Từ phòng ông xếp, Liễng loạng choạng bước ra, đầu óc anh vẫn còn choáng váng. Anh vừa nghe anh bị mất giốp. Công ty làm ăn thất bại, giá cổ phần của nó mấy tháng nay cứ tiếp tục xuống. Ban điều hành ngồi họp lại, phải quyết định cắt người, đóng vài cơ xưởng mà lâu nay không kiếm ra lời cho công tỵ Xem chừng xếp anh, ông Dan Swisher thấy cũng áy náy, khó khăn lắm khi phải nói tiếp, anh làm việc giỏi, tận tâm, đã đóng góp nhiều cho công ty, nhưng tôi rất tiếc, tôi cũng không giúp gì anh được. Như anh thấy đó, cả một cái xưởng này đóng, tôi cũng bị kêu về trung ương ở Texas. Chỉ có một việc tôi có thể giúp anh, là viết cho anh một lá thư giới thiệu, anh cứ cầm nó mà đi xin việc, anh là nhân viên tốt, và tôi chúc anh may mắn trong việc tìm kiếm một cái giốp khác. Ông cũng không quên cho anh biết là công ty sẽ trả không công cho anh ba tháng lương. Nói xong, ông liền đưa cho anh một bao thư dày. Rồi ông bắt tay anh nói good luck.
Anh phải ngồi nơi bàn làm việc của anh thêm một tiếng nữa, để cho đầu óc anh bớt chóng mặt, rồi anh mới lái xe về nhà. Vợ anh đang nấu cơm khi anh lịch kịch mở cửa, bước vô nhà. Anh vội nói với vợ, lay- Off rồi, lay- Off rồi. Nói nhanh như muốn trút hết gánh nặng. Rồi thấy vợ đứng ngó mà không nói gì, thì anh lập lại lần nữa rồi nói, thật sự như vậy, ông Dan kêu vô, đóng cửa, đưa giấy tờ... Tay anh cầm bao thư mà run, dù cố gắng để khỏi run, hiệu lực từ hôm nay, trả ba tháng lương.
Đã một năm rồi anh vẫn chưa có việc làm. Tiền thất nghiệp ăn sáu tháng cũng đã hết. Ngày nào anh cũng đọc báo kiếm giốp - cái việc này còn căng thẳng hơn là việc làm trước đây của anh! Vợ anh sau mấy tháng, tế nhị không hối thúc gì, nay đã bắt đầu than mọi thứ vật giá leo thang, tiền sưởi mùa đông tốn kém, thuế nhà thuế đất tăng, tiền phôn anh gọi về VN nhiều đủ để đi chợ một tuần... Nhưng anh nghĩ bụng anh còn có cha mẹ già, anh chị em, cháu chắt bên nhà, anh phải quan tâm. Ông già than nhức mỏi gân cốt, bà già than mắt mờ. Ông anh lớn xin tiền cất nhà, thằng em út xin tiền làm lại cái hàng rào. Đứa cháu xin tiền mua xe cub để đi học. Đạp xe đạp ngày nào cũng mất một tiếng đi về, không còn thì giờ để học bài. Thằng cháu này còn muốn anh cam kết nuôi cho nó học thành bác sĩ mà anh chưa dám cam kết!
Anh gọi phôn về VN.. Ông già anh nói ba đang xắt khoai phơi khô đây con, phơi ở sân trước. Anh hoảng lên. Sao ba phải làm chuyện ấy? Tiền con gửi về mỗi tháng ba trăm không đủ ăn à? Năm nay nắng quá, sợ hạn hán đó con, sợ đói đó con. Cái mớ khoai ba trồng ngoài chuỗi, ba cho vô bao bố, cột vô xe đạp rồi đẩy về, nặng lắm con, lên cái dốc sau chùa Từ An, ba thở hồng hộc, khỏe thôi con. Sao ba phải làm? Mấy đứa nhỏ đâu? Anh hỏi với ý là mấy thằng em trai và mấy thằng cháu của anh ở đâu mà chúng để ba anh phải làm vậy. Nhưng ba anh chỉ nói tới hai thằng cháu. Thằng Hùng, thằng Dũng mắc bận học con!
Anh quên là ở thế hệ của cha anh, bác anh, họ vẫn coi quý những đứa cháu trai hơn là cháu gái. Và hai thằng này là cháu nội trai duy nhất của ông thì đời nào ông để tụi nó làm. Có món ngon vật lạ nào ông cũng để dành cho chúng. Vợ anh có lần nhỏ mọn phân bì nói, may mà mấy đứa con gái của anh không ở bên ấy, không thì cũng có ngày chúng thèm thuồng chảy nước miếng nhìn hai thằng cháu trai của ba anh ăn mà làm mình xấu hổ với thiên hạ.
Bây giờ nghe ông bênh hai thằng cháu lười biếng, anh nổi sùng nói lớn tiếng với ba anh:
-Sao xin tiền (sách vở, ăn quà) thì được mà bỏ chút thì giờ mỗi đứa một tay thì không được? Ba không được làm gì hết! Ba già rồi, ba biết không? Nhỡ ba quỵ xuống thì sao?
Thấy trong phôn anh xì nẹt dữ quá, ông hết than, trở qua nói dã lã:
-Ba làm được mà con!
Ông cứ làm những chuyện không đáng phải làm như vậy rồi sau đó lại than nhức mỏi. Còn bà già? Hôm nghe bà đi chữa mắt và vui vẻ cho anh biết nay mắt đã sáng, anh mừng thấy nhẹ người. Vì cái con mắt ấy, anh nghe bà than tới hai năm rồi, anh nghe mà bắt mệt và anh cũng đã gửi bốn lần tiền nhắc bà đi chữa, nhưng rồi không thấy chữa lại cứ nghe than mắt mờ khó chịu. Dạo đó, chính anh cũng tự hỏi, bà có mấy con mắt bị hột cườm. Anh phì cười nghĩ trong bụng, chính anh cũng nghĩ như vậy, huống chi vợ anh. Nhưng sao anh cho phép anh nghĩ như vậy mà vợ anh nếu có nói ra điều ấy thì anh lấn áp mắng vợ là xỏ xiên ác ý?
Bữa nói chuyện qua đường dây viễn liên được kết thúc bằng lời nhắc của ba anh. Ngày bốn tháng sáu ta, giỗ ông nội, ngày mười tháng bảy ta, giỗ bà nội. Ba nhắc để hai con nhớ. Hai con gởi tiền ngay để ba kịp lo giỗ ông bà. Ông nội giỗ chay thôi, con. Bà nội giỗ mặn, phải mời quan chức làng xã, với lại con cháu bên bà nội đông, tốn kém hơn, con. Anh dạ dạ hơi một chút ngập ngừng so với những lần bị hỏi tiền khác.
Anh vẫn chưa cho ba anh biết là anh bị mất việc được một năm rồi!! Sáu tháng nay, anh đã rút tiền ở quỹ tiết kiệm ra ăn dần. Anh xấu hổ không muốn ai biết là anh mất việc. Người Mỹ khác mình, khi nó mất giốp là nó thông báo bạn bè, thân nhân, đồng nghiệp cũ, để họ thấy việc ở đâu là chỉ giùm-người ta còn cho ra những cuốn sách dạy nên có những networking ngay khi mình còn giữ cái giốp hiện tại -, còn mình thì lại dấu việc mất giốp, như mèo giấu cứt, sợ nói ra không ai giúp được mà còn khinh khi mình. Anh đi đứng, xã giao bình thường. Chuyện cưới hỏi, sinh nhật, hội hè gì, ai mời anh cũng đi. Phải bình thường thôi, để không ai biết là anh bị mất việc. Anh sợ thiên hạ cười. Anh sợ người ta xì sầm, cái cha Liễng thất nghiệp rồi! Anh sợ nghe câu nói đó còn hơn sợ người ta nói, cha Liễng bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, chữa không được, thật tội. Mà đâu phải đi tay không, chỗ này tốn một ít, chỗ kia tốn một ít. Đám cưới một trăm, hội thân hữu đồng hương này nọ, hai, ba chục đô thôi. Hội Võ Bị Đà Lạt, Hội Thủy Quân Lục Chiến, Hội Thân hữu Người Việt... hội nào cũng là chỗ bạn bè cả!
Anh càng phải dấu người bên VN. Nói ra, người bên đó có giúp được anh kiếm một cái giốp không? Và họ có tin anh mất giốp, không tiền không?
Bữa nay, anh vừa đi một cái job interview về-anh bị 5 cha quay anh như quay chong chóng - thì anh nhận một lá thư từ VN. Con anh hay nói thư VN thì chỉ có than thở bệnh tật và xin tiền, đọc depressed quá. Bệnh thì toàn bệnh nặng -Ung thư, lao phổi, sa tử cung... -và xin tiền toàn là chữa bệnh, sửa nhà, cất nhà, cho con học đại học, vốn làm ăn, gặp khó khăn.
Con anh đưa mắt ra dấu cho anh thấy là có cái thư VN để trên bàn:
-Không biết kỳ này ai bệnh nữa đây ha?
Anh trừng mắt nhìn nó. Nó sợ thôi nói. Nhưng rồi như không cầm được, nó vừa bỏ đi xuống nhà vừa nói thêm:
-Lại một bữa cơm sẽ nuốt không vô!
Ông anh cả xin tiền cất nhà! Nhà gì mà lại phải cất nữa? Thì ra cất nhà cho bà vợ hai của ông! Bà vợ anh bất mãn vì biết lại mất tiền nữa đây. Dù bao lâu ở Mỹ, cũng đi cày đầu tắt mặt tối như ai, dù có bao lần lên tiếng đòi bình đẳng này nọ, có lớn tiếng phản đối thì tiền cũng ra thôi, nàng biết như vậy. Chỉ là những câu than thở:
-Người ở bên đó sướng hơn, tóc bà chị dâu đâu có bạc, mà tóc anh với em ớ bên này bạc trắng hết. Ông anh ổng còn cất nhà cho vợ bé!
Anh cũng thấy việc ông anh hỏi tiền kỳ này là vô lý hết sức, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chuyện ông có hai bà vợ là chuyện lâu rồi, bây giờ đâu có thể giải quyết được gì? Mà bao năm nay ông chịu cảnh xích mích lời qua tiếng lại giữa hai bà vợ cũng đủ rồi. Thật ra thì hai bà ở chung nhà nhưng mỗi bà mỗi góc, nấu cơm ăn riêng. Cũng phải cất cho bà nhỏ một căn nhà riêng cho bả ở chứ, dù gì bả cũng đã đẻ cho ông anh hai thằng con trai, bả đã làm đúng cái sứ mạng của bả rồi. Và nhờ bà dâu này mà ba anh có thằng cháu nội đích tôn!
Kỳ sửa nhà lần trước, lúc anh còn cái giốp, cuối cùng năn nỉ vợ, anh nói anh mượn tạm tiền từ cái thẻ tín dụng của nhà băng. Anh hứa anh sẽ làm giờ phụ trội để kiếm thêm tiền, sẽ đi đưa báo buổi sáng, sẽ đi lau chùi cầu tiêu cao ốc buổi tối, sẽ đi sơn nhà cuối tuần cho thiên hạ... và anh đã gửi về hai ngàn. Gửi một lúc hai ngàn đô la Mỹ, anh cũng đau. Nhưng rồi vợ anh không cho anh đi làm, các con của anh nói với mẹ chúng là việc đi làm thêm của anh sẽ ảnh hưởng tới quality time của gia đình. Nàng nói thêm các con đang ở tuổi lớn, không anh thì em phải thay phiên nhau dành thời giờ cho chúng, chứ chẳng lẽ đã khổ cực mang chúng qua đây lại để cho chúng hư?
Đó là thời anh còn có giốp chính. Bây giờ giốp chính tìm chưa ra, mà giốp phụ cũng không ai mướn, vì họ thấy anh còn vẻ... Ông chủ quá. Không có hai ngàn để trả kỳ nợ đó, và còn nợ thêm lỉnh kỉnh những món nợ khác, nên anh dần dần mất uy tín với vợ, bị vợ lải nhải tụng kinh hoài. Vợ anh thì chỉ có dám làm thế. Khi anh bực mình lên vì cái lèng èng nhức tai của vợ, anh quát lên, thì chị lại im thin thít. Mỗi khi anh nhìn vợ anh ngồi cắt từ trong báo từng cái coupon để save chỗ này 50 xu, chỗ kia 25 xu... anh thấy vừa hối hận, nhột nhạt, vừa thấy thương vợ. Anh xài tiền ngàn mà vợ anh đi tiết kiệm tiền xu! Nhưng làm đàn ông như anh, biết thì biết vậy, anh không bao giờ mở miệng nói lên được những lời thông cảm và thương yêu vợ.
Từ ngày bảo lãnh vợ con qua Mỹ, chỉ vài tháng sau là vợ anh phải đi làm quần quật, anh chưa đưa vợ đi vacation, đi nghỉ mệt. Chỉ có một lần, anh đưa vợ đi Cali chơi cho biết. Và lần đi đó khi về lại mệt hơn, vì thấy bạn bè ai cũng thành công, có nhà lớn, có cơ sở làm ăn vững vàng, con cái học thành tài, chúng có lương bổng cao... Nàng nghe rồi nhìn lại mình qua sau thua sút bạn bè... Làm kiểu Mỹ mà đi nghỉ mệt kiểu VN, thì còn mệt hơn!
Thế là chuyện cất nhà cho bà hai của ông anh đành phải gác lại. Có mấy ngàn trong quỹ IRA để dành khi về hưu mà lấy ra xài, thì anh cũng đã lấy ra mất rồi. Khi lấy tiền ra, bị phạt vì rút trước thời hạn, vợ biết được, cự nự quá trời, vợ nói có mấy ngàn bạc mà để không yên! Nếu còn chỗ rút thì anh đã rút. Tưởng lờ đi thì mọi việc sẽ qua, ai dè ông anh viết thư qua chửi anh một mách, nào là ông xấu hổ mang tiếng có em ở Mỹ mà không cất được cái nhà cho ra hồn!! Nào là ông mất mặt phía bên bà vợ hai! Cái cha Hảo qua sau mà đã gửi tiền về cho anh em mỗi người cất một cái nhà lớn. Anh muốn hỏi lại, cái cha Hảo đó ở Mỹ làm cái giống gì, có khai gian ăn tiền bệnh rồi đi làm lén lấy tiền mặt không?
Giá mà anh không mất việc thì anh cũng đã giúp rồi. Vì quả thật là không ai coi nặng tình gia đình, anh em bằng anh! Thì bao năm nay anh vẫn nặng nợ vì cái gia đình đấy thôi. Mà quên hẳn cái gia đình nhỏ trong đó có vợ có con của anh, mới quả thật là cái gia đình.
Anh đọc thư mà buồn mấy hôm. Anh vẫn còn thất nghiệp. Chỗ nào họ cũng gửi thư cám ơn, và có nơi còn nói rõ là anh overqualified. Nhiều nơi anh còn nghĩ là họ chê anh già! Họ sợ bị thưa là kỳ thị tuổi tác mà không dám nói ra đó thôi. Giá mà không có cú phôn giữa đêm khuya gọi collect call của mẹ anh-anh rất sợ những cú phôn hốt hoảng vào giờ này-, thì anh còn buồn tình về lá thư của ông anh biết tới bao giờ. Bà gọi chưa nói gì thì đã khóc ròng trong phôn. Mẹ cần năm ngàn để trả nợ, con ơi. Mẹ biết đây là số tiền lớn, sẽ phiền vợ chồng con không ít, nhưng mẹ hết đường kêu cầu cứu rồi con ơi. Mẹ bị họ gạt. Mẹ không có tiền trả cho họ, họ sẽ bắt mẹ ngồi tù, mẹ năm nay trên bảy mươi rồi con ơi. Con thương mẹ, con giúp mẹ lần này, chỉ lần này thôi con... Để rồi con Mười sẽ viết thư cho con rõ...