Anh Trương Đại Chí đi ra kinh học, rồi về đi xứ kia xứ nọ chơi cho phỉ chí, đâu cũng vài mươi năm mới về thăm quê nhà. Bữa kia mới đi tới nhà anh Lê Hào Học là bạn chơi với nhau thuở nhỏ mà thăm.

Lê Hào Học mừng rỡ hết sức, hối trầu, nước; rồi lay trẻ trong nhà dọn cơm đập vịt gà uống rượu mừng bạn đi xa lâu năm mới về.

Ăn uống chuyện trò rồi, trời vừa tối, Trương Đại Chí mới kiếu về; mà anh Lê Hào Học cầm một hai ở lại chơi một đêm mà hỏi thăm chuyện.

Thấy gắng vó lắm không phép làm sao, Trương Đại Chí mới ở lại đó. Nhằm bữa trăng tỏ, trời thanh, gió mát, Lê Hào Học mới nói rằng:

- Anh thật có phước! Cũng nhờ âm đức cha mẹ Ông bà, mà được học hành thông kim bác cổ, lại thêm châu lưu khắp miền khắp xứ, điều nghe thấy rộng lắm, từng trải việc đời...

Trương: - Thật cũng là phước đó chúc. Nhưng mà kiếp phong trần người ta, phước, ôi! Có bao nhiêu mà hoa. biết mấy?

Lê: - Thiệt tình, tôi vô phước ăn học chẳng được bao nhiêu, dốt nát lắm, xin cho tôi học theo. Chớ kiếp phong trần anh nói đó là kiếp gì? Tôi không hiểu rõ, xin anh cắt nghĩa cho tôi nghe thử?

Trương: - Phong trần nghĩa là gió bụi, chỉ là cái đời tạm đời gởi này, hay đổi dời biến cải, nay vầy mai khác, vui đó buồn đó, giàu đó nghèo đó, sướng đó cực đó,... vinh nhục bĩ thới đắp đổi; ấy là cuộc bể dâu (thương tang).

Lê: - Làm sao kêu là bể dâu kìa?

Trương: - Là cuộc cồn hóa vực, vực hóa cồn.

Lê: - Cái anh thật hiểm thì thôi đó! Nói cái gì vậy tôi hiểu không được: Cồn làm sao lại hóa vực, vực sao lại hóa cồn? Nghĩa là gì?

Trương: - ấy mới dốt cho chớ! Tại anh một năm tới tôi, những lục đục ở nhà, không có nới ra mà đi đâu, nên mới không biết. Trong sách Lý khí người ta có luận rằng: có một ông già kia ở chòi gần mé biển; thấy trong cõi hồng trần này, hễ 30 năm thì có một lần biến nhỏ, mà hễ 300 năm thì có một lần biến lớn thì trời đất đổi xoay cồn hóa nên vực vực biển nên cồn; biển cạn thành cồn trồng dâu được cũng có; đất liền lở sâu thành biển cũng có. Mỗi khi có biến thì ông ấy làm một cái thẻ tre mà để trong nhà. Nên sau có một người khách tới đó thấy ông già già lắm, thì hỏi thăm tuổi bao lớn. Ông già nói rằng: tôi không biết mà mỗi khi có biến thì tôi có bỏ 1 cái thẻ làm chứng; ông đếm lấy thẻ thì biết tuổi tôi. Sách nói làm vậy mà cũng chưa đủ tin. Anh đi ra ngoài Bắc coi thử: đất mé sông đất màu mỡ đang tốt hết sức, vùng lở ầm xuống một cái thành cái vực sâu thăm thẳm dò không tới đáy. Chỗ khác đang sâu thuyền bè ghe cộ đi thường ngày, ở đâu vùng nổi cồn lên, người ta trồng dâu lên đám kia qua đám nọ. Nói ở đâu xa làm chi? Trong ta này, lên lối trên Gieng đây cũng có thấy được.

Người ta lấy đó mà ví cái cuộc hay dời đổi ở đời này.

Lê: - à! Vậy hay sao? Dữ không! Bây giờ có anh cắt nghĩa tôi mới hiểu đó.

Còn anh nói cái kiếp phong trần thì vinh nhục bĩ thới đắp đổi nhau chẳng khi dừng là làm sao?

Trương: - Người ta có hồn có xác, nên phải kể xác là cái tợ con mắt mình ngó thấy được trước rồi, hãy nói qua việc hồn là trí là giống không hình không tượng, mắt xác thịt không có ngó thấy.

Con người thoát lọt ra khỏi lòng mẹ, liền cất tiếng khóc oa oa, biết mình sinh ra ở thế sẽ cực khổ lao đao cho đến chết. Ba bốn năm đầu, bằng không có mẹ có cha lo nuôi dưỡng cho bú mớm, lo lắng cho thì làm sao mà sống cho đặng? Có miệng, miệng không biết nói; có tay, tay chẳng hay làm; có chơn, chơn chẳng hay đi. Phải tập lần lần sau lâu mới cử động (day trở) được: nằm ngửa cho hết sức, mới nghiêng mới lật, mới trườn mới sụt, mới xổm, mới bò, mới ngồi; sau mới đứng chựng, mới bắt bén bước đi.

Vậy mà cũng còn phải có cha mẹ giữ gìn coi sóc luôn luôn. Biết mấy khi hiểm nghèo? Ươn ê ốm đau, bệnh hoạn, cheo leo khốn khó. Không ai lo cho, thì còn gì là thân?

Lê: - Nào! Có thấy đắp đổi sướng cực đâu nào?

Trương: - Có chớ: chẳng những nội trong một năm, nội trong một tháng, nội trong một ngày, mà nội trong một giờ cũng có dời đổi cả.

Này: cười đó, rồi khóc đó; vui đó, rồi buồn đó; giỡn đó, rồi quạu đó; nay mạnh, mai đau; chơi ít bữa, rồi lại biến lại tước, sọt sẹt nóng rét... 3 bữa ê mình, 3 bữa khoẻ; tháng này cam tích, tháng kia sọp bụng; năm nay khá giỏi, sang năm bê tệ, vân vân... Hơi sức đâu mà kể những cái biến thường ngày, thường tháng, thường năm; một năm tới tôi không biết mấy lần mà kể. Vậy chẳng phải là luân phiên thay đổi nhau mãi hay sao?

Lê: - Vậy thì dở lắm; té ra khi còn thơ ấu, nhờ cha nhờ mẹ, như gà con nhờ cánh mẹ núp; theo mẹ từ bước mới xong!

Trương: - Phải đó chúc; vậy mà đã rời ra được đâu? Cũng như cây nhỏ non nhớt nhờ bóng cây lớn mới sống mới tốt được. ấy coi, đó là nói lúc mới sinh cho tới lên 3; còn từ đó sấp lên 8, 9, 10 tuổi, thì cũng nhờ cha mẹ chăn giữ coi sóc từ điều, đường đi nước bước, dạy lời ăn tiếng nói, dạy cho biết thờ cha kính mẹ, thuận thảo anh em, tế nhường cậu cô chú bác cùng người lớn.

Lê: - Dữ không! Hết mười năm chưa làm được cái gì cho cha mẹ nhờ, những nhờ cha mẹ mà thôi!

Trương: - Tưởng đến đó thì đã xong rồi sao? Tưởng vậy thì lầm lắm: Đến tuổi ấy cha mẹ lo cho đi học, hoặc học chữ nghĩa văn chương, hoặc học nghề nghiệp làm ăn.

Học chữ nghĩa thì cũng trót 10 năm mới thành tài, hoặc ra thi khóa với người ta.

Học nghề cũng 5, 7 năm mới ra nghề được; cũng là cơm cha áo mẹ; cha mẹ lo cho hết thảy cả.

Lê: - Cha chả! Vậy thì công ơn cha mẹ biết mấy với con!

Trương: - Tục hát rằng: ơn cha nặng lắm cha ôi! Ngãi mẹ bằng trời chín tháng cưu mang! Mà chưa hết đâu? Từ 18, 20, 25 sấp xuống, cha mẹ đà lo nhắm chỗ xem nơi, đặng có lo đôi bạn cho con. Ôi thôi! Chịu lòn đầu luỵ, mượn mai mượn mối đi nói. Khó bề nào cũng rán với con, đòi mấy lễ phải sắm đi mấy lễ; đòi món gì vật gì cũng phải chạy. Xong rồi về còn ở với cha mẹ đôi ba năm, năm bảy năm mà tập luyện cho biết việc gia đạo đã, sau mới cho ra riêng ra tư. Vậy mà cũng không khỏi tay cha mẹ: Còn phải dạy bảo từ điều, nhắc nhở từ chặng, dặn dò trước sau; tính toán giùm trong việc buôn việc bán kẻo lầm mà lỗ lã; đồ sắm trong nhà trong cửa cái chi cái nấy, cái nào cần cái nào đáng thì mới cho sắm; Lâu đến cái dọn cái dẹp cho xứng cũng không khỏi cha khỏi mẹ. Còn khi sinh đẻ, nằm bung nằm bếp, cha mẹ chực hờ sẵn đó mà nhắc bảo lo liệu cho.

Lê: - Vậy thì cả đời cha mẹ những lo cho con mãi, lớn nhỏ cũng vậy, lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ.

Trương: - Chớ làm sao; bởi vậy cho nên có câu hát rằng: Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con. Lòng cha mẹ thương con cũng như tánh nước, thường xuôi hoài.

Thôi, nói sơ qua về việc phần xác cho mà nghe vậy, để nói qua việc hồn việc trí mà nghe cho luôn trót thể.

Lê: - Có vậy cũng hay; tôi nghe tôi lấy làm hay lắm; nói chừng nào tôi muốn nghe chừng nấy.

Trương: - Đến khi đã tới tuổi khôn, tuy là còn dại, ăn chưa no lo chưa đến, mặc lòng; thật tình, tam bành lục tặc nó cũng phát, cũng nổi lên, nên có khi vui khi buồn, khi lành khi quạu; khi thương khi ghét; khi mừng khi giận thay phiên đắp đổi nhau liền.

Còn khi đã lớn tuổi, thì lại có cơn buồn cơn rầu, lúc vui lúc mừng; khi thì được thoa? tình phỉ dạ, khi thì lại tức mình, cực trí; khi đau lòng xót dạ, khi khoái lạc tâm trường, phước đó, hoa. đó; sướng đó cực đó; giàu đó nghèo đó. Dầu có phước mà đặng vợ hiền con thảo tôi ngay, thì lại cực lòng phiền muộn về sự khác biết đâu mà kể cho cùng. Khi vô phước gặp vợ dữ, mắc tôi loàn, bị con ngốc đi nữa, thì cũng có cái bù lại cho cân cho xứng; nhưng cũng không khỏi lận đận lao đao, không khỏi lao tâm tiêu tứ. Lòng trí động tịnh chao như nước cho đến chết mới thôi. ấy kiếp phong trần người ta là thế.

Lê: - Tôi nghe người ta thường nói lạc cực sanh ai, bĩ cực thới lai là làm sao anh hé?

Trương: - Nghĩa là vui sanh buồn, hết xấu tới tốt... Chỉ âm dương tương kề; con người ta ở đời như trời có ngày có đêm, hết vui tới buồn; buồn rồi lại vui, hết may tới rủi; hết vinh tới nhục... Nội trong một giây một lát trí người ta sang qua đổi lại mãi. ấy sự sống người ta ở đời là làm vậy đó.

Lê: - Ờ, ờ! Nghĩ đi nghĩ lại mà coi, thật quả như lời anh nói đó chúc; bấy lâu tôi ơ hờ lếu láo bất ý chẳng có xét tới làm chi, hay bỏ qua, nghe anh mới nhớ mới biết rõ là có như vậy.

Trương: - Vậy đó mà mỗi người riêng mỗi kiếp. Hễ là người sanh ra ở thế người nào người nấy đều có tài, vật gì vậy nấy mỗi cái đều mỗi có ích cả.

Lê: - Vậy sao có người sướng người cực, người sang người hèn, người giàu người nghèo; kẻ lành mạnh, kẻ yếu đuối, tật nguyền, tràn đồng thiên hạ?

Trương: - Người ta ở đời Trời đất sanh ra đều có cho nó một cái vai tuồng nào mà làm, không ai không, mỗi người đều có một nghề riêng hết thảy. Lấy việc hát bội mà ví: từ bầu gánh chí nhẫn chú nhưng, hoặc làm tướng, vua, đào, kép, sắp đến kẻ chạy hiệu, mỗi người đều có phiên thứ vai tuồng riêng cả.

Con người ta ở đời là một bọn con hát, ai có vai nấy mà làm. ấy là mỗi người riêng mỗi kiếp là làm vậy.

Lê: - Còn anh nói người người có tài, vật vật có ích, thì là làm sao?

Trương: - Là mỗi người đều có một cái sở trường riêng, ai cũng có; còn vật mỗi vật mỗi có ích riêng cả. Mà đâu nó theo thứ nó đó. Hãy xem trong bàn cờ tướng thì hiểu mau. Trước có 5 con chốt đứng giăng, kế sau 2 bên 2 con pháo; sau nữa, ở giữa có tướng, 2 bên 2 con sĩ, 2 con tượng, 2 con ngựa, 2 con xe. Trong ấy đều nhờ nhau cả. Tướng một mình thì làm gì được? Phải có tả hữu vây cánh mà đỡ mà che, là sĩ, tượng, xe, pháo, ngựa. Lâu rốt hết là con chốt, đến chừng nó qua được nước người ta nó mạnh là đường nào? Khi nó đứng đầu, nó lại đỡ cho những con chạy thối về, người ta không dám ăn. Vậy hết thảy con nào đều cũng có tài nghề riêng con nấy; mà tới phiên tới thứ nó mới ngó thấy sức nó cho. Vì vậy người ở đời, vang danh phú quý, vinh hiển, cao quờn lớn chức, cùng là hèn mọn, bần tiện, vô danh, cô thế độc một, cũng chả biết lấy đâu làm chắc: còn trong tục luỵ biết ai công hầu? Nên có khác nhau chăng là vì một chữ thì.

Lê: - Vậy thì ai ai cũng có tài, vật vật đều có ích; thì không nên khi người, cũng không nên khi vật hé?

Trương: - Phải, chẳng nên khinh ai; cũng chẳng nên khi vật nọ vật kia vì nó hèn; vì dầu người dầu vật tới thì nó phát thì nó phát. ấy coi Trần miêng khô chuối, trước chúng bạn khinh dị hắt hủi, sau ra thi đậu làm quan vinh vang; con nai kia đi xuống suối uống nước, thấy cặp gạc cao lại xinh đẹp thì khen; ngó lại bốn cái chân mỏng mảnh, ốm yếu thì chê. Ai ngờ vẳng nghe tiếng chó săn, thất kinh đâm đầu chạy vô bụi, rủi mắc hai cái gạc vô trong dây, chó rượt kịp tới cắn, khi gần chết mới than rằng: ấy thật là dại; cái mình khen thì nó làm cho mình phải chết, còn cái mình chê thì là cái đại có ích cho mình!

Lê: - Nói như anh làm vậy, tôi nghe kịp, mà còn một cái tôi hiểu chưa ra là ở đời sao kẻ sướng người cực, có kẻ lành mạnh, có người tật nguyền khốn nạn; kẻ sao cả đời thong thả giàu sang, người sao cả đời lao đao lận đận, nghèo nàn?

Té ra Trời phân không có đều? Nên tục hát rằng: Trách trời trời chẳng hay phân: kẻ ăn không hết, người mần không ra!

Trương: - Coi thì vậy thôi, mà xét ra cho kỹ, thì sướng cực cũng bằng nhau cả; có như vậy người ta sống mới được; bằng không thì kẻ cực khổ khốn nạn hại mình mà chết đi hết còn gì?

Lê: - Nói vậy chớ ai cũng tham sanh húy tử (ham sống sợ chết); cái ấy là nhơn chi thường tình. Chớ anh không có nhớ trong sách Luận ngữ, có câu rằng: Phú dữ quí thị nhơn chi sở dục, bất dĩ kì đạo đạo đắc chi, bất khứ dã; bần dữ tiện thị nhơn chi sở ố, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất khứ dã là làm sao? Là giàu với sang ai lại không muốn, nhưng mà gặp cái thì không nên giàu không nên sang; hay là làm điều bất nhân bất nghĩa mà giàu sang thì người ta cũng chẳng thèm; nghèo khó cùng là hèn hạ, ai mà không ghét? Nhưng vậy nghèo mà phải nhơn phải nghĩa, hèn hạ mà phải thói phải thì, thì cũng chẳng nên bỏ làm chi.

Trương: - Phải, cái cũng có, nào ai nói không; nhưng dầu vậy cũng có kẻ cùng trí hoặc thắt cổ, hoặc cắt họng, hoặc cắn lưỡi, hoặc uống thuốc mà chết đi cũng có hiếm lắm, thiếu gì?

Mà xét cho đến lẽ mà coi, thì ai cũng như vậy sướng cực bằng nhau; nghĩa là sự cực trí cũng một ngăn với nhau, nên nói là bằng nhau.

Thí dụ như một người nghèo túng một quan tiền, chạy không ra, mượn không được, vay mượn không ai cho thì trong lòng người ấy cực cũng bằng người có ăn mà túng 1 chục, hay là giàu hơn túng 1 trăm, hoặc một ngàn, mà kiếm không ra, vay mượn không được, thì cái cực trong lòng những người ấy cũng một ngăn với cái cực cái người túng có 1 quan vậy. Giả như nhà kia giàu sang lỡ có khách tử tế tới nhà, mà thiếu trà ngon, thiếu rượu tốt, thiếu thịt tươi mà đãi khách, thì trong lòng người ấy lấy làm cực lòng, bực mình cũng một ngăn với cái nghèo kia rủi có bà con ruột ở xa tới nhà mà không có đồ thường dùng, như trà Huế, như nước mắm, như cá tươi mà đãi bà con một bữa phải cực lòng, phải bực mình vậy chẳng hơn chẳng kém chẳng khác chi chút nào. Nên tục rằng: lớn thuyền lớn sóng.

Lê: - Nói vậy có lý nghe được; mà sao mắt từng thấy có người sao cả đời sướng mãi, không lo sự chi, thong thả, mà có người thấy lao đao chạy ngược chạy xuôi, lo sấp lo ngửa mà cực hãy còn cực hoài; cái tôi xét chưa tới lẽ, tôi chưa hiểu được cho rõ vì làm sao mà có như vậy.

Trương: - Thấy thì vậy, vì trí mình tưởng như vậy đó mà thôi, chớ thiệt sự có ở đâu? Chẳng qua là vì lạ con mắt; phải chi mà mình ở liền ngày liền đêm với người mình lấy làm lạ được lấy một ít lâu coi thử thì sẽ chưng hửng, vì thấy người ấy cũng có gánh cũng có cục tội riêng mình như mọi người hết thảy chẳng sai. ấy coi nhà ta có kiểng có hoa, có chậu tùng, có bồn hoa, mà nhà kia ở cách ta, năm ba tháng ta mới tới một lần, cũng có hoa có kiểng, ta ghé vào thấy tùng thấy chóa con mắt nghĩa là lạ con mắt, coi tùng của người ta xanh hơn của mình, hoa của người ta tốt hơn hoa của mình ở nhà. Mà như nhắc của hai bên ra mà đọ nhau thì của mình thấy xoáng qua đó thua xa lắm, của mình ăn mười phần có năm ba, mà bởi lạ con mắt mới ngó qua thì tưởng của người ta tốt hơn của mình; vì của mình coi đã nhàm con mắt, mà của người ta mình mới thấy một lần, lạ con mắt; hóa ra trong trí nó bắt tưởng cái mới cái lạ là tốt hơn. ấy cái ta lầm là chừng nào!

Lại ý làm sao mà cái gì của mình thường dùng thì không sá chi mấy, đến khi rủi mất đi thì liền tiếc làm sao là tiếc; giục chừng có ai được lại, thì dầu tốn ít nhiều cũng chẳng màng mà chuộc lại cho được mới nghe? Là vì khi của nó còn ở tay mình, mình thường thấy thường dùng nó đã nhàm lờn đi, nên lấy làm thường, mất đi rồi nghĩ lại cái cần cái ích của nó mà sinh ra tiếc nó. Mình có một cái nhẫn nhận ngọc, mà người kia cũng có một chiếc, mua một chỗ với nhau; mình coi cái của người kia đeo thì thấy tốt hơn, lanh hơn, nháng hơn, coi như tốt nước hơn của mình đeo trong tay mình; người kia coi cái của mình đeo thì cũng lấy cái của nó ngó thấy mình đeo làm hơn của nó. Nhơn vì tánh con người ta làm vậy, nên tục nói rằng: Người ta hay chuộng lạ tham xinh... Mới chuộng cũ vong... Có mới nới cũ...

Lê: - Còn làm sao có người dong dảy, có người cùi đày? Có kẻ thảnh thơi an nhàn? Có kẻ việc vàn không rời tay? Mà rằng cực sướng cũng bằng nhau làm sao.

Trương: - ấy là tại phận riêng mỗi người; người nào kiếp phận nấy, không chạy chối được. Phải khác nhau mới được. Trời đất đã sinh ra làm vậy mà thật là hay: ấy người ta muôn muôn vàn vàn như kiến cỏ ở trên mặt trái đất này, mà có phải khác mặt nhau hết thảy không? 5 ngón tay trong bàn so dài vắn lớn nhỏ đều khác nhau cả. Lâu đến cái nết, cái chết là cái chung thiên hạ cũng khác nhau hết; Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật.

Nói chi cho dài? Bấy nhiêu nầy cũng đủ mà cắt nghĩa cho anh hiểu thôi: nguyên là vì kẻ phải lao tâm (nhọc lòng), người phải lao lực (nhọc xác), mắc cái nầy thì trừ cái kia. Những kẻ coi bộ dong dày thong thả, thì lao tâm tiêu tứ biết là bao nhiêu? Còn những kẻ dãi nắng dầm mưa, trèo non lặn suối, giày sành đạp tuyết, thức khuya dậy sớm nhọc xác, mỏi mệt chơn tay, đổ mồ hôi xót con mắt; tuy vậy mặc lòng yên lòng yên trí, không lo tha cầu biệt sự bá ban trong bụng, như kẻ lao tâm, tuy coi bộ thong dong mặc lòng, mà trong bụng trăm lo ngàn tưởng; hao tổn tinh thần, ăn không ngon, nằm không ngủ, thao thức bối rối bồi hồi áy náy tâm thần; thì chẳng phải là trừ nhau sao? Một người cực một thế. Vậy thì cũng bằng nhau.

Lê: - Ờ! Vậy mới nghe được chớ. Té ra kẻ đau hạch ngoài da nhức la, kẻ đau trong bụng cũng rên hì hì, hai người cũng là đều nhau cả.

Trương: - Hay a! Vậy thì đã hiểu đó.

Lê: - Nghe anh nói đó, thì việc trong thiên hạ muôn vàn kể không xiết, mà mình biết ở làm sao, làm làm sao cho xứng ngôi xứng phận mình được?

Trương: - Hề gì mà lo? Cứ tố kì vị nhi hành thì xong thôi.

Lê: - ấy! Lại thêm một cái không hiểu nữa đó ấy.

Trương: - Trong sách Trung dung rằng: quân tử tố kì vị nhi hành... Tố phú quí, hành hồ phú quí; tố bần tiện hành hồ bần tiện; tố di địch hành hồ di địch, tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn... nghĩa là, người quân tử gặp ngôi nào thì cứ ngôi ấy là làm... : Nhằm cuộc phú quí, thì làm theo phú quí; nhằm cuộc khó hèn thì làm theo khó hèn; nhằm cuộc mọi rợ làm theo ngôi mọi rợ, nhằm phải hoạn nạn, thì làm theo phận hoạn nạn; nghĩa là, người cho ta phải phận nào thì ta phải làm theo phận nấy; sướng cũng phải; cực cũng phải, lành cũng phải, dữ cũng phải; sang cũng phải, mà hèn cũng phải. Có lời rằng: nên hư có số ở Trời, bồn chồn sao đặng, đổi đời sao nên?... Dầu mà chước quỷ mưu thần, phong trần cũng luỵ phong trần như ai.

Lê: - Coi bộ anh mệt, đà muốn buồn ngủ rồi đó. Trẻ, đồ ba chén nước trà ngon cho ảnh uống, rồi đi nghỉ một chốc, kẻo đã khuya quá đi rồi; gà gáy đà hai ba dội, đà quá nửa canh tư đi rồi.

Trương: - Dữ ác không! Vậy tôi tưởng đâu cũng mới đầu canh ba đó thôi ấy!

Thôi, ta đi ngủ đi; chuyện vắn hay vừa cũng gì, thiếu gì khi?

Lê: - Ủa kìa! Thức khuya làm vậy, mà anh dậy sớm dữ bay! Chớ anh dậy bao giờ ngồi đó?

Trương: - Dậy hồi nãy đến giờ.

Lê: - Cơ khổ thôi nhưng! Bầy trẻ nó bạc ác dữ bay! Không đứa nào mức nước thau rửa mặt? Nấu nước pha uống, coi trầu coi cau? Bất nhân không chưa đã ấy?

Trương: - Có cũng hay, không cũng chớ. Chúng tôi vậy nó đà quen đi rồi. La trẻ làm chi tội nghiệp.

Thôi, ở chơi với anh một ngày một đêm cũng đã thoa? cái tình. Xin anh cho tôi kiếu tôi về thăm nhà, sắp đặt việc nhà, rồi có rảnh tôi cũng sẽ tới thăm anh nữa. Thưa anh chị tôi đi về.

Lê: - Sao vậy anh đừng có quên, khi nào thong thả, anh tới thăm vợ chồng mấy tôi với.

Trương: - Thôi vô, vô kẻo nắng.

Trong nhà trầm trồ với nhau:

Đó! Có thấy không, người văn vật chữ nghĩa văn chương người ta thông lắm; nói đâu hẳn hòi, chắc chắn; nói xuôi rót như chảy! Hèn gì thiên hạ hay trượng con nhà học trò, phải lắm chớ! Có thấy có nghe người giỏi mới biết mình dở, mới hay mình dốt.

Bản in C. Guilland et Martinon, Saigon, 1882

Hết