Năm ấy chúng tôi cùng học chung lớp 9. Mai giỏi văn, còn tôi giỏi đá banh bàn. Mai đã đứng nhất trường trong một kỳ thi văn có cả anh chị lớp 10, 11, 12 tham dự. Còn tôi, cũng đứng nhất trường trong các cuộc thi đá banh bàn với các anh lớp trên. Chúng tôi thân nhau không phải vì hai người đều "nhất". (Hai người nhất như hai đường tàu chạy song song biết đến bao giờ mới gặp nhau). Chúng tôi thân nhau vì gặp gỡ thường xuyên.
Mỗi ngày ngoài 4 giờ học chung trong lớp, tôi thường gặp Mai ở nhà của bạn ấy. Nhà Mai có cho thuê những bàn đá banh "ngon" nhất phố. Đấy là lý do khiến tôi thường đến nhà Mai.
Một buổi chiều, không có đồng xu dính túi, tôi vẫn đến nhà Mai. Một phần vì "ghiền" xem đá banh bàn, một phần nghĩ sẽ "câu độ" em nào dại dột mời tôi thi đấu.
Mai ngồi ở trước chiếc bàn có để hộp đựng giơ tông ở trước mặt. Tóc Mai kết thành hai bím, cột nơ màu tím nhạt. Mai đang cúi đầu lẩm bẩm học bài. Trong phòng vắng người. Bốn bàn đá banh chưa có khách đến chơi. Tôi đến nắm một cây sắt có gắn hình những cầu thủ bằng gỗ, giựt manh. Mai ngẩng đầu nhìn :
- Trịnh không ở nhà ôn bài? Sáng mai thi rồi !
Tôi giật một cây sắt cho cầu thủ đá một trái banh tưởng tượng rồi trả lời.
- Sáng mai thi, tối học cũng kịp.
- Trịnh học kiểu đó coi chừng ở lại lớp.
- Không lên lớp năm này sang năm lên, học cũng từng ấy bài. Có thiếu bài nào đâu mà lo !
- Trịnh đừng nói bướng. Ở lại một năm rồi sẽ ân hận.
Vừa lúc đó có một anh học lớp 12 cùng trường với tôi bước vào. Anh đến bên Mai nói nhỏ gì đó và Mai hét lên :
- Tôi không quen anh. Anh đi đi cho tôi học.
Anh học sinh đỏ mặt nói :
- Cô bé chăm chỉ quá nhỉ. Nhưng anh đến đá banh bàn được chứ ?
Rồi anh lấy tay ngoắc ngoắc tôi.
- Em đá với anh một bàn cho vui.
- Không anh em gì cả. Đá đồng chịu không ?
- Cậu khá lắm. Đá một chầu cà phê đá, chịu không ?
- Không. Ai thua người đó ra khỏi quán.
Anh học sinh cười :
- Anh cũng đang mong vậy.
Tôi đến lấy một đồng giơ tông thảy vào hộp đựng banh, giựt mạnh. Chín trái banh gỗ lăn ra. Tôi đặt một trái ở vòng tròn đỏ giữa mặt bàn màu xanh và bắt đầu giao bóng. Chúng tôi thi đấu rất căng thẳng. Không ai còn để ý đến Mai. Kết qua? 3-6. Dĩ nhiên phần thắng nghiêng về tôi. Anh học sinh lững thững bước ra khỏi quán. Tôi đến chỗ Mai ngồi khẽ nói :
- Cho tôi thiếu một đồng giơ tông.
- Mai tặng Trịnh đó. Mai chỉ sợ Trịnh thua và hắn sẽ ở lại đây. Đợi Mai pha đá chanh uống nghe.
- Thôi cám ơn. Tôi về để Mai học thi.
- Nhớ thứ năm đến dự sinh nhật Mai.
Buổi tối tôi đang ngồi ôn bài, bác tôi đến chơi. Ông vỗ đầu tôi khen chăm học và hỏi :
- Lớn lên cháu muốn làm gì ?
Tôi phân vân vì câu hỏi đột ngột. Ba tôi nhắc khéo :
- Con muốn làm bác sĩ hay kỹ sư ?
Rồi mẹ tôi nhắc khéo :
- Hay con muốn làm giáo sư ?
Tôi buột miệng đáp :
- Con muốn làm chủ tiệm cho thuê đá banh bàn và có bạn Mai ngồi bán giơ tông.
Ba tôi thở dài, má tôi thở dài và bác tôi cũng thở dài :
- Hoài bão của cháu bé nhỏ và tầm thường quá. Đời cháu rồi sẽ khổ.
Đến ngày sinh nhật Mai, mấy đứa bạn trong lớp đều lo mua quà tặng. Đứa mua cây viết máy, đứa mua hộp bánh bích qui, đứa mua tấm ván thông có khắc hình cây nến... Tôi chẳng biết mua tặng Mai quà gì đặc biệt. Tôi nhớ đã học lén một quyển tiểu thuyết của chị Hai trong đó tả đôi trai gái đã tặng nhau trái trim của họ (chứ không phải của người khác). Tôi cũng muốn tặng Mai trái tim của tôi. Nhưng nếu tặng Mái trái tim của tôi thì làm sao tôi còn sống được ? Tôi đem thắc mắc ấy hỏi chị Hai. Chị cú đầu tôi đau điếng và nói :
- Mày ngu lắm. Đấy là người ta nói theo nghĩa bóng. Chứ ai ngu gì tặng người khác trái tim thật của mình.
Tôi không đủ thông minh để hiểu nghĩa bóng. Tôi chỉ hiểu nghĩa đen. Vì vậy tôi đã giết con gà mái tơ của tôi, lấy trái tim gà luộc chín bỏ vào hộp gói giấy bóng đỏ, đem đến tặng Mai.
Trong buổi tiệc sinh nhật vui vẻ đó, khi mở hộp quà của tôi. Mai đã hét to lên. Không biết bạn ấy quá sung sướng hay sợ hãi. Riêng tôi phải chạy ra khỏi nhà vì hai lỗ tai bị lùng bùng nhức buốt.
Cuối năm học, Mai thi đậu lên lớp 10. Tôi thi rớt vì hai lỗ tai lùng bùng đã nghe sai những lời thầy dạy. Con gái 15 đúng là khôn hơn con trai cùng tuổi. Ở lại lớp một năm, tôi đã phải ân hận. Tôi không đuổi kịp Mai trên đường học vấn cũng như trên đường đời. Bạn ấy luôn luôn đi trước tôi một năm.
Bây giờ tôi đã hai lần tuổi 15. Bác tôi đã chết. Tôi không thể gặp ông để cùng góp tiếng thở dài.
- Hoài bão cháu nhỏ bé vậy mà cháu chỉ thực hiện được một nửa. Nếu ngày xưa cháu nuôi hoài bão lớn và chỉ thực hiện được một phần trăm thì đỡ khổ vô cùng.
Vâng hiện nay tôi đã là chủ tiệm cho thuê một bàn đá banh để cải thiện đời sống. Nhưng người ngồi bàn giơ tông không phải là Mai mà là chính tôi sau những giờ làm việc ở xí nghiệp.
Nếu bạn có thắc mắc hỏi : "Mai 15, bây giờ ở đâu?". Tôi xin thưa : Mai mãi mãi sống trong trái tim (gà) của tôi.