Chương 1

NHÀ TRỌ BÌNH DÂN

Khu nhà trọ bình dân ở phố Neuve-sainte- Geneviève nằm lọt thỏm giữa khu La tinh và khu ngoại ô Sainte-Marceau. Bà lão Vauqueur, vốn người ở Connans, làm nhiệm vụ quản lý toàn bộ khu nhà trọ đó suốt 40 năm nay - nhà trọ Vauqueur.

Gọi là nhà trọ bình dân vì Vauqueur đón nhận tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi của xã hội tới đây ngủ nghỉ mà không cần phải để ý đến bất cứ lời xầm xì bàn tán nào cả. Đấy là nói như thế, chứ đã suốt ba mươi năm nay, người ta chưa hề thấy có một thanh niên nào tới trọ ở đó, mặc dù giá thuê phòng ở đấy ưu tiên đặc biệt cho giới trẻ. Thế rồi một ngày kia bỗng nhiên có một cô gái trẻ xuất hiện ở khu nhà trọ, đó cũng là những ngày đầu tiên của tấn thảm kịch này, nó bắt đầu từ năm 1819.

Dùng từ thảm kịch cũng chẳng có gì là thái quá cả, vì câu chuyện này không chỉ là một bi kịch theo đúng nghĩa của nó mà suốt từ đầu chí cuối nó làm cho người ta xúc động tới tận con tim. Gập trang sách lại, bạn đọc thấy lòng mình xót xa, còn trên khóe mắt thì lệ rơi lã chã. Nhiều người không khỏi thầm thắc mắc: ngoài những người dân Paris quen thuộc ra, liệu còn có ai ở nơi khác quan tâm và thông cảm với chuyện này được nữa không? Bởi vì xem chừng các tình tiết của nó quá tủn mủn và mang đậm sắc thái riêng biệt của địa phương, một địa phương nằm giữa các ngọn đồi Montmartre và dãy núi Montrouge, một thung lũng mà khi ngửa mặt nhìn lên chỉ thấy những mảng thạch cao lở toác ra như sắp rơi xuống những dòng suối đặc quánh bùn đen. Ở cái thung lũng này, hình như khổ đau thì đầy ắp và là thực tế, còn những niềm vui thì hiếm hoi đến nỗi trở thành hão huyền; và người ta cũng chẳng mong có một điều gì đó khả dĩ tạo ra được ấn tượng trong chốc lát ở nơi này. Tuy nhiên, những con người đức hạnh cũng như những kẻ xấu xa ở đây vẫn có thể góp phần làm cho nỗi đau khổ của nhân loại thêm phần lớn lao hơn. Và trước những đau khổ ấy thì sự ích kỷ, những quyền lợi đang đòi hỏi đều bảo nhau tạm ngừng lại và thương xót. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là thoảng qua, được ví như hình ảnh một quả chín thơm ngon đẹp mắt bị ăn ngấu nghiến trong nháy mắt.

Chiếc xe chở nền văn minh - giống như chiếc xe của tượng thần Jaggernat vừa bị hãm chân lại bởi một thằng điên lao vào bánh trước, và gã ta lập tức bị nghiền nát. Cũng giống như bạn vậy, cuốn sách này đang ở trên đôi tay mềm mại của bạn, còn bạn thì nằm lọt thỏm trên chiếc ghế bành ấm áp và đầy hưng phấn vì nghĩ rằng câu chuyện này sẽ làm cho bạn thích thú. Bạn tự nhủ rằng sau khi đã đọc hết, đã biết hết những bí mật của lão Goriot bất hạnh, bạn vẫn có thể đánh chén bữa tối một cách ngon lành và tự cam đoan rằng sự dửng dưng của bạn chẳng qua là vì tác giả quá thơ thẩn mà nói ngoa thổi phồng sự việc. Nhưng, xin bạn chớ vội kết tội tác giả, bởi vì đây không phải là một chuyện viễn tưởng, cũng không hề được hư cấu, thêm bớt mà nó là một thảm kịch thực sự - All is true - tất cả đều là sự thật, nó thật tới mức mà khi đã rõ nó rồi, mỗi người đều có thể nhận thấy ở đó một phần của con người mình, nội tâm của mình.

Như đã nói, khu nhà trọ do bà Vauquer quản lý. Nó nằm ở phía đoạn dưới phố Neuve-Sainte-Geneviève, phía bên phải nơi mảnh đất thấp dần về phía khu phố Arbalète. Hiếm khi ngựa nghẽo qua lại ở khu này vì đây là một sườn dốc gập ghềnh nguy hiểm. Bởi thế nên các đường phố ở đây dù đan xen nhau nhưng lại vô cùng yên tĩnh. Sự yên tĩnh lại được bổ sung thêm hai công trình kiến trúc là nhà thờ Van de Grâce và điện Pastheon. Hai tòa nhà này tung vào bầu không khí ở đây những mầu vàng khè và làm tất cả tối tăm hơn bởi những màu sắc khô khan tỏa ra từ các mái vòm. Người ta toàn nhìn thấy những viên gạch lát khô cứng, những đường cống rãnh không có cả bùn lẫn nước, còn các bức tường thì cỏ leo bám đầy.

Dù chỉ là khách vãng lai qua đây, thì người vô tâm nhất cũng phải cảm thấy buồn phiền. Nhà cửa ở đây thật nghèo nàn và buồn tẻ, những bức tường im ỉm và cũ mốc như tường của nhà tù. Một tiếng kẽo kẹt của chiếc xe ngựa cũ nát qua đây thôi cũng đủ là một sự kiện. Nếu một người từ nơi khác lạc vào nơi này, hẳn rằng họ chỉ thấy ở đây những nhà trọ bình dân, những công trình của sự nghèo khổ, buồn chán, sự giã cỗi chết chóc và niềm vui của tuổi thanh xuân bị cưỡng ép vào công việc tẻ nhạt và khủng khiếp. Đúng là không có một nơi nào của Paris có thể khủng khiếp hơn và nhàm chán hơn. Phố Neuve-Saint-Geneviève làm cho người ta tưởng tượng đến một chiếc khung bằng đồng, thứ duy nhất hợp với câu chuyện này bởi vì nó màu hung, bởi những ý tưởng nghiêm trang của nó, giống như khi người lữ khách từng bước một bước xuống hầm mộ cổ, ánh sáng cứ nhạt dần và tiếng của người dẫn hát cứ chìm dần.

Thật là một sự so sánh tuyệt hảo! Ai sẽ là người quyết định cái gì nhìn khủng khiếp hơn, hoặc là những trái tim khô khan, hoặc là những bộ óc trống rỗng?

Chính diện của nhà trọ là một vườn hoa nhỏ nên nó rơi vào góc phải của phố Neuve-Saint-Geneviève - vì thế mà người ta không nhìn thấy chiều sâu của ngôi nhà. Dọc theo mặt tiền này, giữa ngôi nhà và vườn hoa nói trên là một lối đá cuội rộng chừng hai mét trũng xuống như lòng chảo, hai bên xếp hai dãy bình lớn màu xanh da trời hoặc trắng trồng toàn cây mỏ hạc, cây trúc đào hoặc cây lựu. Trước khi đặt chân vào cái lối nhỏ đó, người ta phải chui qua một chiếc cổng hình tròn, phía trên có gắn một tấm biển nổi bật hai dòng chữ: Quán Vauquer và Nhà trọ bình dân cho nam giới, nữ giới và mọi người. Có một cái cửa sổ mắt cáo được trang bị nút chuông nhỏ với những tiếng kêu chói tai, mà nếu người ta nhìn qua cửa sổ ấy vào ban ngày thì sẽ thấy phía bên kia đường lát, trên bức tường ở phố bên kia có một cái vòm vòng cung bằng đá xanh do một nghệ sĩ của khu phố trang trí. Bên trong là một bức tượng thần tình yêu bán thân. Nhìn lớp sơn tróc vảy của bức tượng này, sẽ cho những người ham thích trường phái tượng trưng cảm tưởng là mình đã khám phá ra ở đây một huyền thoại tình yêu của người Paris mà người ta sẽ cứu chữa được sau đó ít lâu. Dòng chữ khắc đã bị xóa nhòa phần lớn dưới chân bức tượng gợi cho người ta nhớ lại quãng thời gian trang trí hoa văn này, ấy là vào năm 1777, khi mà Voltaire trở về Paris và cảm hứng thốt lên:

Dù bạn là ai, đây, muôn thuở người tình.

Nếu không trước, cũng sau, và mãi mãi.

Khi màn đêm buông xuống, cánh cửa mắt cáo kia được thay thế bằng một cái khác, kín hoàn toàn. Khu vườn hoa phía trước có chiều rộng đúng bằng bề mặt của ngôi nhà, được bao bọc kín bởi dãy tường khu phố và dãy tường chung của hai bên nhà hàng xóm. Các bức tường được phủ kín dây thường xuân giống như choàng một chiếc măng tô màu xanh gây một ấn tượng thật nên thơ giữa lòng Paris trong con mắt người qua đường. Cạnh những bức tường là những giàn nho. Bà Vauqueur thật là lo lắng không yên mỗi khi tới mùa nho kết trái mà lại gặp mưa đá hoặc tuyết bụi. Và nỗi lo ấy chứa đầy trong các cuộc hội thoại giữa bà với khách trọ.

Men theo các bức tường là những lối đi chật hẹp dẫn đến một lùm cây bồ đề, loại cây mà bà Vauqueur vẫn phát âm một cách chắc chắn là cây bù đề bởi bà sinh ra ở Conflans, mặc kệ tất cả những lời nhận xét về ngữ pháp của các khách trọ.

Giữa hai lối đi nhỏ là một góc trồng cây ác-ti-sô cùng một số loài cây ăn quả mà lá được xén theo hình búp sợi, còn phía ngoài cùng là một vài loại rau gia vị. Phía dưới mỗi vòm bồ đề đều đặt một chiếc bàn tròn màu xanh kèm theo vài chiếc ghế nhỏ. Vào những ngày nóng bức, nhiệt độ cao đến nỗi có thể làm nở một quả trứng, bên bộ bàn ghế đó, các vị khách giàu có có thể tự cho phép mình thưởng thức một ly cà phê đặc sánh.

Ngôi nhà trọ gồm có ba tầng, những phòng trên cùng có mái được xây bằng đá và quét một lớp vôi vàng, thế là tự nó bỗng dưng tạo ra cho bản thân một sự hèn kém so với tất cả những ngôi nhà thời ấy ở Paris. Những tấm rèm che các khung kính của năm ô cửa sổ không cái nào giống cái nào, nghĩa là mỗi cái một màu, chẳng hề ăn nhập với nhau. Mặt sâu của ngôi nhà này có hai cửa sổ ở tầng trệt và được bảo vệ bằng những song sắt giăng kín lưới. Phía sau ngôi nhà là một khoảng sân rộng chừng hai mươi bước, đó có thể gọi là khu chung cư hòa thuận của gà, lợn và thỏ. Tận cuối sân là một cái kho chứa gỗ. Giữa kho chứa đồ và cửa sổ nhà bếp treo lủng lẳng một chân bát để hứng nước mỡ ở bồn rửa bát rơi xuống. Khoảng sân này có một cái cổng nhỏ mở ra phố Neuve-Saint-Geneviève mà người đầu bếp dùng làm nơi tống rác từ ngôi nhà ra sau khi đã dùng nước để kỳ cọ nhà cửa cho hết mùi hôi thối.

Bởi vì ngôi nhà dùng vào việc kinh doanh nhà trọ bình dân, nên căn phòng đầu tiên của tầng trệt trông khá sáng sủa với hai cửa sổ nhìn ra đường phố, cùng với một cửa kính thông ra hành lang làm lối đi vào. Phòng này còn được thông với một phòng ăn, có buồng cầu thang ngăn cách phòng ăn với nhà bếp bởi những bậc thang bằng gỗ và bằng gạch vuông đã được đánh bóng. Thật là một cảm giác buồn tẻ khi nhìn vào căn phòng được trang bị bởi những chiếc ghế bành và ghế tựa bọc vải nhồi sợi chỗ xỉn chỗ sáng. Chính giữa những chiếc ghế đó là một chiếc bàn tròn mặt làm bằng thứ đá hoa cương Sainte-Anne, trên bàn đặt một khay chén bằng sứ trắng có chỉ vàng đã bị mờ đi một nửa, thứ khay chén ngày nay có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào. Tường của căn phòng này được ốp gỗ đến vừa tầm vịn, phía trên đó được dán bằng giấy bản vẽ đầy những tích truyện Télémaque ([1]) mà các nhân vật cổ điển được tô màu. Phần phẳng giữa hai cửa sổ giăng lưới sắt được dành cho khách trọ ngắm nhìn bức vẽ bữa tiệc Calypso tổ chức cho con trai Ulysse. Đã từ bốn mươi năm nay, tác phẩm tranh này luôn kích động sự giễu cợt của những khách trọ trẻ, những người luôn cho rằng mình ở cao hơn vị trí hiện tại khi chế nhạo bữa ăn tối mà ở đó sự nghèo khổ trói buộc họ. Lò sưởi bằng đá, mặt bếp sạch sẽ đã chứng thực là nó chỉ được đốt lửa vào nhũng dịp trọng đại, người ta trang trí bếp lò bằng hai bình cắm đầy hoa giả cũ mèm đi kèm với một chiếc đồng hồ quả lắc bằng đá hoa cương màu xanh nhạt còn kém thẩm mỹ hơn. Căn phòng đầu tiên này tỏa ra một thứ mùi không có tên gọi trong ngôn ngữ và có lẽ nên gọi là mùi nhà trọ. Nó có vẻ như mùi của chỗ không thoáng khí, mùi mốc, mùi oi khét; nó tạo ra sự lạnh lẽo, ẩm ướt xông lên mũi, nó xâm nhập vào quần áo; nó có mùi vị như tất cả các mùi hợp lại: mùi một căn phòng sau bữa ăn tối, mùi hôi nhà bếp, mùi nhà tế bần. Dù chỗ này là đáng ghê tởm nhưng nếu bạn đem nó ra để so sánh với phòng ăn ở cạnh đó bạn sẽ thấy phòng khách này còn quá lịch sự và thơm tho biết bao, như một phòng riêng của thiếu nữ vậy. Phòng ăn đó hoàn toàn được ghép bằng gỗ, không rõ trước kia được sơn bằng màu gì mà giờ đây không còn nhận biết được nữa, nó trở thành một cái nền mà trên đó cáu ghét đã vẽ lên những khuôn mặt kỳ dị. Căn phòng đầy những tủ đựng chén bát đồ đạc dính dớp, phía trên là những bình nhỏ bụng tròn hoặc những hình chữ V đã bị hỏng; những vòng tròn lấp lánh ánh kim, những chồng đĩa bằng sứ dày có màu xanh lơ, được sản xuất tại Tournai. Trong một góc phòng có đặt một chiếc hộp nhiều ngăn đánh số dùng để đựng những chiếc khăn có vết bẩn hoặc là có vết rượu màu của khách trọ. Ở đây người ta tìm thấy những đồ đạc không thể xóa bỏ được, chúng không tồn tại ở khắp nơi nhưng lại hiện diện ở đây như nó phải thế, như những tàn tích đặc trưng cho nền văn minh của những người bị bệnh nan y. Bạn sẽ thấy ở đây một chiếc nhiệt kế hình con khỉ chồi ra mỗi khi trời mưa, những bức tranh kinh tởm làm mất cảm giác ăn ngon miệng được lồng trong khung gỗ đánh véc ni có mạ vàng; một chiếc khung treo đồng hồ bằng đồi mồi có khảm đồng, một chiếc chảo màu xanh, những chiếc đèn dầu Argrard đầy bụi bặm lẫn vào dầu, một chiếc bàn dài phủ khăn trải bằng vải hồ khá bẩn đủ để một người ngoại trú viết tên của mình lên đó bằng ngón tay, những chiếc ghế tựa khập khiễng, những tấm chùi chân thảm hại bằng hàng đan dịch chuyển lung tung nhưng không bao giờ mất đi đâu và sau nữa là cái lò sưởi vỡ lỗ, bản lề chệch, củi trong đó đã cháy thành than. Để giai thích rõ đồ đạc ở đây cũ kỹ, nứt nẻ, mục nát, yếu ớt, mòn vẹt, què cụt, tồi tàn, hoang phế, hấp hối đến như thế nào, có lẽ cần một bài văn miêu tả về nó mà vì thế có thể làm chậm lại quá nhiều hứng thú đối với câu chuyện này và những người bận rộn sẽ không tha thứ cho điều đó. Nền gạch màu đỏ đầy những lỗ do cọ sát hoặc do khuôn làm xấu. Tóm lại là cái nghèo ngự trị không khoan nhượng lên tất cả đời sống trong sự dè sẻn, cô đọng và trơ sờn. Nếu như nó chưa lấm bùn đen thì nó cũng đang có những vết bẩn và nếu như nó không thủng lỗ cũng không rách rưới, thì rồi nó cũng sẽ rơi vào tình trạng mục nát mà thôi.

[[1] Truyện Télémaque ở thê kỷ 17, kể những chuyện phiêu lưu của Télémaque - con của Ulysse và Penelop. Được lấy từ sử thi Ulysse.]

Căn phòng này trông choáng nhất là vào lúc bảy giờ, khi con mèo của bà Vauquer đi trước chủ, nhảy lên những chiếc tủ đựng bát đĩa và bàn ăn, đánh hơi thấy có nhiều sữa đựng trong bát chén được đậy bằng những chiếc đĩa, và khẽ rên những tiếng gừ gừ. Khi đó bà goá xuất hiện với chiếc mũ nồi bằng vải tuyn kì cục đội trên một vòng tóc giả không được chải chuốt tử tế, bà ta vừa đi vừa kéo lê đôi giầy nhăn nhúm. Gương mặt bà có vẻ già cũ, béo tròn như hạt mít, ở giữa mọc lên một cái mũi khoằm giống như chiếc mỏ của con vẹt, đôi tay nhỏ béo mũm mĩm, thân hình mập mạp như một con chuột trong nhà thờ, chiếc áo nịt ngực đầy ắp và phập phồng; tất cả như hài hoà với căn phòng này, nơi sự bất hạnh đang rò rỉ và sự bóc lột đang ẩn nấp, còn bà Vauquer thì hít thở mùi hôi thối một cách nhiệt tình mà không cảm thấy buồn nôn. Nét mặt bà tươi tắn như một làn tuyết đầu tiên của mùa thu, đôi mắt có dấu chân chim như không biết đến nụ cười, vẻ luôn cau có gay gắt của người làm chiết khấu đối với những cô gái nhảy. Tóm lại toàn bộ con người bà thể hiện tính chất nhà trọ cũng như ngôi nhà trọ bao hàm hình ảnh con người bà.

Địa ngục trần gian sẽ không ổn nếu như không có cai ngục, bạn sẽ không thể nào tưởng tượng ra cảnh này mà không có thứ kia. Tình trạng phì nộn và nhợt nhạt của người phụ nữ nhỏ bé đó là sản phẩm của cuộc sống này giống như bệnh sốt truyền nhiễm là hậu quả của mùi xú uế từ một bệnh viện.

Chiếc váy lót bằng len đan của bà ta thò ra cả bên ngoài một chiếc váy cũ, sợi bông sờn ra những kẽ nứt của vải. Khi bà có mặt thì bức tranh ở đây hoàn tất. Ở độ tuổi chừng năm mươi bà Vauquer giống như tất cả những phụ nữ đã từng đau khổ.

Đôi mắt lờ đờ với vẻ vô hại của một người môi giới sẽ phản kháng quyết liệt để được trả giá cao hơn, nhưng mặt khác lại làm tất cả để được an ủi số phận, sẵn sàng giải phóng cho Georges hoặc Pichegru ([2]), nếu như Georges hoặc Pichegru cần được giải phóng. Tuy nhiên bà là người phụ nữ tốt bụng như những khách trọ thường nói và họ tin rằng bà chẳng có của nả gì khi nghe bà phàn nàn rên rỉ và ho giống như họ. Ông Vauquer là ai? Bà chưa bao giờ nói về người chồng đã chết. Ông ta đã đánh mất tài sản như thế nào? Trong những lúc rủi ro bất hạnh, bà đã kể lể, ông ta đối xử với bà tồi tệ, chỉ để lại cho bà đôi mắt dành để khóc, ngôi nhà dùng để ở và cái quyền chẳng phải động lòng thương xót tới bất kỳ sự không may mắn nào bởi vì, như bà nói, bà đã hứng chịu tất cả những gì có thể chịu đựng được. Khi nghe tiếng chạy lúp xúp của bà chủ, chị đầu bếp to béo Sylvie vội vàng dọn bữa sáng cho các khách trọ.

[[2]: Hai tướng Pháp âm mưu chống Napoléon.]

Thường những khách trọ tự do chỉ đặt cơm tối hết khoảng ba mươi phơ-răng mỗi tháng. Vào thời điểm câu chuyện này bắt đầu, số người ăn trong nhà trọ là bảy người. Tầng một gồm hai căn phòng tốt nhất của ngôi nhà. Bà Vauquer ở phòng kém hơn còn phòng kia thuộc về bà Coutere, vợ goá của một ngài uỷ viên tư lệnh của nước Cộng hoà Pháp.

Cùng ở với bà là một cô gái còn rất trẻ tên gọi là Victorine Taillefer, người được bà dành cho tình cảm của người mẹ. Tiền trọ của hai quý bà này lên tới một nghìn tám trăm franc. Hai phòng ở tầng hai đã có người ở, một phòng được thuê bởi một ông già tên là Poiret; người ở phòng còn lại là một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, đội một bộ tóc giả màu đen cùng màu với chòm râu quai nón, tự cho mình là cựu thương gia, ông tên là Vautrin.

Tầng ba gồm bốn buồng trong đó có hai buồng đã được thuê, một cô tên là Michonneau, và một người trước đây sản xuất mì sợi được gọi với cái tên là lão Goriot. Hai buồng còn lại được dành cho những kẻ qua đường; những sinh viên vô sản, những kẻ đó giống như lão Goriot và cô Michonneau, chỉ có thể bỏ ra bốn nhăm phơ-răng thanh toán cho việc ăn uống và việc ở trọ; còn bà Vauquer không mong muốn sự có mặt của họ cho lắm và chỉ nhận họ khi không tìm được điều gì tốt hơn: họ ăn quá nhiều bánh mì. Vào thời gian đó, một trong hai căn buồng kia thuộc về một chàng trai trẻ thuộc vùng lân cận Angoulême đến Paris để học luật và gia đình đông đúc của anh đã phải chịu sự thiếu thốn kéo dài khi phải gửi cho anh một nghìn hai trăm phơ-răng mỗi năm. Eugène de Rastignac, tên của anh, là một trong những thanh niên quen làm việc do sự nghèo khổ, là những người hiểu rõ từ khi còn trẻ tuổi những hy vọng của cha mẹ đặt nơi họ và họ tự chuẩn bị một số mệnh tốt đẹp bằng cách tính toán trước tầm quan trọng những ngành học của họ và thích nghi trước với biến động trong tương lai của xã hội để trở thành những người đầu tiên triệt để tận dụng nó. Nếu như không có những quan sát tò mò của anh ta và cái tài khéo léo mà qua đó anh ta đến ra mắt trong các phòng tiếp khách ở Paris, câu chuyện này đã không có được những màu sắc chân thực, mà được như vậy cũng là nhờ anh ta có trí óc minh mẫn và ham muốn đi sâu vào khám phá những điều bí ẩn trong một cảnh ngộ kinh khủng dù nó được che đậy khéo léo bởi những kẻ gây ra hay người phải chịu đựng nó.

Phía trên tầng ba là kho chứa đồ để treo quần áo và hai căn buồng có che mái là nơi ở của một cậu bé làm công vất vả tên là Chirstophe và chị béo Sylvie, đầu bếp. Ngoài bảy người ăn ở tại nhà trọ này ra, bà Vauquer, tuỳ năm thịnh năm suy còn có tám sinh viên luật và y khoa cùng với hai hoặc ba người quen trong khu phố là những người thường chỉ đặt bữa ăn tối ở chỗ của bà. Phòng ăn tối chứa được mười tám người và có thể lên tới hai mươi người nhưng bữa sáng chỉ có bảy khách trọ nên nó có cái vẻ của một bữa ăn gia đình. Mỗi người đều đi xuống nhà bằng đôi giày đi trong nhà, tự cho phép đưa ra những lời nhận xét kín đáo về cách ăn mặc hoặc dáng vẻ của những người bên ngoài, về những sự kiện của buổi tối trước đó trong khi thể hiện sự tin tưởng vào sự thân thiết ở đây.

Bẩy người khách trọ này là những đứa trẻ hư được chiều chuộng bởi bà Vauquer, người luôn so tính những sự chăm sóc quan tâm dành cho họ với một nhận định theo kiểu các nhà Thiên văn, theo mức độ mà số tiền mà họ trả cho nhà trọ. Cùng một kiểu đánh giá như vậy làm ra vẻ những người này giống nhau một cách ngẫu nhiên. Hai người ở tầng hai chỉ trả có bảy hai phơ-răng mỗi tháng. Giá rẻ này chỉ có thể gặp được ở trong khu ngoại ô Saint - Marcel, ở giữa Bourbe và Sanpétrière và bà Couture là một ngoại lệ duy nhất, thông báo rằng chỉ dành cho những khách trọ bất hạnh ít nhiều trông thấy rõ. Cảnh tượng não lòng như bên trong ngôi nhà được lặp lại trong trang phục khách trọ, cũng rách nát như vậy. Đàn ông mặc áo rơ-đanh- gôt mà mầu của nó đã cũ đến nỗi khó nhận ra được, đi những đôi giày giống như những đôi bị vứt ở cột mốc trong những khu phố lịch sự, quần áo lót sờn rách không còn ra gì nữa. Phụ nữ mặc những chiếc váy phai màu được nhuộm lại rồi lại phai màu với viền đăng-ten cũ kỹ và lỗi mốt, đi những đôi găng tay trơn láng vì dùng nhiều, khoác chiếc cổ áo xếp luôn luôn có màu hung và khăn choàng vai rút sợi. Trang phục bên ngoài như vậy nhưng thân hình họ rất vững chắc: những thể trạng chống chịu được với bão táp cuộc đời, những gương mặt lạnh giá, khô khan, lu mờ như những chiếc khiên đã hết thời sử dụng. Những khuôn miệng méo mó được trang bị hàm răng hau háu. Những khách trọ đó khiến ta cảm thấy như sắp xảy ra những thảm kịch trọn vẹn, không phải là những màn kịch được đóng dưới ánh đèn sân khấu kia trong những màn vải vẽ sơn, mà là những bi kịch sống và câm lặng, những bi kịch lạnh lùng làm con tim thổn thức, những bi kịch đeo đuổi đai đẳng.

Cô gái già Michonneau giữ gìn đôi mắt mệt mỏi của mình bằng một tấm vải diềm taffetas màu xanh cáu bẩn được đính vòng quanh bởi một sợi dây đồng thau làm hoảng sợ cả thiên thần của lòng thương hại. Chiếc khăn san của cô với những viền nhỏ và có hình giọt lệ giống như phủ lên một bộ xương, những gì mà nó che giấu được đều có hình dạng rất xương xẩu. Sự chua chát nào đã chi phối việc tạo ra những đường nét phụ nữ đó của cô? Cô chắc hẳn đã từng xinh đẹp và toàn vẹn. Phải chăng là do sự thấp hèn, sự buồn phiền, lòng hám của?