Chương 1

Trâm nào phải là khác lữ hành ưa cái thú cầu sương điếm cỏ, cảnh lạ phương xa như bao nhiêu người khác mà hằng ngày Trâm vẫn găp.

Năm hai mươi nhăm tuổi, chán cái vô vị của phồn hoa đô hội, vả cũng không có đủ tiền để mua những cuộc hành lạc mà chàng đoán vị tất đã có thú gì, Trâm bèn từ bỏ xã hội văn minh, bước chân lên đường phiêu lưu mạo hiểm...

Cái học vấn chắn chắn ban đầu khiến Trâm càng ham thấy xa nghe rộng. Anh chàng mơ mộng ấy rất ưa cái thú thâm trầm của triết lý và những giờ mặc tưởng thực dài. Chàng sớm đã yêu mến cái văn minh Chiêm Thành do văn minh Ấn Độ tạo nên, mà chàng đã từ thấy các sách vở ca tụng. Chàng sớm đã say sưa cái bí mật sâu thẳm của rừng hoang.

Cuộc phiêu lưu của Trâm bắt đầu chuyến thăm các tháp cổ Chiêm Thành còn rải rác trên đất Trung kỳ. Rồi, tự đấy, chàng sang thăm Cao Mên, mò đến Đế Thiên Đế Thích.

Nhưng, đứng trước cái khối ngổn ngang ấy, trước những mảng lâu đài cao lớn, những tượng phật, những rắn thần bằng đá bị nghẹt thở giữa đám rễ cây luồn lỏi, bền bĩ và ghê gớm như những cái chân bạch tuộc đến nổi tự hồ có dáng tiều tụy thẹn thùng, phải giấu mặt dưới rêu phong bụi phủ ấy, Trâm tuyệt nhiên không nhận thấy một dấu vết nào của những triết lý tôn giáo cao siêu nó đã khiến cho hàng ức vạn linh hồn phải say sưa, tin tưởng.

Đế Thiên Đế Thích chỉ còn là một bức tranh ảm đạm trong đó cái mộng tưởng bất diệt của người ta luôn luôn bị thời gian hủy hoại đã được tả ra một cách não nùng:

Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo,

Dấu cũ lâu đài bóng tịch dương!...

Chàng ngậm ngùi từ biệt đất Cao Mên câm lì, quay đầu về Huế. Thì, trên giòng nước tang thương in lộn bóng mây trời, ngoài tiếng:

Sóng lớp phế hưng nghe đã rộn,

Chuông hồi kim cổ lắng càng mau...

Trâm tuyệt nhiên chẳng thấy gì đáng để ý. Chàng não nùng, thất vọng, có cái cảm giác của người đi tìm bóng đẹp chung tình mà chẳng thấy. Từ Huế ra đi, Trâm tiếng thẳng sang đất Lào.

Tức khắc, Trâm bắt đầu có một cảm giác nghỉ ngơi thư thái...

Trước mắt chàng, bát ngát cái mầu xanh bất diệt của rừng cây. Thỉnh thoảng một xóm con khuất nẻo giũua tràn cỏ rậm, một cánh đồng, một cái cối máy bền gan đương cọt kẹt giã gạo suốt ngày đêm ở cạnh một giòng suối nước trắng như thủy ngân... Nếu ở những nơi Đế Thiên Đế Thích, loài người cậy tài cậy kéo tỏ ý kình địch với thiên nhiên để rồi thua thiên nhiên một cách đau đớn thì ở đây người ta và tạo vật hình như thân thiện nhau, giúp đỡ nhau, điều hoà sức mạnh cùng nhau. Loài người ngoan ngoãn chịu sự bảo hộ của tạo vật cầu lấy một cuốc sống bằng phẳng để chờ cái phút tiêu trầm trong tạo vật. Người vẫn thua mà thua một cách lặng lẽ, cuộc xung đột không đến nỗi hung tàn.

Trâm đi từ phía Bắc xuống phía nam và dừng chân ở một làng nhỏ, trên cù lao Khong, giữa một chi nhánh sông Cửu Long, đối diện với cái làng nhỏ bên địa giới Cao Mên: Kompòng Sralao.

Ở đây, Trâm gặp một người bạn học cũ: thọ, một viên cán sự lục lộ được cử sang hoa. địa đồ.

Đôi bạn cũ gặp nhau trong một nếp nhà gỗ kiểu Lào dựng lên giữa một vườn cây râm mát. Ngoài hai tên cai phu mà Thọ đã mang từ Bắc Kỳ sang, có một toán người Lào do các nhà quyền chức địa phương cắt ra để giúp Thọ về việc phát rừng đo vẽ.

Lần thứ nhất Trâm trực tiếp với thổ dân Vạn Tượng: một đám người lực lưỡng, hiền lành, da ngăm đen, tính ưa nhàn đến thành lười biếng. Trong đám thổ dân ấy, mấy người Việt Nam được coi như thần thánh. Nhất là Thọ. Không những bởi địa vị, Thọ còn làm cho những người ở dưới quyền phải kính sợ và yêu mến bởi sự thông minh, bởi tài cán, bởi sự ngay thẳng và tấm lòng tốt của chàng.

Thọ nói cho Trâm biết rằng người Việt Nam hiện ở Lào nhiều lắm, tỏ ra dân tộc Việt Nam là một dân chinh phục rất giỏi vì không bao giờ phải chinh phục bằng võ lực hay chỉ phải dùng võ lực rất ít như khi xưa đối với dân tộc Chiêm Thành. Hiện nay, vẫn nhời Thọ nói, có nhiều thành thị và cả những vùng quê nữa trở nên những nơi đặc Việt Nam.

Trước sự tràn lấn êm đềm nhưng chắc chắn của người Việt Nam, dân Lào cứ lùi dần, lui dần, không hề tỏ ra phản kháng gì cả.

- Nhưng sự đắc thế đó, vẫn nhời Thọ, không nên là một cớ cho mình tự đắc. Trái lại, nó nên là một bài học cho mình ngẫm nghĩ, nó chứng tỏ cái lẽ "thích giả sinh tồn" và cái luật cạnh tranh "ưu thắng liệt bại" rất tàn khốc. Bài học ấy, nếu được nghiền ngẫm cẩn thận sẽ có một ảnh hưởng rất tốt cho một số đông ngưòi Việt Nam giầu thói ỷ lại, ươn hèn.

Thọ càng nói càng tỏ ra một người có tinh thần phấn đấu tự cường khiến Trâm lại nhớ đến những người mà chàng đã gặp ở Huế. Không biết rằng vì hoàn cảnh ảnh hưưởng hay là do thiên tính tự nhiên, dân Huế phần đông ẻo lả biếng lười. Lại những câu ca giọng hát Huế nữa mới buồn làm sao. Nó gợi trong lòng người một ham muốn quái gở về nhục dục và tự tử. Nó là một hoá chất mãnh liệt đánh tan cái nghị lực phấn đấu của tuổi trẻ, nó tự hồ một tiếng than vọng lại tự bên kia mồ mả của một cái gì đã tàn...

Thọ tha thiết bảo Trâm:

- Anh Trâm ạ, anh là một người học rộng thấy nhiều, anh nên làm sách viết báo nói kỹ về những điều tôi vừa nói với anh. Tôi lắm lúc tiếc rằng mình không đũ tài để diễn tả những cảm tưởng và ý nghĩ của mình mà mình cảm thấy có thể rất bổ ích cho đồng loại. Người mình, nếu không thể đi xa thấy rộng, cần phải đọc sách nhiều lắm. mà những sách thuộc về loại tôi vừa nói lại càng không thể thiếu được.

Trâm cười:

- Anh nói vậy là vì tâm địa anh thực thà và bởi anh tin ở sức mạnh của văn chương. Anh không biết rằng một bài văn, một quyển sách dù hay đến đâu, ảnh hưởng của nó bất quá như cơn gió thoảng nếu người đọc nó là một kẻ hoài nghi hoặc tấm lòng đã nguội lạnh.

Để chiều ý bạn, Thọ cũng cười.

- Nghe anh nói thì ra anh đã là một học giả chán đời. Nhưng, dù thế nữa, chỗ này vẫn là nơi khách phiếm du nên dừng bước trong ít lâu.

- Tại sao thế? Có gì đặc sắc?

- Chỉ tại ở đây người ngoan, cảnh đẹp, phong tục thuần lương vả rừng cây kín đáo, ta có thể nhất thời quên cái phiền nhiệt của thị thành, ru mình trong giấc mộng Thuấn Nghiêu...

- Ồ! Thọ văn chương lắm đấy chứ? Và, nếu quả như nhời Thọ nói thì cuộc phiếm du này của tôi đã đạt mục đích rồi.

Câu chuyện của đôi bạn thân đương nồng nàn điểm những tiếng cười trong trẻo thì cả hai bỗng cùng lắng tai nghe mớ tiếng ồn ào đâu đó mỗi lúc một gần.

Thọ dủ Trâm xuống thang rồi cùng chạy lại đám đông xem sự gì.

Thì ra một đám làm trò quỷ thuật. Trước tài khéo và những phép lạ của anh thày Lào, dân chúng hò reo vang động. Anh ta lôi trong bị ra một con rắn hổ mang hoa. Một nhát dao chém mạnh, đầu con rắn tức khắc lìa khỏi cổ. Anh thầy Lào chờ cho máu trong mình con rắn chảy ra hết, con vật đã ngay đờ mới đem cái đầu chắp vào vết thương đoạn phù phép. Con hổ mang lại sống lại, bò quềnh quàng dưới cắp mắt ngạc nhiên và thán thưởng của quần chúng.

Xu, hào kếp tiếp nhau mưa xuống chiếc chậu sắt men xanh...

Cạnh anh thầy Lào, một chị chàng mặc những áo xống kỳ dị đương xem tướng và đoán số cho những người băng khoăn về hậu vận. Những kẽ được chị thầy tướng xem cho đều tỏ ý thán phục chị và vui mừng hớn hở.

Nhưng, thấy Thọ và Trâm đến, đám đông bỗng giạt ra; ai nấy kính cẩn nhường lối cho hai người.

Chị thày tướng gật đầu và chào hai chàng tuổi trẻ sang trọng bằng một nụ cười tình tứ.

- Cái thầy bằng lòng xem số, xem tướng không nào?

Thọ đú đởn.

- Ồ, sao lại không?

Chàng quay lại nói với Trâm bằng tiếng Việt:

- Anh Trâm, may mắn cho anh quá! Xem đi, xem cho biết chuyến du lịch này của anh sẽ có những kết quả gì?

Rồi, không đợi Trâm đáp, Thọ nói tiếng Lào bảo chị thầy tướng:

- Này chị, chị càng nói đúng bao nhiêu thì tiền thưởng chúng tôi cho chị lại càng hậu bấy nhiêu.

Chị Lào vênh ngay mặt lên, cặp lông mày chau lại:

- Sao lại không nói đúng. Không nói đúng không lấy tiền. Cái thầy hãy đưa cho tôi bông hoa mà ông bạn cái thầy đương cầm ở tay kia.

Đó là một bông liếp li, thứ hoa rừng mầu tím, có mùi hương rất dịu.

Thọ đưa bông liếp li cho mụ thầy số.

- Chị đừng có giận nhé. Tôi không định làm mất lòng chị đâu. Tôi tin chị lắm vì, đây, tôi tôi xin trả tiền trước cho chị.

Vừa nói chàng vừa đưa ra một tờ giấy bạc.

Mụ ngần ngừ, nhưng một cái liếc mắt sắc như dao của anh thày Lào nó khiến mụ vội tươi cười đỡ lấy.

Mụ hơ cánh hoa rừng lên trên cái lò lửa mà mụ vừa nhóm lên bằng mấy mảnh trầm.

Nhìn về phía Trâm, mụ khẽ gật gật đầu, miệng lẩm bẩm:

- Cầu cho cái thầy nhé?...

Khói trầm bốc lên nghi ngút. Bông hoa dần dần xoè cánh, rung động như hít mạnh hương thơm... Nhưng, cùng lúc ấy, những cánh hoa lần lượt phai mầu. Những nếp nhăn hiện rạ.. Bông hoa gục xuống, rũ rợi tả tơi như bị ai vò nát...

Mụ thầy số tức khắc đưa cánh hoa cho Trâm.

Lạ thay! Trâm vừa đỡ lấy bông hoa héo thì nó vụt đã tươi mơn mởn. Cánh hoa đương mềm nhũn giờ trở nên cứng cáp; mầu tím diu. như nhung lại hiện trên những cánh phẳng phiu.

Thọ ngạc nhiên và thành thực khen ngợi:

- Ô! thực là tài tình! Đáng thưởng.

Mụ thày tướng cao giọng, nói một cách nghiêm trang và bí mật:

- Hai thày đã hỏi thì cái ma nó bảo thực cho hai thày nghe.

Quay vào Thọ, mụ tiếp:

- Thày, thày còn phải nhiều gian nan mới được hạnh phúc. Hai thày sẽ cùng yêu mến ao ước một người đàn bà nhưng...

Mụ trỏ Trâm:

- Thày kia sẽ được thắng lợi hơn. Sự may mắn ấy sẽ bù cho thày sự chán nản do cuộc đi chơi không được như ý.

Đôi bạn nhìn nhau kinh ngạc, im lặng, Không dám trao đổi cảm giác riêng cho nhau biết nữa. Ô hay, người đàn bà gở lạ kia sao đã khéo đoán rõ tâm sự Trâm và nói bóng bẩy cho chàng biết?

Tuy không tỏ ý gì mà cả hai cùng bối rối hết sức. Rồi, giữa lúc Thọ và Trâm định quay về, đám đông chợt lại giạt ra lần nữa, nhường lối cho một con voi khổng lồ, lưng đóng lầu bành rực rỡ như một con voi mã.

Quản tượng ra hiệu cho voi quỳ đoạn hắn nhảy xuống trước và đặt một cái thang gỗ dựa vào sườn voi.

Một thiếu nữ ngồi trên lầu voi từ từ đứng lên, nàng vịn một tay vào cái thang và nhanh nhẹn bước xuống đất.

Trâm và Thọ khẽ thích cánh nhau, cùng nói qua một hơi thở:

- Trời!...

Thực chưa bao giờ một xuất hiện thần tiên nào có thể rung động lòng người như vậy!...

Mầu da nàng thắm hồng như hổ phách; tuổi xuân của thiếu nữ in trên đôi gò má cái mầu mơn mởn hoa đào; cặp mắt nàng, lấp lánh sau riềm mi dài uốn cong cong, giống như hai ngôi sao bằng ngọc huyền đính trên nền trời bạc; mũi nàng thẳng dọc dừa; trên sống mũi, giữa khoảng hai nét lông mày cong thoai thoải xuống thái dương, một bông hao nhỏ bằng chiếc cúc áo do một thày bùa đã trổ vào da nàng bằng mực mầu xanh; hai má nhẵn, phẳng như ngà truốt lượn theo khuôn mặt trái soan rất đẹp. mái tóc nàng phân đôi bởi một đường ngôi kẻ lệch búi lại thành một búi thõng lại sau gáy và cài bằng những bông hoa ngàn rực rở.

Một tấm lụa bạch quàng chéo trên ngực thiếu nữ, hai đầu lẩn vào chiếc xiêm thêu rất đẹp bó chẽn tấm lưng ong.

Hai cánh tay nàng để hở, tròn và nhẵn như hai dóng ngọc. Một chiếc vòng san hô nạm vàng lấp lánh ở cổ tay nàng, trổ thành hình một con rắn hổ mang hoa. Hai bàn tay xinh với những ngón búp măng tròn móng nhuộm đỏ. Hai bàn chân gót đỏ như son lồng trong một đôi d1p cao róc bằng dây gấm biếc. nàng rún rẩy bước lại gần mụ thầy số, dáng đi như một con chim oanh nhảy trên cành liễu buông mành... Toàn thân thiếu nữ, tiết ra một mùi hương thoang thoảng mà thấm thía say sưa...

Thọ lẩm bẩm:

- Thực là thần tiên!...

Đoạn, quay lại phía Trâm, Thọ mỉm cười:

- Số anh này may hơn Từ Thức! Mình ở đây hằng nửa năm mà tuyệt nhiên chẳng thấy gì cả.

- Nhưng mà cô tiểu thư nào vậy?

- Chịu. Đã bảo đây không từng thấy bao giờ mà lại. Nhưng, ta cứ thử hỏi xem.

Thọ và Trâm tiến lại chỗ quản tượng đứng. Chàng dùng tiếng Lào hỏi hắn:

- Bác quản tượng, vị tiểu thư con nhà quan nào mà sang trọng thế?

- Bẩm hai thày, đó là con gái của quan tôi.

Thọ nhờ quản tượng giảng cho biết rằng vị quan ấy là chúa tể một địa phương này, quyền thế hách dịch và nhiều của lắm. Vị quan chỉ có một cô con gái tức là thiếu nữ nọ.

Hai chàng thanh niên im lặng quay về, ủ trong lòng mỗi người một say mê ngây ngất. Lúc bước chân vào cổng. Trâm hãy còn ngảnh lại, tần ngần trông về phía đám đông, về nơi mà Ái tình vừa thực hiện cho Trâm những lời tiên đoán của mụ thày Lào...

Mặt trời lặn đã từ lâu.

Trong không khí mờ mờ bóng tối và ngào ngạt mùi hoa bông văng vẳng cất lên đâu đó một điệu khène êm ái...

° ° °

Sớm hôm sau, mặt trời chưa mọc, Trâm đã dậy và ra khỏi nhà Thọ: chàng muốn xem cảnh rạng đông trên bờ Cửu Long giang.

Lúc ấy, trên sự vật, sương mai hãy còn kéo lê như môt tấm màn sa. Gió mát từng cơ thoảng thoảng như thấm cái hơi nước thơm tho vào tâm hồn. Tiếng chim rời tổ gọi nhau lẩn tiếng ve kêu ánh ỏi mở đầu ngày mới bằng một khúc nhạc tưng bừng ca ngợi ái tình và sự sống.

Dần dần, theo gió cuốn, màn sương vụt đã bay đâu mất, lộ ra một bầu trời thăm thẳm xanh trong. Về phương Đông, sau chỏm rừng như cònngái ngủ, sắc mây chuyển ra màu hồng rồi đỏ thẫm. Màu lá tươi mơn mởn, sắc cát trắng phau phau, những cây hoa đại nõn nà, những cột lâu đài sơn rực rỡ vụt hiện ra dưới ánh sáng thanh tân. Giòng sông bát ngát, nước thắm như son, chảy cuồn cuộn như một giòng vàng lỏng. Mỗi cơn gió thoảng, mặt nước lăn tăn gợn thành những mảnh sóng lập lòe. Thỉnh thoảng một cái soi nổi lên giữa giòng nưóc, lù lù như những con rím đương rù lông hóng mát...

Thật là một cảnh tượng rỡ ràng như mắt Trâm chưa từng thấy.

Một nguồn sống rồi rào, chan chứa, nao nức thấm dần, thấm dần vào linh hồn chàng tuổi trẻ. Trong tưởng tượng chàng, bóng đẹp thoáng qua hôm trước vẫn chưa mờ, không những thế, nó còn bọc trong một cái màng thơ mộng ảo huyền hư thực như hình ảnh một thiên tiên...

Trâm thấy trong đời chàng có một sự đổi mới. Hơn thế nữa, chàng thiếu niên từ trước chỉ những mê man với sách vở, mải miết với những triết lý khô khan, lúc này, có cảm giác như người vừa sống lại hoặc mới bắt đầu sống một cuộc sống tưng bừng.

Và, chợt nhớ câu nói của mụ thày số hẹn cho chàng sự đắc thắng trên đường tình, Trâm bất giác cười khanh khách. Chàng cất tiếng hát êm đềm... Cái hình ảnh của thiếu nữ Lào càng hiện trước mặt Trâm, lỗng lẫy, thướt tha.

Trâm men theo bờ nước đi thủng thỉnh về phía Bắc. Chàng bổng thấy, về bên kia sông, giữa một vườn trồng đầy hoa đại nở tung như mưa tuyết, nhổ lên một nếp nhà rực rỡ như một lâu đài trong mộng.

Cũng một kiểu nhà sàn nhưng bằng gỗ sơn son đỏ chói. Mái nhà nhọn lợp bằng ngói vảy rồng xanh biếc, vách nong ván cũng sơn xanh.

Tại sao vừa trông thấy nếp nhà kỳ dị ấy, Trâm tự nhiên bối rối khác thường? Tại sao chàng nảy ra sự tò mò muốn xem xét tận nơi cái nhà ấy?...

Một anh lái đò ngủ gật ở bến sông chọt mở choàng hai mắt khi thoảng nghe tiếng giầy của chàng tuổi trẻ.

Môt vài câu nói, một vài cử động ra hiệu đủ tỏ cho lái đò hiểu rõ ý muốn của Trâm.

Anh ta lội xuống nước, cõng Trâm ra thuyền.

Đó là một chiếc thuyền độc mộc hay thuyền lườn, lằm bằng một thân cây lớn đục rỗng lòng. Giữa lòng thuyền cũng có mui tre uốn khum tròn, trên mui cũng có cột buồm và một lá buồm nhỏ bằng một tấm chiếu.

Lái đò nhổ cọc đoạn cầm sào đẩy thuyền ra xa bờ. Cánh buồm phồng lên như một chiếc bong bóng, thuyền nhẹ nhàng lướt trên mặt sông như mũi tên nỏ.

Cảnh vật hai bên bờ sông loang loáng như hai cuốn phim mầu cùng quay một lượt. Những dinh thự, những tư gia trùng điệp ẩn hiện, điểm lẫn nền lá xanh tươi những mầu sáng sủa. Từng chòm hoa đại trắng phau phau, từng giẫy hoa phượng đỏ rừng rực như muôn nghìn bó đuốc. Không khí mỗi lúc một thơm ngào ngạt. Sự yên lặng trên cảnh vật mỗi lúc một vang lên những tiếng Khène êm ái, những tiếng cười dồn, những tiếng chim hót và những tiếng ve sầu.

Trâm có cái cảm tưởng lạc vào một thế giới của mộng ảo và của ái tình.

Nằm nghiêng trên mui thuyền, một tay chống đỡ một bên má, Trâm lơ mơ như người say thuốc phiện: chàng được im lặng hưởng những cảm giác lạ lùng mà đời chàng chưa từng được hưởng. Con thuyền lênh đênh ngang giòng nước; gió thơm vẫn quạt sự thư thái vào tâm hồn chàng tuổi trẻ khiến chàng lắm lúc tưởng mình đương baỵ..

Thuyền đã sang gần tới bờ bên này và đã quay mũi về phía nếp nhà rực rỡ. Thì một tiếng ồn ào bỗng khiến Trâm lưu ý và, sau cùng, chàng ngồi nhỏm dậy:

Ngay trên bến sông, thẳng chỗ cổng lớn của toà lâu đài nhìn xuống, một đám lố nhố hiện ra: một đoàn thị nữa kẻ cầm quạt lông che, người mang lẵng hoa tươi mới hái đương xúm quanh một vị tiểu thư bước xuống bậc đá ong gần lợi nước. Vị tiểu thư ấy, Trâm không nhìn rõ mặt vì thuyền chàng còn ở xa quá nhưng lạ thay! Tim chàng cớ sao đập mạnh khác thưòng?... Trâm bị xúc động mà không hiểu vì cớ gì!...

Xuống lợi sông, thiến nữ bỏ tấm lụa bạch choàng kín hai vai ra dưa cho một tên a hoàn. Nàng rũ mái tóc để cho bay tung trước gió thoảng và, trong mấy phút, bóng dáng nàng nổi rõ trên nền lá xanh như một pho tượng bằng cẩm thạch.

Đoạn, thiếu nữ êm ái, thướt tha, bước dần xuống nước, vừa rùng mình vì sóng lạnh mơn trớn vừa cười the thé vang cả bên sông, tiếng cười do sóng đưa lại tai Trâm, văng vẳng như tiếng cười trong mộng.

Bỗng chàng đứng phắt lên: Một tiếng kêu khủng khiếp từ trong bờ vang đến khiến chàng hoảng sợ. Bọn thị nữ lao xao chẳng khác một đàn kiến bị chàm lửa...

... Trên mặt nước, hai cánh tay ngà ngọc giơ lên chới với, chìm lỉm... rồi lại nhô lên vẫy gọi...

Cái gì thế?

Chắc hẳn thiếu nữ vô tình đã bước phải một chỗ vực sâu mà giòng sông chảy xiết vẫn khoét ngầm dưới lòng cát bấp bênh. Sức yếu, không biết lội mà hụt chân như thế thì giòng nước sẽ cuộn đi ngaỵ..

Cái ý nghĩ ấy vừa thoáng hiện trong óc Trâm như một làn chớp điện. Chàng không nghĩ ngợi gì nữa, nhảy ùm ngay xuống nước. Trâm lội rất khoẻ về phía người bị nạn. Chàng kịp đến nơi, hụp xuống, tay rờ ngay được mái tóc đen. Chàng nhoai lên mặt sóng, cố giơ thiếu nữ lên để nàng khỏi ngạt nhưng không ngờ nàng trong lúc hoảng kinh đã ôm chặp lấy mình chàng tuổi trẻ. nếu không gỡ cho nhanh, nếu để tay chân bị vướng thì Trâm không những không cứu nổi người mà chính mình chàng cũng phải chìm xuống đáy Cửu Long giang nốt.

Nhưng thiếu nữ bám chặt quá! Mà gỡ mạnh, đạp mạnh nàng ra thì Trâm không nỡ vì làm như vậy, nàng sẽ bị thương nặng. Giòng sông chỗ này lại chảy xiết, hai người cứ nổi rồi lại chìm, chìm một lúc lâu lại nổi...

Trên bờ, bọn thị nữ vẫn kêu khóc như ri. Phụ thân nàng cũng đương hô gia nhân phóng thuyền ra cứu.

Lập lờ theo xoáy nước, Trâm vẫn tỉnh như không. Chàng cố gỡ nốt tay kia đoạn chàng hết sức ngoi lên mặt sóng.

Chiếc thuyền độc mộc quá giang vừa tới. Lái đò giơ sào. Trâm nhoai mạnh và nhanh như chớp, chàng đã vớ được mũi sào!

Thoát nạn...

Thuyền vào bờ. Trâm, tuy mệt mà còn nhảy được lên bộ, êm ái đặt thiếu nữ vào chiếc võng hoa mà bọn gia nhân đã khiêng tới.

Một ông cụ già đạo mạo, râu tóc bạc phơ ôm choàng lấy Trâm. Cụ run đây đẩy, nước mắt đầm đìa trên má.

- Ồ! Phúc đức!... Người đã cứu vớt được con gái yêu của lão!... Người thực là ân nhân của ta!... Sản nghiệp nhà ta có bao nhiêu, xin dân người để tạ cái ơn trời bể ấy!...

Tuy không hiểu hết rằng ông cụ nói gì song chàng tuổi trẻ cũng rất cảm động. Chàng cảm động hơn nữa khi chàng nhận ra rằng thiếu nữ mà chàng vừa cứu thoát nạn kia chẳng phải ai khác hơn là người đẹp thoáng hiện hôm qua và đã khiến lòng chàng mơ tưởng.

Trâm cố bập bẹ mấy tiếng là mà Thọ đã dạy chàng để tỏ cho ông cụ biết rằng cái việc chàng làm đó chỉ là một nghĩa vụ.

Ông già vẫy một tên đầy tớ. Ông nói với một tên này một thôi dài. Nó kính cẩn gật đầu đoan quay lại phía Trâm, nói giảng thành tiếng Việt rất thạo:

- Cụ lớn tôi nói rằng ngài đã biết ông trọ Ở đằng ông tham Thọ. Nhưng, nay ngài đã có ơn cứu được tiểu thư tôi nên cụ lớn tôi có nhời khẩn khoản mời ngài lưu lại ít lâu trong phủ để cụ lớn tôi được hậu tạ ân ngài thì cú lớn tôi vui sướng lắm. Ngài nhận lời cho.

Trâm cúi đầu cảm tạ chủ nhân:

- Anh bẩm giùm với cụ lớn rằng tôi nhân qua chơi đất này, tình cờ lại được cụ lớn biết đến, lấy làm vẻ vang lắm. Tôi xin nhận lời cụ lớn.

Chàng nói xong, nghĩ thầm:

- Mụ thầy số Lào thánh thực! Đời ta ngờ đâu lại có lúc được trở nên một chàng Từ Thức vào động tiên? Phải, Thọ nói phải, chỗ này cảnh đẹp, người ngoan, ta có thể lưu luyến được. Gót chân du tử, có lẽ, từ đây sẽ không còn phải lấm bụi đường!...

° ° °

Trâm vừa tắm nước nóng và thay quần áo xong thì chàng vội mở phong thư của Thọ gửi cho chàng, để bên chiếc va-li từ nãy.

Anh Trâm,

Gớm, đi mò những đâu mà biến mặt từ sớm thế chẳng biết? Tôi cứ tìm vẩn vơ và chờ đợi anh mãi. Thế nào, cái việc xảy ra sao ly kỳ thế, mau mau thuật rõ cho Thọ biết với.

Thọ.

Trâm mỉm cười. Chàng toan trả lời Thọ thì ngoài cửa bỗng có ai khẽ gõ.

- Cứ vào.

Một tên lính cúi mình thi lễ đoạn bảo chàng:

- Cụ lớn tôi muốn gặp ngài lúc này chẳng hay có tiện?

- Anh bẩm với cụ lớn rằng lúc nào tôi cũng sẵn sàng tuân mệnh cụ lớn nhé.

Tên gia nhân cúi chào rồi lui ra.

Cách mấy phút, chủ nhân hớn hở bước vào, theo sau một tên thủ hạ.

Ông già mặc rất sang trọng. Nom người phút hậu như một vị địa tiên.

Vừa thấy Trâm, ông đã nhoẻn miệng cười.

- Thế nào, ân nhân đã hết sự mệt nhọc lúc sớm ngày rồi chứ?

Trâm cũng cười:

- Bẩm đã. Và, không những thế, chúng tôi nhờ trận tắm sông ban sớm nên lúc này thấy mình khoan khoái, đã có thể ngồi làm cụ lớn được.

Chủ nhân nhìn Trâm bằng vẻ cảm động. Rồi cụ nói một thôi dài mà tên thông ngôn dịch tiếp cho Trâm hiểu:

- Ông Trâm ạ. Đối với ông, chúng tôi không những chỉ là một người chủ nhân đãi khách mà thôi, chúng tôi ước mong rằng sẽ có thể trở nên người bạn thân quý của ông nữa. Ông đã vào đây, thì cái nhà này tức là nhà của ông. Tôi muốn ông do cửa danh dự mà vào nhưng ông đã khéo do cửa thân tín mà vào, tôi sung sướng lắm. Ông đã cho tôi chịu một cái ân lớn mà chẳng bao giờ tôi trả được.

Hai người bắt đầu nói chuyện với nhau rất thân mật. Chủ nhân gợi hỏi Trâm về cái mục đích cuộc lãng du của ch2ng. Khi Trâm đã nói rõ cho cụ già biết, cụ khẽ mỉm cười:

- Triết lý?... Ông say mê triết lý đến thế ư? Tôi cũng vậy, tôi cũng ham triết lý lắm. nó đã khiến tôi thất vọng. Nhưng tôi đã có cái khác bù vào. Tôi tuy là dòng dõi vương hầu nhưng lúc nhỏ cũng hàn vi lắm. Tôi đã ra lính và nhờ công chiến trận, tôi đã được đức vua lưu ý và cất nhắc cho. Vưa làm việc quan, tôi vừa lưu tâm đến việc canh nông. Tôi có một cái ấp, trong đó tôi trồng rất nhiều bông, sắn, thầu dầu. Gặp hồi đại chiến bên Âu Châu, tôi phát tài lớn. năm ấy tôi ba mươi nhăm tuổi và gia tư đã có nổi hai triệu bạc. Hiện nay thì tôi có sáu chục tuổi và sáu chục triệu đồng. Tôi có lấy một ngưòi vợ Saigon Nhà tôi khi sinh con bé cháu, con Liếp Li, thì mất. Tôi từ đấy ở vậy nuôi con. Hiện giờ, Liếp Li đã gần hai mươi tuổi. Trong thời gian ấy, tôi đã bao phen suýt mất nó. May Trời thương Phật độ mà bố con vẫn hoàn toàn sum họp cùng nhau. Ông xem đấy đủ rõ tôi chịu ông một cái ân lớn chừng nào.

Trong khi ông già kể truyện, Trâm đã bao phen xúc động bồi hồi. Chàng đã biết tên thiếu nữ: Liếp Li.

Cái danh từ êm ái thực hợp với thiếu nũu không biết chừng nào!

Liếp Li! Trâm khẽ nhắc thầm hai tiếng nói dịu như tiếng đàn...

Lúc này, chủ khách đã hoàn toàn thân mật nhau.

Ông già dủ Trâm lại tìm Thọ để chàng khỏi chờ mong nóng ruột. Chính ông đã kể lại câu truyện ly kỳ cho Thọ biết. Và, tất nhiên là thọ hớn hở chúc mừng bạn.

- Thực là một thiên tiểu thuyết mỹ miều!

Thọ còn nhận lòoi khẩn khoản của chủ nhân mời chàng lại ăn cơm và nói chuyện. Ông cụ, đã dược yên trí về con gái, tỏ ra vui vẻ là lịch thiệp lắm.

Bữa tiệc lại long trọng không biết chừng nào. Trời vừa sẩm tối thì chủ khách bắt đầu khởi yến. Các món ăn lạ như thịt cá sấu, nem công, hầm ba ba, gà lôi rán, lần lượt được bưng lên, đặt trong lòng những chiếc đĩa bạc. Một thứ rượu thơm ngào ngạt và êm như ru cứ kế tiếp rót đầy ra những chiếc cốc tiện bằng sừng tê giác bịt vàng.

Muốn điểm cho tiệc yến thêm vui, chủ nhân sai gọi con hát.

Một kỹ nữ ăn mặc như thần tiên bước vào. Nàng mỉm cười tươi như hoa để chào tân khách.

Chủ nhân giơ tay mời nàng ngồi xuống một tấm chiếu miến cạp điều trải ở trước tiệc. Theo sau kỹ nữ, một tài tử im lặng như cái bóng, tay cầm chiếc khène ghép bằng ống sậy cũng theo vào và ngồi xuống bên mình nàng.

Kỹ nữ liếc mắt ra hiệu, nhà tài tử ôm khène lập tức cử nhạc. Những âm điệu ru hồn lần lượt thức tỉnh, như kêu gọi tuổi xuân về những phút say đắm của ái tình...

Đó là thứ quốc nhạc của dân Vạn Tượng mà những trai gái thanh tân nếu muốn yêu và được yêu đều phải biết thổi nên những khúc não nùng. Đó là thứ nhạc khí mà đêm đêm thường nghe văng vẳng khắp xứ Lào, cất llên như những nhời van lơn nồng cháy, những câu thề nguyện thiết tha trong bầu không khí thơm tho những mùi hoa đại, hoa nhài, hoàng lan và muôn thứ hoa rừng khuất lẩn... đó là thứ nhạc khí mà những âm hưởng của nó một khi đã lọt tới trái tim cô trinh nữ Lào là y như khiến cho cô thổn thức rạo rực ngay lên, những thanh âm nó bao bọc lấy thân thể dầy giàn những tuổi xuân, máu nóng của các cô bằng một thứ lưới mơn trớn vô hình nó khiến các cô phải trở dậy, xuống thang, ra cổng, rụt dè rồi quả quyết lên đường sương ẩm, theo tiếng gọi ái ân... đó là thứ nhạc khí đã bao đời trộn lẫn âm điệu với tất cả những tiếng cười, tiếng khóc, tiếng thở dài trong cuộc ái ân, tiếng hoan hô trên chiến địa của cả một dân tộc sống ẩn khuất trong rừng...

Trước mặt mọi người, điệu khène cứ thở than trầm bổng. Thiếu nữ hát theo. Giọng nàng thoạt cất lên véo von lanh lảnh, rồi trầm trầm, rồi sau cùng chỉ còn như một tiếng thổn thức...

Nàng vừa hát vừa múa, từ từ, nàng giơ một rồi hai cánh tay lên; mười ngón chụm lại, xoè ra, múa rập rờn như hai bông hoa lướt gió. Nàng cử động thong thả rồi nhanh dần... Toàn thân nàng theo với hai chánh tay mà rung chuyển, đôi nụ hoa trên ngực phập phồng...

Trâm ngả mình lại lưng ghế, hai mắt lim rim mơ mộng. Trong lúc tâm hồn chàng phiêu phiêu man mác, Trâm ngờ mình đã lạc tới Bồng lai... Có lẽ thế chăng hay chàng đương mê man trong một giấc chiêm bao?...

Tiệc tàn đã lâyu mà chủ khách hãy còn chuyện vui như pháo nổ. Thọ đứng dậy ra về lòng không khỏi bâng khuâng ân hận.

Trong lúc ấy thì chủ nhân đưa Trâm về tận gian phòng ngủ đã dọn riêng cho chàng.

- Ông đi nghỉ được ngon giấc nhé. Và, theo tục người Lào, tôi chúc ông được nhiều giấc chiêm bao đẹp.

Giấc chiêm bao đẹp nhất của Trâm há chẳng phải là những giờ trên tiệc rượu vừa qua?