Cỗ xe ngựa kỳ bí - Chương 01
Chương 1 Tới lưng chừng đèo, xe bỗng giảm ga chạy rề rề rồi ngừng hẳn lại. Bọn trẻ trên hai băng sau ngơ ngác chồm cả về phía trước. - Đến Đà Lạt rồi hả ba? - Tùng ngạc nhiên hỏi. - Chưa đâu! - Ba mỉm cười - Đây là thác Prenn. Chúng ta ghé xem cho biết, lát sẽ đi tiếp. Bọn trẻ lục tục bước xuống. Dọc bên đường, hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau đỗ san sát, hành khách lên xuống tấp nập. Các bà, các cô từ thành phố Hồ Chí Minh lên bắt đầu mở túi xách, va-li lôi các loại áo len, áo khoác, áo gió đủ màu đủ kiểu ra mặc vào người rồi nhanh chóng sà vào dãy hàng quán bên đường đang bày đủ loại bánh, trái - tươi và khô, các loại mứt dâu, đào, mận, sơ-ri và các loại hoa vùng cao đẹp lạ lùng được bó thành từng bó khiến bọn trẻ có cảm giác như đang lạc vào một phiên chợ Tết. Mạnh chợt rùng mình: - Lạnh thật đấy! Tiểu Long cười khì khì: - Tao chả thấy lạnh tẹo nào! - Anh chỉ phét! - Thật đấy! - Tiểu Long nhún vai - Tao chỉ thấy mát mát là! Quý ròm quay sang: - Tiểu Long không phịa đâu! Nó có một lớp mỡ bao bọc quanh thân thể hệt như mỡ cá voi vậy. Nhốt nó vào ngăn đá mười ngày, nó cũng chả cảm thấy lạnh nữa là! Nhỏ Hạnh không buồn góp chuyện. Nó biết Tiểu Long và Quý ròm sắp sửa lao vào đấu khẩu, cà khịa nhau. Vì vậy, nó lặng lẽ theo chân ba mẹ lần theo con dốc nhỏ dẫn xuống thác, tay siết chặt chiếc khăn quàng trên cổ. Khi nãy, lúc xe vừa bắt đầu leo đèo Bảo Lộc, nhỏ Hạnh đã cảm nhận được hơi thở của cao nguyên trên da thịt mình. Ngay lúc đó, vai nó đã đòi áo khoác, cổ nó đã đòi khăn quàng. Nhưng sợ thằng ròm trêu, nó không dám lôi áo ra mặc. Nó chỉ lấy ra mỗi chiếc khăn quàng. Bây giờ, khi tiến gần đến thác, nhỏ Hạnh mới hối hận. Tiếng thác réo ầm ầm mỗi lúc một lớn và hơi nước tỏa mù, lan ra tới tận chỗ bọn trẻ đang dọ dẫm bước khiến nó cảm thấy khí lạnh luồn vào trong cổ, trong tay áo mình. Đúng lúc đó, thằng Tùng ở phía sau trờ tới. Nó chìa ra chiếc áo len vàng: - Áo của chị nè! Mặc vô đi! Nhỏ Hạnh ngoảnh sang thấy em đã khoác áo gió tự bao giờ, ngạc nhiên hỏi: - Em lôi mấy thứ này ra tự khi nào thế? Tùng toét miệng cười: - Khi nãy, lúc chuẩn bị xuống xe! Mẹ bảo em đấy! Nhỏ Hạnh vừa cầm chiếc ao len đã thấy Quý ròm, Tiểu Long và Mạnh đi tới. - Mặc áo vào đi, công chúa! Còn mắc cỡ gì nữa! - Quý ròm nheo mắt trêu. Nhỏ Hạnh chưa kịp "phản kích", tiếng ba từ đằng trước đã vọng lại: - Lẹ lên các con! Đừng để bác tài đợi lâu sốt ruột! Ngọn tháp hùng vĩ đổ xuống từ mỏm đá cao. Phía dưới là con suối tung tóe bọt ngay chân thác, nhưng ra xa một chút đã phẳng lặng, hiền hòa. Bọn Quý ròm phát hiện có một con đường đi luồn đằng sau màn nước trằng xóa, bèn tranh nhau tiến vào. - Hay quá hén! Thế là chúng ta đã đứng ngay sau thác nước! Mạnh xuýt xoa, vừa nói nó vừa thò tay vào màn nước. Coi chừng! - Quý ròm hét giật - Nước chảy mạnh lắm, không khéo nó hất văng mày xuống vũng bây giờ! Mạnh rụt tay lại, nhìn ông anh: - Anh nói thật không đấy? - Sao lại không thật! - Quý ròm nhún vai - Trước giờ đã có khối người mất mạng vì hành động dại dột như mày rồi! - Ai bảo anh thế? - Chả ai bảo cả! Tao chỉ đoán thế thôi! - Hừ, đoán! - Câu trả lời của ông anh làm Mạnh bất bình - Đoán chắc gì đã đúng! - Thôi, đừng cãi nhau nữa! - Nhỏ Hạnh chợt kêu lên - Chúng ta chui ra ngoài thôi! Tiểu Long ngạc nhiên: - Sao thế? Mới vào có chút xíu mà! - Nhưng đứng ở đây, Hạnh chả nhìn thấy gì cả? Quý ròm nhấp nháy mắt, trêu: - Thì mở mắt ra như tụi này vậy nè! Ai bảo Hạnh thích nhắm mắt làm công chúa ngủ trong rừng chi! - Vô duyên! Ai nhắm mắt hồi nào! - Thế sao... Nhỏ Hạnh không để bạn nói hết câu. Nó nhăn mũi: - Bộ Quý không nhớ Hạnh đang mang kính hay sao? - Mang kính thì sao? Lần này, nhỏ Hạnh chưa kịp đáp, Tiểu Long đã vọt miệng: - Rõ là đồ ngốc tử! Mang kính thì hơi nước sẽ làm mờ mắt kính, Hạnh sẽ hết thấy đường chứ còn là sao! Tranh thủ lúc bộ óc thông mình của Quý ròm bị trục trặc bất ngờ, Tiểu Long hí hửng trả đũa. Trước nay chỉ có Quý ròm mắng nó là "đồ ngốc tử", bây giờ lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở nó dùng chính cái từ ngữ đó để "xài xể" lại thằng ròm, bụng nó sướng rơn. Còn nhỏ Hạnh, Mạnh và Tùng thì ôm bụng cười ngặt nghẽo. Bị Tiểu Long chơi đòn "gậy ông đập lưng ông", Quý ròm tức muốn xịt khói lỗ tai, không phải tức thằng mập tự nhiên mồm mép mà tức cái sự khù khờ đột xuất của mình. Nó vừa quay mình bước theo đường cũ, vừa giận dỗi lằm bằm "Ừ, mình rõ là ngốc tử thật!". Ba mẹ nhỏ Hạnh đang đứng trên chiếc cầu nhỏ đối diện với thác nước, thấy bọn Quý ròm đang lục tục bước ra khỏi màn nước, liền đưa tay ngoắt: - Lại đây các con! Đứng ở chỗ này chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp của thác Prenn! Quý ròm vừa đi vừa thò tay vào túi xách lôi chiếc máy ảnh ra. - Gì thế? - Tiểu Long hỏi. - Chụp hình kỉ niệm! Ba nhỏ Hạnh nhác thấy, gọi lớn: - Lại đằng này, cháu ơi! Đứng quá gần thác nước, hơi nước sẽ làm mờ ống kính, không chụp được đâu! Sao hôm nay chuyện gì cũng liên quan đếm hơi nước và mắt kính thế không biết! Quý ròm buồn cười quá xá nhưng không dám cười. Nó cầm chiếc máy ảnh đi vòng ra phía sau cầu, miệng kêu: - Các bạn lên hết trên cầu đi, tôi sẽ chụp một tấm ảnh thật... nghệ thuật! Tiền cảnh là cầu tre nhỏ... - Đây không phải "quê hương là cầu tre nhỏ" đâu! - Nhỏ Hạnh cắt ngang. - Không phải cầu tre nhỏ cũng không sao! - Quý ròm giơ máy ảnh ngắm nghía - Miễn tiền cảnh là chiếc cầu thơ mộng vắt ngang dòng suối, hậu cảnh là dòng thác trắng xóa chảy giữa hai rặng cây xanh biếc, còn xa xa là bầu trời xanh lơ thấp thoáng những cánh diều bay! Mạnh ngước lên trời: - Làm gì có con diều nào! Còn ba nhỏ Hạnh thì phì cười: - Cháu Quý làm thơ đấy hả? Nhỏ Hạnh "méc" ngay: - Tại ba không biết đó thôi! Quý là "thi sĩ Bình Minh" của lớp con đấy! - "Thi sĩ Bình Minh" - Ba nhỏ Hạnh tròn mắt - Tại sao lại là Bình Minh? Tiểu long tủm tỉm: - Dạ, đó là bút hiệu của Quý, thưa bác. Tại lớp cháu có một thi sĩ khác là "thi sĩ Hoàng Hôn", Quý phải lấy bút hiệu là Bình Minh để khỏi nhầm ạ! - Bác đừng nghe mấy bạn ạ! - Quý ròm nhăn nhó - Mấy bạn nói đùa đấy! Rồi sợ Tiểu Long và nhỏ Hạnh lôi mấy câu thơ kiểu như "Nhà em có một người bà. Tiếp theo là mẹ, kế là ba em" ra "tố cáo", nó hấp tấp giục: - Thôi, các bạn trèo lên lẹ lẹ đi! Đứng sát vào! Được rồi! Chụp nhé! Quý ròm vừa nói vừa bấm tanh tách hai ba pô liền một lúc. Nhỏ Hạnh cau mặt: - Quý chụp gì vội thế! Phải hô "một hai ba" cho người ta chuẩn bị chứ! - Khỏi hô! Chụp hình sinh hoạt chứ có phải chụp ảnh người mẫu đâu! - Thế nhỡ Hạnh nhắm mắt thì sao? Quý ròm cười hề hề: - Thì người ta càng có bằng chứng để tin Hạnh là công chúa ngủ trong rừng chứ là sao! Ba nhỏ Hạnh khoát tay: - Thôi, cháu Quý lên đứng chung với các bạn đi! Để bác chụp cho! Quý ròm nhảy cẫng: - Hay quá! Chụp bằng máy ảnh của bác thì đẹp phải biết! Quả máy ảnh của nhà báo có khác! Máy Canon chính hiệu con nai, ống kính wide, ống kính télé đầy đủ, chưa kể các thứ kính lọc màu và dàn đèn hiện đại xếp đầy trong thùng i-nốc ba nhỏ Hạnh vẫn mang lủng lẳng bên người. Khi thấy ba nhỏ Hạnh giương máy lên, Quý ròm ngạc nhiên: - Ủa, sao bác không gắn ống télé hở bác? Ba nhỏ Hạnh mỉm cười, vẻ thông cảm cho sự mù mờ của Quý ròm: - Ống kính télé là dùng để chụp xa cháu ạ! Từ chỗ bác đứng đến chỗ các cháu không cần phải dùng télé! Nào, bây giờ các cháu cười lên nhé! Nhỏ Hạnh cuống quít nhắc: - Ba nhớ hô "một hai ba" nghe ba! - Được rồi! Chuẩn bị! Một... hai... ba! Chiếc máy trên tay ba nhỏ Hạnh khác chiếc máy của Quý ròm. Khi bấm, nó im ru chả phát ra một âm thanh nào khiến Quý ròm giương mắt ếch: - Bác chụp chưa hở bác? - Chụp rồi! - Ba nhỏ Hạnh vừa đáp vừa loay hoay chọn góc đứng - Các cháu cứ đứng yên đó để bác chụp thêm vài pô nữa! Quý ròm quay sang nhỏ Hạnh: - Sao tôi chả nghe tiếng lách tách gì cả! Nhỏ Hạnh chưa kịp đáp, thằng Tùng đã kiêu hãnh khoe: - Máy của ba em là máy của thám tử đấy, chả phải chơi đâu! Nó lợi hại ghê lắm! Mỗi lần mẹ em nhăn nhó chuyện gì, ba em lén chụp lia lịa. Khi ảnh rửa ra, mẹ em rượt ba em chạy quanh nhà, vui phải biết! Này, này! - Tiếng mẹ Tùng thình lình vang lên bên cạnh, đầy đe dọa - Thằng oắt này lại nói xấu mẹ phải không! Lát chiều tới nơi, mẹ sẽ cho con biết thế nào là "vui phải biết" nhé!