Nơi các buồng dưới nhà thương Cống Vọng thì buồng Amirai Courbet là vừa to vừa mát hơn cả. Buồng ấy trông về hướng nam, dài chừng hai mươi ba, hai mươi bốn thước, rộng độ mười bốn mười lăm thước, mỗi bề có một lối đi khá lớn. Trong buồng kê hai dẫy giường con, thẳng băng, cái nọ đối cái kia, mỗi cái cách nhau chừng tám chín mươi phân, đếm vừa hai mươi chiếc. Buồng đã rộng, giường lại nhiều, thế mà chỉ có chiếc số 5 là có đệm, có màn, có người ốm nằm trong, còn mười chín chiếc kia thì: đệm quấn, màn không, trơ vơ bốn cọc.

Người nằm trên giường đó, mặt mày hốc hác, nước da nhợt nhạt, hai má lõm sâu hình như vì ốm đã lâu ngày, đến nỗi chỉ còn da bọc lấy xương. Đầu tóc rối bù, râu đốm trắng, người tuy mới trạc độ bốn mươi, nhưng trông đã già yếu lắm. Mùa tháng năm, mặt trời chói lọi, thế mà người ốm vẫn chăn quấn ngang mình, dưới lưng đệm dạ, tựa hồ như không biết nắng nực là gì! Đôi mắt nhắm nghiền, hai môi mấp máy, rõ ra người đã thấy cái chết bên mình, trước mặt khẩn cầu Thần Phật cho được nạn khỏi tai qua, hay linh hồn mát mẻ. Chốc chốc lại mở bừng mắt ra nhìn người khán hộ ngồi trên chiếc ghế, chân gác lên bàn, coi tờ Ngọ báo, hình như muốn gọi. Song lại ngại nhời...

Người khán hộ đọc xong tờ báo, thấy kẻ ốm nhìn mình, vội đến bên giường hỏi: - Thế nào, đã khá chưa? có muốn uống thuốc nữa không?

Người ốm thấy người khán hộ săn sóc đến mình, cất tiếng đã khàn trả lời rằng: "Cám ơn thầy, thầy đối với chúng con muôn phần tử tế, chết vẫn còn ghị Nay con đến bước nhường này, chỉ những mong nhắm mắt được mau, ấy là thoát nợ; thế thì chữa chạy nữa mà chi, thuốc thang gì nữa. Xin thầy ngồi xuống đây, con xin đem hết cái tội ác của con đã trót làm khi xưa phô giãi cùng thầy, hoa. may đến ngày tuyệt mệnh, con có thể tránh được cái tội chó ngao moi ruột, quỷ sứ phân thây chăng! ôi! thầy ơi! một tay con, mẫu đơn bẻ đã bao cành, khách má hồng cũng đã vì con lắm người bạc mệnh, cơ khổ lênh đênh, đắm chìm trong vòng ngõ liễu tường hoa!

Này thầy ơi! Hồi con còn làm công trong hiệu Gôđa, tức là hồi con mới mười chín hai mươi, gia thất chưa có, con có mê mệt cái vẻ yêu kiều mỹ lệ của con gái cụ Đề, tuổi vừa đôi tám ở cạnh nhà con. Đêm ngày mơ ước, chỉ những mong cùng ai ân ái trăm năm cho thoa? tấm lòng dục vọng. Song đôi phen mối lái, nàng vẫn trơ trơ một niềm cự tuyệt; lắm khi đánh bạo đón đường, nỗi lòng bộc bạch, thì nàng lại quay lưng rảo gót. Bởi vậy nên con đem lòng giận dữ quyết chí báo thù.

"Thù riêng chưa trả, lòng những giận lòng, sinh ra chơi bời lêu lổng, công việc biếng lười, ấy cũng vì thế mà con mất chốn làm ăn.

"Mấy tháng về sau, mạnh đường lo lót, con được bổ vào làm mật thám bọn con gái. Đó thật là cái cơ hội may cho con mưu tính công cuộc trả thù.

"Đêm ngày 13 tháng 7 năm 1910 - phải, chính đêm hôm đó, vì con không bao giờ quên được cái đêm ghê gớm ấy, nhân ông cụ Đề ngộ cảm, nàng phải một mình đâm bổ xuống chợ Hôm lấy thuốc, con liền theo gót, hết doa. nạt, lại đến phỉnh phờ, mà nàng vẫn khăng khăng một mực. Con giận quá, giở mặt bắt nàng. Khi đến Bờ Hồ trước cửa nhà Điện thì nàng vội nhẩy xuống xe, phăm phăm rảo bước ra hồ, châu trầm ngọc đắm!...

...

"Người ốm nói đến đây bỗng nhiên ngừng lại, tưởng tượng đến khi cánh hồng gieo nặng mà nghẹn họng câm mồm.

Người khán hộ nghe đến cũng bừng bừng đỏ mặt, hai mắt trợn trừng, đôi tay nắm chặt, khiến cho người ốm trông thấy phải kêu lên rằng: Vâng, xin thầy cứ đánh, cho con được chết, cái thân sống dở chết dở này còn ngắc ngoải phút nào thì lại trông thấy ông cha trước mặt, sỉ nhục đến điều, oan hồn canh cánh, xỉa xói không thôi, song chắc thầy không nỡ bẩn tay đấm đá.

"Thầy ơi! Tuy việc làm có luật, nhưng vì con được người trên tin cậy, nên đã bao phen quá bước xa vòng, xiết bao liều lĩnh. Ôi! tung hoành ngang dọc tiếng hơi kia con chọn ráp đã bao người! Nào khách hồng nhan, nào người mặt phấn, cũng vì con mà tan nghé sẩy đàn, suốt đời ô uế. Con càng nghĩ ngần nào thì con lại hối, nhưng hối quá muộn màng! Này thầy ơi! vợ con thấy con bạc hạnh, tự tử năm kia, đứa con trai con lên năm tuổi tắm ao chết đuối, còn độc đứa con gái bé, vú lại dỗ đi nốt, con chắc đó là điềm giời báo ứng".

Người ốm nói đến đây, bưng mặt khóc lớn, người khán hộ kiếm lời khuyên giải, rồi thủng thỉnh đi ra, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình: "Pháp luật tuy nghiêm, nhưng còn tránh thoát! Lưới trời dẫu rộng, khó lọt được nào! Người mà như thế, chết cũng còn lâu".

Trích từ Tuyển tập truyện ngắn đầu thế kỷ XX

Hết