Khu xóm nghèo. Dân cư toàn là Mỹ đen, Việt Nam, Miên, Lào. Nhà nào cũng bí bầu, bụi sả, bụi húng, rau thơm, quế, hành, tỏi...khắp cùng ngõ trước sân sau. Áo quần giăng dây phơi ngoài trời. Trong nhà nhạc mở lớn, tân nhạc, cải lương. Phim bộ. Con nít khóc. Con nít chơi đùa cười giỡn. Cửa trước mở toang. Những âm thanh này vọng hết ra ngoài đường.

Chàng đang đi học toàn thời gian và làm bán thời gian. Nàng còn học lớp ESL. Chàng bận, còn nàng rảnh vì chỉ có một lớp. Vợ chồng nghèo, ở nhà Housing dành cho người không có lợi tức hay lợi tức thấp.

Mùa hè, ăn cơm sớm để hà tiện tiền điện. Buổi tối, nàng làm cookies. Bắt đầu với trứng, bột, đường. Đọc báo ở đâu, chàng nói mua cookies làm sẵn để đông lạnh ở chợ đem về nướng lại rẻ hơn. Chàng thường nói, kiếm được 20 đồng bạc chảy máu con mắt, dễ gì có 20 đồng, ở bển không có mà ăn, mình phải ăn uống dè sẻn lại, giảm tiền chợ. Nàng bực mình nghĩ thầm, nhà ít ăn thịt, cứ rau rán, mì hộp, mì xào, bảo đừng ăn nữa, có phải hơn không?

Mua áo sale, đại hạ giá, chàng cũng tiếc. Người ta gửi giấy tới nhà xin đồ cũ cho mấy hội từ thiện, như hội của người bị bệnh tê liệt, nàng bỏ ra, chàng cất lại. Không dám đi đâu. Nhà ai có đám cưới, đám ma, cũng phải giả bận, giả vờ đi chơi xa, để khỏi quà cáp, phúng điếu, tốn tiền. Nàng chua chát, nghĩ bậy, không chừng đám ma mình, cũng không ai thèm tới.

Nàng muốn gọi phôn longđistance nói chuyện với vài con bạn ở xa, than thở đời sống xứ này, cho xả hơi, chàng đi ra đi vào sốt ruột, nàng chỉ hỏi thăm vài phút là phải cúp. Có lần nàng lì ra cứ nói rồi sau đó chờ chàng la. Nhưng lần đó, chàng sợ nàng khóc nên chàng không dám la.

Đời sống buồn tẻ, nàng cô đơn. Nàng nhớ nhà. Nhớ cha mẹ, anh chị em. Nhớ thời con gái đi học. Nhớ những cây vú sữa sau nhà. Nhớ nằm trên võng đọc truyện vào những trưa hè thời xa lắc.

Lấy nhau đã ba năm. Nàng mong có con cho nàng đỡ buồn. Chứ không nghĩ đến những trở ngại tài chánh khác. Chàng la:

− Con với cái gì! Bộ em không thấy sao? Học hành chưa xong. Lo thân mình chưa nổi, ở đó còn con! Em chẳng thực tế chút nào?

Rồi chợt thấy là mình đã quá lớn tiếng với nàng, chàng liền đổi giọng:

− Chưa được đâu, em! Em buồn để anh mua cho em chim nhồng để nó hót cho em có bạn. Lại dễ nuôi hơn chó mèo. Đợi anh ra trường, thì muốn gì hãy muốn.

Tuần này là tuần thi. Chàng bận túi bụi với chồng sách cao ngất. Chàng dặn, đừng làm phiền anh. Nàng nghĩ bụng có khi nào nàng muốn làm phiền chàng?

Nhìn đồng hồ đoán chàng sắp về, nàng vội vã nấu cơm cho chàng ăn. Có canh bí đao, gà xào sả gừng. Cơm canh, ăn nóng cho ngon.

Chàng bước vào nhà. Chàng nói ngay chỉ muốn ngủ một chút. Chàng dặn:

− 3 giờ kêu anh dậy.

− Anh không đói à? Em có nấu sẵn cơm, canh nóng rồi.

Thấy chàng ngủ say, nàng không muốn đánh thức chàng dậy. Chừng đánh thức chàng dậy rồi, chàng cằn nhằn, sao nàng chẳng đánh thức chàng sớm hơn.

− Để em hâm lại thức ăn.

− Làm cho anh cái sandwich. Không kịp. Tiếng chàng vọng ra từ phòng tắm... Rồi chàng chụp vội cái túi bánh mì từ trên tay nàng, rồi chàng ôm cặp phóng ra cửa.

Chàng đi rồi, nàng ngồi khóc hu hu. Khóc cho đã. Khóc thả cửa. Nàng cũng không muốn ngồi ăn một mình...Rồi mâm cơm cứ thế mà càng nguội lạnh.

Chàng về. Nàng quên nỗi buồn trước đó, âu yếm hỏi han:

− Làm bài được không anh?

Mặt chàng cạu quọ, chàng xua tay:

− Để anh ngủ một chút. Thức suốt đêm mệt nhoài.

Bao nhiêu lần nàng khóc thầm, không cho chàng biết. Nàng đang buồn đây.

Vượt biên, bị bắt và ở tù tới 5, 6 lần. Ở trong tù, nhà sợ nàng quẫn trí tự tử nên viết thư vào dặn dò úp mở, “bệnh bao tử của con đã có thuốc chữa, cứ chờ, sẽ gởi vô. Chạy chọt, cũng tốn bộn tiền để đưa nàng ra. Những năm sau, không làm gì cố định cả. Buôn bán bậy bạ, học lung tung đủ nghề -may, thêu, uốn tóc, làm bánh -và tìm đường đi nữa. Nàng đã mệt mỏi, tự nhủ, lần này không xong, ở nhà lấy chồng, làm ăn đàng hoàng. Chị Ba cho mượn vàng. Vậy mà đi được. Sau những ngày lênh đênh đói khát trên biển cả, đám người gặp được tàu Mỹ vớt. Mình mẩy ướt mem, mệt lả, nàng bước lên tàu lớn không nổi, một anh thủy thủ to lớn phải bế nàng đưa qua. Một anh khác chụp cho nàng một tấm hình. Sau này, nhìn tấm hình, chàng nói đùa, giống như đóng phim. Mà đời đó, còn bi đát hơn phim! Nàng vượt biên một mình, thân gái dặm trường, ở đảo một thân, cảnh đời sau 75 đủ thứ truân chuyên tưởng chỉ có trong tiểu thuyết, nên bây giờ mà nói chuyện du lịch về VN thấy vô lý quá. Vượt biển 5, 6 bận bán sống bán chết mới thoát được mà giờ hỏi nàng có tính về VN không? Về mà vô trong rậy nữa à? Đi tị nạn cái gì kỳ vậy?

Phần nàng hằng tháng cũng gởi tiền trả lại bà chị đã thương em mà tốt bụng cho mượn vàng vượt biên, cho má nàng chút đỉnh để bà ăn trầu và mua tem viết thư cho nàng. Bà đã già. Chính quyền đã cho người già ra nước ngoài thăm thân nhân. Nàng định bụng nói với chàng để dành tiền mua vé máy bay cho bà đi. Nhưng không chắc bà đã đi được, vì lối này bà yếu lắm, viết thư tay đã run. Vậy mà bà vẫn tự tay viết lấy, rồi nhờ thằng cháu nội đề địa chỉ bên ngoài bì thư và đem đi gửi. Bà gửi cho chàng và nàng, nhưng nội dung thư thì như bà đang thủ thỉ với nàng. Má lo lắng vì con sống lạc lõng nơi xứ người. Má tụng kinh mỗi đêm cho con được bình an, khỏe mạnh. Má nàng sống thành phố đã lâu, từ ngày lập gia đình, bây giờ về sống nhà quê, đêm đêm nghe côn trùng nỉ non khóc, lòng má cũng tái tê khóc. Tiếng gió hú ở bụi tre sau nhà. Má nghe và má viết, má sợ. Chiều xuống với ngọn đèn dầu mờ mờ, má thương con ray rứt. Đến phần tái bút, bà không quên dặn dò chàng:

− Tâm à, con nhớ săn sóc em, em nó còn khờ lắm.

Tội nghiệp, nàng đã trên ba mươi mà bà nào có nhớ.

Chàng ít nói, không hay để lộ tình cảm ra ngoài. Không phải loại hay khen vợ hay nói ngọt với vợ. Chàng không bao giờ mua hoa cho nàng, dù biết là nàng rất thích hoa. Chàng giống anh rể của nàng, lần đầu tiên anh mua hoa là khi vợ anh đẻ đứa con trai, anh vui quá. Chị thấy anh lúng túng với bó hoa hồng và cái thiệp sắp trao cho chị.

Duyên số. Qua Mỹ, gặp nhau ở chỗ xin trợ cấp xã hội. Sau đó chàng và nàng nên nghĩa vợ chồng.

Hết thi cử, chàng rảnh rang. Chàng hỏi:

− Ái, em có muốn anh đưa em đi chơi không?

À, thì ra, chàng cũng còn nhớ là chàng còn có cô vợ!

Trên xe, nàng nhắc về tuổi thơ của nàng sống ở một thành phố. Nàng nói và nói. Cứ như là độc thoại. Chàng không nói gì. Chàng đang nghĩ gì? Nàng không biết.

Không có tiền để đi chơi xa. Thì đi chơi gần. Lakefair. Ăn uống, chơi những trò chơi trẻ con. Cỡi ngựa, bắn súng nước khi nhạc trỗi lên. Chàng nói, để anh cố thắng cho em một con gấu bông, lớn, một con sờ êm êm, màu trắng. Biết chàng xài tiền kỹ lắm -chàng hà tiện dữ lắm -nàng kéo chàng ra và nói:

− Thôi anh! Họ khôn thấy mồ, khó trúng lắm đó!

Nhưng chàng cũng thắng được hai con, một lớn, một nhỏ để cho nàng ôm vào lòng.

Chàng dắt nàng leo lên đi roller coaster. Nàng nắm chặt lấy thành chắn trước ngực. Tóc nàng phất phơ trong gió, mặt nàng xanh lè khi xe lửa xuống dốc. Sợ nhưng vui lắm. Hết khúc quanh, nàng cười toe toét.

Thấy nàng ôm hai con gấu, chàng âu yếm trêu nàng:

− Em con nít quá, Ái ơi! Chừng có con chắc mẹ dành đồ chơi của con!

Qua một gian hàng thức ăn để bảng bán chả giò, cơm chiên. Chàng nói, Việt Nam là cái chắc. Người đi fair xếp hàng dài trước gian hàng này. Chàng và nàng cũng nối vô cái đuôi đó. Rồi khi nàng đến gần cái quầy, khi biết chắc là người Việt, nàng cười:

− Đắt khách quá hả chị?

Nàng hỏi người thiếu phụ trẻ nhưng bà cụ mau mắn trả lời:

− Nhờ Trời bán khá lắm. Cô cậu ăn thử. Không tính tiền nhé!

− Làm thế sao được cụ. Để tụi cháu trả.

− Ra giúp con cháu. Ở nhà buồn quá. Tôi phụ cuốn mấy trăm cái chả giò kia đấy.

Nàng xuýt xoa:

− Cụ giỏi quá!

Cụ cười:

− Làm cho vui. Ở không hay nghĩ quẩn cô ạ! Cô cậu chưa có cháu nhỏ?

− Dạ chưa, thưa cụ.

− Thảo nào giống như vợ chồng son!

− Không phải đâu cụ!

Nàng sung sướng cải chính.

Hai người rảo bước về bãi đậu xe. Gió ngoài hồ thổi vào bắt đầu lành lạnh, đem theo vài chiếc lá phong vàng cong bay quấn quít. Lên xe, chàng vội quay cửa kính xe lên và nhắc nàng hãy mặc áo ấm vào. Chiều sắp tàn, vầng thái dương kết nhẹ một đường tím hồng ở cuối chân trời. Nắng đã yếu ớt. Bầy hải âu bay liệng kêu éc éc trên nền trời xanh mực. Nàng nhìn theo những cánh chim, và nghĩ bụng, không biết tổ của chúng ở đâu?

Trên đường về, trong lúc lái xe chàng hát, một điệu nhạc vui tươi quen thuộc. Rồi chàng nói nhỏ:

− Lúc em nói về tuổi thơ của em...Anh có nghẹ..

Bây giờ, nàng cũng có nghe nhưng chính nàng lại lặng yên. Nàng hiểu, đi làm, học hành, những lo nghĩ làm chàng lơ đễnh bỏ quên người vợ.

Chàng vói tay qua nàng âu yếm nói:

− Lại ngồi gần anh cho ấm, em!

Nàng nghe lời xít lại gần sát rồi nhè nhẹ ngả đầu trên vai chàng, nghe mùi hơi quen thuộc của chồng. Chàng nắm tay nàng siết chặt, giọng ngọt ngào săn sóc:

− Em lạnh không, để anh vặn heat lên nhé?

Nàng lắc đầu. Bao nhiêu buồn phiền tan biến đi, lòng ấm áp, lúc này nàng chỉ muốn khóc, vì cảm động, vì nàng đang sung sướng hạnh phúc bên chồng.

Linh Vang (Tacoma)