Chương 1

Sáng chủ nhật, sau một hồi ''nướng qua, nướng lại" đến muốn cháy giường, đôi mắt ngái ngủ của Châu Thư mới mở ra nhìn cái đồng hồ trên đầu giường theo thói quen. Lúc nhìn thấy con số tám đang nằm vắt trên chiếc kim lùn tịt, Châu Thư mới ngồi bật dậy. Cô nhảy xuống giường, chạy nhanh ra ngoài:

– Tám giờ rồi, sao mẹ không gọi con dậy?

Vừa la oai oái, Châu Thư vừa chạy vào phòng vệ sinh. Cô nhăn nhó khi thấy mẹ loay hoay dọn dẹp trong bếp:

– Trễ giờ của con mất rồi, mẹ ơi!

Bà An dừng tay, ngạc nhiên:

– Hôm nay chủ nhật mà, chẳng phải con được nghỉ nên mẹ để cho con ngủ!

Châu Thư vội vàng đánh răng rửa mặt, cô trả lời lúng búng lúc kem đánh răng còn trong miệng:

– Con không đến trường, nhưng hôm nay ở toà án có một phiên xử đặc biệt, luật sư bào chữa cho phiên xử này là một luật sư nổi tiếng.

– Vậy con ăn sáng, mẹ làm cho!

Châu Thư xua tay:

– Trễ rồi, con không có thời gian ăn đâu.

– Vội gì thì vội, cũng nên ăn sáng. Cứ bỏ ăn hoài. Buổi ăn sáng rất quan trọng.

– Đến nơi con sẽ mua bánh mì ăn.

Lau mặt xong, Châu Thư chạy vội về phòng thay quần áo. Bà An đi theo, ca cẩm:

– Học với hành, không khéo sẽ loạn trí luôn. Tối qua bảo đến thư viện đến mười giờ đêm mới về. Về nhà không kịp nghỉ, ngồi vào bàn học cho đến gần sáng. Sáng, chưa ăn gì đã lo đi. Đến khi ra trường, làm con cá khô luôn!

– Phải vậy thôi mẹ ơi! Năm nay năm cuối của con rồi, con mà lơ là một tí là rớt như chơi, uổng phí công lao của con và của mẹ nữa.

Đã chải tóc xong, Châu Thư mỉm cười, mang túi xách lên vai, đi lại hôn vào má mẹ mình:

– Mẹ yên trí! Khi con ra trường, con sẽ ăn tấp nập và ngủ nữa. Còn bây giờ con phải đi rồi.

Chạy xuống nhà và ra cửa dắt cái xe thì bánh xe xẹp lép, mặt Châu Thư nhăn như cái bị rách. Có chết không! Cô đang vội, cái xe lại giở chứng!

Dựng xe lại, Châu Thư chạy ra đường. Giờ này xe buýt sắp tới, cô tranh thủ mua ổ bánh mì vậy.

Mua xong ổ bánh mì, xe buýt cũng vừa tới, Châu Thư tranh thủ lên xe. Ngày chủ nhật xe trống, tạm cho cô một chỗ ngồi nghỉ mệt. Tranh thủ, Châu Thư lôi ổ bánh mì ra ăn.

Đang ăn, Châu Thư vội quay đi vì gã ngồi cạnh cô dường như là rất khó chịu vậy.

Châu Thư ăn không còn biết ngon nữa, cô cất vào cặp, lấy khăn giấy lau miệng. Đang lau, cô thấy hắn dường như là ... cười nửa miệng. Châu Thư bực bội ngồi xích ra một chút, nhưng cái khoảng cách cho cô xê người ra có là bao đâu. May là xe đến trạm, Châu Thư đứng lên, xuống xe.

– Châu Thư đợi với!

Khiết Tâm chạy nhanh đến, cô cười khi nhìn thấy Châu Thư. Nụ cười chưa tròn, cô vấp phải hòn đá, không ngã nhưng những giấy tờ trên tay cô rơi hết xuống đất, gió thổi mấy tờ bay đi. Khiết Tâm cuống quít:

– Nhặt phụ tao với!

Châu Thư đánh cúi xuống nhặt phụ, cô cằn nhằn:

– Đã trễ rồi, mày còn vậy nữa!

– Xong rồi.

Khiết Tâm nhặt và xếp lại cho ngay ngắn, cả hai cùng nhanh chân đi vào toà án.

– Lên phía trên tìm chỗ ngồi nghe cho rõ!

– Ừ Có ghế trống sau lưng vị luật sư biện hộ, cả hai cô gái sà vào ngồi.

Trong phòng xử án khá đông người. Tâm hất hàm chỉ Khiết Tâm vào một phụ nữ mang tang trắng, ngồi cùng một bé gái hàng trên:

– Chồng chị ấy đi làm về gặp tai nạn giao thông. Kẻ đụng chồng chị ấy là con trai giám đốc công ty Bình Đạt. Anh ta chẳng bị gì cả, vậy mà còn đòi đi kiện người chết để bắt chị ấy bồi thường, nghe có nghịch không?

Châu Thư “hừ” một tiếng bất mãn:

– Ai xử cho hắn thắng! Hắn phải tù vì gây chết người mới phải chứ!

– Người ta có tiền, thuê cả luật sư giỏi, chị ấy chắc là thua.

– Luật sư nào biện hộ bênh vực cho anh ta, là luật sư đó không có lương tâm.

Khiết Tâm bịt miệng Châu Thư, “suỵt” khẽ:

– Nhỏ thôi! Mày la lớn, bộ muốn bị đuổi ra ngoài hả?

– Nhưng tức và thấy ghét quá!

– Thôi, đừng tức! Tao và mày tới đây là để học hỏi.

– Nhưng tao và mày hãy thề với nhau, sau khi ra trường, là những luật sư có lương tâm.

– Ừ Phiên toà bắt đầu. Khi hội đồng xét xử bước vào, tất cả cùng đứng lên chào, sau đó ngồi yên vị xuống.

Khiết Tâm thì thào:

– Thẩm phán là bà Việt Hà, nổi danh là người phụ nữ thép đấy.

Châu Thư nhìn lên bàn chủ toạ:

– vậy còn luật sư bên kia đâu?

– Ngồi cách tụi mình hai dãy ghế, ông ta từng nổi danh vì có tài thuyết phục bồi thẩm đoàn.

Châu Thư nhìn vị luật sư Khiết Tâm vừa nói, cô ngớ người vì ông ta là gã đàn ông khó chịu, lúc nãy ngồi trên xe buýt cạnh cô. Và hình như biết cô nhìn, ông ta cũng nhìn lại cô. Ông ta còn khá trẻ, phải gọi là “anh ta” mới đúng. Gương mặt nghiêm và giọng nói khá ấm áp, chuẩn mực khi cần nói. Nhìn anh ta, Châu Thư mơ một ngày mình được như anh ta, ngày đó cũng không xa mấy.

Vừa cho xe chạy vào sân nhà và dựng chống xe, mồm của Tuệ Như như còi tu huýt vậy:

– Chị Thư về chưa mẹ?

Đang nấu cơm trưa, bà An lên tiếng:

– Về lâu rồi! Thật là bực bội vì con đi lâu quá .

Tuệ Như bực mình:

– Xe lủng đến ba lỗ, nên mới lâu chứ bộ .

– Cho là vá mười lỗ đi nữa cũng đâu có vá từ sáng sớm cho đến bây giờ?

Tuệ Như nhìn mẹ, cười trừ:

– Mẹ ....sẵn xe con qua nhà bạn một chút mà.

– Một chút? - Bà An vặn lại - Một chút mà cả buổi sáng à? Con đó, chẳng chịu học hành, cứ lo chơi. Xem cái gương của chị con kìa, nó học tối mắt tối mũi.

Tuệ Như xụ mặt:

– Học cũng phải thở chứ mẹ! Con cũng phải giải trí đi chơi, học quá ... có ngày “tẩu hoả nhập ma” đó, mẹ ơi:

Bà An trừng mắt:

– Nói như vậy mà cũng nói được à? Chị Hai của con có bao giờ để mẹ nhắc nhở đâu.

Còn con, lúc nào cũng khiến mẹ phải bận tâm. Con mà rớt năm nay nữa, liệu mà trả lời với ba con.

Tuệ Như nhún vai:

– Không đậu được vào đại học, con không quan trọng. Và lại, “công phu của con ...

non kém quá, con “chiến đấu” đến đâu thì hay đến đó, mẹ nhé!

– Coi chừng cái kiểu nói của con, ăn đòn bây giờ!

Tuệ Như rụt cổ. lười lè ra. Cô quá quen với việc bị mẹ càm ràm, nó giống như một bài trường ca vậy.

Bà An “hừ” một tiếng:

– Mẹ muốn con vào ngành luật sư như chị con vậy.

– Ngành đó khô khan thí mồ, đầu võ mồm có gì hay!

Bà An trở con cá chiên trong chảo nhưng không quên trừng mắt mắng Tuệ Như:

– Làm luật sư là đại diện cho công lý được nghiêm minh, mẹ muốn con đi theo vì đó là chính nghĩa.

– Mẹ nhìn ... phiến diện rồi! Cuộc đời này tiền mua được tất cả, mẹ ơi. Con có nhỏ bạn, ba nó cũng làm luật sư, nó nói ba nó giàu có là nhờ biến trắng thành đen, biến đen thành trắng. Nó biết ba nó thuộc "tà pháí', nhưng nói ra là bị ăn bạt tai. Nó vừa khinh vừa phải gọi bằng “ba”.

Bà An xua tay:

– Đó là chuyện con sâu làm rầu nồi canh, không phải ai làm luật sư cũng xấu:

Với chị Hai con, mẹ tin nó là một luật sư có lương tâm.

Tuệ Như bất mãn:

– Mẹ lúc nào cũng ca tụng chị Hai; đưa chị lên mây, hèn nào kiêu ngạo chịu không nổi!

– Đẹp và học giỏi thì có quyền kiêu ngạo chứ! Con cứ cũng học cho giỏi đi, muốn kiêu ngạo, chẳng ai dám cưòei con.

– Con chẳng ham! Con biết trong mắt mẹ, con là một con vịt xấu xí; còn chị Châu Thư là con thiên nga xinh đẹp.

– Vậy thì con hãy biến vịt con xấu xí thành con thiên nga đi Tuệ Như lạnh lùng:

– Con là con,chị Hai là chị Hai, con không muốn là cái khuôn hay cái bóng của chỉ.

Con sẽ xin đi làm hoặc xin đi hợp tác lao động, nếu năm nay con trượt. Nhưng mẹ cứ tin đi ... con sẽ trượt.

Dứt câu, biết thế nào mẹ cũng nổi giận, Tuệ Như nhanh chân chạy biến đi. Bà An tức giận quát:

– Sao không giỏi đứng lại đây, con vịt con kia!

Đang ở trên gác, ChâuThư hết hồn chạy xuống:

– Có chuyện gì vậy mẹ?

Bà An ra vẻ tức tối:

– Tuệ Như đúng là càng ngày càng cứng đầu mất dạy, nó bảo năm nay nó sẽ thi trượt nữa, nghe có tức không?

Hiểu ra, Châu Thư thở mạnh:

– Mẹ cũng biết nó chán học, năm thứ ba rồi, đậu sao nổi khi chơi nhiều hơn học.

– Mẹ muốn tốt cho nó, nó lại chẳng biết suy nghĩ gì cả. Mẹ muốn nó được một phần của thôi, mẹ cũng đủ vui.

– Nó lớn rồi mẹ ạ, cũng có cách nghĩ của nó. Mẹ muốn nó giống con hay làm theo ý mẹ sao được.

– Thì chẳng qua mẹ lo cho tương lai của nó.

– Mỗi người một ý thích, một suy nghĩ! Cũng như con thì mê làm luật sư và quyết đạt ý nguyện; còn tuệ Như nó thích vẽ, thích kiến trúc, mẹ cứ để cho nó theo ý của nó.

Bà An buồn bực:

– Nó còn bảo sẽ đi làm, hay đi hợp tác lao động nước ngoài nữa đấy.

– Mẹ cứ để nó ghi danh thì vào trường kiến trúc đi, nó thích ngành đó nhất định nó sẽ đậu.

– Vậy sao được! Con gái mà đi ngành đó có mà chết đói. Mà ba con chưa chắc đã chịu.

– Ba có nói với con:

thôi thì tuỳ nó, có ép cũng không được. Kỳ này trước ngày thi, mẹ khao nhỏ đi.

– Khao thì khao, chỉ sợ là lại rớt nữa!

Hai mẹ con chấm dứt câu chuyện. Bà An không vui chút nào. Tuệ Như vẫn là đứa con khiến bà bận tâm.

Vứt cây cọ lên bàn, Tuệ Như nằm chuồi người ra trên nền gạch. Cô là như vậy, không biết máu nghệ sĩ di truyền từ ai nữa, sống phóng khoáng, ghét gò bó kiểu cách.

Lan Chị đi lại, tay cầm lon Coca, cô vừa uống vừa ngấm sản phẩm Tuệ Như mới vừa vẽ.

– Cậu vẽ ai vậy?

– Ba tớ.

– Còn người bên kia?

– Mẹ tớ.

– Ba mẹ cậu, cậu phải vẽ họ bên nhau đầm ấm chứ, ai lại vẽ họ ngoảnh mặt như là “hờn anh giận em” vậy?

– Lúc mới năm, sáu tuổi, mình có cảm giác lơ mờ là cha không yêu mẹ, và có ý nghĩ là ông rất cố gắng sống cho gia đình.

– Đôi khi vợ chồng sống với nhau lâu, chỉ còn cái nghĩa. Già rồi, chẳng lẽ biểu lộ tình yêu cho cậu thấy à?

– Hoàn toàn không phải như cậy vừa nói. Tuy nhiên, mình vẫn xem ba là thần tượng, một người đàn ông của công việc.

Lan Chi mỉm cười:

– Vậy còn mẹ cậu?

– Bà hay mắng mình, nhưng đó là người mẹ hết lòng vì con, vì chồng. Bà quá chu toàn nên đôi khi làm mình khó chịu.

Tuệ Như ngồi dậy, cô giật lon nước trên tay Lan Chi, mắt nhìn ra cửa. Biết ý, Lan Chi cười trêu:

– Mong anh Đại đến à?

– Ừ. Lan Chi! Cậu có cảm giác gì khi đón nhận nụ hôn?

– Chà! Bây giờ lại phân tích tâm lý nữa à?

– Thì nói nghe xem!

– Nếu là người mình yêu, nụ hôn mang đến một cảm giác thật hạnh phúc.

– Mình chưa bao giờ có cảm giác này với anh Đại cả.

– Vậy là cậu chưa yêu.

Tuệ Như bật cười, trút nốt lon nước vào miệng:

– Ừ, có lẽ như vậy. Đôi khi thấy mình cô đơn và muốn chọn đại ai đó.

– Nhưng anh Đại yêu cậu thật lòng.

Tiếng xe đỗ ngoài cửa. Nhìn ra, Lan Chi nheo mắt:

– Phải chi nhắc tiền nhắc bạc mà có ngay há!

Đại dùng chân đá chống xe, xong xuống xe bước vào nhà.

– Chào!

Anh nhìn bức tranh vẽ, phì cười:

– Vẽ tranh gì mất hồn vậy, Tuệ Như?

– Buồn tay vẽ chơi.

Lan Chi châm chọc:

– Thì cậu đâu phải lo cuộc sống. Những gì cậu muốn có như tiền thì ba cậu cho, còn ăn uống, quần áo đã có mẹ, đầy đủ như cậu còn kêu.

Tuệ Như làm thinh, cô không muốn nói với ai về nỗi cô đơn của mình. Ở ngoài nhìn vào, gia đình cô là một gia đình gương mẫu, nhưng cô là người trong cuộc, cô hiểu đó là lớp sơn bên ngoài mà thôi .

Lan Chi vụt cầm cái ví lên:

– Thôi, anh Đại ở chơi nghen! Em đi ra ngoài một chút, kẻo lại làm ... con kỳ đà cản mũi.

Đại nhăn nhó:

– Cái bà này ... nhưng cám ơn sự “hiểu biết” của bà nghen!

Lan Chi nguýt Đại một cái, đi ra cửa lấy xe của Đại phóng đi một đường lả lướt. Cô là tay đua xe số một, nên ngồi lên xe là cứ phóng ào ào.

Lan Chi đi rồi, Đại khép cửa lại, anh ôm lấy Tuệ Như vào lòng.

– Lại mới bị mẹ mắng à?

– Ứ. Bà Năm cạo đầu nếu thi rớt vào luật khoa. Em chẳng thích cái nghề đấu võ mồm đó chút nào.

– Hay tụi mình cưới nhau đi?

– Khỉ thật! - Tuệ Như phát mạnh vào vai Đại - Mẹ em chịu cho em lấy chồng mới lạ.

Với lại, mới mười chín tuổi, em chưa muốn lấy chồng.

– Bộ còn muốn lựa chọn ai ngoài anh hả?

– Ừ.

– Dám “ừ” nữa!

– Sao không ...

Tiếng “không” của Tuệ Như trở thành ú ớ vì đôi môi tham lam của Đại đã ngấu nghiến lấy môi cô. Tuệ Như phụng phịu đẩy ra, nhưng rồi nụ hôn quá nồng nàn khuất phục, cô vòng tay qua cổ Đại và hôn trả lại anh.

Đại nheo mắt thì thầm:

– Vậy mà còn dám nói là chọn người khác, thích làm anh đau tim lắm hả?

– Ừ.

– Ác lắm!

Tuệ Như cười khe khẽ, hai người lại hôn nhau đắm đuối, bàn tay Đại rụt rè rồi đặt lên cồn ngực thanh tân vuốt ve. Bàn tay táo bạo lần vào bên trong lớp áo, Tuệ Như nắm tay Đại giữ lại:

– Không ...

Đại mỉm cười buông Tuệ Như ra:

– Em có biết anh khó chịu như thế nào khi ôm em, hôn mà không được gì cả. Đòi cưới, em lại không chịu.

– Chúng ta còn quá trẻ để cưới nhau, anh không thấy à? Anh và em đều sống nhờ vào gia đình.

– Tiền của ba anh nhiều lắm, anh có phá cũng không hết. Tuệ Như ... cho anh nhìn thân thể em một chút đi.

Tuệ Như đỏ mặt:

– Không! Chúng ta đi chơi ở đâu đi!

– Xe em Lan Chi lấy đi rồi.

Hay anh đàn đi.

– Chẳng thích.

Mắt Đại dữ dội nhìn vào thân thể Tuệ Như:

– Em biết không? Thân thể người phụ nữ là kiệt tác mà tạo hoá ban tặng, bỗng dưng khi được ôm em, anh muốn chiếm hữu em ...

Tuệ Như làm mặt nghiêm:

– Anh còn nói vậy nữa, em sẽ giận anh đó.

– Ừ. Vậy anh sẽ không nói.

Đại chồm tới lấy cây đàn, dạo nhẹ tay lên phím, đó cũng là cách trấn áp tình cảm ở anh. Anh hát nghêu ngao.

Tuệ Như đứng lên:

– Em pha cà phê anh uống nghen!

– Ừ .

– Giận em à?

– Đâu có! Đây chính là điểm khiến anh yêu em và ... mê em nữa.

Tuệ Như nguýt Đại một cái, bỏ đi vào trong. Cô không hiểu mình có yêu Đại không nữa, một đôi lúc muốn tò mò tìm hiểu, sau những nụ hôn đó là gì, ánh mắt Đại dài dại khi ôm cô và hôn cô. Bàn tay anh vuốt ve cơ thể cô và dường như có lửa trong cả hai, nhưng rồi lần nào cũng chính Tuệ Như tỉnh ra, bắt Đại dừng lại.

Có phải vì cô chưa yêu anh? Cô nhớ có một câu nói:

Tình yêu là sự kết hợp giữa tình bạn và tình dục. Nếu tình bạn nặng, đó là mối tình thanh cao; nếu tình dục nặng đó là tình yêu thấp hèn.

Tuệ Như không muốn đi đến đỉnh điểm tình yêu, cô thích tình yêu là dịu nhẹ, trong sáng.

Tuấn Vỹ gần như ngủ gật bện chiếc bánh kem mừng sinh nhật lần thứ mười lăm của mình.

Đã mười một giờ đêm, ba của Vỹ vẫn chưa về. Vỹ đưa tay quệt quanh phần kem màu nâu bên ngoài vỏ bánh, mắt ngó ra cửa, mong ba xuất hiện và nói câu chúc mừng sinh nhật như những sinh nhật đã qua.

Nhưng thời gian cứ chầm chậm qua, nối dài thêm sự chờ đợi và cây kim đồng hồ chỉ đúng mười hai giờ. Tuấn Vỹ tức giận rút những cây nến cắm trên bánh ném ra cửa. Còn mặt bánh, Tuấn Vỹ đấm lên một cái, cái bánh bẹp dúm, kem dính đầy tay Vỹ.

Đúng lúc đó, cánh cửa mở, Tuấn Vỹ giận hờn quay mặt vào, chờ đợi bước chân đến gần sau lưng.

Im lặng ... Và một thân hình ngã uỵch trên nền gạch ... Tuấn Vỹ. quay lại, hoảng hốt, bàn tay dính đầy kem đỡ người ông Long lên:

– Ba ơi! Ba bị sao vầy nè?

Máu loang đẫm ướt người ông Long, ông cố mở mắt ra thều thào:

– Vỹ con hãy đi tìm mẹ, cố tìm mẹ nghe con ...

– Ba ơi! Con đưa ba đi bệnh viện ...

– Không cần đâu con ...

Ông run rẩy cầm tay con trai, đặt vào chiếc nhẫn màu xanh - đó là những gì ông cố gắng để quay về nhà - hai bàn tay vụt buông thõng và hơi thở nấc nhẹ ....

– Ba ơi ...

Tuấn Vỹ gào lên, bàn tay dính đầy bánh kem và máu nữa vừa giữ chiếc nhẫn vừa cố xốc ba nó dậy, nhưng ba nó đã ra đi vĩnh viễn. Tuấn Vỹ gào lên:

– Ba ơi ... đừng bỏ con ...

...

– Vỹ! Lại nằm mơ thấy ác mộng nữa phải không?

Tùng Dương lay mạnh vai Tuấn Vỹ. Tuấn Vỹ mở mắt ra. Thì ra anh mới vừa nằm mơ, một giấc mơ về quá khứ đau thương.

Tuấn Vỹ ngồi dậy, vỗ đầu như cố trấn tĩnh mình:

– Cậu đến hồi nào vậy?

Trùng Dương vừa xếp lại mọi thứ trên bàn, vừa hỏi:

– Đêm qua, anh không về nhà sao?

Tuấn Vỹ đi lại mở tung cửa sổ ra cho ánh sáng lùa vào căn phòng. Một chút gió sớm cho anh tỉnh táo và thấy dễ chịu đôi chút, anh trả lời Trùng Dương:

– Đêm qua tôi phải chuẩn bị tài liệu để sáng nay lên toà vì phiên xử lúc tám giờ. Tôi làm việc mệt quá, gần sáng mới đi ngủ.

– Anh uống cà phê nhé tôi pha cho!

– Ừ.

Tuấn Vỹ vào phòng vệ sinh đánh răng, rửa mặt, xong quay ra. Trùng Dương pha ly cà phê để lên bàn. Anh nhìn cái bàn bề bộn, lắc đầu:

– Anh làm việc như thế này chịu sao nổi. Phải nghĩ đến sức khoẻ của mình một chút chứ!

Tuấn Vỹ gật đầu thú nhận:

– Ừ. Mấy hôm nay tôi thật sự mệt mỏi và mất ngủ liên tục, nhưng tệ hại nhất là những khi cố chợp mắt, tôi lại thường xuyên gặp ắc mộng.

Trùng Dương đưa cho Tuấn Vỹ cái khăn mặt:

– Vậy anh nên đi bác sĩ, trạng thái tinh thần không thoải mái như vậy dễ bị stress lắm.

À, bác sĩ Uyển Lan gọi điện thoại qua, hỏi thăm liên tục về sức khoẻ của anh.

Tuấn Vỹ đón cái khăn lau mặt, khễ nhún vai:

– Tôi có bị gì đâu mà lo không biết! Cô Uyển Lan này chỉ nhiều chuyện!

– Anh còn nói là không có gì, mặt mũi hốc hác bơ phờ ra đó.

Tuấn Vỹ chắt lười.

– Thì tôi đã nói là áp lực công việc mà, chỉ cần thời gian nghỉ ngơi là tôi lại sức liền.

Đưa cái khăn cho Trùng Dương, Tuấn Vỹ ngồi vào bàn, bưng ly cà phê lên uống.

Trùng Dương chưa chịu thua, cố nói:

– Công việc là một lẽ, nhưng tôi thấy cái chính là ký ức của anh có gì bất ổn kìa. Lúc này, để ý thấy anh nhắm mắt ngủ một lát là hét toáng lên, chẳng lẽ giấc mộng năm xưa của anh có gì đó kinh khủng lắm sao?

Tuấn Vỹ lắc đầu:

– Giấc mơ ấy có gì khác xưa đâu. Nhưng chẳng hiểu sao, cứ mỗi lần gặp lại nó trong giấc ngủ thì lại có cảm giác hãi hùng đau đớn như đang trải qua vậy:

hoảng loạn, kinh hoàng ...

– Đã mười năm rồi còn gì nữa, cát bụi về với cát bụi, làm gì có linh hồn nào tồn tại sau khi đã chết. Tại anh nhận quá nhiều vụ kiện nên mới căng thẳng quá đấy.

Tuấn Vỹ nhìn đồng hồ:

– Thôi, sắp đến giờ đi rồi, cậu chuẩn bị giúp tôi. Thắng vụ kiện này đi đã, rồi đấu khẩu tiếp .

Trùng Dương đùa:

– Tôi mà đấu khẩu với anh thì thua là cái chắc.

– Sao lại thiếu tự tin như vậy?

– Không phải thiếu tự tin, mà là tôi tự biết mình kém anh. Thôi thì tự thua vậy.

– Tự thua thì cũng phải tự phạt chứ!

– Đương nhiên rồi. Nhưng trước khi tôi tự phạt, anh nên thực hiện lời hứa đi.

Tuấn Vỹ cau mày:

– Lời hứa gì vậy?

– Anh mau quên quá đi! Hôm trước, anh đã hứa đãi tôi một bữa ăn ...

– Vậy hả!Bữa nào đi!

– Anh lại hẹn nữa, rồi cứ bù đầu vào mấy vụ kiện!

Cả hai nhìn nhau mỉm cười. Văn phòng luật sư của họ nhận quá nhiều vụ kiện, đến thời gian nghỉ ngơi cũng không có, thì chuyện tình cảm lại càng xa vời hơn.

Buổi chiều, sau khi làm xong tất cả mọi việc trong ngày, Tuấn Vỹ vươn vai hỏi:

– Thế nào, có đi ăn không?

Trùng Dương mỉm cười:

– Anh khao, tôi nhất định là phải đi rồi.

– Nhưng bia chỉ uống đúng một chai thôi nhé.

Trùng Dương cười vui vẻ:

– OK. Nhưng kẹo kiệt quá, ông chủ!

– Không chịu thì ... có quyền không đi Trùng Dương đùa:

– Có một ông chủ “hào phóng” như anh chắc có ngày tôi bị phá sản.

Tuấn Vỹ vừa định trả lời thì ...

Cộc ... cộc ... cộc ... Uyển Lan đã đứng ngay cửa vui vẻ:

– Sao, ở đây ai phá sản vậy? Có cần em giúp đỡ gì không?

Tuấn Vỹ chỉ vào Trùng Dương:

– Là cậu ấy! Đòi nợ anh, anh bảo:

được, nhưng một chai bia thôi, nên cậu ấy bảo anh keo kiệt quá, cậu ấy sẽ phá sản.

– Cho em đi với! Em trả tiền bia, Trùng Dương muốn uống một chục lon bia cũng được.

Trùng Dương nhảy cẫng lên, ồn ào:

– Hoàn hô cô Uyển Lan.

Tuấn Vỹ lừ mắt:

– Cậu đừng có ham, uống chừng một chai là mặt đã đỏ lên như gà nòi rồi.

– Anh keo thì có! Bữa nay vừa cãi xong, ai đời lại hào phóng giúp đỡ tiền cho bên bị ....

Uyển Lan tròn mắt:

– Sao vậy, anh Vỹ?

Tuấn Vỹ nhún vai:

– Có gì đâu! Đơn giản là vì tình người thôi. Uyển Lan có đi thì tháp tùng đi luôn.

– Dĩ nhiên là em đi! Lâu lâu được ăn ké, em dại gì không đi.

– Hừ! Cô là kẻ tiền đầy túi, cũng đâu phải người tham ăn.

Uyển Lan cười khanh khách. Dường như hôm nay Tuấn Vỹ đang vui thì phải.

Ba người cùng đi ra xe, cùng đùa ồn ào trong bữa ăn, tình bạn giữa cả ba luôn tốt đẹp.

Ăn xong, Uyển Lan đề nghị:

– Đi uống cà phê nha?

Trùng Dương vỗ bụng:

– No quá rồi, không muốn uống cà phê đâu. Hai người đi với nhau đi, tôi về nhà ...

ngủ.

Tuấn Vỹ mắng:

– Cậu hết tâm hồn ăn uống rồi bây giờ muốn hưởng thụ hả?

– Anh biết tật của tôi mà, ăn no là buồn ngủ.

Rồi chẳng để hai người đồng ý hay không, Trùng Dương lên xe đi thẳng.

Tuấn Vỹ cằn nhằn:

– Thằng quỷ này no bụng là kiếm chỗ “thăng” thôi.

Uyển Lan phì cười:

– Ăn được ngủ được là tiên mà anh. Anh có đi uống cà phê với em không?

– Thì đi! Đi quán nào đây? Anh tuỳ em chọn đó!

Hai chiếc xe chạy song song nhau. Uyển Lan dắt Tuấn Vỹ vào con hẻm nhỏ, ngừng lại ở quán cà phê cuối đường. Cô mỉm cười nhìn Tuấn Vỹ:

– Em bảo đảm anh sẽ thích chỗ này ...

Tuấn Vỹ nhìn quanh:

– Ừ. Quán cuối đường nhưng trông không khí cũng lãng mạn lắm!

Hai người chọn một bàn trong cùng cạnh cây nguyệt quế trổ hoa, mùi thơm ngào ngạt:

Ngồi xuống ghế, gọi cà phê xong, Tuấn Vỹ ra chiều hài lòng:

– Uyển Lan hay đến đây lắm à?

– Thỉnh thoảng em cùng vài người bạn đến đây.

– Có dắt người yêu đến không?

Uyển Lan nguýt Tuấn Vỹ một cái:

– Chưa. Nhưng thường em uống ít cà phê nhiều sữa. Con gái mà, cà phê nóng lại hay làm khó ngủ.

– Anh thì uống cà phê cho tỉnh khi làm việc, nhưng khi mệt là ngủ thẳng cẳng luôn.

– Trùng Dương nói với em, dạo này anh ngủ ít, lại hay mơ thấy ác mộng. Hay ngày mai, anh đến chỗ làm của em đi, em khám cho.

– Thôi đi bác sĩ! Đi chơi, đừng có méo mó nghề nghiệp:

Uyển Lan nhăn mặt:

– Em lo cho anh mà.

– Cám ơn em, nhưng em đừng có tin Trùng Dương, anh không có gì đâu.

– Cứ ngủ là mơ thấy ác mộng mà không chịu đi bác sĩ, anh đúng là lười.

Tuấn Vỹ nhún vai, cười:

– Anh sợ nhất là đi bác sĩ khám, và sợ kim tiêm vào da thịt.

Uyển Lan muốn kêu lên:

"Sợ như vậy thì làm sao em dám yêu anh, và hy vọng chúng mình cưới nhau đây?". Song Uyển Lan chỉ lắc đầu. Cô không muốn tạo áp lực với anh, khi anh quá bận rộn, không có thời gian để có bạn gái nữa.

– Anh Vỹ này! Nghề luật sư bận rộn quá, hay ... anh đổi nghề đi!

Tuấn Vỹ tròn mắt kêu lên:

– Điên hả? Tự dưng đổi nghề. Anh mê nghề này mới quyết tâm theo, hơn nữa anh đang được tin cậy, nhiều vụ án quan trọng, người ta đều tìm đến anh.

– Em thấy anh vất vả quá! Em có người bạn mở công ty cần luật sư cố vấn, công việc tư vấn nhà, hay em giới thiệu cho anh nha?

Tuấn Vỹ lắc đầu:

– Em và anh quen nhau nhiều năm, em không biết tính anh sao?

– Thì biết! Em cũng biết cái chết của dì Nhung khiến anh đau khổ, nhưng không nên vì vậy mà chi biết có công việc.

– Anh sống với dì Nhung từ năm anh mới mười lăm. Mất cha, anh sống dựa vào dì, cho nên dì rất quan trọng với anh. Đúng là anh có đau khổ và hụt hẫng khi dì không còn nữa.

– Nhưng em thấy nghề của anh vất vả quá!

– Thì muốn kiếm tiền phải như vậy chứ.

Uyển Lan chuyển đề tài cho câu chuyện giữa cô và Tuấn Vỹ đỡ căng thẳng:

– Mẹ em sắp về nước rồi.

– Vậy à! Bao giờ?

– Trưa mai, khoảng mười hai giờ.

– Chúc mừng em!

– Chúc mừng cái gì?

– Thì mừng em đoàn tụ với mẹ. Trên đời này có gì sung sướng hơn là sống với mẹ.

Uyển Lan cười buồn:

– Anh nghĩ như vậy à? Ừ, mà cũng phải. Có mẹ hạnh phúc nhất trên đời, nhưng bà về để tìm một người. Nếu không, chưa chắc là đã chịu về Việt Nam đâu. Nhưng mà cũng tốt. Bà muốn mở công ty, nên lúc nãy em định nói sau này anh tư vấn pháp luật cho bà.

– Nếu giúp được, anh sẽ giúp.

Uyển Lan chột ngập ngừng:

– Anh Vỹ! Mình quen nhau lâu rồi, có khi nào ... anh nghĩ đến em không?

Tuấn Vỹ nhíu mày:

– Là sao.

– Anh không nghĩ em yêu anh à? Em đợi anh rất lâu, còn anh thì cứ công việc và công việc.

Tuấn Vỹ lúng túng, anh luôn xem Uyển Lan như người bạn, còn tình yêu, anh chưa bao giờ nghĩ tới, bây giờ bỗng dưng Uyển Lan nói ra, khiến anh không còn tự nhiên nữa.

– Lan à! Anh luôn xem em là bạn thân của anh.

– Bạn thân?

Uyển Lan lặng người trước câu nói của Tuấn Vỹ. Cô ngước lên nhìn anh:

– Có tình bạn giữa một người con trai và một người con gái sao? Hay là anh cho em không xứng với anh?

– Không, anh tôn trọng và thậm chí ngưỡng mộ em. Nhưng trong anh luôn xem em là bạn.

Uyển Lan héo hắt:

– Anh có người yêu rồi, đúng không?

– Không, anh chưa dám nghĩ đến tình yêu thì đúng hơn.

– Tại sao lại không dám nghĩ đến tình yêu?

– Mình chuyển đề tài đi Lan!

– Em thật lòng yêu anh đó, anh Vỹ.

Tuấn Vỹ xua tay gọi phục vụ tính tiền:

– Chúng ta về đi!

Uyển Lan ngồi như hoá đá, một sự từ chối thẳng thừng khiến cô thấy mình bị tổn thương. Cô lắc đầu khi anh nắm cánh tay cô:

– Anh về trước đi, em muốn ngồi một mình.

– Vậy em về sau nhé!

Tuấn Vỹ đi lại quầy trả tiền nước rồi đi ra bãi gởi xe. Uuyển Lan nhìn theo, môi cô bặm lại và nước mắt bắt đầu rơi.

Cô không ngờ Tuấn Vỹ cư xử với cô như thế. Đang vui vẻ, bây giờ lại như thế.

Lẽ ra mình không nên tỏ tình, bây giờ chắc anh không còn muốn gặp cô nữa.

Vừa từ trong trường bước ra, Châu Thư ngạc nhiên khi thấy ông An đón cô trước cổng trường. Vui mừng, cô chạy đến:

– Ba! Ba đi đón con à? Con lại tưởng ba còn công tác ở Vũng Tàu.

Ông An âu yếm choàng tay qua vai con gái:

– Công việc của ba xong rồi, về ngang qua đây, ba đi đón con luôn. Cha con mình đi ăn trưa nha?

– Sao không về nhà hả ba? Mẹ cũng trông ba lắm!

– Ăn cơm xong, ba phải đi Sa Đéc ngay nên có lẽ không kịp ghé qua nhà. Nếu công việc xong, ngày mốt ba mới về nhà.

Châu Thư nhăn mặt:

– Ngày mốt à? Đó là ngày giỗ nội, ba không tranh thủ về sớm, mẹ sẽ giận ba cho coi.

Ông An cười xoà:

– Ba biết rồi. Mẹ con là chúa hay hờn. Bây giờ, con đi ăn với ba nha?

– Đi xe ba, còn xe con thì sao?

– Con để xe ở đây. ăn xong, ba đưa con trở lại lấy xe.

– Dạ.

Hai cha con ra xe. Châu Thư vui thích ngồi cạnh cha, nhưng rồi cô nhăn nhó khi nhìn bộ quần áo mình đang mặc.

– Mình đi ăn ở đâu hả ba?

– Nhà hàng “Mỹ Lệ” Ba gọi điện thoại đặt chỗ rồi.

– Ăn cơm nhà hàng, con ăn mặc như thế này vào nhà hàng, người ta cười cho.

– Cười gì mà cười. Con gái ba lúc nào chẳng xinh.

Châu Thư phụng phịu:

– Mèo khen mèo dài đuôi.

– Không tin con gái ba đẹp à?

– Thì trong mắt người cha, con gái mình đẹp, nhưng người ngoài khen thì con tin hơn là ba khen con.

Ông An phì cười.:

– Con nhỏ này ...

– Ba à! Chừng nào ba về hưu vậy?

– Chi vậy con? Bộ ba già lắm rồi sao?

– Không phải! Tại con muốn ba ở nhà với gia đình nhiều hơn.

– Ba cũng muốn lắm, nhưng vì công việc biết sao bây giờ? Cũng may là mà con luôn thông cảm cho ba.

– Mẹ thông cảm cho ba, ba cũng nghĩ và quan tâm mẹ nhiều hơn một chút, nhé!

– Ba biết rồi!

Ông An vỗ nhẹ lên đầu con gái:

– Con biết lo cho mẹ, ba mừng lắm? Có lẽ vì vậy mà mẹ con thương con hơn Tuệ Như.

– Tại Tuệ Như bướng bỉnh không chịu nghe lời mẹ, đòi đi hợp tác lao động nước ngoài.

– Vậy à!

Đến nhà hàng, hai cha con cùng xuống xe đi vào quán. Nước uống được mang ra trước. Ông An uống một ngụm nước mát, xong lấy khăn lạnh lau mặt .

– Sau chuyến công tác này về nhà, ba sẽ nói chuyện với Tuệ Như. Còn con sao rồi?

Ba tin con mê ngành luật và sẽ là một luật sư giỏi.

Châu Thư mỉm cười:

– Con cũng đang rất cố gắng .

Hai cha con cười vui vẻ. Đang cười, ông An khựng lại. Một đôi mắt chao ông nhớ lại hình ảnh một người trong quá khứ hơn hai mươi năm về trước, ông từng xem người ấy là tất cả của đời mình.

– Ba! Gì vậy ba?

Châu Thư nhìn cha ngạc nhiên. Ông An lắc đầu khoả lấp:

– À! Ba thấy một người, dường như là quen ...

Mắt ông sụp xuống, trong cái ký ức gợi nhớ đến nhói lòng.

Ngẩng lên, người ấy không còn nữa, ông An thấy mình ngẩn ngơ, nuối tiếc. Ông vội đi nhanh ra ngoài, nhưng chỉ có những gương mặt xa lạ.

Châu Thư bước ra theo cha:

– Ba! Phải người quen không ba?

– Không ... Chúng ta trở vào đi!

Hai cha con trở vào. Những thức ăn nóng sốt ngon lành mà mấy phút trước nghe mùi ngào ngạt, ông đã thấy đói, bây giờ lại ăn không ngon.

Có phải em trở về không, Uyển Nghi? Chúng ta xa nhau đúng hai mươi lăm năm, anh vẫn không thể nào quên em, người yêu đầu đời của mình.

– Ba à! Hình như ba ăn không ngon?

Châu Thư băn khoăn nhìn ông An. Ông lắc đầu:

– Không, ba ăn ngon, tại ba có việc phải suy nghĩ.

– Vừa ăn vừa suy nghĩ, thức ăn sẽ ...chậm tiêu lắm đó ba.

Ông An bật cười:

– Vậy hả! Vậy thì ba không suy nghĩ nữa. Ăn nhanh đi con!

– Dạ.

Nhưng trong một thoáng nhận thức Châu Thư vẫn thấy cha mình chìm đắm trong day dứt, suy nghĩ ...