Nhân mùa Vu-Lan, viết tặng những người ông-cha-con-cháu có cảnh ngộ tương đồng.Chuyện xưa kể lại rằng: Có người cha chưa từng thỏ thẻ, chia sẻ; thương yêu, vỗ về tâm sự với người con. Một đêm xao lòng, tâm cảm dâng trào, người cha nghĩ rằng: Tại sao ta không thể hiện tình yêu thương, gần gũi? Tại sao ta không ngọt ngào, nâng niu dịu ngọt với con? Một hôm nọ, nhìn người con đang ngủ, người cha chạnh lòng xao xuyến, dâng niềm yêu thương con; mà bình thường chưa thể hiện bằng lời, bằng hành động, bằng cử chỉ thật sự. Ông quyết định vào phòng riêng đóng cửa, thắp đèn, lấy giấy bút... Giữa khuya bên ngọn đèn dầu leo lét, bóng ông lung linh trên tường, mọi vật quanh ông tĩnh lặng, tâm trí dồn về đôi bàn tay, nét bút gào lên trang giấy rót lời tâm tình. Trong thư là lời sám hối, thú lỗi với con. Là lời phụ-tử ngọt ngào, là lời trách nhiệm; là lời mà từ bấy lâu nay tại sao ông không thốt nên lời, không thể hiện qua cử chỉ. Sáng ra, ông đã có bức thư, thư ấy mang tên: ''Thư cho con:... AnĐi con ơi... '' Thế kỷ hai-mươi, có người cha đi tìm con. Người đã tìm đến sao không gặp? Chuyến đi có phải là tìm? Tìm đến nhưng chưa từng hội ngộ! Từ ấy đường đời ngăn cách đôi dòng, cha con biền biệt, tháng ngày lặng lẽ buồn trôi. Em xuất hiện vào đời, giữa bầu trời chỉ có bóng trăng. Trong vòng tay bè bạn, họ hàng; giữa muôn người em chỉ biết có thái-âm: là vầng trăng dìu dịu soi mát đời em-ấy là mẹ của em. Em lớn lên không được thưởng thức hương vị của tình cha. Người đã biền biệt nơi xa xăm nào đó, khi em vừa chớm chào đời, khi hai họ chia ngăn hôn phối của mẹ cha theo giòng lịch sử của nước nhà! Lớn lên em biết, nếu là con trai, cần có cha để học hạnh noi gương, cương nghị, vững tiến giữa đời. Là con gái, cần có cha để được tựa nương, được âu yếm, được che chở ấm áp giữa đời. Mặt trời, mặt trời đã lặn sớm trong đời em đang tuổi nằm nôi. Chuyện xưa kể rằng: Có cô bé dễ thương, ngoan ngoãn, đang trong độ tuổi 13, 14. Cô học giỏi, có hiếu với mẹ, dễ thương với mọi người, được thầy yêu bạn mến. Rồi một hôm đất trời như vỡ tung, khi một ngày kia có một người-người mà mọi người nhớ ân trân trọng, nhưng đôi khi cũng sợ nhất-ấy là vị bác sĩ. Bác sĩ thầm bảo với mẹ cô rằng: cô bị bệnh ung thư máu! Ông nhắn nhủ, không bao lâu nữa cô ấy sẽ...... ! Mẹ cô dẫn cô đến trường chia tay thầy giáo, tạm biệt bạn bè, nói lời từ giã và cảm ơn. Tạm biệt ngôi trường, cô ở nhà dưỡng bệnh, chờ ngày... chẳng biết ngày ấy có đáng buồn lắm không? Người mẹ khổ đau, vật vã, như một bảo vật duy nhất bà có được trong đời, đang chờ kẻ không hình, không tướng, không tên đến cưỡng cướp đi! Ôi! Cái, cái mà thương yêu nhất, qúi nhất, gần gũi nhất của bà là chỉ có hai mẹ con. Khi còn bé cô thường hỏi: -Thưa mẹ, cha con đâu? -Con không có cha. Người mẹ chỉ đơn giản trả lời như thế, rồi thôi. Lớn lên đi học, học môn sinh vật học gồm thực vật và động vật. Từ cái học kết cấu, hình thành, sinh trưởng của các loài ấy tại nhà trường, cô biết rằng muôn vật đều phải có mẹ, có cha. Cây xoài, cây bắp, cây đậu muốn có trái thì noãn sào của cây cái cũng phải thụ phấn của hoa đực mới kết quả, vậy là có mẹ, có cha. Con cá, con chim, con gà, con công cũng đều có mẹ, có cha. Chứ không là, như cô nghĩ xưa nay chỉ có mẹ cô sanh ra cô rồi hiện hữu giữa đời. Thời gian bệnh nặng nề trôi qua, cô biết mình sống không bao lâu nữa. Một sớm mai kia khi thức giấc, trong tâm thức hiếu tình phụ tử vọng về, cũng như suy nghĩ từ bao lâu nay thường thao thức về cội nguồn huyết thống của mẹ cha, sáng đó cô hỏi mẹ: -Thưa mẹ, cha con đâu? Mẹ cô lại bảo: - Con không có cha. Cô nũng lại: - Không phải thế mẹ Ơi! Con phải có cha! Con gà, con công, con cá, con kangoroo đều có mẹ, có cha! Con cũng phải có mẹ, có cha! Mẹ, mẹ hãy đi tìm cha cho con, con muốn gặp cha con, trước khi con chết! Bà mẹ lặng người xót xa, hai hàng lệ rơi. Bà kể lại chuyện tình xưa tan vỡ của bà và cha cô, khi cô vừa lên năm tháng tuổi. Mẹ cô nhờ hàng xóm và bà con chăm sóc cô. Bà thu xếp hành trang, bước vào hành trình đi tìm cha cho con sau 13 năm bà và cha của cô ly biệt. Một hành trình vì tâm linh, vì hiếu nghĩa hiếu tình của con, hơn là cuộc hành trình của đôi lứa tìm nhau! Một nghìn năm sau, có người cha đi biền biệt không về. Người ta kể lại rằng, có một lần người cha trở về tìm con. Tìm nhưng không gặp! Đêm ấy, một đêm đen tối giữa trời khuya mưa dầm, người trở về trên quê hương của con, trong đêm trường bão tố gió dông. Người cải trang với vành nón lá rộng trên đầu, một mảnh áo tơi trên chiếc xe máy trong đêm, một mình dong ruổi phong xuy (#1). Ông ghé lại phố xưa nhà cũ, ghé quán nước bên đường, dọ tìm tông tích tha nhi (#2). Phố xá không còn là ngày xưa, hàng xóm không còn là người cũ... Dù vành nón rộng che phủ trên đầu, người ta vẫn thấy trên đôi vành mi ông long lanh, óng ánh. Không ai quyết được những giọt long lanh ấy là do gió mưa hắt tạt, hay là những giọt-nước-mưa trào từ tuyến lệ của con ngươi, do lòng thương dâng trào trong lúc tìm con? Kết thúc hành trình về quê tìm con, ông trở về trong tĩnh lặng ngút ngàn chờ mong. Cho đến bây giờ, vẫn còn đó y nguyên chuyện người cha đi tìm con, tìm mãi trăm năm. Em đã biết bao lần đi tìm. Tìm mọi thứ chung quanh mình, tìm tự do, tìm hạnh phúc, tìm danh vọng, tìm sung túc, tìm tiện nghi, Tìm chúng khi bình minh, tìm khi nắng gắt, tìm lúc hoàng hôn, tìm trong đêm tối, tìm giữa lúc mưa sa tuyết rớt; nhưng em chưa từng một ngày để dạ tìm cha! Một mai này, khi thế giới biết cha không còn nữa, thì bầu trời hy vọng sẽ vỡ tung! Lúc ấy còn đâu nữa con thơ mong ngóng hình hài gặp cha. Dù em chưa một lần cất bước tìm cha, nhưng người ta biết: em tin vẫn còn đó, trong bầu trời này, trong khoảnh khắc này hiện hữu có cha. Cha-con cùng chung ở, cùng cộng hưởng hơi thở của không khí, trong không gian của hành tinh này. Dẫu cho... Nhưng em biết ''tương tư bất tương kiến, đồng ẩm tương giang thủý' -nhớ thương dù chẳng gặp, nhưng thương nhớ nhau hoài- em vẫn còn hy vọng, vẫn còn yêu thương, vì vẫn còn hiện diện trên cuộc đời này. Dù chân trời góc bể chốn xa xôi, dù nắng dội mưa sa nơi cùng khốn, em vẫn còn mong đợi, đợi hoài trong tim, cho đến một ngày thức giấc gặp cha T.Quảng Hòa, tháng 8.01.(1-) gió thổi (2-) con thơ