Ở thành phố Crainville là đã biết làm sao rồi. Một mùi hôi lạ lùng phảng phất qua cánh cửa chiếc Packard hạ xuống. Đằng xa, mấy ống khói của nhà máy đúc tuôn ra những luồng khói xám đen ngày qua ngày bao phủ một màu vàng nhớp nhúa ở khắp nơi.
Thành phố này có một tính cách buông thả tồi bại không làm tôi thích tí nào. Anh chàng cớm đầu tiên tôi gặp râu tóc bờm xờm còn bộ đồng phục lại thiếu mất hai cái nút. Gã thứ hai đang điều khiển lưu thông mà bên mép ngậm khít rịt một điếu thuốc.
Lề đường đầy giấy, dầu mỡ và mọi thứ dơ bẩn, người đi chen chúc. Nơi góc phố nào cũng tụ tập hàng đống người. Người đọc báo, kẻ chồm qua vai coi cọp. Các bà thì len lỏi có dáng như bận rộn lắm. Cửa hàng hình như trống trơn, đến cả ông chủ quán nước cũng đứng ngoài cửa ngó ra. Crainville căng ra như một cái lò xo có một vẻ gì bứt rứt khích động không kìm hãm được.
Tôi dừng xe trước một tiệm tạp hóa gọi dây nói cho Lewes Wolt cho biết là tôi đã tới đây.
- Được rồi, anh tới ngay đi.
Ông có vẻ như là một mẫu người không chịu để ai dắt dẫn, giọng cứng rắn và nóng nảy.
- Anh lái xe thẳng tới rồi gặp ngã tư có đèn tín hiệu đầu tiên thì anh quẹo phải. Chỉ khoảng một dặm đường thôi.
Tôi nói tôi sẽ đến rồi ra khỏi tiệm.
Tôi không lưu ý đến một nhóm đứng đường vây quanh nhưng khi tôi vẹt đường đi thì có tiếng nói: "Nó đấy, lão thám tử ở New York đấy".
Tôi liếc mắt nhìn ra sau nhưng vẫn bước tới. Nhóm người này có vẻ giận dữ, thuộc vào hạng ma cà bông, mặt mày xám ngoét, dáng người mệt mỏi. Một gã yết hầu lộ to, lên tiếng:
- Này, nếu mày có cần lời khuyên nhủ tốt đẹp thì hãy xéo khỏi nơi này đi.
Những kẻ khác lên tiếng hầm hè, tiến sát lại như muốn làm dữ. Tôi mở nhanh cánh cửa xe, ngồi vào tay lái.
Gã có yết hầu to chuồi cả cái mồm to tướng đầy râu ria qua cửa kính nói với giọng đầy đờm dãi trong cổ họng:
- Xéo đi! Đồ nhơ bẩn. Ở đây không ai cần cái thứ như mày đâu.
Tôi mở máy thật lẹ và nói "được rồi" mà muốn tống một cái vào mõm hắn, rồi nhấn mạnh ga. Qua kính chiếu hậu tôi còn thấy họ đứng nhìn tôi đăm đăm, không nói một lời.
Chân tay tôi ngứa ngáy vì chuyện vừa xảy ra, nhưng tôi đến cái xó này đâu phải để đánh nhau với bọn du côn.
Nhà của Wolf thật không khó tìm. Nó to lớn đến mức muốn làm nổ tung mắt anh ra. Ít ra cũng có đến cả nửa mẫu đất trồng cỏ dài từ ngoài lộ đến tường bao. Đường đến cổng thật rộng rãi, có trồng hoa hai bên. Tôi đậu xe trên lề rồi đi bộ đến cổng, nhấn chuông.
Người hầu phòng ra mở cửa trạc khoảng 50, mắt sắc, bước chân nhẹ êm. Hắn dẫn tôi vào ngay văn phòng của Wolf.
Ông ta đang ngồi bên cửa sổ chờ tôi. Người ông to béo, đầu tròn vo với mớ tóc trắng vừa mới cắt. Tôi trông ông giống như một con bạch tuộc có cái mũi nhỏ quặm như mỏ chim và đôi môi mỏng dính, hung dữ. Đôi mắt nhỏ đùng đục lặng lẽ nhìn tôi. Tôi nói:
- Tôi vừa gọi ông năm phút trước đây. Tôi làm việc cho chi nhánh ở New York của hãng Điều tra Quốc Tế.
- Cái đó thì chỉ là anh nói thôi. Wolf lầu bầu nhìn tôi với vẻ nghi ngờ. - Anh có giấy tờ gì không?
Tôi đưa cho ông thẻ giấy chứng minh do ông sếp của tôi cấp: - Đại tá Folsberg lập ra cái này để phòng khi gặp loại khách hàng đa nghi rắc rối đặc biệt như Wolf.
Ông cầm lấy giất xoay đủ mọi phía, như là khoái được để tôi chờ đợi vậy. Sau một lát ông mới trả lại, càu nhàu:
- Được rồi, tốt. Anh biết anh tới đây để làm gì rồi phải không?
Tôi trả lời không. Ông gõ gõ trên cái dây đồng hồ bằng vàng rồi cuối cùng ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
Ông nhìn ra cửa sổ một lúc không nói lời nào. Hẳn là ông tưởng làm tôi phải khó chịu. Mà trông thật xốn mắt vô cùng! Cuối cùng ông gầm lên ầm ỹ, tay chỉ về phía ngoài cửa sổ:
- Anh xem kìa!
Tôi nhìn theo hướng tay, phải nghiêng mình chồm ra một chút mới nhận ra các hàng ống khói nhà máy thật cao, ở đằng xa.
- Của tôi đấy.
Không biết rõ là phải an ủi ông hay khen ngợi ông nên tôi đành giữ thái độ im lặng.
- Tôi điều khiển nhà máy suốt 20 năm ròng. Nó gắn liền với tôi về cả tâm hồn lẫn thể xác. Tôi mới rời nó tháng trước đây thôi.
Hình như ông càng nói thì khuôn mặt béo mập của ông càng xẹp dần xuống. Đôi mắt nhỏ đục ánh lên một vẻ lạ kỳ.
- Những người như anh không thể hiểu điều đó đâu. Tôi đã làm việc ở đấy đến 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, liên tiếp trong 20 năm. Và bây giờ tôi vẫn nhớ nó...
Tôi lịch sự gật đầu.
Ông đấm mạnh xuống tay ghế dựa đang ngồi.
- Chỉ mới xa nhà máy 3 ngày mà tôi muốn điên liên. Tôi không chịu nổi... Anh biết tôi phải làm gì không?
Ông chồm về phía tôi, nét mặt méo mó vì khích động.
- Tôi sẽ làm cho tôi thành thị trưởng ở cái thành phố chó chết này để vực nó lên. Ông nói tiếp với giọng căm phẫn. Một tháng nữa sẽ có bầu cử. Như thế là anh còn có 3 tuần để tìm ra các cô gái bị mất tích.
- Các cô nào?
Ông vung tay với vẻ nóng nảy.
- Tôi không nhớ tên đâu. Để cô thư ký sẽ nói chi tiết cho anh rõ. Có 3 cô gái bị mất tích. Esslinger và Macey chuẩn bị lợi dụng điều này để kiếm phiếu. Cứ xem đó thì anh biết lũ chúng nó là loại gì rồi, nhưng quả việc này cũng quan trọng đấy. Công việc của anh là tóm lấy mấy con nhỏ này trước Esslinger và Macey. Tôi không keo kiệt với Folsberg nhưng cũng nên báo cho anh biết làm không xong thì cứ lên trời mà ở.
Chuyện này đối với tôi thật kỳ dị, nhưng tôi thấy ngay Wolf không phải là hạng người muốn bị quấy rầy bởi những chi tiết vụn vặt. Tôi đứng lên:
- Chắc là tôi phải gặp cô thư ký của ông một chút.
Ông gật mạnh cái đầu to tướng.
- Cô ấy sẽ cho anh biết mọi điều cần thiết. Anh chỉ nên nhớ điều này thôi: là tôi muốn làm thị trưởng ở đây. Và khi tôi muốn thì tôi phải được.
Ông nhấn vào một cái nút. Ngay tức khắc hiện ra một cô gái khoảng 19, 20, nhỏ người, xanh xao, dáng vẻ hoảng hốt. Cô đeo kính và thuộc loại hơi thiếu dinh dưỡng. Wolf gầm gừ:
- Ông đây là thám tử. Cô dẫn ông ấy đi và cho ông ấy biết tình hình.
Cô gái đưa tôi qua một hành lang hẹp đến một căn phòng còn hẹp hơn, chắc là phòng làm việc của cô. Tôi nói ngay khi cô vừa khép cửa:
- Tôi là Marc Spencer. Hy vọng là không làm phiền cô nhiều.
Cô nhìn thẳng vào tôi, vẻ tò mò. Chắc là cả đời cô chưa lần nào gặp một thám tử tư. Cô nói:
- Ông muốn biết những gì?
- Ông chủ Wolf có gửi một cái thư kèm theo một tấm séc cho chủ tôi là đại tá Folsberg nhờ giúp một việc mà không nói rõ ràng là việc gì. Tôi như trên trời rơi xuống nhận việc nên tôi mới nhờ cô giúp cho một tí.
Cô gái nói nhỏ giọng đều đều:
- Cách đây khoảng một tháng, một cô gái lên là Luce Mac Arthur bị mất tích. Cha cô làm cho một tiệm tạp hóa. Hai ngày sau lại một cô gái khác mất tích. Con gái của một người gác tên là Dengate. Tuần sau nữa lại tới cô thứ ba tên là Joy Kuntz. Ông chủ Wolf đến chỗ cảnh sát trưởng Macey để hỏi xem người ta có đi tìm các cô không. Nhân dân trong thành phố đã bắt đầu dao động và tờ báo địa phương nói mí là quanh đây hẳn có một con ma cà rồng hút máu người. Theo sự can thiệp của ông Wolf, người ta lục soát tất cả các ngôi nhà không có người ở trong thành phố và chỉ tìm được một chiếc giày của cô Joy Kuntz. Có thế thôi và cho đến hôm nay vẫn không tìm được thêm dấu hiệu nào khác. Dù sao thì việc phát giác chiếc giày cũng làm cho cả Crainville hoảng sợ nên ông Wolf nghĩ rằng phải mời một chuyên viên nhà nghề.
- Tôi rõ rồi. Tôi nói mà không giấu vẻ thán phục đối với cô gái đã trình bày sự việc thật trơn tru.
- Người tên Esslinger là ai vậy?
- Ông chủ nhà đòn ấy à? Ông ta cũng là ứng cử viên đấy!
- Ông chủ nhà đòn à? Tôi lặp lại mà thấy hơi lạnh xương sống.
Cô gái không trả lời nên tôi hỏi tiếp:
- Ông ta có hy vọng làm thị trưởng không?
- Có, tôi chắc thế. Thợ thuyền thích ông ta.
Nghe như trong giọng nói của cô cí gì chia sẻ ý kiến ấy. Dù sao thì chẳng có lý do gì để thợ thuyền thích cái mẫu người như Wolf, nhưng tôi chẳng nói ra làm gì.
- Tóm lại là ông Wolf nghĩ rằng nếu ông tìm ra ba cô gái thì sẽ được lòng cả thành phố và có hy vọng để đắc cử phải không?
Cô gật đầu.
- Còn Esslinger, ông ta có nói gì không?
- Ông ấy tìm riêng phần mình.
- Ai làm cho ông ta? Tôi hỏi mà hơi ngạc nhiên.
- Crainville có thám tử tư. Ông Esslinger không thích dân xứ khác xía vào chuyện của thành phố.
Chúng tôi nhìn nhau thật lâu, im lặng. Rồi tôi lên tiếng:
- Tại sao ông Wolf không nhờ thám tử tư của thành phố giúp điều tra?
Cô mím môi:
- Ông ấy không ưa phụ nữ lắm. Không thể tin cậy họ. Thế mà ông xem, người coi cơ sở ở đây là một phụ nữ.
Đây mới là tin lý thú đầu tiên. Về chuyện này thì tôi hoàn toàn đồng ý với Wolf. Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi xem cảnh sát địa phương đối phó ra sao.
- Họ không ưa ông Wolf cũng như ông Esslinger. Viên Cảnh sát trưởng Macey có một ứng cử viên riêng rồi.
Lần này thì tôi bật ra tiếng cười thật sự. Cô thú nhận:
- Quả là phức tạp. Cảnh sát trưởng Macey muốn cho Rube Starkey thành thị trưởng.
- Ông Starkey đó là ai?
- Tôi ngại là không thể cho ông biết gì nhiều đâu. Cô gái lắc đầu có ý tránh né. Tôi chẳng biết gì nhiều hơn ngoài cái chuyện ông ta là một tay cờ bạc và tôi không muốn để một người như thế vào tòa thị chính chút nào.
Tôi mỉm cười:
- Ồ! Với một người cô không biết nhiều lắm thì chẳng đến nỗi đâu. Thế còn ba cô gái? Cô có nghe gì không?
- Họ đều mất tích. Ai cũng chỉ biết có thế thôi.
Tôi lấy một điếu Camel trong hộp thuốc và châm lửa. Mọi sự có vẻ phức tạp dữ.
- Này, thử rà lại xem có gì sáng sủa hơn không. Có ba phen tự mình đi tìm cô gái. Cả Wofl, Esslinger và Macey đều biết rõ rằng ai mà thành công thì chắc chắn sẽ vào ngồi ở tòa thị chính. Tôi thì thấy mình không hy vọng được cảnh sát giúp đỡ và vì không phải là dân địa phương nên chắc dân chúng không ưa đâu. Cô gái làm cho Esslinger thì có sự ủng hộ của dân chúng lại bị cảnh sát cản trở. Sơ qua tình hình như thế có phải không?
Cô gật đầu ra dấu đồng ý. Tôi bỗng nhớ tới tốp người vây quanh chiếc xe tải của tôi. Nêu cứ năm phút lại xảy ra như vậy thì lo cuốn xéo đi là vừa.
- Tôi có cảm giác là dân ở đây dễ kích động lắm phải không?
- Họ thấy rằng người ta không chịu làm sáng tỏ tình hình. Đêm qua có người đến tận Sở Cảnh sát ném đá làm bể kính.
- Cô có thể cho tôi tên và địa chỉ của những người mà ta vừa nói đến được không>
Cô kéo một hộc bàn và lấy ra tờ giấy đưa cho tôi:
- Tôi nghĩ là chắc ông sẽ phải cần.
Tôi cảm ơn và nhét vào túi rồi đứng lên:
- Để tôi đi dạo một vòng xem tình hình ở đây một chút.
Cô ta bỗng nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi giật mình khi hiểu rằng cô ta ghét tôi đến thế nào. Là kẻ làm công, hẳn cô ta về phe của Esslinger. Có chủ nhân như Wolf thì cũng chẳng nên trách cô, nhưng tôi còn nhận ra chắc có điều gì khác nữa.
- Tôi để xe ở đây? Xe mang bảng số New York chắc là không được ưa ở đây đâu.
Cô cố ra dáng mỉm cười:
- Xin ông để vào gara sau nhà. Có chỗ đấy.
Tôi cảm ơn, bước ra cửa rồi quay mặt lại:
- Tôi chưa được rõ tên cô?
- Wilson. Cô trả lời mặt hơi đỏ, vẻ bối rối.
- Cô đã giúp tôi qua nhiều, cô Wilson ạ. Hy vọng là không làm phiền cô lắm.
Cô trả lời "Không có chi" rồi cúi xuống máy chữ.
Tôi thuê một phòng ở khách sạn Eastern trên Phố Lớn, xếp đồ đạc rồi bắt đầu lo công việc. Tôi gọi một chiếc taxi chở đến nhà họ Mac Arthur.
Người tài xế có vẻ muốn rời khỏi tôi nhanh chừng nào hay chừng ấy. Anh ta vượt đèn đỏ đang có một tay cớm đứng ở đấy mà cũng chẳng thèm nhúc nhích. Tay Macey tiếng tăm ấy là Cảnh sát trưởng chắc phải là một loại cớm khó nuốt.
Sau bốn phút nhào lên lộn xuống trên đưpừng, chiếc taxi đi vào một con đường hẻm dơ dáy. Trên các mặt tiền nhà loang lổ có những chiếc thang cấp cứu bám vào và các nhóm nhỏ đàn ông, đàn bà tụ tập lặng lẽ trước cửa. Nghe tiếng xe đến, họ quay ra nhìn rồi gọi chồng con ơi ới qua các cánh cửa sổ mở rộng để cùng nhìn xem cảnh lạ mắt.
Tôi thấy ngay là đi xe đến đây thật sai lầm. Tôi bảo người lái tới một chút nữa. Anh ta ngoặt sang trái ở đầu đường rồi dừng lại theo ý tôi.
Tôi đi một vòng quanh khu nhà để cho các tay rảnh rỗi no đủ thời giờ xem bớt náo nức rồi đi ngược lại đường tiến về khu của Mac Arthur.
Tôi cảm thấy những đôi mắt dính chặt vào tôi suốt trên quãng đường đi. Cái nản trong những tỉnh lẻ là ở chỗ đó. Dân lạ tới thì đúng như anh Mán trên rừng xuống phố. Chung cư Mac Arthur ở là một ngôi nhà năm tầng bằng gạch ở khoảng giữa chiều dài con đường. Tôi len vào mà thấy lòng nhẹ nhõm. Có bốn thùng thư. Mac Arthur ở tầng ba.
Tôi bước lên. Đây đó thoảng mùi nhà bếp đưa ra mùi hơi nồng, đậm nhưng dù sao cũng không đến nỗi. Tôi gõ một cánh cửa.
Người ra mở có dáng hiền lành, người thấp, mặc áo cụt, quần dài, giày sờn rách, râu ria chưa cạo. Ông ta có một vẻ gì như là mệt mỏi trên khuôn mặt nhỏ vàng vọt. Ông nhìn tôi qua đôi mắt kính dày:
- Ông cần gì?
- Ông là Mac Arthur phải không?
- Chính tôi.
Tôi cảm thấy ông ngạc nhiên khi nghe người ta gọi bằng ông. Ông có dáng của hạng người quen bị đá vào đít nhiều lần rồi. Tôi đăm đăm quan sát ông và nói:
- Tôi đến về chuyện con gái ông.
Nét mặt ông pha lẫn sợ sệt và hy vọng, ông hỏi tôi bằng giọng hấp tấp và dè dặt:
- Sao?... Sao, người ta tìm ra nó rồi à?
- Chưa.
Tôi tiến tới một bước:
- Xin ông cho nói chuyện một lát.
Ông ta có vẻ thất vọng vô chừng nhưng cũng lách mình cho tôi bước qua.
- Xin ông thông cảm, chúng tôi đang có khó khăn. Ông thì thầm nói như để xin lỗi.
Tôi lập bập vài lời an ủi để gây cảm tình rồi ngoái tay khép cửa lại. Căn phòng nhỏ bé, sạch sẽ nhưng không có đồ đạc gì cả. Áo quần lót đàn bà treo trên dây giăng ngang qua phòng.
Mac Arthur đứng gần bàn nhìn tôi, ánh mắt dò hỏi.
- Ai nhờ ông đến đây?
Tôi chìa thẻ chứng minh rồi nhét ngay cho vào túi không cho ông kịp xem kỹ. Tôi nói:
- Tôi muốn làm sáng tỏ trường hợp mất tích của con ông. Xin ông giúp cho, tôi hứa sẽ tìm cô ấy cho ông.
- Vâng... nhất định rồi, ông vồn vã nói. - Ông muốn biết điều gì. Đã có quá nhiều người đến hỏi tôi. Ông xoắn mấy ngón tay vào nhau. - Thế mà cho tới nay thì chưa thấy được gì cả.
Tôi ghé ngồi bên góc bàn:
- Theo ông thì cô ấy gặp phải chuyện gì?
- Tôi không biết nữa.
Ông cố sức để khỏi vặn các ngón tay mà không được.
- Ở nhà, cô ấy có điều gì không bằng lòng không? Ờ... tôi định nói rằng: Ông có nghĩ là cô ấy trốn đi... hay là như thế nào đó không?
Ông lắc đầu với dáng khốn khổ:
- Không, con tôi có đức hạnh lắm, nó có công việc làm ăn đàng hoàng và nó vui sống mà không đòi hỏi gì khác.
- Ông có tin chuyện bá láp về con ma cà rồng lảng vảng quanh đây không?
Ông bỗng ngồi thụp xuống, hai tay che mặt nói:
- Tôi cũng không biết nữa.
Hẳn là ông tuyệt vọng lắm rồi. Tôi cố gắng kiên nhẫn hết mức:
- Ông có biết rằng những vụ mất tích đó được lợi dụng để kiếm phiếu trong kỳ bầu cử sắp tới không? Ông có tin không về chuyện đồn rằng có người trả tiền cho ba cô gái đó lánh mặt đi? Ờ... tôi định nói... ông có nghĩ là con ông dính dáng vào một mưu mô thuộc loại đó không?
- Chuyện gì đã xảy ra nhất định là trái với ý muốn của Luce. Ông lẩm bẩm. - Thưa ông, xin ông cho biết... con cái tôi chưa chết phải không? Ông cho rằng con gái tôi chưa chết chứ?
Tôi nghĩ "cũng có thể" nhưng không nói ra lời. Tôi chưa kịp lên tiếng thì cửa mở bày ra một mụ già béo mập, tóc muối tiêu. Mắt mụ đỏ và sưng húp. Mụ tiến gần Mac:
Rồi như không kìm giữ được mình, mụ quay về phía Mac Arthur.
- Đồ khốn! Sao lại để cho nó vào? Nó được Wolf phái đến dò ta!
Mac Arthur nhìn mụ, nét mặt cầu khẩn, ân cần giải thích:
- Ông ta sẽ giúp được ta, Mary ạ. Chúng ta không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để tìm ra Luce cả.
Mụ tiến lại, bai bước đến cửa và mở toang ra:
- Đi ra... xì... Cút đi cho khuất mắt.
Tôi ra hiệu từ chối và nói nhỏ nhẹ:
- Bà Mac Arthur, xin bà hãy nghe tôi. Bà chưa hiểu công chuyện gì cả. Hễ càng có nhiều người lo việc thì việc càng chóng xong. Ông bà muốn tìm con gái mà tôi thì lại có thể giúp được ông bà. Giúp mà ông bà không tốn lấy một xu.
Mac Arthur vồn vã nói:
- Ông ta có lý đấy. Ông đây chỉ muốn giúp ta thôi.
- Tôi không bao giờ để con sâu mọt như Wolf giúp đỡ cả. Mụ nói và bước ra đập mạnh cửa.
Mac Arthur lo sợ, xoắn mãi đôi bàn tay:
- Xin ông đi đi thì tốt hơn. Bà nhà tôi chắc đi tìm người em trai đấy.
Tôi cóc cần. Có đi tìm tới Giáo hoàng tôi cũng đếch sợ.
Tôi nói với ông:
- Ông đừng ngại. Sao bà nhà ghét ông Wolf đến thế?
- Hầu như ai cũng ghét cả. Hay ít ra là những người làm nơi xưởng của ông ta. Mac Arthur nói mà mắt vẫn lo lắng nhìn ra cửa. Người đàn bà trở lại ngay. Đi theo có một gã bự con khoảng 40, dáng vẻ cứng cỏi và tự tin. Hắn hỏi bà Mac Arthur.
- Tên này đây à?
- Đúng đấy.
Giọng của mụ có vẻ gì đắc thắng khiến tôi không thích mấy. Người đàn ông tiến lại phía tôi:
- Mày nên ra khỏi nơi đây và đừng bao giờ quay trở lại đây nữa. Hắn nắm lấy áo gilê của tôi và nói. - Ở đây chẳng ai cần thứ sâu bọ rình mò cho Wolf đâu.
Tôi nắm lấy ngón tay hắn chụp nơi áo tôi và vặn mạnh quay cho hắn một vòng. Gã to lớn quị xuống như con hình nộm và rống lên vì đau đớn.
- Mày đúng là đồ bị thịt. Tôi vừa nói vừa lôi hắn lên. Nào, đùa nữa hay thôi?
Hắn đến ngã ngồi trên một chiếc ghế, rên rỉ với cái tay đau buốt. Tôi bước ra cửa.
- Các người đều mất tinh thần hết rồi. Các người không thấy là đã làm mất thì giờ ư? Tôi có thể tìm ra cô gái nếu các người chịu giúp tôi. Mất tích cả bốn tuần rồi mà chẳng ai làm gì hết. Nếu tin được ở họ thì các người đã không khó khăn thế này. Riêng tôi, tôi cóc cần. Không tìm được con gái các người, tôi cũng sẽ tìm được hai cô kia. Đến lúc đó thì chỉ còn có một... Hãy suy nghĩ kỹ đi. Tôi ở khách sạn Eastern. Nếu muốn tôi giúp thì chỉ việc tới đó tìm tôi.
Tôi không đứng lại để xem kết quả hùng biện của mình. Tôi chỉ lặng lẽ khép cánh cửa lại rồi bước đi.
Toàn soạn tờ Nhật báo Crainville đặt ở lầu 4 của một ngôi nhà đổ nát. Cầu thang máy chật hẹp và tối tăm, dơ bẩn đến lợm giọng, bốc ra mùi mồ hôi và mùi thuốc lá lưu cữu. Nhưng thang máy không hoạt động nên tôi phải len bộ lên 4 tầng lầu. Phải vòng vèo qua nhiều hành lang tôi mới đến trước một cánh cửa kính đục có in chứ đen nứt nẻ: Nhật báo Crainville.
Tôi xoay tay nắm, bước vào một gian phòng hẹp. Một phụ nữ ngồi phía cửa sổ quay mặt lại nhìn dửng dưng. Bà ta cao lớn, gầy gò, dáng vẻ khó chịu của loại người phục vụ trung thành.
- Thưa, ông chủ báo có ở đây không ạ? Tôi giở nón hỏi và cố sức lấy lòng bà ta nhưng không thành công lắm.
- Gì đấy? Bà ta hỏi với một giọng cho thấy là người chủ báo không thường tiếp khách.
- Tôi tên là Spencer và tôi không phải đến để bán cho ông ta máy hút bụi cũng như để làm mất thì giờ của ông ta đâu.
Bà mở một cánh cửa khó thấy ở sâu phía trong phòng rồi nhẹ nhàng khép lại sau lưng. Tôi đứng dựa lưng vào tường, bật lửa hút thuốc. Tòa soạn báo như thế này thì thật là thảm hại. Tờ báo thật xứng với cái xó xỉnh này. Người đàn bà đã quay trở lại:
- Ông Dixon sẽ dành cho ông vài phút thôi.
Tôi bước ngang qua phòng, mỉm cười với bà rồi vào bên trong.
Chỗ này lại còn tệ hơn bên ngoài nữa. Một lão tuổi sồn sồn mặc bộ đồ xẹc xanh da trời bóng loáng, ngồi trên ghế xoay trước bàn giấy hỏi:
- Ông Spencer?
Tôi nghiêng đầu.
- Xin mời ông ngồi. Lão đưa cánh tay nhỏ bé bóng nhẫy và đầy lông lá chỉ về phía chiếc ghế. - Chúng tôi ở cái thành phố nhỏ bé này luôn luôn vui mừng khi được đón tiếp khách lạ. Lão im tiếng một lúc rồi nhìn tôi vẻ dò xét thận trọng.
- Chắc là ông cũng đến thăm quan ở đây phải không ạ?
- Cũng có chuyện này chuyện nọ một ít. Tôi vừa nói vừa dịch ghế lại gần bàn. - Nhưng trước khi trình bày công việc, xin phép được hỏi một vấn đề nhỏ thôi.
Lão thọc cái ngón tay nhỏ xíu vào ngoáy lỗ tai. Lát sau, lão rút ra khoái trá ngắm móng tay rồi cẩn thận chùi vào quần. Xong mới mỉm cười trả lời:
- Xin được thỉnh ý ông.
Tôi vụt tuôn ra:
- Ông có quan tâm tới việc ai được bầu làm thị trưởng không?
Lão không ngờ có câu hỏi ấy, vội khép nhanh đôi mắt nhỏ rồi vặn vẹo mỉnh mẩy như mụ gà mái đẻ ra con vịt cồ... Sau một lúc, lão lên tiếng:
- Sao ông hỏi tôi câu ấy?
- Sao ông lại không trả lời thẳng là có hay không? Tôi nói và búng tàn thuốc lá xuống tấm thảm đã trơ cả dây.
Mãi sau lão mới dè dặt trả lời"
- Ồ, tất nhiên là có... nhưng tôi vẫn không hiểu... Thưa ông Spencer, tôi thường không bao giờ tranh luận chính trị với người lạ.
- Nếu thế thì ông đừng xem tôi như người lạ nữa, tôi nói. - Nếu ông lật ngửa bài ra hết thì có thể chúng ta bàn luận thú vị lắm đấy.
Lão lại suy nghĩ một lúc rồi bật cười. Giọng cười dữ và ghê nghe như tiếng sài cứu người gằn. Lão nói:
- Ông khá lắm, ông Spencer ạ. Tôi thật tình mà nói rằng tại sao lại không cho ông biết một chút. Giữa Wolf và Starkey không có cách biệt lớn. Họ sàn sàn như nhau. Xem xét kỹ thì Esslinger xứng đáng hơn hết. Nhưng cũng thực tình, đứng nhìn bao quát thì tôi thấy ủng hộ ai cũng được, ông X, ông Y cũng thế mà thôi. Ông Spencer, ông xem đấy, tôi cứ muốn rằng mình sẽ chứng kiến cuộc bầu cử như một người vô tư, không thành kiến, không lo toan gì cả...
- Thế thì tốt lắm rồi, tôi nói và rút thẻ chứng minh đưa cho lão.
Lão xem xét một cách thích thú thật sự. Rồi lão lại đút ngón tay vào lỗ tai mà ngoáy.
- Tài liệu nho nhỏ mà thú vị đây. Khi mới thấy ông, tôi đã đoán là tay thám tử ở New York đến.
Tôi quan sát thật kỹ xem thử lão có sửng cồ như mấy người khác không, nhưng nét mặt lão không hề thay đổi. Tôi nhét thẻ chứng minh vào túi và nói:
- Tôi mong ông giúp tôi.
- Có thể là vậy... Ờ, chắc vậy. Dixon trả lời trong khi tay đập đập lên tập giấy thấm loang mực. - Nhưng tại sao tôi phải giúp ông. Từ xưa đến nay tôi không giúp ai cả, ông Spencer ạ.
Tôi mỉm cười:
- Có lẽ vì lâu nay không ai có việc nhờ tới ông. Chuyện tôi nhờ chỉ là biết một ít tình hình bên trong thành phố thôi. Tôi được quyền chi trả cho mọi tin tức có giá trị đấy.
Lão nhắm nhanh đôi mắt nhỏ lại nhưng cũng vừa đủ để tôi thấy lóe lên một tia thèm muốn. Lão thì thầm:
- Được lắm. Nhưng không hiểu ông muốn biết những tin gì?
- Tôi nghe nói Cảnh sát trưởng Macey muốn cho Rube Starkey làm thị trưởng. Ông có biết tại sao không?
Ông thọc ngón tay và ngoáy lỗ mũi, vẻ suy nghĩ.
- Tôi sẽ không đưa ý kiến cá nhân mà là dư luận chung.
- Ông cứ việc. Tôi nói mà biết rằng đây đúng là ý kiến cá nhân của lão.
Lão khoanh tay trên tập giấy thấm và nhìn tôi bằng cặp mắt nhỏ, ranh ma.
- Ông xem, vấn đề lớn của Crainville là 20 năm nay mọi thị trưởng đều được bầu lên vì đã đề ra chương trình lành mạnh hóa thành phố. Và người ta thực hiện thành công đến nỗi hiện nay ở Crainville không có cách gì để cho tiền bạc lưu thông hết. Thưa ông Spencer, muốn cho một thành phố được phát đạt thì bằng cách này hay cách khác phải khuyến khích người lao động tiêu tiền. Thế mà nếu cách khuyến khích nào ít có điều kiện lệch lạc thì mối lợi càng bị hạn chế nhiều. Hai mươi năm trước, Crainville có bốn sòng bạc, một trường đua ngựa, hai hộp đêm rất quyến rũ và có cả một hệ thống sa đọa nho nhỏ. Dân chúng vui chơi, tiêu tiền thoải mái. Thành phố phát triển nhộn nhịp. Thế mà từ lúc ấy người ta đóng cửa tất cả các chỗ vui chơi. Vấn đề là ở chỗ đó.
Lão cầm cây bút chì vẽ một khối lập phương trên tờ giấy thấm.
- Macey muốn Starkey làm thị trưởng bởi vì ông ta sẽ mở lại tất cả những cơ sở mang tiền lại cho y.
Lão ngừng vẽ và lấy ngón tay lăn cây bút chì trên tờ giấy thấm.
- Macey không phải là một Cảnh sát trưởng tốt nhưng là một dân làm ăn tuyệt vời.
Tôi lấy vẻ thản nhiên nói:
- Nếu Starkey nắm được Crainville thì thành phố sẽ thành một nơi không đáng tin cậy lắm phải không?
Lão mỉm cười nhìn tôi:
- Rất có thể lắm, thưa ông Spencer.
- Còn nếu Esslinger thắng?
- Thì lại khác đi. Tôi nghĩ là cũng có thể thay đổi. Ông ta là một con người rất thành thực nhưng cũng có thể là hơi khắc khổ nên Crainville cũng không được thoải mái lắm.
- Xin ông nói về ông ta một chút.
Dixon ngồi ngửa ra sau, các ngón tay đan vào nhau rồi nhíu mầy nhìn lên trần loang lổ:
- Ờ, để tôi nghĩ xem. Ông ta đến Crainville 30 năm trước, làm công việc cho hãng mai táng Mosley rồi khi ông Mosley chết đi, lại nắm quyền tiếp tục hành nghề. Ông ta lúc nào cũng hăng hái, tận tâm làm việc. Crainville nhờ ở ông ta nhiều lắm. Mọi người đều mến, tin cậy ông. Thưa ông Spencer, khi gặp ông ta, ông sẽ thấy thích nhưng chắc là ông sẽ không ưa bà vợ.
Lão nhìn ra cửa sổ, cái đầu hơi vươn lên:
- Một người đàn bà cứng cỏi. Tôi không hiểu tại sao Esslinger lại đi lấy bà ta. Rồi lão hạ thấp giọng. - Bà ấy uống rượu.
Tôi thốt ra một tiếng hừ. Dixon lại tiếp tục:
- Rồi còn cậu con trai nữa. Một cậu bé tuyệt vời. Lúc nào cũng thuận thảo với cha. Thông mình và sáng láng. Cậu học Y và chắc tương lai thật rạng rỡ.
Lão lại thọc ngón tay vào lỗ tai:
- Mẹ cậu yêu đến mức làm hư cậu ta. Bà ấy chỉ có mình cậu ta trên đời, và cả cái be nữa, tất nhiên rồi.
Lão xem xét kỹ cái cục cáu vàng vừa rút từ lỗ tai ra.
Tôi hỏi:
- Họ có tiền không?
Dixon chúm tròn miệng lại:
- Esslinger à? Cái đó là tùy theo ông hiểu thế nào lào có tiền. Ông ta làm ăn khá lắm. Người ta chết nhiều. Mà có thể nói là dân Crainville chết thật có phước. Thành phố thật hoàn hảo.
Lão nhìn tôi hơi mỉm cười có ý ngượng:
- Tất nhiên là không phải là tất cả.
Tôi nói giọng lạnh nhạt:
- Tôi đã thấy rồi. Nhưng chắc bụng dạ người ta không thế đâu.
Chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu rồi tôi rút gói Camel ra mời lão một điếu.
- Theo ông, thì số phận mấy cô gái mất tích kia ra sao?
- Quan điểm của riêng tôi và những điều tôi viết trên báo là hai thứ khác nhau, lão dè dặt nói. - Tôi có một anh bạn trẻ lo về tin tức trong vùng và ưa tạo nên những chuyện giật gân. Chính hắn thuyết phục tôi là nếu nói chuyện ma cà rồn thì báo bán chạy như tôm tươi.
Lão nhếch cười để lộ ra mấy cái răng vàng khé.
- Ông thì không tin phải không?
Lão nhún nhẹ vai:
- Tất nhiên rồi.
- Thế ông có ý kiến riêng gì về vấn đề này?
- Chuyện quan trọng là nếu như các cô ấy bị giết thì xác để đâu?
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Chắc ông có ý kiến?
- Chẳng có gì, lão vội vã trả lời. - Ông tự mình phải bỏ công một chút. Ông Wolf trả tiền cho ông mà.
- Ờ... ờ... Tôi buồn bã nhận ra lão lập luận đúng. Sau một lát im lặng, tôi nói thêm. - Hình như Esslinger có thuê một phụ nữ đi điều tra?
Dixon đưa mắt nhìn tôi cố làm ra vẻ đùa bỡn:
- Một phụ nữ thật là hay. Tất nhiên là hơi lơ lơ một chút.
- Cô ta có thu được kết quả gì không?
Dixon mỉm cười nhún vai:
- Tôi có cảm tưởng là chẳng ai tin như thế. Lão nhấn mạnh vào chữ "chẳng ai".
Tôi nhìn chăm chú vào lão:
- Cả Esslinger nữa à?
Lão gật đầu thay cho câu trả lời mà không lên tiếng.
Tôi nói mà mơ hồ nhận ra được điều gì đó.
- Thế mà Esslinger lại thuê cô ta.
- Thì như ông nói đó... Esslinger đã thuê cô ta.
- Thuê người mà nghĩ rằng người đó không thành công. Lạ thật.
Dixon cầm cây bút chì lại bắt đầu vẽ một khối lập phương khác.
- Tôi chỉ có thể giúp ông bằng cách lâu lâu lại gợi ra một vài ý kiến thế thôi. Mong ông đừng chờ tôi làm thay, ông Spencer ạ.
Tôi ngồi ép người lên ghế, đăm đăm nhìn lão:
- Thế ông thực biết gì về ba cô gái mất tích?
Lão mở hộc tủ lấy ra 3 tấm hình như của các tay chụp dạo ngoài phố và đưa cho tôi coi.
- Thưa ông Spencer, các cô này bình thường, thuộc vào giới xã hội bình dân, chẳng có gì bí mật, chẳng có gì phải giữ kín.
Tôi liếc nhìn qua. Quả là chẳng có gì đặc biệt. Ta có thể gặp các cô hàng ngày trên đường ở bất cứ phố nào. Tôi đưa trả lại tấm hình.
- Trừ điểm cả ba cô đều tóc vàng, còn có điểm chung nào khác của họ không?
Lão vừa mở miệng định nói ra điều gì thì chuông điện thoại reo. "Xin lỗi", lão vừa nói vừa bốc ống nghe lên. Lão nói: "Alô?... vâng" rồi lắng nghe không nói một lời. Đầu dây kia có một giọng cao, gắt nhưng tôi không nhận ra họ nói những gì.
Bỗng nhiên Dixon ngọ nguậy trên ghế, dáng vẻ càng lúc càng mất tự nhiên. "Vâng, vâng..., nhất định thế... tất nhiên rồi...". Lão còn lắng nghe hồi lâu rồi có tiếng cắt máy khô khan ở đầu dây đằng kia. Lão từ từ đặt ống nghe xuống rồi thừ người ngồi nhìn tập giấy thấm. Trên trán lão lấm tấm mồ hôi. Sau một lúc, tôi nói tiếp câu chuyện dở dàng:
- Trừ điểm cả ba cô đều tóc vàng, thế còn có nét chung gì nữa không?
Lão giật nẩy mình nhìn tôi, vẻ hoảng hốt như đã quên tôi có ở đây.
- Thưa ông Spencer, tôi rất tiếc, tôi bị... Lão hấp tấp nói tiếp.
- Tôi e là không thể tiếp tục hầu chuyện ông được nữa. Rất hân hạnh được biết ông.
Lão đứng dậy, giơ hai bàn tay nhờn ướt và rũ ra. Mặt lão tái mét:
- Tôi nghĩ rằng ông trở lại đây cũng không ích gì, thưa ông Spencer. Thời giờ của ông rất quý báu nên tôi không muốn làm phiền ông nữa.
- Xin ông đừng để ý đến chuyện đó. Tôi nói.
Tôi rút bóp ra để lão thấy cọc tiền trong đó.
- Còn về phần thời gian quý báu của ông thì tôi xin đền bù xứng đáng. Ông không phải ân hận gì đâu.
- Ông thật tốt bụng, - trong giọng nói, trong tia mắt của lão bây giờ không có vẻ gì là ham muốn tiền bạc nữa. - Thưa ông Spencer, tôi không có gì để bán cả. Không có gì hết.
Tôi đút bóp vào túi và nhìn lão đăm đăm:
- Ai vừa gọi điện thoại cho ông đấy?
Lão ngả người xuống ghế:
- Ông không biết đâu. Xin chào ông, xin phép khỏi được tiễn chân ông.
Tôi đặt tay lên bàn và chồm về phía lão, nhìn thẳng vào mắt lão:
- Tôi đoán chắc đó là Macey hay Starkey. Cam đoan là chúng bảo ông dẹp chuyện này đi hay là gần gần như thế. Có đúng không?
Lão càng thu mình nhỏ hơn vào ghế, mắt nhắm lại và giọng nói lịm đi: - Xin giã từ, ông Spencer.
- Chào! Tôi trả lời và bước ra cửa.
Trong khi bước trên bậc thang bốn tầng lầu, tôi ngạc nhiên thấy mình huýt sáo bài Hành khúc chiêu hồn của Chopin.
Trong tiền sảnh khách sạn Eastern, người ghi sổ trọ đang đôi co với một cô gái đứng cạnh bàn. Người cô cao lớn, tóc dày, một màu vàng ánh xõa xuống phủ chiếc cổ áo trắng. Một chiếc vali dán đầy những nhãn hiệu khách sạn đặt ở dưới chân cô.
Tôi tiến đến và chờ một lúc. Gã nhân viên đó đang hỏi cô gái có dặn trước phòng trọ không. Cô gái trả lời là không có thì giờ làm việc đó. Người kia nhìn cô lưỡng lự và tôi có cảm giác hắn sắp từ chối. Tôi nói:
- Sao lại phải ghi tên trước? Khách sạn của anh còn đủ chỗ cho cả một trung đoàn cơ mà.
Hắn nhìn tôi vẻ lạnh nhạt và dửng dưng nhưng cũng đưa sổ cho cô. Cô liếc nhanh nhìn tôi rồi ký phía dưới tờ giấy. Cô thật ưa nhìn. Nước da thật đẹp, nét mặt thanh tú, đều đặn.
Gã nhân viên soạn đưa chìa khóa cho tôi, tôi bước lại phía thang máy, theo sau tôi là người bồi da đen mang vali cho cô gái. Cô cũng theo vào, được đưa lên tầng 3.
Người bồi mở một cánh cửa phía đối diện phòng tôi trong khi tôi tra chìa khóa vào ổ. Lúc bước vào phòng, tôi ngoái cổ nhìn cô gái và cô cũng quay lại nhìn tôi.
Cô lịch sự nói:
- Cám ơn.
- Tốt hơn là cô cố tìm chỗ khác, tôi nói, chỗ này dở lắm.
- Còn tệ hơn nữa ấy, cô lại mỉm cười rồi bước vào phòng.
Tôi khép cửa, ngồi xuống ghế. Tiếng xe điện lăn nghiến trên đường, tiếng thang máy rít giữa các tầng lầu cho tôi thấy rằng nơi đây không phải là chỗ ta có thể suy nghĩ được nhiều.
Tôi đốt thuốc và bốc ống điện thoại gọi mang lên uyxtki và sô đa. Tôi quay lại ghế và bắt đầu suy nghĩ về Wolf, Dixon, Esslinger và cả bọn họ. Tôi thấy ngay là mình có thể không gặp may vào lúc gần đây lắm. Đây không phải là lần đầu của tôi. Nhưng tốt hơn cũng nên báo cho đại rá Forsberg biết để tăng giá đặc biệt cho những nhân viên ông tung vào các trường hợp gai góc.
Tôi đang nhẩm tính trong đầu những gì cần phải báo cáo thì có tiếng gõ cửa. Tôi nói "cứ vào" mà không ngẩng đầu lên vì nghĩ người ta mang rượu đến. Có tiếng phụ nữ nói ở phía sau:
- Thật là ngu ngốc. Tôi lại quên chìa khóa vali rồi.
Tôi quay lại và đứng bật dậy. Cô đứng trên ngưỡng cửa, tay đặt trên nắm cửa, mắt thật đầy tin cậy. Tôi tháng thấy đùi cô thon thả, đôi chân thật đẹp. Tôi nói:
- Sao cô biết tôi còn tiếp tục bẻ khóa?
- Ồ, chẳng biết tại sao, cô cười nói. - Nhưng tôi nghĩ là ông giúp được tôi vì ông có vẻ giỏi giang và tháo vát.
Tôi chỉ chiếc ghế thứ hai:
- Mời cô vào một lúc. Tôi vừa bảo mang rượu lên. Mẹ tôi có dạy là không nên ngồi uống rượu một mình.
Cô lưỡng lự một lúc rồi khép cửa lại, đến ngồi trên ghế. Cô túm chiếc váy lên đầu gối và nhìn tôi:
- Tôi đến đây vì chiếc vali.
- Cô đừng lo vụ vali, tôi lại ngồi xuống. - Uống xong một ly rồi tôi sẽ lo cho cô. Tôi chỉ mới đến cái xó này có ba tiếng đồng hồ thôi. Cho nên không có bạn.
Cô có vẻ ngạc nhiên:
- Thật không? Tôi cứ nghĩ người như ông thì không thể nào không có bạn.
- Chỉ không có ở đây thôi. Tôi không thích khung cảnh ở xó này. Nó không thu hút người mấy. Cô không thấy sao?
Cô lắc đầu:
- Tôi vừa mới tới đây xong. Chúng ta giới thiệu làm quen với nhau hay cứ giữ ẩn danh?
- Spencer, tôi hơi nghiên mình nói và thích thú nhìn kỹ cô. - Marc Spencer, thám tử tư.
Cô nghiêm nghị nói:
- Ông không cần phải hù tôi. Tôi có phải mới mẻ đâu. Ông bán gì ở đây vậy?
Tôi gõ tay vào đầu:
- Bán cái thứ này. Ở Crainville này, người ta trả giá cao.
Tôi đưa thẻ, cô xem xong rồi trả lại.
- À, ông đúng là thám tử tư à?
Cô tò mò nhìn tôi. Mấy cô gái mà biết tôi là ai thì nhìn với vẻ lạ lắm. Cô bỗng lên tiếng:
- Tôi là Marian French. Tôi bán quần áo vải mỏng. Cô hơi nhăn mặt lại. - Đáng chán là ở đây không ai ưa đồ mỏng. Cô vuốt tóc. - Kệ. Sao cũng được, tôi quen rồi.
Người bồi đem rượu mạnh và sô đa lên. Hắn nhìn chúng tôi từ người này sang người khác, cứ thế mà trợn tròn xoe hai mắt như đĩa bay. Tôi cho hắn ít tiền lẻ để hắn lỉnh đi cho sớm. Tôi bóc bao giấy quanh chai rượu.
- Ở cái xó này tôi thấy chưa có ai ưa đồ mỏng, trừ cô. Cô dùng nguyên hay có pha?
Cô lắc đầu:
- Mẹ tôi dặn là chớ có uống rượu mạnh với người lạ. Tôi xin một ít sô đa thôi.
Tôi rót cho cô nửa ly sô đa rồi pha cho mình một ly uytxki đậm.
- Chúc cho các mối tính của cô, tôi ngồi xuống làm cạn nửa ly.
Cô duỗi đôi chân dài và đẹp ra, hỏi:
- Ông đến đây làm việc hay đi chơi?
- Làm việc, tôi trả lời mà trong bụng nghĩ rằng có một co gái như Marian French ở gần để thỉnh thoảng đấu hót thì cũng thú. Không phải là thứ gái quay qua quay lại là có thể kéo tuột được vào phòng ngủ.
- Cô không nghe được chuyện gì sao? Ở thành phố này trong bốn tuần qua có ba cô gái tóc vàng mất tích. Tôi đến đây là để tìm ra họ đấy.
- Thế thì chẳng có khó gì lắm, cô nói. - Ông chỉ cần nhờ cảnh sát thôi. Cảnh sát giải quyết xong việc là ông đi lãnh tiền... Nếu có ai đi bán các thứ đồ quỷ này cho tôi thì tôi... Nhưng tôi lại phải tự làm mọi việc.
Tôi cạn nốt ly:
- Thế mà tôi lại không nghĩ tới. Hay đấy.
Cô nói với giọng mệt mỏi:
- Đầu tôi đầy ý kiến nhưng lại không đến đâu hết. Hai năm trước tôi nghĩ là đi lấy chồng, có con, nuôi dạy chúng. Nhưng cuối cùng rồi cũng không xong, cô nói thêm, mắt khép lại và nghiên đầu dựa vào tay ghế.
Tôi muốn nói đùa một câu nhưng nhìn vẻ mặt và nét cương nghị trên môi cô, tôi lại thôi. Tôi đành nói vui:
- Cô đừng lo. Cô chưa hết tuổi độc thân đâu, thế nào cũng đến lượt cô.
Cô mỉm cười, thu đôi chân đứng dậy:
- Tôi phải đi mở vali mới được. Hôm nay tốt ngày đấy. Từ hai năm nay, tôi mới gặp một người có cảm tình như ông.
Tôi cũng đứng dậy:
- Có lẽ tại cô không đi tìm. Thôi, chỉ chiếc vali xem tôi có lụt nghề không.
Tôi chợt thấy cô không nghe tôi nói. Mặt cô đang nhìn ra cửa, kiểu của các cô nhìn thấy chuột. Tôi nhìn theo. Có ai ngoài kia nhét vào dưới cửa một phong bị trắng. Tôi bước tới đụng Marian, gạt nhẹ cô sang bên và mở toang cửa ra. Tôi nhìn sang hai phía nhưng không thấy ai hết. Tôi cầm lấy phong bì nhét vào túi rồi nói thật thản nhiên:
- Cô thấy khách sạn này chẳng ra gì không? Ai đời mới bước vào cửa là đã đưa giấy tính tiền rồi.
- Ông có chắc là phiếu thanh toán không? Cô hỏi mà nét mặt lạ lùng.
Tôi mở vali bằng chiếc kim cài đầu của cô. Không đầy một phút. Tôi mỉm cười với cô:
- Cô thấy không? Các bạn gọi tôi là Arsene Lupin thật không ngoa.
- Tôi tưởng tên ông là Marc chứ? Cô nói.
- Đúng rồi, nhưng không phải với ai tôi cũng nói tên này đâu.
Tôi mở cửa rồi quay lại:
- Tôi mời cô đi ăn tối nay được không?
Cô nhìn tôi, đôi mắt mơ màng. Tôi đoán ra cô nghĩ gì rồi nên nói thong thả:
- Cô đừng cho tôi là anh công tử vườn ba xạo. Không giương bẫy cô đâu.
Cô hơi đỏ mặt, bật cười rồi vội vã đáp:
- Xin lỗi, vì tôi gặp đủ thứ chuyện rồi. Một người con gái ở vào vị thế như tôi thường là để cả lố đàn ông vồ vập, lên máu bao vây đến mệt.
- Cô không nên ngại gì. Thôi ta bỏ qua đi. Nếu cô muốn nghỉ ngơi một chút.
- Không, tôi xin vui lòng nhận lời. Nhưng xin chờ tôi một lát để tắm rửa. 8 giờ nhé?
- Đồng ỹ. Tôi nói và khép cửa lại.
Tôi quay về phòng, lấy chiếc phong bì trong túi ra đọc nhanh các dòng chữ đánh máy:
Anh còn được 12 tiếng đồng hồ để rời thành phố. Không phải đợi nhắc đến lần thứ hai đâu. Anh sẽ không kịp biết đòn từ đâu đến cả. Không phải vì chúng tôi không thích anh. Trái lại là khác. Nhưng ở Crainville thì không đủ không khí cho chúng ta thở thoải mái. Cho nên, thôi, ngoan đi và chuồn cho lẹ. Nếu không chúng tôi bắt buộc phải định ngày đưa đám đấy.
Tôi rót ly rượu thứ hai và ngồi xuống suy nghĩ. Gã nhét bức thư dưới cửa chắc hẳn là trọ ở một trong hai phòng bên tôi. Hắn không đủ thời giờ để biến đi ngoài hành lang trong khoảng vài giây đồng hồ khi tôi bước ra cửa.
Tôi cất tờ giấy thật kỹ vào túi, nghĩ ngợi một lát rồi lại bàn làm báo cáo cho đại tá Folsberg.
Có cả hàng tá ý tưởng mâu thuẫn lẫn lộn trong đầu tôi. Một lúc sau, tôi mở vali lấy ra khẩu 38 tung tung trên tay rồi nhét vào nơi thắt lưng.