Còn một tiếng trước khi thư viện mở cửa, Hảo chuẩn bị để dọn dẹp với bà Celene thì bà xếp kêu vào phòng. Khi vô nàng chỉ thấy có bà Sally là xếp cũ, bây giờ đã lên chức cao hơn, đang ngồi đợi sẵn. Còn bà Patti đang bận rộn chi đó vài phút sau bà mới vộ Nàng cảm thấy bà Sally cũng lúng túng, sượng sùng như nàng. Hai người cùng im lặng. Bà Sally không mời nàng ngồi, mà nàng cũng không dám ngồi, nên cứ đứng lớ ngớ như thế nhìn quanh quẩn mấy cái vách tường. Chừng bà Patti vô, bà đóng cửa lại, mới chỉ cái ghế cho Hảo ngồi, rồi bà vừa ngồi xuống vừa nói ngay:
-Mày có hiểu cái memo bữa hổm là gởi cho mọi người không?
Dĩ nhiên là nàng có hiểu, nhưng nàng lại nghĩ mình không có điều gì phải bận tâm, mình biết việc của mình là làm gì, và đây chỉ là cái memo thuộc loại thỉnh thoảng được đưa ra để nhắc nhở mọi người thôi, nhất là lúc này đang có nhiều người mới vộ Hảo chưa nói gì, thì bà Sally xen vô hỏi:
-Mày có biết có một xe sách để trơ trớ trong phòng hai ngày mà không ai làm gì không?
Hảo trả lời:
-Tôi không biết, tôi nhớ tôi luôn luôn bỏ đồ lên kệ sau khi kiểm sách trả về.
Bà Patti chồm người tới nói lớn:
-Mày phải làm đủ thứ: đóng mở mấy máy điện toán, kiểm sách, bỏ sách lên kệ, nghe phôn, dọn dẹp... chứ không phải chỉ làm những thứ mày thích.
Mỗi tuần, nàng chỉ làm có 15 tiếng. Nàng là part-time pagẹ Thời khóa biểu giờ nào phải làm việc gì, bà Sally đã định sẵn cho nàng khi mới được mướn vộ Nàng cứ theo đó mà làm, chứ có chọn lựa gì đâu. Từ đó đến nay đã 11 tháng rồi. Nàng chưa giải thích thì bà Patti hỏi tiếp:
-Mày có biết là mày phải báo cáo cho tao không, bây giờ tao là xếp trực tiếp của mày?
-Vâng, tôi biết!
-Từ nay mày phải ráng làm nhiều lên! Phải sửa đổi cách làm việc sao cho nhanh hơn. Ngày 15 tháng tới tao sẽ phê chuẩn khả năng làm việc của mày. Mày không muốn có một cái giấy phê xấu phải không?
Hảo biết chắc cầm cái giấy đó đi xin việc sẽ không có ai thèm mướn mình!
Giờ ăn trưa, Hảo ngồi khóc thầm ở sau hè thư viện. Mới qua Mỹ, vì cần tiền cũng phải, vì ham tiền cũng phải, mà nàng đi làm ngay, không học thêm một lớp Anh văn nào nữa. Dù sao với cái mớ tiếng Anh của mình, sinh ngữ chính thời trung học, thì nàng cũng nghe và hiểu được những câu nói bà Patti vừa mắng vào mặt nàng. Nàng thấy mình bị Oan ức mà không đủ tiếng để phân trần. Buồn quá, cái ổ bánh mì kẹp chả trở nên khô khan, khó nuốt! Thật sự mà nói, từ lúc con mẹ Patti lên làm xếp, thì cái phòng để sách rất là bê bối, mất trật tự, người cũ bỏ đi, người mới vô lung tung, đám "subs" lại vô trách nhiệm, đến khi bị la thì đám " regulars" phải nghe. Có phải là bà không có khả năng điều hành chăng? Hảo còn nhận ra là nàng làm cực hơn từ lúc con mẹ Patti lên chức!
*
Kể từ hôm bị kêu vô phòng nghe cảnh cáo, Hảo làm việc cẩn thận hơn, kỹ lưỡng hơn, để bà Patti không có lý do rầy rà nàng nữa. Công việc thì nàng vẫn thích nhưng làm trong cảnh bị chèn ép, canh chừng cũng không thấy hứng thú, thoải mái gì. Cái lương page chỉ có 6.29 đồng một giờ, nhưng nàng mới qua, nghề ngỗng không có, tiếng Anh còn bập bẹ, khả năng chỉ có thế, nàng đâu đã dám đi đâu. Nàng cố tự nhủ thôi cứ ráng, cứ tỉnh bơ đi để kiếm thêm chút tiền gửi về VN, dù sao ở đây còn làm ra tiền, chứ người bên VN có muốn làm cũng không có việc để làm, đang đói bên đó.
Nhật ký, Sat Jan 26, 199...
Thật sự mình không muốn viết về ngày hôm nay, vì mình vẫn còn buồn da diết sau khi bà Patti làm giấy phê xấu cho mình. Tháng trước bả đã cảnh cáo - lúc đó, mình vẫn nghĩ là mình oan - mình chỉ nghĩ bả nói chơi, ai dè bữa nay bả làm thiệt, dù là từ hôm đó mình còn để tâm cố gắng làm quá sức. Bả đẩy tờ giấy tới trước mặt mình, mình đọc lướt qua rồi ký vì mình không còn tâm trí đâu mà đọc kỹ nữa. "Nói tiếng Anh không nghe được", bây giờ ở đâu lại lòi ra cái phê này. Cái giốp này đâu cần phải nói tiếng Anh nhiều. Phần trả lời phôn thì cũng chỉ là cho người hỏi biết mấy giờ thư viện mở cửa, đóng cửa, thế thôi. Hỏi nhiều hơn nữa, Hảo phải chuyển phôn qua cho mấy người thư ký, vì ngoài bổn phận của một người pagẹ Bà Patti này chỉ trông coi mình có hai tháng, bả biết gì mà làm giấy phê mình. Năm tháng trước hồi bà Sally còn làm xếp, bả cho mình cái giấy phê tốt kia mà. Cần cù, làm việc chính xác, thân thiện giúp đỡ mọi người. Bây giờ bà Sally duyệt lại cũng đồng ý những gì bà Patti phê về mình, đó mới là điều làm mình buồn nhất. Cũng cáù mè một lứa mà, mình biết nói với ai. Cuối năm, tết nhất đến nơi mà chẳng vui... Chỉ là một cái giốp nhỏ trả lương tối thiểu như vậy, mà người ta không bằng lòng khả năng làm việc của mình, mình biết làm ăn gì đây?
*
Thấy Hảo buồn, suy nghĩ nhiều - sợ mất giốp - bà Betsy ôm nàng an ủi:
-Thôi cô nhỏ đừng buồn, ta biết cô nhỏ làm chăm chỉ, nhưng làm thư viện ta biết, họ mướn kẻ vô người ra nhiều như vậy, cô nhỏ dễ bị Oan, là chuyện dễ hiểu thôi.
Bà Betsy là một bà lão Mỹ đã già lắm rồi. Bà ở trong một cái apartment gần cạnh; Hảo thấy bà hay vô thư viện. Bà vô gặp người cho đỡ buồn chứ Hảo chẳng thấy bà đọc sách hay làm gì. Hồi đầu Hảo hỏi bà cần gì, bà chỉ cười và bắt đầu hỏi han về thân thế của nàng. Bà nói bà có nghe nói tới nước Việt Nam, có một dạo người ta nhắc hoài trên TV. Từ từ hai người quen biết và mến nhau. Vài lần nàng giúp đưa bà về nhà. Bà bước những bước chậm rì, khó khăn. Nơi bà ở là một căn phòng chật hẹp, hơi bụi bặm, dơ bẩn. Cũng thông cảm, bà Betsy đã 80 tuổi rồi, bà đâu còn khỏe để làm việc nhà thường xuyên như dạo trước nữa. Chắc tài chánh eo hẹp, Hảo đoán có lẽ vì vậy mà bà không mướn người làm tới quét dọn.
Bà ở một mình. Con mèo Rita chẳng giúp được việc nhà. Nó chỉ có thể quanh quẩn bên bà cho có bạn thôi. Có lần bà nói với Hảo, cô nhỏ biết không, con Rita nó cũng già như ta, nó 12 tuổi rồi, bây giờ nó cũng chậm chạp, lơ đãng như ta đây. Hảo nhớ nó thường nằm phơi nắng nơi cửa sổ vào dịp có nắng, và những hôm lạnh nó nằm thu mình trên thành lò sưởi, rõ ràng là một con mèo lười biếng. Lông vàng, đốm trắng, đốm nâu, chẳng mấy xinh. Bà nói nhiều lắm, và chỉ nói về con mèo. Kể là, một bữa trời rét mướt, nghe tiếng kêu meo meo rên rỉ ngoài cửa, bà mới mở cửa ra coi. A, một con mèo đi lạc. Mà cũng có thể chủ cũ của nó khi dọn nhà cố tình không mang nó theo. Nó đói meo; bà bồng nó vào nhà, cho nó ăn, và từ đó nó ở với bà, "làm con nuôi của ta". Chừng đó, Hảo mới biết là bà lão không có bạn. Có lẽ, nàng là người bạn duy nhất của bà, người mà bà có thể tâm sự.
-Cô nhỏ, ta nghĩ là mấy bà xếp ở thư viện UP (University Place) đối xử không phải với cháu... thấy cháu hiền mà đì cháu... để gạt công sức của cháu... Họ không phê cháu lười biếng mà lại phê cháu nói tiếng Mỹ nghe không được. Nhưng cháu nói gì ta đây nghe hiểu hết. Cháu biết không, Chúa sẽ trừng trị họ. Ý của bà, hẳn là lưới trời lồng lộng chạy đâu cho thoát?
Đang buồn mà nàng cũng phải phì cười, không biết chừng nào Chúa sẽ trừng trị bà Patti, bà Sally, nhưng bây giờ họ giống như mấy bà mẹ chồng, mấy bà chị chồng ăn ở sắc với nàng dâu, em dâu là nàng!
*
Một hôm khi Hảo ghé thăm, bà Betsy bất ngờ nghiêm trang nói với Hảo:
-Cô nhỏ, rồi ta sẽ đi... ta không có ai gần gũi, thân thuộc, ta muốn để lại cho cô nhỏ cái tài sản của tạ Cô nhỏ phải giữ gìn nó. Cô nhỏ tử tế với ta quá, xứng đáng nhận quà của ta...
Hiểu ý bà cụ đang nói về chuyện gần đất xa trời, ngày về với Chúa không xa, để cho bà cụ vui, nàng nhanh nhẩu cười nói:
- Được, được, cháu hứa sẽ chăm sóc con mèo của cụ. Nhưng cụ đừng có nói bậy...
Bà Betsy thở phào nhẹ nhõm, và rồi nói một câu khó hiểu:
-Không chỉ là con mèo Rita...
Hảo nhìn quanh căn phòng bé nhỏ của bà Betsy mà cố nín cười. Cái TV trắng đen - loại TV mà cả cái đám người tị nạn mới tới Mỹ cũng chê - cái kệ sách bụi bặm đầy sách về kiến trúc mà nàng có thừa kế thì nàng cũng chẳng buồn giở ra xem, cái tủ đồ cổ, chén bát xưa quắt... , bếp lò nhà bà... , tủ đựng những lon đồ ăn hộp của con Rita - tủ này thì phải giữ cho nó - nàng nghĩ thầm, chắc bà cụ muốn mình gọi tụi Goodwill tới chở đi dùm, bà thật lẩm cẩm, lo toàn những chuyện không đâu!
-Cụ cứ yên tâm!... Bây giờ cháu giúp cụ dọn dẹp lại căn phòng một tí nhé! Cụ cần cháu mua gì ở Safeway không? Người ta vẫn giao sữa cho cụ đều đặn đấy chứ?
Nhưng cụ xem ra không để ý đến lời Hảo nói, cụ nhỏ nhẹ khuyên:
-Chừng đó cô nhỏ đừng có đi làm nữa! Cháu đừng để người ta bắt nạt cháu!
Cụ nói thật hay nói chơi đó cụ? Hảo cười dòn:
-Cụ Betsy à! Cháu không đi làm là cháu đói đó!
Như chợt nhớ ra một điều gì quan trọng hơn cần phải hỏi, bà lão bật hỏi nhanh:
-Hảo, cháu họ gì nhỉ? Dĩ nhiên ta biết cháu là một Vietnamese rồi!
-Nguyễn...
Cuối tháng hai, trời bên ngoài lạnh lắm, thỉnh thoảng tuyết còn rơi xuống đóng thành đá. Đường đi trơn trượt khó khăn, lâu rồi bà cụ không còn chống gậy đi qua thư viện nữa, mà Hảo thì cũng bận rộn đủ thứ. Trời mưa gió, thiên hạ lại vào thư viện nhiều. Không như mùa hè đẹp trời, họ đi ra sông hồ, cũng như học trò nghỉ hè, không soạn bài vở chi cả, nên thư viện vắng khách, ít việc, tụi Hảo dễ thở hơn. Nhưng bây giờ mùa đông, bọn " pages" như Hảo làm tắt quạt luôn. Hảo phải lo giữ cái giốp của mình nên quên bẵng bà cụ.
Rồi một ngày, có một ông Mỹ mặc áo vest, thắt cà vạt chỉnh tề, tay xách một cái cặp dày, đi vào thư viện. Hảo ngơ ngác khi được cho biết ông đi tìm mình...
Sáng hôm sau trên trang nhất của tờ báo The News Tribune ở Tacoma chạy bản tin... Bà Betsy Morrison mất, thọ 82 tuổi, vợ góa của kiến trúc sư nổi tiếng của Tacoma là ông Dan Morrison. Bà lớn lên vào những năm thế giới trải qua cơn khủng hoảng kinh tế 1930's, đời sống khó khăn cùng cực. Nên sau này, bà vẫn giữ một nếp sống cần kiệm, đơn giản, khó ai biết là khi người chồng mất đi, ông đã để lại cho bà nhiều của cải đồ sộ. Dãy chung cư kế thư viện UP mà bà chiếm một phòng, khu cao ốc cho mướn ngay phố thương mại Tacoma, một phần hùn trong cơ sở Tacoma Mall, một đảo nhỏ Ketron nằm trong vịnh Puget Sound (từ Fort Steilacoom ngó qua chừng ba dặm), một hộp đựng đầy những giấy tờ chứng khoán IBM, Boeing, Ford... Của cải đó trị giá 5 triệu Mỹ kim. Tất cả bây giờ được sang tên qua cho Hảo Nguyễn, một người con gái Việt làm giốp xếp sách ở thư viện University Place.
Đó là lý do ông luật sư Stevens một hôm đã đích thân đi vào thư viện hỏi bà Patti về một nhân viên của bà!