Chương 1

Vỹ Khang chăm chú lau từng cái ly một cách tỉ mỉ rồi xếp vào một chỗ.

Trời chưa tối, khách còn thưa nên anh có thể làm việc đó một cách nhàn rỗi và chậm rãi. Những công việc việc khác đã có một số tiếp tân như anh đảm nhận.

Đang làm, Vỹ Khang chợt dừng tay vì có tiếng cười khúc khích vang lên cách anh không xa. Quán đang vắng và khá yên tĩnh nên có thể nghe mọi chuyện một cách dễ dàng.

– Anh biết Lys không? Loại hoa đó bây giờ đắt lắm, vì vẻ đẹp quý phái của nó.

– Còn Hồng nhung thì sao? Loại hoa đó cũng được ưa chuộng lắm.

Tiếng cô gái lại vang lên:

– Hồng nhung thì quen quá đi. Phong lan đỏ nhé. Loại hoa đó đang mắc lắm, ít ra 15 đến 20 ngàn một cành.

– Vậy còn tử đinh hương?

Câu chuyện chỉ nói về hoa làm Vỹ Khang cảm thấy hai người trước mặt là những kẻ vô công rỗi nghề. Và đó là những cô chiêu cậu ấm chỉ biết chơi bời, những loại hoa họ nói ra có lẽ là để cạnh tranh với bạn bè về sự sang trọng. Anh lập tức không chú ý đến họ nữa.

Tuy nhiên, Vỹ Khang làm tiếp công việc thì cô gái bước đến gần. Đó là một cô gái khá xinh đẹp dù trang điểm rất nhạt.

– Anh là gì ở đây?

Bất bình trước câu hỏi xách mé của cô gái, nhưng Vỹ Khang phải đấu dịu:

– Tiếp tân kiêm pha chế.

– Pha chế cái gì?

– Rượu, trà, cà phê, nước trái cây ...

Vỹ Khang kể một hồi cho thỏa nỗi bực dọc. Anh liếc nhìn cô gái trong bộ đồ đỏ rất “mốt” và hỏi cộc lốc.

– Có gì không?

Cô gái lớn giọng:

– Bộ không có gì không hỏi thăm được sao!

– Thì được. Nhưng không có gì sao lại hỏi thăm? Tôi nhớ là đâu có quen cô.

Cô gái mỉm cười, một nụ cười khá đẹp là Vỹ Khang bối rối. Cô nheo mắt:

– Vậy sao?

– Thì đúng vậy. Chẳng lẽ khác à?

Cô gái cười ranh mãnh:

– Vậy sao nãy giờ anh nhìn tôi dữ vậy?

Vỹ Khang giật mình. Thì ra nãy giờ cô gái cũng chú ý đến anh. Nếu không, hẳn sẽ không có nhận xét tinh tường đó.

Vỹ Khang bối rối:

– Thì tôi có nhìn cô. Nhưng thật ra chúng ta không quen.

Cô gái cắt cớ:

– Vậy anh nói đi. Tại sao lại nhìn tôi. Có phải vì tôi ... đẹp không?

Lối nói chuyện của cô gái làm Vỹ Khang bực mình, nhưng vốn là người trầm tĩnh, anh đáp cho qua chuyện:

– Cứ cho là như vậy đi.

Cô gái kêu lên:

– Vậy đâu có được. Con gái người ta. Bộ muốn nhìn là nhìn sao?

Vỹ Khang nhìn quanh lo lắng. Anh không muốn ai nghe câu chuyện của mình và cô gái. Đằng nào câu nói của cô cũng gây hiểu lầm và anh có thể bị đuổi việc như chơi.

Phát hiện ra vẻ lo lắng của Vỹ Khang, cô gái nở nụ cười trêu chọc:

– Thế nào? Tại sao anh không trả lời?

Vỹ Khang dở khóc dở cười trước lối đùa của cô gái. Đằng nào thì cô ta cũng là khách, anh không biết làm lẽ nào dù rất muốn chấm dứt câu chuyện nếu cô ta không muốn.

Vỹ Khang đang lo lắng thì may cho anh, chuông điện thoại reo vang khiến cô phải cầm lên nghe và quay lại:

– Thôi, tạm gác mọi chuyện ở đây, tôi phải về.

Vỹ Khang chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì cô gái quay lại:

– Anh tên gì?

Vỹ Khang đáp cụt ngủn:

– Số 3.

– Tên gì kỳ vậy?

– Thì cứ gọi vậy đi. Ở đây, nhân viên phục vụ đều mang số cả. Gọi vậy là biết liền.

Cô gái nhún vai:

– Vậy tôi gọi anh là số 3. Tạm biệt nghen.

Vỹ Khang nhìn theo cho đến khi cô gái khuất hẳn. Anh còn đang trầm ngâm trước lối nói chuyện của cô gái thì Khương bước tới:

– Nè, bị nàng hớp hồn rồi hả?

– Nàng nào?

– Thì nàng lúc nãy đó. Cô ta xinh đáo để đấy.

– Tao đâu biết cô ta là ai?

– Không biết sao nói chuyện thân mật vậy?

Đang bực bội, Vỹ Khang phán một câu:

– Thân mật cái đầu mày!

Khương rụt cổ:

– Cái đầu mày chứ! Cô ta đâu có nói chuyện với tao.

Vỹ Khang im lặng không nói nữanh, nhưng Khương không buông tha:

– Mày có muốn biết tên cô ta không?

– Không.

– Không là dở. Phải biết để lần sau gặp lại phản đòn cho cô ta thấy chơi.

Vỹ Khang lầm lì:

– Thấy cái gì?

– Thấy là mình không thua cô ta.

– Hơn thua cái gì. Mấy người nhà giàu ấy chỉ đùa cho vui thôi. Lần sau gặp lại chưa chắc họ biết mình là ai đâu.

Khương nhướng mắt:

– Đâu phải ai cũng vậy?

– Tao thấy tất cả những người giàu cùng một giuộc.

Khương không nói nữa. Anh biết nói đến vấn đề này thế nào một hồi Vỹ Khang sẽ trở thành một con người khác, khó chịu không chịu được. Tốt nhất là im lặng.

Quán đông khách dần nên Vỹ Khang và Khương bắt đầu phải làm việc không còn thời gian để trò chuyện. Vỹ Khang bắt đầu quên đi câu chuyện lúc nãy, cả cô gái áo đỏ vừa bắt chuyện với anh.

Hải Đường nhìn người con trai trước mặt một cách không mấy thiện cảm.

Anh ta ăn vận bảnh bao nhưng có cách nói chuyện không sao chấp nhận được, nghe cứ như đang ở giữa chợ bởi tiếng anh ta đã lớn, thỉnh thoảng lại có vài tiếng “đệm” khá chối tai.

Cô không ngờ anh ta lại là con tổng giám đốc công ty Phương Nam - bạn thân của ba cô.

Ông Lâm - ba cô - không hề có ý định ép buộc cô trong cuộc hôn nhân nhưng theo ý ông thì Hải Nam là một người lý tưởng để làm rể của ông.

– Anh nhìn cái gì? - Hải Đường xách mé khi thấy Hải Nam chăm chú nhìn mình không chớp mắt.

Hải Nam không chút tự ái, anh cười hềnh hệch:

– Người đẹp mà, nhìn một chút có hại gì.

– Nhưng tôi không thích anh nhìn tôi như thế.

– Cái đẹp phải để cho mọi người chiêm ngưỡng. Chắc cô biết đạo lý đó mà, vậy thì lý do gì cô lại không cho tôi nhìn cô chứ?

Hải Đường bực mình. Bản tính cô vốn kiêu ngạo, lại rất ghét cách nói chuyện sỗ sàng. Hạng người như Hải Nam, nếu không phải vì nể nang ông Lý thì cô đã đuổi về từ lâu. Ông Lý vốn là bạn thân của ba cô.

Hải Nam không biết những suy nghĩ của Hải Đường. Anh nhìn Hải Đường say sưa. Cô đẹp thật, từ bộ đồ sang trọng trên người đến chiếc lắc tay, tất cả đều toát lên vẻ quý phái hiếm thấy. Cô lại là giám đốc công ty Vạn Hoa, bao nhiêu đó cũng đủ để anh cố sức chinh phục cho bằng được.

Hải Đường tỏ vẻ bất bình trước thái độ của Hải Nam.

– Xin lỗi, nếu không có chuyện gì thì tôi xin phép đi đây.

– Từ từ đã Hải Đường.

Cách gọi thân mật của Hải Nam làm Hải Đường bực tức, tuy nhiên cô không phản ứng mạnh:

– Nhưng tôi có việc bận. Hẹn khi khác gặp lại vậy.

Hải Nam tỏ vẻ tiếc rẻ:

– Một chút cũng không được sao? Tôi có chương trình rất dài định mời Hải Đường đi.

Hải Đường lạnh lùng từ chối:

– Nhưng tôi không thích đi chơi.

– Vậy thì tiếc quá! - Hải Nam tặc lưỡi rồi hứa hẹn - Thế thì hôm nào tôi đến đây chơi nghe.

– Vâng.

Hải Đường đáp cộc lốc rồi bỏ vào nhà. Thật ra, cô đâu có đi đâu. Chỉ là không thích nói chuyện dông dài và ngồi cho Hải Nam quan sát mà thôi.

– Chị Hai!

Hải Đường quay lại, cô nhăn mặt vì bộ đồ đỏ chói chang của Hạ Vy.

– Em có thấy là mình chơi nổi lắm không?

– Có chứ! Nhưng em thích thế mà.

– Em không sợ ra đường người ta sẽ nhìn mình sao?

Hạ Vy chun mũi:

– Vậy thì càng tốt chứ sao. Mình đẹp phải để mọi người cùng ngắm chứ.

Hải Đường lắc đầu:

– Em nói chuyện y hệt anh chàng lúc nãy.

– Chàng nào?

– Hải Nam đó.

Hạ Vy bĩu môi:

– Anh chàng đó hả? Sao trùng hợp vậy.

– Hai người cùng chung tư tưởng. Vậy để chị làm mai cho.

– Thôi, cho em kiếu. Con trai trên thế giới này chết hết em cũng chẳng lấy anh ta. Hơn nữa, anh ta chỉ thích có chị thôi.

Hải Đường ngạc nhiên:

– Sao vậy, chị và em giống nhau như đúc kìa mà. Chẳng lẽ chị là chị và em là em sao?

– Tất nhiên là không rồi. Anh ta chỉ thích chức giám đốc của chị thôi.

– Sao em biết.

Hạ Vy dài giọng:

– Nhìn mặt anh ta em biết liền.

Hải Đường nhướng mắt:

– Hay quá hén.

– Tất nhiên.

Hải Đường gật gù:

– Có lẽ em nói không sai. Trên đời này quả thật rất nhiều người như thế.

Hạ Vy gật gù giống chị:

– Nhưng em biết có một người. Chị có thể để hàng ký vàng trước mặt hắn cũng không thèm lấy đâu?

– Ai vậy, chỉ cho chị với?

– Chi?

– Để mua hắn về triển lãm về người không mê tiền của. Bảo đảm được khối tiền.

Hạ Vy giãy nảy:

– Chị! Em không đùa đâu, em nói thật đấy.

– Thì em nói thật. - Hải Đường đáp tỉnh - Chị có bảo em nói dối đâu nào.

– Chị không tin thì thôi vậy?

Hạ Vy giận dỗi bỏ đi. Hải Đường chỉ biết lắc đầu nhìn theo.

Tuy Hạ Vy và Hải Đường là song sinh nhưng tính cách khác một trời một vực. Hạ Vy thì vui vẻ yêu đời, hòa đồng. Còn cô thì khác. Có lẽ do sự trầm tĩnh chu đáo và thêm một chút bản lĩnh nên ông Lâm mới giao hết quyền kiểm soát công ty cho cô.

Việc làm giám đốc đã khiến cho Hải Đường bản lĩnh hơn. Và có lẽ vì thế nên Hải Đường có vẻ coi thường cánh mày râu, nhất là hạng người như Hải Nam chẳng hạn.

Buổi sáng, Hải Đường đến công ty muộn. Cô chưa kịp ngồi xuống thì ông Tần bước vào. Hải Đường ngạc nhiên:

– Có chuyện gì gấp sao bác Tần?

– Không. Nhưng tôi phải hỏi qua ý kiến của cô.

– Nếu không quan trọng thì bác có thể tự quyết định mà, cần gì phải có ý kiến của cháu.

Ông Tần chép miệng:

– Nhưng việc nhận thêm người vào công thường, không có ý kiến của cô không được.

Hải Đường mở to mắt:

– Công ty ta thiếu người sao? Ở khâu nào mà tôi không biết?

Ông Tần xua tay:

– Không phải thiếu người. Cậu ấy xin vào đây thực tập sáu tháng thôi.

– Thực tập? - Hải Đường lộ vẻ ngạc nhiên - Công ty ta có gì mà thực tập chứ.

– Tôi không biết. Nhưng cậu ta học ngành hóa mỹ phẩm, chế tạo nước hoa.

Có lẽ cậu ta muốn vào đây để tiếp xúc với các loài hoa tươi vậy mà.

Hải Đường lộ vẻ suy nghĩ. Một lúc sau, cô mới hỏi:

– Cậu ta là người quen của bác à?

– Không. Nhưng nó là bạn thân của thằng Khương - cháu tôi.

– Liệu có tin cậy được không?

Ông Tần gật đầu:

– Chuyện này thì cô yên tâm, tôi bảo đảm.

– Vậy được rồi. Bác cứ đều động công việc cho cậu ta đi.

Ông Tần cười:

– Vậy cảm ơn cô.

Hải Đường gật đầu rồi đứng lên với lấy điện thoại. Cô quay số cho một số người hẹn việc làm ăn nhưng tất cả đều bận. Cuộc hẹn đành dời lại buổi tối và ở quán cà phê quen thuộc.

Buổi tối, Hải Đường bước vào quán, tình cờ cô ngồi đúng vào chiếc bàn Hạ Vy ngồi đêm trước, cạnh chỗ đứng của Vỹ Khang.

Lúc đầu, Vỹ Khang không chú ý, nhưng do tình cờ, anh nhìn thấy Hải Đường. Rõ ràng là cô gái áo đỏ đêm qua. Dù cô đã thay một chiếc áo khác nhưng anh vẫn nhận ra, và hôm nay cô để tóc xõa trông dịu dàng hơn nhiều.

Tình cờ, Hải Đường ngẩng mặt lên, cô nhíu mày khó chịu trước cái nhìn của Vỹ Khang, rồi tiếp tục câu chuyện.

Thái độ lạnh lùng của cô gái làm Vỹ Khang khó chịu, anh không hiểu vì sao lại thế. Nhưng rõ ràng anh đã bực tức khi Khương vừa buột miệng trêu anh một chuyện không đâu.

Khương nhìn Vỹ Khang:

– Mày sao vậy? Tự dưng lại nổi khùng. Bộ bị khách mắng hả?

Vỹ Khang lắc đầu:

– Không có.

– Hay hết tiền?

– Không phải.

Những câu đáp cụt ngủn của Vỹ Khang làm Khương bực mình, anh hừ giọng:

– Hôm nay mày bị gì thế? Đạp trúng đuôi con gì à?

Vỹ Khang không trả lời. Thái độ lầm lì của anh khiến Khương đâm chán.

Anh không hỏi nữa mà quay sang làm chuyện khác.

Vỹ Khang làm việc một lúc nữa thì điện thoại reo. Anh nghe và vội vã về ngay. Khương đang làm dở tay cũng vội chạy theo:

– Nè, có chuyện gì thế?

– Ông nội tao trở bệnh, phải vào viện rồi.

Khương tặc lưỡi:

– Chết thật! Thôi, để tao đưa mày đến đó.

– Thôi! - Vỹ Khang từ chối nhưng lại gật đầu - Thôi cũng được, làm phiền mày vậy.

– Mày dắt xe ra trước! - Khương đưa cho Vỹ Khang chìa khóa xe của mình - Tao vào báo một tiếng rồi đi.

Vỹ Khang cầm chùm chìa khóa bước ra khỏi chỗ làm. Anh còn chưa kịp để ý chỗ cô gái lúc nãy. Chỗ ngồi hoàn toàn trống chứng tỏ cô vừa đi khỏi.

Khi Vỹ Khang đẩy xe đi ra thì Khương đã đợi sẵn ở cổng quán. Anh vội đẩy xe nhanh, không ngờ lại chạm phải một chiếc xe cáu cạnh do một cô gái vừa đẩy ra. Vỹ Khang chưa kịp xin lỗi thì cô gái đã tỏ vẻ khó chịu:

– Làm gì gấp vậy, ở đây là bãi đỗ xe. Đi đứng phải ngó trước ngó sau chứ.

Vỹ Khang tức tối “độp” lại:

– Còn cô thì sao, có de xe ra thì coi trước coi sau, bộ ....

Vỹ Khang đang nói thì im bặt. Anh nhận ra cô gái lúc nãy mình quan sát. Và cũng chính là cô gái lần trước trêu đùa anh.

Vỹ Khang hừ giọng:

– Lại là cô.

Cô gái nheo mắt:

– Tôi và anh có gặp rồi à?

Không hiểu sao Vỹ Khang lại chối biến, có lẽ anh ghét thói trịch thượng của cô ta:

– Không.

– Vậy tại sao lại có câu “lại là cô” hả?

Vỹ Khang chưa biết trả lời sao thì Khương bước tới.

– Xin lỗi cô - Khương lên tiếng trước - Nếu bạn tôi có gì xúc phạm thì tôi thay nó xin lỗi cô vậy.

Vỹ Khang chưa kịp nói gì thì Khương đã kéo anh đi.

– Mày định ở đây cãi nhau với cô ta tới sáng chắc?

– Không! Nhưng cũng phải nói cho ra lẽ chứ. Người gì đâu mà khó chịu.

Khương không trả lời và cho xe chạy. Khi cả hai đến bệnh viện thì mọi viện ổn cả. Ông nội Vỹ Khang đã ngủ sau khi được tiêm thuốc. Anh mệt mỏi thả người xuống ghế, Khương cũng ngồi lại một chút rồi ra về.

Còn lại một mình Vỹ Khang, anh ngả người ra ghế rồi thiếp đi lúc nào không biết.

Buổi sáng, khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn, ông nội anh đã dậy từ bao giờ và đang ngồi nhìn anh chăm chú.

– Nội! – Vỹ Khang dịu mắt - Con hư thật, đến đây chăm sóc người bệnh mà lại ngủ vùi.

Ông Vũ cười:

– Bây giờ nội không sao. Con có thức canh thì cũng vậy thôi. Bệnh của người già mà, hơi đâu mà lo.

Vỹ Khang đứng lên:

– Để con xuống mua ít sữa cho nội uống rồi uống thuốc.

– Nội đã ăn cháo rồi.

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Vỹ Khang, ông Vũ cười:

– Ái Vân có đến đây.

– Cô ấy về rồi ạ?

– Không! Nó đi mua thức ăn cho con. Tội nghiệp con bé, nó đến từ sáng sớm.

Vỹ Khang định hỏi sao Ái Vân lại biết nhưng kịp nghĩ lại, Ái Vân cũng là bạn của Khương mà, có biết cũng đâu có gì là lạ.

Đúng lúc ấy Ái Vân đẩy cửa bước vào, cô tươi tắn:

– Anh thức rồi sao? Ăn điểm tâm nhé. Em mua rồi đây này.

Vỹ Khang mỉm cười:

– Cảm ơn em.

Ái Vân ngồi xuống cạnh Vỹ Khang, tự nhiên mở hộp cơm ra ăn, Vỹ Khang cũng vậy. Từ hôm qua đến nay đã đói ngấu, vì thế anh ăn rất ngon lành.

Khi Vỹ Khang ngẩng đầu lên thì Ái Vân đang nhìn Khang, cô bật cười khúc khích làm anh cảm thấy “nhột”. Vỹ Khang nhìn Vân:

– Sao vậy? Mặt anh dính cơm à?

– Không! - Ái Vân xua tay - Thấy anh ăn ngon lành như thế làm em nghĩ phải chi lúc nãy mua cho anh hai hộp thì hay quá.

Vỹ Khang nhăn nhó:

– Cái gì mà hai hộp. Em làm như anh là hẹm không bằng.

Ái Vân không trả lời và quay sang ông nội:

– Ăn nhiều mới có sức, phải không nội?

Vỹ Khang hất mặt:

– Em vừa gọi nội anh bằng gì đó?

– Thì bằng nội đó. Bộ không được à?

Ông Vũ vội lên tiếng can thiệp:

– Thôi đi mà! Hai đứa hễ gặp nhau là cãi nhau chí chóe. Ở đây là bệnh viện đấy, cãi nhau một lát người ta đuổi về cho.

Đúng lúc đó thì cửa phòng bật mở, một vị bác sĩ bước vào. Vỹ Khang nhanh chóng nhận ra đó là Hải Bình, nhưng anh chỉ mỉm cười chào vì Hải Bình phải khám lại cho ông nội anh. Đến khi Hải Bình mở ống nghe ra, anh mới bước lại:

– Thế nào?

– Ổn cả rồi. Có thể làm thủ tục cho ông nội xuất viện.

Hải Bình trả lời rồi nhìn sang Ái Vân, song cô chỉ cười lấy lệ rồi ngó lơ sang chỗ khác tránh ánh mắt của Hải Bình.

Vỹ Khang níu áo bạn:

– Bây giờ làm thủ tục luôn được chứ?

– Được.

Hải Bình quay lại nhìn Vỹ Khang:

– Dạo này cậu thế nào?

– Cũng bình thường thôi. Một đang xin thực tập ở công thường.

– Công ty nào?

Vỹ Khang chép miệng:

– Công ty xuất khẩu hoa tươi. Vạn Hoa đó.

– Vậy à! Sao tự dưng lại đến đó?

Vỹ Khang chép miệng:

– Để tiếp xúc với các loại hương, tiện thể thăm dò ý khách hàng luôn.

Hải Bình cười:

– Chưa ra trường mà lo dữ vậy. Bộ cậu sợ khi ra sẽ không có việc làm à?

Vỹ Khang cười rồi bước ra ngoài mà không trả lời. Ông Vũ nhìn Hải Bình với vẻ biết ơn.

– Cảm ơn cháu nhé. Lần nào bệnh cũng phiền cháu cả.

Hải Bình xua tay:

– Ông đừng nói vậy mà! Cháu với Vỹ Khang là bạn, chăm sóc ông là lẽ đương nhiên thôi, có gì đâu ạ.

– Nhưng dù sao thì cũng cảm ơn cháu.

Hải Bình lắc đầu:

– Cháu cũng sẽ không nhận đâu. Như thế thì ông coi cháu là người ngoài mất rồi.

Ái Vân không xen vào câu chuyện. Cô ngồi thêm chút nữa rồi cáo từ. Lý ra Ái Vân định đợi Vỹ Khang trở về nhưng cô lại ngại Hải Bình nên thôi. Cô không muốn đối mặt với Hải Bình khi không có Vỹ Khang chút nào.

Ái Vân biết Hải Bình có cảm tình với mình nhưng không có cách nào nói cho anh hiểu. Cô chỉ yêu một mình Vỹ Khang. Vì thế, Ái Vân chọn giải pháp tránh mặt Hải Bình, hy vọng lúc nào đó anh sẽ hiểu.

Buổi chiều, cả công ty đều nghỉ, chỉ có mỗi mình Hải Đường đến kiểm tra sổ sách. Vì đã quen làm việc một mình nên sự vắng lặng không làm cô ngạc nhiên hay cảm thấy cô đơn. Trái lại, cô còn cảm thấy dễ chịu.

Hải Đường làm việc tới khi trời sập tối mới ra về. Lúc đi ngang nhà kính, cô nhận ra là có người trong đó. Bảo vệ thì chưa đến, mọi người không ai đi làm chả lẽ lại là trộm.

Nghĩ thế nên Hải Đường bước vào phòng kính và bật đèn. Đồng thời cũng hét to:

– Ai đó?

Cô lặp đi lặp lại hai lần và nhận ra có người bước ra. Và dù chỉ có một bóng đèn, cô vẫn nhận ra chàng trai trước mặt. Cô cau có:

– Là anh sao?

– Thì ra là cô - Chàng trai nhìn Hải Đường chăm chú - Thế cô đến đây làm gì?

– Vậy còn anh?

Chàng trai gừ giọng:

– Đừng có mà hỏi ngược lại tôi. Tôi hỏi cô đến đây làm gì?

Hải Đường nhún vai:

– Anh thật muốn biết sao?

– Phải.

– Là giám đốc.

Chàng trai kêu lên:

– Cái gì?

– Anh không nghe sao? Làm giám đốc đó, nghe không?

– Nghe.

– Vậy bây giờ anh nói đi, anh đến đây làm gì? Tại sao có mặt ở đây giờ này.

Không phải định trộm chứ?

Vỹ Khang nhún vai:

– Trộm gì mới được cơ chứ, ở đây có gì quý giá đâu mà phải làm như thế.

Đúng là suy bụng ta ra bụng người.

Hải Đường hét to:

– Ai cho anh giở giọng đó với tôi, anh có ra khỏi đây không thì bảo?

– Trừ khi cô gọi người có thẩm quyền đến đây.

– Tôi không đủ quyền để đuổi anh sao?

– Tất nhiên, tôi đâu biết cô là ai đâu chứ! Bộ giám đốc dễ làm lắm sao ...

Hải Đường bực dọc:

– Tức là anh không tin tôi.

– Tôi không phải là con nít.

– Anh có tin tôi sẽ gọi công an đến đây áp tải anh đi không?

Vỹ Khang lắc đầu:

– Họ không rảnh thế đâu. Vả lại, mời họ tới đây chỉ tổ phiền cho tôi thôi.

Có lẽ cuộc chiến giữa Vỹ Khang và Hải Đường sẽ không bao giờ dứt nếu không có tiếng chuông điện thoại cắt ngang. Hải Đường bỏ dở cuộc đấu lý nghe điện. Trò chuyện được một lúc, cô nhìn sang Vỹ Khang và lớn tiếng:

– À! Có chuyện này tôi muốn hỏi bác, tại sao có người có chìa khóa nhà kính.

– Thì họ tới tưới hoa, bắt sâu ... Trong công ty có tới vài chục người có chìa lận mà cô.

– Nhưng người này rất lạ.

– Lạ Bội Ngọc?

Hải Đường thở hắt ra:

– Đúng, tôi chưa thấy anh ta bao giờ. Nếu bác không gọi điện đến, hẳn tôi đã gọi công an rồi.

– Anh ta tên gì vậy cô?

– Tôi không biết.

– Hỏi anh ta có phải tên Vỹ Khang không? Nếu phải, đó là người hôm trước tôi giới thiệu với cô.

– Vậy được! Nếu không phải, tôi sẽ gọi bảo vệ.

Hải Đường tắt điện thoại rồi bước vào nhà kính. Vỹ Khang vẫn ở trong phòng.

– Thế nào, họ sẽ tới chứ? - Vỹ Khang lên giọng châm chọc.

– Anh tên gì?

– Vẫn giữ ý định tố cáo tôi sao? Vậy được, tôi tên Vỹ Khang.

Hải Đường nhìn Vỹ Khang một lúc như để dò xét tính chân thật trong câu nói rồi hắng giọng:

– Bác Tần là gì của anh?

– Người quen.

Hải Đường hừ giọng:

– Tất nhiên là tôi biết người quen rồi, nhưng quen thế nào cơ.

Vỹ Khang vẫn đáp nhát gừng:

– Chỉ là quen, thế thôi.

Hải Đường bực mình quay đi. Không phải cô không tin Vỹ Khang, nhưng vì muốn xác định rõ hơn nên mới hỏi như thế, không ngờ Vỹ Khang lại có thể bướng bỉnh và ngang ngược như thế. Càng nghĩ, cô càng cảm thấy ghét anh vô cùng.

Về phần Vỹ Khang, không phải anh không tin Hải Đường là giám đốc.

Nhưng vì không mấy thiện cảm với Hải Đường, nhất là tính cách lúc nóng lúc lạnh của cô. Lần gặp trước chẳng hạn. Hôm đầu tiên thì hồ hởi bắt chuyện với anh, đến khi gặp lại thì lạnh lùng chưa từng có. Điều đó gần như trùng hợp với đánh giá của Vỹ Khang, cô ta đùa với anh đơn giản vì thích.

Vỹ Khang nghĩ vẩn vơ được một lúc thì cửa nhà kính bật mở. Ông Tần bước vào:

– Ơn trời! Vậy là cháu chưa bị giải tới đồn cảnh sát.

Vỹ Khang nhún vai:

– May nhờ cô đây nhân hậu thôi ạ.

Ông Tần không trả lời mà quay sang Hải Đường:

– Xin lỗi cô. Tại tôi cả. Nếu tôi đưa cậu ấy đến gặp cô trước thì đâu có chuyện thế này.

Hải Đường phẩy tay:

– Thôi bỏ đi, chỉ mong rằng lần sau gặp tôi, anh ta đừng bảo tôi là kẻ trộm nữa thì được rồi.

Ông Tần gật đầu rồi tiễn Hải Đường ra cửa. Anh không đồng ý với thái độ của cô nhưng không dám lên tiếng vì sợ làm phật ý ông Tần. Nhưng đến khi Hải Đường đi khuất thì anh cảm thấy không còn nhịn được nữa:

– Tại sao bác lại khép nép với cô ta vậy? Bác là người lớn mà, cô ta phải nể bác mới đúng chứ.

Ông Tần nhướng mắt:

– Cháu nghĩ chúng ta là gì hả? Muốn người ta vị nêt Bội Ngọc? Cháu có vẻ đề cao mình quá rồi đó.

– Nhưng cô ta ...

Vỹ Khang định nói nhưng ông Hoàng cắt ngang:

– Cô ấy là vậy đó. Nhưng cô ta thật sự rất tốt. Từ từ, cháu sẽ biết thôi. Cháu sẽ còn tiếp xúc với cô ấy nhiều nếu cháu còn ở đây.

Vỹ Khang bực bội:

– Thật không thể hiểu nổi, người như vậy mà lại trở thành giám đốc được.

Ông Tần lắc đầu:

– Điều này thì bác chào thua. Nhưng mà cháu định ở đây luôn sao?

– Không ạ! Cháu về bây giờ.

– Vậy thì về.

Vỹ Khang gật đầu. Anh lẳng lặng khóa cửa nhà kính, tạm quên đi cuộc khẩu chiến rân trời lúc nãy để về nhà.

Vỹ Khang đang pha cà phê trong quán. Anh mải làm nên không chú ý đên Khương đã đi đâu mất dạng. Mãi đến lúc làm xong việc cũng không thấy anh ta đâu nên Vỹ Khang bắt đầu thắc mắc và để mắt tìm kiếm. Vô tình anh thấy Khương trong góc quán đang trò chuyện cùng Hải Đường, hôm nay cô lại diện chiếc áo đỏ chói chang như mấy hôm trước.

Bất ngờ cô ngẩng lên nhìn anh và mỉm cười thân mật.

– Giả dối!

Vỹ Khang rủa thầm bà cúi xuống làm việc, anh còn trông thấy vẻ mặt bất bình của cô ta.

Vì thế nên anh không thấy Khương quay lại nhìn anh và trở lại nói chuyện với cô gái, không thấy cô đang che miệng cười khúc khích.

Khương trừng mắt:

– Hạ Vy à! Em nghịch thật đấy.

– Nghịch cái gì?

– Sao em lại thích phá Vỹ Khang vậy?

Hạ Vy nheo mắt:

– Anh sao vậy? Ghen à?

– Còn lâu! Anh chỉ tò mò thôi. Còn nếu em không nói hả, thì thôi, anh không hỏi nữa. Mất công em lại nghĩ là anh ghen.

Khương nói rồi quay lại nhìn Vỹ Khang, anh đã đi đâu mất. Có lẽ Vỹ Khang về nhà vì trời đã khuya lắm rồi. Khương không thắc mắc nữa nên quay lại với Hạ Vy:

– Em có mục đích gì đây?

– Mục đích? - Hạ Vy nhăn mặt - Mục đích gì cơ chứ? Hôm nay anh ăn phải món gì mà nói chuyện lạ quá trời.

Khương nhún vai:

– Em đừng có giả vờ?

– Vờ gì?

– Thì chọc phá Vỹ Khang. Biết vậy anh chẳng giới thiệu nó cho em quen làm gì. Mất công em phá người ta tối mày tối mặt.

Hạ Vy kêu lên:

– Em phá anh ấy hồi nào?

– Thì hễ gặp mặt thì cười cười nói nói làm nó coi em là người quen. Đến khi chị em đến đây thì mặt lạnh như tiền, nó có muốn chào cũng không dám. Như thế không phá là gì?

– Đáng đời! - Hạ Vy cong môi - Ai biểu vô tâm chi. Em với chị hoàn toàn khác nhau, tại không chú ý thôi.

Khương nhăn nhó:

– Hoàn toàn khác? Hai người cứ như hai giọt nước ấy, khác nỗi gì!

– Chí ít là cách ăn mặc.

Khương thở hắt ra, anh biết mình nói không lại Hạ Vy nhưng vẫn cố cãi:

– Ai lại vô duyên đến nỗi mỗi lần gặp người đối diện thì quan sát cách ăn mặc của người ta. Nhất là em lạ là con gái.

Thấy Khương sập bẫy, Hạ Vy cười khúc khích:

– Lộ rồi nhe! Đồ vô duyên!

– Em nói ai vô duyên.

– Thì anh chứ ai. Thế em hỏi anh nhé, tại sao anh phân biệt được em và chị em?

Khương buột miệng:

– Dễ ợt, chỉ cần quan sát cách ăn mặc là ...

Đang nói, đột nhiên Khương im bặt. Anh đã nhận ra mình sập bẫy Hạ Vy.

– Thế nào?

Khương biết càng bào chữa càng thua thiệt. Anh quyết định im lặng. Hạ Vy không buông tha:

– Em nói có đúng không?

Khương thở hắt ra vẻ như khuất phục hoàn toàn.

Ngồi im một lúc, Khương tiếp tục câu chuyện:

– Em nói đi! Tại sao lại cố tình trêu chọc Vỹ Khang?

– Em chỉ muốn anh ta chú ý đến em thôi.

Khương lộ vẻ ngạc nhiên, anh hỏi với giọng đầy nghi ngờ:

– Không phải em thích Vỹ Khang đấy chứ?

Hạ Vy nhướng mắt:

– Nếu vậy thì sao?

– Không sao.

Khương đáp cộc lốc. Anh làm ra vẻ rất giận, Hạ Vy cười khúc khích:

– Anh ghen hả?

– Ai thèm.

– Không thèm thật không?

– Tất nhiên!

Hạ Vy cười trước vẻ mặt của Khương. Rõ ràng là anh đang rất buồn nhưng làm ra vẻ cứng rắn. Cô im lặng uống nước chờ Khương lên tiếng, nhưng anh như bị ai cướp mất giọng nói. Chờ mãi cũng bực, Hạ Vy nhướng mắt:

– Nè.

– Gì hả?

– Anh sao vậy? Tự dưng lại giận.

– Anh không giận.

Hạ Vy cong môi:

– Không giận mà mặt mày khó coi vậy?

Khương hạ giọng:

– Anh hỏi thật, em thích Vỹ Khang thật lòng chứ?

Hạ Vy xụ mặt:

– Thấy ghét! Người ta nói vậy mà cũng tin. Bộ em là người dễ dãi lắm hả, thích hết người này đến người khác. Anh coi em là người như vậy à?

Hạ Vy tức giận không thèm nói nữa. Khương nhìn Hạ Vy, anh biết mình có lỗi:

– Anh xin lỗi, anh đã nghi ngờ tình cảm của em.

Hạ Vy cũng không trả lời. Khương đành giả lả:

– Thôi mà! Anh đã xin lỗi rồi. Anh nhận lỗi, được chưa? Trăm sự cũng tại anh yêu em mà ra.

– Yêu em, yêu em mà chẳng tin em gì cả.

– Thì anh xin lỗi mà, đừng giận nữa! Mà cũng tại em hết. Ai biểu em nói muốn Vỹ Khang quan tâm làm anh cứ tưởng ...

– Tưởng! Em chẳng phải đã nói với anh, em muốn giới thiệu Phúc Khang cho chị em sao? Em nghĩ em sẽ đổi ý giành Phúc Khang cho mình à?

Khương nắm lấy bàn tay Hạ Vy:

– Anh xin lỗi.

Hạ Vy chùi mắt:

– Nghe nhàm quá, anh còn câu nòa khác không?

– Không, hết rồi! Vì bây giờ có nói ra câu nào cũng vô nghĩa cả, em có chịu nghe đâu Hạ Vy rụt tay lại:

– Em muốn về.

– Để anh đưa em về.

Khương nói rồi nhanh chóng lấy xe. Lúc đưa Hạ Vy về, anh thì thầm:

– Em nghĩ là chị em và Phúc Khang sẽ hợp nhau sao?

– Không biết! Hạ Vy nhỏ giọng. Nhưng em muốn giới thiệu cho chị ấy một người tốt, em không muốn chị ấy phải khổ.

Khương thở dài. Anh không biết có nên nói ra điều đang nghĩ không, vì anh với Vỹ Khang cùng một hoàn cảnh, cả hai đều nghèo như nhau. Và một gia đình gia thế như gia đình của Hạ Vy chắc chắn khó chấp nhận những người như anh.

Nhất là Vỹ Khang, với tính khí cố chấp của mình, chắc gì Vỹ Khang chấp nhận một cô gái như Hải Đường.

Hạ Vy không biết những suy nghĩ trong đầu Khương. Cô tiếp lời:

– Em không ưa tay Hải Nam đó chút nào. Cứ nhìn mặt là biết, tham lam hết chỗ nói.

Khương không trả lời, Hạ Vy coi đó là sự đồng tình. Cô tiếp lời:

– Bằng mọi giá anh phải giúp em hoàn thành kế hoạch này.

– Ừ.

Khương trả lời ỉu xì. Anh không biết mình làm thế có đúng không. Nhưng dù sao Khương vẫn hy vọng rằng Vỹ Khang sẽ hạnh phúc, bất kể cuộc tình kia có thành hay không?

Buổi sáng, Vỹ Khang vừa đến công ty thì được gọi lên phòng giám đốc.

Không hiểu chuyện gì nhưng Vỹ Khang vẫn bình tĩnh đi lên. Trong thâm tâm anh chỉ có một ý nghĩ là Hải Đường sẽ đuổi việc anh, trả thù ngỳa hôm qua.

– Anh ngồi đi!

Hải Đường nhìn Vỹ Khang một lúc rồi lên tiếng:

– Anh có biết tôi gọi anh lên đây là để làm gì không?

– Không. Nhưng có lẽ là cô muốn đuổi việc tôi chứ gì.

Hải Đường bình tĩnh ngồi xuống. Cô nhìn Vỹ Khang một cái sắc như dao:

– Anh nghĩ tôi nhỏ mọn vậy sao?

Vỹ Khang không trả lời. Anh lẳng lặng ngồi xuống:

– Nếu cô không muốn tôi ở đây nữa thì cứ nói, tôi sẽ tự khắc xin đi, không cần cô nhọc công xua đuổi.

Hải Đường thở hắt ra:

– Tại sao anh lại nghĩ về tôi như vậy nhỉ? Tôi đâu có ý định đuổi anh.

– Vậy cô gọi tôi lên đây làm gì?

– Để biết miệng nhân viên, vậy thôi.

Vỹ Khang đứng lên:

– Nếu thế thì bây giờ tôi có thể đi được rồi chứ?

– Anh ghét tôi đến thế sao?

– Không dám, nhưng tôi còn công việc phải làm.

– Nói chuyện với tôi cũng là công việc vậy, sẽ không ai dám trách anh đâu.

– Nhưng tôi không thích bỏ việc, như thế sẽ phụ lòng người thuê mình.

Thái độ bướng bỉnh và cố chấp của Vỹ Khang làm Hải Đường bực mình.

Cô thở hắt ra:

– Thôi được! Vậy để tôi nói ra ý định cuộc gặp hôm nay.

Hải Đường hắng giọng rồi tiếp:

– Anh biết lái xe không?

– Xe gì?

– Tất nhiên là xe hơi rồi! Còn Honda thì ai mà chẳng biết lái, tôi cần gì phải hỏi anh.

– Biết.

– Tốt! Vậy anh hãy nghỉ việc ở quán cà phê đi, về đây làm tài xế cho công thường.

Vỹ Khang hờ hững hỏi, giọng không biểu lộ cảm xúc gì:

– Cô ra lệnh cho tôi?

– Không, chỉ là mời làm việc thôi.

– “Nghỉ việc ở quán cà phê”. Không ra lệnh thì còn gì nữa?

– Đó không phải là ra lệnh, chỉ là yêu cầu nhỏ.

Vỹ Khang lớn giọng, anh quả không thích bất kỳ người nào ra lệnh cho mình, dù người đó có là giám đốc của mình đi chăng nữa.

– Nếu tôi không đồng ý?

– Thì thôi.

– Thôi?

– Tất nhiên! - Hải Đường nhún vai - Mất công anh bảo tôi thích ra lệnh, cố chấp, bảo thủ.

Vỹ Khang nhìn Hải Đường. Ánh mắt cô không biểu lộ rõ là nói thật hay nói chơi. Vỹ Khang hạ giọng:

– Tôi có lái xe cho công ty thì cũng chỉ làm ban ngày, tại sao cô còn bắt tôi nghỉ việc ở quán cà phê, không phải định bắt tôi làm luôn ca đêm chứ.

– Dĩ nhiên không rồi, tôi đâu phải là kẻ thích bóc lột sức lao động kẻ khác.

Hải Đường đứng lên, cô đi về phía bàn giấy:

– Tôi không muốn anh mệt mỏi sau khi làm đêm, như thế lái xe sẽ rất nguy hiểm. Tôi là giám đốc, tôi có trách nhiệm với sự an toàn với nhân viên của mình.

Vỹ Khang nói:

– Nếu như tôi làm ca đêm, nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn?

– Tại sao anh lại thích làm ở đó vậy? Công việc cũng bình thường thôi mà.

Vỹ Khang không trả lời, anh nhìn Hải Đường:

– Tại sao lại chọn tôi?

Hải Đường ngồi xuống ghế, một lúc sau cô mới lên tiếng:

– Tôi có hỏi qua bác Tần về anh và được biết hoàn cảnh, tôi muốn giúp đỡ anh.

Vỹ Khang đứng lên:

– Xin lỗi, tôi không cần sự thương hại. Trước nay, tôi không có thói quen nhận sự giúp đỡ của ai, bây giờ cũng vậy. Hãy bỏ đi lòng thương hại của cô!

Nói rồi, Vỹ Khang toan bước ra. Thái độ của anh làm Hải Đường nổi giận.

Cô hơi lớn tiếng:

– Anh đứng lại đó!

Vỹ Khang dừng bước nhưng không quay lại. Hải Đường bước tới trước mặt Vỹ Khang:

– Tự trọng? Đó là lòng tự trọng của anh đó hả? Từ chối lòng tốt của kẻ khác, đó là tự trọng sao? Tôi nói cho anh biết, tôi không thương hại anh. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ thương hại ai cả. Tôi giúp ai cũng đều thật lòng, đó là xuất phát từ chân tình chứ không phải lòng thương hại.

Hải Đường tức giận vì lòng tốt của mình bị từ chối thẳng thừng, lại còn bị đánh giá đó là long thương hại. Tự ái cô nổi lên:

– Nếu anh nghĩ như thế thì được rồi, đi đi, coi như tôi chưa từng nói gì, vậy là được rồi. Dù thế nào thì tôi cũng cám ơn anh, đây là một bài học tốt cho tôi.

Từ nay tôi sẽ cẩn thận sẽ không biến mình thành một con ngốc nữa.

Vỹ Khang bất ngờ trước phản ứng của Hải Đường. Thái độ của cô cho thấy cô khác tức giận. Dù vậy, Vỹ Khang vẫn cảm thấy mình đúng. Anh thở hắt ra rồi bước ra khỏi phòng, vừa kịp thoáng thấy mắt được long lanh như có hai giọt lệ sắp trào ra.

Vỹ Khang vừa đi vừa nghĩ, anh bước vội xuống cầu thang và va vào một người đang bước lên, anh nhận ra là em trai của Hải Bình là Hải Nam. Tuy nhiên, Hải Nam thì không nhân ra anh.

Quả thật, Vỹ Khang có phần bối rối. Anh không nhận ra Hải Đường là người như thế nào, lúc vào quán cà phê thì cứ như là thân mật lắm, cười cười nói nói tươi vui, lúc ở công ty thì lạnh lùng không quen với anh, lại còn mối quan hệ của Hải Đường và Khương ... Nói tóm lại, Vỹ Khang chẳng biết Hải Đường thật lúc nào, đùa lúc nào. Biết đâu lời đề nghị lúc nãy là đùa, nhận lời rồi thì có mà ê mặt.