Đất trời như tối sầm lại, khi những đám mây đen ùn ùn kéo đến giăng kín cả bầu trời báo hiệu một cơn mưa lớn sắp tới. Gió thổi mạnh bụi bay mù mịt. Mọi người tất bật tìm chổ trú mưa. Từng hạt mưa rơi đều rồi ào ạt trút xuống như thác nước. Vậy mà trên đường vẫn còn một cô gái độ chừng hai mươi tuổi, cô lê bước chân nặng nề chầm chạp. Mặc những đôi mắt hiếu kỳ nhìn cô, mặc những hạt mưa quất vào người rất buốt, cô vẫn bước đi với dáng vẻ xiêu vẹo. Và rồi đôi chân như không còn theo ý muốn của cô nữa, nó ngã quỵ xuống vì rã rời mệt mỏi. Hồn cô như lơ lửng, cô ngã xuống bên đường, chỉ kịp nhìn thấy ánh đèn quét ngang mặt và một chiếc xe hơi dừng lại bên cô, và cô ngất lịm.
Đông Nghi từ từ hé mắt, ngạc nhiên nhìn xung quanh, thấy mình đang nằm trong một căn phòng vô cùng sang trọng. Tiếng reo vui của nhiều người vang lên càng làm cô thêm bối rối. Cô loáng thoáng nghe được giọng vui mừng:
– Hay quá! Cô ấy đã tỉnh rồi.
Thì ra cô đang ở trong một ngôi nhà hoàn toàn xa lạ, giữa những người xa lạ và cô vừa tỉnh lại sau một cơn ngất lịm bên đường. Chỏi tay ngồi dậy, cô hốt hoảng nhìn quanh:
– Tôi đang ở đâu đây?
– Xin cô đừng sợ, cứ nằm yên nghỉ ngơi cho bình phục. Cám ơn trời đất đã phù hộ cho cô được bình an.
Bà già ân cần nói và đỡ Đông Nghi nằm xuống giường. Ông Liêm tài xế kính cẩn nói:
– Chào...bà chủ và cậu Vĩnh Khang.
Thanh âm của ông vang lên buộc Đông Nghi nhìn ra cửa. Trước mắt cô là một người đàn bà vô cùng sang trọng và một người đàn ông trung niên. Ánh mắt anh chạm vào tia nhìn của cô.
– Bây giờ cháu thấy trong người ra sao? Suốt mấy tiếng đồng hồ nằm li bì trên giường, cháu làm cho ta và mọi người đều lo lắng.
Vừa nói, bà vừa đưa tay sờ trên trán Đông Nghi:
– Cháu đã bớt nóng rồi.
Đông Nghi xúc động khi được bà chăm sóc, cử chỉ dịu dàng và giọng nói ấm áp mà cô chưa từng được người thân ve vuốt. Ngước đôi mắt long lanh nhìn bà Trương, cô nhỏ giọng:
– Cám ơn bà đả quan tâm lo lắng, được bà và mọi người săn sóc, con thấy trong người đã khoẻ lại nhiều lắm.
Bà Trương cười phúc hậu. Quay qua bà già ban nãy, bà nói:
– Vú Mười! Đi pha giùm tôi một ly sữa nóng. Hồi nãy, lúc bác sĩ khám bệnh có nói cháu bị kiệt sức và hạ đường huyết vì nhịn đói khá lâu, khi tỉnh lại uống một ly sữa là khoẻ ngay.
– Vâng! Tôi đi pha sữa ngay thưa bà.
Vừa nói, vú Mười vừa đi khuất sau cánh cửa thật nhanh. Nãy giờ, Vĩnh Khang không nói thêm một câu nào nữa, anh lặng im quan sát cô và thầm nghĩ: \"Cô bé quả là một người đẹp, nét đẹp có sức quyến rủ vô cùng mảnh liệt, dù không cần tô son điểm phấn. Khi gặp môt lần không dễ gì quên, nhất là đôi mắt đen láy buồn thăm thẳm, với đôi mi dài cong vút, cánh mũi cao và chiếc miệng nhỏ xinh xắn hơi trề xuống thật đáng yêu.\" Vĩnh Khang quả quyết, vẻ đẹp như mắt hồ thu của cô gái, sẽ nhấn chìm hết đấng mày râu, dù là trái tim sắt đá.
Ồ lẩn thẩn quá. Anh đang nghĩ gì thế nàyVĩnh Khang, hãy tỉnh lại, tỉnh lại đi! Mày đã có vợ rồi, mày không có quyền ngây ngất trước cô ấy. Anh vỗ vỗ vào trán mấy cái để trấn tĩnh mình, và thở dài buồn bã. Dù đang nói chuyệ với bà Trương, Đông Nghi vẫn biết anh đang nhìn mình, cô giả lơi như không biết. Đồng thời, cô cũng ngầm quan sát Vĩnh Khang và nghĩ bụng: \"Chắc anh đã đưa mình về đây. Anh quả là người đàn ông hấp dẫn, nhìn anh toát lên một nghị lực đáng nể. Đôi mắt sáng dưới hàng lông mày rậm, sống mũi cao, gương mặt đẹp góc cạnh, Vĩnh Khang giống như một tài tử điện ảnh.\" Hai đôi mắt vô tình giao nhau, Đông Nghi lúng túng quay đi, tim cô đập sai một nhịp. Vừa lúc đó, vú Mười bưng ly sữa bốc khói vào phòng. Đỡ cô ngồi dậy, bà Trương cầm ly sữa từ tay vú Mười đưa cho cô, giọng ân cần:
– Cháu ráng uống hết ly sữa này sẽ tỉnh người lại ngay.
Đưa hai tay đón lấy, cô uống từng ngụm nhỏ cho đến hết. Nhìn khắp lượt mọi người, Đông Nghi nói bằng giọng đầy cảm xúc:
– Cháu rất biết ơn về sự quan tâm của bà, của ông và các chú bác ở đây.
Vĩnh Khang khoát tay nói:
– Không có chi. Cô cứ ở đây tịnh dưỡng. Bao giờ cô khoẻ hẳn lại, tôi sẽ đưa cô về nhà.
Nghe hai tiếng về nhà, Đông Nghi hốt hoảng kêu lên, giọng cô lạc đi vì sợ:
– Không. Tôi không thể về nhà...tôitôi sợ lắm...xinxin các người đừng bắt tôi phải về nhà.
Đông Nghi bước xuống giường, cô quỳ thụp dưới chân bà Trương, giọng nức nở:
– Con lạy bà, bà đừng bắt con về nhà. Bà thương mà cho con ở lại đây, dù làm trâu làm ngựa gì cũng được. Con không về đó đâu, con sợ lắm. Đông Nghi hét lên, Vĩnh Khang và bà Trương vội đỡ nàng dậy. Nhìn vẻ hoảng loạn của nàng, Vĩnh Khang lặng đi. Giọng bà Trương đầy thương cảm:
– Nếu cháu không thích về nhà thì thôi, cứ ở lại đây với chúng ta. Đừng lo sợ quá sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, cháu vừa mới tỉnh lại xong.
Đông Nghi im lặng, mặc cho lệ tràn ra hai bên khoé mắt. Làm sao cô không lo sợ cho được, khi mà sự việc mới diễn ra cách đây ba ngày, là nổi ám ảnh kinh hoàng đối với cô. Cô đưa tay quẹt nước mắt. Hay là đêm nay ta bỏ trốn. Ý táo bạo loé lên trong đầu Đông Nghi. Nàng len lén nhìn lên, cảm giác như Vĩnh Khang thấu hiểu hêt ý nghĩa vừa thoáng qua của cô. Giọng Vĩnh Khang vang lên chắc nịch, cắt ngang dòng suy nghĩ của cô:
– Giờ thì cô cứ yên tâm ngơi nghỉ. Chúng tôi sẽ không báo với gia đình của cô khi mà chưa có sự đồng yé của cô.
Ngưng một chút, anh tiếp:
– Và cô hãy quên ngay ý định bỏ trốn khỏ nhà này. Ngoài kia rất nhiều cạm bẫy đang chờ đón cô đó.
Nói xong Vĩnh Khang quay lưng bỏ đi, không cần biết cô tỏ thái độ ra sao. Những người giúp việc thương cảm nhìn cô rồi theo chàng rời khỏi phòng. Giờ còn lại bà Trương và vú Mười. Giọng bà Trương vừa vổ về vừa nghiêm khắc:
– Thôi, cháu lại giường nằm đi, đừng suy nghĩ lung tung nữa. Ta rất vui nếu cháu lưu lại nơi đây, sớm tối trò chuyện với ta. Ta rất cần một người để trút bớt tâm sự. Cháu đồng ý chứ?
Đông Nghi cố nở nụ cười và khẽ gật đầu. Nàng nhìn bà bằng đôi mắt biết ơn. Cuối cùng, bà Trương và vú Mười cũng rời khỏi phòng. Bà Trương không quên dặn dò:
– Ngủ một giấc cho thật khoẻ. Ngày mai, chúng ta gặp nhau, chắc sẽ có nhiều điều đáng nói.
Vú Mười khép cửa phòng lại. Giờ em còn lại Đông Nghi với nổi hoang mang lo sợ. Rồi đây cuộc đời cô sẽ ra sao? Phía trước là ngõ cụt, phía sau không lối quay về. Bất giác cô đưa tay lên ngực và than thở:
– Ôi lại Chúa! Sao người dành cho con số phận hẩm hiu và vô cùng nghiệt ngã. Con biết phải về đâu, khi mà trước mắt con bóng đêm mời mịt? Con phải bấu víu vào đâu, khi ở đây toàn kẻ lạ người xa, chỗ mà không dành cho những cô gái bất hạnh như con.
Ánh nắng ấm áp xuyên qua phòng làm Đông Nghi tỉnh giấc. Sau một đêm ngủ muộn, cô trở dậy đến bên cửa sổ, mở tung cửa ra cho gió sớm ùa vào phòng. Thì ra, nàng đang đứng ở trên lầu. Đúng đây, nàng có thể nhìn thấy một phần của khu vườon. Vườn trồng toàn cây ăn trái. Xa xa, khuất sau những tàn lá rộng là một hồ nước đầy sen trắng. Giữa hồ là một hòn non bộ, trông giống như quả núi nhỏ, thật là thơ mộng và hấp dẫn. Đông Nghi dán mắt vào cảnh đẹp bên dưới. Nếu như đây là vườn nhà cô, cô sẽ chạy bay xuống ngắt hết những đóa hoa sen kia, đem chưng bay khắp phòng, hoặc là cô hái hết trái chín trên cây đem chia cho mọi người. Quả là thật thú vị. Mải suy nghĩ vu vơ, nàng không hay vú Mười đã đến sau lưng từ lúc nào. Hắng giọng, vú Mười nói:
– Cô đã dậy rồi à? Mau vào thay đồ, chải lại tóc rồi xuống ăn sáng. Hồi nãy, bà chủ có ghé qua phòng, thấy cô ngủ say quá nên không vội đánh thức.
Quay người lại, Đông Nghi thấy trên tay vú Mười là bộ áo đầm màu hồng rất đẹp. Đở lấy bộ đồ trên tay vú Mười, nàng nói giọng xúc động:
– Rất cảm ơn bà đã giúp cháu qua cơn hoạn nạn. Cháu sẽ nhớ mãi công ơn to lớn này.
Vú Mười xua tay lia lịa:
– Không có gì, không có gì. Cô cứ yên tâm đi. Mau vào trong thay đồ, kèo bà chủ và cậu Khang chờ.
Đông Nghi dạ nhỏ, đi vội vào phòng vệ sinh. Một lúc sau khi trở ra, trông nàng như một vị tiểu thơ đài các, vừa vặn trong chiếc áo đầm như của chính nàng vậy.
– Quả là tuyệt đẹp.
Vú Mười kêu lên:
– Nếu cô tươi lên một chút thì không ai sánh kịp. Đúng là mười phân vẹn mười. Nào, đi thôi Đông Nghi.
Nàng ngượng nghịu, cúi đầu thật thấp bước theo vú Mười, đi dọc theo hành lang xuống cầu thang qua phòng khách. Ngôi biệt thự rộng lớn và quá sang trọng làm Đông Nghi hơi bị khớp. Xuống đến phòng ăn, Đông Nghi đã thấy bà Trương và Vĩnh Khang ngồi đó như đang đợi nàng. Vừa trông thấy Đông Nghi, bà Trương vội đứng lên kéo tay nàng lại gần chỗ mình ngồi. Ấn nàng ngồi xuống ghế, giọng bà ân cần:
– Cháu khoẻ hẳn chưa? Ngồi xuống đây ăn chén cháo nóng cho lại sức. Nhình cháo bây giờ tươi tỉnh hơn hôm qua khá nhiều.
Lướt tia mắt sang chỗ Vĩnh Khang, nàng rụt rè nói:
– Cháu cảm ơn bà và anh. Nếu không nhờ bà và anh ra tay cứu giúp, thì có lẽ con đã chết ngoài đường vì cảm lạnh.
Bà Trương và Vĩnh Khang chưa kịp nói lời nào, Đông Nghi tiếp luôn:
– Con van xin bà và anh đừng trả con về nhà, con sợ lắm.
Nói đến đây, Đông Nghi bật khóc ngon lành, ánh mắt khẩn thiết nhìn bà Trương và Vĩnh Khang. Vỗ nhẹ lên vai nàng, bà Trương ôn tồn nói:
– Được rồi, được rồi. Cháu nín đi, đừng khóc nữa. Hôm qua ta hứa làm sao thì bây giờ phải giữ lời chứ, cháu yên tâm đi.
Đặt tô cháo thơm phức trước mặt nàng, vú Mười thương cảm:
– Cô ráng ăn hết tô cháo. Bà chủ đã hứa để cô ở lại với chúng tôi, không ai trả cô về nhà đâu mà sợ.
Vĩnh Khang tiếp lời vú Mười, giọng ấm áp:
– Cháo nóng cô mau ăn đi kẻo nguội. Khi ăn hết tô cháo, cô sẽ thấy bình tĩnh trở lại. Và tôi mong rằng từ lúc này trở đi, cô đừng suy nghĩ lung tung nữa. Chúng tôi rất vui được đón nhận cô như là một thành viên trong gia đình.
Nói đến đây, Vĩnh Khang nhìn sang mẹ như chờ đợi ý kiến của bà. Gật nhẹ đầu, bà Trương hiểu ý Vĩnh Khang muốn nói gì. Cất giọng từ tốn bà nói:
– Ở đây, ngoài ta ra còn có vú Mười, Vĩnh Khang, Tuyết Ngân, ông Tân làm vườn và ông Liêm tài xế. Những mỗi người đều có nhiệm vụ của mình. Rốt cuộc chỉ còn mình ta là rảnh rỗi. Đôi khi ta cũng buồn lắm. Nếu cháu đồng ý ở lại đây thì hay biết mấy. Vuốt nhẹ lưng Đông Nghi, bà giục:
– Thôi, ăn nhanh đi cháu.
Nghe lời bà, Đông Nghi nhỏ nhẹ múc từng muỗng cháo ăn ngon lành. Vú Mười thật khéo tay, món cháo của bà thật tuyệt, nàng chưa từng nếm qua món cháo nào ngon đến như vậy. Vĩnh Khang lặng lẽ quan sát cử chỉ của cô, anh chợt hỏi:
– À! Mà tễn cô là gì nhỉ? Từ hôm qua đến giờ chúng tôi chưa được biết.
Đông Nghi vội trả lời:
– Dạ, tôi tên Nghi. Trần Đông Nghi, hai mươi hai tuổi, quê ở tận Cà Mau.
Vĩnh Khang cười hóm hỉnh:
– Tôi hỏi tên cô thôi, không phải điều tra lý lịch cô đâu, làm gì mà cô khai cả tuổi và quê quán vậy. Đừng căng thẳng quá, Đông Nghi. Tôi muốn biết tên để tiện xưng hô thôi mà.
Ba người cười vang xua đi bầu không khí căng thẳng bao trùm căn phòng. Đông Nghi đỏ mặt cúi đầu bẽn lẽn. Chờ cô ăn xong, bà Trương dịu dàng nói:
– Đông Nghi! Ta có chuyện muốn hỏi con cho rõ ràng, ta dù không muốn nhưng cũng phải nói. Con ở trong nhà ta, nên những gì có liên quan đến con ta đều muốn biết. Con không ngại trả lời chứ, Đông Nghi?
Khẽ lắc đầu, Đông Nghi mím môi suy nghĩ. Thiện ý của bà Trương đối với nàng ra sao nàng hiểu rất rõ, vậy thì nàng còn giấu giếm làm chi để bà phật lòng. Nhìn sang Vĩnh Khang, bắt gặp tia mắt ấm áp lẫn khuyến khích của anh, Đông Nghi mạnh dạn nói:
– Con không biết phải bắt đầu từ đâu cho mọi người hiểu, có lẽ kể từ khi cha mẹ con qua đời.
Bằng giọng buồn buồn, Đông Nghi thuật lại quãng đời khốn khổ của mình. Qua làn nước mắt chuyện kinh hoàng hôm nọ như một thước phim quay chậm, đưa cô về ký ức hoảng loạn mới vừa xảy ra...
* * *
Ngày ấy, Đông Nghi cũng có một tuổi thơ hồn nhiên và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Cuộc đời cô liên tiếp xảy ra bất hạnh, kể từ khi cha mẹ cô lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Đông Nghi được người cô ruột đón về chăm sóc. Không phải bà thương Đông Nghi vì cô mồ côi mà là do số tài sản ba mẹ cô để lại. Bà Sương đã suy nghĩ đúng lắm. Nếu bà làm giấy bảo lãnh nuôi cô, thì số tài sản kéch xù kia sẽ nằm gọn trong tay bà. Ngày rước Đông Nghi về nhà, bà sụt sùi khóc than kể lể. Nào là thương cháu mồ côi, không ai lo lắng, thương anh chị bạc phần mất sớm. Nhưng sự thật thì sao? Bà Sương chỉ đối đãi tốt với Đông Nghi một hai năm đầu. Còn sau đó thì bà xem cô như một món nợ, khi đã nướng hết tài sản ba mẹ cô để lại vào sòng bạc. Bà bắt đầu hành hạ Đông Nghi. Hôm nào đánh bạc thắng thì bà còn vui vẻ đưa tiền dong gạo và mua thức ăn. Còn lở thua thì nhịn đói, và Đông Nghi luôn là người để bà trút giận. Cô cắn răng cam chịu. Vì nếu cô dại mồm cãi lại, bà Sương nhất định sẽ đuổi cô ra khỏi nhà, mà cô biết phải đi đâu khi trên người môt đồng cũng không có. Và cứ thế, cô phải cúi đầu hứng chịu những cơn nóng giận vô cớ của bà Sương. Sức chịu đựng của con người có hạn bà Sương đã làm cho giọt nước tràn ly. Bà dẫn về nhà một ông \"Ba Tàu\" bụng phệ, và gọi Đông Nghi lên. Chỉ vào ông ta, bà Sương thản nhiên nói:
– Anh Phúng để ý thương mày lâu rồi. Tao đã nhận lời gả mày cho ảnh, một tuần nữa đám cưới. Mày lo chuẩn bị là vừa. Thảng thốt nhìn người đàn ông mập lùn, có cặp mắt ti hí đang nhăm nhở cười với mình, Đông Nghi lạc giọng hỏi:
– Cô ơi! Cô có lộn không? Ông ấy đáng tuổi cha chú, sao cô có thể nhận lời gả con. Vả lại, con còn đi học, con không thể lấy ông ta được.
Bà Sương trừng mắt hét lớn:
– Không học hành gì hết! Bằng tuổi mày người ta đã có chồng con cả rồi. Mày học cho lắm vào, thử hỏi được tích sực gì? Chữ nghĩa có thể mài ra được mà ăn không con?
Bà vuốt ve Đông Nghi:
– Cô nói cho con hay. Anh Phúng đây là người giàu có, con về làm vợ là sướng một đời. Hứ! Có khối đứa muốn nhào vô mà hổng được. Con không kiếm được ai hơn ảnh đâu. Con đừng từ chối làm mất mặt cô.
Ông Phúng cười lớn làm gương mặt bự thịt của ông rung lên. Ông xun xoe nói:
– Phải, phải. Em đồng ý làm vợ qua, qua sẽ lo cho em sung sướng. Qua không để em là gì động đến móng tay cả.
Ông tít mắt vuốt nhẹ lưng cô:
– Em đẹp quá! Chỉ có em mới xứng làm bà chủ thôi.
Đông Nghi nghe tởm lợm. Cô hất tay ông ra khỏi người, nghiêm mặt nói:
– Ông đáng tuổi cha tôi, làm sao tôi có thể lấy ông được? Ông đã có hai, ba đời vợ với một đám con, lớn nhỏ đủ cả, ông còn đèo bòng làm gì. Xin ông tha cho tôi, tôi vô cùng đội ơn ông.
Ông Phúng khoa tay đáp tỉnh:
– Qua nói thật cho em biết. Mấy mụ vợ của qua toàn một lũ ăn hại. Qua chỉ yêu cầu các mụ ấy đẻ cho qua một thằng cu, mà chả bà nào làm được. Qua hy vọng em sẽ làm được. Khi đó, em muốn gì qua cũng chiều.
Đông Nghi cao giọng nói:
– Tôi không phải là cái máy đẻ mướn. Nếu ông có nhu cầu thì đi chỗ khác mà kiếm.
Cô quay sang nắm tay bà Sương:
– Cô ơi! Con lạy cô, xin cô đừng ép con lấy ông ấy, con sẽ chết mất.
– Tao đã quyết định, mày đừng năng nỉ thất công. Hừ, lấy được ổng là mang phước ba đời cho mày, ở đó mà bày đặt làm dáng.
Quỳ xuống chân bà, giọng Đông Nghi khẩn khoản:
– Cô nghĩ lại đi con. Ông ấy đáng tuổi cha con, cô gả con cho ổng, hàng xóm họ dị nghị, gièm pha. Họ nói mình ham giàu. Vài năm nữa, con ra trường và sẽ xin việc làm. Tiền con kiếm được con đưa hết cho cô. Cô thương con mà rút lại lời hứa đi cô.
Bà Sương giãy lên như đỉa phải vôi. Bà đập bàn quát:
– Tao không dư thời gian để chờ mày xin việc. Bản thây mày còn ăn bám vào con già này, thử hỏi chừng nào mày mới kiếm ra tiền. Tao nói một là một, mày không được cãi. Nếu không thì cuốn đồ cút khỏi nhà tao, tao không chứa chấp đứa cháu cứng đầu như mày. Rồi bà ôm mặt khóc lu loa, miệng kể lể:
– Tao thiếu nợ anh Phúng gần năm cây vàng, ảnh hứa sẽ xóa nợ cho tao nếu mày chịu làm vợ anh. Mà số nợ đó đâu phải tao ăn xài, tao mượn ảnh để lo cho mày có cái ăn cái mặc. Bây giờ mày từ chối người ta, tao đào đâu ra tiền mà trả lại bây giờ.
Đông Nghi mím môi nói:
– Tại cô đánh bại mới thua số tiền lớn như vậy. Cả năm trời nay, cô có sắm cho con bộ đồ nào đâu. Cô đừng ép con làm chuyện kỳ cục đó.
Chỉ vào mặc Đông Nghi, bà Sương gầm lên:
– Đồ mất dạy! Mày dám trả treo với tao hả, tao đập cho mày chết, con quỷ cái.
Bà Sương túm tóc Đông Nghi, quơ cái chổi trên bàn, bà nện tới tấp vào người cô, miệng chửi rủa không ngớt. Oằn người trước những làn roi bổ xuống của bà cô ruột, Đông Nghi khóc đau thì ít mà khóc hận thì nhiều. Người cô thâm tím vết roi vì bà Sương đánh thẳng tay. Cô không hiểu vì sao cô ruột mình lại đối xử tàn nhẫn vơi cô như vậy. Ông Phúng chụp tay bà Sương, ông nhăn mặt kêu lên:
– Bà mạnh tay như vậy, vợ của tôi chết thì sao. Bà phải nói từ từ cho cổ hiểu, cứ dùng đòn roi thì giải quyết được gì.
Thở hồng học, bà Sương cười giả lả với ông Phúng:
– Cái thứ cứng đầu cứng cổ này có dần ba đêm cũng không chết đâu. Anh khỏi lo, tôi hứa được thì làm được, nó không dám cãi tôi đâu.
Thở dài, ông Phúng nhìn Đông Nghi đang thút thít trong góc nhà. Ông vỗ về cô:
– Nín đi, rồi qua đưa tiền mua thuốc về xức. Chỉ non tuần nữa là đám cưới, mình mẩy thâm tím như vầy thì không hay lắm.
Đông Nghi phẫn uất hét lên:
– Ông đem tiền về nhà nuôi bầy vợ cùng lũ con. Tôi không phải là một món hàng để các người mua bán. Ông hãy cút đi!
Đông Nghi đau khổ bỏ ra nhà sau, tiếng bà Sương lanh lảnh đuổi theo:
– Đông Nghi! Mày quay lại tao biểu. Ai cho phép mà mày bỏ đi, con quỷ cái kia?
Nhún vai, ông Phún ỉu xìu, giọng ông giận dỗi:
– Cổ không chịu, vậy bà trả tiền cho tôi. Tôi không đợi cho mất thêm thời gian, còn phải tìm mối khác nữa chứ.
– Hứ! Ai nói không chịu? Tôi hứa chắc với anh là nó sẽ đồng ý, chỉ cần anh nghe theo sự sắp xếp của tôi.
Ông Phúng nhìn bà, có vẻ không tin tưởng:
– Được không hả? Hay bà gọi tôi tới để chứng kiến bà đánh đập cháu bà. Nếu vậy bà trả tiền lại ngay, tôi không làm ăn với bà nữa. Có chút xíu chuyện cũng giải quyết không xong. Bộ bà tưởng tôi không xót ruột à? Đưa bà bộn tiền mà có xơ múi gì đâu. Không nói nhiều, bà mau trả tiền lại đây, gần năm cây vàng bộ ít xao?
Thấy ông Phúng có vẻ dứt khoát, bà Sương nham hiểm kề tai ông nói nhỏ. Bà cười nửa miệng:
– Khi gạo đã nấu thành cơm, nó sẽ chịu phép của chúng ta ngay. Anh thấy sao?
Ông Phúng cười khoái trá:
– Bà liều lĩnh quá! Nhưng rủi cổ la lên thì sao? Hàng xóm nghe được thì chết cả đám.
– Chuyện này để tui lo, chả ai nghe đâu mà anh sợ. Nhưng mà xong chuyện rồi, anh phải đưa tôi thêm mớ nửa. Nó còn con gái mơn mởn, lại đẹp quá xá, anh trúng xố độc đắc rồi còn gì.
Cặp mắt ti hí của ông Phúng sáng lên, ông búng tay:
– OK. Nếu đúng như lời bà, thì tôi biếu bà thêm một cây.
Bà Sương cười nắc nẻ. Lòng tham đã lấn áp tình người, bà coi trọng tiền bạc hơn cả đứa cháu gái ruột thịt. Tối hôm đó, bà Sương không đả động gì chuyện cưới xin. Đông Nghi tưởng cô hồi tâm chuyển ý nên mừng rơn trong bụng. Ăn cơm xong, bà nói:
– Mày coi nhà, tao qua bên dì Năm chơi, buồn ngủ thì cứ đi ngủ trước. Khép cửa để đó cho tao, khuya về tao khỏi kêu. Nói xong, bà te rẹt đi mất. Động Nghi dọn dẹp mọi thứ rồi trở về phòng, cô nằm xuống giường thiu thiu ngủ. Cảm giác như có ai đó vuốt ve lên người cô, Đông Nghi vội mở bừng mắt. Cô hốt hoảng kêu lên. Gương mặt nung núc thịt của ông Phúng chờn vờn cúi sát người cô. Ông nuốt nuốt nước bọt nói:
– Ngoan! Đừng có la, anh yêu em mà. Cô em ở ngoài kia, không có ai cứu em đâu.
Ông Phúng vồ vập chồm lên người Đông Nghi. Lấy hết sức lực, Đông Nghi đạp mạnh vào bụng ông Phúng, làm ông lăn lóc xuống đất. Đông Nghi nhạt nhòa nước mắt, cô bật dậy cắm đầu chạy thục mạng. Cô hoảng loạn không phân biệt phương hướng, chỉ muốn chạy xa cái nơi vừa xảy ra điều kinh hoàng với cô
Đông Nghi cuối đầu buồn bã, cô nhỏ giọng:
– Chuyện của con như vậy đó. Con không hiểu vì sao mình tới được nơi nầy và được mọi người cứu giúp.
Bà Trương xót xa thương cảm:
– Chuyện qua rồi, con đừng nghĩ ngơi gì nhiều. Bác thương con phận gái long đong hãy ở lại và bầu bạn cùng bác, mọi người sẽ cho con một gia đình ấm áp.
Vĩnh Khang giận dữ khi nghe Đông Nghi kể chuyện. Bà cô của Đông Nghi thật quá quắt, chỉ vì tham tiền mà gả bán cháu mình. Quai hàm bạnh ra, Vĩnh Khang nói:
– Bà ấy thật ác độc và mất hết nhân tình, chuyện trái lương tâm như thế mà cũng làm được. Thật tội cho cô khi phải một mình đương đầu với hai kẻ khốn nạn ấy.
Vú Mười cũng nói:
– Đông Nghi! Cháu đừng buồn. Kẻ ác rồi sẽ bị quả báo. Một cô gái hiền lành như cháu sẽ gặp nhiều may mán ở tương lai.
Nhìn lên đồng hồ treo tường, bà Trương quay qua vú Mười:
– Tới giờ tôi đi dự lễ cắt băng khánh thành nhà dưỡng lão, vú ra bảo ông Liêm chuẩn bị xe. Còn Vĩnh Khang, con thay mẹ ở nhà hướng dẫn cho Đông Nghi làm quen và tham quan một vòng quanh nhà ta.
– Mẹ yên tâm. Con sẽ làm tròn trách nhiệm của gia chủ mà.
Bà ấy thật ác độc và mất hết nhân tính, chuyệ trái lương tâm như thế mà cũng làm được. Thật tội cho cô khi phải một mình đương đầu với hai kẻ khốn nạn ấy.
Vú Mười cũng nói:
– Đông Nghi! Cháu đừng buồn. Kẻ ác rồi sẽ bị quả báo. Một cô gái hiền lành như cháu sẽ gặp nhiều may mắn ở tương lai.
Nhìn lên đồng hồ treo tường, bà Trương quay qua vú Mười:
– Tới giờ tôi đi dự lễ cắt băng khánh thành nhà dưỡng lão, vú ra bảo ông Liêm chuẩn bị xe. Còn Vĩnh Khang, con thay mẹ ở nhà hướng dẫn cho Đông Nghi làm quen và tham quan một vòng quanh nhà ta.
– Mẹ yên tâm. Con sẽ làm tròn trách nhiệm của gia chủ mà.
Bà Trương ngạc nhiên với khuôn mặt vui vẻ của con trai. Bà mỉm cười nói:
– Hôm nay ai lột lưỡi con vậy, Vĩnh Khang? Nếu ngày nào con cũng vui như vầy thì hay biết mấy.
Vĩnh Khang không nói gì, gương mặt trở lại kín bung. Thấy mình lỡ lời, bà Trương giả lả:
– Thôi. Đông Nghi ở nhà vui nghen cháu, ta đi đây.
Không chờ câu trả lời của nàng, bà Trương vội vã đi thẳng. Ngước nhìn qua bên Vĩnh Khang, cô thấy anh đứng bất động bên cửa sổ, với điếu thuốc trên tay.
.
Đông Nghi và Vĩnh Khang cùng tản bộ trên con đường mòn dẫn ra khu vườn đầy hoa tươi và trái ngọt. Hai người im lặng đi bên nhau, không ai nói một lời nào. Với tay hái một trái quýt chín, Vĩnh Khang đưa cho Đông Nghi, anh phá tan không khí trầm lắng:
– Đông Nghi ăn đi, quýt ngọt lắm. Bây giờ cây trái không còn xum xuê như trước, nhưng trái cuối mùa vẫn ngọt vô cùng. Đông Nghi làm theo lời anh, cô lột vỏ quýt và đưa anh phân nửa. Tự nhiên cho múi quýt vào miệng nhai ngon lành, Đông Nghi nói với anh:
– Quýt ngọt thiệt đó anh Khang. Nhưng cả vườn hầu như đa số là quýt?
Gật đầu Vĩng Khang tiếp:
– Biết tôi rất thích ăn quýt, mẹ tôi trồng cho tôi cả một vườn lận. Cô xem đi, tới mùa quýt rộ chín phải bé bớt cho mấy người hàng xóm, chứ một mình tôi ăn sao cho xuể.
Đông Nghi đưa mắt nhìn quanh. Quả thật, trong vườn toàn quýt, trái chín lủng lẳng trên cành. Giọng cô hơi chùng xuống:
– Anh quả là một người rất hạnh phúc, có ba mẹ bên cạnh chăm sóc thương yêu. Còn tôi
Đông Nghi thở dài bỏ lửng câu nói. Vĩnh Khang đưa mắt nhìn nàng. Vẻ mặt hiền hoà chịu đựng kia như hút lấy chàng. Chàng khẽ nói:
– Sao cô nói vậy? Cha mẹ nào lại chẳng thương con. Nhưng mà yêu chiều quá có khi cũng tạo nên sự bực mình, cô có tin như vậy không, Đông Nghi?
Khẽ lắc đầu, Đông Nghi lặng lẽ nói:
– Định mệnh lúc nào cũng cay nghiệt với những kẻ bất hạnh. Anh còn có mẹ để mà vòi vĩnh dỗi hờn. Còn mồ côi như tôi, nghĩ mà buồn quá phải không? Cha mẹ tôi chẳng may qua đời sớm, tôi sống với cô ruột của mình cho tới bây giờ. Tôi ao ước mình cũng còn có mẹ như anh vậy đó, Vĩnh Khang.
Đông Nghi nói tới đó, chợt bắt gặp cái nhìn như chia sẻ của Vĩnh Khang, nàng vội ngưng lại. Hất mái tóc ra sau, Đông Nghi cười khoả lấp:
– Xin lỗi nhé anh Khang, khi không rồi đem những chuyện đâu đâu ra nói cho anh nghe. À, mà mấy hôm rồi, tôi không thấy ba anh. Ông bận việc à?
– Ba tôi cũng qua đời từ lúc tôi được ba tuổi. Tuốt từ nhỏ tôi chỉ sống với mẹ, bà vừa là ba vừa là mẹ của tôi.
Đông Nghi tò mò hỏi:
– Vậy lúc bác trai mất, hẳn mẹ anh còn rất trẻ và đẹp, tại sao bà không tái giá?
Vĩnh Khang nhún vai đáp:
– Tôi không biết, chỉ nghe mẹ tôi thường bảo, suốt cuộc đời này không ai có thể thay thế ba tôi được. Chắc vì lẽ đó mà bà ở vậy nuôi tôi.
Mỉm cười khoe lúm đồng tiền xinh xắn, Đông Nghi nói:
– Bác gái đúng là người chung thủy và đầy nghị lực. Anh có người mẹ vĩ đại vô cùng.
Dừng chân bên hồ sen, Đông Nghi say sưa ngắm những bông hoa vừa trắng vừa hồng xen lẫn vào nhau, đang khoe sắc dưới ánh nắng ban mai. Mùi thơm của hoa quyện với mùi trái chín trên cây, giữa không gian khoáng đãng. Tiếng chim hót, tiếng xào xạc của lá, tạo nên một bầu không khí vô cùng tươi vui và thơ mộng. Ngồi dựa lưng vào cây liễu già, Vĩnh Khang để mặc Đông Nghi thả hồn với thiên nhiên trong lành. Chàng đưa mắt nhì một lượt khắp khu vườn, rồi nhắm mắt lại để tận hưởng những khoảnh khắc hiếm có này. Cái cảm giác yên bình mà suốt bao năm qua anh không tìm được. Mãi suy nghĩ miên man, Vĩnh Khang bỗng nghe một tiếng \"á\" rất lớn. Bật người ngồi dậy anh nhình quanh, xem tiếng kêu phát ra từ nơi nào. Vĩnh Khang chiếu tia nhìn về phía Đông Nghi. Nàng đang ngồi cạnh mép hồ, bàn tay đầy máu, gương mặt xanh mét vì sợ. Chạy vội lại bên cô, anh rối rít hỏi:
– Chuyện gì xảy ra với cô vậy, Đông Nghi? Sao tay cô lại dính đầy máu thế này?
Vừa nói, anh vừa nâng bàn tay cô lên. Anh rút khăn mùi xoa lau sạch máu cho cô, gương mặt anh hết sức lo lắng. Đông Nghi để yên bàn tay mình trong tay Vĩnh Khang, nàng cảm giác một dòng điện chạy dọc theo sống lưng. Muốn rút tay lại, nhưng suy nghĩ sao nàng lại để yên cho anh muốn làm gì thì làm. Vĩnh Khang lại hỏi:
– Sao cô không trả lời, Đông Nghi?
Nàng giật mình, giọng ấp úng:
– Tôitôi khoát nước dưới hồ, rồi bị con gì đó cắn vào tay đau lắm.
Vĩnh Khang kêu lên:
– Trời ơi! Thì ra là vậy. Tôi quên dặn cô, dưới hồ có nuôi cá tai tượng. Nó dữ lắm, bất kể vật gì rơi xuống nó đều cắn nát. Cả tôi đây này, nuôi nó suốt mười mấy năm vậy mà khi cho nó ăn, sơ ý một chút là nó đớp chảy máu tay hoài. Thật là con cá này nó hư quá.
Đông Nghi chu môi:
– Chủ nào vật nấy mà, nó không giống anh thì giống ai.
Nói rồi, Đông Nghi cười khúc khích khoe hàm răng trắng đều và má lún đồng tiền duyên dáng. Nụ cười của Đông Nghi thật đẹp. Vĩnh Khang hơi ngẩn ra, anh hỏi cô:
– Có ai cho cô biết là cô có nụ cười rất đẹp không? Được thượng đế ban cho nụ cười thế này, cô phải cười luôn đấy, Đông Nghi.
Rụt tay về, lời nói của Vĩnh Khang làm Nghi đỏ mặt, cô phụng phịu nói:
– Cái anh này, mồm mép cũng dữ ghê lắm. Anh giống y như là con cá của anh vậy.
Cười sảng khoái, Vĩnh Khang tuyên bố:
– Không có đâu, tôi hiền lắm. Rồi từ từ cô sẽ thấy, đừng đánh giá vội, coi chừng hối hận đó.
Phùng má, Đông Nghi cãi:
– Làm gì phải hối hận chứ. Có nói lộn thì nói lại thôi, chuyện nhỏ mà.
Nhìn xuống tay cô, Vĩnh Khang hỏi:
– Ngón tay Nghi hết đau chưa, có còn chảy máu không?
Đưa bàn tay lên ngắm nghía, Đông Nghi rụt vai:
– Đỡ đau rồi. Anh quấn kín như vậy thì làm sao biết còn hay hết chảy máu. Nhưng mà cái khăn của anh đã dính đầy máu rồi, để tôi giặt sạch rồi trả lại cho anh.
Lắc đầu, Vĩnh Khang trêu nàng:
– Không sao, tôi tặng cô luôn đó. Cô cứ giữ làm kỷ niệm ngày cô bị cá đớp.
Đông Nghi chúm chím môi:
– Xì! Người ta bị đau đã đành, lại còn nghe anh chọc quê, đúng là không có lương tâm.
Vĩnh Khang cãi lại:
– Nếu không có lương tâm thì tôi đâu thèm cứu cô về đây, cô làm gì còn cơ hội đấu khẩu với tôi. Phải không bé con?
Nhìn vẻ mặt bùng thụng của Đông Nghi, Vĩnh Khang cất tiếng cười sảng khoái vang to. Nụ cười làm gương mặt anh rạng rỡ hơn, nó làm anh trẻ lại rất nhiều. Đông Nghi thầm công nhận Vĩnh Khang có nụ cười rất đẹp. Và sự thay đổi của anh như có một luồng điện manh, nó làm cô ngẩn ngơ, rung động. Chợt có tiếng vú Mười gọi lớn:
– Cậu Khang! Có điện thoại của cô Tuyến Ngân ở Đài Loan gọi về, cậu vào nghe liền đi.
Nụ cười trên môi anh chợt tắt. Gương mặt rạng rỡ bỗng biến mất, để nhường cho vẻ lạnh lùng khép kín, Vĩnh Khang trở thành con người khác. Giọng anh bực bội:
– Vú vào trả lời, tôi không có nhà.
Vú Mười vội nói:
– Nhưng mà lúc nãy tôi lỡ nói
Vĩnh Khang cau mày ngắc lời:
– Vú cứ nói tôi mới đi công chuyện. Thật là bực mình! Tại sao lúc nào cô ta cũng muốn phá đi những giây phút quý nhất của tôi, và luôn làm tôi phải căng thẳng thần kinh vì những chuyện không đâu.
Quay qua Đông Nghi, bắt gặp cô đang nhìn mình chăm chú, Vĩnh Khang tiếp:
– Có lẽ cô rất ngạc nhiên về con người thất thường của tôi, đúng không? Tôi biết thế nào cô cũng suy nghĩ lung tung, nhưng mà cô khoan vội kết luận về một chuyện gì đó chưa rõ ràng. Chuyện của tôi không đơn giản như cô nghĩ đâu, phải cần một thời gian cô mới hiểu hết được.
Vĩnh Khang đang nói với cô hay là đang nói với chính mình, Đông Nghi hoàn toàn không hiểu gì về những điều anh vừa nói.
Tuyến Ngân là ai? Tại sao nghe đến tên cô ta, anh có vẻ giận dữ như vậy? Hàng ngàn câu hỏi diễn ra trong đầu, Đông Nghi muốn biết lắm, nhưng nhìn thái độ kín bưng của anh, cô không dám mở lời. Vĩnh Khang bảo cô cần một thời gian, tại sao anh lại nói như thế? Khi mà giữa anh và cô chưa có một mối liên hệ nào được coi là mật thiết. Đông Nghi lại nghĩ ngợi. Tương lai là cái gì khó tin. Đừng nói chi xa, ngày mai đã khác hôm nay, hệt như cuộc đời luôn biến động xung quanh. Bằng chứng là chuyện của cô, cô đâu nghĩ mình phải lưu lạc đến đây, và được những người tốt bụng như anh ra tay giúp đỡ. Vì vậy đối với Đông Nghi, Vĩnh Khang là một người tốt. Và Nghi ngồi đó rất lâu không nói gì cả. Vĩnh Khang cũng yên lặng. Mỗi người đang đeo đuổi theo những ý nghĩ riêng của mình, mà không hay nắng đã lên cao.
Ngày này nối tiếp ngày kia một cách lặng lẽ. Đông Nghi đã ở trong ngôi nhà này gần một tháng, mọi người trong nhà đều dành cho cô một tình cảm rất chân thành, làm cho cô có cảm giác như là đang ở chính nhà của mình. Đông Nghi cũng không ngần ngại gì, khi giúp bác Liêm rửa xe, hoặc là giúp bác Tân làm vườn, khi lại ríu rít cạnh vú Mười trong bếp. Chiều đến, nàng thường đọc truyện cho bà Trương nghe. Bóp tay chân cho bà khi trời trở gió. Nàng cẩn thận chăm chút cho bà từng li từng tí, ý như một người con chăm sóc mẹ, khiến bà Trương rất cảm động. Còn đối với Vĩnh Khang, Đông Nghi dành cho anh một thái độ quan tâm chừng mực. Ngược lại, anh cũng tỏ ra chăm sóc lo lắng cho cô, nhưng lúc nào anh cũng giữ một khoảng cách với cô. Vẻ ưu tư trầm mặc của anh, ánh mắt u uẩn xa xăm, nhạt mờ sau làn khói. Mỗi khi nhìn anh như vậy, cô tự hỏi lòng và cảm thấy ray rứt, làm sao để anh vui, để ánh mắt trong sáng ấy không thẫn thờ qua khói thuốc. Em giúp gì được cho anh đây, Vĩnh Khang? Mà không, tại sao mình lại quan tâm nhiều đến anh ấy? Tại sao trong đầu mình lúc nào cũng có hình bóng Vĩnh Khang như ẩn, như hiện, và đôi mắt, đôi mắt trầm tư của anh như in hoài trong tâm khảm. QuênHãy quên tất cả đi Đông Nghi - Nàng tự nhủ - Mi chỉ là con bé mồ côi, sống nhờ vào người ta, còn bày đặt đèo bòng. Mi không xứng với anh ta đâu. Hãy tỉnh lại đi Đông Nghi, đừng mơ mộng viển vông nữa. Thoáng rung động khờ dại của trái tim dễ vỡ không đem lại kết quả gì đâu. Mải đắm chìm trong suy tưởng, cô không biết vú Mười đã đứng sau lưng. Bà hứng giọng hỏi:
– Con không nghỉ trưa sao, mà lại suy tư gì có vẻ ủ rủ vậy con?
Kéo vú ngồi xuống gần mình, Đông Nghi cười tươi:
– Con không ngủ được, định ra đây dạo một vòng cho thoải mái. Gió mát quá hén vú?
– Ừ - Vú Mười gật đầu. Vườn trái cây này trồng có lẽ đã hơn hai mươi năm rồi vậy mà vẫn xum xê và sai quả.
Đông Nghi hỏi bà:
– Chắc vú làm việc ở nhà này cũng lâu rồi thì phải?
– Cũng gần hai mươi năm rồi, và cũng đã chứng kiến biết bao cảnh vui buồn trong nhà này.
Nắm tay bà để lên đùi mình, Đông Nghi vuốt nhẹ lên những vết nhăn trên bàn tay một cách âu yếm. Vú Mười nhìn cô rồi tiếp:
– Ngày xưa lúc ông chủ còn sống, Vĩnh Khang còn rất nhỏ, nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Ngoài giờ làm việc ở công ty, ông chủ lúc nào cũng quấn quýt bên vợ con, chăm lo từng sở thích nhỏ của họ. Ông thường nói: \"dù phải đổi cả mạng sống của mình, để đem đến ấm no hạnh phúc cho vợ con thì ông cũng vui vẻ chấp nhận. Còn bà chủ thì khỏi nói, vừa đẹp người đẹp nết, chiều chồng con hết mực, lo cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, đúng trời sanh một cặp. Tưởng chừng hạnh phúc của họ là bất tận nào ngờ.
Vú Mười thở dài nhìn vào khoảng không trước mặt, Đông Nghi sốt ruột hỏi:
– Rồi chuyện gì xảy ra vậy vú?
Như không bận tâm đến câu hỏi của cô, vú Mười tiếp:
– Thế rồi một hôm khi ông chủ đi du lịch làm ăn, trên đường về bị tai nạn xe cộ chết liền, không kịp nhìn được mặt vợ con lần cuối, thật là thương tâm.
Đông Nghi mở lớn mắt, giọng cô xúc động.
– Hẳn là bà chủ sẽ đau khổ lắm. Ông ra đi quá đột ngột hả vú?
Bà gật đầu xác nhận:
– Qua những ngày đau khổ tưởng như chết được, bà chủ đã đứng lên gánh vác trách nhiệm thay chồng. Quả trời đã không phụ người có lòng, bà chủ đã dành một vị trí khá vững trên thương trường. Đồng thời, cậu chủ nhỏ Vĩnh Khang không kém gì ông chủ ngày trước. Vừa tài giỏi thông minh, vừa lịch thiệp, hòa hoa nên không bao lâu, cậu đã thay mẹ gánh vác hết việc công việc công ty và làm nó trở nên phát đạt hơn. Hiện giờ, bà chủ đã có thời gian rảnh an hưởng tuổi già, chỉ tiếc có một điều
Bà bỏ lửng câu nói, Đông Nghi tò mò muốn biết, cô lại hỏi:
– Điều gì vậy vú?
– Gần mười năm, kể từ lúc cậu Vĩnh Khang lấy vợ cho đến nay, bà chủ trông đứng trông ngồi, mong có một đứa cháu nội cho vui cửa vui nhà mà cũng không được.
Đông Nghi sững sờ chết lặng, mọi vật như chao đảo, nàng nghe đôi mắt mình cay xé. Nàng hỏi theo quán tính:
– Anh ấy đã có vợ rồi sao?
Cái gật đầu của vú Mười làm tim cô đau buốt và hụt hẫng. Mải để tâm vào câu chuyện, vú Mười không để ý có sự thay đổi đột ngột nơi nàng, giọng vú Mười vẫn đều đều:
– Tôi không hiểu tại sao bà Trương lại cưới cô Tuyết Ngân cho cậu Vĩnh Khang. Một con người tự cao tự đại, ích kỷ nhỏ nhen. Chỉ biết có bản thân mình, ai sống mặc ai, ai chết mặc ai, cô ta như một kẻ bằng quan, không cần bận tâm đến.
Đông Nghi hỏi bằng giọng thẩn thờ:
– Tánh khí của con người đâu ảnh hưởng tới chuyện sanh con. Trong hai người chắc có ẩn tình gì, chứ khoa học ngày nay hiện đại lắm, muốn sanh lúc nào, trai hay gái, đó là một điều không khó nữa. Huống gì, gia đình họ rất giàu, cần gì phải chờ đợi những mười năm.
Vú Năm chợt nhỏ giọng:
– Vú nói chuyện này cho con nghe, con đừng nói lại cho ai biết, nếu để lộ đến tai bà chủ sẽ rắt rối lắm đó.
Vẻ bí mật của vú Mười làm Đông Nghi tò mò:
– Chuyện gì mà quan trọng quá vậy vú?
Đưa mắt nhìn xung quanh, khi biết chắc rằng không còn ai, vú Mười kề tai nàng nói khẽ:
– Hai người đã ly thân từ lâu rồi, thì làm sao có con cho được.
– Trời ơi!
Đông Nghi thốt lên. MỘt ý nghĩ vụt qua đầu, không biết tin này đối với nàng là vui hay buồn nữa:
– Rồi bà chủ có biết không hở vú?
Vú Mười lắc đầu:
– Không! Chỉ có mình tôi biết thôi.
– Làm sao mà vú biết được? Anh Khang nói à?
– Một hôm, như thường lệ, tôi lên gọi hai người xuống ăn sáng. Tới nơi, tôi thấy cửa đóng kín, định đưa tay gõ cửa phòng, chợt nghe tiếng cậu Vĩnh Khang hét lên:
– Cô đúng là một người đàn bà lăng loàn trắc nết. Tôi tưởng đâu cô đi lưu diễn ở nước này nước khác, là do yêu cầu nghề nghiệp. Nào ngờ, cô cắm sừng lên đầu tôi, mỗi một nơi cô đến đều có một gã nhân tình đưa đón. Tôi thật kinh tởm cô.
Tuyết Ngân cũng không vừa, cô ta vừa khóc vừa tru tréo:
– Thằng nào, con nào đặt điều nói xấu tôi với anh, tôi sẽ giết chết nó. - Cô hừ mũi - Đúng là một thứ khốn nạn mà! Nó thấy tôi quá nổi tiếng, nó muộn hại thanh danh của tôi. Vậy mà tại sao anh lạ tin vào những điều vu khống đó, anh đang tâm phỉ bán vợ mình. Tôi thật không ngờ, anh là một con người như vậy.
Vĩnh Khang cau mày nói:
– Tôi tàn nhẫn hay cô tàn nhẫn? Lấy nhau ba năm, nhưng thực sự tôi và cô chỉ sống với nhau được có mấy tháng. Cô tính thử xem?
Tuyến Ngân cướp lời Vĩnh Khang:
– Thì ra là anh ghen, rồi anh suy diễn lung tung chứ gì.
Cô ngửa cổ cười ngạo nghễ:
– Tôi công nhận là chúng mình sống bên nhau rất ít, nhưng là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc.
Bước đến quàng tay lên cổ anh, âu yếm, Tuyết Ngân xuống giọng:
– Vì nghệ nghiệp, em mới phải xa anh, chứ nào em có muốn thế. Lúc mới cưới, anh cũng biết rõ mà. Anh phải biết thông cảm cho em chứ.
Né người tránh vòng tay giả tạo yêu thương của cô, Vĩnh Khang cười lớn như chưa bao giờ được cười:
– Ha, ha.cái mà cô nói là hạnh phúc đó sao mà nó trơ trẽn và nhạt nhẽo quá. Cô thật tình không hiểu hay giả bộ thơ ngây? Ngay đêm về làm vợ tôi, cô đã không còn là con gái, nhưng tôi đã bỏ qua tất cả để gia đình được yên ấm. Tôi tưởng cô vì một phút rối lòng rồi lầm lỡ, nhưng tôi thật không ngờ, đúng là ngựa quen đường cũ.
Tuyết Ngân nói như hét:
– Anh thật là bỉ ổi! Anh vu khống tôi hết chuyện này đến chuyện khác
Cô gằn giọng:
– Anh nói tôi cặp bồ cặp bich ở bên ngoài, vậy bằng chứng đâu, anh nói đi? Nếu không tìm ra lý do, tôi sẽ kiện anh về tôi vu khống một người nổi tiếng như tôi. Bằng chứng đâu, anh đưa ra đi?
Vĩnh Khang lạnh lùng phán:
– Cô cần bằng chứng ả Có liền đây.
– ---Tôi nhìn qua khẻ cửa sổ, thấy cậu Khang liệng xuống trước mặt cô Tuyết Ngân một xấp hình, với giọng đầy khinh bỉ:
– Mỗi một bức hình đều có ghi rõ ràng giờ, địa điểm và tên cái gã tình nhân mà cô đang ôm ấp.
Gương mặt Tuyết Ngân chuyển sang trắng bệch, dù đã được trang điểm rất kỹ, nhưng cũng không che lấp được. Giọng cô lắp bắp:
– Tại saotại sao anh có được những tấm hình này?
Giọng Vĩnh Khang nhạt nhẽo:
– Còn đây nữa, đây là cuốn băng video, nó ghi tất cả những hình ảnh rất thật của cô. Nếu rảnh, cô mở lên xem để ôn lại những kỷ niệm đã qua cùng với những gã tình nhân.
Tuyết Ngân giận dữ, đập nát cuốn băng và xé hết những tấm hình loã lồ của cô. Đôi mắt sắc lạnh tối sầm lại, cô rủa xả Vĩnh Khang:
– Anh là đồ tồi! Anh cho người theo rình rập tôi, phải không?
Hai mắt long lên, Tuyết Ngân lao về phía Vĩnh Khang, cô vừa cào cấu, vừa la hét:
– Tôi căm thù anh. Anh là một thằng chồng cù lần, không biết ga lăng và mù tịt trong chuyện gối chăn. Tôi chán anh lắm rồi. Ừ, tôi ngoại tình đó, anh làm gì tôi nào?
Chụp hai tay Tuyết Ngân, giọng Vĩnh Khang lạnh băng:
– Tôi thật không ngờ, một cô người mẫu nổi tiếng lại có những lời lẽ thiếu văn hóa đến như vậy. Tôi không thừa thời giờ để làm những chuyện bỉ ổi và vô ích ấy. Tôi tởm lợm những trò đê tiện của cô. Cô nghe rõ rồi chứ?
– Bây giờ tôi và anh, chúng ta cùng chơi bài ngửa đi. Con người tôi là như vậy đó, tôi không chịu nổi sự cô đơn, càng không thể ép mình chờ sự ban ơn của anh. Tôi thách anh dám làm gì tôi.
Nói rồi, cô thản nhiên ngồi vào bàn trang điểm, như không có gì xảy ra. Vĩnh Khang khinh bỉ nhếch môi:
– Đối với người không coi đạo lý ra gì như cô, thì không đáng cho tôi phải làm gì cho bẩn tay. Nhưng tôi cảnh cáo cô, từ bây giờ trở đi, đừng để những việc tồi tệ của cô ảnh hưởng đến danh dự của nhà này. Chuyện xấu có thể giấu được một hai năm, nhưng không giấu được cả đời đâu. Nếu không, cô đừng trách tôi.
– Vậy anh muốn gì cứ nói thẳng ra đi, đừng vòng vo nữa.
Vĩnh Khang quay lại, anh nhìn cô bằng cặp mắt rực sáng, anh phán:
– Tôi muốn gì thì tự cô hiểu lấy. Nếu cô làm gì ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ tôi, thì cô hãy coi chừng, tôi sẽ giết cô đấy.
Nói xong, Vĩnh Khang quay lưng đi thẳng, không nhìn thấy phía sau lưng đôi mắt Tuyết Ngân long lên thật dữ tợn. Cô nghiến răng nói như hét:
– Anh đừng hòng, đừng hòng thoát khỏi tay tôi! Ăn không được thì đạp đổ. Tôi thề sẽ không để anh được một ngày bình yên.
Tuyết Ngân phá lên cười nắc nẻ, gương mặt cô thật cay độc. Vĩnh Khang đã biết tất cả, cô còn sợ gì mà giấu giếm, cứ ăn chơi cho thỏa thích. Vĩnh Khang rất thương mẹ, hắn sẽ không dám động tới cô đâu
Vú Mười ngừng kể, bà chắc lưỡi nói:
– Đúng là một người độc ác và thủ đoạn. Thật tội nghiệp cho cậu Vĩnh Khang! Không dám làm lớn chuyện, sợ mẹ mình buồn, nên cậu cố phải cắn răng chịu đứng từ đó đến giờ.
Đông Nghi thở dài, tiếp:
– Cả bác Trương cũng thật đáng thương. Tối ngày lo chuyện làm phước để mong có một đứa cháu nội, nào hay biết đằng sau bà là cả một câu chuyện buồn.
Vú Mười than thở:
– Nhiều lúc nhình Vĩnh Khang ra vào thẫn thờ, vú định tỏ thật cho bà chủ hay, nhưng sợ bà không chịu nổi cú sốc quá lớn này. Vú trông chờ một phép lạ nào đó, thay đổi mọi chuyện và Vĩnh Khang có thể làm lại từ đầu. Nhìn thấy cậu Vĩnh Khang được hạng phúc thì vú mới mãn nguyện. Đông Nghi nhỏ giọng:
– Trời sẽ không phụ người hiền. Anh không tốt như vậy, con tin rồi anh ấy sẽ tìm được hạnh phúc trong một ngày không xa.
Đông Nghi thở dài. Nàng có cảm tưởng nỗi đau của anh cũng là nỗi đau của mình và cô quyết định nhanh trong đầu.
\"Mình phải làm một việc gì đó, để cho ngôi nhà này mãi mãi tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc.\"
Nghĩ tới đó, nàng thấy lòng mình nhẹ nhõm đôi chút. Việc này không mấy đơn giản, nhưng cô hy vọng mình sẽ đem đến niềm vui cho mọi người.
Sau bữa cơm tối, mọi người quây quần ngồi uống trà trong phòng khách. Bà Trương nhìn Đông Nghi phong phanh trong bộ đồ mặc nhà, bà nói với Vĩnh Khang:
– Mai, con đưa Đông Nghi ra siêu thị, mua thêm vài cái áo ấm cho em, trời sắp trở đông rồi.
Đông Nghi vội từ chối:
– Dạ thôi. Quần áo anh đưa hôm nọ, con vẫn chưa mặc hết, đừng mua thêm tốn tiền lắm, thưa bà.
Khẽ nhăn mặt, bà Trương hơi cao giọng:
– Con lại khách sáo nữa rồi. Mấy bộ đồ Vĩnh Khang đưa chỉ để dùng tạm, nó không hợp với con đâu.
Đông Nghi hồn nhiên nói:
– Dạ, đồ vẫn còn tốt lắm. Vả lại, con cũng không thường ra ngoài, bao nhiêu đó đối với con là quá đủ.
Nàng nhìn Vĩnh Khang, tiếp:
– Anh Khang còn rất nhiều việc để giải quyết, con không muốn làm phiền anh ấy.
Vĩnh Khang hiểu ý mẹ. Đồ Đông Nghi đang mặc là của Tuyết Ngân, hôm nọ anh lấy đại và đưa cho Đông Nghi dùng, và quên khuấy đi mất phải mua thêm cho cô vài bộ khác. Đặt tách trà xuống, Vĩnh Khang trầm giọng:
– Mẹ tôi nói cũng có lý, cô đừng cãi làm bà phật lòng. Chiều mai tan sở, tôi sẽ đưa cô đi mua sắm.
Lời nói của Vĩnh Khang như một mệnh lệnh, khiến Đông Nghi không dám mở lời từ chối. Nhìn Đông Nghi với vẻ trìu mến, bà Trương nói với con trai:
– Vĩnh Khang! Mẹ muốn bàn với con một chuyện.
– Vâng, con nghe đây.
– Hữu duyên mà chúng ta gặp Đông Nghi. Con bé hiền dịu có hoàn cảnh thương tâm, mẹ muốn nhận Đông Nghi làm con nuôi.
– Mẹ chỉ có mỗi mình con là trai, mẹ mong muốn có thêm một đứa con gái để hủ hỉ. Mẹ thấy Đông Nghi rất hợp với mẹ. Con nghĩ sao hả Khang?
Vĩnh Khang rất vui khi bà Trương dành nhiều cảm tình cho Đông Nghi. Anh cười và nói:
– Tùy mẹ thôi. Con thấy Đông Nghi cũng dễ thương đấy chứ. Mẹ nhận cô ấy làm con nuôi, nhà ta có thêm một thành viên, và con cũng có một cô em gái nữa, càng vui, phải không mẹ?
Bà Trương cười đôn hậu:
– Nói rất hay, chúng ta quyết định vậy đi.
Bà quay sang Đông Nghi và hỏi:
– Con gái! Con nghĩ sao về chuyện này?
Đông Nghi sững sờ nói:
– Được bác với anh cho con nương tựa ở đây là phần phước lớn của con. Con không dám mơ ước gì hơn là cô gắng đền đáp công ơn thật to lớn đó.
Giọng bà Trương vui mừng:
– Nghĩa là con đồng ý?
Quỳ xuống cạnh bà, Đông Nghi rơi lệ vì xúc động. Cô nghẹn ngạo nói:
– Con biết mọi người đều rất thương con, nhưng con nghĩ mình không xứng đáng. Con chỉ là một cô gái lạc loài, được bác cưu mang là may mắn lắm rồi.
Đỡ cô ngồi lên, bà Trương ôn tồn nói:
– Hoàn cảnh của con ra sao ta không bận tâm, đơn giản là ta thích con và muốn nhận con làm con gái. Con không từ chối bà già này chứ, Đông Nghi?
Vĩnh Khang gật đầu khuyến khích. Anh cười bằng mắt với cô:
– Đừng từ chối, Đông Nghi. Đây là cơ hội tốt để em đường đường chính chính ở đây mà không sợ ai đàm tiếu.
Đông Nghi sung sướng, nấc lên, giọng cô sũng nước mắt:
– Con không biết nói gì hơn là đội ơn bác đã cho con một mái ấm gia đình. Suốt cuộc đời này con nhớ mãi ngày hạnh phúc hôm nay.
Bà Trương nhíu mày rầy:
– Sao gọi bằng bác, phải là mẹ chứ con gái.
Bà lau nước mắt cho cô:
– Con bé này mau nước mắt quá, thằng Khang có cười con kìa.
Đông Nghi ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn Vĩnh Khang. Anh thương cảm nói:
– Mẹ để Đông Nghi khóc cho thỏa, để từ đây về sau, cô ấy không còn cơ hội khóc nữa đâu.
Vú Mười kêu khẽ:
– Đông Nghi! Con thật có số phước. Vú lại có thêm một cô chủ dễ thương. Con sẽ là cơn lốc nhỏ của chúng ta.
Cười hạnh phúc, Đông Nghi chúm môi nói:
– Con không muốn là cô chủ. Con chỉ là một Đông Nghi bình thường, có mẹ, có anh, có vú Mười trong một mái nhà tràn ngập yêu thương.
Mọi người phá lên cười vui vẻ, Đông Nghi sung sướng áp đầu lên vai mẹ nuôi. Cô đã có mẹ và anh để mà vòi vĩnh, thử hỏi còn hạnh phúc nào lớn hơn nữa chứ. Chiều hôm sau, giữ đúng lời hứa, Vĩnh Khang đưa Đông Nghi ra siêu thị. Dẫn cô đền hàng quần áo, anh nói với cô:
– Em thích bộ nào thì chọn, lấy năm bảy bộ mà thay đổi, kẻo mẹ lại cằn nhằn anh không lo cho em.
Đông Nghi nhìn dãy đồ cao cấp mà hoa cả mắt. Cô e dè vuốt nhẹ lên từng cái một, số tiền đính trên áo làm cô rụt vội tay về. Những mấy trăm ngàn với cái áo đơn giản. Cô nghĩ mình không nên mua, vì như thế là lợi dụng Vĩnh Khang. Vĩnh Khang lơ đãng nhìn xung quanh. Đã lâu lắm rồi anh chưa vào siêu thị, anh luôn dị ứng với các kiểu thời trang của vợ và ghét lây cả siêu thị. Nhìn Đông Nghi vẫn đứng yên bất đông, Vĩnh Khang ngạc nhiên hỏi:
– Em không vừa ý bộ nào à?
Đông Nghi giật mình lắc đầu không đáp. Vĩnh Khang tiếp:
– Để anh đưa em lên tầng trên, ở đó nhiều đồ may sẵn hơn dưới này.
Chàng dợm bước, Đông Nghi vội ngăn lại:
– Thôi đi anh Khang. Quần áo ở đây quá mode, không hợp với em lắm. Ta về thôi anh.
Vĩnh Khang kêu lên:
– Anh bỏ công đưa em đến đây rồi về tay không sao được. Về nhà, thế nào mẹ cũng hỏi. Em không chọn được thì để anh, anh cũng có mắt thẩm mỹ lắm đó.
Đông Nghi vẫn lắc đầu:
– Mua một bộ đồ gần hết tháng lương của anh, em thấy phí quá. Mình khỏi mua được không anh?
Vĩnh Khang cười hệch miệng:
– Thì ra, cô bé sợ anh Khang tiêu hết tiền. Em yên tâm đi. Lương của anh đủ mua cho em một chục bộ lận, em tha hồ mà lựa.
Tròn mắt, Đông Nghi ngơ ngác hỏi:
– Nhiều thế à? Chắc anh trêu em đúng không? Em nghe nói làm nhân viên, lương chỉ đủ ăn cơ mà, đâu có dư nhiều thế?
Vĩnh Khang nheo mắt trêu cô nhỏ:
– Anh Khang của em làm tới chức giám đốc, mà chức đó phải mệt lắm, vì vạy tiền lương phải cao hơn, những nhân viên bình thường mới xứng đáng.
– Em hiểu rồi.
– Vậy thì em cứ lựa thoải mái, anh đủ tiền để trả giùm em vài bộ đồ. Em đừng ngại, Đông Nghi.
– Nhưng chúng không hợp với em lắm.
Nhướng đôi mày rậm, Vĩnh Khang hỏi:
– Sao lại không? Vóc dáng em cân đối thế này, quần áo thời trang là thích hợp nhất.
Vĩnh Khang lấy thử một cái áo đầm dài phết gót ướm vào người Đông Nghi. Màu xanh mạ thật đẹp với làn da trắng hồng của Đông Nghi. Lấy cái áo từ tay anh, treo vào chỗ cũ, cô nói:
– Ta đi thôi, Vĩnh Khang.
– Anh thấy cái áo này đẹp lắm, em chê nó à?
Đông Nghi nói mà không nhìn anh:
– Đẹp gì? Hở cả lưng và cổ thì khoét thật là sâu, anh muốn biến em thành trò hề à?
Mặt Đông Nghi đỏ bừng vì thẹn. Vĩnh Khang cười khoái trá. Anh chợt khám phá ra cô bé không thích loại quần áo mát mẻ. Đông Nghi là cô gái kín đáo, tính tình đoan trang, không thích phô trương. Vĩnh Khang nghĩ, cô là một biểu hiện ngọc nữ còn sót lại giữa cuộc sống xô bồ hiện nay.
Tủm tỉm cười, anh nói:
– Được rồi, em không thích thì thôi. Có lẽ anh đưa em đến tiệm may là phải nhất.
Lặng lẽ bước theo Vĩnh Khang ra ngoài, cho đến lúc lên xe, cô không mở miệng nói thêm lời nào. Dừng trước tiệm may lớn nhất nhì thành phố, Vĩnh Khang đưa Đông Nghi vào trong. Vừa nhìn thấy anh, bà chủ tiệm may vội bước đến. Bà niềm nở hỏi:
– Ồ! Lâu quá mới thấy cậu Khang. Cậu đưa bà xã tới may đồ, phải không?
Đông Nghi bối rối vì bị hiểu lầm. Cô định đính chính, nhưng giọng Vĩnh Khang đã vang lên tỉnh queo:
– Bà lựa vải tốt may cho cô ấy vài bộ đồ. Bà là thợ may chắc bà biết vải nào hợp với cô ấy.
Bà chủ cười thật tươi:
– Dạ, cậu khỏi lo. Tôi bảo đảm cổ mặc không đẹp không lấy tiền. À! Khoản mất bộ hả cậu?
– Mười đi. Vừa ra phố, vừa để mặc nhà.
Đông Nghi tròn mắt nhìn Vĩnh Khang. Cô níu tay anh:
– May chi nhiều vậy? Em có đi đâu nhiều, anh bảo họ may chi lắm thế? Chừng vài bộ đồ là đủ rồi.
Vĩnh Khang bẹo má cô:
– Anh nghĩ như thế vẫn còn ít đấy cô bé.
Gặp mối xộp, bà chủ tiệm cũng nói vào:
– Em thật có phước khi gặp người chồng ga lăng và yêu vợ như cậu Khang. Chứ còn chị đây, có bao giờ chồng chị mua tặng vợ cái áo, nói chi là đưa đi may. Rồi bà tự tay đo ni của cô, miệng xuýt xoa khen:
– Dáng em hết sẩy, còn đẹp hơn mấy cô người mẫu tới tiệm chị may đồ nữa. Em có mấy cháu rồi?
Đông Nghi ấp úng:
– Dạ, em với anh Khang chỉ là.
Bà chủ tiệm vồn vã tiếp:
– Em còn đang phân vân, phải không? Chị thấy phải đó. Em còn trẻ cứ chơi cho thỏa, vài ba năm nữa có con cũng không muộn. Chị nè, hồi đó có chồng, sanh liền một lượt hai đứa, cứ chúi mũi lo cho chồng con, đến khi nhìn lại thì mình đã già. Nghĩ mà tội cho phụ nữ em há?
Đông Nghi không nói được gì, cô đành ậm ừ cho qua. Vĩnh Khng lơ đãng hỏi:
– Đo xong chưa bà chủ?
– Dạ rồi.
– Chừng nào thì lấy được?
– Dạ, cậu là khách quen ở tiệm, tôi ưu tiên may cho bà xã cậu trước. Nửa tháng sau, cậu quay lại lấy.
Vĩnh Khang nhăn mặt nói:
– Nửa tháng lâu quá. Chừng mười ngày thôi, được không bà chủ?
– Đồ may còn hơi nhiều, nhưng cũng được. Thấy bà xã cậu dễ thương quá, tôi sẽ cố gắng may cho cô ấy.
Vĩnh Khang nheo mắt nghịch ngợm:
– Vậy sao? Cám ơn lời khen của bà.
Cả hai chào bà chủ tiệm vui tính ra về. Đông Nghi nhìn anh, trách móc:
– Sao anh không phải thích với bà ấy để người ta hiểu lầm?
Vĩnh Khang nhún vai đáp tỉnh:
– Không lẽ gặp ai, anh cũng phải giới thiệu. Thà yên lặng để họ khỏi thắc mắc gì nhiều.
– Xì! Nói vậy cũng nói.
Đông Nghi xịu mặt im lặng. Vĩnh Khang tủm tỉm cười, anh thản nhiên ôm vô lăng miệng huýt sáo một bản nhạc vui vẻ và như không để ý đến Đông Nghi, cô đang ấm ức vì thái độ phớt lờ của anh. Đông Nghi nghĩ bụng: Nếu biết trước như vậy, cô thà ở lại nhà, không theo anh ra ngoài để bị hiểu lầm.
Đông Nghi đang phụ vú Mười rửa bát đĩa, chợt tiếng chuông cửa đổ dồn. Cô vội lau tay vào chiếc tạp dề và nói:
– Để con ra mở cổng, không biết khách nào mà đến giữa trưa thế này. Con đi nha vú.
Bà vú chậm rãi:
– Ừ, để mở chén đĩa này cho vú, con đi đi.
Đông Nghi nhảy chân sáo ra mở cổng. Trước mắt cô là một cô gái thật sang trọng có khuôn mặt đẹp sắc sảo, bộ đồ trên người thật mốt, cùng những món nữ trang đắt giá sáng lấp lánh. Đông Nghi ngây người ra nhìn, quên cả mời khách vào nhà. Gỡ cặp kích xuống, Tuyết Ngân cau có:
– Nhìn gì mà nhìn? Mở rộng cửa chút coi! Bộ đui sao không thấy tôi đứng ngoài nắng hả?
Câu gắt của Tuyết Ngân làm Đông Nghi choàng tỉnh, cô cười giả lả:
– Dạ, xin lỗi chị, mời chị vào nhà.
Tuyết Ngân nhìn Đông Nghi dò xét. Con bé đẹp quá! Nét đẹp thật hoàn mỹ từ khoé mắt làn môi. Cô nhìn con phải xuýt xoa, huống hồ chi bọn đàn ông. Không biết ông chồng của cô đã moi được con bé ở xó xỉnh nào mà trông ngon lành dữ. Hất mặt kênh kiệu, Tuyết Ngân hỏi trỏng:
– Người ở mới à?
Đông Nghi hơi ngờ ngợ với thái độ kẻ cả của cô gái. Cô không trả lời mà nhã nhặn hỏi:
– Có phải chị là Tuyết Ngân?
Khẽ nheo mắt, Tuyết Ngân nhếch môi:
– Phải thì sao? Cô đã nghe bọn người làm thóc mách gì ư?
Đông Nghi cười thân thiện:
– Dạ không. Tại em thấy chị đẹp quá nên mới đoán vậy thôi.
Tuyết Ngân nhún vai. Những lời khen đối với cô không còn hứng thú nữa, cô đã nhàm tai vì có quá nhiều người khen tặng. Cô nhìn Đông Nghi ra lệnh:
– Xách mớ hành lý vào trong, nhớ nhẹ tay một chút, bên trong toàn những thứ quý giá.
Nói xong, Tuyết Ngân bỏ đi thẳng, thái độ vô cùng hách dịch. Vào tới phòng khách, gặp bà Trương và Vĩnh Khang ngồi uống trà, Tuyết Ngân tằng hằng nói:
– Chào cả nhà. Mọi người vẫn chưa đi nghỉ à?
Bà Trương và Vĩnh Khang cùng ngẩng lên. Nhìn thấy con đâu, bà Trương vui vẻ bảo:
– Con mới về à? Ngồi xuống đây uống miếng nước cho khoẻ. Sao con không điện về để Vĩnh Khang ra đón?
Tuyết Ngân thong thả ngồi tréo chân trên ghế, cô khẽ nhếch môi:
– Đưa đón làm gì cho mệt, biết anh Khang có rảnh không. Con đón tãi về cho tiện, khỏi phiền phức đến ai.
Vĩnh Khang cúi xuống tờ báo, giọng anh thờ ơ:
– Cô là người nổi tiếng, có khối kẻ đưa đón, cần chi phải là tôi mới được.
Tuyến Ngân trừng mắt nhìn chồng, cô đi gần hai tháng, vậy mà mới về đến nhà đã nghe anh xách mé, hỏi có bực không. Hậm hực định đốt chát lại, nhưng vì có mặt bà Trương nên cô nén giận làm vui. Cô hỏi mẹ chồng:
– Chuyến đi biểu diễn tại Singapore thành công vang dội, truyền hình cũng phát trực tiếp, mẹ có xem không?
Bà Trương lắc đầu:
– Chương trình đó phát khuya lắm, mẹ thức không nổi. Lần này con đi hơi lâu, cơm hàng cháo chợ riết cũng ngán hả Ngân?
Tuyết Ngân cười với bà:
– Riết rồi cũng quen. Ở nhà con thấy tù túng làm sao ấy. Con là người của công chúng mà mẹ.
Bà Trương trách nhẹ:
– Biết vậy, nhưng không lẽ làm nghề người mẫu phải đi suốt hết ngày này qua ngày nọ hả con?
Biết mình lỡ lời, Tuyết Ngân giả lả nói:
– Mẹ ơi! Mẹ lo chi cho mau già. Con ra ngoài thì cũng ở khách sạn sang trọng, món ăn cũng đâu có tệ. Nghề người mẫu cũng lắm gian nan, không phải ai cũng một bước thành danh cả. Vì vậy con phải cố gắng giữ địa vị và danh tiếng của mình. Còn chuyện con cái, muốn có lúc nào mà không được hở mẹ.
Bà Trương chép miệng:
– Hai đứa tính sao thì tính. Chờ thêm vài năm nữa, chắc là mẹ không chờ nổi rồi.
Tuyết Ngân cười thầm. Cô và thằng con cưng của bà đã ly thân từ lâu, làm gì tính đến chuyện có con. Mà nếu có cơm ngọt thì cô cũng chẳng dại gì để dính bầu. Bao năm vất vả trong nghề, có khi phải đánh đổi nhiều thứ mới có người lăng xê nổi tiếng. Cô phải trầy trật lắm mới có vị trí hôm nay, cớ gì phải buông trôi để chui đầu vào cái gọi là bổn phận gia đình, và hằm bà lằng các thứ khác. Cô sinh ra là để mọi người ngưỡng mộ. Vả lại, cô rất sợ trẻ con. Cái sinh vật đỏ hỏn lúc nào cũng khóc tu oa làm cô sợ. Cô chưa chuẩn bị tâm lý để trở thành một người mẹ hoàn hảo, mà nếu có chắc chỉ ở trong mơ, còn thực tế thì chưa phải lúc.
Thấy Đông Nghi khệ nệ xách hai vali to đùng đi vào, bà Trương kêu lên:
– Con xách gì mà coi bộ nặng vậy, Đông Nghi?
– Dạ, chỉ là hành lý của chị Tuyết Ngân thôi ạ.
Nhìn những giọt mồ hôi nhỏ xuống gương mặt đỏ hồng, Vĩnh Khang đứng dậy đến bên cô:
– Em đưa anh xách cho. - Quay qua Tuyết Ngân, anh tiếp - Sao không gọi người làm họ đem vô. Hai vali nặng trĩu thế này làm sao cô ấy xách cho nổi?
Tuyết Ngân hất mặt:
– Thì nó cũng là tôi tớ đó thôi, em là chủ em có quyền sai khiến. Anh làm gì mà to tiếng với em?
Giọng Vĩnh Khang cau có:
– Ai nói với cô Đông Nghi là người ở?
Đứng vụt lên, Tuyết Ngân chỉ vào Đông Nghi phán:
– Ở nhà này, ngoài em với anh và mẹ ra mới là chủ. Còn nó, nó không là người ở thì là gì?
Vĩnh Khang hừ mũi:
– Phải. Chỉ có cô mới sang trọng ra vẻ bà chủ, những người còn lại đều là bần cùng tôi tớ.
Tuyết Ngân giận tím mặt. Vì một con nhóc tì mà Vĩnh Khang mạt sát cô. Cô quay qua bà Trương, giọng châm chọc:
– Vừa về nhà đã gặp xui xẻo! Mẹ đứng ra làm chứng giùm con, chồng con vì một đứa tôi tớ mà nhiếc móc con kìa.
Câu nói của Tuyết Ngân làm bà Trương không vừa lòng, nhưng bà cũng rầy Vĩnh Khang:
– Tuyết Ngân vừa về nên chưa rõ, con đừng to tiếng với nó.
Hất mặt về phía chồng, Tuyét Ngân phụ họa:
– Em đã nói gì không phải? Anh đừng đối xử thô lỗ như một tên vô loại với em.
Giận tái mặt, Vĩnh Khang gầm gừ:
– Cô vừa nói gì?
Tuyến Ngân không vừa, cô xứng cồ:
– Bô em nó trật hả? Vừa bước chân về, nhìn bản mặt khó ưa của anh đâ thấy bực bội. Chả hỏi han vô được câu nào, chỉ toàn chỉ trích cau có, anh thử nghĩ mình làm vậy có đúng hay không?
Đông Nghi sợ hãi nói:
– Anh bình tĩnh lại Vĩnh Khang. Chuyẹn gì cũng từ từ rối nói, chỉ là hiểu lầm thôi.
Vĩnh Khang ngồi phich xuống ghế, anh không thể gây gổ vối Tuyến Ngân trước mặt mẹ, anh sợ mình không kềm đươc gin giữ và mọi việc sẽ tới tai mẹ. Anh không muốn mẹ lo rầu vì chuyện vợ chồng của anh.
Tuyết Ngân cười nhếch môi, khi nhìn dáng vẻ thúc thủ của Vĩnh Khang. Bà Trương nói bằng giọng không vui:
– Tuyết Ngân! Mẹ cho con biết, Đông Nghi nó là con nuôi của mẹ. Mẹ mong con và Vĩnh Khang đối xử tốt với nó như người một nhà, đừng làm cho mẹ đau lòng vì những chuyện không đâu. Vợ chồng có gì không phải thì về phòng đóng cửa dạy nhau, đừng gây ồn ào nào loạn cả lên.
Tuy hậm hực nhưng Tuyết Ngân cũng vờ ngọt ngào:
– Dạ, lời mẹ dạy chí phải. Tụi con xin lỗi, mong mẹ đừng để bụng.
Cô quay sang Đông Nghi:
– Có phước lắm mới được làm con cháu nhà này, liệu mà ăn ở cho vừa lòng mẹ.
Tránh tia nhìn soi mói của Tuyết Ngân, Đông Nghi đáp:
– Em cám ơn chị đã có lòng lo lắng. Những gì chị dạy em xin ghi nhớ.
Vĩnh Khang đứng lên nói:
– Con lên phòng chuẩn bị đi làm.
Vĩnh Khang bỏ đi một nước. Chàng đã quá khinh bỉ bộ mặt ghê tởm của vợ. Cô ta rất giỏi đóng kịch trước mặt người khác, ngoại trừ Vĩnh Khang. Tuyết Ngân nguýt Đông Nghi một cái bén ngót. Vì con ả này mà Vĩnh Khang to tiếng với cô trước mặt bà Trương, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Thật là đáng ghét. Tuyết Ngân hậm hực nói:
– Con vừa xuống máy bay, trong người không được khoẻ, con xin phép về phòng.
Liếc xéo Đông Nghi với cặp mắt hằn hoc, Tuyết Ngân bỏ lên lầu. Đông Nghi cảm thấy bất an với cái nhìn lạnh lẽo của Tuyết Ngân, nó không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Bà Trương thở dài:
– Tụi nó lúc nào cũng vậy đó, con cũng đừng buồn. Mai này cũng đâu vào đó cả.
– Dạ, mẹ đừng bận tâm, con không sao đâu.
– Ừ, vậy thì đi nghỉ trưa đi con, tối còn đọc truyện cho mẹ nghe.
Tuy không vui, nhưng Đông Nghi vẫn cố cười:
– Da, con đi nha mẹ.
Nhìn Đông Nghi lầm lũi bước đi, bà Trương lại thở ra. Buổi dạo đầu chẳng mấy suôn sẽ, hy vọng tụi nó thông cảm và hiểu nhau hơn. Tuyết Ngân kênh kiệu bước vào. Ném chiếc xắc tay lên giường, cô nhìn Vĩnh Khang mai mỉa:
– Moi đâu ra con bé nhà quê đó vậy. An lại tính giở trò gì, hả ông chồng yêu quý?
Vĩnh Khang không buồn trả lời Tuyết Ngân, anh khoác áo chuẩn bị đến công ty. Châm cho mình một điếu thuốc, thả những vòng khói tròn vào không khí, giọng Tuyết Ngân châm chọc:
– Hừ! Cái vụ này mới à nha. Không biết là em nuôi hay là vợ nuôi nữa? Tôi thấy sao mờ ám quá đi.
Những lời khiêu khích của cô như rơi tõm vào khoảng không, Vĩnh Khang không bận tâm. Với một người hồ đò như Tuyết Ngân, anh thấy mình không cần phải lên tiếng. Xách cặp, Vĩnh Khang bước ra ngoài. Tuyết Ngân nhảy đến án ngay cửa buồng, cô nhìn anh soi mói:
– Tôi nói đúng quá phải không, sao anh không trả lời? Anh đừng nghĩ là tôi ngu, nếu không nói rõ thì đừng hòng rời khỏi đây.
Vĩnh Khang lạnh lùng phán:
– Cô muốn nghĩ gì lung tung, tôi cũng mặc. Nhưng đừng đem ý tưởng ngu xuẩn áp đặt cho người khác, tôi không tha cho cô đâu.
Tuyết Ngân cười ngọa mạn:
– Vậy sao? Nhưng anh thừa nhận là anh có tình ý với con bé nhà quê đó, đúng không?
Nhún vai, giọng anh nhạt nhẽo:
– Cũng có thể có và có thể không, tôi theo trí tưởng tượng phong phú của cô.
Tuyết Ngân cười gằn:
– Tôi cho anh hay, anh đừng hòng giở trò với tôi. Tôi thề sẽ không đứng yên nhìn anh chim chuột với bất cứ ai. Tôi cảnh cáo anh đó.
– Hừ! Với mình cô ư?
– Đúng! Nhưng cũng đủ làm anh đau đầu. Tôi không dọa suông đâu, liệu mà chấm dứt khi sự việc chưa quá muộn.
Vĩnh Khang cười khẩy. Anh lạnh lùng phán:
– Cô vẫn chưa đủ tư cách để nói với tôi những lời đe dọa rởm. Hãy dành cho những tên tình nhân yếu thần kinh của cô, họa mới mong có kết quả. Còn với tôi, cô không đáng giá dù chỉ một xu. Hiểu rồi, chứ, cô người mẫu đanh đá? Đông Nghi là con của mẹ tôi, tôi cấm cô có cử chỉ và hành động xúc phạm cô ấy, bằng không thì cô đừng trách. Cô động đến Đông Nghi là cô động tới mẹ tôi đó, liệu mà xử sự.
Hất Tuyết Ngân qua một bên, Vĩnh Khang cao ngạo bước ra ngoài. Tuyết Ngân nổi khùng, cô tru tréo:
– Anh là một tên đê tiện! Tôi sẽ trả anh lại những gì mà anh đối xử với tôi hôm nay.
Hậm hực bước đến giường, thả người xuống nệm, Tuyết Ngân đã chán tận cổ con người Vĩnh Khang. Cô định bỏ đi từ lâu, nhưng vì cái gia tài đồ sộ của họ Trương mà cô còn nấn ná. Hy vọng lần này, cô làm áp lực buộc Vĩnh Khang nhả ra một nửa gia tài cho cô. Như vậy cô mới thuận tình ly dị. Tuyết Ngân mơ màng nghĩ tới Hoàng Thái, người đàn ông hấp dẫn cô vừa quen trong chuyến lưu diễn. Hoàng Thái có vẻ mến cô, hắn chiều chuộng cô rất mực. Cô sẽ dùng hắn để trả thù Vĩnh Khang.
..
Đông Nghi dậy thật sớm, cô làm điểm tâm cho cả nhà. Tiếng dao thớt cham vào nhau làm vú Mười tỉnh giấc. Bà lẹp xẹp đi xuống bếp. Thấy Đông Nghi, bà chưng hửng:
– Con làm gì vậy Nghi?
Đông Nghi đáp bằng giọng hí hửng:
– Con làm vài món ăn sáng, chốc nữa mọi người thức có cái ăn liền. Chứ đi ăn ngoài tiệm vừa tốn tiền, vừa không đủ chất lượng, mình nấu tuy không ngon hơn họ, nhưng lại đủ dinh dưỡng. Vú Mười đến bên cô, bà chép miệng:
– Con nấu gì sao không nói với vú. Bày đặc thức sớm cho cực, bà chủ biết được rầy vú cho coi.
– Có gì cực hả vú. Con làm loáng cái là xong. Với lại, hồi còn ở nhà, con cũng hay thức sớm lắm, ngủ trưa không quen.
Cô cười rúc rích:
– Ở quê, con gái dậy muộn là hư lắm, vú ơi.
– Vú thấy con nấu ăn cũng khá lắm. Con có học lớp nấu ăn nào không, Nghi?
Đông Nghi lắc đầu:
– Con mua mấy quyển sách dạy cách nấu nướng về rồi bắt chước. Con bận tối tâm mày mặt, đâu còn thời gian rảnh để học. - Cô lại cười - Ngon thiệt hả vú? Vú đừng an ủi con nha.
Vú Mười chân thật:
– Vú nói thiệt đó. Không tin, con hỏi bà chủ thì rõ.
Bà xuống giọng:
– Cô Tuyết Ngân có được chút xíu tính cách của con thì hay quá. Đã không biết chuyện bếp núc, mà lại hay lên giọng. Vú sợ nhất là phải phục vụ một người khó tính như nó.
Khuấy nhẹ nồi nước lèo vàng óng, Đông Nghi hỏi nhỏ:
– Chị Ngân khó lắm hả vú?
– Tại con mới về nên chưa biết. Hách dịch, hay lên mặt coi thường mọi người là bệnh kinh niên của nó. Mai này bà chủ có quy tiên sớm, chắc vú và mọi người cũng xin nghỉ. Bản tính thất thường của Tuyết Ngân khiến mọi người chịu không xiết.
Vú Mười nói tới đó thì Vĩnh Khang và bà Trương xuống tới. Chàng hóm hỉnh nói:
– Ui cha! Có mùi gì thơm qu1 xá vậy cà. Me, có nghe thấy không?
Nhìn gương mặt rạng rỡ của con trai, bà Trương cười vui:
– Còn phải hỏi. Nhất định Đông Nghi lại đãi cả nhà một bữa điểm tâm hấp dẫn đây.
Vú Mười khẽ đáp:
– Đông Nghi dậy sớm lắm, nó bảo nấu vài món đổi khẩu vị cho bà chủ. Tôi định phụ một tay nhưng nó không cho.
Đông Nghi phụng phịu:
– Có gì nhiều mà phụ. Con mời mọi người vào bàn, hy vọng món điểm tâm sáng làm mọi người ngon miệng.
Đông Nghi dọn tất cả lên bàn ăn. Các món điểm tâm được cô bày trí khéo léo, mùi thơm của nước lèo lẫn mùi nước mắm tỏi ớt làm mọi người háo hức. Bà Trương chỉ vào đĩa bánh:
– Món này gọi là gì vậy Nghi?
– Dạ, đó là bánh ít nhân tôm thịt.
– Còn tô nước vàng óng kia?
– Dạ, món xúp bong bóng cá. Mẹ với vú Mười và anh Khang dùng thử xem có được không. Lâu lắm rồi con mới nấu lại hai món này, hổng biết mùi vị có hạp khẩu vị mọi người không nữa.
Không đợi mời thêm, Vĩnh Khang cúi xuống đĩa bánh của mình. Anh cho một miếng vào miệng.
– Ồ, ngon tuyệt!
Bà Trương và vú Mười từ tốn nếm thử. Vị cay xé lưỡi của ớt, vị chua của chanh, thơm của nước mắm làm cho món ăn trở nên ngon và hấp dẫn lạ kỳ. Bà Trương gật đầu vẻ thích thú:
– Ngon quá vú nhỉ! Từ nào giờ tôi mới nếm qua, Đông Nghi quả thậy khéo tay.
Vú Mười cũng nói:
– Con giỏi lắm! Mỗi ngày đều nấu một món mới, con làm cho vú đến phải thất nghiệp rồi.
Đông Nghi sung sướng khi nhìn mọi người ngon miệng. Cô e thẹn nói:
– Tại mẹ với anh Khang và vú không nỡ chê thôi. Con biêt mình vẫn còn vụng lắm.
Vĩnh Khang múc cho mình chén xúp, anh nheo mắt với cô:
– Ngon thì có ngon, nhưng mà
Giọng Khang lấp lửng làm Đông Nghi chưng hửng. Cô hỏi anh:
– Nhưng sao anh Khang?
Vĩnh Khang buông gọn:
– Nhưng nước mắm cay quá xá. Con gái mà đâm ớt cay là dữ lắm. Mai mốt, em cho ớt ít một chút, kẻo ế chồng thì khổ.
Nói rồi, anh cười vang thích thú. Đông Nghi biết mình bị sụp bẫy, cô giậm chân nhìn anh hờn dỗi. Bà Trương vui vẻ nói:
– Con đừng nghe nó hù. Con giỏi giang như vầy, mẹ sẽ tìm cho con một người chồng xứng đáng.
– Ôi, mẹ ơi! Đông Nghi còn trẻ con quá, chưa đủ chín chắn để làm vợ người ta. Mới trêu đã xụ mặt rồi, anh chồng nào gặp phải chắc đến khổ vì dỗ ngọt.
Đông Nghi nguýt Vĩnh Khang. Cô đỏ mặt nói:
– Để con gọi chị Tuyết Ngân xuống ăn cho nóng.
Nói rồi, cô vụt chạy biến lên nhà trên. Vú Mười cười cười:
– Vĩnh Khang! Con làm nó mắc cỡ chạy mất tiêu. Xem ra, người năn nỉ phải là con rồi.
Vĩnh Khang nhún vai:
– Vú lo gì, chỉ cần một bịch ô mai là cô nhỏ lại cười ríu rít ngay thôi.
Bà Trương rầy Vĩnh Khang:
– Đông Nghi nhạy cảm lắm, con đừng làm em nó tổn thương. Đừng nghĩ lớn rồi thì mẹ không đánh, con chọc ghẹo con bé nữa, mẹ bắt con cúi xuống đó. Vĩnh Khang vờ cà nanh:
– Vậy là mẹ thương Đông Nghi hơn con rồi. Mẹ làm vậy đâu có được hả vú?
– Nhưng vú không nghĩ thế. Con là đàn ông, lại là anh trai, phải nhường nó chứ. Con ỷ lớn ăn hiếp Đông Nghi, vú cũng nghỉ chơi con luôn.
Nhìn mẹ và vú Mười tố khổ mình, Vĩnh Khang xìu xuống như bong bóng xì hơi:
– Rõ rồi. Con sẽ làm theo mệnh lệnh của mẹ. Nếu không, bị cả nhà cô lặp lại càng khổ hơn.
Bà Trương hài lòng. Đông Nghi đối với bà thật quan trọng. Cô bé như phép lạ làm thay đổi con người Vĩnh Khang. Từ ngày cô về, ngôi nhà rộn rã hơn, và Vĩnh Khang cũng hoạt bát, cởi mở hơn. Con trai bà không còn vẻ buồn bực trầm ngâm như xưa. Đụng Tuyết Ngân trên lầu đi xuống, Đông Nghi vồn vã nói:
– Em lên mời chị xuống dùng điểm tâm.
Nhún vai, giọng Tuyết Ngân chăm chọc:
– Tôi muốn ăn lúc nào mặc tôi, mời với chả gọi. Cô mới chân ướt chân ráo về đây, bộ tính quản luôn thời gian riêng tư của tôi hả?
Nụ cười vụt tắt, Đông Nghi phân bua:
– Em không có ý đó. Chỉ tại đúng bữa nên em muốn chị dùng điểm tâm luôn thể.
Tuyết Ngân lạnh nhạt:
– Quý hóa quá! Nhưng tôi cho cô hay, tôi thích ăn lúc nào mặc xác tôi, không cần cô tỏ vẻ tử tế. Bon người làm ở đây và cô nữa, đều là một lũ ngu xuẩn, thích tào lao chuyện người khác.
Trước khi bỏ đi, Tuyết Ngân phán thêm một câu:
– Muốn yên phận thì ngậm miệng lại, đừng bép xép mang họa vào thân. Cô đừng tưởng mình ngon. Bất quá cô chỉ là con nuôi của mẹ chồng tôi. Còn với tôi, cô chỉ là con số không to tướng.
Nói xong, Tuyết Ngân bước thẳng, bỏ mặc Đông Nghi với nét mặt ngỡ ngàng. Thát độ khinh khi của Tuyết Ngân đối với cô thật quá mức tưởng tượng. Vú Mười đã cảnh báo, nhưng Đông Nghi lại không ngờ rằng cô ta thật quá quắt, có cái lưỡi thốt ra toàn những câu độc địa làm nhức óc kẻ đối diện. Đông Nghi nhún vai nghĩ bụng: Mặc kệ cô ây! Từ nay mình chừa, không dám dây đến ả, dù chỉ chút xíu. Tuyết Ngân đủng đỉnh ngồi xuống bàn ăn. Vú Mười lặng lẽ dọn các thức ăn lên cho cô. Cho miếng bánh vào miệng, nhai được chút xíu, cô nhăn mặt nhả vội ra, miệng lách chách:
– Có mùi gì khó ăn quá. Vú làm ơn dẹp giùm tôi.
Đông Nghi vội bưng đĩa bánh, cô nhỏ nhẹ nói:
– Có xúp bong bóng cá hầm ngũ quả, chị ăn một chén cho mát.
Tuyết Ngân lãnh đạm nói:
– Cám ơn! À, me...mẹ dùng điểm tâm với con.
Bà Trương ậm ừ:
– Mẹ ăn rồi. Con và Đông Nghi ăn đi.
Liếc xéo qua Đông Nghi. Cô hậm hực, vì con bé quê mùa lại được mẹ chồng xem ngang hàng với cô. Đông Nghi cắm cúi ăn. Cô không thèm để ý đến gương mặt khó chịu của Tuyết Ngân. Đang ăn ngon lành, Tuyết Ngân vội dừng lại, câu nói của bà Trương làm cô chú ý:
– Tôi định bàn với vú, sinh nhật Vĩnh Khang lần này, tổ chức ở nhà. Đông Nghi sẽ giúp vú làm vài món đãi khách.
Vú Mười chưa kịp trả lời, Tuyết Ngân đã xen vô:
– Mẹ tính lại đi. Khách nhà mình toàn là máu mặt, liệu Đông Nghi có đảm đương nổi không.
– Mẹ nghĩ được. Đông Nghi khéo tay lắm. Với lại, lần này Vĩnh Khang cũng không mời ai nhiều. Tổ chức ở nhà, buổi tiệc ấm cúng và vui hơn.
Tuyết Ngân bĩu môi:
– Dân thành thị và thôn quê đều có khẩu vị riêng. Huống chi quê của Đông Nghi ở nơi đèo heo hút gió, các món ăn dân dã sẽ không hợp với tầng lớp sang trọng.
Miếng bánh như nghẹn lại ở cổ Đông Nghi. Lời châm chọc của Tuyết Ngân như xoáy vào tai cô nhức nhối. Nhìn bà Trương, Đông Nghi nhẹ nhàng:
– Chị Ngân nói phải đó mẹ. Con chỉ biết nấu qua loa vài món đơn giản. Nếu đem đãi khách, con e không vừa ý lắm.
Bà Trương khoát tay:
– Mẹ thích là ở cái đơn giản đó. Mẹ là người khó ăn mà còn cảm thấy ngon miệng, khách khứa họ càng ưng những món lạ đó con.
Tuyết Ngân hậm hực nói:
– Con không tin là Đông Nghi có thể làm được điều kỳ diệu đó. Mẹ giao phó cho nó, coi chừng nó lại làm hỏng bữa tiệc của anh Khang.
– Thôi, không bàn cãi nữa, cứ quyết định vậy đi. - Bà Trương hỏi Tuyết Ngân - Món súp đó ăn có được không Ngân?
Tuyết Ngân nén tiếng thở dài, cô nói mà không biết là khen hay chê:
– Dạ, theo con thì không ngon lắm, có thể dùng tạm được.
Hơi bất bình, vú Mười lên tiếng:
– Đông Nghi nấu món này rất vừa miệng bà chủ với cậu Khang, chỉ có cô là không vừa ý. Chắc vì cô chỉ quen dùng những món sang trọng ở nhà hàng?
Ném tia nhìn sang vú Mười. Tuyết Ngân khinh khỉnh:
– Tôi là người thẳng tỉnh, có sao thì nói vậy. Thức ăn dở thì góp ý để lần sau cố gắng, vú đừng cho là tôi khó tính.
Vú Mười cười nhẹ:
– Tôi nào dám nghĩ thế. Cô là người nổi tiếng thì nên dùng những món cao lương mới đúng.
Tuyết Ngân tức tối nhìn vú Mười. Cái bọn người làm ở đây luôn chống đối với cô, nhất là bà vú khó ưa này. Có ngày cô cũng tìm cách đuổi mụ ấy ra khỏi nhà cho coi. Bà Trương vẫn không để ý đến thái độ giận dỗi của con dâu, bà hỏi:
– Chỉ còn vài hôm nữa là tới, con coi sắp xếp công việc phụ giúp với mẹ một tay. Mẹ muốn bữa tiệc phải thật chu đáo. Ý thằng Khang chỉ tổ chức lần nay rồi thôi, chúng ta làm một cái gì đó thật bất ngờ cho nó vui.
Tuyết Ngân thờ ơ nói:
– Dạ, để con coi lại lịch diễn, nếu không trùng lắp con sẽ xin nghĩ vài bữa.
Đông Nghi buột miệng:
– Chị Ngân ở nhà thường xuyên, anh Khang hẳn vui lắm.
Nhận được cái trừng mắt của Tuyết Ngân, Đông Nghi vội nín bặt không dám nói gì thêm. Vú Mười nắm tay Đông Nghi. Chỉ có bà mới hiểu rõ ý tốt của cô mà thôi.
Bà Trương ngồi đọc báo trên ghế salon, bản tin buổi sáng luôn là mục bà ưu tiên. Tiếng chuông điện thoại trên bàn reo vang. Bỏ tờ báo xuống, bà Trương nhấc máy:
– A lô.
– Mẹ hả? Con Vĩnh Khang đây.
– Có gì không con?
– Mấy cái hợp đồng của công ty, tối qua con xem rồi bỏ quên trong phòng làm việc. Mẹ lấy rồi đưa chú Tân, nói chú ấy đem đến giùm con.
– Ờ, được rồi.
Bà Trương cúp máy, bà đi vào phòng của Vĩnh Khang. Trở ra với xấp tài liệu, bà gọi vú Mười:
– Vú ơi! Vú gọi ông Tân lên tôi bảo.
Tiếng vú Mười trong bếp:
– Sáng nay, ông Tân theo lệnh của bà đi mua thêm hoa kiểng rồi. Bà quên sao?
Bà Trương vổ trán:
– Ừ nhỉ! Nhưng còn ông Liêm?
– Ông ấy cũng vừa đi sửa xe. Nhà chỉ còn tôi và Đông Nghi.
– Ờ, vậy vú kêu Đông Nghi lên, tôi nhờ nó chút chuyện.
Nghe bà Trương gọi Đông Nghi từ ngoài vườn chạy ào vào nhà. Cô ôm cánh tay bà Trương, giọng mè nheo:
– Mẹ gọi con phải hôn?
Bà Trương nhăn mặt nói:
– Sao tay chân con lạnh vậy, Nghi?
– Dạ, con bứt ngó sen, trưa bóp gỏi cá tai tượng đổi món cho cả nhà.
Bà Trương rầy cô:
– Muốn ăn sao không nói để vú Mười mua. Con chưa quên chuyện bị cá cắn hôm nọ à?
Đông Nghi cười hóm hỉnh:
– Nó không dám cắn bậy nữa đâu. Hôm bữa con chơi trát nó, con chờ nó thò đầu lên rồi liệng mấy trái ớt hiểm xuống, chắc là cay quá nên con cá tởn, nó không đớp lung tung, mà có vẻ hiền đi.
Bà Trương lắc đầu:
– Con lí lắc quá! Nhưng phải coi chừng nó nghen con.
Đông Nghi gật đầu:
– Mẹ gọi con có chi không mẹ?
– À! Con đem xấp hồ sơ này qua công ty cho Vĩnh Khang. Nó vừa gọi điện về, nhưng vì ông Liên và ông Tân đều đi vắng, Tuyết Ngân cũng vừa đi khỏi. Con chịu khó một chút nghen con.
– Dạ, để con lên thay bộ đồ. Mẹ chờ con tí nha.
Đông Nghi trở về phòng. Bà Trương cẩn thận ghi địa chỉ vào một mảnh giấy. Đông Nghi ở bên bà cũng đã lâu nhưng suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, thành phố đối với con bé vẫn còn lạ lẫm, vì vậy mà bà Trương không yên tâm lắm.
– Con xong rồi. Mẹ đưa hồ sơ của anh Khang cho con.
Nhận tất cả từ tay bà Trương, Đông Nghi cẩn thận cho vào chiếc túi nhỏ xinh xắn Vĩnh Khang mua cho cô hôm nọ. Cô nói:
Chờ Đông Nghi lên xe bà Trương mới quay vào. Càng ngày, bà càng thương cô hơn. Tính tình chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân hậu của con bé, là bản sao của bà lúc trẻ, hỏi sao bà không thương cho được. Chiếc taxi chở Đông Nghi dừng trước công ty thật bề thế. Đông Nghi trả tiền rồi xuống xe. Cô đi lại bên bác bảo vệ, cô lễ phép nói:
– Bác ơi! Cho con hỏi thăm. Có phải anh Khang làm việc ở đây không ạ?
Nhìn cô dò xét, bác Sáu tằng hằng:
– Cô hỏi giám đốc Vĩnh Khang hả?
Đông Nghi vội gật đầu, giọng cô mừng rỡ:
– Dạ phải.
– Cô có hẹn với giám đốc?
– Dạ, cháu không có.
– Vậy cô tìm giám đốc có việc gì không?
Chỉ vào xấp hồ sơ, Đông Nghi nói:
– Ảnh để quên đồ, mẹ cháu bảo mang tới cho ảnh.
– Cô là gì của cậu Khang?
Đông Nghi nhanh nhảu:
– Dạ, là em gái ảnh.
Bác Sáu vội mở rộng cửa, bác phân bua:
– Cô thông cảm. Tôi không biết cô là người nhà của giám đốc.
Đông Nghi xua tay:
– Cháu biết mà, bác chỉ làm đúng trách nhiệm của mình. Bây giờ cháu vào được hả bác?
Bác Sáu gật đầu:
– Cô đi thẳng vào dãy nhà lớn, quẹo trái lên lầu, phòng giám đốc có treo bảng, cô nhìn thấy liền.
– Dạ, cháu cảm ơn bác.
Đông Nghi chào bác Sáu rồi bước đi. Cô cảm thấy bối rối khi ai cũng quay lại nhìn mình. May thật! Cầu thang đã hiện ra. Cô vội phóng vụt lên và chạy như ma đuổi. Lên hết dãy lầu, Đông Nghi ôm ngực thở hổn hển. Cô tự trấn tỉnh mình. Có gì phải sợ! Họ là người, mình cũng là người, ai muốn nhìn kệ họ, mình cứ phớt tỉnh là xong. Đông Nghi đi qua đi lại trước phòng giám đốc, cô không dám gõ cửa. Nếu Vĩnh Khang khôn có trong đó thì cô phải làm sao, mà đúng mãi đay cũng không xong. Cô còn đang do dự thì một chàng trai bước tới, anh ta hắng giọng:
– Cô muốn gặp giám đốc sao không gõ cửa?
Đông Nghi quay lại, cô đỏ bừng mặt bối rối:
– Dạ... tôi... tôi..
Chàng trai ngây người vì vẻ đẹp của Đông Nghi. Anh ta nghĩ bụng: Người đâu mà dễ thương quá chừng, phải tìm cách làm quen mới được.
Anh ta làm mặt nghiêm:
– Cô quen với Vĩnh Khang?
– Dạ.
– Thân hay sơ?
– Dạ, hơi thân.
Nhìn vẻ mặt lúng túng của cô, anh ta cố giấu nụ cười:
– Là bạn gái hả?
– Dạ không. Tôi là em gái anh Khang.
Chàng trai trợn mắt:
– Cô đừng đùa. Bác Trương chỉ có mỗi một tên con trai là gã Vĩnh Khang. Cô nói thật đi. Không, tôi kêu bảo vệ lên mời cô làm việc đó.
Bị truy ráo riết, Đông Nghi không biết phải giải thích sao, cô đáp bừa:
– Thì là em nuôi không được sao.
Chàng trai gật gù tiếp:
– Cô phải nói rõ tên tuổi để tôi vào hỏi lại giám đốc, cô phải nói thật đó.
Đông Nghi thở ra. Quy định gì mà kỳ cục và thật rắc rối. Nếu không là mẹ bảo đi, cô không đến đây chi cho phiền. Nghĩ vậy nhưng cô cũng nói:
– Đông Nghi, hai mươi hai tuổi.
Chàng trai tủm tỉm cười:
– Đã có người yêu chưa?
Đông Nghi trợn mắt nhìn hắn. Câu hỏi thật vô duyên, chẳng ăn nhập gì đến mục đích cô tìm Vĩnh Khang. Hất mặt, Đông Nghi đáp tỉnh:
– Tôi thấy mình không cần thiết trả lời câu hỏi của ông. Tôi đến tìm anh Khang, các người không cho thì thôi vậy, xin chào.
Chàng trai đứng án ngay lối đi, anh ta cười với tôi:
– Đùa chút mà giận hả cô bé?
Đông Nghi mím môi không đáp, chàng trai tiếp:
– Anh tên Hoàng, trợ lý của Vĩnh Khang. Chúng ta gặp nhau cũng là duyên, cô bé cho anh kết bạn nha?
Nhìn Hoàng cảnh giác, Đông Nghi từ chối:
– Tôi không thích kết bạn với người lạ. Mà nè, ông không được gọi tôi bằng bé này, bé nọ nhen. Tôi lớn rồi.
Minh Hoàng cười cầu tài:
– Ờ, vậy gọi bằng cô lớn há, Đông Nghi.
Vừa lúc đó cửa phòng giám đốc mở, Vĩnh Khang bước ra ngoài. Nhìn thấy anh, Đông Nghi mừng húm. Cô reo lên:
– Anh Khang...
– Ồ! Em tới khi nào vậy, Nghi?
– Dạ, nãy giờ.
Giọng Vĩnh Khang ngạc nhiên:
– Đến rồi sao không gọi anh. Mẹ mới điện tới hỏi, anh định ra ngoài đón nè. Mẹ mới điện tới hỏi, anh định ra ngoài đón nè.
Chỉ vào Minh Hoàng, Đông Nghi thản nhiên nói:
– Em còn phải trả lời cái ông này nữa. Ông nói biết tên tuổi rồi mới cho gặp anh. - Đông Nghi nhăn mặt - Chỗ anh làm cón quy định rắc rối quá, lần sau em chả dám tới nữa. Lướt tia nhìn sang chỗ Minh Hoàng, Vĩnh Khang lừ mắt:
– Đông Nghi là em gái của tao, mày không được lạng quạng nghe mậy.
Nheo mắt với Đông Nghi, Minh Hoàng cười cười:
– Mày có cô em dễ thương bá cháy, chắc tao phải gọi mày bằng anh Hai thôi, Khang.
Vĩnh Khang cũng hơi...nóng ruột trước ánh mắt đa tình của thằng bạn thân. Anh hăm dọa:
– Thôi nha, thằng ôn dịch. Mày ba hoa với cô nào cũng được, riêng Đông Nghi thì không. Tao cảnh cáo mày đó.
Minh Hoàng nhăn mặt:
– Mày sao lại bêu xấu tao trước mặt Đông Nghi? Ỷ có em gái đẹp rồi lên giọng, hở thằng quỷ?
Anh quay sang cười với Đông Nghi:
– Em đừng tin nó nói. Anh là người đàng hoàng nhất trong những thằng đàn ông trên trái đất này.
Vĩnh Khang châm chọc:
– Phải rồi. Mày đàng hoàng nhất trong những thằng ba xọa. Em đừng tin nó. Nó nổi tiếng tán gái trong công ty, một ngày có không dưới chục cô tới tìm nó.
Đông Nghi kêu lên:
– Mới nhìn tưởng ảnh hiền, ai dè ảnh cũng lợi hại thiệt.
Vĩnh Khang dặn dò:
– Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong, coi chừng lầm chết. Em vào phòng anh chơi, tí nữa anh đưa em về.
Đông Nghi khẽ chào Minh Hoàng. Cô không nín được cười khi nhìn vẻ mặt như mếu của anh. Vĩnh Khang đưa Đông Nghi vào phòng làm việc, anh nói:
– Em ngồi đây chờ anh, anh qua phòng họp độ nửa tiếng sẽ trở lại. Nhớ đừng đi lung tung, công ty đang giờ làm việc.
Đông Nghi đáp khẽ:
– Em nhớ rồi. Nhân viên của anh mồm mép quá trời. Bây giờ, có cho vàng em cũng không dám rời khỏi đây.
Vĩnh Khang cười bằng mắt với Đông Nghi. Cô bé hôm nay thật dễ thương với hai bím tóc đong đưa. Cô nhí nhảnh trong bộ áo sơ mi kem với quần Jean màu lông chuột. Vĩnh Khang vội chạy đi. Anh không dám nhìn Đông Nghi lâu hơn, anh sợ mình không kiềm chế được trái tim đang rung lên và sẽ làm khổ một Đông Nghi hồn nhiên vô tội. Lấy lại vẻ lạnh lùng cố hữu, Vĩnh Khang bước ra ngoài. Nếu anh gặp Đông Nghi sớm hơn, cuộc sống của anh không nặng nề và khổ sở như bây giờ. Đông Nghi quan sát xung quanh. Phòng làm việc của Vĩnh Khang thật ngăn nắp và sạch sẽ. Bước tới ngồi vào bàn, Đông Nghi thích thú với cái ghế dựa đa năng, có thể xoay vòng mà không cần đứng lên. Đông Nghi bật ghế dựa lưng và cô ngủ quên lúc nào không hay. Xông cuộc họp, Vĩnh Khang trở về phòng. Anh thật bất ngờ khi thấy Đông Nghi ngủ ngon lành trên ghế. Vĩnh Khang lặng ngắm Đông Nghi. Cái gương mặt hiền hòa kia sao mà dễ yêu biềt bao. Trong cơn mơ, cô bé thấy gì mà nhếch môi cười một mình? Vĩnh Khang rất muốn biết trong giấc mơ thiên thần của cô, có chút gì hình bóng của anh. Vĩnh Khang lay nhẹ tay cô:
– Đông Nghi dậy thôi.
Đông Nghi choàng tỉnh:
– Ô hay! Em thật hư, ngủ quên lúc nào không biết.
Vĩnh Khang tủm tỉm cười. Cô quê quá, trách anh:
– Cười chọc quê em hả?
– Đâu có, anh chỉ cười gương mặt ngáo ộp của em trong lúc ngủ thôi.
Đỏ bừng mắt, Đông Nghi phụng phịu:
– Xấu cũng mặc người ta, ai mượn anh dòn rồi chê. Thấy ghét!
Nhúng khăn ướt đưa cho cô, giọng Khang tỉnh rụi:
– Lau mặt rồi anh đưa về. Đừng bí xị trông xấu lắm. Tươi lên một chút, để không thôi người ta nói anh ăn hiếp em.
Đông Nghi làu bàu:
– Chứ còn gì nữa mà cãi.
Vĩnh Khang không đưa cô về nhà, anh cho xe chạy ra hướng ngoại ô.
Đông Nghi hỏi anh:
– Đường này đâu phải về nhà mình, anh Khang?
Nheo mắt với cô, anh đáp:
– Mình đi Lái Thiêu chơi, chiều về. Anh có điện cho mẹ rồi. Đông Nghi vỗ tay reo lên:
– Ôi, thích nha! Ạnh Khang thật dễ thương.
Nhìn vẻ rạng rỡ của Đông Nghi, anh cũng vui lây. Ngẫu hứng bất tử của anh vậy mà vô cùng ý nghĩa. Sau khi dùng cơm trưa, cả hai vào vườn trái cây. Đông Nghi như một chú sóc nhỏ bên cạnh Vĩnh Khang, cô tung tăng chạy nhảy với nụ cười thật hồn nhiên. Một buổi chiều thật hạnh phúc đối với Vĩnh Khang.
Trăng mười sáu tròn vành vạch trên bầu trời chi chít sao. Trăng tỏa ánh sáng bàng bạc khắp khu vườn. Gió mơn man cành lá chạm vào nhau, tạo thành thứ âm thanh rời rạc, buồn tẻ. Đông Nghi ngồi bó gối trong góc khuất ban công. Cô bỗng thấy nhớ nhà, nhớ bà Sương, dù những trận roi đòn vẫn chưa mờ trong ký ức. Dù được bà Trương yêu thương, mọi người quý mến, nhưng cô vẫn không nguôi nhớ nhà, một miền quê yên ả nơi cô cất tiếng khóc chào đời. Đông Nghi cảm thấy tâm trạng mình gần giống như tác giả bài hát \"Quê hương.\" Dù ở một nơi rất xa, cô vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn. Có tiếng mở cửa và Tuyết Ngân bước ra, làm cắt ngang dòng suy tưởng của Đông Nghi. Tuyết Ngân không nhìn thấy Đông Nghi, cô thản nhiên nói chuyện điện thoại mắt luôn liếc về phía thang lầu như một kẻ phạm tội. Giọng cô nũng nịu:
– Anh bảo em tới khách sạn à? Không được, chồng em mà biết thì chết cả đám.
–
– Anh nói sao? Anh thấy Vĩnh Khang đi rồi? Nhưng vẫn còn bà già, em đi là bả hỏi liền...
–
– Có chuyện cần bàn hả? Được rồi, để em tìm cách đến với anh. Em cúp máy nha, hôn anh.
Tiếng mi gió của Tuyết Ngân thật sỗ sàng, nó làm Đông Nghi nổi gai ốc khắp người. Chiếc khăn tay Tuyết Ngân vắt hờ hững trên vai, bị gió thốc bay lên và rơi xuống chân Đông Nghi. Tuyết Ngân bước tới, cô giật bắn người khi nhìn thấy Đông Nghi. Quắt mắt nhìn cô, Tuyết Ngân cao giọng:
– Mày ở đây từ lúc nào?
Đông Nghi đáp nhẹ nhàng:
– Dạ, em ngồi đây được một lúc thì chị ra tới.
Tuyết Ngân xạm mặt. Vậy là mẫu đối thoại của cô và Hoàng Thái đã bị Đông Nghi nghe hết. Nếu cô không dằn mặt, nó đem chuyện này kể rõ cho bà Trương, và kế hoạch cảu cô sẽ hỏng bét.
Dằn mạnh gót chân, Tuyết Ngân nói như hét vào mặt cô:
– Những gì nghe được mày hãy quên đi, đừng dại dột bép xép với ai. Nếu cô không dằn mặt, nó đem chuyện này kể rõ cho bà Trương, và kế hoạch của cô sẽ hỏng bét. Dằn mạnh gót chân, Tuyết Ngân nói như hét vào mặt cô:
– Những gì nghe được mày hãy quên đi, đừng dại dột bép xép với ai. Nếu muốn yên thân thì câm miệng. Chuyện của tao mày không nên xía mũi vào. Có biết thì cũng đừng tỏ thái độ, tao vốn chẳng ưa những đứa nhiều chuyện. Đông Nghi nhìn thẳng mặt Tuyết Ngân, cô nhẹ nhàng nói:
– Chuyện riêng của chị, em biết là mình không nên xen vào. Nhưng chị có thể đứng lại ít phút để em nói với chị vài lời.
Tuyết Ngân tỏ ra dễ dãi:
– Được. Muốn nói gì thì nói lẹ đi, tao không có thời gian chờ đợi.
Đông Nghi nhìn Tuyết Ngân bằng ánh mắt yêu thương. Cô cầm tay Tuyết Ngân, giọng dịu dàng:
– Chị đừng đi nữa, hãy ở lại với Vĩnh Khang. Anh ấy rất cô đơn, ảnh cần có chị để an ủi, thương yêu.
– Hừ! Mày nghĩ là tiếng nói của mày có giá trị đối với tao ư?
Đông Nghi ngập ngừng tiếp:
– Lời khuyên của em đối với chị xuất phát tận đáy lòng. Em vẫn biết chị xem nó như một cơn gió thoảng. Dù chị không thích, nhưng chị hãy vì em, vì anh Khang. Mẹ đã quá mỏi mòn chờ tin vui của anh chị. Chị nghe em một lần đi Tuyết Ngân. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, chỉ có gia đình mới là nền móng vững chắc.
Đông Nghi chậm chạp trở về phòng, cô dừng lại trước phòng mẹ nuôi, mở cửa thật khẽ và rón rén đi vào. Nhẹ kéo mền đắp cho bà, cô đứng yên hồi lâu, rồi quay ra. Bà Trương hắng giọng:
– Con vẫn chưa ngủ à?
Đông Nghi giật mình, cô e dè hỏi:
– Con làm mẹ thức giấc phải không?
Vẫy cô lại gần, vuốt nhẹ suốt tóc mềm mại của cô, bà nói:
– Đêm nay mẹ lại khó ngủ. Con có gì suy nghĩ ư? Mẹ trông con có vẻ đăm chiêu.
Đông Nghi vội lắc đầu:
– Dạ, không có đâu mẹ.
– Nè, có gì thì nói cho mẹ biết, đừng để bụng rồi buồn nghen con.
Cười tươi, cô áp đầu vào vai bà:
– Mẹ đừng bận tâm. Con còn gì suy tư khi được mẹ dang rộng vòng tay chở che. Con nguyện làm tất cả để mẹ và anh Khang luôn nở nụ cười.
Nhắc đến Vĩnh Khang, bà Trương thở dài:
– Dạo này, con Ngân ở nhà thường thì Vĩnh Khang lại đi suốt. Có hôm mẹ còn nghe được hai đứa nó to tiếng với nhau. Chúng nó làm mẹ buồn vô cùng.
Đông Nghi nói đỡ:
– Chắc là anh Khang với chị Ngân bàn bạc làm ăn, ảnh với chỉ không gây gổ đâu. Họ nói lớn tiếng nên mẹ hiểu lầm đó.
Bà Trương lắc đầu:
– Con không biết đó thôi. Chuyện làm ăn của Vĩnh Khang có bao giờ con Ngân ghé mắt đến. Công ty nhà ta kinh doanh những gì nó còn không biết, ở đó mà bàn bạc.
Bà thở dài tiếp:
– Nó không phụ tiếp đã đành, mẹ mong nó sinh cho mẹ một thằng cu để bà cháu hủ hỉ, vậy mà nó cũng từ chối, cứ hẹn lần hẹn lựa tới bây giờ. Thử hỏi mẹ có nên buồn hay không?
– Mẹ ơi! Chị ấy vẫn còn trẻ, vả lại là người mẫu nổi tiếng, mẹ thông cảm đừng trách chỉ tội nghiệp. Con biết chị Ngân cũng khó xử lắm.
– Ối dào! Mẹ không cần con dâu mình nổi tiếng, chỉ mình nó giỏi giang việc nhà là đủ. Mẹ đã già, mẹ không còn hơi sức đâu mà chờ đợi. Thằng Khang gần ba mươi rồi bằng tuổi nó, người ta đã có hai ba mặt con.
Bà tặc lưỡi tiếp:
– Mẹ con Ngân là bạn thân của mẹ. Thấy nó xinh xắn, mẹ mới hỏi cưới cho Vĩnh Khang. Ngày đó, nếu biết nó trọng tiếng tăm hơn gia đình, thì mẹ đã không làm khổ thằng Khang.
Đông Nghi nói với bà Trương mà như nói với chính mình:
– Nhất định năm tới mẹ sẽ có cháu bồng, mẹ tin con đi.
Bà Trương cười cười:
– May mà mẹ có con để trò chuyện. Con Ngân nó làm gì mẹ đều biết cả. Nó tường mẹ ở nhà suốt rồi lạc hậu. Mẹ cho nó thêm cơ hội sửa đổi. Nếu nó còn cố chấp, mẹ không coi nó là dâu của nhà ta.
Đông Nghi có vẻ thắc mắc, nhưng bà Trương đã nói sang chuyện khác.
– Qua sinh nhật thằng Khang, mẹ bảo nó đưa cả nhà ra Châu Đốc viếng Bà. Con có ra đó chơi chưa Nghi?
– Dạ, chưa. Châu Đốc đối với con vẫn còn lạ lắm. Từ nhỏ tới giờ, con có đi đâu xa nhà bao giờ.
– Ờ, vậy con đi với mẹ lần này cho biết với người ta. Thôi con về ngủ đi, khuya lắm rồi đó.
Đông Nghi đứng lên:
– Dạ, mẹ ngủ đi.
Cẩn thận kéo mền đắp cho bà rồi cô mới ra ngoài. Những lời bà Trương vừa nói, nửa úp nửa mở làm cô suy nghĩ. Cô rất muốn biết, mẹ đã nghe gì mà nói với cô điều đó. Đông Nghi về phòng mình. Cô thầm nhủ: \"Để hôm nào tâm trạng mẹ nuôi vui vẻ, cô sẽ lựa lời hỏi bà, còn bây giờ có thắc mắc cũng không tài nào biết được.
Tuyết Ngân đến khách sạn bằng ngả sau, cô không muốn mọi người nhìn thấy cô hẹn hò với đàn ông. Dù gì thì cô cũng là người nổi tiếng, những chuyện xấu cần phải che đậy, đừng để mọi người phanh phui dòm ngó. Chủ nhà hàng đã quen mặt Tuyết Ngân, bà đon đả:
– Dạ, ông Hoàng Thái ở phòng một lẻ năm, cô cứ tự nhiên lên trển, có lẽ ông ấy đang nóng ruột.
Tuyết Ngân phẩy tay:
– Được rồi, tôi không phiền bà nữa.
Nói rồi, cô đi thẳng lên lầu, bà chủ nhà hàng nhìn theo cười tít mắt. Cô ả có hàng tá bồ bịch và nhân tình. Nhà hàng của bà là điểm cho cô ả dừng chân, những gã đàn ông đến đây đều là khách sộp. Bà thừa biết nhà cô ả có một công ty suất nhập khẩu xe hơi hẳn hòi, nhưng coi bộ cô ả thích của lạ, thay nhân tình như thay áo. Chỉ tội nghiệp anh chồng khờ khạo, vợ ngoại tình đã lâu mà vẫn bình chân như vại.
Tuyết Ngân tự nhiên mở cửa đi vào. Cô nhìn Hoàng Thái bằng đôi mắt rực lửa:
– Tối thế này, anh muốn gặp em làm gì?
Đón cô bằng vòng tay rắn chắc, Hoàng Thái cười tươi, miệng xuýt xoa:
– Ôi! Nữ hoàng của anh. Anh nhớ em quá. Anh không thể chịu nổi khi vắng em.
Tuyết Ngân sung sướng ngả nười vào lòng Hoàng Thái. anh chàng đẹp trai và ga lăng này luôn làm cô hài lòng. Cô chúm môi nũng nịu:
– Xì! Anh xạo vừa chứ. Mới gặp hôm qua mà còn nói là nhớ.
Hoàng Thái vuốt ve người cô.
– Anh yêu em, vắng em một phút là nhớ rồi, nói chi là ngày hôm qua. Anh cứ sợ là em không tới.
Tuyết Ngân cười khúch khích:
– Thiệt hôn đó, hay là chừa thời gian trêu gái. Em cho anh biết, anh mà léng phéng với ai là chết, em xù anh luôn.
Hoàng Thái nhún vai cợt nhả:
– Yêu một mình em là đã đủ chết, anh còn hơi sức đâu dòm ngó đến cô khác. Không tin anh thề cho em coi.
Tuyết Ngân trề môi:
– Hừ! Ai mà tin anh cho nổi. Anh nổi tiếng đào hoa bay bướm, nghe anh có nước tiêu đời.
Hoàng Thái sỗ sàng:
– Không tin, anh sẽ làm cho em tin.
Gã chồm lên nằm gối đầu lên cánh tay nõn nà như vòi bạch tuộc của Tuyết Ngân, Hoàng Thái lim dim mắt:
– Chừng nào thì em ly dị chồng? Đừng bắt anh đợi lâu quá nghen cưng.
Tuyết Ngân áp sát cơ thể vào người hắn, cô cười khan:
– Tụi mình hẹn hò như vầy cũng tốt, em chưa muốn buông tha cho hắn.
Đốt điếu thuốc, rít một hơi dài, Hoàng Thái suy tính. Hắn đang cần một số tiền lớn, chỉ có Tuyết Ngân mới giúp được hắn. Nếu ly dị, cô ta có trong tay một nửa gia tài. Hắn tìm mọi cách để thuyết phục cô đồng ý.
– Anh sợ một ngày nào đó hắn phát hiện, chẳng những anh không được yên thân mà còn vạ lây đến em.
Tuyết Ngân búng tay:
– Điều này thì em có thể bảo đảm, hắn không dám làm bậy với em. Hắn rất thương mẹ, vì vậy hắn sẽ chả làm rùm beng, nhất là trong lúc này.
Hoàng Thái ra vẻ đăm chiêu:
– Anh đang cần một số vốn làm ăn, kẹt cái gia đình anh bên Mỹ chưa gởi qua kịp. Nếu góp vốn lần này sẽ thắng đậm lắm.
Tuyết Ngân tò mò:
– Anh đầu tư ngày nào?
– Bất động sản. Anh tính vốn này lời khảm. Mình mua đi bán lại, trong vòng vài tháng là bỏ túi vài trăm triệu như chơi. - Hắn chắt lưỡi - Anh định xong vụ này sẽ mời em đi du lịch Châu Âu một chuyến, nhưng bây giờ đành chịu, không có tiền không làm gì được cả. Hắn vờ thở dài, Tuyết Ngân xúc động, khi thấy hắn buồn bã. Hắn làm cũng là vì cô, cô từ chối nghĩ cũng tội. Cô hỏi Hoàng Thái:
– Trong tài khoảng riêng của em hiện có gần trăm triệu, em sẽ cho anh mượn, khi nào dư thì trả lại cho em.
Hoàng Thái lắc đầu:
– Phải bốn năm trăm mới đủ, bao nhiêu đó thì nhằm gì. Thôi, đành để lần sau vậy, bỏ qua vụ này anh cũng tiếc lắm. - Vuốt má cô, hắn tiếp. - Anh muốn mình có thật nhiều tiền để lo cho em. Trong lòng anh chỉ có em là tất cả.
Tuyết Ngân nghe mát cả ruột với những lời ngọt ngào của hắn. Cô ưu tư nói:
– Nếu em đồng ý ly dị. Vĩnh Khang sẽ phải chia cho em một nửa gia tài của hắn, nhưng em vẫn còn do dự chưa biết tính sao.
Hoàng Thái sáng mắt, hắn siêt chặt người Tuyết Ngân:
– Như vậy, em sẽ tự do và anh cũng được công khai đến với em. Anh sẽ dắt em về ra mắt gia đình. Ôi! Anh mừng lắm, vợ yêu quý của anh.
Tuyết Ngân cũng đang mơ đến một cuộc sống giàu có bên trời Tây. Theo lời Hoàng Thái, thì cha mẹ hắn là chủ một tập đoàn làm ăn lớn. Nếu sang bên đó, cô sẽ là người mẫu nổi tiếng khắp các nước trên thế giới, sẽ cùng Hoàng Thái tham quan khắp cảnh đẹp của một nền văn minh mà ai cũng muốn một lần nhìn thấy. Ôi! Thật là lãng mạn. Sau một lúc đắn đo cô nói:
– Được. Em sẽ xúc tiến việc này. Nhưng anh không được bỏ em đó, khi mà em đã thuộc về anh.
Hoàng Thái hôn lên má cô:
– Điều đó không bao giờ xảy ra. Em là hơi thở là lẽ sống của anh. Không có em, cuộc đời anh chẳng ý nghĩa gì cả.
Hắn vờ trầm ngâm, tiếp:
– Em suy nghĩ thật kỹ rồi hãy quyết định, đừng để sau này phải hối hận. Anh chờ em trong bao lâu cũng được.
Tuyết Ngân cười tình tứ:
– Chỉ có anh là yêu em và hiểu rọ em nhất, em còn gì phải hối hận cơ chứ, anh yêu.
Hoàng Thái sướng rơn cả người vì kế hoạch sắp thành công. Hắn sắp có trong tay một khoản tiền lớn từ Tuyết Ngân. Hắn phải cố gắng đừng để cô nghi ngờ, hoàn toàn tin tưởng vào hắn. Và như thế hắn sẽ có tất cả: một Tuyết Ngân sắc sảo gợi tình, cùng một khoản tiền kếch xù mà có nằm mơ hắn cũng không dám nghĩ tới.
.
Vĩnh Khang về đến nhà thì đã mười giờ khuya. Chàng đưa tay bấm chuông, miệng rên rỉ, vết thương ở tay bắt đầu nhức nhối. Nhìn xuống người, Vĩnh Khang cảm thấy lo lắng, áo quần thì nhàu nát, lại dính đầy bùn đất và máu. Làm thế nào để mẹ đừng nhìn thấy mình trong tình trạng tơi tả này. Có lẽ phải len lén lên lầu rồi chui ngay vào phòng. Khang không muốn mẹ lo lắng khi trông thấy thân thể thảm não của chàng. Vĩnh Khang thở hắt ra. Chàng mong mỏi khi bước vào thì mọi người trong nhà đã ngủ hết, có Đông Nghi chờ chàng thì hay biết mấy.
Bụng đánh lô tô, chàng mong mọi thứ đều thuận lợi. Nhưng tiếc thay, cửa vừa mở, ông Liêm tài xế há hốc mồm kinh ngạc khii nhìn thấy Vĩnh Khang thê thảm với vóc dáng xốc xếch. Ông đã kêu ầm lên:
– Ồ, cậu Khang! Cậu sao thế này? Tôi đã bảo rồi, nhà có xe hơi, cậu cần đi thì nói với tôi chở đi. Cậu cỡi xe gắn máy làm gì để ra nông nỗi này. Cậu đau lắm phải không?
Vĩnh Khang chau mày. Chàng đưa tay lên ra dấu:
– Suỵt! Đừng lớn tiếng, tôi không có sao đâu. Ông la lên, mẹ nghe thấy càng thêm rắc rối.
Nhưng đã quá trể, không phải chỉ có ông Liêm, mà còn có cả vú Mười trong vườn hoa - có lẽ hai người đang nói chuyện gì đó thì Khang về - và ông Cao mới ra mở cỗng. Thấy dáng dấp thiểu não của Vĩnh Khang, bà đã gọi vào trong nhà:
– Không hay rồi. Không hay rồi. Cậu Khang đã bị thương.
Thế là hỏng bét, mọi thứ đã không giấu giếm được nữa. Vĩnh Khang thở dài, giao xe gắn máy cho ông Liêm. Chàng lầm lũi bước vào phòng khách. Vừa lên bậc thềm, suýt tí nữa Khang đã va vào người của mẹ - bà đang tất tả chạy xuống.
Bà chăm chú quan sát một lượt khắp người con trai. Cánh tay quấn băng đang rỉ máu, bộ đồ lấm lem dính đầy bùn và máu, khiến bà càng sợ hãi hơn.
– Nói đi chứ, Vĩnh Khang! Con sơ ý quá.
Bà tặc lưỡi:
– Đã bảo nhà có xe bốn bánh, tại sao con không dùng? Coi con nè, con bị thế nay, mẹ làm sao yên tâm được. Có gặp tai nạn thì cũng điện thoại về báo một tiếng chứ. Rõ khổ vì con!
– Mẹ này... - Vĩnh Khang nắm lấy tay mẹ, chàng trấn an - Không có gì đâu, mẹ yên tâm. Con chỉ bị ngã, tay xược da một tí chứ không có gì nặng cả.
Đông Nghi đang đọc sách trong phòng, nghe ồn ào nàng mở cửa bước ra. Nhìn thấy cảnh tượng của Vĩnh Khang, nàng hoảng hốt chạy ào xuống, run giọng hỏi:
– Trời ơi! Anh Khang có sao không?
Ánh mắt nàng xót xa như chính mình là người bị đau. Vĩnh Khang lắc đầu:
– Không sao đâu, Đông Nghi! Chỉ là vài vết sướt ngoài da, em yên tâm đi.
Đông Nghi nâng nhẹ cánh tay bị thương của anh, máu đang rỉ ra. Nếu chỉ xước da bên ngoài, hẳn không chảy máu nhiều như vậy, chưa kể đến quần áo còn lấm lem thế kia, chắc hẳn không nhẹ như anh nói. Đông Nghi suy nghĩ rồi giật mình nói:
– Anh đụng phải người à? Người ta có sao không? Có trầy trụa giống anh không hả?
Vĩnh Khang khoát tay:
– Không có đâu Đông Nghi. Anh chẳng đụng ai cả. Vì trách đứa bé, anh mới bị ngã xe xuống đường. Mọi người hãy yên tâm, không có tai họa đâu.
Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Thái độ của Vĩnh Khang cho thấy anh nói thật. Vết thương ở tay nằm gần khuỷu, nặng hay nhẹ gì cũng phải xem cẩn thận. Bà Trương nói như hạ lệnh:
– Ông Liêm! Ông hãy phone cho bác sĩ Tùng, nhờ ông ấy đến xem vết thương cho Vĩnh Khang liền giùm tôi. Tôi không yêu tâm khi chưa rõ là nặng hay nhẹ.
Khang bước tới, anh có vẻ không vui.
– Mẹ! Chuyện nào có gì mà phải rùm beng như vậy. Lúc này đã có thầy thuốc xem qua, họ rửa và xức thuốc rồi, mời thêm bác sĩ đến làm gì. Con đảm bảo với mẹ là con không sao cả, gọi bác sĩ họ cười cho.
Thấy không lay chuyển được Vĩnh Khang, Đông Nghi vội quay sang bà Trương, trấn an:
– Mẹ yên tâm, chắc không sao đâu. Nếu nặng, anh ấy đã vào bệnh viện rồi, chứ đã về nhà thì vết thương không trầm trọng lắm. Mẹ cứ đi nghỉ đi, để con rửa vêt thương cho anh ấy. Nếu có gì, con sẽ nói mẹ ngay.
Vĩnh Khang cũng nói:
– Mẹ! Mẹ biết là năm nay con đã ngoài ba mươi tuổi, vậy mà mẹ cứ làm như con là một đứa con nít vậy. Con tự lo cho mình được mà, mẹ đi nghỉ đi.
– Bà à... - Vú Mười tiếp - Đông Nghi nói đúng đó. Bà cứ đi nghỉ đi, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Để tôi vào lấy mớ bông băng và chai cồn sát trùng.
Vĩnh Khang đẩy bà Trương về phòng. Bước theo Vĩnh Khang, bà còn quay lại dặn dò Đông Nghi:
– Con chăm sóc Vĩnh Khang giùm mẹ. Nó cứng đầu, con phải mạnh tay mới được. Còn như vết thương sâu quá hay vẫn ra máu thì tức tốc gọi bác sĩ ngay.
– Dạ, con sẽ hoàn thành nhiệm vụ mẹ giao.
Đông Nghi trả lời hóm hỉnh. Dìu Vĩnh Khang từng bước lên lầu, nàng nhẹ nhàng hỏi:
– Chắc anh đau lắm, phải không?
– Hơi đau một chút, anh chịu đựng nổi mà.
– Sau hồi nãy mẹ gọi bác sĩ, anh không cho?
Vĩnh Khang nhăn mặt:
– Em cho anh là con nít hay sao? Em giống hệt như mẹ vậy, chuyện đơn giản cũng trở thành rắc rối.
Đông Nghi hờn mát:
– Tại vì người ta lo cho anh thôi mà.
Vĩnh Khang tủm tỉm cười:
– Em nói gì, anh nghe không rõ? Người ta lo mà người ta là ai vậy?
Đông Nghi cúi đầu đỏ mặt. Nàng nói chữa thẹn:
– Em nói lộn. Ý em là mọi người đều lo lắng cho anh và quan tâm đến thương tích của anh.
Vĩnh Khang vờ xìu xuống:
– À! Thì ra là vậy. Anh tưởng đâu có một người ta nào đó đang lo lắng, được vậy thì hay biết mấy. Chắc là ngày mai anh phải đi bác sĩ quá.
Câu nói đột ngột của anh làm Đông Nghi khựng lại. Quay nhìn anh, giọng cô lo lắng:
– Anh thấy không ổn trong người, phải không?
Vĩnh Khang xua tay:
– Không. Người anh vẫn bình thường. Có điều lỗ tai hơi có vấn đề, vì lúc nãy nghe em nói câu này lại tưởng câu kia.
Hiểu ra ý anh muốn am chỉ điều gì, Đông Nghi mắc cỡ, nhưng vẫn cố chống chể bằng một câu không đầu không đuôi:
– Cái anh này!
Tới phòng riêng của Vĩnh Khang, cô diu anh lại giường:
– Anh ngồi đây để Nghi thay băng cho, băng thấm hết máu rồi.
Đông Nghi cẩn thận tháo nhẹ hết lớp băng. Nhìn vết thương trên tay anh, cô khẽ giật mình. Vết thương rộng hơn cô tưởng. Ngoài một mảng da bị mất, có một vết rách dài và sâu. Vậy mà không hiểu sao anh chàng lại có vẻ bình thản. Mở thùng cứu thương, Đông Nghi lấy bông băng và nước oxy già, vú Mười đã cẩn thận xếp từng thứ đâu ra đó. Đỡ lấy cánh tay của anh, Đông Nghi tỉ mỉ chùi lấy vết thương.
– Có đau một chút, anh ráng chịu nhen. Vết thương như vầy mà anh nói không sao. Anh nói cho em biết, tại sao anh ngã đến nông nỗi này vậy Khang?
Nheo mắt nhìn Đông Nghi, Vĩnh Khang dí dỏm:
– Ái chà! Tôi đang bị hỏi cung đây sao? Bây giờ phải bắt đầu từ đâu, hở cô bé?
Bỏ qua thái độ của anh, cô tiếp tục nói:
– Anh đi từ sáng cho tởi nửa đê mới về, vậy mà không điẹn về nhà cho ai hay hết. Anh thật là hư!
Lợi dụng lúc Vĩnh Khang phân tâm, Đôn Nghi đã lấy bông nhúng vào oxy già quét mạnh lên vết thương. Vĩnh Khang buốt quá nhảy nhỏm lên, Đông Nghi ngưng lại một chút rồi tiếp tục xức thuốc. Vừa thoa thuốc cô vừa nói để anh quên đau:
– Kể cho em nghe đi anh Khang, sau anh im lặng lâu vậy?
Vĩnh Khang nhăn nhó:
– À! Anh đi nắm tình hình kinh doang của các đại lý. Tính về sớm, nhưng không ngờ trên đường về gặp một đứa bé băng qua đường, anh thắng xe gấp, đầu xe quay lại làm chiêc xe ngã xuống đường. Anh bị té văng mấy vòng, cũng hên sao chỉ bị thương sơ sài. Nếu không, chắc đã mất mạng rồi, đầu còn ngồi đây để cô rửa giùm vêt thương.
Đông Nghi nguýt Khang một cái thật dài:
– Anh lúc nào cũng nói đùa được. Anh Khang này! Em thấy nên mời bác sĩ đến xem lại. Vết thương hơi sâu, ở nhà chỉ có thuốc tẩy trùng nhẹ, sợ thế này có thể gây biến chứng.
Đông Nghi nói và bắt đầu băng lại vết thương cho Vĩnh Khang.
– Có lẽ em làm không khéo. Phải chi có chị Ngân ở nhà thì tốt biết mấy. Hồi chiều chị ấy có điện về cho anh. Chị ấy nhắn lại tốit nay chỉ có \"sô\" biểu diễn, anh đừng chờ.
Vĩnh Khang không quan tâm lắm đến điểu vừa nghe. Anh lặng ngắm cô. Gương mặt nghiêng nghiêng hiền dịu như thu hút lấy ánh mắt anh. Anh cảm thấy vui vui khi được gần cô và nghe cô nói chuyện. Đông Nghi ngước lên:
– Sao không trả lời em, Vĩnh Khang.
Vĩnh Khang hơi bối rối:
– Àà! Chuyện đó để mai tính. Bây giờ anh mệt quá.
Điểm nhẹ ngón tay trắng hồng như búp sen lên trán Vĩnh Khang, Đông Nghi ra vẻ người lớn:
– Nè! Anh đừng ngủ vội. Anh còn phải rửa mình và thay quấn áo nữa. Anh xem kìa, quấn áo anh lấm lem cả.
Không chờ phản ứng của anh, Đông Nghi bước lại tủ quần áo lấy ra bộ pyjama để xuống giường, cầm cái khăn mặt của anh vào phòng vệ sinh mở vòi nước nóng. Trở ra, cô nhẹ nhàng lau mặt và giúp anh cởi bỏ áo đang mặt trên người. Cô làm rất nhanh nhẹn và cũng thật cẩn thận vì sợ anh đau. Vĩnh Khang nhắm mắt tận hưởng phút giây hạnh phúc nỳ. Mùi hương con gái tỏa ra từ cô làm anh ngây ngất. Tình yêu trong anh bỗng trỗi dậy mãnh liệt làm tim anh nhức nhối. Vĩnh Khang nhủ lòng: \"Không thể được, ta không có quyền làm tổn thương cô ấy.\"
Mở bừng mắt ra, Vĩnh Khang nói như hét:
– Đông Nghi! Hãy rời khỏi anh ngay, em đi đi. Nếu không anh sẽ đốt cháy em bây giờ.
Lời nói như tắc nghẽn, ánh mắt rực cháy yêu thương của anh đã cho cô hiểu tất cả. Anh đang đè nén lòng mình. Ôi! Vĩnh Khang, tội nghiệp anh quá! Em phải làm tất cả để anh được hạnh phúc, dù đổ cả mạng sống của em. Nếu anh không dám đến với em, thì em sẽ đến với anh. Bất chấp cả dư luận đàm tiếu, bất chấp cả lễ giảo, em sẽ chỉ vì anh thôi. Nghĩ đến đây, nước mắt nàng thi nhau lăn tròn trên đôi gò má trắng mịn, dôi mằt đẹp long lanh ngấn nước.
Thấy cảnh tượng trên, Vĩnh Khang trở nên quýnh quáng. Anh vụng về dỗ dành.
– Đông Nghi! Nín đi em. Anh thật không phải. Anh xin lỗi.
Chỉ chờ có thế, Đông Nghi tủi thân gục đầu vào vai Vĩnh Khang, khóc nức nở. Giọng cô nghẹn ngào:
– Anh bậy lắm! Anh hư lắm! Em hiểu là anh đâu có muốn nặng lời với em, thế mà anh vẫn làm em khóc.
Không cần đè nén tim mình, Vĩnh Khang để nó đập theo chính nhịp đập của nó, vách ngăn cuối cùng cũng bị phá vỡ, đó là tình yêu nóng bỏng anh dàn cho cô. Vĩnh Khang chìa tay nâng mặt cô lên, những giọt nước mắt tủi hờn còn đọng trên má. Anh dịu dàng:
– Thôi, đừng khóc nữa em.
Đông Nghi vẫn không ngăn được nước mắt. Vĩnh Khang dọa:
– Đã bảo đừng khóc. Vì nếu mà em không nghe cứ khóc mãi, anh sẽ hôn em.
Đông Nghi vẫn không nghe anh nói gì hết, nước mắt vẫn rơi. Cô muốn khóc một trận thoải mái cho nhẹ bớt buồn phiền. Đột nhiên Đông Nghi có cảm giác như vòng tay Vĩnh Khang siết chặt lấy mình. Rồi môi trên môi, một nụ hôn nóng bỏng làm tan biếng mọi thứ. Lửa bùng cháy, thời gian như ngừng trôi. Có lẽ lâu lắm, Đông Nghi vẫn nhắm nghiền mắt với giọt lệ thừa. Đôi môi hé mở như cánh hoa đào chuốc rượu. Một cái hôn thứ hai lên má, Đông Nghi mở bừng mắt. Rồi như choàng tỉnh, nàng e thẹn ép mặt mình vào vai Vĩnh Khang. Nâng gương mặt đỏ hồng của Đông Nghi lên. Vĩnh Khang nhìn sâu vào mắt cô:
– Đông Nghi! Em có giận anh không? Anh đã lấy đi nụ hôn đầu đời của người con gái.
Lắc đầu, nàng khẽ khàng:
– Không. Em không hề hối hận. Có lẽ định mệnh đã an bài cho em gặp anh. Chỉ cái nhìn đầu tiên của anh là em đủ biết mình sẽ thuộc về anh mãi mãi.
– Nhưng mà anh không xứng đáng để em tin yêu. Cuộc sống anh phức tạp lắm, em chưa hiểu hết về anh. Anh đã có gia đình, yêu anh là một thiệt thòi cho em.
Đưa tay bịt miệng không cho Vĩnh Khang nói hết câu, Đông Nghi nhìn anh với ánh mắt xúc động:
– Đừng nói nữa anh. Em đã hiểu rất nhiều chứ không như anh tưởng. Anh nghe mẹ nói đây, với tấm lòng mình, em nói bằng tiếng nói của con tim. Sống, em là của anh. Chết, em vẫn là của anh. Em xin thề trước mặt anh. Sống hay chết, em cũng không để cho bất cứ người đàn ông nào khác ngoài anh đụng tới em. Bằng không xin cho em chết không toàn thây.
Vĩnh Khang vội chụp lấy tay Đông Nghi, chàng cúi xuống đặt nụ hôn lên môi nàng để chặn lại lời thề. Mọi lời nói bây giờ hoàn toàn như vô nghĩa. Kim đông hồ như ngừng quay, để chứng kiến tình yêu say đắm nồng nàn của họ. Đông Nghi ngồi ngoan ngoãn trong lòng Vĩnh Khang. Cô biết mình đã làm một chuyện khá liều lĩnh, nhưng mặc kệ, hiện tại cô chỉ muốn được yêu Vĩnh Khang thật nhiều, để xoa dịu vết thương trong lòng anh.
Sinh nhật của Vĩnh Khang tổ chức vào chiều thứ Bảy, nhưng từ sáng sớm, không khí trong nhà thật rộn ràng. Đông Nghi chạy tới chạy lui như con thoi. Bà Trương tin tưởng giao cho nàng, khâu nấu nướng, tuy mệt nhưng nàng rất vui. Nàng cố gắng bày biện các thứ thật hoàng hảo. Mọi việc đã được sắp xếp đâu vào đó, Đông Nghi ra vườn chọn hoa để trang trí bàn tiệc và phòng khách. Nhìn những đóa hoa tươi thắm, còn mọng sương đêm. Đông Nghi luyến tiếc không nỡ cắt xuống. Cô còn đang tần gnaa2n thì Vĩnh Khang ra tới. Anh hắng giọng:
– Đông Nghi! Em làm gì mà bộ dạng có vẻ ngẩn ngơ thế cô bé?
Đông Nghi giật mình quay lại:
– Anh này! Làm người ta hết hồn. em đang định cắt mỗi loại hoa một vài nhánh để điểm tô thêm phần tươi thắm trong phòng khách. Bộ anh hổn nhớ tối nay là sinh nhật anh sao?
Vĩnh Khang nhìn cô âu yếm:
– Sao lại không nhớ. Nhưng anh không thích nhiều hoa đâu. Với anh, chỉ cần một bông hoa là đủ.
Nàng xụ mặt, giọng hờn dỗi:
– Thật uổng công người ta lo cho anh. Anh không thích hoa trong vườn này, ậy anh thích hoa nào, anh nói đi!
Kéo Đông Nghi lại gần mình, Vĩnh Khang thì thầm:
– Anh chỉ yêu có một bông hoa Đông Nghi thôi. Còn ngoài ra đối với anh đều vô nghĩa.
Hiếu ra ẩn ý dễ thương trong câu nói của Vĩnh Khang, cô đập mạnh vào tay anh mặt phụng phịu:
– Cái anh này! Ghét anh ghê đi, lúc nào cũng chọc người ta. Không thèm nói chuyện với anh nữa, em đi cắt hoa đây.
Với tay cầm cành hoa định cắt tiếp, Vĩnh Khang chặn tay cầm dao của Đông Nghi lại. Anh nheo mắt:
– Em để anh làm cho.
Đông Nghi vội lắc đầu:
– Không được đâu.
– Có gì là không được. Với sự hướng dẫn của em, anh sẽ hoàn thành không tệ lắm đâu. Thử đi, em chỉ cho anh cắt cành nào.
Biết chẳng từ chối anh được, Đông Nghi đành chỉ những cành hoa đẹp cần cắt. Được một lúc, thấy hoa đã đầy giỏ, Đông Nghi lên tiếng:
– Vĩnh Khang! Đủ rồi.
Vĩnh Khang ngừng tay, anh nhướng mày hỏi:
– Đủ rồi sao cô bé? Vậy mà anh tưởng còn ít lắm.
Đông Nghi cho dao vào giỏ, cô nhìn anh lí lắc:
– Cám ơn anh, nghen, ngài giám đốc dễ ghét.
Thấy cô toan dợm bước, Vĩnh Khang phủi tay đứng lên:
– Đông Nghi! Tí nữa ghé phòng anh, anh có chút chuyện muốn nói với em.
– Có quan trọng lắm không anh?
Ra vẻ bí hiểm, Vĩnh Khang tiếp:
– Rất quan trọng lắm không anh?
Ra vẻ bí hiểm, Vĩnh Khang tiếp:
– Rất quan trọng. Em nhớ đến nhé.
Đông Nghi gật đầu, cô xách vội giỏ hoa chạy nhanh vào nhà. Vĩnh Khang tần ngần đứng nhìn theo cô bé. Một cành cúc vàng rơi rớt nằm ngay lối đi, anh cúi xuống nhặt lên. Một hạt sương long lanh còn loang trên cánh hoa mỏng manh xoay xoay đóa hoa trong tay, Vĩnh Khang chợt thấy tim mình rộn vui. Anh chầm chậm bước vào nhà. Đưa tay gõ nhẹ cửa phòng làm việc của Vĩnh Khang, Đông Nghi ngước mắt chờ đợi. Giọng Vĩnh Khang vang lên:
– Vào đây, cô bé.
Đông Nghi rụt rè đưa tay đẩy cửa. Đợi cô vào hẳn bên trong, Vĩnh Khang nhẹ nhàng khép lại. Kéo cô về phía mình, anh siết chặt vòng tay, giọng tha thiết:
– Nhớ em quá, Đông Nghi! Cho anh hôn một cái nha cô bé.
Vĩnh Khang cúi xuống. Đông Nghi vội lấy tay che mặt, giọng cô nũng nịu:
– Mới gặp nhau dưới vườn chưa đầy năm phút mà bây giờ lại nói nhớ người ta, em hổng tin.
Vĩnh Khang nhăn nhó, anh than thở:
– Đông Nghi ơi là Đông Nghi! Xa em một phút anh còn chịu không nổi nữa là năm phút. Nếu có phép màu, anh sẽ biến em thành nhỏ như ngón tay út, rồi bỏ vào túi anh để không lúc nào rời xa em. Em có biết là anh yêu em nhiều lắm không bé con?
Đưa tay choàng qua cổ Vĩnh Khang, cô nhìn anh âu yếm:
– Em yêu anh. Em cũng đang khổ sở vì trái tim mình, và em cũng không thể nào sống xa anh được. Định mệnh đã cho chúng ta gặp nhau, chỉ có chết hoặc là anh không còn yêu em nữa thì em mới chấp nhận xa anh.
Nghiêm mặt lại, giọng anh chắc nịch:
– Đông Nghi! Anh cấm em, từ này đừng nhắc đến hai từ chết và xa anh, anh không thích nghe đâu. Trong cuộc đời anh, anh chỉ để mình lầm lẫn một lần thôi, em biết không?
Đông Nghi xịu mặt, cô hờn mát:
– Người ta giỡn chút xíu mà làm gì nói giận dữ vậy? Em hứa mình sẽ không lập lại hai từ đó nữa. Anh vừa lòng chưa?
Bẹo má cô, anh cười hài lòng:
– Ngoan thế mới đúng là người yêu của Vĩnh Khang này chứ, bé con.
Đông Nghi cong môi phụng phịu:
– Ai thèm anh đâu.
– Nhưng anh thèm hôn em lắm, Đông Nghi.
Dứt câu, Vĩnh Khang cúi xuống đặt nụ hôn mê đắm lên đôi môi hồng như mời gọi của cô, cảm giác thật ngọt ngào và thật êm dịu. Thời gian trôi qua thật lâu, Đông Nghi ngọ nguậy trong vòng tay anh. Vĩnh Khang luyến tiếc rời môi cô. Vân vê chéo áo, Đông Nghi nũng nịu:
– Bộ gọi người ta lên đây là chỉ như vậy thôi sao? Vậy mà bảo là chuyện quan trọng, anh kiếm cớ xi gạt em không hà.
Vuốt chóp mũi cô, Vĩnh Khang cười khẽ:
– Thông cảm mà bé yêu. Ai bảo em làm cho anh yêu đến mụ mị cả người. Cũng do nơi em một phần, em bớt dễ thương một chút thì đâu có chuyện gì để nói.
Đông Nghi nguýt yêu:
– Hừ! Anh chỉ giỏi đổ thừa. À! Em nghe mẹ nói, sáng nay anh chở mẹ đi công chuyện, bộ anh quên rồi hả? Còn chàng ràng chọc ghẹo người ta.
Vĩnh Khang cọ mũi lên mái tóc mượt mà, anh đùa:
– Ở bên em là anh quên tất cả mọi chuyện.
Đông Nghi trề môi, xỉ vả:
– Anh lúc nào cũng đùa được, không đứng đắn tí nào cả.
Buông cô ra, Vĩnh Khang bước đến mở tủ, lấy ra một gói quà to. Anh nheo mằt nói:
– Hôm nay là sinh nhật anh. Anh muốn tối nay em phải rực rỡ như một nàng công chúa. Trong này là một cái áo đầm dạ hội và một bộ trang sức anh tặng em.
Đỡ gói quà trên tay anh, giọng cô xúc động:
– Vĩnh Khang! Em cám ơn anh, anh lo cho em nhiều quá. Thay vì sinh nhật của anh, em phải tặng quà. Anh lại tặng ngược quà lại cho em, anh làm em khó xử quá.
Vĩnh Khang nhăn mặt:
– Sao hôm nay em khách sáo vậy? Yêu nhau, lo cho nhau là chuyện thường tình mà. Nếu nói chuyện ơn nghĩa thì chính anh mới là người mang ơn em nhiều, vì chính em đã đem đến tình yêu ấm áp, sưởi ấm trái tim lạnh giá của anh. Em đã không ngại ngùng, không so đo để dâng trọn trái tim cho anh, dù biết rằng anh không có quyền, không xứng đáng để em yêu.
– Vĩnh Khang! Từ bây giờ em và anh đừng ai nói chuyện ơn nghĩa. Con tim có những lý lẽ riêng của nó, chúng mình cứ để nó đập theo nhịp đập của nó.
– Em nói đúng. Nhịp đập trái tim em cũng là nhịp đập của trái tim anh. Chúng ta là một, không thể tách rời được, phải không em yêu.
Đông Nghi nguýt yêu anh:
– Anh triết lý giỏi lắm. Thôi, anh mau xuống nhà đi công chuyện với em. Nếu không, mẹ cho người lên gọi, thấy em ở trong phòng anh là có chuyện lớn đó.
Nhìn thật sâu vào đôi mắt đẹp của cô, giọng anh tha thiết:
– Đông Nghi! Yêu anh là một thiệt thòi quá lớn đối với em, em có cảm thấy buồn và hối hận không?
Chớp chớp mắt, nép sát vào ngực anh, giọng cô xúc động:
– Không có đâu anh, tình yêu tự nó đến chứ có ai ép buộc được. Em yêu anh thì suốt cuộc đời này em là của anh. Em chỉ cân tình yêu của anh là đủ, còn tất cả không có nghĩa gì đối với em.
Đông Nghi noi tới đây thì chợt có tiếng gõ cửa và giọng vú Mười vang lên:
– Cậu Khang! Bà chủ chờ cậu dưới nhà xe, cậu xuống liền nghen.
Vĩnh Khang vội đáp:
– Vú bảo với mẹ, tôi xuống liền.
Đưa tay lên chặn ngực, Đông Nghi nói:
– Thật là hú vía! Đã bảo anh nhanh lên mà không chịu. Anh đợi mẹ nổi giận mới chịu à?
Giọng Vĩnh Khang khoác vội chiếc áo vest, cô đẩy anh ra cửa, miệng giục:
– Xuống mau đi anh.
Hôn vội lên má cô, Vĩnh Khang mỉm cười:
– Chờ anh về nghen, bé con.
Lườm yêu anh một cái, nhưng cô cũng khẽ gật đầu. Chờ anh quay bước, cô cũng vội ôm gói quà trở về phòng mình.