Riêng tặng anh D.S.H.

- Trời thế mà đã chiều rồi!

- Vâng, chiều rồi. Thưa ông lên bến này ạ?

- Đây là bến gì nhỉ?

- Thưa, bến Cung Quế!

- Ừ, hay là đỗ lại đây cũng được.

Người lái đò gác một mái chèo lên mạn đò, và dùng mái kia ghé mũi thuyền vào bến; thuyền làm bềnh bồng những đám bèo xanh gần sát bờ và rẽ ra hai bên hai vạch nước dài trong. Nhưng đến lúc người lái gác nốt mái chèo thứ hai lên, rút chiếc sào trên mui sửa soạn cắm sào, thì Tâm lại bảo:

- Hay là đi lên bến trên. Bến trên là bến gì nhỉ?

- Thưa, bến Hoàng Đan.

- Ừ thôi, lên bến Hoàng Đan hãy đỗ.

Người lái đò lạ lùng giương mắt nhìn Tâm và cười, như cho Tâm là một người dở hơi. Tâm cũng cười, vang động.

Thực ra thì Tâm không dở hơi. Nhưng Tâm cũng không biết lên bến nào. Vì Tâm có định lên bến nào đâu. Sáng hôm nay khi Tâm ở trên xe lửa bước xuống ga thì Tâm bèn ra bến sông thuê một chiếc đò dọc, bảo cứ trở ngược lên. Xuống đò, Tâm nhọc quá ngủ thiếp đi. Mãi đến vừa rồi, Tâm mới sực tỉnh dậy.

Con đò vẫn từ từ đi ngược lên dòng nước. Nước chảy xiết vào mũi thuyền rào rào. Trên sông, mặt trời đã lặn. Ráng chiều đỏ rợi khắp trời, và nhuốm đỏ cả cảnh sông vắng lặng. Những tiếng chuông chùa của một làng xa vẳng lại, ngân nga.

Chưa chiều nào bằng chiều nay Tâm thấy rõ ràng và thấm thía cái buồn của một ngày tàn. Tâm nhìn ra nước sông, và tự nhiên, nghĩ đến tất cả đời mình. Tâm là con một nhà nhọ Thân phụ Tâm, từ ngày Tâm còn bé, một hôm đã ra đi - người ta nói là đi sang Tàu - rồi mất tích. Tâm được chú Tâm nuôi nấng. Chú Tâm làm ông đồ, rồi làm tổng sự Tâm được học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, vì thế, Tâm nhớ đến những ngày ấy, đi lang thang qua các làng, rồi ngồi trong một gian đình nhỏ với lèo tèo một chục bàn ghế và hơn một chục học trò, mặc áo dài thâm và chít khăn. Rồi đến những ngày lên Hà Nội làm thư ký bán hàng cho một sở buôn,

. . . . . . . . . . . . . ..

"Nhưng bây giờ đây dạ đói, tiền không còn, lại không quen biết một ai ở đây, không biết vùng này là vùng nào nữa, thì làm thế nào mà lát nữa có ăn đây? " Tâm nghĩ, rồi bỗng lại cười phá lên, vang động.

Người lái lạ lùng nhòm vào khoang thuyền, rồi bảo Tâm:

- Thưa ông bến Hoàng Đan trông thấy kia rồi đấy ạ!

- Đến bến thì bác cho tôi lên! Tôi vào trong cụ Cử trong làng. Tâm lại mỉm cười. Nào Tâm có quen "cụ Cử" nào trong làng? Mà chẳng biết trong làng có cụ Cử nào không nữa! Nhưng Tâm cũng lên.

Thấy ở trong chiếc quán bán nước ngay ở bến lên thấp thoáng có người ngồi, Tâm tiến lại hỏi một cách rất tự nhiên:

- Vào cụ Cử trong làng đây thì đi lối nào, các ông nhỉ?

Thấy Tâm hỏi, vội vàng một người con trai lực lưỡng trông nhanh nhảu nhất trong bọn lại trước mặt lễ phép thưa:

- Thưa ông vào trong cụ Cử con ạ? Thưa ông đi hết cánh đồng ngô này, rồi ông rẽ vào xóm Cổng; vào xóm Cổng, ông hỏi thăm thì có người sẽ chỉ cho ông ngay.

Người con trai vừa nói vừa trỏ. Nhưng Tâm chẳng hiểu gì cả. Tâm chỉ mỉm cười. Vì không ngờ trong làng lại có một cụ Cử thực. Tâm càng buồn cười hơn nữa, khi thấy những người trong quán nhìn Tâm ngơ ngác, và thì thầm hỏi nhau:

- Lính nhà Đoan à?

- Láo! Lính nhà Đoan thì mặc áo vàng kia chứ!

- Thôi! Chắc là người về "nom mắt" cô Lan!

Tâm vẫn đứng yên. Anh con trai nhanh nhảu thấy thế, thì lại thưa:

- Thưa ông hay để con dẫn ông vào? Con cũng vào làng một thể.

Tâm theo anh con trai, dọc đường Tâm nghĩ: "Cứ cái thái độ của anh này thì cụ Cử chắc là được kính nể trong vùng này lắm! Mà kính nể như thế thì chắc cụ phải sung túc. Mình sẽ được tiếp đãi một cách sang trọng nữa kia đây! Thực không ngờ". Tâm lại mỉm cười một mình.

Trời sáng trăng vằng vặc. Dạo này đương trung tuần tháng bạ Hai bên đường đi - chiếc bờ rộng và thấp - những cánh đồng ngô trải ra rồi mất vào trong mờ đục của ánh trăng xạ Đều đều, những cơn gió thổi và làm lá ngô xào xạc lên một cách mơ hồ. Tâm thấy đời sống ở miền này phong phú và thái bình như một thời thượng cổ.

Cái cảm tưởng ấy càng rõ rệt trong lòng Tâm khi Tâm đi gần đến làng và nghe thấy giọng hát véo von của những trai gái trong làng văng vẳng đưa ra. Vào đến làng, xóm nào Tâm cũng thấy một đám hát đúm. Trai gái nhởn nhơ ngồi trên bờ cỏ dọc đường và thách nhau bằng những câu hát đơn sơ và tình tứ.

Đố ai biết đá mấy hòn,

Sông kia mấy khúc, trăng tròn mấy đêm...

Đố ai đốt cháy ao bèo,

Để ta lấy đá Đông Triều về ngâm...

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây...

- à, cô Lan cũng ra hát kia!

Nghe câu nói của anh con trai dẫn đường, Tâm ngẩng lên, và thấy trong đám những áo sồng đỏ thấp thoáng một bóng áo lụa trắng. Tâm mỉm cười nghĩ đến ở ngoài quán bên sông ban nãy, mấy người ở trong quán đã đoán chàng về "nom mắt cô Lan".

Nhưng Tâm đã đi đến gần cô áo trắng. Cô thấy có bóng người và tiếng chân người thì ngẩng lên. Trông thấy người con trai dẫn đường, cô cười vui vẻ và hỏi:

- Anh vào trong làng có việc gì thế, anh Thịnh?

- Thưa cô, con dẫn ông đây vào hầu cụ!

Người con trai trỏ Tâm. Cô nhìn Tâm một cách thực nhanh, rồi đứng lên đi ngoắt vào một con đường nhỏ. Người con trai bảo Tâm:

- Chắc cô con đi đường tắt ấy về nhà báo để cụ con biết trước.

Nhà cụ Cử là tất cả một dinh cợ Tâm thấy dưới ánh trăng, một ngôi nhà ngói năm gian, một vườn cây um tùm và một chiếc sân gạch rộng. Tất cả im ắng một cách thái bình.

Cụ Cử đang ngồi đọc sách trong nhà trên ghế tràng kỷ, bên ngọn đèn tọa đăng. Bước vào trong nhà, Tâm vào chuyện ngay:

- Thưa cụ, chúng tôi là một người tìm học. Vì nghe biết tiếng cụ trong đây có nhiều sách... nên chúng tôi muốn về đây hoặc được cụ cho mượn thì hay, không thì cũng xin cụ cho chép.

Cụ Cử ngẩng lên nhìn Tâm. Cụ sửng sốt, như không hiểu Tâm nói gì. Tâm hiểu ý ngay... và tiếp:

- Chúng tôi lại nghe nói cụ cũng có dịch được nhiều thơ cổ và thơ Đường, ước gì cụ cũng cho tiểu sinh được kính lãm.

Thong thả, cụ Cử để cuốn sách đang đọc xuống thư án, bỏ cặp kính ra cho đỡ mỏi mắt, rồi nhìn khách chầm chậm trả lời:

- Chúng tôi cũng chỉ dịch được chừng bẩy, tám chục bài. Ở đây chúng tôi có thì giờ nhàn rỗi...

Tâm biết là đầu câu chuyện của mình đã lọt rồi. Tâm bèn quay nói về đó. Tâm cũng học được nhiều chữ nho, và thuộc thơ cổ. Tâm bèn so sánh thơ cổ với thơ Đường, rồi thơ Lý Bạch với thơ Đỗ Phủ, thơ Đỗ Phủ với thơ Thôi Hiệu, thơ Thôi Hiệu với thơ Vương Xương Linh... Tâm nói đến đâu, đọc thơ ra làm bằng chứng. Tâm nói rất lém luốc. Cụ Cử chăm chú nghe Tâm và nhiều lúc cụ gật, gật đầu, tỏ vẻ cụ đồng ý. Tâm nói liên miên đến nỗi nghe Tâm, cụ quên cả một lễ rất thường của người chủ nhân tiếp khách đến nhà là cho khách uống nước.

Mãi đến một lúc, thoáng có bóng áo trắng của Lan qua cửa, cụ mới sực nhớ ra. Cụ gọi Lan:

- Lan đấy phải không con?

- Dạ!

- Con bảo pha nước con nhé!

- Thưa cha con pha rồi đấy ạ.

Tâm đưa mắt ra chỗ cái bóng áo và cái tiếng nói nhỏ nhẻ như ngân. Nhưng trong nhà sáng đèn, mà bên ngoài tối hơn cho nên không thể nào thấy gì được. Tuy vậy hình như Tâm cũng hơi thấy những tia mắt lóng lánh của Lan.

Nói đã nhiều, Tâm ngồi nghỉ. Không hiểu sao, tự nhiên Tâm nghĩ: hai con mắt của Lan chắc phải sáng lắm. Mà nó lại cũng đen nữa. Rồi Tâm vẩn vơ suy nghĩ: "Sao cụ Cử chưa bảo mà Lan đã đi pha nước thế? Nếu Lan không có cảm tình với mình thì sao Lan lại săn sóc đến mình? " Tim chàng đập dồn dập, khi Tâm lại thấy Lan không sai người nhà bưng nước ra, mà tự tay Lan đem lại. Tâm nom trộm xuống bàn tay của Lan. Bàn tay nàng nhỏ nhắn và trắng xanh. Tâm nghĩ đến bàn tay của những nàng con gái cấm cung ngày trước...

Lan ra đứng gần ngay chỗ Tâm và cụ Cử nói chuyện. Tâm chắc là đứng trong bóng tối, Lan thế nào cũng nhìn ngắm trộm Tâm.

Vừa uống nước, Tâm vừa xin cụ Cử đọc cho nghe một vài bài thơ mà cụ đã dịch. Cụ Cử nói trong các bài cụ đã dịch, cụ ưng ý nhất là một bài. Cụ ngâm nga đọc:

Dâu trồng hơn một trăm cây,

Ruộng ba trăm mẫu cấy cầy đủ ăn.

Một nhà no ấm có phần,

Thường khi bạn hữu xa gần lại chơi.

Cơm Câu rượu Cúc tùy thời,

Mụ già khéo đãi, trẻ trai quen hầu.

Tà tà bóng ngả vườn sau,

Lòa xòa dương liễu một mầu xanh ghê.

Đêm khuya lả đả ra về,

Gió man mát thổi tứ bề chiến song.

Thảnh thơi, Vân Hán nằm trông,

Lại xem sao Đẩu xoay vùng trung thiên.

Rượu ngon mấy hũ còn nguyên,

Sáng ra, phỏng đã uống liền được chăng?

Tâm nghĩ đến những đám hát đúm và cánh đồng ngô ban nãy dưới ánh trăng trong. Tâm thấy lòng dìu dịu như một bóng mát. Đêm ấy, Tâm còn nói chuyện với cụ Cử cho mãi đến khuya. Cụ Cử mến Tâm lắm. Lan cũng đợi hầu nước cho đến khuya mới đi ngủ. Thế mà về giường nằm, không hiểu sao Tâm lại còn tự bảo mình rằng hẳn Lan chưa ngủ được. Lan còn trằn trọc. Và có lẽ Lan ra đầu hè ngồi nhìn trăng sáng mà nghĩ vơ nghĩ vẩn.

Sáng hôm sau, cụ Cử dẫn Tâm đi thăm khắp cả dinh cơ của cụ. Ngoài ngôi nhà ngói năm gian, cái vườn hoa với non bộ và cây cảnh và chiếc sân gạch rộng mà Tâm thấy hôm qua, dinh cơ còn gồm một dãy nhà ngang, hai chiếc nhà huân, một chiếc sân gạch sau hai chiếc nhà huân và vây cả chung quanh, ba cái ao bèo to nữa. Vì vùng cụ Cử ở đây chỉ là cái ấp của cụ. ấp nhỏ có chừng hai trăm mẫu, nhưng toàn ruộng tốt. Cụ mộ những gia đình cần mẫn chia cho làm. Cụ chỉ lấy đủ thuế và đủ chi dụng. Cho nên trong hàng ấp trù phú vui vẻ. Cụ đùa bảo Tâm:

- ấp của tôi là cái ấp của con cháu nhà Tần trong truyện Đào nguyên ngày xưa đấy, ông ạ!

Tâm cũng đang nghĩ như thế. Và nghĩ đến, Tâm thấy lòng dịu lại như một chiều xuân...

Cụ Cử dẫn Tâm đi xem khắp dinh cơ và khắp trong ấp một lượt thì trời đã trưa. Về đến nhà, Lan đã dọn sẵn cơm. Cơm có rau cải non và cá béo. Cụ Cử cười:

- Đây là của vườn nhà, ao nhà cả đấy, ông ạ! Mời ông xơi tạm. Gần đây cũng có chợ của hàng ấp. Nhưng trong nhà tôi có thể đủ cả, không phải mua chợ. Mùa nào thức ấy, cháu nó giồng đủ các thứ rau. Mùa nào thức ấy, cũng có đủ các thức quả...

Lan cúi đầu ngượng ngập vì câu nói đến mình. Nhưng Lan cũng ngồi cùng ăn, trái với thường tục của các gia đình cổ, đàn bà thường ngồi ăn riêng, nhất là khi có khách lạ. Tâm đoán có lẽ vì nhà chỉ có Lan với cụ Cử. Tâm đã đoán đúng. Một lúc sau thì cụ Cử cho biết là cụ bà đã mất và cụ chỉ được có mình Lan.

Ăn cơm xong, ba người cùng ra ngồi dưới giàn hoa lý uống nước chè tươi pha và ăn vải đầu mùa. Tâm và cụ Cử nói chuyện về thợ Lan ngồi vừa têm trầu vừa nghe ngoan ngoãn như cô em bé ngồi nghe chuyện cổ tích. Tâm thấy cái không khí thân mật như trong một gia đình nhỏ. Và tối hôm ấy đi ngủ, Tâm càng trằn trọc, bâng khuâng...

Rồi Tâm ở lại trong ấp một tuần nữa. Ngày ngày Tâm đi với cụ Cử tha thẩn trong vườn hoa, hay xem Lan trồng vườn, hay ra thăm các đồng ruộng. Rồi về nhà lại cùng ăn những bữa cơm thân mật cùng Lan.

...

Lan thì hết tuần lễ ấy Lan bảo Tâm:

- Thưa ông, ông ở đây nhà vui quá. Mời ông ở chơi lại ít lâu nữa đã.

Tâm nhìn Lan nói đùa:

- Tôi ở đây ba tháng nữa có được không ạ?

- Ồ! Như thế thì thích quá, thưa ông!

Tâm cười:

- Hay là tôi ở đây mãi mãi?

Lan cúi đầu không nói. Tâm trách:

- Tôi ở đây cũng như người nhà. Mà cô cứ "thưa, gửi" khách sáo quá, thì làm thế nào tôi còn dám ở nữa? Từ nay tôi xin phép gọi cô bằng em (vì cô ít tuổi hơn tôi). Mà cô sẽ gọi tôi bằng anh, có được không ạ?

Vẫn cúi đầu, Lan ngoan ngoãn khe khẽ thưa:

- Thưa anh, vâng!

Tâm định ở lại một tháng nữa.

Không khí giữa Tâm, Lan và cụ Cử càng ngày càng thêm thân mật. Cụ Cử coi Tâm như một người bạn vong niên "tri kỷ", vui vẻ và thông minh. Lan chiều chuộng Tâm một cách kín đáo. Hôm nào Lan cũng hỏi Tâm về những món ăn mà Tâm thích để làm cho Tâm ăn. Hôm nào Lan cũng dậy sớm múc sẵn sàng cho Tâm một thau nước rửa mặt. Đi xem hết trong ấp rồi, Lan lại nhắc Tâm đi xem những núi và đồng đẹp ở quanh vùng. Lan tìm ra được thực nhiều núi và nhiều đồng để giữ Tâm ở lại. Và Tâm đã hẹn với mình ở lại một tháng nữa mà ba rồi sáu tháng qua, Tâm vẫn chưa đi. Có lúc, sực nghĩ đến, Tâm lại mỉm cười. Đang ở đâu lạc đến một chiều, rồi ở như người một gia đình, thân mật. Tâm nhớ lại câu phỏng đoán của mấy người hàng ấp ở quán bến đò hôm Tâm mới đến: "Chắc là người về nom mắt cô Lan!".

Tâm ngẫm nghĩ: "Nom mắt, rồi... Ở gửi rể luôn!". ý nghĩ có khôi hài, nhưng, nghĩ đến thì không hiểu sao lòng Tâm lại thấy buồn rười rượi.

Một hôm, "cả nhà" ăn cơm sáng xong thì trời đổ mưa. Rồi trời mưa mãi, mưa mãi. Ba bốn ngày đêm mưa liền không tạnh. Tâm chợt thấy ra: trời đã cuối thu.

...

- Thưa cụ, giá mà con được ở đây cùng cụ suốt đời...

Lan vừa chợt đến. Lan tưởng Tâm đã nói ra cái điều mà Lan mong mỏi Tâm nói ra bấy lâu naỵ Lan cảm động rơm rớm nước mắt. Nhưng Tâm đã tiếp ngay:

- Nhưng con thấy là con không thể nào ở đây được. Con không biết tại sao?

...

Cụ Cử hơi buồn, nhưng mà giọng cụ nói vẫn được bình tĩnh:

- Già hiểu rồi. Già không dám giữ ông... Nhưng đêm nay già muốn mời ông uống với già một bữa rượu thực say, trước khi từ biệt, trước khi vĩnh biệt...

Bữa rượu ấy là bữa rượu đầu tiên mà cụ Cử uống với khách từ khi khách đến ở đến naỵ Cơn mưa gió sụt sùi từ mấy hôm, đến hôm nay đã trở nên cơn bão táp.

...

Chiều hôm sau, Tâm ra đi. Chỉ có cụ Cử ra tiễn Tâm mãi tới bến. Lan không ra. (Lúc ở trong nhà, Tâm cũng không thấy Lan. Cụ Cử từ tạ là Lan mệt). Bước xuống đò rồi, Tâm bỗng thấy lòng buồn mênh mông. Đò đi, Tâm thấy lòng nhớ nhung vời vợi.

Tâm nhớ đến bàn tay nhỏ trắng xanh của Lan bưng chén nước rụt rè đưa cho Tâm hôm Tâm mới đến. Đến cái thân hình uyển chuyển tha thướt của Lan những lúc Lan làm vườn. Đến con mắt đen láy và dịu dàng của Lan những lúc Lan ngồi nghe chuyện sau những bữa cơm. Nhất là những con mắt ấy!

Những con mắt ấy nó có một thứ tia sáng ngoan hiền và phúc hậu lạ lùng. Những con mắt ấy chứng tỏ Lan sẽ là một người vợ hoàn toàn hiền hậu! Thế mà sao Tâm lại không lấy Lan? Sao Tâm lại không ở trong ấp với Lan mãi mãi được? Thực là số phận! Thực là định mệnh!

...

Tâm tưởng đến một ngày kia Lan sẽ lấy một người chồng cũng lớn lên trong cái hoàn cảnh êm đềm ở nhà quê ấy và cũng hiền hậu như Lan, một ông giáo học gần đấy. Hai vợ chồng Lan sẽ sống ở trong cái ấp êm đềm ấy. Chiều chiều, vợ chồng sẽ ra ngồi dưới giàn hoa lý - dưới ấy Tâm, Lan và cụ Cử vẫn đã ăn cơm. Vợ chồng ngồi nói những chuyện làm ăn về đồng ruộng...

Gió chiều thổi mạnh trên sông. Con thuyền xuôi gió, đã giương buồm lên và đi vùn vụt. Tâm ngồi thẫn thờ trông ra những vầng ráng mầu đào sẫm, đen dần lại, rồi tản mạn ra đầy trời...

1935

Trích từ tập truyện ngắn Thềm nhà cũ, 1941

Hết