Nắng. Cái nắng hè hanh hao như từ bốn bề dội vào, từ trên cao đổ xuống, từ đất hắt lên. Quần áo như khô dòn gãy vụn ra được. Nắng đập vào mắt loang loáng, nắng chui vào tai ù ù. Mồ hôi hóa luôn thành muối dính trên thịt da rin rít. Mệt mỏi đường trường, cộng thêm sự nôn nao muốn mau về tới nhà, tôi cảm thấy con đường như dài hơn, bước chân thì bị ngắn lại. Phải, mười lăm năm xa quê, được quay lại thăm cội nguồn, thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất giữ tuổi thơ, ai mà chẳng vậy.
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muốn nhớ cà giầm tương
Chỉ có được sinh ra và lớn lên ở miền quê này mới thấm thía với cái sinh hoạt dân dã thanh đạm của nó. Lần hành hương này, chiếm phần lớn trong vùng ký ức của tôi là cái cổng làng. Dẫu rằng khoảng thời gian xa cách so với cuộc đời thì quả là đã gần một phần tư đời người (tính theo tuổi thọ trung bình của người Việt) nhưng hình ảnh cái cổng làng vẫn còn đậm nét, ngay cả trong những giấc mơ từ nơi xa xứ.
Nằm ở ”thế đất quần ngư“, làng tôi qủa là đẹp. Giữa chốn đồng bằng, xa rừng, xa biển, vậy mà thiên nhiên lại ban phát cho những hình thể kỳ vĩ. Chuôm Đầu Rồng có hình dáng như một con rồng đang kéo làng vươn tới. Gò Bút Nghiên giống như cái bút lông, đầu bút nhúng vào nghiên mực của các bậc hiền nho đang thư thái tìm cảm hứng thi cạ Gò Quần Ngư như đàn cá chép trong những đêm trăng, nổi lên giữa làn nước lung linh dường như cũng biết giỡn trăng. Đó là phần thiên tạo, còn lịch sử làng thì đáng tự hào. Miếu thờ Thành Hoàng có từ bao giờ, chẳng ai còn nhớ vì giấy tờ sắc phong đã thất thoát, nhưng những huyền thoại linh thiêng quanh ngôi miếu vẫn truyền tụng. Cửa miếu có tấm bia đá đề ”Hạ Mã“. Đền làng thờ hai vị: Đinh Triều Thống Chế và Lý Triều Đại Tướng Quân. Còn ngôi chùa cổ kính rêu xanh phủ dày mái ngói, hàng cột sừng sững, có cột hóa bộng để chúng tôi vẫn chui vào ẩn mình trong trò chơi trốn tìm; khách thập phương bốn mùa kéo về hương khói. Dòng họ nào trong làng cũng ông Hương, ông Cửu. Địa linh sinh nhân kiệt, bởi vậy việc dựng vợ gả chồng là chuyện bất xuất bất nhập được ngầm quy ước trong làng. Thế là cả làng đều có họ hàng dây mơ rễ má với nhau. Anh nào đi xa viết thư về mà lỡ thiếu câu kết thúc: ”gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe bà con làng xóm“ thì bị coi là kẻ bạc tình bạc nghĩa.
Làng tôi xưa nằm bên cạnh con đường nối các vùng phía Nam ra kinh đô Thăng Long. Rồi thực dân Pháp sang mở con đường nhựa mới, thành ra làng bây giờ xa đường lộ gần một cây số. Ngay từ khi mới xuống xe, nhìn về làng, mắt tôi hụt hẫng. Cây đa cổ thụ còn đó, vẫn um tùm xum xuê như một mâm xôi xanh dâng lên trời. Nhưng còn hai cây gạo hàng trăm tuổi bên cổng làng đâu ? Bão hay sét quật đổ rồi? Biểu tượng khát vọng bất tử của làng sao không còn ?
Giờ này có đứa trẻ nào leo lên cổng Sĩ để ngóng người nhà như tôi ngày xưa không nhỉ? Hồi tôi bốn năm tuổi, cứ mỗi buổi mẹ đi chợ, tôi lại ra cổng làng đứng ngóng. Với thân hình lũn chũn, khó có thể nhìn xa, tôi theo lan can leo lên tam quan để được nhìn xa hơn. Ở trên ấy có thể bao quát được cả vùng rộng lớn. Trong mười lăm năm xa quê, từng đứng trên sân thượng của những ngôi nhà cao tầng, từng nhìn mặt đất qua ô cửa kính máy bay, nhưng chưa bao giờ tìm lại được cảm giác như đứng trên tam quan của cổng làng thuở ấy. Bởi vì trên đó, tôi có thể thấy rõ thấp thoáng tấm lưng còng của bà tôi, tôi sẽ phát hiện ra từ xa dáng mẹ te tái với cái rổ cắp ngang hông. Trong rổ ấy là cả một sự háo hức có thể là mấy cái bánh đa hay cái bánh tẻ, cũng có thể là vài bắp ngô luộc hoặc chùm nhãn ngọt ngào.
Ngay cả khi giải phóng Miền Nam, cha tôi từ chiến trường về phép, được mấy người đi xe đạp báo tin, bà con họ hàng ùa ra đón. Tôi bình tĩnh leo lên tam quan. Tôi nhìn thấy cha trước nhất. Người mặc quân phục xanh, ngôi sao trên mũ lấp lánh ánh mặt trời. Chiếc ba lô trĩu nặng khiến cha phải chúi người về phía trước, lại thêm cái túi xách to đùng làm cha lúc lúc lại phải đổi tay hoặc hạ xuống để quệt mồ hôi trên mặt. Tôi gọi cha ầm ĩ nhưng những tiếng reo chào đón của mọi người át hết cả. Anh, chị tôi lao vào ôm chầm lấy cha, cha tôi xoa đầu vỗ về họ trước tôi. Nỗi tủi hờn dâng thành tiếng nấc. Tự nhiên tôi oán giận cái cổng, lăn ra ăn vạ nó, hai chân đạp tới tấp lên thành (Lúc ấy tôi không thấy đau nhưng phải bóp thuốc mấy ngày mới hết đi tập tễnh). Thật may, cha hỏi về tôi, chú tôi sực nhớ và đoán tôi đang ở tam quan nên vội quay về lôi tôi xuống. Chao ôi, đâu cứ phải đứng trên cao để được phát hiện ra là đủ, sẽ là vô nghĩa nếu chỉ dừng lại ở chỗ nhìn nhận thấy mà không hành động được gì !
Thời tôi đi học trường của xã, cái cổng trở thành chiến lũy kiên cố. Trước khi đi học, chúng tôi thường nhặt gạch ngói, đất đá đưa lên tam quan và chất trong cổng. Tan buổi học, cuộc chiến đấu với lũ trẻ làng khác nổ ra. Nếu thua, chúng tôi rút về chiến lũy. ”Đạn“ trong thành bắn ra, trên cao dội xuống. Sau một hồi phòng thủ, thấy đối phương đã cạn kiệt binh lực, chúng tôi lập tức phản công đuổi cho ”quân giặc“ chạy về tới bờ tre làng chúng nó.
Cái cổng làng với tôi có lẽ chỉ có thể nếu không xảy ra trận đòn của chạ Một lần về phép, những món quà mà cha mua về làm tôi hơn hẳn bọn cùng trang lứa trong làng. Tôi vênh vang ngạo mạn giống như gã trọc phú được mùa thu lợi, tôi cố ra vẻ hơn người. Cha tôi gọi tôi về.
- Sao con lại ngông nghênh thế ?
- Đời mà cha - tôi triết lý - Hơn nhau tấm áo manh quần.
”Bốp, bốp“ hai cái tát tai liên tiếp đến bất ngờ. Tôi chưa kịp định thần lại thì người đã túm cổ áo tôi và lôi đi.
- Đi, đi ! Tao sẽ cho mày biết thế nào là ở đời!
Nỗi tự ái của thằng con trai 16 tuổi dâng cao độ. Đi thì đi, xá gì ! Dù cha có băm tôi làm trăm mảnh hay dìm xuống nước, cũng ”chiều“. Bởi đây là lần đầu tiên tôi bị xúc phạm nặng. Tôi hùng hổ bước, vậy mà vẫn khó nhọc mới theo được. Người kéo tôi qua cổng làng rồi quay lại chỉ lên:
- Mày đọc xem chữ gì ?
- Con không đọc được chữ nho.
- Sống ở làng này mà không đọc nổi chữ ở cổng làng, lại dám vênh mặt ra vẻ hiểu đời à ? Chữ này là chữ ”Đa Sĩ“. Người trầm giọng và thở dài - ”Chính vì vậy cổng này được gọi là cổng Sĩ nhớ chưa con“ ?
Thì ra là vậy, từ trước tới nay tôi chỉ biết theo mọi người nói là cổng Sĩ chứ đâu có hiểu được căn nguyên !
- Còn dọc theo bên cổng này là: ”Bình bộ Hoàng Trung đa thiểu khách“, dọc bên cổng kia là : ”Vãng lai đạo lý sĩ hiền môn“. Tạm dịch là “con đường làng Hoàng Trung có ít hay nhiều khách, qua lại cửa này là những bậc người có đạo lý, hiền tài“. Cái cổng làng là bộ mặt của làng, biểu hiện phẩm cách của làng. Con sống ở đó thì con phải theo đó mà sống, nếu không con chỉ là kẻ kệch cỡm.
Ngay chiều hôm ấy, cha con tôi ngồi trên gò Bút Nghiên, người kể câu chuyện thời Tây Sơn đưa quân ra Bắc Hà. Tư tưởng trung quân ái quốc đã khiến dân làng tôi nổi dậy đánh đuổi nhóm thám binh của quân Tây Sơn. Sau khi bình định xong Bắc Hà, một viên tướng Tây Sơn với đội kỵ binh thiện chiến kéo đến, gươm giáo chói lòa. Đến cổng làng, đọc những chữ ghi trên cổng, ông ta rùng mình tra gươm vào vỏ, quay lại nói với quân sĩ :
- Chủ tướng ta đang chiêu mộ nhân sĩ Bắc Hà, vậy thì ta không được động đến dân làng của đất Đa Sĩ này.
Vậy là cái cổng cứu thoát cho cả làng.
Cũng từ lần về phép đó của cha, gia đình tôi phải xa làng xóm, xa cái cổng chứa chất đầy ký ức. Người sợ con không cha như nhà không có nóc.
Tôi ngước mắt lên nhìn tam quan. Phải chăng do đi nhiều, gặp nhiều cổng lớn và hiện đại nên cái cổng làng đã trở nên nhỏ bé ? Không, rõ ràng không phải. Mấy ngôi nhà đầu làng đã hiện rõ trước mắt, chỉ còn vài chục mét nữa là tới. Con đường trở thành một vết lóa nắng, trống trải, đâm thẳng vào làng. Lòng tôi nhức nhối, chân bước chông chênh hẫng hụt.
- Cha năm đời mười đứa nào bắt gà của bà thì ra mà nghe bà chửi nhá ! Mày bắt gà, mày vặt lông ra, mày xào mày luộc, mày nấu mày nướng, cho vợ cho chồng, cho con cho cái, khu khi khú khí, vói nhau nhá ! Mày có khôn hồn thì trả ngay gà cho bà, nếu không ngày rằm ngày một bà trồng cây chuối ngược, bà gọi thần trùng đỏ mỏ, mặt xanh nanh trắng đến bắt cả nhà mày đi!
Một bà già đứng trước cổng nhà vung tay chửi chí chát. Cái yếm đã sẫm màu cháo lòng phơi ra nhờ cái áo nhuộm củ nâu cũ kỹ không cài khuỵ Cái váy bằng vải đen mộc thả lửng lơ dưới ống chân. Cái bao đựng tiền thắt ngang hai đầu thòng xuống. Tôi nhận ra là cô Lim. Năm nay cô Lim chắc đã ngoài 80 tuổi. Cả làng gọi bằng cô vì không chồng con, sống độc thân. Nghe nói ngày xưa là con cụ Nghè. Vốn dòng dõi nho gia nên cũng thạo thơ phú, lại thêm xinh đẹp, nhiều chàng muốn đánh tiếng nhưng đành thôi vì tính nết của nàng ngang tàng, kiêu kỳ đến chanh chuạ Bởi vậy suốt đời là cô Lim.
Nhà cô ở sát ngay đầu làng, dân làng tôi vẫn nói: ”Gà mái giữ cửa chuồng, bao giờ cô Lim chết thì gái làng mới hết ế“. Mà quả vậy hầu như việc trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường đều từ cô Lim mà ra (vì cô thì ít ngủ, cái cổng làng cũng chẳng kín đáo gì) thành ra trai thiên hạ đến tìm hiểu con gái nhà ai, cô đều biết cả, lần sau bọn chúng có đến là trai làng tôi bày binh bố trận xử cho lên bờ xuống bụi hoặc chạy có đuôi.
Thời tôi còn ở quê, những ”bài ca“ của cô Lim vần điệu hơn, nhẹ nhàng hơn, mát mẻ hơn, chứ không độc địa như bây giờ. Thường thường bắt đầu bằng câu: ”Nhà nào có con có cái, có cháu có chắt mà không dạy được thì đưa đến đây tao chỉ cho nhá !“. Ầyy là chỉ vì mấy quả ổi, quả táo, quả bưởi... mà lũ trẻ ranh đến ”đột kích“ hoặc là đứa nào lỡ ném mẩu gạch mẩu sành rơi vào sân hay mái ngói nhà cô.
Thấy tôi có vẻ người lạ, bà già ngừng chửi, chăm chăm đôi mắt mờ đục nhìn tôi.
- Chào cô Lim, cô có mạnh khỏe không ?
Bà cụ ngỡ ngàng... tôi tiếp luôn:
- Cháu đây, cu Còm con ông Hiếu đây! (Còm là tên tục của tôi).
- Ối giời đất ơi, anh cu Còm đấy á! Làng nước ơi, cháu của cụ Thưởng về đây này !
Sau những tếng reo như xé vào trưa hè thay cho những lời chửi, bà bảo tôi:
- Tệ, Tệ quá ! Anh ở ngay trong nước mà đi biền biệt, có dễ đến gần 20 năm đấy chứ !
Chúng nó đi cái nước I răng I rắc hay đi Đức ở tận đẩu tận đâu cũng chỉ vài năm là về.
Giống như những đứa trẻ đang thiu thiu ngủ bỗng nhiên bị mẹ đổi giọng ru, thấy cô Lim ngừng ”vọng cổ“ mà chuyển sang đối thoại, lập tức mấy cái đầu thò ra từ các cổng nhà, tiếp theo là những tiếng reo vui chào hỏi.
- Hà hà , già giặn gớm rồi đấy nhỉ ?
- Tưởng biệt tăm rồi chứ !
- Vợ con gì chưa ?
- Làm ăn ở trong đó có khó không ?
-...
Giữa trời nắng chầy chầy, cộng thêm sự mệt mỏi, chán chường, nhưng vì nể tình họ hàng làng xóm, tôi phải trả lời đáp lễ.
- Thôi về nhà cho chú thím nó mừng! Bà con cũng về nghỉ để chiều còn đi làm! Tối đến chơi.
Cô Lim gỡ cho tôi. Mọi người về vì ngại ”bà La Sát“, chỉ còn vài người họ hàng thân thiết đưa tôi về.
Bất chợt bà lão lại tiếp tục ”bài dân ca tự biên“:
- Mả bố đứa nào bắt gà của bà ! Mày bắt gà bà mày băm mày bổ, mày rỉa mày rói, mày gói mày dâng cho thằng trắng răng đầu bạc ngồi bát bình hương nhà mày nó xơi nhá !...
Khốn nạn - Ông bác họ tôi lên tiếng - Thời buổi nhiễu nhương, hở cái gì mất cái đấy. Bà ấy chỉ trông cậy vào mấy con gà mà đứa bất nhân nào mò vào làm ráo cả. Tiếc của nên cứ ra rả chửi mấy hôm rồi.
- Dào ôi - bà họ tôi thở dài - Lư hương trên đền, đế đèn trên miếu. hoành phi trên chùa còn mất nữa là... Ngay cả Phật cũng bị khóet lưng xem có yểm vàng hay đồng đen không. Sao trời đất không tru diệt cái quân sổ ngôi ấy đi.
Tôi im lặng đi giữa đoàn người huyên náo vào xóm. Con đường trước kia lát bằng những viên gạch thẻ dựng ngang, nay được thay bằng bê tông. Vậy là năm trăm viên gạch nộp cheo để lát đường, đánh dấu cho mỗi cuộc hôn nhân, người này lát tiếp người kia, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, con đường ngày một dài, càng sâu vào xóm, màu gạch càng thêm tươi, con cháu ngày càng được đi trên dấu tích ghi nhận ông - bà - cha - mẹ - tổ tiên, được kết duyên lưu tồn nòi giống, giờ đây đã bị xóa bỏ. Con đường chỉ còn màu nhợt nhạt dại dại của xi măng. Nóng bốc từ dưới chân lên hầm hập.
Những tưởng về quê, tầm mắt sẽ thóang đãng, không khí trong lành. Không ngờ, ở làng, nhà cửa san sát, mỗi nhà chỉ còn mảnh sân hẹp bị bao quanh bởi bức tường thay cho hàng râm bụt, rặng cúc tần, hàng duối... Giữa trưa hè tịnh không thấy tiếng ve, không thấy tiếng chim, chỉ có nắng và nóng, bức bối ngột ngạt.
Bữa cơm tối ăn vội vàng để hai thằng em (con chú tôi) nuối tiếc nhìn cái can rượu hai lít mới mua vẫn chưa hết. Chú hối hả thúc chúng tháo những cánh cửa gỗ lim nặng trịch của ngôi nhà cổ đưa ra sân ghép lại làm chỗ ngồi chơi, mắc thêm mấy bóng điện từ cổng vào nhà.
Đúng như chú nói, biết tin tôi về, bà con làng xóm kéo đến hỏi han. Trong nhà, hai cái phản dành cho các cụ Ông, chiếu dưới nhà là của các cụ bà. Chuyện nọ dọ chuyện kia nghe râm ran. Ngoài sân, lũ trẻ con dung dăng dung dẻ và rồng rắn lên mây, cứ rộn ràng những bài đồng dao. Trên những tấm cửa được ghép lại là hội xóc đĩa và hội phỏm của thanh thiếu niên, thật ồn ào và hỗn độn bởi tiếng văng tục, cãi vã, khích bác...
Tôi lăng xăng ngồi chỗ này một tí, ghé chỗ kia một chút, trả lời mọi người. Tới 11 giờ đêm, các cụ về hết nhưng hội xóc đĩa vẫn còn. Tôi định đến ngồi tán gẫu nhưng cơn đỏ đen đang hút hồn cả người chơi lẫn kẻ chầu rìa. Thằng làm cái khoảng 25 - 26 tuổi, mới xuất khẩu lao động về. Hắn mở cái bát men ra để mọi người nhìn rõ trên cái đĩa nhôm mỏng là hai quân bằng giấy cát - tông cắt tròn, mặt đen mặt trắng, rồi úp bát lại. Sau đó, nó nhẹ nâng lên rồi đặt xuống. Tôi nghĩ xóc kiểu vậy thì làm sao mà đảo quân được (ấy là vì đâu biết mánh xóc của nó !). Đám người xung quanh nhao lên đoán lẻ đoán chẵn. Nhìn chiếu bạc, ước chừng bên lẻ đặt nhiều tiền hơn, hắn hô: ”Bán lẻ năm trăm !“. Một thằng bé cỡ 15 - 16 tuổi hét ”mua“. Mấy người ngồi phía tay phải thằng nhỏ né vội. Thằng bé chộp đít bát, xoay một vòng, bất ngờ vung mạnh tay (mấy người kia mà không tránh có thể dập ngực vì nó). ”Chẵn rồi !“. Đám đông ồ lên. Thằng bé dằn xuống rồi xỉa tiền vứt vào cửa lẻ. Thằng làm cái không thèm đếm lại, nó vơ tất cả cửa lẻ về trước mặt, sau đó quay sang trả tiền cho cửa chẵn. Tôi cảm thấy xót xa, chỉ sau một tiếng hô, thằng nhỏ mất toi số tiền lớn hơn cả tháng lương của tôi. Thằng nhóc vẫn thản nhiên rút thuốc, châm lửa, thả khói phì phà, chờ canh bạc khác. Nó là thằng Hồng con lão Hách thịt lợn, có họ với nhà tôi sáu, bảy đời gì đó; về vai vế, nó phải gọi tôi bằng ”ông trẻ“.
Một bàn tay níu vai tôi, cô Lim đứng sau từ bao giờ không biết, cô ra hiệu cho tôi đi theo vào ngồi ở trong nhà. Sau khi nhấp một cốc nước tôi mời, cô hỏi:
- Anh ở trong kia làm nghề gì ?
- Cháu làm giáo viên ạ.
- Thế gia đình ở trong đó làm ăn có khá không ?
- Thưa cô, cũng chỉ đủ ăn thôi ạ.
- Hứ, ở ngoài này nhiều nhà giầu lên lắm. Mấy đứa cùng lứa với anh đi lao động xuất khẩu chỉ loằng nhoằng vài ba năm về là rung đùi. Những đứa khác mánh mung cũng hái ra tiền.
Cô chép miệng thở dài:
- Nhưng cũng cơ cực lắm !
- Ơ, cháu tưởng giàu lên thì sướng chứ ?
- Tệ, tệ lắm - bà cụ bĩu môi, lắc đầu - Lúa tốt thì phải có phân, mà phân thì sạch sẽ gì. Vì tiền thì phải kèn cựa, xô xát. Con gà tức nhau tiếng gáy, anh em họ hàng tức nhau vì của cải. Ngay cả trẻ con còn cởi truồng cũng biết phân biệt giàu nghèo. Tất cả lao vào kiếm tiền bằng đủ hình thức mánh khóe. Những người có học thì chẳng muốn quay về làng. Có nhà còn tuyên bố: ”Văn hay chữ tốt, không bằng thằng dốt lắm tiền“. Bọn trẻ chẳng còn mấy đứa ham học như ngày trước, chúng chỉ thích vi ô vi iếc, trò chơi điện tử điện tiếc; suốt ngày cứ ngồi trước màn hình mà hát ông ổng. Cả làng ai cũng thuộc bài ca ngợi tiền - Bà vanh vách đọc - Tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của ông già, là cha của hy vọng, là ô lọng của kẻ nịnh thần, là cán cân của công lý. Ôi tiền là hết ý. Hơi một tý cũng cần tiền.
Tôi ôm bụng rũ rượi trước cách đọc của bà lão. Bỗng nhiên bà nghiêm giọng:
- Thì anh thấy - cô chỉ vào đám đánh bạc - Cứ có đình đám nào là lại đàn đúm để mà móc túi của nhau. Tôi buồn lắm. Không phải là duy tâm nhưng tôi nghĩ cái nền nếp của gia phong, của làng bị đảo lộn chỉ vì cái cổng làng bị phá vỡ. Nhà cửa toác hoác thì chỉ tổ cho rác rưởi bay vào thôi !
Nghe nhắc đến cổng làng, tôi giật mình, tủy sống như mọc gai:
- Thế tại sao lại phá cổng làng, hở cô ?
- Dào ôi, chúng nó bảo Nhà nước mở cửa thì mình mở cổng, làng mình không giàu được vì cái cổng nhỏ hẹp án ngữ, rồi xe máy đi lại cũng không tiện, dễ gây tai nạn... Đủ mọi lý dọ Cuối cùng chúng nó kiếm mấy lạng thuốc nổ đặt vào hai chân cổng.
Nói đến đó, từ đôi mắt mờ đục lăn ra những giọt nước mắt trong veo, chảy dài trên khuôn mặt đã nhăn nhúm từng thớ thịt.
- Thôi, anh ở nhà, còn thấy nhiều hơn. Tôi về đây !
- Tiên sư chúng bay, có về cho người ta nghỉ không, tao phang cho mỗi đứa một gậy bây giờ !
Không một lời phản ứng, các con bạc uể oải đứng dậy chào tôi rồi khoanh tay chào bà lão để ra về.
Một ngày đi kiếm bạn cùng trang lứa ở làng mà chẳng gặp, đứa phải đi kiếm ăn xa đã đành, đứa ở lại làng cũng phải lao vào chạy chợ. Nhà đứa nào cũng cơ ngơi lớn nhưng quần áo, đồ đạc bề bộn; con cái xốc xếch, nhem nhuốc, mũi dãi thò lò, trố mắt ếch nhìn tôi. Đành lang thang tìm những nơi lưu kỷ niệm một thời. Cái chuôm Đầu Rồng bị lấn làm nhà hết phần mào và cổ, giờ hóa thành cái ao tù, nước xanh rêu nhớp nhúa, chắc bọn trẻ chẳng dám tắm ở đây như chúng tôi ngày xưa. Gò Bút Nghiên nham nhở đến tệ hại, giờ thì nó giống một cái thìa chúc vào cái đĩa, cái đĩa đang bị khoét, bị đào bới. Cạnh gò Quần Ngư mọc lên mấy cái lò gạch, dân làng cũng đang xẻo dần để cho vào lò nướng.
Đang bần thần, xót xa trước những sự việc đổi thay thì tôi giật mình bởi tiếng gọi:
- Ông trẻ ơi, ông trẻ !
Thằng Hồng hớn hở chạy về phía tôi:
- Cháu tìm ông muốn mỏi chân. Thầy cháu mời ông đến xơi tiết canh lòng lợn, chả là hôm nay kiếm được một con béo lắm !
Nó khoác tay tôi như bạn đồng lứa, vừa đi vừa thủ thỉ:
- Phải nói là cô Lim ra vốn gặp may hết sẩy. Mấy con gà của cô ấy hóa mấy triệu đồng. Tối qua, ở nhà ông, cháu ăn đầy !
- Hóa ra mày bắt gà cô Lim à ?
Thằng bé bối rối gãi đầu:
- Vâng, bí quá, làm liều một cú, coi như hình thức vay vốn. Cũng may là thắng nên mới tạ Ơn cô ấy được.
- Mày tạ Ơn gì ? Có bị chửi không ?
- Bị sạc một mẻ là cái chắc, nhưng nhìn cỗ hậu sự ngon ơ là mừng lắm. Người già thấy cái tàu sáu tấm mình được đi, khác nào tụi trẻ chúng cháu được cái Cúp để chạy !
Tôi ngạc nhiên trước vẻ sành sỏi của thằng nhóc:
- Mày học ở trường nào ra mà tinh ranh vậy ?
- Thời buổi kinh tế thị trường, sống không tinh thì có mà toi ! à, đến nhà rồi, ông trẻ vào trước đi !
Tôi đứng sững lại, đầu gối bủn rủn, mắt hoa lên. Cái cầu bắc qua rãnh nước để vào cổng nhà nó là hai tấm đá xanh.
Một tấm khắc hai chữ Đa Sĩ, còn tấm kia cũng rõ nét hai chữ Hạ Mã bằng chữ Hán. Thằng Hồng hiểu ra, nó tự hào:
- Cái tấm ”Đa Sĩ“ là ở cổng làng, tấm ”Hạ Mã“ ở miếu. Người ta phá đi để mở đường mới. Cháu chỉ mất mấy gói thuốc, một giờ Karaoke để nhờ bạn bè khênh về, ai ngờ nó cũng được việc đấy chứ ! Cái cầu này có mà sử dụng muôn đời. Các cụ ngày xưa kiếm được những phiến đá đẹp thật !
Tôi điếng người, chủ nghĩa thực dụng đã như cây cổ thụ cắm rễ sâu vào tầm suy nghĩ của thằng oắt con này. Giá trị sử dụng được ca ngợi, còn giá trị văn hóa chẳng còn là gì cả.
Làng của tôi ơi ! cái cổng án ngữ làng đã phá toang, con đường làng mới mở thêm rộng; những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thắt lưng buộc bụng mà vẫn sợ tháng ba ngày tám ăn đong ăn vay, giờ đây chỉ còn là quá khứ; lũy tre xanh, mái nhà tranh nay đã được thay bằng hàng cột điện, những dãy nhà khang trang. Nếp sống đô thị hóa đang định hình ngày một rõ nét. Nhưng trong những luồng gió mới thổi vào làng có những cơn gió độc ùa theo. Cuộc sống bắt đầu bon chen, bắt đầu sát phạt. Những lời chửi rủa của cô Lim, quan niệm tiền là chúa tể của dân làng, sự lõi đời của thằng Hồng nhóc con ấy, đã làm mất đi một phần hồn của làng được mệnh danh ”Đa Sĩ“. Đau lắm, xót xa lắm. Nhưng cũng chưa phải là mất tất cả. Xin hãy giữ lại sự tôn kính với người trên, giữ lại sự chân chất mộc mạc của dân quê, giữ lại tình làng nghĩa xóm, giữ lại tinh thần hiếu học... Giữ lại những gì tốt đẹp chưa mất.