Chương 1
Năm 12 tuổi tôi theo gia đình sang định cư tại Mỹ ở thành phố Portland, tiểu bang Oregon. Còn nhớ thời gian đó tuy đã 12 tuổi nhưng tôi rất ngây thơ, tâm hồn trong trắng chưa biết gì về chuyện đời. Con gái 12 tuổi ở Việt Nam đồng trang lứa với tôi thường giỏi về mọi mặt, nào là nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc đàn em, chợ búa, v.v. Riêng tôi không phải là tiểu thơ con nhà giàu, nhưng sự thực được may mắn sinh ra trong gia đình cũng gọi là đầy đủ khả năng cho sinh hoạt đời thường nên tôi chẳng phải làm gì động đến tay chân. Gia đình tôi sống với bà ngoại gồm có ba mẹ, và bốn chị em gái chúng tôi. Vậy là chỉ có duy nhất một người đàn ông trong nhà đó là ba. Tôi sinh ra đời khi ba tôi được thả về từ trại tù cải tạo, vì vậy tuổi tác của tôi so với các chị có một khoảng cách thật dài. Năm tôi 12 tuổi thì chị lớn tên Tường Vân năm ấy đã 25 tuổi, lập gia đình và có hai con, một trai một gái. Chị thứ hai tên Tường Lan 23 tuổi đang làm thợ may cho một tiệm quần áo thời trang trong thành phố. Chị Tường Mai là chị thứ ba cũng cách hai năm với chị Lan ở tuổi 21, sau khi tốt nghiệp cấp ba thì đi buôn bán ở chợ Tân Bình với mẹ tôi. Thế là còn lại cô con gái út, Tường Vi, bé bỏng nhất nhà là tôi đây. Ký ức về tuổi thơ của tôi ở Việt Nam rất đơn giản và ngây thơ một cách hồn nhiên. Cho đến bây giờ tôi có thể khẳng định rằng suốt 12 năm ở Việt Nam là khoảng thời gian duy nhất tôi không hề biết buồn, không hề biết cô đơn, không biết đến tình yêu, và không hề quan tâm đến chuyện đời ngoài sự vui đùa và học hành. Tuy sinh ra là con gái, nhưng ít nhiều tôi cũng biết cả nhà thầm mong tôi là con trai. Gia đình tôi theo đạo Công Giáo được truyền xuống từ tổ tiên đến đời tôi là thứ sáu. Mẹ tôi kể rằng lúc có mang tôi trong bụng, mẹ thường ngày đêm cầu nguyện lời này: "Lạy Đức Mẹ Maria, xin Mẹ ban cho con sanh đứa con này được khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Sau khi sanh nó ra rồi, dù là con trai hay con gái, xin Mẹ gìn giữ và ban phước cho con đừng mang thai nữa." Và đúng theo lời nguyện của mẹ tôi, sau khi sanh tôi ra rồi, dù lại là con gái, nhưng sau đó mẹ tôi không hề cấn thai lại, mặc dù so với tuổi tác thì hồi đó ba mẹ tôi còn trẻ và khả năng sinh con không có gì khó khăn. Điều này khiến mẹ tôi tin Đức Mẹ Maria và cảm mến Ngài nhiều lắm. Riêng ba tôi thì chẳng biết lúc đầu có thất vọng hay không khi nhìn thấy tôi, nhưng suốt thời gian thơ ấu ba lại là người thân nhất của tôi hơn cả mẹ. Sau khi được về nhà từ trại tù cải tạo thì ba liền mở một tiệm bán tạp dịch cho làng xóm ngay trong sân nhà. Từ lúc tôi bắt đầu hiểu chuyện thì mẹ tôi đã lăn lộn buôn bán ngoài chợ đời nên không thường có mặt ở nhà. Sáng sớm mẹ đã dậy đi bán khi tôi còn mê ngủ. Khuya mẹ về thì tôi lại sắp sửa chuẩn bị đi ngủ nên tình mẹ đối với tôi lúc đó là một cái gì xa xăm... có nhưng lại không thực. Ba tôi dành nhiều thời gian chăm sóc cho tôi nhất vì lẽ ông đã không có cơ hội chăm sóc cho các chị tôi thời xưa khi ông đi lính. Được ba dồn tất cả tình thương vào mình, tôi thật chẳng còn thiết đến tình mẹ. Ba dạy tôi học hành, đọc chữ, và tôi nhớ nhất là những lúc ông cõng tôi trên vai đi dạo khắp xóm. Hai cha con tôi cùng tuổi Gà, cách nhau ba con giáp nên ba thường gọi tôi là "con gà con", còn ba là "con gà lớn". Khi con gà lớn cõng con gà con đi chơi thì trong lòng tôi bao giờ cũng nở rộ niềm kiêu hãnh và hạnh phúc. Sự thật thì ba tôi là người đóng vai trò lớn nhất trong suốt cuộc đời của tôi, mặc dù ông không hề biết đến điều này. Thời gian chuẩn bị đi Mỹ gia đình tôi ai cũng hồi hộp và lo lắng, riêng tôi thì vẫn vui đùa chẳng hề coi đó là chuyện quan trọng. Trong đầu óc đơn giản của tôi lúc đó chỉ cho rằng chuyện đi Mỹ như là một chuyến du lịch, chứ nào biết rằng đó lại là một cuộc đổi đời của tất cả mọi người di cư. Một buổi chiều vừa học bài xong tôi liền xuống nhà sau tìm ba. Thấy ông đang cầm sách tiếng Anh lẩm nhẩm đọc những câu đối thoại phát buồn cười. Tôi chạy lại gần ba nhõng nhẽo. – Ba ơi, ba dạy cho con tiếng Anh đi. Ba tôi nghe vậy liền cười xòa bỏ sách xuống, dơ tay xoa đầu tóc tôi bù xù, ngắn ngủn như một thằng con trai rồi đáp. – Mai mốt qua Mỹ con sẽ được học mà. Tôi cười rồi thắc mắc hỏi những điều mà bấy lâu tôi chưa có dịp hỏi ba. – Ba à, nhà mình sắp đi Mỹ là đi đâu vậy ba? Ông lôi ra từ trong đống sách vở một tấm bản đồ thế giới rồi mở rộng dưới đất, chỉ tay vào vùng đất Mỹ cho tôi thấy. – Là chỗ này đó con. Còn mình ở Việt Nam là ở chỗ này, cách nhau cả một biển Thái Bình Dương. Xa lắm đó con. Nhìn trong bản đồ thì tôi thấy hai mảnh đất đó thật là gần lắm, ở giữa là vùng biển tô màu xanh cũng chẳng rộng là bao nhiêu nên ý nghĩ xa xôi không đến trong đầu tôi. Tuy vậy tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối những gì ba đã nói. Đối với tôi lúc đó ba mãi là một thần tượng duy nhất biết hết mọi việc trên đời. Tôi lại dò hỏi. – Rồi mình sẽ ở tiểu bang nào vậy ba? – Mình sẽ đến ở Oregon. Lần đầu tiên nghe cái tiếng "Oregon" xa lạ tôi không hiểu. – Oregon là ở đâu vậy ba? – Là tiểu bang nằm ngay trên Cali nè con. Ông vừa nói lại vừa chỉ tay vào bản đồ trên một hình chữ nhật nhỏ. Tiếng "Cali" thì tôi đã biết vì lúc đó phong trào di cư sang Mỹ thật rầm rộ khắp Saigon nên ai cũng nhắc đến tiểu bang Cali. Tôi lại thêm nhiều câu hỏi thắc mắc. – Tại sao mình không ở Cali mà lại ở Oregon vậy ba? – À, tại vì gia đình bác Khúc ở bang Oregon nên bảo trợ cho mình sang đó. – Gia đình bác Khúc là ai vậy ba? – Bác gái Khúc là bạn thân của mẹ con bán ở chợ. – Ồ, vậy sao bác Khúc không ở Cali? Ba tôi vừa buồn cười với sự ngây thơ của tôi lại vừa không biết trả lời làm sao cho tôi hiểu nên ông nói lơ đi. – Mai mốt con qua gặp bác rồi con tự hỏi bác ấy, chịu không? Thôi ra ngoài chơi đi con để ba học tiếp. Nghe vậy tôi vâng lời "dạ" một tiếng rồi phóng nhanh ra ngoài. Tuy vẫn còn thắc mắc trong bụng nhưng tôi mặc kệ, mai mốt gặp bác Khúc thì hỏi sau có sao đâu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết về bác Khúc, một người mà trước giờ tôi chưa hề gặp mặt hay nghe ai trong nhà nhắc đến.