BÀI CA MÙA XUÂN
“ột năm bắt đầu bằng mùa Xuân. Một đời bắt đầu bằng tuổi trẻ”. Có lẽ vì vậy, mỗi người trong chúng ta luôn luôn có nhu cầu nhớ vê tuổi thanh xuân, coi như thời kỳ quan trọng nhất trong đời mình. Và trên thế giới, gần như đã xuất hiện cả một nền văn học cho thanh niên, ấy là chưa kể nền văn học cho thiếu nhi đồ sộ về thực chất cũng là dành cho tuổi trẻ. Những thành tựu rực rỡ nhất của nền văn học ấy, có thể kê “Robinson Cruse”; “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, “Ruồi trâu”; “Thép đã tôi thế đấy”… Và hiện giờ, trước mặt chúng ta là “Meaulnes cao kều” (nhà xuất bản Thanh Niên đổi tên sách là “Lâu Đài Huyền Bí”) của nhà văn Pháp: Alain Fournier.
Alain Fournier (Henri Fournier sanh ngày 3 tháng 10 năm 1886 ở Chapelle-d'Angillon, miền Bắc vùng Cher, 1886-1914) là tên bút của Henri Alban Fournier. Sở dĩ Henri lấy tên mới như vậy là để cho công chúng khỏi lầm mình với nhà vô địch đua xe đạp cùng tên. Là con của một đôi vợ chồng nhà giáo, Alain Fournier sống suốt tuổi thơ ở nông thôn. Dấu ấn sâu xa của gia đình và quê hương in đậm mãi trong tâm hồn cậu bé, về sau lộ ra ngay từ những trang đầu của kiệt tác duy nhất của ông. Chăm học, yêu say đắm thiên nhiên, ông quyết định không thi vào đại học sư phạm, trường từ xưa tới nay vẫn là vinh dự lớn nhất cho bất kỳ thí sinh nào. Tuy vậy, chính trong khi chuẩn bị thi, ông gặp và kết thân với Jacques Rivière (1886-1925), sau cũng là nhà văn. Ông gả em gái cho Jacques Rivière, đồng thời hai chàng trai thường xuyên thư từ với nhau trong suốt 11 năm của một tình bạn sâu sắc: thư từ này sẽ được xuất bản thành bốn tập đồ sộ. Alain Fournier rất thích Giamơ, nhà thơ Pháp, và Mateclinh, nhà văn Bỉ, đặc biệt mê Juyn Laphpoocgiơ, nhà thơ Pháp gần cùng thời. Từ những năm chuẩn bị học đại học, ông đã làm thơ, viết truyện ngắn, nghiên cứu, sau tập hợp thành tập Huyền diệu, 1924.
Ngày 01 tháng 05 năm 1905, ông gặp một cô gái tên là Yvon de Kiêvracua. Ngày 11 tháng 6, ông được nói chuyện dài với cô trên cầu Anvalit. Chỉ thế thôi rồi cô biến mất. Nhưng thực tế cô đã trở thánh mối tình lớn lao của đời ông, biểu tượng của lý tưởng, ông viết nhiều thơ tặng cô và dùng cô làm nguyên mẫu cho Yvonne de Galais trong cuốn tiểu thuyết bất hủ của mình được nghiền ngẫm khởi thảo ngay sau cuộc gặp sét đánh ấy. Năm 1907, Alain Fournier thi trật đại hoc sư phạm, hỏng môn vấn đáp, đồng thời được tin Yvon de Kiêvracua đã lấy chồng mùa đông năm trước. Ông quyết định đi nghĩa vụ quân sự, đúng lúc tác phẩm đầu tiên, hai nghiên cứu Thân thể phụ nữ, được in . Năm 1909, được xuất ngũ với hàm sĩ quan, ông hiến hẳn mình cho nghề viết. Ông cộng tác với tờ Tạp chí Pháp mới, do Jacques Rivière làm chủ bút. Năm 1910, ông vào làm cho tờ Paris-Báo. Ông gặp Charles Péguy (1837-1914) nhà thơ Pháp có tầm cỡ. Péguy thốt lên: “Anh sẽ đi xa, Fournier ạ; và anh sẽ nhớ lại rằng chính tôi đã nói với anh như vậy”. Cũng năm đó, 1911, ông làm quen với Saint-John Perse (1887-1975), nhà thơ được coi là một trong những đỉnh cao nhất của thi ca Pháp hiện đại. Tháng 5-1912, Péguy giới thiệu ông với Claude Cadimia- Pierre, ông này thuê ông làm thư ký. Do đó ông cũng được giới thiệu với bà chủ, nữ nghệ sĩ Simons. Lúc này, ông gần như đã hoàn thành “Meaulnes cao kều”. Bà Simons đọc bản thảo và năm 1913, bắt đầu cho đăng lên tờ tạp chí Pháp mới, chỉ vài tháng sau cuộc gặp gỡ lần thứ hai của ông với Yvon de Kiêvracua – cuộc gặp gỡ cũng ngắn ngủi như cuộc gặp lần đầu và chỉ diễn ra sau tám năm ròng khổ đau và bền gan tìm kiếm cua ông; lúc này Yvon de Kiêvracua đã có hai đứa con. Không khí huyền ảo của cuốn tiểu thuyết, sự chân thật của các bức họa về nông thôn, việc miêu tả rất đạt tuổi thanh niên đầy lo âu đem lại vinh quan tức thời cho tác giả, thiếu chút nữa là được giải thưởng Concourt. Phấn khởi, Alain Fournier phác thảo một vở kịch ba màn “Nhà trong rừng”, và bắt đầu suy nghĩ suy nghĩ và viết, theo lời khuyên của bà Simons, một cuốn tiểu thuyết mới “Con bồ câu Blăngxê”. Cuốn này, mới có vài chương chưa hoàn chỉnh, không bao giờ ra mắt bạn đọc. Chiến tranh đã nổ ra. Ngày 2 tháng 8 năm 1914, Alain Fournier bị động viên. Và ngày 22 tháng 9, các báo loan tin rằng trung úy Alain Fournier đã mất tích trong khi chiến đấu ở môt khu rừng ở Epắcgiơ.
***
Trong văn học, được ghi nhận là “người của một cuốn sách” là một vinh hạnh lớn. Văn học Pháp chỉ có vài trường hợp, hay có lẽ chỉ có hai. Đó là Saclơ Bođơle với tập thơ “Những bông oa của cái xấu” và Alain Fournier với tiểu thuyết “Meaulnes cao kều”. Vừa ra đời, “Meaulnes cao kều” đã gần như được mọi người, độc giả và nhà phê bình, mọi khuynh hướng văn học, cổ điển và hiện đại, đạo đức và tôn giáo, đồng thanh thừa nhận là một tác phẩm lớn. Cho đến nay, nó vẫn được tái bản liên tiếp, được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết Pháp hay nhất. Tạp chí văn học “Châu Âu”, một tạp chí tiến bộ có uy tín trong văn đan thế giới, đã dành hẳn một số cho nó và Alain Fournier. Nó được đánh giá cao ở Liên Xô và được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Nó cũng đã được nhiều nhà làm phim của Pháp và các nước khác đưa lên màn ảnh.
Cuốn tiểu thuyết như một bài thơ trữ tình dài, một bài ca thiết tha ngợi ca tuổi thơ và tuổi trẻ. Những nét đặc trưng nhất của lứa tuổi này đều được thể hiện thật chính xác. Lãng mạn, phiêu lưu, liều lĩnh nhưng mà chân thực, thủy chung, tự trọng. Non nớt, ngây thơ đấy, mà cũng vững vàng, chín chắn làm sao. Cái chín của chất người không gì làm hoen ố hay khuất phục được. Lầm lẫn, phải trả giá, nhưng biết vươn lên, biết ăn năn và sửa lỗi. Cuối cùng, qua bao vấp váp, có thể nói là hy sinh nữa, khát vọng cái đẹp – gồm tình bạn, tình yêu, hạnh phúc – đã chiến thắng, nói khác đi, chất người chỉ càng thêm hùng mạnh và nên thơ. Đây chẳng phải là một chân lý trên cõi thế này?... Các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết đều là thanh niên mới lớn, người nào cũng cao quý, tuy không phải là không có nhược điểm, tinh bạn và tình yêu sao àm đẹp đẽ, mặn nồng. Nhân vật Meaulnes đầy cá tính, là một điển hình đạt đến độ cổ điển. Những hình ảnh, đặc biệt là thiên nhiên và làng quê, được khắc họa thật khúc chiết, đầy cảm xúc, gợi lên sự hật dễ lay động lòng người và chất thơ làm trào dâng những tư tưởng sâu xa và cao đẹp. Ấn tượng về sự thật của cuộc đời và tình người do tác phẩm gây nên không phải là không sâu sắc. các đẹp hơi buồn do toàn bộ tiểu thuyết gây nên – nhân vật, phong cảnh, cấu trúc, ngôn ngữ… đúng là hiện thân của tuổi xuân mà bản chất là đẹp.
Mặc dù đây đó còn những chỗ có phần quá “văn chương”, Meaulnes cao kều thực sự chinh phục đươc bạn đọc, và là cần thiết cho tất cả, nhất là các bạn trẻ sắp bước vào đời. Có lẽ vì vậy, nó được gần như hết thảy các cây bút hiện đại của văn học Pháp yêu quý và học tập. Nó rất cần được chuyển đến như một tặng phẩm có giá trị cho mọi bạn trẻ vừa từ giã tuổi thơ hay đang sống tuổi thanh niên. Nó cũng là một gợi ý tốt cho các nhà văn, nhất là các nhà văn đang tự đào tạo, sắp được công nhận hay sắp vào nghề. Mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm trong “Meaulnes cao kều” là một trường hợp điển hình cho làm thế nào để sáng tác thành công.
NGUYỄN VĂN QUANG