1.

Ban đầu Phi ngỡ họ là hai chị em. Người đờn bà trạc bốn mươi lăm tuổi, hay trẻ hơn cũng nên, nhưng không được có sức khỏe cho lắm nên trông khá già. Bà ta mặc y phục rất đắt tiền, nhưng có vẻ quê, không phải quê theo lối nông dân, nhưng quê như một phụ nữ hạng thường mà học làm sang. Phấn đánh vụng quá, đã không che nổi các đường nhăn, lại còn cứ muốn tróc ra như vảy lác. Bà ta diện nữ trang nhiều quá sức, món nào cũng làm toàn bằng vàng y, khiến trông bà, người ta có cảm giác nhìn một người phụ nữ thiểu số mới làm giàu.
Người đờn ông, trái lại, thì cực kỳ hào hoa phong nhã. Hắn mặc Âu phục vừa sang, vừa có tướng con nhà thể thao. Con người khôi ngô tuấn tú ấy chỉ độ ba mươi là cùng.
Hắn đóng cửa xe rồi nói:
- Chạy một vòng Chợ Lớn, ngõ Hồng Thập Tự và Hùng Vương!
Phi tắt đèn trên mui và trong xe rồi quẹo ra Hồng Thập Tự như lời khách dặn. Họ bắt xe tại góc đường Mạc Đĩnh Chi, cạnh sở Canh nông và đường Hồng Thập Tự nầy.
Anh tài xế tắc xi nghe mùi thuốc Phi-líp và mùi nước hoa đắt tiền thì biết là khách sang. Bấy giờ đã chín giờ rưỡi rồi. Anh nghĩ rằng họ sẽ trở về và cuốc xe nầy ít nhứt cũng đến năm mươi đồng vì chuyến về anh được hưởng giá phụ trội, bởi chừng ấy sẽ quá mười giờ đêm.
Trời mưa lâm râm, đường vắng hoe, nhưng Phi lại nghe vui trong lòng và thấy đời đẹp lắm. Dễ gì mà kiếm được một cuốc xe nửa tờ.
- Em có lạnh không?
Phi ngạc nhiên hết sức, ngạc nhiên đến muốn điên người đi, khi nghe người khách đờn ông xưng hô như vậy với người khách đờn bà.
- Em lạnh muốn chết chớ sao không lạnh!
Anh tài xế khó chịu vô cùng. Những mối tình so le và những câu đàm thoại lộn ngôn luôn luôn làm cho con người đứng đắn bắt ghê tởm.
"Hay là mình lầm" ? Phi tự hỏi như vậy. Có những người đờn bà hoặc vì sinh nở nhiều lần quá, hoặc vì đau ốm liên miên mà phải già trước tuổi. Trái lại có những người đờn ông, cho dẫu cao niên bao nhiêu cũng cứ trông như còn ba mươi mãi. Đây là một cặp vợ chồng như vậy chăng?
Người đờn ông lại nói:
- Áo em ướt hết! Ai dè mưa tro bay sương sương mà lại...
Phi tưởng tượng rằng người chồng đang vuốt áo người vợ và đang xốn xang thấy vợ mình phải lạnh.
Người đờn bà nói bằng giọng nhõng nhẽo:
- Tại anh đó a! Em biểu anh lại nhà rước em, anh cứ bày đặt hẹn nhau ở góc đường...
Phi muốn bật cười, và phải cố nén, tức cả ngực. Vợ già mà cũng nũng nịu thì nghe nó buồn cười làm sao! Anh hình dung cái gương mặt phụng phịu của người đờn bà sau lưng anh, chắc là lố bịch lắm với đôi má hóp của bà ta. Chắc bà ta đang ngả đầu vào ngực chồng như một cô vợ mới cưới và...
Bỗng Phi thừ người ra trong một giây khi anh chợt nhận ra rằng họ không phải là vợ chồng. Phải, vợ chồng gì mà còn nói chuyện "lại nhà rước em" nói chuyện "hẹn nhau ở góc đường"?
"Hừ, - anh tài xế lẩm bẩm - đây là một chàng ma cô dẫn mèo già đi dạo phố mà! Không biết nó đã đập đổ của bà nầy bao nhiêu tiền rồi?".
Anh tưởng tượng con mẹ nọ là góa phụ của một người Hoa kiều, hay của một ông cai phu nào. Chồng của con mẻ mới qua đời hay đã chết từ lâu không rõ, nay con mẻ đến tuổi quá thì nên động xuân trở lại; và vì không sành đời nên mới lọt vào tay tên bợm nầy.
Con mèo già không nhõng nhẽo nữa, mà lại vui cười lên như bị tên bợm cù lét. Rồi hai đứa nó nói với nhau những lời mà người ta chỉ được nghe trong các xóm Bình khang. Rồi chúng nó lại cười, thằng chả cười ha hả, con mẻ cười sặc sụa.
"Ê! Không được đâu hai tổ! - Phi kêu thầm lên trong bụng như vậy. - Không được làm trò khỉ trên xe của tôi!".
Nhưng anh không biết làm thế nào để ngăn cái trò khả ố ấy, vả lại năm mươi đồng là một số tiền đáng kể.
Khi xe chạy tới chợ An Đông, người hành khách đờn ông thấy đèn đường sáng quá nên hô:
- Chạy trở về Sài Gòn, theo các đường tối: Nguyễn Trãi, Võ Tánh, rồi qua bến xe miền Đông, xuống hãng Labbé.
Phi ôm hận vâng lời khách. Trên đường về, khách cười giỡn còn hơn ở chuyến đi nữa.
"Chúng nó sẽ đi xa hơn trò đú đởn ấy hay không?" Anh tài xế tự hỏi và bươi óc để tìm cách đối phó nếu quả họ sẽ bắt tay vào việc sau khi cười giỡn suông.
Anh tài xế nhớ lại một vố xui xẻo khi anh ta mới vào nghề. Đêm ấy cũng vào giờ nầy, một đôi nhơn tình trẻ cũng đi dạo mát trên xe của anh. Họ chỉ rủ rỉ, rù rì chớ không làm ồn, nên anh ta không bực mình và không chú ý cho lắm. Vì thế họ đã phạm mỹ tục trên xe anh mà anh không dè. Đến chừng hay được thì chuyện đã rồi.
Anh phản đối lấy lệ vì họ hoảng hốt, biếu anh một số tiền lớn và cũng vì anh có cảm tình với đôi trai gái xứng đôi vừa lứa ấy.
Nhưng sau đó, suốt tháng, anh cứ bị cảnh sát biên phạt, có khi hai lần trong một ngày, còn khách đi xe thì hiếm như ở sa mạc.
Xui lắm, cái trò khỉ ấy, có đốt pháo và vãi muối cũng không hết xui.
Đối phó bằng cách nào cho khôn khéo đây? Ngừng xe lại rồi gọi cảnh sát thì giản dị quá, nhưng khách sẽ bị bắt còn mình thì mất tiền. Đã vậy, sẽ phải đi làm chứng lôi thôi và rất tốn thì giờ khi nào họ bị đưa ra tòa.
Khi chạy tới bến xe miền Đông thì một tia sáng xẹt qua óc Phi sau khi anh ta nhìn những chiếc xe đò tối om ngủ yên dựa lề đường. Lập tức anh bật đèn trong xe lên. Như thế, bọn nầy sẽ không dám giở trò quỉ ra.
- Sao lại mở đèn? - Người khách đờn ông hỏi bằng giọng sân si.
- Ê, tắt liền đi! - Người ấy lại la lên.
Thấy anh tài xế cứ lầm lì, hắn nổi giận hét:
- Có tắt ngay hay không? Không trả một xu bây giờ!
- Không trả tiền thì đi xuống bót. Tắt hay thắp là quyền của tôi. - Phi cũng nổi đóa nên đáp xẵng như vậy.
Người khách làm thinh giây lát rồi Phi thấy một tờ giấy một trăm từ sau lưng anh chìa tới và nghe những lời sau đây:
- Ê, lấy cái nầy nhẩm xà, rồi tắt đèn đi.
- Ông cứ cất tiền, - Phi đáp, - tôi quyết không tắt.
Bấy giờ xe đã băng ngang qua đại lộ Trần Hưng Đạo đâm vào đường Nguyễn Khấc Nhu đi xuống hãng Labbé như khách đã dặn.
Qua khỏi cây xăng ở góc Au Châlet cũ, con đường tối om như đường nhà quê, không nhà cửa ai hết, trừ cái kho vật liệu của đô thành.
Phi bỗng nghe kêu một cái chảng và đèn trong xe tắt phụt xuống.
"Thằng cha mắc dịch đã đập bể đèn. - Phi nghĩ bụng; - không biết nó đập bằng cái gì. Thây kệ, mình sẽ đòi tiền nó, đòi cho thật mắc giá, nếu nó không chịu đền tiền cây đèn thì mình sẽ lôi nó xuống bót về tội phá hoại và về tội phạm thuần phong mỹ tục."
Xe đã tới ngã tư Nguyễn Khắc Nhu và Cô Bắc. Phi nghe người khách đờn bà kêu lên. Anh ta ngỡ con mẻ bị kiếng đèn bể rơi xuống cắt đứt tay hay sao đó, nên cứ mặc kệ.
Đoạn đường nầy có một dãy nhà tám căn. Khi xe qua khỏi dãy nhà, người khách đờn bà thở è è và giãy giụa thùi thụi trên xe.
Bên nầy đường là hãng Labbé, bên kia đường là kho mủ của sở cao su Phước Hòa. Nơi đây vắng như trước các đình, chùa trong làng. Đèn xa không soi tới đó được.
Phi giựt mình vì tiếng kêu la đang chết trong cổ họng của người đờn bà và vì tiếng động khả nghi trên nệm xe. Lập tức anh ta thắng xe lại rồi hỏi lớn:
- Gì đó?
- Im! - Người khách đờn ông quát nho nhỏ.
Trong ánh sáng lờ mờ, Phi thấy hắn mở cửa xe toan nhảy xuống còn người đờn bà thì đâu mất, chừng như đang nằm trên nệm xe.
Trong giây phút Phi bỗng hiểu cả. Bọn nó không làm gì phạm thuần phong mỹ tục hết nhưng thằng đờn ông là một đứa lưu manh đã bóp cổ bạn để giựt nữ trang hay để trả thù về gì không rõ.
Phi hét lên:
- Không được chạy?
Anh ta nhảy tới định níu tên sát nhân lại thì liền bị một vố trên đầu như thiên lôi giáng. Anh lảo đảo giây phút rồi ngã ra trên hông xe. Anh không ngất đi, nhưng cũng không tỉnh hắn. Anh thấy lờ mờ tên sát nhân chạy xuống phía đường Cô Giang.
Phi ôm đầu và tay anh chạm phải một thứ nước nóng và lầy nhầy, khiến anh càng hoảng hơn nữa. Không biết nó đã đánh anh bằng gì mà đến đỗi đổ máu như thế nầy, và vết thương không biết cạn hay sâu.
Tuy nhiên anh cũng cố quên mình giây lát để xem thử người đờn bà có làm sao hay không. Anh loạng choạng bước hai bước thì tới cánh cửa xe đang mở.
Người đờn bà nằm ngửa trên băng sau, hai đầu gối co lại, Phi kêu lên hai tiếng, không nghe đáp, nên anh lấy tay sờ thử. Tay anh chạm phải trán của bà ta. Da bà còn ấm, nhưng anh lay đầu bà mấy cái, nghe thấy cái cổ hơi cứng thì anh đề là bà ta đã chết.
Khổ ơi là khổ. Tên sát nhân đã tẩu thoát không để dấu vết nào lại cả thì biết ăn làm sao nói làm sao với nhà chức trách bây giờ?
Mình có bị thương. Nhưng không thoát được nhờ vết thương ấy đâu mà mong hão. Ngộ như người ta bảo mình làm bộ, tự đập đầu sau khi giết người cướp của thì sao?
Nghĩ tới đó, Phi kinh sợ đến cực độ. Anh sẽ bị thẩm tra, không nhận tội thì sẽ có thể bị ngược đãi, còn nhận liều để yên thân thì sẽ rụng đầu.
Viễn ảnh bị hành hình, trong giây phút, làm cho anh không còn hồn vía nào hết. Anh rút tay ra khỏi xe rồi đâm đầu chạy bay đi.
Nhưng Phi nghe còn choáng váng nên anh chạy như người say rượu, qua được một thôi đường anh mới vững người và vững trí trở lại.
Trong lúc kinh sợ, anh không định chạy đến nơi nào cả. Nhưng khi đã định thần lại thì anh chợt nhận ra rằng anh chạy trên đường Cô Bắc ra hướng Sài Gòn. Có lẽ tiềm thức anh giục anh chạy đến bót quận nhì để tri hô hoặc chạy ra nhà thương cứu cấp đô thành cũng nên.
Phi chạy thật lẹ, đến góc đường thì quẹo tay trái vào đại lộ Nguyễn Thái Học.
Vào con đường lớn nầy bỗng nhiên anh nghe cái gì kỳ lạ quá trong người anh.
Đây chỉ là đại lộ Nguyễn Thái Học thôi, cũng như trăm ngàn con phố khác mà anh qua mỗi ngày. Nhưng kỳ dị thay, anh có cảm giác như là quen thuộc với con đường nầy lắm, quen hơn những đường khác rất nhiều.
Phi nhìn tả nhìn hữu thì trong lòng nghe rằng đây là một nơi thân yêu lắm. Những gốc cây, những dãy nhà như là đã thân thuộc với anh đâu từ kiếp tiền thân của anh.
Anh thấy rõ rằng cái cảm giác lẩn lút ấy có một căn cứ chắc chắn, chớ không phải là ảo tưởng. Nhưng lúc bấy giờ ký ức của anh như bị một sự bất lực của tinh thần kềm cương lại, không cho anh nhớ rõ cái gì.
Những kỷ niệm mà ký ức toan xô ra đó, đang bị chôn sâu trong tiềm thức của anh. Trong giây phút những kỷ niệm ấy linh đinh vừa muốn trồi lên, nhưng trí nhớ của anh còn yếu quá nên nó lại hụp lặn rồi chìm luôn.
Mưa bắt đầu nặng hột, nhưng Phi lại nghe khát nước muốn rát cổ, vì chạy mệt mà cũng vì máu ra nhiều.
Anh tài xế bị thương chậm bước lại và vô tình nhìn bên trái một lần nữa. Trong giây phút anh ngây người và dừng chân hẳn lại.
Bất kể mưa, ướt cả đầu cổ và y phục, anh lặng nhìn trân trân một hiệu buôn khá to kia, nó choán đến ba căn phố. Bóng đèn chong ngoài cửa hiệu leo lét soi tấm bảng hiệu nền trắng chữ đỏ trông rất quen.
Kỷ niệm lại bắt đầu trỗi trở lên rồi lại hụp xuống y như là một kẻ đang chết đuối. Phi cố tâm chụp để vớt nó, nhưng không thành công.
Anh chắc chắn trong bụng là đang nối lại sợi dây đứt của một giấc mơ cũ nào. Trong giây phút, cái vực sâu mà dĩ vãng của anh đang chôn vùi trong đó hình như hé mở sau mười mấy năm khép kín lại. Và anh thoáng thấy một viễn ảnh qua lẹ như chớp nhoáng. Nhưng rồi bóng tối của trí nhớ của anh hoàn toàn dầy đặc trở lại và mọi việc đều bị xóa nhòa.
Đây không phải là lần đầu tiên mà anh có cảm giác đó. Tia chớp lẩn lút ấy đã lóe ra đôi lần khi anh chạy xe ngang qua xóm nầy từ rạp Nguyễn Văn Hảo đến trường tiểu học Trương Minh Ký.
Bỗng anh kêu lên một tiếng kinh dị: tên hiệu buôn trên tấm bảng mà anh vừa đọc, thình lình nhắc anh tất cả mọi việc đã qua.
Đây là hiệu buôn Thần Tốc chuyên nhập cảng xe gắn máy. Và anh không phải là Nguyễn Văn Phi tài xế tắc xi mà là Ngô Văn Sở chủ nhân của hiệu buôn nầy.
Không, anh không phải là công nhân túng thiếu, mà là một chủ nhân giàu có và được thương giới tín nhiệm nhờ buôn bán thật thà.
Chắc chắn một trăm phần trăm, không thể lầm được.
Phải, anh là Ngô Văn Sở, từ ông Hộ cho đến ông Chủ tịch hội đình Cầu Quan ở xóm nầy không ai là không thân với anh.
Tâm trí Phi, bắt đầu từ mối nhợ đầu dây là cái tên Ngô Văn Sở ấy, đi lần về thuở trước, lôi ngược thời gian cho đến một khi kia...