữ Văn không hề có thiện cảm với Hương Như, vậy mà cứ gặp hoài. Đã thế cô cứ như “ma ám” loay hoay từ thành phố trở về Long An đến Mỹ Tho, nơi đâu cũng gặp người mà mình không muốn gặp.

Hương Như cố làm ra vẻ thân mật với Ngữ Văn:

– Anh à! Hay là anh ở nhà em để làm việc công trình anh thiết kế đó cách nhà không xa bao nhiêu. Như vậy sẽ tiện cho anh và em.

Ngữ Văn cắt lời Hương Như:

– Cô Như à!

– Anh đừng ngại. Ba mẹ em rất thích anh, mấy đứa em nữa. Em xin phép không thể dùng bữa với mọi người. Em có việc phải đi. À! Chiều nay em đợi anh ở trên đó, anh Ngữ Văn nhé.

Lập Hạ vô tình:

– Ăn một chút rồi hãy đi, Hương Như.

Hương Như điệu đàng:

– Xin lỗi Hạ nghe? Mình không hảo món này, “mộc” quá! Mình thích ... Mà thôi, để dịp nào mình mời các bạn món gà nấu rượu vang, cam đoan không chê vào đâu được.

Quay sang Ngữ Văn, Hương Như thân mật nói:

– Hẹn gặp anh đêm nay nhé! Nhất định sẽ gặp ...

Hương Như nói xong ngoe nguẩy bỏ đi. Ngữ Văn lên tiếng:

– Người gì đâu kỳ cục làm như quen thân lắm không bằng.

Lập Hạ cảm thấy tức nghẹn trong lòng.

Cô ngừng ăn nói:

– Xem ra hai người có vẻ thân nhau, vậy mà anh còn làm ra vẻ xa lạ ư?

Lập Hạ định đứng lên nhưng rồi cô lại ngồi im lặng thật lâu.

Ngữ Văn đến bên chỗ cô, anh nói:

– Em nói gì đi chứ. Có lẽ em nghĩ mối quan hệ giữa anh và cô ta thân thiết như cô ta nói phải không?

Lập Hạ vẫn im lặng:

– Em không thể giận anh như vậy được. Em cũng biết tính cách cô gái này mà, anh chỉ biết khi cô ấy có mặt ở nhà của Đoàn bạn anh, cô ấy là bạn của Yên Hòa.

Lập Hạ lắc đầu:

– Em không biết chuyện gì đã xảy ra giữa anh và Hương Như. Em chỉ buồn vì anh đã không nói cho em nghe ... Anh dối em.

– Không phải anh đối em. Nhưng thực sự giữa anh và Hương Như chẳng có gì hết. Em tin anh đi, Lập Hạ.

– Em muốn suy nghĩ lại chuyện của mình.

– Anh không đồng ý. Anh thật tình với em mà. Anh sẽ đưa gia đình sang nhà em.

– Chưa được đâu anh. Chúng ta chưa thật sự hiểu nhau.

Ngữ Văn nắm bàn tay Lập Hạ, anh nói:

– Anh biết thời gian qua tuy mới gần một năm, chưa phải là dài, nhưng anh tin tình cảm của anh là thật.

– Em đã không tin, không dám tin vào điều này.

– Anh sẽ chứng minh cho em tin. À! Hay là chiều nay anh đưa em qua nhà của bạn anh.

– Có nhất thiết như vậy không anh?

– Anh thấy rất cần thiết, bởi vì Hương Như đã từng là cô bạn mà Đoàn rất thích vì thế mà Hương Như mới thường đến chơi với Yên Hòa.

– Anh có vẻ thân thiết với gia đình Yên Hòa?

– Vì bọn anh cùng học ngành kiến trúc, rồi có khi cùng làm việc với nhau nên thân nhau.

– Chứ không phải tại có cô gái xứ dừa sao?

– Cô gái xứ Mỹ thì có. Chúng ta uống cà phê ở đây nghe.

Thức ăn được dọn dẹp. Trên chiếc bàn đá, cà phê được mang lên.

Ngữ Văn sang ngồi cạnh Lập Hạ, anh bỏ đường vào cà phê và đổ vào ly tẩy rồi khuấy đều, đưa cho Lập Hạ. Anh nói:

– Hôm nào lên thành phố, anh đưa em đến hội quán uống cà phê nghe nhạc Trịnh, tuyệt lắm! Đúng “gu” của em chứ?

– Anh chỉ giỏi đánh trống lảng.

– Anh không có. Anh chỉ muốn em vui vẻ. Em phải thật vui, em mới làm việc tốt chứ.

Lập Hạ vừa hớp một ngụm cà phê, cái cảm giác mát lạnh và vị đăng đắng của cà phê hòa với vị béo của sữa khiến cho cô cảm thấy như bừng tỉnh dậy.

Nỗi lo lắng lại trĩu lên gương mặt của cô khiến cho Ngữ Văn phì cười:

– Tỉnh táo rồi lại lo cho công chuyện làm ăn, đúng không cô chủ?

– Định trêu em hả? Nhưng mà em không bỏ qua chuyện anh đâu.

– Cây ngay đâu sợ gió bão.

– Ghê dữ vậy nha. Để rồi xem cây ngay có bị ngã bởi ...

Lập Hạ dừng lời.

Ngữ Văn cười hỏi:

– Bởi cái gì?

– Bởi cái dao chặt ... ngang ...

– Hả trời?

Ngữ Văn nhìn Lập Hạ cả hai cười giòn giả rồi lại đưa mắt nhìn nhau tràn ngập niềm yêu thương, có cả nỗi hờn vu vơ trong đôi mắt đẹp buồn của Lập Hạ, đôi mắt mà Ngữ Văn hay trêu cô:

“Lẽ nào vì đôi mắt em Sông bỗng ngắn Đất trời chừng hẹp lại Lẽ nào từ đôi mắt ấy Anh mới hay mình có trái tim”.

...

Trời lại đổ mưa những giọt mưa chiều cứ trút xuống không đứt, những giọt mưa buồn như nỗi sầu trong lòng Lập Hạ, cứ nỗi buồn lo nối tiếp nỗi buồn lo khiến cho nàng thêm tê tái:

Tình chết không đợ chờ Tình xa ai nào ngờ Tình đã phai nhạt màu, còn đâu.

Tình trót trao về người, Thì dẫu lỡ làng rồi Người hỡi xin trọn đời, lẻ loi.

Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau Tin yêu dạt dào, mộng ước mai sau Cho ân tình đầu, mãi mãi dài lâu Cho duyên tình đầu, đừng có thương đau Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi Mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi Mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa Tin yêu bây giờ trả lại người xưa Tình lỡ nên tình buồn Tình xa nên tình sầu.

Tình yêu phai nhạt màu, tình đau Lời cuối cho cuộc tình.

Dù đã bao muộn phiền Lòng vẫn yêu trọn đời, người yêu ơi ...

Lời ca hòa cùng với tiếng mưa rơi nghe mới não nuột làm sao. Như có một cái gì đó làm cho con tim nhói đau, càng nghĩ ngợi càng thấy đau buốt trong lòng.

Dù không muốn tin nhưng trong lòng Lập Hạ cứ lẫy buồn vô hạn. Cô đã gặp hai người trong một quán nước ở thị xã Long An, nơi anh đang thực hiện công trình. Mặc cho Ngữ Văn phân minh, Lập Hạ vẫn tìm cách né tránh không thèm gặp mặt anh. Ngữ Văn hết gọi điện rồi nhắn tin, anh khổ sở thốt lên:

“Em không tin anh. Vậy mình cưới nhau để em hiểu rõ tình cảm của anh dành cho em”. Đã thề thốt, vậy mà lúc nào Hương Như cũng kè kè một bên. Nhỏ này trước nay làm ở Sài Gòn, sao lại đột ngột trở về quê? Hay là bám theo thể giữ anh chàng hào hoa.

Quả thật như lời anh nói, anh là một kẻ hào hoa - vô cùng đào hoa nữa là khác. Một kẻ bỏ phố về quê để làm ăn, một kẻ cùng nối gót từ phố lui trở về quê nhà để tiếp tục công việc hay vì tình yêu. Chắc chắn họ đã vì tình yêu nên mới tìm cách để gặp nhau. Giờ này trong buổi chiều mưa giăng giăng, có lẽ họ lại ngồi bên nhau ở một quán cà phê nào đó mà tâm sự bên nhau.

Còn mình ... Lập Hạ nghe nghèn nghẹn, giọt mưa hay giọt nước mắt cứ rơi rơi ướt cả cõi lòng.

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu ...

Chiều nay còn mưa sao em không lại Nhớ mãi trong cơn đau vùi Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau Bước chân em xin về mau ...”.

– Cô ơi?

Lập Hạ bị mất hứng khi có tiếng gọi, cô ngẩng mặt lên, gặp chú bảo vệ. Chú nói:

– Cậu Đông có nhắn với cô là vẫn chưa mua được số lục bình mới, cả số lát nữa.

– Lát cũng không có nữa sao?

– Dạ.

Lập Hạ vô cùng lo lắng. Công việc làm ăn cũng gặp khó khăn, trắc trở nữa sao? Mọi chuyện cứ đổ dồn xuống cùng một lúc, cô biết phải làm sao đây? Mấy ngày qua, Lập Đông cùng với cậu Trúc đi tìm mua nguyên liệu nhiều nơi mà vẫn không đủ số lượng. Các đầu mối chở từ Long An đến đều đột ngột cắt ngang chỉ vì họ bị mua chuộc để bán với giá cao hơn. Nhưng tại sao họ lại đối xử với người đã từng giúp đỡ họ ngay từ buổi đầu vô cùng khó khăn? Lập Hạ suy nghĩ mãi.

Chú bảo vệ thấy Lập Hạ im lặng cũng e ngại cho cô nên lên tiếng:

– Hay là cô để tôi đi tìm mua một chuyến xem sao.

– Chú có biết chỗ bán à?

– Chúng tôi cứ đến các mối cũ, có cần tăng giá mua lên không cô?

– Nếu cần chắc chúng ta phải làm như vậy để giải quyết cho xong hợp đồng.

À! Hay là ngày mai chú giúp cháu.

Chú bảo vệ gật đầu:

– Tôi định nói với cô, nhưng lại ngại vì cô đã nhờ chú Trúc và cậu Đông nên đành thôi.

Lập Hạ cười:

– Chú giúp cho cơ sở của mình vẫn tiếp tục hoạt động, cháu cám ơn chú vô cùng. Vậy ngày mai thứ bảy, chú thu xếp đi, chú đi đường sông hay đi đường bộ?

– Tôi đi đường bộ.

– Chú có thể tìm gặp mấy người từng bỏ lục bình cho ta nghe chú.

Ông lại gật đầu:

– Tôi nhất định sẽ đem về cho cô ít nhất cũng một xe lam.

– Một xe lam nguyên liệu còn tươi là ít lắm đó chú.

– Tôi biết rồi. Tôi sẽ hết sức để xem có giúp được gì cho cô không?

Lập Hạ gật đầu. Chú bảo vệ trở ra.

Mưa vẫn lắc rắc rơi.

Lập Hạ nhận điện thoại, giọng của cậu Trúc.

Lập Hạ vui mừng:

– Alô! Cậu hả ...

– ...

Lập Hạ xìu mặt:

– Có bao nhiêu thôi hả cậu?

– ...

Lập Hạ tiu nghỉu:

– Cũng đành thôi. Biết tính sao bây giờ hả cậu?

– ...

Lập Hạ:

– Dạ, dạ. Cháu biết rồi. Cậu cố gắng thêm vài ngày nữa.

Lập Hạ rối rít:

– Dạ. Cậu cứ quyết định như vậy đi, cháu sẽ cố gắng cho người đi mua.

– ...

Bỏ chiếc điện thoại xuống bàn, Lập Hạ đi tới đi lui đầu óc rối bời, chẳng biết phải tính sao về mọi chuyện. Bất chợt, Lập Hạ nhớ đến chuyện của Giáng Thu, cô lại thêm lo lắng hơn.

Lạy trời cho mọi việc bình yên.