Đoạn 1

Xin rộng lượng cho những trùng lập ngẫu nhiên

vì truyện này có thật, chỉ riêng tác giả là «giả» mà thôi...

Tôi cạn ly bia, khà một hơi dài, rồi hùng hồn:

- Đã là người, phải biết thăng tiến, biết nắm lấy cơ hội để phát huy những tài năng tiềm tàng đã có hoặc từ những hiểu biết đương thời từ chỗ đang đứng trong cuộc sống của mình...

Hứng vô duyên cắt ngang:

- Thì tui cũng phát từ chỗ đang đứng!

Trên thực tế, «chỗ đang đứng» của Hứng là: Chủ tiệm chả lụa Con Công, nổi tiếng tại Montreal, một thành phố có tiếng làm văn hóa và chơi văn hóa của Canada.

Chuyện bắt đầu từ việc: Hứng muốn thăng tiến!... Nhưng không phải từ chả lụa Con Công tiến lên Con Rồng!... Bùi Hứng muốn trở thành ca sĩ.

Dĩ nhiên là tôi thấy không ổn.

- Nhưng... không một mảy may quan hệ phát triển, hoặc phát huy nào giữa chả lụa và ca sĩ!

Anh ta tỉnh bơ:

- Tại sao phải: cần có quan hệ?

Tôi lý luận:

- Từ chủ tiệm chả lụa nổi tiếng ở đây, ông có thể phát huy thế mạnh bằng cách mở một Công nghiệp Sản xuất chả lụa Việt Nam, cung cấp cho toàn thế giới, vì «tiệm» có quan hệ phát triển với «công nghiệp»... như vậy mới đúng sách vở.

Hứng lắc đầu quầy quậy:

- Không, không!... tui muốn phát triển qua hướng nghệ thuật ca hát!

- !!! # @ * #!

- Ông biết không, làm chả lụa cho ngon đã khó, huống gì nổi tiếng cả thành phố... đâu phải dễ, nhưng: tôi đã làm được, đúng không?

- Ờ...

- Làm ca hát cũng vậy!

- Nhưng «làm» chuyện ca hát không giống như «làm» chuyện chả lụa!

- Ậy!... cứ như cao cả! Từ xưa tới giờ ông thấy... mấy ca sĩ nổi tiếng có ai từ trường lớp nhà nghề, am tường âm nhạc rành rẽ không? Cô nào cũng: «ơ! ơ! em thích hát từ lúc mới mặc quần... », «Ơ! ơ! em mê nhạc từ ngày hết mang tả... », «Ơ! ơ! em tự học nhạc lúc lên 5 (?)», hoặc «Em thọ giáo ông thầy tí tèo nào đó» (mặc dù chỉ đóng tiền học có một tháng rồi bỏ đi lượn lờ với bồ!) hoặc: «Em có năng khiếu từ lúc còn trong bụng mẹ, trong ống khuyển của cha». Mẹ! đại khái là đánh võ lâm hết!

- Thì ít nhất cũng phải có khiếu!

- Sao cha biết tui không có khiếu?

- Ừa! mà không! Nghệ thuật cần những thiên phú bẫm sinh...

- Thôi cha ơi, cứ mờ mắt người ta bằng mấy câu xưa rích! làm sao cha biết cái bẩm sinh của tui ngắn dài ra sao? Không thử sao biết mình.

- Nhưng là năng khiếu của nghệ thuật, không phải của chả lụa, chả quế, chả chiên.

- Lúc sinh ra tui có nằm trên đòn chả lụa đâu, đó chỉ là chuyện sinh sống!

- Không chỉ là sinh sống, mà còn gọi là hướng phát của thân ông! là số... là mạng của ông.

- Mẹ! ông cứ bày vẻ... hát hò, hát hỏng đối với tôi cũng như làm chả lụa thôi, cứ làm tới là được.

Tôi bắt đầu mệt với kiểu lý luận cuội của Hứng, nên phang một câu:

- Năng khiếu rất tùy thuộc vào «gen» di truyền!

- Úi xì! tưởng gì! thằng này cũng có «gen» di truyền từ đời ông già vậy!

- Hồi đó ổng làm gì?

- Thợ mộc!

-... !

- Sao? Thợ mộc thì di truyền cái «dzăn nghệ» gì cho ông?

- Thợ mộc cũng dùi, cũng đục, cũng gỏ, cũng nhịp vậy cha!

Tôi phì cười trước cái so sánh ngang xương của anh.

- Còn tui, dân đánh cá... đêm trăng trên biển, cùng nhau nhịp nhàng kéo lưới, cũng hò cũng hố, có thơ mộng không? Có phải là «dzăn nghệ lao động», «dzăn nghệ dân gian» không? Ngày xưa mấy em Thượng giã gạo, mấy em thôn nữ tát nước phèn mệt quá, nên nổi cơn hò hát, thậm chí mấy cu chăn trâu thổi sáo vớ vẫn... vậy mà thiên hạ khen hay, thì chuyện thợ mộc gõ nhịp, hay chủ tiệm chả lụa hát sao lại chê? Cứ hát là được, cứ tới là ngon!

Hứng nâng ly bia, thì thầm:

- Thằng này trời sinh, trời cho... hồi nhỏ đi học cũng có năng khiếu, từng hát rồi... có gì là khó!

- Hát gì?

- Thì... thì... hát quốc ca! Lâu lâu cũng làm mấy bài ru con nhỏ em ở nhà ngủ! đó có phải là mầm mống văn nghệ không?

Tôi ngậm tăm, Hứng cụng ly:

- Thôi... vô cái đi, dẹp mấy cái lý luận của cha đi!

Hứng ôm vai tôi.

- Bán chả lụa có bia uống! Cứ ôm mấy bó lý luận như anh... nghẽo hoài.

Hứng quay qua:

- Bà chủ, mở Karaoke lên!

Anh đứng dậy.

- Ông ngồi uống tự nhiên, hôm nay tui đãi, nghe thằng này hát!

Tôi lật đật gọi thêm két bia.

- Uống từ từ, bia còn mà!

- Tui phải say lè lẹ trước khi ông hát!

- Vậy lấy ai vỗ tay cha?

Bà chủ lăng xăng mở máy. Hứng lên bục, mặt mày sung sướng như bước vô vườn địa đàng, anh ta làm ngay một bài, loại mới sáng tác bên Mỹ, nhạc theo đường nhạc, lời như bùa chú tiên tri, tiếng Việt lơ lớ như tiếng Miên... đã vậy anh chàng còn học ở đâu cái giọng nghẹt mũi, nức nở trong cuống họng như người bệnh suyễn kinh niên. Tôi ngồi ôm ly bia cười.

- Ê! sao không vỗ tay mà cười hoài?

- Tay cầm ly sao vỗ được... nhưng... hay! hay! cứ hát đi, thế nào cũng tới mà, nhưng bớt phun nước miếng lại!

- Mẹ, diễn tả thì phải như vậy mới có hồn!

Tôi làm thinh, vui vầy với đống bia trước mặt.

Tôi với Hứng không phải là bạn bè chí cốt , tôi chỉ quen mấy năm nay. Lúc đó Karaoke mới thịnh hành, có nhà hàng mở cuộc thi, tôi được mời làm giám khảo cùng với một cô ca sĩ. Sau ba cái cuối tuần, tới đêm Chung Kết tôi cho kết quả, bà chủ nhà hàng coi danh sách, lắc đầu:

- Ậy, không được rồi!

- Sao bà?

- Cái ông số 20 đâu?

- 20 nào?

- Ông mặc áo vét trắng đó!

- À... a... a... à! cái ông vừa hát vừa nhảy hả!

- Ừa!

- Tui loại từ đầu rồi!

- Chết!... Ông biết không... ?

Bà chủ nhà hàng xuống giọng:

- Ổng là người cho chả lụa mỗi lần thi, xưa giờ ông đều trả bốn năm chai X.O. mỗi tối cuối tuần, ông ta là khách thân, khách xộp, rớt làtiêu.

- Nhưng chả hát không được.

- Có sao?

- Hát bài «Lòng Mẹ» mà ổng nhảy «cha cha cha», hổng sao hả?

- Sao đâu! ở đây người ta dễ dãi lắm, cho ổng hạng nhì đi!

Tôi chưng hửng:

- Hạng nhì... ?

- Ừa!

Tôi nghẹt thở:

- Còn hạng nhất?

- Ông số 17, ông ta là người tặng 100 cái «bu-gi» hảo hạng và thay nhớt miễn phí sáu tháng cho ai trúng giải trong cuộc thi này. Chả cũng là khách xộp, đêm nào cũng kéo cả chục két bia, rớt là tiêu!

- Hạng ba?

- Số 9! Chủ nhà quàn, ông ta cho quàn không trong ba ngày, mọi thứ đầy đủ... Ở đây tiền ma chay hao lắm. Lần nào tới đây cũng ăn uống cả ngàn... Ổng mà không đậu... , tiêu!

Tôi làm bộ ngớ ngẫn:

- Tiêu! tiêu gì?

- Thì nhà hàng này sống nhờ khách quen, khách xộp! mấy ổng rớt, nổi giận không tới nữa... thì tui tiêu!

Tôi thở dài:

- Nếu tôi tuyên bố cho mấy ổng ăn «giải» thì tui cũng tiêu! Bây giờ bà muốn sao?

Bà chủ nhà hàng cười:

- Thì phải cho mấy ổng được «giải»!

- Như vậy những người tôi chấm coi như không có giải?

- Tức nhiên rồi, năm khi mười họa họ mới ghé, uống chừng chai bia, ngồi suốt đêm, sao tui sống được!

Tôi tự ái:

- Vậy bà nhờ tui chấm giải làm gì?

- Ậy, chơi mà, có gì là quan trọng đâu... đâu phải giải «Grammy» mà sợ!

Cô ca sĩ bạn đứng dậy. Tôi đứng dậy:

- Vậy thôi! Bà cứ tuyên bố đây là giải của nhà hàng, tôi vô can!

Tôi bỏ về, tất nhiên Hứng được giải Nhì.

Cuối tuần đó Hứng mở tiệc lớn mừng «cái giải Nhì». Không biết ai chỉ, anh ta tìm ra địa chỉ tôi và gởi giấy mời, gặp lúc thất nghiệp, thì giờ dư cả đống, tôi tới dự.

Hứng tiếp tôi như thượng khách, chắc anh ta nghĩ rằng tôi là người chấm «cái giải Nhì» mà anh đang ăn mừng, tôi cũng khôn hồn, nín thinh. Sau đó anh hay gọi tôi nhậu nhẹt và hay hỏi han về «chuyện nghệ thuật», vì trước đây tôi có viết ít bài trong mục «ca hát» của một tạp chí khá nổi tiếng tại thành phố này.

Hứng giàu có, dư tiền, thích nhậu, thích hát và hát dở.

Tôi thất nghiệp, không có gì làm và cũng không làm được gì, thích nhậu và nhậu hay.

Vậy là hai người trở thành bạn.

Từ «Ca Sĩ Giải Nhì Karaoke», Hứng bắt đầu sôi sục cái máu trở thành ca sĩ thực thụ.

Tình.

Tình là tên cúng cơm của vợ Hứng.

Chị ta có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai... (trích Thị Nở... , trang đầu... , dòng đầu... ). Thật ra thì chị Tình hơn Thị Nở ở chỗ: Chị Tình biết nhảy đầm, Thị Nở thì không.

Trong lúc Hứng hăm hở trở thành ca sĩ, thì Tình nhảy xổ vô chuyện nhảy đầm.

- Úi! tưởng gì, người ta nhảy được, mình nhảy được, có gì ghê gớm.

- Nhưng phải biết nghe nhạc, biết nhịp, biết điệu!

- Thì học! khó gì! tui biết nghe nhạc từ nhỏ tới lớn mờ!

- Nhạc gì?

- Thì lúc nhỏ ở miền Trung hay nghe Hô Thai, Tết tới thì nghe Bài Chòi...

- Mấy cái đó không nhảy được, phải là tân nhạc mới hợp.

-... !

- Ngoài ra còn phải học bước đi, tướng đi.

- Anh làm như thi hoa hậu! Tui thấy người ta nhảy ào ào, có gì đâu. Tui đi ăn đám cưới, có bà thuộc hội này nhóm nọ, mặt mày sần sùi, tướng tá thuộc loại «queen size» ôm ông chồng nhỏ con như chiếc gối nhảy tới nhảy lui như xe tăng CS càn Dinh Độc Lập... rồi sao đâu?

-... !

- Có chị hồi nhỏ bị bồng nách sớm quá, chân đi vòng kiềng như Lucky Luke, nhảy Paso cứ như là lính Khố Đỏ «xung pheng»...

Tình xoay cái thân hơn nửa tạ, nhún vai như Diana:

- Tui cứ nhảy, chết ai? «fun» là được rồi, nhảy đầm chớ đâu phải nhảy dù mà tập, mà tành trịnh trọng! nói là tui làm.

Đúng như thật, Tình nói là Tình làm.

Tháng sau Tình thọ giáo vũ sư được đồn là giỏi nhất thành phố.

Cũng như phong trào Karaoke, lúc đó anh, chị, em ta cả thành phố hăm hở học nhảy đầm. Mỗi cuối tuần tới «dancing» nhậu, tôi chiêm ngưỡng đủ mọi mặt tập tễnh bước ra sàn nhảy... lào xào xưng tụng ăn chơi, nào nhóm thợ Chích, thợ May, thợ Nấu, nhóm Bữa củi, Cưa cây... lòe xòe quần áo mượt mà nhảy tới nhảy lui vui vẻ như phiên chợ làng.

Sau ba tháng tập tành, Tình được «thầy» mang tới vũ trường thực tập, tức nhiên là tôi, Hứng và bia rượu có mặt.

«Thầy» lần lượt nhảy với các trò để dợt cho quen nhịp, quen chân.

«Trò» Tình được «thầy» dìu bản Tango.

Thân hình đẫy đà và đôi chân to như cầu thủ đá banh của Tình bước đùng đùng trên sàn nhảy.

- Chậm lại, chân đừng đưa cao quá... được! được.

-...

- Ưỡn người ra, chân phải dang ra một chút! mạnh tới.

-...

- Nghiêng qua bên trái! đó! đúng rồi.

-...

- Mông đưa cao lên! ừa! ừa! chân phải co lên.

«Rầm!»

Cả hai té xuống sàn sau cú biểu diễn ngoạn mục, Tình nằm trên, «thầy» nằm dưới nhỏ nhắn như con cá cơm phơi khô.

- Sao Tình co chân trật lất vậy? «Thầy» nổi quạu.

- Thì nói sao em làm vậy mà!

- Lúc tập đâu có! khi xuống gối, chân trái cao, chân phải duỗi dài ra, ôm sát vô người tui... , đằng này Tình co chân phải...

«Thầy» thều thào:

- Trúng ngay vô «nó»... muốn tắt thở luôn, ác quá.

- Trời đất!

Tình đưa tay tính xoa bóp cho «thầy»...

- Đừng!

Tình thụt tay lại:

- Thôi có gì để tui đền!

Đôi mắt Tình long lanh liếc ông «thầy» còn tơ, mới có 30 tuổi... Hứng và tôi ngồi trong góc nhậu, không thấy cái liếc dễ sợ đó.

- Về anh!

Tình kéo tay chồng.

- Đợi!

- Khuya rồi!

- Ban nhạc chơi cho anh hát một bài rồi về!

- Vậy hả? chắc không?

- Hứng mà em, anh chi mấy chai cho tụi nó rồi.

Sau 15 phút giải lao, ban nhạc giới thiệu ca sĩ Bùi Hứng, đêm đã khuya «dancing» bớt lao xao, những khuôn mặt rạng rỡ ăn chơi đà thấm mệt.

- Sao không xin hát khúc giữa, giờ này vắng tanh, ai vỗ tay?

- Ậy, anh không biết gì hết, giờ chót ai cũng say, cũng tới hết trơn... hát sao họ cũng nghe hay, dễ nổi tiếng.

Hứng cầm «micro» ư ư? hát, Tình kéo ông «thầy» ra sàn.

Phía trên giọng Hứng nghèn nghẹt như điện thoại chạm giây, phía dưới Tình nhay đầm như võ sĩ Sumo lâm trận, bài tình ca mượt mà bị hai vợ chồng dày xéo nát tan giữa đêm khuya...