Năm ấy nhà vua đã gần sáu mươi tuổi. Hàng ngày, cung tần mỹ nữ vẫn được tuyển thêm. Ròng rã hơn mấy mươi năm, tháng nào hậu cung cũng có một hoàng nam hay một công chúa mới ra đời. Tính đến năm thứ hai mươi bốn trị vì, nhà vua đã có đến ba mươi tư con trai và sáu mươi chín con gái.Quỳnh Thơ là con thứ ba của Hoàng Quý Phi, lớn lên trong cung Trùng Hoa cùng với hai chị là Quỳnh Bôi, Quỳnh Tiên. Hoàng Quý Phi bị vua lãnh đạm từ lâu, ít khi được gặp vua trong nội tẩm. Ba nàng công chúa nhỏ hầu như chỉ thấy phụ hoàng từ xa, trong những ngày gia lễ, khi ngài đi thoáng qua thềm các cung viện để nghe lời chúc tụng thành khẩn từ những bà vợ bị bỏ quên của mình. Hình như Quỳnh Tiên, là trưởng nữ, đã từng được nhà vua bế lên tay một lát trong ngày chúc thọ bát tuần Thái hoàng Thái hậu. Thái hoàng Thái hậu mất đã lâu rồi và Quỳnh Tiên cũng không còn nhớ rõ kỷ niệm huy hoàng thời thơ ấu. Các nàng công chúa trong cung suốt năm chỉ mơ đến những ngày lễ Tết, ngoài những ngày vui nhộn nhịp ấy, cuộc sống lại tĩnh mịch, ngày nào cũng như ngày nào. Các phu nhân đến hầu Hoàng Quý Phi, ngón tay trơn nhẵn vì lật qua lật về quá nhiều lần những quân bài tứ sắc, đám thị nữ từ sáng đến chiều hết hái hoa, tưới hoa lại đập rũ những chăn màn bám bụi. Thế giới của đàn bà, nhỏ nhặt, nhàm chán, và lặng lẽ.Năm Quỳnh Thơ mười hai tuổi, hoàng cung tổ chức lễ nguyên tiêu rất lớn. Những mâm bánh măng, bánh phục linh đủ màu sắc cao chất ngất. Ðèn lồng lấp lánh giăng khắp các ngọn cây trong vườn thượng uyển. Ðến giờ tý, tất cả các cuộc vui dừng lại, đèn đuốc trong nội cung tắt ngấm. Cung nga thể nữ lũ lượt mang lồng ấp sang điện Càn Thành, nơi vua ở, xin lửa.- Thưa mẹ, tại sao phải tắt lửa đi, rồi lại đi xin những mẩu than này, hở mẹ? Quỳnh Thơ hỏi.Hoàng Quý Phi vừa về đến cung, hai thị nữ theo sau mang lồng ấp đan hình chim phụng. Cả ba người kính cẩn đặt vào đấy mấy mẩu gỗ trầm, mùi hương toa? lan ấm cúng trong đêm lạnh, rồi lửa bùng lên, những ngọn đèn lại được thắp sáng.- Con biết không, đấy là tục lệ do các tiên hoàng đặt ra. Lửa là khí dương. Trong cung điện này tất cả chúng ta là đàn bà, thuộc về khí âm, chúng ta có được hơi ấm và sức sống là từ ngài ngự.Hoàng Quý Phi trả lời con với vẻ thành kính, còn Quỳnh Thơ chỉ hiểu lờ mờ lời mẹ nói. Lời giải thích của Hoàng Quý Phi đã để lại trong tâm trí nàng công chúa nhỏ những nỗi thắc mắc không thôi về mối liên hệ giữa âm và dương, giữa mặt trăng và mặt trời.Khác với Quỳnh Tiên, Quỳnh Bôi dịu dàng, ngoan ngoãn, nàng công chúa Quỳnh Thơ út luôn là mối lo lắng của Quý Phi. Theo bà, ở người con gái, trí thông minh và sự tò mò chẳng bao giờ là ưu điểm cả, nó chỉ là điềm báo những tai hoạ.Quỳnh Thơ mười ba, rồi mười bốn tuổi. Năm nào lễ nguyên tiêu cũng tới, năm nào những phiến than hồng cũng nhen nhóm ngọn lửa mong manh nơi các cung phòng, năm nào vua cũng ban hơi ấm và sự sống cho tất cả vợ con đông đúc của ngài, mà năm nào những kiếp người trong cung cấm cũng vẫn cuộc sống buồn tủi, tẻ nhạt, lạnh lẽo. Trong ngày tháng thầm lặng giữa bốn bức tường gấm, Quỳnh Thơ đã bắt đầu cảm thấy tù túng, chật hẹp. Chiều, cô bé trèo tít lên gác cao nhìn ra xa. Sau Tử Cấm Thành là Hoàng Thành, rồi đến lớp thành ngoài cùng, nơi có ngựa xe, nhà cửa, phố phường đông đúc. Rồi tới dòng sông, rồi tới núi xa xa. Mỗi ngày mặt trời đều đến đó rồi mất hút. Mặt trời đi đâu để sáng mai lại hiện ra nơi mái lầu ngọ môn rực rỡ? Quỳnh Thơ thầm tự hỏi, những câu hỏi không một ai trong cung có thể trả lời.Rồi một ngày, nhũ mẫu mách với Hoàng Quý Phi: - Chiều nào Quỳnh Thơ cũng ngồi hàng giờ nhìn về phía mặt trời lặn. Trong mắt nàng công chúa nhỏ, nhũ mẫu lo lắng nhận ra vẻ ngây dại, sững sờ và nhũ mẫu quyết chắc rằng công chúa đã bị tà ma ám ảnh. Ðiều kinh khiếp hơn nữa, nhũ mẫu hạ giọng nói nhỏ: "Một hôm công chúa đã hỏi tiện tỳ, "Vú có biết các hoàng tử thuở còn bé tí vẫn chơi với ta nhưng sau khi rời cung cấm, đã ở đâu? Vú có biết thế nào là một người đàn ông không?".Ðúng là trong nội cung chẳng có cái gì giúp người ta hình dung ra một người đàn ông. Bọn thái giám với ria mép nhẵn nhụi, dáng đi uốn éo và giọng đàn bà the thé tất nhiên không thể là một ví dụ... Vẻ bí mật và lo âu hết sức quan trọng của vú làm Quỳnh Thơ ngày càng lúng túng sợ hãi, cuối cùng thì nàng đổ bệnh thật, nằm liệt một góc giường. ° ° ° Một buổi sáng, thị nữ đỡ Quỳnh Thơ ngồi dậy, nhẹ nhàng thay xống áo cho nàng và dìu nàng ra nằm trên chiếc sập gụ lót đầy gối thêu. Trước sập, một bức màn gấm dày buông chấm đất.- Có việc gì đây, hở các em? Công chúa hỏi đám thị nữ, - tất cả các thị nữ đều lớn tuổi gấp đôi Quỳnh Thơ.- Bẩm công nương, hôm nay quan thái y đến thăm mạch.ả thị nữ vừa nói vừa quấn quanh cổ tay Quỳnh Thơ một băng lụa mỏng. "Lát nữa công nương thò tay ra khỏi màn, quan thái y chỉ cầm qua lớp lụa này mà xem bệnh tình. Công nương cứ yên tâm đừng sợ". Quỳnh Thơ mỏi mệt lắc đầu. Cơn sốt, những bức màn, những người hầu vây quanh, những dải băng quanh cổ tay làm nàng ngạt thở. "Các em hãy cho ta lên lầu, ngồi một mình nhìn dòng sông ngoài kia! Ta muốn tháo tung tất cả những thứ chán ngán này, chúng làm ta chết mất!".- Không được đâu công nương. Quan thái y là đàn ông mà, làm sao có thể cầm vào tay công nương được?- à ra thế. Một người đàn ông sẽ đến đây.Một lát sau, có tiếng chân đĩnh đạc đến sau bức màn. Những tiếng chân ấy vang lên rất lạ, không giống bất cứ tiếng chân nào Quỳnh Thơ đã từng nghe trong cung cấm này. Các thị nữ xúm xít quanh giường, rồi một ả nắm tay Quỳnh Thơ đưa nhẹ qua màn. Một bàn tay lạ nắm lấy cổ tay công chúa qua lần lụa mỏng. Bất giác cô gái nhỏ đỏ bừng mặt vì một cảm tưởng kỳ lạ.Quỳnh Thơ ngồi dậy. Các thị nữ lo lắng nhìn theo, rồi họ chợt kêu rú lên, có người luống cuống đâm đầu chạy. Công chúa Quỳnh Thơ mười bốn tuổi vừa làm một việc kinh thiên động địa chưa bao giờ từng xảy ra trong cung cấm: Công chúa đã vén bức màn lên nhìn thẳng vào người đàn ông trước mặt.Nửa giờ sau, cả hoàng cung đều biết câu chuyện điếm nhục đó. Hoàng Quý Phi khóc ròng rã ba ngày đêm, ba ngày liền các thị nữ cung Trùng Hoa cũng vì vậy mà bỏ ăn bỏ ngủ. Bà Kính Phi, người đang ở ngôi vị thứ hai trong cung, đã đem ngay cái tin này đến tai vua. Hoàng Quý Phi bị truất vì lỗi dạy con không nghiêm. Nhũ mẫu bị đuổi ra khỏi cung Trùng Hoa và sung làm thợ cắt cỏ ở vườn ngự. Quỳnh Thơ được chữa lành bệnh và sau đó bị nhốt vào lãnh cung.Trong cung lạnh, nơi đoa. đày những cung nga xấu số, Quỳnh Thơ bàng hoàng nhớ lại... Lúc đầu nàng khóc sướt mướt khi nghĩ đến những nhục nhã mình đã gây ra cho mẹ, nhớ những cung phòng đẹp đẽ nơi ngày ngày vẫn đá kiện hay đổ xâm hường với các chị em trang lứa. Mãi sau khi đã quen với cuộc sống ở lãnh cung và nguôi dần niềm thương nhớ những người thân, Quỳnh Thơ mới biết đọng lại trong tâm hồn, đau đớn và thấm thía nhất, là hình ảnh người đàn ông lần đầu tiên nàng thấy: Một ông già khô quắt, râu tóc bạc phơ, cái miệng khắc nghiệt, với hai gò má nhăn nheo lấm tấm vết đồi mồi. Quỳnh Thơ rùng mình, không dám hồi tưởng lại. Nàng đã trả giá đắt bao nhiêu cho một điều hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì! ° ° ° Rồi một hôm, lại đến tiết nguyên tiêu. Trời rất lạnh, các đèn lồng đều tắt. Ðêm Hoàng cung lạnh ngắt, đen mù như trong đáy vực. Xa xa, Quỳnh Thơ thấy ánh sáng hừng hực hắt lên từ điện Càn Thành. Giờ này cung nga, thể nữ chắc chen nhau đến lấy lửa ấm. Nhưng ở đây, nơi của những người xấu số, không ai nhớ đem lại cho họ dù chỉ một tàn than. Bất giác Quỳnh Thơ tủi thân ôm mặt khóc.Giữa lúc đó chợt có tiếng thét vang rền từ xa vọng lại. Tiếng người nhốn nháo, tiếng chân rầm rập, tiếng hô lệnh xung phong vang lên giữa đêm thâm u. Rồi những ánh lửa xuất hiện như sao sa, những bóng người ngựa lao tới, những ánh kiếm rực lên trong đêm.Có biến! Trống ở ngọ môn điểm cấp tập liên hồi. Không phải nhịp trống uể oải thườngngày, đây là tiếng trống từ một bàn tay dũng mãnh. Dân phu đang xây lăng ở phía tây kinh thành đã nổi dậy. Họ đang tràn vào cung, mở cửa các nhà giam. Quỳnh Thơ nép vào một góc nhà ngục. Chiếc xiềng sắt khua loảng xoảng rồi rơi xuống. Cửa phòng giam bật mở.Một tráng sĩ vừa xuống ngựa, tay cầm bó đuốc nhìn vào.Lửa, lửa dữ dội, rực rỡ chiếu phòng giam lạnh lẽo."Hết canh tư này, nghĩa quân sẽ rút đi. Chúng ta đã phóng thích hết tù nhân trong kinh thành. Nàng hãy mau tìm đường thoát".Quỳnh Thơ ngước nhìn. Trong phút chốc, nàng nhận ra trong mắt người nghĩa sĩ một ánh lửa rực rỡ và hiểu rằng chàng đã đến từ nơi mặt trời ẩn náu.Tráng sĩ đưa tay cho Quỳnh Thơ, nàng nắm lấy tay chàng; nàng đã mười sáu tuổi và lần đầu tiên trong đời nhìn thấy một người đàn ông đích thực. Tráng sĩ đỡ Quỳnh Thơ ngồi lên ngựa và chỉ một khắc sau cả hai đã lao theo dòng thác người đang cuốn về cổng hoàng cung, trong tiếng chiêng báo động vang trời.Nhiều thập kỷ sau, dân cư ở quanh vùng vẫn kể câu chuyện nàng công chúa cùng chàng dũng sĩ trên lưng con ngựa trắng phóng như bay về phía rạng đông. Không ai biết chính xác họ đi đâu, nhưng tất cả đều tin họ đã cùng sống ở một nơi nào đấy tràn trề ánh lửa. Niềm tin ấy chẳng phải là vô căn cứ, vì hiện nay nhiều dòng họ ở lân cận thành cổ vẫn tự nhận mình là con cháu của hai con người gan dạ và hạnh phúc đã ruổi ngựa đi đón mặt trời vào một đêm đầu xuân.Còn sáu mươi tám nàng công chúa khác trong cung thì sách vở còn chép rõ về cuộc đời của họ. Có ba mươi nàng được gả cho những ông phò mã lọm khọm với tấm lưng dài cong gập trong chiếc áo the. Còn ba mươi tám nàng thì chết già trong cung, nhiều nàng chết lúc còn rất trẻ vì buồn chán những đêm nguyên tiêu lạnh.