Mười lăm ngọn nến - Chương 01
Chương 1 Cẩm Vân vừa ngồi học vừa ngáp. Lần nào cũng vậy, cứ đến giờ giáo dục công dân là mắt nó cứ muốn díp lại. Nó chưa từng thấy môn học nào khô khan như môn này, do đó đáng chán như môn này. Từ đầu năm đến nay, nó học trước quên sau, học sau quên trước. Những cụm từ như kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể đối với nó quá mới mẻ. Nó cũng không tài nào phân biệt nổi thuế doanh thu khác với thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào. Trước ngày kiểm tra, nó tụng ra rả. Cô hỏi, nó trả lời vanh vách. Nhưng sau đó nó quên sạch sành sanh. Cẩm Vân ngồi nghe cô Lan Anh giảng bài mà đầu cứ ong ong u u: Hôm nay cô giảng về nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Lại một đề tài chẳng chút hấp dẫn. Nó ngồi nghe lơ mơ, đầu gật gà gật gù. Sự gà gật của Cẩm Vân không lọt khỏi mắt tổ trưởng Tần. Nó ngồi chếch ngay sau lưng nhỏ Cẩm Vân chứ đâu. Tần nhìn Cẩm Vân, bụng lo ngay ngáy. Nó biết con nhỏ này gà gật chả phải vì “tâm đắc” với lời giảng của cô giáo, chỉ là do buồn ngủ thôi. Sở dĩ Tần đoán như vậy vì nó cũng đang buồn ngủ ghê gớm. Cũng như Cẩm Vân, Tần thấy môn giáo dục công dân sao mà chán phèo. Học lịch sử hoặc địa lý dù sao cũng còn thú vị hơn. Học lịch sử còn được nghe chuyện kể, chuyện đánh nhau; học địa lý còn được xem bản đồ, tranh vẽ. Còn với môn giáo đục công dân, học trò chỉ toàn nghe và nghe, cô giáo chỉ toàn nói và nói, lại nói những điều cao xa, khó hiểu quá chừng. Nhưng đang giữ chức tổ trưởng tổ 1, Tần cố giữ cho đầu mình đừng đánh nhịp. Nó phải vận hết “mười hai thành công lực” mới chế ngự được cơn buồn ngủ cứ lăm le kéo sụp hai mí mắt. Nhưng Tần chỉ lo được cho thân mình, chứ đâu có lo được cho tổ viên của nó. Cẩm Vân đầu mỗi lúc một cúi thấp, lại ngồi ngay bàn đầu, đối diện với bàn cô giáo, thế mới nguy. Tần vừa quan sát Cẩm Vân vừa lo lắng liếc chừng cô giáo. May mà từ nãy đến giờ cô Lan Anh vừa giảng bài vừa nhìn xuống cuối lớp nên không phát hiện ra sự gà gật của cô học trò tổ 1. Đang hồi hộp theo dõi ánh mắt của cô Lan Anh, Tần bỗng điếng hồn khi thấy cô từ từ đưa mắt lên các dãy bàn trên. Tim đập thình thịch, Tần vội vã đưa tay lên định khều vào lưng Cẩm Vân, nhưng đến khi gần chạm tay vào áo bạn, nó bỗng cảm thấy ngường ngượng. Thay vì khều vào lưng như dự định, nó cầm lấy bím tóc của Cẩm Vân giật giật. Tần chỉ giật khẽ. Nhưng đang nửa thức nửa ngủ, nhỏ Cẩm Vân tưởng như kẻ cướp đang xoắn lấy tóc mình. Thế là nó thét lên bài hãi: - Á á! Buông ra! Tiếng thét bất thần của Cẩm Vân khiến những đứa mơ màng lập tức tỉnh ngủ, còn những đứa tỉnh ngủ thì giật bắn mình. Cả lớp nhất loạt ngoảnh cổ về phía phát ra tiếng kêu thất thanh kia, mắt đứa nào đứa nấy trố lên sửng sốt. Cô Lan Anh tất nhiên cũng kinh ngạc không kém. Cô quét mắt về hai dãy bàn của tổ 1. Thằng Tần lúc này mặt xanh lè xanh lét. Nó không ngờ con nhỏ Cẩm Vân ngốc nghếch kia lại la lên như cháy nhà thế. Khi Cẩm Vân thét lên, nó như phải bỏng liền rụt vội tay. - Gì thế Cẩm Vân? Cô Lan Anh lừ mắt nhìn cô học trò vừa gây náo loạn. Cẩm Vân đứng lên: - Thưa cô, có bạn nào vừa giật tóc em ạ. Cô Lan Anh lướt mắt qua những gương mặt ngồi ở bàn sau, cặp lông mày cau lại: - Em nào chơi nghịch thế? Tần, Dưỡng và Hiền Hòa im ru. - Phải em không Dưỡng? – Cô Lan Anh lại hỏi. Dưỡng đứng dậy: - Thưa cô, không ạ. Hiền Hòa không đợi cô giáo gọi đến tên mình, lật đật đứng lên theo: - Thưa cô, cũng không phải em ạ. Bàn sau có ba đứa, nếu không phải thằng Dưỡng và nhỏ Hiền Hòa thì thủ phạm đích thị là thằng Tần rồi. Cô Lan Anh nghĩ, và cô nhìn chăm chăm vào mặt Tần. ánh mắt nghiêm khắc của cô giáo còn đe dọa gấp mấy lần câu cật vấn. Tần nghe người mình run lên. Nó đảo mắt quanh lớp, tuyệt vọng nhìn những khuôn mặt căng thẳng vì chờ đợi của tụi bạn và lập cập đứng lên khỏi ghế. Nó đáp và nghe lưỡi líu lại: - Thưa cô … thưa cô … Thái độ của Tần đã tự tố cáo nó. Nên cô Lan Anh nghiêm mặt: - Tại sao em lại nghịch ngợm trong giờ học? Tần tiếp tục ấp úng: - Thưa cô … thưa cô … Cô Lan Anh nheo mắt: - Em là tổ trưởng tổ 1 phải không? - Dạ. - Cô không hiểu nổi! – Cô Lan Anh lắc đầu – Lẽ ra em phải nêu gương tốt cho các bạn chứ? Thoạt đầu Tần không định thanh minh. Nếu nó nói rõ ra, nhỏ Cẩm Vân sẽ bị cô giáo phạt về tội ngủ gục trong giờ học. Điều đó chẳng hay ho gì. Dù sao Cẩm Vân cũng là tổ viên của nó. Nhưng đến khi cô giáo lôi cái chức tổ trưởng của nó ra để quở trách trước lớp thì Tần không giữ bình tĩnh nổi nữa. Nó hít vào một hơi: - Thưa cô, em kéo tóc bạn Cẩm Vân không phải vì nghịch phá đâu ạ. - Không phải vì nghịch phá? – Cô Lan Anh ngạc nhiên – Thế vì chuyện gì? Tần nuốt nước bọt: - Thưa cô, em định … đánh thức bạn ấy đấy ạ. Cô Lan Anh liền quay sang Cẩm Vân lúc này đang cúi gằm đầu: - Em vừa ngủ gục hả Cẩm Vân? Cẩm Vân lí nhí đáp, vẫn không dám ngẩng mặt lên: - Em cũng chẳng biết, thưa cô. - Ngủ hay thức mà chính em cũng không biết sao? – Cô Lan Anh tỏ vẻ phật ý. - Thưa cô em không biết thật đấy ạ! – Cẩm Vân phân trần một cách thật thà – Em nghe cô giảng một hồi bỗng thấy mơ mơ màng màng, chả rõ như thế là đã ngủ hay chưa. Lối giải thích như trêu gan của Cẩm Vân làm thằng Tần kinh hãi. Thật chưa thấy con nhỏ nào khờ như con nhỏ này, Tần lo lắng nhủ bụng, nó nói như vậy có khác nào nó chê cô giáo giảng bài buồn ngủ chết được. Không khéo cô phạt hết cả tổ không chừng! Trước câu trả lời vụng về của Cẩm Vân, không chỉ Tần mà cả mấy đứa trong ban cán sự lớp cũng phát hoảng. Cũng như Tần, tụi Xuyến Chi, Vành Khuyên, Minh Vương và nhỏ Hạnh nơm nớp liếc trộm cô giáo, chờ cô nổi cơn thịnh nộ trước tên học trò lếu láo kia. Nhưng chờ lâu thật lâu vẫn chưa thấy cô Lan Anh có phản ứng gì. Cô chỉ hơi sững sờ trước lời “khai báo” thật thà của nhỏ Cẩm Vân. Rồi cô đột ngột bỏ dở bài giảng, lặng lẽ bước lại bàn, ngồi xuống ghế cúi đầu nghĩ ngợi. Sự trầm ngâm của cô Lan Anh làm cả lớp thót ruột. Chẳng thà cô quở trách ngay, tụi nó còn đỡ ngán. Cô cứ im im như thế, tụi nó đành phải đoán non đoán già, và càng đoán lại càng hình dung ra lắm điều khủng khiếp. Tần thì thào sau gáy Cẩm Vân: - Sao bạn lại nói với cô như thế? - Nói thế thì sao? – Cẩm Vân thì thào hỏi lại. - Thì khờ chứ là sao! – Tần khẽ nhăn mặt – Nói như thế có khác nào bảo cô dạy chán phèo. Cẩm Vân thoắt lo lắng: - Mình đâu có ý đó. - Có thể bạn không có ý đó thật. Nhưng mọi người sẽ hiểu như thế. Và cô Lan Anh đương nhiên cũng hiểu như thế. Rồi như để làm cho con nhỏ ăn nói thiếu cẩn thận này đứng tim cho đáng đời, Tần hừ giọng: - Cô Lan Anh đang giận ghê lắm đấy. Cô ngồi im như thế là cố nghĩ một hình phạt ra trò cho bạn và cho cả tổ đấy. Cẩm Vân liếc mắt lên chỗ cô giáo ngồi, bụng lo ngay ngáy. Ừ, cô có vẻ trầm tư tợn, như vậy đích thị là cô đang tìm cách trừng phạt tụi nó rồi. Càng nghĩ càng run, bất giác Cẩm Vân đưa tay lên bụm miệng, quên phắt rằng cái câu không nên nói kia nó đã thốt ra từ đời nảo đời nao rồi. Trước vẻ mặt căng thẳng và hoang mang của lũ học trò, cô Lan Anh đột ngột đứng lên khỏi ghế. Cẩm Vân lạnh toát sống lưng khi thấy cô đảo mắt một vòng khắp lớp rồi dừng lại ở hai dãy bàn của tổ 1. Như vậy là “tới giờ” rồi! Cẩm Vân sợ hãi nhủ bụng và nhắm mắt lại, chờ sét đánh xuống đầu. Nhưng nó chờ hoài, chờ hoài vẫn chẳng thấy sấm sét nào giáng xuống, liền sè sẹ mở mắt ra, ngạc nhiên thấy cô Lan Anh đang mỉm cười. Cô mỉm cười và vẫy tay ra hiệu cho bốn đứa học trò đang đứng bồn chồn trước mặt: - Các em ngồi xuống đi! Như trút được một gánh nặng, Cẩm Vân, Hiền Hòa, Tần, Dưỡng cùng thở phào và lục tục ngồi xuống. Đợi bọn thằng Tần “an tọa” đâu vào đấy xong, cô Lan Anh lướt mắt qua cả lớp, chậm rãi nói: - Cô biết trong các môn học hiện nay, môn giáo dục công dân là môn học khô khan nhất, khó tiếp thu nhất và khó nhớ nhất. Vì vậy cô hoàn toàn thông cảm với sự vất vả của các em khi học môn này. Nhưng dù thế nào đi nữa, đó vẫn là môn học cần thiết. Là một công dân, các em cần phải được học về quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế, lao động, kể cả quyền và nghĩa vụ tham gia quản lý nhà nước và xã hội của một công dân … - Thưa cô, – Thằng Lâm “thi sĩ Hoàng Hôn” giơ tay đứng lên – nhưng tụi em còn đi học, đâu đã buôn bán gì mà nhớ nổi các loại thuế má hở cô ! Lâm là thủ lĩnh băng “tứ quậy”, chuyên chọc phá, trêu ghẹo mọi người. Mỗi lần nó cao hứng giơ tay xin “phát biểu” là mấy đứa trong ban cán sự lớp đều nín thở. Nhưng bữa nay Lâm phát biểu nghe được. Nhỏ Xuyến Chi gật gù, nhớ là mình tụng bài đến rã họng cũng chẳng thể nhớ nổi các loại thuế, các hình thức sở hữu kinh tế … Nhỏ Xuyến Chi là lớp trưởng mà còn đồng tình với thằng Lâm huống gì những đứa cùng “băng” với nó. Hải quắn lập tức hùa theo: - Bạn Lâm nói đúng đó, cô! Quốc Ân ủng hộ bạn còn nhiệt tình hơn, nó khai huỵch toẹt gia cảnh của Lâm khiến thằng này nhăn hí: - Nhà bạn Lâm là cửa hiệu tạp hóa khách đông nườm nượp mà bạn ấy còn không nhớ nổi các loại thuế, nói gì đến tụi em hở cô! Còn Quái Lương thì bô bô, chẳng buồn kiêng kỵ: - Trong giờ giáo dục công dân, em thấy nhiều bạn ngủ gục làm cô ơi! Thấy mấy đứa trong băng “tứ quậy” nói năng càng lúc càng quá đà, nhỏ Xuyến Chi bắt đầu chột dạ. Nó cứ lấm lét nhìn trộm cô Lan Anh. Nhưng cô Lan Anh vẫn điềm tĩnh. Đợi tụi thằng Lâm phát biểu cho bằng hết, cô ra hiệu cho tụi nó ngồi xuống rồi khoan thai nói: - Cô nghĩ, học môn giáo dục công dân các em không nhất thiết phải thuộc vanh vách từng câu trong bài học. Về chi tiết, các em có thể quên đi. Cô chỉ cần các em nhớ những điểm chính mà thôi. Môn giáo dục công dân lớp chín thực ra chỉ có mục đích giúp các em bước đầu làm quen với khái niệm về quyền lợi và nghĩa vụ … Cô chép miệng: - Nhưng dù sao cô cũng công nhận đây là một môn khó học. Từ nay, chúng ta sẽ áp dụng phương pháp học tập bổ sung. Các em sẽ thuyết trình về đề tài đang học. Như vậy, cô nghĩ môn giáo dục công dân sẽ sinh động và hấp dẫn hơn. Cô Lan Anh vừa nói xong, cả chục cái miệng nhao nhao: - Thuyết trình hở cô? - Thuyết trình như thế nào ạ? - Tổ nào sẽ thuyết trình bài hôm nay hở cô? Thấy học trò tỏ vẻ hào hứng trước đề nghị của mình, đôi mắt cô Lan Anh long lanh: - Nếu các em đồng ý thì bài “Nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường” hôm nay cô sẽ giao cho … Cô Lan Anh ngưng ngang khiến cả lớp muốn ngưng thở theo. Cô quét mắt dọc các dãy bàn rồi thình lình chỉ tay vào chỗ tụi thằng Tần: - … tổ 1. Lời phán của cô khiến thằng Tần giật nảy: - Í, không được đâu cô? Thằng Dưỡng cũng xanh mặt: - Cô giao cho tổ khác đi cô! Tụi em dốt lắm cô ơi! Câu nói của Dưỡng khiến cả lớp cười ồ. Thằng Quang và Hiền Hòa thì thi nhau tả oán: - Tụi em có biết thuyết - là gì đâu, cô! - Tụi em thuyết trình dở nhất lớp đó cô. Lý do thằng Quang và Hiền Hoà đưa ra mâu thuẫn nhau quá sức nhưng đang hăng hái than vãn chẳng đứa nào nhận ra. Trước chỉ định của cô Lan Anh, chỉ trừ hai học sinh “mới” Mỹ Hạnh và Cẩm Vân là nhút nhát làm thinh, còn những đứa khác trong tổ 1 đều rên như bộng. Nhưng mặc cho tụi thằng Tần kêu ca, cô Lan Anh vẫn giữ nguyên quyết định của mình: - Các em không nên đùn đẩy công việc cho tổ khác! Cô hắng giọng: - Thuyết trình không phải là chuyện gì mới mẻ. Cô biết, năm lớp tám, các em đã từng thuyết trình rồi. Dĩ nhiên, có thể các em chưa thuyết trình ở môn giáo dục công dân, nhưng cô tin nếu tìm được tư liệu phong phú và biết cách phát triển đề tài, các em vẫn có thể đem lại sự thích thú cho người nghe. Tần giơ tay, nhăn nhó: - Thưa cô, nhưng tụi em biết tìm tư liệu ở đâu ạ? Tiếng thằng Lâm vọt miệng từ phía sau: - Ở “nhà thông thái” Hạnh chứ ở đâu! Lời nhắc nhở của Lâm khiến mặt Tần rạng ra. Nó sực nhớ đến nhỏ Hạnh ở tổ 4. Nhỏ Hạnh là con mọt sách, lại có trí nhớ siêu hạng, được cả trường mệnh danh là “nhà thông thái”, là bộ từ điển biết đi. Trên các nguồn tài liệu, nếu không dựa vào nhỏ Hạnh thì còn dựa vào ai nữa! Tần sung sướng nghĩ và hào hứng đề nghị: - Thưa cô, cô cho tổ 4 vào chung nhóm thuyết trình với tổ 1 tụi em, được không ạ. Cô Lan Anh không ngờ sự việc lại xoay ra như thế. Cô đưa mắt về phía bọn Quý ròm, mỉm cười hỏi: - Tổ 1 đề nghị như vậy, các em ở tổ 4 có ý kiến gì không?