Lời nhà xuất bản
Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô, viết về Kōbō Abe như sau: Kōbō Abe, nhà văn hiện đại Nhật Bản, sinh năm 1924. Đề tài quen thuộc của ông là mối quan hệ ghẻ lạnh giữa cá nhân và xã hội ở xã hội tư bản, trong đó, cá nhân luôn là một thực thể tồn tại đối lập và xa lánh xã hội, hoài nghi xã hội và hoài nghi, phủ nhận ngay cả sự tồn tại của bản thân mình.Tác phẩm Kōbō Abe mang nặng màu sác triết lý, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực với viễn tưởng và hấp dẫn bởi sự phân tích tâm lý tinh tế, sự mổ xẻ tài tình các khía cạnh phức tạp của nội tâm nhân vật và trình bày chúng dưới dạng những hình tượng văn học phong phú, giàu sức thuyết phục. Các tình tiết được miêu tả tưởng chừng nhỏ nhặt, cụ thể, nhưng hàm chứa một ý nghĩa xã hội rộng lớn. Và, qua những bi kịch cá nhân, là các vấn đề xã hội không kém phần quan trọng, bức bách.Những tác phẩm chính:Người đàn bà trên cát (1963),Khuôn mặt người khác (1964),Người hộp (1973) và một số và kịch.Khuôn mặt người khác là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho những đặc điểm các tác phẩm của Kōbō Abe.Nhân vật chính trong Khuôn mặt người khắc - một chủ nhiệm phòng nghiên cứu hóa chất cao phân tử tại một Viện khoa học quan trọng - bị hỏng mắt nặng trong khi thực hiện một thí nghiệm khoa học. Bề ngoài cố giữ vẻ bình thản với khuôn mặt bị hủy hoại, nhưng từ đó trong anh bùng nổ cơn bão của tâm trạng dằn vặt, suy tư dữ dội, luôn đau khổ và mặc cảm, hoài nghi ở thái độ mọi người đối với bộ mặt kỳ dị của mình. Anh nghi ngờ cả sự gần gũi săn sóc của người vợ vẫn chung sống cùng nhau sau khi anh bị tai nạn. Âm thầm và đầy lòng kiên trì bèn bỉ, anh đã nghiên cứu chế tạo thành công bộ mặt nạ hoàn toàn giống mặt người, có khả năng biểu cảm linh hoạt như gương mặt thật. Anh giữ bí mật sự việc và nuôi dưỡng ý định dùng bộ mặt nạ thử thách tình yêu của người vợ.Nhưng, khi sử dụng bộ mặt nạ thay cho khuôn mặt tàn tật của mình, anh kinh hoàng nhận thấy mình đã biến thành một người khác - từ hành động, suy nghĩ, nói năng và cả đến nhu cầu tình cảm, sinh lý... đều bị sự chi phối nghiêm ngặt bởi các tính cách của “khuôn mặt người khác”, các tính cách mà trước đó anh đã định hình cho nó khi xác định mẫu của bộ mặt nạ. Không có mặt nạ, anh còn là anh. Khi mang mặt nạ, anh đã là một người khác hoàn toàn xa lạ với chính mình! Với “khuôn mặt người khác”, anh đã cố tình quyến rũ bằng được vợ mình để rồi khi trở lại là anh, lại vô cùng đau khổ tin chắc rằng nàng đã bị “người khác” ấy làm cho sa ngã. Người vợ, sau khi đến nơi hẹn được bố trí sẵn, đọc hết những dòng ghi chép kinh khủng của anh, đã bỏ ra đi. Lá thư nàng để lại khẳng định một sụ thật chua chát: bộ mặt nạ ấy chính là bộ mặt thật của anh, và bộ mặt anh vẫn có chỉ là mặt nạ mà thôi. Nàng không thể chịu đựng nổi một con người chỉ biết có bản thân mình như anh và phẫn uất thú nhận rằng, nàng đã cố ý đồng tình và im lặng với màn kịch giả dối của anh chỉ vì nhầm hiểu thiên ý của anh - người đạo diễn vở kịch... Tác phẩm kết thúc, khi anh còn lại một mình, vô cùng cô độc và bất lực trong nỗi phẫn uất cùng cực đối với cả xã hội và cuộc sống đang vây quanh mình...Câu chuyện đơn giản nhưng có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi sự sâu sắc đầy trí tuệ xuyên suốt những trang suy tư giàu chất triết lý, được trình bày dưới dạng các trang viết của người chồng “tự thú” với vợ về tất cả sự việc đã diễn ra trong bi kịch cá nhân của mình. Các khía cạnh của tâm hồn con người đã được mổ xẻ cực kỳ tinh tế và phô bầy ở trạng thái sống động tất cả các dạng vẻ phức tạp cửa nó và qua từng nét suy tư của nhân vật, là những vấn đề về cuộc sống tự nhiên và xã hội rộng lớn - những vấn đề khiến người đọc phải suy nghĩ khi đã gấp sách lại.Chúng tôi xuất bản tiếu thuyết “Khuôn mặt người khác” của Kōbō Abe, do Phạm Mạnh Hùng dịch từ bản tiếng Nga, nhằm giới thiệu với bạn đọc một gương mặt văn học Nhật Bản và những vấn đề về con người, về cuộc sống trong một xã hội công nghiệp hiện đại, với mọi sắc thái hiện hữu của nó trong lòng nước Nhật tư bản chủ nghĩa.