Đã hơn chín giờ sáng, cô chủ tiệm cắt tóc thanh nữ “Bảo Ngọc” với mái tóc tém cao cứ đi ra rồi lại đi vào than thở:

– Sao kỳ vậy ta?

Nhỏ Khánh Mai cất tiếng cằn nhằn:

– Bảo Ngọc! Mày ngồi im một chỗ được không hả?

Bảo Ngọc chau mày:

– Sao vậy?

Khánh Mai hét lên:

– Chóng mặt quá đi.

Bảo Ngọc ngớ ngẩn:

– Trời đất! Tao có làm gì đâu mà mày hét điếc cả tai vậy?

Khánh Mai nhìn cô chằm chằm:

– Không làm gì à?

– Ừ!

Khánh Mai đâm quạu:

– Mày giỏi lấp liếm! Cứ đi đi lại lại, ai mà chịu đựng cho nổi chứ.

Bảo Ngọc ngớ người:

– Vậy sao? Nếu vậy, tao xin lỗi mày nha.

Khánh Mai vô tư chợt hỏi:

– Thật ra là có chuyện gì vậy?

Bảo Ngọc liếc xéo bạn:

– Mày hỏi nghe sao vô duyên ghê.

Khánh Mai tròn mắt:

– Sao tự dưng mày lại mắng tao hả?

Bảo Ngọc nổi nóng:

– Không mắng mày sao được? Bộ không thấy mấy bữa nay tiệm vắng khách sao?

– Thế thì có chuyện gì?

Bảo Ngọc diễn giải:

– Tao đang bối rối lo lắng vô cùng, vậy mà mày vẫn vô tư như không có gì.

Khánh Mai gật gù:

– À, thì ra mày đang lo nghĩ chuyện này sao?

– Đúng vậy. Chớ mày tưởng chuyện gì?

Khánh Mai cười nhẹ:

– Vậy mà tao cứ nghĩ mày đang tơ tưởng đến anh chàng nào chứ?

Bảo Ngọc tức khí, cô gắt giọng:

– Tơ tưởng con khỉ khô. Tối ngày cứ nghĩ chuyện tào lao tầm phào không hà.

Khánh Mai nguýt bạn:

– Sao lại nóng tính thế? Thấy vẻ mặt mày buồn buồn tao chỉ đùa cho vui vậy thôi.

Bảo Ngọc trợn mắt:

– Đùa ... ư? Lòng tao đang rối như tơ vò ấy, vậy mà mày ...

Khánh Mai thở dài:

– Mấy hôm nay trời mưa bão suốt, bộ mày không thấy sao?

Ngừng một lúc, Khánh Mai nói tiếp:

– Trời cứ mưa tầm tã thế này thử hỏi làm gì có ma nào vào cắt tóc chứ?

Bảo Ngọc bùi ngùi:

– Đành rằng như vậy ... tao thật không can tâm.

– Mày lo lắng chuyện gì?

Bảo Ngọc buồn bã:

– Cứ cái đà này cuối tháng không biết kiếm đâu ra tiền để trả cho người ta đây.

Khánh Mai cười duyên:

– Mày sao khéo lo. Bộ mưa bão hoài sao mà sợ chứ?

– Nhưng tao vẫn thấy lo quá.

Khánh Mai chép miệng:

– Mày lo cũng đúng thôi, nhưng việc gì thì cũng “từ từ cháo mới nhừ” chứ.

Bảo Ngọc nhìn bạn trân trân:

– Hiện tại thế này mà mày còn cà rỡn được sao?

Khánh Mai dài giọng:

– Chứ mày biểu tao phải sao đây?

Bảo Ngọc ấp úng:

– Tao ... tao ...

– Đừng suy nghĩ nhiều, từ từ hẳng tính nha. Bảo Ngọc nè ...

– Chuyện gì vậy?

– Mày trông tiệm nha.

Bảo Ngọc tròn mắt:

– Mày định đi đâu vậy hả?

Khánh Mai cười nụ:

– Tao có hẹn đi đây một lát, chừng nào có khách đông nhớ phone cho tao nghe.

Bảo Ngọc chu môi:

– Đi đâu thì cứ đi, nhưng chừng nào về phải có đồ cầm tay cho tao đấy.

Khánh Mai cười khì:

– OK! Tao biết mày sẽ nói vậy mà.

Bảo Ngọc nguýt bạn:

– Xạo!

Khánh Mai lên giọng:

– Ai hổng biết mày là người có tâm hồn ăn uống số một ở đây.

Bảo Ngọc nổi sung sấn tới nhéo mạnh vào hông bạn:

– Mày dám nói xấu cán bộ hả?

Khánh Mai nhăn nhó kêu lên oai oái:

– Ui da! Đau quá ... Mày định giết người sao mà nhéo đau dữ vậy?

Bảo Ngọc cười đắc ý:

– Cho chừa cái tật nói xấu người khác.

– Mày thật độc ác! Đau muốn chết đi được.

Khánh Mai dẫn vội chiếc Attila màu vàng chanh mới cáu cạnh vù thẳng ra khỏi tiệm. Còn lại một mình, Bảo Ngọc với tay cầm tờ báo Thời Trang Trẻ lên đọc. Chợt có tiếng ai đó cất lên phía cửa:

– Cô ơi! Cô ...

Bảo Ngọc vẫn dán chặt mắt vào tờ báo không rời, cô đáp gọn:

– Gì hử? Không mua đâu, đi chỗ khác mà bán.

Giọng nói đó vẫn vang lên:

– Cô ơi! Cô ...

Đâm bực, Bảo Ngọc gắt giọng:

– Đã bảo là không mua gì cả mà, bộ anh không nghe sao?

– Nhưng ...

Bảo Ngọc tức khí buông vội tờ báo xuống bàn, hét lớn:

– Không nhưng nhị gì cả, bộ anh không thấy tiệm của tôi “vắng tanh như chùa Bà Đanh” sao mà cứ réo hoài vậy? Khôn hồn thì cút xéo ngay, đừng để bổn cô nương phải ra tay đấy.

Nguyễn Khang vừa buồn cười, vừa tức giận. Không thể chịu đựng sự lém lỉnh của cô bé này mãi, anh quát lớn:

– Cô làm gì mà la lối om sòm vậy hả?

Bảo Ngọc sựng người nhìn trân trân người đang đứng trước mặt cô, một cảm giác ngượng ngùng làm cô đỏ bừng đôi má.

Bảo Ngọc lí nhí giọng ngập ngừng:

– Tôi ... tôi ...

Nguyễn Khang tức khí hất hàm:

– Có phải cô không vậy? Cô hãy nhìn cho thật kỹ rồi hãy nói đấy nhé. Tâm huơ tâm hất còn ra thể thống gì nữa.

Bảo Ngọc đớ lưỡi, cô lắp bắp:

– Ơ ... anh ... anh ...

– Tôi đâu có nói sai đâu. Vậy mà cô lại nhìn tôi chăm chăm vậy hả? Ông bà mình thường dạy ...

– Dạy gì chứ?

– Trước khi nói chuyện gì thì phải dòm trước ngó sau, bộ cô đã quên chuyện này sao?

Bảo Ngọc bối rối vì cô bị bé cái nhầm, nhưng nhìn vẻ mặt vênh váo, giọng nói thì khinh khỉnh đáng ghét của hắn, cô muốn cho hắn một trận nên thân. Chợt nhớ đến “đại cuộc” nên Bảo Ngọc cố nhịn, cô dịu giọng:

– Tôi ... thật xin lỗi anh.

Nguyễn Khang tròn mắt:

– Sao, bộ cô đã nhận ra sự ngờ nghệch của mình rồi hả?

Bảo Ngọc tức cành hông, do vô ý chút xíu mà bây giờ để cho một kẻ lạ huơ lạ hoắc bắt bẻ này nọ thật đau như bò đá. Hít một hơi thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh, cô nói:

– Tôi chỉ vô ý thôi. Vả lại, chuyện nhầm lẫn là chuyện thường tình xảy ra mà.

Nhưng cũng không chính vì lẽ đó mà anh dùng lời miệt thị tôi như vậy. Thật quá đáng!

Nguyễn Khang cười khẽ:

– Cô nói chuyện rất có “duyên”.

Nhìn vẻ ăn mặc lịch sự, vóc dáng thì hào hoa phong nhã, Bảo Ngọc vọt miệng:

– Với bộ dạng của anh thật ra là ở trên ấy xuống phải không?

Nguyễn Khang trợn mắt nhìn chằm vào Bảo Ngọc:

– Cô vừa nói gì? Nói lại tôi nghe coi.

Như chợt phát hiện mình nói hớ, Bảo Ngọc vội vã đính chính:

– Xin lỗi, tôi nói lộn. Thật tình, tôi định hỏi anh có phải ở nước ngoài mới về phải không?

Nguyễn Khang đáp gọn:

– OK. Cô cũng tinh mắt lắm?

– Hèn gì ... anh ...

Nguyễn Khang tức khí:

– Tôi sao?

Bảo Ngọc nói nhanh:

– Hèn gì mà anh lớn lối hách dịch như vậy. Thì ra anh là một Việt kiều mới về nước.

Nguyễn Khang cãi lại:

– Tôi vậy còn đỡ hơn ai kia mắt nhắm mắt mở cho tôi là một tên bán vé số không bằng ... còn mắng xối xả vào mặt tôi nữa chứ.

Bảo Ngọc cong môi:

– Đã nói là tôi không cố ý rồi mà cứ nhắc hoài. Đàn ông con trai như anh không lẽ lại hẹp bụng thế sao?

– Sorry! Nếu đổi lại là cô, cô sẽ nghĩ sao?

– Tôi ... tôi ...

– Không thể thốt nên lời chứ gì?

Bảo Ngọc giận hắn không thể tả, nhưng không lẽ cứ đứng đây đôi co với hắn mãi. Nghĩ thế, cô nhẹ giọng:

– Tôi xin lỗi anh được chưa?

Nguyễn Khang khinh khỉnh hất hàm:

– Chẳng có chút thành ý nào cả.

Bảo Ngọc tròn mắt:

– Vậy anh còn muốn sao chứ?

Nguyễn Khang cười khúc khích:

– Trông gương mặt cô lúc tức giận lên cũng đáng yêu lắm.

Bảo Ngọc giận dữ quắc mắt:

– Thực ra, anh vào đây để cắt tóc hay để ... tán gái. Nếu như anh có ý đồ xấu thì thông cảm mời anh đi nơi khác.

Nguyễn Khang khẽ lắc đầu:

– Không. Tôi chỉ muốn cắt tóc thôi cô.

Bảo Ngọc đề nghị:

– Vậy xin mời anh ngồi xuống ghế này.

Nguyễn Khang đưa mắt nhìn Bảo Ngọc, tò mò:

– Nói vậy cô đây chính là thợ cắt tóc đây ư?

Bảo Ngọc trợn mắt:

– Anh hỏi vậy là có ý gì?

Nguyễn Khang phân bua:

– Đâu có gì. Tôi chỉ buột miệng hỏi vậy thôi.

– Anh đúng là lý sự.

Khi đã yên vị trên chiếc ghế nệm rất êm, Nguyễn Khang lại lấy chiếc điện thoại Nokia thuộc hàng xịn, lướt phím rất điệu nghệ. Không những thế, anh còn gắn cả phone vào tai để nghe nhạc, miệng thì cứ lảm nhảm:

– OK ... good!

Bảo Ngọc tức giận kêu lên:

– Anh kia! Tôi có thể bắt đầu được chứ?

Không trả lời Bảo Ngọc, Nguyễn Khang vẫn vô tư nhịp chân, lắc đầu say mê theo từng lời hát. Bảo Ngọc bên vỗ nhẹ vào vai anh:

– Này! Thật ra, anh có nghe tôi nói gì không vậy?

Gỡ nhẹ dây phone ra, Nguyễn Khang gắt giọng:

– Trời ơi! Cô làm cái gì vậy hả?

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Thì cắt tóc.

Nguyễn Khang nói nhanh:

– Thế thì cắt đi, sao lại vỗ vào vai tôi làm gì?

Bảo Ngọc dẩu môi:

– Thật ra, anh định cắt như thế nào, để tôi có thể cắt cho anh chứ.

– OK! Cô có thể bắt đầu được rồi đấy.

Nói xong, Nguyễn Khang lại gắn phone vào nghe tiếp tục. Bảo Ngọc tức khí gỡ nhẹ dây phone ra, Nguyễn Khang ngẩng đầu lên nhìn cô chăm chăm:

– Lại chuyện gì nữa đây? Tại sao cô phiền quá vậy?

– Phiền cái đầu của anh đấy.

– Sao cô lại có thể nói thế?

Bảo Ngọc vênh mặt:

– Sao lại không thể ... trong khi anh vẫn chưa cho tôi biết là anh hớt cắt như thế nào?

Nguyễn Khang mỉm miệng cười:

– Sorry.

Bảo Ngọc nhăn nhó:

– Xin lỗi. Tôi không rành mấy về ngoại ngữ, anh có thể nghiêm chỉnh một chút được không?

Nguyễn Khang gật gù:

– OK!

Bảo Ngọc nóng mũi:

– Hình như anh nằm lòng có mấy từ đó thôi sao mà cứ lặp đi lặp lại hoài vậy hả?

Nguyễn Khang tròn mắt:

– Sao cô khó tính vậy?

Bảo Ngọc chu môi:

– Tính tôi là vậy đấy.

Nguyễn Khang chậm rãi:

– Hèn gì tiệm không vắng khách sao được? Với lại, nếu cô cứ mãi như vậy không “ống chề” mới lạ đó.

Bảo Ngọc trề môi:

– Kệ tôi! Không để anh phải bận tâm. Nhưng anh có thể cho tôi biết anh định cắt tóc thế nào? Được chứ?

Nguyễn Khang cười nhẹ:

– Cô thử nhìn xem tôi nên cắt kiểu nào đây?

Bảo Ngọc đáp cộc lốc:

– Tùy anh.

– Bữa nay tôi sẽ cho cô thể hiện tài nghệ của mình.

Bảo Ngọc trố mắt:

– Anh để cho tôi tự do tạo mẫu tóc cho anh à?

– OK!

Bảo Ngọc lừ lừ mắt nhìn anh:

– Cũng nữa hà!

Nguyễn Khang rối rít:

– Ồ! Sorry ... không! Xin lỗi, tại tôi quen rồi. Sao cũng được, cô cứ tự nhiên, nhưng nhớ là phải đẹp và hợp thời trang “a - còng” đấy.

– Được thôi.

Nói xong, Bảo Ngọc cầm lược và kéo lên lia qua lia lại rất sành điệu. Trong đầu cô, bỗng lóe lên một ý nghĩ rất ngộ nghĩnh:

– Chỉ có cơ hội này mình phải cho anh ta biết sự lợi hại của mình, để coi anh ta còn dám ngạo mạn, hống hách nữa không.

Nghĩ sao làm vậy, Bảo Ngọc cố tình cắt cho kiểu tóc của Nguyễn Khang chẳng giống ai, so le tùm lum rồi tự mỉm cười. Thấy vẻ thất thường trên gương mặt Bảo Ngọc, Nguyễn Khang chợt hỏi:

– Làm gì tự dưng lại cười tươi thế? Cô đang toan tính chuyện gì thì phải?

Bảo Ngọc cười khỏa lấp:

– Đâu có. Tôi đang nghĩ được tạo mẫu tóc cho anh là niềm vinh hạnh cho tôi đó mà.

Nguyễn Khang dò xét:

– Thật chứ?

– Ai dối gạt anh làm gì chứ?

Chỉ một thoáng, Bảo Ngọc đã thực hiện xong. Sau khi đã đã dùng khăn lạnh lau mặt sạch sẽ cho Nguyễn Khang, cô chợt cười nhẹ:

– Xong rồi. Anh thấy thế nào?

Sau khi ngắm mình trong gương, Nguyễn Khang gật gù:

– Tay nghề cô cũng không tệ như tôi tưởng ...

– Ý anh là sao?

Nguyễn Khang cười khẽ:

– Được rồi, tốt lắm. Đây tiền công của cô, hãy cầm lấy.

Bảo Ngọc tròn mắt nhìn anh:

– Trời đất! Sao anh đưa nhiều vậy?

– Có là bao đâu mà ngại, cô hãy nhận cho tôi được vui. Bye cô nhé.

– Cảm ơn anh nhiều.

Nguyễn Khang dẫn chiếc SH màu đỏ đậm, một trăm năm mươi phân khối rất bóng loáng và sang trọng ra khỏi tiệm. Trong lòng thầm nghĩ với tay nghề của cô bé không thể làm như vậy, chỉ vì cô ta cố tình làm thế thôi. Được rồi, tôi sẽ cho cô thấy những việc làm của cô hôm nay sẽ trả giá như thế nào. Hãy đợi đấy!

Sau khi gặp Hải Cường trở về, Khánh Mai cho xe chạy thẳng đến tiệm trong tình trạng say khướt. Dựng vội chống xe cô đảo mắt vào trong gọi lớn:

– Bảo Ngọc! Bảo Ngọc!

Nghe tiếng gọi giật của nhỏ Mai, Bảo Ngọc nhanh chân chạy ra. Cô sửng sốt khi thấy Khánh Mai oằn oại trong cơn say, cô thốt lên:

– Sao vậy nè, tại sao lại uống say vậy chứ?

Khi Bảo Ngọc đến gần bên, Khánh Mai khoác tay vào vai bạn cất giọng lè nhè:

– Bảo ... Ngọc! Hết rồi ... đã hết thật rồi.

Bảo Ngọc lo lắng hỏi dồn:

– Chuyện gì? Tại sao ra nông nỗi này hả?

Chợt quay vào trong, Bảo Ngọc gọi lớn:

– Như Quỳnh! Như Quỳnh ơi! Phụ mình một tay.

Đang loay hoay làm bếp ở phía sau, Như Quỳnh vội vã chạy ra, cô run giọng:

– Trời ... ơi! Khánh Mai ... sao uống say dữ vậy nè?

Bảo Ngọc cằn nhằn:

– Có chuyện gì buồn nên nó mới như vậy. Chắc chắn là Khánh Mai nó đi gặp Hải Cường rồi chứ gì.

Như Quỳnh ngạc nhiên chợt hỏi:

– Ngọc nói Hải Cường là ai vậy? Có phải ông Cường có bà vợ đã đến đây la lối hôm nọ không?

– Đúng rồi. Chính là ông ấy Như Quỳnh chép miệng:

– Sao lại yêu chi cái thằng cha đó cho khổ thân chứ?

– Mình đưa nó vào trong trước đã.

Như Quỳnh nhẹ giọng:

– Chúng ta vào trong thôi Khánh Mai.

Khánh Mai vùng vậy ra khỏi mọi người, cô hét lên trong nước mắt:

– Tụi bay hãy buông tao ra đi, tao không đáng để quan tâm như thế. Tại ... tại tao tất cả ...

Cả hai Bảo Ngọc và Như Quỳnh cố gắng lắm mới dìu được Khánh Mai vào trong. Ấn nhẹ Khánh Mai nằm xuống giường, Bảo Ngọc trầm giọng:

– Hãy nằm yên và ngủ một giấc đi, khi tỉnh lại mày sẽ quên đi tất cả những chuyện đau buồn.

Như Quỳnh lấy khăn nóng đắp lên trán bạn, cô tức tối thốt lên:

– Đã biết rõ mồn một là như thế mà ráng đâm đầu vào cho khổ.

Bảo Ngọc can ngăn:

– Như Quỳnh! Đừng nên nói như vậy, Khánh Mai nó cũng đau khổ lắm rồi.

– Nhưng tao thấy tức lắm. Khánh Mai sao nó lại dễ tin những lời lẽ đường mật của ông Cường chứ? Chẵng lẽ tình yêu lại có sức mạnh mãnh liệt đến thế sao?

Khánh Mai ngồi bật dậy, cô nghèn nghẹn:

– Mày nói đúng. Tại ... tao, tại tao cả mà. Vẫn biết rằng tao và anh ta sẽ không có kết quả gì. Vậy mà ...

Bảo Ngọc chen vô:

– Mày phải thật bình tĩnh, suy nghĩ cặn kẽ để đi đến quyết định sáng suốt.

Không nên như thế mãi được.

Như Quỳnh tán thành:

– Bảo Ngọc nói đúng đấy Mai, không thể để ông Cường cứ lợi dụng mình mãi được. Theo Như Quỳnh, bạn hãy chia tay với ông Cường càng sớm càng tốt. Cứ mãi dây dưa chỉ tổ làm cho bản thân bạn khổ mà thôi.

Khánh Mai cất giọng buồn buồn:

– Mình sẽ cố gắng quên anh ta để tìm một hướng đi cho riêng mình.

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Phải như vậy chứ. Mình sẽ ủng hộ bạn, phải mạnh dạn đứng lên để giải quyết mọi vấn đề.

– Khánh Mai! Bạn hãy an tâm, lúc nào bên cạnh bạn cũng có Như Quỳnh và Bảo Ngọc luôn luôn phò trợ bạn đến cùng.

Khánh Mai rưng rưng ngấn lệ nhẹ giọng:

– Mình rất cảm ơn hai bạn, mình biết nói thế nào để cảm ơn hai bạn đây?

Như Quỳnh nhái giọng Huế:

– Mi thiệt “có cái chi mô mà cảm ơn rứa” chứ?

Bảo Ngọc chợt đề nghị:

– Cuối tuần này, ba đứa tụi mình raVũng Tàu tắm biển xả stress nha?

Như Quỳnh reo lên thích thú:

– Ồ, đó là ý kiến hay đấy. Quyết định như vậy đi nhé!

Khánh Mai khẽ gật đầu, cô lí nhí:

– Sao cũng được.

Buổi trưa thứ tư, Nguyễn Khang quay trở lại tiệm cắt tóc. Trông thấy anh, Bảo Ngọc bước ra đón tiếp vồn vã:

– Chào anh! Anh cần gì nữa ạ?

Đáp lại lời của Bảo Ngọc là một câu hỏi bâng quơ của Nguyễn Khang:

– Cô nghĩ xem tôi đến đây để làm gì?

Bảo Ngọc đáp gọn:

– Tôi không biết.

Nguyễn Khang cười mỉa:

– Sao lại không biết chứ? Cô thật tối dạ.

Bảo Ngọc nhìn anh trân trân, cô gắt giọng:

– Trời ơi! Tự dưng sao anh lại mắng tôi?

Không trả lời Bảo Ngọc, Nguyễn Khang đi đến ngồi xuống ghế. Anh cất giọng chua chát:

– Cô hãy nhìn kỹ mái tóc tôi xem! Tôi thật rất biết ơn cô, cũng nhờ sự thiết kế mẫu của cô mà tôi đi đến đâu mọi người cứ nhìn tôi chằm chằm chẳng khác nào người ngoài hành tinh xuất hiện vậy.

Bảo Ngọc tròn mắt:

– Anh nói sao?

Nguyễn Khang nhăn nhó:

– Sao trăng gì nữa ... cô thử nhìn kỹ lại xem thì biết ngay.

Bảo Ngọc ngập ngừng:

– Tôi ... tôi thấy cũng đâu có gì.

Nguyễn Khang giận dữ quát:

– Cô thật chẳng có cặp mắt thẩm mỹ gì cả.

Bảo Ngọc nóng mũi đáp trả:

– Anh nói tôi không có mắt thẩm mỹ, làm như anh thông thạo về nghề tóc dữ lắm vậy?

Cười nhạt, Nguyễn Khang nói:

– Cô chẳng biết gì cả. Thật ra, tôi chính là ...

Bảo Ngọc tức khí:

– Anh là ai chứ?

Nguyễn Khang định nói ra cho cô bé biết anh chính là chuyên gia tạo mẫu tóc, nhưng anh đã ngừng lại vì cảm thấy chưa đúng lúc.

– Tôi là ai không quan trọng, nhưng tôi có thể biết được cô đã cố tình chơi khăm tôi, phải không?

Bảo Ngọc bị đánh trúng tim đen, cô ấp úng:

– Anh ... anh vừa nói gì? Thật tình tôi không hiểu.

– Cô không hiểu hay cố tình không hiểu?

– Anh làm gì hung dữ dữ vậy? Thật sự tôi không biết chuyện gì cả.

– Cô khéo giả vờ.

– Anh ... anh ... có thể cho tôi được biết mục đích của anh hôm nay đến đây làm gì?

– Mục đích đến đây à?

– Đúng vậy.

Nguyễn Khang cười nhẹ và chỉ tay vào mái tóc, cất giọng:

– Cô có thể thay đổi kiểu tóc khác cho tôi được không vậy?

Bảo Ngọc nhanh nhảu đáp lời:

– Được chứ.

Nguyễn Khang nhìn cô ngập ngừng:

– Nhưng ... tôi có một điều kiện muốn cho cô biết đây.

Tròn mắt, Bảo Ngọc ngạc nhiên:

– Điều kiện? Mà là điều kiện gì vậy hả?

Nguyễn Khang trầm giọng:

– Rất đơn giản không có gì khó lắm đâu.

Bảo Ngọc thúc giục:

– Nhưng mà điều kiện gì mới được.

Nguyễn Khang chậm rãi diễn giải:

– Cô phải cắt tóc theo sự hướng dẫn của tôi và phải thực hiện với tài năng của mình không được giở trò.

– Còn gì nữa không?

– Nếu cô không thực hiện được và cố tình làm trái thì cô phải bồi thường, cô có đồng ý không?

Bảo Ngọc tò mò:

– Bồi thường ư?

– Đúng vậy.

– Nhưng bồi thường bằng cách nào?

Nguyễn Khang đáp nhanh:

– Tiền.

Bảo Ngọc trợn mắt:

– Anh đúng là người kinh dị, khéo bày trò đủ thứ.

Nguyễn Khang cười nhẹ:

– Kệ tui. Chứ dễ dãi quá, như hôm trước, người bị thiệt thòi sẽ là tôi thôi.

– Trông anh hào hoa vậy mà tính toán cũng kỹ lưỡng dữ hén. Nhưng việc bồi thường đó anh tính ra sao?

Nguyễn Khang khinh khỉnh:

– Nếu cô thực hiện tốt, tôi sẽ trả cô năm mươi đô. Còn như ngược lại, cô phải bồi thường cho tôi cũng như vậy đấy.

Bảo Ngọc trợn mắt nhìn anh:

– Hả! Sao mà kỳ quái quá vậy?

Nguyễn Khang dò xét:

– Sao, cô đồng ý chứ? Nếu cảm thấy khó khăn đối với cô thì tôi không miễn cưỡng.

Bảo Ngọc dẩu môi:

– Ai nói anh, tôi không đồng ý chứ? Chuyện nhỏ như hạt đậu, ai không làm được. Anh đừng nên khinh khi tôi quá đấy.

Nguyễn Khang cười tươi:

– Nhất trí như vậy nhé?

– Được.

Khi cả hai đã đi đến thống nhất, Nguyễn Khang bắt đầu vẽ vời cho Bảo Ngọc phải cắt thế này, thế kia. Xoay qua xoay lại chóng cả mặt, nhưng không cách nào làm vừa lòng Nguyễn Khang. Cuối cùng, Bảo Ngọc bực tức kêu lên:

– Thực sự anh muốn trả thù tôi phải không?

– Sao cô lại nói vậy?

Bảo Ngọc giận dữ quát lớn:

– Chứ không phải sao, lúc thì anh bảo tôi cắt thế này, lúc thì nói cắt thế kia.

Làm sao tôi cắt được hả?

Nguyễn Khang cười mỉa:

– Nếu cắt không được tức là tay nghề cô còn non kém, không thể thực hiện được một kiểu tóc rất đơn giản. Như vậy chứng tỏ cô đã đầu hàng, mà đã thất bại rồi thì cô phải biết phải như thế nào.

Bảo Ngọc giận dữ ném mạnh kéo lược xuống kệ, trừng trừng nhìn Nguyễn Khang:

– Ý anh buộc tôi bồi thường chứ gì?

Nguyễn Khang cười trêu:

– Cô thông minh đấy. Như đã giao ước thì không thể làm khác hơn được.

Bảo Ngọc nổi nóng sừng sộ:

– Bồi thường thì bồi thường chứ có gì đâu phải sợ chứ.

– Cô cũng quân tử lắm.

– Tôi không cần anh giở trò “mèo khóc chuột” ở đây.

Nguyễn Khang cười đắc chí khi anh đã ban tặng cho cô bé một bài học nhớ đời nhưng thấy vẻ mặt nhăn nhó khổ sở của cô bé anh lại cảm thấy tội nghiệp ...

Anh vẫn tỏ ra cứng rắn:

– Tôi chỉ mong nhận đủ tiền rồi sẽ đi ngay.

Bảo Ngọc lẩm bẩm:

– Tôi chẳng có đô la, chỉ có tiền Việt thôi. Anh hãy cầm lấy rồi rời khỏi nơi đây. Từ nay, tôi mong rằng sẽ không gặp lại anh nữa.

Nguyễn Khang khẽ cười:

– Cô nóng tính quá đấy. Thất bại lần này, tôi nghĩ cô hãy xem lại.

Bảo Ngọc trợn mắt nhìn anh quát giọng:

– Đã thất bại, anh vui lắm rồi, còn gì phải xem lại nữa chứ.

Nguyễn Khang nhẹ nhàng:

– Cô nên lên thành phố để học thêm để nâng cao tay nghề. Tôi thấy cô cũng có tương lai lắm đấy.

– Anh đang mai mỉa tôi đó à?

– Không! Tôi rất thật lòng còn chuyện nghe hay không là tùy ở cô. Chào nhé!

Bảo Ngọc đáp cộc lốc:

– Không tiễn.

Nguyễn Khang đi khỏi, Bảo Ngọc vò đầu bứt tóc tức anh ách. Trên đời này sao lại có hạng người như hắn chứ? Đồ chết tiệt. Đồ quỷ ám! Bảo Ngọc căm thù hắn tận xương tủy, cô thật không ngờ rằng hắn trả thù cô một cú quá đau. Cô cảm thấy ghét hắn không thể tả.

Buổi chiều, bà Bích Trâm cố nhíu mày suy nghĩ cũng không tài nào biết được lý do Bảo Ngọc cứ nhốt mình ở trong phòng. Thực ra, đứa cháu cưng của bà đã xảy ra chuyện gì mà nó lại buồn bã như vậy chứ? Bà cảm thấy không an tâm nên quyết lòng hỏi cho ra lẽ. Nghĩ thế, bà bước đến gần cửa phòng của Bảo Ngọc, nhẹ giọng:

– Bảo Ngọc! Bảo Ngọc à!

Bảo Ngọc đáp lời bà Bích Trâm trong nỗi uất nghẹn:

– Dạ, ngoại gọi con?

Bà Trâm ân cần:

– Ra dùng cơm với ngoại, kẻo cơm canh nguội lạnh hết nè con.

Buồn bã, Bảo Ngọc nói vọng ra:

– Ngoại dùng cơm trước đi, lát nữa con sẽ dùng sau.

Bà Trâm trách yêu:

– Mồ tổ bây! Nhà chỉ có hai bà cháu, chờ con về dùng cơm chung với ngoại cho vui. Vậy mà ... thiệt hết nói nổi ...

Bảo Ngọc phụng phịu:

– Ngoại ... con cảm thấy mệt trong người, con muốn được nghỉ một lát. Ngoại đừng giận con mà.

Bà Trâm cất giọng dứt khoát:

– Ngoại muốn con ra đây ngay. Đừng đổ thừa hoàn cảnh.

– Con nghỉ một chút nữa sẽ ra. Ngoại đừng làm phiền con mà ngoại.

Bà Trâm quát mắng:

– Làm phiền? Làm phiền thằng cha mày! Có chịu ra không, hay cứ mãi ru rú ở trong phòng hả?

Biết không thể nào nằm yên trong khi bà Trâm cứ réo gọi, Bảo Ngọc đành ngồi bật dậy, mở cửa phòng nhẹ bước đến bên bà:

– Ngoại! Con mệt thật mà, bà ngoại không tin con sao?

Khẽ nhìn Bảo Ngọc, bà Trâm ngạc nhiên sửng sốt:

– Trời ơi! Con sao vậy nè? Đã xảy ra chuyện gì trông con ủ rũ dữ vậy?

Bảo Ngọc không dám nhìn thẳng bà Trâm, cô ấp úng:

– Con ... con ...

Bà Trâm lo lắng hỏi dồn:

– Con như thế này, bảo sao ngoại không lo lắng cho con được chứ? Nói cho ngoại biết, có chuyện gì xảy ra với con phải không?

Bảo Ngọc chối bay biến:

– Đâu có gì đâu ngoại.

Ký nhẹ lên đầu đứa cháu yêu, bà Trâm ân cần nhẹ giọng:

– Con đừng giấu ngoại. Chi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của con là ngoại đã biết rồi. Ai ăn hiếp con phải không?

– Dạ, không! Con đâu đám giấu ngoại chuyện gì đâu. Chỉ tại bữa nay khách đông nên con thấy mệt thôi.

– Thật không có chuyện gì chứ?

– Dạ, không.

Bà Trâm dịu giọng:

– Không được giấu giếm ngoại chuyện gì đấy nhé.

Bảo Ngọc đáp khẽ:

– Dạ, con biết rồi mà ngoại.

– Mau ra rửa mặt, rửa tay rồi vào dùng cơm với bà.

– Dạ!

Bảo Ngọc bước đi mà trong lòng mang nặng nỗi ưu tư phiền muộn.

Sáng chủ nhật, Bảo Ngọc đã chuẩn bị từ rất sớm. Cô cùng với Như Quỳnh đèo nhau trên chiếc xe máy hiệu Air Blade để đến nhà của Khánh Mai. Như Quỳnh nhấn chuông inh ỏi, và khẽ gọi:

– Khánh Mai ơi! Khánh Mai!

Người ra mở cổng là Khánh Phương, em gái của Khánh Mai. Vừa trông thấy hai cô, Khánh Phương reo lên:

– A, chị Bảo Ngọc! Chị Như Quỳnh!

Bảo Ngọc cười thật tươi với cô bé:

– Khánh Mai đã thức dậy chưa em?

Khánh Phương cười vui lồ lộ ra đôi má lúm đồng tiền:

– Dạ, chị Mai đã dậy từ rất sớm. Nhưng hình như chị đang chuẩn bị đi đâu đó.

– Vậy sao?

Khánh Phương nhìn Bảo Ngọc, hỏi:

– Hai chị đi cùng với chị ấy phải không?

Khẽ xoa đầu cô bé, Bảo Ngọc đáp lời:

– Đúng vậy. Tụi chị đã hẹn nhau mà.

Khánh Phương tò mò chợt hỏi:

– Mấy chị định đi những đâu vậy?

Như Quỳnh cười nhẹ chen vô:

– Tụi chị đi tắm biển Vũng Tàu.

– Ồ, thích quá vậy.

Bảo Ngọc thấy cô bé có vẻ thích thú, chợt đề nghị:

– Khánh Phương! Em có thể đi cùng với tụi chị nhé.

Khánh Phương tíu tít:

– Em rất muốn đi, nhưng ...

Bảo Ngọc thấy vẻ ngập ngừng của cô bé ngạc nhiên hỏi:

– Em lại ngại chuyện gì vậy, Khánh Phương?

Ngập ngừng, Khánh Phương đáp lời:

– Em ... sợ chỉ làm phiền tụi chị thôi. Vả lại, chưa chắc gì chị Khánh Mai đồng ý.

Thấy vẻ lo lắng hiện rõ trên gương mặt cô bé, Bảo Ngọc nhẹ giọng:

– Sao em lại nói vậy? Sự có mặt của em đi cùng thì càng vui thêm chứ sao lại gọi là phiền?

Như Quỳnh cũng tức khí xen vào:

– Khánh Mai sao lại không đồng ý chứ? Em là một cô bé ngoan mà.

Khánh Phương chép miệng, cô bé khẽ cười:

– Nếu được đi tắm biển cùng mấy chị thì thật là tuyệt.

Bảo Ngọc cười tươi:

– Điều đó thì em an tâm, tụi chị sẽ có cách để em đi cùng đấy.

Khánh Phương hớn hở reo vui:

– Thật vậy sao? Nếu được vậy thì còn gì bằng.

Khánh Mai xuất hiện với vẻ mặt không mấy vui.

– Hai cô nương cũng đến sớm dữ hen. Đang to nhỏ nói xấu tôi chuyện gì phải không?

Như Quỳnh chu môi:

– Đã hẹn đi sớm mà, tụi này đâu dám trễ hẹn chứ.

Khánh Mai cười trêu:

– Trời trời! Mấy bà cũng uy tín dữ ta.

Bảo Ngọc phấn khởi nhưng nhìn vẻ mặt của Khánh Mai, cô chợt hỏi:

– Sống ở đời phải lấychữ tín làm đầu chứ? Nhưng bộ dạng của nhà ngươi sao ủ rũ thế? Bộ còn giận hắn sao?

Khánh Mai cố gượng cười:

– Đâu có, mình vẫn vui kia mà. Hơi sức đâu để tâm tới hắn ta chứ.

Như Quỳnh tâm lý:

– Không cần giấu giếm tụi này. Chúng ta là bạn thân với nhau cơ mà. Chỉ nhìn sơ thôi là biết ngay mi đang có ẩn tình.

– Cũng phải thôi, làm sao có thể nói quên là quên được. Theo Ngọc nghĩ thì nhỏ Mai phải có thời gian mới quên được hắn ta mà làm lại cuộc đời.

Như Quỳnh quay phắt sang Bảo Ngọc, lớn giọng:

– Mi nghĩ vậy sao Bảo Ngọc?

– Đúng vậy.

Như Quỳnh lắc đầu, giọng cô dứt khoát:

– Mình không tán thành với ý nghĩ của bạn.

Bảo Ngọc tròn mắt ngạc nhiên hỏi:

– Sao vậy?

Như Quỳnh nghiêm ngay nét mặt đáp lời:

– Phải dứt khoát với hắn ta ngay. Không được dây dưa kéo dài.

Bảo Ngợc gật gù:

– Đành rằng là như vậy nhưng Như Quỳnh phải biết chuyện tình cảm đâu phải như thay áo không thích thì cởi phăng ném nó đi chứ.

Khánh Mai thấy hai nhỏ tranh luận chuyện của mình có phần gay gắt nên lên tiếng can ngăn:

– Hai bạn cho mình xin đi, đừng vì chuyện của mình mà mất vui.

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Vậy nhà ngươi không được buồn nữa nha, cười lên xem nào.

Khánh Mai miễn cưỡng cười nhe răng:

– Nè, vầy được chưa?

– Như Quỳnh đi được rồi đó. Khánh Mai nè!

– Gì vậy Quỳnh?

Như Quỳnh dịu giọng:

– Dù gì tụi mình đi hai xe mà có ba người nên mình định rủ thêm một người nữa cùng đi cho vui, mi thấy thế nào?

Khánh Mai tán thành ý kiến của bạn:

– Đúng đấy, có thêm một người nữa đi cùng thì càng vui chứ sao. Nhưng Quỳnh định rủ ai vậy?

Như Quỳnh đáp nhanh:

– Là Khánh Phương! Mi thấy thế nào, được chứ?

Khánh Mai buông giọng:

– Được chứ. Không hề gì, nhưng bé Phương nó có chịu đi không?

Bảo Ngọc xen vô:

– Thích quá còn gì bằng, nó chỉ chờ mi đồng ý thôi đấy.

Khánh Mai trợn mắt:

– À, thì ra là bé Phương đã nhờ hai người làm hậu thuẫn cho nó phải không?

Như Quỳnh cười buồn:

– Đúng vậy. Chuyện nhỏ thôi mà.

Khánh Mai cũng cười theo bạn:

– Thôi được rồi, chúng ta chuẩn bị đi rồi lên đường.

Quay người vào nhà trong Bảo Ngọc gọi khẽ:

– Khánh Phương! Chuẩn bị xong chưa? Chúng ta đi thôi.

Khánh Phương vui mừng hớn hở chạy ra tíu tít:

– Dạ rồi. Mình đi thôi chị. Em cảm ơn hai chị nha.

Như Quỳnh vờ trách:

– Chờ tui với chứ, bộ định đi trước bỏ tui sao cô bé?

Khánh Phương cười duyên nhìn Như Quỳnh, đáp lời:

– Dạ, em chỉ là đi ké thôi, sao lại dám thế chứ!

Như Quỳnh khẽ vỗ vào vai của bé cất giọng:

– Tốt. Như vậy mới ngoan chứ.

Chợt quay vào trong, Như Quỳnh giục:

– Xong chưa cô công chúa nhỏ của tôi? Mặt trời đã lên cao rồi đấy.

Khánh Mai nhanh nhảu nói vọng ra:

– Xong rồi. Khởi hành thôi.

Như Quỳnh cất tiếng như ra lệnh:

– Khánh Phương! Lên xe chị nè!

Bảo Ngọc dẩu môi:

– Trời ơi! Như Quỳnh nhà ta oai ghê há?

Như Quỳnh cười hì hì:

– Chứ sao. Mi hãy nhanh lên xe với Khánh Mai đi, nếu chậm chạp sẽ theo không kịp tớ đâu đấy.

Bảo Ngọc đã yên vị phía sau Khánh Mai, cô trừng trừng nhìn bạn:

– Bộ định đua xe hả?

– Ai nói?

– Thì mi chứ ai, ăn nói y như đang chuẩn bị đua xe không bằng.

Như Quỳnh lại cười:

– Mình chỉ khích động cho sung vậy mà chứ có đua gì đâu.

Khánh Mai thúc giục:

– Lên đường. Ở đó cứ đôi co mãi, trưa mất rồi.

Cả bốn cùng khởi hành trên hai chiếc xe máy hạng xịn. Các cô cứ nhắm hướng Vũng Tàu thẳng tiến.

Khoảng mười giờ, mọi người đã có mặt tại bãi biển Vũng Tàu. Bởi hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần nên khách du lịch đổ về đây rất đông, tạo không khí rất nhộn nhịp.

Sau khi gởi xe xong, mọi người đều thoa lên khắp cơ thể một loại kem chống nắng hữu hiệu. Xong đâu vào đấy cả bốn cô gái nắm lấy tay nhau chạy ào xuống bãi tắm.

Như Quỳnh kề vào tai Khánh Mai nói nhỏ:

– Ê! Khánh Mai!

– Gì hử?

Tay cô chỉ về phía trước mặt:

– Thấy gì không?

Thúc vào hông bạn một cái, Khánh Mai chu môi:

– Mi nói gì vậy? Thấy cái gì đâu hở?

Như Quỳnh đau điếng la oai oái:

– Ui da! Đau quá ... mày làm gì vậy hả? Hãy nhìn phía trước kìa.

Khánh Mai ngơ ngác hỏi:

– Có thấy gì đâu ngoài nhỏ Bảo Ngọc với Khánh Phương.

Như Quỳnh gật gù:

– Đúng rồi. Chính là nhỏ Ngọc đấy. Mày nhìn kỹ xem phát hiện gì không?

Khánh Mai đâm bực gắt giọng:

– Mày nói xa xôi quá, thực ra ý mày muốn hỏi điều gì?

Như Quỳnh ký nhẹ lên đầu Khánh Mai:

– Vậy mà cũng không hiểu, mày thật ... tối thui như đêm ba mươi.

Khánh Mai đấm thùm thụp vào vai bạn:

– Mi dám nói ta vậy hả? Cho mi chết nè.

– Trời ơi! Bộ mày định giết người sao? Ý tao muốn nói ...

Khánh Mai chống nạnh gằn giọng:

– Mi muốn nói gì?

– Mày hãy nhìn kỹ Bảo Ngọc đi, xem nó giống người mẫu không?

Khánh Mai tròn mắt:

– Mi nói cái gì? Ai giống người mẫu?

Như Quỳnh cằn nhằn:

– Mày sao? Nói chuyện với tao mà tâm trí cứ ở nơi đâu ấy.

– Tại sóng biển rì rào ta không nghe rõ chứ bộ.

Như Quỳnh hất hàm:

– Ai không biết mày họ “đổ” chứ?

Khánh Mai tức tối sừng sộ:

– Mi nói vậy là có ý gì? Mi muốn nói tớ để thừa hoàn cảnh chứ gì?

Như Quỳnh đáp nhanh:

– Phải! Mày cũng thông minh rồi đấy. Mày nhìn nhỏ Ngọc xem, thân hình nó cao ráo, số đo ba vòng đạt chuẩn luôn. Nó vận bộ hai mảnh vào người kết hợp với mái tóc tém được cắt tỉa khéo léo, chẳng khác nào mấy cô người mẫu Hàn Quốc ấy.

Khánh Mai dài giọng:

– Trờị. trời ... thì ra nãy giờ là mày bảo tao nhìn nhỏ Ngọc đó sao?

– Chứ gì?

Khánh Mai cười khúc khích:

– Mình thấy mi là lạ đó nghe Quỳnh.

Như Quỳnh trợn mắt nhìn bạn:

– Lạ là sao?

– Hổng biết hả?

– Không.

Khánh Mai diễn giải:

– Có phải mi bị .... bị ....

Như Quỳnh sốt ruột giục:

– Tao bị gì sao mày cứ ấp a ấp úng hoài vậy?

Khánh Mai ngập ngừng nhẹ giọng:

– Thì ... thì ... đồng tính đấy.

Như Quỳnh há hốc mồm, cô quát:

– Con quỷ! Mày dám nghĩ tao vậy sao?

Khánh Mai vênh mặt:

– Chứ không phải sao chứ?

Như Quỳnh ậm ực:

– Có điều gì muốn nói mày nói ra xem.

Khẽ nhìn Như Quỳnh, Khánh Mai phân trần:

– Ta hỏi mi bữa nay mình đi ra đây để làm gì?

– Mày hỏi lạ. Thì tắm biển chứ gì nữa.

Khánh Mai vỗ tay tán thành:

– Chính xác. Nhưng nãy giờ ta thấy mi có tắm biển đâu. Cứ mãi lo nhìn ngắm nhỏ Ngọc hoài, bảo sao ta không nghĩ vậy chứ.

Như Quỳnh chùng giọng:

– Thật ta không thể nào tưởng tượng nổi mày lại có những ý nghĩ phong phú đến như vậy.

Khánh Mai cười nhẹ:

– Bộ giận mình sao?

Biết là nhỏ Mai chỉ đùa cho vui nên Như Quỳnh cười phá lên:

– Ai hơi sức đâu để giận người dưng chứ.

– Thật sao?

– Hơi sức đâu mà giận. Tại tao thấy nhỏ Ngọc đẹp, có thân hình cân đối, nó mà đi thi người mẫu thì đậu là cái chắc.

Khánh Mai gật gù trầm trồ:

– Nghe mi nói ta mới nhìn kỹ, thật sự mi nói chẳng sai chút nào.

Như Quỳnh nguýt bạn:

– Tao có cặp mắt tinh tế, có ai sánh bằng chứ? Vậy mà có người nói ta bị ....

Khánh Mai cướp lời:

– Thôi đi, “nhắc lại chuyện cái ao” hoài. Xuống tắm đi, Bảo Ngọc, Khánh Phương tụi nó vẫy tay gọi mình kìa.

– Khánh Mai! Như Quỳnh! Mau xuống đây tắm đi, vui lắm nè.

– Tụi mình xuống đây.

...

– Chị Bảo Ngọc! Chị Bảo Ngọc!

Nghe tiếng của Khánh Phương gọi giật, Bảo Ngọc đang nằm trên chiếc ghế bố quay sang hỏi:

– Có chuyện gì vậy em?

Khánh Phương nói nhanh:

– Chị mau nhìn xem.

– Xem cái gì?

Vừạ nói, Khánh Phương vừa hất mặt về dãy ghế bố cách cô không xa:

– Cái thằng cha đó nãy giờ em để ý, thằng chả nhìn chị hoài. Chị nhìn xem có quen không? Người gì đâu vô duyên phát ớn.

– Ai đâu?

– Đó ... đó ...

Bảo Ngọc nhổm người lên nhìn, chợt cô sựng lại khi bắt gặp ánh mắt của Nguyễn Khang đang nhìn cô chăm chăm. Cô kêu thầm trong bụng:

– Trời ạ! Đúng là “oan gia ngõ hẹp” thật mà. Sao lại có thể gặp hắn ở đây nữa chứ?

Bảo Ngọc ngả lưng xuống ghế chẳng nói gì Khánh Phương thấy lạ hỏi:

– Sao rồi chị Ngọc? Thằng cha đó có quen biết với chị không vậy?

Bảo Ngọc ngập ngừng:

– Em ... nói người đó hả?

– Dạ ....

Bảo Ngọc đáp nhanh:

– Không. Chị và hắn không hề quen biết.

– Vậy sao?

Chợt tiếng gọi của ai đó vang lên:

– Bảo Ngọc! Hân hạnh được gặp lại cô ở đây.

Bảo Ngọc không tin vào mắt mình. Hắn ta trâng tráo đến thế sao? Lại dám chủ động đến gặp mình nữa ... thật chẳng biết liêm sỉ là gì. Cô trợn mắt nhìn Nguyễn Khang, gắt giọng:

– Hình như giữa tôi và anh không có chuyện gì để nói. Tôi không muốn thấy mặt anh, mời anh đi cho.

Nguyễn Khang nhẹ giọng:

– Bộ Ngọc còn giận tôi sao?

Bảo Ngọc đáp lời với giọng lạnh lùng:

– Không những giận anh mà tôi còn hận anh tận xương tủy. Anh đùa chưa đủ sao?

Nguyễn Khang cất giọng khổ sở:

– Cô hận tôi đến thế sao?

Bảo Ngọc đáp cộc lốc:

– Phải.

Nguyễn Khang chậm rãi:

– Tôi nghĩ được gặp lại cô ở đây đúng là chúng ta rất có duyên.

Bảo Ngọc chu môi:

– Vô duyên thì có.

Nguyễn Khang cụt hứng:

– Dù sao cũng có thể làm bạn với cô, được chứ?

Bảo Ngọc dẩu môi:

– Đừng có nằm mơ giữa ban ngày. Tôi không thể làm bạn với một người trí thức và giàu có như anh.

– Tôi ... tôi ...

Bảo Ngọc thấy vẻ ấp úng của hắn, cô tiếp lời:

– Xin lỗi. Tôi không có rộng thời gian. Từ nay, xin anh cẩn trọng và đừng làm phiền tôi nữa nhé.

– Bảo Ngọc! Sao cô lại nói vậy?

Bảo Ngọc sừng sộ tiếp lời:

– Chứ anh bảo tôi phải nói sao đây? Đừng tốn thời gian vô ích, tôi sẽ không bao giờ thay đổi ý định đâu.

– Cô chặt dạ đến thế sao?

Chợt Bảo Ngọc đứng lên nắm lấy tay Khánh Phương, nói nhanh:

– Thật sự tôi không rảnh để ngồi đây tiếp chuyện tào lao tầm phào với anh.

Chào nhé!

Nói rồi, cả hai nhanh chân chạy xuống bãi tắm. Nguyễn Khang gọi với theo:

– Bảo Ngọc! Bảo Ngọc!

Chợt điện thoại của Nguyễn Khang có tín hiệu vang lên quen thuộc:

“Nguyễn Khang ơi! Có điện thoại kìa. Nhanh lên!”.

Cái điệp khúc ấy nhắc đến lần thứ hai, Nguyễn Khang mới mở máy nghe:

– Alô! Ai vậy?

– Sĩ Luân nè!

Nguyễn Khang gắt:

– Mày làm gì mà thay đổi sim mới hoài vậy? Sao không xài một số thôi để tiện liên lạc chứ?

Sĩ Luân ngạc nhiên hỏi:

– Mày sao vậy? Sao nóng tính thế? Đang có chuyện bực mình phải không?

– Hỏi chi vậy?

Sĩ Luân ôn tồn:

– Mà phải vậy hông, để tui tính.

– Ừ, mà tính vụ gì?

Sĩ Luân hỏi khẽ:

– Mày đang ở đâu vậy? Có phải đang ở nhà ông bà già không?

Nguyễn Khang đáp lời:

– Không! Tao đang ở ngoài Vũng Tàu nè. Nhưng mày định tính chuyện gì?

Sĩ Luân chép miệng:

– Chà ... bữa nay đi đổi gió nữa há! Đi chung với cô nương nào vậy hả?

Nguyễn Khang cười khẽ:

– Có ma nào đâu. Đi tắm biển cho sảng khoái tinh thần đó mà.

Sĩ Luân hụt hẫng:

– Trời! Sao kỳ vậy? Mà chừng nào về?

– Chi vậy?

Sĩ Luân nói nhanh:

– Tao có chuẩn bị mấy món bén lắm, nếu cảm thấy buồn thì bay về đi nhậu lai rai với tao.

Đang có tâm sự nghe bạn chí cốt rủ nhậu, mặt Nguyễn Khang sáng lên, anh gấp giọng:

– Được đấy. Tao sẽ về liền. Có cần mua thêm gì nữa không?

Sĩ Luân cười vui vẻ:

– Đủ cả rồi. Chỉ cần có mày thôi.

– OK!

Sĩ Luân giục:

– Nhanh lên nhé, tao chờ đấy.

– Thôi nghe.

– Hẹn gặp lại.

Ông Hoàng Nam lay lay tay Bảo Ngọc lo lắng:

– Cháu ơi, cháu tỉnh lại đi cháu ... cháu có làm sao không hả?

Như Quỳnh hốt hoảng gấp giọng:

– Bảo Ngọc! Bảo ... Ngọc ơi! Mi làm sao vậy?

Bảo Ngọc vẫn nằm im thin thít bất tỉnh nhân sự. Như Quỳnh quay ra bãi tắm gọi lớn:

– Khánh Mai! Khánh Phương! Vô đây xem Bảo Ngọc nó sao vậy nè.

Cả hai chị em của Khánh Mai nhanh chân chạy đến lo sợ run giọng:

– Trời ơi! Bảo Ngọc! Sao mày lại bất tỉnh vậy nè?

– Chị .... Bảo Ngọc! Đừng làm em sợ ....

Quay sang ông Hoàng Nam, Như Quỳnh lo lắng hỏi:

– Chú ơi ... chú ... bạn cháu có sao không vậy? Bây giờ cháu phải làm gì hả chú?

Ông Hoàng Nam dịu giọng an ủi:

– Các cháu hãy an tâm, chú nghĩ bạn của các cháu chắc không sao đâu.

– Cháu lo quá, chú ơi! Có cách nào giúp cháu với.

Ông Nam ân cần:

– Bình tĩnh lại, bạn của cháu chỉ bị trúng gió thôi. Các cháu hãy xoa dầu và dìu cô bé đi thay đồ ướt ra, kẻo nhiễm lạnh nữa thì nguy.

Như Quỳnh gật đầu lia lịa cảm tạ rối rít:

– Dạ ... dạ .... cháu cảm ơn chú nhiều, cảm ơn chú nhiều lắm.

Ông Nam cười hiền:

– Không có gì. Nhanh đi rồi đưa cô bé lại trạm y tế gần đây này.

– Dạ, tụi cháu sẽ làm ngay, cám ơn chú nhiều.

Ông Nam giục:

– Ơn nghĩa cái gì mà cứ nói mãi kia chứ? Các cháu hãy lo cho cô bé nhanh lên mới được.

Cả ba cô gái cố gắng dìu Bảo Ngọc vào nhà trọ gần đấy thay đồ rồi chở thẳng cô đến trạm y tế, trên gương mặt mỗi người đầy vẻ ưu tư lo lắng.

– Dạ, thưa bác sĩ ... bạn của con có sao không vậy?

Vị bác sĩ mặc áo blouse trắng cười khẽ:

– Các cháu an tâm đi cô bé đã tỉnh lại rồi.

Như Quỳnh nhìn vị bác sĩ già, nhẹ giọng:

– Bạn cháu bị làm sao vậy, thưa bác sĩ?

Vị bác sĩ lại ân cần:

– Chỉ cảm xoàng thôi. Các cháu hãy cho cô bé dùng chút cháo rồi uống thuốc vào sẽ thấy khỏi thôi.

– Tụi cháu cảm ơn bác sĩ nhiều. Nhưng bạn cháu có thể về ngay hay phải nhập viện, thưa bác sĩ?

Vị bác sĩ cười đôn hậu:

– Không cần thiết đâu cháu à! Cháu đừng quá lo.

Như Quỳnh mở to mắt:

– Bác sĩ nói vậy là bạn của cháu không phải nằm viện sao?

Vị bác sĩ gật đầu:

– Đúng vậy.

Như Quỳnh mừng rỡ hỏi dồn:

– Như vậy khi nào tụi cháu có thể đưa bạn cháu về được ạ?

Vị bác sĩ chép miệng:

– Coi kìa! Sao gấp vậy?

Như Quỳnh ngập ngừng:

– Dạ, cháu ...

– Không sao. Tụi cháu cứ cho cô bé ăn cháo rồi uống thuốc nghỉ ngơi khỏe là về được rồi, không có gì đâu mà sợ.

Khánh Mai nghe nhẹ cả người. Cô nhẹ bước đến gần vị bác sĩ hỏi khẽ:

– Bác sĩ nói thật chứ?

Xoa đầu Khánh Mai, ông ồn tồn:

– Thật mà! Tôi nói dối cháu làm gì. Thôi được rồi tụi cháu vào trong với cô bé đi.

Khánh Mai lễ phép cất giọng:

– Dạ, tụi cháu cám ơn bác sĩ nhiều lắm. Chào bác sĩ.

Vị bác sĩ già vừa đi khỏi, tất cả mọi người nhanh chân bước vào trong. Bảo Ngọc chơm chớp viền mi và mở to đôi mắt tròn ngơ ngác nhìn quanh và rất đỗi ngạc nhiên không biết mình dang ở nơi đâu.

– Tỉnh lại rồi hả cô công chúa nhỏ? Mi đó, làm tụi tôi hết hồn mất vía vậy đó.

Khánh Phương rối rít cất giọng:

– Chị Bảo Ngọc! Chị tỉnh lại em mừng quá. Hồi nãy thấy chị oằn oại, em sợ lắm.

Khánh Mai cũng xen vô:

– Sao tự dưng lại xui xẻo vậy chứ? Nhưng mà không sao, giờ mày cũng tỉnh lại rồi.

Bảo Ngọc đảo mắt nhìn hai bạn và bé Khánh Phương nhẹ giọng:

– Thật ra, mình chẳng hiểu gì cả. Lúc nãy mình thấy choáng lắm, rồi thì thân thể rũ rượi không thể nào gắng gượng được nữa:

Như Quỳnh cười nhẹ:

– Nhờ trời phật phù hộ nên mày tai qua nạn khỏi.

Bảo Ngọc trầm giọng:

– Hồi nãy mơ màng mình có nghe tiếng của một người đàn ông gọi mình, nhưng mình không tài nào gượng nổi. Ông ấy là ai vậy? Ông ấy đâu rồi?

– Tao đâu biết chú ấy là ai chứ? Nhưng cũng nhờ chú đó nhanh tay đỡ mày, nếu không mày sẽ bị té nhào xuống đất rồi:

– Ai mà có lòng tốt quá vậy? Không biết chú đó ở đâu để mình nói lời cảm ơn.

Như Quỳnh nhìn bạn ân cần:

– Bây giờ việc trước tiên là hãy dùng chút cháo nóng này vào rồi uống thuốc cho khỏe lại. Chuyện đó để tính sau, được không vậy cô nương?

Bảo Ngọc nghèn nghẹn rươm rướm ngấn lệ:

– Mình đã làm phiền các bạn quá, mình cảm thấy áy náy lắm.

Khánh Mai xen vô nguýt bạn:

– Ta cấm mi nói câu đó với tụi này đấy. Bạn bè với nhau lo lắng cho nhau là chuyện thường tình thôi, có gì đâu chứ.

Như Quỳnh tán thành:

– Nhỏ Mai nói đúng đấy. Bạn bè giúp đỡ trong lúc khó khăn hoạn nạn là lẽ đương nhiên, có việc gì phải áy náy chứ?

– Mấy chị nói đúng rồi đó. Đứng trước tình cảm như vậy người không quen biết còn ra tay giúp đỡ. Huống chí mấy chị lại là bạn thân của chị.

Bảo Ngọc cảm động rơi lệ, cô trầm giọng:

– Mình cảm ơn các bạn nha. Bữa nay ra đây tắm biển hóa ra làm phiền các bạn phải lo lắng cho mình.

Như Quỳnh gắt:

– Mày không được lắm lời. Nếu không, tao giận đấy.

Bỗng cánh cửa phòng xích mở. Ông Hoàng Nam bước nhanh đến bên giường Bảo Ngọc, cất giọng rất êm:

– Cháu đã khỏe nhiều rồi chứ? Như vậy thì chú an tâm rồi.

Bảo Ngọc ngạc nhiên ngớ người, cô ấp úng không thành câu:

– Ơ ... chú là ...

Như Quỳnh nói nhanh khi thấy vẻ mặt ngơ ngáo của Bảo Ngọc:

– Mày biết chú đây là ai không?

Bảo Ngọc lắc đầu:

– Mình làm sao biết được chú ấy là ai chứ? Mi nói đi, Như Quỳnh.

– Chú ấy là ân nhân của mi đấy. Bây giờ mày không cần phải đi tìm nữa, ở đây cũng có thể nói lời cảm ơn với chú ấy.

Bảo Ngọc ngập ngừng:

– Thì ...ra ... chú chính là người đã giúp cháu ...

Ông Nam cười nhẹ:

– Cháu nằm nghỉ cho khỏe đi, đừng bận tâm mấy chuyện nhỏ nhặt này. Ai cũng có thể làm thế thôi.

Bảo Ngọc nhổm người dậy gật nhẹ đầu:

– Cháu thành thật cảm ơn chú nhiều lắm, không có chú giúp đỡ không biết giờ này cháu sẽ ra sao.

Ông Nam nhìn cô triều mến một ánh mắt nhân hậu hiền từ:

– Sao cháu lại nói vậy? Chú đến đây không phải để chờ nghe cháu nói lời cảm ơn đâu.

Bảo Ngọc tròn mắt ngạc nhiên, vì trong câu nói của ông Nam ẩn chứa điều gì đó. Ngĩ thế cô chợt hỏi:

– Chú đến đây ngoài việc thăm cháu hình như có điều gì đó phải không?

Ông Nam nhỏ giọng chậm rãi:

– Thật ra, cũng có một số việc chú muốn hỏi cháu bởi vì cháu rất giống một người ...

Bảo Ngọc ngơ ngác:

– Cháu giống ai vậy chú? Người thân của chú hả?

Ông Nam gật gù:

– Cháu có thể cho chú sợi dây chuyền cháu đeo có nguồn gốc từ đâu không?

Bảo Ngọc cảm thấy hơ lạ, vì sao người đàn ông này lại quan tâm đến sợi dây chuyền. Đây là kỷ vật mà mẹ đã đeo cho cô khi còn rất nhỏ, chẳng lẽ ông ta biết được điều gì sao? Dù rất bất ngờ về việc này nhưng Bảo Ngọc vẫn tươi cười đáp lời:

– Chú hỏi sợi dây chuyền cháu đang đeo sao?

Ông Nam gật nhẹ đầu:

– Đúng rồi.

Bảo Ngọc nhẹ nhàng:

– Đây là kỷ vật của mẹ tặng cho cháu. Nhưng có việc gì không chú?

Không trả lời Bảo Ngọc, ông Nam lại hỏi tiếp:

– Hiện tại cháu sống chung với những ai?

– Cháu sống với bà ngoại, chỉ có hai bà cháu thôi.

– Vậy quê cháu ở đâu?

Bảo Ngọc thành thật đáp:

– Cháu ở Cai Lậy, Tiền Giang.

Ông Nam tròn mắt:

– Hả! Trời ơi ... đúng rồi.

Ông Hoàng Nam bối rối và sửng sốt vì cái điều mà ông nghi ngờ đã là một sự thật. Cô bé này chính là đứa con của ông và Mỹ Lệ, biết phải mở lời với cô bé thế nào đây?

– Chú ơi! Chú làm sao vậy?

Thoáng bối rối, ông Nam ấp úng:

– Chú ... chú ... không sao cả.

Ông Hoàng nam suy nghĩ rất lâu, không thể cho cô bé biết sớm mối quan hệ giữa ông và nó. Sẽ không dễ gì nó chấp nhận, bởi đã đăng đẵng thời gian ông đã vô tâm với nó. Nghĩ thế nên ông vội vã ra về. Bảo Ngọc nhìn theo bóng ông dần khuất sau cánh cửa phòng mà trong lòng rất khó hiểu.

Reng ... Reng ... Reng ...

Tiếng của Sĩ Luân vang lên:

– Rà liền! Chờ chút!

Sĩ Luân chạy ra mở cổng cho Nguyễn khang.

Vừa kéo cánh cổng, Sĩ Luân cười trêu:

– Bữa nay mày cũng lãng mạn thiệt. Đi đổi gió Vũng Tàu, vậy mà không rủ bạn bè gì hết.

Nguyễn Khang cười khẽ:

– Mày nói vậy mà nghe được sao?

Sĩ Luân nói tỉnh bơ:

– Chứ nói sao?

Nguyễn Khang cằn nhằn:

– Mày không hỏi lại bản thân mình xem tại sao?

Sĩ Luân ngơ ngác:

– Mày nói gì, tao khó hiểu quá trời.

Nguyễn Khang trừng trừng mắt nhìn Sĩ Luân, anh gắt giọng:

– Mày đúng là thiếu iốt!

Sĩ Luân ngớ ngẩn:

– Trời đất! Sao lại mắng tao chứ?

Nguyễn Khang lớn tiếng:

– Mày đáng mắng lắm chứ, có oan uổng cho mày đâu.

Sĩ Luân cố cãi lại:

– Sao không oan uổng chứ.

Nguyễn Khang trầm giọng:

– Một tháng mày xài bao nhiêu cái sim điện thoại vậy?

Sĩ Luân chợt đớ người, anh lắp bắp:

– Ờ ... thì ... gần cả chục cái.

Nguyễn Khang há hốc kêu lên:

– Trời! Một tháng mà xài tới mười cái sim, thật khó lòng tin nổi.

Sĩ Luân vô tư tiếp lời:

– Có mười cái mà mày cho là nhiều sao?

Nguyễn Khang tròn mắt:

– Đến mười cái mà màycho là ít à? Người ta chỉ có mỗi một cái thôi xà hoài không bỏ. Còn mày ... bộ làm ăn phạm pháp sao mà đổi sim liên tục vậy hả?

Sĩ Luân chưng hửng:

– Làm gì có.

Nguyễn Khang cười cười:

– Vậy bây giờ mày biết lý do vì sao tao không rủ mày đi Vũng Tàu rồi chứ?

Sĩ Luân cười xòa:

– Biết rồi thằng quỷ sống.

– Ê Sĩ Luân!

– Gì vậy?

– Mày chuẩn bị được món rồi, tao có mua chai Martin nè.

Sĩ Luần trố mắt:

– Vậy hả? Mày điệu nghệ ghê.

Nguyễn Khang cười tươi:

– Hổng lẽ mày rủ nhậu mà tao đến đây tay không coi sao được.

Đấm nhẹ vào vai bạn, Sĩ Luân cười hiền:

– Khách sáo quá vậy, ông tướng. Mày là khách phải để tao lo chu tất mọi chuyện chứ.

Nguyễn Khang giục:

– Xong hết chưa, dọn ra nhậu đi chứ?

– Tao đã dọn sẵn rồi, chỉ chờ mày tới đó.

– Vậy mình nhập tiệc được rồi, còn chần chừ gì nữa hả?

– Rót rượu ra đi Khang. Ra Vũng Tàu chơi có vui không vậy?

Nâng ly rượu lên, Nguyễn Khang giục:

– Này! Nâng ly lên “lì một lam” nghen ... í lộn, làm một ly mới phải.

– Một trăm phần trăm luôn nhé.

– OK!

– Từ ngày về nước đến nay, mày có để ý đến cô nào không vậy?

– Ai thèm để ý đến tao đâu.

Sĩ Luân tròn mắt:

– Trời đất! Đẹp trai như mày, lại là một Việt kiều tài giỏi tạo mẫu tóc, theo tao sẽ có khối người tranh tài để được mày để ý tới chứ, ai ngờ ... mày vẫn cô đơn lẻ bóng hả?

Nguyễn Khang cười:

– Mày nói chuyện với tao mà cứ y như là đang diễn thuyết vậy?

Sĩ Luân nâng ly rượu lên mời:

– Nào, dzô! Một trăm phần trăm luôn nha.

Nguyễn Khang vui vẻ đáp lời:

– OK! Thích thì chiều.

Sĩ Luân hất hàm:

– Xem ra, mày uống rượu cũng cừ lắm đấy.

Nguyễn Khang lắc đầu:

– Không đúng. Còn thua mày xa. Bữa nào đẹp trời, tao phải ra mắt sư phụ để chỉ tao vài chiêu mới được.

Sĩ Luân ngạc nhiên hỏi:

– Mày gọi ai là sư phụ vậy Khang?

Nguyễn Khang nói nhanh:

– Thì mầy chứ ai! Ở đó còn vờ vịt nữa, chán mày quá đi!

Sĩ Luân tròn mắt:

– Chán như con gián chứ gì. Nới chơi vậy thôi chứ nhìn mày, tao thấy hình như đang có tâm sự gì phải không?

Nguyễn Khang chối bay biến:

– Đâu có tao đâu có gì đâu chứ. Mày làm như thầy tướng số khôn bằng, ở đó đoán già đoán non.

Sĩ Luân cười nhẹ:

– Nhưng mày phải cho tao biết, sự thật có như vậy hay không hả?

– Không mà. Mày mà làm thầy bói tao gở bảng hiệu mày quăng xuống sông cho rồi.

Sĩ Luân trợn ngược:

– Vì sao?

Nguyễn Khang cười khúc khích:

– Không biết hả? Tao nói cho nghe, thực ra tao làm như vậy là vì mày mắc một cái tội rất lớn.

Sĩ Luân hỏi nhanh:

– Tội gì?

– Thì tội nói ẩu, bịa chuyện tào lao tầm phào chứ gì. Lại thêm cái vu oan cho người tốt.

Sĩ Luân cay đắng:

– Trời ạ! Mày làm gì mà luận tội tao như quan tòa phán xét quá vậy?

– Ừ ... liệu hồn đấy!

Nầng ly rượu lên, Sĩ Luân cười:

– Dzô đi bạn hiền! Hết chai này để tao lấy chai khác uống tiếp. Đừng lo, rượu bao la uống thoải mái luôn.

– Vậy tao không khách sáo.

Sĩ Luân chậm rãi nhìn Nguyễn Khang, lè nhè:

– Giỏi lắm! Cứ giấu kín chuyện của mày đi. Nói tao tào lao tầm phào, mai mốt có chuyện gì đừng nhờ vả đó nha.

Nguyễn Khang lườm bạn:

– Bộ giận hả ông vua? Dễ giận, làm như con gái không bằng.

Sĩ Luân hỉnh mũi:

– Vậy chứ mày có chịu thành thật khai báo không? Tao đã điều tra và biết rõ mọi chuyện rồi đấy, ông tướng.

Nguyễn Khang thách thức:

– Mày biết gì chứ? Chỉ giỏi tài đoán mò.

Sĩ Luân cười nhếch môi:

– Không đoán mò đâu, sự thật đấy.

Nguyễn Khang tức khí hỏi dồn:

– Nhưng mày đã biết gì nào? Tao có chuyện gì để mày điều tra chứ? Chẳng lẽ mày mướn thám tử theo dõi hành tung của tao.

Sĩ Luân lại cười nhẹ:

– Mày làm gì phải theo dõi mày làm chi mất công. Bộ mày quên tao là nhà tiên tri hả?

Nguyễn Khang trố mắt nhìn bạn:

– Nhà tiên tri ư? Hồi nào, sao tao không được biết vậy ta?

Sĩ Luân cười khì:

– Đợi mày biết, tao zẽ mở rộng sang tận nước ngoài ấy.

Nguyễn Khang cười sặc sụa:

– Thiệt mày nói láo chẳng chớp mắt. Tao bái phục mày luôn đấy, Luân à!

Sĩ Luân lên giọng:

– Nếu như tao nói đúng chuyện của mày, thì sao hả?

– Mày muốn gì tao sẽ chiều tất cả.

– Vậy hả! Sướng vậy ta!

Nguyễn Khang thúc giục:

– Nói đi! Mày muốn nói chuyện gì nào?

Sĩ Luân trầm giọng:

– Có phải dạo này mày đang đeo đuổi một cô nương làm nghề tóc phải không?

Nguyễn Khang giật mình sửng sốt:

– Sao mày biết chuyện này?

Sĩ Luân vênh vênh mặt:

– Đã nói tao là nhà tiên tri mà. Chuyện quá khứ vị lai gì tao không rõ chứ.

Tại mày không chịu tin tao thôi.

– Mày làm tao bất ngờ quá. Vậy mày còn biết chuyện gì nữa chứ?

Sĩ Luân nâng cao ly rượu cất giọng:

– Cụng ly dzô một cái rồi để thầy tầm coi đã.

– OK, dzô!

Sĩ Luân nhẹ giọng:

– Tính mày ai không hiểu, chứ tao thì rõ mồn một một, cậu chủ ạ!

– Nói nghe thử.

Sĩ Luân phân trần:

– Tính mày không thích các cô nịnh hót diêm dúa lòe loẹt ... mày chỉ thích các cô gái có cá tính ương ương bướng bướng, đúng không?

Nguyễn Khang tán thành reo lên:

– Đúng vậy. Mày hay thiệt!

– Vả lại, cô gái mà mày đang đeo đuổi đó cũng chẳng thua kém gì mày đâu.

Nguyễn Khang chưa rõ, hỏi:

– Mày nói vậy là sao?

Sĩ Luân lý sự:

– Thì “kẻ tám lạng, người thì nửa cân” đó mà hiểu chưa?

Nguyễn Khang gật gù:

– Hiểu rồi. Nhưng tao rất thích cá tính của cô ta.

– Trời sanh một đôi mà.

Nguyễn Khang kêu lên:

– Thiệt hả? Nhưng tao thấy lo quá.

– Mày đang lo chuyện gì?

Nguyễn Khang trầm giọng:

– Tao đã gây cho cô ta cú sốc quá lớn, cô ta hận tao tận xương tủy. Thiết nghĩ khó có thể đến với nhau được nữa.

Sĩ Luân trấn an:

– Chưa gì thì thối chí rồi sao? Vậy mà bảo là nam nhi chi chí gì chứ?

Nguyễn Khang bộc bạch:

– Nhưng tao thấy khó quá!

Sĩ Luân cất giọng nhẹ nhàng:

– Mày là một người thông minh, tao tin mọi việc làm của mày ắt có lý do riêng. Sẽ có ngày mày đạt thành ý nguyện thôi.

Nguyễn Khang gật đầu:

– Chỉ mong là như vậy.

Sĩ Luân cười hiền:

– Chuyện nhỏ như hạt đậu, chẳng lẽ làm khó mày được sao? Cố lên rồi mọi việc sẽ “mã đáo thành công”.

– Thank you! Mày giỏi thiệt!

Sĩ Luân hất hàm:

– Nhà tiên tri mà. Ha ha ...

Buổi chiều, sau khi trở về nhà, bà Tuyết Linh nghiêm ngay nét mặt nhìn xoáy ông Hoàng Nam và cất giọng rất đanh:

– Ông Nam! Ông hãy nói thật ra đi, ông đang giở trò gì vậy hả?

Ông Nam trố mắt nhìn bà, ngạc nhiên hỏi:

– Giở trò? Bà đang nói cái gì vậy, tôi không tài nào hiểu nổi.

Bà Linh trợn mắt nhìn ông chăm chăm:

– Ông khéo giả vờ quá hén. Ông hỏi tôi nói chuyện gì à? Thực ra, ông biết hay ông cố tình không biết vậy ông Nam?

Ông Nam lớn giọng hỏi dồn:

– Thực ra là chuyện gì, bà hãy nói cho tôi nghe có được không?

Bà Linh đứng phắt dậy, mắt bà long lên nhìn thẳng ông Nam, cất giọng:

– Ông cũng khéo đóng kịch lắm đấy.

Ông Hoàng Nam tức giận quát lớn:

– Tôi đã làm gì thì bà cứ nói đại ra đi, tôi không thích bà cứ vòng vo mãi như vậy.

Bà Linh vênh mặt:

– Được! Ông đã ngang nhiên dan díu với con hồ ly tinh đó ở giữa thanh thiên bạch nhật, vậy mà còn dám lớn tiếng với tôi nữa hay sao?

Ông Nam sừng sộ cãi lại:

– Trời ơi! Bà ăn nói cái gì vậy? Tôi dan díu vớí ai chứ?

Tuyết Lan nóng mũi xen vô:

– Ba! Chính mắt con cũng đã thấy mà, ba còn chối cãi nữa sao?

Quay quắt sang Tuyết Lan, ông Nam quát lớn:

– Mày con nít biết cái gì chuyện của người lớn mà xen vào chứ?

Tuyết Lan giận cong môi cãi lại:

– Tại sao con không được nói chứ? Con cũng đã trưởng thành rồi, con cũng phân biệt thế nào là đúng, thế nào là sai mà.

Hoàng Tuấn nãy giờ đứng im giờ mới lên tiếng xen vào:

– Ba! Ba ơi! Con thấy ba cũng quá đáng lắm đấy. Ba cũng đã có tuổi rồi mà sao lại còn thích ăn cỏ non thế?

Ông Nam lừ lừ mắt nhìn Hoàng Tuấn tức giận, gấp giọng:

– Mày ... mày dám ăn nói với ba mày như vậy hay sao? Mày có biết sự thể ra sao không mà dám nói ba như vậy hả?

– Con chỉ nói sự thật mắt thấy tai nghe thôi chứ không bịa đặt.

Tuyết Lan cũng xen vô tiếp lời:

– Con cũng vậy. Con chỉ muốn ba giải thích rõ chuyện này.

Được hai đứa con yểm trợ, bà Tuyết Linh lớn tiếng khóc thét lên:

– Đó! Các con thấy không, ba của con đúng là thấy mới nới cũ mà. Ổng chê rằng mẹ đã già nên ổng mới đi tìm một con bé mới đáng tuổi con mình.

Ông Hoàng Nam lắp bắp:

– Trời ... ơi ... tôi ... đã già rồi, còn hỏi sức đâu mà nghĩ tới chuyện đó chứ.

Tuyết Lan chu môi:

– Con chỉ giành lại quyền lợi cho mẹ thôi và không muốn mẹ chịu thiệt thòi.

Hoàng Tuấn tiếp lời:

– Ba hãy nói sự thật đi, chuyện này là như thế nào?

Bà Linh sấn tới lớn tiếng:

– Ông hãy nói mau. Ông đã quan hệ với nó từ khi nào mà cử chỉ và ánh mắt ông nhìn nó đắm đuối như vậy hả?

Ông Hoàng Nam ôm đầu khổ sở la toáng lên:

– Các người im hết đi! Trời ơi! Tôi phải nói như thế nào thì các người mới hiểu đây? Tôi chỉ giúp đỡ người ta thôi mà ...

Bà Linh trề môi dài giọng:

– Giúp đỡ? Có đúng là ông thật sự tốt như vậy không? Nghĩa cử đó sao tôi thấy đa nghi quá.

Ông Nam nạt lớn:

– Bà thôi đi, đừng ăn nói tầm phào nữa! Ai đứng trước trường hợp như thế cũng sẽ hành động như tôi thôi. Chẳng lẽ lại làm ngơ sao?

Bà Linh cãi lại:

– Ai có thể tin những lời ông nói là sự thật chứ. Chỉ nhìn sơ thôi là biết ngay có vấn đề rồi. Tôi vì giữ sĩ diện cho ông nên mới không làm ầm ở ngoài đó.

Bằng không tôi sẽ không để cho con đó yên đâu.

– Má! Đừng quá nóng giận mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

– Nếu ba muốn mọi người không hiểu lầm thì ba hãy nói rõ đi, sự thật là như thế nào?

Ông Hoàng Nam trầm giọng:

– Trời ơi! Mọi người đã lầm rồi.

Bà Linh khinh khỉnh nhìn ông:

– Hứ! Lầm ư? Mà lầm chuyện gì?

Ông Nam nhẹ giọng:

– Sự thật tôi không phải là hạng người, táng tận lương tâm như bà và hai con đã nghĩ đâu.

Bà Linh cất tiếng thúc giục:

– Vậy sự thật ra sao ông nói đi?

– Nói cho tụi con nghe đi ba?

– Ba hãy nói ra đi, con không muốn gia đình mình bị rạn nứt chỉ vì chuyện không đâu.

Ông Hoàng Nam ngập ngừng cất giọng:

– Sự thật ... con bé đó là ...

Bà Linh cằn nhằn:

– Là ai? Sao không chịu nói cứ ấp a ấp úng hoài vậy chứ?

– Ba! Ba có điều gì khó mở lời sao? Cứ nói đại ra đi mọi người sẽ thông cảm cho ba mà.

Ông Hoàng Nam ngồi ôm đầu suy nghĩ có nên nói ra cho gia đình biết không? Nhưng trước tình cảnh như thế này thì đành vậy.

– Con bé đó chính là con gái của tôi đó bà ơi.

Bà Linh há hốc mồm kêu lên:

– Hả! Con gái ruột của ông?

Ông Nam gật nhẹ đầu:

– Đúng vậy.

Bà Linh chợt hỏi:

– Lúc trước ông đã nói với tôi là nó đã thất lạc không rõ tung tích, sao hôm nay ông lại dễ dàng nhận ra nó vậy?

Ông Nam khổ sở kể lể:

– Thật là tôi cũng không thể nào ngờ hôm nay lại gặp nó ở đây. Đã gần hai mươi năm rồi còngì. Tôi tưởng sau lần mẹ nó bị tai nạn giao thông mất đi, tôi trở về thì không gặp lại nó và cũng không biết tông tích nó đang ở đâu, ai ngờ nó đã sống với bà ngoại của nó.

Hoàng Tuấn cười nhẹ:

– Ba nói vậy là tụi con còn có người chị nữa sao ba?

Ông Nam gật gù:

– Ừ.

Tuyết Lan giận dỗi ra mặt, cô lớn giọng:

– Con không thích nhìn một người chị ngang hông vậy đâu nha.

Hoàng Tuấn cũng hậm hực:

– Biết cô ta có phải là con của ba không tự dưng nhận đại? Biết đâu cô ta thấy gia đình mình giàu có muốn nhào vô kiếm một phần gia tài cũng nên.

Ông Nam quát lớn:

– Các con có im ngay không? Chuyện này cũng đợi các con chỉ dạy nữa sao?

Bà Linh xen vào cất giọng:

– Tụi nó nói đúng đó ông à. Ông có chắc chắn chính nó là đứa bé đã thất lạc hay không?

Ông Nam hất hàm:

– Sao không chắc chứ?

– Tại sao ông nói thế? Nó có gì làm tin mà ông biết chính nó là con ông?

Ông Nam đáp nhanh:

– Có chứ. Con bé không những giống mẹ của nó, mà còn có sợi dây chuyền chính tôi đã mua cho nó khi nó vừa tròn ba tuổi.

Bà Linh lo lắng:

– Ông nghĩ là nó không gạt ông chứ?

– Ông Nam trả lời dứt khoát:

– Không bao giờ.

Bà Linh tò mò hỏi khẽ:

– Vậy ông đã nói cho nó biết sự quan hệ cha con của ông và nó chưa?

Ông Nam trầm giọng:

– Chưa. Tôi nghĩ nó khó lòng chấp nhận.

Bà Linh cười mỉa:

– Sao ông biết? Được nhận lại người cha giàu có, nó mừng còn không kịp, có đâu từ chối chứ.

– Bà đã nghĩ sai về nó rồi. Thực ra, tôi đang lo không biết nó có dễ dàng tha thứ cho tôi không.

Bà Linh nhếch môi:

– Bộ ông định nhận lại nó sao, ôngNam?

Ông Hoàng Nam bùi ngùi:

– Sao bà lại hỏi tôi như vậy? Nhưng tôi nghĩ nó sẽ không bao giờ nhận lại người cha mà đã bỏ rơi nó suốt một thời gian dài đăng đẳng chẳng chút đoái hoài đến sự hiện diện của nó.

Bà Linh đanh giọng:

– Tôi nghĩ, nếu như thấy khó khăn như vậy thì thôi, ông đừng nhìn nhận nó làm gì cho mất công.

– Bà nói vậy sao phải chứ?

Hoàng Tuấn chen vào tiếp lời:

– Má nói đúng rồi đó ba.

– Đúng thế nào? Mày nói tao nghe.

Bà Linh cằn nhằn:

– Ông làm gì mà hùng hổ với thằngTuấn dữ vậy? Dù gì thì nó cũng lo cho ông kia mà.

Ông Nam ôm đầu nhăn nhó:

– Thôi tôi thấy mệt và nhức đầu quá rồi, chuyện nhìn nhận lại nó hay không hãy để tôi tính lại rồi quyết định. Bây giờ tôi đi nghỉ đây.

Nói rồi, ông Nam đi thẳng vào trong, bà Tuyết Linh nói với theo:

– Tôi đã nói rõ với ông rồi đấy, tôi không bao giờ chấp thuận nhìn nhận nó vào cái nhà này đâu. Ông mà làm trái thì đừng trách tôi không báo trước.

Tuyết Lan giận dỗi đến bên cạnh bà Linh, cất giọng chanh chua:

– Mẹ! Con không muốn người lạ vào sống chung với mình đâu. Con không muốn ba phải san sẻ tình thương cho cô ấy.

Ký nhẹ lên đầu con gái, bà Linh trách yêu:

– Con khỉ con này thiệt là ... Thôi được rồi. Mọi chuyện hãy để mẹ làm chủ cho. Ba con không dám quyết định nếu như chưa được sự chấp thuận của mẹ đâu.

Tuyết Linh mừng rỡ reo vui:

– Hoan hô mẹ. Mẹ thật đáng yêu.

Hoàng Tuấn lạnh lùng phán:

– Mẹ ơi! Bằng mọi cách cũng không được để cho cô ta lọt vào gia đình mình nghe mẹ. Nếu không, gia đình mình sẽ rắc rối đấy.

Bà Linh cười tươi đáp lời Hoàng Tuấn:

– Con cứ yên tâm. Mẹ sẽ không để cho ba của con tác oai tác quái đâu.

– Mẹ nói thế thì tụi con an tâm phần nào, con vào phòng nghỉ đây.

– Ừ!

Còn lại một mình ở phòng khách, bà Tuyết Linh bỗng nhìn xa xăm. Tại sao con bé lại xuất hiện vậy chứ? Chính sự xuất hiện của nó đã làm xáo trộn cái gia đình vốn đang rất ấm êm và hạnh phúc.

Buổi sáng, những tia nắng vàng óng xuyên qua từng khe cửa sổ chiếu rọi xuống mọi cảnh vật xung quanh. Bảo Ngọc đang trầm ngâm suy nghĩ thì Như Quỳnh và Khánh Mai bước vào. Như Quỳnh trêu:

– Làm gì mà mới sáng sớm lại ngồi thừ người ra vậy? Đang nhớ đến anh chàng nào phải không cô nương?

Giật mình quay phắt lại, Bảo Ngọc cằn nhằn:

– Trời ơi! Làm ta giật mình hà. Bọn mi mà ta cứ tưởng là ai chứ!

Khánh Mai trợn mắt nhìn Bảo Ngọc đăm đăm:

– Tưởng ai vậy, cô công chúa nhỏ? Bật mí cho tụi này biết chút xíu coi.

Như Quỳnh sấn tới xen vào:

– Khai mau! Mày đang tơ tưởng đến anh chàng nào vậy hả?

Bảo Ngọc bị tấn công dữ dội, cô mỉm cười và nhẹ giọng:

– Khổ quá! Ta xin hai bà cụ non hãy tha cho ta, thật sự ta có tơ tưởng hay tương tư gì đâu chứ.

Khánh Mai chống nạnh nhìn cộ chăm chăm:

– Xạo! Chẳng phải có một anh chàng Việt kiều đang vờn mày đó sao?

Như Quỳnh tán thành:

– Đúng rồi. Tao cũng có nghe Khánh Phương kể có một anh chàng rất sang trọng hình như cũng là Việt kiều tình tứ với mày ở Vũng Tàu lắm cơ?

Bảo Ngọc đấm vào lưng các bạn thùm thụp:

– Bọn mi có chịu thôi đi không? Ở đó lảm nhảm và phao tin đồn thất thiệt.

Như Quỳnh gằn giọng:

– Mày trả lời đi, sự thật là có chuyện này hay không? Nghe nói anh chàng đó đẹp trai hào hoa phong nhã lắm cơ.

Bảo Ngọc bực tức la thét lên:

– Đã bảo là đừng nhắc đến hắn ta nữa mà.

Khánh Mai trố mắt:

– Mày sao vậy? Có chuyện gì mà mày tức giận khi nghe nhắc đến hắn ta hả?

Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, giọng đanh lại:

– Nhắc đến con người đó là ta muốn phát ách rồi. Thậm chí, ta còn muốn băm hắn ra hàng trăm mảnh cho cá ăn cho bõ ghét.

Như Quỳnh sửng sốt kêu lên:

– Trời ơi! Phải mày hay không vậy Bảo Ngọc? Anh ta đã làm gì mà khiến mày phải căm thù anh ta dữ vậy?

Khánh Mai cũng ngạc nhiên xen vô:

– Phải rồi. Có chuyện gì kể cho tụi tao nghe với Ngọc.

Bảo Ngọc trầm ngâm nhìn các bạn rồi cất giọng:

– Bộ tụi bay muốn tìm hiểu lắm hả?

Như Quỳnh đáp gọn:

– Còn phải nói! Mày quên rằng tụi tao có đầu óc trinh thám mà. Chuyện gì cũng muốn thu thập tất cả rồi phát tán rộng rãi ra.

Bảo Ngọc mắng:

– Đồ con quỷ nhiều chuyện! Hèn gì đến giờ phút này chẳng có ma nào để ý cả.

Như Quỳnh trừng trừng nhìn bạn:

– Ê! Không được nói xấu cán bộ chứ!

– Chứ không phải sao mà còn cãi?

Như Quỳnh chu môi:

– Kệ tui! Tui vậy đấy. Nếu “ống chề”, tui còn mừng nữa là đằng khác.

Bảo Ngọc tròn mắt hỏi:

– Sao lạ vậy bà?

Như Quỳnh cười khúc khích:

– Chuyện quá đơn giản vậy mà cũng hỏi.

– Tại không biết nên mới hỏi mi. Ai đời “ống chề” mà mừng?

Như Quỳnh cười khì:

– Nếu như quả thật tao mà ế chồng thì tao sẽ ở bên cạnh cha mẹ tao mãi, mày thấy có sướng không hả?

Bảo Ngọc trề môi:

– Trời ... trời! Nói vậy mà cũng nói được sao? Hổng lẽ mi sống vậy suốt đời bên hai bác sao? Ít ra cũng phải tìm cho mình một anh chàng nâng khăn sửa túi chứ.

Như Quỳnh cười tươi, cô lí nhí:

– Thôi đi cô nương! Mày đừng xúi tao vướng vào cái vòng luẩn quẩn đó. Tao chán ghét đàn ông lắm, sống một mình tự do tự tại, không ai ràng buộc có phải sướng hơn không?

Khánh Mai chen vào:

– Như Quỳnh nó muốn ở giá cho má nó nhờ đó mà.

Như Quỳnh gật nhẹ đầu:

– OK! Mày nói đúng đấy.

Bảo Ngọc chu môi:

– Trời đất! Bữa nay bày đặt nói tiếng Tây nữa, gớm chưa.

Như Quỳnh ký nhẹ lên đầu bạn, cô trầm giọng:

– Mày cũng giỏi lạng lách thiệt ... đang nói chuyện của mày với anh chàng Việt kiều đó tự dưng lái qua chuyện của tao.

Khánh Mai tiếp lời:

– Đúng rồi. Nó định đánh trống lảng đấy.

Bảo Ngọc nhăn nhó gãi đầu:

– Trời ơi! Vòng vo nãy giờ ta tưởng bọn mi quên rồi chứ. Thiệt tụi bay đúng là ...

– Là gì?

– Đồ nhiều chuyện không ai sánh bằng chứ sao.

Khánh Mai giục:

– Nói mau! Tụi tao đang sốt ruột chờ nghe đây!

Bảo Ngọc vờ hỏi:

– Mà nói chuyện gì cơ?

– Thì chuyện mày với anh ta thật sự đã xảy ra chuyện gì?

Bảo Ngọc trầm giọng kể:

– Ta khuyên tụi bay từ rày trở đi đừng đánh giá con người qua dáng vẻ bề ngoài, nhất là bọn đàn ông đấy.

– Mầy làm gì có thành kiến dữ vậy?

– Thì cái anh chàng mác Việt kiều đó đó đã chơi khăm ta một vố đau đớn.

Khánh Mai lý sự:

– Sự thể là như thế nào? Mày cứ nói cụ thể xem nào?

Bảo Ngọc chậm rãi:

– Anh ta đến tiệm mình cắt tóc hai lần. Lần đầu tiên thì chẳng có gì, anh ta còn “boa” ta đến hai trăm nghìn lận.

Như Quỳnh xuýt xoa:

– Chà! Rộng rãi quá chứ. Vậy sao mày lại ghét người ta hả?

Bảo Ngọc lườm bạn, cất giọng oang oang:

– Mi lầm rồi. Ta cũng tưởng hắn rộng rãi ga-lăng. Ai ngờ đến lần thứ hai thì ...

Khánh Mai sốt ruột giục:

– Thì sao? Nói nhanh lên!

Bảo Ngọc cất giọng căm phẫn:

– Lần thứ hai, anh ta biểu ta cắt thế này thế nọ, vặn vẹo đủ điều, rốt cuộc bắt ta phải đền cho anh ta.

Như Quỳnh trố mắt hỏi:

– Đền ư? Mà đền bằng cách nào chứ?

Bảo Ngọc buông gọn:

– Thì đền tiền. Đến năm mươi đô lận đó, thử hỏi có tức không. Đã vậy tình cờ gặp ta ở Vũng Tàu, hắn còn trơ trẽn lân la đến gợi chuyện với ta nữa chứ.

Khánh Mai nổi sùng lên tiếng giận dữ:

– Anh ta thật quá đáng. Đàn ông con trai, ai mà làm chuyện kỳ cục vậy chứ?

Bảo Ngọc tiếp lời:

– Đã vậy, hắn còn chê bai đủ thứ.

Như Quỳnh cũng nóng mũi xen vào hỏi:

– Chê mày chuyện gì nữa?

– Anh ta nói tay nghề ta còn non kém, nên lên thành phố để học thêm.

Khánh Mai nguýt dài:

– Trời ơi! Hắn ta đang giở trò gì vậy? Đồ đáng ghét!

– Theo tao nghĩ, hắn ta làm như vậy ắt có nguyên nhân gì đó, chứ bản thân anh ta là một Việt kiều chính hiệu thì đâu cần mấy đồng bạc lẻ của mình chứ.

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Ta cũng suy nghĩ mãi và cảm thấy đau đầu vì chuyện này.

Khánh Mai chợt hỏi:

– Vậy mày nghĩ sao về câu nói của anh ta?

Bảo Ngọc nhẹ giọng:

– Anh ta nói cũng chẳng sai, ta cũng nên lên thành phố để học thêm những kiểu mẫu hiện đại. Sau này trở về có thể khuếch trương cái tiệm mình nổi tiếng hơn, tụi bay nghĩ sao?

Như Quỳnh tán thành:

– Mày có suy nghĩ đó cũng tốt. Lên thành phố, mày có thể học được ở những chuyên gia tạo mẫu tóc nổi tiếng để đúc kết kinh nghiệm cho tương lai sau này.

Khánh Mai cũng nhất trí lên tiếng:

– Mình cũng nghĩ như nhỏ Quỳnh đấy. Mày nên thu xếp lên thành phố học đi.

Bảo Ngọc gật gù:

– Ừ ... nhưng ta còn thấy ngại ...

– Chuyện gì?

– Bà ngoại.

– Mày hãy an tâm. Tụi tao sẽ thường xuyên đến để hủ hỉ với bà trong thời gian mày đi học, được chưa?

Bảo Ngọc cảm động:

– Tụi bây tốt với ta quá nhưng nếu ta có đi, chuyện ở tiệm ta trông cậy vào hai người đấy. Cố gắng duy trì chờ ta trở về nha.

Như Quỳnh cười nụ:

– Được rồi! Cứ an tâm mà ra đi, đừng lo lắng gì cả.

Khánh Mai lo lắng:

– Mày định chừng nào đi vậy?

– Vài ngày nữa sẽ tính.

Như Quỳnh dặn dò:

– Lên thành phố, mọi việc đều khác hẳn ở đây, mày phải tự bảo trọng. Với lại, không được quá tin người ta, biết chưa cô nương?

– Mình rất cảm ơn những lời lẽ chân thành của bạn.

Hạnh phúc biết bao khi bên cạnh nàng còn có hai người bạn rất thân thương.

Buổi chiểu, sau khi cơm nước xong, Bảo Ngọc đến bên cạnh bà Bích Trâm, xoa bóp cho bà. Cô chợt nhẹ giọng:

– Ngoại ơi! Con có chuyện muốn thưa với ngoại.

Bà Trâm cất giọng ân cần:

– Ngồi xuống đi cháu. Thật ra là có chuyện gì vậy hả?

Bảo Ngọc ngập ngừng:

– Dạ .... con ... con ...

Bà Trâm cằn nhằn:

– Mồ tổ bây! Có gì sao không chịu nói, cứ ấp a ấp úng làm sao ngoại biết chứ?

Bảo Ngọc cười nhẹ, cô nói thăm dò:

– Ngoại ơi! Nếu như con phải xa ngoại một thời gian, ngoại có bằng lòng không?

Bà Bích Trâm sửng sốt kêu lên:

– Hả! Bộ con định đi đâu bỏ ngoại sao mà lại hỏi thế chứ?

Bảo Ngọc phân bua:

– Dạ không! Con đâu có bỏ ngoại, nhưng con muốn xa ngoại một thời gian.

Bà Trâm lo lắng:

– Con định đi đâu và làm gì vậy hả? Nếu như thấy được, ngoại mới chấp thuận.

Bảo Ngọc nhanh nhảu thưa:

– Dạ, con định lên thành phố.

Bà Trâm tròn mắt ngạc nhiên:

– Chi vậy con?

– Dạ, con định lên thành phố học một khóa về tóc nữa, ngoại ơi.

Bà Trâm cười nhẹ:

– Không phải là con đang làm tốt đó sao? Tại sao phải đi xa vậy?

Bảo Ngọc cười tươi:

– Dạ, con muốn học thêm một số điều mới lạ từ những chuyên gia tạo mẫu tóc nổi tiếng đó ngoại.

Bà Trâm ậm ự:

– Vậy sao?

Bảo Ngọc dò xét:

– Ngoại đồng ý nha ngoại?

Bà Trâm thì thầm:

– Nếu như giúp ích cho nghề nghiệp của con được nâng cao thì con cứ đi ngoại không cấm cản đâu.

Bảo Ngọc mừng rỡ reo vui:

– Thật vậy hả ngoại? Con không nghe lầm chứ?

Ký nhẹ lên đầu đứa cháu, bà Trâm trách yêu:

– Cái con nhỏ này, thật là ... Ngoại đã nói dối con khi nào chưa mà con lại hỏi vậy?

Bảo Ngọc cười mỉm:

– Con xin lỗi ngoại, tại con mừng quá nên nói vậy thôi, chứ con nào dám đâu nghĩ ngoại thế chứ.

– Con giỏi lý sự quá đi. Nhưng ngoại có một điều muốn nói với con đấy.

Bảo Ngọc ngẩng đầu lên tò mò hỏi:

– Có chuyện gì vậy ngoại?

Bà Bích Trâm trầm ngâm nhẹ giọng:

– Nghe đâu cha của con cũng ở thành phố đấy.

Bảo Ngọc trố mắt:

– Sao ngoại lại nhắc đến ông ấy vậy? Vả lại, việc con lên trên ấy học đâu có liên quan gì đến ông ấy chứ?

Bà Trâm khẽ vuốt tóc Bảo Ngọc, ân cần:

– Bảo Ngọc! Con đừng cố chấp như thế. Dẫu sao ông ấy cũng là cha con mà.

Bảo Ngọc giận dỗi:

– Con không muốn nhắc đến ông ấy. Ông ấy không xứng đáng. Ngoại thấy không đã gần hai mươi năm rồi, ông ấy có ngó ngàng gì tới con đâu. Làm như con không còn tồn tại trên cõi đời này vậy?

Bà Trâm trầm giọng:

– Con hận cha con đến thế sao? Ngoại nghĩ, chắc cha con có nỗi khổ đấy.

Bảo Ngọc buông gọn:

– Con chỉ nhớ đến mẹ của con thôi, phải chi mẹ còn sống ắt mẹ sẽ mừng lắm khi thấy con gái của mẹ ngày một lớn khôn.

Bà Trâm cất giọng trầm ấm:

– Ngoại biết cháu gái của ngoại nay đã lớn khôn rồi. Việc có nhìn nhận lại cha con hay không, ngoại không can thiệp. Nhưng con phải nhớ khi rời xa ngoại, con phải tự giữ lấy mình có biết không?

Bảo Ngọc nhoẽn miệng cười:

– Con cảm ơn ngoại, cháu gái của ngoại cũng khôn lanh lắm, không để ai dám ăn hiếp đâu ngoại sợ.

– Chốn thành hoa đô hội rất nhiều cạm bẫy và chông gai nên ngoại sợ.

Bảo Ngọc nhìn bà Trâm trìu mến:

– Ngoại cứ an tâm đi, con biết tự giữ mình mà. Con sẽ không làm chuyện gì khiến ngoại phải lo lắng vì con đâu.

Bà Trâm cười nhẹ:

– Được vậy thì ngoại mừng. Con đã chuẩn bị đầy đủ hết chưa? Chừng nào con mới đi?

– Dạ, vài ngày nữa con mới đi, ngoại à.

– Chừng nào đi, ngoại cho con chút đỉnh tiền lên đó xài nghe không?

Bảo Nlọc om chầm bà Trâm:

– Ngoại ơi! Ngoại là số một của con, con thương ngoại quá ngoại ơi.

– Không cần nịnh thế đâu cô nương.

Buổi sáng, bà Bích Trâm đang loay hoay ở nhà trong thì có tiếng gọi ở phía cổng:

– Chủ nhà ơi! Cho tôi hỏi thăm!

Buông vội cây chổi lông gà, bà Trâm lật đật chạy ra. Bà chợt sựng người lại khi phát hiện người gọi cổng chẳng ai khác là ông Hoàng Nam. Bà chưa kịp thốt nên lời thì ông Nam kêu lên thảng thốt:

– Má! Là má đó sao?

Bà Trâm lắp bắp:

– Cậu ... cậu ... là ...

Ông Hoàng Nam trầm giọng:

– Má ... con là Hoàng Nam nè! Bộ má không nhận ra con sao?

Bà Trâm vờ kêu lên:

– Cha của Bảo Ngọc phải không?

Ông Nam gật gù đáp khẽ:

– Dạ! Là con đây.

Mở rộng cánh cổng, bà Trâm nhẹ giọng:

– Vào nhà đi. Sao con lại tìm được ở đây vậy?

– Con đã hỏi thăm rất nhiều người mới tìm được đây đó chứ.

Bà Trâm sải bước cùng ông Nam vào đến phòng khách, bà cười nhẹ:

– Ngồi đi con. Lâu quá mới gặp lại con, lúc rày cuộc sống của con sao rồi?

Ông Nam chép miệng thở dài:

– Đã gần hai mươi năm rồi còn gì, cuộc sống cũng thay đổi theo thời gian.

Bà Trâm tò mò gặng hỏi:

– Con đã có gia đình sau và được mấy cháu nữa rồi?

Ông Hoàng Nam nhẹ giọng đáp lời:

– Dạ, có hai đứa.

Bà Trâm bùi ngùi:

– Con cũng đừng trách con Mỹ Lệ, nó cũng vì lo cho con bé Ngọc mà thôi.

Ông Nam ngạc nhiên hỏi:

– Sao má lại nói thế? Thật ra là sao đây?

Bà Trâm trầm giọng:

– Ngày Mỹ Lệ bị tai nạn giao thông, thấy không thể nào qua khỏi nên nó trăng trối với má.

Ông Nam tròn mắt hỏi dồn:

– Vợ con đã nói những gì vậy má? Có thể nói cho con nghe được không?

Bà Trâm nhìn vẻ mặt thành khẩn của ông Nam, bà thấy xót dạ tiếp lời:

– Ngày ấy con cứ đi suốt ngày, con Lệ nó nghĩ nếu để con Ngọc sống với con thì cuộc đời nó sẽ khổ. Nên nhất định bảo mẹ giấu kín con nhỏ, không được cho con biết.

Ông Nam nhăn nhó:

– Trời ơi! Tại sao Mỹ Lệ lại có ý nghĩ như thế chứ?

Bà Trâm chùng giọng:

– Nó nghĩ vậy âu cũng vì nghĩ cho tương lai của Bảo Ngọc thôi.

Ông Nam khổ sở ôm đầu:

– Thật lúc ấy con cũng có nỗi khổ không biết tỏ cùng ai.

Bà Trâm sửng sốt:

– Con có nỗi khổ gì chứ?

Ông Nam nghèn nghẹn cất giọng:

– Con thật có lỗi khi vợ con bị tai nạn thập tử nhất sinh mà con chẳng hề bên cạnh để chăm sóc cho nàng.

Bà Trâm nhìn ông Nam, gắt giọng:

– Vậy thời gian đó con biền biệt đâu mất dạng vậy hả?

– Dạ, con bị kẹt công chuyện.

Bà Trâm trừng mắt nhìn ông:

– Bận bên con vợ bây giờ của cậu chứ gì?

Ông Nam lắc đầu:

– Dạ không.

– Vậy chứ cậu đi đâu và làm gì mà không về?

Ông Nam diễn giải:

– Dạ, con đã gây tai nạn cho một cô gái.

Bà Trâm tròn mắt:

– Vậy sao?

– Dạ phải.

Bà Trâm chợt hỏi:

– Thế cô gái đó có làm sao không?

Ông Nam nhẹ giọng:

– Dạ, cô gái đó bị chấn thương sọ não, mất trí nhớ.

Bà Trâm nhướng mày:

– Vì vậy mà cậu không đành trốn tránh trách nhiệm chứ gì?

– Dạ, cũng bị thương quá nặng nên con phải ở lại bên cạnh để chăm sóc cho cô ta.

Bà Trâm gạt phăng:

– Nhưng không thể như thế là cậu lại quên hẳn vợ con ở nhà trông đợi cậu chứ.

Ông Nam uể oải:

– Con không thể nào quên người vợ hiền thục và đứa con ngoan của con được. Nên một thời gian sau con trở về tìm thì ...

Bà Trâm cười nhạt:

– Với tính khí của cậu, con Mỹ Lệ nó sợ con Bảo Ngọc sẽ khổ, nên tui mới bán nhà mà dời đến nơi đây ở đến bây giờ.

Ông Nam nhíu mày:

– Hèn gì, khi con trở lại tìm thì lối xóm bảo rằng Mỹ Lệ bị tai nạn giao thông chết rồi. Còn mẹ và bé Ngọc không rõ đang ở đâu. Con đã cất công đi tìm kiếm nhưng vô vọng.

Bà Trâm cười nhẹ:

– Hoàn cảnh của cậu cũng bi đát quá hén. Nhưng tui cũng xin nói để cậu rõ, Bảo Ngọc hiện nó sống rất tốt. Mặc dù hai bà cháu tôi cũng không giàu có gì, nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Tôi mong cậu hãy để cho nó yên vui hồn nhiên.

Ông Nam nói nhanh:

– Nhưng con là cha của nó mà.

Bà Trâm lớn giọng:

– Thì sao chứ? Đã gần hai mươi năm qua không có cậu, nó vẫn sống tốt đó sao? Cậu đã có gia đình khác lại có con riêng. Tôi xin cậu đừng làm phiền nó nữa.

Ông Nam van nài:

– Má. Con chỉ mong má cho con được làm tròn trách nhiệm một người cha thôi.

Bà Trâm tròn mắt:

– Bằng cách nào?

Ông Nam nhẹ giọng:

– Con chỉ muốn lo lắng cho con Ngọc để bù đắp sau một thời gian dài không gặp nó.

Bà Trâm cười mỉa:

– Tôi nghĩ cậu nên về lo cho cái gia đình của cậu thì hơn. Con Ngọc nó không cần sự săn sóc của cậu đâu.

Ông Nam khổ sở kêu lên:

– Má! Xin má thương con. Má hãy cầm tạm số tiền này để lo lắng cho Bảo Ngọc giúp con.

Bà Trâm dứt khoát:

– Bảo Ngọc nó không dễ dàng chấp nhận đâu, cậu đừng làm cho tôi khó xử.

Hai người mải nói chuyện không hay rằng Bảo Ngọc đã về và đã nghe tất cả mọi chuyện. Cô vội vã bước vào gắt giọng:

– À, thì ra là ông sao?

Bà Trâm nhìn cô dịu giọng:

– Bảo Ngọc, con về khi nào vậy?

Bảo Ngọc nhìn bà, lễ phép:

– Ngoại ơi! Ngoại không cần lo lắng cho con, con đã nghe tất cả và đã hiểu tất cả.

Ông Nam nhìn Bảo Ngọc, chép miệng:

– Quả đúng là con rồi. Ba đã suy đoán không sai.

Bảo Ngọc cười mỉa:

– Ông xưng là ba tôi mà ông không biết ngượng sao hả?

Ông Nam ngập ngừng:

– Ba ... ba ...

Bảo Ngọc quát lớn:

– Ông hãy thôi diễn tuồng ấy nữa đi. Thì ra khi ở Vũng Tàu, ông đã nhận ra tôi vì sợi dây chuyền này chứ gì?

Ông Nam nhỏ giọng:

– Đúng vậy! Vì đây là sợi dây chuyền mà ba và mẹ đã mua cho con mà.

Bảo Ngọc chép miệng:

– Hèn gì mà ông đã thanh toán mọi viện phí cho tôi. Tôi cứ nghĩ ông là một người tốt bụng, ai ngờ ...

– Ba muốn được lo lắng cho con.

Bảo Ngọc gắt:

– Tôi không cần ông quan tâm, một sự quan tâm muộn màng. Từ bấy lâu nay ông có ngó ngàng gì tới tôi đâu. ông chỉ lo vun vén hạnh phúc của mình thôi.

Ông Nam nhăn nhó khổ sở:

– Bảo Ngọc! Sao con lại đối xử với ba như vậy?

Bảo Ngọc trừng mắt nhìn ông:

– Ông hãy hỏi lại chính mình đi, ông đã làm tròn trách nhiệm một người cha chưa?

– Ba có nỗi khổ riêng mà, con hãy thông cảm cho ba.

Bảo Ngọc cười nhạt:

– Thông cảm. Ông nói sao nghe dễ quá đi. Sự thật tôi đã không cha không mẹ quen rồi. Nên không cần sự bố thí của ông đâu.

– Bảo Ngọc! Con ...

– Ông hãy cầm tiền và rời khỏi nơi đây, ở đây không ai hoan nghênh ông đâu. Đừng làm phiền chúng tôi nữa.

Ông Nam chậm rãi:

– Con tuyệt tình với ba đến thế sao Ngọc?

– Thực tế là như vậy, đã gần hai mươi năm rồi. Ông thì sống cao sang quyền quý bên vợ đẹp con ngoan, nên đâu còn nhớ đến đứa con bơ vơ lạc lõng này chứ?

– Đẹp mặt đẹp màyquá hén, thật nhục ơi là nhục nè trời!

Quay phắt lại người đàn bà vừa lớn giọng:

– Bảo Ngọc lừ lừ mắt nhìn bà:

– Bà kia! Sao bà không có chút lịch sự nào hết vậy?

Bà Tuyết Linh mặt mày đỏ bừng gì giận:

– Mày ... mày ... dám mắng tao à?

Bảo Ngọc vênh mặt:

– Không nói bà thì nói ai chứ? Ở đâu mà đi suồng sã vào nhà người ta vậy chứ? Bà quen biết ai trong nhà này?

Không trả lời Bảo Ngọc, bà Linh nắm lấy tay ông Nam quát lớn:

– Ông Hoàng Nam! Ông có nghe chưa? Con gái ông nó dám chửi tôi nữa kìa.

Sao ông lại lặng thinh như thế chứ?

Ông Nam nóng giận gắt giọng:

– Bà có chịu im đi không? Ai biểu bà xuống đây hả? Bà thật phiền phức mà.

Bà Linh sừng sộ:

– Ông cho rằng tôi phiền phức hả? Nếu tôi không lén theo ông xuống đây thì đâu chứng kiến cảnh này.

Ông Nam lớn giọng:

– Bà có chịu im ngay không?

Bà Linh điên tiết:

– Thì ra ông đã lấy tiền mồ hôi nước mắt của tôi để cho đứa con mất dạy của ông sao?

Một cái tát nảy lửa giáng thẳng vào mặt bà Tuyết Linh, ông Nam gầm lên trong giận dữ:

– Bà im ngay! Ở đây, bao giờ mới tới phiên bà lên tiếng hả?

Bà Linh đau điếng, dùng tay xoa gò má. Chợt bà sấn tới giật phăng xấp tiền để trên bàn, hét lớn:

– Tiền của tôi không dễ cho không ai đâu. Ông dám đánh tôi ... đúng là đồ khốn nạn mà.

Bảo Ngọc không thể nào chịu đựng nổi cảnh này, cô hét lên:

– Các người hãy ra khỏi nhà tôi ngay. Đi mau, đừng bao giờ làm phiền đến hai bà cháu tôi nữa!

Bà Linh cười khanh khách:

– Vừa lòng ông chưa? Cả ông là cha nó mà nó cũng đuổi luôn rồi kìa. Ông ở lại mà nhìn nhận con của ông đi, tôi về. Tạm biệt.

Ông Hoàng Nam xấu hổ vì những việc vừa xảy ra. Ông quay sang bà Trâm, nhẹ giọng:

– Má! Con thật xin lỗi má về những việc vừa rồi. Một ngày rất gần con sẽ đến thăm má và Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc vẫn giữ thái độ không đổi:

– Tôi mong rằng sẽ không có ngày đó thì tốt hơn. Ông hãy về sống ấm êm bên vợ đẹp, con xinh của ông đi.

– Bảo Ngọc! Con hận ba đến thế sao? Con không thông cảm cho ba chỉ vì hoàn cảnh.

Bảo Ngọc đay nghiến:

– Tôi sẽ không tha thứ cho ông về những việc làm của ông đâu. Ông về đi.

Bà Trâm cất giọng khuyên can:

– BảoNgọc! Con không được hỗn hào với ba con như vậy. Xét cho cùng thì ba của con cũng không đáng trách lắm đâu.

Quay sang bà Trâm, Bảo Ngọc phụng phịu:

– Ngoại! Sao ngoại lại nói thế?

Ông Nam trầm giọng:

– Thôi, má đừng rầy con Ngọc, nhất thời nó không dễ dàng chấp nhận con đâu. Cứ để từ từ rồi nó cũng hiểu con mà.

Bảo Ngọc vênh mặt:

– Ông đừng có hòng! Bao nhiêu năm rồi bao đứa trể khác thì có cha có mẹ.

Còn tôi ... vơ côi cút tủi hờn biết bao nhiêu, ông có hiểu hay không?

– Lỗi của ba tất cả, nên ba muốn bù đắp cho con.

– Tôi không cần ông lo! Ông hãy về lo cho bà chằn của ông thì tốt hơn, đừng ở đây giở trò “mèo khóc chuột”.

Bảo Ngọc tuôn một hơi rồi bỏ chạy thẳng vào trong khóc nức nở:

– Thưa má con về.

– Được rồi.

Nhìn bóng dáng của Hoàng Nam vừa khuất sau cánh cổng bà Bích Trâm chợt thở dài.

– Alô!

– Số điện thoại rất lạ, Khánh Mai ngạc nhiên hỏi:

– Ai vậy?

Giọng của Hải Cường rất êm:

– Là anh đây. Bộ em không nhận ra anh sao?

Khánh Mai sửng sốt kêu lên:

– Tại sao lại là anh hả? Anh gọi cho tôi để làm gì nữa chứ?

Hải Cường tình tứ:

– Em à! Sao em lại nói như vậy? Anh nhớ em lắm, Mai à!

– Nhớ tôi? Anh nói mà không biết ngượng chút nào sao?

Hải Cường ngọt ngào:

– Mai ơi! Thật sự, anh rất nhớ em. Xa em một ngày là anh thấy thiếu vắng một cái gì đó không thể tả.

Khánh Mai gắt gỏng:

– Tôi van anh, tôi xin anh đừng giở trò tán tỉnh ấy với tôi nữa ... Anh hãy sống tốt với vợ anh đi. Đừng bao giờ nghĩ vớ vẩn về tôi nữa nhé.

– Khánh Mai! Anh yêu em, anh không thể sống thiếu em. Cuộc sống sẽ vô vị nếu không có em bên cạnh đấy.

Khánh Mai dài giọng:

– Anh thật trơ trẽn đến thế sao? Anh đã làm khổ tôi bao nhiêu đó chưa đủ sao?

Hải Cường nhẹ giọng:

– Anh rất thật lòng với em kia mà. Được kề cận bên em, anh có cảm giác rất ấm áp hạnh phúc.

Khánh Mai cười mỉa:

– Tốt nhất, anh nên ngừng lại đi, bao nhiêu đó cũng quá đủ rồi. Tôi không muốn làm kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác.

Hải Cường âu yếm:

– Nhưng anh đã lỡ trót yêu em rồi. Bây giờ em bảo anh quên em, làm sao anh có thể chứ?

Khánh Mai cất giọng dứt khoát:

– Không được cũng phải được, chúng ta không thể như vậy mãi được đâu.

Tôi rất mong anh hiểu cho tôi và đừng làm phiền tôi nữa.

– Em nói sao nghe nặng nề quá vậy Mai? Cuộc hôn nhân của anh thật sự không có tình yêu.

Khánh Mai cười nhạt:

– Anh nói đủ chưa vậy? Câu này tôi nghe anh nói bao nhiêu lần rồi?

Hải Cường van nài:

– Anh thật lòng yêu em mà Mai. Anh rất nhớ em. Tối nay chúng ta gặp nhau ở Quán kem “Hồng Ký” nha. Anh rất muốn găp em.

Khánh Mai gắt lên:

– Giữa hai chúng ta không còn gì để nói với nhau cả. Tôi không muốn gặp anh. Hãy tha cho tôi đi!

– Khánh Mai! Sự thật anh rất cần em, hãy tin ở anh. Để anh thu xếp chuyện vợ anh, chúng mình sẽ đến với nhau một cách công khai mà không phải lén lút nữa.

Khánh Mai thốt lên:

– Không! Tôi không thể ...

Hải Cường nhẹ giọng:

– Chúng ta sao không thể hả em? Anh sẽ làm tất cả những gì có thể để đến với nhau.

– Anh Cường! Hãy đối diện thực tế đi anh, chúng ta còn có thể sống bên nhau sao?

– Còn chứ em! Anh cảm thấy mình làm thế không hề có lỗi, bởi vì thật sự chúng ta yêu nhau thật lòng mà.

Khánh Mai thật sự bị xao động trước những lời chân tình của Hải Cường.

Thật ra, anh ta yêu mình đến thế sao. Sao cô cảm thấy rối quá.

Tiếng nói ấm áp của Hải Cường lại vang lên:

– Em hứa với anh đi, hãy đến đúng hẹn nha. Anh rất muốn gặp em và có nhiều điều muốn tỏ cùng em.

Khánh Mai ngập ngừng:

– Em.. em ...

– Đừng do dự nữa em! Anh biết rằng yêu anh là một thiệt thòi lớn đối với em. Nhưng anh không thể ngờ tình yêu của hai ta quá mãnh liệt.

Khánh Mai nhăn nhó:

– Trời ơi! Bộ anh muốn vợ anh cho tôi ăn axít hả?

– Không! Em yên tâm, anh sẽ dàn xếp ổn thỏa cả thôi. Nhớ đến đúng hẹn nha. Anh tắt máy nhé. Hôn em.

Khánh Mai thẫn thờ như một người mất hồn. Tại sao trong khi cô cố tình lãng quên con người ấy, mà người ấy lại đến với mình như thế chứ? Mình biết phải làm sao đây? Ông trời ơi! Ông hãy cho con biết đi, con phải xử sự như thế nào cho đúng đây?

– Ê! Khánh Mai! Làm gì mà đơ như cây cơ vậy?

Nhìn vẻ mặt ngớ ngẩn của Khánh Mai, Bảo Ngọc lên tiếng hỏi. Khánh Mai giật mình quay lại nhìn cô lắp bắp:

– Ơ ... tao ... tao ...

Bảo Ngọc cằn nhằn:

– Làm gì mà cứ ấp a ấp úng vậy?

Khánh Mai nhoẻn miệng cười nhẹ:

– Đâu có gì.

Bảo Ngọc tò mò:

– Phải không? Sao ta nghi quá?

Khánh Mai chu môi:

– Tao có làm gì mà mày nghi với ngờ hả?

Bảo Ngọc liếc xéo cô:

– Không có gì, vậy vừa rồi mới nói chuyện với ai vậy?

Khánh Mai ngập ngừng:

– Tao ... tao ... nói chuyện với nhỏ bạn.

– Bạn nào vậy?

Khánh Mai đâm bực:

– Mệt mày quá đi, bạn nào mày hỏi kỹ làm gì?

Bảo Ngọc cười khẽ:

– Làm gì nổi nóng dữ vậy? Ta chỉ quan tâm đến mi thôi.

Khánh Mai dẩu môi:

– Cám ơn sự quan tâm nhiệt tình của nhà ngươi đấy.

Bảo Ngọc tức khí:

– Hỏi chơi mi thôi, chứ ta biết rất rõ là ai rồi.

Khánh Mai vênh mặt:

– Là ai chứ?

Bảo Ngọc dài giọng:

– Rất đơn giản, mày tán lâu như thế thì chỉ có ảnh thôi, phải không?

– Mày muốn ám chỉ ai? Sao không chịu nói đại ra đi.

Bảo Ngọc lại cười duyên:

– Mi thật muốn ta nói sao?

– Ừ ...

– Vậy ta nói đây.

– Thì nói đi? Cứ dài dòng văn tự hoài.

Bảo Ngọc chậm rãi:

– Thì còn ai ngoài anh chàng Hải Cường của mi chứ?

Khánh Mai đỏ lựng đôi gò má, y chang như mấy cô dâu mới về nhà chồng.

Cô ú ớ:

– Vậy mà mày cũng đoán trúng, mày tài thật đấy.

Bảo Ngọc chợt bùi ngùi:

– Mình hỏi thật, anh ta lại tán hươu, tán vượn gì nữa phải không?

Khánh Mai e dè đáp lời:

– Thật ra, anh ấy rất yêu tao. Anh ấy nói không thể sống thiếu tao được.

Bảo Ngọc trề môi:

– Trời ạ! Đã bao nhiêu lần rồi, Khánh Mai? Không phải là mình muốn xen vào bàn tán chuyện tình cảm của bạn, nhưng anh ta nói thế mà mi cũng tin được sao?

Khánh Mai lấp lửng:

– Tao thấy ... lần này ... anh ta thốt lên những lời nói rất chân thành, xuất phát từ trái tim.

Bảo Ngọc tròn mắt:

– Khánh Mai! Theo mình nghĩ, bạn vẫn còn yêu hắn phải không?

Khánh Mai ngớ ngẩn:

– Sao mày lại hỏi vậy?

– Thì cứ trả lời tao đi. Thật ra là mi không thể nào quên đi hình bóng của hắn được.

– Sao mày biết?

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Chỉ nhìn vào mắt mi cũng đã nói lên điều đó.

Khánh Mai nguýt bạn:

– Xạo đi! Giỏi đoán mò, làm như mày là thầy bói không bằng?

Bảo Ngọc cười tươi:

– Tao không dám làm thầy bói đâu.

– Sao vậy?

– Có ngày công an hỏi thăm sức khỏe chứ sao trăng gì nữa?

Khánh Mai giục:

– Trở lại vấn đề chính đi, tự dưng nói tào lao đi đâu vậy?

Bảo Ngọc ngớ người:

– Mi muốn ta nói chuyện gì đây?

Khánh Mai lý sự:

– Mày đó, dám nói chỉ nhìn vào mắt tao mà biết được tất cả. Mày chỉ đoán mò thôi, phải không?

Bảo Ngọc thở hắt ra:

– Đúng rồi! Không phải đoán mò đâu, mà đây là sự thật.

Khánh Mai cười trêu:

– Sự thật gì đây?

– Sự thật mi còn yêu anh Hải Cường rất nhiều, mặc dù chính anh ta đã đem rầt nhiều phiền phức và đau khổ đến cho bạn.

Khánh Mai gật gù:

– Mày nói không sai, nhưng lần này tao thấy anh ta rất chân thành và rất dứt khoát.

Bảo Ngọc cười nhạt:

– Chân thành? Sao tao nghe lạ quá!

Khánh Mai không hiểu ý bạn, vội hỏi:

– Mày nói thế nghĩa là thế nào vậy hả?

– Bảo Ngọc nhăn nhó:

– Mi sao chậm tiêu quá, có thế mà cũng không hiểu nữa sao?

Khánh Mai tò mò:

– Nhưng mà chuyện gì?

Bảo Ngọc thẳng thắn:

– Thì anh ta đấy. Thật sự đã có vợ hẳn hoi, thế nên còn dùng lời lẽ mật ngọt với mi. Thử hỏi những lời lẽ mà anh ta hứa hẹn có đáng tin hay không?

Khánh Mai tán thành cách lý giải của Bảo Ngọc, nhưng anh ta rất thật lòng kia mà.

– Nhưng tao tin rằng lần này anh ta rất thật lòng yêu tao. Mặc dù những lý lẽ của mày không sai chút nào.

Bảo Ngọc trố mắt nhìn bạn:

– Thật lòng ư? Dựa vào đâu mà mi dám chắc như vậy?

– Tao có thể cảm nhận được mà.

Bảo Ngọc dẩu môi:

– Giỏi quá hén! Thường thì đàn ông muốn đạt được mục đích, họ sẵn sàng giở mọi thủ đoạn, mi có biết không?

Khánh Mai khẽ giọng:

– Tao biết rõ điều đó.

Bảo Ngọc xỉ vào trán bạn, gắt:

– Đã rõ như vậy, sao mi lại tin lời hắn?

– Nhưng ... tao ...

Bảo Ngọc chân thành:

– Ta xin mi đấy. Hãy thật bình tĩnh nhìn nhận sự việc, anh ta chẳng hề yêu mi đâu.

– Sao mày nói thế?

Bảo Ngọc dõng dạc:

– Anh ta đến với mi chỉ là nhất thời thôi.

Khánh Mai ngạc nhiên:

– Tại sao mày lại có ý nghĩ như vậy?

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Bộ mày không nhận thấy sao?

– Chuyện gì nào?

Bảo Ngọc buông giọng:

– Anh ta bảo rằng yêu mi lắm có phải không?

– Đúng vậy.

Bảo Ngọc chậm rãi:

– Bảo rằng yêu mi, vậy tại sao anh ta vẫn tình tứ nồng ấm bên vợ anh ta chứ.

Mi không lấy làm lạ sao?

Khánh Mai tâm sự:

– Anh ta bảo rằng sẽ ly dị với cô ấy.

Bảo Ngọc cười nhạt:

– Lý do gì?

Khánh Mai lắp bắp:

– Thì ... thì ... không hợp nhau.

– Đơn giản vậy à?

Khánh Mai nhỏ giọng:

– Tao cũng đã nói rất nhiều điều với anh ấy. Nhưng anh ta vẫn bảo rằng vợ chồng anh ấy không hề có tình yêu thật sự, nên lanh ấy muốn đến với tao.

Bảo Ngọc tò mò:

– Bằng cách ly dị vợ anh ta chăng?

– Đúng.

Bảo Ngọc chua chát:

– Thật ngụy biện cho những ý nghĩ ngông cuồng. Liệu anh ta sẽ thực hiện được điều đó không?

Khánh Mai buồn bã:

– Điều đó tao cũng chưa biết nữa.

– Mình khuyên bạn nên sớm dứt khoát với anh ta, rồi đây mi sẽ có được hạnh phúc bên một người yêu thương mi thật sự. Còn ...

– Còn điều gì nữa?

Bảo Ngọc buông gọn:

– Tương lai còn rất dài ở phía trước, mi phải sớm thức tỉnh để khỏi phải lún sâu vào những chuyện không nên làm.

Khánh Mai cười nửa miệng:

– Tao cảm ơn mày. Thật mày chưa từng trải qua một cuộc tình nào, nhưng mày rất rành về chuyện tình cảm. Tao thật thán phục mày sát đất.

Bảo Ngọc lí nhí:

– Thôi, đừng đưa tôi lên cao quá, rồi một hồi lại đạp tôi rớt xuống đau lắm.

– Tao nói thật đấy, không đùa đâu. Thôi để chuyện của tao qua một bên đi, để tao sẽ suy nghĩ lại. Còn mày ...

Bảo Ngọc ngạc nhiên hỏi:

– Mi muốn nói chuyện gì?

Khánh Mai nhìn xoáy vào bạn, cất giọng:

– Sáng mai lên đường rồi, sao tao thấy mày buồn rười rượi vậy?

Bảo Ngọc chối bay biến:

– Đâu có gì đâu.

– Thật không?

– Thật mà.

Khánh Mai cười giòn:

– Hình như mày có chuyện gì đó đang cố giấu không muốn bày tỏ có phải không?

– Cũng không có gì, chuyện gia đình thôi mà.

Khánh Mai tò mò:

– Nhưng là việc gì, bộ không thể kể cho tao nghe được sao?

– Thì chuyện của ba mình đó.

Khánh Mai mở to mắt ngạc nhiên:

– Ủa! Mày vừa nói gì vậy hả? Mày nói ba mày, bộ mày tìm được ông ấy rồi sao?

Bảo Ngọc nhún vai:

– Ông ấy đã đến tìm mình.

Khánh Mai vỗ vào vai bạn, cô thì thào:

– Nếu như vậy thì đáng để vui chứ sao lại buồn như con chuồn chuồn vậy?

Bảo Ngọc nhẹ cười:

– Mình vẫn biết là như vậy, nhưng sao mình thấy khó lòng chấp nhận quá, Mai ơi.

Khánh Mai tròn mắt:

– Mày sao vậy Ngọc? Mày còn giận bác ấy sao?

Không trả lời Khánh Mai mà Bảo Ngọc hỏi lại:

– Theo mi, ta có nên vui trong sự tao ngộ này không hả?

Khánh Mai nhẹ giọng:

– Sao lại hỏi vậy chứ?

– Thì mi cứ nói xem.

– Mày hỏi thật đấy chứ?

– Thật mà.

– Vậy thì tao nói à nghen.

– Mi lại có cái tật lôi thôí từ khi nào vậy?

Khánh Mai cười khẽ:

– Đừng giận, theo tao thì mày nên vui mừng mới phải chứ. Mặc dù tao biết rằng mày vẫn còn hờn giận bác ấy nhiều lắm nhưng dù sao đi nữa mày cũng vẫn là con của bác ấy. Cho nên việc bác ấy nhìn nhận lại mày, ít ra mày phải vui vẻ đón nhận mới phải chứ?

Bảo Ngọc buồn bã:

– Mi nghĩ như thế sao? Mi có nghĩ cho cảm nhận của mình không?

Khánh Mai diễn giải tiếp lời:

– Tao rất hiểu tâm trạng của mày, từ khi còn rất nhỏ mày đã thiếu vắng đi tình thương của người mẹ vắn số. Còn người cha thì biệt vô âm tín. Nhưng mày phải cảm thông cho những bậc làm cha làm mẹ, nhiều khi họ có nỗi khổ tâm thì sao?

Bảo Ngọc ấm ức:

– Nhưng mình lại không nghĩ như vậy.

– Vậy mày nghĩ sao?

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Mình nghĩ ông ấy chỉ lo vun vén hạnh phúc của riêng mình thôi, đâu còn tâm trí để nghĩ ngợi đến đứa con gái côi cút như tớ chứ.

– Sao mày cố chấp quá vậy? Phận con cái, mày cũng đừng nên đeo mang cái oán hận trong lòng, dẫu sao thì cũng gần hai mươi năm rồi còn gì. Hơn nữa, bác ấy cũng là cha ruột của mày mà.

Bảo Ngọc nghẹn ngào:

– Nói thật với mi, đã từ lâu mình cũng từng ao ước cha của mình vẫn còn sống và trở về bên mình dang lộng vòng tay mà ôm chầm lấy mình để săn sóc, vỗ về ...nhưng ...bây giờ đối diện với ông ấy, mình có cái cảm giác rất khó chịu.

Khánh Mai gật gù:

– Tao hiểu rồi.

Bảo Ngọc trố mắt:

– Mày hiểu chuyện gì?

Khánh Mai đáp nhanh:

– Tại vì mày chưa dứt bỏ được những sân si trong lòng. Sống phải biết vị tha, tao nghĩ mày sẽ vượt qua được mà.

– Thiệt hả? Nhưng mình thấy khó quá.

– Không khó lắm đâu. Chuyện gì mày cũng rất sáng suốt sao đến chuyện của mình lại bối rối đến vậy?

– Mình cũng không hiểu nữa.

Khánh Mai chợt hỏi:

– Nhưng mày nói cho tao biết coi:

– Chuyện gì?

– Thực ra bác ấy là ai vậy? Tao đã gặp chưa?

Bảo Ngọc buông gọn:

– Gặp rồi. Và rất quen nữa là khác.

Khánh Mai tò mò:

– Bác ấy là ai vậy, Bảo Ngọc?

Bảo Ngọc trầm giọng:

– Mi còn nhớ người đàn ông đến trạm y tế thăm mình ở Vũng Tàu không?

Khánh Mai đáp nhanh:

– Nhớ chứ! Rồi sao? Không lẽ ... chính là bác ấy?

Bảo Ngọc cười nhạt:

– Không sai! Chính là ông ta.

– Hèn gì ... Thì ra, bác ấy đã nhận ra mày.

– Đúng vậy. Ông ta nhận ra mình cũng chỉ vì sợi dây chuyền ta đang đeo nè.

– Vậy hả?

Khánh Mai chợt nói tiếp:

– Vậy là từ nay mày đã có cha rồi, không phải còn mơ ước nữa, đúng không?

– Đúng vậy! Nhưng ta đã khước từ ...

Khánh Mai trố mắt:

– Mày sao vậy? Khó khăn lắm hai người mới gặp lại nhau kia mà.

Bảo Ngọc chậm rãi:

– Mình cần có thời gian, để kiểm soát lại tình cảm của mình dành cho ông ta.

Chứ nhất thời ta khó lòng chấp nhận.

Khánh Mai lo lắng:

– Bộ bác ấy đã có vợ con rồi sao?

– Đúng vậy.

– Thì ra là vậy.

Chợt điện thoại của Bảo Ngọc reo lên, cô khẽ nhấc máy lên, bên kia đầu máy, giọng của nhỏ Như Quỳnh oang oang:

– Alô. Bảo Ngọc hả?

– Ngọc đây. Có gì vậy cô nương?

Như Quỳnh cười khúc khích:

– Ê! Tao đã chuẩn bị mọi thứ, rất nhiều món. Chiều nay năm giờ chiều, mày với Khánh Mai đến sớm nha.

– Làm gì mà rình rang vậy?

– Tiệc đơn giản thôi mà, có gì đâu.

– Mình đi có thời gian ngắn thôi, làm như đi nước ngoài không bằng?

– Đừng nhiều lờì, nhớ đến đấy!

– Được. Thôi nhé, khéo bày trò.

– Như Quỳnh, nhỏ tâm lý hết chỗ chỗ chê hả Ngọc?

– Ít ra cũng phải có rượu đưa tiễn chứ?

Cả hai cười rất vui vẻ.

Buổi tối sau khi dự tiệc để đưa tiễn Bảo Ngọc trở về, Khánh Mai cứ trầm ngâm suy nghĩ, mình có nên đến để gặp Hải Cường không? Anh ta bảo có chuyện để thổ lộ với nàng nhưng là chuyện gì kia chứ? Cứ suy nghĩ đi, suy nghĩ lại, cuối cùng Khánh Mai quyết định đến đó để xem anh ta muốn nói điều gì?

Cho xe chạy vào quán kem “Hồng Ký”, Khánh Mai đã nhận ra ngay Hải Cường đã đến tự bao giờ. Thấy cô, Hải Cường mừng rỡ cất giọng gọi:

– Khánh Mai! Anh đây này!

Quán kem “Hồng Ký” giờ này cũng khá đông khách, kẻ ra người vào đông nghịt. Dưới ánh đèn màu mờ ảo, Hải Cường chọn một chiếc bàn gần chậu mai chiếu thủy, hoa nở trắng xóa thơm lừng. Nhẹ bước đến gần Hải Cường, cất giọng rất êm:

– Khánh Mai! Em ngồi đi.

– Anh để tôi tự nhiên.

Hải Cường lo lắng:

– Em sao vậy? Hình như em không được vui.

Khánh Mai cười nhạt:

– Chuyện đó anh không cần phải bận tâm. Thật ra, anh gọi tôi đến đây là muốn nói chuyện gì hả?

Hải Cường cười khẽ:

– Sao em gấp gáp dữ vậy?

Khánh Mai ngoe nguẩy:

– Tôi không có rộng thời gian đâu đó.

Hải Cường cười vui:

– Lâu lâu, chúng tôi mới gặp nhau. Từ từ, rồi anh sẽ nói cho em nghe được không?

Khánh Mai nổi cáu:

– Có chuyện gì thì anh cứ nói đại ra đi, tôi không rãnh để ở đây nghe anh dài dòng.

Hải Cường nhăn nhó:

– Kìa Mai! Sao em lại mau thay đổi như vậy? Không phải chúng ta đang vui vẻ đó sao?

Khánh Mai trề môi:

– Vui vẻ ư? Thật sự anh nghĩ vậy à?

Cường nhìn Khánh Mai đắm đuối, anh lại cất giọng:

– Bộ em không có cùng ý nghĩ như anh sao mà lại hỏi thế?

Khánh Mai cười nhẹ:

– Đúng là đã có thời gian chúng ta vui vẻ bên nhau. Nhưng đã là quá khứ rồi còn hiện tại anh là người đã có vợ .... từ khi tôi biết được điều đó tôi không lúc nào được vui vẻ. Lúc nào cũng nghĩ mình đây chính là kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, tôi cảm thấy rất có lỗi.

Hải Cường cất giọng êm dịu:

– Đó là những ý nghĩ thật dạ của em sao Mai?

Khánh Mai gật gù:

– Dạ phải! Thế còn anh thì nghĩ sao?

Hải Cường chậm rãi:

– Em hỏi anh hả?

– Chứ hỏi ai đây? Anh hỏi lạ quá đi.

Hải Cường thành thật thốt lời:

– Anh nghĩ không phải như vậy.

Khánh Mai ngạc nhiên hỏi:

– Chứ anh nghĩ thế nào?

Hải Cường cười nhẹ:

– Tình yêu.

Khánh Mai trố mắt kêu lên:

– Hả! Tình yêu? Anh nói như vậy là sao?

Hải Cường diễn giải:

– Sao tự dưng lại trố mắt nhìn anh như thế? Anh chưa nói hết mà.

– Vậy anh nói tiếp đi. Thật ra, anh muốn nói gì?

Hải Cường tiếp lời:

– Tình yêu là một cái gì đó rất khó lý giải. Từ lúc gặp em lần đầu tiên thì trái tim anh luôn luôn thổn thức.

Khánh Mai tròn mắt nhìn chàng:

– Chẳng phải anh đã có vợ rồi chăng?

Hải Cường gật nhẹ đầu:

– Đúng vậy. Đúng là anh đã có gia đình. Nhưng anh và cô ấy chỉ là miễn cưỡng đến với nhau, chứ thực chất chẳng có tình yêu và chẳng có một chút gì rung động con tim.

Khánh Mai quát:

– Đã chấp nhận cưới người ta làm vợ rồi thì không nên phủ nhận như thế.

Hải Cường khổ sở:

– Anh đã nói thật lòng mà, sao em lại cố tình không hiểu chứ?

Khánh Mai cười nhạt:

– Không phải là không hiểu, nhưng mà nếu như vậy tại sao anh không nói rõ lòng mình trước khi đi đến hôn nhân với cô ấy?

Hải Cường nhăn nhó:

– Anh còn có được cái quyền đó sao?

– Tại sao không được chứ? Thật ra, có nỗi khổ tâm gì mà không thể thổ lộ nên vậy?

Hải Cường ngập ngừng:

– Đó là chuyện của gia đình anh.

Khánh Mai khó hiểu hỏi dồn:

– Chuyện gia đình? Anh nói chuyện càng lúc càng làm cho tôi rất khó hiểu.

Chẳng lẽ ...

Hải Cường ấp úng:

– Anh ... anh ...

Khánh Mai hờn dỗi buông giọng:

– Nếu như không tiện thì thôi vậy, tôi không miễn cưỡng đâu.

– Sao em lại nóng tính thế chứ? Lúc trước em đâu có như vậy.

Khánh Mai phùng má:

– Cũng đều là do anh ban cho đấy.

Hải Cường ngạc nhiên nhỏ giọng:

– Anh? Là sao?

Khánh Mai thì thào:

– Anh không hiểu hay cố tình không muốn hiểu vậy?

Khánh Mai nhỏ giọng:

– Con gái bọn em đã yêu ai thì yêu hết lòng. Vậy mà thật ra tôi đã yêu lầm anh, bởi vì anh đã có vợ rồi.

Hải Cường lại nhăn nhó:

– Tình yêu là sự hòa nhịp của hai con tim. Anh nói đến bao giờ thì em mới hiểu được lòng anh đây?

Khánh Mai chu môi:

– Hiểu anh? Thì tôi cũng đã quá hiểu rồi còn gì? Tôi đã bị anh gạt tình cảm của tôi, trong khi tôi cứ tưởng anh là một thần tượng đáng để ngưỡng mộ. Ai ngờ ... anh đã có gia đình.

Hải Cường chống chế:

– Anh không có ý định để gạt lừa vì em đâu, chỉ vì chưa có cơ hội thích hợp để thổ lộ đó thôi.

Khánh Mai chống nạnh:

– Nếu như tôi không phát hiện ra điều đó và phu nhân của anh không đến tiệm tôi để quậy rùm beng thì anh gạt tôi cho đến bao giờ hả?

Hải Cường gật gật:

– Anh xin lỗi. Thật ra, anh không muốn làm tổn thương đến em. Nhưng anh đã yêu em rồi từ cái ngày đầu tiên ấy. Sự xuất hiện của em đã làm xáo trộn tình cảm trong anh rất nhiều.

Khánh Mai cười mỉa:

– Vậy sao!

– Anh nói thật mà, Khánh Mai. Bộ em không tin anh sao?

Khánh Mai cười nhếch môi:

– Cũng vì tôi tin anh nên tôi mới bị gạt đấy, anh không thấy sao mà còn hỏi chứ?

Hải Cường ôm đầu khổ sở:

– Trời ơi! Anh biết phải làm thế nào để cho em hiểu rõ lòng anh đây?

Khánh Mai dẩu môi:

– Anh cũng biết than van nữa sao? Anh khổ một mà tôi khổ tới mười lận.

Hải Cường chẳng biết phải nói thế nào, anh chợt nhẹ giọng:

– Khánh Mai! Anh sẽ chứng minh cho em thấy rằng tình cảm mà anh dành cho em như thế nào.

Khánh Mai vênh mặt:

– Bằng cách nào?

– Một ngày gần đây anh sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa, anh sẽ đến với em. Để em biết rằng anh yêu em đến mức nào.

Khánh Mai cười nhẹ:

– Đợi đến ngày đó rồi hẵng nói đi. Còn bây giờ, tôi có thể về được rồi chứ?

Hải Cường đề nghị:

– Chúng ta có thể đi ăn tối được không?

– Không nên đâu. Sự có mặt của tôi ở đây cũng quá đủ rồi.

Hải Cường cười nhẹ:

– Em nói thế thì để anh đưa em về.

Khánh Mai dứt khoát:

– Thôi khỏi. Tự tôi có thể về một mình được mà. Không cần anh phải bận tâm về tôi, không khéo lại có sự dị nghị thì không hay.

– Em ... em ...

– Bye nha!

Nói vừa dứt câu, Khánh Mai sải bước dẫn xe chạy vù ra khỏi quán kem “Hồng Ký”. Hải Cường ngơ ngẩn nhìn theo buồn khó tả.

Buổi sáng, trời trong xanh những tia nắng ấm áp xua đi không khí lạnh của mùa đông. Thấm thoát mà Bảo Ngọc đi lên thành phố cũng một thời gian rồi.

Thời gian sao mà trôi nhanh đến thế. Tiếng của nhỏ Như Quỳnh oang oang:

– Khánh Mai! Mày xem ai gọi điện thoại kìa.

Khánh Mai đang ngả người trên ghế, cô nhổm người dậy hỏi:

– Điện thoại mày để ở đâu vậy Quỳnh?

Như Quỳnh buông gọn:

– Trên kệ đó.

Khánh Mai đáp khẽ:

– Ừ, tao thấy rồi.

Như Quỳnh hỏi nhanh:

– Ai gọi vậy hả?

Khánh Mai reo lên vui vẻ:

– A! Nhỏ Bảo Ngọc!

Như Quỳnh cũng vui mừng không kém:

– Hả! Là Bảo Ngọc à? Mau đưa tao nghe!

Khánh Mai giận dỗi:

– Nè bà! Tôi không có giành nghe của bà đâu.

Như Quỳnh cười khẽ:

– Xời! Làm gì dễ giận dữ vậy?

Tôi đâu dám giận hờn ai chứ. Nghe đi, xem nó nói gì!

– Alô! Như Quỳnh nghe đây.

Đầu máy bên kia Bảo Ngọc cất giọng:

– Như Quỳnh? Là mi đó sao? Lúc này mi và nhỏ Mai vẫn khỏe chứ?

Như Quỳnh cười khúc khích:

– Vẫn mạnh khỏe và bình an vô sự không cần phải lo. Còn mày thế nào?

– Mình vẫn khỏe.

Như Quỳnh vờ trách móc:

– Lên trên ấy bộ có anh chàng công tử nào hốt hồn mà sao dạo này ít liên lạc với tụi tao quá vậy?

Bảo Ngọc nhẹ giọng:

– Làm gì có chứ. Tại quá bận rộn với công việc nên không có thời gian đấy thôi.

Như Quỳnh dài giọng:

– Chứ không phải ở trên ấy vui vẻ quá nên mày quên ở dướí quê này rồi sao?

– Mi cứ móc ngoéo ta hoài. Làm gì mà Bảo Ngọc này lại quên hai người bạn chí thân cho được.

Như Quỳnh ậm ừ:

– Không phải thì thôi. Mà dạo này sao rồi?

– Sao là sao hả?

Như Quỳnh gắt:

– Mày hỏi sao nghe kỳ lạ quá vậy? Bộ mày không hiểu tao muốn hỏi gì sao?

Bảo Ngọc cười giòn:

– Vậy mi muốn hỏi gì nào?

– Học hành tới đâu rồi? Với lại, ở trên đó chắc cũng quen rồi hén?

Bảo Ngọc chậm rãi:

– Lúc đầu mới lên cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng bây giờ cũng quen rồi. Mọi người ở đây ai cũng tốt với mình hết, nhất là cô chủ Kim Khánh của mình thương yêu và lo lắng cho mình lắm.

Như Quỳnh xuýt xoa:

– Số mày là vậy mà, đi đến đâu cũng được nhiều người yêu mến. Nhưng dù sao thì cũng phải biết giữ mình có biết không?

– OK!

Như Quỳnh ngạc nhiên:

– Trời đất! Bữa nay lại xài tiếng Anh với tôi nữa há. Tao nhớ không lầm mày rất ghét mấy cái tiếng nói đó sao?

Bảo Ngọc vui vẻ đáp lời:

– Lúc trước khác, còn bây giờ thì khác chứ, đâu phải lúc nào cũng cứng nhắc như vậy.

Như Quỳnh tán thành:

– Hiểu được như thế thì cũng tốt. Rõ là “đi một ngày đàng học một sàng khôn” há.

– Chứ sao? Mình phải biết “ăn theo thuở, ở theo thời” chứ.

Như Quỳnh sửng sốt:

– Tao rất bất ngờ về mày đó Bảo Ngọc ạ. Một sự tiến bộ vượt bậc.

– Còn rất nhiều chuyện bất ngờ lắm đấy.

– Vậy sao? Đại khái là chuyện gì hả?

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Mi có biết không, nhờ lên trên này mà mình được làm quen với rất nhiều nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng.

Như Quỳnh cũng thích thú reo lên:

– Thật vậy sao? Sướng quá ta.

Bảo Ngọc gắt giọng:

– Mi làm như mình thích nói dối lắm sao? Thật lên trên này rồi mình mới nhận thấy một điều.

Như Quỳnh giục:

– Là chuyện gì hả?

Bảo Ngọc ngập ngừng:

– Thì ... thì ... mình muốn nói đến nghề nghiệp của mình đó.

– Có vấn đề gì hả?

Bảo Ngọc cất giọng êm dịu:

– Không có gì. Nhưng so với họ, rõ là mình chẳng ra gì cả.

– Sao mày lại tự hạ thấp mình như thế chứ? Thật ra, mày nói vậy là sao hả?

Bảo Ngọc nhẹ giọng:

– Ở dưới quê mình kêu căng ngạo mạn tự cho mình là tài giỏi. Không ngờ so với họ, mình cảm thấy thua kém họ quá xa.

Như Quỳnh lo lắng hỏi:

– Vậy mày đã học ở đó rất nhiều rồi phải vậy không?

Bảo Ngọc đáp lời cô:

– Đúng vậy. Không những thế mà mình còn đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm cho riêng mình đấy.

Như Quỳnh cười nhẹ:

– Vậy là chuyến đi lần này quả là một quyết định chính xác phải vậy không?

– Đúng rồi. Nhưng rất lấy làm tiếc ...

Như Quỳnh hỏi dồn:

– Mày lại tiếc rẻ chuyện gì?

Bảo Ngọc nhỏ giọng:

– Điều mình thấy tiếc là tại sao mình không quyết định đi học sớm hơn. Cứ ru rú ở dưới, thử hỏi không biết đến chừng nào mới nổi danh.

Như Quỳnh quát:

– Thôi, đừng tham vọng quá đấy cô bé.

Chợt Bảo Ngọc kêu lên:

– Ơ ... mải nói chuyện với mi mà ta quên. Khánh Mai sao rồi? Nhỏ với ông Cường còn qua lại hay không vậy?

– Nó đang đứng kế bên tao nè. Mày nói chuyện với nó đi, sẽ rõ thôi chứ gì.

– Khánh Mai vẫn khỏe chứ?

Khánh Mai cười mỉa:

– Tao tưởng mày cứ mải mê nói chuyện với nhỏ Quỳnh mà quên tao rồi chứ.

Bảo Ngọc dịu giọng:

– Xin lỗi. Làm gì có chuyện quên bạn hả? Lúc này ông Cường còn làm phiền đến bạn nữa không?

Khánh Mai lắp bắp:

– Ơ ... không! Chỉ thỉnh thoảng anh ấy có gọi điện cho tao.

Bảo Ngọc nhẹ cất giọng:

– Mình rất tôn trọng quyền riêng tư của bạn, không muốn xen vào chuyện tình cảm của bạn với ông Cường. Nhưng bạn hãy nhớ đừng để người đàn ông đó lợi dụng bạn nữa nhé.

– Tao rất cảm ơn sự quan tâm lo lắng của mày, tao biết là tao sẽ làm gì và không làm gì mà.

– Nếu được vậy thì mình an tâm rồi.

– Mày định chừng nào về đây? Khách cứ nhắc đến mày mãi.

Bảo Ngọc trầm giọng:

– Chắc là khoảng một thời gian nữa quá.

– Thôi được rồi, nói lâu quá, tốn tiền điện thoại lắm đấy. Cúp máy nha.

– Có dịp về dưới chúng ta sẽ tâm sự nhiều hơn. Chào nhé!

– Được, bye!

Buổi trưa, viện tóc “Kim Khánh” khách ra vào rất đông. Các cô thợ trẻ đẹp và kể cả cô chủ Kim Khánh làm việc rất cực lực. Bảo Ngọc là người được lòng cô chủ và tất cả mọi người bởi cô làm việc rất siêng năng lại có đôi tay khéo léo, còn trên môi luôn nở một nụ cười thật tươi.

Tiếng của cô chủ Kim Khánh cất lên dõng dạc:

– Các em! Cố gắng làm việc cho tốt nhé, sắp tới đây công ty dầu gội và thuốc nhuộm tóc sẽ tài trợ một suất Thái Lan để tu học một khóa cấp tóc về tạo mẫu tóc đấy.

Hạ Vy cô bé có chiếc răng khểnh rất duyên nhanh nhảu:

– Thiệt hả chị Khánh?

– OK!

Hạ Vy reo vui:

– Ô hay! Như vậy chúng ta sẽ có hy vọng sang Thái Lan rồi.

Bảo Ngọc đứng gần đấy cũng chen vào:

– Kỳ này chị Vy đừng để lỡ cơ hội nha. Lâu lâu mới có dịp như thế này, nhưng em thật không dám mơ.

Kim Khánh tròn mắt ngạc nhiên:

– Sao vậy cô bé?

Bảo Ngọc khiêm tốn đáp lời:

– Chị biết mà còn hỏi em nữa hả?

Khánh Mai ngẩn người nhìn Bảo Ngọc, nhẹ giọng:

– Sao em lại nói thế? Chị đã biết chuyện gì cơ?

Bảo Ngọc cười nhẹ:

– Em chỉ là lính mới thôi, làm gì có cơ hội như mấy chị ở đây chứ?

Kim Khánh cười hiền:

– Thì ra là em lo ngại chuyện này sao?

Bảo Ngọc gật gù:

– Dạ, đúng vậy.

Kim Khánh chép miệng cất giọng:

– Thật tội nghiệp cho em gái của tôi không. Em đã lo nghĩ sai rồi đấy.

Bảo Ngọc trố mắt nhìn Kim Khánh ngạc nhiên:

– Chị nói sao? Em đã nghĩ sai ư? Vậy nghĩa là sao hả chị?

Kim Khánh trầm giọng:

– Tất cả các em ở đây đều có cơ hội cả. Đây là dịp để các em chứng tỏ thực lực và tài khéo léo của mình trên mỗi mẫu tóc.

Bảo Ngọc nhoẻn miệng cười tươi:

– Vậy hả chị?

Kim Khánh gật nhẹ đầu:

– Còn phải hỏi! Được chọn hay không thì không phải do chị quyết định, mà người ta định đoạt cả.

Hạ Vy chen vô cất giọng:

– Chị Khánh nói đúng rồi đó Bảo Ngọc, em cũng phải cố gắng đó nghen.

– Dạ, cám ơn chị.

Kim Khánh cười nhỏ:

– Các em phải cố gắng đừng bỏ lỡ cơ hội này đó nha. Nếu như được chọn các em sẽ có cơ hội gặp được rất nhiều nhà tạo mẫu tóc tài hoa ở Thái Lan đấy.

Hạ Vy cười mỉm:

– Tốt quá! Đây là dịp để nâng cao tay nghề của mình.

Bảo Ngọc tán thành góp lời:

– Em cũng nghĩ như chị vậy đó.

– Nhưng các em phải thể hiện hết mình đấy vì họ là những chuyên gia về tóc hàng đầu.

Bảo Ngọc nhíu mày:

– Chắc là khó khăn lắm hả chị Khánh?

Kim Khánh vừa cắt tóc, miệng cô trả lời Bảo Ngọc:

– Cũng không hẳn như vậy. Họ có một cách nhìn rất khác mình, các em cứ thể hiện mẫu tóc của mình trình bày một cách tự nhiên đừng quá đặt nặng vấn đề.

Hạ Vy chép miệng:

– Chừng nào mới đến ngày đó vậy chị Khánh?

– Khoảng một tuần nữa em à.

– Vậy sao? Em nôn quá đi.

Kim Khánh cười nhẹ:

– Bao nhiêu đó thời gian cũng đủ để các em sửa đổi những khuyết điểm của mình rồi. Nhất là Bảo Ngọc đó.

Bảo Ngọc sững người hỏi nhanh:

– Em sao hả chị?

Kim Khánh ân cần nhẹ giọng:

– Em còn một khuyết điểm cần phải khắc phục ngay.

Bảo Ngọc hỏi dồn:

– Là khuyết điểm gì vậy chị? Nhờ chị chỉ giúp giùm để em sửa đổi lại.

Kim Khánh cười khì:

– Tốt. Nhưng đừng quá lo lắng, chỉ là một lỗi nhỏ thôi.

– Nhưng là việc gì mới được chứ? Nói nhanh đi chị.

– Em không tự nhận ra điều đó sao Ngọc?

Bảo Ngọc nhăn trán suy nghĩ nhưng không tài nào hiểu được. Cô nài nỉ:

– Chị Khánh! Nhất thời em nhận không ra. Thật ra, thực hư là ở chỗ nào kia chứ?

– Thật sự không biết hả?

– Dạ, không.

Kim Khánh nhẹ giọng:

– Tài khéo léo của em thì không còn chê vào đâu được chỉ ngặt nỗi vấn đề thời gian.

Bảo Ngọc ngưng vội tay kéo quay sang chị Kim Khánh ngớ ngẩn:

– Thời gian? Đúng rồi em thực hiện quá lâu phải không chị?

Kim Khánh gật gù:

– Chính xác. Nếu em cải thiện được vấn đề này thì cơ hội của em cũng không thua kém gì các bạn ở đây đấy cô bé ạ.

Bảo Ngọc cười khẽ:

– Vậy sao em lại không nhận ra điều này chứ?

Hạ Vy chen vô phụng phịu:

– Em hổng biết đâu, chị Khánh thiên vị, em hổng chịu đâu.

– Kìa Hạ Vy! Em làm sao vậy hả? Tại sao lại giận dỗi trẻ con như thế chứ?

Hạ Vy giận dỗi:

– Chị thiên vị .... chị chỉ cho nhỏ Ngọc mà chị hổng chỉ cho em.

Kim Khánh vờ trách:

– Em là đàn chị của Bảo Ngọc kia mà. Vả lại với em, chị nhận thấy ...

– Sao hả chị?

– Hoàn hảo quá rồi, còn gì mà phải cần góp ý nữa chứ cô bé dỗi hờn.

Hạ Vy thẹn đỏ cả hai gò má:

– Chị lại ghẹo em nữa.

Kim Khánh cuời xòa:

– Nhìn em kìa? Giống y như trẻ con không bằng. Bộ không tin những lời chị vừa góp ý cho em sao?

Hạ Vy dịu giọng:

– Chị nói thật hả?

Kim Khánh liếc xéo cô:

– Tôi đã nói dối với cô bao giờ chưa hả cô nương?

Hạ Vy lắp bắp:

– Em ... em ...

– Em sao?

– Em cảm ơn chị đấy.

Kim Khánh cười giòn:

– Không cần cảm ơn chị sớm thế đâu, cố gắng thể hiện để được chọn đi Thái Lan mới là quan trọng.

Hạ Vy cũng cười theo:

– Em sẽ cố gắng hết mình.

– Với em khi thể hiện phải thật sự bình tĩnh, bởi vì yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với một người thợ cắt tóc như chúng ta đấy.

– Dạ, em hiểu rồi.

– Phải thật sự để hết tâm quyết vào tác phẩm của mình đó, biết không?

Hạ Vy cất giọng:

– Yes, madam!

– Chị đặt rất nhiều hy vọng ở em và Bảo Ngọc đấy.

Hạ Vy thốt lời chắc nịch:

– Em sẽ không làm cho chị thất vọng đâu.

– Được vậy thì OK.

Bảo Ngọc thật sự hy vọng nhưng cũng thật sự lo lắng. Không biết cô có thể vượt qua mọi người để đoạt được chiếc vé sang Thái Lan hay không? Nàng phải cố gắng quyết tâm để giành cho bằng được, để chứng minh cho mọi người biết nàng không phải hư danh. Nhất là con người xấu xa đó không còn nhìn mình bằng cặp mắt khinh khi cú vọ ấy.

Sĩ Luân cưỡi chiếc môtô một trăm năm mươi phân khối lao vun vút trên đường. Ngồi trong chiếc xe du lịch đời mới, Nguyễn Khang trông thấy anh, liền hạ kiếng xe gọi lớn:

– Sĩ Luân! Sĩ Luân!

Đang chạy ngon trớn bị gọi giật, Sĩ Luân giảm ga nhìn dáo đác. Chợt phát hiện ra Nguyễn Khang, anh gắt giọng:

– Thằng quỷ! Làm gì mà gọi ầm lên vậy hả?

Nguyễn Khang ra hiệu cho tài xế dừng xe lại, Sĩ Luân cũng dừng lại bên cạnh lề hỏi nhanh:

– Có việc gì không vậy, thằng khốn?

Nguyễn Khang cằn nhằn:

– Làm gì mà mày mắng tao mãi thế? Bộ có việc gì gấp sao mà đi vội thế?

Không trả lời bạn, Sĩ Luân hỏi lại:

– Còn mày! Đi đâu mà bảnh bao vậy? Thôi, khỏi cần mày nói, tao cũng biết rồi.

Nguyễn Khang đấm nhẹ vào vai bạn:

– Xạo xự! Mày biết chuyện gì vậy?

Sĩ Luân dõng dạc cất giọng:

– Đi tán gái phải không?

Nguyễn Khang nhăn nhó:

– Trời đất! Mày nói gì vậy? Nhìn mặt tao dại gái lắm sao mày nói vậy?

– Chứ không phải sao?

Nguyễn Khang dứt khoát đáp lời:

– Đương nhiên là không phải rồi.

Sĩ Luân ngạc nhiên hỏi:

– Vậy mày định đi đâu nào?

Nguyễn Khang đáp gọn:

– Tìm mày đấy.

Sĩ Luân thảng thốt kêu lên:

– Trời ạ! Tôi không nghe lầm chứ? Tại sao lại tìm tao?

Nguyễn Khang vỗ vào vai bạn đáp lời:

– Tao nói thật đấy. Mày rảnh không?

– Chi vậy?

Nguyễn Khang cười khẽ, anh chợt đề nghị:

– Đi nhậu với tao chứ chi nữa.

Sĩ Luân ngớ người:

– Mày nói thật chứ? Sao bữa nay rảnh vậy?

– Đừng nhiều lời dài dòng, có rảnh hay không trả lời mau đi.

Sĩ Luân gấp giọng:

– Rảnh ... nhưng ...

– Nhưng nhị gì nữa đây ông tướng?

Sĩ Luân chỉ chiếc môtô của mình cất giọng:

– Con ngựa sắt của tao để đâu?

Ký nhẹ lên đầu Sĩ Luân một cái, Khang nói tỉnh bơ:

– Chuyện đơn giản vậy mà cũng không biết xử lý nữa sao?

Sĩ Luân đơ người:

– Ý mày muốn nói ...

– Không hiểu nữa hả?

Sĩ Luân ngớ ngẩn:

– Không.

Nguyễn Khang trầm giọng:

– Mày hãy nhanh dẫn xe vào gởi ở bãi giữ xe trước mặt kìa, rồi lên xe tao với mày đi lai rai. Nhanh lên!

Như chợt hiểu ra, Sĩ Luân lí nhí:

– Ừ hén ... vậy mà cũng không hiểu. Đúng là chậm tiêu quá đi.

Nguyễn Khang cười trêu:

– Bởi vậy nói mày sinh nhằm ngày ba mươi cũng chẳng sai.

– Là sao?

– Không hiểu nữa hả?

– Ý mày nói tao tối thui như đêm ba mươi chứ gì?

Nguyễn Khang cười sặc sụa:

– Mới thấy mày thông minh ra đấy. Thôi, nhanh đi ông tướng.

Sĩ Luân vừa đi vừa lẩm bẩm:

– Làm gì gấp gáp dữ vậy, ăn nhậu thôi mà.

– Mau lên xe.

Khi đã yên vị trong xe, Sĩ Luân quay sang Nguyễn Khang dò xét:

– Tao thấy mày bữa nay lạ lắm nghen.

– Lạ là sao?

Sĩ Luân chậm rãi:

– Sao tự dưng có lòng tốt mời tao đi nhậu vậy?

Nguyễn Khang nhẹ giọng:

– Bởi vì trước khi đi, tao muốn lai rai với mày vài ve chứ có gì là lạ đâu hở?

Sĩ Luân tròn mắt ngạc nhiên cất tiếng hỏi:

– Đi? Nhưng mày định đi đâu vậy Khang?

Nguyễn Khang đáp gọn:

– Thái Lan!

Sĩ Luân trố mắt:

– Đi Thái Lan? Mà có việc gì phải đi sang bên đó chứ?

Nguyễn Khang trầm giọng:

– Tao vừa nhận được lời mời nên ngày mai phải lên đường thôi. Đừng bàn việc này nữa, để lát nữa sẽ nói tiếp. Bây giờ đi đâu nhậu đây Luân?

Sĩ Luân nhíu mày:

– Ờ, đúng rồi. Đến quán “Mây Chiều” đi. Ở đó thức ăn vừa ngon lại được nhiều tiếp viên như người mẫu phục vụ rất chu đáo. Mày thấy thế nào? Đồng ý chưa?

– OK!

– Ê, đến rồi! Bảo tài xế dừng lại đi Khang.

Chiếc xe du lịch dừng hẳn lại trước quán “Mây Chiều”. Cả hai bước xuống đi ngay vào trong. Bà Dạ Lý với chiếc đầm cũn cỡn trông thấy hai anh bước ra vồn vã:

– Chào quý khách! Xin mời vào trong!

Chỉ mới khoảng năm giờ chiều nhưng quán đã chật kín khách. Sau khi khách đã yên vị ở chiếc bàn được đặt khuất sau chậu hoa giấy với cái gốc rất to và nở đầy hoa đỏ rực, bà Dạ Lý cất giọng đon đả:

– Mấy anh dùng chi ạ? Rượu hay bia?

Nguyễn Khang nhỏ giọng:

– Cho tôi một chai Martel và Hennessy ướp lạnh, với một vài món nhấm thật ngon nhé.

Bà Dạ Lý õng ẹo:

– OK! Có ngay. Anh đúng là sành điệu.

– Không cần bà phải thế đâu. Nhanh lên!

Bà Dạ Lý đáp khẽ:

– Dạ, quý khách không phải đợi lâu. Sẽ có ngay.

Nguyễn Khang gật gù:

– Good. Thanks!

Bà Dạ Lý ngoe nguẩy rời khỏi sang các bàn khác, Sĩ Luân quay sang hỏi khẽ:

– Có tao với mày mà gọi chi nhiều vậy?

– Có gì đâu. Chuyện nhỏ thôi mà. Quán này cũng đông khách quá hả? Các cô tiếp viên trong bộ đồ bà ba đồng phục nhìn cũng hay hay đấy chứ.

– Dạ, mời hai anh dùng tự nhiên nha. Có gì cần cứ nhấn nút này em sẽ có mặt ngay.

Rõ là rất hiện đại, nãy giờ anh cũng không hề để ý phía bên hông chiếc bàn có cái nút màu đỏ. Thức ăn và bia rượu được bày ra đầy cả bàn.

Nguyễn Khang giục:

– Lần này! Rót rượu ra đi chứ. Bữa nay không say không về đó nghen ông tướng.

Sĩ Luân cười nhẹ, rót đầy hai ly rượn anh cất giọng trêu bạn:

– Bữa nay sung dữ hén. Nào! Nâng ly lên, một trăm phần trăm luôn nhá!

Nguyễn Khang tán thành:

– OK! Chuyện nhỏ! Dzô!

– Chuyến này mày định đi Thái Lan bao lâu?

Nguyễn Khang khui một lon bia uống một hơi, đáp lời:

– Chưa biết được.

– Dzô!

Tiếng khui bia, tiếng cụng ly liên tục một lúc, cả hai đã ngà ngà say. Nguyễn Khang lè nhè:

– Uống nữa đi, không say không về.

– Chúng ta ngừng cuộc chơi được rồi đấy. Tao thấy mệt rồi.

Nguyễn Khang tức khí:

– Sao bữa nay yếu đô vậy? Chắc là mày chừa sức về đi chơi với người yêu phải không?

– Làm gì có chuyện ấy chứ? Chúng ta về thôi, uống say quá không hay đâu.

Nguyễn Khang vùng vằng:

– Về thì về, mày thiệt.

Thanh toán tiền xong, cả hai rời khỏi quán. Nguyễn Khang ngả người ra sau ghế trong xe. Trong lòng anh chợt nhớ đến Bảo Ngọc, cô gái rất cá tính và cũng rất đáng yêu.