Lời nói đầu
KHI sửa Soạn làm số đặc biệt tưởng niệm Khái Hưng, anh Trần đình Phong cùng anh Nguyễn đình Vượng có đến tòa soạn nhật báo Dân Chủ tìm tôi, yêu cầu cho Văn được biết những gì tôi biết về Khái Hưng, cung cấp cho Văn một ít tài liệu và viết cho Văn một vài bài.Tuy quá bận, song tôi đã vui vẻ nhận lời và « Văn số 22, tưởng niệm Khái Hưng » được ra đời vào ngày15 – 11 – 1964.Trong đó, ngoài những tài liệu đặc biệt và giá trị viết về Khái Hưng của học giả Hồ Hữu Tường và các văn hữu khác, tôi đã phải bận tâm và chú ý đến đoạn chót của bài « Khái Hưng, thân thế và tác phẩm » Bài tiểu luận này do Thư Trung viết.Sau khi đã kể lại thân thế và sự nghiệp văn chương của Khái Hưng, Thư Trung kết luận:« In lại những tác phẩm mà Khái Hưng đã hoàn thành trong thời gian ông đấu tranh Cách Mạng không những là việc nên làm của thân nhân và văn hữu Khái Hưng mà, theo thiển ý còn là việc cần làm của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Cùng lúc với sự khôi phục giá trị cho một Khái Hưng nhà văn Cách Mạngt việc in những tác phẩm hiếm có của Khái Hưng còn gìn giữ cho kho tàng văn học dân tộc những tác phẩm có giá trị bền vững, và hơn thế nữa, còn nuôi nấng được trong lòng những thế hệ trai trẻ đang tới cái ý thức hào hùng của nhà Cách mạng chân chính thực lòng mến yêu quê hương, thiết tha với tương lai dân tộc...« Có một điều này chắc chắn: chịu tốn công sưu tầm rồi đem in thành sách những tác phẩm của Khái Hưng viết hồi 1945 - 1946 it nhất cũng có ích cho văn giới và học giới nhiều hơn là đem in lại những bài báo của Phạm Quỳnh viết từ năm 1917. Việc có ích đấy, nhưng mà có ai làm không? Và ai sẽ làm đây ? »Theo Thư Trung, chỉ « chịu tốn công sưu tầm rồi đem in thành sách », vấn đề thật cũng quá giản dị đấy, và cũng không mấy khó? Nhưng sưu tầm ở đâu ? Thư viện nào có giữ ? Mò trăng đáy nước có lẽ còn dễ hơn là việc đi sưu tầm những bài của Khái Hưng viết trong nhữrng năm1945 - 1946.Tôi có một may mắn không ngờ (nhưng không tiện nói rõ ra đây) là ngay từ năm 1945 - 1946, và sau ngày toàn quốc, khói lửa tôi vẫn còn giữ được một số tài liệu quí, có cả những bài Khái Hưng viết. Tôi còn được biết thêm là ngay từ hồi đó. Khái Hưng còn có cả bản dịch toàn bộ « Liêu Trai Chí Dị » và đã cho một thân hữu mượn.Người bạn đó là ai, hiện còn giữ nguyên bộ «Liêu Trai Chí Dị » của Khải Hưng như lúc văn sĩ cho mượn nữa hay không, tôi cũng xin miễn kể. Câu chuyện đã trở thành riêng tây và đã đi vào quá khứ «im lặng như một nấm nhà mồ » rồi. Lời Nguyền tập truyện cuối cùng cũng như vở kịch dài bốn hồi nhan đề « Khúc tiêu ai oán» của Khái Hưng, hiện nay tôi vẫn giữ (Ấy là chưa kể tập truyện dài « Xiềng Xích » tôi có được một ít, vì Khái Hưng đang viết giở giang, và những bài thuộc loại, nghị luận về chính trị, xây dựng văn hóa, xã hội, khảo cứu và các loại linh tinh khác...)Qua nhiều lần yêu cầu, thúc dục của gia đình tác giả mong tôi sớm cho in thành sách và qua những lời kêu gọi của anh bạn Thư Trung nói trên tôi đã cố gắng cho in cuốn Lời Nguyền, giữa một thời củi quế gạo châu này.Đế làm đẹp lòng người đã chết, với tất cả chân thành của một người em văn nghệ vẫn hằng mến yêu văn sĩ. Để làm vui lòng những người còn sống, đã luôn luôn tha thiết với tiền đồ Văn học nước nhà... Và phần thưởng tinh thần mà tôi tin tưởng sẽ đến với tôi, chính nhờ ở tấm lòng cởi mở của các thân hữu và của các bạn đọc.Saigon ngày 19- 5 -1966 NGUYỄN THẠCH KIÊN