Chương 1
ười giờ đêm, Loan mới về tời bến xe An Đông. Bến xe vẫn còn nhộn nhịp, hắn lần mò vào nhà cho thuê ghế bố. Chị Bảy chủ nhà ngồi thu lu trên chiếc ghế xích đu, người chị khoác một tấm mền, đầu đội khăn len sùm sụp, chị ngồi ngay cửa ra vào. Khi thấy Loan tới, chị ngước lên :- Về sớm vậy nhỏ?Loan toét miệng cười :- Đi hoài rạc cả người, tôi muốn về nằm ngủ cho yên thân.Chị Bảy xì một tiếng :- Hôm nay ăn nói mạnh dạn quá vậy. Bộ có tiền rồi sao?Loan lúc lắc túi :- Thiếu giống, hôm nay ngủ, tui trả tiền thuê ghế bố cho chị đàng hoàng.Chị Bảy ngồi đu đưa tấm thân mập tròn trên chiếc ghế :- Bộ chỉ có hôm nay mày trả tiền tao thôi sao; còn suốt tháng nay tối nào cũng về ngủ coi nhu “pha” luôn?Loan nheo mắt, đôi mắt có hàng lông mi cong vút như mắt của một đứa con gái đẹp. Khuôn mặt Loan lại đều đặn, sống mũi cao, hàm răng nhỏ và trắng muốt. Loan có cái sắc đẹp của một đứa con gái nhiều hơn là một nam nhi. Mọi người ở bến xe này đều công nhận vậy. Người ta không biết Loan từ đâu lạc loài đến, hình như hắn cũng chẳng có nghề nghiệp gì.Mấy hôm đầu, Loan có một ít tiền, hắn thuê ghế bố nhà chị Bảy ngủ qua đêm, sáng hôm sau hắn đi sớm... Mười một, mười hai giờ đêm mới lần mò về. Riết rồi Loan hết tiền. Đêm cuối cùng khi đưa mười đồng bạc cho chị Bảy để mướn ghế, hắn buồn rầu nói :- Không chừng tối nay em không còn ngủ ở đây nữa!- Mày đi đâu?- Em không muốn đi đâu, nhưng kẹt hết tiền rồi.Chị Bảy nhìn dáng vấp tội nghiệp của Loan, chị cũng thấy thương hại. Chị vén chiếc khăn choàng đầu ra, ngước mặt hỏi lại Loan :- Mày hết tiền thật rồi sao?Loan lặng lẽ gật đầu. Chị Bảy không nói gì hơn, chị móc bao thuốc Ruby lấy một điếu thuốc ra đưa cho Loan.- Mày đi mồi lửa giùm tao coi.Loan không hiểu nổi thái độ của chị Bảy, nhưng nó vẫn đỡ lấy điếu thuốc, ra chỗ cây nhang ở quầy bán thuốc lá lẻ mồi nhờ mang về cho chị Bảy. Chị Bảy hút bập bập đầu điếu thuốc đỏ lừ, chị nhả khói mù mịt. Một lát, chị chậm rãi nói :- Thấy mày tao cũng thương hại, rủi là tao mắc chuyện buôn bán, gặp ai tao cũng động lòng thương hết thì tao sạt nghiệp.Loan cương quyết lắc đầu :- Dạ không, tui chỉ than phiền vậy thôi mà, hết tiền thì ngủ ngoài đường...Chị Bảy xua tay, đột nhiên đưa điếu thuốc đang hút dở cho Loan, nói :- Hút đi.Con mẹ thật khó hiểu, Loan nghĩ thầm. Nó cứ đỡ lấy điếu thuốc và hút ngon lành chờ đợi. Áng chừng Loan hút được ba hơi thuốc, chị Bảy bỗng nói một câu cộc lốc :- Được!- Gì vậy?Chị Bảy cười khì khì :- Được, tao cho mày ngủ nhờ, nhưng nhớ dậy sớm dọn dẹp nhà cửa giúp tao, sòng phẳng há mày?Loan nhoẻn miệng cười :- Dứt dạt như vậy lại hay, nhưng bắt đầu từ tối mai nghe.Loan toan bước đi, chị Bảy kêu giật lại :- Nè cưng, ra biểu!Loan đứng khựng lại. Chị Bảy nói luôn :- Nhưng không phải tối nào mày cũng được ngủ nhờ như vậy đâu nhen, khi có tiền là phải thanh toán đó.Loan cười :- Vậy ra tôi nợ chị sao?- Không phải, nghĩa là tối nào có tiền, mày cao hứng thì trả tao tối đó. Mày lại là khách, tao đi mắc mùng và căng ghế bố cho mày, chịu hông?Loan cười :- Chịu!Chị Bảy nằm ngửa người lên ghế xích đu :- Nói vậy chớ sức mấy mày trả tao, đời mà, ai lợi dụng được nhau thì cứ lợi dụng.Bị chạm tự ái, Loan nổi cáu :- Nè, tôi nói thật, tôi chưa hề tính chuyện lợi dụng ai hết, chị nói vậy tôi khỏi cần đi. Tôi sẽ ngủ chị nốt đêm nay, mai khỏi ngủ nữa.Loan nhìn rõ trên đỉnh mùng có một con rệp đang bò quanh quẩn. Khung mùng hình chữ nhật đối với con rệp hình như quá lớn, đến độ nó không nhận thức nổi phải bò đến chỗ nào mới hết phạm vi cái mùng, nó quanh quẩn mãi ở khoảng trũng của đỉnh mùng. Loan đưa mắt theo dõi con vật nhỏ bé một cách chăm chú. Chuyện đó đối với nơi tạm bợ bẩn thỉu này thì thường quá. Khách trọ không có quyền khiếu nại. Nếu có kẻ ngứa miệng cằn nhằn, chị Bảy chủ nhà sẽ nhã nhặn trả lời: Dạ thưa ông hay thưa bà, gần đây có một cái “bin đinh” đầy đủ tiện nghi, ông (hay bà) không vừa lòng nhà ngủ tạm bợ này, nhà cháu sẽ đưa ông tới thuê phòng. Khách trọ đành nín khe. Với hàng chục nhà cho thuê ghế bố ở bến xe An Đông, tối với khách trọ chỉ là một đêm tạm bợ chờ sáng ra xe lên đường. Mọi người đều dễ dãi, dễ dãi đến độ buông thả...Loan vẫn không ngủ được. Cạnh hắn có một người đàn ông ngủ ngáy như cưa gỗ, thỉnh thoảng sặc nước miếng lại ho lên sù sụ, mỗi lần hắn trở mình là lại cằn nhằn. Ở cuối dãy, tiếng một đứa trẻ đột nhiên khóc thét lên, người mẹ phát vào đít nó bồm bộp, chị nghiến răng nghiến lợi chửi con: “Ngủ đi tao vặn cổ chết con đĩ mụ nội mày giờ”. Đứa bé rấm rức khóc, hình như người mẹ đang ấn vú vào miệng nó, đứa bé khóc không ra tiếng, ghế bố chuyển động, nó đang oằn mình. Người mẹ rít lên :- Ngủ đi, tổ cha mày không ngủ tao bóp mũi chết ngắc ông cố nội nhà bây!Hình như đứa bé bị đau, nó vùng ra khỏi mẹ phát khóc ré lên. Những người nằm quanh đó choàng thức giấc. Có tiếng đàn bà ra lời :- Con khóc phải dỗ chớ, bộ nhà chị thuê riêng nhà này sao?Tiếng người đàn bà có con đối đáp lại :- Dỗ hả, nè chị ra mà dỗ đi, đồ con quỷ con yêu ở đâu không hà?- Nhà chị ăn nói dễ nghe quá há, con chị hay con tôi? Con nít nó biết gì, có gan thì giết phắt nó đi có ai nói gì đâu. Đồ mẹ bất nhân!Có tiếng ném đến bịch một cái xuống ghế bố, đứa nhỏ khóc thét lên, rồi người đàn bà vén mùng sấn sổ đứng dậy. Mụ vấn tóc :- Con nào ra lời đó, giỏi ra mặt coi?Người đàn bà nằm giường gần đó cũng không vừa, mụ cũng tốc mùng dậy, một tay xốc quần :- Con này đây, đồ bất nhân, muốn ăn thua có liền đây!Thấy to tiếng, những người đang ngủ vội bật dậy nhảy xuống đất can. Mỗi người một lời thành ra âm thanh hỗn độn. Có người chửi nhoi cả hai bên, rồi khạc nhổ khậm khẹc.Gã đàn ông nằm chung ở giường mụ đàn bà nhoài người ra nắm lấy tay mụ :- Thôi em, ra lời làm chi, vô ngủ, con họ mà họ không biết thương, mình hơi sức đâu mà thương giùm?Người đàn bà có con bị hai người giữ tay vẫn sấn sổ :- Con này khỏi cần ai thương giùm con hết á! Con tui, tui ghét, giết chết còn được nữa kia.Chị Bảy đang ngồi ngoài cửa, thấy trong nhà to tiếng nên vội vã chạy vào hỏi :- Có chuyện gì đó các người?Khách trọ lao nhao mỗi kẻ nói một câu, tuy không vỡ lẽ hẳn câu chuyện. Nhưng chị đã biết nguyên nhân sự to tiếng. Chị xua tay :- Thôi tôi xin các người, to tiếng cảnh sát nghe thấy họ đến hốt ráo, lại hết ngủ.Một lát sau không khí trở lại yên lặng, bình thường. Loan vẫn không ngủ được, nó thao thức hết trởmình bên này lại xoay bên kia. Xung quanh Loan tiếng ngáy vang rền. Có người mơ ngủ bỗng cười lên sằng sặc. Thỉnh thoảng chị Bảy lại đưa một người khách vào nhận chỗ ngủ. Có khi là một đôi trai gái, họ mướn một chiếc giường trong buồng riêng.Đêm hình như đã khuya lắm, Loan không biết là đã mấy giờ, nhưng hai mắt Loan vẫn chong chong. Nó nghĩ bụng, chắc vì ly cà phê hồi chiều nên không ngủ được.Buổi chiều mưa nhỏ hạt, Loan ngồi ở quán cà phê chờ Thiệu. Thiệu là em Loan, cùng cha khác mẹ. Nhưng hai anh em thương nhau vô cùng, Loan bỏ nhà ra đi gần một tháng nay vì không chịu được sự ác độc của bà mẹ ghẻ. Thiệu hiểu điều đó hơn ai hết nên càng thương người anh xấu số. Mỗi tuần lễ, vào chiều thứ bảy, hai anh em lại gặp nhau tại quán cà phê Tư Hùng cách xa nhà một đường hẻm.Mưa rả rích suốt từ trưa, khi Loan tới quán Tư Hùng thì người nó đã ướt sũng và lạnh cóng. Lòng bàn tay ướt se lại, tím ngắt. Loan xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ lạnh, gọi một ly cà phê đen nhỏ. Cà phê bốc khói thơm, trên mặt ly váng bơ. Loan xúc đúng hai muỗng đường cho vào ly khuấy đều. Khuôn mặt Loan phản chiếu trong ly cà phê tan ra. Nó nâng ly lên uống từng hớp nhỏ chép chép miệng. Loan chợt nghĩ đến một hơi thuốc. Trong khung cảnh ấm cúng này, cũng nên làm một hai điếu thuốc cho lòng đỡ lạnh. Loan móc túi lấy mấy đồng bạc lẻ ra sạp thuốc ngay trước mặt cửa hàng mua bốn điếu Ruby. Loan hít hơi thuốc sâu trong cổ họng, từ từ thở ra đằng mũi, hương vị đậm đà. Loan không còn cảm thấy khó chịu và đăng đắng như mấy hôm đầu.Phía ngoài đường mưa nhỏ hạt dần, con đường bóng nhẫy. Nhiều người đứng trú mưa ở hàng hiên đã bỏ đi. Thiệu vẫn chưa tới, Loan uống được phân nửa ly cà phê, Loan thấy nóng ruột, chưa bao giờ Thiệu thất hứa. Bốn giờ rưỡi chiều rồi, đã quá giờ hẹn nửa tiếng. Gió ngoài đường lại nổi lên, một cơn mưa thứ nhì sắp ập đến. Giữa lúc đó thì Thiệu choàng áo mưa tất tả chạy vào quán. Nó vuốt những giọt nước bám trên mặt, vắt chiếc áo mưa ướt sũng lên thành ghế, đoạn ngồi xuống trước mặt anh :- Anh chờ em lâu lắm phải không?Loan nhìn thẳng vào mặt em :- Tao tưởng mày không đến chứ?Thiệu cười :- Bão em cũng đến, em biết anh chờ mà...Loan nói nhỏ :- Mày uống gì kêu đi.- Em uống nước chanh.- Mưa mà uống nước chanh lạnh chết, cà phê sữa nhá?Thiệu lắc đầu :- Uống cà phê tối về không ngủ được.- Vậy uống sữa thêm một chút cà phê?Thiệu gật đầu. Đôi mắt Thiệu vui vẻ, nó nhìn anh :- Trông anh tuần này gầy hơn tuần trước.Thiệu hạ thấp giọng, gương mặt thoáng buồn :- Hay là anh về nhà đi.Loan trừng mắt nhìn em :- Về sao được, vả lại tao không muốn về.Thiệu nói nhỏ :- Em biết anh giận mẹ em lắm, nhưng anh vẫn bảo anh không chấp đàn bà kia mà.Loan chống tay lên càm, nhìn ra ngoài mưa. Nó an ủi em :- Nguyên nhân để tao bỏ nhà đi, không phải chỉ vì mẹ, tao lớn rồi mày thấy chứ. Mười bảy tuổi, tao muốn tự mình tạo lấy đời sống, rồi sau này thiết tưởng cũng chẳng muộn.Thiệu ngồi cúi mặt :- Anh kiếm được việc làm chưa?Loan lắc đầu :- Chưa có gì chắc chắn, nhưng tao nghĩ rằng cần phải nhẫn nại thêm một chút nữa.Loan hỏi tiếp :- Chắc mẹ chửi tao dữ lắm hả, nhất là ông bố?Thiệu im lặng một lát mới trả lời :- Bố lúc nào chả chửi, tối ngày ổng say bét nhè...Trong một thoáng, hình ảnh gia đình cũ hiện ra trong đầu Loan. Những buổi tối ngồi hầu bài thâu canh, tiếng xoa mạt chược, tiếng lè nhè gắt gỏng của bố. Loan hỏi em :- Hồi này mấy bà bạn của mẹ còn tới đánh tổ tôm không?Thiệu cười buồn :- Vẫn không có gì thay đổi.Loan giục em uống sữa. Thiệu nâng ly lên thổi phù phù. Hơi nóng bốc lên làm mờ ly thủy tinh. Loan nhìn vào khuôn mặt non nớt của em, nó bỗng cảm thấy thương hại. Loan nhìn những giọt mưa rơi tí tách ngoài hiên, giọng xa vắng :- Tao có cảm tưởng như đã bỏ nhà đi lâu lắm rồi, chưa biết ngày nào mới về.Tiếng nói sau cùng của Loan nghe buồn bã. Loan khẽ chớp mắt :- Tao hy vọng rằng sau này tao khá giả rồi, anh em mình sẽ về ở chung với nhau. Tụi mình sẽ không bao giờ còn xa nhau nữa.Thiệu cười nhạt :- Đâu được, anh còn vợ con phải lo nữa chứ...- Mình sẽ là một đại gia đình hết sức thương yêu và giúp đỡ nhau.Tiếng nói của Loan chắc chắn và tin tưởng. Thiệu không muốn cắt ngang niệm hoài vọng của anh. Thiệu biết những giây phút đó đối với anh rất hiếm hoi. Thiệu mỉm cười biểu đồng tình.Bóng tối bắt đầu bao trùm cái quán nhỏ vắng vẻ. Phía góc bàn sát với cửa, có một người đàn ông ngồi uống cà phê, đốm lửa sáng ở đầu điếu thuốc thỉnh thoảng lại rực lên. Chợt thấy thèm thuốc, Loan móc túi lấy một điếu thuốc ra mồi nhờ. Thiệu nhìn anh lờ mờ nhả khói, nó trách nhẹ :- Bây giờ anh còn bày đặt hút thuốc nữa!Loan mỉm cười :- Tao cần phải biết hết, trải qua hết, có thế mới sống được với đời.Ngày Loan còn ở nhà, Thiệu đã cảm phục anh. Thiệu coi anh như một thần tượng của mình. Sau khi Loan đi, mỗi tuần lễ gặp lại nhau. Thiệu thấy anh mình lớn hẳn lên, từng trải hẳn lên. Thiệu say sưa nghe anh kể những chuyện lạ trên “bước đường giang hồ”. Nhất nhất mọi hành động gì của anh, Thiệu đều cho là phải là hay.Như chợt nhớ ra, Thiệu cởi nút khuy áo rút từ trong bụng ra một cuốn sổ cỡ trung bình trao cho Loan. Nó nói nhanh :- Mải nói chuyện quên mất cuốn nhật ký của anh, em kiếm mãi mới thấy đó.Loan đỡ lấy cuốn sổ, nó giở từng trang, lòng rưng rưng cảm động. Tấm ảnh của mẹ Loan nằm kẹp ở giữa cuốn sổ. Tấm hình đã úa vàng, người đàn và quấn khăn vành mờ mờ. Mẹ Loan đó.Chợt nhớ đến tấm hình của mẹ, Loan xoay người với tay lên giường lấy cuốn sổ. Ánh đèn trong nhà ngủ vàng vọt lọt qua vải mùng làm Loan nhìn không rõ tấm hình. Đôi mắt của mẹ đầy tha thiết. Tuy không nhìn rõ nhưng Loan nhớ tìmg dấu vết nhỏ trong tấm hình. Xa xôi quá, không còn gì nữa sau khi mẹ Loan mất. Loan nhớ như in hình ảnh buổi chiều cuối đông khi đưa mẹ ra nghĩa trang ở miền Bắc. Những viên đất khô từ bàn tay nhỏ bé của Loan thả rơi xuống huyệt. Cái rét căm căm không làm Loan run rẩy. Loan nhìn ra xa ngoài lộ, con đường tàu điện ở đó, con đường chạy suốt tới Hà Đông. Những hàng me trồng dọc theo đường trơ trụi lá. Bầu trời ảm đạm. Hai bố con dắt nhau ra khỏi nghĩa địa, đi bộ đến gần ô cầu Giấy. Bố Loan dắt Loan vào một cửa hàng ăn. Ông lầm lì ngồi uống rượu, mặt ông tái lại nhưng đôi mắt ngầu đỏ. Loan còn nhớ như in những tia máu đỏ chằng chịt trong tròng trắng mắt cha. Trời sẫm tối, hai bố con ngồi trên chiếc xe tay lọc cọc trở về thành phố. Ông nói nhỏ bên tai Loan :- Con sẽ có một người mẹ khác, cũng hiền như mẹ. Con còn có cả một đứa em kháu khỉnh nữa. Ba phải nói với con trước khi dẫn bà và em về nhà, ba không muốn con thiếu tình thương của mẹ.Mười năm trời rồi, Loan không được nghe những lời nói thân yêu đó nữa. Tất cả những lời nói của bố nó ngày nào đã đảo ngược hết. Chỉ riêng có Thiệu, Thiệu càng lớn càng dễ thương.Loan nằm úp mặt xuống gối, sao đêm nay khó ngủ quá thế này. Loan nghe từ ngoài lộ vẳng vào tiếng xe cộ ì ì... Giường bên cạnh có tiếng động, tiếng trở mình. Loan lén đưa mắt nhìn, một bàn tay đàn ông luồn ra khỏi mùng, bàn tay lần sang mép giường bên cạnh, tự động vén mùng lên rồi bò vào, khuỷu tay co lên hạ xuống chạy suốt, cử động.Giường bên kia có tiếng đàn bà ậm ừ, tiếng trở mình, thở dài rồi im lặng. Một lát sau, người đàn ông nhoài mình ra khỏi mùng, mặt ghé sát vào mùng bên cạnh. Hắn nghe ngóng một lúc rồi vén mùng nhoài người vào trong. Bỗng một tiếng bốp vang lên, hắn giật bắn người, thụt lại. Có người choàng thức giấc lên tiếng hỏi :- Cái gì đó?Không có tiếng trả lời. Chị Bảy từ ngoài đi vào, tiếng guốc của chị kéo lê trên sàn lẹp kẹp. Chị lên tiếng :- Ráng mà chịu ăn đòn, lộn xộn thì cứ xáng bể mặt ra cho tui, tổ mẹ cái giống dê xồm.Gã đàn ông nằm giường bên cạnh im thin thít, trong ánh sáng lờ mờ rọi qua mùng hắn, Loan thấy hắn giơ tay lên sờ má. Loan mỉm cười xoay người úp mặt vào gối nhắm mắt, nó thấy người mệt mỏi lạ lùng...Loan mở mắt ra thì trời đã sáng rõ, ghế bố đêm hôm qua đã được dẹp gọn vào một góc nhà. Loan mệt mỏi vô cùng nên còn muốn nằm nán lại chút nữa. Người Loan như muốn dán chặt xuống ghế bố, mọi cử động đối với Loan lúc này đều uể oải.Chị Bảy đi vào, chị nhìn vào mùng, chị tốc mùng lên :- Dậy lỏi tì, trời sáng banh mắt ra rồi!Loan mỉm cười :- Mệt quá chị!- Mày làm gì mà mệt?- Đêm qua khó ngủ quá.- Làm gì mà khó ngủ?Chị cười, nhìn Loan :- Mày ăn cái tát hồi hôm đó phải không?- Đâu có, thằng cha nằm cạnh tui đấy chứ.Chị Bảy cười khì khì phát nhẹ vào người Loan :- Thôi dậy đi mày, không thấy cửa hàng bắt đầu buôn bán rồi đó sao?Những chiếc ghế bố dọn dẹp, nhà ngủ biến thành một cửa hàng thợ may. Tiếng máy may chạy xành xạch, Loan thấy một vạt nắng chiếu chênh chếch qua cửa kính có vẽ chữ nhà may Toàn Thịnh bằng sơn đỏ ngược. Loan thu xếp quần áo, đồ vặt vãnh, đứng dậy. Chị Bảy vừa dẹp mùng mền vừa nói :- Mày thấy tao làm ăn đàng hoàng không, mày trả tiền tao là tao hầu mày như khách liền.Loan lấy trong túi xách tay ra một hộp thuốc đánh răng và cái bàn chải. Nó ra nhà sau rửa mặt. Phòng tắm liền với cầu tiêu nên mùi khai thối dậy lên nồng nặc. Nước đựng trong chiếc lu cáu bẩn tanh ngòm. Loan súc miệng, đánh răng qua loa, nó vục nước lên rửa mặt, giơ tay áo lên quẹt ngang. Loan thấy người khoan khoái dần, sự mệt mỏi chỉ còn vương lại trong cơ thể nó như một hơi khói, Loan đứng trước tấm kiếng vỡ vặn vẹo người. Những khớp xương giãn ra kêu cụp cụp. Máu bắt đầu chạy đều trong cơ thể Loan làm sắc mặt Loan hồng lên. Loan móc túi quần bên trái ra một cái lược nhỏ đưa lên đầu chải, mớ tóc rối bù được vén gọn làm khuôn mặt Loan trở nên rạng rỡ hơn.Chị Bảy đi vào trong, thấy Loan đứng trước kiếng bèn nói :- Ngắm vuốt gì mà kỹ quá vậy mày?Loan quay lại mỉm cười với chị Bảy, nó không trả lời vào câu hỏi :- Chị đi ngủ chưa?Chị Bảy đáp :- Mệt thấy mẹ, hôm nào cũng lấy đêm làm ngày tao mệt quá rồi, nhưng trót làm nghề này nên phải theo đuổi...Nắng sớm mai hửng lên chói chang. Ngoài bến xe tấp nập, những chiếc xe hàng bắt đầu khởi hành, tiếng máy xe rú lên, khói từ ống bô phun ra mù mịt. Hành khách tấp nập lên xuống, tiếng gà vịt kêu chí chóe như âm thanh trong một khu chợ.Loan ngồi ở quán cà phê ngay đầu đường, nó ăn một đĩa cơm tấm bì. Đĩa cơm nóng hổi bốc hơi thơm, nó nhai kỹ miếng cơm bùi, ngậy mỡ, hương vị đậm đà của nước mắm pha làm miếng cơm thêm ngọt. Ăn xong đĩa com, Loan gọi ly cà phê đen nhỏ, nó hút thuốc lá, lưỡi rát vì hút quá nhiều nên hương vị cà phê bớt ngon. Xung quanh Loan có nhiều người uống cà phê, phần đông là dân lao động làm ăn lam lũ. Một người đàn ông ngồi co cả hai chân lên chiếc ghế đẩu, đổ cà phê ra đĩa húp xùm xụp. Hắn than phiền vì hồi này chạy xe không kiếm được bao nhiêu, vợ lại đẻ nữa.Một người đàn ông khác ngồi cạnh đó nhóng cổ lên hỏi :- Ê, vợ anh đẻ con trai hay con gái?- Con trai.- Vậy là may phước rồi!- May phước cái c.c... Tám đứa rồi, chưa biết chết đói lúc nào. Vợ tao hồi này bệnh hoạn hoài, hết cả buôn bán.Một chị đàn bà “xí” một tiếng :- Bởi tại nghèo mà còn ham.Gã đàn ông cười :- Ai mà ham, đâu có dè “sơ sơ” vậy mà...Chị đàn bà há hốc miệng ra cười, mụ co nốt một chân kia lên ghế, luôn những móng tay son đỏ chót vào ống quần Mỹ A gãi rột rột :- Tốt giống dữ!Gã đàn ông vừa ăn vừa cằn nhằn về thời buổi khó khăn. Nắng đã lên cao. Loan trả tiền đứng dậy đi. Nó đi dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng lên Sài Gòn. Loan nhớ đến cái hẹn với Minh. Minh là bạn thân của Loan, nó di cư vào Nam có một mình. Hồi đầu tiên, Minh sống trong trại học sinh Phú Thọ, sau này kiếm được tiền Minh xin ra ngoài, số tiền hằng tháng Minh kiêm được không đáng bao nhiêu, hắn đói thường xuyên. Nhưng Minh can đảm, nó không bao giờ than thở mà chỉ cắn răng chịu đựng, vì thế Loan quý mến Minh. Trước kia hai đứa học chung với nhau, sau này Minh xin được vào trường công, nhưng tình bạn vẫn giữ như cũ. Hôm vừa rồi, Minh hứa tìm cho Loan một chỗ dạy học tư gia.Loan tới nhà Minh vào khoảng mười giờ sáng. Trời lúc này trở nên oi bức lạ thường. Minh ở sâu tuốt trong một ngõ hẻm bẩn thỉu, căn phòng Minh ở trên một căn gác xép cao lêu nghêu như một cái chuồng chim. Trời nắng nóng như một cái lò bánh mì, trời mưa dột tứ tung. Minh thuê căn phòng đó một trăm rưỡi, thêm năm chục tiền điện nước nữa là đúng hai trăm. Con mẹ chủ nhà hạn chế đủ thứ, hai ngày Minh mới được tắm một lần, điện đúng mười giờ cúp. Vậy nên muốn thức khuya hơn để học bài cũng khó. Thắp đèn cầy thì mụ la sợ ngủ quên cháy nhà. “Cháy nhà tôi thì anh lấy gì mà đền, bán cái xác anh đi liệu có được ba trăm bạc không?”. Minh vẫn thường vừa cười vừa kể cho Loan nghe câu đó.- Sư nó chứ, cái thân tao mà bán không được lấy ba trăm đồng thì khốn nạn quá phải không mày?Khi Loan bước vào nhà thì mụ chủ ngồi ở ghế xích đu ngay cửa, nhận ra Loan là người thường hay đến chơi, mụ không hỏi nhưng cũng phải nói một câu ra oai :- Cậu Minh ở trên lầu, lên thì đi nhè nhẹ, chứ cái cầu thang nhà này không chắc chắn lắm đâu. Người gì đâu mà bạn bè rầm rộ.Loan thấy nóng mặt, nhưng nó không nói gì, nó hiểu hoàn cảnh hiện tại của bạn. Loan lẳng lặng đi lên lầu.Minh đang nằm trên giường, thấy bạn đến, Minh ngồi nhỏm dậy :- Kệ mẹ nó, con mẹ lắm điều gây với tao hoài.Loan ngồi xuống bên cạnh :- Mỗi lần tới với mày tức bỏ mẹ đi ấy.Minh xua tay :- Ăn thua mẹ gì, mày thỉnh thoảng mới bị một lần, còn tao hằng ngày thì sao?- Thuê nhà mà như đi ở nhờ ấy thì ở làm mẹ gì?- Ơ hay, không ở đây thì thử hỏi ở đâu được hơn, giá rẻ mạt, chịu khổ một chút còn hơn... Tao cố gắng cho qua hết giai đoạn khốn cùng này.Hơi nóng từ mái tôn phả xuống hầm hập, Loan phanh ngực áo, lấy một tờ báo gấp tư quạt phành phạch :- Tìm đường mà lỉnh đi. Nằm đây chịu thế quái nào được?Minh uể oải gấp cuốn sách lại, để lên kệ :- Ừ thì đi, nếu hôm nay không hẹn mày tao đâu có thèm nằm ở căn nhà chó đẻ này. Tao bò ra vườn Tao Đàn nằm học còn khoái hơn.Chờ cho Minh mặc quần áo xong, cả hai xuống thang gác. Mụ chủ nhà vẫn ngồi nguyên ở ghế xích đu, mụ nhìn theo hai người :- Học trò học choẹt gì bọn này, toàn là đồ đá cá lăn dưa ở đâu không... Thấy người ta có tuổi không đứa nào gật đầu chào được một cái.Minh bấm tay Loan ra hiệu cho bạn đừng ra lời :- Kệ con mẹ khùng, đối đáp làm chó gì cho phí lời.- Không hiểu sao con mẹ hôm nay lắm lời quá vậy. Những lần trước tao đến đâu có đến nỗi “dữ dội”.Trời về trưa, nắng chói chang. Loan và Minh đi ra khỏi xóm, Minh hỏi :- Bây giờ mình đi đâu đớp chứ?- Lên quán Anh Vũ, mỗi thằng chỉ mất có năm tì thôi mà ăn thả cửa.Loan vừa đi vừa nhìn xuống chân :- Tao có nghe nói đến quán đó, nhưng chưa bao giờ ăn cả.Minh trả lời lơ đãng :- Ăn cũng được, tao ăn cả năm nay rồi, gạo xay hơi dối một chút, càng bổ. Mày coi tao có bệnh hoạn gì đâu.Loan nhìn bạn :- Mày không bệnh hoạn, nhưng người mới xanh rớt như tàu lá thôi.Minh nói nhỏ :- Tại tao ở căn nhà “bần tiện” quá, kiếm được khá tiền một chút là tao tếch cho rồi. Mẹ kiếp, nhiều khi ức hộc máu mồm ra mà phải câm như hến.Hai người đến quán Anh Vũ vào khoảng mười hai giờ trưa. Quán đông khách, phần đông là học sinh và trẻ em sống bằng đủ nghề lam lũ. Chỗ này mua “tích kê” đông nghịt người, cô bán vé đóng dấu liên tu mà vẫn không kịp bán. Quạt máy quay vo vo trên trần, làm mùi hôi từ áo quần pha lẫn mùi nước mắm, thịt cá xông lên nông nặc. Khi lấy được hai “tích kê” ra, người Minh mồ hôi nhễ nhại. Minh lắc đầu :- Ăn được bữa cơm khổ như con chó.Loan nhìn vào hai tấm giấy vàng ghi giá mười đồng :- Sao mày bảo chỉ có năm đồng một bữa.Minh cười :- Hôm nay tao bao mày một bữa ngon nên tao xài bảnh. Ở đây có hai loại “tích kê”, năm đồng và mười đồng. Giá đắt tất nhiên thức ăn ngon hơn. Chỉ những dịp “đại lễ” tao mới xài đến thứ “tích kê” này.Trong khi nói, Minh nhìn trước nhìn sau tìm bàn. Vừa thấy một cái bàn trống, nó vội nhào đến :- Vào đây mày, giữ lấy chỗ, đừng cho thằng nào cướp nghe, tao đi lấy thức ăn. Lo bới cơm đi.Loan bắt chước những người khác, lấy một cái thau nhôm ra thùng bới cơm, cơm nóng bốc khói nghi ngút, hương vị gạo chín tỏa ra mông mốc mùi cám. Loan bới đầy một thau mang ra bàn, sau đó nó đi kiếm hai cái bát hai đôi đũa, lau sạch chất nhờn bằng một mảnh giấy.Minh cũng mang ra hai khay đồ ăn. Trên mỗi khay có tô canh bí nấu tôm khô, một đĩa đậu kho cà chua và một khúc cá lóc. Minh xoa tay :- Có vẻ xôm trò chứ mày?Loan biểu đồng tình :- Bà Cả Đọi mà được như vầy là nhất rồi, có khi tao đói rã họng ra mà không có năm tì để đớp mới bực chứ.- Thôi ăn đi!Vừa nói dứt lời, Minh vồ lấy bát xới cơm và ăn như máy. Bữa cơm ngon lành, Minh ăn không bỏ sót một món nào. Hắn luôn luôn nhắc nhở bạn :- Phải ăn cho hết, bỏ uổng. Nếu có thể ăn thêm được của ai cũng cứ ăn. Đ.m, cơm chứ có phải cứt đâu.Mười phút sau, thau cơm và hai khay đồ ăn hết nhẵn nhụi. Chén nước nắm ở trước mặt Minh còn phân nửa, nó nói :- Đ.m, nước mắm không uống được chứ nuốt trôi thì tao cũng húp ráo.Loan phì cười về hành động tham lam của bạn. Minh giục :- Thôi đứng dậy, mày theo tao đi tráng miệng.- Tráng miệng gì?Minh kéo tuột Loan vào nhà bếp. Trên những bếp lò khổng lồ ba người đàn ông lực lưỡng xoay trần, cầm bơi chèo đánh chiếc thùng phuy nấu cơm. Khói bốc lên khi ngút làm mồ hôi họ nhỏ giọt vào cả thùng cơm.Người đàn ông cầm cái khăn lót nâng bổng nồi cơm lên, úp chụp vào cái thau vĩ đại, một mảng cháy to bằng cái mẹt vàng khè tróc ra. Bọn lỏi đứng gần đó nhào vào cướp lấy cướp để. Minh cũng xách ra được một miếng cháy to tổ bố, nó bẻ đôi đưa cho Loan :- Táp thêm miếng cháy nóng hổi này nữa cho chắc dạ, ngon đ... chịu được.Minh lại kéo Loan chạy tuồn tuột ra ngoài, nó vồ lấy ve hạt tiêu rắc lên miếng cháy, xịt tàu vị yểu thêm, bẻ gập đôi miếng cháy lại cho vào miệng nhai rau ráu. Loan bắt chước làm theo Minh, đứng dựa tường nhai cháy nhồm nhoàm :- Thơm ghê đi ấy!Đôi mắt của Minh mở lớn, rạng rỡ. Ăn xong miếng cơm cháy, cả hai đều no căng bụng. Minh lại dắt Loan vào lấy ca múc nước trà uống. Vừa xỉa răng, Minh vừa chép chép miệng :- Đáng đồng tiền bát gạo lắm, nè, mày coi tao no căng cả phao câu ra.Minh xoa bụng cười hinh hích. Loan vui lây cái vui của bạn, nó thấy bạn vô tư và hồn nhiên. Loan ao ước lúc nào mình cũng được như bạn.Loan nói :- Bây giờ đến lượt tao mời mày một chầu.- Chầu gì?- Một là đi “xi la ma”, hai là đi uống cà phê.- Mày có nhiều tiền không mà dám mời tao?Loan vỗ tay vào túi :- Không nhiều lắm, nhưng đủ. Thằng em tao mới tiếp tế hôm qua.Minh gạt đi :- Đủ thì không nên, chiều nay tao phải đi dạy học. Vậy tốt hơn mình đi uống cà phê rồi vào vườn Tao Đàn “nghê” một giấc.Loan gật đầu, Loan quen quán cà phê ở đường Bùi Viện. Quán trông như một sở thú nhỏ. Chủ nhân của quán trồng hoa, cây leo đầy quán, giữa quán lại có một bể nước bằng kiếng, bên trong nuôi một con cá vĩ đại. Suốt ngày nó bơi qua bơi lại nhởn nhơ. Trên tường có hai lồng chim. Một lồng nhốt đôi vành khuyên hót líu lo, lồng kia là một con sáo đứng soi gương, nói :- Chào ông! Đ.m ông b.c.Mỗi lần khách vào, con sáo lại “xổ nho” liên tu. Bà chủ quán chạy ra la con vật, nhân tiện cải chính :- Tổ mẹ bay, ăn nói hỗn hào đập chết cha mày bây giờ! Đó các ông thấy, mấy ông “dô” quán dạy con sáo này nói bậy không hà. Nó là con vật đâu có biết gì, ai dạy gì nó nói vậy...Khách hàng dễ dãi bỏ qua.Loan và Minh vào quán, con sáo cũng chửi cho một tràng dài. Loan chỉ cười, nói với Minh :- Hồi trước nhà tao ở gần đây, mỗi ngày tao phải ra quán này nghe con sáo chửi mấy keo mới đã.Loan và Minh gọi cà phê đen. Mãi đến lúc đó, Minh mới báo cho Loan biết :- Tao đã tìm cho mày được một việc làm rồi, chịu khó nghe mày.- Việc gì?Minh gật gù :- Kèm trẻ tại tư gia như tao, mỗi tháng tám bò.Loan mỉm cười nhìn vào mắt bạn :- Tao chỉ mong có thế để đi học thêm.Minh cúi mặt nhìn xuống ly cà phê của mình, nó cầm cái muỗng khuấy đều đều :- Phải cố gắng chứ biết sao, từ xưa tới nay tao có nhờ vả được ai đâu, vả lại mình muốn nhờ vả cũng chẳng có ai.Giọng Minh chợt trở nên buồn buồn. Nó nói sang chuyện khác ngay :- Mày đừng tưởng kiếm tiền được của thiên hạ dễ như trở bàn tay đâu.Loan hỏi tới :- Thế gia đình mày định giới thiệu tao đến ra sao?Minh trả lời rành rẽ :- Một gia đình rất tử tế, nhưng thằng lỏi mày kèm dạy là một đứa “trời đánh thánh đâm”. Một đứa trẻ “siêu” mất dạy.Loan tò mò hỏi :- Mất dạy ra sao mày nói thử tao nghe?Minh cười, khua khua tay trước mặt :- Thằng lỏi chừng chín, mười tuổi thôi, năm nay thi tiểu học, học dốt vô địch, hỗn, du côn. Ông bố nó từng phải nhốt nó trên lau, lấy xích sắt xiềng nó vào chân bàn, vì xổng ra một cái là cu cậu trốn đi chơi, có khi mấy ngày liền mới bò về nhà... Nhưng chưa hết đâu, nó còn bẻ gãy cả chân bàn để đi luôn.Loan ngắt lời :- Nhưng nhốt nó trên lầu rồi mà.- Leo ống máng xuống.Loan đưa tay lên gãi đầu :- Khó thế đấy!Minh giải thích :- Ấy, tao phải nói với mày trước, nếu kham nổi thì nhận lời, còn không thì có quyền từ chối.Loan ngồi ngẫm nghĩ một lát, nó uống từng ngụm cà phê nhỏ. Cuối cùng Loan gật đầu :- Thôi cũng được, chẳng lẽ chịu thất nghiệp mãi sao?Minh khuyến khích :- Cứ nhận lời đi, bước đầu tiên gian nan sau này mới đáng quý. Điều quan trọng nhất của mày trong giai đoạn đầu không phải là dạy học.Loan nhíu mày :- Sao khó hiểu thế, dạy học mà lại không phải dạy học thì là cái mẹ gì?Minh chu mỏ ra :- Mày không nhớ các cụ nói rằng “tiên học lễ hậu học văn” à. Để tao chỉ cách cho mày tháng đầu tiên tới dạy, nó lôi thôi mày cứ đánh bỏ mẹ nó cho tao. Đánh, đánh hoài cho cu cậu tởn, lúc đó mới hậu học văn.Nói xong Minh cười khì khì. Loan tiếp lời bạn :- Nó cũng biết dạy lại tao tiên học lễ lắm chứ!Minh nắm tay lại dứ dứ trước mặt :- Uýnh, uýnh thật hăng là đâu vào đấy. Nếu cần, mày chơi đòn giang hồ làm cho cu cậu khiếp đảm trước là ăn tiền chớ có gì đâu!Loan cười xuề xòa :- Thôi được rồi, thế bao giờ mày lôi tao đi giới thiệu?- Tối nay được không?- Đối với tao sớm ngày nào hay ngày đó.Minh ngồi im lặng một lát :- Mày cũng phải tính đến chuyện giải quyết chỗ ăn chỗ ở cho mày trước đã chứ.Loan phân vân :- Giải quyết bằng cách nào? Một tháng trời nay tao sống lang thang, tiền đâu mà thuê nhà?Minh ngồi ôm đầu suy nghĩ :- Được, tao sẽ giải quyết cho mày, mày sẽ về ở chung với tao.Loan cướp lời :- Ở chung sao được, con mẹ chủ nhà của mày dữ như con cọp cái ấy, đời nào nó chịu.Minh tắc lưỡi :- Khó quái gì, tao sẽ trả tiền thêm. Con mẹ đó chỉ tiền thôi, tuy khó tính một tí nhưng cũng phải chịu vậy chứ sao. Thời gian này là lúc đen tối của đời mình kia mà.Loan phân vân :- Mày biết hiện giờ tao đâu có tiền.Thốt nhiên, Minh nắm lấy bàn tay bạn :- Tao biết chứ, đừng lo, tao cố đi xoay xở cho mày, tao sẽ vay chủ tao một ít tiền trước, rồi mày sẽ ứng trả sau.Loan nhìn lên bàn tay bạn :- Ở cũng chưa yên, còn sự ăn uống nữa chứ. Mày lo thân mày không cũng đã nặng rồi.Đôi mắt Minh thật tha thiết :- Trong lúc này, mày đừng thèm suy nghĩ làm gì cho mệt óc. Dầu sao tao cũng là thằng ra đời trước mày, phải nhận rằng cái tinh quái của tao không kém thằng nào hết...Loan không nói gì, nó nhè nhẹ gật đầu, lòng rưng rưng cảm động. Một lát, Minh rút tay ra khỏi tay bạn :- Chiều rồi, bây giờ bọn mình chuồn thôi.Minh nhìn đồng hồ trên tường :- Chết mẹ rồi, tao tới giờ phải đi dạy học. Thôi, mày lang thang ở đâu đi, chiều đúng năm giờ chờ tao ở quán Anh Vũ. Ăn cơm xong rồi tao dắt mày đến nhà học trò mày.Hai người chia tay nhau. Loan đi lang thang lên Sài Gòn. Trời nóng nực một cách lạ thường, nó rẽ vào rạp hát Vĩnh Lợi mua một cái vé vào coi.