Lối đi ngay dưới chân mình - Chương 1
Tằn tiện Buổi trưa nóng, đường phố Sài Gòn vẫn đông cứng người và xe, và khói xe và bụi. Những khuôn mặt nhăn nhó vì cái hỗn hợp âm thanh lẫn với tạp chất ấy lại càng nhăn nhó hơn mỗi khi dừng xe lại ở ngã tư: đèn đỏ! Lạy trời giữa trưa nắng này đừng có kẹt xe. Đèn xanh! Những khuôn mặt nhăn nhó ấy như giãn ra một chút, bắt đầu rùng rùng chuyển động. Hai dòng người xe chạy ngược chiều nhau, dòng nào cũng lốm đốm những mặt người được bịt kín bằng khăn mùi xoa, mắt thì núp hết sau những cặp kính đen ngòm, dưới các vành nón kéo sụp xuống quá trán... Tôi cưỡi chiếc Tact lùn lùn, bé bỏng, màu sơn đỏ chót như màu xe cứu hoả về đến nhà trọ đã hơn mười hai giờ trưa. Từ đường lên vỉa hè, từ vỉa hè lên thềm nhà, tôi ì ạch đẩy xe lên. Mấy hôm đầu, khi mới mua xe, chưa đẩy quen, lúc nào về tôi cũng phải dựng xe ngoài đường, chạy vào lấy một tấm gỗ lót rồi mới đẩy lên được. Nó ngồi thu lu bên góc tủ, ngay sát lối tôi đẩy xe, cứ trố mắt nhìn tôi vẻ lạ lẫm. Cái màu áo vàng choé làm tôn thêm nước da đen đen. Chỉ liếc mắt qua tối đã thấy không ưa và tự dưng cảm thấy chột dạ: hay nó là một người bà con nào đó của cô Minh mới từ quê vào tương lai sẽ chiếm lại căn phòng nhỏ của tôi trên tầng ba? * Tôi cũng đã từng là dân quê. Cái quê tôi nó nghèo lắm. Mẹ tôi kể những năm 60, khi nhà ngoại tôi ky cóp mua được chiếc xe đạp Thống Nhất giá hai trăm rưỡi đồng là cả làng đã lác mắt, trầm trồ, ghen tị mãi. Thuở ấy, ai mà có được chiếc xe đạp Pha-vơ-rít, có đài đeo hông về làng đã kể như một kỳ quan rồi. Chúng tôi không phải lội ruộng nhiều như mẹ, như bà ngoại. Có mỗi hai chị em gái, bố lại làm việc ở Hà Nội, so với dân trong làng, nhà tôi cũng thuộc loại có bát ăn, bát để. Mẹ tôi khâu nón rất tài, vừa nhanh mà vẫn đẹp. Xong công việc đồng áng, tối về mẹ khâu thoắt đã được hai cái nón, vậy là cũng đủ tiền chợ cho cả ngày hôm sau. Chợ quê, thức ăn, thức uống không đắt đỏ như ở thành phố, rau ráng thì nhà ai cũng có sẵn trong vườn cả rồi, chỉ ra chợ để mua thêm thịt cá mà thôi. Buổi sáng, chúng tôi phải dậy sớm để giúp mẹ làm vườn. Sau chuồng heo, có một cái hố to, xây chìm xuống đất đựng nước thải, phân và nước rửa chuồng. Chúng tôi lấy đòn gánh, hai chị em hai đầu khiêng một cái thùng tôn đầy cái thứ nước tạp chất ấy ra cho mẹ tưới cây. Xong xuôi, chúng tôi tắm rửa, hấp cơm nguội lên ăn với nước mắm hoặc cá kho còn của tối hôm trước, sau đó hoặc học bài, hoặc đi học... Xong lớp 12, chị tôi vội vã lấy chồng, vội vã rời xa cái làng quê chẳng có gì hấp dẫn chị ấy. Năm năm sau, tôi thi vào Đại học và đậu. Lên Hà Nội học, mỗi tháng tôi về thăm mẹ một lần. Lần nào về trong giỏ xách của tôi cũng có một bao đầy nilong tôi đem về cho mẹ nút các chai nước mắm. Các bao này có từ những lần tôi mua bánh mì ăn, mua nước mía uống, mua các thứ lặt vặt khác... người ta bỏ vào bao, và tôi giặt sạch, phơi khô, bỏ dồn lại. Mẹ chẳng dùng hết được tất cả các bao nilong tôi đem về, nhưng luôn hồ hởi cất nó vào một cái bao to: - Dồn được nhiều, đem bán cho mấy bà đồng nát cũng được ít tiền đấy. * Nó không đợi tôi hỏi han đã tuôn ra một tràng kể lể: - Mới ban đầu, người ta mời em vào đây để dạy nghề đan chiếu cói Nga Sơn. Tiền công sáu ngàn một cái, cói người ta sẽ chọn và nhuộm sẵn, chỉ việc ngồi đan. Sau họ lật lọng, chỉ trả có bốn ngàn, lại không chuẩn bị cói sẵn, thành ra chúng em phải tự làm tất. Đan cả ngày mới được có một chiếc, trừ đi tiền ăn còn lại chẳng bao nhiêu. Em hận con mụ ấy, em về đây, xin cô và các anh chị mỗi người một ít, đủ tám chục ngàn mua vé xe là em về. Thật, từ bây giờ “một đời cha, ba đời con”, em lạy cả mớ, em không dám vào Nam lần nữa. Giọng nó cứ xoe xóe nghe mà phát sốt. Tay chân béo nần nẫn, mặt nó to tròn trông cứ ngây ra, mái tóc dài được cột cao đỏm đáng bằng một dây vải đỏ lẫn vàng lòe loẹt. Nó không gây cho tôi được một tí xíu cảm tình nào. Tôi gác chân lên bàn nhìn nó một cách lơ đãng. Nó lại tiếp tục kể lể... Hình như đến cái đoạn người ta ăn trộm mất gói bột giặt cao cấp Daso của nó thì nó có liếc qua tôi một cái thì phải. Tôi nghe lành lạnh nơi cổ, chợt ngồi thẳng người lên. Nó kéo ghế xích lại gần tôi: - Em xin chị hai chục. Chị cho em nhé. Đủ tiền vé xe em về, thật... Nó lại tiếp tục kể lể. Cặp môi dày lại nhép, nhép... * Mỗi mùa hè về nhà, tôi lại theo mẹ đi hốt trấu bỏ cho mấy lò nấu đường, mấy chỗ làm muối tinh trong xã. Phải đi thật sớm để có thật nhiều trấu mà hốt. Tôi chở mẹ trên chiếc xe đạp cọc cạch. Giỏ xe đàng trước tôi để một chồng bao tải, (bao sợi nilong rất dễ rách, không thể dùng lâu được), mẹ ngồi đàng sau, hai chân để cùng một bên, một tay vịn yên xe cho khỏi ngã, tay kia ôm khư khư một chồng bao tải nữa. Xưởng xay xát bụi mù. Trấu và bụi cám vẫn cố len qua những chỗ mặt mũi còn hở ngoài khẩu trang làm chúng tôi ngứa ngáy và hắt xì hơi loạn xạ. Trong khi chúng tôi đi hốt trấu, bố tôi lo đi gánh tro ở mấy cái lò đường, muối kia về đổ vào trong các hố to đã đào sẵn trong vườn, đã có cỏ khô, lá khô bỏ vào trong ấy. Vườn nhà tôi thấp hơn các vườn khác, đất cũng chẳng mấy màu mỡ như phần đông các vườn trong làng. Từ ngày về hưu, bố tôi luôn cặm cụi đào những hố to, gánh đất đem đổ lên những chỗ đất thấp nhất, rồi lại lo làm đầy những hố ấy bằng tro và rác... Ước chừng thời gian mẹ và tôi đã vào được khá nhiều bao trấu rồi, bố đóng cửa nhà lại, khoát áo đi lấy cái xe bò đã dặn thuê từ trước, kéo đến chỗ chúng tôi. Bố chất các bao trấu lên xe, ràng buộc cẩn thận các bao trấu, rồi bố và tôi cùng đẩy xe đi giao trấu, còn mẹ thì đạp xe về đi chợ, lo cơm nước... * Cô Minh bảo: - Nó là đồ mặt dày. Lần trước nó đến, đập cửa nhà cô ầm ầm giữa buổi trưa, đưa ra cái thư của bố nó. Nào ai bà con họ hàng gì với nó. Bố nó lấy một bà có họ xa với cô, được năm bữa nữa tháng thì bỏ đi buôn rồi lấy vợ mới, đẻ ra nó. Chẳng ruột rà máu mủ gì mà viết thư cứ như là cha người ta vậy. Tôi đọc lá thư của bố nó gởi dạo trước. Nét chữ cong queo và to tướng. Một bức thư nhờ vả mà lời lẽ thật dễ khiến người ta nổi đóa. Đại ý, bố nó viết rằng nó vào Nam công tác, trong cái đất Sài Gòn xa hoa và lắm cạm bẫy ấy, thì những người bà con họ hàng phải biết đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ, phải biết yêu thương nhau cho đúng cái tinh thần “là lành đùm lá rách” mà ông bà đã dạy. Cô Minh lên phòng ngủ ở tầng hai, đóng chặt cửa lại, tỏ ý không muốn ngó ngàng gì đến nó. Tôi không muốn lên phòng mình. Để nó một mình dưới này, dễ nó dám mở cửa dắt xe tôi đi bán lắm. Nó lại nhích đến gần tôi hơn. Tôi cáu, nói giọng khinh rẻ: - Cô Minh bảo, mày đâu có dạy đan chiếu, đan chiếc gì. Mày lên Thủ Đức phụ bóc mít với người ta, được bao nhiêu mày đem đánh đề cả... - Oan cho em lắm, chị ơi. Em để dành được một ít gởi cho người ta, vậy mà họ nỡ lừa lấy hết tiền của em, còn lấy cả quần áo của em nữa... - Lần trước mày đến xin cô giúp đỡ. Cô đã xin cho mày đi phụ giúp người ta nấu ăn cho công nhân, trừ tiền cơm nước ra, một tháng còn được ba trăm ngàn, sao mày không làm mà bỏ đi không thèm nói với ai một tiếng? - Tại bà chủ bắt em phải lau nhà, em đau dạ dày, lau làm sao được? * Tôi thay đổi chỗ ở xoành xoạch. Lúc thì vắt vẻo trên một căn gác gỗ ọp ẹp nhìn ra kênh Nhiêu Lộc, lúc thì nằm thơ thới một mình một cõi trong một căn nhà nằm trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Thủ... Ở chưa nóng chổ, tôi lại phải dọn đi bởi vì chủ nhà chợt nghĩ ra một lý do gì đó cần sử dụng đến cái khoảng trống đã dành cho tôi. Và tôi lại phải cắm cổ chạy đi tìm thuê một chỗ trọ khác. Học quản trị kinh doanh, nhưng mới ra trường thì còn khuya mới sử dụng được đến mớ lý thuyết ấy trong khi trong tay chẳng có một đồng vốn nào. Nhờ một mối quen biết của bố mà tôi vào được Sài Gòn làm cho một hãng bán máy photocopy, với chức danh là nhân viên tiếp thị. Điều kiện thứ hai sau bằng cấp đưa ra cho một nhân viên mới tuyển dụng là: phải có xe gắn máy để đi lại. Sài Gòn rộng lớn, công việc làm ăn đòi hỏi phải cơ động mới có cơ may giành được khách hàng bởi trong thành phố có đến mấy hãng photocopy cùng hoạt động, hãng nào cũng khoe mình là số một, đi trước thời đại, tuyệt hảo... Nếu đã ngang ngửa nhau như Sơn Tinh với Thủy Tinh, khách hàng sẽ gật đầu với chàng nào đến trước mà thôi. Tôi viết thư về nhà xin tiền... Bố mẹ chạy vạy mãi mới gởi cho tôi được hai triệu. Tôi hiểu với một ông bố đã về hưu và một bà mẹ quê lam lũ như bố mẹ tôi, hai triệu đã là mức cuối cùng ông bà có thể lo được cho tôi. Hai triệu, tôi tậu được chiếc Tact, loại xe hai thì xài xăng pha nhớt, chạy không nhanh lắm mà ngốn xăng như điên. Xe đã qua một đời chủ rồi nên mới rẻ thế. Chỉ xài “đề”, không có cần đạp nổ. Mới đầu thì tôi khoái, xe rẻ tiền mà cũng xịn ngang Dream II, chỉ cần cắm chìa khóa vào, bấm nút “đề”, máy đã nổ giòn tan... Mười ngày sau thì tôi bắt đầu “thấm”. Nước bình điện cạn, bình điện yếu, tôi đi châm nước, sạc điện lại, đi được hai ngày thì “đề” mãi, xe cũng chỉ kêu xịt xịt, mất thêm gần hai tiếng ngồi chờ sạc lại bình điện lần nữa. Sếp quạt cho tôi một trận nên thân vì cái tội đi quá trễ làm nhỡ mất mối hàng, dọa nếu còn tái phạm lần nữa sẽ đuổi việc. Tôi năn nỉ với chị thủ quỹ cho tạm ứng một trăm ngàn ra mua một bình điện mới. Tiền lương của người đang trong thời kỳ thử việc chỉ đủ cho tôi trả tiền ăn và tiền nhà. Tôi chỉ còn trông cậy vào tiền hoa hồng khi bán được mực in. Một tuần phải tìm cho ra hai mối khách mua máy. Nhiều hơn thì được thưởng, ít hơn thì bị phạt. Tôi chưa quen thành phố, đi đâu cũng phải ôm bản đồ theo, thường là đạt mức hoặc bị phạt, thưởng chẳng được bao lăm. Với một buổi sáng bị đèn đỏ chiếu như vậy, bảo tôi không bực mình làm sao được khi về đến nhà trọ giữa trưa nắng lại thêm cái của nợ này nữa. * Tôi dắt xe đi làm, không khỏi nghĩ đến nó. Phải tống nó đi cho khuất mắt. Kiểu mắt la mày lét như nó ở lại lâu chừng nào càng khiến tôi thêm mệt chừng ấy. Cái máy nhắn tin trong túi quần tôi kêu bíp bíp. Tôi dừng xe lại và lôi ra xem. Không phải hãng gọi. Có một chủ máy nhắn tôi đến gấp. Câu “Chúc vui” ở cuối dòng nhắn, báo hiệu một buổi chiều không bị “đèn đỏ”. Tôi ghé vào một hộp điện thoại tự động, đút thẻ từ vào, gọi điện về hãng... Từ văn phòng của chủ máy vừa nhắn ra về, tôi thấy nhẹ nhõm hơn một chút. Ông chủ máy vừa trúng mánh lớn, gọi tôi đến cùng uống rượu mừng, đặt mua một số lớn ống mực cho cả năm máy photocopy của ông. Trong hơi rượu ngà ngà, ông khen tôi dễ thương, và hứa sẽ giúp tôi tìm thêm mối để bán máy... Có phải đó là ưu thế của nhân viên tiếp thị nữ? Tôi né người trành cái vòng tay kéo đầu tôi sát về phía ông để thì thầm cái lời hứa ấy. Mùi rượu và thái độ suồng sã của ông khiến tôi chợt cảnh giác. Nán lại vài phút nữa, tôi đứng dậy xin kiếu từ để ra về, lấy cớ rằng tôi còn phải về hãng để chiều còn đi công chuyện với sếp. Ông chủ tiễn tôi tận ra cửa, cứ nắm tay tôi mãi, hẹn đi hẹn lại, sáng chủ nhật tới, lại đến ông để ông đưa đi gặp khách mua mới. Tôi vâng dạ và lên xe đi. Giờ này con nhỏ kia chắc đang lởn vởn khắp nhà và cô Minh chắc đang bực với nó lắm. Nó đã ra giá với tôi là hai chục ngàn. Không cho không được, chẳng lẽ một người đi làm công cho một hãng nước ngoài như tôi lại chẳng còn trong túi đến năm chục bạc? Thay bình điện mới, đổ đầy bình xăng, một trăm ngàn tạm ứng hồi sáng chỉ còn lại bảy ngàn, còn mấy ngày nữa mới đến kỳ lương, tôi đang còn chưa biết xoay sở thế nào để đi làm trong mấy ngày tới đây... Rắc! Tôi giật mình bóp thắng. Chiếc Tact không có thắng chân, cái thắng tay không kịp giúp tôi tránh khỏi cú va chạm bất ngờ với một chiếc xe hơi sang trọng và bóng lộn đang chậm rãi đi qua trước mũi tôi. Đèn đỏ mà tôi không để ý, cứ lừng lững cho xe đi, chiếc xe hơi kia đi đúng đường, phía nó đang là đèn xanh mà. Tôi dừng lại, chống hai chân xuống đất, chẳng biết phải làm gì nữa. Vè mũi chiếc xe Tact của tôi tròn tròn, phủ xuống cả nữa bánh xe trước, sứt ra hai mảnh. Chiếc xe hơi dừng lại. Anh tài xế mở cửa xe bước xuống đi vòng quanh xe xem thử có bị vết xướt nào không, lườm tôi một cái rồi quát khẻ: - Đi đứng vậy hả? Đui hay là muốn chết? Anh ta mở cửa xe, ngồi vào sau tay lái định đi. Chợt cánh cửa xe bên phải mở ra, một người đàn ông còn khá trẻ, cố tỏ ra đường bệ và ân cần: - Cô có làm sao không? Thành thật xin lỗi vì xe chúng tôi vô ý... Tôi ngơ ngác: - Ơ, ơ... tại tôi mà. - Không tại chúng tôi chứ! Tự nhiên lại đua nhau nhận lỗi thế này thì thật buồn cười. Tôi im bặt và hơi ngượng khi anh ta nhặt giùm tôi hai chiếc vè xe vỡ: - Thật vô ý quá. Chúng tôi đang vội. Xin gởi cô tiền sửa xe, có gì cô cứ gọi điện thoại cho tôi, danh thiếp của tôi đây... Chuyện cứ như đùa. Tôi giụi mắt. Lại đèn đỏ rồi. Thời gian tôi ngẫn người ra ấy đã mấy lần đèn xanh rồi nhỉ?