Bên ngoài cửa lớp - Chương 01
Sáu giờ sáng đối với thằng Cung hãy còn sớm lắm. Bảy giờ mười lăm lớp nó mới bắt đầu tiết học thứ nhất, vì vậy nó luôn cho phép mình ngủ nán thêm một lát. Xưa nay thế, đối với chính mình con người ta bao giờ cũng tỏ ra rộng rãi. Thường thì Cung thức dậy lúc sáu giờ rưỡi, tất nhiên là sau khi chị Lệ nó lay đến mỏi cả tay và gọi đến khô cả họng. Lệ học trên Cung hai lớp, năm nay học lớp mười một. Chỉ hơn hai lớp thôi mà trong Lệ người lớn ra phết, nhất là từ ngày lên cấp ba, chiếc áo dài đã biến Lệ thành một thiếu nữ hẳn hoi. Và tội nghiệp làm sao, người thiếu nữ hẳn hoi ấy sáng nào cũng đến méo mặt với ông em bảo bối của mình. Có những hôm thằng Cung cứ trơ ra, tai thì vẫn nghe gọi, người thì biết rõ là đang bị lắc như một chai rượu, thế mà dứt khoát không mở mắt là không mở mắt. Làm như nó cố chứng tỏ giữa nó và một khúc gỗ chưa biết bên nào lì lợm bằng bên nào hay sao ấy! Chỉ đến khi chị nó không kiên trì thêm được nữa, thò tay véo tai nó một cái rõ đau, thì Cung mới giật nảy và mở choàng mắt, la toáng: - Nè, nè, không phải ỷ làm chị rồi muốn véo tai người ta lúc nào thì véo à nghen! Nếu cự nự xong mà tai vẫn chưa hết đau, thế nào Cung cũng tuôn thêm một câu bá láp nào đó, chẳng hạn: - "Bà" cứ véo tai "tui" cho sướng đi, mai mốt "bà" có chồng, thế nào chồng "bà" cũng véo sứt tai "bà" cho "bà" coi! Gieo gió gặt bão mà! Lệ sợ nhất những câu nói chói tai như thế của ông em. Mà những câu nói linh tinh thì thằng Cung có hàng mớ. Có lần Lệ tức ứa nước mắt, bèn vùng vằng với mẹ: - Từ ngày mai trở đi, mẹ đập thằng Cung dậy đi. Con không kêu nó nữa đâu. Sáng nào nó cũng cự nự con không hà. Mẹ la: - Mẹ kêu sao được mà kêu. Năm giờ sáng mẹ phải dọn hàng ra chợ rồi, con không thấy sao? Đúng là mẹ phải dọn hàng ra chợ từ lúc trời còn tờ mờ, Lệ quên khuấy mất chuyện đó. Nghe mẹ nhắc, mặt Lệ ngẩn ra, sau đó chuyển sang nhăn nhó nhưng đã thôi nằn nì. Lệ đành tự an ủi rằng ai đã trót làm chị đều phải chịu cái cảnh "trái ngang" như mình, không làm sao thoái thác được. Nhưng không phải ngày nào thằng Cung cũng khoái làm khúc gỗ. Như hôm nay chẳng hạn. Tối hôm qua, trước khi đi ngủ, Cung đem chiếc đồng hồ reo vào giường, để sát bên gối. Sáu giờ sáng, chuông đổ chưa hết hồi, nó đã bật dậy, lồm cồm bò xuống khỏi giường quờ chân tìm dép. Ở giường bên cạnh, chị Lệ nó nhỏm đầu ngó sang: - Hiện tượng là à nha! Cung nhếch mép: - Chuyện xoàng! Tại em không muốn dậy sớm thôi. Khi nào muốn, em chả cần chị gọi đâu. Mẹ thằng Cung giờ này đã ra chợ. Ba nó là kỹ sư cầu đường, thường xuyên đi công tác xa, chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Mỗi sáng, thường chỉ có hai chị em bên bàn ăn. Lệ bẻ một góc bánh mì, tò mò nhìn em: - Sáng nay em làm gì mà dậy sớm thế? Cung vênh mặt: - Có chuyện quan trọng. - Chuyện quan trọng cơ à? - Lệ tròn mắt. - Còn hơn cả quan trọng nữa! - Cung tặc tặc lưỡi, nó bỏ lọt thỏm mẫu bánh mì kẹp patê trên tay vào miệng rồi gật gù tiếp - Phải nói là đặc biệt quan trọng! - Thế đó là chuyện gì? Cung ra oai, miệng vẫn nhồm nhoàm: - Chị là con gái không nên biết đến chuyện này. - Thôi đi! - Lệ bĩu môi - Em đừng có làm tàng! Rồi Lệ xuống giọng dỗ dành: - Chuyện gì thế, nói cho chị nghe đi! Cung vẫn khăng khăng: - Không nói được! Đã bảo đây là chuyện đàn ông mà! - Em đừng có làm bộ làm tịch! - Lệ nheo mắt - Sáng nay em được kết nạp Đoàn phải không? - Sai bét! Tuần tới lớp em mới làm lễ kết nạp. Lệ mỉm cười: - Hay là em được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi toàn quốc? Cung nhăn nhí: - Chị đừng có trêu em. Lệ ngước lên trần nhà, ngón tay trỏ đặt trên môi: - Để chị nghĩ xem nhé! Chắc là... chắc là sáng nay có một cuộc thi đấu thể thao giữa lớp em và lớp... - Chị đoán không ra đâu! Cung buông thõng một câu và đứng lên khỏi ghế. Nó chạy lại bàn học, quơ vội chiếc cặp rồi vọt tuốt ra cửa: - Trễ giờ rồi, em phải đi đây! Lệ nhắc: - Em chưa uống nước. - Khỏi! - Cung đưa tay quẹt mép - Lên trường em uống cũng được! Lệ chạy theo ra cửa: - Nhưng chuyện gì quan trọng thế? Em không thể nói chị nghe được sao? - Nói thì nói! - Cung ngoảnh cổ lại, mặt trịnh trọng - Nhưng chị không được tiết lộ cho người nào biết đấy nhé! - Được rồi, chị hứa! - Lệ sốt ruột - Chuyện gì vậy? Cung nhe răng cười hì hì: - Em phải đi quét lớp! Sáng nay tổ em trực sinh! Rồi trước vẻ mặt ngẩn ra của bà chị, Cung quay mình co giò chạy biến. Phải có đến mấy phút, lúc ông em tinh quái đã khuất hẳn sau góc đường, Lệ mới thôi sững sờ. Vừa tức vừa buồn cười, Lệ giậm chân mắng: - Thằng quỷ con! Nhưng lúc này thằng Cung đâu có nghe được những lời rủa sả đó. Nó đang trên đường tới trường. Khi Cung thò đầu vào lớp, tụi bạn đã bị lùa cả ra ngoài sân. Trong lớp chỉ còn mấy đứa tổ 4: Tiểu Long và Quý ròm đang khiêng ghế cho nhỏ Hạnh và nhỏ Hiển Hoa quét dọn. Nhác thấy Cung, nhỏ Hạnh liền giục: - Lẹ lên Cung! Chỉ còn mười lăm phút nữa thôi đấy! Cung quăng cặp lên bàn, liếm môi hỏi: - Tôi làm gì đây? Quý ròm hất đầu về phía dãy bàn cạnh cửa ra vào: - Nửa lớp bên đó chưa *****ng tới! Mày khiêng ghế chất lên bàn đi! Cung nhăn nhó: - Một mình tao làm sao khiêng nổi! - Mày đừng có làm biếng! Chiếc ghế nhẹ hều mà khiêng không nổi hả? Cung hừ mũi: - Nhẹ hều sao mày với thằng Tiểu Long hai đứa xúm vô khiêng một chiếc? - Thôi, Cung đừng có đứng so bì nữa! - Nhỏ Hạnh vội vàng can thiệp - Sắp có trống vô lớp rồi kìa! Nhỏ Hạnh là tổ trưởng tổ 4, lại là lớp phó học tấp hai năm liền, ăn nói mểm mỏng nhưng rất có uy. Nghe nhỏ Hạnh phàn nàn, Cung không nói làm gì, lầm lũi đi khiêng ghế. Cung khiêng ghế mà bụng cứ thấy tưng tức. Môi mím chặt, nó cố tình khua khoắng ầm ĩ. Nó kéo ghế rồn rột, quăng ghế rầm rầm. Nhưng đám bạn nó vẫn tảng lờ. Tụi nhỏ Hạnh nháy nhau giả điếc, vờ như chẳng nghe thấy gì. Cung gây náo loạn mọt hồi chẳng thấy ai lên tiếng, bụng càng sôi. Chưa biết làm gì để xả cơn tức, chợt nhận ra sự vắng mặt của Kim Em, mặt Cung lập tức sầm xuống: - Cái bà mập này, đến ngày trực sinh lại chuồn mất! Nhỏ Hạnh xách chổi bước lại: - Cung qua dãy bên kia phụ với Long và Quý sắp xếp lại bàn ghế đi, để bên này cho Hạnh và Hiển Hoa quét! Cung vừa quay lưng vừa làu bàu, không rõ nó tự nói với mình hay cố tình ca cẩm cho mấy đứa trong tổ nghe: - nếu bà mập đừng chơi ác nghỉ ngang, bữa nay tôi đâu phải khiêng ghế một mình! Thật ra nhỏ Kim Em đâu có nghỉ. Khi trống vào lớp vang lên, cả lớp lục tục xếp hàng và Tiểu Long ôm mấy cây chổi lên trả cho nhà kho thì Kim Em lò dò xuất hiện. Nhỏ Hiển Hoa lườm bạn: - Hay quá há! Đợi tụi này làm xong xui rồi bạn mới tới! Kim Em ấp úng, vẻ biết lỗi: - Sáng nay Kim Em ngủ quên. Cung hừ mũi: - Xạo đi! Sao mọi hôm không quên lại lựa đúng hôm trực sinh để ngủ quên? - Tại tối hôm qua Kim Em thức khuya học bài chớ bộ. - Tôi không tin! - Cung nhún vai, nó vẫn chưa nguôi "nỗi khổ khiêng ghế" khi nãy - Bạn cố tình trốn trực sinh thì có! Kim Em đỏ mặt: - Sao Cung lại nghĩ xấu bạn bè vậy? Cung nhếch môi: - Bạn bè đã xấu sẵn thì mình muốn nghĩ tốt cũng đâu có được! Kiểu ăn nói "ác khẩu" của Cung khiến Kim Em tức muốn ứa nước mắt. Nếu lúc đó vô Vĩnh Bình không vẫy tay ra hiệu cho học sinh vào lớp chắc nó oà lên ngay tại chỗ rồi. Nói cho đúng ra giữa Cung và Kim Em chẳng có mối thâm thù nào. Tuy ở chung một tổ, ngồi cùng một bàn suốt hai năm trời nhưng có con Hiển Hoa ngồi chắn ngay chính giữa nên Cung và Kim Em chẳng có *****ng chạm nào đáng kể. Chỉ từ năm ngoái, lúc thi một hoạt cảnh về lịch sử, Cung phải è cổ làm voi cho Kim Em cỡi và cãi nhau chí choé thì nó mới bắt đầu "thấy ghét" con nhỏ này. Có tài thánh Kim Em mới biết Cung là đứa thù dai như vậy. Nó tưởng Cung nặng lời với nó chỉ vì nó bê trễ chuyện trực sinh nên sau khi vào lớp, ngồi ngẫm nghĩ một hồi, nó nguôi nguôi bèn quay sang Cung: - Cung nè! Lần tới Kim Em sẽ không ngủ quên nữa đâu! Nào ngờ Cung "xì" một tiếng: - Đừng nói trước bước không qua! Bị Cung dội nguyên một thùng nước lạnh, mặt KIm Em xụ xuống: - Bộ Cung vẫn nghĩ hôm nay Kim Em cố ý đi trễ hả? - Chứ không phải sao? _ Cung lạnh lùng. - Không phải! Kim Em đáp, mắt nó đã bắt đầu rơm rớm. Nhỏ Hiển Hoa ngồi giữa nãy giờ cố bấm bụng "chịu trận", nay thấy cuộc đấu khẩu sắp sửa có thêm màn nước mắt, liền hốt hoảng suỵt khẽ: - Hai bạn có thôi đi không! Cô Vĩnh Trinh đang nhìn xuống kìa! Nguồn: http://hgth.vn/diendan/showthread.php?20633-Kinh-van-Hoa-Tap-32-Ben-ngoai-cua-lop#ixzz2OBElB31F