"Bảy năm trước, trong cuốn băng video gia đình gửi qua, em là người nói nhiều nhất: Em mong một ngày nào đó anh sẽ về... Em quét dọn giường nằm của anh, để mạ nhìn vào đỡ nhớ anh". Vậy mà bây giờ anh về, hơn mười ngày rồi có thấy mặt em đâu?

Trang vừa lắng nghe Tung nói, vừa cố tình lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Nắng chiều. Qua bến nước xưa, lá hoa về chiều... Một câu hát xa xưa đâu đó thoáng về trong tâm tưởng cộ "Em xin lỗi anh... Hồi đó em luôn nghĩ về anh và ân hận. Chính vì em mà anh ra đi".

- Thì bây giờ cũng không hề khác. Em biết, chính vì em mà anh trở về.

- Muộn quá rồi!

- Ít ra cũng phải gặp nhau để nói rằng đã muộn.

- Nhưng ban ngày thì anh đưa bé Xiu Xiu đi lăng. Đêm thì em đi ca Huế. Chẳng có đêm nào em được nghỉ.

Tung thoáng không bằng lòng:

- Anh tưởng chuyện gì, nếu chỉ vì tiền thù lao hai sô ca Huế,em nghỉ chơi, anh bù cho gấp mười.

Trang mỉm cười, không nói cô đã quen với cái giọng "yêng hùng" của cả mấy anh em Tung. Giọng nói của những người đàn ông luôn luôn muốn thể hiện mình. Hình như họ quan niệm tiền đối với đàn ông bây giờ cứng như sức mạnh cơ bắp đối với những chàng dũng sĩ ngày xưa. Có điều thật ra, các bắp thịt đâu đủ để làm nên chàng dũng sĩ.

Trước đây, Hoành, em Tung, cũng từng nói thế. "Anh không muốn em đi hát. Gia đình anh thừa đủ tiền để lo cho cuộc sống. Anh không quan tâm đến những gì xảy ra trước khi anh đến, nhưng không thể chấp nhận những nghi ngờ sau khi cưới". Trang lặng người. "Em chỉ hát, không làm hại ai cả". "Anh nói không là không. Thật ra khi mình cưới nhau, ba mẹ anh đã miễn cưỡng lắm mới chấp nhận cái nghiệp cầm ca của mạ em". Trang tái nhợt mặt mày. "Mạ tôi có gì đáng cho thiên hạ ruồng rẫy". Hoành không nói, đá mạnh một cái. Chiếc kệ gỗ mun đổ sập. Trang bỏ đi ra hiên. Đến ngưỡng cửa, con chích chòe nhốt trong lồng chợt hót vang... Trang mở cửa lồng thả con chim ra, nó bay chập chững sợ hãi. Trong phòng, bé Rôđa đang khóc...

Năm đó, Rôđa lên bốn. Hoành đặt tên con trong lúc đang mê các mốt xe máy đương thời. Đúng là số phận con bé ra đời để đánh dấu hạnh phúc ngắn ngủi của hai người, ngắn ngủi như thời kỳ chạy Rôđa của một chiếc xe.

Trang đổi tên con khi dọn về nhà ngoại. Bây giờ là bé Tỳ Bà. Trang nuôi con một mình trong căn nhà nhỏ, khu vườn rộng, nằm khuất nẻo trong một góc sau đình làng Lại Thế. Mít và đào trải rộng những tán lá xanh. Trước nhà là chiếc bình phong chè tàu. Cây song thọ đào mùa xuân nở hoa lấm tấm hồng trên những cành gầy guộc.

Giờ đây, Tung đã về. Anh đang ngồi trước mặt Trang trong lúc cô nhìn lảng ra hiên, mắt dừng trên những cành đào đã hết hoa.

"Lâu nay mẹ con em sống ra sao?" - Tung hỏi. Trang cười: "Anh thấy đấy, vẫn như xưa... Dù cho nhà rách, nợ đòi, phong lưu vẫn cứ giữ nòi phong lưu". Tung gật đầu. Trên vách, những cây đàn tỳ bà, đàn nguyệt vẫn nằm đó, y như ngày xưa. Giữa bộ phản đã cũ, mầu gỗ đen bóng, một bộ xâm hường đặt trong cái tô sứ vẽ hình bông cúc. Cách đây mười năm, Tung và Hoành cùng nhau đến đây. Mùa xuân hồi đó hình như nhiều hoa đào hơn, còn mùa thu thì tơ trời cứ bay bay có lúc sà xuống vắt trên những ngọn cây trong vườn. Hai anh em ngồi nghe đàn hoặc đổ xâm hường với mẹ con Trang trên chiếc chõng tre trước hiên. Một cô gái và hai chàng trai, giống như trong truyện cổ tích. Nhưng khác với truyện cổ, Trang đã chọn người em. Hoành có vóc người gầy, tóc tai biếng chải, một dáng vẻ thư sinh lơ đãng, dễ gợi nên trong lòng người phụ nữ cảm giác thương thương muốn chở chẹ Mãi sau, khi đã làm vợ Hoành, Trang mới biết người luôn cần che chở nhưng không bao giờ được chính là mình.

- Đêm đầu tiên về làm dâu, khi em đi đến phòng hoa chúc, mạ đi theo em, sát sau lưng đến nỗi em nghe thấy tiếng thở. Em tự nghĩ bổn phận em là con dâu phải nhường mạ đi trước, nhưng không dám dừng lại, không dám quay lui. Về sau em mới biết: Mạ đạp lên bóng em, để sau này em không ngẩng đầu lên, không thể cứng đầu cứng cổ được...

Tung phì cười: "Em chấp làm gì trò mê tín của bà già. Em thấy đấy, cuối cùng thì em cũng đã ngóc dậy, có ai giữ nổi đâu?".

- Anh biết không, đã có những ngày em cảm thấy căm giận anh. Anh biết em đã chọn sai mà không làm gì để giữ em lại.

- Vì anh biết không ai giữ nổi em. Và cũng vì anh hơi kiêu ngạo nữa. Anh biết rồi thời gian qua và tin rằng chính em sẽ nhận ra. Anh bất chấp thời gian.

- Anh nói ngông đúng giọng Huế anh ạ. Thực ra, trong mười năm anh đã có vợ và Xiu Xiu, trước khi trở lại làm người tự do.

- Anh là một người đàn ông, anh không thể đắp chiếu nằm chờ đến lúc định mệnh xoay đúng một vòng rồi trở lại.

Trang lắc đầu, không nói. Một người đàn ông, nghĩa là luôn tìm được cách để giải thích. Và luôn dễ dàng lầm lẫn lòng háo thắng với tình yêu.

*

Mười một giờ đêm. Sô hát thứ hai đã dứt, thuyền đang nhẹ nhàng áp sát bờ, để lại giữa dòng những chiếc đèn hoa đủ mầu chấp chới như những bàn tay vẫy gọi.

Bài Tương tư khúc đang đến câu cuối, mấy tiếng đàn tranh còn âm âm trong tiếng nước sông rào rạt vỗ mạn thuyền. Nghe tiếng mũi thuyền chạm nhẹ vào bến, ông kỹ sư bụng phệ, bạn của Tung, kêu lên: "Trời ơi! Phải về rồi à? Không, không, có trời chứng giám, tôi cứ ở đây". Rồi ông ngâm nga bằng cái giọng đầy mùi rượu: "Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa... ". Trang đặt đàn xuống khỏi hai vế đã phải ngồi xếp quá lâu dưới vạt áo lụa. "Khuya rồi, chúng em xin từ biệt". Tung nãy giờ ngồi im lặng, không cười đùa, không nói năng, vụt đứng dậy đi ra mũi thuyền, giật phắt cây sào, đẩy thuyền ra khỏi bến. Con đò trùng triền rồi cũng quay ra. Cả nhóm đàn ông trong thuyền reo hò: "Hoan hô, tưởng ông cho bọn này lật úp luôn". "Chìm cả vào sông Hương lúc này, với rượu, trăng, tiếng hát và những người đẹp, kể ra cũng sướng". Ông kỹ sư lại gào lên, đầy vẻ phấn chấn.

Bên cạnh Trang, Lài Hoa lục xách lấy mảnh gương con soi lại, tô một chút son nâu lên môi. Trời đêm heo hắt lạnh: "Trang ơi, cái ông kỹ sư này cứ chen chen vô ngồi bên tau. Lúc nãy, tau phải nói nhỏ: "Thưa anh coi bằng mắt chớ bắt bằng tay", vậy mà ổng cứ lì. Cái ông Việt kiều quen với mi coi bộ vừa ngầu vừa sộp. Nếu có một thằng cha như rứa ngồi bên, tau nhất định sẽ nuốt lốn hắn". "Đừng, nuốt vô sẽ bội thực đó". Hai chị em khúc khích. Bây giờ tiếng đàn, tiếng hát đã lặng, tiếng cụng ly, tiếng cười ran trên sông. Một con đò nhỏ áp sát thuyền đưa lên một lô bánh nậm, bánh bèo còn nóng hổi. Con thuyền bây giờ không ai chèo, mặc tình theo con nước bập bềnh trôi về phía cầu Bạch Hổ. Trang bước ra mũi thuyền, thấy Tung đang nhìn đăm đắm xuống nước. Trên mặt sông, những chiếc đèn hoa, sóng lăn tăn và khói.

- Em thấy không, trời lạnh. Thế mà sông nổi sóng và khói làm anh có cảm giác như thể nước sắp sôi.

- Anh lúc nào cũng thường có những ý nghĩ lạ đời, từ xưa vẫn thế.

Tung quay lại: "Em cứ hoài lẩn tránh anh, nhưng đêm nay, anh gặp lại em rồi" - Chàng cười, xưa nay vẫn thế, tiếng cười nghe như tiếng gằn giọng - "Khách hàng là thượng đế, cho nên mới giữ được em ở đây, giờ này, trên sông này".

- Và chỉ có thế thôi - Trang lạnh lẽo đáp.

Con thuyền trôi êm ru trong sương. Mười năm trước, Tung ít nói, lầm lì, đi đâu cũng đứng một mình, tay đút túi. Bây giờ, sau mười năm giang hồ, anh nói cười, cụng ly, đùa tếu cởi mở mỗi khi giữa đám đông. Lúc còn lại một mình, anh lại như cũ. Bây giờ anh đang nói với Trang, mà như đang nói với chính mình: mắt anh nhìn lên bờ sông, nơi có những lùm cây im lìm, có mái đình Phu Văn Lâu đang ngủ yên dưới trăng. "Hồi đó, một lần đi học về ngang qua đây, một sợi tơ trời thật dài sa xuống. Anh đưa tay nắm lấy một vốc, giữ chặt trong bàn tay và cứ thế đạp xe về định tặng cho em, nhưng khi mở tay ra thì chẳng có gì bên trong cả! Hoàn toàn không! Anh đứng trước ngõ nhà em, sững sờ! Bây giờ, ở Huế, còn có tơ trời sa xuống không?".

Trang lắc đầu. "Lâu lắm, em không còn thấy nữa. Cả những dây tơ hồng thường vấn vít trên ngọn chè tàu, cả những bình bát trong vườn, không hiểu chúng đã đi đâu?".

Tung bật cười: "Cùng với El Nino, sẽ còn vô khối thứ đi vào dĩ vãng nữa. Chỉ xin trả lại cho anh một sợi tơ trời. Anh sẽ buộc em lại bằng một sợi hư không, chỉ sợ em sẽ tan biến dù đã nằm ở trong tay".

Trang lặng lẽ. Một giọt nước mắt thập thò trên mị Tung cúi xuống mặt nước, vớt lấy một ngọn đèn hoa mầu hồng ướt sũng. Lúc anh cúi xuống, vai anh chạm phớt vào má Trang. Một cảm giác tràn trề như sóng.

Chợt trong khoang thuyền ai nói gì đấy, tiếng cười, tiếng đùa giỡn lại ran lên. Ông kỹ sư đang lè nhè: "Lài Hoa ơi, cứ vui đi, sao mặt em đẹp vậy mà cứ rầu rầu làm vậy?". "Khuya quá rồi anh ơi, chồng em đang đợi trên bến đón em về". "Chuyện vặt. Cứ vui đi, cứ nhớ đến chồng không ai cấm, đem về cho anh ấy vài ba lon bia là được rồi. Còn bây giờ thì... ". Tiếng Lài Hoa cười như ré lên. Tung đứng thẳng dậy quay đầu nhìn vào khoang. Một lúc, anh cười nửa miệng:

- Người ta bảo sông Hương có thủy quái. Thật ra, sông Hương có thủy quái không?

Trang quay phắt lại. Con thuyền chợt từ mộng đi vào cõi thực. Cô nhìn sững vào Tung. Những giọt trăng trong mắt cô bốc cháy:

- Mọi dòng sông đều có thủy quái và có thần tiên.

Tung biết mình lỡ lời. Anh đã chạm vào sự kiêu hãnh vốn là cố tật của nàng. Những giọt trăng nóng hổi, ứa ra trong mắt, vỡ tan.

*

Bé Tỳ Bà ôm đàn, mắt ríu lại, bắt đầu ngủ gật. Trang dẫn con đi ngủ rồi ra sân ngồi lại dưới gốc đào. Gõ nhẹ nhịp phách, gượng nhẹ tiếng hát: Duyên thắm duyên càng đượm, vì giống đa tình, thêm nhiều ngày, mặn nồng càng xinh... Bà Minh từ trong nhà bước ra hiên, đứng nhìn con. "Mạ không ngủ?". "Trăng sáng quá, mạ ưng thức thêm một chút. Ngày xưa, gặp lúc rằm... ". Bà bắt đầu, "Ngày xưa". Cái điệp khúc vô tận của một người đàn bà đẹp và tài hoa nay đã héo tàn. "Trong lòng con không vui phải không? Mạ nghe giọng con ca cứ não nề. Ngày xưa khi thầy của mẹ dạy bài Cổ Bản này, nhất thiết không cho rời rã giọng hát, kéo nhão những chỗ luyến láy. Đây là bài ca hơi Bắc, giọng phải rõ, tươi, đằm thắm. Tiếng ca là tiếng trong tâm mình, lòng con không vui sao có thể gượng vuỉ!". Trang lặng thầm nắm bàn tay gầy guộc trắng xanh của mẹ. Ngày còn trẻ, mẹ thường hát những bài hơi Nam, âm hưởng Chiêm Thành xót xạ Cánh chim hồng nhạn bay ngang núi Bình San... Cả đời mẹ cứ nhìn bao nhiêu cánh chim bay qua, bay quạ Sao mẹ không bay theo một cánh chim ngang tàng nào đó?". "Vì chẳng có cái tổ nào vừa cho mạ. Cuối cùng mạ nhận ra mình chỉ gắn bó với một điều: những bài cạ Mạ học ca khi mười ba tuổi. Nhà thầy ở cách nhà ông nội đến hai cây số. Biết mạ lén ông đi học nên thầy sợ mang tiếng, đuổi đi không dạy. Mạ quyết năn nỉ học cho được, lại có giọng tốt khác thường, thầy tiếc tài đành phải dạy. Nhiều lần đi bộ xa đau chân, chểnh mảng, hát sai thầy quất cho một roi mây đau trối chết. Thầy không vợ, không con, ông ngoại nghi ngờ con gái bị bỏ bùa. Ông không biết thầy là cha thứ hai của mạ: mê đàn, mê hát, nói thực lòng có lúc mạ mê cả thầy, nhưng nghĩa thầy trò trọng như cha con, không thể loạn luân. Về sau ông ngoại bắt mạ gả đi xạ Mạ trốn khỏi nhà chồng, từ đó không quay về nhà, cũng không gặp thầy nữa. Nhưng mạ không bỏ những bài ca, những bài ca nhận được từ cả tình yêu lẫn roi vọt".

Bây giờ, Trang học với mạ, không bị quất roi, nhưng mạ rất khó tính. Nghệ thuật cũng như tình yêu, phải khó khăn, không chấp nhận sự dễ dãi. Lài Hoa có lần bảo Trang: "Bây giờ người sành đâu có mấy, khách du lịch họ chỉ tới nghe cho biết của lạ xứ Huế ra sao. Tau chỉ cần thuộc hai bài, ca lui ca tới là đủ. Mỗi người khách chỉ đến một lần, dù mình có học tới ngàn bài, họ có biết mô tê gì đâu? Cứ vẽ mắt cho ướt, thoa son cho ấn tượng, nâng ngực cho căng, rồi khăn vành áo thụng vào là xong tuốt!". Mạ dạy Trang hát không thế. "Ca Huế là phải tươi tắn mà chững chạc, trang nhã mà nồng nàn. Đa tình mà không đa dâm... Nếu không được vậy, không mở miệng cất lời". Bên tai Trang vang lên tiếng cười rúc rúc của Lài Hoa: "Sư tỉ ơi, sư tỉ giảng đạo xong chưa? Ông Việt kiều của sư tỉ có biết gì đến những giáo điều cao siêu đó không, hay chỉ là đi dạo chợ mua người? Này người đời ít cơ hội lắm, gặp dịp thì nắm lấy đi, sợ chi mà thụt tới thụt lui... ". Trang bất giác thở dài.

Bà Minh vỗ về lưng con: "Thằng Tung nói chi với con? Năm sáu đêm rồi, đêm mô hắn cũng xuống thuyền".

- Mạ nhớ câu thơ ngày xưa thường ngâm không? Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa.

- Biết vậy, nhưng lẽ nào thuyền đi hoài không dừng lại?

Sông trôi về biển, là sông mất. Nhưng sông không chảy thì còn gì là sông? Trang bất giác rùng mình.

- Mạ Ơi, hôm qua bà nội Rôđa lại tới đây phải không?

- Ừ.

- Nói chi, mạ?

- Cũng như mấy lần trước.

Trang nhớ tới đêm động phòng năm xưa với những bước chân đạp trên bóng mình. Năm tháng qua, bà đã già đi nhiều nhưng cái miệng vẫn đanh nét khắc nghiệt. "Chị Trang, tôi đã vất vả lắm mới giành lại được thằng Hoành từ tay chị, nay thằng Tung là anh chồng của chị, chị cặp với ai thì cặp, chị chừa nó ra cho tôi". Trang nghẹn lời. Ngoài kia cửa sổ, trời xanh ngắt, một con diều màu tím biếc đang bay, hai dải đuôi mềm mại uốn lượn trong không gian. Trang thèm được bay lên theo cánh diều. Bà ơi! Chính con cũng đã vất vả lắm mới tháo mình ra khỏi thế giới của bà, cái thế giới trong căn nhà vững chãi có mái hiên xây vòm cuốn, những sập gụ tràng kỷ hoa hòe, những tên tây ta lẫn lộn, những lời xầm xì bóng gió xoi móc. Thế giới nhỏ mọn trong đó sự keo bẩn trộn lẫn với phô trương, óc hãnh tiến pha với chất kiêu căng quý tộc nửa mùa. Bà yên tâm đi, con chỉ muốn làm cánh diều bay tự do ngoài kia!

*

Taxi dừng và đứng đợi. Tung đi vào. Trang lúng túng gạt những thỏi son vào hộp trang điểm. Cô đang chuẩn bị cho sô diễn buổi tối. Tung nhìn đồng hồ: mới ba giờ chiều.

"Em chuẩn bị sớm thế sao?"

Trang gật đầu. "Nói dối, em luôn luôn nói dối. Anh không tin một người như em lại coi trọng tiền thù lao đêm hát đến nỗi không dành được cho anh vài giờ trước khi anh đi".

Trang ngẩng lên. Tung đang ở rất gần. Mặt anh sát mặt cô: đôi mắt sâu, có ánh lửa. Cái mũi thô và những sợi ria mép cứng cỏi. Rất gần. Một người đàn ông và những hứa hẹn yêu thương. Gần gũi quá. Như bóng của hạnh phúc. Mắt Trang ẩm ướt, cô nói trong im lặng: Anh lầm. Em không dối anh, em đang tìm cách dối em. Chỉ vì em không vượt nổi một ám ảnh: hình như em sinh ra không phải để hưởng hạnh phúc.

- Anh đi, em không tiễn anh được, cũng chẳng có quà gì cho anh.

- Nếu em đã áy náy thế thì nằm vào cái vali này, anh xách đi luôn.

Tung đùa. "Cái vali của anh bây giờ trống không, tụi em út và mẹ anh đã moi sạch đến cả quần áo. Bây giờ cả nhà đang cùng với Xiu Xiu đứng ở phi trường để tiễn đưa". Tung vừa nói vừa cười, còn Trang thì chới với đưa mắt nhìn một cánh diều nào đó.

"Để rồi xem, em còn kiêu ngạo với anh được bao lâu?". Tung đột ngột nâng cằm Trang lên, nhìn vào mắt cộ "Một ngày kia, em sẽ biết rằng anh cũng kiêu ngạo chẳng thua gì em đâu. Hãy đợi đấy!".

Trang bướng bỉnh:

- Anh sẽ chẳng có đủ kiên trì để bắt em đợi.

- Có, anh có - Tung gằn giọng. Rồi anh quay đi, dứt khoát, không ngoái lại.

Trang vào nhà. Ngả mình xuống giường, hiện nguyên hình: một người đàn bà cô đơn, tủi thân, nức nở òa khóc. Bà Minh bước vào, ngồi bên con. "Con khóc là thương người tạ Đã thương thì phải nhất quyết, bất chấp, liều mạng nữa, mới thành". Trang ôm mạ. Mạ Ơi con rất muốn. Con không sợ đạp bóng lần nữa. Nhưng sao con không thể tin chắc vào bất cứ điều gì, trừ những bài ca.

Trang ơi! Mi sẽ chẳng là gì cả, nếu tách rời dòng sông và tiếng hát.

Đêm xuống, con đò từ từ ra giữa dòng. Tiếng đàn, tiếng sênh phách rộn rã trong khoang. Một câu hò ngân nga chầm chậm, đủng đỉnh lan dài trong đêm sương. Hơ... Ơ... Giữa sông Hương dậy sóng khuynh thành. Nửa đêm một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng... Trang lẳng lặng ra đầu thuyền nhìn sông nước. Tiếng Lài Hoa đỏng đảnh: "Trang ơi! Không đàn, không hát, không ngửa nghiêng, tối nay chị xuống thuyền mà làm gì?".

Trang không trả lời. Trăng và sông không trả lời. Cầm lấy một chiếc đèn, Trang thắp lên rồi thả nhẹ. Gió đang thổi, ngọn lửa lan vào cánh hoa, cháy tận tình trước khi tiêu tan trong gió và nước, để lại những ánh tàn rực rỡ. Cháy tới cùng.

Tung đi rồi, bây giờ tôi âm thầm cháy một mình.

Anh hãy đi.

Số phận tôi là ở đây, để giữ lấy dĩ vãng.

Trời lạnh, nước lạnh, khói bay nhòa trên sông. Trang cúi nhìn đăm đăm, bỗng nhớ lời Tung nói: lạnh thế mà sao mặt nước lại đầy khói.

Chắc hẳn phải có cái gì đấy nóng bỏng dưới lòng sông.

Hết