Huế mùa này chắc mưa nhiều. Lan nói với tôi là không có một nơi nào ở trên đất nước này mưa như Huế. Huế mưa mù đất mù trời. Huế mưa ba ngày ba đêm như là một cô gái khóc bởi một mối tình không trọn. Nhưng đó là Huế đầy ắp kỷ niệm của Lan, bởi nó đã xa Huế lắc xa lơ chưa kịp ngoảnh đầu nhìn lại. Huế chan vỡ vào lòng những con đường mà các nhà thơ nhà văn khéo đặt tên : "Đường phượng bay", "Đường áo tím". tôi chạm gặp Huế với cái nhìn khi đi tàu lửa xuyên Việt ra Hà Nội, từ trên đỉnh đầu Hải Vân khi tàu trườn mình leo lên núi, chun qua hầm. Huế khi ấy là màu xanh và sương phủ. tôi nôn nao "ngó" Huế chỉ ở một góc sông hương, là Lăng Cô với những nóc nhà màu đỏ, những con thuyền xuôi mái chèo đang chìm trong cỏ lau cao. Tôi biết Huế như đôi môi chỉ mới vừa chạm vào ly rượu ấy nồng nàn như thế nào ? Mà tại sao tôi lại nhắc đến Huế ? Trong khi thành phố tôi đang sống vào mùa mưa. Mưa ở đây mau chóng, mới đẫm nước đó mà con đường lại khô ran. Huế xa lắc, nhưng cô gái Huế thì đang ở cạnh tôi. Lan đó ! Lan nhỏ nhắn như một con chim nhỏ. Con chim thường thấy được vẽ trên những bức họa Trúc, Lan của các họa sĩ theo trường phái thủy mạc. Cũng như bao cô gái Huế khác, tóc Lan thả dài đến giữa lưng. Mái tóc ấy không đen nhánh, mà mềm mại, và trong ánh nắng mặt trời chiếu rọi, chúng như mây. Đôi khi buồn quá, tôi cứ dụi đầu vào mái tóc ấy để cảm thấy mình đang trôi trên những tầng mây xanh, nhẹ bồng bềnh. Mái tóc của Lan đủ là cảm hứng cho bao nhiêu chàng trai "theo Ngọ về". Nhưng những bước chân "theo Ngọ về" đó đã dừng lại, không bước tới. Ngôi trường nhỏ xíu như là một vết phấn kẻ trên tấm bảng đen. Nhiều khi mỗi lần về nhà, theo xe đò trở lại tôi vẫn bị lộn chỗ dừng xe. Có bao nhiều người đến rồi lại đi. Nhưng với Lan thì đó là ngôi nhà thứ hai, không cần phải thay đổi. Hôm tôi đổi từ Ninh Hà tới trường, thầy Mỹ hiệu trưởng đã giới thiệu với vẻ trịnh trọng : - Đây là cô Lan, hiệu phó kiêm thư ký công đoàn trường. Cô Lan được chúng tôi đặt cho mỹ hiệu là "Công chúa cô đơn". Trời Ninh ích xuôi qua xuôi lại hơn 200 nóc nhà. Một nửa người dân lên rừng trồng bắp, trồng khoai hoặc trồng một thừ gì có thể ăn được. Một nửa khác lại xuống biển bắt sò, lưới cá, giã cào hoặc chặn biển nuôi tôm. Học trò ở đây đến trường bằng đôi chân đất, tiền nộp quỹ học sinh từ đầu năm mãi đến giữa năm các em mới đem tới đóng. Buổi tối ở đây đom đóm lập lòe, lập lòe y hư là soi đường cho những người đi lạc. Ở đây cái đói cái no quyện vào người dân cho nên chẳng ai nghĩ đến trồng hoa. Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi trước sân trường có một khu với biết bao nhiêu là hoa xinh đẹp. Đó chính là tác phẩm của Lan. Trong vườn hoa đó, có những giống hoa như là hoa hồng, hoa bươm bướm, đặc biệt là có hai cây Ngọc Lan cứ mỗi mùa hoa nở tỏa thơm lừng cả một góc trời. Những giáo viên nữ như tụi tôi cứ đợi tới ngày thứ bảy vội vã dạy cho hết tiết, ngoắc xe trên quốc lộ vội về. Ai kẹt chuyện gì vào chiều thứ bảy thì Lan nhận phần, lại vui vẻ nói : "Để mình giúp chọ Tại mình quen rồi, về thành phố cứ lóng ngóng như thế nào đó !". Nụ cười của Lan thật đẹp, thậm chí nụ cười đó vẫn có thể làm nôn nao những người đàn ông chợt gặp. Chiều thứ bảy, Hào phóng xe từ Nha Trang ra đón tôi về. Sau nhiều lần gặp Lan, chính anh cũng thắc mắc : - Cả ngày chủ nhật cô Lan chỉ sống một mình à ? Tôi bật cười : - Nếu anh muốn hai mình thì anh ở lại đi ! Lan chẳng quan tâm đến chuyện chúng tôi. Lan đang tưới những bông hoa trong vườn hoa của trường. Thật ra, tôi không phải là người nhiều chuyện, thích tò mò đến đời tư của kẻ khác. Tôi và Lan ở chung một phòng. Căn phòng đó trước kia chỉ một mình Lan ở, sau vì nhiều giáo viên từ Nha Trang ra dạy, thiếu chỗ nên tôi được ưu tiên ở chung với "Công chúa cô đơn". Năm nay Lan 27 tuổi, bằng tuổi tôi. Trong khi tôi và Hào đã có một thời gian dài tìm hiểu nhau suốt thời gian học sự phạm, về sống với nhau đã ba năm trời và đã có một đứa con trai khá kháu khỉnh. Nghề dạy học thực ra chẳng làm cho ai giàu có, tất nhiên lại càng không thể làm cho tôi giàu có, tuy Hào làm việc cho một công ty lắp ráp điện tử, mọi chi phí trong gia đình đều do anh gánh vác, nhưng cũng chỉ vừa đủ để khỏi phải lo toan như người khác. Nhìn mình, rồi nhìn lại Lan. Cứ nghĩ đến cảnh ngày chủ nhật dài lê thê, Lan sống một mình trong ngôi trường rộng thênh thang, cùng lắm là có thêm bác cai trường già đi ra đi vô ngó xem có bọn trẻ nào ngịch ngợm lẻn vào sân trường phá phách không - là tôi cảm thấy như lòng mình không khỏi lo ngại cho Lan. Đôi khi, tôi lại nói suy nghĩ của mình cho Lan nghe : - Lan nè, hay là mình nói với anh Hào giới thiệu cho Lan một anh chàng nghe. Có tên Lý làm bên Công ty đường, người Bắc, 35 tuổi rồi, cũng đang đơn lẻ như bạn. Lan lắc đầu : - Hà ơi, không phải mình không thể kiếm một anh chàng "dung dăng dung dẻ" đâu. Nhưng mình thích sống một mình. Tôi trố mắt : - Sống một mình ? Lan cười : - Khi nào Hà ở lại Ninh ích với mình một bữa xem sao ? Khi nào Hà đi Huế với mình một chuyến xem sao ? Tôi gật đầu : - Ừ, thì đi. Rồi tôi cũng có cái cớ ở trọn vẹn một ngày chủ nhật với Lan. Ngày chủ nhật tất cả những cánh cửa lớp đều khóa lại, ngày chủ nhật cửa vào trường cũng đóng lại. Nhưng ngày chủ nhật biết bao nhiêu việc cô giáo Lan phải làm, đúng là một ngày bận rộn. Tôi theo chân Lan vào xóm, những con đường đất nhỏ, loanh quanh nối những nhà nhỏ, nhà lớn với nhau. Khói từ những bếp lửa tỏa lên nền trời xanh tạo cho tôi một cảm giác yên bình. Trong thế giới của một làng nhỏ, lâu nay vốn chỉ gặp những cô cậu học trò chân đất, nước da ngăm đen, mái tóc có khi quá dài vì chưa kịp hớt. Trong cặp của các em thường mang theo phần ăn sáng là những củ khoai lang, khoai mì, bắp luộc dành cho giờ ra chơi cũng là điều tôi biết được. Nhưng khi theo chân Lan, tôi lại gặp thế giới những cụ già đang sống một mình. Lan đã dành ngày chủ nhật của mình cho họ. Buổi tối, bên ngọn đèn dầu mờ tỏ. Những con đom đóm từ bên ngoài cứ sà vào như muốn tăng thêm ánh sáng của mình cho đêm Ninh ích. Tôi dựa đầu lên chiếc gối nhỏ lắng nghe tiếng Lan kể, tiếng kể chuyện của Lan trộn lẫn tiếng dế, tiếng ễnh ương kêu từ ngoài xa vọng vào. Lan kể cho tôi nghe những ngày ở Huế của mình và mối tình đẹp của mình. Người con trai tôi không hề biết mặt tên An là bạn học chung lớp sư phạm với Lan. Họ yêu nhau, sẽ chia cho nhau những đói no, hẹn sau khi ra trường hai năm sau sẽ làm đám cưới. Lan nói : - Anh An hiền lắm, nhưng ảnh rất yêu những cụ già và những đứa trẻ mồ côi. Thời thơ ấu của ảnh không lấy gì làm vui vẻ. ảnh phải khổ cực mới bước chân được vào trường sư phạm. Tôi buột miệng hỏi : - Nhưng sao hai người không lấy nhau ? Lan cười : - Anh đang ở Huế. Anh không thể xa Huế. Mỗi năm mình về thăm ảnh một lần. Sau khi không có An, mình chợt hiểu rằng khó lòng yêu được một người nào khác. Tôi như mơ trong giấc ngủ : - Tại sao ?... Cuối cùng thì tôi cũng đã đến Huế với Lan. Tôi tò mò muốn gặp mặt An. Tôi muốn tìm hiểu tại sao sự xa cách vẫn không đẩy dạt Lan về hướng khác ? Tại sao và tại sao Lan có thể sống một mình, niềm vui giữ lại là chăm sóc những luống hoa và lo cho những người già. Huế khép mình bằng những hàng cây che mát những con đường. Lan dắt tôi đi qua những hàng cây Huế, ra ngoại ô, đưa tôi đến một nghĩa trang, phía trong rũ đầy những hàng dương liễu. - Anh An ở đây ! Lan chỉ cho tôi một ngôi mộ sơn màu xanh của cỏ. Trên mộ là những bông hoa mười giờ nở đỏ. Bức chân dung của An trước mộ đang cười. Lan đốt một bó nhang, cắm lên mộ. Lan thì thầm với tôi : -Có một lần ảnh đi dạy bổ túc ở một huyện miền núi. Không may bị tai nạn ô tô... An bỏ mình đi rồi, ảnh để mình lại một mình. Tôi theo Lan rời khỏi nghĩa trang : - Bộ Lan định ở một mình suốt đời sao ? Lan vừa đi vừa bứt những ngọn cỏ : - Sao lại một mình ? An vẫn ở mãi bên mình. Còn mình sẽ làm hững việc còn lại mà An làm chưa kịp.