Chương 1

Huy Nhật nhấn mạnh ga, chiếc Toyota màu trứng sữa lao vun vút trên đường. Xung quanh vắng lặng, không một bóng người.

Liếc nhìn đồng đồng hồ đã gần mười hai giờ đêm. Huy Nhật tự trách mình đã mải vui đến nỗi quên cả giờ giấc, để giờ đây anh phải vượt một quãng đường dài gần trăm cây số mới về đến nhà.

Đang chăm chú lái xe, Huy Nhật chợt như thấy từ xa, có một người đang hớt hải chạy ngược lại, hai tay giơ lên cao, vẫy vẫy liên tục.

Theo quán tính, anh hơi giảm ga và nhận ra đó là một cô gái. Huy Nhật ngần ngại. Đoạn đường vắng quá, cần phải đề phòng bất trắc, vì gần đây báo chí vẫn đưa tin những vụ dàn cảnh để cướp xe đầy rẫy, làm cho anh lo ngại.

Chiếc xe giảm tốc, nhưng vẫn không dừng lại. Anh chạy qua cô gái một khoảng khá xa rồi ngoái đầu lại xem xét.

Cô gái đuổi theo anh, miệng không ngớt kêu la như cầu cứu. Mấy lần cô ta vấp ngã rồi lại gượng đứng lên và loạng choạng đuổi theo. Mái tóc dài của cô như xoã tung và rối bù.

Huy Nhật thấy bất nhẫn quá nên quyết định ngừng xe lại chờ đợi.

Cô gái chạy đến bên cửa xe, cô đập tay vào cửa kiếng liên hồi, vẻ mặt thất thần hoảng loạn.

Huy Nhật quay kiến nhìn cô ta:

– Cô muốn gì?

– Làm ơn cứu tôi ... Xin ông cho tôi đi nhờ, không tôi chết mất. - Cô gái gấp gáp nói, giọng đứt quãng trong hơi thở dồn dập vì mệt nhọc.

Nói xong, cô ta gần như khuỵ xuống, cả người cô như tựa vào thành xe.

Vẫn để xe nổ máy trong tư thế sẵn sàng, Huy Nhật cẩn thận nhìn quanh quất.

Vẫn không có ai, xung quanh vẫn im ắng, vắng lặng. Chỉ có mỗi cô gái đang thở hổn hển nhìn Huy Nhật bằng ánh mắt như van nài, cầu khẩn pha lẫn hoảng loạn và sợ sệt.

Huy Nhật mở cửa xe, điềm đạm:

– Cô vào đi!

– Cám ơn ông. - Cô gái lao nhanh vào xe và đóng sầm cửa thật mạnh.

Huy Nhật đưa mắt nhìn cô gái. Cô ta như không còn biết gì, chỉ tựa lưng vào thành ghế, hai mắt nhắm chặt và thở dốc từng hồi.

Cho xe lăn bánh, Huy Nhật nhận thấy cô ta thật xinh đẹp. Sự sợ hãi không làm mất đi vẻ thanh tú của cô. Mũi dọc dừa, môi trái tim, gương mặt trái xoan với rèm mi cong vút một cách tự nhiên.

Chờ cho cô gái đã trấn tĩnh, Huy Nhật nhẹ nhàng:

– Sao ông cho xe ngừng l- Hãy cho tôi biết chuyện gì xảy ra với cô?

Cô gái không trả lời mà dõi mắt nhìn ra ngoài. Vẻ mặt cô căng thẳng lắm. Xe chạy ngang qua một ngôi nhà còn sáng đèn, Huy Nhật thấy cô ta nhấp nhỏm và bồn chồn lắm, nên lên tiếng:

– Nhà của cô đấy à?

– Dạ không. Chỉ là chỗ ở của tôi.

Huy Nhật ngạc nhiên:

– Tôi không hiểu cô nói vậy là sao?

Cô gái không trả lời, nhưng ánh mắt vẫn ngoái ra sau nhìn theo ngôi nhà.

Huy Nhật thắng xe lại. Cô gái quay sang nhìn anh, giọng lo ngại và thắc mắc.

ại?

– Đến nhả cô, sao cô không xuống để về nhà?

Gương mặt cô gái lại trắng bệch, cô co rúm người lại, giọng lạc đi:

– Tôi van ông ... đừng bắt tôi phải vào lại chỗ đó ... Tôi sợ lắm.

– Tại sao? Cô phải nói rõ ràng cho tôi biết.

Cô ta gật đầu lia lịa, giọng như lạc đi và khàn đặc:

– Tôi sẽ kể hết, nhưng tôi van ông cho xe chạy đi, tôi không muốn vào lại chỗ đấy nữa.

Tuy không hiểu gì hết, nhưng nhìn vẻ sợ sệt của cô, Huy Nhật vẫn chiều theo ý cô gái.

Anh cho xe lăn bánh trầm giọng:

– Cô kể đi!

– Tôi không biết ... phải kể thế nào, và bắt đầu từ đâu cho ông hiểu.

Nhận thấy vẻ bối rối và lúng túng đến tội nghiệp của cô, Huy Nhật mỉm cười như trấn tỉnh cô. Anh nhẹ nhàng gợt ý.

– Được rồi, bây giờ tôi hỏi gì thì cô phải trả lời cho tôi, mà nhớ là phải thành thật. Cô làm được chứ?

Cô gái gật đầu:

– Dạ, được ạ.

Huy Nhật nói như hù doạ:

– Nếu có giấu giếm hay không thành thật, tôi sẽ đưa cô về lại ngôi nhà đó.

Cô gái vội vàng gật đầu lia lịa.

Huy Nhật mỉm cười.

– Cô tên gì?

– Tôi tên Cúc Phương.

– Bao nhiêu tuổi?

– Dạ, hai mươi hai.

– Ngôi nhà đó và cô có mối quan hệ gì?

– Đó là nhà của cậu Thành.

– Là cậu ruột của cô à?

Cúc Phương lắc đầu:

– Không, tôi gọi bằng cậu vì cậu Thành nhận mẹ tôi làm chị.

Huy Nhật gật đầu:

– Có nghĩa là cậu hờ.

– Có thể nói là vậy.

– Sao cô lại ở đó? Còn ba mẹ cô đâu?

Cúc Phương như đã lấy lại bình tĩnh, chậm rãi:

– Chuyện dài dòng lắm, để tôi nói hết thì ông sẽ hiểu.

– Cô nói đi!

– Ba mẹ tôi ở quê, nhà nghèo lắm. Cậu Thành thấy vậy mới đón tôi về đó để tiện cho việc học hành. Nhờ cậu Thành mà tôi đã tốt nghiệp và đang chờ cậu xin việc làm.

– Nếu vậy thì ông ta tốt với cô quá.

– Dạ, cậu rất tốt và yêu quý tôi.

Duy Nhật thắc mắc:

– Thế nguyên nhân nào mà cô phải chạy trốn ra khỏi nhà giữa đêm khuya khoắt thế này?

Cúc Phương thở dài, giọng buồn tênh:

– Tất cả là do mợ tôi mà ra.

Bà ta làm gì cô?

– Mợ tôi ép gả tôi cho một người đàn ông mà tôi không hề yêu thương. Thậm chí còn ghê sợ nữa là khác.

– Và cô đã phản kháng bằng cách bỏ chạy như vậy?

– Phải. - Cúc Phương gật đầu, bỗng cô lại thảng thốt và buột miệng - Tôi không biết ông ta có chết không nữa.

Huy Nhật vội vàng thắng xe thật gấp. ''Kít ... ''. Tiếng bánh xe rít lên mặt đường, giọng hoảng hốt:

– Cô vừa bảo là ai chết?

Cúc Phương, tái nhợt lắp bắp:

– Là ... ông ... ta ...

– Ông ta làm sao? Cô đã làm gì ông ta - Huy Nhật gấp gáp - Cô nói mau lên!

– Nhưng ... tại ông ... ta định làm nhục tôi, tôi chỉ ... tự vệ mà thôi.

Huy Nhật cũng lo sợ không kém gì Cúc phương. Giọng anh vẫn căng thẳng.

– Cô nói mau lên! Cô đã làm gì ông ta. Ông ta thế nào?

Tôi cũng không biết nữa. Vừa thấy ổng ngã lăn ra là tôi vùng dậy và chạy thục mạng cho đến khi gặp ông.

– Cô cứ vòng vo mãi, tôi không hiểu. Cô đâm ông ta hay làm gì?

Cúc Phương lí nhí:

– Tôi đạp ông ta.

– Cô đạp ổng, mà đạp vào đâu đến nỗi ổng bất tỉnh? - Huy Nhật ngạc nhiên.

Cúc Phương lắc đầu:

– Tôi cũng không biết. Lúc đố tôi co chân đạp loạn xạ, chỉ thay ổng bụm hai tay vào đùi, kêu ''á'' lên rồi ngã vật ra đất.

Huy Nhật vỡ lẽ, anh phá lên cười thành tiếng có vẻ thích thú lắm.

Cúc Phương ngơ ngác:

– Ông cười gì vậy?

Cố nén tiếng cười khằng khặc trong họng. Huy Nhật nhìn cô:

– Cô đừng sợ! Ông ta không chết được đâu, mà chi đau quá nên ngất người đi thôi.

– Ông nói thật chứ?

– Tôi gạt cô làm gì.

Cúc Phương nghe Huy Nhật khẳng định như vậy, cô thấy an tâm, nét mặt giãn ra không còn căng thẳng nữa.

Huy Nhật tăng tốc, anh thắc mắc:

– Mà sao ông ta giờ trò với cô được?

Do mợ tôi sắp đặt.

– Còn cậu của cô đâu?

– Cậu Thành là thuyền phó tàu viễn dương, suốt ngày lênh đênh trên biển, ba tháng nữa cậu mới về.

– À, ra vậy! Khi đạp ông ta xong, cô làm gì nữa?

– Tôi đã nói rồi, tôi chạy bỏ ra cửa và cắm đầu mà chạy, may mà gặp ông, nếu không tôi cũng không biết sau đó thế nào.

Huy Nhật tin cô nói thật, và đến lúc này, anh mới để ý và nhận thấy cô ta đi chân đất và một vài vết xước bên hai bàn chân, đầu tóc rối tung quần áo xốc xếch, một nút áo bị đứt chỉ lộ một khoáng trắng. Cho xe rẽ vào địa phận Sài Gòn, Huy Nhật trầm giọng:

– Giờ cô định đi đâu?

– Tôi cũng không biết nữa.

– Cô có người quen hay bà con gì ở Sài Gòn không?

– Không!

– Còn bạn bè?

Cúc Phương lắc đầu:

– Cũng không luôn ông ạ ....

Huy Nhật nghĩ ngợi rồi ôn tồn:

– Hay tôi đưa cô đến khách sạn nghỉ tạm qua đêm.

Nhưng rồi anh lại lắc đầu ngay:

– Mà không được. Bộ dạng cô như thế này, làm sao vào đó được.

Cúc Phương nhẹ nhàng:

– Ông cứ cho tôi xuống đây cũng được.

– Rồi cô đi đâu?

Cúc Phương cúi đầu chớp mắt.

– Thú thật, tôi cũng không biết nữa.

– Không biết mà cô đòi xuống đây.

– Nhưng tôi không thể làm phiền ông mãi được.

Huy Nhật lắc đầu:

– Tôi không thể để cô xuống lúc này được.

– Tại sao hả ông?

– Làm sao tôi có thể bỏ mặc cô trong hoàn cảnh này, nhất là giữa đêm khuya.

Cúc Phương cảm động.

– Ông tốt với tôi quá.

Huy Nhật mỉm cười. Anh cũng không biết tại sao mình làm vậy? Tự dưng lại đi mua sự rắc rối vào người.

Hay cỏ lẽ vì nét dịu dàng, thanh khiết của Cúc Phương khiến anh không nỡ.

Cúc Phương chợt hỏi:

– Vậy ông sẽ đưa tôi đi đâu về nhà ông à?

– Nếu đúng vậy, cô có sợ không?

– Không. Tôi không sợ, dù gì vẫn hơn là lang thang cả đêm ngoài đường.

Huy nheo mắt:

– Cô không sợ tôi giống như ông ta à.

Nghe vậy, Cúc Phương giật mình lo lắng. Cô nhìn Huy Nhật, tuy không rõ lắm nhưng cô vẫn thấy an tâm khi thấy anh có vẻ điềm đạm, giọng nói và cử chỉ rất nhẹ nhàng.

Cô mạnh dạn:

– Tôi tin ông là người đàng hoàng, ông sẽ không làm những chuyện đồi bại, trái với lương tâm.

– Cám ơn cô đã tin tưởng.

Nói thế chứ thật ra Huy Nhật vẫn chưa biết giải quyết thế nào?

Về nhà anh là chuyện không tưởng rồi. Mẹ anh tuy rất yêu thương anh nhưng cũng rất nghiêm khắc và khó tính. Không đời nào bà chấp nhận cho Cúc Phương tá túc dù chỉ là một đêm.

Vừa lái xe, anh vừa suy nghĩ. Anh chợt nhớ ra đến một người, lấy điện thoại cầm tay, anh lại lưỡng lự, đã hơn một giờ khuya.

Nhưng rồi nhìn sang Cúc Phương, anh thấy tội nghiệp cô quá nên quyết định bấm máy.

Có tiếng chuông đổ dồn ở đầu dây Huy Nhật vội vàng lên tiếng ngay khi nghe tiếng nhấc máy:

– Alô. Con là Huy Nhật đây.

– ...À- Dạ, có chuyện gấp nên con phải phải làm phiền đến dì giờ này, đì thông cảm cho con.

– Dạ, con sẽ đến nhà dì ngay bây giờ ạ, rồi con sẽ giải thích cho dì ạ.

Chờ Huy Nhật tắt máy, Cúc Phương khẽ khàng:

– Ông vừa nói chuyện với ai đó?

– Là một người quen. Tôi sẽ đưa cô đến đó nghỉ nhờ đêm nay.

– Không phải ông bão là đưa tôi về nhà ông sao?

Huy Nhật cười nhẹ, giải thích:

– Mẹ tôi đi trực, sáng mai mới về. Nếu gặp cô trong nhà, tôi sẽ nói thế nào với mẹ tôi?

– Làm phiền đến nhiều người thật ngại quá, ông cứ để tôi xuống đây được rồi.

Huy Nhật bỗng cau có:

– Cô biết ngại sao bỗng dưng chặn xe tôi lại làm gì?

Thấy anh giận dữ, Cúc Phương cúi gằm mặt:

– Tôi xin lỗi. Lúc đó tôi hoảng quá nên không nghĩ đến.

Huy Nhật cũng thấy ra sự nóng nảy vô lý của mình nên nhẹ nhàng:

– Tôi hơi nóng nên nói vậy, cô đừng suy nghĩ, coi như tôi không nói gì cả.

Rồi anh ôn tồn:

– Dù gì tôi cũng đã điện thoại rồi, cô đừng quá lo lắng. Bác Hạnh rất tốt, tôi hy vọng bác sẽ đồng ý:

Cúc Phương im thin thít, cô nghĩ anh nói đúng. Cô không còn sự lựa chọn nào cả ...

Cho xe dừng lại trước một căn biệt thự rộng lớn. Từ trong xe nhìn ra, cô thấy một thiếu phụ đã ngoài bốn mươi đang đứng chờ sẵn bên cánh cửa khép hờ.

Tuy không nhìn rõ gương mặt của bà ta, nhưng cô vẫn thấy được và cảm nhận rằng bà có vẻ rất hiền từ, nhân hậu.

Mở cửa xe, Huy Nhật bước xuống, anh quay lại nhìn cô, dặn dò:

– Cô cứ ngồi yên đây, khi nào tôi kêu thì hãy xuống.

– Dạ. - Cúc Phương ngoan ngoãn.

Đóng cửa xe lại, Huy Nhật xăng xái đi về phía bà Hạnh, lễ phép:

– Con chào dì!

Bà Hạnh nhìn anh, lo âu:

– Có chuyện gì mà con điện thoại cho dì lúc nửa đêm vậy hả con?

Huy Nhật còn đang bối rối, chưa biết trình bày ra sao thì bà Hạnh chỉ tay về phía xe:

– Ai vậy Nhật?

– Dạ, con mới biết cô ta trên đường về. Chính vì cổ mà con mới quấy rầy dì lúc này.

– Con đi đâu mà giờ mới về?

– Đám cưới một người bạn ở ngoài Bà Rịa, bạn bè lâu ngày gặp lại, con mãi vui nên về trễ.

– Còn cô gái đó là ai?

Huy Nhật trình bày lại câu chuyện cho bà Hạnh nghe và hồi hộp theo dõi nét mặt của bà.

Nghe xong, bà Hạnh ôn tồn:

– Vậy con đưa cô ta đến tìm dì về chuyện gì?

Huy Nhật lúng túng rồi ngập ngừng:

– Con muốn xin dì cho Phương ngủ nhờ một đêm.

– Thì ra là vậy!

Huy Nhật nói như phân bua:

– Con cũng không biết phải đưa cô ta đi đâu, bức bách quá nên đành làm phiền đến dì.

– Sao con không đưa cô ta về nhà?

– Dì cũng biết mẹ con khó tính thế nào rồi, không đời nào mẹ chấp nhận.

Huống hồ đêm nay, mẹ con không có ở nhà.

Bà Hạnh suy nghĩ thật lâu rồi thong thả:

– Ngộ nhỡ dì không đồng ý thì con làm thế nào?

– Chỉ còn một cách là con và cô ta lang thang suốt đêm trên xe.

Nhìn nét mặt thảm não của anh, bà Hạnh mỉm cười:

– Con bảo cô ta lại đây.

Huy Nhật mừng rỡ:

– Dạ, dì đã đồng ý cho Phương ở nhờ?

– Dì chưa thể hứa hẹn gì cả, phải gặp cổ rồi, dì mới trả lời cho con được.

Huy Nhật quay lại, anh ngoắc tay ra dấu.

Cúc Phương mở cửa xe, cô bước xuống, rụt rè lại gần và khép nép bên Huy Nhật.

– Cháu chào bà!

Bà Hạnh khẽ gật đầu, bà đưa mắt nhìn Cúc Phương thật lâu như đang đánh giá. Với ánh mắt kinh nghiệm của một người từng trải, bà nhận ra vẻ chân thật hiền lành của Cúc Phương, thêm vào đó vẻ đẹp khả ái của cô đã làm bà có thiện cảm phần nào.

Quay sang Huy Nhật, bà ôn tồn:

– Con đưa xe vào nhà, ta nói chuyện.

– Dì đã đồng ý? - Huy Nhật nói như reo vui.

Bà hạnh mỉm cười bảo Cúc Phương:

– Cháu vào đây với ta!

Cúc Phương rụt rè bước theo sau bà Hạnh.

Bên trong hơi tối, nên Cúc Phương không nhìn thấy những gì, chỉ là một màu xanh thăm thẳm.

Cái mà cô thấy được đó là một con đường dài trải sỏi trắng chạy uốn quanh khu vườn xanh lá dẫn vào nhà. Tiếng sỏi kêu lào xào theo mỗi bước chân của họ.

Một vài con chó bẹc- giê to và cao như một con bê bị xích ở góc sân đang lầm lì nhìn cô, nhe những cái răng trắng nhọn và cái lưỡi thè lè, làm cho Cúc Phương khiếp sợ. Cô rảo bước và nép sát vào bà Hạnh.

Một phòng khách thật lộng lẫy và sang trọng hiện ra ánh sáng mờ mờ và dịu nhạt từ những ngọn đèn chùm bằng pha lê hắt ra, giúp cho cô nhìn rõ cảnh vật trong phòng, tất cả đều rất đẹp.

Bà Hạnh dịu dàng:

– Cháu ngồi đi!

Cúc Phương bức xúc nghe theo. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống, chiếc ghế nệm thật dày và êm ái làm cho cô cứ cảm tưởng như mình đang bị lún sâu vào đấy.

Bà Hạnh tự tay châm trà, rồi rót vào tách:

– Cháu uống nước!

– Dạ, cháu cảm ơn bà.

Bà Hạnh nhẹ nhàng:

– Ta đã già đâu mà gọi bằng bà. Cháu cứ gọi ta là dì được rồi.

Cúc Phương lí nhí dạ nhỏ, rồi bưng tách trà lên nhấm nháp.

Mùi trà sen thơm ngát làm Cúc Phương cảm thấy sảng khoái và dễ chịu.

Huy Nhật cũng vào đến. Anh ngồi vào ghế đối diện với Cúc Phương.

Bà Hạnh nhìn cô, dịu dàng:

Nhật đã nói cho nghe về chuyện của cháu, ta rất thương và hiểu cho hoàn cảnh của cháu.

– Cháu có thể ở lại đây.

Cúc Phương xúc động, cô lí nhí:

– Cám ơn dì.

– Đừng cám ơn ta, mà hãy cảm ơn Huy Nhật. Ta cho cháu ở lại đây vì không nỡ từ chối lời đề nghị của nó.

Huy Nhật vội vàng xua tay khi thấy Cúc Phương nhìn mình:

– Đừng cám ơn tôi, tôi chỉ làm theo lương tâm.

– Dù gì tôi cũng cám ơn ông đã giúp đỡ.

Huy Nhật nhìn bà Hạnh:

– Con phải về ngay dì ạ. Mẹ con mà về trước là con sẽ gặp rắc rối ngay.

Bà Hạnh gật đầu:

– Con cứ an tâm, mọi chuyện đã có dì lo liệu.

Huy Nhật chào bà Hạnh rồi dặn dò Cúc Phương.

– Cô cứ ở đây, ngày mai tôi sẽ đến. Tạm biệt cô!

Đưa Huy Nhật ra về xong, bà Hạnh quay trở vào, thong thả:

– Cũng khuya rồi, mà cháu chắc đã mệt lắm, vậy nên nghỉ ngơi cho khỏe, mai ta sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Đưa Cúc Phương đến một căn phòng ở lầu hai, bà Hạnh mở cửa bước vào rồi bảo.

– Phòng này vẫn để dành cho khách, nên đồ đạc cũng đầy đủ rồi, cháu thấy thế nào?

– Được dì cho ở nhờ, cháu không dám đòi hỏi gì hơn nữa căn phòng này rất đẹp.

– Cháu vào đi, nhà tắm ở phía trong, cháu vào mà tắm rửa cho sạch.

Trước khi ra ngoài, bà Hạnh còn cẩn thận dặn dò:

– Ban đêm, cháu đừng ra ngoài, vì nhà có nuôi chó, thấy người lạ nó sẽ sủa inh ỏi đấy.

Cúc Phương ngoan ngoãn gật đầu. Cô cài cửa thật kỹ rồi không thiết đến việc tắm rửa, cô ngã lưng xuống giường.

Cúc Phương cứ ngỡ mình đang nằm mơ chứ vẫn không tin đó là sự thật. Nhớ lại chuyện vừa xảy ra, cô vẫn còn bàng hoàng và khiếp sợ nhưng rồi vì quá mệt nên cô thiếp đi trong một thân xác rã rời và đau nhức.

Sáng hôm sau, Cúc Phương dậy rất muộn. Ánh nắng chói chang hắt vào làm cô chóa mắt.

Chiếc đồng hồ trẹo trên tường trước mặt Cúc Phương. Cô giật mình. Đã hơn chín giờ rồi, cô vội vàng tung chăn ngồi dậy thật nhanh và ngỡ ngàng khi nhận ra mình đang ở một nơi xa lạ. Vài giây sau, cô mới nhớ lại lý do khiến mình ở đây Có tiếng gõ cửa nhẹ nhẹ như thăm dò. Cúc Phương vội vàng mở cửa.

Một cô gái khoảng ba mươi, tươi cười nhìn Cúc Phương.

– Cô ngủ say quá! Tôi gõ cửa lần này là lần thứ tư rồi đấy.

Cúc Phương ngượng ngùng:

– Em xin lỗi. Mệt quá nên em ngủ quên. Em tên Phương, còn chị?

– Tôi tên Liên.

– Chị là con gái dì Hạnh à.

Không, tôi là chị bếp.

Rồi Liên chìa cho Cúc Phương một túi giấy:

Bà chủ báo tôi đưa cho cô cái này.

– Là gì vậy chị?

– Vài bộ quần áo, bà chủ bảo để cô thay.

Cúc Phương kêu lên khi nhìn vào túi:

– Sao nhiều thế chị?

Liên tươi cười:

– Tôi không biết cô mặc cỡ nào nên mua nhiều cỡ Bộ nào mặc vừa thì mặc.

– Em cám ơn chị ....

– Của bà chủ, đâu phải của tôi - Liên cắt ngang - Cô rửa mặt đi rồi xuống nhà ăn sáng.

Nói xong, Liên quay lưng bỏ đi.

Cúc Phương bước vào phòng tắm. Nhìn thấy mình trong gương, cô đỏ mặt vì thấy trong gương, cô thảm hại quá. Tóc thì bù xù, áo quần nhàu nát, cúc áo thì bung ra. Cô lắc đầu thật mạnh như không dám nhìn vào sự thật ...

Cô làm vệ sinh thật nhanh rồi rảo bước xuống nhà Chị Liên ngồi đợi cô bên bữa ăn sáng đã dọn sẵn.

Cúc Phương nhìn quanh:

– Dì Hạnh đâu chị?

– Bà chủ ra cửa hàng rồi. Cô ngồi đi tôi dọn sẵn cho cô đó.

– Chị đừng gọi em là cô. Em còn nhỏ mà, gọi bằng em thôi.

Liên lắc đầu:

– Đâu được, cô là khách của bà chủ mà.

– Không phải. Chỉ hiểu lầm rồi em ... em ... chỉ ...

Cúc Phương bối rối, cô không biết giải thích thế nào cho chị Liên hiểu.

– Là gì cũng được. Thôi, cô ăn sáng đi, tôi đi làm việc đây.

Cúc Phương ngồi vào bàn. Cơn đói làm cô không chút e dè. Chỉ một loáng sau, dia bánh mì sandwich và ly sữa đã sạch sẽ nhưng cô vẫn thấy đói, vì cả tối qua cô chưa ăn uống gì, nhưng không dám nói mà im lặng chịu đựng.

– Cô chưa no à?

Chị Liên bỗng hỏi. Cúc Phương gật đầu:

– Cả ngày qua, em không ăn uống gì.

– Để tôi lấy thêm cho cô nha.

Sau một phần ăn nữa, Cúc Phương thấy khỏe hẳn lên. Cô dọn dẹp xuống bếp định rửa thì Liên ngăn lại:

– Cô cứ để đấy cho tôi.

– Em làm được mà.

– Bà chủ mà biết thì tôi sẽ bị rầy đó.

Cúc Pnương thấy chị Liên có vẻ sợ sệt nên đành nghe theo, cô nhìn chị:

– Dì Hạnh khó lắm hả chị?

– Không, bà chủ rất hiền, nhưng nghiêm lắm.

Cúc Phương còn định hỏi thêm nữa, nhưng cô im bặt khi thấy bà Hạnh từ ngoài bước vào.

Bà Hạnh khẽ cười:

– Cháu dậy lâu chưa?

– Dạ, cháu mới dậy ạ. - Cúc Phương bẽn lẽn.

– Không việc gì phải ngại. Nếu ta là cháu, có lẽ ta không dậy nổi sau một đêm kinh hoàng như thế.

Cúc Phương nhỏ nhẹ:

– Dì mới ở đâu về ạ?

– Ồ! Ta ra cửa hàng. Cháu đã ăn sáng chưa?

– Dạ, rồi ạ.

Bà Hạnh ngồi xuống, ôn tồn:

– Cháu ngồi đi, mình nói chuyện một chút.

Cúc Phương rụt rè ngồi xuống ghế. Cô nhìn bà Hạnh như chờ đợi.

Bà Hạnh thong thả:

– Cháu tên gì nhỉ? Hôm qua Nhật có nói nhưng dì quên rồi.

– Cháu tên Cúc Phương ạ.

– Quê cháu ở đâu?

– Dạ ở Rạch Giá, thưa dì.

– Ba mẹ cháu còn cả chứ?

– Dạ, còn ạ.

– Bà Hạnh gật đầu.

– Năm nay, cháu bao nhiêu tuổi?

– Thưa dì, cháu hai mươi hai ạ.

Đôi mắt bà Hạnh nhìn cô, cái nhìn rất lạ, ánh mắt như có vẻ xa xăm, gợi nhớ điều gì ở bà Trầm ngâm thật lâu, bà Hạnh nhìn cô, và khẽ giọng:

– Thế giờ đây cháu định thế nào?

– Cháu cũng không biết nữa ạ.

– Cháu không định về quê với ba mẹ cháu sao?

Cúc Phương lắc đầu, bộc bạch:

– Cháu xin phép ba mẹ cho cháu đi làm, cậu Thành có hứa sẽ xin việc làm cho cháu, nhưng xảy ra chuyện này rồi, cháu không dám quay lại đó, nhất là trong lúc này.

– Cháu có thể kể cho ta biết về hoàn cảnh gia đình cháu thế nào không?

Cúc Phương gật đầu, bùi ngùi:

– Nhà cháu nghèo lắm. Ba mẹ cháu quanh năm chỉ làm thuê làm mướn để kiếm sống, cháu còn một đứa em trai nữa ạ.

Bà Hạnh gật đầu:

– Vì vậy cháu muốn đi làm để phụ giúp gia đình.

– Dạ, đúng vậy! - Cúc Phương đáp nhỏ.

– Cháu muốn làm công việc gì?

– Dạ, việc gì cháu cũng làm hết, miễn sao là đàng hoàng và có tiền gởi về quê.

– Dì nghe Nhật nói cháu đã tốt nghiệp.

– Dạ đúng ạ, Cháu ra trường đã gần một năm.

Bà hạnh ôn tồn gợi ý:

– Cháu có thích bán hàng không? Dì có một cửa hàng mỹ phẩm cũng đang cần người. Nếu cháu muốn, cháu có thể đến đó làm.

Cúc Phương mừng rỡ:

– Dì nói sao? Dì cho cháu làm ở cửa hàng.

– Phải!

– Nếu vậy cháu cám ơn dì lắm. Dì thật tốt với cháu.

– Tạm thời cháu cứ ở lại đây. Nhà thì rộng mà ít người, có cháu sẽ vui hơn.

Cúc Phương xúc động lắm, cô rơm rớm nước mắt nghẹn ngào:

– Cháu không biết nói sao để cám ơn ơn dì.

Bà Hạnh cười bao dung:

– Cháu đừng câu nệ như vậy. Dì thấy cháu tội nghiệp nên dì thương lắm.

Có bóng người từ ngoài xăm xăm đi vào. Cúc Phương nhìn ra, cô kêu lên:

– Chào ông!

– Chào cô bé! - Huy Nhật tươi cười.

– Con chào dì!

– Ngồi đi con.

– Hai người đang nói chuyện à? Con có làm phiền không dì?

– Cũng xong rồi, dì định đi thì con đến.

Rồi nhìn Cúc Phương, bà bảo:

– Cứ như vậy cháu nha. Cháu còn thắc mắc gì không?

– Khi nào cháu đi làm được hả dì?

– Cứ thư thả, nghỉ ngơi cho khỏe vài ngày rồi hãy đi làm.

Quay sang Huy Nhật, bà vui vẻ:

– Con ngồi đây chơi với Phương nha.

– Thế còn dì?

– Dì ra cửa hàng.

– Dạ.

Nhìn Cúc Phương, anh nheo mắt:

– Cô bé đã khỏe chưa? Nhìn sắc mặt cô bé đã hồng hào rất nhiều.

Cũng khỏe rồi ông ạ. Sau một giấc ngủ dài, em thấy trong người tỉnh táo hẳn ra.

Huy Nhật bật cười làm Cúc Phương ngạc nhiên.

– Ông cười gì vậy?

– Trông tôi già lắm sao mà cô bé gọi tôi bằng ông? Mà ai lại xưng em với ông bao giờ.

Lúc này Cúc Phương mới nhìn kỹ vị ân nhân của mình.

Một gương mặt dài hơi xương xương, mũi cao, mắt đen tròn, trán cao, miệng rộng, nụ cười thật tươi và thu hút bởi một đồng tiền bên má trái. Nhưng ấn tượng nhất chính là cặp lông mày thật dài và đen sậm, hơi xếch lên kiểu lông mày lưỡi kiếm, làm cho anh có vẻ ngang tàng, nhưng mái tóc bềnh bồng gợn sóng quả nhiên lại làm cho anh lãng mạn.

– Cô bé nhìn tôi kỹ vậy? Mặt tôi dính lọ à?

Cúc Phương tươi cười, khoe chiếc răng khểnh thật dễ thương, lắc đầu:

– Nhìn kỹ em thấy ông trẻ lắm, em sẽ gọi bằng anh, nhưng đi kèm một điều kiện.

– Điều kiện gì đấy, cô bé?

Cúc Phương dẩu môi, gilận dỗi trông cô thật dễ thương và hồn nhiên.

– Lúc nào anh cũng gọi em là cô bé mãi.

Huy Nhật lại cười vang, thích thú:

– Hình như các cô gái đều không thích ai gọi họ là cô bé.

– Dĩ nhiên, vì em đã lớn rồi, không muốn bị coi là con nít.

Huy Nhật nghiêm giọng:

– Tôi đồng ý! Tôi sẽ gọi cô bé là Cúc Phương.

– Ít ra cũng phải thế.

– Dì Hạnh đã nói gì với Phương?

– Dì bảo em ra cửa hàng của dì để bán hàng.

– Phương có nhận lời không?

– Nhận chứ anh, vì em đang rất cần việc làm.

– Còn chỗ ở, Phương tính sao?

– Dì còn bảo tạm thời em sẽ ở lại đây với dì.

Huy Nhật mừng rỡ:

– Được vậy, tôi mừng cho Phương. Không ngờ sự việc lại tốt hơn tôi tưởng.

Cúc Phương gật đầu:

– Chính em cũng không nghĩ đến ngày hôm nay em lại lâm vào hoàn cảnh này.

– Đó chính là trong cái rủi lại có cái may.

Rồì anh đứng dậy, chậm rãi:

Phương có thích đi dạo quanh nhà không, tôi sẽ thay mặt dì Hạnh làm hướng dẫn viên cho Phương.

Cúc Phương gật đầu và đứng dậy ngay, vì cô cũng muốn xem cho biết.

Huy Nhật dẫn cô ra vườn. Cúc Phương không ngớt trầm trồ trước cảnh đẹp của khu vườn.

– Đẹp quá anh ạ! Em không nghĩ nó đẹp đến thế, cứ như là trên cảnh Bồng Lai đó.

Huy Nhật tinh nghịch:

– Phương lên trên đó chưa mà bảo là giống.

– Thì em xem phim Hồng Kông đó, đâu khác gì đây.

Củc Phương say sưa ngắm nhìn các loại hoa trong vườn. Thôi thì đủ các loại hoa được trồng khắp vườn. Lại còn có cả những con thú như long, lân, hạc, phụng ... cả những con nai nữa chúng được tạo nên từ một loại cây cảnh, trông rất đẹp mắt.

Sự có mặt của chúng như ngầm nói lên sự giàu có của chủ nhân.

Trong lúc Cúc Phương mải mê ngắm nhìn cây cối, hoa lá mà không hề hay biết Huy Nhật đang lặng lẽ quan sát cô.

Huy Nhật phải thừa nhận rằng Cúc Phương thật đẹp, vẻ đẹp tinh khiết và duyên dáng, thùy mị. Nhất là mỗi khi cô cười, chiếc răng khểnh càng làm tăng thêm vẻ xinh xắn và hấp dẫn lạ kỳ ở cô.

Dạo hết khu vườn, Cúc Phương cảm thấy chân cẳng rã rời, cô ngồi xuống băng ghế, hai chân duỗi dài, hơi khom lưng dùng hai tay bóp chân, than thở.

– Không hiểu sao hai chân em nhức quá, cứ như ai lấy búa tạ mà gõ vào vậy.

– Chắc vì tối qua Phương chạy gấp mà lại nhanh nữa nên giờ mới đau.

Cúc Phương gật đầu:

– Anh nói em mới nhớ. Chưa bao giờ em chạy một quãng đường dài như vậy.

Huy Nhật dựa lưng vào một gốc cây gần đó, anh đang châm thuốc thì nghe cô hỏi:

– Anh Nhật! Anh và dì Hạnh là thế nào vậy?

– Phương mau quên vậy, tôi đã nói rồi đây. Dì Hạnh là chỗ quen biết.

Cúc Phương thắc mắc:

– Vì em thấy anh có vẻ rất gần gũi với dì, mà dì Hạnh cũng rất chiều anh.

– Phương thấy thế sao?

– Nếu không thì đêm qua anh đã không làm phiền đến dì Hạnh vào lúc nửa đêm.

Huy Nhật thầm khen cho sự nhận xét tinh tế của cô. Anh gật đầu chậm rãi:

– Trong một chuyến đi Đà Lạt, tôi và dì Hạnh đã biết nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt.

– Là thế nào hả anh? - Cúc Phương không giấu nổi tò mò.

– Chiếc xe chở khách bị lật, hành khách chỉ xây xát nhẹ, chỉ riêng dì Hạnh là bị nặng nhất, và tôi đã băng bó cho dì trong khi chờ xe cấp cứu.

– Anh là bác sĩ à?

– Đứng vậy! Nhờ cầm máu kịp thời mà dì Hạnh qua khỏi cơn nguy hiểm. Từ đó, dì Hạnh coi tôi như con.

– Có nghĩa là anh đã cứu mạng cho dì?

– Có thể cho là vậy.

Cúc Phương ngập ngừng như muốn hỏi điều gì đó Huy Nhật tinh ý liền mở lời cho cô:

– Phương định hỏi gì về dì Hạnh? Đừng ngại, điều gì tôi biết thì tôi sẽ trả lời cho Phương rõ.

– Dì Hạnh sống một mình hả anh?

– Phải. Dượng đã qua đời cách đây ba năm vì một cơn đau tim bộc phát.

– Em tò mò một chút, dì Hạnh không có con cái hả anh?

– Đó chính là nỗi buồn nhất của dì. Tôi khuyên Phương đừng bao giờ nhắc đến chuyện này trước mặt dì.

Cúc Phương ngây thơ không hiểu:

– Tại sao hả anh?

Nhìn gương mặt, nhất là đôi mắt của cô, Huy Nhật biết là cô hỏi thật. Anh thong thả hít một hơi thuốc rồi nhìn cô:

– Không một nỗi buồn nào bằng không có con cái. Sau này Phương lập gia đình có con thì Phương sẽ hiểu.

Cúc Phương đỏ mặt thẹn thùng:

– Anh nói gì kỳ cục quá. Em còn nhỏ mà nghĩ đến chuyện chồng con gì.

– Rồi Phương sẽ lớn, sẽ lập gia đình, đó là điều tất yếu và tự nhiên thôi.

– Không nói chuyện với anh nữa.

Huy Nhầt chợt bảo:

– Giờ thì Phương còn băn khoăn điều gì nữa không?

– Có một điều mà em không biết mình có nên nói không?

– Nếu Phương không tin tưởng tôi thì không cần phải nói ra.

– Dạ, không phải vậy, màem ngại về chuyện dì Hạnh cho em ở lại đây.

Huy Nhật ngạc nhiên:

– Tại sao? Hay Phương không thích? Nếu vậy Phương cứ thẳng thắn nói với dì.

– Nhưng em đâu có chỗ nào để ở, Sài Gòn này em có quen biết ai.

HuyNhật nhìn cô, cười thầm:

“Đứng là đàn bà con gái, lời nói và suy nghĩ lúc nào cũng mâu thuẫn với nhau”.

Anh khẽ khàng:

– Nhưng là do dì Hạnh ngỏ ý, vậy Phương còn ngại điều gì?

Cúc Phương chớp mắt, nhẹ giọng:

– Em thấy dì tốt với em quá, chính vì điều đó mà em mới sợ.

Huy Nhật lắc đầu:

– Tôi không hiểu em muốn nói gì nữa, lúc thì bảo ngại, lúc thì bảo là sợ.

– Em sợ em không xứng đáng với tình cảm dì dành cho em.

– Tại sao chứ?

– Em còn nhỏ, lại xa cha mẹ từ nhỏ, suy nghĩ bồng bột, nông cạn.

– Thì sao nào? - Huy Nhật sốt ruột khi thấy cô cứ vòng vo mãi.

– Em sợ mình vụng về, sẽ làm mất lòng dì.

Huy Nhật nhìn cô, anh không tin những lời nói vừa rồi lại từ chính miệng cô thốt ra, vì nó quá già giặn so vội lứa tuổi của Cúc Phương.

– Sao Phương nghĩ vậy?

– Vì khi người ta hy vọng vào điều nào đó càng nhiều mà không được toại nguyện, thì thất vọng sẽ đến với họ càng lớn.

Câu nói này như cô đang nói với chính bản thân mình nên nghe rất thật.

Huy Nhật khẽ gật đầu, nhưng vẫn hỏi:

– Dựa vào đâu mà Phương nói vậy?

– Như anh đã biết, dì Hạnh không có con có thể dì thương em nên giữ em ở lại với dì cho vui.

– Tôi hiểu rồi.

Huy Nhật đã hiểu ý của Cúc Phương, anh thấy cô nói không sai, tình cảm và tâm lý của loài người rất phức tạp, không ai giống ai, nhất là ở đàn bà, phụ nữ.

Họ có thể yêu thương đấy, nhưng rồi lại ghét bỏ đó.

Nhìn Củc Phương, anh trầm giọng:

– Vậy Phương tính sao?

Cúc Phương vẫn nhìn xa xăm, giọng cô nhẹ tênh nghe thật buồn:

– Em cũng không rõ.

– Theo tôi, trước mắt Phương cứ ở lại đây, sau này nếu đúng như Phương nghĩ, tôi sẽ giúp Phương tìm một chỗ ở khác.

– Đành vậy thôi! - Cúc Phương đáp một cách xuôi xị.

Huy Nhật có điện thoại, anh nghe xong liền bảo với Cúc Phương:

– Tôi phải vào bệnh viện đây.

Cúc Phương dợm đứng dậy, nhưng Huy Nhật đã đưa tay:

– Không cần tiễn tôi, Phương cử nghĩ cho khoẻ.

Nói xong, anh giơ tay vẫy chào và quay lưng bỏ đi.

Cúc Phương nhìn theo anh thật lâu, cô đang thầm cảm ơn anh về chuyện tối qua.

Nhắm mắt lại, Cúc Phương ngỡ như mình đang ở trong một giấc mơ dài.

Tất cả diễn biến đều quá bất ngờ và nhanh chóng đối với cô.

Sau một đêm kinh hoàng và khiếp sợ, để rồi khi mỡ mắt ra, cô lại được tận hưởng một sự an lành và bình yên, may mắn đến vớI cô như sự sắp xếp của số phận.

Cúc Phương chắp hai tay như muốn cảm tạ trời đất đã cho cô gặp một người tốt như Huy Nhật, lại ban phát cho cô thêm dì Hạnh nhân hậu và hiền từ.

Và cô cũng lo lắng cho cuộc sống của mình sau này sẽ ra sao. Chưa bao giờ cô lâm vào hoàn cảnh éo le như thế này, nhưng cô biết chắc một điều là giờ đây cuộc sống của cô phải dựa dẫm vào họ rất nhiều.