Tập 1

Cốc ... cốc ...

– Vào đi!

Quỳnh Anh đẩy cửa bước vào. Cô mỉm cười chào bố mẹ.

– Bố mẹ! Ngày mai con đi!

– Ừ. Con đã chuẩn bị đồ đạc xong hết chưa?

– Dạ, xong hết rồi ạ. Không thiếu thứ gì cả.

Ông Lâm Thuyên ôn tồn:

– Con học xong rồi về Việt Nam du lịch một thời gian cho khuây khỏa cũng tốt. Nhà ta di dân sang đây cũng đã mười tám năm rồi. Đi đâu cũng vậy, Việt Nam vẫn là quê hương.

– Nếu bố mẹ không bận công việc, cũng sẽ thu xếp về với con. Nhưng không được, nhiều việc quá. Về bên đó con phải thường xuyên gọi điện thoại cho bố mẹ đấy nhé. Còn phải biết tự chăm sóc mình nữa đấy.

Bà Lâm nhìn Quỳnh Anh, hiền lành.

Cô mỉm cười:

– Bố mẹ an tâm, đừng lo cho con. Tính con độc lập từ nhỏ mà. Con sẽ biết tự lo cho mình.

– Ừ. - Ông Lâm gật đầu - Nói thế chứ tất nhiên bố mẹ an tâm về Quỳnh Anh của bố rồi. Con à! Thỉnh thoảng con ghé sang nhà bác Trần nhé. Hai bác ấy trước đây có ơn với nhà ta. Và còn cả việc hôn ước của con với Chí Bạc nữa ...

Bà Lâm lắc đầu:

– Kìa ông! Con nó đi du lịch mà. Với lại, ừ thì biết là vậy, nhưng chuyện đó còn tùy vào nhân duyên của con trẻ nữa. Mình đâu có ép buộc được.

– Thì tôi chỉ nói là nói như thế thôi. Tôi thương con còn không hết, làm sao tôi nỡ ép duyên nó. Quỳnh Anh của chúng ta tự biết quyết định mà.

Quỳnh Anh cười, đứng dậy:

– Mọi chuyện cứ để tự nhiên. Bố mẹ đừng bận tâm lo lắng quá nhé! Mai con đi rồi, bố mẹ ở nhà nhớ ăn uống đầy đủ nha. Đừng làm việc quá sức.

– Ừ. Con gái ngoan. Về phòng ngủ sớm, mai còn lên máy bay nữa.

Quỳnh Anh đi về phòng. Sáng mai cô sẽ bay từ Mỹ về Việt Nam. Cô và bố mẹ đã di dân sang Mỹ định cư năm Quỳnh Anh được năm tuổi. Từ đó đến nay cô chỉ về Việt Nam được một, hai lần nhưng không ở lâu. Quỳnh Anh vừa tốt nghiệp đại học ngành ngân hàng, cô xin phép bố mẹ đi du lịch sau khi lấy được tấm bằng cử nhân. Ừ, thì viện cớ là đi du lịch nhưng thâm tâm Quỳnh Anh còn một ý định khác ...

Mười tám năm trước, lúc Quỳnh Anh hãy còn là cô bé con xúng xính bím tóc trên vai, cô hay cùng anh bạn nhà hàng xóm chơi trò chơi vợ chồng ...

Khuôn mặt ngây ngô, phúng phính của cậu bé có nước da trắng bóc như con gái ấy chẳng hiểu sao suốt mười tám năm chưa bao giờ cô quên được. Đó là những kỷ niệm rất đẹp. Những lần cùng nhau bắt bướm, thả diều ... Biết Quỳnh Anh yêu màu hương hoa bưởi trắng, anh chàng thường leo rào vào nhà ông Năm Râu hái sạch sành sanh mấy đóa hoa bưởi vừa nở thơm ngát ...

Cũng chính vì như thế mà có khi thì bị gai đâm chảy máu, khi thì bị ông Năm đánh cho sưng mông, dẫn sang nhà mách mẹ .... Ngày đó, anh hay gọi cô là bé Mơ, chắc anh cũng chẳng biết và chẳng nhớ được tên thật của cô đâu. Anh Tom chỉ lớn hơn bé Mơ ba tuổi thôi mà. Bố mẹ hai bên là chỗ bạn bè thân thiết, nên mối quan hệ hai đứa ngày càng khắng khít ... Cho đến một ngày, Quỳnh Anh di dân sang New York.

– Alô. Quỳnh Anh à, ra chưa?

– Vừa mới xuống máy bay, đang làm thủ tục.

Tuyết Vy ra đón Quỳnh Anh ở sân bay. Vy là bạn học của Quỳnh Anh lúc cô du học ở Mỹ. Trông thấy cô đẩy vali ra, Vy mừng rỡ vẫy tay:

– Quỳnh Anh! Đây nè!

– Vy ...

Hai người bạn mới có mấy tháng không gặp mà tưởng đâu ... mấy chục năm ấy!

Tuyết Vy mừng quýnh ôm lấy Quỳnh Anh:

– Trời ơi! Cậu khỏe không? Nhớ gần chết!

– Tớ khỏe nhăn răng đây này. Cậu đợi lâu chưa?

– Tớ canh giờ máy bay hạ cánh nên mới đến. Cậu ngồi lâu chắc mệt lắm hả?

Quỳnh Anh lắc đầu:

– Cũng không đến nỗi nào.

– Thôi về nhà tớ đi. Cất đồ nghỉ ngơi rồi “Tám” tiếp!

– OK.

Quỳnh Anh lên xe về nhà Tuyết Vy. Vy cũng là con gái nhà giàu nên bố mẹ mua hẳn cho cô một căn hộ chung cư cao cấp ở riêng một mình. Quỳnh Anh ngả người xuống xa-lông:

– Trời! Ngồi suốt hơn hai ngày, mệt gần chết!

– Ừ. Nghỉ chút đi. Lát tối, tớ dẫn cậu đi ăn. Cảnh đêm Sài Gòn đẹp lắm. Sao, lần này về Việt Nam là chỉ đi du lịch chơi cho vui thôi, hay còn có dự tính gì không?

– Ờ thì ...

Quỳnh Anh chớp mắt. Tuyết Vy hiểu ý “à” lên một tiếng, cười tươi:

– À ... Biết tỏng cậu rồi. Về tìm chàng chứ gì? Đôi thanh mai trúc mã hồi bé tí tẹo ... Coi mặt cậu vậy mà cũng lãng mạn gớm.

– Nhỏ nhỏ thôi, la lớn thiên hạ họ cười chết!

– Ủa! Mà cậu có biết địa chỉ của anh ta ở đâu không đấy?

Quỳnh Anh gật đầu:

– Tớ có nè. Bố tớ cũng có giữ liên lạc với bố anh ấy - bác Trần.

– Ừ. Tưởng đâu hổng biết thì có mà “mò kim đáy biển”. Vậy từ đó tới giờ cậu có liên lạc với anh ta không?

– Thật ra thì cũng có. Nhưng mà nói thế nào nhỉ! Tớ chỉ thỉnh thoảng nhắn tin liên lạc với anh ấy qua email, nhưng anh ấy không hề biết tớ là ai cả.

Tuyết Vy trề môi:

– Khiếp! Lãng mạn đến thế là cùng. Hiện tại anh ta làm gì? Mà chắc là chưa có vợ con gì chứ?

– Đang là một bác sĩ. Tất nhiên là chưa có vợ. Nhưng còn ... bạn gái thì không biết.

– Vậy thì cậu định thế nào? Xuất hiện trước mặt anh ấy, sau đó nói em là vị hôn thê của anh sao?

Quỳnh Anh thảy cái gối vào người Vy:

– Cậu điên à! Ai lại như thế! Tớ không có ý định đó. Tớ chỉ muốn nhẹ nhàng xuất hiện bên cạnh anh ấy, rồi từ từ xem trái tim của anh ấy thế nào ...

– Ừ. Vậy cũng được. Bác sĩ à? Hợp với cậu quá rồi còn gì. Chẳng phải ngày trước cậu cũng đã từng mơ ước được mặc áo blouse đó sao?

– Cũng không hiểu sao lại “tình cờ” như vậy. Tớ cũng muốn xem anh ấy mặc áo blouse như thế nào. Hồi đó tớ cũng thi vào ngành Y nhưng trớt quớt.

Tuyết Vy cười nhẹ:

– Ừ, không làm bác sĩ được, nhưng biết đâu cậu lại có duyên làm bà bác sĩ ...

Để xem.

– Hì hì ... Nói nghe mắc cỡ quá. Còn cậu sao rồi, về đây mấy tháng, còn nghỉ ngơi hay đi làm rồi?

– Tớ đang làm cho tập đoàn FPT. Cũng OK lắm. Nhà này tớ ở có một mình, cậu ở đây với tớ đi, chẳng sao đâu.

Quỳnh Anh gật đầu:

– Ừ, thế đại tiểu thư có “nghía” được anh chàng xấu số nào chưa?

– Tạm thời thì chưa. Cậu nhìn đi, cậu và tớ giống nhau chỗ nào? Chân hai đứa, đứa nào cũng dài sòng sọc. Cao quá. kiếm chồng cũng khó lắm nha! Cứ hễ dưới 1m70 thì tránh xa tớ ra, đừng có đứng gần tớ.

Quỳnh Anh bật cười:

– Ừ. Kén quá coi chừng ế đó chị Hai. Quỷ nhỏ! Cậu làm như cậu khá hơn tớ vậy. Còn nhớ tên Jack hồi ở bên Mỹ không? Hắn theo cậu tò tò, gần như phát điên ấy ... Thế mà cậu thẳng thừng ... chạy mất vì lý do chàng hơi bi khiêm tốn chiều cao.

– Hì hì ... Cũng không biết nữa. Tớ chịu!

Tuyết Vy nhăn mặt:

– Không phải kén chọn gì ... Mà thôi đi, đàn ông mà lùn lùn là không sao chịu nổi. Đi chơi một hai lần là tớ cứ thấy bứt rứt, khó chịu gì đâu ấy!

– Cưa bớt cái chân dài đi là hắn khỏi phải “bắc ghế” chứ gì.

– Con người ta có nhiêu đó đế khoe, ngu sao cưa. Thôi, đi tắm đi cho khỏe, rồi đi ăn với tớ. Tớ sống có một mình, cũng chả biết nấu nướng gì đâu.

Quỳnh Anh đứng dậy:

– Ừ. Cậu mà nấu thì tớ cũng chả dám ăn.

Tuyết Vy và Quỳnh Anh đều may mắn sở hữu một ngoại hình rất xinh xắn.

Các cô đều cao dong dỏng, dáng người cân đối như người mẫu, nụ cười duyên dáng. So với Vy thì Quỳnh Anh có phần lãng mạn hơn. Nhưng mà ôi thôi, cô nào cũng nghịch như quỷ sứ.

Hôm sau, Quỳnh Anh cầm theo tờ giấy địa chỉ đi đến nhà Chí Bạc. Tuyết Vy muốn đưa cô đi, nhưng cô bảo không cần.

Vừa xuống taxi, đang ngó tới ngó lui, bất chợt Quỳnh Anh giật cả mình quay lại ...

Ầm ...

Tại nạn xe xảy ra bất ngờ diễn ra trước mắt:

một phụ nữ bị ôtô hất văng bên đường, máu chảy đỏ tươi.

– Trời ơi!

Theo phản xạ, Quỳnh Anh vội vàng chạy lại đỡ bà ta dậy:

– Chị ơi! Chị có sao không?

– Để nạn nhân nằm xuống!

Một giọng nói vang lên ngay bên cạnh, Quỳnh Anh ngẩng mặt lên nhìn chàng thanh niên có khuôn mặt điển trai. Anh ta nhanh chóng tiến hành sơ cứu tại chỗ. Anh thoăn thoắt đôi bàn tay làm những động tác cấp cứu thành thạo.

Xong, anh quay sang cô:

– Giúp tôi đưa chị ấy đến bệnh viện, kẻo không thì không kịp.

– Hả! À, vâng!

Anh bế người phụ nữ ấy lên chiếc ôtô màu đen của mình đậu gần đó. Quỳnh Anh nhanh chóng bật công tắc và nhấn ga:

– Tôi không biết đường, anh chỉ đường đi nhé!

Hơi bất ngờ vì không nghĩ Quỳnh Anh biết lái ôtô, nhưng anh cũng kịp định thần gật đầu:

– À vâng, cô cứ chạy đi.

Xe đến bệnh viện, anh nhanh chóng cùng cô đưa nạn nhân đi cấp cứu. Cô ý tá trực ngạc nhiên:

– Ờ kìa! Bác sĩ Bạc ...

– Nhanh lên! Đưa vào trong ...

– Vâng.

Quỳnh Anh ngơ ngác. Bác sĩ ư? Thì ra, anh ta là bác sĩ. Hèn gì ...

Đứng bên ngoài đợi một hồi, cuối cùng thì đèn tín hiệu phòng cấp cứu cũng tắt và cánh cửa mở ra, Quỳnh Anh hỏi ngay:

– Chị ấy sao rồi?

– À, bây giờ thì không sao rồi. Không còn nguy hiểm nữa.

Anh trả lời cô. Cô y tá đứng bên cạnh mỉm cười:

– Thế là tiêu ngày nghỉ của bác sĩ Bạc rồi. Nhưng kể ra thì chị ta cũng khá may mắn, gặp được bác sĩ đó chứ!

– Có gì đâu.

Quay sang Quỳnh Anh, anh mỉm cười:

– Chuyện lúc nãy, cảm ơn cô nhiều lắm.

Quỳnh Anh mở to đôi mắt long lanh nhìn anh. Một cảm giác thân quen, gần gũi. Anh ...

– Chí Bạc!

Tiếng một vị bác sĩ khác gọi anh. Anh vẫy tay:

– Hi! Hôm nay trực hả?

– Ừ. Tưởng đâu cậu nghỉ chứ. Siêng năng quá ta!

– Tình cờ thôi.

“Chí Bạc”? Là anh saọ. . bác sĩ Bạc ...

Quỳnh Anh ngẩn người đứng nhìn. Anh chính là Chí Bạc, anh Tom của bé Mơ ngày xưa cô đi tìm. Quả đất quay một vòng tròn, mình lại gặp nhau sau mười tám năm. Chí Bạc ...

– Cô ơi?

– Thấy cô cứ ngây ra, anh nghiêng đầu khẽ gọi.

Quỳnh Anh giật mình:

– Hả! À, vâng ...

– Cô tên gì? Áo bẩn hết rồi.

Quỳnh Anh nhìn xuống bộ váy trắng của mình. Nó bị vấy bẩn, lấm lem máu do lúc nãy đỡ người phụ nữ đó. Cô chưa kịp trả lời, thì từ xa đã có người gọi anh:

– Nhanh lên! Có bệnh nhân đang cần cấp cứu!

– Vâng.

Anh vụt chạy đi thật nhanh. Quỳnh Anh ngơ ngác nhìn theo. Bác sĩ Bạc ...

Chiều tối, tại căn biệt thự nhà họ Trần, Hoài Bảo đi làm về, đặt cặp táp lên bàn:

– Mẹ! Đói quá mẹ ơi! Bố và anh Hai chưa về hả mẹ?

– Bố con vừa về, đang thay đồ trên phòng. Anh Hai con vẫn đang ở phòng mạch, chắc cũng sắp về rồi đó.

– Hôm nay mệt chết đi được. Bao nhiêu là việc. Ông anh con dạo này có vẻ bận quá nhỉ, suốt ngày chẳng thấy mặt mũi đâu cả.

Bà Trần ôn tồn:

– Bác sĩ mà. Bệnh viện thì đâu có ngày nghỉ. Con rửa tay đi rồi vô ăn cơm.

Bố con xuống liền bây giờ đó.

– Vâng ạ.

Một lúc sau, Chí Bạc về tới. Anh cùng bố mẹ và Hoài Bảo cùng ăn cơm.

Trên bàn ăn, ông Trần chậm rãi:

– Bạc lúc này cũng bận lắm hả con, ít thấy con ăn cơm ở nhà.

– Nghề nghiệp mà bố. Con cũng chẳng biết làm sao hơn.

– Ai biểu hồi đó chọn chi cái nghiệp cầm dao mổ, áo blouse. Học cũng mệt mà làm cũng đuối. Giờ phải chịu đi chứ! - Hoài Bảo trề môi.

Chí Bạc hất cằm:

– Ừ. Tui vậy đó. Vậy mà có người thì không đậu nên mới chuyển qua học Tin học ấy chứ.

– Số trời, ông anh ơi? Mặc xác! Mình đây cũng kỹ sư phần mềm chứ ít gì.

Sống khỏe là được.

– Cũng chưa biết ai khỏe hơn ai à. Nghe đồn dạo này chú em cũng thở không nổi mà. Bận tối mắt đấy thôi.

Hoài Bảo nhún vai:

– Tranh thủ cày để còn cưới vợ cho biết với thiên hạ.

– Nói nghe phát ớn! Hăm ba tuổi rồi mà còn kén chọn, chưa có mảnh tình vắt vai mà đòi đi cưới vợ. Khiếp quá!

– Hè hè ... Đùa chút thôi.

Ông Trần Thanh ôn tồn:

– Bảo lái xe cứng từ nào giờ. Nhưng Bạc thì không được. Để ba tìm cho con một tài xế chở con đi. Nghĩ cũng đúng. - Bà Trần gật đầu - Con là bác sĩ, có gì mẹ cũng không an tâm.

– Nói anh kìa! Đã bảo là khi nào rảnh để tui chỉ cho một tăng, đưa thử vài vòng là tự dưng lái xe cứng liền hà.

Chí Bạc cốc đầu Hoài Bảo:

– Thằng nhóc xúi dại. Muốn hại chết anh mày hả! Bố à! Sao cũng được. Vậy bố tìm cho con một tài xế riêng đi. Ngồi phía sau có người lái cũng dễ thở hơn.

– Có hai thằng con, chẳng đứa nào chịu theo nghiệp bố. Nhưng cũng được, miễn bây thành người là bố an tâm rồi.

– Là oán than hay oán trách đây ...

Hoài Bảo le lưỡi. Ông già một mình tạo dựng nên công ty nhưng cả anh và Chí Bạc đều đi theo hai con đường khác nhau. Tuy không nói thẳng nhưng thỉnh thoảng ông lại ca cẩm như vậy đấy.

Ngày hôm sau, một cô gái xinh xắn cầm theo tập hồ sơ đến gặp ông Trần Thanh:

– Lâm Quỳnh Anh! Cô muốn xin làm tài xế thật à?

– Dạ, vâng ạ.

Ông Trần chau mày. Ông đưa mắt nhìn cô từ đầu đến chân. Cô bé xinh xinh với đôi mắt to tròn long lanh, thân hình yếu đuối mảnh mai trông giống như một tiểu thư khuê các hơn là một tài xế riêng.

– Trước đây cô làm gì?

– Dạ, cháu đã từng làm tài xế riêng cho một doanh nhân, nhưng hiện tại ông ấy đã đi dân sang Mỹ nên cháu mất việc.

Thấy ông Trần cứ nhìn mình với vẻ nghi ngờ, Quỳnh Anh cười tươi, phân bua:

– Bác đừng nghi ngại, tài xế mà, ngồi trong xe không nên da trắng trắng vậy đó. Cháu cân nặng 45 ký, cao 1m66. Coi vậy chứ khỏe lắm. Và đặc biệt là cháu lái xe rất OK. Bác cứ cho cháu thử đi, cháu sẽ chứng minh cho bác thấy.

Ông Trần suy ngẫm. Thuê mấy tay tài xế nam nhiều lúc rượu chè bê tha rồi lái xe không cẩn thận. Cô nhỏ này trông có vẻ đáng yêu, biết đâu vầy mà được.

Ừ, thì thử xem ...

– Nhưng cô không phải làm tài xế cho tôi, mà là con trai tôi. Hằng ngày, cô phải đưa đón nó từ nhà đến bệnh viện và một phòng mạch riêng ở quận Nhất. Vì nó là một bác sĩ.

– Dạ vâng ạ. Sao cũng được.

– Vậy đi nhé! Bao giờ thì cô có thể đi làm?

– Bất cứ lúc nào, thưa bác.

Ông Trần gật đầu:

– Vậy thì ngày mai đi. Sáng sớm ngày mai cô đến đây sớm để bắt đầu công việc. Tôi sẽ thu xếp chỗ ở cho cô tại nhà để tiện đi lại. Thế nhé!

– Vâng. Cháu chào bác.

Quỳnh Anh cúi chào ra về. Nói chuyện với cô Tuyết Vy lắc đầu bó tay:

– Tớ sợ cậu luôn. Ai đời, đại tiểu thư không làm, lại xin đi làm tài xế cho người ta.

– Tớ nghĩ tới nghĩ lui, chỉ có cách đó là đễ gần gũi và tiếp cận anh ấy nhất.

Cũng chẳng biết sao nữa.

– Thế sao cậu không xuất hiện với tư cách là Lâm Quỳnh Anh của cậu, cô bé Mơ của mười tám năm trước có phải hay hơn không? Chi mà phải như vậy!

Quỳnh Anh đăm chiêu:

– Như thế thì sẽ rất gượng gạo. Cũng đã mười tám năm rồi, không biết anh ấy sẽ đối xử với tớ như thế nào. Tớ muốn âm thầm đi vào cuộc sống anh ấy một cách tự nhiên, nhẹ nhàng hơn.

– Tớ hỏi thật nhé! - Tuyết Vy nghiêng đầu nhìn Quỳnh Anh - Bây giờ thì cậu đang nhớ về anh Tom thời thanh mai trúc mã, hay là cậu đang yêu bác si Trần Chí Bạc cậu gặp hôm trước.

Quỳnh Anh sững người. Câu hỏi của Tuyết Vy không phải là không có lý.

Chính Quỳnh Anh cũng rất bất ngờ và bối rối. Cô về đây để tìm lại anh Tom của hồi ức, nhưng lần gặp Chí Bạc hôm trước đã để lại trong lòng cô một cảm giác cú xoáy vào tim ...

– Thôi rồi! Xem chừng cậu đã yêu người ta ngay từ lần gặp đầu tiên rồi đấy.

Anh chàng đó hắn cũng đẹp trai, cao ráo lắm phải không?

– Việc đó thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng thú thật, tớ cũng không hiểu tại sao mình lại như vậy nữa. Kể cũng lạ!

– Lạ lẫm gì! Cái thứ tình yêu ông trời còn không hiểu nổi, làm sao cậu biết.

Rồi giờ sao? Mai, định dọn đến nhà đó ở luôn hả?

Quỳnh Anh gật đầu:

– Tạm thời là như vậy. Nhưng cậu an tâm đi, tớ sẽ đi đi về về nhà cậu. Ở Việt Nam này tớ có quen ai đâu. Nói vậy thì còn nghe được. Xưa nay ở biệt thự quen rồi, đại tiểu thư sang đó làm tài xế, người ta bố trí cho ở trong căn nhà kho, liệu có chịu nổi không đấy?

– Vì chàng, em sẽ hi sinh tất cả.

Quỳnh Anh nói rồi phá lên cười khúc khích. Tuyết Vy trề môi ngao ngán.

Con nhỏ này đúng là khùng hết chỗ nói. Nó cũng thuộc dạng điên nặng lắm nên mới như thế. Cũng cầu mong cho mày sớm chinh phục được Bạch mã hoàng tử, để khỏi uổng công bay từ Mỹ về đây.

Sáng sớm, Quỳnh Anh xách theo vali đồ đến nhà họ Trần. Ông bà Trần Thanh bố trí cho cô một căn phòng cũng khá lịch sự, mát mẻ lắm chứ không đến nỗi “căn nhà kho” như Tuyết Vy hình dung.

– OK. Từ nay cháu ở đây nhé. Một lát, cháu sẽ lái xe đưa Chí Bạc đi làm.

Công việc cũng nhàn lắm chứ không đến nỗi nào đâu.

– Vâng ạ. Cháu cảm ơn bác. Bác à! Cháu có điều này muốn nói ...

– Cháu nói đi!

Quỳnh Anh ôn tồn:

– Thật ra thì việc làm tài xế riêng cho bác sĩ cũng không mất nhiều thời gian là mấy, vì mỗi ngày anh ấy chỉ từ nhà đi đến bệnh viện rồi về phòng mạch ...

nên cháu có nhờ người bạn xin cho cháu làm kế toán ở bệnh viện anh ấy công tác. Cháu vẫn sẽ hoàn thành công việc một cách đàng hoàng.

– Ủa. Vậy ra cháu có học qua về kế toán à? Sao hôm đó không thấy trong hồ sơ của cháu.

– Dạ, thì ... - Quỳnh Anh ngập ngừng - Thấy không liên quan đến việc làm tài xế nên cháu cũng không khai.

Ông Trần gật đầu:

– Sao cũng được. Vậy cũng tốt. Thôi, cháu chuẩn bị đi nhé. Cũng đến giờ đi làm rồi đấy.

– Dạ vâng.

Ông Trần lui ra ngoài. Việc xin cho Quỳnh Anh làm kế toán ở bệnh viện 115 là do bố Tuyết Vy đánh tiếng giùm. Dẫu sao thì cô cũng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Mỹ, công việc này thì cũng chẳng là gì. Tất nhiên là trong hồ sơ nộp cho ông Trần, cô đã không khai ra điều đó. Mục đích của Quỳnh Anh là có thời gian gần gũi với chàng Bạch mã hoàng tử của lòng mình kìa.

– Bố mẹ! Con đi làm.

Chí Bạc ăn sáng xong thì đi ra xe. Sáng nay, bố anh đã tuyển cho anh một tài xế riêng nên Bạc không cần phải lái xe.

– Chạy đến bệnh viện luôn nhé!

Bạc vừa nói vừa ngẩng lên nhìn người tài xế. Bất chợt anh mở to mắt kinh ngạc:

– Là cô sao?

– Bác sĩ ngạc nhiên lắm sao? Trái đất này tròn lắm mà.

Đúng là ngạc nhiên quá đi chứ! Cô chính là cô gái anh gặp trong vụ tai nạn xe hôm nào. Cô nhỏ có đôi mắt to long lanh, dáng người mong manh mình hạc xương mai đây mà.

– Tôi thật sự không nghĩ là cô. Trông cô đâu có giống như một tài xế lái xe?

– Sao lại không giống ạ? Thì hôm đó tôi cũng đã chở bác sĩ đi đấy thôi.

– Ừ thì ... Ủa, mà cô tên gì thế?

– Quỳnh Anh!

Chí Bạc gật đầu:

– Hôm đó bận việc nên chưa kịp hỏi tên cô. Cũng bất ngờ lắm đấy!

– Không phải bác sĩ chưa kịp hỏi, mà là tôi chưa kịp nói thì bác sĩ đã chạy đi mất.

– Ừ, hôm đó có bệnh nhân đang cần cấp cứu. Nhưng trước nay cô làm việc ở đâu? Cô chắc là nhỏ tuổi hơn tôi hả?

Quỳnh Anh liến thoắng:

– Nếu tôi nói tôi lớn tuổi hơn bác sĩ, thì bác sĩ có gọi tôi là chị không?

– Cô lớn tuổi hơn tôi à? Trên xe có kính kìa cô nhóc, soi thử xem mặt mình còn búng ra sữa đấy.

– Hì hì ... Chưa biết chừng bác sĩ ơi!

– Tôi già rồi.

– Cô chưa trả lời câu hỏi của tôi. Trước đây, cô làm gì? Ở đâu?

Quỳnh Anh nói một hơi dài:

– Nhà nghèo, “ba má đông” nên bốn tuổi tôi đi bán kẹo kéo với bố, sáu tuổi ra chợ buôn rau muống với mẹ. Lớn lên được một chút má cho đi buôn ve chai.

Thấy nghề đó cũng không khá nên thôi, đi bán vé số, lỡ không may bán hổng hết có ế lại, trời thương cho trúng số cũng nên.

Chí Bạc bật cười:

– Cũng truân chuyên quá hén! Vậy thì còn nhà ở đâu?

– Bác sĩ có biết cầu chữ Y không? Bây giờ nhé! Bác sĩ cứ đi thẳng qua cầu Ông Lãnh, nhà em nằm ngay dưới chân cầu Ông Lãnh, sát bên cầu chữ Y và gần chợ Cầu Muối ấy. Quỳnh Anh trả lời tỉnh queo. Cô cũng vừa qua thời sinh viên nên nghịch ngợm lắm. Đúng lúc điện thoại của Chí Bạc reo, anh lấy ra nghe ...

– Alô. Ừ, anh đang đến nè. Sáng, cưng ăn sáng chưa?

– ...

– Vậy là! Vậy thôi, đợi chút nha. Anh sẽ ghé đâu đó mua chút gì đó cho cưng ăn. Đêm qua ngủ có ngon không?

– Vắng anh ngủ không được à? Bác sĩ mà nhõng nhẽo như vậy, giờ làm sao đây ta! Thôi, ngoan nha! Để anh xuống mua điểm tâm cho em.

Tắt máy, Chí Bạc bảo Quỳnh Anh rẽ xe vào một tiệm gà rán Kentucky.

– Cô đợi tôi một chút nhé, tôi ra ngay!

– Đôi mắt Quỳnh Anh chợt buồn. Nghe cách nói chuyện ngọt ngào đó cũng đủ biết là anh đang nói chuyện với ai rồi. Thì ra là anh đã có bạn gái. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, Chí Bạc là một bác sĩ trẻ tài năng, lại điển trai, nên việc có người yêu là chuyện tất nhiên, khó trách ...

– Xong rồi! Ta đến bệnh viện đi!

Cho xe chạy đi, Quỳnh Anh hỏi khẽ:

– Bác sĩ mua cho bạn gái à?

– Hả! Ừ.

Chí Bạc cười nhẹ:

– Cô ấy sáng đi làm vội, nên chưa ăn gì hết. Cũng là người làm cùng bệnh viện với tôi thôi. Mà này! Quỳnh Anh thật sự là nhìn không giống một người tài xế. Thật đấy!

Ừ. Điều đó là tất nhiên rồi. Trông bề ngoài Quỳnh Anh xinh như vầy, cô đẹp không thua gì hoa hậu, làm sao mà làm tài xế được. Vì anh đấy, anh có biết không. Đến nơi, Quỳnh Anh nói khẽ:

– Tôi cũng có xin làm kế toán ở bệnh viện này. Đến chiều, tôi sẽ lái xe đưa bác sĩ về nhà. Thế nhé!

– Vậy à!

Chí Bạc bâng quơ nhìn cô. Anh cầm theo hộp thức ăn đi vào trong. Đến phòng làm việc của Phương Hà, anh gõ cửa.

Cốc ... Cốc ...

– Vào đi!

Đẩy cửa bước vào, Chí Bạc đặt hộp gà rán lên bàn, anh âu yếm vòng tay ôm lấy eo cô:

– Người đẹp của anh ăn sáng thôi.

– Anh đã ăn gì chưa? Ăn cùng với em nhé!

– Anh ăn rồi. Em mau ăn đi cho nóng, để nguội mất ngon.

Hà từ từ ngồi ăn và nói chuyện với Chí Bạc:

– Tình trạng bệnh nhân phòng 308 có vẻ rất xấu. Hôm qua em đến thăm, cậu nhóc ấy lại la hét, quang đồ tứ tung. Bực cả mình!

– Em nói cậu bé bị ung thư máu đấy, phải không?

– Thì là nó đó ! - Phương Hà gật đầu - Riết rồi chịu hết nổi luôn. Lúc thì nó nằm im thin thít chẳng nói chẳng rằng, lúc thì quát tháo ầm ĩ ... muốn khám cho nó cũng phải vã cả mồ hôi.

Chí Bạc chậm rãi:

– Cậu bé đó nhập viện cũng cả năm nay rồi. Bệnh tình khiến tinh thần của nó sa sút. Suốt ngày ở bệnh viện, lại phải thường xuyên chịu đau đớn, chẳng trách sao nó bức xúc.

– Biết là vậy. Nhưng anh xem này! Hôm qua em đến khám cho nó, nó nổi điên lên quăng đồ vào người em, chảy cả máu tay.

Phương Hà giơ cao ngón tay quấn băng của mình. Chí Bạc cười nhẹ:

– Gắng chịu một chút, cưng à. Thông cảm cho bệnh nhân nhé! Thôi, anh đi làm việc đây. Trưa, anh qua. Anh hôn nhẹ vào trán cô rồi đi ra ngoài. Chí Bạc và Phương Hà cùng là bác sĩ trong bệnh viện. Họ yêu nhau cũng cả năm rồi. Hà tuy không xinh lắm, nhưng cô rất biết cách dịu dàng trong giao tiếp, lấy lòng người khác. Bản chất thì cũng tốt, nhưng Hà là người có nhiều tham vọng.

Trong phòng làm việc, viện trưởng đến gặp Quỳnh Anh.

Cốc ... Cốc ...

Ông gõ nhẹ vào cánh cửa đang mở, Quỳnh Anh khẽ cười đứng dậy chào:

– Viện trưởng!

– Ừ. Cháu làm quen được với công việc không?

– Dạ, cũng tốt, thưa viện trưởng.

Viện trưởng Cao gật đầu:

– Ừ. Bác cũng biết là việc này thì đúng là quá đơn giản so với cháu. Thật sự là khi nghe anh Giang, ba của Tuyết Vy giới thiệu cháu đến làm, bác cũng rất bất ngờ. Rõ ràng là cháu đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Mỹ , gia đình lại thuộc loại khá giả. Thế sao bỗng dưng cháu lại trở về Việt Nam và chấp nhận làm một nhân viên kế toán bình thường cho bệnh viện?

– Dạ, việc đó ...

Quỳnh Anh ngập ngừng:

– Dạ, thật lòng mà nói, với cháu đó là vì một lý do cá nhân ... Tạm thời cháu cũng không thể nói được, chỉ mong viện trưởng đừng tiết lộ hồ sơ về cháu.

Cháu không muốn người ta biết cháu từ Mỹ trở về.

– Ừ, sao cũng được. Có một cô hoa hậu vừa đẹp vừa giỏi làm việc trong bệnh viện như vậy cũng tốt chứ sao. Thôi, cháu làm việc đi nhé!

– Vâng, cháu cảm ơn viện trưởng.

Viện trưởng Cao đi rồi, Quỳnh Anh tranh thủ làm hết việc, để đi dạo một vòng bệnh viện. Ngày xưa, lúc còn đi học, cô cũng đã từng mơ ước được mặc chiếc áo blouse, nhưng biết sao được khi cô không thi đậu ngành Y. Bây giờ vào trong bệnh viện thấy cảm giác cứ nao nao thế nào ấy.

– Cút đi! Tránh ra! Đừng có đụng vào tôi! Tránh ra!

Tiếng nói phát ra từ một căn phòng bệnh. Quỳnh Anh nghiêng đầu nhìn. Bên trong, Chí Bạc đang rất khổ sở dỗ dành cậu bé.

– Em đừng như thế! Em không cho anh tiêm thuốc thì làm sao mà hết bệnh được.

– Đồ dối trá. Các người có trị hết bệnh cho tôi đâu. Tôi không muốn ở đây nữa. Tránh ra!

Thằng nhóc nổi điên vơ đồ quăng tứ tung khắp phòng. Bên cạnh, mẹ nó cũng phải bó tay:

– Bin à! Ngoan đi mà con. Con nằm im để bác sĩ tiêm thuốc cho nhé!

– Con không tiêm! Không tiêm gì hết! Đi tránh ra! Cút đi! Các người cút hết đi!

Bốp!

Nguyên cái nắp chai văng vào trán Quỳnh Anh đang đứng bên ngoài. Ngay tức thì cô bước vào hất cằm lên nhìn nó:

– Ê, tên nhóc kia! Mi có phải là đàn ông không vậy?

Thằng nhóc im bặt. Nó mở to đôi mắt nhìn cô:

– Chị là ai? Liên quan gì đến chị?

– Ờ ... thì cũng chỉ là người dưng thôi, nhưng ngứa mắt nên mới nói. Xí!

Gớm! Nhìn cái mặt cũng sáng láng lắm, đàn ông con trai gì mà sợ đau, tiêm thuốc cũng không dám còn thua cả con gái nữa, bạn ơi!

– Ai nói với chị là tui thua con gái, tôi sợ đau chứ?

Quỳnh Anh trề môi:

– Sờ sờ ra trước mắt sao còn chối được bạn? Chẳng phải tên nhóc nhà mi vì sợ đau hổng dám tiêm thuốc nên mới la hét om sòm đấy thì là gì? Nhục gì đâu!

– Ê , bà chị lắm lời kia! Mở to con mắt ra xem ta đây có sợ đau không nhé!

Nói rồi, thằng nhóc Bin quay sang Chí Bạc:

– Còn đứng đó làm gì, sao không mau tiêm đi!

Chí Bạc mỉm cười, lập tức tiêm thuốc cho thằng bé. Hay thật! Vài câu nói khích của Quỳnh Anh mà nhóc nhà ta đã ngoan ngoãn chìa mông cho bác sĩ tiêm thuốc.

Quỳnh Anh quay chỗ khác che miệng cười. Xong đâu đấy, nhóc Bin hất cằm:

– Thấy chưa, bà chị? Ai sợ đau?

– Ừ, thì ... cũng tạm tạm. Ủa! Mà sao nhóc yếu xìu vậy? Chị biết rồi, chú em kén ăn quá nên mới như vậy chứ gì? Như vậy thì đúng là con trai mà yếu hơn con gái thật rồi.

– Cũng chưa chắc à nghen! làm sao mà tui có thể thua con gái được. Không tin, chị thử còng tay với tui xem!

Quỳnh Anh trố mắt:

– Cái ... cái gì? Còng tay à!

– Thì Ừ. Sao vậy? Sợ rồi à? Chị nói chị là con gái, tui là con trai mà. Tui chấp chị lớn tuổi hơn tui luôn đấy. Cứ thử xem! Dám hông?

– Thằng nhóc Bin này chắc cũng khoảng chín, mười tuổi gì đó. Nhìn bên ngoài nó có vẻ ốm yếu do bệnh tật. Nhưng dù sao thì tạo hóa sinh ra nó cũng là thằng con trai. Quỳnh Anh chần chừ. Ai chẳng biết cô mình hạc xương mai.

Còng tay với một thằng nhóc, nói thế chứ cũng chưa biết chừng. Nhưng mà ...

liều luôn.

– OK. Còng tay thì còng tay. Nhưng ai thua thì phải ngoạm hết bát cháo đó à nha.

– Không thành vấn đề.

Chí Bạc thấy lo lo. Anh kề tai nói khẽ với Quỳnh Anh:

– Này nhỏ! Cô có dám chắc không đấy?

– Chưa biết nữa!

Và thế là cuộc chiến bắt đầu. Quỳnh Anh bày trò này cốt chỉ muốn dụ cho chú nhóc ăn hết bát cháo cho có sức. Nhưng xem ra tình hình có vẻ căng thẳng à nha ...

– Ôi, mẹ ơi ...

Quỳnh Anh nhăn nhó. Đúng như dự đoán, tên nhóc này coi vậy mà mạnh gớm. Cánh tay mỏng manh của cô như muốn gãy luôn vậy. Hắn lại còn lấy hết sức bình sinh để chiến đấu nữa chứ!

– Trời ạ ....

Không còn cách nào khác, đành phải xuất chiêu thôi. Một, hai, ba ... Quỳnh Anh dùng cánh tay còn lại cù léc vào người Cu Bin. Thằng nhóc bất ngờ đành phải xuôi tay. Nó đứng dậy la lên:

– Ê! Chơi kỳ dậy?

– Kỳ gì mà kỳ! Lúc nãy trước khi chơi đâu có giao luật là không được cù léc đâu!

– Bà chị ăn gian vừa thôi! Chơi vậy không tính!

Cậu nhóc gân cổ lên cãi. Quỳnh Anh phủi tay:

– Thôi đi bạn ơi! Thua rồi định đánh bài chuồn hả? Lúc nãy khi chơi, chúng ta đâu có giao kết luật là không được cù léc đâu. Tóm lại là bây giờ bạn đã ngã gục trước mà không chịu phạt chứ gì? Nhục nhã!

– Chị ....

Nó tức quá nhưng cứng họng không nói được. Thằng nhóc đành quay qua “quằm” bát cháo. Vừa ăn, nó vừa tức nghẹn:

– Đồ ăn gian!

Ặc ặc! Bảo ta ăn gian mà cũng có đứa đứng chịu phạt, ăn ngon lành bát cháo đấy chứ! Chẳng biết gọi là ngơ hay là ngu nữa ...

– Thế nhé cưng? Bây giờ chị phải đi làm việc rồi. Hôm khác chị em mình khai chiến tiếp nha. Bye cưng!

Chí Bạc và Quỳnh Anh đi ra ngoài, Anh mỉm cười nhìn cô:

– Cô hay thật đấy. Bình thường nhóc Bin này khó bảo lắm. Muốn tiêm thuốc được cho nó có khi mất cả ngày trời còn chưa được.

– Có gì đâu. Ủa, mà cậu nhỏ đó bị bệnh gì vậy, bác sĩ? Có nặng lắm không?

– Nặng! Nhóc bị ung thư máu. Hiện tại vẫn chưa tìm được người có tủy hợp với nó. Nó nằm viện cũng đã lâu rồi. Thường xuyên phải chịu đau, bức bối nên đâm ra cáu giận như vậy đấy.

– Cũng khó trách ...

Quỳnh Anh lẩm bẩm. Đúng lúc Phương Hà đi tới:

– Chí Bạc!

Hà thoáng chau mày nhìn Quỳnh Anh, cô có vẻ ngạc nhiên:

– Cô là ...

Quỳnh Anh gật đầu chào. Chí Bạc giới thiệu:

– Quỳnh Anh làm việc ở bộ phận kế toán của bệnh viện. Đây là bác sĩ Hà.

– Chào chị.

Phương Hà không nói gì, cô khoác tay Chí Bạc, ân cần:

– Em tìm anh từ nãy giờ. Đến đây, em chỉ cho xem cái này hay lắm!

– Gì vậy em?

– Thì đi đi rồi biết.

Cô kéo tay Chí Bạc đi. Nhìn cách hai người thân mật, không khó khăn để nhận ra mối quan hệ của họ. Quỳnh Anh ngơ ngác buồn buồn nhìn theo ... Một cảm giác gì đó nhoi nhói ở tim. Chí Bạc ...

– Á ...

Ngẩn ngơ nhìn, Quỳnh Anh không hay có một người đi ngang gạt trúng tay mình, xấp giấy từ trên tay anh ta rơi xuống.

– Xin lỗi ...

Cô nói khẽ rồi cúi xuống nhặt giùm.

Quỳnh Anh ngẩng mặt lên:

– Của anh đây?

– Vâng ...

Anh chàng bỗng dưng nhìn cô không chớp mắt. Anh ta đờ người ra cứ như là bị điểm huyệt vậy. Anh mặc áo blouse, có lẽ là bác sĩ.

– Anh à!

Thấy chàng cứ ngẩn người ra, cô gọi khẽ lúc này, anh mới giật mình:

– Ơ ... à vâng ... Xin lỗi cô.

– Có gì đâu!

Quỳnh Anh toan bước đi nhưng anh gọi với theo:

– Cô ... cô là ...

Quỳnh Anh quay lại nhìn, cô không nói gì, chỉ cười nhẹ rồi bỏ đi.

– Bác sĩ Duy!

Cô y tá từ sau đi tới khẽ gọi anh:

– Làm gì mà ngẩn người ra như người mất hồn vậy?

– Này, này? Cô có biết cô gái đó không? Cô ta là ai vậy? Người nhà của bệnh nhân hả?

– Ai cơ?

Khắc Duy chỉ tay về hướng Quỳnh Anh đang đi khuất dần:

– Cô gái mặc váy trắng mới đây nè!

– À, bác sĩ nói cô gái tóc dài, mắt to to đó hả? Nghe đâu cô ta làm việc ở bộ phận kế toán, cũng vừa đi làm sáng nay thôi.

– Vậy à!

Y tá Hân nghi ngờ:

– Kiểu này sao nghi quá! Chắc không phải là bác sĩ gặp tiếng sét ái tình rồi chứ?

– Người đâu mà xinh thế nhỉ! Chắc chết quá Hân ơi.

– Ôi trời! Phải bác sĩ Duy không vậy!

Khắc Duy nheo mắt cười. Cũng chưa biết chừng. Nàng cùng làm trong một bệnh viện với mình mà. Ngày tháng còn dài, nhỏ ơi.

– Ủa, mà nàng tên gì, Hân có biết không?

– Mới hồi nãy nghe cô Ngọc gọi tên ... gì nhỉ?

Hân chau mày suy nghĩ. Một lúc, cô “à” lên:

– À, nhớ rồi! Quỳnh Anh ...

– Quỳnh Anh! Người đẹp mà tên cũng đẹp.

– Bác sĩ ơi! Tỉnh lại đi! Tôi đi làm đây.

Hân khều tay anh rồi bỏ đi tuốt. Anh chàng bác sĩ này xưa nay nổi tiếng đào hoa. Ừ, thì cũng trêu đùa vậy thôi chứ thật ra cũng không có gì. So với vẻ chững chạc điềm tĩnh của Chí Bạc thì Khắc Duy có phần vui tính hơn. Thế mà cũng có khối cô điêu đứng rồi đấy.

Chiều về, Quỳnh Anh ra xe trước đợi Chí Bạc. Anh còn đang nói chuyện với Phương Hà:

– Anh sang phòng mạch trước. Một lát em về sau nhé!

– Ừ. Anh đi đi. Lái xe cẩn thận!

– Có cần anh mua thức ăn cho em không?

Phương Hà lắc đầu:

– Không cần đâu. Lát, em đi ăn với mấy đứa bạn được rồi.

– OK. Anh về nhé!

– OK.

Bệnh viện làm việc không giống như ở công sở một ngày tám tiếng. Cái nghiệp bác sĩ là vậy đó. Sau khi rời khỏi bệnh viện, Chí Bạc trở về phòng khám tư của anh trên đường Hùng Vương quận 5. Đây là căn nhà riêng của anh, đáng lý ra anh đã ra ở riêng, nhưng vì thương bố mẹ nên Chí Bạc vẫn sống cùng ông bà và Hoài Bảo trong căn biệt thự nhà họ Trần. Anh mở phòng mạch, hàng ngày làm việc đến mười giờ đêm thì về.

– Bác sĩ Hà ...là bạn gái của anh hả?

Quỳnh Anh ngập ngừng hỏi. Chí Bạc gật đầu:

– Ừ. Chúng tôi quen nhau cũng gần năm rồi. Cô đã có bạn trai chưa?

– Tôi xấu thấy mồ, làm gì có ai theo hả, bác sĩ.

– Là khiêm tốn hay nói đùa đây?

– Bác sĩ ... yêu cô ấy lắm sao?

Chí Bạc điềm nhiên:

– Ừ. Cổ là bạn gái tôi mà. Tôi không yêu cổ thì yêu ai bây giờ.

Có một người nào đó không hiểu, một người nào đó đang buồn dịu vợi ... Có một người nào đó vô tư hạnh phúc, một người nào đó lặng im không nói.

– Đến nơi rồi, Quỳnh Anh rẽ xe vào đi!

Chí Bạc chỉ tay về ăn nhà lầu ba tầng khang trang. Anh mở phòng mạch riêng ở đây. Bước xuống xe, Quỳnh Anh hỏi Chí Bạc:

– Tôi ở đây với bác sĩ đến lúc đóng cửa về nhà nhé?

– Ừ, cứ như thế đi! Cô không cảm thấy bất tiện chứ?

– Không có gì. Nhưng mà ... tôi cần phải đi tắm. Nóng nực quá!

Chí Bạc chỉ tay về phía sau:

– Cô lên nhà đi. Trên đó có đầy đủ đồ dùng đấy.

– Ừ.

Quỳnh Anh lên nhà đi tắm. Chí Bạc đang làm việc bên dưới. Từ lúc nhỏ, Quỳnh Anh đã có một “bệnh” rất nặng:

tắm lâu. Cô rất thích ngâm mình trong bồn. Cảm giác tự do thoải mái làm sao. Cô nàng tắm lâu khủng khiếp.

Tắm rửa xong, rón rén đi xuống, Quỳnh Anh thấy Chí Bạc vẫn còn đang khám bệnh. Cô không hiểu gì về Y khoa, nên thôi cũng chẳng làm phiền anh.

Quay sang nhà bếp, thấy trong tủ lạnh có một số thức ăn, chắc bà Trần lo cho con nên cũng thường đến chuẩn bị đủ thứ.

Quỳnh Anh bắt đầu nấu nướng. Tuy sống ở Mỹ, nhưng bố mẹ luôn giáo dục Quỳnh Anh theo đúng phẩm chất một người Việt Nam. Mẹ cũng thường hay dạy Quỳnh Anh nấu ăn. Về mảng này thì cô hơn hẳn Tuyết Vy ...

– Oa! Thơm quá!

Rảnh tay một chút, Chí Bạc đi xuống nhà sau. Anh ngửi được mùi thơm từ thức ăn Quỳnh Anh đang nấu.

– Bác sĩ có đói không? Lúc từ bệnh viện ra cũng chưa ăn gì hết mà, phải không?

– Ừ, cũng đói lắm rồi. Nhìn có vẻ ngon quá há!

– Bác sĩ ngồi xuống ăn chút đi. Ở đây có thể trông lên nhà trên được mà. Bây giờ cũng không có ai hết.

Chí Bạc kéo ghế ngồi xuống, đi ngang qua chỗ Quỳnh Anh, anh nghe một mùi hương thoang thoảng trên tóc cô.

– Chuyện gì vậy?

– Thấy anh hơi ngơ ngác, cô hỏi khẽ Chí Bạc cười nhẹ:

– Mùi hương hoa bưởi ...

– À ...

Quỳnh Anh hiểu ý. Dầu gội, nước hoa, phấn thơm ... của cô đều có mùi hương này. Đây là hương hoa mà cô yêu thích nhất mà.

– Cô làm cho tôi bỗng nhớ đến một người ...

– Là ai?

Quỳnh Anh nghiêng đầu nhìn anh. Chí Bạc bâng quơ kể về hồi ức:

– Thuở nhỏ, tôi có một cô bạn thanh mai trúc mã. Cô bé đó có hai bím tóc xúng xinh đáng yêu lắm. Tôi còn nhớ cô ấy cũng yêu thích mùi hương hoa bưởi như cô, cái mùi dìu dịu ngọt ngào ... Lúc đó tôi thường hay trèo rào kẽm gai vào nhà một người hàng xóm hái hoa cho cô ấy. Cứ mỗi lần được tôi tặng hoa là cô bé lại mừng rỡ, mở to đôi mắt tròn xoe ...

– Thế bây giờ cô bạn đó ở đâu? Anh có nhớ về cô ấy hay có muốn gặp lại cô ấy không?

– Mười tám năm trước, cô bé đó theo gia đình đi dân sang Mỹ. Từ đó đến nay, tôi đã không còn gặp lại nữa.

– Nếu bây giờ gặp lại cô ấy thì anh sẽ như thế nào?

Chí Bạc cười nhẹ:

– Ngày đó tôi còn bé lắm. Thật ra, tất cả chỉ là những kỷ niệm đẹp, một hồi ức đẹp. Gặp lại nhau cũng bình thường thôi. Đâu có gì ...

– Vậy à!

Quỳnh Anh im lặng buồn buồn. Ký ức trong anh chỉ đơn giản là thế thôi sao ...

– Nói về cô đi! Quỳnh Anh chưa nói cho tôi biết Quỳnh Anh lớn lên như thế nào?

– Tôi cũng có một mối tình rất đẹp. Một thời tôi cũng cùng anh đuổi bướm, hái hoa sau vườn ... Những buổi chiều thả diều trên cánh đồng lúa chín thuở ấu thơ ... Đó là những tháng năm tôi không bao giờ quên được. Mãi đến sau này tôi gặp lại anh, anh đã không nhận ra tôi ...

– Sao anh ấy lại không nhận ra cô?

Quỳnh Anh đáp khẽ:

– Thời gian. Chúng tôi lớn dần lên theo thời gian. Anh có cuộc sống riêng của anh và đã có bạn gái. Anh nói với tôi rằng anh yêu người đó ...

– Tình yêu đôi khi phải biết đấu tranh cho mình. Không thử thì sẽ không biết được. Cố lên nhé!

Chí Bạc nheo mắt. Quỳnh Anh mỉm cười. Trách anh khờ hay cứ hoài ngây ngô ... Anh không biết hay chỉ là giả vờ ... Đồ ngốc! Trần Chí Bạc! Anh ngốc lắm!

Rào rào ...

Bên ngoài trời bỗng đổ mưa. Cơn mưa bất chợt trút xuống những ngày hè tháng sáu.

– Ôi trời! Mưa rồi ...

– Sao bỗng dưng trời lại đổ mưa thế nhỉ!

– Mưa lớn vầy có lẽ phải đến khuya mới tạnh được.

Chí Bạc nhìn ra ngoài:

– Ừ. Đợi tạnh một chút mình về nhà.

Ầm ... Ầm ...

Bên ngoài sấm chớp dữ dội Quỳnh Anh thét lên:

– Á ...

Cô bịt hai tai mình lại, thu người co rúc đến tội nghiệp. Quỳnh Anh vốn sợ sấm sét từ nhỏ, cớ mỗi lần sấm sét là cô lại rất sợ.

– Quỳnh Anh ...

– Chí Bạc vội vàng ôm cô vào lòng, anh vỗ nhẹ vào vai cô vỗ về.

– Đừng sợ .... Không sao rồi! Đừng sợ ....

Trong khoảnh khắc, mùi hương hoa bưởi từ tóc cô thoang thoảng, những hạt mưa bay lất phất ngoài hiên, kỷ niệm chợt tìm về trong ký ức anh ...

– Cảm ơn ...

Không còn sấm chớp, Quỳnh Anh thở phào, ngẩng lên nhìn anh. Bất chợt anh nhìn cô, ngây người ra:

– Em làm tôi nhớ đến một người ... bé Mơ ngày xưa cũng như thế ...

Nói rồi, anh đứng dậy quay đi thật nhanh. Cảm giác như anh sợ ánh mắt long lanh của cô đi vào tim ...

Quỳnh Anh im lặng. Em đi tìm anh Tom trong kỷ niệm, nhưng em yêu Chí Bạc của thực tại ... Tình lặng câm không nói ...

– Bác sĩ à! Tôi nhờ tí nhé!

Chuyện gì?

Quỳnh Anh nhăn mặt ... cười khì. Cô ngập ngừng:

– Tôi ... tôi có thể mượn áo blouse một chút không?

– Hả! Cái này à?

Chí Bạc nhìn vào chiếc áo mình đang mặc. Quỳnh Anh gật gật đầu. Anh mở cúc áo, cởi áo ra đưa cho cô:

– Có gì không?

Quỳnh Anh thích thú cầm lấy khoác lên người. Cô cười rất tươi, quay một vòng tròn:

– Xem tôi có giống bác sĩ không?

Mơ ước được mặc áo blouse là ước mơ từ nhỏ của Quỳnh Anh, cô thích trở thành bác sĩ lắm.

Chí Bạc bật cười:

– Ừ. Nhìn nhỏ cũng giống bác sĩ lắm đó.

Quỳnh Anh áp ống nghe lên ngực anh, cô lí lắc:

– Chà! Anh bị suy tim nặng rồi, cần phải thay tim thôi ...

– Ôi, sợ quá!

Cả hai nhìn nhau phá lên cười. Nhìn Quỳnh Anh cười trông đáng yêu lắm.

Chí Bạc nhẹ giọng:

– Bộ nhỏ thích làm bác sĩ lắm hả?

– Ừm. Thích lắm! Hồi đó có thi vào ngành Y mà đậu phải cành mềm. Sau này cứ hễ thấy chiếc áo blouse là tôi lại thấy nao lòng ...

– Nhưng nghề này cũng cực lắm. Thôi thì cứ xem như là không có duyên vậy.

Quỳnh Anh gật đầu:

– Đành vậy. Tạnh mưa rồi. Mình về nhà nhé!

– OK.

Họ lên ô tô trở về căn biệt thự nhà họ Trần. Chí Bạc mệt nên lên phòng ngủ sớm. Quỳnh Anh còn nói chuyện điện thoại với Tuyết Vy:

– Sao hả? Hôm nay sao rồi?

– Ừ. Cũng bình thường. Cậu chưa ngủ sao?

Tuyết Vy ngáp dài:

– Sắp ngủ. Gọi điện hỏi thăm coi cậu sống chết ra sao. Cả ngày hôm nay ở bên cạnh Bạch mã hoàng tử cảm giác thế nào?

– Buồn vui lẫn lộn. Vừa gần gũi nhưng lại xa xăm ...

– Khổ quá! Đã bảo là thôi thì cứ huỵch toẹt đại rằng:

“chàng ơi, em yêu chàng” cho rồi. Còn bày vẽ đủ chuyện.

Quỳnh Anh chắt lưỡi:

– Sợ đến lúc đó chàng co giò chạy tuốt, không thấy bóng dáng đâu nữa thì khổ.

– Thế thì cậu cứ tiếp tục chinh phục đỉnh Everest của cậu đi. Tớ đi ngủ đây.

Khi nào bị tổn thương thì đừng lết về tìm tớ nhé.

– OK. Ngủ đi chị Hai!

Tuyết Vy tắt máy. Quỳnh Anh đưa mắt nhìn ra xa. Không hiểu sao việc đến gần anh bây giờ trở nên xa xôi với cô quá ...

Anh cứ đứng đấy, và cô cứ đứng nhìn, đưa tay chạm vào nhưng cứ hoài mãi không đến ... Chí Bạc ...

– Á ...

Một bóng đen đứng phía sau lưng bỗng hét lên làm Quỳnh Anh giật mình quay lại:

– Ôi trời! Gì vậy?

Hoài Bảo đang vuốt ngực thở hổn hển:

– Mẹ ơi! Làm hết hồn! Cô là ai vậy? Sao lại đứng đây?

– Thế còn anh là ai?

– Lảng nhách! Đây là nhà tôi mà!

– Nhà anh?

Quỳnh Anh săm soi Hoài Bảo từ đầu đến chân. Thì ra là hắn. Nhớ rồi! Cái nốt ruồi ở cằm hắn thì không lẫn vào đâu được. Hắn là tên Két, em trai của Tom, Chí Bạc.

Còn nhớ lúc nhỏ, hắn là chuyên gia chọc phá cho cô khóc mà. Đồ xấu xa này, lớn lên chắc cũng không thay đổi gì mấy.

– Sao không trả lời đi?

– Hả ! Ừ thì ... tôi là tài xế riêng mới tuyển của bác sĩ Bạc.

– Tài xế?

Hoài Bảo chau mày. Đến lượt anh săm soi cô:

– Khó tin quá!

– Mắc gì không tin?

– Cô thế này mà làm tài xế. Đười ươi nó còn không tin nữa là.

– Vậy hóa ra anh là bà con của nó à?

– Cô ...

Hoài Bảo cứng họng. Nhưng mà co lý à nha. Cô nàng này có cái môi cong cong trông cũng cá tính lắm. Xưa nay anh cũng không thích các cô gái dịu dàng quá.

– Thôi được rồi, tạm tin cô. Vậy thì nói đi, cô tên gì? Bao nhiêu tuổi?

– Màu vàng, chỉ nở về đêm ... đó là hoa gì?

Hoài Bảo ậm ừ:

– Nở về đêm à ... hoa quỳnh.

– Ừ, tưởng đâu hổng biết nữa chứ. Lâm Quỳnh Anh!

– Vậy à! Nhóc ... đủ mười tám tuổi chưa?

– Trời mẹ ơi! Quỳnh Anh quay sang nhìn hắn. Dám hỏi mình đủ mười tám tuổi chưa nữa cơ đấy. Tên Két này mình nhớ rõ là hắn bằng tuổi mình. Cái mặt bơ sữa non choẹt mà cứ đòi lên giọng.

– E hèm! Bạn gì ơi! Bạn không cảm thấy là bạn tự tin quá đáng hay sao? Bạn nhìn đi, bạn có điểm nào hơn mình này? Bạn cao hơn mình cũng không bao nhiêu, cùng lắm là 1m7 chứ gì? Mình mà mang giày lên là dám chắc bạn phải ...

bắc ghế. Nét mặt bạn thì búng một cái còn văng ra sữa, bạn dựa vào đâu mà gọi mình bằng nhóc, lại còn bảo chưa đủ mười tám tuổi nữa cơ đấy. Khiếp!

Hoài Bảo tức thì hất cằm:

– Ôi trời ơi? Cưng đang chảnh với anh đấy hả? Anh đây cao 1m74 đấy. Cưng nghĩ sao mà đòi anh phải bắc ghế? Cặp chân thì cũng có dài thiệt, nhưng cưng ơi, anh là đàn ông mà. Ừ thì tất nhiên đẹp trai nên trông còn trẻ là phải rồi. Cùng lắm cưng được hai mươi chứ gì?

– He he ... Vậy thì “cưng này” chia buồn với ông anh nha. “Cưng này” năm nay hăm ba rồi. Sao hả, gọi chị được chưa “bé”?

Hoài Bảo chau mày. Chẳng biết cô nàng có bốc phét hay không? Mặt vậy mà đã hăm ba tuổi rồi ư?

– Ừ thì ... hăm ba. Bất quá thì ngang nhau thôi. Tôi cũng hăm ba. Nhưng này!

Có đúng là cô đi làm tài xế thật không đấy?

– Tôi đã đứng trong nhà anh rồi, anh nghĩ tôi có thể nói xạo không?

– Cô ... không có đi học hả?

Quỳnh Anh quay qua nhìn. Cái mặt hắn bây giờ nhìn cô có vẻ thương cảm, tội nghiệp lắm. Chắc hắn nghĩ là cô thất học, hoàn cảnh khó khăn nên mới đi làm tài xế. Quỳnh Anh cười thầm, cô vờ gật đầu:

– Ừ, đúng rồi! Tôi ngu lắm. Hồi đó đi học bị ăn đòn hoài, sợ quá nên nghỉ luôn. Lớn lên một chút, má cho tôi đi học may. May tới may lui cứ bị gãy kim hoài nên thôi, tôi đi học lái xe. Giờ làm tài xế nè.

– Vậy à! Coi vậy mà cũng lênh đênh ba chìm bảy nổi dữ hén! Ủa, mà sao cô không ngủ, ra đây làm gì?

– Ừ, thì cũng hơi khó ngủ. Nào giờ quen nằm vách đất rồi, nên ở biệt thự có phần lạ chỗ. Vậy còn anh, sao không ngủ đi, chui ra đây làm gì?

Hoài Bảo cầm cái tách chỉ tay về hướng nhà bếp:

– Tôi đi lấy tách cà phê sữa. Này nhóc! Tôi đoán nhé, hình như cô không được vui hả?

– Sao tự dưng lại hỏi như vậy? Bộ trên mặt tôi có dán chữ buồn hay sao?

– Bên kia có hồ nước kìa, cô tự đến đó mà soi đi. Nhóc có đôi mắt biết nói đó nhóc ơi!

Quỳnh Anh lơ đãng :

– Anh đi làm thấy bói được rồi đấy.

– Cũng không giỏi gì mấy, nhưng ít ra tôi cũng thuộc bậc thầy trong việc nắm bắt tâm lý con gái đấy. Ở ngoài này sương lạnh lắm, cô đứng đây coi chừng sẽ cảm, không khéo thì sáng mai không phải là tài xế của ông anh tôi đâu, mà là bệnh nhân của anh ấy đấy.

Hoài Bảo nói rồi nheo mắt cười quay đi. Quỳnh Anh bâng quơ nén một hơi thở dài. Đúng là em đang buồn, vì anh. . . Trần Chí Bạc.

Sáng sớm, Quỳnh Anh ngồi ăn điểm tâm cùng các thành viên họ Trần. Bà Trần ôn tồn:

– Đêm qua trời mưa, Bạc về trễ có ăn gì không con?

– Dạ có, mẹ ạ! Con ăn ở Phòng khám. Quỳnh Anh nấu đấy!

– Quỳnh Anh?

Ông bà Trần có vẻ ngạc nhiên. Quỳnh Anh cười nhẹ:

– Dạ, hôm qua ở phòng khám, cháu thấy trong tủ lạnh có một ít thức ăn nên đem ra xào nấu.

– Ừ vậy cũng được. Mẹ cứ tưởng đâu con để bụng đói mà đi ngủ chứ. Quỳnh Anh đi làm thế nào rồi, có thích nghi được với công việc không?

– Dạ vâng, cũng không có vấn đề gì đâu cô à.

Hoài Bảo chen ngang:

– Đêm qua có người nhớ mẹ mất ngủ. Hổng biết sáng nay tình hình thế nào nữa à?

– Vậy thì phiền anh nói với một người nào đó rằng một người nào đó đang rất tỉnh táo, và sẵn sàng ứng phó được với mọi tình huống.

– Nếu thế thì một người nào đó hãy chuẩn bị đối phó với một người nào đó đi nhé. Vì một người nào đó đã bắt đầu có hứng thú nghênh chiến rồi đấy.

– Rất sẵn lòng.

Hoài Bảo và Quỳnh Anh hất mặt nhìn nhau. Ông bà Trần chẳng hiểu mô tê gì cả.

Chỉ có Chí Bạc thì còn lạ gì cái tính của Hoài Bảo. Anh quay sang Quỳnh Anh:

– Nhỏ hãy nói với một người nào đó là chúng ta đã đến giờ đi làm rồi. Bảo một người nào đó hãy lấy hạt cơm trên môi xuống đi kìa.

Nói rồi, anh mỉm cười đứng dậy. Quỳnh Anh giật mình gỡ hạt cơm trên môi xuống. Cô nguýt xéo Hoài Bảo, gật đầu chào ông bà Trần Thanh.

– Thưa hai bác, cháu đi làm.

– Ừ. Cháu chạy xe cẩn thận nhé!

– Vâng ...

Hoài Bảo nhếch môi cười. Cô nhóc này trông cũng ương bướng lắm đây. Coi bộ cũng nghịch dữ à.

– Hôm qua cô mất ngủ hả?

– Cũng không có gì. Lạ chỗ nên chưa quen lắm. Bác sĩ ngày nào cũng bận như vậy sao?

Chí Bạc nhún vai:

– Cũng không hẳn! Đôi khi cũng xả stress được một hai ngày. Mà kể cũng lâu rồi tôi chẳng biết nơi nào khác ngoài bệnh viện và phòng khám.

– Lúc này bác sĩ còn chơi vĩ cầm không?

– Ơ ... sao cô biết tôi thích chơi vĩ cầm?

Quỳnh Anh giật mình, cô quên mất. Ngày xưa, bé Mơ học đàn piano từ nhỏ, còn anh Tom thì rất thích kéo cây đàn violon. Tiếng violon rì rào trong mưa.

– Dạ. .. tại tôi ... tại tôi nghe nghe bà chủ bảo thế.

– Vậy à ... Ừ. Đó là sở thích của tôi, cũng ít người biết lắm. Cứ thỉnh thoảng tôi lại lấy ra chơi. Những lúc mệt mỏi, tâm hồn mình trống rỗng, tôi hay ngồi một mình kéo đàn ...

– Hôm nào đó rảnh, tôi sẽ dẫn bác sĩ đến nơi này. Đó là một không gian trầm lắng, không ồn ào, không bon chen ... bác sĩ có thể tự do tự tại thả hồn mình theo tiếng nhạc.

Chí Bạc ngạc nhiên:

– Cô cũng có vẻ lãng mạn quá há. Tôi đã nói là nhìn cô không giống một tài xế xe rồi mà.

– Tôi là người có thể bỏ tất cả mọi thứ, chỉ để lên Đà Lạt ... trồng hoa. Tôi sống theo cảm giác. Tôi chỉ làm những điều mình muốn. Cũng có thể vì như thế nên đôi khi tôi cảm thấy hụt hẫng.

– Vậy là việc trở thành một tài xế cũng là điều Quỳnh Anh muốn.

– Anh cứ xem như một bài toán chưa có đáp án. Và tôi đang trong quá trình lập phương trình. Chỉ là điều tôi chưa có thể nói ...

Chí Bạc bật cười:

– Cô làm tôi bối rối. Bí ẩn quá!

– Là tò mò thôi, bác sĩ ạ.

Đến nơi, Quỳnh Anh và Chí Bạc cùng bước xuống xe. Ở bên trong, Phương Hà nhìn thấy. Cô khẽ chau mày, đi lại gần Chí Bạc:

– Sao anh lại đi chung với cô ta?

– À! Quỳnh Anh là tài xế xe riêng bố mới tuyển cho anh đấy. Đồng thời cô ấy cũng có xin làm kế toán trong bệnh viện, một công đôi việc mà.

– Anh có lầm không vậy? Người như vậy mà làm tài xế sao?

Phương Hà cau có nhìn theo dáng Quỳnh Anh đi vào trong. Chí Bạc phì cười:

– Em đang nghĩ gì vậy ? Ư, thì đúng là nhìn bên ngoài không ai nghĩ Quỳnh Anh lại là tài xế xe. Nhưng quả thật là như vậy.

– Thật mà. Hơn nữa, là bố anh tuyển cô ấy chứ đâu phải anh.

– Chuyện khó tin quá. Tự nhiên em thấy khó chịu lắm. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Cô ta xinh như vậy chắc gì không có lúc anh xiêu lòng.

– Thôi, đừng ghen bóng ghen gió nữa mà. Bản tính anh xưa nay thế nào em còn không biết sao? Đi vào làm việc thôi, trễ giờ bây giờ.

Chí Bạc âu yếm khoác tay Phương Hà đi vào. Việc Phương Hà có suy nghĩ như vậy cũng là hợp tình hợp lý. Là phụ nữ, ai mà không nhạy cảm trước vấn đề đó. Cô nàng Quỳnh Anh bỗng dưng ở đâu xuất hiện thế không biết. Bực bội!

Cốc ... cốc ...

– Vào đi!

Một nhân viên đẩy cửa bước vào, cô ta lên tiếng hỏi:

– Cho hỏi ở đây có ai tên Lâm Quỳnh Anh không ạ?

– Là tôi đây. Có gì không?

– À, có người tặng hoa cho cô. Mời cô ký nhận giùm.

Quỳnh Anh ngơ ngác. Một đóa hoa to đùng, của ai thế nhỉ!

– Trời ơi! Coi kìa! Quỳnh Anh sướng ghê. Mới ngày thứ hai đi làm mà đã có người tặng hoa rồi. Không biết bệnh viện này ai mà tranh thủ dữ vậy ta.

Có một tấm thiệp, Quỳnh Anh mở ra đọc:

“Hân hạnh được làm quen người đẹp. Một ngày mới hạnh phúc, em nhé ...”.

Không ghi tên người gửi. Cô nhân viên tên Ngọc liến thoắng:

– Gã khờ nào định trồng cây si rồi đây. Quỳnh Anh có biết ai không?

– Em làm sao mà biết. Em mới đi làm mà. Từ từ rồi cũng xuất hiện thôi, chị à ... Mà em có thích hoa hồng đâu!

– Ủa, vậy hả! Thế tên này hớ hàng rồi. Vậy nhỏ thích hoa gì? Tulip hả?

Quỳnh Anh lắc đầu:

– Không. Loài hoa em thích chỉ có một người biết thôi. Mà người này ... chắc cũng đã không còn nhớ nữa rồi.

Cô nói rồi đứng dậy:

– Em đi sang phòng bên một chút. Chị cho hoa vào lọ đi. Có nó trong phòng nhìn cũng hay hay.

Đây không phải lần đầu tiên Quỳnh Anh nhận được hoa theo kiểu thế này, nên cô không mấy ngạc nhiên. Ừ, thì cũng có thể là một gã khờ nào đó với một thoáng bâng quơ ... Chỉ có điều, từ trước đến nay, cô chỉ nhận toàn hoa hồng, hoa tulip, hoa cẩm chướng ... chưa một ai tặng đúng loài hoa cô yêu - nhành hoa bưởi trắng.

– Một ly cà phê bắt đầu ngày mới, được không người đẹp?

Quỳnh Anh ngẩng mặt lên. Tách cà phê nóng chìa ngay trước mặt bởi một chàng bác sĩ khá bảnh trai, nụ cười rất duyên.

– Không làm Quỳnh Anh bất ngờ chứ?

– Ơ ... à vâng. Cảm ơn bác sĩ.

Khắc Duy nghiêng đầu nhìn cô:

– Quỳnh Anh mới đi làm phải không? Công việc có quen không?

– Cũng không có vấn đề gì. Bác sĩ làm việc ở khoa nào? Sao lại biết Quỳnh Anh?

– Anh thuộc khoa Ngoại thần kinh. Hôm qua đi làm chợt nghe trong bệnh viện kháo nhau:

phòng kế toán vừa có hoa khôi xuất hiện nên anh biết vậy mà.

Khắc Duy nheo mắt. Quỳnh Anh mỉm cười:

– Chà! Coi bộ tin xấu đồn xa dữ hén! Bác sĩ làm việc ở đây lâu chưa?

– Anh chỉ lớn hơn Quỳnh Anh năm tuổi nên công tác cũng chỉ được vài năm thôi. Không nhiều lắm.

Chà! Còn biết rõ tuổi tác của Quỳnh Anh nữa chứ! Xem ra anh bác sĩ này điều tra cũng kỹ lắm!

– OK. Quỳnh Anh phải đi làm việc rồi, hẹn gặp bác sĩ sau nhé. Cảm ơn về tách cà phê.

– Không có gì. Mình sẽ còn gặp nhau nữa mà.

Quỳnh Anh gật đầu chào nhẹ rồi quay đi. Khắc Duy nhìn theo không chớp mắt. Y tá Hân bước lại khều tay anh:

– Sao hả? Quyết định tấn công người đẹp rồi hả bác sĩ?

– Mới bắt đầu thôi. Hoa đẹp ai chẳng muốn hái.

– Nhưng lần này coi bộ bác sĩ hơi khó khăn đấy.

– Sao vậy?

Hân ôn tồn:

– Nghe mấy đứa nó kháo nhau, hình như cô ấy có quan hệ thế nào với bác sĩ Bạc bên khoa ngoại đấy. Hai người hay đi làm chung trên một chiếc xe mà.

– Ủa! Vậy chắc là có bà con họ hàng gì đó, chứ bác sĩ Bạc với bác sĩ Hà quen nhau cũng lâu rồi mà.

– Việc đó thì không biết. Bác sĩ tự đi điều tra đi.

Khắc Duy trầm ngâm đưa tách cà phê lên uống. Bác sĩ Bạc à ... chẳng lẽ là em họ anh ta ...

Quỳnh Anh đi ngang phòng bệnh của Cu Bin. Cô ló đầu vào chào chú nhóc:

– Hi! Nhớ ai không nhỏ?

Bà chị chơi ăn gian, làm sao tui quên được.

– Hì hì ... Coi vậy mà giận dai quá ta. Thôi, mình huề được không? Cho nhóc cái này nè!

Quỳnh Anh thảy cho nhóc Bin phong giấy và màu vẽ. Cô cười tí mắt:

Hôm trước nghía thử gian phòng, thấy hình như nhóc có năng khiếu hội họa, nên chị mua cho nhóc đấy. Ở bệnh viện cũng buồn, lấy ra vẽ giết thời gian.

– Ôi trời! Cảm ơn nhé!

Thằng nhỏ có vẻ vui. Nó đón lấy và nhìn Quỳnh Anh:

– Bà chị cũng tinh tường thật đấy. Mà nè? Thật ra hôm trước tui biết bà chị cố tình nói khích để tui tiêm thuốc và ăn hết bát cháo. Tui biết chứ. Trò đó xưa rồi, họa chăng chỉ gạt được mấy con đười ươi. Nhưng vì biết bà chị cũng là có ý tốt, nên tui tháp tùng diễn kịch cho vui thôi.

Nói rồi, thằng nhóc nén một tiếng thở dài:

– Không phải là tui muốn làm khó dễ gì mấy bác sĩ ở đây nhưng tui mệt mỏi lắm. Những lúc lên cơn đau, tui chỉ e mình không giữ được bình tĩnh.

Quỳnh Anh im lặng. Cô hơi bất ngờ. Thì ra, thằng nhóc ốm yếu bé con này trưởng thành hơn nhiều so với cái ngoại hình của nó. Cô chậm rãi nói:

– Chị bây giờ cũng không biết phải nói với nhóc thế nào ... vì chị cũng chỉ đứng bên ngoài nhìn. Chị không phải nhóc nên làm sao có thể cảm nhận được hết nỗi đau của em ... Chị càng không phải bác sĩ, nên không thể nào giúp em thoát khỏi tình trạng này. Nhưng em biết không trên đời này có những chuyện con người ta dù cố gắng cũng không thể thoát khỏi được số phận. Vậy thì tại sao mình cứ phải đau khổ, rồi dằn vặt để tìm cách chạy trốn. Em hãy mạnh dạn đối diện. Đến đâu hay đến đó. Làm những chuyện mình thích trong khả năng có thể.

– Suy nghĩ nhiều quá lắm lúc đau đầu lắm. Ủa, mà bà chị làm gì trong đây vậy? Hay chỉ là đi thăm bệnh thôi?

– Ừ. Làm kế toán. Mẹ em hôm nay không vô à?

Nhóc Bin nhún vai:

– Đó không phải mẹ em. Dì thôi. Dì ghẻ nhưng cũng thương lắm.

– Ừ. Thế là may mắn rồi đấy.

Đúng lúc đó, Chí Bạc đi vào. Anh lại đến tiêm thuốc cho Cu Bin:

– Cậu bé hôm nay sao rồi, thấy trong người thế nào?

– Một ngày như mọi ngày, không có gì khác biệt.

Quay sang Quỳnh Anh, anh cười nhẹ:

– Cô cũng ở đây à?

– Vâng. Ngang qua đây, tiện thể tôi vào thăm chú nhóc.

Cu Bin bật cười:

– Bà chị ấy nói dối đấy! Tiện thể đâu mà tiện thể! Bà chị ấy trốn việc đến đây tặng em cái thứ này, đồng thời tán gẫu luôn đấy.

Bin giơ cao hộp màu vẽ trên tay. Quỳnh Anh cong môi:

– Lời cảm ơn tốt quá hén. Tặng chơi cho vui vậy chứ hổng biết có vẽ được gì hông nữa!

– Giỡn hoài bà chị! Em mà ra được đây thì hổng kiến trúc sư cũng họa sĩ à!

Nghe nói thế, Quỳnh Anh ôm cổ, vịn người Chí Bạc, vờ nôn mửa:

– Ặc ặc ... Thôi, chết rồi bác sĩ ơi. Tự dưng sao em buồn nôn quá trời. Gớm!

Nói mà hổng biết ngượng! Tự tin quá đáng!

– Nôn mửa bất chợt ... coi chừng thai ngoài tử cung đấy. Bác sĩ khám cho bà chị ấy đi!

Nghe hai người nói chuyện mà Chí Bạc bật cười – Sao nhóc hay vậy, biết cả thai ngoài tử cung nữa cơ đấy!

– Ở bệnh viện gần cả năm rồi, cái thứ gì mà em không biết.

Quỳnh Anh trề môi:

– Đầu nó có sạn rồi đó bác sĩ. Xem chừng mổ não đi, để nó già quá chết thiên hạ hết.

– Ừ. Đầu em mà có sạn thì não bà chị cũng có nước rồi đấy. Coi được thì làm một lượt luôn đi cho tiện.

Chí Bạc lắc đầu bó tay. Thật chưa từng thấy cái ngôn ngữ “y học” nào mà khủng khiếp như vậy. Cũng may mà hồi đó Quỳnh Anh thì không đậu ngành y, chứ nếu mà có đậu thì hổng biết cô bác sĩ này quậy có bệnh nhân nào chịu nổi không nữa!

– OK. Nhóc cho anh tiêm thuốc nào!

Nhóc Bin ngoan ngoãn nằm xuống cho Chí Bạc tiêm thuốc. Đột nhiên Quỳnh Anh phá lên cười ngặt nghẽo:

– Ối trời ơi! Nhìn kìa! Gì mà lép xẹp vậy trời! Cái mông của nhóc mà đem lên xào chắc không được một dĩa nữa. Thua dĩa thịt bò xào cải.

– Bà chị này vô duyên hết chỗ nói! Tôi gầy thì tất nhiên mông phải lép. Mà này, dù gì thì người ta cũng là đàn ông con trai, nhìn người ta hoài mà hổng mắc cỡ hả chị hai?

– Phải chi có cái để xem thì cũng còn bày đặt giả vờ ngượng nghịu với người ta. Đằng này y như cái màn hình phẳng, loại siêu hiện đại mà cũng khoe hàng.

Phát chán?

Thấy cái môi trề trề cong cong của Quỳnh Anh, thằng nhỏ ngẩng lên nói với Chí Bạc:

– Bác sĩ này! Em mách nhỏ cho nhé! Sau này có cưới ai thì cưới, đừng có dại dột mà đi rinh cái bà chị này về nhà nhé. Em nói thiệt đó. Trời ơi? Nhật thực toàn phần đời anh luôn đấy. Đen như trời đêm ba mươi.

– Ê, tên lùn kia . Nói gì đấy!

Quỳnh Anh tự dưng thấy bị nhột y như là gãi trúng chỗ ngứa vậy. Cô liếc liếc nhìn Chí Bạc. Mà hắn thì mãi là tên khờ có biết gì đâu.

– Xong rồi. Tốt rồi nhé! Hai ngày nay anh thấy nhóc tươi tỉnh hơn rồi đấy.

Nhớ là đừng có quạu nữa nha!

– Hên xui!

Thằng nhóc đáp cộc lốc. Chí Bạc quay sang Quỳnh Anh:

– Mình đi thôi, Quỳnh Anh!

– Ừm.

Cô vẫy tay:

– Đi nhé nhóc! Rảnh, chị ghé!

– Không tiễn.

Ra đến bên ngoài. Chí Bạc nhìn Quỳnh Anh, cười nhẹ:

– Xem chừng cậu nhóc đó thích cô lắm đấy.

– Tôi đã nói là tôi thi không đậu bác sĩ là một tổn thất của ngành y mà. Ngày đó mà ráng chút xíu nữa, chắc giờ cũng là một bác sĩ khoa nhi rồi đấy.

– Ừ. Vậy thì thay mặt cho hội đồng bác sĩ toàn thế giới, xin ngỏ lời chia buồn niềm hối tiếc cùng quý cô Lâm Quỳnh Anh.

– Không dám! Không dám ...

Cả hai bật cười ngặt nghẽo. Những giây phút cần kề anh như thế này, Quỳnh Anh cảm thấy ấm áp và hạnh phúc lắm. Được nhìn anh cười, nghe anh nói ...

ánh mắt ấy cứ len lỏi vào tim. Chí Bạc! Biết không anh, những gì em đang nghĩ, nhớ không anh kỷ niệm một thời em nâng niu ...

– À, chiều nay không có mở phòng mạch, tôi đưa cô đến chỗ này ăn nhé. Mà hổng biết cô có thích ăn các món chè không ấy nhỉ?

– Hạt sen!

Chí Bạc bất ngờ. Anh khựng lại nhìn Quỳnh Anh. Đôi mắt anh nhìn thẳng vào mắt cô. Một cảm giác gì đó rất lạ .... Hạt sen ... Hạt sen là món anh rất thích.

Ngày xưa ở quê, những buổi chiều hoàng hôn nhạt nắng, anh hay cùng bé Mơ rong ruổi ra đầm sen. Những cánh sen hồng rực rỡ như nụ cười em thơ ngây, những lần mưa rớt trên vai hai đứa cùng nhau núp dưới tán lá xen tròn ... cứ thỉnh thoảng lại trèo rào cho nhau những bát chè hạt sen mẹ nấu thơm lừng ...

– Anh Bạc!

Phương Hà xuất hiện bất ngờ làm cả hai giật mình. Cô có vẻ khó chịu, đi lại gần:

– Anh làm gì ở đây vậy?

– Hả! à ...

Hà nhìn Quỳnh Anh không mấy thiện cảm. Chí Bạc nhẹ giọng:

– À không! Có gì đâu! Anh chỉ là nói với Quỳnh Anh vài câu thôi. Em tìm anh có gì không?

– Bộ không có gì thì em không tìm anh được sao?

Cô nói mà mắt cứ nhìn Quỳnh Anh chăm chăm. Có lẽ bất kỳ người phụ nữ nào cũng hiểu được tâm lý hiện giờ của hai cô gái.

Quỳnh Anh khẽ gật đầu:

– Chào bác sĩ.

– Chào cô. Tôi nghe nói hình như cô làm việc ở phòng kế toán, chắc lúc này công việc ở bệnh viện cũng rảnh rỗi nhỉ!

– Tôi không phải là người xao lãng công việc. Tôi biết mình đang làm gì.

Cảm ơn bác sĩ đã nhắc nhở.

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Chí Bạc quay sang Quỳnh Anh:

– Thôi, Quỳnh Anh đi làm việc đi. Tôi cũng phải đi đây.

– Vâng, xin phép bác sĩ.

Cô nói rồi thì bỏ đi. Phương Hà chau mày bực dọc:

– Sao lúc nào anh cũng kè kè bên cô ta hết vậy?

– Em nói gì lạ thế? Ở đây là bệnh viện, anh và cô ấy cùng làm chung một nơi, thỉnh thoảng chạm mặt là lẽ tất nhiên. Làm sao anh biết được.

– Phải rồi! Ở trong bệnh viện này cũng có không dưới trăm người, sao không thấy anh chạm mặt mà cứ phải là cô ta vậy? Hai người lại cùng ở chung một nhà, cùng đi làm chung xe. Anh bảo em phải nghĩ thế nào đây?

Chí Bạc nhăn mặt:

– Em làm sao vậy? Đang giờ làm việc sao bỗng dưng lại ghen tuông vô cớ vậy? Vấn đề này anh đã giải thích với em rồi còn gì? Không nói với em nữa, anh đi làm đây.

Chí Bạc quay lưng đi. Phương Hà tức lắm. Lâm Quỳnh Anh ... rõ ràng là cô ta có vấn đề. Không phải vô cớ mà lúc nào cô ta cũng xoắn xít bên anh ấy như vậy. Có mù mới không biết ... Để xem cô ta làm được gì. Tôi mà để yên cho cô chạm đến anh ấy thì tôi không phải là Phương Hà nữa.

Về đến phòng, Quỳnh Anh bâng quơ hỏi Ngọc:

– Bác sĩ Phương Hà người thấp thấp, mặt sáng sáng ... là người thế nào vậy chị?

– Em nói bác sĩ Hà da trắng, khuôn mặt sắc sảo đấy phải không?

– Dạ vâng.

Ngọc ôn tồn:

– Cô ấy làm việc ở khoa Nội. Cũng ra trường không bao lâu, mới đây thôi.

Một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, có phần hơi tự cao, kiêu kỳ một chút.

– ...

– À, cô ấy và bác sĩ Bạc đang quen nhau đấy. Họ quen cũng gần cả năm rồi, em có biết không?

– Dạ không, em không biết?

Quỳnh Anh có vẻ trầm tư. Cô Ngọc thì vẫn huyên thuyên:

– Bác sĩ Hà đó kiêu kỳ lắm. Lúc nào cũng ra vẻ ta đây là một bác sĩ. Nhưng xem chừng cô ta cũng biết cách giao tiếp lắm. Đối với các bác sĩ khác hay những người ngang tầm thì cũng khá là nhã nhặn ... Từ từ tiếp xúc đi rồi em sẽ biết.

Quỳnh Anh không nói gì. Trước mắt cô là một đoạn đường khá dài để đi đến trái tim anh. Mà cô cũng không biết là mình có đến được không. Anh có thật sự là người đàn ông của cô không. Đường đời anh đi liệu có hay không bóng dáng của cô, hay cũng chỉ là hai đường thẳng song song không có điểm dừng. Cô không biết mình đang làm gì, nhưng cô sống theo cảm giác. Trái tim cô biết yêu, biết nhớ, và nó cũng biết đau ... vì anh ...

Hết giờ làm, Quỳnh Anh đi ra xe đợi Chí Bạc. Vừa thấy dáng anh, cô mỉm cười định chào thì Phương Hà đi tới:

– Anh?

Chí Bạc quay lại. Hà tươi cười quàng lấy cánh tay anh:

– Hôm nay em cũng được về, phòng mạch không mở cửa, chúng ta đi ăn gì đó đi nhé!

Chí Bạc không thể từ chối, cô là bạn gái anh mà. Anh nhìn Quỳnh Anh có vẻ khó xử:

– Ừ. Vậy thôi, Quỳnh Anh đi chung luôn thể.

– Cô là tài xế của anh ấy phải không? Cô có muốn đi ăn tối cùng với hai đứa tôi không?

Câu nói nghe chừng nhẹ nhàng nhưng không mấy thiện cảm của Phương Hà làm Quỳnh Anh rất khó chịu. Thật lòng cô cũng không đủ can đảm nhìn họ xoắn xít bên nhau ... Chẳng thà khuất mắt ...

– Dạ thôi. Nếu vậy bác sĩ cứ chở bác sĩ Hà đi đi. Coi như hôm nay tôi nghỉ việc tài xế buổi tối. Tôi tự đón taxi về được rồi. Bác sĩ đi chơi vui vẻ.

Quỳnh Anh nói rồi cúi chào quay đi.

Phương Hà nhếch môi cười. Cô quay sang Chí Bạc:

– Đi thôi anh. Em đói quá rồi.

– Ừ.

Chí Bạc hướng mắt về phía Quỳnh Anh, nhưng rồi thì anh cũng lên xe đi cùng Phương Hà.

– Bây giờ anh muốn ăn món gì?

– Cho em chọn đấy!

– OK. Vậy thì bít-tết nhé. Lâu rồi, mình cũng không ăn.

Chí Bạc gật đầu:

– Sao cũng được. À, mấy hôm nữa anh nghỉ phép về quê ở Đồng Tháp, em đi không?

– Em làm gì được rảnh. Với lại, anh cũng biết là em không thích về những nơi xa xôi hẻo lánh mà. Em không đi đâu. Sao tự dưng anh đi chi vậy?

– Về cúng mộ ông bà nội. Bố mẹ bận việc công ty chắc họ không đi được.

Hoài Bảo cũng không rảnh. Hôm đó anh xin phép nghỉ hai hôm thì được.

Phương Hà gật đầu:

– Vậy thôi, anh đi đi. Về rồi lên. Em sợ mấy chỗ thôn quê lắm.

– Ừ.

Phương Hà sinh ra ở Sài Gòn, cô lớn lên ở đây nên ít nhiều cũng ảnh hưởng lối sống thành thị. Ít khi nào cô chịu về mấy tỉnh lẻ, trừ phi có công việc bắt buộc lắm. thế nên nghe nói về Đồng Tháp là cô lại phát ngán. Cứ để Chí Bạc đi một mình cho xong.

– Thằng nhóc Bin ở phòng 308 hôm trước quăng đồ vào người em đấy, mấy ngày tinh thần cậu bé có vẻ khá hơn rồi, không còn quậy quạng nữa, mà xem ra có vẻ rất tươi tỉnh.

– Thôi thôi, em sợ thằng nhỏ đó lắm!

– Nhắc tới nó là em lại phát bực. Mỗi lần khám bệnh cho nó cứ như mình phải đi năn nỉ vậy. Muốn nổi điên là nổi điên!

– Bây giờ thì đỡ rồi. Nay mai gì em ghé thăm nó đi, em sẽ thấy thằng nhóc vẽ đẹp lắm.

Phương Hà trề môi:

– Vô thăm nó nữa chẳng biết nó lại quăng cái gì vào mình. Không chừng lãnh trọn nguyên ca nước sôi cũng nên!

– Không đến nỗi nào như vậy đâu ...

Ra khỏi cổng bệnh viện, Quỳnh Anh thả bộ trên đường. Cô đi thơ thẩn một mình, chưa vội đón taxi. Buồn!

Nếu trên đời này đi tìm một kẻ ngốc thì chắc không ai ngốc hơn cô. Cô không ngây ngô, không khờ khạo, cô không quá ngu để chẳng biết rằng tim anh bây giờ có chủ. Nhưng rồi cô vẫn say, cô vẫn cho mình say và không thức tỉnh, chỉ để được ở gần anh, bên cạnh anh ... tội tình gì cô không biết.

Tin ... Tin ...

Tiếng còi xe, Khắc Duy dừng lại bước xuống:

– Quỳnh Anh lên xe anh đưa về.

– Dạ thôi được rồi. Bác sĩ cứ đi trước đi. Như vậy phiền lắm!

– Có gì đâu mà phiền. Quỳnh Anh lên xe đi, chẳng có gì phải ngại hết.

Chúng ta cùng làm chung một chỗ mà, cho quá giang về nhà thì có gì là lạ phải không? Ở đây, dừng xe lâu không được, em lên đi!

Khắc Duy mở cửa, hất cằm ra hiệu cho Quỳnh Anh bước lên. Cô chần chừ một lúc rồi cũng vui vẻ lên xe. Nhấn ga cho xe chạy đi, Duy từ tốn:

– Sao em lại đi bộ một mình vậy? Lúc sáng em đi làm bằng gì?

– Sáng nay đi cùng một người bạn. Nhưng lúc nãy anh ấy bận rồi. Bác sĩ có mở phòng mạch riêng không?

– Anh chưa muốn bị gò bó. Có phòng mạch riêng thì sẽ chẳng còn một chút thời gian nào rảnh nữa. Có khi một ngày chẳng thấy trời đất ở đâu luôn ấy.

Quỳnh Anh bật cười:

– Vậy là chắc bác sĩ vẫn chưa kết hôn phải không?

– Ơ, sao Quỳnh Anh biết?

– Có gì đâu! Em cũng là phụ nữ mà. Mấy vấn đề này em nhạy cảm lắm. Nếu có gia đình rồi người đàn ông thường hay than trời trách đất, rằng than ôi sao mà chẳng có chút tự do nào hết, gò bó quá ... Có người còn muốn trốn ở phòng mạch làm việc luôn, chẳng muốn về nhà.

Khắc Duy lắc đầu:

– Gì mà dữ vậy? Hổng có đến nỗi như vậy đâu! Anh mà có vợ thì gia đình là số một đấy. Quỳnh Anh ăn gì chưa? Anh với Quỳnh Anh đi ăn chút gì đó rồi về nhé!

– Dạ thôi, được rồi anh! Để khi khác nhé. Hôm nay em hơi mệt, chỉ muốn về nhà sớm.

– Vậy cũng được. Quỳnh Anh cũng là người Sài Gòn à? Em sống với bố mẹ ở đây hay sống một mình?

Quỳnh Anh lắc đầu:

– Cả hai câu hỏi đều không phải vậy. Bố mẹ em đang ở rất xa.

– Ấy chết! Anh không biết. Anh xin lỗi nhé!

– Ơ. Tại sao lại xin lỗi?

Khắc Duy nghe nói thế tưởng đâu bố mẹ của Quỳnh Anh đã mất rồi. Thấy anh ậm ừ khó nói, cô hiểu ra, kêu lên:

– Ôi trời! Anh hiểu lầm rồi. Bố mẹ em vẫn còn sống nhăn răng khỏe mạnh.

Chỉ là hiện tại họ không ở gần đây thôi.

– Hì hì ... Vậy à!

– Thế còn bác sĩ? Bác sĩ vẫn ở cùng gia đình hả?

– Anh là người tự do tự tại. Anh chỉ ở một mình thôi. Đợi khi nào có vợ rồi thì rước nàng về xây tổ ấm.

Quỳnh Anh cười nhẹ:

– Tính kỹ quá ta!

Cô chỉ tay về căn biệt thự nhà họ Trần:

– Bác sĩ cho Quỳnh Anh xuống ở đó!

Khắc Duy tất nhiên biết đây là nhà Chí Bạc. Anh có vẻ rất ngạc nhiên:

– Em ở đây sao?

– Vâng. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm. Bác sĩ lái xe cẩn thận.

Nói rồi, cô cúi chào đi vào trong. Duy nhìn theo khó hiểu. Tại sao lại như vậy nhỉ! Vậy là đúng như lời y tá Hân nói:

Quỳnh Anh có quan hệ như thế nào đó với Chí Bạc. Giữa hai người này là thế nào vậy nhỉ!

Vào đến nhà, Quỳnh Anh xuống bếp rót cốc trà thì gặp Hoài Bảo:

– Hi! Sao nay về sớm vậy? Không đi chung với ông anh tôi à?

– Không. Ông bà chủ đâu, sao chẳng thấy đâu cả?

– Bố mẹ tôi tối nay đi dự tiệc, chắc đến khuya mới về. Cô đã ăn gì chưa?

Quỳnh Anh lắc đầu:

– Chưa.

– Vậy thì tiện thể nấu cho tôi luôn đi. Tôi lười đi ra ngoài quá.

– Biết ngay là anh chẳng tốt lành gì đâu mà. Muốn ăn thì tự đi mà nấu.

Hoài Bảo trề môi:

– Chẳng qua nàng không biết nấu ăn thì nàng nói đại ra đi. Còn làm bộ làm tịch.

– Chiêu khích tướng đó xưa rồi cưng. Kiếm trò khác vui hơn đi!

– Ừ, thì ... tôi lặt rau, cô nấu canh. Vậy được chưa? Hôm nay nhiều việc, đi làm về chỉ muốn ở nhà, chẳng muốn ra ngoài.

Quỳnh Anh hất cằm:

– Vậy tức là năn nỉ đó hả?

– Cứ cho là thế đi!

– Thế thì còn tạm chấp nhận được.

Nói rồi, cô mở tủ lạnh lấy thức ăn ra làm. Ông bà Trần Thanh dù giàu có nhưng sống đơn giản, chẳng thuê mướn người làm nhiều. Tự tay bà Trần quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái.

– Này! Cô có bạn trai chưa?

– Hỏi chi? Mắc mớ gì đến anh? Lo lặt rau cho sạch đi, kẻo không lát nữa tôi cho anh ăn cơm trắng đấy!

– Thì hỏi cho biết thôi. Lúc nãy ngó ra cổng thấy anh chàng nào đi chiếc Camry đưa cô về mà. Hì hì ... là hắn đó hả?

Quỳnh Anh trề môi:

– Đầu óc của anh đúng là đen tối. Bộ đưa nhau về thì cứ nhất định phải là yêu nhau sao? Bạn bè không được à?

– Không phải không được. Nhưng mấy vụ này nhạy cảm lắm cô ơi. Có tên khờ mới hổng nhận ra.

– Đừng ở đó mà suy bụng ta bụng người nữa. Không phải ai cũng như anh đâu, đại thiếu gia Trần Hoài Bảo.

Hoài Bảo bắt con sâu non trên cọng rau, thè lưỡi nhát Quỳnh Anh:

– Nè! Sợ chưa? Dạ đi, Quỳnh Anh!

– Bỏ vô nồi luôn đi. Lát, tôi nấu anh ăn.

Hoài Bảo chưng hửng:

– Ủa, gì kỳ vậy? Bộ cô hổng sợ sâu hả? Con gái đứa nào cũng sợ sâu mà!

– Nhìn lại đi ông. Sâu thì ai mà chẳng sợ. Nhưng cái con sâu của ông nó bé tí teo, búng một cái nó dẹp lép. Sợ cái gì!

– Cô có phải là con gái không vậy?

– Hàng Việt Nam chất lượng cao!

Hoài Bảo bật cười. Cái thứ gì cô ta cũng nói được hết. Anh nửa đùa nửa thật:

– Vậy thì bốc tem chưa?

– Hên xui!

Nói rồi, cô phì cười thúc cùi chỏ vào hông anh:

– Thôi, mệt quá! Lo phụ tui nấu đi kìa. Đói gần chết, ở đó mà Tám!

– Cô cho tôi ăn cái gì vậy?

– Anh lặt cái gì thì tôi nấu cái đó. Có ăn là may rồi, còn ở đó kén chọn.

Hoài Bảo tỉnh queo:

– Sao cũng được. Nhưng nhớ đừng nấu chung với con ruồi là được. Có lần tôi đến nhà bạn ăn cơm, húp bát canh cho đã rồi mới thấy con ruồi to tổ chảng ở trỏng. Khiếp!

– Vậy là nhờ nó nên bát canh của anh mới ngọt đấy. Nhưng nãy giờ ruồi thì hổng thấy, mà sao muỗi nhiều quá. Nó đốt tôi gần chết luôn đây này.

– Lúc này đang bùng phát dịch muỗi mà. Ráng chịu đi. Chắc cũng không đến nỗi sốt xuất huyết đâu.

Quỳnh Anh tự nhiên phì cười, cô hỏi nhẹ Hoài Bảo:

– Anh có muốn nghe chuyện kể về con muỗi hông? Tôi kể cho nghe.

– Cô muốn nói tới câu chuyện sự tích con muỗi với ba giọt máu đó hả? Tôi nghe nhàm tai rồi. Tôi biết từ hồi ba tuổi lận kìa!

– Anh có mà điên à? Chuyện đó ai mà chẳng biết, kể làm gì!

– Vậy chứ cô nói tới chuyện nào?

Quỳnh Anh vừa nấu canh vừa ví von:

– Ngày xưa đó, có một con muỗi chết xuống âm phủ. Diêm vương mới hỏi nó vì sao mi chết. Nó mới bảo là:

“Tại con hút máu người nên người đập con chết”. Lúc đó Diêm vương gật đầu:

“Vậy thì đúng quá rồi. Mi hút máu người ta bị đập chết là phải”. Con muỗi không chịu, nó chống chế:

“Nói như thế không công bằng cho con, vì từ khi sinh ra con đâu có máu đâu. Không hút máu thì làm sao mà sống”. Diêm vương nghe vậy ậm ừ:

“Ừ nhỉ! Nếu thế thì cũng bất công cho mi quá. Nhưng đó thuộc về luật trời, ngoài tầm kiểm soát của ta rồi.

Con muỗi van nài:

“Vậy thì Diêm vương cho con đầu thai thành gì để hút máu người mà không bị đập đi” Ông Diêm vương suy nghĩ một hồi, cuối cùng thì “à” lên:

“à, ta biết cho ngươi đầu thai thành gì rồi” ...

– Đầu thai thành gì? - Hoài Bảo thắc mắc.

Quỳnh Anh vừa nói vừa che mặt cười ngặt nghẽo:

– Đầu thai thành ... Kotex freedom. Nếu không thích, bạn có thể chọn Diana four-teen cũng được.

– Trời ạ!

Thật không thể tưởng tượng nổi. Hoài Bảo bò lăn ra cười nôn cả ruột. Khiếp!

“Dã man rợ” đến thế là cùng! Hai cô cậu này bằng tuổi nhau, dù gì họ cũng mới bước qua thời sinh viên thôi, nên tính cách vẫn còn hồn nhiên, nghịch như quỷ sứ. Hoài Bảo gật đầu:

– Sự lựa chọn sáng suốt.

– Ha ha ha ...

Quỳnh Anh dọn cơm ra bàn, cô ngồi vào bàn nói cùng Hoài Bảo:

– Xong rồi, ăn đi cho nóng!

– Những lúc buồn, cô thường làm gì?

Tôi may mắn hơn anh. Vì tôi là con gái, tôi có thể khóc. Khi buồn, tôi hay chui vào một nơi nào đó một mình và bật khóc. Sau đó thì online đọc truyền cười. Nhưng nơi thường đến nhất là Vườn Bách Thú.

– Vườn Bách Thú?

Quỳnh Anh gật đầu:

– Ừ, ở Sài Gòn này thì người ta gọi là Thảo Cầm Viên, Sở Thú ấy. Tôi rất thích vào đó cho khỉ ăn chuối và nhìn những con đười ươi. Nụ cười của bọn nó trông đáng yêu và ngây ngô lắm.

– Vậy à! Hồi đó cô sống với ba mẹ hay sao, bây giờ họ ở đâu?

– Tất nhiên là tôi sống với bố mẹ rồi. Nhưng bây giờ họ không có ở đây.

– Này nhóc! - Hoài Bảo nghiêng đầu - Sao tôi cứ thấy cô bí ẩn thế nào ấy!

Nhìn cái mặt Hoài Bảo nhăn nhăn săm soi mình. Quỳnh Anh phì cười:

– Gì mà bí ẩn. An tâm đi, tôi không đến nỗi đặt bom hại chết anh đâu.

– Khai ra đi! Cô đang âm mưu mưu sát tổng thống phải không? Cô là ai?

– Tôi là ai à? E hèm ... em là Lâm Quỳnh Anh, một loài hoa rực rỡ khoe sắc về đêm. Anh còn muốn hỏi gì nữa không?

Hoài Bảo ôm cổ nôn mửa:

– Ọe! ọe! Xin em cho anh sống với! Đu dây điện em té anh đỡ hổng nổi!

– Kẻ tám lạng người nửa cân thôi anh ơi!

Quỳnh Anh nheo mắt. Đôi mắt cô trong veo hồn nhiên, có đôi khi người ta bắt gặp ở đó một nét buồn xa xăm ... Nhưng em biết cách che giấu, em biết chôn chặt vào lòng. Em muốn dang đôi tay vào đời bằng nụ cười ấm áp, và ở một nơi nào đó em vẫn hướng nhìn về anh - người bác sĩ của đời tôi ...

Mãi đến khuya, Chí Bạc mới về đến nhà. Quỳnh Anh lúc này vẫn còn thức - dạo này cô cứ mất ngủ liên tục - đang đứng một mình ngoài hiên thì Bạc đi tới:

– Ủa. Cô chưa ngủ sao?

– Bác sĩ ...

– Ở ngoài này sương lạnh lắm, không khéo coi chừng cảm đấy.

– Bác sĩ về nhà khuya nhỉ! Hôm nay đi chơi vui không?

Chí Bạc gật đầu:

– Ừ. Cũng vui. Xin lỗi nhé, lúc chiều cô đón taxi về à?

– Có một người đưa tôi về.

Anh vô tư trả lời mà không nhận ra cô đang cười gượng gạo. Vui vẻ gì đâu khi phải nghe anh kể về người anh yêu. Ấy vậy mà cô vẫn cứ hỏi:

– Bác sĩ Hà chắc là người phụ nữ tuyệt vời lắm hả?

– Ít nhất là trong mắt tôi thì cô ấy như thế. Cô ấy là bạn gái tôi mà. Hà giỏi nên nhiều khi cũng khó tính, nhưng cô ấy cũng có nét dễ thương lắm. À, Quỳnh Anh đã ăn gì chưa?

– Cảm ơn bác sĩ, tôi ăn rồi.

Chí Bạc đi ngang qua Quỳnh Anh. Lại mùi hương hoa bưởi ngọt ngào thoảng bay trên tóc cô ... Trong màn đêm tĩnh lặng, hương thơm nhẹ nhàng càng dìu dịu bay bay ...

– Em thích hoa bưởi không?

– Nhành bưởi trắng chỉ làm lòng ai xao xuyến một lần rồi lãng quên ... Nó không đủ sức rực rỡ như đóa hồng kiêu sa đâu anh.

Cô ngẩng mặt lên nhìn anh, đôi mắt chan chứa buồn buồn. Anh im lặng.

Trong khoảnh khắc họ nhìn nhau không nói. Cô giấu mặt quay đi. Có lẽ đã muộn rồi. Muộn rồi phải không anh, bởi kỷ niệm chỉ còn là hồi ức. Và hiện tại trái tim người đã chẳng thuộc về em ... Em ngày ấy trở về để đi tìm một thuở ấu thơ, nhưng em bây giờ đã yêu anh, Chí Bạc của thực tại. Có hay không một ngày em sẽ nói, có hay không một lần anh hiểu cho em ... hãy mãi mãi “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu ...”.

Sáng ra, Chí Bạc và Quỳnh Anh cùng đến bệnh viện. Sáng nay cô lại tiếp tục nhận được một đóa hoa to như thường lệ và không đề tên người gửi. Các chị trong phòng kháo nhau:

– Coi bộ người này trồng cây si Quỳnh Anh thiệt rồi. Em đã tự đoán được là ai chưa?

– Đến một lúc nào đó họ cũng xuất hiện thôi chị à. Mình không cần phải đoán già đoán non chi cho mệt.

– Nhưng xem ra người này cũng lãng mạn ghê nhỉ! Ngày nào cũng tặng hoa.

Chị mà yêu ai đó hả, chị sẽ chạy ngay đến và huỵch toẹt ra là “I love you” luôn cho rồi.

– Khiếp! Sợ lúc đó chắc em chết quá. Biết sao không? Mừng quá chịu hổng nổi!

Ngọc gật đầu:

– Ừ. Vậy có phải hơn không! Chi mà phải cực khổ vầy chứ! Yêu thì cứ nói đại là yêu, rồi đưa nhau đi đăng ký, cưới về đẻ ra một bầy, kêu bí bo bí bô suốt ngày cho vui tai.

– Nói gì mà nghe phát ớn! Nổi cả da gà!

– Đùa cho vui thôi, chứ giờ mà tưởng tượng cái cảnh chồng con tay bế tay bồng bỏ lên võng hát ru ầu ơ ... Ôi mẹ ơi, chắc chị chết quá?

Quỳnh Anh phì cười:

– Rồi thì cũng sẽ đến lúc chị phải như vậy thôi. Tránh sao khỏi! Hổng lẽ định ở vậy, không lấy chồng sinh con hay sao?

– Ừ. Thì cũng phải lấy. Nhưng chưa đến lúc, bây giờ còn sớm lắm. Độc thân tự do tự tại, muốn làm gì thì làm, lấy chồng về rồi quăng ra một bầy con nheo nhóc ... nghĩ thôi cũng đã phát ngán.

– Thế thì lấy chồng thôi, đừng có sanh. Ai biểu đẻ chi cho lắm rồi than!

– Hổng dám đâu! - Ngọc trề môi - Chị đố em mà lấy chồng lại không sanh con được đấy. Trừ phi em có vấn đề về sinh lý chứ đứa nào mà lấy chồng rồi hổng đẻ đâu ... Kế hoạch thì kế hoạch. Hỏi thử coi, vợ chồng mới cưới, cưới được nhau mừng quá, yêu nhau đắm đuối ... chịu kiêng cữ nổi mới lạ đó.

Quỳnh Anh bó tay. Cô cười tươi:

– Thì người ta cũng có nhiều cách kế hoạch chứ bộ. Thiếu gì cách. Yêu nhau thì yêu nhau, nhưng cái gì thì cũng có mức độ. Làm quá chịu cũng đâu có nổi.

Cái này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa lắm.

– Chị dám cá với em luôn đấy! Cứ như mấy đứa bạn chị, đứa nào nói cũng hay lắm. Lúc đi lấy chồng cái miệng cứ leo lẻo rằng:

tao ... hổng có sanh đâu.

Phải giữ eo, đẻ con rồi mất phọc hết, chồng bỏ chồng chê ... Ôi trời ơi! Chưa đầy năm mà nó đã văng ra một cục, liên tiếp năm nữa cũng vậy. Hỏi ra thì mới biết ... lúc yêu nhau mỗi đứa mỗi nơi, cưới nhau rồi về nhà sống chung, hổng lẽ cứ nhìn nhau mà cười. Người chứ đâu phải thánh ...

– Ha ha ha ...

Quỳnh Anh lắc đầu cười ngặt nghẽo. Ngọc là người thẳng tính, còn là chúa nói đùa nữa. Mỗi câu nói của cô nàng ẩn chứa một hàm ý sâu xa đến chết khiếp.

Nhưng mà cũng vui. Làm người đôi khi thẳng thắn sẽ hay hơn.

Đang đi trên hành lang, Chí Bạc gặp Khắc Duy:

– Hi! Dạo này thấy tươi tỉnh dữ nghe?

– Có niềm vui mới hả? Vừa đi vừa huýt sáo nữa chứ!

– Tâm hồn mình sảng khoái nên thế đấy. Mùa xuân đang về mà!

Khắc Duy chợt hồ hởi:

– Gặp cậu đây tớ mới nhớ. Này! Cái cô Quỳnh Anh đó là sao với cậu vậy?

– Sao là sao? Cậu nói ai?

– Thì Quỳnh Anh chứ ai! Cô nhỏ xinh xắn làm ở phòng kế toán đó. Mấy hôm thấy cậu hay đi chung với cô ấy. Sao vậy? Cậu với cô ấy có bà con gì à?

Chí Bạc ngập ngừng. Anh nhẹ giọng:

– Ừ. Bà con. Cô ấy là em họ tớ. Chi vậy?

– Sao tự dưng lại hỏi về Quỳnh Anh?

– Ừ, thì ... hì hì ... cậu biết mà!

Khắc Duy cười tủm tỉm nheo mắt với Chí Bạc. Vừa lúc Phương Hà từ sau đi tới:

– Chắc là anh Duy định cưa đổ người đẹp phải không? Chà! Cũng tranh thủ dữ há! Em thấy được đấy. Cô nàng đó trông cũng OK lắm. Xem được thì tiến tới luôn đi. Bảo anh Bạc đây làm mai cho.

– Hà cũng thấy được phải không? Cô ấy dễ thương quá đi chứ, đúng không?

– Được mà! - Phương Hà gật đầu - Không nhanh chân kẻo người khác phỗng tay trên đấy. Em ủng hộ cho có cần giúp gì thì cứ lên tiếng nhé!

Khắc Duy đắc ý quay sang Chí Bạc:

– Này? Cô ấy ở cùng nhà với cậu, cậu thấy cô ấy có bạn trai gì chưa?

– Chuyện đó thì tớ không biết. Cậu muốn biết thì cứ đi hỏi cô ấy đấy.

– Ơ, cái thằng này! Nếu thế thì tớ hỏi cậu làm gì.

Chí Bạc làu bàu:

– Không biết thì tớ nói không biết.

– Chuyện đó có gì là quan trọng lắm đâu. - Hà chắt lưỡi - Có bạn trai hay không cũng bình thường mà. Quan trọng là người ta chưa có chồng. Ngày nào người còn tự do là ngày đó mình vẫn có cơ hội mà, phải không? Đâu ai cấm mình yêu.

– Nói có lý! Câu này của Hà là câu nói hay nhất trong ngày đấy!

Khắc Duy mỉm cười đồng tình. Anh nhìn đồng hồ:

– Thôi, anh đi đây. Gặp lại hai người sau nhé!

Duy bỏ đi. Phương Hà đứng khoanh tay nhìn Chí Bạc:

– Anh sao vậy? Anh có vẻ không vui à?

Nghe Khắc Duy định đeo đuổi cô ta, anh không vui sao?

– Em lại nói vớ vẩn gì nữa thế? Anh có nói gì đâu!

– Thế tại sao anh lại nói cô ta là bà con với anh? Lại còn em họ nữa chứ!

Trong khi cô ta chỉ là một tài xế lái xe mà thôi.

– Chuyện đó thì có gì là quan trọng đâu. Mình đâu nhất thiết phải đi phân minh mấy chuyện đó. Anh không nói chuyện với em nữa, mất công lại cãi nhau.

Chí Bạc nói rồi quay lưng bỏ đi. Phương Hà bặm môi. Có dịp, nhất định mình phải cho con bé đó một bài học. Nghèo mà trèo cao, không biết thân phận là gì hết. Bực mình!

– Bác sĩ Hà làm gì mà nhăn nhó dữ vậy? Lại giận nhau với người yêu nữa hả?

Y tá Uyên từ sau đi tới. Phương Hà nhẹ giọng:

– Cô có biết cái con nhỏ Quỳnh Anh mới vô làm ở phòng kế toán không?

– Biết. Bác sĩ nói con bé mắt to to, trông cũng xinh xinh đấy phải không?

Mấy hôm nay sao nhiều người hỏi về nó quá vậy ta!

– Ai hỏi về nó?

– Thì mấy bác sĩ nam chứ ai? Con bé đó nhìn cũng được gái quá mà. Chân dài, da trắng ... mấy anh chàng đó cứ hỏi về nó miết.

Thấy mặt Phương Hà khó đăm đăm không vui, Uyên nghi ngờ:

– Chuyện gì vậy? Hay bác sĩ lo bác sĩ Bạc cũng xiêu lòng.

– ...

– Ôi dào! Chuyện đó thì có khó gì bác sĩ ơi! Thì bác sĩ cứ coi ai thích nó, bác sĩ cứ đẩy dô là được chứ gì. Cho nó khỏi phải dính líu đến bác sĩ Bạc.

– Liệu có được không?

– Thử đi thì biết. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà.

Phương Hà im lặng cắn môi. Chắc có lẽ phải như vậy. Cũng chẳng biết nó có bạn trai hay chưa, nhưng nếu để nó ở bên cạnh Chí Bạc như thế, cô cũng chẳng an tâm. Người ta nói thầy chùa cũng là đàn ông, huống hồ gì Chí Bạc chỉ là một bác sĩ. Đâu có gì để bảo đảm được ...

Đến trưa, Khắc Duy mon men đến tìm Quỳnh Anh.

Cốc ... Cốc.

– Vào đi!

Khắc Duy đẩy cửa bước vào. Anh đến bên Quỳnh Anh từ tốn:

– Em xong việc chưa? Chúng ta đi ăn trưa nhé!

– À, cảm ơn bác sĩ. Nhưng trưa nay em có hẹn với mấy chị ở đây đi ăn rồi.

Nghe cô nói thế, Ngọc và mấy nhân viên khác xua tay:

– Không sao đâu! Quỳnh Anh cứ đi ăn trưa với bác sĩ Duy đi. Tụi chị lát nữa cũng có hẹn với bạn trai hết cả rồi. Em cứ đi đi nhé!

– Vậy thì OK nhé, Quỳnh Anh?

Khắc Duy nghiêng đầu. Quỳnh Anh chần chừ rồi cũng gật đầu. Mấy chị ở đây hổng biết có bị mua chuộc gì không nữa, chẳng ai có người yêu hết, vậy mà bày đặt “đi ăn với bạn trai” ...

– Mình đến căng tin nhé. Quỳnh Anh ăn gì?

– Quỳnh Anh dễ nuôi lắm. Chỉ cần không béo, không ngọt, cứ tinh bột là được.

– Trời ạ! Vậy mà bảo dễ nuôi! Người đẹp sợ lên cân phải không? Kiểu này chắc chỉ ăn rau thôi quá.

Quỳnh Anh mỉm cười:

– Cũng không đến nỗi nào. Một chút đạm cũng được.

– OK. Ăn cá nhé! Ta lại đằng kia ngồi đi!

Người ta nói oan gia ngõ hẹp. Vô tình hay trùng hợp, Quỳnh Anh lại gặp Chí Bạc và Phương Hà đang cùng ngồi ăn.

Trông thấy cô đi cùng Khắc Duy, Phương Hà đưa tay vẫy:

– Anh Duy! Lại đây ngồi cùng đi.

Nén một tiếng thở dài, Quỳnh Anh hơi chần chừ. Phương Hà kéo ghế cho hai người:

– Ngồi đi! Chà! Trông hai người cũng thân mật quá hén. Còn xứng đôi hơn cả tụi này nữa.

– Từ từ thôi Hà, đừng làm Quỳnh Anh sợ.

Khắc Duy nhẹ giọng. Phương Hà nhìn Quỳnh Anh, cười tươi:

– Bác sĩ Duy bình thường ít khi đi ăn với phái nữ lắm. Chắc Quỳnh Anh là người đặc biệt với anh ấy đấy. Hai người gọi món đi. Tôi và anh Bạc cũng chỉ mới tới, chưa gọi gì cả.

Cầm tờ thực đơn trên tay, không hẹn mà gặp cả Quỳnh Anh lẫn Chí Bạc đều cùng gọi chung một món:

– Cá rô đồng kho tộ.

Một chút giật mình, một thoáng ngỡ ngàng, họ ngẩng mặt nhìn nhau. Món ăn này ngày xưa Chí Bạc rất thích ...

– Xin lỗi anh chị. Món đó ở đây hết rồi. Anh chị cảm phiền chọn món khác.

Phương Hà bực mình lắm. Cô khều tay Chí Bạc:

– Anh ăn cá hồi với em nhé!

– Ừ, sao cũng được.

Khắc Duy quay sang Quỳnh Anh:

– Em dùng gì? Mình đến hơi trễ, món đó không còn nữa.

– Cho tôi phần mì ý.

Người phục vụ đi rồi, Khắc Duy hỏi Chí Bạc:

– Hai cô cậu định bao giờ cưới? Bộ tính yêu nhau hoài hả?

– Trước đây Hà định vài năm nữa, nhưng xem chừng thấy người ta nói cũng đúng:

yêu nhau lâu quá, hiểu nhau nhiều rồi đâm ra nhàm. Nên bọn này cũng định lên kế hoạch cho tương lai. Với lại, em bây giờ lở rồi. Anh Bạc của em có nhiều ưu điểm quá, mấy cô gái trẻ thời nay xấu tính mà quỷ quyệt lắm, không giữ thì có ngày mất cũng nên.

Phương Hà vừa nói vừa quàng tay âu yếm Chí Bạc, mắt hướng nhìn Quỳnh Anh chăm chăm. Cô chẳng nói chẳng rằng, cũng không màng trả lời. Khắc Duy hỏi Quỳnh Anh:

– Nghe Chí Bạc nói, em là em gái họ của anh ấy. Vậy hai người là bà con sao?

– Hả!

Quỳnh Anh hơi ngập ngừng, cô trầm giọng:

– Bà ngoại của mợ của anh Bạc là chị của dượng của má em.

Là sao nhỉ! Có mà ngồi tính nhẩm ra mớ bòng bong dây mơ rễ má họ hàng này chắc cũng điên luôn. Khắc Duy gật gù:

– Ừ. Vậy à. Hèn gì nhìn em cũng có nét giống với Chí Bạc đấy!

– Giống chỗ nào?

Bạc hỏi gọn lỏn. Anh bâng quơ:

– Vớ vẩn! Cậu xạo quá! Nhỏ đừng tin những gì tên này nói. Hắn xưa nay nổi tiếng sát thủ tình trường đấy. Cứ nhìn mái tóc vuốt Gel bóng mượt thì biết.

– “Anh họ” có phiền hà gì thì bọn mình có thể đàm phán sau, ai lại đi “thọc gậy bánh xe” kiểu đó, ông anh?

– Vụ này hổng biết à! Mình thật thà có sao nói vậy. Bác sĩ Duy liệu bình ổn được cuộc chiến tranh giữa các vì sao với các nữ y tá xinh đẹp đi rồi hẵng hay.

Khắc Duy rót cốc nước đẩy về hướng Chí Bạc:

– Phương Hà ơi! Tên bác sĩ khoa ngoại của em chắc đang đói bụng. Em liệu mà hạ hỏa giùm anh, để anh còn xây nền móng gia đình tương lai của mình nữa.

Kiểu này một hồi chắc anh bóp nó chết quá hà.

– Thôi mà anh! - Hà đẩy tay Chí Bạc - Anh Duy cũng có thành ý mà. Chọc anh ấy làm gì tội nghiệp. Không khéo Quỳnh Anh sợ không dám gặp ảnh nữa thì khổ.

Vừa nói đến đây thì phục vụ đem thức ăn ra, Phương Hà tiện tay bỏ mỡ tỏi vào đĩa của Chí Bạc. Quỳnh Anh vội ngăn lại:

– Cô đừng bỏ vô, anh ấy không ăn được.

Bất ngờ. Mọi người lặng yên nhìn. Cả Chí Bạc cũng vậy. Sao Quỳnh Anh có thể hiểu rõ về những sở thích của anh như thế. Anh khẽ nhìn lên cô, Quỳnh Anh quay mặt tránh đi. Cô biết mình lỡ lời, đành vờ lảng sang chuyện khác.

– Bác sĩ Duy có biết nơi nào bán loại đàn piano không nhỉ?

– Đàn à? Về đàn thì anh không rành lắm. Nhưng cô em gái anh chắc biết, để anh hỏi giùm cho. Quỳnh Anh biết chơi đàn à?

– Vâng.

Quỳnh Anh gật đầu. Đàn piano cô đã chơi được mười tám năm rồi. Những âm thanh trầm bổng ngân lên, những lần hồn ai bối rối ...

Phương Hà chau mày, cô ta rõ ràng là có mục đích. Một cô gái ngoại hình mong manh, dáng vẻ kiêu sa tiểu thư, lại biết đánh đàn piano ... không lẽ nào xin đi làm một tài xế. Vậy mục đích của cô ta là gì?

– Trước đây nhà Quỳnh Anh ở đâu?

Phương Hà hỏi cô. Quỳnh Anh trầm giọng:

– Tôi ở cùng đứa bạn trong căn hộ chung cư quận 7.

– Vậy còn bố mẹ Quỳnh Anh? Quê cô ở đâu?

– Bố mẹ tôi hiện tại không có ở đây. Quê gốc tôi ở miền tây.

Biết Phương Hà đang cố tình dò la về mình, Quỳnh Anh mỉm cười:

– Quỳnh Anh chỉ là một người bình thường thôi, không giỏi được như bác sĩ đâu. Thậm chí tôi còn là người ngốc nghếch nữa là khác.

– Phải hiểu là cô khiêm tốn hay chỉ đùa vui giả vờ đây nhỉ?

– Tùy. Tôi không thể điều khiển được suy nghĩ của cô. Và thật sự tôi cũng không quan tâm đến điều đó.

Phương Hà cắn môi. Quỳnh Anh không phải là người dễ ăn hiếp. Nhưng để xem, cô thật sự đang muốn gì ...

– Ăn xong rồi, đi làm thôi!

Nãy giờ Chí Bạc không nói gì. Anh ăn xong thì đứng dậy:

– Tớ đi trước đây. Mọi người từ từ ăn nhé!

– Ơ kìa! Anh ...

Phương Hà gọi với theo, Chí Bạc bỏ đi. Là đàn ông, anh không thích không khí căng thẳng của phụ nữ. Quỳnh Anh cũng đứng dậy:

– Tôi cũng đi làm đây. Gặp lại bác sĩ sau nhé!

Cô đi về phòng làm việc. Khắc Duy hỏi Phương Hà:

– Em có vẻ không thích Quỳnh Anh hả?

– Thích gì mà thích! Cô ta suốt ngày cứ quấn quýt bên Chí Bạc mà biểu em thích hả. Cứ nhìn thấy là chướng cả mắt rồi.

– Ủa! Chứ hổng phải Chí Bạc và Quỳnh Anh là anh em họ sao?

Phương Hà cong môi:

– Ừ, phải rồi! Bà con “ông-bác” đấy! Ông trời với Bác Hồ đấy. Chẳng có bà con cái quái gì ở đây cả. Thực tế cô ta chỉ là một tài xế riêng của Chí Bạc thôi.

– Sao cơ? Tài xế riêng hả?

– Đúng vậy. Cô ta xin làm tài xế riêng của Chí Bạc và còn là do bố anh ấy tuyển dụng nữa. Sau đó thì cô ta cũng nộp đơn xin vào làm trong phòng kế toán của bệnh viện.

– Một công đôi việc. Em hỏi anh có chắc là không có vấn đề không?

Khắc Duy trầm ngâm suy ngẫm. Đúng là lạ thật. Nhìn bên ngoài Quỳnh Anh hoàn toàn không có điểm nào giống với một tài xế lái thuê. Cô thậm chí còn mong manh, yêu kiều nữa là khác. Vậy thì tại sao ...

– Chí Bạc không nói gì với em về điều này à?

– Đã mấy lần em cãi nhau với anh ấy về vấn đề này rồi đấy. Thật ra thì Bạc cũng không biết gì đâu. Cô ta đến xin việc, anh ấy cũng đâu có biết. Gút mắt là ở cô ả này thôi.

Khắc Duy lắc đầu:

– Đúng là cũng có chút kỳ lạ. Nhưng nhìn tới nhìn lui anh cũng không thấy Quỳnh Anh giống một người xấu. Có thể là cô ấy có một lý do nào đó khó nói ...

– Buồn cười thật đấy! Đàn ông các anh ai mà chẳng như thế. Hễ cứ thấy gái đẹp là bị mờ mắt ngay. Làm sao anh biết cô ả không phải là người xấu? Lý do khó nói ư? Ngụy biện! Ý đồ đen tối thì có!

– Chẳng qua là có người đang ghen nên nổi cơn thịnh nộ, lại còn “vơ đũa cả nắm” nữa.

Khắc Duy nhoẻn miệng cười. Phương Hà bực dọc:

– Anh cười đi, cười cho đã đi. Nếu giỏi thì thể hiện bản lĩnh đàn ông đi. Anh khen cô ta xinh, cô ta đẹp mà, phải không? Vậy thì hãy mau bốc cô ta đi nhanh giùm em đi. Tránh xa Chí Bạc ra.

Nói rồi, Phương Hà tức tối đứng dậy bỏ đi. Khắc Duy chống cằm suy nghĩ Quỳnh Anh, rốt cuộc thì em là ai? Tại sao lại bí ẩn như vậy?

Chiều về, Quỳnh Anh đến gặp Chí Bạc:

– Hôm nay bác sĩ có về không? Hay lại bận?

– Có! Chúng ta về thôi, Ghé phòng mạch nữa?

Họ lên xe đi. Quỳnh Anh có vẻ không vui. Suốt đường đi, cô không nói gì cả. Chẳng bù với mọi khi, cái miệng lúc nào cũng tíu tít không ngớt. Bạc khẽ nhìn cô qua kính chiếu hậu. Đôi mắt đen huyền trầm tư không nói. Anh không hiểu, không biết cô đang nghĩ gì, nhưng anh cũng im lặng và chẳng tiện hỏi.

Đến nơi, Quỳnh Anh lẳng lặng đi lên lầu. Để yên cho Chí Bạc làm việc ở phía tầng dưới, cô lấy đồ đi tắm. Mệt mỏi, đầu óc bây giờ nặng trĩu, lúc nào cũng lảng vảng hình ảnh của Phương Hà và Chí Bạc.

– Phù ...

Quỳnh Anh ngâm mình trong bồn chẳng muốn nghĩ ngợi gì nữa. Bình thường đã tắm lâu bây giờ hơi mệt nên cô cứ ngâm suốt như thế. Đến lúc Chí Bạc rảnh một chút, anh thấy yên lặng nên lên nhà tìm cô. Loay hoay chẳng thấy đầu nên phải gõ cửa toa-lét:

– Quỳnh Anh à! Cô có trong đó không?

– Chuyện gì vậy?

– À, không có gì!

Bạc không hỏi nữa, anh quay lưng đi xuống. Không lẽ cô nàng tắm từ nãy đến giờ sao? Hơn cả giờ đồng hồ rồi còn gì. Ở suốt trong đó, không khéo bí cảm cho mà xem.

Gần đến giờ đóng cửa. Chí Bạc cũng rất mệt. Anh vươn vai đứng dậy đi lên lầu, thì thấy Quỳnh Anh đang ngồi ngủ gật bên mâm cơm. Hóa ra nãy giờ cô đã nấu sẵn thức ăn đợi anh. Chí Bạc mỉm cười.

Chợt anh chau mày nhìn cô. Hình như Quỳnh Anh đang có vấn đề. Anh bước lại sờ tay lên trán cô. Quả nhiên, Quỳnh Anh đang nóng sốt. Biết ngay mà!

Ngâm mình cả tiếng đồng hồ trong bồn, làm sao mà không cảm cho được.

Quỳnh Anh! Nhỏ à ...

Lay người cô không tỉnh có lẽ một phần do bệnh, một phần do ngủ say vì mệt mỏi ... dẫn đến mê man. Anh đành bế xốc cô trên tay đặt lên giường. Khám, tiêm thuốc cho Quỳnh Anh xong, Chí Bạc gọi điện thoại về nhà:

– Mẹ à! Chắc tối nay con ngủ lại nhà bên này. Quỳnh Anh bị sốt cao quá cô ấy đang bệnh. Con nghĩ cứ để cô ấy nghỉ lại đây sẽ hay hơn. Thế mẹ nhé!

Tắt máy, anh đắp chăn cho cô rồi tắm rửa đi ngủ. Chính anh cũng mệt lắm rồi. Cái nghiệp mặc áo blouse là vậy đó, cũng không sung sướng gì đâu.

Sáng ra, Quỳnh Anh thức dậy khá muộn. Cô chợt tỉnh, dụi mắt nhìn quanh:

– Ôi trời! Mình ngủ lại đây à?

Trên bàn hiện đang có sẵn điểm tâm, cốc sữa và phần thuốc cùng tờ giấy Chí Bạc để lại:

“Anh đi làm. Nhỏ thức dậy ăn sáng rối uống thuốc. Đêm qua, nhỏ sốt lắm đấy. Sáng nay anh vào bệnh viện xin cho nhỏ nghỉ một hôm. Bệnh thì ở nhà đi ...”.

Quỳnh Anh cười nhẹ. Hình như anh đi bằng taxi để xe lại cho cô, vì trên bàn còn có chìa khóa và cả xe ở dưới.

Ăn sáng xong, Quỳnh Anh chạy xe về căn biệt thự nhà họ Trần. Chẳng có ai ở nhà hết. Giờ này ông bà Trần Thanh cũng đã đến công ty. Hoài Bảo thì đi làm.

Cảm thấy còn hơi mệt nên Quỳnh Anh chui vào phòng ... ngủ tiếp.

– Sao vậy? Không có à?

Ở bệnh viện Phương Hà nhờ người tìm hồ sơ lai lịch của Quỳnh Anh nhưng tuyệt nhiên không có. Thật ra, điều này cũng dễ hiểu thôi. Lúc xin làm tài xế cho Chí Bạc, cô đã mượn hồ sơ của bạn Tuyết Vy, một vài giấy tờ bình thường để che đi lai lịch thật sự. Còn khi vào làm ở bệnh viện, tất nhiên là không thể gian dối được. Nhưng Quỳnh Anh đã nhờ viện trưởng giữ kín bí mật hồ sơ của mình, không tiết lộ cho bất kỳ ai. Chính vì thế Phương Hà cũng không thu thập được thông tin nào về cô.

– Quái lạ thật! Nó là nhân viên của bệnh viên, vậy mà sao không lưu trữ bất kỳ hồ sơ nào thế nhỉ!

– Thôi được rồi! Bác sĩ Hà cứ về đi. Khi nào em tìm được, em sẽ điện thoại cho bác sĩ.

– OK. Nhờ cô nhé!

Phương Hà đành quay trở về. Cô đến gặp Chí Bạc:

– Anh!

– Ừ. Tối nay em có trực không?

– Không có. Tối nay em muốn ở bên cạnh anh.

Phương Hà vòng tay ôm lấy cổ Chí Bạc. Mắt cô nhìn anh âu yếm nồng nàn ...

Chí Bạc hơi ngạc nhiên:

– Em sao vậy? Có chuyện gì à?

– Có gì đâu ... Bỗng dưng muốn gần anh, không được sao?

Chí Bạc cười nhẹ. Ở đây là bệnh viện, bình thường Phương Hà đâu có như vậy. Hôm nay sao tự nhiên “đổi gió”.

– Tối nay mình đi đâu đó ăn nhé? Một nơi nào lãng mạn một chút.

– OK. Nhưng mà phải để hôm khác. Tối nay anh phải trực ở bệnh viện mà.

Em xem lịch đi.

Chí Bạc hất cằm về hướng lịch làm việc của anh. Phương Hà tiu nghỉu:

– Mệt quá! Làm mất hứng ...

– Thôi mà, để hôm khác anh bù cho nhé! OK?

Phương Hà đứng dậy:

– Bộ em còn có sự lựa chọn khác sao!

Cô đóng cửa phòng đi ra ngoài, tiện tay bấm điện thoại gọi cho bác sĩ Minh:

– Alô. Tối nay anh rảnh không?

– Có chuyện gì không em?

– À không! Tối nay rảnh nên định rủ anh đi cà phê.

Đầu dầy bên kia, Minh gật đầu:

– Được Phương Hà gọi anh đâu thể nào từ chối. Vậy đi nhé! Tối anh qua đón em.

– OK.

Bác sĩ Minh - khoa tai mũi họng là người rất thích Phương Hà. Mặc dù biết rõ cô đã có bạn trai là Chí Bạc nhưng anh vẫn yêu. Tình yêu mà, đâu ai cấm cản được. Và tất nhiên là Hà biết điều đó. Là con gái, ai chẳng thích có nhiều người theo đuổi. Cứ như hôm nay, alô một tiếng là chàng xuất hiện liền.

– Đúng là đồ ngốc!

Hà lẩm bẩm.

Chí Bạc ở lại bệnh viện đến khoảng mười giờ đêm thì về. Lúc chiều, Quỳnh Anh có nhắn tin bảo anh có cần phải đến đón hay không ... anh báo không cần nên cô cũng ở nhà.

Lại một đêm trời mưa ...

Rào ... Rào ...

Cơn mưa không lớn lắm, chỉ rả rích lất phất ngoài hiên. Ông bà Trần Thanh mấy hôm nay do lo công việc ở Đà Lạt nên không về. Hoài Bảo chắc đi chơi khuya với bạn. Ở nhà chỉ còn mỗi Quỳnh Anh.

– Trò chơi thuớ bé anh ưa kéo mo cau, chở em quanh ngõ vườn.. Cô bé mỹ miều cười run đôi bờ vai, tay ôm chắc vành mo ...

Vừa bước vô cửa, Chí Bạc đã nghe giọng hát trầm buồn ngân nga bên tiếng đàn lời ca ngọt ngào, một chút buồn, một chút ưu tư ... bài hát “Người phu kéo mo cau”.

Ngẩng lên nhìn, Bạc thấy Quỳnh Anh đang ngồi bên cây đàn piano, vừa đàn vừa hát.

Ngoài hiên, trời vẫn đổ mưa. Tiếng mưa rả rích, nhè nhẹ chan hòa tiếng nhạc trầm bổng du dương. Cô ngồi đấy lặng lẽ một mình. Một ánh mắt đượm buồn xa xăm ... Giữa đêm khuya lạnh vắng, cô chọn cho mình bài ca nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa một nỗi niềm sâu kín ... Tiếng ai hát trong ngõ vắng buồn vương. Tiếng em buồn thầm gọi tên anh trong kỷ niệm. Anh còn nhớ hay anh đã quên ...

– Quỳnh Anh!

Dứt bản nhạc, Chí Bạc bước lại gần khẽ gọi tên cô. Anh nhẹ giọng:

– Cô có tâm sự à?

– Có gì đâu ...

– Quỳnh Anh cũng biết đàn nữa sao? Và còn rất hay nữa.

Quỳnh Anh cười nhẹ:

– Tôi học đàn từ nhỏ, cây đàn này chiều nay một người bạn gửi đến tặng tôi.

Để đây chắc không phiền chứ?

– Sao lại phiền? Nhỏ hát hay lắm. Nhưng hình như tiếng hát chiều nay hơi buồn thì phải. Em có điều gì trăn trở sao?

Quỳnh Anh ngẩng mặt lên nhìn anh. Cô chẳng biết nên bảo anh khờ hay anh ngốc. Là anh hiểu hay cố tình ngây ngô ...

– Tôi kể bác sĩ nghe một câu chuyện ha!

– ...

– Có một con bướm trắng rất dễ thương. Ngày xưa nó chơi rất thân với một con ong. Những buổi chiều đuổi nhau trên đồng, vờn hoa hút mật ... Những lần bên nhau hò hẹn khi hoàng hôn buông xuống ... Thế rồi vắng đi một thời gian dài, chúng trưởng thành và không còn ở bên nhau nữa. Bướm xưa trở về tìm lại kỷ niệm, nhưng điều mà nó nhận được chỉ là hư vô của một thời nhung nhớ. Ong không còn nhớ, ong đã quên. Và đau đớn hơn khi nó nhận ra rằng nó không chỉ yêu con ong của nó trong hồi ức, mà nó yêu những gì của thực tại. Nó yêu sự chững chạc của người bạn ấu thơ thuở nào ... Chỉ là ...

– Chỉ là thế nào?

Quỳnh Anh nén một tiếng thở dài:

– Chỉ là ... chỉ là con ong này ... ngu quá!

Nói rồi, cô chu môi quay đi. Chí Bạc chẳng hiểu gì cả. Đang yên đang lành, đang man mác buồn ... tự dưng đổ quạu ngang xương. Hiểu được chết liền!

Một lúc, anh gõ cửa phòng Quỳnh Anh.

Cốc ... Cốc ...

– Ai vậy?

– Nhà chỉ có tôi và nhỏ. Nhỏ nghĩ ai gõ cửa?

– Hỏi cho vui nhà vui cửa vậy mà ...

Cô đứng dậy mở cửa. Chí Bạc ló đầu vào:

– Nói chuyện một chút được không?

– Tôi trả lời không thì bác sĩ có nói không?

– Cô có mở không?

Quỳnh Anh cười nhẹ, để Chí Bạc vào. Anh nhìn cô từ tốn:

– Ngày mai tôi phải về quê ở Đồng Tháp có một số việc. Quỳnh Anh đi cùng tôi được không?

– Bác sĩ lịch sự quá rồi đấy! Tôi chỉ là một tài xế lái thuê, chủ bảo tôi đâu dám không vâng lời. Có điều ...

– Có điều thế nào?

Quỳnh Anh bâng quơ:

– Có nên tăng lương không ta? Vì đi xa mình phải xin nghỉ ở bệnh viện, mà đi đường xa lại mệt đứ đừ nữa ...

– Lại bắt đầu kiếm chuyện rồi đấy! Tôi sẽ tăng lương nhưng chỉ tăng lương thực. Tức là em muốn ăn bao nhiêu cũng được. Em ăn nhiều bao nhiêu tôi sẽ trả bấy nhiêu.

– Đau đầu quá! Chẳng qua có người biết tôi không ăn được nhiều nên cố tình bảo thế. Bác sĩ muốn phá vỡ thân hình mảnh mai của tôi phải không? Độc ác!

Chí Bạc bật cười:

– Ai biểu giữ eo làm gì. Em không nghe người ta nói à? Ốm đẹp mập dễ thương!

– Mập lên nhìn giống y con mối thì có!

Anh đứng dậy:

– Thế nhé! Sáng mai ta đi sớm. Ủa! Mà hôm nay em có uống thuốc đầy đủ không đấy? Em đã hết bệnh chưa?

– Chờ từ năm ngoái tới giờ mới nghe được tiếng hỏi thăm. Sao người không hỏi là chừng nào em chết!

– Khổ quá! - Chí Bạc phì cười - Là tôi đoán được bệnh tình của em mà. Ngủ sớm đi nhé, khó tính!

Anh nói rồi khép cửa đi ra ngoài.

Hồi đó học chung với Tuyết Vy, nghe nhỏ đó nói là lấy ai thì lấy chứ nhất định không lấy chồng bác sĩ. Hỏi ra mới biết, lấy chồng bác sĩ có nhiều cái cũng khổ lắm. Ví dụ như mỗi lần muốn nhõng nhẽo, làm nũng một chút để chàng dỗ dành ... em thường hay giả vờ ốm đau, lăn đùng ra bệnh. Mà nếu chàng là bác sĩ, nhìn sơ chắc chắn chàng biết em có bệnh hay không ... Nhõng nhẽo gì được nữa. Thế đấy!

Nửa đêm, Chí Bạc thì say ngả, nhưng Quỳnh Anh vẫn còn thao thức. Bên ngoài có tiếng xe. Là Hoài Bảo. Hắn đi chơi đâu mà giờ này mới lết về nhà.

Dám chắc thế nào cũng say bí tỉ cho mà xem.

Ầm ...

Một âm thanh vang vang. Té rồi! Bảo đảm luôn, một là u đầu, hai là bể trán chứ không ít. Quỳnh Anh ngồi dậy, cô bật đèn đi xuống. Tên Két ngày xưa thường hay chọc phá cô lắm. Gặp hắn là thế nào cũng đấu khẩu với nhau một trận.

– Này! Có sao không?

– Là cô cận hay lé mà còn hỏi! Nghĩ sao, bị lăn vòng tròn từ trên cầu thang xuống mà hỏi có sao không?

– Còn nói được tức là còn tỉnh táo mà. Vậy thì tôi đi lên đây?

Quỳnh Anh định quay lưng đi, thì Hoài Bảo thều thào:

– Hành động bỏ mặc một người nào đó lúc gặp nạn mà không cứu giúp, một người nào đó có thể bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật đấy ạ.

– Trừ phi một người nào đó năn nỉ thì một người nào đó sẽ suy nghĩ lại.

Nhưng nếu một người nào đó cứ cứng đầu chảnh chọe thì một người nào đó đành xử luật rừng.

– Cô đúng là “dã man rợ”.

– Quen rồi!

Quỳnh Anh bước thêm vài bậc thang thì Hoài Bảo nhăn mặt:

– Chị Hai ơi, làm ơn đỡ em dậy giùm cái! Chị nghĩ sao cái chân em giờ nó nằm dưới cái ghế mà cái mình em thì ở dưới cái bàn, làm sao em dậy nổi! Chị ơi, lên ngủ cho híp con mắt chị đi và lòi con mắt em ra.

Quỳnh Anh bật cười. Hổng biết hắn té kiểu sao mà chui tọt xuống bàn nằm chỏng gọng y như cái mai rùa. Trông thật thảm thương lắm.

– Cho đáng đời anh! Uống cho lắm vào!

Cô ì ạch đỡ hắn dậy. Bị đau, anh chàng la oai oái:

– Trời ơi? Xin cô! Lôi từ từ thôi. Tuột quần bây giờ? Quần thể thao lưng thun, cô lôi kiểu đó một hồi quần một nơi,người một nẻo đấy!

– Không kéo thì làm sao mà ra. Cái chân anh to đùng, bọt kẹt cứng ngắt bên trong đây này. Bộ muốn ở luôn đây hả?

– Ông anh lòi xỉ ... À quên, bác sĩ của tôi đâu rồi? Cô gọi anh ta dậy giùm tôi đi. Cô yếu như cọng bún thế này chắc tới sáng tôi cũng chưa dậy nổi.

Quỳnh Anh không chịu:

– Bác sĩ hôm nay làm về trễ, sáng mai phải dậy sớm, mệt lắm! Để cho anh ấy ngủ.

– Vậy giờ sao? Cô không kéo nổi cái bàn này dậy tôi làm sao ra được?

– Đã bảo anh ráng lên kia mà. Không chịu dùng sức mà cứ la oang oác cái miệng.

Hoài Bảo nhăn nhó. Quỳnh Anh làu bàu kéo mạnh người anh. Mệt muốn đứt hơi chứ ít gì.

– Một, hai, ba ... Cố lên!

Bựt!

– Gì thế này? Cha mẹ ơi! Hàng hiệu à nha! Hàng này chắc cũng ít đụng hàng lắm à! Quỳnh Anh giơ cao sợi dây thun buộc quần của Hoài Bảo. Thật ra thì cũng không đến nỗi văng hết cái quần ra mà chỉ là đứt sợi dây ngang lưng vì Quỳnh Anh cứ nhè nó mà lôi ... Bây giờ chỉ cần khều nhẹ thì anh sẽ trở về cái kiếp Adam ngay.

– Ha ha ha ... Ha ha ha ...

– Cười đủ chưa? Tôi trù cho cô bị tăng xông máu mà chết!

– Ôi mẹ ơi! Chịu hổng nổi luôn mà! Chắc tui chết quá bà con ơi! Ê! Gió thổi mát hông? Rộng rãi kiểu này chắc mát lắm hả?

Quỳnh Anh ôm bụng cười ngặt nghẽo. Hoài Bảo thều thào:

– Mát ... mát lắm! Tui lạy chị! Kéo tui ra giùm cái đi rồi cười cho đã. Bộ chị tưởng nằm kẹt dưới cái bàn này sung sướng lắm hả? Một hồi nữa nó cong lưng làm thằng gù nhà thờ Đức Bà luôn đấy.

– Ừ. Chờ ... chờ chút!

Quỳnh Anh gắng gượng không cười nữa. Cô ì ạch cố gắng dựng cái bàn dậy cho Hoài Bảo chui ra.

– Hai, ba ... Lên!

– Phù!

Cuối cùng thì hắn cũng ngồi dậy được. Một tay cầm lưng quần, không khéo nó tuột thì sao, một tay xoa xoa cái trán đau, hắn nhăn nhó:

– Đau thấu trời!

– Nửa đêm nửa hôm dựng đầu người ta dậy, anh đúng là dã man! Trả nè!

Quỳnh Anh thảy lại cho Hoài Bảo sợi thun thắt lưng. Bảo chau mày:

– Cầm chơi cho vui chứ làm sao mà luồn vô được nữa!

– Còn không mau đi thay đi, đứng đó một hồi gió thổi cảm lạnh đấy.

Hoài Bảo nhìn cô:

– Lâm Quỳnh Anh! Thật ra, cô có phải là con gái không vậy?

Anh vừa nói vừa cười. Cô tỉnh queo:

– Hên xui!

Và cô quay đi. Hoài Bảo nhìn theo bật cười. Cô nàng này đúng là có một không hai. Cũng điên hết chỗ nói!

Sáng ra, Chí Bạc cùng Quỳnh Anh lên đường về miền Tây. Một ngày vẫn như mọi ngày, chỉ khác là anh bây giờ phải làm tài xế cho cô. Tối qua bị Hoài Bảo phá nửa đêm thức giấc, cô không ngủ được. Sáng nay đành phải cười khì chiêu dụ bác sĩ ngồi vào ghế tài xế.

– Hic! Thật lòng em chẳng muốn như thế ...

Và rồi cô lăn ra ngủ. Chí Bạc quay qua nhìn. Bình thường trông em ngây ngô lắm bây giờ ngủ nhìn cái mặt ngu gì đâu.

– Alô! Chuyện gì vậy Bảo?

Hoài Bảo gọi điện thoại cho anh. Anh nhẹ giọng:

– Ừ. Anh đang trên đường đi. Em hỏi Quỳnh Anh hả? Cô ấy ngủ rồi.

– ...

– Ừ. Chắc đêm qua mất ngủ hay sao ấy. Bây giờ nhìn cứ như con heo con.

Ngủ say lắm. Anh đi khoảng hai ngày anh về. Thế nhé!

Hoài Bảo thức dậy thì Chí Bạc và Quỳnh Anh đã đi rồi. Xuống phòng ăn trông thấy cô đã chuẩn bị sẵn điểm tâm để trên bàn. Anh vừa ăn vừa bâng quơ mỉm cười:

– Cô nhỏ này ... khó hiểu thật ...

Được một đoạn đường, Quỳnh Anh lim dim mở mắt:

– Mình đến đâu rồi, bác sĩ?

– Chưa đến đâu. Đường còn xa lắm!

– Bác sĩ mệt không? Đổi tay lái đi, tôi chạy cho.

– Liệu có được không? - Chí Bạc nhìn cô - Trông em vẫn còn mệt lắm mà.

Quỳnh Anh thở dài:

– Chỉ sợ bị đuổi việc ...

– Lắm lời quá!

– Đã bao lâu rồi bác sĩ không về Đồng Tháp?

– Công việc cũng lu bu nên cũng đã khá lâu rồi tôi không về đây. Thật ra thì ở Sài Gòn riết rồi cũng ngột ngạt lắm. Nhiều lúc về miền quê thấy yên tĩnh hơn.

Đổi gió một chút.

Quỳnh Anh bâng quơ?

– Có những kỷ niệm bỏ quên trong hồi ức mà người còn không nhớ. Người ít về cũng phải thôi.

– Em nói gì đấy?

– À không có gì.

Chí Bạc trầm giọng:

– Hôm trước nghe em bảo quê em ở miền Tây. Vậy em ở đâu?

– “Mùa hè mời anh ghé lại, vườn nhà em cây trái nép bên ven sông Hậu Giang ...”.

Quỳnh Anh không trá lời mà ngân nga một câu hát trong bài “Chuyến xe miền Tây”. Chí Bạc bật cười:

– Hình như có người yêu nhạc vàng phải không?

– Tùy cảm hứng thôi bác sĩ à. Có người nói tôi là một con tắc kè đa màu sắc, đa tính cách. Những lúc tôi lao vào công việc như điên, làm quên ngày quên đêm. Nhưng cũng có đôi khi tôi chẳng làm gì cả, chỉ thích nằm dài ra đấy, nghe nhạc, đọc sách. Lắm lần tôi ngồi một mình giữa đêm vắng với cây đàn piano, lặng lẽ với “Sonat ánh trăng” của Beethoven. Rồi có lúc lại quay điên cuồng trong bar cùng bản nhạc Rock. Thế đấy! Tôi cũng chẳng biết mình thế nào nữa.

– Em là một người nhạy cảm?

– Điều đó thì chắc chắn.

Chí Bạc nhìn cô:

– Nói về bạn trai Quỳnh Anh đi. Nhỏ có người yêu chưa?

– Câu hỏi này tôi có quyền không trả lời không?

– OK. Nhưng tại sao vậy?

– Có hai khả năng. Lúc tôi nói cho bác sĩ nghe cũng có thể là lúc tôi biến mất. Hoặc là lúc đó tôi hạnh phúc nhất. Còn bây giờ thì không nói.

Chí Bạc lắc đầu:

– Chắc tôi điên quá! Tôi chẳng hiểu gì cả.

Nếu anh hiểu thì em đâu cần phải nói gì nữa. Tùy anh ngẫm nghĩ. Mà em cũng không biết là có một ngày anh hiểu ra rồi, thì liệu anh có muốn hiểu hay không ... Em không biết.

– Trời ạ! Chuyện gì xảy ra khi giữa đường mà hư xe nhỉ? Đoạn này vắng tanh như chùa Bà Đanh ấy. Xe mà hỏng một cái có nước chết. Sống gì nổi hỡi trời!

– Nói gở! Chiếc Mer này mới vừa được đi bảo dưỡng đấy. Thùng xăng cung đầy ắp. Nhóc an tâm đi.

– Bác sĩ này! Quỳnh Anh gọi.

– Hử?

– Nói nhỏ này nghe nhé!

– Đang nghe nè!

– Mà đừng có la lớn, thiên hạ đồn lên kỳ lắm.

– Em đi ... ngủ nha. Bác sĩ từ từ chạy xe đi.

– Trời ạ!

Nói rồi, cô nàng ngả ghế ra sau nằm ngủ. Bó tay thật! Đây chắc cũng thuộc dạng tài xế cao cấp à. Ai biểu trời sinh em là phái đẹp làm chi. Anh mày râu thì anh phải cắn răng mà chịu. Hì hì ...

Về đến Đồng Tháp, Chí Bạc vươn vai mệt mỏi. Ngồi ê cả mông. Anh quay qua lay Quỳnh Anh dậy.

– Nhỏ! Đến nơi rồi! Dậy đi!

– Ừm. Đau lưng quá bác sĩ ơi. Chân em ngồi lâu quá tê hết cả rồi.

– Có đi được không?

– Không được cũng phải lết, chứ hổng lẽ ngồi luôn trên xe.

Cả hai mở cửa bước xuống. Căn nhà họ Trần năm xưa trước khi ông bà Trần Thanh chuyển lên Sài Gòn vẫn như thế, không có gì thay đổi. Nó được giao cho thím Bảy, một người bà con xa trông hộ. Quỳnh Anh đưa mắt nhìn. Đã mười tám năm rồi cô không quay lại đây. Bao nhiêu kỷ niệm của tháng năm ấu thơ bất chợt ùa về trong nỗi nhớ. Vẫn hàng rào, vẫn vườn cây, vẫn giếng nước trong mát rượi ngày xưa ... Căn nhà của gia đình cô nằm sát vách nhà Chí Bạc, nhưng đã bán lại cho người ta. Chỉ có điều chủ mới vẫn giữ nguyên kiến trúc, không thay đổi gì cả.

– Nhỏ sao vậy? Ta vào nhà đi.

– À vâng.

Bước vào trong, thím Bảy vội vàng chạy ra:

– Về tới rồi à? Hai đứa đi đường chắc mệt lắm hả? Vào nhà nghỉ chút đi.

Đường sá xa xôi quá mà.

– Đúng là mệt thật! Thím ở nhà một mình à?

– Một mình chứ mấy mình? Đã mười mấy năm rồi tao sống vậy. Bố mẹ bây đi lập nghiệp luôn có về đâu. Mình tao trông coi cái nhà này cũng quen rồi. Ủa người này là bạn con hả Tom?

Thím Bảy quen miệng gọi Chí Bạc bằng cái tên cúng cơm lúc nhỏ. Anh gật đầu.

– Dạ. Đây là Quỳnh Anh. Cô ấy theo con cho biết Đồng Tháp.

– Ừ ở quê coi vậy chứ không khí trong lành hơn thành phố cháu à. Tuy có hơi buồn một chút, nhưng ở lâu rồi thành quen. Mấy lần tao lên Sài Gòn tao chịu hổng nổi, nó bụi bặm mà ồn ào như cái chợ tết ấy.

– Dạ vâng. Thỉnh thoảng về đây đổi gió một chút cũng hay, thím há!

Quỳnh Anh cười tươi. Bạc nhìn cô, nhẹ giọng:

– Nhỏ vào trong cất đồ, tắm rửa đi cho khỏe. Có thấy đói chưa?

– Đói thì không nhưng em phải đi tắm, bác sĩ ạ. Không tắm không chịu nổi.

– Quả thật là tôi chưa từng thấy ai mê tắm và tắm lâu như em đấy. Nhanh lên rồi ra, đừng ngâm nước lâu quá, kẻo cảm lạnh nữa đấy.

Quỳnh Anh nheo mắt:

– Chuyện đó thì không lo đâu. Mình có bác sĩ riêng mà. Hì hì.

– Ừ. Đừng có chủ quan nha cô nương. Không chịu nghe lời tôi bỏ mặc luôn đấy.

– Nói thế thôi ... chứ mình biết là có người không nỡ ...

– Cứ thử xem. .. tôi có đám không nhé!

Chỉ Bạc bật cười. Quỳnh Anh đứng dậy:

– Không nói với bác sĩ nữa. Nhỏ đi tắm đây.

– Ừm.

Nếu như bây giờ có một điều ước, có lẽ Quỳnh Anh chỉ ước cho thời gian dừng lại. Cảm giác được ở bên anh, được kề cận trong từng khoảnh khắc ... cô cảm thấy mình hạnh phúc lắm. Anh biết không?

Chiều về, Quỳnh Anh kề tai Chí Bạc:

– Đi hái sen đi anh.

– Nhỏ cũng biết hái sen sao?

– Biết chứ sao không.

– Hơi bị giỏi đó nha!

Cô cười tít mắt cùng anh ra đầm sen. Một khoảng trời bao la rộng lớn, những cánh sen hồng rực rỡ thơm ngát mát rượi. Phút chốc, Quỳnh Anh quên mất cô đang đóng vai một tài xế của Chí Bạc, cô có cảm giác như đang được trở về là bé Mơ ngày nào của anh Tom. Anh chèo thuyền cùng cô ra giữa đầm sen. Cô đưa chân nghịch nước, ở đâu đó những hạt bùn lấm tấm vương vãi trên làn da trắng ngần ... Anh lặng nhìn. Nụ cười cô thơ ngây trong sáng, đôi mắt long lanh trong veo màu hồn nhiên. Có hay không một lần anh say nắng ...

– Dễ thương quá!

– Gì cơ?

– À không ...

Anh lảng tránh, quay mặt đi thật nhanh. Cô nhạy cảm nên không quá ngốc để nhận ra điều đó. Ừ, có lẽ anh sợ mình say ... Anh không dám say và hình như cũng chẳng muốn say ...

– Í, mưa rồi!

– Chạy vào thôi! Anh vội vàng cầm lấy chiếc lá sen che phủ lên làn tóc cô bay ... Những hạt mưa lất phất chỉ làm môi cô thêm mọng nước. Cô mỉm cười tít mắt. Anh say đắm ngất ngây ... Nhớ rồi nhỏ ơi ...

– Thích thật!

– Nhỏ đúng thật là dân miền Tây. Cứ nhìn cái cách nhỏ vui sẽ biết.

– Thì nhỏ có nói dối đâu. - Cô nheo mắt.

– Nhưng có những điều nhỏ không chịu nói.

– Chỉ vì anh không chịu hiểu!

Anh nhìn nhỏ, nhỏ lại cười toét miệng. Ừ thì tại anh ngốc. Ngốc lắm ...

Về ngang vườn bưởi nhà bác Năm. Nhỏ lại khều tay anh:

– Anh ơi! Hoa bưởi ...

– Thơm quá há ...

– Anh à! Hoa bưởi ...

Nhỏ nhìn anh. Hì hì ... Cái ánh mắt này sao quen quá vậy ta! Nó khẩn khoản, tha thiết mà có phần mè nheo nữa. Nhỏ hất hất cằm ra hiệu:

Hoa bưởi kìa anh ...

– Nhỏ đợi đây nhé!

Và anh lại trèo rào. Mười mấy năm rồi mà bác Năm vẫn còn giữ cái hàng rào kẽm gai này. Nếu là người khác chắc cũng đã thay bằng vòng rào kín cổng cao tường rồi.

Bựt!

– Đứa nào trộm bưởi vậy bây?

– Chết cha! Lại bị phát hiện rồi. Sao lần nào cũng vậy hết, hễ cứ trèo vô là thế nào cũng bị phát hiện. Chí Bạc luống cuống ngắt mấy bông hoa bưởi trên tay. Quỳnh Anh ở bên ngoài giục:

– Lẹ lên anh! Coi chừng bị tóm bây giờ ...

– Ừ.

Anh vội vàng trèo rào nhảy qua. Bác Năm bây giờ đã già. Chắc bác ấy cũng không còn nhận ra thằng Tom nghịch ngợm ngày nào. Chỉ có điều, lần này chỉ khác là Chí Bạc đã không quên để lại mấy tờ giấy bạc trên những trái bưởi xanh ... Thằng Tom hồi đó đâu có tốt được vậy.

– Của nhỏ nè!

Anh chìa cho cô những cánh bưởi trắng. Cô thích thú đưa lên mũi ngửi:

– Thơm quá!

– Ừ. Nhưng lại bị xước tay rồi. Cứ mỗi lần vào đây là tay anh bị trầy, một vết là gai bưởi, một vết là hàng rào ...

Vậy mà cũng có người ngốc chấp nhận hi sinh đi hái hoa cho người ta đó chứ!

– Đưa tay đây!

– Hử?

Cô cầm lấy tay anh, dán lên đó một miếng băng cá nhân. Anh ngỡ ngàng.

Anh giật mình nhìn cô không nói. Ngày xưa bé Mơ cũng như thế. Khi nào nhỏ muốn hái hoa thì cũng chuẩn bị sẵn mảnh băng cá nhân để dán lên tay anh. Nhỏ biết trước anh sẽ bị thương ...

– Bé Mơ ...

Anh khẽ thì thầm. Một phút không gian dừng lại. Tim Quỳnh Anh như ngừng đập. Thế rồi bất chợt chuông điện thoại của anh reo:

Reng ... Reng ...

Cô quay đi. Anh giật mình lấy ra nghe. Phương Hà đang gọi.

– Alô. Anh nghe nè.

– Ừ. Anh đang ở quê. Chắc khoảng ngày mai hay ngày kia, lo xong công việc anh về.

– OK. Vậy đi nha.

Anh tắt máy. Quỳnh Anh buồn buồn nói:

– Bạn gái anh gọi hả?

– Ừ.

Anh gật đầu. Cô trầm giọng?

– Mình về thôi!

Cô xoay lưng đi. Chẳng ai nói với ai câu nào. Dưới tàn cây xanh biếc, em và anh mỗi người một góc trời, khoảng cách còn rất xa.

Đêm đến, Chí Bạc ngồi nghe, thưởng thức những âm thanh ngoài đồng. Âm thanh không lẫn vào đâu được, mà cũng không thể tìm đâu ra trên đất Sài thành.

– Tiếng cóc, nhái, ễnh ương kêu mà phát khiếp! Nghe rền vang não nề gì đâu ...

– Hiếm lắm mới được nghe đấy cô nương.

– Mấy con quái vật đó vừa mập vừa lùn kêu thì uềnh oang ộp oạp chỉ có mỗi thịt là ngon. Khiếp!

Chí Bạc bật cười. Xưa nay Quỳnh Anh ghét nhìn con cóc và con ễnh ương lắm. Cô nói nó mập mà lùn xè lùn tịt, trông rất dị hợm. Trái lại, cô nàng lại rất khoái ăn thịt ếch.

– Chè sen nè!

– Oa ...

Quỳnh Anh chìa cho Chí Bạc một bát chè sen nóng hổi thơm lừng. Anh đón lấy xuýt xoa:

– Đừng nói là nhỏ nấu đấy nha!

– Ơ hay! Bộ hổng được sao?

– Nhỏ cũng thích chè sen à?

– Món khoái khẩu mà.

Cô từ từ ngồi xuống kế bên anh vừa ăn vừa bâng quơ:

– Nhớ hồi đó còn nhỏ, ngu thấy mồ luôn. Chỉ cần có bát chè sen là ai bảo gì cũng làm hết. Có lần ăn nhiều quá bỏ cơm, đến tối lại phải ở suốt trong toa-lét.

Đau bụng, khóc quá trời!

– Nhìn mặt là biết nhỏ háu ăn rồi! Nhỏ biết không, thật ra nhỏ rất giống một người. Nhỏ làm tôi nhớ đến người bạn đó. Cô ấy ngày xưa cũng thích ăn chè sen, cũng yêu hoa bưởi như nhỏ vậy.

– Mối tình đầu của bác sĩ sao?

– Không hẳn! - Chí Bạc lắc đầu - Ngày ấy tôi còn bé quá. Con trai thường thì phát triển sau con gái mà. Tôi chỉ nhớ cô bé ấy rất đáng yêu, rất dễ thương.

Chúng tôi cùng nhau lớn lên ở miền quê sông nước này. Những buổi chiều em cùng tôi đuổi bướm, hái hoa ... vui lắm. Cho đến một ngày, em theo gia đình di dân sang Mỹ.

Quỳnh Anh hỏi mà không nhìn anh:

– Nếu bây giờ gặp lại cô ấy, anh sẽ như thế nào?

– Tôi cũng chẳng biết nữa. Đã mười tám năm rồi, thời gian trôi qua nhanh quá. Chúng tôi mỗi người đều đã trưởng thành. Có thể cô ấy cũng có cuộc sống riêng của mình. Biết đâu chừng giờ này nhánh hoa bưởi trắng đó đã có chồng ba con rồi cũng nên ...

Quỳnh Anh im lặng cười buồn. Tôi nào đâu đã quên. Tôi vẫn ôm ấp kỷ niệm ngày bên anh và lặng lẽ trở về để tìm lại người xưa. Tôi không chỉ yêu anh trong quá khứ mà tôi đã yêu rồi chàng bác sĩ của thực tại. Chỉ có anh là bỏ quên kỷ niệm ... Với người, có lẽ tôi chỉ mãi là đóa hoa bưởi trắng của hồi ức xa xôi ...

– Còn em thì sao? Hôm trước em nói mình cũng có một mối tình đầu rất đẹp mà phải không?

– Ừm. Nhưng tình yêu tôi ngốc nghếch và dại khờ lắm. Với tôi thì rất đẹp nhưng với anh ấy thì chẳng là gì cả.

– Người ta nói tình đầu rất dễ phôi pha. Cũng có khi người mà em sống đến bạc đầu không phải là người em yêu thương nhất, nhưng đó sẽ là người mang lại hạnh phúc cho em nhất.

Quỳnh Anh đứng dậy tựa người vô tường:

– Bác sĩ không hiểu đâu. Con người của tôi rất kỳ lạ. Tôi rất nhạy cảm và sống dựa vào cảm giác. Có thể suốt đời này tôi sẽ làm một ni cô trong nhà chùa để ôm ấp một mối tình đẹp cho riêng mình, giống như Lan trong chuyện tình “Lan và Điệp” chẳng hạn. Có thể tôi sẽ vứt tất cả mọi thứ, không cần gì hết chỉ để lên Đà Lạt trồng hoa. Tôi sẽ không bao giờ làm điều mà mình không thích, vì tôi là như thế, có muốn thay đổi cũng chẳng được.

– Nhưng như thế em sẽ bị tổn thương đấy!

Tôi kể bác sĩ nghe nhé. Hồi tôi khoảng mười bảy, mười tám tuổi, từ xưa tôi chỉ thích đàn ông cao thật là cao, mà học phải giỏi kìa. Với lại, sống mũi phải thẳng nữa. Đừng hỏi tôi tại sao, tôi cũng không biết đâu để trả lời. Nếu như không có ba yếu tố đó thì đừng có đến gần tôi. Bình thường, tôi sống rất chan hòa, rất hòa đồng. Ai cũng là bạn bè được hết. Chỉ là nếu muốn theo đuổi tôi, mà hông có một yếu tố đó là tôi nhất định không ưng. Tôi lắc đầu nguây nguậy ấy. Thế rồi có lúc tôi tự nói với mình, tại sao phải như thế? Người ta sống tốt, người ta dễ thương là được, tại sao tôi cứ phải ép mình như vậy ...

Ngừng một chút, Quỳnh Anh cười nhẹ:

– Vậy là có lần tôi đồng ý đi chơi với một người phạm vào ba yếu tố đó. Hắn tốt lắm, rất đàn ông, rất galăng ... chỉ là hơi thấp một tí ... Đâu được khoảng một lần, hai lần ... đến lần thứ ba tôi trốn mất tiêu.

Chí Bạc bật cười:

– Tại sao vậy?

– Chẳng biết nữa. Tôi cứ thấy bứt rứt khó chịu thế nào ấy. Mà thật sự là tôi đã dùng lý trí để nói với mình rằng:

Quỳnh Anh ơi, mày khùng quá! Chọn một người đâu phải dựa vào những đặc điểm đó ... Tôi biết chứ. Nhưng rồi thì đâu cũng lại vào đấy. Mặc dù là tôi cũng đã cố gượng ép mình lắm rồi.

– Bó tay với em luôn. Thế nào sau này em cũng sẽ gặp một người chồng cao m50 cho xem.

– Hổng có đâu? - Quỳnh Anh chu mỏ.

– Nhưng mà biết đâu được. Trời kêu ai nấy dạ!

Vầng trăng đêm nay vừa sáng vừa tròn, anh và cô cứ ngồi huyên thuyên bên nhau cho đến tận khuya. Lúc Chí Bạc quay qua thì cô đã ngủ gật lên vai anh.

Nét mặt hồn nhiên hiền lành ... Anh nhẹ nhàng bế cô vào trong, đắp chăn và cười nhẹ:

– Ngủ ngon, cô ngốc!

Trở về Sài Gòn, Chí Bạc nói chuyện với ông Trần.

– Việc dưới đó xong hết chưa Bạc?

– Xong rồi ba. Cũng không có vấn đề gì đâu. Chỉ là một số gút mắt nhỏ thôi.

Chúng ta không cần phải bốc mộ ông bà đi đâu. Con đã cho giải quyết hết rồi.

– Ừ. Vậy cũng tốt.

Thấy ông Trần có vẻ mệt mỏi, Chí Bạc lo lắng:

– Ba sao vậy? Trông ba có vẻ mệt mỏi quá. Lúc này tình hình công ty có vấn đề sao?

– Ừ. Cũng có chút vấn đề. Nhưng thôi. Để đó ba lo, con đừng bận tâm quá.

Nhé!

Ông vỗ vai anh cười nhẹ rồi đi ra. Xưa nay Chí Bạc không rành lắm về công việc làm ăn kinh doanh của ông, cả Hoài Bảo cũng vậy. Cả hai đứa con chẳng đứa nào theo nghiệp ông hết. Nhưng ông Trần là người rất hiểu chuyện. Ông thương con và rất tôn trọng sự nghiệp riêng của mỗi đứa. Dạo gần đây tình hình công ty kinh doanh rất bất ổn. Doanh thu đang trên đà đi xuống và có thể khả năng xấu nhất sẽ xảy ra ...

Cốc ...Cốc ...

– Vào đi!

Hoài Bảo ló đầu vào. Quỳnh Anh đang đọc sách, anh hỏi nhỏ:

– Ê nhóc! Nhờ tí nhé!

Chuyện gì?

– Ủi giùm cái áo hén!

Hoài Bảo chìa ra một cái áo sơ mi. Quỳnh Anh tỉnh bơ:

– Tui đâu phải osin!

– Đã bảo là nhờ mà!

– Lắm chuyện! Lúc mấy người cần nhờ gì sao mà dễ thương ngọt ngào quá vậy?

– Tôi nào giờ nó vậy chứ bộ!

Nói thế chứ Quỳnh Anh cũng bỏ quyển sách xuống đi ủi áo cho hắn. Bảo cầm quyển sách lên, hết hồn:

– Trời đất! phải cô hông vậy? Già rồi mà còn đọc Đôrêmon sao?

– Vậy thì sao? Bộ không được à?

– Nói vậy chứ trên phòng tôi cũng có cả đống kìa. Lát lên tôi cho mượn.

– Anh mà cũng đọc cái này nữa sao? Khó tin quá! Đàn ông gì mà điệu khủng khiếp! Quần áo ủi láng o, tóc tai chải Gel bóng mượt. Hôm qua hay hôm kia gì đó, quên rồi, có mấy cô nào đến nhà tìm anh đấy!

Hoài Bảo ngồi bật dậy:

– Ai? Ai tìm tôi? Đi một mình hay nhiều người?

– Có ba người, nhưng đi riêng rẽ.

Trông như thế nào?

– Một người chắc quê ở Bến Tre. Người kia nhật thực toàn phần. Người còn lại lỡ mà đi trời mưa dám chắc uống nước chết luôn đó.

Bảo nhăn mặt:

– Nói vậy tức là sao?

– Không hiểu à? - Quỳnh Anh tỉnh queo. - Cô ở Bến Tre hình như nạo dừa nhiều quá nên cái miệng hô quá trời. Cô thì đen thùi lùi, da ngâm y như nhật thực toàn phần vậy. Nàng còn lại cũng dễ nhận ra lắm, cái mỏ móm sọm, lỡ đi trời mưa là uống nước mưa chết luôn đấy.

Trời mẹ ơi ...

Hoài Bảo ôm đầu bó tay:

– Nói nghe phát khiếp! Cô mai mốt có con trai mà chọn dâu chắc chết thiên hạ hết quá.

– Có sao nói vậy thôi. Hì hì ... Mặt mũi sáng láng đẹp trai vậy mà có mấy người đẹp thấy sợ luôn!

Biết Quỳnh Anh dang chọc quê mình, anh chàng chống chế:

– Người ta tìm tui chứ tui đâu có biết gì đâu. Thì mình đẹp nên thiên hạ dòm ngó ấy mà.

– Ụa! Nghe phá nôn! Cho em xin đi anh ơi! Đu dây điện hoài!

– Này, nhỏ! Có bạn trai chưa?

– Hả! Chi? - Quỳnh Anh liếc mắt – He he ... Đừng nói với em là chàng muốn cưa em nha!

Hoài Bảo nhăn mặt:

– Ôi trời ơi! “Dả man rợ” quá! Em ơi, anh đây còn bé lắm, hổng có biết gì đâu. Em liệu có chờ nổi hông?

– “Cam sành gọt vỏ còn chua, thấy anh còn nhỏ, em cua để dành ...” Hổng sao đâu anh, cái gì mình hổng biết mình tập từ từ rồi cũng êm xuôi hết hà.

– Nhưng lỡ anh vụng về quá, thuyền không cập bến được thì sao đây em?

Trời ơi! Vụ gì chứ vụ đó, hổng có kinh nghiệm hổng được em ơi ...

Quỳnh Anh chắt lưỡi:

– Ngu ngu khờ khờ mà đầy sáng tạo anh ạ. An tâm đi, được hết à ...

– Nói vậy chứ cũng hổng đến nỗi nào đâu. Không biết nhiều thì anh cũng biết ít chứ. Chỉ sợ đến lúc anh tấn công em bị choáng ấy.

– Quan trọng là vũ khí anh có sắc không?

– Hai mươi ba năm vẫn chạy tốt ...

Quỳnh Anh ôm bụng cười ngặt nghẽo:

– Ý em hỏi là anh cầm cưa thì liệu cây cưa anh có sắc không?

– Thì anh trả lời là nó tốt chán, chứ em đang nghĩ cái gì?

Trời mẹ ơi! Chắc chết quá! Chịu hổng nổi luôn mà! Quỳnh Anh cười tít mắt thảy cái áo cho anh:

– Đây nè, xong rồi. Về giùm con đi ba! Khổ quá!

Hoài Bảo đứng dậy:

Quyết định vậy đi há! Về à!

– Ừ. Khủng khiếp!

Tên Hoài Bảo này đúng là đần hết chỗ nói. Nói chuyện với hắn một hồi thế nào mình cũng cười vỡ bụng mà chết. Vui thật!