Đôi lời về tác giả
C
ao Hành Kiện (Gao Xingjian), nhà văn đầu tiên của Trung Hoa được giải thưởng Văn Chương tương đối sáng giá nhất của nhân loại trong suốt 100 năm qua - giải Văn Chương Nobel. Trong sự nghiệp văn chương phong phú bao gồm nhiều thể loại, tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu nhất đã đưa Cao Hành Kiện lên hàng “Nobel văn giả” là cuốn Linh Sơn (Soul Mountain/ La Montagne de l'Âme), một tác phẩm dài trên 500 trang. Linh Sơn là một tác phẩm kết cấu tổng hợp nhiều hình thái và thể loại sáng tạo văn chương. Trong đó, hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, hoạt kê, hội thoại, đối thọai, độc thoại... quyện vào nhau như trái núi mang nhiều vẻ hiện thực và kỳ bí tùy theo thời gian và thế ngắm.
Cao Hành Kiện sinh năm 1940 tại Cống Châu (Ganzhou), Quảng Tây, Trung Hoa. Vốn là một nghệ sĩ đa tài trong các lĩnh vực văn chương, hội họa, kịch nghệ, phê bình, dịch thuật, Cao đã lận đận lớn lên giữa thời đại Mao Trạch Đông. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-76) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình.
Trong bối cảnh xã hội và văn hóa đặt trọng tâm trên đời sống tập thể, cá nhân không còn chỗ đứng và có khi bị tan loãng trong cơn lũ ồ ạt của tâm lý quần chúng, tình cảm tập thể, và suy tưởng một chiều. Cao sống sót và cứu được mình trong cơn đại hồng thủy của tư tưởng. Ngọn núi Linh Sơn là một ngọn núi ảo ảnh nhưng cái bóng sừng sững mà vô hình của nó trở thành điểm tựa của mình và cho chính mình vì nó là ngọn núi của bản ngã.
Trung Hoa từ năm 1942 và nhất là qua biến cố “quốc hữu hóa văn chương” năm 1949 trở về sau, sứ mạng độc tôn sáng tạo văn nghệ là để phục vụ chính trị. Nhà văn muốn sống còn thì phải tự biến thành cái răng cưa của bánh xe trong guồng máy chính trị tập thể. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Hoa thời hậu Mao đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Trong tác phẩm “Tham luận khởi đầu về nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại” (Premier essai sur les techniques du roman moderne) năm 1981, ông đã dấy lên cuộc bút chiến đầy sóng gió về “Quan Điểm Mới” trong sáng tác văn nghệ. Năm 1985, tác phẩm “Kẻ Rừng Rú” (L'Homme sauvage) là bước phản công bão liệt nhất về guồng máy văn nghệ tập thể đã làm lu mờ tài năng nghệ sĩ. Quan điểm văn nghệ tìm lại con người chân thực của ông đã gây ra những cuộc bút chiến sôi nổi trong nước và đã lôi kéo được sự chú ý của cộng đồng văn bút thế giới. Đến năm 1986, tác phẩm “Bờ Bến Khác” (The Other Shore) đã bị giới văn nghệ cầm quyền ở Trung Hoa cấm đoán, phê phán gắt gao.
Để giữ cho ngọn núi bản ngã được ẩn mình an trú trong cơn giông bão thời thế, Cao Hành Kiện đã làm một cuộc “hành hương” trong suốt mười tháng. Ông đã bước đi trên lộ trình dài 15000 cây số qua những vùng núi non hiểm trở miền Tứ Xuyên; từ ngọn nguồn sông Dương Tử (còn có tên là Trường Giang) dọc tới biển khơi. Chất liệu chính của tác phẩm Linh Sơn là dòng suy tưởng, là cảnh sông núi chập chùng, là dáng trời đất bao la, là khuôn mặt thật của con người, là những mảnh đời muôn vẻ; và quan trọng nhất là sự tìm về ngọn nguồn, về bản chất của sự bình an sâu lắng và tự do thực sự trong chính mình. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh đã nhận định: “Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong.”
Trong cuộc hành trình tìm về Linh Sơn, có chăng những người cầm bút Việt Nam bên kia cũng như bên nầy đất nước đang âm thầm nhập cuộc. Sẽ trễ tràng cho một sự chối từ, nhưng sẽ không bao giờ muộn màng cho một sự nhập cuộc. Nhập cuộc trên đường về Linh Sơn cũng có nghĩa là chia tay. Có can đảm chia tay với đám đông ồn ào, quyền thế, phù hoa, vọng động mới có thể trở lại bến bờ của dòng sông Tự Ngã trong chính lòng mình. Và từ đó tìm về Linh Sơn, ngọn núi của bản ngã hay chính là linh hồn còn nguyên vẹn trong mỗi con người.
Nguồn: http://phuongvy.com
Linh Sơn
Quanh ta, người ta dạy ta rằng cuộc sống là nguồn của văn học; văn học phải trung thành với cuộc sống; trung thành với cái chân thực của cuộc sống. Mà lỗi lầm của ta chính là đã lìa xa cuộc sống, đã vi phạm cái chân thực của cuộc sống. Chân thực của cuộc sống không giống các hiện tượng bên ngoài của nó. Chân thực của cuộc sống, hay bản chất của nó, vốn phải là thế này chứ không phải thế kia. Nếu ta lìa xa cái chân thực này vì đấy là vì ta đã bày la liệt ra các hiện tượng của cuộc sống, và đương nhiên không thể nào phản ánh chính xác được cuộc sống, kết quả chỉ là bước vào con đường ngoắt ngoéo xuyên tạc hiện thực.
Một cuộc đi không tới nơi?
Giải văn học Nobel năm 2000 vào tay một nhà văn Trung Quốc (quốc tịch Pháp): ông Cao Hành Kiện, sinh năm 1940, quê ở Giang Tây (Giang Tây có núi Ô Y, núi Võ Đang mà ông có nói tới trong sách này). Ông tốt nghiệp tiếng Pháp ở Học viện ngoại ngữ Bắc Kinh. Dịch Samuel Beckett, Ionesco, Jacques Prevert. Và nay viết bằng cả tiếng Pháp.
Cao Hành Kiện viết kịch (Còi báo động, Bến xe khách, Người mông muội...) và kịch ông được hoan nghênh tại Liên hoan Avignon Pháp, tại Áo và Italy. Ông làm thơ. Vẽ (tranh mực tàu, quốc họa). Viết lý luận (Bài văn ông bàn về kỹ thuật tiểu thuyết hiện đại đã khơi dậy một tranh luận sôi nổi trong giới văn học Trung Quốc những năm đầu 1980). Dĩ nhiên ông viết tiểu thuyết. Mà Linh Sơn – Núi Hồn là tiêu biểu.
Nhiều người coi ông như tác giả may mắn nhất, trung dung nhất thời này. Linh Sơn rất hiện đại (ở bút pháp, bố cục – chương về “ta” và chương về “mi” đối nhau đều đặn, ở dòng chảy gần như nhênh nhang không bờ của viết...) nhưng cũng đầy khí cốt, hồn phách Trung Hoa. Vừa dân tộc tính, vừa hiện đại, cả hai đều ở mức cao, ông được Ủy ban giải thưởng Nobel chọn có lẽ vì lý do đó. Một biểu hiện của kết hợp này là ông đã “phát triển thêm lên tiếng Trung Quốc”, đặc điểm được Ủy ban giải thưởng Nobel nhấn mạnh đến trong đánh giá chung. Rất tiếc khuôn khổ sách không cho phép đi sâu vào cống hiến này.
Linh Sơn viết năm 1982. Xong năm 1988. Cũng năm ấy, ông lập cư ở Pháp.
*
* *
Linh Sơn không có truyện đủ đầu đuôi phát triển cùng với xung đột, mâu thuẫn tới cao trào, theo như chuẩn định. Cũng không nhân vật, (theo như chuẩn định) với đủ đặc điểm diện mạo, hình hài, tính cách, cảnh ngộ. Đây là một gallery những khuôn mặt thấp thoáng, le lói. Thậm chí những hình dáng, những bóng, cả ma lẫn ảo thị. Tuy vậy tất cả hằn sâu vào tâm trí người đọc. Giống như các bức thủy mạc thăm thẳm đẹp nhờ toàn chấm phá. Bút vẽ Cao Hành Kiện đã ảnh hưởng không nhỏ tới bút viết Cao Hành Kiện.
Những mặt người, bóng người vào Linh Sơn đều cất lên cùng một câu hỏi cốt lõi: ta là gì? ta cần gì? ta phải làm gì? Hỏi hiền lành, rón rén. Từ những số phận quen với lành ít dữ nhiều. Từ những số phận thiểu số...
Con thỏ lông trắng, mắt đỏ, bạn của “ta” trong truyện nổi lềnh bềnh, nhớp nhúa trong hố phân; con cún – cũng bạn? – chết đuối trong sông qua làng; con gấu trúc đói mò về xin ăn giữa khuya khoắt rừng sâu..., những “số phận” thấp thoáng ấy cũng góp rọi sáng vào những mệnh sống hẩm hiu, rủi ro. Đọc Núi Hồn cứ nhớ tới một câu của André Malraux: một đời chẳng bằng cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng một đời. Phải chăng vì cái chí quyết sống? Ngay trong lúc vất vưởng tìm nghĩa sống cũng mang cái chí lớn ấy đi cùng.
Mọi cái vào tiểu thuyết của Cao Hành Kiện đều làm xúc động. Nhờ ướp trong thứ hóa chất khiến nao lòng: kỷ niệm. Kỷ niệm luôn chen bên hiện tại, rực rỡ, cháy bỏng trong Núi Hồn. Nhà mỹ học Áo Fisher từng nói: nhà văn phải biến mọi vật liệu bên ngoài thành kỷ niệm của chính bản thân hắn để viết ra.
Tác giả nêu ra hai điều ông nhận đã bị chê: viết không đúng chuẩn và tiểu thuyết không truyện,k không nhân vật. Ông tự bảo vệ ra sao? Đọc sách ta sẽ tán thành hay phản đối, tùy ta.
*
* *
Linh Sơn, cái địa điểm tác giả cất công đi tìm kia ở đâu?
Chuyến đi vất vả hình như công cốc. Nhưng rất lôi cuốn, kỳ thú.
Linh Sơn – Núi Hồn ở bên này Ô Y mà... Ờ, ở bên kia Ô Y chứ... Nhưng Ô Y ở về phía nào của sông, bên này, bên kia? Đường không lầm, chỉ có người đi lầm thôi...
Núi Hồn có lẽ ở trong ta. Nhưng ta ở về phía nào của Núi Hồn? Phía cộng hay phía trừ?
Núi rất nhiều nhưng chỉ một Núi Hồn. Người rất đông nhưng cái hồn người, cái người ra hồn thì sao?