Man Nương, tôi gọi em như vậy những buổi chiều bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ trong căn phòng trống rỗng tầng ba có hai nhành xanh một thứ cây nào đó tôi không bao giờ biết tên.
Man Nương, em không rón rén nhưng cũng không thật đàng hoàng băng qua một hành lang dài bếp dầu xô chậu và guốc dép vãi như kẹo trước mỗi cửa phòng nào cũng bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ.
Trước cửa phòng tôi chỉ có một đôi dép nhựa tái sinh nâu thô kệch cở bốn mươi sáu là ít nhất. Động tác đầu tiên của em là cúi nhón đôi giày tràn trề nữ tính vừa trút ngoài cửa vào theo, đặt chính xác ở góc càng mở cửa càng là tàng hình. Rồi mới úp mặt vào ngực tôi mở sẳn, rồi hai bàn chân trần tìm trèo lên hai chân tôi cũng đã mở sẳn em có thêm năm centimet bệ đỡ để nhích úp mặt vào cổ tôi, rồi hai cánh tay tìm ghì lên vai tôi để em đu úp mặt vào mặt tôi, thế là tới đích.
Man Nương, những buổi chiều từ hai giờ đến bốn giờ tôi gọi em như vậy, từ hai giờ đến bốn giờ nắng quái ác tôi chỉ có một chiếc quạt ba mươi nhăm đồng cực kỳ tế nhị muốn đặt kiểu gì nó cũng tự xoay mặt vào tường, hơn nữa từ hai giờ đến bốn giờ thành phố chưa có điện. Tôi đóng tất cả cửa sổ, mong ánh sáng cũng được tế nhị như cái quạt. Vì sao? Man Nương, em và tôi chúng ta không phải nhân vật chính trong tiểu thuyết bán chạy nhất. Điều đó đã rõ ràng. Tôi là một người đàn ông chỉ có chiều cao là chiều cao không gỡ lại được gì. Khẳng khiu, nhan nhản xương, đốt nọ đốt kia, nhiều tới mức chính tôi cũng chẳng buồn xem chúng có được một hài hoà trật tự nào đó chăng. Chúng không có. Em đã nhìn thấy. Em còn nhìn thấy chỗ khuỷu tay tôi chỗ bẹn chỗ hai tai chảy xuống toàn là nhăn nhó. Còn chỗ ấy là một cục xám nâu thảm hại không đáng một cái liếc mắt của trường phái nạ giòng âm thầm từng trải. Ngực thì mỏng tanh. Móng tay móng chân không cắt theo đường lối. Quần áo tầm thường. Người đàn ông này cũng không tỏa hương thèm khát ở môi ở các ngón tay dù ngón run run rờ trên em. Run run thật. Vì làm sao tôi tin được đây là không gian ái tình. Tôi cũng đã nhìn thấy em không phải một trang mỹ nữ với đùi dài thẳng tắp với ngực vênh vểnh và tóc xõa xõa. Man nương, em chẳng có gì giống thế. Đã bao lần em đứng trước gương không biết nên trách khuôn mặt hay trách mái tóc hai thứ nhất định không cùng êkíp. Rồi cả hai lại hoàn toàn độc lập với những gì còn lại. Đã bao lần em gắng thu xếp một tư thế lý tưởng nào đó lúc thì giấu giếm ngực lúc xua đuổi hai cái xương chậu và chủ yếu là thủ tiêu những đường cong ngược, ôi Man Nương!
Em úp mặt vào mặt tôi. Chúng mình không biết hôn một cách chuyên nghiệp. Tôi nghe nói người ta dùng lưỡi tách hai hàm răng. Em hẳn cũng nghe nói người ta xoay nghiêng mặt một góc bốn mươi lăm độ.
Nghe nói phải từ từ gỡ hai khuy áo trên. Phải sững sờ vài giây trước điều kỳ diệu thấp thoáng rồi có hai cách, hoặc vừa dịu dàng cúi xuống đặt môi vừa khe khẽ ngắm như thể đấy làm bằng pha lê bằng sứ Tàu bằng ngọc lan bằng hai giọt sương khổng lồ, hoặc tay phải bao giờ cũng là tay phải có một nhà văn đã nói về nỗi bất hạnh của những kẻ thuận tay trái cuống cuồng mơn nắn vò xé từ bên này qua bên kia từ bên kia qua bên này như thể chẳng kịp như thể nó sắp đột ngột vượt lên thách thức như một dải Hoàng Liên Sơn hay sắp biến mất sau trận động đất, cách hai là cách như dại cách một là cách như ngây. Còn em, em phải cong người ra phía sau cong mãi cong mãi con tôm của tôi chiếc lạt của tôi. Tôi mãi muốn làm mái vòm linh động rủ theo em. Che cái nắng quái ác cái nắng thiếu hẳn đức tế nhị.
Nhưng nghe nói phải diễn biến tiếp.
Bây giờ cũng có hai cách.
Cách một tôi vẫn áo quần nguyên nhè nhẹ trải em ra gấm của tôi vóc của tôi có hai con mắt và một ngón taỵ Em thì mắt khép đùi khép còn lại lồ lộ run từng cơn thụ động. Cho đến khi em phải lật mình sang nghiêng, e lệ dốc thèm muốn xuống một bên lườn, một nửa sổ xương sườn thấp thỏm. Tôi mới liếm phơn phớt hai vành tai làm bằng nhung the và hai nhũ đầu có mùi táo tàu. Đừng anh làm gì, em phải nói với khăn trải giường như thế câu ấy là bắt buộc. Nếu không chúng ta là phường đồi trụy. Một câu nói có sứ mệnh tổng vệ sinh tích cực thân thể xú uế của chúng tạ Rồi chúng ta lại bốc mùi đã khử trùng của hành lang bệnh viện.
Cách hai nghe nói phải oanh liệt hơn. Như thể hai dòng sông đã sốt ruột chảy và chảy qua bao nhiêu phong cảnh qua những bè gỗ thả những áo quần giặt đùm đụp những đập thủy điện xây vội những vô bê tần ngần, để bây giờ đổ ập vào nhau. Không có tôi trước hay em trước. Không có sĩ diện và những chùm tiết hạnh khả phong treo hoài phòng khách. Tôi phải ồn ào giải phóng em khỏi lớp trong lớp ngoài lớp lịch sự lớp văn minh giải phóng em khỏi lòng tự trọng quá sâu sắc. Tất cả sẽ rơi là tà hoặc cuộn thành mả thành đụn vô chủ như trên mặt trăng. Rất gợi cảm. Rồi tôi cũng hùng hổ lộn vèo qua đầu chiếc sơ mi trong khi một tay lần này tay trái vẫn giữ em. Dòng sông của tôi đừng chảy ra biển. Rồi chúng ta phải gầm gừ. Ở cách hai này gầm gừ là bắt buộc. Lẽ ra tôi dùng thêm từ rên rỉ. Nhưng trong tai tôi từ ấy xấu xí như chiếc cà vạt phải đeo đúng cách vào các dịp nào đó. Em không có cơ hội nói một câu gì vì tôi bịt kín miệng em tôi lấp hết các cửa ngõ ngay từ đầu tôi ào ào đánh phá bằng nhiều tốc độ vừa đánh vừa kìm. Cứ như ý tôi thì thành lũy này cho phép trọn vẹn hai tiếng đồng hồ từ hai giờ đến bốn giờ. Cho đến khi mỗi đứa đều băng qua điểm ích kỷ tuyệt vời chỉ còn đủ sức thán phục nhau bằng cách thiếp đi năm phút trong khi tay nắm tay nhau. Nếu không chúng ta là phường bạc bẽo.
Vẫn hoặc là như dại hoặc như ngây.
Nhưng đã xác định, tôi và em chúng ta không ở trong tiểu thuyết bán chạy nhất. Nghe nói thì thế đấy. Nghe nói thì người ta yêu nhau cứ như thế một sự kiện. Cứ như thể tiệc tùng. Cứ như thể Niết Bàn. Tôi không có ý chống lại các superlatives như hồi vị thành niên, nhưng đã từng lên khỏi một vài tiệc lớn nơi quý ông quý bà mỗi người một chiếc ly trong tay xoay hoay trình bày một phong độ. Tôi đã quẳng chiếc ly của mình vào một lùm cây gần nhất rồi chuồn. Và cũng từng chuồn khỏi một vài Niết Bàn nơi các quý vị nâu sồng lườm nguýt nhau vì xôi oản và chứng chỉ phong di tích lịch sử. Đã được xếp hạng.
Nghĩa là tôi rất yên tâm vì những buổi chiều màu xanh lơ ấy không giống như nghe nói.
Giống làm sao được. Tôi cứ nhìn kỹ vào cuộc sống của mình, soi đi soi lại, như tự nghiện, như rắp tâm viết hồi ký, thì thấy rõ. Không có sự kiện đáng bàn tít lớn nào xảy ra với tôi. Hồi nhỏ chắc tôi cũng đã lên sởi, đã mấy lần gãy tay và mắc chứng táo bón, chứng bỏ học, chứng lười đánh răng. Tất cả những chuyện đó thật đáng yêu nhưng chúng chẳng cho phép tôi thành chú bé khác thường. Tôi cũng đã là cái giá áo cho những trang phục hiếu chiến nhất là suốt một tuổi vị thành niên. Hồi ấy mỗi ngày tôi búng ngón tay và nhổ nước miếng mấy trăm lần. Từng cái lông chân của thiên hạ đều khiến tôi giận dữ và kinh tởm. Sau khi thấy thế chỉ tổ cho bà con khu phố được giải trí không mất tiền, tôi chuyển qua trầm ngâm. Ngay từ hồi ấy tôi đã hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc lặng ngồi nhấm nháp một tách trà ở ngã tư Hòa Mã, nơi cứ hai tuần tàu điện lại chẹt chết ai đó. Ngay từ hồi ấy tôi đã tập dượt những ý nghĩ bao quát về số phận. Tôi nghĩ ngợi về sự cẩu thả không thể tin được của con người trong cái cách họ im im đóng cửa cãi lộn hoặc an ủi nhau tất cả thường diễn ra quanh mâm cơm người này gắp thêm một miếng cho người kia người khác thì hất nước mắm ra chiếu, trong cái cách họ lê dép đi ra đường hoặc dính chặt vào yên xe đạp, trong cái cách họ chào nhau bằng những câu xoi mói, họ vén quần đái giữa phố một cách khiêu dâm, họ ngồi chồm hổm ở khắp mọi nơi như những con khỉ vui sống, họ tỏ tình không ý nhị gì cho lắm, họ sực nức mùi cá biển cắt ô toàn thành phố trong cùng một ngày. Tôi nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai. Tương lai khi ấy đối với tôi vẫn còn là ngôi sao treo khuất ở đâu đó. Tôi cũng bỏ công lên đường tìm kiếm những kẻ giống mình, nghĩa là những kẻ trầm tư chĩa mắt vào cuộc đời mà họ chưa từng sống. Nhưng đấy là nhận định bây giờ. Thưở ấy tất nhiên tôi lang thang đi tìm tri âm như một kẻ đã sống quá đủ kể cả đời sống tình ái. Có một cô tên Lan hơn tôi mấy tuổi chịu trách nhiệm về điều đó. Chúng tôi ngồi ở công viên Pasteur rồi chạy tuốt lên đường Lê Phụng Hiếu trốn công an và hai dân vệ. Cuối cùng ở con dốc gần lò mổ tôi mới biết cô nàng là nạn nhân của bệnh đậu mùa và hôi rình ở miệng ở nách còn những chỗ khác tôi hoàn toàn lú lẫn. Thế là quá đủ. Tôi cặp kè sống chết với Vũ và Lâm. Vũ là một đứa lẻo khoẻo thích đội mũ phớt biết kéo vĩ cầm xuất thân giáo sư cả bố lẫn mẹ. Trên thế gian này không có ai đáng cho nó nói chuyện dù chỉ là câu thế nào khỏe chứ. Vì thế sự trầm ngâm của tôi là hợp cách. Lâm lại là hình ảnh của rất muốn dùng bạo lực. Vì lý do tổng quát, nó bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng chỉ riêng sự có mặt của nó trên đường phố đã đủ là lời tuyên án trực tiếp nhất nếu không muốn nói là sự khủng bố đầy hân hoan với tất cả những gì còn lại, nó với bộ râu quai nón tương lai với cặp mắt chứa chan tình cảm và đôi môi cố mím để khỏi mếu mếu cười cười. Rút cục chúng tôi cũng chỉ là một bộ ba phổ biến bao giờ người ta cũng ưa chuộng con số bạ Làm như nhân ba thì phấn chấn hơn nhân bốn. Tất cả những chuyện ấy cũng thật đáng yêu thật đáng nhớ lại kể lại với gia thêm một chút bột canh Việt Trì. Nhưng sòng phẳng mà nói những sóng gió tuổi choai choai ấy đến một lúc nào đó bỗng nhiên đi đâu hết. Tôi chẳng biết bây giờ Vũ đã đội chiếc mũ phớt bao nhiêu trong cuộc đời. Lâm đã lầm bầm nguyền rủa bao nhiêu lưỡi dao cạo. Một ngày nào đó gần đây tôi chợt nhìn thấy Vũ dắt chiếc một linh ba mặt mũi đầy tự trong kiểu trí thức thuộc địa và theo sau một quãng nghi binh là một nàng đeo kính cố tách khỏi môi trường. Tóc nàng để rất dụng ý. Khóe miệng thì chán chường căng thẳng. Những phụ nữ hạng siêu việt này chỉ có một mục đích trong cuộc đời là săn tìm một người đàn ông có thể hiểu mình được. Họ quá là không đơn giản chút nào. Tôi mừng cho Vũ từ đằng sau. Thế mà nó đã tìm được ai đó đáng cho nó nói chuyện. Thế mà nó trưởng thành, đã có một đời sống xã hội thật rồi cứ nhìn cách nó chọn xe pháo thì biết. Còn Lâm đôi ba lần lướt qua ngay sát mũi tôi nhưng tôi chẳng kịp đánh hơi xem nó là ai. Mà tôi chắc cũng không dậy mùi VIP khiến nó phải miễn cưỡng ngoảnh lại. Nó đã quệt vỡ cái đèn xi-nhan bên trái của tôi để lách lên chui qua chiếc chân tàu ở đầu đường Khâm Thiên, nó tỏ ra biết quý thời gian ở tình huống chắn tàu như phần lớn người Hà Nội hiện đại và cũng giống như phần lớn người Hà Nội hiện đại nó không xin lỗi. Thế cũng là một trưởng thành.
Man Nương, chẳng bao giờ em cật vấn tôi tôi cật vấn em xem chúng ta có đáng một hàng tít lớn nào không. Cứ thử nghĩ xem khi người ta đẹp khi người ta cường tráng người ta nổi tiếng và giàu có mà lại còn yêu nhau và yêu nhau hợp đạo lý thì có gì mà nói nữa. Hoặc khi người ta bị xô vào nhau như Chí Phèo Thị Nở thì cũng chỉ cần nói một lần trong sách vở là đủ. Chúng ta chẳng có gì giống thế.
Tôi rất mừng thấy em không phải hạng phụ nữ siêu việt như trên vì tôi không thích là mục đích của đời em. Nếu như thế tôi sẽ bứt rứt tôi sẽ gồng lên và một lúc nào đó cái không gian ái tình màu xanh lơ nóng hầm hập trơ trụi của chúng mình dứt khoát sẽ biến thành vũ đài. Tôi sẽ vung vẩy hò hét ở đó trên cơ sở cặp mắt sáng rực của em. Không, vì tôi biết tới gần giây phút sung sướng thực nhất có một màn mây mỏng đùng đục kéo qua mắt em, trông em đau đớn thất thần như trong cơn vượt cạn, rồi ở cái điểm ích kỷ tuyệt vời ấy em lờ đờ nhắm mắt khẽ trào ra một hai giọt lệ, còn tôi thì khụt khịt như bị ngạt mũi. Theo thẩm mỹ riêng của tôi như thế đáng cảm động hơn vũ đài.
Tôi cũng rất mừng thấy em không phải hạng phụ nữ nổi loạn muộn mằn. Em không có một quá khứ dại dột nào để bây giờ phải cân bằng. Em cũng không hầm như chúng mình trong nhiệt độ cao của những tâm hồn bây giờ mớt biết bốc cháy. Em lại càng không xoa dịu lương tâm bằng cái cách phổ biến là vò xé nó. Không phức tạp, không riết róng, không ồn ào. Nếu cần nói về em, tôi luôn chỉ biết em không như thế nào. Cứ trử dần đi trử dần đi, có thể còn lại là em, ôi Man Nương !
Tôi thường hết lòng ngắm em vào lúc hai giờ năm phút và bốn giờ kém năm phút. Hai giờ năm phút em gỡ tóc ra và chải. Bốn giờ kém năm phút em chải và búi tóc lên. Bao giờ cũng là cái lược ấy, cũng nhựa tái sinh, cũng màu xanh lơ, bán rất nhiều ở các mẹt hàng xén ngoài chợ. Tôi không thể hình dung em với một cái lượt khác. Đến nỗi buổi chiều cuối cùng tôi đã hỏi xem em cái lược ấy. Em nhẹ nhàng bảo như thế có xúc phạm vợ anh không. Tôi cười trừ và bỏ ngay ý định. tôi không cho phép ai cho phép cái gì xúc phạm vợ tôi ngoài chính tôi. Nàng cũng biết thế và nàng không đau đớn quá mức cần thiết.
Ở khoảng giữa hai lần chải đầu, tất cả diễn ra đều đều, trật tự. Tôi đã nói rồi, không có sự kiện. Đầu tiên em lơ đãng liếc qua một hai mẩu báo rơi chểnh mảng trên sàn tôi thường mua bánh mì kẹp trong giấy báo. Trong khi đó, tôi kiểm tra một lần nữa các cửa sổ rồi rót nước lọc cho vào cái nắp phích. Tôi tới ngồi bệt trên sàn cạnh em, quạt quạt bằng bia tờ phụ san thể thao văn hóa. Có Madonna và Maradonạ Chẳng bao giờ tôi đưa ra một nhận xét tích cực về áo quần và mùi hương của em vì với em tôi không nỡ nịnh. Em trang phục theo lối tổng thể không thay đổi nên mọi nhận xét về biến cách của chi tiết một cái cổ áo dăm ba cái cúc mấy đường chít chít lượn lượn đều vô ích. Chỉ có một lần em giắt thêm hoa ngọc lan trong nịt vú. Đấy không còn là biến cách mà là một phá cách đàng hoàng. Nhưng chỉ một lần em không lặp lại chẳng hiểu vì sao tôi cũng không hỏi.
Rồi lượng chừng mẩu báo đã dẫn luận xong, tôi đỡ em nằm xuống, vẫn ngay trên sàn nhà chỉ thêm hai chiếc gối chứ chẳng giường chiếu khăn khiếc trải gì hết. Hai chiếc gối bọc cùng loại vải kê ô cùng một đường may như đôi quần đùi của tôi. Em sẽ không nói gì với khăn trải giường, phải rồi, đấy là một tất yếu. Trong cái ánh sáng khó tả đã được tôi dàn xếp trước, trên nền gạch vàng nhờ nhợ và từ góc nhìn chênh chếch xuống trông em thật tươi. Mi mắt sẫm hơn, vành môi rõ ràng hơn, gò má thanh thoát hơn. Tôi ôm em một lúc vừa ôm vừa quạt vẫn phẩy đi là Madonna phẩy về là Maradonạ Được khoảng trăm cái tôi mỏi tay em cũng tự động nhích ra. Đến lượt những câu chuyện bâng quợ Có gì mới không em. Có gì mới không anh, hai câu hỏi và hai cái lắc đầu thế là hết năm phút. Đấy là tốc độ sống bình thường, tôi biết có những người còn chậm hơn. Chúng ta đào đâu ra từ bốn giờ chiều hôm trước đến hai giờ chiều hôm sau những thông tin túi bụi. Tôi với em chúng ta thuộc loại chưa từng gửi đi đâu một bức điện khẩn. May lắm mỗi người trong chúng ta có được một hai quyết định tạm gọi là quan trọng trong cuộc đời. Trong cả cuộc đời, tôi muốn nhấn mạnh. Hai mươi hai tiếng đồng hồ chỉ vừa xoẳn cho ta tự nhiên già đi một chút không nhận thấy, tự nhiên quên đi một cái gì không rõ, tự nhiên ra ra vào vào thêm mấy lượt ở ngay cửa nhà ta mà thôi. Nghe thì chán nhưng thực ra tất cả những chuyện ấy cũng thật đáng yêu. Vì thế tôi vẫn đầy hứng khởi theo sát những chuyện không mới của em. Hôm nay con bé hàm em lại nhất định không chịu đi nhà trẻ. Hôm nay em gặp chị ấy chị ấy ở đầu chợ. Hôm lâu lắm không gặp trông có vẻ béo ra. Lý tưởng thẩm mỹ của em là béo tôi có thể hiểu được. Hôm nay hôm nay hôm naỵ Tôi không có khả năng miêu tả cuộc đời mình giản dị sinh động như thế, nên lòng dâng tràn âu yếm. Và bắt đầu run run rở trên em. Làm sao tôi tin được đây là không gian ái tình.
Em nhổm dậy, xoay lưng cởi áo, tôi cũng nhốm dậy xoay lưng. Bên nào ra bên ấy không có cảnh ngổn ngang vô chủ. Trung thành với truyền thống mảnh trong vẫn ở trong mảnh ngoài vẫn ở ngoài ngăn nắp trên sàn. Em không hề biết trên đời này có cái gọi là hiệu ứng đồ lót. Còn tôi cũng không hề biết cách nâng niu những thiên thể bé nhỏ ấy tôi sợ chúng tuột qua kẽ ngón taỵ Rồi chúng ta cùng quay nhanh lại cùng trườn vội vào lòng nhau cùng nhìn sâu vào mắt nhau thết là mắt khỏi chạm vào những chỗ khác. Tay cũng thế môi cũng thế nói chung cái nào vào cái ấy rồi tất cả cùng trật tự đi tới đích, hoặc thỉnh thoảng cũng không đi tới đích. Tinh thần chung là không sáng tạo. Có thể tôi luôn tỏ ra sung sướng hơn tình cảm thực một chút. Có thể tôi tìm cách giấu giếm một vài cố gắng. Và có thể em một đôi lần cùng nhẫn nại nằm đó cho cái tình yêu thật kém điêu luyện này có chỗ mà đậu vào. Có thể như vậy. Đấy không là những động tác giả. Đấy chỉ là để thay thế những xin lỗi cám ơn tương kính như trong hội nghị mà chúng ta chẳng thể du dương cất lên.
Sau đó đến lượt em quạt, quạt mãi quạt mãi. Vài chục nghìn chiếc tôi đếm không chính xác vì lần nào cũng thể đúng lúc ấy hai nhành xanh một thứ cây nào đó tôi không bao giờ biết ten đột ngột lách qua một khe cửa sổ nhòm vào. Như một nụ cười hiền. Nhân chứng duy nhất đây, kẻ khích lệ duy nhất đấy. Tôi quên bẳng những đốt xương nhan nhản của mình, quên sự trầm tư, quên rằng bên cạnh tôi em đã thu xếp được một tư thế lý tưởng từ lâu; tôi nháy mắt và đánh lưỡi với một con thạch sùng treo lặng phắc trên trần: tôi ư ư? trong cổ họng: Man nương ơi man nương. Không bao giờ em biết tôi gọi em như thế.
Buổi chiều cuối cùng đợi em búi tóc xong tôi đã bẻ một trong hai nhành xanh ấy trao cho em. Em chớp chớp mắt ngạc nhiên rồi bỏ nó vào chiếc túi cán bộ thường đeo kéo phécmơtuya thật chặt. Một nửa nụ cười hiền nhàu nát theo em vượt qua lại một hành lang dài bếp dầu xô chậu và guốc dép vãi như kẹo...
Tôi định bụng đem theo nốt nhành xanh còn lại sớm hôm sau khi giả từ Hà Nội. Nhưng việc ra đi bận rộn khiến tôi quên đi mất. Căn phòng của tôi đã bán.