Chương 1
Làng ở bên con sông Đáy. Ngày mẹ gửi về làng, tôi thường theo bọn trẻ chăn trâu tha thẩn dọc triền đê. Gió thổi lồng lộng, nước sông sẫm xanh vỗ ì oạp. Mặt sông rộng hút, nhìn bờ bên kia xa tít. Tôi đã từng suýt chết đuối khi theo chúng bạn lặn ngụp ven bờ sông mùa nước cạn để mò hến. Rêu quấn chân khiến tôi uống no bụng nước mới ngoi lên được. Dì tôi nghe mách đã lôi tôi xềnh xệch từ bờ sông về vừa đi vừa riết róng: "Ai bắt, ai khiến như thế mà thấy "thuyền đua lái cũng đuá' hả. Có làm sao thì bà với dì ăn nói với bố mẹ thế nào đây. Thật tội nợ, cháu ơi là cháu!... ". Dì bắt tôi đứng im trong góc nhà tối om om rồi quày quả xuống bếp thổi cơm. Nhớ mẹ, tủi thân và sợ tối, tôi khóc thầm. Có tiếng bà đầu ngõ: "Con Thư đâu ra bà cho mấy con muỗm mà nướng - muỗm béo lắm?" Tôi thổn thức rồi òa khóc. Bà chạy vội vào giơ tay ôm choàng lấy tôi. Mùi mồ hôi, mùi rậm rạp nồng nồng của những lượm lúa quẩn quanh bà khiến tôi vơi đi những buồn tủi khi nãy. Tôi lon ton chạy ra hè bê ngọn đèn dầu hỏa đặt lên bàn. Từng lớp quần vê lên quá đầu gối của bà thả dần, hiện ra những con muỗm xanh béo múp. Những con muỗm nướng trong đám tàn rơm chảy mỡ và thơm nức mũi. Tôi nhai ráu từng con, nghe mùi thơm béo ngậy của thịt muỗm ngấm tận cuống lưỡi. Dì vò tóc tôi: "Con gái lớn rồi phải biết nghe lời. Tóc cháu khét nắng, mặt mũi rám nâu chẳng khác gì con nhà nông... Lại nữa - sông sâu và rộng chẳng may sảy chân thì khốn... Thích ra sông chơi, tối chờ dì dẫn ra... ". Bà đặt đôi đũa xuống mâm gỗ, quay mặt ra sân, đôi mắt lá răm ánh lên nét tinh quái trẻ trung hiếm có: "Thế mà có đêm từ bờ bên kia tao đã bơi gần qua con sông ấy... ". Tôi vẫn lúng búng miếng cơm: "Sao lại bơi đêm? Lúc ấy bà bằng cháu à?". Bà ầm ừ trong miệng mãi mới nói: "Lúc ấy bà ngoài hai mươi". Nhìn tôi bà cố hình dung... Chắc bà đẹp lắm. Tôi chợt nhận ra dì là hình ảnh của bà mấy chục năm về trước. "Sao mẹ cháu không giống bà mà cũng không giống dì hả bà?". Bà gạt mấy sợi tóc lòe xòe bên má, vội vã ngắt lời: "Mẹ cháu giống ông. Thôi ăn cơm đi kẻo nguội hết".Tôi kể chuyện bà bơi qua sông cho lũ bạn (mà trong đó quá nửa là bác, là cô, là dì của tôi). Cái Lễ hơn tôi hai tuổi mà tôi phải gọi bằng cô - ra điều hiểu biết: "Bà mày không chỉ bơi qua sông một lần mà nhiều lần. Là vì trốn nhà chồng về thăm mẹ mày đấy. Thế mày không biết gì à? Mẹ mày con một ông còn dì mày con một ông khác. Vì thế đâu có giống nhau... ". Tôi ức quá đỏ căng cả mặt. "Nếu mày không tin thì về hỏi bà trẻ tao, nào... ". Tôi vùng chạy, vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Không phải thế - nhất định chẳng phải thế. Dì tôi hốt hoảng kéo mặt tôi nhìn ngang nhìn dọc: "Nói dì nghe, đứa nào làm gì cháu!". Tôi vẫn không sao nín nổi. Lôi tôi ra giếng lấy nước rửa mặt, dì săm soi khắp cẳng chân cẳng tay. "Có làm sao đâu, thế đứa nào bắt nạt nói mau... ". "Chúng nó bảo... ". Tôi vừa hức... hức vừa kể lại. Dì ôm tôi vào lòng vỗ vỗ vào lưng, giọng dì ngàn ngạt: "Chúng nó nói láo. Để mai dì cho mỗi đứa một trận. Cháu đừng mách bà nhé - kẻo bà lại mắng thêm cho... ".Mẹ thường bảo: Mẹ thương bà và dì lắm. Các con phải thương bà và coi dì như mẹ. Tôi cãi: thì nhà cũng chỉ có con với cái Thủy mà mẹ lúc nào cũng yêu cái Thủy, đi đâu cũng cho nó đi... Mẹ không mắng tôi tị nhau với em, chỉ buồn buồn: "Các con có bố, ông bà nội, các cô các chú chứ mẹ và dì có mỗi bà và hai chị em thôi... ". Lúc mẹ nói câu ấy tôi thấy mắt mẹ ngân ngấn ướt. Lớn chút nữa, cứ chiều thứ bảy tôi lại đạp xe 9-10 cây số từ thị xã về quê. Tôi kéo túm tre gai rấp ngõ đi thẳng vào sân, luồn tay lên mái tranh lấy ra chiếc thìa khóa nhỏ xíu mở hai cánh cửa phên vào nhà. Nền nhà bằng đất nện đen bóng, mát lạnh và sạch bong. Tài sản quý giá nhất của bà là chiếc thùng đựng thóc bằng gỗ kê ở gian giữa có nắp khóa, nửa mặt kia của thùng thóc được dùng làm bàn thờ. Trên đó có một bức ảnh chú bộ đội cười thật tươi. Đó là ông ngoại. Hai gian bên kê hai chiếc giường gỗ dưới rải đầy khoai tây giống đang lên mầm. Buồng phía tay trái tối om om, có mấy chiếc sào treo quần áo và những chiếc quang treo lủng liểng thường đựng tép rang khế hoặc cá kho lá thèn đen. Tôi nằm duỗi dài trên giường. Chỉ chốc lát đã nghe tiếng chân bà lật đật từ đầu ngõ: "Thư đã về ư cháu. Bà còn phải làm rốn đám cỏ khoai... ". Tôi chui vào bếp nấu cơm cùng bà. Khói rơm cay cả mắt. Bà vừa thoăn thoắt thái rau vừa chỉ: "Cời gio bếp cho thoáng, lấy đũa cả sơ nồi cơm đi... ". Bà ủ nồi cơm giữa đám gio hồng rực nhưng ngả sang đen sì rất nhanh và giục: "Ra sông giục dì về ăn cơm. Dạo này dì mày cứ la cà... Ngoài hai mươi tuổi rồi mà cứ ỳ thần xác ra. Bao đám đánh tiếng không chịu lấy. Khéo rồi lại chết già... ". Sợ phải nghe những lời than vãn của bà - mà những lời than vãn ấy quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thế mấy năm nay - tôi chạy ùa ra ngõ. Cái Lệ từ đâu xuýt xô vào tôi: "Mày vừa về hả - đi tìm dì mày phải không". Nó kéo tôi đi băng băng: "Ngoài sông vui lắm - dạo này có đoàn địa chất về khoan dầu... ". Trăng tãi vàng trên sông, làng xóm bờ bên kia đen sẫm. Bờ đê lố nhố những người. Tiếng cô nào đó cười như nắc nẻ lan ra cả mặt sông. Tiếng một chàng trai trầm ấm... Tự nhiên tôi buồn. Có một điều gì đó len đến trong lòng, thổn thức, vu vơ. Tôi kéo tay Lệ ngồi xuống, cỏ mát như ánh trăng. Lệ ngạc nhiên thì thào: "Không ra chỗ dì mày sao?". Tôi chỉ lắc đầu. Có cảm giác như thân thể tôi được tắm đẫm ánh trăng và trở nên nhẹ, trong. Còn tâm hồn như hai chiếc cánh đang chấp chới bay vút lên trên cao kia. Thốt nhiên tôi bỗng nhớ đến cậu bạn cùng lớp vẫn nhìn tôi rất lạ lùng và trong lòng chùng xuống. Bên tôi Lệ nhấm nhấm cọng cỏ, bâng quơ: "Đêm trăng như rộng ra... ". Từ sâu thẳm trong ký ức có điều gì đó vụt đến. Thế mà ngày xưa bà bơi qua sông này... Lệ nhìn tôi dò hỏi... "Bà chỉ bơi một lần thôi, còn những lần sau, ông chèo thuyền đưa bà đi... ". Và trong tôi, câu chuyện qua lời bà, lời những người xung quanh đã chắp lại nguyên vẹn...