Lời giới thiệu

Không nơi nương tựa” là câu chuyện thật của chính tác giả, kể về thời thơ ấu bị vùi dập đau thương của mình - một trong những trường hợp hắt hủi và bạo hành trẻ em nghiêm trọng nhất lịch sử bang California, Hoa Kỳ. Em bé Dave Pelzer đã bị chính mẹ ruột bỏ đói và đánh đập tàn nhẫn. Ngườ mẹ luôn nghiện ngập và bất ổn về mặt tinh thần của cậu luôn bày ra những trò không thể đoán trước được, ác độc và gây nguy hiểm đến tính mạng của cậu. Dave phải học cách đối phó với những ngón đòn của người mẹ ruột của chính mình để sống sót vì bà ta đã không còn coi cậu là con trai của mình, mà chỉ là một tên nô lệ; trong mắt bà ta, Dave không phải là một đứa bé, mà là một “con vật”.

Chỗ ngủ của Dave là một chiếc cũi nhỏ và cũ kỹ đặt dưới tầng hầm, còn quần áo của cậu thì rách nát và luôn bốc mùi nồng nặc. Cậu chỉ được mẹ quẳng cho những mẩu thức ăn dư thừa, ôi thiu. Thế giới bên ngoài không hay biết gì về những cơn ác mộng có thật của cậu bé đáng thương ấy. Cậu không có bất kỳ ai để nương tựa, chỉ có những giấc mơ dẫn đường cho cậu tiếp tục sống - giấc mơ về một người nào đó quan tâm đến cậu, yêu thương cậu và gọi cậu là con.

Qua mỗi cuộc chống chọi của cậu bé ấy trong bóng tối cay nghiệt, bạn sẽ thấy như bản thân mình cũng cảm nhận được nỗi đau của cậu, an ủi nỗi cô đơn của cậu và cùng cậu tranh đấu cho sự sống còn. Câu chuyện đầy sức thuyết phục này sẽ giúp chúng ta nhận định rõ hơn về bản chất của nạn bạo hành trẻ em, đồng thời biết rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo nên một điều gì đó khác biệt để chấm dứt thực trạng đau lòng này.

Dave Pelzer được xem là một trong những phát ngôn viên quốc gia làm việc hiệu quả nhất và đáng tin cậy nhất, chuyện hoạt động trong các nhóm hội, tổ chức chuyên nghiệp về dịch vụ nhân quyền. Những thành tích nổi bật của Dave đã nhận được những lời khen tặng từ đích thân cựu Tổng thống Ronald Reagan và George Bush. Năm 1993, Dave được vinh danh là một trong mười Đại diện tiêu biểu nhất của Thanh niên Hoa Kỳ và năm 1994, Dave là công dân duy nhất của nước Mỹ vinh dự được trao tặng giải thưởng Thanh niên tiêu biểu nhất thế giới. Dave còn được chọn làm người rước đuốc trong Thế Vận Hội năm 1996. Dave đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp nhiều người khác thoát khỏi nghịch cảnh.

Dave là tác giả của quyển The Lost Boy - phần hai trong bộ ba tác phẩm của ông, và phần cuối là A Man Named Dave.

Dave sống một cuộc sống bình lặng ở Rancho Mirage, California với vợ, con trai Stephen và chú rùa cưng tên Chuck.

 

Không nơi nương tựa là một quyển sách hấp dẫn và làm xúc động lòng người. Đây là một trong những tựa sách có ý nghĩa trong thời đại chúng ta và là quyển sách nên đọc đối với những ai đang đi tìm bí mật của sức mạnh nội tại”.

- Vicki Binniger

Giám đốc điều hành Hội Cha Mẹ, Trung tâm Điều trị, Can thiệp và Phòng chống Bạo hành Trẻ em California

“Ký ức tuổi thơ của Dave Pelzer là bằng chứng cho sự chiến thắng của ý chí con người. Quyển sách đã lột tả được một cách rõ ràng nhất sự ngược đãi mà cậu bé phải chịu đựng dưới bàn tay của người mẹ và sự bàng quan vô cảm đến khó tin của những người xung quanh trước hoàn cảnh khốn khổ của cậu. Lòng dũng cảm và sự quyết tâm của Pelzer sẽ còn giúp ích rất nhiều cho hàng triệu trẻ em đang phải sống và chịu đựng sự ngược đãi trong thầm lặng”.

- Mark Riley

Liên hiệp Phúc lợi Trẻ em Hoa Kỳ

“Để biết thế nào là sự giày vò về tinh thần lẫn thể xác của bạo hành trẻ em cũng như để biết đứa trẻ ấy quyết chí thế nào để sống sót sau tất cả, hãy đọc quyển sách hết sức cảm động và rất thuyết phục này. Hy vọng rằng quyển sách sẽ giúp chúng ta tập trung vào việc ngăn chặng nạn bạo hành trước khi quá muộn”.

- Anne Cohn Donnelly

Ủy ban Phòng chống Bạo hành Trẻ em Quốc Gia

“Dave Pelzer là người sống sót vĩ đại vì đã chiến thắng quá khứ bị ngược đãi của mình. Câu chuyện của Dave sẽ giúp chúng ta hiểu rằng mỗi năm còn có hàng trăm ngàn đứa trẻ vô tội khác bị tra tấn và đối xử tàn bạo”.

- Glenn A.Goldberg

Cựu Giám đốc điều hành của Cục Chống Bạo hành Trẻ em California

“Khi cầm quyển sách này trong tay, tôi đã không thể buông xuống. Đây là quyển sách hay nhất về đề tài bạo hành trẻ em mà tôi từng được đọc. Khi độc giả đi cùng David qua nỗi sợ hãi, mát mát, bị cô lập, nỗi đâu và cả những cơn giận dữ tột cùng để đến được với niềm tin sau cùng, thì thế giới tối tăm của đứa trẻ bị ngược đãi cũng được phơi bày ra ánh sáng, dù nó từng chứa đựng nhiều nỗi đau. Chúng ta đã nghe thấu được tiếng khóc than của những đứa trẻ bị ngược đãi qua đôi mắt, đôi tay và thân thể của Dave Pelzer. Không nơi nương tựa khiến tôi chỉ muốn ôm chặt lấy những người thân yêu của mình trong tình yêu thương”.

- Valerie Bivens

Nhân viên xã hội Tổ chức Bảo vệ Trẻ em California

Quyển sách này được dành tặng cho con trai Stephen của tôi - đứa con mà cùng với lòng lành của Chúa, đã chỉ cho tôi biết thế nào là tình yêu và hạnh phúc bằng đôi mắt của một đứa trẻ.

Quyển sách này cũng được dành tặng cho các thầy cô giáo cũng như hội đồng giáo vụ của Trường tiểu học Thomas Edison, trong đó có:

Thầy Steven E.Ziegler

Cô Athena Konstan

Thầy Peter Hansen

Cô Joyce Woodworth

Cô Janice Woods

Cô Betty Howell

và cô y tá của trường.

Xin được dành tặng cho tất cả các thầy cô, những người đã can đảm và mạo hiểm cả sự nghiệp của mình trong cái ngày định mệnh ấy, ngày 5 tháng 3 năm 1973.

Các thầy cô đã cứu vớt cuộc đời em.

Lời cảm ơn

Xin gửi lời cảm ơn đến Jack Canfield, đồng tác giả của bộ sách Chicken Soup for the Soul, vì sự tận tụy và tấm lòng bác ái rộng mở của ông. Jack thực sự là một trong số ít những người có thẻ giúp nâng đỡ tâm hồn của rất nhiều người khác, không một chút ngần ngại.

Xin gửi lời cảm ơn đến Nancy Michell và Kim Wiele trong nhóm cộng sự của Canfield, vì sự nhiệt thành và hỗ trợ tận tâm của họ. Chân thành biết ơn các chị.

Xin gửi lời cảm ơn đến Peter Vesgo công tác ở Trung tâm Truyền thông Sức khỏe (HCI), cũng như cảm ơn Christine Belleris, Metthew Diener, Kim Wiess và toàn thể nhóm cộng sự nhiệt thành ở HCI vì sự tận tụy, tính chuyên nghiệp và sự nhã nhặn hàng ngày của họ đã khiến cho công việc xuất bản quyển sách này trở thành một niềm vui thú. Gửi lời cảm ơn rất nhiều đến Irene Xanthos và Lori Golden vì tinh thần làm việc không mệt mỏi. Và gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Bộ phận Thiết kế Mỹ thuận vì sự hăng say và hết mình của các bạn trong công việc.

Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến nữ biên tập viên Marsah Donohoe, người đã dành rất nhiều thời gian để biên tập quyển sách này, giúp mang đến cho độc giả một câu chuyện có nội dung mạch lạc và chính xác dưới cái nhìn của một đứa trẻ.

Xin gửi lời cảm ơn đến Patty Breitman, người làm việc cho Dự án Xuất bản Breitman vì sự đóng góp mang tính khơi nguồn của cô, cùng sự hỗ trợ về tài chính rất chu đáo để giúp tôi xuất bản cuốn sách này.

Xin gửi lời cảm ơn đến Cindy Adams vì sự tin tưởng tuyệt đối mà cô đã dành cho tôi.

Xin gửi lời đặc biệt cảm ơn đến Ric và Don ở khu nhà nghỉ Rio, nơi có căn nhà cũ của gia đình tôi năm xưa, vì đã đem đến cho chúng tôi một không gian hoàn hảo trong suốt quá trình làm cuốn sách này.

Và cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến Phyllis Colleen. Tôi chúc cô luôn được hạnh phúc, an lành.

Lời tác giả

Tên một số nhân vật trong quyển sách này đã được thay đổi để giữ bí mật đời tư của họ. Quyển sách này là phần đầu trong một bộ ba câu chuyện, miêu tả thực trạng bị ngược đãi dưới cái nhìn của một đứa trẻ. Giọng điệu và ngôn ngữ được sử dụng trong quyển sách phản ánh lứa tuổi và cách suy nghĩ của đứa trẻ trong khoảng thời gian đặc biệt đó.

Quyển sách này viết về cuộc sống của nhân vật chính từ năm bốn tuổi đến năm mười hai tuổi.

Phần thứ hai của bộ ba, quyển The Lost Boy, viết về diễn biến tiếp theo về cuộc sống của nhân vật vào khoảng thời gian nhân vật mười hai đến mười tám tuổi.