Chẳng hiểu tại sao những cái mặt bàn lại có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi. Tôi thường thích đi học sớm để ngồi tẩn mẩn ngắm mặt bàn với vẻ say mệ Đối với tôi, những mặt bàn là một thế giới, một vùng trời học trò chứa đầy những điều bí ẩn và phong phú.

Một vết mực lem dài trên bàn, một dòng chữ khắc nắn nót: "Hạ cuối, buồn ơi…" những chữ ký ngoằn ngoèo, những hình vẽ ngộ nghĩnh và nhăng nhít cho đến những câu thơ học trò diễn tả sự lưu luyến trước khi từ giã thời áo trắng… đều gây cho tôi một cảm giác xúc động đặc biệt. Ngồi ngắm những mặt bàn, tôi có cảm tưởng như tôi đang đọc được, đang nắm bắt được những niềm tâm sự rất hồn nhiên và rất tha thiết của trang lứa tôi – những người đã ngồi đây và đã ra đi, những người đang ngồi đây và sẽ ngồi đây...

Tiết học thứ 5 uể oải, những hồi trống gióng lên. Đám bạn tôi xăng xái cắp cặp chạy ùa ra ngoài cửa lớp với cả sự mừng rỡ: "ê, chè bà Năm không mày?". Thằng Nam đầu đinh khèo tôi, cái đầu nó ngúc ngoắc trông như một quả chôm chôm biết di động. "Thôi, mày về trước đi". Tôi đáp. Thằng Nam đầu đinh cụt hứng vùng vằng bỏ đi. Cái thằng! Con trai gì mà ham ăn quà vặt y như con gái vậy. Tôi để nó đi với sự giận dỗi của nó. Bảo đảm 5 phút sau là nó sẽ quên tôi ngay, mà chỉ còn nhớ về những ly chè đậu ngọt lịm của bà Năm. Còn tôi tôi phải ngồi đây với cái mặt bàn của tôi nữa chứ. Sáng nay tôi đi học trễ nên chưa có thời gian ngắm nghía cái mặt bàn của mình.

Quả thật sự ưu ái dành cho… cái mặt bàn của tôi không phải là thừa. Bên cạnh những vết mực, những chữ viết nhăng nhít quen thuộc, tôi sáng mắt lên khi phát hiện ra ở góc bên phải hiện lên một giòng chữ mềm mại, ẻo lả, chắc là chữ con gái: "Thụy Du". Tim tôi đập rộn rã bởi vì tôi rất yêu bản nhạc Khúc Thụy Dụ Những chiều mưa, nằm một mình trong căn phòng nhỏ, tôi thích mở nhạc để nghe đi nghe lại bản nhạc này: "... Anh là chim bói cá, em là bóng trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ mà muôn trùng chia xa…". Cuốn băng nào của tôi cũng có bài hát này và cuốn băng nào cũng bị nhão vì tôi cứ tua đi tua lại nhiều lần. Cuối cùng tôi nghĩ ra một kế thượng sách là thu một cuốn băng toàn là bài "Khúc Thụy Du". Có lần nhỏ Mai em của tôi phát hiện ra cuốn băng, nó chửi tôi khùng! Từ đó, tôi giấu biệt cuốn băng đi, để nghe một mình.

Hai chữ "Thụy Du" mềm mại ẻo lả cứ ám ảnh tôi mãi. Chắc đó là dòng chữ của người ngồi cùng chỗ tôi học vào ca chiều. Hôm sau tôi đi học thật sớm, mặt bàn cũng chẳng có gì mới. Chỉ có điều hai chữ "Thụy Du" được tô đậm lên bằng mực đen. Tự nhiên tôi có một sự tò mò ghê gớm về người ngồi cùng chỗ. Người đó là ai? Con gái hay con trai? Người đó có yêu bản nhạc Khúc Thụy Du như tôi không? Nát đầu vì những câu hỏi ấy, cuối cùng tôi quyết định phải làm quen với người ấy để giải đáp những thắc mắc của mình. Sau một hồi điều tra, tôi biết lớp học chiều là lớp 12A2 – cũng cùng khối 12 với tôi. Thế là tôi liền viết một bài toán đại số vào một tờ giấy, găm vào hộc bàn kèm theo một lời khẩn cầu khá thống thiết: "Người bạn ngồi cùng chỗ với tôi ơi! Hãy giải dùm tôi bài toán này, nếu bạn có một chút thời gian rảnh! Còn nếu không, tôi cũng gởi đến bạn một lời chào dễ thương vì... bạn là người ngồi cùng chỗ với tôi". Sáng hôm sau, tôi hồi hộp đưa tay vào hộc bàn. Tôi cảm thấy mừng rỡ đến... phát khóc vì tín hiệu của tôi đã được đáp lại. Bài toán được giải đáp kỹ càng với nét chữ ẻo lả và mềm mại. Cái nét chữ của giòng chữ Thụy Du viết trên mặt bàn.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, tôi lại tiếp tục nhờ vả người ngồi cùng bàn chưa biết mặt, khi thì một bài toán, khi thì một bài hóa… Người ngồi cùng bàn vẫn kiên nhẫn giải cho tôi những bài tập một cách kỹ lưỡng và… Chỉ có thế! Không một dòng nào khác về... "lý lịch trích ngang" hoặc "thân thế sự nghiệp" gì cả. Nhờ vả mãi tôi cũng ái ngại, và... điều quan trọng là tôi vẫn chưa giải đáp được gì về những thắc mắc của mình, mà ngược lại nỗi tò mò trong tôi lại càng tăng lên gấp bội.

Thấm thoát, niên học sắp kết thúc. Tôi lo cuống cuồng vì sắp phải... lên đại học và xa rời chỗ ngồi của tôi. Tôi liều mạng viết mấy câu thơ làm quen: "Có những phút mơ màng. Có những giờ cô đơn. Ơi người ngồi cùng chỗ. Có hay không nỗi buồn". Và kèm theo là một lời đề nghị chẳng biết có khiếm nhã hay không: "Tôi luôn luôn ngồi ở quá cà phê Thụy Du từ 4 đến 6 giờ chiều. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy cô đơn, có thể hé đó uống cà phê với tôi". Một ngày, hai ngày, rồi một tuần qua đi, người ngồi cùng chỗ vẫn chẳng thấy xuất hiện mặc cho tôi ngồi đếm từng giọt cà phê lê thê và lặng lẽ. cái mặt bàn thì vẫn y như cũ, chẳng có dấu vết gì mới, tệ hơn nữa, những bài tập của tôi gửi đi không hề có lời giải đáp. Tôi cảm thấy buồn và tự nhủ: "Có lẽ người ngồi cùng chỗ với tôi chỉ muốn là một người bạn không biết mặt chăng?". Nếu trước đây tôi ngồi quán cà phê trong sự náo nức chờ đợi thì bây giờ, tôi lại ngồi quán với một nỗi cô đơn thật sự.

Tất cả mọi chuyện tưởng chừng như đã kết thúc, một cái kết thúc không có hậu. Một buổi chiều sau hai tuần mất liên lạc, tôi đang ngồi gặm nhấm nỗi cô đơn thì một tà áo dài trắng bước vào quán. Chẳng hiểu sao tôi lại linh cảm đúng đấy là người ngồi cùng chỗ qua cái vẻ ẻo lả và rất đỗi mong manh của cô gái ấy. "Thụy Du phải không?" Người con gái quay lại: "Đúng, đó là tên của tôi".

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên từ chiếc loa của quán cà phê lại cất lên giọng hát trầm ấm và đầy rung động của Tuấn Ngọc "…anh là chim bói cá, em là bóng trăng ngà chỉ cách một mặt hồ... " Thụy Du trò chuyện tư nhiên và dễ thương. Chỉ có điều tôi cảm thấy trong cô có một điều gì đó... dường như là một nỗi buồn, một sự tuyệt vọng không thể lý giải được. Suốt đêm hôm đó trong giấc mơ của tôi chứa đầy hình bóng Thụy Dụ Trong tà áo dài trắng, cái vóc mỏng mảnh và đôi mắt đen buồn của cô như nhòa đi bảng lảng, không thực như sương khói vậy...

Rồi cứ mỗi buổi chiều, chúng tôi lại gặp nhau. Tôi chẳng biết mình có yêu không, mà chỉ thấy tâm hồn tôi như rơi vào một trạng thái lửng lơ, kỳ lạ lắm. Một nỗi nhớ như điên như cuồng cứ cào xé tâm hồn tôi. Thụy Du chẳng bao giờ nói về mình. Trước những câu hỏi về chỗ ở, thói quen, sở thích... của tôi, Thụy Du chỉ cười – một cái cười rất buồn. Tôi cảm thấy tò mò nhưng lại không dám đi khám phá bất cứ điều gì liên quan đến Thụy Dụ Vì tôi cảm nhận rằng nếu như thế, tôi sẽ mất Thụy Du mãi mãi. Thụy Du có một cái gì đó mong manh lắm, hư ảo lắm, đến nỗi có những khi ngồi uống cà phê, tôi chỉ muốn đưa tay sờ vào tà áo dài của cô để biết được rằng cô đang hiện hữu thực sự!

Sinh nhật của tôi, tôi ngồi đợi Thụy Du nhưng cô không đến. Bà chủ quán vừa đi đâu về, đưa cho tôi một mẩu giấy chỉ vỏn vẹn hai chữ "Thụy Du". Tôi cảm thấy bàng hoàng và chẳng hiểu mọi chuyện ra làm sao cả.

Hôm sau, tôi viết một mảnh giấy để vào hộc bàn: "Tôi chờ Du rất lâu nhưng Du không đến. Có thể giải thích cho tôi được không?". Thế rồi hôm sau, rồi hôm sau nữa, tôi chẳng nhận được một sự giải thích nào cả. Kinh khủng nhất là những lúc nằm nghe bản nhạc "Khúc Thụy Du" một mình. Nhìn ở đâu tôi cũng thấy Thụy Du, hình ảnh của cô tràn ngập cả trong giấc mơ tôi. Tôi ngơ ngẩn như người mất hồn.

Không chịu nổi tôi quyết định tìm gặp Thụy Du vào lớp ca chiều. Thế nhưng người ngồi cùng chỗ với tôi lại vắng mặt trong lớp. Tôi linh cảm về một điều chẳng lành và cảm thấy tim mình nhói lại. Tan học, tôi chờ gặp người bạn ngồi bên cạnh Thụy Du: "Sao hôm nay Thụy Du không đi học?" Hoa - cô bạn của Thụy Du nhìn tôi: "Anh chưa biết chuyện gì à?". "Chuyện gì?". Trống ngực tôi đập thình thịch. Hoa giải thích: "Thụy Du bị bệnh tim rất nặng. Ba nó đang lo cho nó đi chữa bệnh ở Pháp. Thủ tục sắp xong thì... ". Tôi không còn nghe được gì nữa. Hình ảnh Thụy Du mỏng mảnh và đôi mắt đen rất buồn của cô như chập chờn trước mắt tôi.

Tôi lang thang đạp xe đi, vô tình lại đến quán cà phê cũ - Quán mang tên em. Từng dòng nhạc vẫn rung lên: "... Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới... " Tuấn Ngọc hát rất hay nhưng tôi cảm thấy giọng hát điêu luyện ấy sao quá vô tình... Những người ở xung quanh tôi sao cũng quá vô tình... Thụy Du với dáng vóc bảng lảng, hiện diện ở cõi đời này như không thật. Nhưng... có một điều thật duy nhất là: Tôi đã yêu em và sẽ nhớ em mãi mãi...

Hết